Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần Xc

Chiến tranh và hòa bình - Phần Xc
Chương 27 
Nhiều sử gia nói rằng quân Pháp không thắng trận Borodino vì Napoléon sổ mũi, chứ giả sử hôm ấy ông ta không bị sổ mũi thì những mệnh lệnh của ông ta trước và trong trận này sẽ còn thiên tài hơn nữa, và nước Nga sẽ diệt vong, và bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi [223]. Đối với những sử gia quan niệm rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của một cá nhân là Piotr Đại chế, còn nước Pháp từ một nước Cộng hòa đã thành một đế quốc và quân Pháp tiến vào nước Nga đều là do ý chí của cá nhân là Napoléon thì cái lối suy luận cho rằng sở dĩ nước Nga còn hùng cường chỉ vì ngày hai mươi sáu Napoléon bị sổ mũi nặng, đối với hạng sử gia này, lối suy luận như vậy là hoàn toàn nhất quán và tất yếu. Nếu việc mở hay không mở trận Borodino chỉ phụ thuộc vào ý muốn của ông ta thì dĩ nhiên bệnh sổ mũi có tác dụng đối với sự biểu hiện ý chí của ông ta có thể là nguyên nhân để cứu vãn nước Nga; vậy thì các anh chàng hầu phòng nào đấy đã quên không đưa cho Napoléon đôi ủng không thấm nước chính là vị cứu tinh của nước Nga. Một quá trình lý luận như vậy nhất định phải đưa đến một kết luận như vậy, điều đó không thể nghi ngờ gì được, cũng như không thể ngờ vực cái kết luận của Volter trong khi bông đùa (ông ta cũng không biết mình đùa cợt cái gì) nói rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy [224] đã xảy ra là do Charles IX bị đầy bụng. Nhưng đối với những người không thừa nhận rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của những cá nhân Piotr đệ nhất, và đế chế Pháp đã hình thành cũng như cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra không phải do ý chí của cá nhân Napoléon, thì lối lý luận này không những sai lạc, phi lý mà còn trái với tất cả bán chất của con người. Đối với vấn đề cái gì làm thành nguyên nhân của các biến cố lịch sử có một cách giải đáp khác, nói rằng sự diễn biến của biến cố trên thế giới là do thiên định, nó lệ thuộc vào sự xuất hiện đồng thời của tất cả những ý chí tự do của những con người tham dự vào những biến cố ấy. ảnh hưởng của Napoléon đối với quá trình diễn biến này chỉ là một ảnh hưởng bề ngoài và hư ảo. Nếu giả thiết rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy do Charles IX ra lệnh không phải xảy ra do ý muốn của ông ta, mà chẳng qua là ông tưởng chính mình đã ra lệnh thôi, thì thoạt mới nghe cũng có vẻ kỳ quặc thật, cũng như cho rằng vụ tám vạn người ở Borodino đã xảy ra không phải do ý muốn của Napoléon (mặc dù ông ta đã ra lệnh khai hỏa và đã ra nhiều mệnh lệnh khác trong trận đánh) mà chẳng qua là ông ta tưởng mình đã ra lệnh. Nhưng dù giả thiết này có kỳ quặc đến đâu đi nữa, lòng tự trọng của con người cũng mách bảo chúng ta rằng bất kỳ người nào trong chúng ta cũng đều là người như Napoléon đại đế, và nếu không hơn ông ta về tính người thì ít nhất cũng không kém ông ta chút nào về phương diện đó, và do đó, nó bắt buộc chúng ta chấp nhận cách giải quyết vấn đề đó như thế, và không thiếu gì những công trình nghiên cứu lịch sử khăng định giả thiết này. Trong trận Borodino, Napoléon không bắn một phát súng nào và không giết ai hết. Tất cả những việc bắn giết đều do quân lính của ông ta làm. Thế nghĩa là không phải ông ta đã giết người. Binh sĩ trong quân đội Pháp biết binh sĩ Nga trong trận Borodino không phải theo mệnh lệnh của Napoléon và theo ý muốn của bản thân họ. Toàn thể đạo quân gồm những người Pháp, người Ý, người Đức, người Ba Lan, đói rách, mệt mỏi vì những cuộc hành quân, đứng trước một đạo quân chặn đường không cho họ vào Moskva, và cảm thấy rằng rượu đã rót ra thì phải uống. Nếu lúc bấy giờ Napoléon ngăn cản họ không cho họ đánh nhau với quân Nga, thì họ sẽ giết Napoléon để đánh nhau với quân Nga bởi vì họ không thể nào làm khác được. Khi họ nghe nhật lệnh của Napoléon hứa hẹn rằng để đền bồi cho những thương tích và cho cái chết của họ, hậu thế sẽ nói họ đã có mặt trong trận địa chiến đấu dưới chân thành Moskva, họ liền hô: “Hoàng đế vạn tuế” cũng hệt như họ đã hô “Hoàng đế vạn tuế” khi nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ cầm cái gậy nhỏ xuyên qua quả địa cầu, cũng hệt như họ đã hô “Hoàng đế vạn tuế” khi nghe bất kỳ câu nói vô nghĩa nào mà người ta nói với họ. Họ không còn biết làm gì hơn là hô “hoàng đế vạn tuế” và đi chiến đấu để có được thức ăn và chỗ nghỉ ở Moskva dành cho những người thắng trận. Do đó họ giết đồng loại của họ không phải vì có lệnh của Napoléon. Mà Napoléon cũng không hề chỉ huy quá trình diễn biến của trận đánh, bởi vì trong tất cả những mệnh lệnh của ông ta, không mệnh lệnh nào được thực hiện, và trong thời gian chiến đấu, ông không hề biết trận đánh diễn ra như thế nào. Thành thử, ngay đến cách những người kia giết lẫn nhau như thế nào cũng không tuỳ thuộc ý muốn của Napoléon, mà tuỳ thuộc ý muốn của hàng chực vạn con người đã tham dự trận chiến đấu. Chẳng qua Napoléon tưởng rằng sự việc đã xảy ra ý muốn của mình. Cho nên, vấn đề Napoléon hôm đó có sổ mũi hay không đối với lịch sử không có gì quan trọng hơn bệnh sổ mũi của người lính mạt hạng trong đội vận tải. Vả chăng các sử gia hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng do bệnh sổ mũi của Napoléon ngày hai mươi sáu, nên trong khi chiến đấu ông ta không đưa ra một kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh có hiệu lực như trước kia. Kế hoạch tác chiến nói trên không hề thua kém mà còn hay hơn tất cả những kế hoạch trước đã làm cho ông ta thắng trận. Những mệnh lệnh tưởng tượng đã ban bố lúc chiến đấu cũng không thua kém gì những mệnh lệnh trước kia, nó cũng y như hệt như những mệnh lệnh khác của Napoléon từ trước tới nay. Nhưng kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh này thua kém những trận trước chính vì trận Borodino là trận đầu tiên mà Napoléon không thắng. Tất cả những kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất và sâu sắc nhất bao giờ cũng đều có vẻ sai lầm khi trận đánh không giành được thắng lợi, và bất cứ chuyên gia quân sự nào cũng phê phán nó với một giọng văn quan trọng và đầy ý nghĩa. Trái lại, những kế hoạch kém nhất sẽ đâm ra có vẻ rất hay ho khi người ta đã giành được thắng lợi, và những người rất đứng đắn sẽ viết ra hàng pho sách để chứng minh giá trị của nó. Kế hoạch tác chiến do Vairother thảo ra ở Austerlix là mẫu mực hoàn hảo của loại này, thế mà người ta vẫn phê phán nó, phê phán chính vì nó hoàn chỉnh, chính vì nó có nhiều chi tiết tỉ mỉ quá. Ở Borodino, Napoléon đã làm nhiệm vụ của người đại diện cho quyền lực một cách cũng đúng đắn và còn khá hơn ở các trận khác. Ông không làm điều gì có hại đến sự diễn biến của trận đánh. Ông nghe theo những ý kiến hợp nhất. Ông không làm rối công việc không tự mâu thuẫn với mình, không kinh hoàng, không bỏ chiến trường mà chạy và với sự khôn khéo và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của ông, ông sẽ đóng vai trò của người tổng chỉ huy hư vị một cách điềm nhiên và trang trọng. Chương 28 Sau khi đã quan sát trận chiến lần thứ hai một cách chu đáo Napoléon quay trở về và nói: - Quân cờ đã bày xong, ngày mai ván cờ sẽ bắt đầu. Ông sai rót rượu Punch, và sau khi gọi De Boxe, ông bắt đầu nói chuyện với y về Paris, về một vài điều thay đổi mà ông định thực hiện ở trong cung của hoàng hậu, ông làm cho viên quản đốc hoàng cung ngạc nhiên về trí nhớ của ông đối với tất cả các chi tiết nhỏ nhặt trong các quan hệ ở cung đình. Ông ân cần hỏi han những điều vụn vặt, giễu cợt cái hứng thú du lịch của De Boxe và nói chuyện một cách thư nhàn như một nhà phẫu thuật trứ danh tự tin, am hiểu công việc của mình khi xắn ống tay áo và khoác tạp dề, trong lúc người ta buộc bệnh nhân vào bàn mổ. “Công việc đã ở trong tay và trong óc của ta rồi, rõ ràng và cụ thể. Khi nào cần phải bắt tay vào làm là ta làm, và không ai làm được như ta, còn bây giờ ta có thể đùa cợt, và ta càng đùa cợt và càng điềm tĩnh bao nhiêu thì các người càng phải tin tưởng, càng phải yên tâm và càng phải kinh ngạc vì thiên tài của ta bấy nhiêu”. Sau khi uống cạn cốc rượu Punch thứ hai, Napoléon đi nghỉ để lấy sức mà làm cái công việc quan trọng đang chờ đợi ông ngày mai - ông tưởng thế. - Nhưng ông quá bận tâm đến cái công việc sắp tới ấy nên không sao ngủ được, và mặc dầu khí ẩm ban đêm làm cho chứng sổ mũi nặng thêm, lúc ba giờ đêm ông vừa xì mũi vừa bước vào gian phòng lớn trong doanh trướng. Ông hỏi xem quân Nga đã rút lui hay chưa. Người ta trả lời rằng những đám lửa của quân địch vẫn ở nguyên vị trí cũ. Ông gật đầu tỏ ý hài lòng. Viên sĩ quan trực nhật bước vào trướng. Ông quay về phía Rapp hỏi: - Này Rapp, ông có cho rằng hôm nay công việc của chúng ta sẽ tốt lành hay không? - Tâu bệ hạ, chẳng phải nghi ngờ gì nữa! Napoléon đưa mắt nhìn ông ta. - Tâu bệ hạ, bệ hạ có nhớ ở Smolensk bệ hạ đã có lòng nói với tôi - Rapp nói, - Rượu đã rót ra thì phải uống không ạ? Napoléon cau mày, hai tay ôm lấy đầu, ngồi im lặng hồi lâu. Đột nhiên ông nói: - Cái đạo quân khốn khổ này đã bị giảm bớt đi nhiều từ trận Smolensk. Vận đỏ thật như một con đĩ, ông Rapp ạ! Xưa nay tôi vẫn nói thế nào và nay tôi bắt đầu nhận thấy thế. Nhưng này, ông Rapp, còn đội cận vệ thì sao, đội cận vệ vẫn nguyên vẹn đấy chứ? - ông ta hỏi. - Tâu bệ hạ, vâng ạ! - Rapp nói. Napoléon lấy một viên kẹo bạc hà bỏ vào miệng rồi nhìn đồng hồ. Ông ta không muốn ngủ, mặc dù còn lâu nữa mới sáng, còn để giết thì giờ thì hiện nay chẳng có việc gì làm: tất cả các mệnh lệnh đều đã được ban bố và đang được thi hành. - Đã phát bánh mì khô là gạo cho các trung đoàn cận vệ chưa? - Napoléon hỏi, giọng nghiêm khắc. - Tâu bệ hạ, đã ạ! - Nhưng còn gạo? Rapp trả lời là đã truyền đạt mệnh lệnh của hoàng đế về việc phát gạo. Nhưng Napoléon lắc đầu có vẻ không thỏa mãn, hình như không tin rằng những mệnh lệnh của mình đã được thi hành. Một người hầu mang rượu Punch vào, Napoléon bảo đem thêm một cái cốc cho Rapp rồi tự mình nhấp từng ngụm nhỏ. - Ta chẳng còn biết mùi vị gì nữa - Ông vừa nói vừa ngửi cái cốc - Cái bệnh sổ mũi này làm ta bực cả mình. Người ta cứ nói chuyện thuốc men, nhưng thuốc với men gì mà chẳng chữa được bệnh sổ mũi? Covizar đưa cho ta mấy viên kẹo bạc hà này nhưng chẳng ăn thua gì cả. Kẹo này thì chữa được cái gì? Không thể nào chữa được bệnh. Cơ thể chúng ta là một cái máy để sống. Nó được tổ chức để làm điều đó, bản chất nó là như thế, cứ để cuộc sống trong cơ thể được yên ổn, cứ để cho nó tự bảo vệ thì nó sẽ có nhiều tác dụng hơn là tống đủ thuốc vào làm cho nó tê liệt. Cơ thể chúng ta như một cái đồng hồ tuyệt diệu, phải chạy trong một thời gian nhất định, người thợ không có khả năng mở nó ra được, anh ta chỉ có thể xử lý nó một cách mò mẫm, hai mắt bị bịt kín. Cơ thể chúng ta là một bộ máy để sống, chỉ có thế thôi! Và dường như đã có đà trên con đường đi tìm những định nghĩa, définitions, vốn là một môn ông ta rất thích, ông chợt đưa ra một định nghĩa mới, ông nói: - Này ông Rapp! Ông có biết nghệ thuật quân sự là gì không? - Nghệ thuật quân sự là phải làm sao cho mạnh hơn kẻ địch trong một giây phút nhất định - chỉ có thế thôi!
Rapp không đáp. - Ngày mai chúng ta sẽ chạm trán với Kutuzov - Napoléon nói - Rồi sẽ xem! Ông còn nhớ ở Braonao ông ta cầm quân mà trong ba tuần lễ có lần nào cưỡi ngựa đi quan sát công sự không? Rồi sẽ xem! Ông đưa mắt xem đồng hồ. Chỉ mới bốn giờ sáng, ông không buồn ngủ, cốc rượu Punch đã uống hết và ông vẫn không có việc gì làm. Ông đứng dậy đi đi lại lại, mặc áo đuôi én, đội mũ rồi bước ra khỏi trướng. Đêm hôm ấy tối tăm và ẩm thấp, một làn sương ẩm buông xuống, mịn đến nỗi giác quan hầu như không cảm thụ được. Những đám lửa trạị gần đáy, nơi bố trí của quân cấm vệ Pháp, tỏa sáng mờ mờ, và xa xa, qua làn khói, có những ánh lửa trại lập lòe dọc theo trận tuyến quân Nga. Bốn phía đều im phăng phắc, và có thể nghe rõ tiếng bước chân và tiếng thì thào của những đạo quân Pháp đã xuất phát để chiếm lĩnh vị trí. Napoléon đi đi lại lại trước trướng, nhìn những ánh lửa, lắng nghe tiếng chân bước, ông ta qua mặt một vệ binh cao lớn đội mũ lông cáo đang đứng canh ở cạnh trướng. Trông thấy hoàng đế, người vệ binh đứng nghiêm im lìm trông như một cột trụ đen. Napoléon đứng lại trước mặt anh ta. - Nhập ngũ từ năm nào? - Ông hỏi với cái giọng làm ra bộ thô kệch võ biền nhưng âu yếm mà bao giờ ông cũng dùng để nói với binh sĩ. Người lính trả lời. - A! một tay kỳ cựu. Trong trung đoàn đã phát gạo chưa? - Tâu bệ hạ, đã ạ! Napoléon gật đầu và bỏ đi. Lúc năm giờ rưỡi, Napoléon lên ngược đến làng Sevardino. Trời bắt đầu sáng, bầu trời quang dần, ở phương đông chỉ còn một đám mây đơn độc. Những bếp lửa bỏ lại đang lụi dần trong ánh sáng yếu ớt của ban mai. Bên phải vang lên một tiếng đại bác đơn độc, tiếng vọng lan đi rồi tắt hẳn trong cảnh tĩnh mịch chung. Mấy phút trôi qua. Một tiếng súng thứ hai, rồi tiếng thứ ba vang lên làm không khí chấn động. Tiếng thứ tư, thứ năm vang lên ở gần đâu đây về phía bên phải, nghe rất trang trọng. Âm vang của những tiếng nổ đầu tiên chưa dứt thì những tiếng khác đã tiếp theo mãi và hòa lẫn vào nhau. Napoléon cùng đoàn tuỳ tùng đến cứ điểm Sevardino và xuống ngựa. Ván cờ bắt đầu.
Chương 29 Sau khi từ giã công tước Andrey về Gorki, Piotr dặn người mã phu chuẩn bị ngựa sẵn sàng và đánh thức chàng dậy thật sớm, rồi chàng nằm sát trong cái góc nhỏ mà Boris đã nhường cho chàng sau bức vách và lập tức ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, khi Piotr tỉnh dậy, thì trong nhà không còn ai nữa. Những tấm kính, những cánh cửa sổ nhỏ rung lên tanh tách. Người mã phu đứng bên cạnh đang cố lay chàng dậy. - Thưa ngài, thưa ngài… - Người mã phu, mắt không nhìn Piotr, cứ kiên trì gọi đi gọi lại, đồng thời nắm lấy vai chàng mà lay, hẳn là đã hết hy vọng, không còn mong thức chàng dậy được nữa. - Thế nào? Đã bắt đầu rồi à? Đến giờ rồi à? - Piotr tỉnh dậy nói. - Ngài không nghe tiếng đại bác đấy sao? - Người mã phu nguyên là một cựu binh, nói - Các ông ấy và điện hạ cũng đều lên ngựa đi từ lâu rồi. Piotr vội vàng mặc áo và chạy ra thềm. Ngoài sân, trời sáng sủa, tươi mát, vui vẻ và ướt đẫm hơi sương. Mặt trời vừa ló ra khỏi mấy dám mây. Những tia nắng bị mây che lấp một nửa lướt trên những mái nhà bên kia đường, hắt xuống lớp bụi đường phủ sương móc, rọi xuống những bức tường, những ô cửa khoét trên hàng rào và những con ngựa của Piotr đang đứng cạnh nhà. Đứng giữa sân, tiếng đại bác gầm nghe càng rõ. Ngoài đường một sĩ quan phụ tá cưỡi ngựa phóng nước kiệu qua, theo sau là một người cô-dắc, ông ta kêu lên: - Đến giờ rồi! Bá tước! Đến giờ rồi! Piotr bảo dắt ngựa theo sau, rồi đi vào con đường dẫn lên ngọn đồi nơi hôm qua chàng đã đứng nhìn bãi chiến trường. Trên ngọn đồi thấp có một tốp quân nhân; có thể nghe xì xồ những câu tiếng Pháp của bọn sĩ quan tham mưu vì thấy mái đầu bạc của Kutuzov hiện ra dưới chiếc mũ bình thiên trắng vàng đỏ với cái gáy lút vào trong đôi vai. Kutuzov đang bắc ống nhòm nhìn về con đường cái phía trước. Sau khi leo các bậc cấp lên đỉnh đồi, Piotr đưa mắt nhìn về phía trước, và cái quang cảnh tráng lệ mở ra trước mắt chàng làm chàng ngây ngất. Đây vẫn là bức toàn cảnh hôm qua chàng đã ngắm. Nhưng bây giờ, khắp nơi đã đầy những đơn vị quân đội và những đám khói súng. Mặt trời rực rỡ đang lên dần ở sau lưng chàng về phía bên trái, hắt những tia nắng chênh chếch xuống bầu không khí trong trẻo của buổi ban mai làm thành một thứ ánh sáng màu vàng diệp phơn phớt hồng với những dải bóng rợp chạy thành những vệt dài. Ở cuối bức toàn cảnh hiện lên những cánh rừng xa xa trông như khắc bằng một thứ ngọc thạch màu lá mạ đỉnh rừng vẽ thành một con đường cong nhấp nhô ở chân trời, và giữa những cánh rừng, phía sau là Valuyevo, là con đường cái Smolensk vạch thành một con đường sắc nét, trên đường chật mch ngững quân lính. Gần hơn, lấp lánh những cánh đồng vàng chói và những lùm cây. Ở khắp nơi, trước mặt, bên phải, bên trái, đâu đâu cũng thấy quân đội. Quang cảnh thật là sinh động, hùng tráng và bất ngờ; nhưng điều làm cho Piotr ngạc nhiên hơn cả là quang cảnh của chính bãi chiến trường, quang cảnh của Borodino và của thung lũng hai bên bờ sông Kolotsa. Trên sông Kolotsa và ở hai bên làng Borodino, nhất là ở bên trái, nơi con sông Voina đổ vào sông Kolotsa giữa đôi bờ lầy lội, một đám sương mù đang bắt đầu tan, loãnng dần và bốc hơi khi mặt trời rực rỡ xuất hiện, tô vẽ và trang hoàng cho toàn bộ quang cảnh thấp thoáng sau màn sương đượm một vẻ kỳ ảo thần tiên. Khói súng lại hòa lẫn vào lớp sương này, và những tia nắng ban mai xuyên qua lớp sương mù và khói, lấp lánh khắp nơi, trên mặt nước, trên lớp sương móc, trên lưỡi lê của binh sĩ đang kéo đi từng đoàn ở hai bên bờ sông và ven làng Borodino. Qua màn sương mù này có thể thấy thấp thoáng ngôi nhà thờ trắng xóa, và đây là những mái nhà ở làng Borodino, kia là những đội quân dày đặc, và ở một nơi khác là những cỗ xe chở đạn sơn màu xanh lá cây và những khẩu pháo. Và tất cả đều đi động hay có vẻ như đang đi động, vì sương mù và khói bao phủ khắp khoảng đất ấy. Ở những nơi đất trũng gần Borodino, kéo đi từng đoàn cũng như xung quanh dầy cao hơn một ít và nhất là ở bên trái, dọc theo suốt chiến tuyến, trên những khu rừng, trên những cánh đồng, dưới các thung lũng, trên các ngọn đồi, đâu đâu cũng có những làn khói súng liên tiếp xuất hiện hầu như một cách tự phát, từ hư không, khi thì lẻ tẻ, khi thì tập trung, khi thì cách quãng, khi thì liên tiếp, và những làn khói này lan ra, lớn lên, quyện vào nhau bay khắp chiến trường. Những làn khói súng này và, kể cũng lạ, cả những tiếng súng kèm theo nữa làm nên vẻ đẹp chính của quang cảnh. “Phụt!” - Đột nhiên hiện lên một đám khói tròn, dày đặc, óng ánh màu tim tím, ngả sang màu xam xám rồi màu sữa, và sau đó một giây, lại nghe tiếng “bùm” từ làn khói này vọng lên. “Phụt, phụt!” - Hai đám khói nổi lên xô vào nhau, quyện vào nhau, và “bùm! bùm!” - Tiếng nổ xác nhận hai phát đạn mà mắt vừa trông thấy. Piotr ngoảnh lại nhìn làn khói thứ nhất mà lúc chàng rời mắt nhìn đi nơi khác thì tròn và dày đặc như một quả bóng; bây giờ nó đã nhường chỗ cho những cái vòng kéo dài về một phía, rồi “phụt” và một lát sau lại “phụt, phụt”: lại xuất hiện ba, rồi bốn đám khói, và cứ thế, sau mỗi đám, lại nghe những tiếng “bùm bùm” vọng lại, cách nhau đều đặn nghe hùng dũng, rắn rỏi, chính xác. Đôi khi có cảm tưởng như những đám khói này đang lướt đi, nhưng đôi khi hình như nó đứng yên, còn những cánh đồng và lưỡi lê sáng quắc thì chạy qua những đám khói đó. Ở phía trái, dọc theo những cánh đồng và những bụi rậm, luôn luôn nở ra những đám khói lớn như thế kèm theo những tiếng dội trang nghiêm của nó, trong khi ở gần hơn, ở những nơi đất trũng và những cánh rừng, phụt lên những đám khói nhỏ của súng trường chưa kịp cuộn tròn lại nhưng cũng có những tiếng dội nhỏ vang lên: “Đoành, đoành, đoành!”, tiếng súng trường nổ nhanh nhưng không đều và có vẻ nghèo nàn so với tiếng đại bác. Piotr muốn có mặt ở những nơi đám khói đang bốc lên, những lưỡi lê đang lấp lánh, giữa sự đi động và những tiếng huyên náo. Chàng đưa mặt nhìn Kutuzov và đoàn tuỳ tùng của ông để so sánh những ấn tượng của người khác. Cũng như chàng, ai nấy đều ngắm cảnh chiến trường trước mặt, và hình như đều có một cảm giác như nhau. Trên tất cả các khuôn mặt bây giờ đang bừng lên cái tiềm nhiệt (chaleur Latente) của cái cảm xúc mà hồi hôm qua Piotr đã thể nghiệm và hoàn toàn hiểu rõ sau khi nói chuyện với công tước Andrey. - Ông đi đi, đi đi, Chúa Cơ đốc phù hộ ông - Kutuzov, mắt không rời khỏi chiến trường, nói với viên tướng đứng cạnh ông ta. Sau khi nghe lệnh viên tướng này vượt qua mặt Piotr đi xuống đồi. - Tiến về phía cầu! - viên tướng nói, lạnh lùng và nghiêm trang, để trả lời một sĩ quan tham mưu hỏi ông ta đi đâu. “Ta cũng đi, ta cũng đi” - Piotr nghĩ thầm, và bước sau viên tướng. Viên tướng nhảy lên mình con ngựa và một người cô-dắc vừa dắc đến cho ông ta. Piotr đến cạnh người mà phu của chàng bây giờ đang nắm cương mấy con ngựa. Chàng hỏi xem con nào lành nhất, đoạn tay nắm lấy bờm, thúc gót giày vào bụng ngựa. Chàng cảm thấy cặp kính đang tụt xuống, nhưng vì chàng không thể nào buông bờm và cương ngựa nên dành cứ thế cho ngựa chạy theo viên tướng, khiến bọn sĩ quan tham mưu đứng trên đồi nhìn chàng đều phải mỉm cười.
Chương 30 Viên tướng mà Piotr giục ngựa chạy theo, khi xuống đến chân đồi đột ngột rẽ sang bên phải, và Piotr mất hút bóng ông ta. Ngựa chàng chạy vào giữa những hàng bộ binh đang đi trước mặt; chàng cố gắng tìm cách họ, khi thì tiến về phía trước, khi thì quay sang bên phải, bên trái nhưng đâu đâu cũng thấy toàn là binh sĩ với những bộ mặt tư lự như nhau dáng băn khoăn nghĩ đến một cái gì vô hình nhưng rõ ràng là quan trọng. Tất cả đều nhìn cái anh chàng to béo đội mũ trắng kia với một nỗi băn khoăn và khó chịu như nhau, không hiểu tại sao anh ta lại đề ngựa xô đấy họ. Một người quát chàng. - Cưỡi ngựa gì mà lại đi vào giữa tiểu đoàn người ta như thế này? Một người khác lấy báng súng thúc vào con ngựa của chàng. Piotr bám chặt lấy yên nhưng không sao giữ cho con ngựa khỏi hoảng sợ. Nó chạy vụt qua các binh sĩ và đến một nơi rộng thoáng. Trước mặt chàng là một cái cầu và bên cạnh cầu là một toán lính khác đang bắn. Piotr cưỡi ngựa đi về phía họ. Chàng không ngờ mình đã đến sát cái cầu, vắt ngang sông Kototsa ở giữa Gorki và Borodino, cái cầu mà quân Pháp tấn công trong trận giao chiến thứ nhất sau khi chiếm được làng Borodino. Piotr thấy trước mặt có một cái cầu và ở hai đầu cầu cũng như ở trên đồng cỏ giữa những dãy rạ đã cắt mà hôm qua chàng đã để ý nhìn, có những người lính đang làm gì đó ở trong đám khói; nhưng mặc dầu ở đấy tiếng súng trường bắn dồn dập không ngớt, chàng vẫn không hề nghĩ rằng đây chính là chiến trường. Chàng không nghe thấy tiếng đạn súng trường ríu rít ở khắp nơi và tiếng những quả tạc đạn bay qua đầu chàng, chàng không thấy quân địch ở bên kia sông và một hồi lâu vẫn không trông thấy những người bị thương và tử trận, tuy ở cạnh chàng có nhiều người đã gục xuống. Chàng đưa mắt nhìn quanh, nụ cười vẫn thấp thoáng trên gương mặt. Bỗng lại có người quát chàng: - Bố kia sao lại cưỡi ngựa ở trên tuyến quân thế hả? - Đi sang bên trái, đi sang bên phải - có mấy người khác quát bảo chàng. Piotr đi sang bên trái thì gặp ngay một viên sĩ quan phụ tá của tướng Raievxki mà chàng có quen. Viên sĩ quan phụ tá này nhìn Piotr hằm hằm, hẳn là ông ta cũng toan quát mắng, nhưng nhận ra Piotr ông ta liền gật đầu chào. - Sao ông lại ở đây? - viên sĩ quan nói đoạn lại thúc ngựa phóng đi. Piotr cảm thấy mình ở đây thật là không phải chỗ, là vô ích, đồng thời lại sợ mình làm vướng người nào chăng, nên cho ngựa chạy theo viên sĩ quan phụ tá. - Ở đây phải không? Tôi đi với ông được không? - chàng hỏi. Chốc nữa, chốc nữa đã. - Viên sĩ quan phụ tá đáp đoạn cho ngựa chạy đến chỗ viên đại tá to béo đứng ở giữa đồng cỏ, truyền đạt một mệnh lệnh gì đấy cho ông ta, rồi lại cho ngựa chạy về phía Piotr. - Bá tước đến đây làm gì thế? - Ông ta mỉm cười hỏi chàng. - Bá tước tò mò muốn xem cho biết à? - Vâng! Vâng! - Piotr nói. Nhưng viên sĩ quan phụ tá đã quay ngựa đi. - Ở đây kể ra còn khá đấy - Viên sĩ quan phụ tá nói - Chứ ở cánh bên trái, nơi ông Bagration thì thật là vô cùng khốc liệt. - Thế à? Ở đâu? - Piotr hỏi. - Ông cứ đi với tôi lên ngọn đồi này, ở chỗ chúng tôi có thể em rõ. Trong trận địa pháo chúng tôi thì vẫn còn chưa đến nỗi - viên sĩ quan phụ tá nói - Thế nào, ông đi chứ? - Vâng, tôi theo ông - Piotr nói và đưa mắt nhìn quanh tìm người mã phu của mình. Lúc bấy giờ lần đầu tiên, Piotr mới trông thấy thương binh, người thì đang lê chân bước, người thì được khiêng trên cáng. Trên cánh đồng cỏ mà hôm qua chàng đã đi qua, với những đống rơm thơm phức xếp thành hàng, một người lính nằm sóng soài, im lìm, đầu gục xuống một cách lỳ quặc, chiếc mũ sa-cô lẫn trong đất. - Còn người này, tại sao họ không khiêng đi? - Piotr toan hỏi, nhưng trông thấy vẻ mặt nghiêm nghị của viên sĩ quan phụ tá đang đưa mắt nhìn cũng về phía ấy, chàng lại im bặt. Piotr không tìm thấy người mã phu của chàng đâu nữa. Cùng với viên sĩ quan phụ tá, chàng đi dọc theo chỗ đất trũng đưa đến ngọn đồi Raievxki. Con ngựa của Piotr tụt lại sau không theo kịp viên sĩ quan phụ tá; nó chạy khập khiễng khiến chàng cứ bị lắc lư đều đều trên lưng. - Chắc là bá tước không quen cưỡi ngựa? - Viên sĩ quan phụ tá hỏi. - Không, cũng cưỡi được, nhưng không hiểu sao con này chạy xóc quá Piotr nói, vẻ băn khoăn. - Ơ kìa, nó bị thương rồi - viên sĩ quan phụ tá nói - đấy ở chân trước, bên phải phía trên đầu gối ấy. Chắc là bị vướng phải đạn rồi. - Xin có lời mừng bá tước; thế là đã nếm mùi lửa đạn rồi đấy! Sau khi vượt qua quân đoàn sâu ngập trong khói súng sau lưng đội pháo binh vừa được điều ra phía trước và bấy giờ đang nã súng bắn rát đạn nổ váng óc, họ đến một cánh rừng nhỏ. Trong rừng mát mẻ, tĩnh mịch và phảng phất hương vị mùa thu. Piotr và viên sĩ quan phụ tá xuống ngựa và đi lên đồi. - Tướng quân ở đây phải không? - Viên sĩ quan phụ tá hỏi trong khi lên gần đỉnh đồi. - Ông ta vừa mới ở đây, nhưng đã đi về phía kia, - một người nào đấy trả lời tay chỉ về bên phải. Viên sĩ quan phụ tá quay lại nhìn Piotr, dường như không biết bây giờ nên xử trí với chàng ra sao. Ông cứ yên tâm - Piotr nói, - tôi lên đồi được chứ? - Được ông cứ đi đi. Đứng đấy ông sẽ thấy tất cả. Không nguy hiểm lắm đâu. Tôi sẽ ghé lại tìm ông. Piotr đi về phía trận địa pháo, còn viên sĩ quan phụ tá thì đi thẳng. Hai người không gặp nhau nữa, và mãi về sau Piotr mới được tin viên sĩ quan phụ tá ngày hôm ấy đã mất một cánh tay. Ngọn đồi Piotr trèo lên chính là ngọn đồi nổi tiếng (về sau quân đội Nga gọi nó là trận địa pháo trên đồi hay là trận địa pháo Raievxki, còn quân đội Pháp thì gọi nó là hỏa điểm lớn, hỏa điểm oan nghiệt, hỏa điểm trung tâm, nơi mà quân Pháp cho là điểm trọng yếu nhất của trận địa và quanh đấy hàng vạn người đã gục xuống. Hỏa điểm này gồm có một ngọn đồi. Ở ba mặt có đào chiến hào. Ở trong hỏa điểm có chiến hào bao bọc, mười khẩu pháo bắn qua những lỗ châu mai khoét trên chiến luỹ. Thẳng hàng với đỉnh đồi, hai bên có hai dãy đại bác cũng đang bắn không ngớt. Ở phía sau các khẩu pháo có những đơn vị bộ binh. Khi lên đồi, Piotr tuyệt nhiên không hề nghĩ rằng ngọn đồi này với một vài chiến hào nhỏ, trong đó có mấy khẩu pháo đang bắn ra, là điểm quan trọng nhất trong trận đấu. Trái lại, vì chàng đang ở đấy, nên Piotr có cảm tưởng đó là một trong những vị trí ít quan trọng nhất. Lên đến đỉnh đồi, Piotr ngồi xuống ở chỗ cuối chiến hào bao quanh trận địa pháo, đưa mát nhìn quanh xem người ta đang làm gì, môi bất giác nở một nụ cười hớn hở. Chốc chốc chàng lại đứng lên, môi vẫn mỉm cười và đi đi lại lại trên trận địa pháo, cố gắng không làm vướng chân những người lính đang nạp đạn, đẩy pháo hoặc mang túi thuốc súng chạy đi chạy lại không ngớt trước mắt chàng. Những khẩu pháo trên trận địa kế tiếp nhau bắn liên hồi, tiếng nổ váng óc, khói thuốc súng tỏa ra mù mịt cả một vùng chung quanh. Trái với cái không khí rờn rợn phảng phất trong đội bộ binh yểm hộ, ở đây, trên trận địa pháo, nơi chỉ có một số người ít ỏi đang bận rộn, lại bị một chiến hào ngăn cách với bên ngoài, ai nấy đều phấn chấn như nhau, một niềm phấn chấn bao trùm lấy mọi người như trong khung cảnh một gia đình vậy. Cái bóng dáng không có chút gì là nhà binh của Piotr, với chiếc mũ trắng, khi mới xuất hiện đã làm cho những người này ngạc nhiên một cách khó chịu. Những người lính đi qua trước mặt chàng đều liếc mắt nhìn dáng vóc chàng, ngcạc nhiên và thậm chí hãi nữa. Viên sĩ quan pháo binh chỉ huy trận địa thân hình cao lớn, mặt rỗ, đôi chân dài lêu nghêu, giả bộ đến quan sát xem khẩu pháo ở đằng cuối hoạt động để lại gần Piotr và tò mò nhìn chàng. Một sĩ quan khác trẻ măng, người nhỏ nhắn: khuôn mặt tròn trĩnh, hẳn là vừa mới ra khỏi trường võ bị đang say sưa chỉ huy hai khẩu pháo của anh ta, nói với Piotr, giọng nghiêm khác: - Này ông, ông làm ơn tránh đi cho. Ở đây không được đâu. Binh sĩ nhìn Piotr lắc đầu tỏ ý không tán thành. Nhưng khi mọi người đã thấy rõ rằng cái anh chàng đội mũ trắng kia không làm việc gì có hại, trái lại, vẫn ngồi yên trên mép chiến hào hay kính cẩn tránh ra một bên cho họ đi, miệng mỉm cười bẽn lẽn, khi thấy anh chàng đi trên trận địa pháo, dưới là mưa đạn mà cứ điềm nhiên như đi trên đường phố, thì lúc bấy giờ cảm giác ngỡ ngàng và ác cảm đối với chàng lúc đầu dần dần chuyển thành một mối đồng cảm thân mật có pha chút bông đùa, giống như tình cảm của những binh sĩ đối với những con vật họ nuôi: những con chó, những con gà trống, những con dê và nói chung là những con vật cùng ở với họ trong đơn vị. Những người lính ở trận địa pháo này đã mặc nhiên tiếp nhận Piotr vào gia đình của họ và đặt cho chàng một cái tên đùa. Họ gọi chàng là “Ông lớn nhà ta” và lấy làm một đề tài để đùa bỡn thân mật với nhau. Một quả tạc đạn rơi xuống cày tung đất lên cách Piotr hai bước, Piotr vừa phủi những mảnh đất bắn vào quần áo, vừa mỉm cười đưa mắt nhìn chung quanh. - Này, sao ông lớn không sợ hở? - Một người lính vai rộng, mặt đỏ nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng vững chắc trắng nhởn. - Còn anh, anh có sợ đâu nào? - Piotr hỏi. - Sợ chứ… - Người lính đáp - Nó có chừa ai đâu. Nó mà nện trúng thì bộ ruột đi đứt. Không sợ sao được. - Anh ta vừa nói vừa cười ha hả. Một vài người lính khác dừng lại cạnh Piotr, vẻ mặt vui vẻ trìu mến. Hình như họ không ngờ rằng chàng cũng nói năng chẳng khác gì mọi người, và sự phát hiện này làm cho họ khoái chí lắm. - Nhưng cái nghề con nhà lính chúng ta thì đã đành như thế. Chứ như ông lớn thì lạ thật. Ông lớn kia chứ! - Về chỗ! - Viên sĩ quan trẻ tuổi quát những người lính đang xúm xít quanh Piotr. Hẳn là viên sĩ quan trẻ tuổi này mới làm nhiệm vụ lần đầu hay lần thứ hai gì đấy, nên nói năng với binh sĩ và với cấp chỉ huy một cách đặc biệt nghiêm túc và có quy củ. Hỏa lực đại bác và súng trường mỗi lúc một dồn dập trên khắp chiến trường, nhất là bên trái, nới có các công sự hình mũi tên của Bagration. Nhưng ở chỗ Piotr đứng thì khói che khuất hết, hầu như không nhìn thấy gì. Vả chăng tất cả sự chú ý của Piotr nay đều tập chung vào cái khóm nhỏ những người ở trong trận địa pháo, giống như một thứ gia đình tách biệt với tất cả những người khác. Bây giờ, nhất là sau khi trông thấy người lính nằm một mình trên bãi cỏ, những tình cảm khác đã thay thế cái cảm giác phấn trấn vui vẻ hồn nhiên lúc ban đầu khi mới trông thấy trận địa và nghe những tiếng súng chiến trường. Bây giờ, ngồi trên bờ dốc của chiến hào, chàng chăm chú quan sát những người ở xung quanh. Vào khoảng mười giờ, người ta dã mang ra khỏi trận địa pháo hai mươi người; hai khẩu pháo đã bị bắn hỏng, những quả tạc đạn rơi xuống trận địa pháo ngày càng thấp, và những viên đạn rít lên, kêu vù vù, mỗi lúc một nhiều thêm. Nhưng binh sĩ trong trận địa pháo hấu như không để ý đến điều đó. Đâu đâu cũng vang lên những tiếng nói, những tiếng bông đùa rôm rả. - Đạn nổ đấy. - Một người lính kêu lên khi quả tạc đạn vù vù bay đến. - Không phải đến đây đâu! Đến với bọn bộ binh kia! - Một người khác cười lớn nói thêm khi thấy tạc đạn đã bay qua đầu họ và rơi vào đội ngũ quân yểm hộ. - Chỗ quen biết của cậu đấy à? - Một người lính khác cười rộ nói với người nông dân tản đạn đang cúi rạp xuống khi quả tạc đạn bay qua. Mấy người lính tụ tập ở bên cạnh ụ đất để nhìn xem phía trước có những gì. Họ rời tiền tiêu đi rồi, thấy không họ chuyển ra phía sau rơi. - Mấy người lính vừa nói vừa giơ tay chỉ sang bên kia ụ đất. - Ai lo việc lấy - Một viên hạ sĩ quan già quát lên bảo họ lui là vì họ có nhiệm vụ ở phía sau. - Đoạn viên hạ sĩ quan nắm lấy vai một người lính, co gối thúc vào người anh ta. Có tiếng cười rộ. Ở một bên có tiếng quát - Kéo khẩu pháo thứ năm lên! - Dô ta, kéo nào, kéo cho đều nào như kéo thuyền ấy nhé - Tiếng reo hò vui vẻ của những người kéo pháo vang lên. - Ấy suýt nữa cho nó xơi mất cái mũ của ông lớn nhà ta - Anh lính mặt đỏ ưa pha trò nhe răng ra cười với Piotr - Chà, quả này hỏng thật! - Anh ta nói thêm, giọng trách móc, khi thấy một quả tạc đạn rơi trúng vào bánh xe và chân một người lính. - Đồ chồn cáo! - Một người khác cười phá lên khi thấy mấy anh dân quân lom khom bước vào trận địa pháo để khiêng anh thương binh ra - Ớn lắm rồi phỏng? - Bọn quạ này hết vía rồi! - Họ hò hét khi thấy dân quân ngần ngại trước người lính gãy một chân. - Ôi thôi thôi, tội nghiệp chưa! - Các bố binh sĩ nhại mấy người nông dân - Các bố không thích các nghề này rồi. Piotr nhìn thấy sau mỗi quả tạc đạn rơi xuống, sau mỗi sự tổn thất thì tâm trạng phấn khích chung lại càng tăng. Trên tất cả các gương mặt, ngọn lửa bấy lâu giữ kín!rong lòng bỗng bừng lên đường như để trả lời những công việc đang xảy ra thành những tia chớp mỗi lúc một mau thêm, mỗi lúc một sáng thêm giống như những tia chớp lóe ra từ một đám mây đen giông tố đang ùn ùn kéo đến. Piotr không nhìn bãi chiến trường trước mặt, không khí ở đó có những gì. Tâm trí chàng bị thu hút vào ngọn lửa kia đang bùng cháy càng ngày càng mãnh liệt, và cảm thấy nó đang hừng hực ngay ở trong lòng mình. Đến mười giờ, các đơn vị bộ binh ở trong các bụi rậm trước trận địa pháo và dọc theo sông Kamenka rút lui. Đứng trên trận địa pháo có thể thấy họ chạy dạt về phía sau, dùng súng trường làm cáng khiêng những người bị thương. Có một viên tướng đi lên đối với một đoàn tuỳ tùng và sau khi nói mấy câu với viên đại tá, ông ta nhìn Piotr với vẻ giận dữ, rồi lại đi xuống, ra lệnh cho bộ binh yểm hộ đang đứng dồn sau trận địa pháo phải nằm dạt xuống cho đỡ thương vong. Sau đó tiếng trống nổi lên trong hàng ngũ bộ binh ở trận địa pháo, rồi tiếng hô mệnh lệnh và từng hàng bộ binh tiến về phía trước. Piotr nhìn sang bên kia ụ đất. Một khuôn mặt đặc biệt đập vào mắt chàng. Đó là một viên sĩ quan trẻ tuổi, mặt tái nhợt, đang đi thụt lùi, thanh kiếm tụt hẳn xuống, mắt lo lắng nhìn quanh. Những hàng bộ binh khuất vào trong đám khói; người ta nghe thấy họ reo hò kéo dài và tiếng súng trường bắn liên hồi. Vài phút sau thấy đám người bị thương và người khiêng cáng từ đấy kéo ra. Trên trận địa pháo, tạc đạn bắt đầu rơi dồn dập hơn trước. Có mấy người nằm sóng sượt giữa đất không ai mang đi. Cạnh mấy khẩu đại bác, các pháo thủ lại càng hoạt động khẩn trương hơn và hưng phấn hơn. Chẳng còn ai để ý đến Piotr nữa. Đã hai lần người ta giận dữ quát chàng vì chàng đứng trước giữa lối đi. Viên sĩ quan chỉ huy, vẻ mặt hầm hầm bước từng bước dài và nhanh từ khẩu pháo này sang khẩu khác. Viên sĩ quan trẻ tuổi, mặt càng đỏ hơn, quay lại, nạp đạn và làm nhiệm vụ một cách khẩn trương. Họ vừa đi vừa giật nảy lên như có lò xo. Đám mây giông tố đã kéo đến, và trên tất cả các gương mặt đều hừng hực ngọn lửa mà Piotr đã theo dõi sự phát triển. Chàng đứng cạnh viên sĩ quan chỉ huy. Viên sĩ quan trẻ tuổi giơ tay lên vành mũ chạy đến trước mặt viên chỉ huy. - Xin báo cáo đại tá, chỉ còn tám quả tạc đạn. Có bắn nốt không ạ? - Đạn ria! - Viên chỉ huy không đáp, chỉ quát lên như vậy và đưa mắt nhìn qua chiến luỹ. Đột nhiên có một cái gì xảy ra, viên sĩ quan trẻ tuổi kêu lên một tiếng, rồi gập người ngồi phịch xuống đất như một con chim bị đạn trong khi đang bay. Trước mắt Piotr, mọi vật đều trở nên lạ lùng, hỗn tạp và tối tăm. Hết quả này đến quả khác đạn đại bác vù vù bay đến, rơi vào ụ đất vào binh sĩ, vào những khẩu pháo. Piotr nãy giờ không nghe thấy những tiếng ấy, thì bây giờ lại chỉ nghe rặt có những tiếng ấy mà thôi. Ở bên phải trận địa pháo, binh sĩ vừa hô “Ura!” vừa chạy lùi về phía sau chứ không phải tiến về phía trước - Piotr có cảm giác như vậy. Mỗi quả tạc đạn rơi trúng vào chiến luỹ, gần chỗ Piotr đứng, làm đất cát bắn lên phủ đầy người chàng; trước mặt chàng một quả cầu đen sì bay vút qua, và ngay sau đó rơi vào đầu một vật gì mềm nhũn. Dân quân đã tiến vào trận địa pháo, bỗng chạy lùi lại. - Toàn pháo đội nạp đạn ria! Viên đại tá quát lên. Một viên sĩ quan hớt hải chạy đến cạnh ông ta và thì thầm báo cáo với ông là đạn đã bắn hết, vẻ lo sợ như một người chủ thiện đang giữa bữa tiệc mà phải báo cho ông chủ là nhà đã hết rượu. - Quân kẻ cướp, làm ăn như thế này à? -, viên sĩ quan quát lớn, người quay về phía Piotr. Mặt ông ta đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, đôi mày ông ta cau lại, cặp mắt long lên sáng quắc. Ông giận dữ đưa mắt gườm gườm nhìn Piotr từ đầu đến chân rồi quay sang bảo mọi người lính - Chạy sang đội hậu bị lấy mấy hòm đạn đưa lại đây ngay! - Để tôi đi lấy cho - Piotr nói - Tôi đi cho! Viên đại tá không đáp, bước từng bước dài bỏ đi nơi khác. - Đừng bắn. Hãy đợi đã! - Ông ta ra lệnh. Người pháo thủ được lệnh chạy đi lấy tạc đạn vấp phải Piotr. - Kìa ông lớn, đây không phải là chỗ của ông đâu. - Anh ta vừa nói vừa chạy xuống đồi. Piotr chạy theo sau người lính, vòng qua chỗ viên sĩ quan trẻ tuổi gục xuống. Một, hai, rồi ba quả tạc đạn bay qua đầu chàng, rơi trước mặt, ở bên cạnh, ở phía sau lưng. Piotr chạy xuống đồi. “Mình chạy đi đâu thế nay?”. Chàng bỗng sực nhớ khi đã chạy đến gần những chiếc xe hòm chở đạn sơn xanh. Chàng dừng lại phân vân không biết nên quay lại hay tiến về phía trước. Đột nhiên một sự trấn động kinh khủng hất chàng về phía trước; chàng ngã lăn ra đất. Ngay lúc ấy ngọn lửa chói lòa hắt vào mặt chàng và đồng thời là một tiếng sấm vang dội và một tiếng rít xé tai. Khi đã hoàn hồn, Piotr thấy mình đang ngồi chống hai tay xuống đất. Chiếc hòm chớ đạn vừa thấy bên cạnh chàng bây giờ đã biến đi đâu mất: chỉ còn những mảnh ván sơn xanh bị cháy trụi, một con ngựa kéo cái càng xe gãy vụt chạy đi; trong khi một con ngựa khác cũng ngã lăn xuống đất như Piotr, hí lên những tiếng hí dài nhức óc.
Chương 31 Piotr hoảng sợ cuống cuồng, nhảy chồm dậy và chạy về phía trận địa pháo, dường như có thể đó là nơi trú ẩn duy nhất chống lại tất cả những cảnh tượng kinh khủng đang vây quanh chàng. Bước vào chiến hào, chàng nhận thấy trong trận địa, chàng nhận thấy trong trận địa pháo không có tiếng súng, trái lại người ta đang làm những gì gì ở đấy không rõ. Chàng không kịp suy nghĩ xem những người này là ai, họ đang làm gì, chàng nhìn thấy viên đại tá chỉ huy quay lưng về phía chàng, nằm vắt người qua chiến luỹ hình như đang nhìn một cái gì ở phía dưới; chàng chỉ còn thấy một người lính đang giãy giụa để vung ra khỏi những người đang giữ chặt cánh tay anh ta, miệng gào lên “Anh em ơi!” và còn thấy những điều kỳ lạ khác nữa. Nhưng chàng chưa kịp hiểu ra rằng viên đại tá bị tử thương và người lính kêu “Anh em ơi?” đã bị bắt làm tù binh, thì trước mắt chàng một người lính khác đã bị một mũi lê đâm suốt lưng. Chàng vừa bước vào chiến hào, thì một người mặc quân phục màu lam gầy gò, nước da vàng vọt, mặt ướt đẫm mồ hôi, tay lăm lăm thanh kiếm, chạy xổ về phía chàng, miệng thốt lên một tiếng gì không rõ. Trong khi chạy lao vào nhau, hai người văn không trông thấy nhau. Để khỏi bị va mạnh. Piotr bất giác giơ tay ra nắm lấy người kia (đó là một sĩ quan Pháp), một tay nắm lấy vai, một tay chẹn cổ hắn. Viên sĩ quan buông rơi thanh kiếm, túm lấy cổ áo Piotr. Trong vài giây, hai người hoảng hốt nhìn vào mặt nhau, và cả hai cùng ngơ ngác không biết mình đã làm gì và cần phải làm gì. Cả hai cùng nghĩ bụng: “Ta bắt nó làm tù binh, hay nó bắt ta làm tù binh?”. Nhưng hiển nhiên là viên sĩ quan Pháp thiên về ý nghĩ thứ hai, bởi vì bàn tay lực lưỡng của Piotr trong khi hoảng sợ đã bất giác bóp cổ hắn mỗi lúc một chặt. Người Pháp đang ú ớ toan nói một câu gì thì bỗng một quả tạc đạn bay sát trên đầu họ, tiếng rít nghe rợn cả người, và Piotr tưởng đầu viên sĩ quan Pháp đã bay mất, vì hắn cúi xuống nhanh quá. Piotr cũng cúi xuống và buông tay ra. Không còn nghĩ đến chuyện ai bắt ai làm tù binh, người Pháp chạy lùi về phía trận địa pháo, còn Piotr thì chạy xuống đồi, chân vấp phải những xác chết và những người bị thương, và chàng có cảm giác như họ cứ bíu lấy chân mình. Nhưng chàng không kịp chạy xuống chân đồi thì một đám lính Nga dày đặc đã xông lên, vừa chạy, vừa ngã, vừa chen nhau, vừa hò hét, ồn ào vui vẻ lao về phía trận địa pháo. (Đó là cuộc tấn công mà sau này Yermolov tự gán cho mình, nói rằng phải dũng cảm và may mắn như ông ta thì mới có thể thực hiện được một chiến công như thế, và trong cuộc tấn công này, nghe đâu ông ta đã tung lên đồi từng vốc huân chương chữ thập George mà ông có sẵn trong túi, để thưởng công quân sĩ). Quân Pháp sau khi chiếm được trận địa pháo lại bỏ chạy. Quân ta hô “Ura!” và đuổi theo quân Pháp, vượt xa trận địa pháo đến nỗi phải khó khăn lắm mới giữ họ lại được. Người ta đem tù binh từ trận địa pháo xuống, trong số này có một viên tướng Pháp bị thương; các sĩ quan của ta xúm xít quanh y. Một đoàn thương binh gồm cả người Nga lẫn người Pháp, trong đó có người Piotr biết mặt, có người không, mặt mày biến dạng đi vì đau đớn đang từ trên trận địa pháo xuống: người thì lê đi, người thì được khiêng trên cáng. Piotr lại lên đồi, nơi chàng đã đứng hơn một tiếng đồng hồ nhưng không tìm thấy người nào ở trong cái gia đình nhỏ đã tiếp nhận chàng, ở đấy có nhiều người chết mà chàng không quen biết, nhưng cũng có người mà chàng nhận ra, viên sĩ quan trẻ tuổi vẫn còn trong vũng máu bên cạnh u đất, người vẫn gập lại như hồi nãy. Người lính mặt đỏ còn giãy giụa, nhưng họ vẫn chưa khiêng anh ta đi. Piotr chạy xuống đồi. “Thôi! Bây giờ thì họ sẽ ngừng tay lại, bây giờ họ sẽ kinh hãi trước việc họ đã làm?” Piotr nghĩ thầm trong khi thẫn thờ nhìn theo những người khiêng cáng từ chiến trường về. Nhưng mặt trời bị khói che mờ vẫn còn cao, và ở phía trước, nhất là ở bên trái về phía làng Xemenovxkoye trong đám khói vẫn còn có cái gì sôi sục; tiếng súng trường, tiếng đại bác không hề giảm đi chút nào mà lại tăng lên đến mức điên cuồng, như một người đang thu hết tàn lực để thét lên một tiếng kêu tuyệt vọng. Chương 32 Cuộc chiến tranh chính trong trận Borodino đang diễn ra trong khi đất hai dặm ở giữa Borodino và các công sự hình mũi tên của Bagration (ở ngoài khu vực này, một bên là đạo kỵ binh của Uvarov biểu dương lực lượng vào giữa trưa, và bên kia, đằng sau Utitxa thì xảy ra cuộc giao chiến giữa Ponyatovxki và Tutikov nhưng đó chỉ là những trận chiến đấu lẻ tẻ và yếu ớt so với trận diễn ra ở trung tâm chiến trường). Ở khu vực giữa Borodino và các công sự hình mũi tên, cạnh ven rừng, trên một khoảng đất có thể nhìn thấy từ cả hai phía, trận chiến đấu chính đã diễn ra một cách đơn giản và bình dị. Trong chiến đấu mở đầu bằng cuộc pháo kích dữ dội của mấy trăm khẩu pháo bắn từ cả hai bên. Sau đó, khi khói đã bao phủ khắp chiến trường, trong đám khói này (về phía quân Pháp). Ở bên phải có hai sư đoàn xe của Dexe và Compăng tiến về phía các công sự hình mũi tên, và ở bên trái thì các trung đoàn của phó vương tiến về phía Borodino. Cứ điểm Sevardino, nơi Napoléon đứng, cách xa các công sự hình mũi tên đến một dặm và cách Borodino đến hơn hai dặm theo đường thẳng, vì vậy Napoléon không thể thấy những sự việc đã diễn ra ở đấy, đã thế khói lại hòa lẫn với sương mù che phủ khắp nơi này. Chỉ trông thấy binh sĩ của sư đoàn Dexe đánh vào các công sự hình mũi tên khi họ chưa tiến vào các khe núi ngăn cách họ với công sự ấy. Họ vừa vào khe núi thì những đám khói súng trường và khói pháo ở trên các công sự hình mũi tên đã bắt đầu dày đặc đến nỗi phủ kín cả dốc núi bên kia khe. Qua bức màn khói dày đặc chỉ thấy một cái gì đen đen, chắc hẳn là một đám người, và đôi khi cũng thấy những ánh lưỡi lê lấp loáng. Nhưng họ đang tiến lên hay đã dừng lại, đó là quân Pháp hay là quân Nga thì từ cứ điểm Savardino không thể nào phân biệt được. Mặt trời đã lên cao, và những tia nắng rực rỡ chiếu chênh chếch vào mặt Napoléon khi ông ta giơ tay che mặt nhìn các công sự hình mũi tên. Khói treo lơ lửng ở trước mặt các công sự này, khi thì người ta có cảm giác như lớp khói đang bay đi, khi thì lại có cảm giác như quân lính đang di chuyển. Thỉnh thoảng xen lẫn với tiếng súng lại có tiếng người quát tháo, nhưng không thể nào biết sự tình ở đấy ra sao. Napoléon đứng trên gò nhìn qua kính viễn vọng. Trong cái vòng tròn nhỏ hẹp của ống kính, ông nhìn thấy lố nhố những khói và người, lúc thì người Pháp, lúc thì người Nga; nhưng khi nhìn lại bằng mắt trần thì ông không thể biết những điều vừa thấy xảy ra ở đâu. Ông xuống chân gò và bắt đầu đi đi lại lại trước gò. Chốc chốc ông lại dừng chân, lắng nghe súng nổ và đưa mắt nhìn bãi chiến trường. Nhưng không những ở chân gò là nơi ông đứng, hay ở trên đỉnh gò là nơi đang có vài viên tướng của ông đứng, mà ngay tại các công sự hình mũi tên, nơi mà quân Pháp và quân Nga, người thì chết, người thì bị thương hay còn lành lặn, hốt hoảng điên cuồng đang đồng thời chiếm lĩnh hay lần lượt chiếm lĩnh, người ta cũng không thể nào hiểu được sự việc đang xảy ra. Suốt mấy giờ liền ở nơi này, giữa tiếng súng trường và tiếng đại bác liên hồi, quân Pháp và quân Nga lần lượt xuất hiện, khi thì bộ binh, khi thì pháo binh. Họ xông lên, họ gục xuống, họ bắn giết, không biết phải làm gì nhau, quát tháo và chạy lùi lại. Từ chiến trường, những sĩ quan phụ tá do Napoléon phái đi, những sĩ quan tuỳ tùng của các vị thống chế của ông luôn luôn phi ngựa đến trước mặt Napôpêông để báo cáo về quá trình diễn biến của trận đánh. Nhưng tất cả những báo cáo này đều không đúng sự thật: một phần vì trong lúc chiến đấu kịch liệt không thể nào nói rõ việc gì đã xảy ra vào lúc gỉây phút quyết định, một phần vì nhiều sĩ quan phụ tá không đến tận nơi đang thực sự chiến đấu mà chỉ truyền đạt lại những điều họ nghe những người khác nói lại và một phần nữa vì trong khi viên sĩ quan phụ tá đi đoạn đường hai ba dặm đến chỗ Napoléon đứng thì tình hình đã thay đổi, và những tin tức mà họ mang tới không còn xác thực nữa. Chẳng hạn một sĩ quan phụ tá của phó vương đến báo tin đã chiếm được làng Borodino và cái cầu trên sông Kolotsa đã lọt vào tay quân Pháp. Viên sĩ quan hỏi Napoléon xem ông ta có ra lệnh cho quân đội qua sông hay không. Napoléon ra lệnh bố trí bên kia sông và đợi lệnh mới. Nhưng ngay lúc Napoléon ra lệnh này, hay đúng hơn là ngay lúc viên sĩ quan phụ tá rời khỏi Borođino thì cái cầu đã bị quân Nga chiếm lại và đốt cháy trong trận giao chiến mà Piotr đã chứng kiến lúc giao tranh mới bắt đầu. Một sĩ quan phụ tá, mặt tái xanh, hoảng hốt phi ngựa từ các công sự hình mũi tên về báo với Napoléon rằng cuộc tấn công đã bị đánh bật, Compăng đã bị thương và Davu đã tử trận. Nhưng trong lúc đó thì các công sự này đã bị một đơn vị Pháp khác chiếm ngay khi người ta nói với viên sĩ quan phụ tá rằng quân Pháp bị đánh lui, còn Davu thì vẫn còn sống và chỉ bị bầm nhẹ. Căn cứ vào những báo cáo nhất định là sai như vậy, Napoléon ra mệnh lệnh, nhưng những mệnh lệnh này đã được thực hiện trước khi ông ta ban bố, hoặc không thể thực hiện được và không hề được thực hiện. Các thống chế và các tướng ở gần chiến trường hơn, cũng như Napoléon, họ không tham dự vào trận đánh mà chỉ thỉnh thoảng cưỡi ngựa đi dưới làn lửa đạn, và không hề hỏi ý kiến của Napoléon, họ tự ý ra những mệnh lệnh cho biết phải bắn vào đâu và đứng ở đâu mà bắn, kỵ binh và bộ binh phải chạy đến đâu. Nhưng cũng như mệnh lệnh của Napoléon, những mệnh lệnh của họ cũng rất ít khi được thực hiện, và có chăng cũng chỉ trong phạm vi tối thiểu. Thường thường thì sự việc xảy ra trái với mệnh lệnh của họ. Binh sĩ được lệnh tiến về phía trước và lại lùi trở lại vì gặp phải đạn ria bắn ra như mưa, còn binh sĩ được lệnh dừng lại ở nguyên chỗ cũ, thì đột nhiên thấy quân Nga hiện ra trước mặt liền chạy lùi lại hoặc xông lên phía trước, còn kỵ binh thì đuổi theo quân Nga đang bỏ chạy mà không hề được lệnh gì cả. Chẳng hạn hai trung đoàn kỵ binh được lệnh vượt qua khe núi Xemenovxkoye vừa mới lên núi thì đã phải quay xuống và hối hả phi ngựa chạy về. Bộ binh cũng di động như vậy: đôi khi họ chạy đến một nơi hoàn toàn không phải nơi họ được lệnh đến. Tất cả những mệnh lệnh cho biết phải đưa các khẩu pháo đi đâu và lúc nào, lúc nào bộ binh phải bắn, lúc nào kỵ binh phải đuổi theo bộ binh Nga, tất cả những mệnh lệnh ấy đều do những viên chỉ huy trực tiếp của các đơn vị ở trong hàng quân ban bố mà không hề hỏi ý kiến Ney, Davu, Mura chứ đừng nói đến Napoléon nữa. Họ không sợ bị phạt mà không thực hiện mệnh lệnh trên hay vì tự tiện ra mệnh lệnh, bởi vì trong một trận đánh, vấn đề được đặt ra, vấn đề quan trọng nhất đối với con người, đó là tính mạng của bản thân họ; và đôi khi người ta cảm thấy muốn sống thì phải chạy lùi, nhưng đôi khi người ta cảm thấy cần chạy lên phía trước, và cứ tuỳ theo tình hình từng giây, từng phút mà những con người này hành động một khi đã ở trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt. Thật ra, tất cả những sự di động hay lùi, không hề cải thiện mà cũng không hề thay đổi tình hình của các đạo quân. Tất cả những cuộc tấn công và xung phong vào hàng ngũ của Nga hầu như không hề gây nên thiệt hại gì cho họ so với những thiệt hại, những tổn thất và thương vong do những viên đạn súng trường bay khắp trận địa, nơi họ đang đi động. Những con người ấy vừa ra khỏi tầm tạc đạn và đạn súng trường, thì các vị chỉ huy ở phía sau đã lập tức tập hợp lại, chấn chỉnh kỷ luật, rồi dùng cái kỷ luật đó để đưa họ vào vòng lửa đạn, rồi khi vào đến đấy, vì sợ chết, họ lại mất kỷ luật và chạy đi chạy lại loạn xạ tuỳ theo tâm trạng nhất thời của đám đông. Chương 33 Các tướng soái của Napoléon - Davu, Ney và Mura đang đứng gần hỏa tuyến và đôi khi cũng đi vào hỏa tuyến, - đã mấy lần đưa vào vòng lửa đạn này những đoàn quân đông đúc và hàng ngũ chỉnh tề. Nhưng trái hẳn với điều xưa nay vẫn xảy ra trong những trận chiến đấu trước đây, họ không nghe tin quân địch bỏ chạy; những đoàn quân chỉnh tề kia lại từ nơi ấy quay trở về biến thành những đám người rối loạn, hốt hoảng. Họ lại chỉnh đốn quân ngũ, nhưng số người này ngày càng vợi đi. Đến trưa, Mura phái viên sĩ quan phụ tá của mình đến gặp Napoléon xin tăng viện. - Xin tăng viện à? - Napoléon nói, và ngạc nhiên mà nghiêm khắc, dường như không hiểu viên sĩ quan phụ tá muốn nói gì, và đưa mắt nhìn viên sĩ quan măng sữa, xinh trai, có món tóc đen dài và quăn theo kiểu Mura. “Tăng viện à? Napoléon nghĩ thầm - họ còn xin tăng viện khi họ nắm trong tay một nửa quân đội để tấn công vào một cánh quân Nga yếu ớt không có công sự hay sao!”. - Nhà ngươi bảo với quốc vương thành Napoli - Napoléon nói giọng nghiêm khắc - rằng bây giờ chưa đến trưa và ta chưa trông thấy rõ trên bàn cờ của ta. Thôi đi! Viên sĩ quan măng sữa đẹp trai có bộ tóc dài, tay không cất khỏi vành mũ, buông một tiếng thở dài não nuột quay về nơi người ta đang giết nhau. Napoléon đứng dậy gọi Colanhcur và Bertie lại bắt đầu nói chuyện với họ về những việc không liên quan gì đến trận đánh. Giữa những câu chuyện, trong khi Napoléon đã bắt đầu thấy hào hứng thì mắt của Bertie lại hướng về một viên tướng đang cưỡi con ngựa ướt đẫm mồ hôi đang phi đến cùng với đoàn tuỳ tùng. Đó là Belyar. Ông ta xuống ngựa bước nhanh đến trước mặt hoàng đế, cất tiếng nói sang sảng bắt đầu trình bày nhất thiết phải tăng viện. Ông ta lấy danh dự mà thề rằng quân Nga sẽ bị tiêu diệt nếu hoàng đế cho thêm một sư đoàn nữa. Napoléon nhún vai không thèm đáp lấy một câu nào và vẫn tiếp tục đi đi lại lại Belyar bắt đầu nói rất to và rất hăng với những viên tướng của đoàn tuỳ tùng đang đứng quanh ông:
- Ông nóng nảy lắm ông Belyar ạ - Napoléon lại gần viên tướng nói - đang chiến đấu hăng thì dễ sai lắm. Ông hãy đi xem tình hình nữa rồi lại đây bảo với tôi. Belyar chưa đi xa được bao nhiêu thì ở đầu kia lại có một người khác được phái từ chiến trường về. - Sao? Có việc gì đấy? - Napoléon nói với cái giọng của một người bực mình vì luôn luôn bị quấy rầy. - Tâu bệ hạ, công tước… - viên sĩ quan phụ tá mở đầu, - Xin tăng viện phải không? - Napoléon ngắt lời với một cử chỉ giận giữ. Viên sĩ quan cúi đầu tỏ ý khẳng định và bắt đầu trình bày; nhưng hoàng đế lại quay mặt đi bước hai bước rồi dừng chân, quay lại gọi Bertie đến. - Phải đưa quân dự bị ra - Napoléon nói, hai tay hơi đang ra - Theo ông thì nên phái ai đến đây? Ông hỏi Bertie, con ngỗng con mà ta đã biến thành phượng hoàng như sau này ông gọi Bertie. - Tâu bệ hạ, phái sư đoàn Capared, - Bernie nói; ông vốn nhớ thuộc lòng tất cả các sư đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn. Napoléon gật đầu tán thành. Viên sĩ quan phụ tá phi ngựa đến sư đoàn Clapared. Và vài phút sau, đoàn quân cận vệ trẻ tuổi đứng sau đổi rời khỏi vị trí. Napoléon im lặng nhìn về hướng ấy. - Không được - Ông ta bỗng nói với Bertie - Ta không thể phái Capared được. Hãy phái sư đoàn Friăng. Mặc đù không có lấy một lý do nào khiến cho ông ta chọn sư đoàn Friăng thay sư đoàn Capared, và lúc bấy giờ bảo Capared dừng lại và phái Friăng đi thì hiển nhiên là bất tiện và tốn thì giờ, nhưng mệnh lệnh thì vẫn phải được thi hành một cách nghiêm túc. Napoléon không thấy rằng đối với những đạo quân của mình, ông đóng vai trò một vị bác sĩ mà những phương thuốc chỉ làm cho bệnh thêm nặng, một vai trò mà ông hiểu rõ và biết phê phán một cách đúng đắn ở người khác. Sư đoàn Friăng cũng như những sư đoàn khác đã đi khuất vào trong đám khói của bãi chiến trường. Từ nhiều nơi khác nhau, các sĩ quan phụ tá vẫn tiếp tục chạy đến, và dường như họ đã thông đồng với nhau từ trước, ai nấy đều chỉ nói có một chuyện. Họ đều yêu cầu tăng viện, nói rằng quân Nga vẫn giữ vững trận địa và một hỏa lực khủng khiếp đang làm cho quân Pháp tan rã. Napoléon ngồi tư lự trên ghế xếp. Ông De Boxe, con người thích du lịch, nhịn đói từ sáng đến giờ, lại gần hoàng đế và đánh bạo kính cẩn đề nghị bệ hạ dùng bữa sáng. - Tôi hy vọng rằng ngay từ bây giờ tôi đã có thể có lời mừng bệ hạ thắng lợi - Ông ta nói. Napoléon im lặng lắc đầu. Ông De Boxe cho rằng cái lắc đầu này có liên quan đến thắng lợi chứ không phải đến bữa ăn sáng, bèn đánh bạo dùng giọng vừa tươi tỉnh vừa kính cẩn lưu ý hoàng đế rằng trên đời không có gì có thể ngăn cản người ta ăn sáng khi có thể ăn được. - Thôi ông… - Napoléon gật đầu, rồi quay mặt đi. Một nụ cười nghệch tỏ vẻ hối tiếc, ân hận và phấn chấn hiện lên gương mặt De Boxe và ông bước rón rén lẻn ra chỗ các tướng khác đứng. Napoléon có một cảm giác bực dọc như một người đánh bạc may mắn xưa nay vẫn quen vung tiền vong mạng, nhưng chưa bao giờ cũng được, thế rồi đột nhiên, chính khi anh ta đã trù tính tất cả những trường hợp may rủi của canh bạc, thì lại cảm thấy mình càng suy nghĩ về nước đi lại càng thua một cách chắc chắn. Các đạo quân vẫn là những đạo quân ngày trước, các vị tướng vẫn là các vị tướng ấy, cách chuẩn bị mệnh lệnh tác chiến vẫn thế, cũng vẫn lời tuyên cáo ngắn gọn và cương quyết ấy, và bản thân ông cũng chẳng khác gì trước. Ông thừa biết điều đó, hơn nữa ông còn biết rằng ngày nay ông còn giàu kinh nghiệm và khôn ngoan hơn trước, trái lại quân địch thì vẫn là quân địch ngày xưa ở Austerlix và Fridland. Nhưng nay có một mã lực gì khiến cánh tay đáng sợ của ông buông thõng xuống một cách bất lực. Cũng vẫn những biện pháp xưa kia bao giờ cũng làm cho ông giành được thắng lợi. Cũng vấn tập trung hỏa lực pháo binh vào một điểm duy nhất, cũng dùng quân đội hậu bị tấn công để chọc thủng trận tuyến, dùng đoàn kỵ binh của những con người sắt để xung phong, tất cả những biện pháp này đã dùng hết rồi, mà vẫn không thu được thắng lợi; đã thấy đâu đâu cũng chỉ thấy dồn dập đưa tới những tin tức như nhau: nào là những viên tướng bị thương hay bị tử trận, nào là cần tăng viện, nào là quân Nga không chịu núng; nào là quân ta hỗn loạn. Trước đây chỉ cần ra vài lệnh, nói dăm ba câu, thế là thấy các thống chế và các sĩ quan phụ tá mặt mày hớn hở phi ngựa về chúc mừng thắng trận, tấu trình danh sách chiến lợi phẩm: nào là những lữ đoàn địch bị bắt làm tù binh, nào là những bó quân kỳ và quốc huy phượng hoàng của địch, nào là những khẩu pháo, những xe vận tải - và Mura chỉ còn việc xin phép cho kỵ binh xuống ra vét gọn các đoàn vận tải ở Lodi, ở Marengo, ở Arcole, ở Jena, ở Austerlix, ở Vagram vân vân, vân vân, trước đây đều như vậy. Nhưng bây giờ quân đội của ông đã gặp phải một cái gì quái lạ. Mặc dù đã có tin chiếm được các công sự hình mũi tên, Napoléon vẫn thấy đây không phải, hoàn toàn không phải như trong tất cả những trận đánh trước kia của mình. Ông thấy rằng cảm xúc của ông, cũng là cảm xúc của mọi người xung quanh ông, những con người giàu kinh nghiệm chiến đấu. Gương mặt các tướng tá đều rầu rĩ. Mắt họ đều lẩn trốn không muốn nhìn nhau. Chỉ có Boxe mới không hiểu nổi tầm quan trọng của việc đang xảy ra. Còn Napoléon, với kinh nghiệm của một người đã chinh chiến lâu năm, thừa hiểu một trận đánh mà sau tám giờ chiến đấu liên tiếp, sau khi đã nỗ lực đủ cách như vậy mà kẻ tấn công vẫn không giành được thắng lợi, là một trận đánh như thế nào. Ông biết rằng như vậy tức là đã thất trận, và bây giờ chỉ cần một điều ngẫu nhiên hết sức nhỏ nhặt trong cái tình trạng căng thẳng bất phân thắng bại này là đủ làm cho ông tiêu vong. Khi ông hồi tưởng lại tất cả cái chiến dịch Nga quái lạ này, trong đó ông không thắng được lấy một trận, trong đó suốt hai tháng ròng không cướp lấy được một lá cờ, một khẩu pháo, không bắt được một lữ đoàn, khi ông đưa mắt nhìn gương mặt đượm vẻ buồn rầu kín đáo của những người xung quanh, nghe những báo cáo nói rằng quân Nga vẫn giữ vững, một cảm giác ghê sợ trào vào lòng ông ta, giống như cái cảm giác thường cỏ trong một cơn ác mộng, rồi ông chợt nghĩ đến tất cả những trường hợp rủi ro có thể giết chết mình. Quân Nga có thể tấn công vào cánh trái, có thể chọc sâu vào trung tâm quân Pháp một viên đạn lạc có thể giết chết bản thân ông nữa. Tất cả những điều đó có thể xảy ra. Trong những trận đánh trước đây, ông chỉ toàn nghĩ đến những trường hợp may mắn, nhưng bây giờ thì vô số trường hợp rủi ro hiện ra trong óc ông, và ông sẵn sàng đón lấy tất cả. Phải rồi, hệt như trong một giấc mơ: người ta thấy một tên gian phi đánh mình, người ta giơ tay lên tống cho nó một quả thật mạnh, tưởng thế nào nó cũng ngã gục; nhưng bỗng nhiên người ta cảm thấy cánh tay mình rơi phịch xuống, bất lực mềm nhũn như một mảnh giẻ và nỗi kinh hoàng trước cái chết không sao tránh khỏi bao trùm lấy con người bất lực. Tin tức báo rằng quân Nga tấn công vào cánh trái của quân Pháp đã gây nên trong lòng Napoléon một cảm giác kinh hoàng như vậy. Ông ngồi trên cái ghế xếp ở dưới chân gò, im lặng cúi đầu, chống khuỷu tay lên đầu gối, Bertie đến cạnh đề nghị ông đi quan sát trận tuyến để thấy rõ tình hình. - Cái gì? Ông nói gì? - Napoléon hỏi - Phải, ông bảo đưa ngựa lại cho ta. Ông lên ngựa đến Xemenovxkoye. Trong đám khói súng đang dần dần tản ra trên khắp khu vực Napoléon đi qua, người và ngựa nằm ngổn ngang trong những vũng máu, chỗ thì rải rác, chỗ thì chất thành từng đống. Napoléon và các tướng chưa bao giờ thấy một cảnh tượng khiếp đảm như vậy, chưa bao giờ thấy nhiều xác chết trong một khu vực nhỏ như vậy. Tiếng pháo gầm không ngớt suốt mười tiếng đồng hồ làm nhức cả tai, khiến cho quang cảnh thêm một ý nghĩa đặc biệt, như âm nhạc trong hoạt cánh. Napoléon lên đến cao điểm Xemenovxkoye và qua đám khói. Ông nhìn thấy những hàng quân mà mắt ông quen nhìn màu quân phục. Đó là quân Nga. Quân Nga đứng thành hàng ngũ dày dặc sau làng Xemenovxkoye và sau ngọn đồi. Súng của quân Nga vẫn gầm lên không ngớt và khói bốc lên che kín cả chiến tuyến của họ. Đây không còn một cuộc giao chiến nữa. Đây là một cuộc tàn sát kéo dài không thể đem lại một cái gì cho quân Nga hay cho quân Pháp. Napoléon dừng ngựa và trở về với tâm trạng đăm chiêu mà Bertie vừa kéo ông ra khỏi. Ông không sao ngăn được những việc đang diễn ra trước mắt ông và xung quanh ông, mặc dầu những việc ấy được coi như từ do ông chỉ huy và lệ thuộc vào ông, và lần đầu tiên, vì thất bại, ông đã thấy nó cô ích và khủng khiếp. Một viên tướng cưỡi ngựa đến gần Napoléon, đánh bạo đề nghị ông tung đội cấm vệ lão thành nhập trận. Nghe lời đề nghị ngu xuẩn của viên tướng kia, Ney và Bertie đứng sau Napoléon đưa mắt nhìn nhau, mỉm cười khinh bỉ. Napoléon cúi đầu, im lặng hồi lâu rồi nói: - Cách xa nước Pháp tám trăm dặm, ta không để cho đạo vệ binh của ta bị huỷ diệt đâu! Nói đoạn, ông quay ngựa về Sevardino.
Chương 34 Kutuzov, mái đầu bạc phơ cúi thấp xuống, thân hình nặng nề lụ khụ ngồi bệt trên chiếc ghế dài phủ tấm thảm đúng ở nơi mà ban sáng Piotr đã thấy ông ta ngồi. Ông không ra mệnh lệnh gì hết, mà chỉ tán thành hay không tán thành những điều người ta đề nghị với ông. - Được được cứ làm đi! - Ông đáp lại những lời đề nghị. “Được được anh thử xem xem!” - Ông nói người này hay người kia trong số những người thân cận; hay là “Không, không nên, hãy cứ đợi xem đã” - Ông đáp. Ông lắng nghe người ta báo cáo, ra mệnh lệnh cho những người cấp dưới khi nào họ yêu cầu; nhưng trong khi nghe họ báo cáo tình hình như ông ít quan tâm đến ý nghĩa những lời nói mà chỉ để ý đến một cái gì khác trên vẻ mặt, trong giọng nói của họ. Với vốn kinh nghiệm chiến đấu lâu năm và trí thông minh của người già cả, ông hiểu rằng một con người không thể nào lãnh đạo hàng chục vạn con người khác đang vật lộn với cái chết, ông biết rằng cái quyết định số phận của trận đánh không phải là những mệnh lệnh của vị tổng chỉ huy, không phải là trận địa và cách bố trí quân đội, không phải là số khẩu pháo và số thương vong mà là cái sức mạnh vô hình gọi là tinh thần của quân đội, nên ông theo dõi cái sức mạnh này và hướng dẫn nó trong chừng mực ông có thể làm được. Vẻ mặt của Kutuzov phản ánh một sự chú ý và nỗ lực bình tĩnh tập trung đang chật vật khắc phục sự mệt mỏi của một thể xác già nua và yếu đuối. Lúc mười một giờ trưa, có tin là các công sự hình mũi tên bị quân Pháp chiếm đã lấy lại được, nhưng công tước Bagration đã bị thương. Kutuzov “à!” lên một tiếng và lắc đầu. - Anh đến gặp công tước Piotr Ivanovich và tìm hiểu cặn kẽ xem tình hình ra sao? - Ông nói với một sĩ quan phụ tá đoạn quay lại nói chuyện với thân vương Vuyrtemberg đang đứng sau lưng. - Thưa điện hạ, xin ngài nhận chỉ huy quân đoàn thứ hai. Thân vương vừa đi được một lát chưa đủ thì giờ tới làng Xemenovxkoye thì viên sĩ quan phụ tá của ông đã quay lại báo cáo với điện hạ rằng thân vương yêu cầu tăng viện. Kutuzov cau mày và phái Dokhturov chỉ huy quân đoàn thứ hai, còn thân vương thì, như ông nói, trong giờ phút nghiêm trọng này, ông không thể thiếu thân vương được và xin mời thân vương trở lại. Khi có người đến báo tin Mura đi đã bị bắt làm tù binh và các sĩ quan tham mưu đến chúc mừng Kutuzov. Ông mỉm cười. - Khoan đã, các ông ạ - Ông nói - Chúng ta đã thắng trận, thì bắt được Mura cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng tốt hơn là hãy chưa nên mừng vội. Tuy nhiên ông vẫn sai một viên sĩ quan phụ tá đi qua các đơn vị để báo tin này. Khi Serbinin từ cánh bên phải phi ngựa đến báo tin rằng quân Pháp đã chiếm được các công sự hình mũi tên và làng Xemenovxkoye, Kutuzov nhìn vẻ mặt của Serbinin và nghe những tiếng động trên chiến trường, đoán biết rằng đã có một việc gì không hay xảy ra. Ông đứng dậy như để duỗi chân cho đỡ chồn, đoạn khoác tay Serbinin, kéo ông ta ra một bên. - Này anh, anh cứ đi đi - Ông nói với Yermolov - anh hãy thử có làm được gì không? Kutuzov ở Gorki là trung tâm trận địa của quân đội Nga. Cuộc tấn công mà Napoléon phát động nhằm đánh vào cánh trái của quân ta đã mấy lần bị đánh bật trở lại. Ở trung tâm, quân Pháp vẫn chưa vượt quá Borodino. Ở cánh trái, đạo kỵ binh của Uvarov đã buộc quân Pháp phải bỏ chạy. Khoảng hai giờ chiều, quân Pháp ngừng tấn công. Trên gương mặt tất cả những người ở chiến trường về cũng như trên gương mặt những người đứng quanh ông, Kutuzov đều thấy biểu lộ một tinh thần căng thẳng đến cực độ. Kutuzov hài lòng vì thắng lợi ngày hôm ấy vượt quá những điều ông mong ước. Nhưng ông già đã kiệt sức. Đã mấy lần mái đầu ông gục thấp xuống như sắp rụn hẳn: ông ngủ gật. Người ta dọn bữa cơm trưa mời ông dùng. Voltxoghen, sĩ quan phụ tá ngự tiền, chính người đã đi qua trước mặt công tước Andrey và nói rằng chiến tranh cần phải được mở rộng trong không gian, con người mà Bagration rất ghét, cưỡi ngựa lại gần Kutuzov trong khi ông ta đang ăn. Voltxoghen, được Barclay phải đến báo cáo về tình hình diễn biến của chiến sự ở cánh trái. Nhìn thấy số người bị thương cuồn cuộn đổ về đạo hậu vệ của quân ta rối loạn, Barclay de Tolly, con người cơ mưu, sau khi cân nhắc tình hình một cách cặn kẽ bèn kết luận rằng trận chiến đấu đã thất bại và phái người thân cận mang tin ấy đến cho vị tổng tư lệnh. Kutuzov đang khó nhọc nhai được miếng gà quay đưa đôi mắt húp híp, nhưng vui vẻ nhìn Voltxoghen. Voltxoghen uể oải duỗi thẳng đôi chân, trên môi nở một nụ cười khinh khỉnh, đến cạnh Kutuzov và khẽ đưa tay lên chạm vào vành mũ lưỡi trai. Đối với điện hạ, Voltxoghen cố ý tỏ vẻ hơi khinh thường để cho người ta thấy rằng mặc cho bọn người Nga tha hồ sùng bái cái ông già vô dụng này, một quân nhân tài cao học rộng như ông vẫn thừa biết mình đang giao thiệp với một con người như thế nào. “Cái ông bố già kia (bọn người Đức nói với nhau vẫn gọi Kutuzov như vậy) vẫn bình chân như vại - Voltxoghen nghĩ thầm - Ông nghiêm khắc đưa mắt nhìn những đĩa thức ăn ở trước mặt Kutuzov và bắt đầu báo cáo với ông già về tình hình chiến sự ở cánh trái theo như Barclay dãn và theo như bản thân ông nhận thấy và quan niệm. - Tất cả các cứ điểm của trận địa ta đều lọt vào tay quân địch, và chúng ta không biết lấy gì đánh lui được bởi vì không có quân, binh sĩ thì bỏ chạy, và không tài nào giữ họ lại được. - Ông nói. Kutuzov ngừng nhai, ngạc nhiên dương mắt nhìn chằm chặp vào mặt Voltxoghen tựa hồ không hiểu người ta nói gì với mình. Voltxoghen thấy ông bố già xúc động liền mỉm cười, nói: - Tôi tự thấy không có quyền che giấu điện hạ những gì tôi đã trông thấy… Quân đội ta hoàn toàn rối loạn… - Ông trông thấy à? Ông trông thấy à? - Kutuzov cau mày quát lên: đứng phắt dậy và bước đến trước mặt Voltxoghen - Sao… Ông… sao ông dám!… - Kutuzov, bàn tay run rẩy làm những cử chỉ hăm dọa, vừa sặc vừa quát. Thưa ông… sao ông dám nói như vậy với tôi? Ông không biết gì hết. Ông hãy nói hộ với tướng Barclay rằng những tin tức của ông ta đều sai lạc, và tôi, tổng tư lệnh, tôi biết rõ tiến trình thực sự của trận đánh hơn ông. Voltxoghen toan bác lại thì bị Kutuzov ngắt lời ngay: - Quân địch đã bị đánh lui ở cánh trái và bị đánh bại ở cánh phải. Nếu ông không thấy rõ thì thưa ông, ông không được nói liều về những việc mà ông không biết. Ông hãy làm ơn đến gặp tướng Barclay và truyền đạt cho ông ta biết ý định nhất quyết của tôi là đến mai sẽ tấn công quân địch - Kutuzov nói, giọng nghiêm khắc. Mọi người đều im lặng, và người ta chỉ nghe hơi thở hổn hển của vị tướng già. - Đâu đâu chúng cũng bị đánh lui, và tôi xin cảm tạ Thượng đế và đạo quân anh dũng của chúng ta. Quân địch đã bại trận, và ngày mai chúng ta sẽ đuổi cổ chúng ta khỏi lãnh thổ thiêng liêng của nước Nga - Kutuzov vừa nói vừa làm dấu thánh giá rồi đột nhiên nấc lên một tiếng nước mắt rưng rưng. Voltxoghen nhún vai và mím môi im lặng bước ra, kinh ngạc về sự cố chấp của cái ông già này. - A đây, vị anh hùng của tôi đây rồi - Kutuzov chỉ một viên tướng người đẫy đà, tuấn tú, tóc đen, bấy giờ đang bước lên ngọn đồi. Đó là Raievxki, con người đã đứng suốt ngày ở điểm chính của chiến trường Borodino. Raievxki báo cáo rằng quân ta vẫn giữ vững vị trí, quân Pháp không dám tấn công nữa. Nghe xong, Kutuzov nói với ông ta bằng tiếng Pháp: - Vậy ông không nghĩ như những người khác rằng chúng ta bắt buộc phải rút lui à? - Thưa điện hạ, trái lại, trong khi thắng bại chưa rõ thì kẻ nào bền gan hơn bao giờ cũng thẳng - Raievxki nói - và theo ý tôi… - Kaixarov, - Kutuzov gọi viên sĩ quan phụ tá của mình - Anh ngồi đây viết nhật lệnh cho ngày mai. Còn anh - Ông nói vớí một người khác - anh hãy đi khắp các hàng quân tuyên bố rằng ngày mai chúng ta sẽ tấn công. Trong khi Kutuzov đang nói chuyện với Raievxki và đọc nhật lệnh thì Voltxoghen một lần nữa được Barclay de Tolly phái đến, báo cáo rằng tướng Barclay de Tolly muốn có văn bản xác nhận mệnh lệnh vị nguyên soái vừa ban bố. Kutuzov, không buồn nhìn Voltxoghen, sai viết bản mệnh lệnh mà viên cựu tổng tư lệnh đòi hỏi một cách rất có lý để tránh trách nhiệm. Và do một mối liên hệ vô hình, thần bí li kỳ trong khắp quân đội sợi dây thần kinh chủ yếu của chiến tranh, những lời nói của Kutuzov và bản nhật lệnh báo ngày mai sẽ tấn công đã được truyền đến khắp các đơn vị trong cùng một lúc. Cái được truyền đến những mắt xích cuối cùng của sợi dây này hoàn toàn không phải là những lời cuả Kutuzov, cũng không phải là bản nhật lệnh. Thậm chí trong những câu chuyện người ta truyền cho nhau từ đầu đến cuối quân đội, cũng không có lời nào giống như lời Kutuzov đã nói; những ý nghĩ của những lời nói này đã được truyền đi khắp nơi, bởi vì điều Kutuzov nói không phải xuất phát từ những sự cân nhắc tính toán phức tạp, mà xuất phát từ cái tình cảm vốn có trong lòng của vị Tổng tư lệnh cũng như trong lòng mỗi người Nga. Và sau khi được tin là ngày mai quân ta sẽ tấn công địch, và biết rằng bộ chỉ huy tối cao của quân đội đã khẳng định điều họ mong ước, những con người mệt mỏi, dao động liền bình tâm trở lại là phấn chấn hẳn lên.
Chương 35 Trung đoàn của công tước Andrey thuộc đạo quân hậu bị, mãi đến hai giờ chiều vẫn đứng sau làng Xemenovxkoye dưới hỏa lực gay gắt của pháo địch, và không làm gì cả. Đến hai giờ chiều, sau khi đã thương vong mất hơn trăm người, trung đoàn được đưa lên phía trước, đến một cánh đồng yến mạch bị xéo nát, khoảng giữa Xemenovxkoye và trận địa pháo trên ngọn đồi, nơi mà ngày hôm ấy có hàng ngàn người bị tàn sát và đến một giờ trưa thì bị mấy trăm khẩu pháo của địch tập trung hỏa lực nã vào dữ dội. Không rời khỏi vị trí này mà cũng không bắn một viên đạn, ở đây trung đoàn đã mất thêm một phần ba quân số nữa. Ở phía trước và nhất là ở phía bên phải, các khẩu pháo gầm lên trong lớp khói dày đặc, và từ cái vòng đai khói lửa huyền bí kia, che kín tất cả khoảng đất phía trước, bay vút ra những quả pháo đạn với tiếng rít khét lẹt và những quả tạc đạn với tiếng huýt kéo dài tiếp theo nhau không ngớt. Đôi khi trong khoảng mười lăm phút yên lặng như để cho mọi người nghỉ ngơi, tạc đạn vào pháo đạn đều bay vượt qua đầu trái lại đôi khi chỉ trong một phút đã có mấy người bị đạn gục xuống, và người ta luôn luôn phải khiêng những người bị thương và những xác chết đi. Cứ thêm một quả tạc đạn rơi xuống thì những người chưa chết lại càng ít hy vọng sống sót. Trung đoàn dàn thành những tiểu đoàn cách nhau chỉ ba trăm thước, tuy vậy binh sĩ trong trung đoàn đều có một tâm trạng giống nhau. Ai nấy đều im lặng và trầm ngâm như nhau. Nếu thỉnh thoảng trong hàng quân cũng có tiếng nói chuyện, thì tiếng nói chuyện này lại im bặt mỗi khi có tiếng tạc đạn rơi xuống và có tiếng kêu: “Cáng đâu!” phần lớn thời gian theo lệnh của trung đoàn trưởng, binh sĩ ngồi xuống đất. Có người lấy mũ sa-cô cẩn thận tháo lớp da lót rồi lại cẩn thận lắp lại. Có người lấy đất sét khô bóp vụn ra thành bột để chùi lưỡi lê: có người ngồi uốn quai súng cho nhuyễn và cài các dây nịt lại. Có người tẩn mẩn tháo những cuộn vải quấn chân. Cuốn lại cách khác rồi lại đi giày vào. Một vài người lấy những viên sỏi ở trên đống xếp thành những cái nhà con con, hay lấy rơm đan thành tấm. Ai nấy đều có vẻ say sưa mê mải với những công việc này. Những khi có người chết và bị thương, khi đoàn người khiêng cáng kéo đến, khi quân ta lùi, hoặc khi qua lớp khói thấy lô nhô những đám quân địch đông nghịt, thì không ai chú ý đến. Trái lại, khi pháo binh hay kỵ binh ta chuyển lên phía trước, hoặc bộ binh ta dàn trận, thì khắp nơi có những lời trầm trồ tán thưởng. Nhưng được họ chú ý nhiều nhất vẫn là những sự việc hoàn toàn xa lạ, không liên quan gì đến việc chiến đấu, dường như sức chú ý của những người đã quá mệt mỏi về tinh thần này tìm chỗ nghỉ ngơi trong những sự việc thông thường của cuộc sống hàng ngày. Một đội pháo binh tiến qua trước mặt trung đoàn Một con ngựa kéo chiếc xe chở đạn vướng chân vào dây thắng. “Kìa! Xem con ngựa lê! Sửa lại đi chứ! Nó ngã mất… Hừ, họ không trông thấy!…” - khắp các hàng ngũ trong trung đoàn đều có những tiếng kêu lên như vậy. Một lần khác, mọi người chú ý đến một con chó nhỏ màu nâu nhạt có cái đuôi vênh cao lên, không hiểu từ xó xỉnh nào ra lại chạy trước hàng quân có vẻ lo âu như thế. Đột nhiên, một quả tạc đạn rơi bên cạnh, nó kêu oăng oẳng, cúp đuôi chạy vụt sang một bên. Khắp trung đoàn vang lên những tiếng cười reo ầm ĩ. Nhưng những dịp giải trí như vậy chỉ kéo dài vài phút trong khi họ đang ngồi đợi hơn tám tiếng đồng hồ, không ăn và không có việc gì làm, dưới sự đe dọa thường xuyên của cái chết, và những gương mặt tái xanh và cau có ngày tái đi và cau lại. Công tước Andrey, mặt cũng tái xanh và cau có như tất cả những người khác trong trung đoàn, đi đi lại lại trên bãi cỏ cạnh một cánh đồng yến mạch. Chàng đi từ bờ này sang bờ kia, tay chắp sau lưng, đầu cúi xuống. Chàng không có vệc gì làm và không có mệnh lệnh gì phải ban bố. Mọi việc cứ tự động tiến hành. Các thương binh được đưa ra phía sau, các xác chết được khiêng đi và các hàng ngũ lại xiết chặt lại. Nếu có những người lính bỏ chạy, thì sau đó họ lại vội vã quay về ngay. Lúc đầu, công tước Andrey, cho rằng nhiệm vụ của mình là cổ vũ lòng can đảm của binh sĩ và nêu gương cho họ, nên cứ đi đi lại lại giữa hàng quân. Nhưng rồi chẳng thấy rõ là không có cái gì phải dạy mà cũng không có cách gì dạy cho họ. Tất cả sức mạnh tinh thần của chàng cũng như của mỗi người lính đều bất giác tập trung lại để làm sao không nghĩ đến cái tình cảnh khủng khiếp của họ lúc này. Chàng đi trên bãi cỏ, kéo lê đôi chân, chà lên cỏ và ngắm nghía lớp bụi phủ trên đôi ủng của chàng. Đôi khi chàng bước những bước dài, cố gắng bước đúng vào các dấu chân do những người cắt cỏ để lại trên bãi, đôi khi chàng đếm những bước chân của mình, tính xem đi từ bờ ruộng này đến bờ ruộng kia bao nhiêu lần thì được một dặm Nga, có khi chàng lại bứt những bông hoa nở trên bờ ruộng, bóp nát trong lòng bàn tay và hít mùi thơm hăng hắc của nó. Cả cái quá trình suy nghĩ lao lung của chàng hôm qua không còn để lại dấu vết gì nữa. Chàng không nghĩ cái gì hết. Chàng uể oải để tai nghe tất cả những tiếng động kia cứ mãi mãi một điệu đều không hề thay đổi, phân biệt tiếng đạn gầm gừ bắn ra và tiếng đạn rít lên lúc đến gần, nhìn những gương mặt quen thuộc của những binh sĩ ở tiểu đoàn một và chờ đợi. “Đấy là một quả nữa về phía chúng ta!” - Chàng nghĩ thầm, lắng tai nghe tiếng rít mỗi lúc một gần của cái vật gì bay ra từ khu vực phủ khói: “Một, hai,… Lại một quả nữa! Trúng rồi!…”. Chàng dừng lại đưa mắt nhìn các hàng quân. “Không, đạn đã bay qua. Nhưng quả này thì nhằm đúng vào chúng ta rồi!” và chàng lại tiếp tục bước, có gắng bước cho thật dài để có thể đến bờ ruộng bên kia trong mười sáu bước. Đột nhiên, nghe vèo một tiếng. Cách chừng năm bước, một quả pháo đạn cày lớp đất khô lên và mắt hút dưới mặt đất. Chàng bất giác thấy lạnh cả xương sống. Chàng đưa mắt nhìn đội ngũ. Chắc hẳn có nhiều người trúng đạn; một đám khói lớn đã bốc lên ở tiểu đoàn hai. - Ông sĩ quan phụ tá! - Chàng quát lên - Bảo họ không được đứng lại một chỗ! - Viên sĩ quan phụ tá thi hành mệnh lệnh xong bước đến cạnh công tước Andrey. Từ phía bên kia, một viên tiểu đoàn trưởng cưỡi ngựa tới. - Coi chừng! - có tiếng kêu kinh hãi của một số binh sĩ, và giống như một con chim nhỏ hót lên trong khi sà nhanh cái gì xuống đất, một quả tạc đạn rơi cách công tước Andrey hai bước, nghe đánh phịch một tiếng khe khẽ cạnh con ngựa của viên tiểu đoàn trưởng. Con ngựa, không tự hỏi xem tỏ ra sợ hãi là tốt hay là xấu hí lên một tiếng, lồng lên làm viên tiểu đoàn trưởng suýt ngã xuống và hảy vụt sang một bên. Nỗi khiếp sợ của con ngựa truyền sang mọi người. - Nằm xuống! - Bên sĩ quan phụ tá vừa nằm rạp xuống đất vừa thét lên. Công tước Andrey vẫn đứng yên vẻ lưỡng lự. Quả tạc đạn như một con quay vừa bốc khói vừa quay tít ở khoảng giữa chàng và viên sĩ quan phụ tá đang nằm rạp ở chỗ bờ ruộng tiếp giáp với bãi cỏ cạnh một bụi ngải. “Cái chết đấy ư?” - Công tước Andrey nghĩ thầm, đưa mắt ngắm nhìn những ngọn cỏ, bụi ngải và những tia khói phụt ra từ quả tạc đạn đen ngòm đang xoay tít, trong lòng thèm thuồng số phận của những vật ấy - một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ đối với chàng. “Ta không thể nào chết, ta không muốn chết, ta yêu cuộc sống, yêu đám cỏ này, mảnh đất này, bầu không khí này,…”. Chàng suy nghĩ, va đồng thời vẫn nhớ rằng quân sĩ đang nhìn mình. - Thật xấu hổ, ngài sĩ quan ạ - Chàng nói với viên sĩ quan phụ tá- Cái gì… Chàng không kịp nói hết câu. Ngay lúc ấy có tiếng nổ, các mảnh đạn rung lên kêu rè rè như tiếng mảnh kính vỡ, mùi thuốc súng xông lên khét lẹt, và công tước Andrey nhào sang một bên giơ một cánh tay lên trời và ngã sấp xuống đất. Mấy viên sĩ quan chạy lại. Từ phía bên phải bụng chàng máu chảy xuống đổ thành một vệt lớn. Những người dân quân khiêng cáng được gọi đến đứng lại sau lưng các sĩ quan. Công tước Andrey nằm sấp mặt úp xuống cỏ và thở dốc ra một cách khó nhọc. - Thế nào? Còn đợi cái gì nữa? Lại đây. Mấy người nông dân chạy lại, nhấc vai và chân chàng lên, nhưng thấy chàng rên rỉ đau đớn, họ lại đưa mắt nhìn nhau và buông ra. - Khiêng đặt lên cáng đi đằng nào cũng thế thôi. - Có tiếng quát và một lần nữa người ta lại nắm lấy vai chàng và đặt chàng lên cáng. - Trời ơi! Trơi ơi!… Làm sao? Vào bụng à? Thế thì chết! Trời ơi! - trong đám sĩ quan có tiếng lao xao - nó bay sát qua vai tôi - viên sĩ quan phụ tá nói. Tốp nông dân đặt cáng lên vai, vội vã quay về trạm cứu thương, theo con đường mòn do vết chân của họ vạch ra. - Đi cho đều chân!… Ê, bọn kia! - một viên sĩ quan vừa quát vừa nắm lấy vai những người nông dân giữ họ lại, vì bước chân của họ đi không đều làm cho cái cáng cứ xóc lên. - Cậu bước theo tớ, nghe chưa! Khviodor - Người nông dân đi trước nói. - Được rồi! Tốt đấy - Người đi sau vui vẻ nói khi bắt đầu bước được đều chân. - Đại nhân!… Công tước ơi! - Timokhin chạy đến nhìn vào cáng nói, giọng run run. Công tước Andrey mở mắt ra, đầu chàng lọt sâu xuống lòng cáng; chàng ngước mắt lên nhìn qua thành cáng rồi nhắm lại. Dân quân khiêng công tước Andrey vào trong rừng, nơi để xe tải và đặt trạm cứu thương. Trạm này gồm ba cái lều để ngỏ bón phía dựng cách quãng ở ven một khu rừng bạch dương. Xe vận tải và ngựa đều ở trong khu rừng. Ngựa đang ăn thóc yến mạch để ở trong bị, và mấy con chim sẻ bay đến mỏ những hạt thóc vương vãi. Quạ đánh hơi thấy mùi máu bay liệng trên những ngọn bạch dương, cất tiếng kêu thèm thuồng. Quanh lều, trên một khoản trống hơn hai mẫu, những người mặc nhiều thứ y phục khác nhau nhưng đều vấy máu, đang nằm, ngồi hay đứng. Xung quanh những người bị thương, một tốp lính khiêng cáng chen nhau, vẻ mật đăm chiêu và buồn bã. Các sĩ quan giữ trật tự ra sức đuổi họ đi, nhưng họ không nghe lời các sĩ quan, vẫn đứng dựa vào cáng, mặt nhìn chăm chú vào quang cảnh trước mặt như đang cố tìm hiểu cái ý nghĩa bí hiểm của cảnh tượng này. Từ các lều đưa ra khi thì những tiếng kêu thất thanh tiếng rê rỉ ai oán. Chốc chốc lại có những người y tá chạy ra đi lấy nước và chỉ định những người đến lượt khiêng vào trong lều. Những người bị thương chờ đến lượt ở cạnh lều cứ kêu khóc, rên rỉ, nguyền rủa, xin vodka uống. Một vài người mê sảng. Công tước Andrey với tư cách trung đoàn trưởng được khiêng qua những người bị thương chưa băng bó đến cạnh một trong ba cái lều và mấy người khiêng cáng dừng lại đấy để chờ lệnh. Chàng mở mắt ra và một hồi lâu và không thể hiểu có những việc gì xảy ra quanh mình. Chàng nhớ đến cánh đồng cỏ, cây ngải, cánh đồng yến mạch, quả cầu đen xoay tít và cái giây phút mà tình yêu của chàng đối với cuộc sống bỗng dâng vút lên hư gọi chào. Cách chàng hai bước, một hạ sĩ quan tuấn tú, người cao lớn, tóc đen đang đứng dựa vào một cành cây nói oang oang làm mọi người chú ý. Anh ta bị đạn ở đầu và chân. Xung quanh anh ta có một tốp thương binh và lính khiêng cáng xúm lại háo hức nghe anh ta nói. - Quân ta xông vào đánh bật chúng nó ra, chúng nó vứt hết, ngay cả vua của chúng cũng bị tóm cổ - người hạ sĩ quan nói oang oang, đưa cặp mắt đen láy nẩy lửa nhìn xung quanh - giá mà quân cứu viện đến kịp thì, các cậu ạ, chúng chẳng còn thằng nào sống sót đâu tớ nói thực đấy… Cũng như tất cả những người đứng chung quanh người kể chuyện, công tước Andrey nhìn anh ta với cặp mắt sáng long lanh và thấy nguôi lòng. “Nhưng bây giờ mình có cần gì nữa - Chàng nghĩ. - Bên kia sẽ có gì, à ở đây trước kia có những gì? Vì sao trước đây ta lại thấy tiếc khi từ giã cuộc đời? Trong cuộc đời ấy có một cái gì mà trước đây ta không hiểu, và bây giờ ta cũng vẫn chưa hiểu”. Chương 36 Một bác sĩ ở trong lều bước ra. Chiếc áo choàng trắng cũng như hai bàn tay nhỏ nhắn của ông đều vấy máu. Một tay ông ta cầm điếu xì gà giữa ngón tay cái và ngón tay út để cho nó khỏi dây bẩn. Ông ngẩng đầu đưa mắt nhìn quanh nhưng lại nhìn qua đầu những người bị thương. Hẳn là ông ta đang muốn nghỉ ngơi một chút. Ông ngoảnh đầu sang trái, sang phải một lúc rồi thở một hơi dài và đưa mắt nhìn xuống. - Được tôi làm ngay đây! - Ông trả lời ngay y tá đang chỉ công tước Andrey, và ra lệnh đưa chàng vào lều. Có tiếng xì xào vang lên trong số những người bị thương đang đợi từ nãy đến giờ: - Thì ra ngay ở thế giới bên kia, cũng chỉ có các quan mới có quyền được sống mà thôi - Một người nói. Người ta đưa công tước Andrey vào lều và đặt chàng lên một cái bàn vừa được rảnh mà người y tá mới rửa xong. Công tước Andrey không thể phân biệt được tách bạch những vật ở trong lều. Đâu đâu cũng nghe tiếng rên la. Cảm giác đau đớn dữ dội ở hông, ở bụng và ở lưng làm chàng không sao tập trung tư tưởng được. Tất cả những gì chàng trông thấy ở chung quanh đều hòa lại làm một trong tâm trí chàng thành một biểu tượng duy nhất: hình ảnh của một thân thể trần truồng và đẫm máu choán hết cả gian lều thấp hẹp, cũng như cách đây mấy tuần, vào một ngày tháng tám nồng nực, chính cái thân thể ấy đã tràn đầy cả cái ao tù trên con đường Smolensk. Phải, đây cũng chính là cái thân thể ấy, cũng chính là thứ thịt làm mồi cho đại bác hồi ấy đã làm cho chàng ghê rợn, dường như thế vì nó báo trước việc xảy ra hôm nay. Trong lều có ba cái bàn, hai cái đã có người. Người ta đặt công tước Andrey lên cái bàn thứ ba. Họ để mặc chàng nằm một lát và chàng vô tình nhìn thấy những việc đang diễn ra ở hai bàn kia. Một người Tatar ngồi trên cái bàn gần nhất, chắc hẳn anh ta là một người lính cô-dắc, vì thấy có một bộ quân phục cô-dắc vắt ở bên cạnh. Bốn người lính đang giữ chặt lấy anh ta. Một bác sĩ đeo kinh đang rạch cái lưng lực lưỡng và rám nắng của anh ta. - U u u! - Người Tarta rên đều đều như tiếng cuốc kêu rồi đột nhiên anh ta ngẩng cái khuôn mặt gân guốc rám nắng với đôi lưỡng quyền cao và cái mũi tẹt, nhe ra hai hàm răng trắng nhởn ra, bắt đầu giãy giụa và gào lên những tiếng kéo dài lanh lảnh. Trên một cái bàn khác, nhiều người xúm quanh một người cao lớn đẫy đà: Anh ta nằm ngửa, đầu hất ngược ra đằng sau. Công tước Andrey có cảm giác kỳ lạ là mái tóc quăn, màu da và hình dáng cái đầu có một cái gì quen quen. Mấy người y tá ra sức đè lên ngực người đó và giữ chặt lấy anh ta. Mọt bên chân to lớn, trắng trẻo và mập mạp của anh ta cứ luôn luôn giật bắn lên. Người ấy khóc nấc lên, quằn quại và sặc sụa. Không nói một tiếng, hai bác sĩ - một người mặt tái mét và run lẩy bẩy - đang lúi húi làm gì trên cái chân kia của anh ta đỏ lòm những máu. Sau khi đã mổ người Tarta và phủ chiếc áo khoác lên mình anh ta, người bác sĩ đeo kính lau tay và đến cạnh công tước Andrey. Ông ta nhìn vào khuôn mặt công tước Andrey rồi bỗng vội vã ngoảnh mặt đi. - Cởi áo cho ông ta! Sao lại đứng đực cả ra đấy? - Ông giận giữ quát hai người y tá. Trong khi người y tá, ống tay áo xắn lên, hấp tấp mở hết các khuy cúc, cởi áo quần cho công tước Andrey, những kỷ niệm xa xôi nhất của thời thơ ấu đầu tiên vụt hiện lên trong ký ức của chàng. Bác sĩ cúi xuống, lấy tay nắn nắn vết thương và thở dài một tiếng nặng nề. Đoạn ông ta ra hiệu cho một người khác. Một cơn đau khủng khiếp ở bụng làm cho công tước Andrey ngất đi. Khi chàng tỉnh dậy thì những mảnh gẫy của xương hông đã được lấy ra, những mảnh thịt đã được cắt bỏ đi và vết thương được băng bó lại. Người ta vã nước lên mặt chàng. Công tước Andrey vừa mở mắt thì bác sĩ cúi xuống mình chàng và lặng lẽ hôn lên môi chàng, không nói một lời rồi vội vã bỏ đi. Sau những cơn đau vừa phải chịu đựng, công tước Andrey có một cảm giác thư thái dễ chịu mà lâu nay chàng không hề thể nghiệm. Tất cả những giờ phút tốt đẹp, sung sướng nhất của đời chàng, nhất là của thời thơ ấu xa xôi nhất, khi người ta cởi áo cho chàng và đặt chàng nằm trên chiếc giường nhỏ, khi người vú em hát để ru chàng ngủ, khi chàng vùi đầu vào gối, và cảm thấy mình sung sướng chỉ vì biết mình đang sống, những giờ phút ấy hiện ra trong tưởng tượng của chàng không phải như những việc đã qua mà như một sự thực đang diễn ra trong hiện tại. Chung quanh người bị thương mà hình dáng cái đầu chàng thấy có vẻ quen quen, các bác sĩ đang bận rộn lui tới, họ vực người đó dậy, an ủi anh ta. - Đưa cho tôi xem… ôôôô! Ôôôô - có thể nghe rõ tiếng rên sợ hãi và cam chịu đau đớn, luôn luôn bị ngắt quãng vì tiếng khác. Nghe những tiếng rên ta kia, công tước Andrey muốn khóc. Phải chăng vì chàng phải chết không chút vinh quang? Phải chăng vì chàng còn luyến tiếc cuộc đời, hay là vì những kỷ niệm của thời thơ ấu không bao giờ còn trở lại nữa, hay là vì chàng đau khổ khi thấy người khác đau khổ, vì người kia đang rên rỉ thảm thiết trước mặt chàng. Dù sao chăng nữa thì chàng cũng muốn khóc những giọt nước mắt thơ ngây, hiền hậu, gần như những giọt nước mắt vui mừng. Người ta đưa cho người bị thương cái chân của anh ta cái chân vừa bị cưa, máu đông lại, còn nguyên cả chiếc ủng. - Ô ôôôô! - Người kia khóc rống lên nhưmột người đàn bà. Vị bác sĩ nãy giờ đứng trước người bị thương và che lấp mặt anh ta, bỗng bỏ đi nơi khác. - Trời ơi! Làm sao thế này? Tại sao hắn lại ở đây? - Công tước Andrey tự nhủ. Chàng nhận ra con người bất hạnh kiệt sức đang khóc nức nở kia, mà người ta vừa cưa mất một chân, là Anatol Kuraghin. Người ta xốc nách đỡ Kuraghin dậy và đưa cho hắn một cốc nước. Nhưng đôi môi run bần bật và sưng phù của hắn không áp được vào miệng cốc. Anatol khóc rưng rức. “Đúng rồi! Chính hắn rồi, đúng rồi, có một cái gì ràng buộc ta với con người này một cách chặt chẽ và đau đớn”. Công tước Andrey nghĩ thầm, trong lòng vẫn chưa hiểu rõ điều trông thấy trước mắt. “Mối liên hệ giữa con người này với thời thơ ấu của ta, với cuộc đời của ta thế nào?” - Chàng tự hỏi, nhưng không tìm thấy câu trả lời. Và đột nhiên, một kỷ niệm mới mẻ bất ngờ từ trong cái thế giới trong sáng và chan chứa yêu đương của thời thơ ấu hiện ra trong ký ức chàng. Chàng sực nhớ tới Natasa in hệt như khi chàng thấy nàng lần đầu trong tối khiêu vũ năm 1810, với cái cổ thon thon và hai cánh tay mảnh dẻ, với gương mặt sợ hãi và sung sướng, sẵn sàng hân hoan, và trong lòng chàng, tình yêu đằm thắm đối với nàng lại sống dậy mãnh liệt và sôi nổi hơn bao giờ hết. Bây giờ chàng đã nhớ ra mối liên hệ giữa chàng với con người này trong khi hắn đưa cặp mắt sưng vù nhìn chàng qua làn nước mắt. Công tước Andrey nhớ lại tất cả, và một niềm trắc ẩn và thương yêu tha thiết đối với con người này tràn ngập cõi lòng sung sướng của chàng. Công tước Andrey không thể tự chủ được nữa, chàng khóc, những giọt nước mắt thương yêu, tự ái đối với mọi người, đối với mình, đối với những lầm lạc của họ và những lầm lạc của mình. “Lòng trắc ẩn, tình thương yêu đối với anh em đồng loại, đối với những người yêu ta, lòng thương yêu đối với những người thù ghét ta, đối với kẻ thù, phải, cái lòng thương yêu mà Chúa đã truyền phán trên trái đất này, và nữ Công tước Maria đã dạy cho ta mà ta không hiểu; chính nó đã làm ta luyến tiếc cuộc đời, đó là điều duy nhất còn lại với ta nếu ta còn sống. Nhưng bây giờ thì đã muộn rồi. Ta biết lắm!”. Chương 37 Nhìn cảnh tượng khủng khiếp của bãi chiến trường ngổn ngang những chiếc xác chết, những người bị thương, trong khi đầu óc còn choáng váng vì được tin hai mươi viên tướng quen thuộc của mình đã bị thương và tử trận, và nhận thức rõ rệt rằng cánh tay bấy lâu vô địch của mình đã trở thành bất lực, Napoléon thể nghiệm một ấn tượng không ngờ, mặc dầu thường ngày ông vẫn thích nhìn những người tử trận và bị thương, để thử thách sức mạnh tinh thần của mình (như ông ta vẫn tưởng). Nhưng hôm nay cảnh tượng ghê rợn của chiến trường đã thắng cái sức mạnh tinh thần mà ông ta cho là đã làm và nên làm những công đức và vì sự vĩ đại của mình. Ông vội vã rời khỏi chiến trường và trở về đồi Sevadino. Mặt vàng võ sưng húp, người nặng nề, mắt đục ngầu, mũi đỏ gay và tiếng nói khản đặc, ông ta ngồi trên chiếc ghế xếp, bất giác lắng nghe tiếng súng, mắt ngước lên. Ông ta bồn chồn lo lắng chờ giờ kết thúc trận chiến đấu mà ông tưởng mình đã nhúng tay vào, nhưng thực ra thì ông không thể nào bắt nó dừng lại được. Trong giây lát, một tình cảm bầm sinh của con người đã thắng cái ảo ảnh dối trá về cuộc đời mà lâu nay ông vẫn phụng sự ông hình dung chính mình đang chịu những nỗi đau khổ và chết chóc mà ông đã thấy trên chiến trường. Cái cảm giác như có một cái gì đè nặng lên đầu và lên ngực ông khiến ông nhớ ra rằng mình cũng có thể đau khổ và chết như mọi người. Trong giây phút này, ông không còn muốn chiếm Moskva, không còn muốn thắng trận, không còn muốn vinh quang nữa (ông còn cần thứ vinh quang gì nữa?). Bây giờ ông chỉ mong ước được nghỉ ngơi, yên tĩnh và tự do. Nhưng khi ông đứng trên cao điểm Xemonovkoye thì viên tư lệnh pháo binh đề nghị ông bố trí một vài đội pháo ở đấy để tăng cường hỏa lực của những đội đang nã vào các đạo quân Nga tập trung ở Knyazkovo. Napoléon đồng ý và ra lệnh phải báo cho ông ta biết kết quả ra sao. Viên sĩ quan phụ tá đến nói rằng theo lệnh của hoàng đế, hai trăm khẩu pháo đã nã vào quân Nga, nhưng quân Nga vẫn giữ vững. - Hỏa lực của chúng ta đã quét sạch từng hàng quân, nhưng chúng vẫn giữ vững. - Viên sĩ quan phụ tá nói. - Chúng còn muốn ăn đạn nữa đấy - Napoléon nói, giọng khản đặc. - Tâu bệ hạ? - viên sĩ quan phụ tá chưa nghe rõ bèn hỏi lại. - Chúng còn muốn ăn đạn nữa, - Napoléon cau mày - bồi thêm cho chúng. Không có lệnh của ông thì ý muốn của ông vẫn cứ được thực hiện, và sở dĩ ông ra lệnh chẳng qua vì ông nghĩ rằng người ta đợi lệnh của mình. Thế rồi, ông lại quay trở về cái thế giới giả tạo trước kia, cái thế giới đầy những ảo ảnh về võ công vĩ đại. Cũng như một con ngựa quay bánh xe nước tưởng đâu rằng nó đang làm một cái gì cho bản thân nó, ông ta lại ngoan ngoãnn thực hiện cái vai trò tàn ác, đáng buồn và khổ sở, phi nhân tính mà số phận đã định trước cho ông ta. Không phải chỉ trong vài ngày ấy, giờ ấy, trí óc và lương tâm của con người này - một con người mang cái trách nhiệm nặng nề hơn ai hết trong tất cả những việc đã xảy ra - mới bị mờ tối đi, mà mãi cho đến khi nhắm mắt, không bao giờ con người ấy có thể hiểu được cái gì là thiện, cái gì là mỹ, cái gì là chân, và đâu là ý nghĩa những hành vi của mình, những hành vi trái ngược hẳn với chữ ấy không thể nào chối cãi những hành vi của mình đã được nửa thế giới ca ngợi, cho nên ông ta đành phải từ bỏ cái chân và cái thiện cũng như tất cả cái bản chất của con người. Không phải chỉ có ngày hôm ấy, trong khi cưỡi ngựa qua bãi chiến trường ngổn ngang những xác chết và những người bị tàn phế, (ông ta tưởng đó là do ý muốn của mình), và đưa mắt nhìn họ, ông mới tính xem cứ mỗi tử thi người Pháp thì có năm tử thi người Nga. Không phải chỉ hôm ấy ông mới viết thư gửi về Paris nói rằng “Chiến trường thật là hùng vĩ bởi vì trên bãi chiến trường có năm vạn tử thi”, mà ngay ở đảo Saint Helen trong cảnh tĩnh mịch cô đơn mà ông đã định dùng những năm còn lại để tường thuật những việc vĩ đại mà mình đã làm, ông viết: “Cuộc chiến tranh với Nga phải là một cuộc chiến tranh được lòng nhiều người nhất của thời đại: đó là cuộc chiến nanh của lương tri; và của sự an toàn của mọi người; nó có tính chất thuần tuý hòa bình và báo thù”. “Đó là cuộc đấu tranh vì đại nghĩa, để chấm dứt những sự ngẫu nhiên và để mở đầu cho sự an toàn. Một chân trời mới sẽ mở ra, những công trình mới sẽ được thực hiện đem lại vô số phúc lợi và sự phồn vinh cho tất cả mọi người. Hệ thống châu Âu đã có cơ sở, bây giờ vấn đề còn là tổ chức nó nữa mà thôi”. “Thỏa mãn về tất cả vấn đề lớn này, đâu đâu cũng được yên lòng, tôi cũng sẽ có đại hội của tôi, và Liên minh thần thánh của tôi. Đó là những tư tưởng mà người ta đã ăn cắp của tôi. Trong cuộc hội họp các vị đế vương, chúng tôi sẽ bàn đến quyền lợi của chúng tôi như trong một gia đình và sẽ báo cáo với quốc dân như người thư ký báo cáo với ông chủ”. “Như thế, Âu châu chẳng bao lâu sẽ thực sự trở thành một dân tộc duy nhất, và bất kỳ ai trong khi đi du lịch khắp nơi cũng sẽ luôn luôn cảm thấy mình ở trong tổ quốc chung. Tôi sẽ yêu cầu các sông ngòi được hưởng tự do giao thông, bốn bè là cộng đồng, không chia hải phận, và những đạo quân lớn thường trực từ nay sẽ giảm hẳn đi, chỉ còn lại những đội vệ binh của các quốc trưởng mà thôi”. “Khi trở về Pháp, trở về tổ quốc vĩ đại, cường tráng, tráng lệ, thái bình, quang vinh, tôi sẽ tuyên bố rằng biên giới nước ta là bất di bất dịch, mọi cuộc chiến tranh sau này sẽ thuần tuý chiến tranh tự vệ; mọi sự mở mang bờ cõi sau này đều là phản dân tộc, tôi sẽ cho con tôi cùng trị vì đế quốc, thời kỳ chiến trinh của tôi sẽ chấm dứt, thời kỳ được hiến của con tôi sẽ bắt đầu”. “Paris sẽ là thủ đô của thế giới, và địa vị của người Pháp sẽ được mọi dân tộc ước ao”. “Sau đó, trong thời kỳ tập sự làm vua của con tôi, tôi sẽ dành ngày giờ nhàn rỗi và tuổi già của con tôi để cùng hoàng hậu, như một cặp vợ chồng thôn dã thật sự, thong dong cưỡi ngựa nhà đi thăm tất cả những nơi sơn cùng thuỷ tận của đế quốc, để tiếp nhận những lời khiếu nại, trừ bỏ những điểm bất công và đến đâu cũng xây dựng lâu đài và ban thí ân đức”. Con người mà ý trời đã tiến định cho đóng cái vai trò thảm hại của tên đao phủ đối với các dân tộc, lại muốn biện hộ rằng mục đích những hành động của mình là lợi ích của các dân tộc, và mình có thể thao túng số phận hàng triệu con người, và có thể dùng quyền lực để tạo nên hạnh phúc cho họ. Về cuộc chiến tranh với Nga ông còn viết:
“Trong số 400.000 người vượt qua sông Vixla, một nửa là người Áo, người Phổ, người Xắc-xôn, người Ba Lan, người Beyer, người Vuyrtemberg, người Mecklemberg, người Tây Ban Nha, người Ý, người Napôli. Quân đội hoàng gia thực ra là gồm những người Hà Lan, người Bỉ, những cư dân ở trên bờ sông Ranh, ở Piemont, ở Thuỵ Sĩ, ở Geneva, ở Toxcan, ở La Mã, cư dân của quân khu thứ 32, cư dân các thành phố Brem, Hamburg v.v…, nó gồm không đầy 140.000 người nói tiếng Pháp. Cuộc viễn chinh sang Nga làm hao tổn của người Pháp hiện thời không đến năm vạn người. Quân đội Nga, khi rút lui từ Vilna đến Moskva, trong các trận giao chiến đã tổn thất bốn lần nhiều hơn quân đội Pháp; Việc Moskva phát hỏa đã làm cho 100.000 người Nga phải chết rét, chết đói ở trong rừng; cuối cùng trong một cuộc hành quân từ Moskva đến sông Oder, quân đội Nga cũng bị thời tiết ác nghiệt làm tổn hại, khi đến Vilna nó chỉ còn có 50.000 người và khi đến Kalis chỉ còn non 18.000”. Ông ta tưởng rằng cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra do ý muốn của mình, thế mà cái biến cố thủ khủng khiếp đã diễn ra không làm cho tâm hồn ông mảy may xúc động. Ông ta mạnh dạn nhận lấy tất cả trách nhiệm về biến cố ấy, và đầu óc mờ tối của ông ta lại muốn hiện cho bằng cách nêu ra rằng trong số hàng chục vạn người tử trận, số người Pháp ít hơn số người xứ Hess và xứ Bayer. Chương 38 Mấy vạn người chết và bị thương nằm ở những tư thế khác nhau và trong những bộ quân phục khác nhau, ngổn ngang trên những bãi cỏ và những cánh đồng thuộc quyền sở hữu của họ Duvydov hay của những nông dân của hoàng gia. Trên những cánh đồng và những bãi cỏ này, mấy thế kỷ nay, nông dân các làng Borodino. Gorki, Sevardino và Xemenovxkoye đã từng gặt lúa và chăn gia súc. Ở các trạm cứu thương, cỏ và đất đều sũng máu trên một khoảng rộng hàng mẫu đất. Từng tốp người bị thương hay còn lành lặn thuộc nhiều đơn vị khác nhau, vẻ mặt hốt hoảng, rút về phía sau, người thì chạy về Mozaisk, kẻ thì chạy về Valuyvro. Những tốp khác, mặc dầu mệt nhoài và đói lả vẫn tiến lên dưới sự chỉ huy của thủ trưởng họ. Lại có những người vẫn đứng tại chỗ tiếp tục bắn. Bãi chiến trường vừa mới đây còn tráng lệ và tươi vui với những ánh lưỡi lê lấp lánh và những đám khói tỏa lên trong ánh nắng ban mai, thì bây giờ đã tối sầm lại trong làn sương mù ẩm ướt pha lẫn khói súng, và trong không khí phảng phất cái mùi khét rất lạ của diêm sinh và máu. Những đám mây ùn ùn kéo đến, một cơn mưa nhỏ bắt đầu đổ xuống các thây ma, những người bị thương, những con người hoảng hốt, kiệt sức và đã đến lúc hoài nghi hết thảy. Hình như nó muốn bảo họ rằng: “Thôi đủ rồi, các người ạ. Chấm dứt đi thôi… hãy nghĩ lại mà xem, các người đang làm gì thế?” Binh sĩ hai bên kiệt sức vì không được ăn và không được nghỉ cũng bắt đầu ngờ vực không biết có nên tiếp tục bắn giết nhau nữa hay không. Trên tất cả các gương mặt đều lộ rõ tâm trạng dao động và một câu hỏi được gợi lên trong lòng mọi người: “Ta giết người và chết để làm gì và cho ai? Chúng bay muốn giết ai thì giết, muốn làm gì thì làm, nhưng ta thì ta không làm nữa đâu!”. Đến chiều, ý nghĩ này đã chín muồi trong lòng mỗi người. Bất cứ phút nào tất cả những người này cũng có thể thấy ghê sợ những việc họ đã làm, cũng có thể vất bỏ tất cả mà chạy, bất kỳ chạy đi đâu. Nhưng mặc đầu đến gần cuối trận đánh, mọi người đều thấy rõ hành động của mình ghê tởm đến nhường nào, mặc dầu họ sẽ vui mừng nếu được ngừng lại, nhưng có một sức mạnh gì huyền bí không thể hiểu được, vẫn chế ngự họ. Những người pháo binh, mồ hôi nhễ nhại, mình mẩy nhem nhuốc những thuốc súng và máu, ba người chỉ còn lại một, tuy đã lảo đảo và thở hổn hển vì mệt nhọc, vẫn tiếp tục mạnh dạn đến, nạp đạn, nhắm đích, châm ngòi; từ cả hai phía, đạn vẫn bay ra dồn dập và tàn nhẫn như trước, xé tan thân thể người ta ra, và cái công việc khủng khiếp kia vẫn tiếp tục, nó diễn ra không phải do ý muốn của con người mà là do ý muốn của Đấng ngự trị tất cả mọi người và mọi thế giới. Ai nhìn vào những hàng hậu quân rối loạn của quân đội Nga cũng sẽ nói rằng quân Pháp chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Nga sẽ bị tiêu diệt; ai nhìn vào những hàng hậu quân của quân Pháp cũng sẽ nói rằng quân Nga chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Pháp cũng sẽ tan tành. Nhưng cả quân Pháp lẫn quân Nga đều không thực hiện sự cố gắng ấy, và ngọn lửa của trận chiến đấu cứ dần dần tàn lụi. Quân Nga không thực hiện sự cố gắng ấy bởi vì không phải họ tấn công quân Pháp. Lúc trận đánh bắt đầu, họ chỉ đóng trên con đường vào Moskva, để chặn con đường ấy, và họ vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu cho đến khi trận chiến đấu kết thúc. Nhưng dù cho mục đích của họ là đánh đuổi quân Pháp chăng nữa thì họ cũng không thể thực hiện được sự cố gắng cuối cùng này, bởi vì tất cả các đạo quân Nga đều tan rã, không có một bộ phận nào không bị tổn thất trong trận đánh này, và trong khi giữ nguyên trận địa, quân Nga đã mất một nửa quân số. Còn quân Pháp vốn được kỷ niệm của mười năm chiến thắng cổ vũ, vốn tin tưởng vào tài năng vô địch của Napoléon và có ý thức rằng họ đã làm chủ được một bộ phận của chiến trường mà chỉ mất một phần tư quân số và đạo vệ binh hai vạn người thì vẫn còn nguyên vẹn, quân Pháp có thể thực hiện sự cố gắng ấy một cách dễ ràng. Quân Pháp tấn công quân Nga với mục đích đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí của nó, đáng lý phải thực hiện sự cố gắng ấy vì hễ quân Nga còn chặn con đường vào Moskva thì quân Pháp vẫn còn chưa đạt được mục đích, và tất cả những cố gắng cũng như những tổn thất của họ đều thành ra vô ích. Nhưng quân Pháp đã không thực hiện sự cố gắng ấy. Một vài sử gia nói rằng Napoléon cho đội cận vệ nguyên vẹn của ông ra chiến trường là có thể thắng trận. Nhưng nói về những việc sẽ diễn ra Napoléon cho đội cận vệ của mình nhập trận thì cũng chẳng khác gì nói về những việc sẽ xảy ra nếu mùa thu bỗng chốc biến thành mùa xuân. Điều đó không thể có được. Sở dĩ Napoléon không tung đội cận vệ của mình ra không phải vì ông ta không muốn, mà là vì ông ta không thể làm như thế được. Tất cả các tướng tá và quân sĩ đều biết rằng không thể làm như vậy, bởi vì tinh thần quân đói đã suy sụp không cho phép làm như vậy. Không phải chỉ riêng Napoléon mới có cảm tưởng là cánh tay mình đang giơ lên bỗng rụng rời buông thõng xuống trong cơn ác mộng, mà tất cả các tướng tá và quân sĩ của quân đội Pháp đã tham chiến hay không tham chiến, sau tất cả những kinh nghiệm rút được từ những trận chiến đấu trước đây (trong đó chỉ cần cố gắng bằng một phần mười so với bây giờ cũng đủ khiến cho quân địch bỏ chạy), đều cảm thấy kinh hãi như nhau khi đứng trước một kẻ địch đã mất một nửa quân số mà vẫn giữ vững trận địa đến cùng mà vẫn đáng sợ như lúc mới lâm trận. Sức mạnh tinh thần của quân đội Pháp, là quân đội tấn công, đã tiêu ma hết rồi. Thắng lợi của quân Nga ở Borodino không phải là một thắng lợi có thể đánh giá bằng những mảnh vải buộc vào gậy mà người ta gọi là quân kỳ, hay bằng những khoảng đất này làm cho đối phương hiểu rõ ưu thế của kẻ địch và sự bất lực của mình. Cũng như một con vật điên cuồng đang dở dà sau một vết thương trí mạng, quân xâm lược Pháp cảm thấy mình bước vào chỗ chết, nhưng nó không thể nào dừng lại, cũng như quân đội Nga, vì yếu hơn nó hai lần nên không thể nào nhường bước. Theo đà sẵn có, quân đội Pháp còn có thể lăn mãi đến Moskva, nhưng ở đây, mặc dù quân đội Nga không có những cố gắng mới, quân đội Pháp vẫn nhất định phải gục vì vết thương chí mạng ở Borodino đã làm nó kiệt hết máu. Kết quả trực tiếp của trận Borodino là việc Napoléon vô cớ bỏ chạy khỏi Moskva, việc ông ta rút lui theo con đường cũ - con đường Smolensk - việc một
đạo quân xâm lược năm mươi vạn người bị tiêu diệt, việc đế chế Napoléon của Pháp cáo chung; chính ở Borodino lần đầu tiên nền đế chế ấy đã chịu cái đòn nặng nề từ cánh tay kẻ địch mạnh nhất về phương diện tinh thần.
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...