Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần IVb

Chiến tranh và hòa bình - Phần IVb
Chương 9 
Công tước phu nhân nhỏ nhắn nằm dựa trên đống gối, đầu chụp một cái mũ vải trắng (nàng vừa trải qua một cơn đau). Mấy món tóc đen uốn cong trên hai má nóng bừng và ướt đẫm mồ hôi của nàng. Đôi môi tươi thắm xinh đẹp, ở phía trên thoáng bóng lông tơ, đang hé mở: nàng mỉm cười vui vẻ. Công tước Andrey bước vào và dừng lại trước mặt nàng, dưới chân chiếc đi-văng mà nàng đang nằm. Đôi mắt sáng long lanh với cái nhìn xúc động và sợ hãi của trẻ con, nhìn chàng, không đổi thần sắc. Cái nhìn của nàng như muốn nói: “Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả, vậy thì tại sao tôi lại phải chịu đau đớn thế này? Hãy cứu giúp tôi với”. Nàng trông thấy chồng, nhưng không hiểu ý nghĩa sự có mặt của chàng trong lúc này. Andrey đi vòng qua đi-văng và đặt một chiếc hôn lên trán nàng. - Em yêu dấu - chàng dùng một chữ mà trước đó chàng chưa từng dùng bao giờ. - Chúa rất từ bi… Nàng nhìn chàng có ý gạn hỏi đôi mắt đầy vẻ trách móc nũng nịu, trẻ con của nàng như muốn nói: “Em tưởng anh đến cứu em, thế mà chả thấy gì, chả thấy gì cả. anh cũng chỉ như người khác mà thôi!”. Chàng về không làm cho nàng ngạc nhiên; nàng không hiểu rằng chàng đã về. Sự có mặt của chàng không thể có quan hệ gì với cơn đau của nàng và không thể làm cho nàng bớt đau. Cơn đau lại nổi lên và Maria, bà Bogdanovna khuyên công tước Andrey hãy tạm ra ngoài. Bác sĩ bước vào phòng. Công tước Andrey ra và bắt gặp lại công tước tiểu thư Maria, chàng lại đến gần nàng. Hai người nói chuyện thì thầm với nhau nhưng mỗi lúc câu chuyện lại bị bỏ lửng, vì họ đang mải chờ đợi và lắng tai nghe ngóng. - Anh vào đi, anh ạ! - Công tước tiểu thư Maria nói. Công tước Andrey lại trở về căn phòng của vợ và ngồi đợi ở phòng bên. Một người đàn bà từ trong phòng nàng đi ra, vẻ sợ hãi, và khi nhìn thấy công tước Andrey thì lộ vẻ luống cuống. Chàng đưa hai tay bưng mặt và cứ ngồi như thế một lát. Những tiếng rên thảm thiết, những tiếng rên của một con vật bất lực từ sau cánh cửa vẳng ra. Nhưng đã có ai đứng chặn lấp cánh cửa ở phía trong. - Không được, không được! - Một giọng hoảng hốt từ sau cánh cửa đưa ra. Chàng bắt đầu đi đi lại lại trong gian phòng. Tiếng rên im bặt, mấy giây nữa trôi qua. Đột nhiên, một tiếng hét khủng khiếp - không phải tiếng kêu của nàng, nàng không thể kêu lên như vậy được - vang lên trong phòng bên. Chàng đến cửa; tiếng hét im bặt, và nghe có tiếng trẻ con khóc. - Ai đem trẻ con đến đây làm gì nhỉ? - Thoạt tiên công tước Andrey tự hỏi - Một đứa trẻ à? Đứa trẻ nào thế? Tại sao lại có một đứa trẻ ở trong ấy? Hay là một đứa trẻ vừa mới sinh? Khi chàng đột nhiên hiểu được ý nghĩa vui mừng của tiếng kêu ấy, nước mắt bỗng trào ra khiến chàng nghẹn ngào: chống hai khuỷu tay trên thành cửa sổ, chàng khóc thút thít như trẻ con. Cửa mở và người thầy thuốc không mặc áo đuôi tôm, hai ống sơ mi xắn lên, mặt tái xanh và hàm dưới run rẩy, bước ra khỏi phòng. Công tước Andrey muốn hỏi, nhưng ông ta ngơ ngác đưa mắt nhìn chàng và đi vượt qua không nói một tiếng. Một người đàn bà khác chạy ra, nhưng trông thấy công tước Andrey thì ngập ngừng trên ngưỡng cửa. Chàng bước vào phòng vợ. Công tước phu nhân Liza đã chết. Nàng vẫn nằm trong cái tư thế mà chàng vừa thấy năm phút trước đây, và tuy hai con mắt đã đứng tròng và hai má đã tái nhợt, nàng vẫn giữ cái thần sắc lúc nãy, trên gương mặt trẻ con kiều diễm, với cái môi thoáng bóng lông măng đen, gương mặt đáng yêu tuyệt vời, gương mặt tội nghiệp, gương mặt đã chết như muốn nói: “Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả; sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?” Trong một góc phòng, có cái gì nhỏ xíu, đỏ hỏn đang kêu lí nhí trong hai bàn tay trăng trẻo run lẩy bẩy của bà Maria Bogdanovna. Hai giờ sau, công tước Andrey lặng lẽ vào phòng làm việc của cha. Ông cụ đã biết hết. Ông đang đứng ngay cạnh cửa, và khi cánh cửa mở ra, ông ôm chầm lấy cổ con trong hai cánh tay khô cứng, cằn cỗi, như trong đôi gọng kìm, và khóc òa lên như một đứa trẻ. Ba ngày sau được, lễ an táng công tước phu nhân Liza được cử hành. Để từ biệt nàng, công tước Andrey lần từng bực bước lên nhà quàn. Trong quan tài cũng vậy, mặt nàng cũng vẫn như trước, tuy hai mắt đã nhắm nghiền. Gương mặt ấy vẫn như muốn nói: “Trời ơi sau các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?” và công tước Andrey cảm thấy có một cái gì bị xé rách trong lòng mình, chàng cảm thấy mình có lỗi, một lỗi mà chàng không thể nào chuộc lại được, và cũng không thể nào quên được. Chàng không khóc được. Đến lượt ông cụ cũng hôn bàn tay trắng như sáp điềm tĩnh đặt trên bàn tay kia, và gương mặt ấy cũng lại nói với ông: “Ôi, sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?”. Và trông thấy vẻ mặt ấy, ông già ngoảnh đi nơi khác. Sau đó năm ngày nữa, họ làm lễ rửa tội cho tiểu công tước Nikolai Andreyevich. Người vú em áp sát ngực giữ lấy tã lót trong khi giáo sĩ cầm lông ngỗng phết đầu vào lòng bàn tay và lòng bàn chân đỏ hỏn và nhăn nheo của đứa bé. Ông nội nó làm cha đỡ đầu cho nó; ông cụ ẵm nó đi chung quanh chậu nước rửa tội bằng thiếc và có nhiều chỗ móp, tay run run vì sợ đánh rơi đứa bé, rồi trao nó cho mẹ đỡ đầu của nó, công tước tiểu thư Maria. Công tước Andrey lòng thấp thỏm chỉ sợ người ta làm đứa bé chết đuối, đang ngồi trong phòng bên cạnh để chờ cho xong buổi lễ. Khi người vú ẵm đứa bé đến, chàng vui sướng nhìn con và gật đầu tán thành khi chị ta kể lại rằng trong chậu nước rửa tội, viên sáp quấn tóc của nó không chìm xuống mà lại nổi lềnh bềnh trên mặt chậu [94] . Chương 10 Việc Roxtov tham dự vào cuộc đấu súng của Dolokhov và Bezukhov đã được dìm đi, nhờ công chạy chọt của lão bá tước, và Roxtov đã không bị cách chức như chàng vẫn chờ đợi, mà lại được bổ làm sĩ quan phụ tá của viên tướng tổng đốc Moskva. Do đó: chàng không thể đi theo gia đình về nông thôn mà phải ở lại cả mùa hè ở Moskva để làm chức vụ mới của mình. Dolokhov đã bình phục, và Roxtov càng thêm khăng khít với hắn trong thời gian bình phục này. Khi vết thương còn nguy kịch, Dolokhov nằm ở nhà mẹ hắn, người mẹ yêu quý hắn yêu thiết tha. Bà Maria Ivanovna có lòng trìu mến Roxtov vì tình thân của chàng đối với Fedya [95] của bà và thường đem chuyện con ra nói với chàng. - Phải, bá tước ạ, con tôi nó cao thượng quá, trong sạch quá, so với cái thời buổi thối nát này. Chả ai ưa người có đức. Đức hạnh làm cho người ta khó chịu. Đấy, bá tước xem, hành động của Bezukhov có phải lẽ không: có lương thiện không. Fedya cũng vì sẵn tấm lòng cao thượng nên quý anh ta, đến bây giờ nó cũng không hề nói xấu anh ta, ở Petersburg cái chuyện đùa nghịch viên quận trưởng cảnh sát (tôi chả biết rõ như thế nào), có phải cả hai người cùng dính vào nhau không nào? Thế nhưng Bezukhov thì chả việc gì, mà Fedya thì phải gánh lấy hết. Biết bao là khổ nhục! Bây giờ họ đã phục chức cho nó, vẫn biết thế, vì không phục chức sao được? Những người dũng cảm, những người con của Tổ quốc như nó, tôi tưởng là phải nhiều. Thế rồi bây giờ lại đến cái việc đấu súng ấy. Bọn họ có biết tình nghĩa là gì, danh dự là gì không? Biết nó là con một, mà vẫn thách nó ra đấu súng rồi bắn thẳng tay vào nó! May sao Chúa rủ lòng thương chúng tôi. Mà nó có tội tình gì? Đời bây giờ, ai là người không dan díu? Hắn ghen, phải không? Tôi hiểu lắm, đáng lẽ hắn phải ngỏ ý từ trước, vì câu chuyện đã kéo dài một năm chứ có phải ít đâu. Thế mà hắn ta lại thách Fedya đấu súng, chắc cũng tưởng đâu nó sẽ không đấu, vì Fedya có mượn tiền của hắn ta. Hèn hạ quá! Ghê tởm quá! Tôi biết lắm, ông đã hiểu lòng của Fedya, bá tước thân yêu ạ, vì vậy tôi hết lòng quý một tâm hồn cao cả, một tâm hồn của thượng giới. Chính Dolokhov, trong lúc dưỡng bệnh, cũng thường nói với Roxtov những lời mà người ta không ngờ hắn có thể nói được. - Người ta cho tôi là một kẻ độc ác, tôi vẫn biết - Dolokhov nói. - Được, họ cứ nói. Tôi chỉ đếm xỉa đến những người mà tôi yêu quý nhưng tôi đã yêu quý người nào thì tôi yêu đến mức có thể dâng cả đời tôi cho họ; còn những kẻ khác thì tôi sẽ nghiến nát hết nếu họ cản đường tôi. Tôi có một bà mẹ mà tôi sùng bái, một bà mẹ vô giá, hai hay ba người bạn thân, trong đó có cậu, còn như những kẻ khác, tôi chỉ nghĩ đến họ trong chừng mực họ có ích hay có hại. Và hầu hết là có hại, nhất là bọn đàn bà. - Phải, bạn à, - Hắn nói tiếp - Tôi đã từng gặp những người đàn ông có tâm huyết, có những tình cảm quý báu, cao cả; nhưng những người đàn bà mà không phải là đồ dĩ thõa - dù là những bá tước phu nhân hay là những con ở nấu bếp cũng thế thôi - thì tôi chưa từng gặp bao giờ. Tôi chưa hề được thấy cái lòng trinh bạch thần thánh và cái lòng tận tuỵ hy sinh mà tôi vẫn tìm ở người phụ nữ. Nếu quả tôi tìm được một người đàn bà như thế, thì tôi sẽ dâng cả dời tôi cho người ấy. Còn những bọn kia! - Hắn khoát tay khinh miệt - Và tôi nói thế này không biết cậu có tin không: sở dĩ tôi còn muốn sống ở đời chỉ vì là tôi chưa mất hết hy vọng được gặp một người thiên giới có thể đưa lại cho tôi sống lại về tinh thần, có thể làm cho tôi trong sạch và cao cả lên. Nhưng cậu không hiểu đâu! - Có chứ, tôi hiểu lắm. - Roxtov đáp, lúc này đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người bạn mới. Đến mùa thu, gia đình Roxtov lại trở về Moskva. Đầu mùa đông, Denixov cũng về đấy và đến nhà Roxtov. Mùa đông năm 1806 mùa đông đầu tiên mà Nikolai Roxtov sống ở Moskva, là một trong những thời kỳ hạnh phúc nhất và vui vẻ nhất đối với chàng và gia đình chàng. Nikolai đã thu hút được số đông thanh niên đến chơi nhà cha mẹ chàng. Vera bây giờ đã là một giai nhân hai mươi tuổi; Sonya là một cô gái mười sáu tuổi với tất cả vẻ yêu kiều của một đóa hoa chớm nở; Natasa thì nửa là thiếu nữ nửa là trẻ con, khi thì ngộ nghĩnh như một em bé, khi thì lại có sức làm đắm đuối lòng người của một nàng trinh nữ. Hồi ấy nhà Roxtov đượm nhuần cái không khí yêu đương đặc biệt của những gia đình có những cô con gái rất trẻ và rất xinh. Khi thấy những khuôn mặt cởi mở và tươi cười (chắc hẳn là cười với hạnh phúc của mình, những chuyến ra vào qua lại rộn rịp, khi nghe tiếng cười nói thỏ thẻ, tuy chẳng có mạch lạc gì nhưng là hậu tình đối với mọi người và tràn đầy hy vọng, khi nghe những âm hưởng rời rạc, khi thì tiếng nhạc, khi thì tiếng can những người trẻ tuổi đến chơi nhà cũng nhiễm cái tâm trạng đón chờ tình yêu và hạnh phúc mà bọn thiếu niên nam nữ trong gia đình Roxtov đều đang cảm thấy. Trong số các bạn trẻ mà Nikôlai đưa về nhà thì Dolokhov là một trong những người thân nhất, hắn dược lòng mọi người: trừ Natasa. Nàng đã suýt bất hòa với anh nàng vì Dolokhov. Nàng quá quyết rằng hắn là một người xấu, và trong một cuộc đấu súng với Bezukhov, Piotr là phải mà Dolokhov đã quấy, rằng Dolokhov khó chịu và không tự nhiên. - Em chả cần biết cái gì hết! - Nàng nói to, giọng bướng bỉnh. Hắn là người ác, hắn không có tình. Này nhé cái anh Denixov ấy mà, em thích anh ấy lắm, anh ấy cũng chơi bời đủ cả, nhưng em cũng cứ thích anh ấy thế nghĩa là em cũng hiểu chứ có phải không đâu. Em không biết nói thế nào cho anh rõ bây giờ, còn cái anh Dolokhov thì cái gì cũng tính toán trước, mà đó là một điều em không thích. Denixov thì… - À Denixov thì khác - Nikolai đáp, chàng muốn ngụ ý rằng so với Dolokhov thì Denixov chả thấm vào đâu - phải biết cái anh Dolokhov ấy, tâm tình anh ấy ra sao, phải biết anh ta ăn ở với em như thế nào, một tấm lòng vàng! - Cái đó em không biết, nhưng tiếp xúc với anh ta em thấy khó chịu lắm. Thế anh có biết anh ta phải lòng Sonya rồi không? - Chỉ nói bậy… - Em biết chắc như thế, rồi anh xem. Natasa nói đúng. Dolokhov vốn là người không thích giao du với phụ nữ, thì nay đã trở thành một người khách thường ngày của gia đình và chẳng bao lâu, mọi người đều biết chắc rằng chàng đến đây vì Sonya (tuy không nói ra), Sonya không dám nói nhưng cũng biết thế và mỗi khi thấy Dolokhov đến mặt nàng cứ đỏ lên như hoa mẫu đơn. Dolokhov thường hay ăn bữa chiều ở nhà Roxtov, không vắng mặt ở một buổi diễn kịch nào có gia đình này dự, và cũng thường đến hội khiêu vũ nữ thiếu niên ở nhà Yôghel vì gia đình Roxtov cũng đến đây rất nhiều. Hắn tỏ ra đặc biệt ân cần đối với Sonya, và nhìn nàng một cách khác thường đến nỗi mỗi khi bắt gặp đôi mắt hắn, nàng không tài nào giữ được sắc mặt bình thường, không những thế, ngay cả bá tước phu nhân và Natasa trông thấy cũng phải đỏ mặt. Mọi người đều thấy rằng con người cường tráng và lạ lùng ấy đang mê mẩn vì cô thiếu nữ tóc đen duyên đáng yêu kiều bấy giờ đang yêu một người khác. Roxtov nhận thấy có cái gì khác trước giữa Dolokhov và Sonya, nhưng chàng không tìm cách xác minh xem mối quan hệ mới ấy là thế nào. “Các cô ấy khi nào cũng phải yêu một người nào đấy” - chàng tự nhủ khi nghĩ đến Sonya và Natasa. Nhưng chàng thấy có cảm giác gì lúng túng khó chịu khi ở trước mặt Sonya và Dolokhov cho nên chàng ít ở nhà hơn trước. Từ mùa thu năm 1806, người ta lại nói đến chiến tranh chống Napoléon một cách hăng hái hơn năm trước. Có sắc lệnh ban xuống là cứ một nghìn dân thì tuyển mộ mười người vào quân đội, ngoài ra, cứ một nghìn dân lại tuyển mộ chín người dân binh. Ở đâu đâu người ta cũng nguyền rủa Buônapáctê, ở Moskva không ai nói gì ngoài chuyện chiến tranh ấy, bao nhiêu sự quan tâm của gia đình Roxtov đều tập trung vào một việc ấy là Nikolai nhất định không chịu ở lại Moskva và chàng chỉ còn chờ Denixov hết hạn nghỉ để cùng anh lên đường trở lại binh đoàn, sau những ngày thánh tiết. Ngày ra đi gần gũi ấy không những không ngăn cấm chàng vui chơi, mà lại còn khuyến khích chàng là khác. Phần lớn thời gian chàng sống ở ngoài gia đình, vào những cuộc yến tiệc, dạ hội và khiêu vũ. Chương 11 Ngày thứ ba trong tết Noël, Nikolai ăn bữa chiều ở nhà, một việc rất ít có trong thơi gian gần đây. Bữa ăn chiều hôm ấy là một tiệc tiến hành chính thức, vì Denixov và chàng đều trở lại binh đoàn sau ngày Chúa hiển [96] . Khách dự tiệc có vài chục người, trong đó có Dolokhov và Denixov. Chưa bao giờ cái không khí ái ân tình tứ trong gia đình Roxtov lại nồng đượm như trong những ngày lễ này. Cái không khí như khuyên nhủ mọi người hãy bắt lấy những giây lát hạnh phúc đang trôi qua, hãy làm sao cho người khác yêu mình, mà lòng mình cũng phải yêu đi? Đó là điều duy nhất có giá trị trên thế gian: ngoài ra không có gì đáng kể. Và đó là điều duy nhất mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Nikolai cũng như thường lệ, đã làm cho hai đôi ngựa mệt lả mà không đi được hết những chỗ cần thiết, cũng không đến dự được hết những chỗ mời mình, chàng về vừa đúng lúc cả nhà sắp ngồi vào bữa ăn chiều. Thoạt mới bước vào chàng đã cảm thấy cái không khí yêu đương trở nên căng thẳng, nhưng thêm vào đó chàng còn nhận thấy một thái độ ngượng nghịu lạ lùng giữa một vài người cùng ngồi trước bàn ăn. Những người bị xúc động nhất là Sonya, Dolokhov, lão bá tước phu nhân và một phần nào cả Natasa nữa. Nikolai hiểu rằng trước bữa ăn đã có một việc gì xảy ra giữa Sonya và Dolokhov, và với cái tâm tình tế nhị và nhạy cảm sẵn có, trong bữa ăn, chàng đã tỏ ra đặc biệt âu yếm và nương nhẹ đối với cả hai người. Cũng trong buổi tối ngày tết thứ ba ấy, Yoghel (ông thầy dạy khiêu vũ) có tổ chức một buổi vũ hội để mời tất cả những người học trò của mình. Natasa nói với Nikolai: - Nikôlenka, anh sẽ đến nhà Yoghel đấy chứ. Anh đến nhé! Em van anh. Ông ta đặc biệt khẩn khoán mời anh đến mãi đấy, mà Vaxili Dmitrich (tức là Denixov) cũng đã hứa đến đấy. - Bá tước tiểu thư đã truyền lệnh thì chỗ nào mà tôi chẳng đến - Denixov nói đùa, tự đặt mình vào cương vị một kỵ sĩ phụng sự [97] Natasa, - Tôi xin sẵn sàng nhảy bước khăn san. - Anh sẽ đi nếu có thì giờ. Anh đã hứa đến gia đình Ackharov, ở đấy có dạ hội. - Nikolai nói. - Còn cậu? - Chàng hỏi Dolokhov. - Nhưng hỏi xong chàng mới chợt thấy rằng đáng lẽ mình không nên hỏi như thế. - Có lẽ sẽ đi cũng nên. - Dolokhov vừa đáp một cách lạnh nhạt và có vẻ phật ý, vừa đưa đưa mắt về phía Sonya, rồi cau mày nhìn Nikolai đúng như cách hắn đã nhìn vào mắt Piotr trong bữa tiệc ở câu lạc bộ. “Có chuyện gì đây” - Nikolai thầm nghĩ, và khi thấy Dolokhov bỏ ra về ngay sau bữa cơm, chàng lại càng thấy điều phỏng đoán của mình là đúng. Chàng gọi Natasa lại hỏi xem có việc gì xảy ra. “Chính em đang đi tìm anh, - Natasa vừa nói vừa chạy vào - thì em đã nói với anh mà không chịu tin, - nàng nói, vẻ đắc thắng - Hắn ta đã ngỏ lời cầu hôn Sonya. Tuy Nikolai không quan tâm đến Sonya cho lắm, nhưng chàng vẫn cảm thấy như một cái gì bị xé rách trong lòng khi nghe tin ấy. Dolokhov là một đám rất khả quan và về một mặt nào đó còn có thể xem là xuất sắc nữa là khác, đối với một cô gái mồ côi và không có của hồi môn như Sonya. Theo quan điểm của lão bá tước phu nhân và của giới xã giao thì không có lý do gì mà cự tuyệt anh ta. Cho nên cái cảm giác đầu tiên trong lòng Nikolai là thấy hờn giận Sonya. Chàng sắp sửa nói: “Được lắm, dĩ nhiên cô ấy phải quên những lời hẹn ước thuở nhỏ và phải nhận lời”, nhưng chàng chưa kịp nói, thì Natasa nói tiếp: - Anh có tưởng tượng được không, chị ấy đã cự tuyệt: thẳng tay cự tuyệt! Chị ấy nói là đã yêu một người khác - Nàng nói thêm sau một giây im lặng. “Mà Sonya của ta cũng không thể nào hành động khác được!” - Nikolai nghĩ - Mẹ đã hết lời van xin chị ấy, mà chị ấy vẫn cự tuyệt, và em biết chị ấy mà đã nói gì thì không bao giờ thay đổi ý kiến đâu. - Mẹ đã van xin à! - Nikolai nói, giọng trách móc. - Phải, - Natasa nói - Này, anh Nikolai, em nói thế này anh đừng giận nhé, em biết là anh sẽ không lấy chị ấy đâu. Em biết. Còn tại sao em biết thì có mà trời biết, nhưng em biết chắc anh sẽ không lấy chị ấy đâu. - Cái đó thì em không biết được đâu, - Nikolai nói - Nhưng anh phải nói chuyện với Sonya mới được. Cái cô Sonya ấy thật đáng yêu quá! - Chàng mỉm cười nói thêm. - Đáng yêu! Còn phải nói! Để em gọi đến cho anh nhé - Natasa ôm hôn Nikolai rồi chạy đi. Một lát sau, Sonya đi vào, vẻ bối rối, sợ hãi vì ngượng ngùng như người có lỗi. Nikolai đến hôn tay nàng. Đây là lần đầu tiên từ khi chàng về mà họ nói chuyện riêng với nhau về mối tình giữa hai người. - Sophi, - chàng nói, trước còn rụt rè, nhưng rồi dần dần mạnh dạn hơn lên - không những cô định cự tuyệt một đám xuất sắc xứng đáng, mà đó lại là một người ưu tú, cao thượng… đó là bạn tôi… Sonya ngắt lời chàng, nói vội: - Em đã cự tuyệt rồi. - Nếu cô cự tuyệt vì tôi, thì e rằng… Sonya lại ngắt lời chàng một lần nữa. Nàng ngước mắt nhìn chàng, vẻ van lơn và sợ hãi. - Nikolai, anh đừng nói thế. - Không, tôi phải nói. Có lẽ về phần tôi thì nói như thế này là hợm mình, nhưng cứ nên nói thì hơn. Nếu cô cự tuyệt vì tôi, thì tôi có bổn phận phải nói hết chân tình để cô rõ. Tôi cho rằng tôi yêu cô hơn bất cứ người nào ở trên đời… - Thế là đủ rồi - Sonya nói, mặt đỏ bừng. - Nhưng tôi yêu đã hàng nghìn lần rồi, mà tôi sẽ còn yêu nữa, mặc dầu chưa có ai làm cho lòng tôi có được một mối tình đằm thắm, một tấm lòng tin cậy, một niềm trìu mến thiết tha như cô. Vả lại tôi còn ít tuổi. Mẹ không thuận lòng. Tóm lại, tôi không dám hứa gì. Và tôi xin cô nghĩ lại lời thỉnh cầu của Dolokhov. - Chàng nói đến tên bạn một cách khó khăn. - Anh đừng nói thế. Em không mong muốn gì hết. Em yêu anh như một người anh, và em sẽ yêu anh mãi mãi, ngoài ra em không cần gì nữa. - Cô là một vị thiên thần, tôi không xứng đáng với cô, tôi chỉ sợ một điều, là phụ lòng cô. Nói đoạn Nikolai hôn tay nàng một lần nữa.
Chương 12 Những buổi dạ hội khiêu vũ ở nhà Yoghel là những buổi dạ hội vui nhất ở Moskva. Các bà mẹ thường nói thế khi nhìn những cô thiếu nữ mới lởn của họ tập thử những bước nhảy mới học được; chính các cô thiếu nữ và các cậu thiếu niên mới lớn cũng nói thế, họ nhảy cho kỳ mệt lả; những cô con gái lớn tuổi, những chàng thanh niên cũng nói thế: họ đến dự những cuộc khiêu vũ ấy để tỏ lòng chiếu cố, thế nhưng ở đó họ lại vui thích hơn ở đâu hết. Chính năm ấy, hai đám cưới đã được tổ chức nhờ những buổi vũ hội ở nhà này. Hai công tước tiểu thư Gortsakova xinh đẹp đã tìm được lứa đôi ở đó, và điều này lại càng làm tôn thanh danh của những cuộc khiêu vũ ấy lên. Trong những cuộc khiêu vũ ấy có một điểm đặc biệt, là ở đó không có ông chủ hay bà chủ nhà: chỉ có Yoghel, con người chất phác hồn hậu; Yoghel bay múa nhẹ nhàng như một chiếc lông chim, cúi đầu nghiêng mình thi lễ theo đúng mọi phép tắc của nghệ thuật khiêu vũ và tất cả tân khách của ông đều trao cho ông những tấm phiếu đề đền công dạy dỗ. Những cuộc khiêu vũ ấy còn có một đặc điểm nữa là đến đó chỉ có những người thích khiêu vũ và thích vui chơi như những thỉếu nữ mười ba, mười bốn tuổi mới mặc áo dài lần đầu tiên. Tất cả các thiếu nữ ấy, trừ một vài trường hợp ngoại lệ rất hiếm đều xinh đẹp, hay có vẻ xinh đẹp, vì trong nụ cười của các cô có biết bao là phấn khởi, trong khóe mắt của các cô có biết bao là hào quang. Một đôi khi, những cô học trò giỏi nhất cũng còn nhảy cả bước khăn san nữa, mà giỏi nhất là Natasa, vì nàng rất uyển chuyển nhẹ nhàng; nhưng lần này thì người ta chỉ nhảy diệu Scotland, điệu Anh và điệu Mazurka hiện đang thịnh hành. Yoghel đã mượn được một gian phòng lớn ở nhà Bezukhov và mọi người đều nhận rằng cuộc khiêu vũ đã thành công mỹ mãn. Có rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp, mà hai chị em nhà Roxtov lại ở trong số những cô xinh đẹp nhất. Cả hai đều sung sướng và vui vẻ lạ thường. Rất hào hứng sau khi đã được Dolokhov cầu hôn và đã cự tuyệt, và sau khi đã giãi bày vớỉ Nikolai, ngay khi còn ở nhà Sonya đã nhảy nhót quay cuồng, làm cho những người đầy tớ gái không sao tết xong đôi bím tóc cho nàng được, và bây giờ thì khắp người nàng bừng sáng lên một niềm vui sướng bồng bột. Natasa, cũng không kém phần kiêu hãnh vì lần đầu tiên được mặc áo dài trong một cuộc khiêu vũ thật sự, lại càng sung sướng hơn nữa. Cả hai chị em đều mặc áo dài bằng sa trắng có thắt đai hồng. Natasa bắt đầu yêu ngay từ lúc nàng mới bước chân vào phòng khiêu vũ. Nàng không yêu riêng một người nào, nàng đồng thòi yêu tất cả mọi người. Nàng yêu người mà nàng đang nhìn, trong giây phút nàng nhìn người ấy, cứ mỗi khi chạy đến với Sonya nàng lại thốt lên: - Ô thích quá! Nikolai và Denixov vừa rảo bước trong phòng vừa nhìn những người khiêu vũ với con mắt trìu mến và bao dung. - Cô ấy dễ thương quá, sau này sẽ là một cô gái đẹp - Denixov nói. - Ai thế? - Bá tước tiểu thư Natasa ấy - Denixov đáp, im lặng một lát, chàng lại nói - Mà cô nhẩy múa nhẹ nhàng và uyển chuyển quá chừng? - Nhưng cậu nói ai thế? - Nói em cậu, - Denixov nổi gắt đáp. Roxtov mỉm cười. - Bá tước thân yêu của tôi, bá tước là một trong những người học trò giỏi nhất của tôi, bá tước phải nhảy mới được, - Ông Yoghel nhỏ bé vừa nói vừa lại gần Nikolai - Bá tước xem, bao nhiêu là tiểu thư xinh đẹp. Ông ta cũng ngỏ lời yêu cầu Denixov khiêu vũ, vì Denixov cũng là học trò cũ của ông. - Không, ông bạn thân ạ, tôi chỉ đến xem thôi! - Denixov nói - Ông đã quên là hồi trước tôi học kém đến thế nào rồi ư? - Đâu có thế! - Yoghel vội vàng an ủi anh ta. Chỉ phải cái ông không chú ý, nhưng ông có tư chất, phải: ông có tư chất lắm. Người ta lại cử điệu nhạc Mazurka đang thịnh hành lúc bấy giờ. Nikolai không thể nào từ chối Yoghel, liền mời Sonya ra nhảy Denixov ngồi gần các bà già, và khuỷu tay chống trên thanh kiếm. Chân giẫm lên theo nhịp đàn, chàng vừa vui vé kể lại một câu chuyện gì làm cho các bà cười. Vừa nhìn thanh niên nhảy, Yoghel mở đầu cuộc khiêu vũ với Natasa là một cô học trò giói nhất: là niềm kiêu hãnh của ông ta. Lướt nhẹ trên đôi giày điệu vũ, ông ta bay qua gian phòng lớn với Natasa e lệ nhưng chăm chỉ cố nhảy cho đúng cách. Denixov không rời mắt nhìn nàng và vỗ gươm đánh nhịp, tỏ rõ rằng sở dĩ chàng không nhảy chỉ là vì không muốn nhảy. Chứ không phải vì không biết nhảy. Giữa một vũ hình, chàng Roxtov bấy giờ đang đi qua. - Hoàn toàn không phải thế - Denixov nói - Như vậy mà gọi là Mazurka Ba Lan được à. Nhưng cô em nhảy giỏi lắm. Nikolai biết rằng ngay ở Ba Lan. Denixov cũng nổi tiếng là một tay nhảy Mazurka cừ khôi. Chàng chạy đến gần Natasa. - Em lại mời anh Denixov đi. Anh ấy mới thật là tay khiêu vũ giỏi. Giỏi tuyệt! - chàng nói. Khi lại đến lượt Natasa nàng đứng dậy và lướt nhanh trên đôi giày nhỏ thắt dải lụa e lệ chạy ngang qua phòng bên đến chỗ Denixov ngồi, ở góc phòng. Nàng biết rằng mọi người đều chờ và đều nhìn nàng. Nikolai thấy Denixov và Natasa đang tươi cười tranh luận với nhau. Denixov từ chối nhưng vẫn không ngừng mỉm cười vui vẻ. Chàng chạy đến chỗ hai người. - Tòi van anh. Vaxili Dmitrich, - Natasa nói - Xin mời anh lại, tôi van anh. - Tôi nói thật, xin bá tước tiểu thư miễn cho. - Denixov đáp. - Thôi ra đi Vaxia - Nikolai nói. - Tuồng như người ta nhất định muốn dỗ ngọt con mèo Vaska thì phải - Denixov đùa. - Tôi sẽ hát suốt một buổi tối cho anh nghe, - Natasa nằn nì. - Đạo cô cao tay ấn như vậy, muốn bắt tôi làm vì mà tôi chả phải làm! - Denixov nói đoạn tháo gươm. Từ đằng sau dãy ghế chàng bước ra, nắm tay người bạn nhảy, ngẩng đầu lên và đưa chân ra đợi nhịp. Chỉ khi nào chàng cưỡi ngựa và nhảy Mazurka trù người ta mới không thấy chàng thấp nữa, và chàng mới trở thành trai tráng hùng dũng đúng như chàng tự nghĩ. Nghe tiếng gọi của nhịp điệu, Denixov đưa mắt nhìn nghiêng sang người bạn nhảy một cách đắc thắng và cười cợt, rồi bỗng giẫm chân xuống sàn nhà, nháy bật lên một cách mềm dẻo như quả cầu và bay lượn từng vòng, kéo người bạn theo sau. Chàng nhảy một chân khắp nửa gian phòng rộng, lướt êm không tiếng động, tưởng chừng như không thấy những chiếc ghế trước mặt và cứ đâm thẳng vào đấy; rồi bỗng dưng, đánh cựa giày kêu lanh canh, hai chân chạng ra, chàng đứng yên trên gót giầy một lát, rồi giẫm chân tại chỗ một lúc làm cựa giày kêu lên loạng choạng, chàng xoay người, rồi chân trái đập vào chân phải, chàng lại bay đi theo hình vòng tròn. Natasa đoán được ý chàng muốn gì và bất giác tự phó thác vào tay chàng mà nhảy. Có khi chàng dùng tay phải hay tay trái đẩy nàng quay, có khi, một chân quỳ xuống, chàng lại đưa nàng bước thành một vòng tròn xung quanh mình rồi lại nhảy bật lên và lao về phía trước nhanh vun vút, đến nỗi người ta có thể tưởng chàng muốn chạy khắp các phòng một hơi; có khi chàng đứng lại một cách đột ngột rồi lại nhảy một vũ tiết mới, rất bất ngờ. Khi Denixov nhanh nhẹn đẩy Natasa quay một vòng trở về chỗ ngồi và nghiêng mình cảm ơn nàng trong khi cựa giày kêu lanh canh, Natasa quên cả nhún mình đáp lễ. Nàng mỉm cười nhìn Denixov nói với đôi mắt ngỡ ngàng tưởng chừng như không nhận ra chàng nữa. - Cái gì thế nhỉ, làm sao thế? - Nàng nói. Mặc dầu Yoghel cho rằng đó không phải là điệu Mazurka chân chính, nhưng kỹ thuật khiêu vũ tuyệt vời của Denixov cũng làm cho mọi người nô nức; người ta luôn luôn mời chàng nhảy, và các ông già mỉm cười bắt đầu tán chuyện Ba Lan, nhắc nhở thời xưa êm đẹp. Denixov, nước da đỏ ửng vì điệu vũ, lấy khăn tay thấm mồ hôi trên trán và ngồi bên cạnh Natasa suốt buổi không rời nàng nữa. Chương 13 Hai ngày sau, Roxtov không thấy Dolokhov đến nhà mình, mà chàng đến nhà hắn cũng không gặp; ngày thứ ba chàng nhận được của hắn một mảnh giấy: “Tôi không còn có ý định đến nhà cậu nữa - Vì những lý do gì thì cậu cũng biết - Và tôi lại sắp trở lại quân đội, cho nên tôi muốn mời các bạn tối nay đến dự một buổi tiệc tiễn biệt nho nhỏ; vậy cậu đến khách sạn Anh, khoảng mười giờ tối”. Ở nhà hát ra (Roxtov cùng đi xem kịch với gia đình Denixov), Roxtov đến thẳng khách sạn Anh. Người ta lập tức dẫn chàng đến gian phòng đẹp nhất mà Dolokhov đã giữ cho buổi tối hôm ấy. Khoảng hai mươi người đang xúm quanh một cái bàn; Dolokhov ngồi trước bàn, giữa hai cây đèn nến. Trên bàn có những cọc tiền vàng và những xếp giấy bạc. Dolokhov đang cầm cái. Từ khi Dolokhov cầu hôn và bị Sonya từ chối, Nikolai chưa lần nào gặp lại hắn và cảm thấy ngượng mỗi khi nghĩ đến lúc gặp mặt hắn. Khóe mắt sáng và lạnh của Dolokhov đón chàng ngay khi chàng mới bước qua ngưỡng cửa, như thể hắn cố ý chờ đợi chàng từ lâu. - Lâu ngày quá - Dolokhov nói - Cảm ơn cậu đã đến dự. Cho tôi cầm cái nốt ván này đã, Ilyuska sắp đến với đoàn ca vũ đấy. - Mình có ghé qua nhà cậu - Roxtov đỏ mặt nói. Dolokhov không đáp. - Cậu đặt cửa cũng được - Hắn nói. Lúc đó, Roxtov sực nhớ đến một cuộc nói chuỵên kỳ lạ giữa chàng và Dolokhov dạo trước. Hôm ấy Dolokhov nói: “Chỉ có những thằng ngốc thì khi đánh bạc mới trông vào sự đỏ đen”. Bây giờ hắn lại nói, dường như đã đoán được ý nghĩ của chàng: - Hay là cậu sợ không dám đánh với mình? - Rồi hắn mỉm cười Qua nụ cười ấy, Roxtov nhận thấy hắn đang ở trong một tâm trạng giống như hôm dự tiệc ở Câu lạc bộ và nói chung là giống như những lúc hắn chán ngấy cảnh sinh hoạt hàng ngày, thấy cần phải tìm lối thoát bằng một hành vi quái gở, thường là tàn ác. Roxtov thấy lúng túng khó chịu; chàng cố nghĩ một câu nói đùa gì để trả lời Dolokhov. Nhưng chưa tìm ra thì Dolokhov đã nhìn chòng chọc vào mặt chàng và nói với chàng một cách chậm rãi và tách rời từng tiếng khiến mọi người đều nghe thấy: - Cậu còn nhớ đấy, một hôm chúng mình nói chuyện về cờ bạc… Chúng mình nói rằng ai đánh bạc theo đỏ đen là ngốc, đánh bạc thì phải ăn chắc, bây giờ tôi muốn làm thử. “Thử đánh theo đỏ đen hay là ăn chắc”, Roxtov nghĩ thầm. - Nhưng thôi, cậu đừng đánh thì hơn - Dolokhov nói, rồi trang một bộ bài mới bóc để trên bàn, hắn nói thêm: “Mời các vị đặt tiền”. Đẩy đống tiền ra trước mặt. Dolokhov sắp sửa chia bài, Roxtov ngồi xuống bên cạnh hắn nhưng lúc đầu không đánh. Dolokhov chốc chốc lại liếc mắt nhìn chàng. - Tại sao cậu không đánh? - hắn nói. Và lạ sao! Nikolai tự thấy bắt buộc phải cầm lấy một quân bài đặt ra một số tiền nhỏ và bắt đầu đánh. - Tôi không mang tiền theo - chàng nói. - Tôi cho cậu đánh chịu! Roxtov đặt năm rúp trên một lá bài. Chàng thua. Lại đặt nữa, và thua nữa. Dolokhov được luôn mười ván. - Thưa các vị, - Hắn nói sau khi cầm cái được ít lâu, - Tôi xin các vị đặt tiền lên trên bài, nếu không có thể tôi tính nhầm. Một người đánh bài ngỏ ý hy vọng rằng nhà cái sẽ tin hắn mà cho hắn đánh chịu. - Đánh chịu cũng được, nhưng tôi chỉ sợ tính nhầm, xin cứ đặt tiền trên quân bài, - Dolokhov đáp - Riêng cậu thì cứ tự do, chúng ta sẽ tính sau, - hắn nói thêm với Roxtov. Canh bạc tiếp tục: một người hầu luôn tay rót rượu sâm banh. Bài của Roxtov ván nào cũng thua và số tiền thua của chàng đã lên đến tám trăm rúp. Chàng đã viết tiền ấy lên một quân bài, nhưng trong khi người hầu rót sâm banh cho chàng, chàng nghĩ lại và chỉ viết số tiền đặt bình thường là hai mươi rúp. - Cứ để đã - Dolokhov nói, tuy làm ra vẻ không nhìn chàng - cậu sẽ gỡ lại mau hơn. Tôi toàn chung cho người khác và toàn thu của cậu cả. Hay là cậu sợ tôi? - Hắn nhắc lại. Roxtov làm theo, cứ đế nguyên con số tám trăm rúp ghi trên tấm bài và đặt xuống một con bảy cơ gãy góc mà chàng mới nhặt ở dưới đất lên mãi về sau chàng vẫn còn nhỏ con cơ này. Chàng lấy phấn viết tám trăm rúp bằng chữ số tròn và thẳng lên trên con bảy cơ và đưa con bài ấy ra đánh, rồi nốc hết cốc sâm banh mà người hầu rót từ lúc nãy bây giờ đã hết lạnh. Nghe câu nói của Dolokhov, chàng mỉm cười, và lòng hồi hộp, chàng mong chờ một con bảy trong khi nhìn tay Dolokhov cầm bộ bài. Ăn hay thua con bảy cơ này cũng là một việc rất quan trọng đối với chàng. Hôm chủ nhật vừa rồi bá tước Ilya Andreyevich cho con hai nghìn rúp; ông cụ không hay nói đến những khó khăn về tiền nong, nhưng hôm ấy ông cụ lại phải báo trước cho chàng biết rằng đó là số tiền cuối cùng mà ông có thể cấp cho chàng trước tháng năm và dặn chàng lần này phải dè xẻn hơn trước. Nikolai đáp lại rằng số tiền ấy đã quá mức yêu cầu của chàng rồi, và lấy danh dự hứa rằng từ giờ cho đến tháng năm sẽ không xin thêm tiền của gia đình nữa. Thế mà trong cái số tiền ấy, nay chỉ còn lại một ngàn hai trăm rúp. Cho nên, con bảy cơ không những có thể làm cho chàng mất một ngàn sáu trăm rúp, mà còn có cơ khiến chàng, phải lỗi lời hứa hẹn. Lòng hồi hộp, chàng nhìn hai bàn tay của Dolokhov và nghĩ thầm: “Thôi, mau lên, chung cho tôi con bài ấy; để tôi lấy mũ về ăn bữa khuya với Denixov, Natasa và Sonya, và nhất định từ rày không bao giờ tôi còn mó đến quân bài nữa”. Giờ phút này, cuộc sống gia đình của chàng - những trò đùa nghịch với Peyta, những câu chuyện với Sonya những bài song ca với Natasa, những ván Pich-kê với ông cụ và cả đến cái giường êm ái ở phố Povarxkaya nữa - tất cả những hình ảnh ấy hiện ra trong tâm trí chàng mạnh mẽ, rõ ràng và đầy sức quyến rũ, tựa hồ đó là một hạnh phúc đã đi qua đã mất đi từ lâu mà trước đây chàng đã không biết đánh giá cho đúng. Chàng không thể thừa nhận rằng một sự ngẫu nhiên ngu xuẩn làm cho con bảy chia sang bên phải chứ không chia sang bên trái mà lại có thế cướp mât của chàng cái hạnh phúc mà chàng mới hiểu rò giá trị, mà có thể ném chàng xuống cái vực sâu thăm thẳm của một nỗi bất hạnh mà chàng chưa trải qua bao giờ và hãy còn mịt mùng trong tương lai. Không thể nào như thế được, nhưng lòng chàng cũng hồi hộp theo dõi bàn tay của Dolokhov đang cử động. Hai bàn tay to rộng ấy da hơi đỏ, với dám lông thòi ra ngoài ống áo sơ mi đặt bộ bài xuống cầm lấy tẩu thuốc và cốc rượu mà người hầu vừa đưa đến. - Này, đánh bạc với tôi mà cậu không sợ à? - Dolokhov nhắc lại và làm như sắp kể một câu chuyện vui, hắn ngả người tựa vào lưng ghế và mỉm cười thong thả buông từng tiếng - Vâng, thưa các vị nghe nói ở Moskva có tin đồn tôi là một tên cờ bạc bịp, vì vậy tôi khuyên các vị đối với tôi nên thận trọng hơn. - Thôi chia đi! - Roxtov nói. - Ồ mấy con mẹ ngồi lê đôi mách ở Moskva! - Dolokhov nói đoạn mỉm cười lấy bộ bài. - À à à! - Roxtov bất giác thốt ra một tiếng, hai tay đưa lên nắm chặt mái tóc. Con bảy mà chàng đang trông mong đã nằm ở trên cùng nó là con bài đầu của cỗ bài mới trang. Chàng đã thua một số tiền nhiều hơn số tiền mà chàng có thể giả. Nhưng này, cậu đừng có liều đấy nhé - Dolokhov vừa nói vừa liếc nhìn chàng và tiếp tục tung bài.
Chương 14 Một tiếng rưỡi sau, phần đông những người dự cuộc chỉ còn đánh lấy lệ. Cả canh bạc dồn hẳn vào một mình Roxtov. Bây giờ số tiền chàng nợ không còn là một ngàn sáu trăm rúp nữa, mà là cả một cột dài những con số mà chàng đã đếm đến số vạn, và nhẩm đoán đại khái là đã lên đến mười lăm ngàn. Thật ra, tổng số đã lên đến hơn hai vạn rúp. Dolokhov không còn nghe ai nói gì và cũng không kể chuyện gì nữa, hắn theo dõi từng cử động của hai hàn tay Roxtov và chốc chốc lại đưa mắt lướt nhanh qua hàng chữ số. Hắn đã quyết định cứ đánh mãi cho đến khi tổng số lên đến bốn mươi ba ngàn rúp. Hắn đã chọn con số ấy vì bốn mươi ba là số tuổi hắn và tuổi Sonya cộng lại. Roxtov hai tay ôm đầu, ngồi chống khuỷu tay vào cái bàn ghi đầy những chữ số, loang lổ những vết rượu đổ, ngổn ngang những quân bài. Một ấn tượng đau đớn cứ bám chặt lấy chàng: hai bàn tay đo đỏ kia, to xương và có lông thòi ra ngoài ống tay áo, hai bàn tay mà chàng quý mến và căm thù đang nắm cái quyền lực chi phối chàng. “Sáu trăm rúp, át, tớ gấp đôi, chín… Không tài nào gỡ lại được nữa? Giá bây giờ ở nhà có phải vui bao nhiêu… Một con bồi đánh hòa… không thể như thế được… Mà tại sao hắn lại đối xử với mình như thế…” - Roxtov nghĩ. Một đôi khi chàng đặt cửa rất to; nhưng Dolokhov từ chối và quyết định cho chàng đặt bao nhiêu. Nikolai ngoan ngoãnn tuân theo. Có khi chàng cầu nguyện Chúa như chàng đã từng cầu nguyện ở chiến trường, bên cầu Amstetten; Có khi chàng lại tự nhủ rằng nếu chàng lấy một con bài nào đó trong đống bài quăn góc ở dưới bàn mà đánh thì con bài ấy sẽ cứu được chàng; khi thì chàng đếm những dải khuy tết ngang trên áo đôn-man của chàng và lấy số dải khuy mà đánh theo con bài tương đương, mong rằng sẽ gỡ lại được chỗ mình đã thua; Khi thì chàng lại nhìn những người dự cuộc như để cầu cứu, khi thì chàng quan sát tỉ mỉ gương mặt của Dolokhov bấy giờ đã trở lại lạnh lùng, và chàng cố gắng hiểu xem cái gì đang diễn ra trong tâm trí hắn. “Hắn cũng biết số tiền thua ấy đối với ta quan trọng đến như thế nào. Chả nhẽ hắn mong cho ta nguy khốn? Hắn vốn là bạn thân của ta. Ta quý hắn lắm cơ mà… Nhưng cũng không phải lỗi tại hắn, vận hắn cứ đỏ mãi thì bảo hắn làm thế nào? Mà cũng chẳng phải lỗi của ta nốt - Chàng tự nhủ - ta chẳng làm điều gì xấu xa. Ta có giết người đâu? Có nhục mạ ai đâu? Có nguyền rủa ai đâu? Thế sao vẫn đen ghê gớm như thế? Cơ sự này bắt đầu từ bao giờ? Mới đây thôi, ta đến cạnh cái bàn này với ý định ăn lấy một trăm rúp để mua một cái hộp biếu mẹ nhân lễ sinh nhật, rồi thì về. Lúc đó ta còn sung sướng, còn tự do, còn vui vẻ biết chừng nào. Vậy thì cái hạnh phúc ấy kết thúc từ bao giờ mà cái tình trạng mới này, cái tình trạng khủng khiếp này bắt đầu từ bao giờ? Có cái gì đánh dấu khủng khiếp sự thay đổi ấy? Lúc đó ta cũng vẫn ngồi chỗ này, ta cũng vẫn nhìn hai bàn tay to xương mà khéo léo kia. Vậy thì cái đó đã xảy ra lúc nào và cái gì đã xảy ra? Ta vẫn còn khỏe mạnh, lực lưỡng và vẫn như trước, vẫn ngồi ở chỗ hồi nãy. Không đâu, không thể như thế được. Chắc chắn là việc này rồi chẳng có hậu quả gì đâu”. Mặt chàng đỏ bừng, mồ hôi như tắm, mặc dầu trong phòng không nóng. Khi ấy ai nhìn mặt chàng cũng phải thấy sợ hãi và thương tâm, nhất là vì chàng đang cố gắng hết sức để tỏ ra bình tĩnh mà không được. Bản tính nợ đã lên đến con số tiền định là bốn mươi ba ngàn rúp, Roxtov đang chuẩn bị một con bài để tố gấp đôi số ba ngàn rúp chàng mới ăn, thì Dolokhov đặt mạnh cỗ bài xuống bàn, cầm lấy viên phấn và cộng số nợ của Roxtov với nét chữ rõ ràng, cứng cỏi của hắn, và đánh gãy viên phấn. - Ăn bữa khuya thôi, đã đến giờ ăn khuya rồi! Bọn Di-gan đã đến kia kìa! Quả nhiên, vừa lúc ấy có một tốp đàn ông và đàn bà tóc đen da ngăm vừa đi ngoài lạnh bước vào vừa nói chuyện với nhau bằng cái giọng Di-gan của họ. Nikolai biết rằng thế là hết, nhưng chàng cũng lấy giọng thản nhiên nói: - Thế cậu không chia bài nữa à? Tôi đã sắp sẵn một con bài rất hay. - Làm như chàng chỉ quan tâm đến cái thú đánh bài. “Thế là xong, thế là chết! - chàng nghĩ. - Bây giờ chỉ còn cách cho một viên đạn vào óc”, - và đồng thời chàng lại nói, giọng rất vui vẻ: - Nào, hẵng đánh một ván nữa. - Được Dolokhov đáp, khi đã cộng xong - được! Bằng lòng đánh hai mươi mốt rúp - hắn vừa nói vừa chỉ con số 21 ở trên sổ nợ, đó là con số lẻ, dôi ra ngoài tổng số bốn mươi ba ngàn, và tay cầm bài, hắn sắp sửa chia. Roxtov ngoan ngoãnn vuốt góc con bài và nắn nót viết con số hai mươi mốt thay cho số sáu ngàn rúp đã chuẩn bị sẵn. - Ừ thì thế nào cũng được. - chàng nói - Tôi chỉ muốn biết cậu sẽ cho con mười này được hay thua. Dolokhov lại nghiêm chỉnh chia bài. Ồ, lúc này sao Roxtov thù ghét hai bàn tay kia lạ lùng, hai bàn tay đo đỏ, ngón ngắn, lông lá thòi ra ngoài ống sơ mi, hai bàn tay đang nắm quyền lực chi phối chàng. Con mười ăn. - Bá tước nợ tôi bốn mươi ba ngàn rúp chẵn. - Dolokhov nói đoạn đứng đậy vươn vai. - Ngồi lâu mệt rồi đấy. - Phải, tôi cũng mệt - Roxtov nói Dolokhov ngắt lời chàng, như để nhắc nhở cho chàng biết rằng lúc này chàng không nên nói đùa. - Thưa bá tước, khi nào thì ngài cho phép tôi lĩnh số tiền. Nikolai đỏ mặt, kéo hắn sang phòng bên cạnh. - Tôi không thể trả hết ngay một lúc được, cậu sẽ nhận một phiếu hoàn ngân - chàng nói. - Cậu nghe đây, Roxtov ạ - Dolokhov nói với một nụ cười tươitỉnh trong khi nhìn thẳng vào mặt Nikolai - cậu cũng biết câu ngạn ngữ “May mắn trong tình yêu thì rủi ro trong cờ bạc”. Cô em họ của cậu yêu cậu. Tôi biết. “Ồ! Cảm thấy mình đang ở trong tay một con người như vậy thật là đáng sợ, - Roxtov nghĩ. Chàng biết tin chàng thua bạc sẽ làm cho cha mẹ chàng choáng váng đến thế nào; chàng biết rằng nếu thoát được tình cảnh ấy thì sung sướng đến nhường nào, và hiểu rằng Dolokhov vẫn biết hắn ta có thể trừ miễn cho chàng nỗi sỉ nhục và phiền não ấy, nhưng hắn cứ muốn bỡn cợt chàng như mèo vờn chuột”. - Cô em họ cậu… - Dolokhov bắt đầu nói, nhưng Nikolai ngắt lời ngay. Chàng điên liết quát lên: - Cô em họ tôi không liên quan gì đến việc này, xin đừng nói đến cô ấy làm gì. - Thế thì bao giờ tôi nhận được tiền? - Dolokhov - Mai! - Roxtov nói đoạn bước ra khỏi phòng. Chương 15 Hẹn đến mai và giữ dáng diệu chững chạc không phải là việc khó, nhưng lủi thủi trở về nhà, trông thấy mặt các em và cha mẹ, thú nhận tội lỗi, rồi xin một món tiền mà mình không có quyền đòi hỏi sau khi đã lấy danh dự ra hứa hẹn - việc đó thật là khủng khiếp. Người nhà vẫn chưa đi ngủ. Bọn trẻ nhà Roxtov sau khi đi xem hát về và đã ăn bữa khuya, đang quây quần xung quanh chiếc dương cầm. Nikolai vừa bước vào phòng khách đã thấy mình bao phủ trong bầu không khí ái ân và thi vị bàng bạc trong nhà suốt mùa đông năm ấy. Bây giờ, sau việc cầu hôn của Dolokhov và buổi khiêu vũ của Yoghel, bầu không khí ấy tựa hồ đã tụ lại dày hơn nữa xung quanh Sonya và Natasa, như khi trời trước cơn giông. Hai cô thiếu nữ trong bộ áo màu thanh thiên mặc đi xem hát, xinh đẹp và biết mình xinh đẹp, đang sung sướng, tươi cười đứng bên dương cầm. Vera và Sinsin đang đánh cờ ở phòng khách. Lão bá tước phu nhân thì trong khi chờ đợi ông chồng và cậu con, đang chơi bói bài với một bà già quý tộc lưu trú trong nhà. Denixov ngồi trước dương cầm, hai mắt sáng quắc, tóc rối bù, một chân co ra phía sau, đang đưa mười ngón tay ngắn ngủi đập từng hợp âm, và, mắt đảo qua đảo lại cất giọng khàn khàn nhưng đúng cung bậc bài hát “Đạo cô” - bài thơ anh ta mới làm và đang tìm cách phổ nhạc. Đạo cô ơi! Mãnh lực nào thúc đẩy Khiến tơ đồng yên ngủ bỗng vang lên. Nàng nhen lên trong lòng ta, rực cháy Ngón tay ta run rẩy, chẳng sao yên? Chàng hát với một giọng thiết tha, đôi mắt đen nhánh long lanh như mã não bắn những tia chớp về phía Natasa, khiến nàng sợ hãi nhưng sung sưởng. - Hay quá! Tuyệt diệu! - nàng reo lên - Một khúc ca nữa đi anh! - nàng nói thêm, không để ý đến Nikolai. “Đối với họ vẫn không có gì thay đổi”. - Nikolai nghĩ ngợi trong khi đưa mắt nhìn qua phòng khách và trông thấy Vera, lão bá tước phu nhân và cụ già. - À, anh Nikolai đã về! - Natasa chạy ra đón chàng. - Cha có nhà không? - chàng nói. - Anh về làm em mừng quá! - Natasa nói, không đáp lại câu hỏi của chàng - Chúng em ở nhà vui quá anh ạ. Anh Vaxili Dimitrich ở lại thêm một ngày vì em đấy. - Không, cha chưa về - Sonya nói. - Kolo, con đã về đấy ư, đi vào đây con, - tiếng bá tước phu nhân nói trong phòng khách. Nikolai đi đến chỗ mẹ ngồi, hôn tay bà, và lặng lẽ ngồi xuống cạnh bàn, đưa mắt nhìn theo bàn tay bà đang xếp đặt mấy quân bài. Từ bên phòng lớn vẫn văng vẳng lại những tiếng cười và những giọng nói vùi vẻ đang van nài Natasa. - Thôi được rồi, được rồi - Denixov nói to - Bây giờ từ chối cũng vô ích, tiểu thư còn nợ tôi bài “đò đưa” [98] , tôi van tiểu thư. Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn cậu con trai đang ngồi im lặng. - Con làm sao thế? - bà hỏi chàng. - À có sao đâu ạ - chàng nói, tựa hồ câu hỏi muôn lần như một ấy đã làm cho chàng bực mình. - Cha đã sắp về chưa? - Có lẽ sắp về đấy. “Ở nhà chẳng có gì thay đổi. Chưa ai hay biết gì cả. Bây giờ biết rúc vào đâu?” - Nikolai tự nhủ và trở về gian phòng khách lớn có cây dương cầm. Sonya đang ngồi trước dương cầm đánh đoạn mở đầu bài “đò đưa” mà Denixov đặc biệt ưa thích. Natasa đang chuàn bị hát. Denixov thì đang nhìn nàng với đôi mắt hân hoan. Nikolai bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. “Tự dưng lại bảo nó hát làm gì thế? Nó thì hát được cái gì? Chả có gì là vui thú cả” - chàng nghĩ. Sonya dạo hợp âm thứ nhất của đoạn mở đầu. “Trời ơi, mình là một con người bỏ đi, một con người đã mất hết danh dự, chỉ còn việc cho một viên đạn vào óc, chứ hát với xướng gì nữa?” - chàng tự nhủ. - Hay là đi biệt? Nhưng đi đâu? Thôi, cứ để mặc cho họ hát!” Nikolai vẫn tiếp tục đi đi lại lại trong phòng, vẻ mặt u uất, chốc chốc lại liếc nhìn Denixov và hai cô thiếu nữ, đồng thời lẩn tránh mắt họ. “Nikolenka, anh làm sao thế?” Đôi mắt của Sonya như muốn hỏi. Nàng đoán ngay được rằng chàng đã gặp một chuyện chẳng lành. Nikolai ngoảnh mặt đi, không nhìn nàng. Natasa với các trực giác nhạy bén của nàng cũng đã nhận thấy ngay tình trạng anh mình. Nàng có nhận thấy, nhưng trong giờ phút này bản thân nàng đang vui vẻ, xa cách mọi sự phiền não, mọi nỗi u buồn, mọi lời trách móc, cho nên nàng tự lừa dối mình một cách hữu ý (thanh niên thường như thế). “Bây giờ mình vui sướng quá, mình không muốn tiếp xúc với sự phiền não của người khác để làm hư hỏng mất niềm vui sướng cảu mình” - đó là chân tình của nàng, nhưng nàng lại nói với mình một cách khác - “Không đâu, chắc là mình lầm, nhất định anh ấy cũng vui sướng như mình”. - Nào, Sonya, - nàng nói và bước ra chính giữa phòng, nơi mà nàng cho là điều kiện âm hưởng tốt hơn cả. Nàng ngẩng đầu, buông thõng hai bàn tay như một vũ nữ và bước mạnh ra chính giữa phòng, mỗi bước đi đều nhấn mạnh chân chuyển từ gót giày sang mũi giày, rồi dừng lại. Dáng vẻ của nàng như nói với hộ nàng: “Đây tôi như thế này đáy!” để đáp lại cái niềm hân hoan của Denixov đang theo dõi nàng. “Nó vui thích cái nỗi gì thế không biết! - Nikolai nghĩ trong khi nhìn em. - Sao nó không thấy chán, không thấy ngượng nhỉ!” Natasa đưa lên một nốt đầu tiên, cổ nàng dãn ra, ngực nàng nâng lên, hai mắt nàng trở nên nghiêm trang. Lúc đó nàng không nghĩ đến cái gì hết, cũng không nghĩ đến ai hết, từ đôi môi tươi cười của nàng, những âm thanh tuôn ra, những âm thanh mà mỗi người đều có thể xướng lên theo những âm trình như nhau, với một nhịp diệu như nhau, những âm thanh mà một ngàn lần ta đều cảm thấy nhạt nhẽo, nhưng đến lần thứ một ngàn linh một thì phải rung động và ứa nước mắt. Mùa đông năm ấy, lần đầu tiên Natasa đã bắt đầu hát một cách nghiêm túc, đặc biệt vì có Denixov say sưa thưởng thức tiếng hát của nàng. Bây giờ nàng không hát như một đứa trẻ nữa, trong tiếng hát của nàng không còn có sự cố gắng chăm chỉ buồn cười của trẻ con như ngày trước; Nhưng nàng hát chưa giỏi, theo ý kiến của tất cả những người sành hát đã nghe giọng nàng. “Giọng tốt nhưng chưa được luyện, cần phải luyện thêm”, mọi người đều nói. Nhưng người ta nói thế thường là sau khi tiếng nàng đã im bặt từ lâu. Còn trong khi cái tiếng chưa luyện ấy đang đưa lên với những hơi thở không đúng lúc, với những chỗ chuyển giọng khó nhọc, thì chính những người sành hát cũng không nói gì, mà chỉ biết thưởng thức cái giọng chưa luyện ấy và cứ muốn nghe nó lại một lần nữa. Trong giọng hát của nàng có một cái gì trong trẻo, trinh bạch, một cái gì hồn nhiên, không tự biết giá trị của mình, một cái gì êm dịu như nhung, nhưng hãy còn mộc mạc, phối hợp khéo léo với những nhược điểm kỹ thuật đến nỗi hình như chỉ thay đổi một điểm nhỏ trong giọng hát ấy cũng đủ làm cho nó hư hỏng mất. “Làm sao thế nhỉ? - Nikolai nghĩ thầm khi nghe giọng hát của nàng, chàng mở to mắt - Nó có cái gì thay đổi? Hôm nay nó hát hay quá!” và đột nhiên đối với chàng cả vũ trụ đều quay tụ lại trong phút đợi chờ nốt nhạc theo sau, câu hát theo sau! Và mọi sự vật trong vũ trụ đều chia làm ba phách: o miv crudele afetto “Một, hai, ba… một, hai, ba… một… O miv crudele afetto… Một, hai, ba… một. Chà, cuộc đời chúng ta thật là ngu xuẩn! - Nikolai nghĩ - Tất cả, nào là vận đen, nào là tiền bạc, nào là Dolokhov, nào là oán hờn, nào là danh dự tất cả những cái đó đều là chuyện vô nghĩa… Đây, cái này mới đáng kể này. Xem nào, Natasa! Xem nào, em gái yêu của tôi; xem nào, cô bạn thân mến! Em tôi sẽ đưa cái nốt si ấy như thế nào? Nó đã được rồi! Trời ơi!” - và chàng bất giác hát bè đệm cách nốt cao một khoảng ba, để tăng cường cho cái nốt si ấy mà cũng không biết rằng mình đang hát nữa. “Trời ơi! Hay quá! Có thật là chính ta đã hát lên không? Sung sướng làm sao! - Chàng nghĩ. Ôi cái hợp âm quang đãng ba ấy nó réo rắt làm sao, và những gì tốt đẹp nhất trong lòng Roxtov đã rung động theo nó mãnh liệt đến nhường nào! Và cái đó không dính dáng gì đến mọi sự vật ở trên đời. Kể gì thua bạc, kể gì Dolokhov, kể gì lời hứa danh dự, và quả thật… Đó toàn là những chuyện nhảm nhí! Có thể giết người, ăn trộm mà vẫn hạnh phúc. Chương 16 Đã lâu lắm Roxtov chưa lần nào được khoái cảm như vậy trong khi nghe nhạc. Nhưng Natasa vừa hát xong bài hát đò đưa thì chàng lại sực nhớ đến thực tế. Chàng lẳng lặng bỏ ra ngoài và đi về phòng riêng. Mười lăm phút sau, lão bá tước, vui vẻ và hả hê, ở câu lạc bộ về Nikolai nghe tiếng xe ông cụ về liền đến gặp. - Thế nào, vui chứ? - Ilya Andreyevich vừa nói vừa vui vẻ và kiêu hãnh mỉm cười với con trai. Nikolai muốn nói “Vâng” nhưng không sao nói được: chỉ thiếu một tí nữa chàng đã khóc nấc lên. Bá tước đang mải châm tẩu thuốc, không nhận thđv tình trạng của con. “Thôi, đằng nào cũng phải nói” - Nikolai suy nghĩ lần đầu tiên và cuối cùng. Rồi đột nhiên, với một giọng nói hết sức ung dung mà chàng cũng phải tự lấy làm xấu hổ, chàng nói với ông cụ, như khi chàng muốn xin phép dùng xe ngựa đi phố: - Ba ạ, con đến đây để thưa chuyện. Tí nữa thì quên mất. Con cần tiền. - Thật à? - ông cụ nói trong lúc đang vui - thì ba đã bảo con là số tiền kia không đủ tiêu đâu mà! Con cần có nhiều không? - Có nhiều. - Nikolai đỏ mặt nói, với một nụ cười ung dung, ngu xuẩn, mà mãi về sau chàng vẫn không sao tha thứ cho mình được - Con có nhỡ thua bạc một ít… nghĩa là cũng khá nhiều, rất nhiều nữa là khác, bốn mươi ba ngàn rúp. - Làm sao? Thua ai? Nói đùa đấy chứ - Bá tước kêu lên, cổ và gáy hốt nhiên đỏ gay vì chứng huyết áp cao của người có tuổi. - Con đã hẹn trả nội ngày mai - Nikolai nói. - Ấy thế - lão bá tước vừa nói vừa đang rộng hai cánh tay ra tỏ vẻ bất lực, rồi bủn rủn ngồi phịch xuống đi-văng. - Biết làm thế nào? Ai mà chẳng trải qua một lần như thế? Nikolai nói với một giọng ung dung và chững chạc, nhưng trong lòng thì tự cho mình là một thằng vô lại, một thằng khốn nạn, dù chết cũng không thể chuộc hết tội ác. Chàng chỉ muốn đến hôn tay cha, quỳ xuống xin cha tha tội, nhưng chàng lại nói với một giọng ung dung, thậm chí còn thô lỗ nữa, rằng chuyện đó bắt cứ ai cũng có thể trải qua. Bá tước Ilya Andreyevich, nghe câu trả lời của con thì cúi nhìn xuống đất rồi loay hoay một lúc như muốn tìm cái gì. - Phải, phải, - Ông cụ nói, - Khó đấy, cha e rằng khó mà kiếm được số tiển ấy, chuyện ấy ai mà chẳng có lần trải qua! Phải, thật thế… - Và bá tước đưa mắt nhìn lướt qua mặt con rồi đi ra phía cửa… Nikolai vốn đã liệu trước là có thể bị cự tuyệt, nhưng không hề ngờ sự tình sẽ như vậy. - Ba ơi! Ba, ba! - Chàng nghẹn ngào gọi với theo ép chặt môi lên đấy và khóc nức nở. Trong khi bá tước và cậu con trai giãi bày với nhau như vậy thì một cuộc nói chuyện không kém phần quan trọng cũng diễn ra giữa bá tước phu nhân và cô gái. Natasa hớt hơ hớt hải chạy đến phòng mẹ. - Mẹ ơi! Mẹ ơi!… Anh ấy đã… - Cái gì thế? - Anh ấy đã… anh ấy đã ngỏ lời với con. Mẹ ơi! Mẹ ơi! - nàng kêu lên. Bá tước phu nhân không dám tin ở tai mình nữa. Denixov đã ngỏ lời. Nhưng ngỏ lời với ai? Với cái con bé oắt Natasa kia, mới đây còn hơi búp bê, bây giờ còn phải học bài ư! - Thôi đi Natasa, chỉ vớ vẩn! - bà cụ nói, trong lòng hy vọng rằng câu chuyện chỉ là một trò đùa. - Vớ vẩn đâu! Con nói thật đấy, mẹ ạ - Natasa nói với một giọng hờn dỗi - Con vào hỏi mẹ xem nên như thế nào, mẹ lại bảo là vớ vẩn. Bá tước phu nhân nhún vai. - Nếu quả thật me-xừ Denixov xin kết hôn với mày, thì mày bảo cho ông ta biết rằng ông ta là một thằng ngốc. - Không, không phải là thằng ngốc - Natasa nói, vẻ tức giận và nghiêm trang. - Thế thì mày muốn cái gì? Bọn chúng mày bây giờ đứa nào cũng nghĩ đến chuyện yêu đương cả. Nếu mày phải lòng anh ta thì mày cứ lấy đi - bá tước phu nhân cười bực dọc - Lạy Chúa! - Mẹ ơi, không phải, con không phải lòng anh ấy đâu! Chắc không phải đâu? - Không, nhưng cô bạn của tôi muốn gì nào? Thôi để mẹ ra nói với anh ấy cho, - bá tước phu nhân mỉm cười nói. - Không, mẹ để con đi, nhưng mẹ bảo con biết con phải làm như thế nào. Mẹ thì cái gì cũng tưởng dễ lắm - nàng nói thêm để đáp lại nụ cười của phu nhân. - Nhưng mẹ có biết đâu anh ấy nói với con như thế nào! Con biết, anh ấy không muốn nói, nhưng không hiểu sao buột miệng mà nói ra đấy thôi. - Thì đằng nào cũng vẫn phải từ chối. - Không, không nên. Con thấy anh ấy tội nghiệp lắm. Anh ấy dễ thương lắm cơ. - Thế thì nhận lời đi! Vả lại mày cũng đến lúc phải lấy chồng rồi đấy, - bà mẹ nói, giọng bực tức và mỉa mai. - Mẹ ơi, con thấy anh ấy tội nghiệp quá. Con không biết nói với anh ấy thế nào. - Nhưng mày không nói gì cả, để tao nói cho. - Bá tước phu nhân đáp, bực tức vì người ta dám coi con bé Natasa của mình như một người lớn. - Không, muôn vàn xin mẹ đừng nói, để con nói lấy, còn mẹ cứ đứng ngoài cửa mà nghe. - Nói xong Natasa tạt qua phòng khách chạy vào phòng khiêu vũ: Denixov vẫn ngồi nguyên trên ghế như trước, cạnh chiếc giương cầm, hai tay ôm đầu. Chàng vụt đứng dậy khi nghe tiếng bước nhẹ nhàng của nàng. - Cô Natali - chàng vừa nói vừa đi nhanh đến trước mặt nàng, - Xin cô định doạt số phận của tôi. Nó ở trong tay cô. - Anh Vaxili Dmitrich, em ái ngại cho anh quá. Không, nhưng… Anh thật dễ thương… nhưng, có điều là không nên, cứ như thế này thì em sẽ yêu anh mãi mãi. Denixov cúi nhìn xuống sát tay nàng và nàng nghe thấy những âm thanh lạ lùng mà nàng không hiểu. Nàng đặt một chiếc hôn trên mớ tóc quăn, đen nhánh và rối bù của chàng. Vừa lúc ấy, nghe có tiếng áo sột soạt vội vã của bá tước phu nhân. Phu nhân đến gần chỗ hai người. - Anh Vaxili Dmitrich, tôi xin cảm ơn anh về điều vinh dự ấy - bà nói với một giọng ngượng nghịu, nhưng Denixov lại có cảm tưởng là nghiêm khắc - Nhưng con gái tôi còn non dại quá và tôi thiết tưởng với tư cách là bạn thân của con trai tôi thì lẽ ra anh nên nói với tôi trước. Giá được như thế, thì đã không đến nỗi bắt buộc tôi phải từ chối. - Thưa bá tước phu nhân… - Denixov vừa đáp, hai mắt nhìn xuống đất, vẻ ân hận, chàng muốn nói thêm câu gì nữa nhưng lưỡi cứ líu lại. Natasa không thể không mủi lòng khi thấy chàng khổ sở như vậy Nàng bắt đầu khóc to lên. - Thưa bá tước phu nhân, tôi thật có lỗi với phu nhân - Denixov nói tiếp, giọng đứt quãng, - Nhưng xin phu nhân biết cho rằng tôi sùng mộ tiểu thư và gia đình đến nỗi tôi có thể dâng đời sống của tôi hai lần… - Chàng ngước nhìn lên bá tước phu nhân và nhận thấy vẻ mặt nghiêm khắc của bà… - Thôi, xin từ biệt phu nhân - Chàng nói và hôn tay bá tước phu nhân, rồi không nhìn Natasa, chàng bước quả quyết ra khỏi phòng. Hôm sau, Roxtov tiễn Denixov ra đi, vì Denixov đã quyết định không ở thêm một ngày nào ở Moskva nữa. Bạn bè của chàng đặt tiệc tiễn chàng ở nhà bọn Di-gan, sau đó chàng không còn biết họ đặt chàng vào xe trượt tuyết như thế nào mà không còn nhớ gì về ba trạm đầu tiên của cuộc hành trình. Sau khi Denixov đi, Roxtov còn phải chờ số tiền trả nợ, vì lão bá tước không thể chạy được trong một lúc, và phải lưu lại mười lăm ngày ở Moskva, nhưng không ra khỏi nhà, và phần lớn thời gian chỉ lẩn quẩn trong phòng các cô thiếu nữ. Sonya lại càng âu yếm và tận tuỵ với chàng hơn bao giờ hết. Nàng có vẻ muốn tỏ ra cho chàng biết rằng việc chàng thua bạc là một kỳ công, khiến nàng càng yêu chàng hơn trước. Nikolai thì tự cho mình là không xứng đáng với nàng nữa. Chàng chép nào thơ nào nhạc dầy cả các tập an-bom của hai cô thiếu nữ, và sau khi đã gửi đủ số tiền bốn mươi ba ngàn rúp và đã nhận được biên lại của Dolokhov, không từ biệt một người nào, chàng khởi hành vào cuối tháng mười một để đuổi theo binh đoàn của mình bấy giờ đã ở Ba Lan.
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...