Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Huyền thoại trên cao nguyên đá

Huyền thoại trên cao nguyên đá
NHỮNG CUỘC THIÊN DI
Chúng tôi có mặt tại Đồng Văn vào cận tết Tân Mão, đúng vào những ngày đầu tiên của đợt rét đậm, rét hại kéo dài cả tháng. Buổi sáng sớm, nhiệt độ vào khoảng 7-80C. Rét buốt, dường như không chỉ du khách lười ra đường mà ngay cả đến đá bản địa cũng chẳng muốn cựa mình. Núi đá trập trùng với những triền dốc hình thành nên những cổng trời nổi tiếng Quản Bạ, Cắn Tỷ, Mã Pí Lèng,... cũng im phăng phắc như đang vùi trong giấc ngủ đông dằng dặc. Sâu hun hút dưới chân Mã Pí Lèng (nghĩa là đèo “pín” ngựa), đoạn từ Đồng Văn xuyên sang Mèo Vạc, sông Nho Quế cũng bất động một vệt sáng bạc, chỉ hiện ra mờ mờ sau lớp sương dày vừa bị những tia  nắng hiếm hoi cuối mùa đông xé rách.
Tuy đã là di sản, là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, miền đá Đồng Văn vẫn "ngủ yên", theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chưa có thêm bất kỳ một hoạt động xây dựng, khai thác nào xứng tầm và song hành cùng danh hiệu "di sản địa chất thế giới". Ngay cả cổng chào hay panô, bảng hiệu cũng chỉ mới được dựng thêm dè dặt vài  ba cái ở đầu mỗi huyện lỵ. Vật liệu xây dựng thô sơ, không giấu giếm ý nghĩa tạm bợ, tượng trưng, sẵn sàng để được tháo dỡ, thay thế  bất kỳ  lúc nào...
Thật may mắn, chuyến ngược Hà Giang tôi được đồng hành cùng ông Mã Ngọc Giang, Giám đốc Ban quản lý dự án Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn và Tiến sĩ Mai Thanh Sơn của Viện Phát triển bền vững vùng Trung Bộ, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Là nhà quản lý, ông Giang nắm số liệu dân cư, địa hình, loại hình di sản và chủ trương bảo tồn, khai thác Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn trong lòng bàn tay.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, nickname "sonhmong" thì lại là người đã có nhiều công trình nhân học - dân tộc học nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của một số dân tộc vùng Bắc và Tây Bắc, nhất là với người Mông, quần thể chủ nhân đông đảo nhất của vùng cao nguyên đá. Những thắc mắc của tôi vì thế đã không mất nhiều thời gian để tìm câu trả lời.
Ông Mã Ngọc Giang cho biết, từ nay đến hết tháng 6/2011, nhiệm vụ của BQL Dự án là hoàn tất hồ sơ để phục vụ cho công tác thẩm định theo yêu cầu của GGN. Có tất cả hơn 100 di sản, trong đó có trên 10 di sản quốc tế cực kỳ quý hiếm như hẻm núi Mã Pí Lèng, núi đồi Quản Bạ, hóa thạch cổ sinh, voọc mũi hếch, cây thông đỏ, cây 7 lá 1 hoa... cần được nghiên cứu, đánh giá, thẩm định tỉ mỉ trước khi "chạm tay" vào. Sớm nhất cũng phải đến đầu năm 2012, những dự án tác động đầu tiên, cả vật chất lẫn tinh thần vào cao nguyên đá mới bắt đầu, tránh kiểu can thiệp "xây không bằng phá" đã từng xảy ra một cách đáng tiếc đối với không ít miền di sản khác.
Ôm hết mỏm cực Bắc Việt Nam, miền đất di sản Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên một khu vực 2.352km2 gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Trước khi chia tách vào năm 1962, cả 4 huyện này được gọi chung là cao nguyên Đồng Văn. Dân số hiện tại của vùng công viên địa chất vào khoảng 250.000 người, trong đó người Mông đông nhất, chiếm khoảng 77%. Văn hóa Mông, tập quán người Mông... do đó cũng in dấu đậm nét nhất trên vùng đất này. Ngoài ra còn có thêm 16 dân tộc khác như Tày, Dao, Nùng, Lô Lô, Giáy, La Chí, Pà Thẻn, Cờ Lao, Kinh... quần tụ hợp thành một đại gia đình các dân tộc sống rải rác trong 224 làng bản khắp cao nguyên đầy những triền đá.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, có độ cao trên 1.700m so với mực nước biển. Cách đó chỉ chừng 200m đường chim bay là điểm cực Bắc của đất Việt, nằm giữa lòng sông Nho Quế, ranh giới tự nhiên phân chia cương thổ 2 nước Việt - Trung. Ngay tên gọi của điểm địa đầu cũng đã chứng tỏ  mảnh đất này là nơi sinh sống từ rất lâu đời của nhiều dân tộc khác nhau. Chữ Lũng Cú được giải thích là từ đọc trại của nhiều âm Hán Việt khác nhau, gồm Lùng Cư, Long Cổ, Long Cư, Long Cú... với nhiều ý nghĩa khác nhau như Đất Trồng Ngô, Sừng Rồng, Trống Rồng, Mắt Rồng, hay vùng Đất Rồng, tùy theo quan niệm và cách phát âm của các dân tộc sống quanh đó. Cột cờ đầu tiên được Lý Thường Kiệt dựng nên bằng nguyên một gốc samu lớn đem về từ Quảng Tây (Trung Quốc) sau khi hạ thành Ung Châu trên đất Tống, năm 1076.
Dưới chân cột cờ có một bản người Lô Lô lâu đời, tiếng địa phương gọi là Lô Lô Chải (bản người Lô Lô). Đến giữa tháng 1/2011, Lô Lô Chải vẫn chỉ có 96 nóc nhà, 492 nhân khẩu. Ít ỏi, nhưng những người Lô Lô này cùng với một bản người Pu Péo nhỏ khác bên kia núi Rồng lại là những chủ nhân đầu tiên của cao nguyên đá, tổ tiên họ là những người có mặt sớm nhất và có công khai phá đầu tiên miền đất Đồng Văn, trước cả thời điểm Lý Thường Kiệt dựng cột cờ Lũng Cú.
Bản Lô Lô này còn giữ 2 báu vật là cặp "khà dừ" (trống đồng), một trống đực, 1 trống mái có niên đại từ thế kỷ XIV. Ngày thường, trống được chôn xuống đất, khi có tang ma hay lễ lạt lớn mới được đào lên, chọn đàn ông đã yên bề gia thất, hội đủ tiêu chuẩn thủ trống. Từ cặp trống đồng này, người Lô Lô Chải có thêm một cách giải thích, rằng Lũng Cú là cách đọc âm của từ Long Cổ, nghĩa là Trống Rồng!
Đồng chủ nhân của cao nguyên đá Đồng Văn, người Tày là dân tộc có kho tàng phonklore (văn hóa dân gian) rất phong phú. Bên cạnh những nét tương đồng trong quan niệm, tín ngưỡng... với các dân tộc láng giềng, kho tàng sử thi, thần thoại, truyện cổ tích, dân ca, tục ngữ Tày còn hàm chứa rất nhiều nét tương đồng văn hóa lúa nước với các tác phẩm truyền miệng cùng thể loại của người Kinh ở miền xuôi. Tuy nhiên, chỉ có người Dao là sắc dân cổ ở Đồng Văn có văn tự riêng, một kiểu chữ Nôm Dao dùng ký tự chữ Hán ghi cách đọc âm tiếng Dao như kiểu chữ Nôm của người Việt miền xuôi.
Người Mông được ghi nhận đến muộn hơn, mãi cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII mới có mặt tại Đồng Văn. Về nguồn gốc, tuy còn rất nhiều tranh cãi, song các nhà dân tộc học hầu như đều đồng ý rằng, người Mông Việt Nam nói chung và người Mông cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) nói riêng là một đại tộc tách ra từ liên minh bộ lạc Cửu Lê sinh sống tập trung ở vùng Kinh Châu - Giang Hoài (nay thuộc tỉnh Hồ Nam và một phần tỉnh Quý Châu, Trung Quốc). Liên minh bộ lạc này hình thành trên cơ sở sự thống nhất các bộ lạc Miêu - Dao cổ có lịch sử khoảng 5.000 năm.
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ Lô Lô Chải.
Đèo Mã Pí Lèng từ Đồng Văn qua Mèo Vạc.
Suốt một tiến trình lịch sử dài dằng dặc, trong sự giao thoa, khi tương tác, khi chống đối với đại tộc Hán, liên minh bộ lạc Miêu - Dao đã có những biến động chia tách lớn cả về hai mặt địa lý và xã hội. Sau hàng thiên niên kỷ, địa bàn sinh sống của người Cửu Lê đã ngày một bị dồn sâu xuống phía tây nam khu vực địa bàn của người Hán, tập trung chủ yếu ở vùng Cao nguyên Vân - Quý (Vân Nam - Quý Châu). Trong quá trình thiên di, xã hội Cửu Lê cũng biến động dữ dội nhiều đợt, vừa phân rã, vừa phát triển thành các tộc Tam Miêu, Kinh Man, Kinh Sở, Vũ Lăng Man và cuối cùng phân hóa thành các tộc Miêu - Dao như ngày nay.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho rằng: "Cho đến nay, chưa ai có thể đưa ra một giả định có tính thuyết phục về thời gian cũng như trình tự phân hóa của các hệ phái Miêu". Kết quả của chuỗi phân hóa này lại tiếp tục hình thành nên hàng loạt sắc dân Mông mang các đặc điểm vừa mang nét tương đồng, vừa có sự khu biệt, gọi bằng những cái tên Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh, Mông Hoa, Mông Trắng... Quá trình phân tách diễn ra chủ yếu trong thời Minh - Thanh. Như vậy, về nguồn gốc, trước khi xuất hiện và cùng chung sống trên cao nguyên Đồng Văn, hai dân tộc Mông và Dao đã có quan hệ rất gần về nguồn cội.
Để lý giải nguyên nhân thiên di của người Mông vào Việt Nam, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dựa vào những biến động xã hội ở khu vực Nam và Tây Nam Trung Quốc giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII trở về sau. Tuy nhiên, về mốc thời gian lẫn nguyên nhân lịch sử, các giả thiết đều mang những điểm "chỏi" nhau cơ bản và gay gắt. Giả thiết được xem là hợp lý nhất, được nhiều nhà nghiên cứu cả Trung lẫn Việt đồng tình nhất có khuynh hướng gom quá trình thiên di này thành 4 đợt có quy mô lớn.
Đợt thứ nhất diễn ra vào mạt kỳ nhà Minh, giữa thế kỷ XVII. Trong hai năm 1658-1659, quân Thanh lần lượt đánh chiếm Quý Dương (Quý Châu) và Côn Minh (Vân Nam), đuổi Vua Minh Vĩnh Lịch chạy sang Myanmar. Hơn 2.000 người Mông thuộc 4 dòng họ là Vù, Hạng, Lý, Giàng - vì tránh loạn lạc - đã từ Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam di cư đến vùng núi Việt Nam, gần biên giới Việt - Trung.
Đợt thứ hai diễn ra vào nửa sau thế kỷ XVIII, theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn thì có thể sau thất bại của cuộc "khởi nghĩa Càn Gia" (1795 - 1796), đi thẳng từ Từ Quý Châu, xuống cao nguyên Đồng Văn. Đợt thứ ba vào nửa cuối thế kỷ XIX, thời các triều vua Hàm Phong, Đồng Trị nhà Thanh, thủ lĩnh của các dòng họ Lý, Dương, Vù và Vàng dẫn đầu các đoàn người Mông từ Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam chia làm 3 đường trong vòng 5 năm (một đường qua Quảng Tây, hai đường qua Vân Nam) tiến xuống vùng núi rộng lớn thuộc cả Đông và Tây Bắc Việt Nam.
Đợt di cư thứ tư - đợt lớn nhất - diễn ra sau cuộc chiến tranh Nha phiến của Trung Quốc (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Hơn 1 vạn người Mông chia làm nhiều đoàn theo nhiều con đường khác nhau tiến vào khu vực miền núi ở cả phía Đông và phía Tây Bắc Việt Nam, trong đó có các huyện vùng cao nguyên Đồng Văn. Một bộ trong họ chỉ lấy Bắc và Tây Bắc nước ta làm điểm dừng chân, rồi tiếp tục di cư sang Đông và và Đông Bắc Lào, sau đó sang Đông Bắc Thái Lan.
Còn có một nguyên nhân xã hội khác bắt nguồn từ tập quán canh tác "đao canh hỏa chủng" (tức phát - đốt - chọc - trỉa). Đất đai canh tác bị thu hẹp và giảm độ phì, tình trạng "nhân mãn" xảy ra, người Mông từ phương Bắc lại di cư thành từng đợt lẻ tẻ theo từng nhóm nhỏ lùi dần về phương Nam. Tiến trình này xảy ra liên tục trong nhiều thế kỷ.
Bất đồng trong cách kiến giải về nguyên nhân và mốc thời gian, nhưng hầu hết các kết quả nghiên cứu lẫn tài liệu điền giả đều có xu hướng thống nhất rằng nguồn gốc người Mông cao nguyên Đồng Văn khởi phát từ cao nguyên Vân - Quý, đông nhất là từ Quý Châu. Nhiều bản làng Mông Hà Giang vẫn còn truyền tụng câu hát: "Quý Châu là quê hương yêu dấu của đồng bào Mông ta. Vì người Mông ta đói rách, vì dân Mông ta không có chữ, thua kiện người Hán nên phải mất nương, vì người Mông ta không có chữ nên phải dời quê".
Gia phả chép bằng chữ Hán của Giàng, họ Vàng ở Đồng Văn, Mèo Vạc cũng khẳng định tổ tiên họ sang Việt Nam đã được 16-17 đời, khoảng trên dưới 300 năm. Nơi đến đầu tiên được xác định là các xã thuộc huyện Mèo Vạc hiện nay. Trong dân ca được lưu truyền trong cộng đồng Mông nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Pháp, Mỹ, Thái Lan có một đoạn rất phổ biến kể về nơi phát tích: "Con cá ở dưới nước/ Chim bay ở trên trời/ Chúng ta sống ở vùng cao/ Con chim có tổ, Người Mông ta cũng có quê hương/ Quê hương ta là Mèo Vạc...".
Không nghi ngờ gì nữa, Mèo Vạc, rồi toàn vùng cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài di sản địa chất tự nhiên còn  mang trong lòng nó cả một di sản nhân học - dân tộc học đồ sộ. Đó sẽ là một di sản điểm nhấn, một mục tiêu nghiên cứu quan trọng và hấp dẫn đối với giới khoa học và những người  thích khám phá trên toàn trái đất
Huyền thoại trên cao nguyên đá: Thuốc phiện và quyền lực
So với lịch sử hình thành địa chất từ 5 triệu đến 500 triệu năm thì lịch sử con người - xã hội của cao nguyên đá Đồng Văn, từ thuở sơ khai hàng ngàn năm cho đến những đợt thiên di gần hơn cách đây vài ba trăm năm chỉ là một sát - na thời gian. Trong khoảnh chớp mắt ấy của vũ trụ, những va đập, tranh chấp của con người cũng kinh khủng không kém gì những vận động tạo sơn - những vụ đụng chạm cỡ hành tinh, của tự nhiên.
Hiện nay là 77%, nhưng trước Cách mạng tháng Tám 1945, người Mông chiếm tới 88% toàn vùng Cao nguyên Đồng Văn. Trong cơ cấu nhân học, người Mông đích thực là một đại tộc trong  một siêu tộc, nhân số tổng cộng lên đến gần 10 triệu người. Bất hạnh thay, những biến cố thời Trung cổ đã đẩy họ ngày một rời xa ra khỏi miền phát tích, trở thành một dân tộc ly tán khắp nơi trên thế giới. Bài ca thiên di của một dân tộc hàng  ngàn năm đi tìm đất sống tiếp tục được người Mông cất lên ở những vùng đất phên dậu, nơi luôn xảy ra tranh chấp cương thổ giữa các quốc gia. Ngày nay, đó là khu vực biên giới phía bắc của các nước Đông Nam Á. 
Dựa lưng vào những rặng đá cao chót vót và hiểm trở, mỗi đoàn dân thiên di - thường là theo dòng họ - chiếm cứ một khoảng trời riêng, tự cai quản với các thủ lĩnh cai trị của riêng từng vùng. Tranh chấp, xung đột... nổ ra không ít, nhưng ít nhất, ở cực Bắc (và cả nhiều nơi khác ở Đông - Tây Bắc) Việt Nam, đoàn ly dân ấy cũng đã tìm được một  không gian sinh tồn cùng các sắc dân khác để viết tiếp những chương mới bi tráng cho dân tộc mình. Không có chữ viết, những biến cố lịch sử hàng trăm năm của người Mông trên cao nguyên đá đã bị bụi thời gian phủ lấp trong quên lãng. Ký ức lịch sử  miền Đồng Văn vì thế chỉ còn đọng lại trong một khoảng thời gian khá mới mẻ, từ khi thực dân Pháp chiếm đóng được Hà Giang vào năm 1887.
Tuy xây dựng được 3 đồn binh Bạch Đích, Yên Minh và Đường Thượng nhưng thực dân Pháp vẫn phải công nhận  và dựa vào tầng lớp thổ ty, địa chủ phong kiến các dân tộc ở địa phương để thiết lập một bộ máy thống trị theo bậc thang xã - tổng - châu - tỉnh. Quyền lực thực dân vẫn buộc phải chấp nhận chế độ "quân sự quản chế", nghĩa là  mỗi dân tộc, dòng họ đều có quyền thiết lập một đạo binh riêng, bảo vệ địa bàn và quyền  lợi của thủ lĩnh dòng tộc kiêm chúa đất. Toàn miền Đồng Văn được chia thành 4 khu vực chính.
Khu vực phía bắc (huyện Mèo Vạc ngày nay) do thổ ty Dương Tụ Nghĩa (tiếng Mông đọc Dương là Giàng) cai quản. Đoạn giữa (nay là huyện Đồng Văn) do thổ ty Nguyễn Chánh Quay quản lý. Khúc kế tiếp từ Sà Phìn đến Phố Bảng do thổ ty Vương Chính Đức chiếm cứ. Phần phía nam, thuộc huyện Yên Minh ngày nay do hai thổ ty Nguyễn Chánh Tư và Nguyễn Doãn Quý (người Kinh) thống trị.
Với sách lược "chia để trị", ở mỗi dân tộc, thực dân Pháp lại công nhận sự tồn tại của một bộ máy cai trị riêng. Người Mông phân quyền từ trên xuống có Tổng giáp - Mã phài - Séo phài. Vùng các dân tộc Tày, Dao, Giáy, Kinh có Chánh tổng - Lý trưởng - Trưởng thôn - Kỳ mục. Vùng  người Thái  do Bang tá  đứng  đầu. Trong 3 đồn binh được thiết lập giai đoạn đầu, đồn Đường Thượng do một thổ ty người Thái - Bang tá Đào Văn Ất - chỉ huy, đặt dưới sự chỉ đạo quân sự toàn vùng của một viên quan ba người Pháp.
Đấu tranh vũ trang chống Pháp vẫn nổ ra liên tục. Trong 3 năm (1903 -1905), quan binh Pháp đã nhiều lần phải điêu đứng bởi liên tục bị các toán quân khởi nghĩa do thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng chỉ huy tập kích. Nghĩa quân lấy núi Tù Sán làm căn cứ. Đáng tiếc, khởi nghĩa Sùng Mí Chảng không có điều kiện liên kết rộng rãi với thủ lĩnh dân tộc của các nơi khác trong vùng, lại thiếu chặt chẽ trong tổ chức nên đã bị Pháp cài người, mua chuộc, phá hoại làm tan rã.
Phía Mèo Vạc, thổ ty Dương Tụ Nghĩa không giấu giếm ý đồ thâu tóm quyền lực Mông và bành trướng sự thống trị lên toàn vùng cao nguyên đá. Ông tự xưng là "Vua Mèo", thuê thợ từ châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sang dựng cho mình một tòa lâu đài bằng đá khối và gỗ quý ở xã Sủng Chà. Tỏ rõ năng lực lãnh đạo của  một ông vua (tự xưng) trong việc giải quyết những khó khăn trong đời sống của "thần dân", đồng thời tìm cơ hội phát triển cho xứ sở đang cai quản, Dương Tụ Nghĩa đã cho mời thầy phong thủy Tàu sang Sủng Chà nhắm tìm nơi xây hồ trữ nước, trồng sen, thả cá trên đá núi.
Nhờ khéo nhắm địa thế, dù không có nước mạch, hồ treo Sủng Chà vẫn quanh năm đầy ắp khoảng 10.000m3 nước, nhờ tích tụ và giữ lại được nước mưa. Ý tưởng, sự nghiệp cùng danh vị "Vua Mèo" của ông được con trai là Dương Trung Nhân tiếp tục phát huy và khuếch trương.
Ngày nay, dinh thự đá của "Vua Mèo" Mèo Vạc đã bị phá hủy, nhưng hồ treo của nhà họ Dương thì vẫn còn. Toàn huyện Mèo Vạc đã xây dựng  thêm 9 hồ chứa nước lớn gấp hàng chục lần hồ cũ của họ Dương, trong đó có cả hồ Sủng Chà đã được mở rộng. Có thể xem "Vua Mèo" Dương Tụ Nghĩa là "nhà thủy lợi học" đầu tiên trên cao nguyên đá, người đầu tiên có sáng kiến xây hồ treo trữ nước.
Được Pháp công nhận nhưng khi tìm cách mở rộng quyền lực ra toàn cao nguyên đá, họ Dương Mèo Vạc đã vấp phải một trở lực lớn từ dòng họ Vương (Vàng) ở Đồng Văn.
Sau một thời gian chống nhà Thanh và cùng nhân dân Việt Nam đánh Pháp, Lưu Vĩnh Phúc thu quân Cờ Đen về bên kia biên giới Việt - Trung. Tàn quân Cờ Đen ở lại Hà Giang do Hà Quốc Trường chỉ huy, tuy vẫn phản Thanh, kháng Pháp nhưng đã biến chất thành một đám giặc cỏ, liên tục sát hại  hàng loạt thủ lĩnh các dân tộc thiểu số, nhằm độc chiếm Hà Giang, nuôi ý đồ hùng cứ vùng rẻo cao Hà Giang kéo dài qua tận bên kia sông Nho Quế thuộc Châu Vân Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), lập tiểu quốc riêng để xưng bá. Pháp - Thanh đã nhiều lần hợp binh tiễu trừ nhưng vẫn không diệt được đám thảo khấu Cờ Đen, ngược lại còn phải chịu nhiều tổn thất.
Vương Chính Đức, tên thật theo tiếng Mông là Vàng Dúng Lùng sinh năm 1865 ở làng Pá Tró (làng Con Gấu), xã Sà Phìn (nay thuộc huyện Đồng Văn). Thông minh, rất giỏi thổi khèn Mông, ở tuổi 30, Vàng Dúng Lùng được người Mông Sà Phìn, Phó bảng bầu lên làm thủ lĩnh thay cho thủ lĩnh Vàng Dí Tủa không may đột tử vì... bội thực.
Vàng Dúng Lùng đã đưa nghĩa quân Mông vào rừng rậm, núi cao lập nên các đội "nghĩa binh hươu nai" đương đầu với giặc Cờ Đen. Đến năm 1900, đạo giặc cỏ Pháp phục không được, Thanh hàng không xong đã bị "nghĩa binh hươu nai" tiêu diệt. Hà Quốc Trường bị chặt đầu. Giành Đồng Văn vào tay người Mông, Vàng Dúng Lùng tiếp tục chỉ huy nghĩa binh kháng Pháp và chống lại âm mưu lấn chiếm của nhà Thanh.
Dinh thự nhà Vương Chính Đức trở thành di tích đón khách tham quan. 
Đá kê cột nhà và họa tiết trang trí đầu đao đều mang hình quả anh túc.
Trong 9 năm trời, “nghĩa binh hươu nai” dựa vào núi đá hiểm trở, đèo dốc cheo leo đã liên tục bẻ gãy tất cả các đợt tấn công lên Đồng Văn của các đạo binh Pháp. Đến năm 1909, Pháp điều một đạo quân hỗn hợp lớn từ Bảo Lạc (Cao Bằng) sang, phối hợp với các đạo địa phương binh khố xanh Tày - Thái tấn công Đồng Văn. Trận chiến khốc liệt, Vàng Dúng Lùng thua trận, buộc phải nhường Đồng Văn cho Pháp đóng đồn.
Lại rút vào rừng, ông tiếp tục mộ binh đánh Pháp. Sau 4 năm ròng rã, đến tháng 10/1913, Vàng Dúng Lùng đã giành thắng lợi vang dội. Pháp phải ký Hòa ước Pháp - Mèo với nhiều điều khoản có lợi cho người Mèo. Đó là Pháp phải triệt thoái quân đội khỏi Đồng Văn, gồm cả các đội quân lê dương lẫn các đội quân bản địa do Pháp chỉ huy, trả Đồng Văn lại cho người Mông cai quản bằng chế độ tự trị, dưới quyền một đại lý Pháp và một bộ máy hành chính có tính chất đại diện của triều đình nhà Nguyễn. Muốn thu mua thuốc phiện, các đại lý thuốc phiện Pháp phải tăng giá lên 5 lần, từ 2 hào lên 1 đồng cho mỗi lạng (tính theo đơn vị cân vàng). Hòa ước này được ký bởi một bên là tướng Pháp Jenera Pecneucin và bên kia là Vàng Dúng Lùng, ký tên theo chữ Hán là Vương Chính Đức.
Thật ra, khi ký một hòa ước tưởng chừng như đầy bất lợi như thế, chính quyền thực dân Pháp đã nhằm đến việc đạt được tình thế có lợi lớn hơn. Kéo dài giao tranh, Pháp khó có thể giành thắng lợi tuyệt  đối trước đội quân thông thạo địa hình do Vương Chính Đức lãnh đạo, biết tận dụng tối đa địa hình hiểm trở để kháng chiến  lâu dài. Trong khi đó, không lập lại được trật tự, Pháp sẽ mất một khoản lợi  to lớn từ thuốc phiện.
Từ  năm 1897, sau khi nhậm chức, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã xác định thuốc phiện là quốc sách, là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách thuộc địa của nhà nước bảo hộ. Tại Sài Gòn, chính quyền đã cho xây hẳn một nhà máy chuyên nấu thuốc phiện. Lãi thu được từ thuốc phiện chiếm tới 1/3 tổng thu nhập của toàn Đông Dương. Với năng lực cung cấp khoảng 20 tấn thuốc phiện/năm, Đồng Văn có khả năng thay thế một lượng thuốc phiện lớn phải nhập về từ vùng vịnh Bengal (Ấn Độ)  từ Công ty Đông Ấn. Quyền lợi kinh tế buộc chính quyền thuộc địa phải hy sinh, cắt giảm quyền lực quân sự.
Thắng lợi, uy tín của Vương Chính Đức đã cao hơn hẳn, đánh bạt ảnh hưởng quyền lực của Dương Tụ Nghĩa và sau này là con trai kế vị Dương Trung Nhân, giúp họ Vương gần như độc chiếm nguồn lợi thuốc phiện của toàn xứ Đồng Văn. Nguồn lợi này lớn đến mức, Vương Chính Đức dám bỏ ra 150.000 đồng bạc trắng, thuê thợ từ Quảng Tây, Trung Quốc về Sà Phìn xây một tòa lâu đài đồ sộ có cả thảy 64 phòng bằng đá khối và gỗ samu. Cả đá, gỗ và ngói lợp cũng đều được mua từ Quảng Tây chuyển sang. Mất 8 năm, công trình mới hoàn tất, Vương Chính Đức lại cho đặt 120 gốc samu khác từ Quảng Tây đem về  trồng thành một vạt rừng bao quanh dinh thự.
Đoạn cuối cùng của tòa dinh, ông cho xây dựng 2 buồng kho, tường bằng đá phiến, mặt ngoài dày 1,4m, mặt trong dày 0,8m, bảo đảm đạn súng cối hay bộc phá cũng không thể phá. Phía trên 2 nhà kho là hệ thống công sự, lỗ châu mai, vọng gác. Một kho cất giữ vàng, bạc, châu báu, cửa duy nhất đi thông sang nhà bà vợ hai. Kho kia chỉ để cất trữ thuốc phiện, thông cửa và giao chìa khóa cho bà vợ cả.
Trong “Tuần lễ vàng” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động, Vương Chí Sình (tên tiếng Mông là Vàng Seo Lử, sinh năm 1885), con trai và là người kế vị Vương Chính Đức còn cho người mang về Hà Nội 22 vạn đồng bạc trắng và 9kg vàng  để ủng hộ chính phủ Cụ Hồ.
Trong khu dinh thự họ Vương, tất cả các phiến đá kê cột nhà đều được tiện, gọt thành hình quả thuốc phiện. Sau khi mài nhẵn, chúng đều được dùng những đồng bạc trắng (piastre) đánh cho bóng loáng, biến màu đá trắng thành màu đồng thau, gần như màu quả thuốc phiện đã phơi khô. Họa tiết trang trí trên đầu đao kèo nhà cũng được tiện hình quả thuốc phiện. Một cách ám chỉ, cả nền móng quyền lực lẫn mục đích, khuynh hướng phát triển của nhà họ Vương, của người Mông và toàn cao nguyên đá Đồng Văn đều  được đặt trên quả anh túc.
Năm 1928, Vua Khải Định đã ban cho Vương Chính Đức một bức hoành phi đại tự có 4 chữ "Biên chinh khả phong" cùng thẻ bài  và mũ mão đại thần, chính thức công nhận quyền lực của họ Vương nơi biên ải. Kể từ đây, người Mông Đồng Văn gọi ông là Chính Vương, xem ông như "Vua Mèo" thực thụ. Danh vọng nhà họ Dương ở Mèo Vạc  bị lu mờ dần. Xích mích giữa hai nhà đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột, kể cả xung đột vũ trang.
Đến năm 1953, "Vua Mèo" tự phong đất Mèo Vạc thất thế trước "Vua Mèo" được suy tôn ở Đồng Văn, phải đưa cả gia đình về Hà Nội, sau đó theo Pháp di cư vào Nam, cuối cùng  sang Mỹ định cư tại bang Minnesota, chấm  dứt vai trò lịch sử một dòng cự tộc người Mông đối với lịch sử Cao nguyên đá. Dương Trung Nhân mất  tại Mỹ vào năm 1984, thọ 82 tuổi.
"Vua Mèo" họ Vương tiếp tục ở lại Sà Phìn, đồng hành  cùng các biến cố của Đồng Văn, tiếp tục sản sinh ra những huyền thoại mới trong thời đại của những con người "tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ"!
Huyền thoại trên cao nguyên đá: Sống chết với Đồng Văn
Ông Vương Chính Đức cùng vợ ba và con trai út Vương Chí Chư.
Ký hòa ước với Pháp, nhận sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, Vương Chính Đức đã gần như độc bá quyền lực khắp châu Đồng Văn. Khi xây dinh thự họ Vương tại Sà Phìn, ông đã tỏ rõ ý chí quần hiền tụ sĩ của mình bằng cách cho ngoã lên trước cổng vào dinh một đôi câu đối: "Gia quý hiền nhân xuất nhập/ Môn phong lưu khách vãng lai" (Nhà quý hiền, người vào ra/ Cửa phong lưu, khách lui tới). Dưới chân bờ rào đá trước dinh là một khoảng sân rất rộng, đủ chỗ để buộc hàng trăm cỗ ngựa.
Mọi hoạt động xử lý công việc cai trị Đồng Văn, đón tiếp khách khứa bốn phương lẫn sinh hoạt của "Vua Mèo" Vương Chính Đức và ba bà vợ đều diễn ra trong dinh thự nằm lẫn giữa rừng sa mộc này. Tiếp khách hoặc xử án, Vương Chính Đức đều ngồi tại dãy nhà ngang cuối cùng, nơi cao nhất, an toàn nhất trong khu dinh nếu có tấn công từ bên ngoài vào. "Vua Mèo" ngồi ghế kê trên thềm cao, tội nhân bị buộc quỳ trên sàn ở gian trước, cách chỗ "Vua" ngồi một khoảng sân, khoảng cách đủ làm nhụt chí kẻ có tội đang bị trói nghiến, nếu kẻ đó có ý đồ manh động.
Hai hầm tầng trệt ở hai bên tả hữu chỗ "Vua Mèo" ngồi chính là nơi đặt hai kho chứa vàng bạc và thuốc phiện. Khách quen, có hiểu biết một chút sẽ không quá khó để nhận ra dụng ý của Vương Chính Đức. Mọi sắp xếp, xây dựng, trang trí, bố trí trong dinh thự đều chứng tỏ chủ nhân của nó mang một ám thị sâu sắc  về ý nghĩa biểu trưng và sự cân đối, đối xứng. Dưới tán những gốc sa mộc vững chãi kia, quyền sinh sát một mình ông thâu tóm.
Sà Phìn là trung tâm quyền lực của người Mông Đồng Văn, nhưng ngoại trừ dinh thự nhà Vương, ở xung quanh thời đó vẫn không hề có bản làng của thứ dân nào cả. Một thứ quyền uy tối thượng và biệt lập. Thủ phủ thật sự của Đồng Văn thực tế đóng ở Phố Bảng, cách Sà Phìn 13km đường đèo. Trước khi Hòa ước Pháp - Mèo (được ký tháng 10/1913), đường vào Phố Bảng rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho đoàn ngựa thồ xếp hàng một lên đèo xuống dốc. Hòa ước ký xong, người Mông nhất mực từ chối đi phu, đi làm xâu, người Pháp phải thuê người Hán ở khu Tổng Cản, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đối diện với Phố Bảng sang bạt núi, mở rộng đường. Sau đó, họ lại thuê người Khách (người Hẹ ở Quảng Đông, Trung Quốc) qua đẽo đá xây nên đồn Phó Bảng, thiết lập sự chiếm đóng và cai quản.
Phố Bảng là cửa ngõ của mọi giao thương trên miền Đồng Văn. Nằm ở độ cao lưng chừng trời, lại toàn đá và đá, đất canh tác ở Đồng Văn rất hiếm. Trồng ngô, đậu hay rau cải trong những kẹt đất hiếm hoi giữa các hốc đá, năng suất cực thấp, hầu như không đủ để nuôi sống người dân bản địa. Ngược lại, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết ở đây lại hết sức thích hợp với cây anh túc. Mỗi ha trồng anh túc thu được từ 1,5-2kg thuốc phiện mỗi vụ, trồng vài ba hécta, tiền bán thuốc phiện đủ để cho một gia đình người Mông sống cả năm. Thời gian còn lại tha hồ cho họ múa khèn, uống rượu, đám trai tráng tha hồ tập cưỡi ngựa, phóng lao và bày trò chơi chiến trận.
Đường về xuôi khó khăn, thuốc phiện Đồng Văn thường được bán sang Trung Quốc đổi thành ngựa to, lừa tốt, vải lanh từ Vân Nam, muối, gạo đường... từ Quảng Tây và quay trở lại Đồng Văn, tất tật đều qua ngả Phố Bảng. Để khóa chặt cửa ngõ mậu dịch tự do và dòng chảy thuốc phiện sang Trung Quốc, Pháp phải cố sống cố chết giành cho được quyền quản lý Phố Bảng và mở đường về miền hạ Hà Giang, từ đó về xuôi nhằm tận thu thuốc phiện tiêu thụ nội địa.
Ý đồ của Pháp, thương nhân Hoa Hán phát hiện ra ngay. Làm đường, xây đồn Phố Bảng xong, cả người Hán Vân Nam lẫn người Hẹ Quảng Đông đều không chịu về nước mà tìm cách ở lại Phố Bảng chiếm đất lập phố, buôn bán tấp nập (cho đến tận ngày nay). Không lâu sau, Phố Bảng đã khá sầm uất, buôn bán nhộn nhịp, được mệnh danh là Hồng Công thứ hai trên cao nguyên đá.
Tất nhiên Vương Chính Đức cũng không khoanh tay ngồi nhìn nguồn lợi của mình bị người Pháp và người Hoa Hán chia nhau xâu xé. Triệt để khai thác lợi thế đã được Hòa ước Pháp - Mèo công nhận, ông vẫn giành cho mình trọn quyền đại lý thuốc phiện. Mỗi lạng “vàng đen” bán ra khỏi đất Đồng Văn đều có phần nhất định của ông. Lợi dụng con đường về xuôi vừa mở, ông cho mua ngay một căn nhà ở phố Hàng Đường, Hà Nội đặt đại lý, đưa thuốc phiện Đồng Văn về xuôi phân phối ra khắp nơi đồng thời mua gạo, muối, dầu hỏa, đá lửa, vải vóc và nhiều loại nhu yếu phẩm khác chở ngược lên Đồng Văn, buôn bán kiếm lời cả hai chiều. Toàn bộ công cuộc kinh bang này, ông giao cho Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) trông coi.
Vương Chí Sình sinh năm 1885, là con trai thứ hai, người giàu chí hướng nhất trong số 4 con trai của "Vua Mèo". Ông  được ăn học khá đến nơi đến chốn, thông thạo cả Hoa văn và Pháp văn. Theo lệnh thân phụ, ông đã lấy vợ và sinh sống tại Phố Bảng chứ không đưa gia đình về sống trong dinh Sà Phìn. Cơ ngơi  cũ  của Vương Chí Sình hiện nay được sử dụng làm nhà văn hóa Phố Bảng. Tại đó, Vương Chí Sình đã mở đại  lý trông coi việc buôn bán của gia tộc, sau đó mua thêm các chức "trứ do", "chếnh tra", “trại tra" (trưởng bản, trưởng xóm, trưởng thôn) cho mình và bộ tướng để củng cố thêm quyền lực. Do công việc buôn bán, Vương Chí Sình quen biết rất nhiều sĩ quan, quan lại cả Pháp lẫn Nam Triều ở Hà Nội. Viên quan ba chỉ huy đồn Phố Bảng cũng  là "chiến hữu" của ông. 
Nhìn rõ dã tâm nuốt trọn Đồng Văn của Pháp, sau khoảng 15 năm "tự quản" theo tinh thần hòa ước, cha con Vương Chính Đức - Vương Chí Sình bắt đầu bí mật tái vũ trang đội quân riêng của mình. Từ năm 1930, Vương Chí Sình đã được thân phụ giao trọn quyền mua vũ khí, ngựa chiến (từ tiền thuốc phiện) để chủ động đón đầu thời cuộc nhằm bảo vệ quyền lực cai trị Đồng Văn.
Đầu năm 1936, Pháp ráo riết mộ lính, xây đồn, đắp chiến lũy ở Đồng Văn. Quyền cai trị có nguy cơ bị đoạt lại, cha con họ Vương quyết định "tiên hạ thủ vi cường". Giữa năm đó, đích thân Vương Chí Sình đã chỉ huy dân binh Mông tập kích một đoàn tiếp vận lớn của Pháp tại đèo Lao Va Chải (nay thuộc Yên Minh) diệt sạch toàn bộ đoàn hộ tống và cướp hết quân lương, quân trang, quân dụng. Để trả đũa, Pháp vờ vịt làm ngơ, vẫn mời rất đông các thủ lĩnh Mông, trong đó có cả Vương Chính Đức về Hà Nội tham dự đấu xảo, sau đó bắt giữ và tống giam toàn bộ.
Vương Chí Sình phải tạm thời quay trở lại hòa hoãn với Pháp, đích thân bí mật xuôi xuống Hà Nội tìm cách cứu cha. Bỏ ra 800 đồng bạc Đông Dương, Vương đã nhờ một sĩ quan cao cấp từng quen biết quay về Pháp gõ cửa nhiều nơi trong chính phủ và Bộ Thuộc địa Pháp. Phải mất gần một năm, tay sĩ quan đầu cơ chính trị này mới quay trở lại, mang theo quyết định của Chính phủ Pháp trả tự do cho toàn bộ thủ lĩnh Mông bị bắt giữ. Quyết định có ghi: "Nếu ai bị chết trong thời gian bị giam giữ, chính quyền Pháp phải cấp tiền để gia đình đưa về quê chôn cất chu đáo". Đến giữa năm 1938, Vương Chính Đức và tất cả các thủ lĩnh Mông đều được thả.
Trong gần 2 năm lo chạy đôn đáo  cứu cha, mọi quyền "điều binh khiển tướng" ở Đồng Văn, Vương Chí Sình đều khoán trắng cho tay tâm phúc của mình  là Mã Học Văn. Người  nhỏ thó, chỉ cao 1m50, nhưng trong cộng đồng người Mông Phố Bảng, Mã Học Văn vẫn nổi lên như một tay kiệt hiệt. Ông thạo chữ Hán, biết tiếng Pháp, thông kim bác cổ và đầy mưu lược. Trong thời kỳ tranh chấp giữa người Mông Phố Bảng và người Hoa Hán ở Tổng Cản, họ Mã được người dân Phố Bảng nhất trí bầu làm "tụa thị tra" (đại đội trưởng), chỉ huy đội dân binh Mông đẩy lùi sự lấn chiếm, giành đất  của những kẻ đến từ bên kia biên giới.
Mã Súa Lìa, em trai Mã Học Văn là con rể Vương Chí Sình cho nên ngay từ những ngày  đầu thay cha điều hành chính sự, Vương Chí Sình đã chú ý đến Mã Học Văn. Đến năm 1930, họ Vương chính thức mời họ Mã tham gia "triều chính". Mã  Học Văn được  xem như "tể tướng" của "vương triều" thu nhỏ họ Vương. Không hổ là Nho tướng, họ Mã đã một tay quán xuyến hết mọi công việc nội trị, ngoại giao của họ Vương dưới thời Chí Sình.
Nhật vào Đông Dương, lấn lướt quyền hành của Pháp. E ngại trước sức mạnh của đạo quân Thiên hoàng nhưng cũng lo lắng trước viễn cảnh mất quyền lực tại Đồng Văn, đã có lúc cả Vương Chính Đức lẫn Vương Chí Sình tỏ ra phân vân trước quyết định  hợp tác hay bất hợp tác với Nhật. Riêng Mã Học Văn trước sau vẫn chủ trương chống Nhật. Họ Vương nghe theo.
Tháng 3/1945, Nhật hất cẳng Pháp. Khi quân Nhật tiến lên Hà Giang thì các đồn binh Pháp trên rẻo cao này đều kéo nhau... bỏ chạy hoặc nhanh chóng quy hàng. Mã Học Văn chủ trương không để quân Thiên hoàng kéo lên Đồng Văn. Theo sách lược của ông, một lần nữa, Vương Chí Sình lại tự mình dẫn một trung đội dân binh Mông lên chốt chặn Lao Va Chải và đánh tan một đại đội tinh nhuệ của Nhật đang trong thế chủ quan. Nhật dốc sức tăng quân đánh mạnh, chiếm được đồn Phố Bảng, quân Mông lại dũng cảm tập kích các toán Nhật hành quân lẻ, dùng súng hỏa mai cướp súng cối của Nhật.
Lối vào mặt trước dinh thự “Vua Mèo” ở Sà Phìn.
Sau đó, dưới tài chỉ huy của Vương Chí Sình, một lần nữa đạo quân thiện chiến của Nhật lại phải nếm mùi thất bại trên cánh đồng và con đường cửa ngõ dẫn vào Phố Bảng. Một đại đội bộ binh và một trung  đội kỵ binh của Nhật đã phải nằm phơi xác. Điều đáng chú ý: đây là thảm bại lớn nhất của quân Thiên hoàng trong các cuộc giao tranh trên chiến trường Đông Dương trong Thế chiến thứ hai.
Thất bại thảm hại, Nhật buộc phải theo chân Pháp cách đó 32 năm, ký với "Vua Mèo" Vương Chính Đức một thỏa ước, trong đó Nhật chấp nhận "bồi thường chiến phí" cho người Mông. Hòa ước quy định rõ: gạo, muối, bạc trắng, quân Nhật phải bồi thường đầy đủ đến từng gia đình người Mông bị thiệt hại, đồng thời phải giữ nguyên quyền tự quản của người Mông. Đổi lại, những cuộc hành binh "ngoài vùng đất Mông" của quân Nhật, người Mông sẽ không tập kích quấy nhiễu. Cho đến trước khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, đây là lần duy nhất quân Nhật phải ký một hiệp ước với vị trí kẻ bại trận. Còn với "Vua Mèo" Vương Chính Đức, cả Pháp lẫn Nhật đều phải thừa nhận thảm bại dưới tay ông - điều mà không một thủ lĩnh kháng chiến nào khác ở các xứ thuộc địa châu Á làm được.
Chấp nhận cho Nhật đưa quân vào Phố Bảng, chủ trương của Vương Chính Đức, Vương Chí Sình  và Mã Học Văn đã khiến các nhà viết sử sau này lúng túng trong việc nhìn nhận thái độ, vai trò của các thủ lĩnh Mông trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của Cao nguyên đá. Tuy nhiên, thời gian càng lùi xa, quyết định đó càng được thừa nhận là sáng suốt. Bị Nhật hất cẳng, một bộ phận quân Pháp bỏ Phố Bảng, Đồng Văn chạy sang Vân Nam bắt tay với quân Tưởng Giới Thạch chống Nhật.
Lợi dụng tình thế, đúng vào hồi Chiến tranh thế giới thứ hai sắp tàn cuộc với thất bại dốc xuống phe Trục, Tưởng Giới Thạch đã điều Tập đoàn quân Vân Nam do 2 tướng Lư Hán và Tiêu Văn chỉ huy áp sát cửa ngõ biên giới Việt Nam, lăm le đục nước béo cò. Sự toàn vẹn của Cao nguyên lâm nguy trước dã tâm. Ký hòa ước với Nhật, họ Vương đã tạo ra cơ hội và điều kiện để dàn quân ngăn ý đồ tiến xuống phía nam của một đạo lớn quân Tàu Tưởng, giữ trọn  miền biên viễn.
Hồ Chủ tịch là lãnh tụ sáng suốt đã nhìn thấu và đánh giá cao chủ trương đúng đắn này. Vì thế, khi kết nghĩa anh em với ông Vương Chí Sình, Hồ Chủ tịch đã tặng họ Vương một đôi bảo kiếm có khắc 2 vế đối: "Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ".
Năm 1947, trước khi mất, Vương Chính Đức đã viết thư cho Hồ Chủ tịch đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử người lên tiếp quản Đồng Văn. Gần 10 năm sau, năm 1956, Vương Chí Sình, người thay cha giữ quyền lực cao nhất ở Đồng Văn lại đề nghị bàn giao chức Chủ tịch, quyền lãnh đạo Đồng Văn và toàn vùng biên cương lân cận cho người của chính phủ, còn mình thì đưa gia đình về Hà Nội sống trong vai trò một đại biểu Quốc hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hai khóa I và II. Thay ông làm Chủ tịch Đồng Văn là ông Vừ Mí Kẻ, nguyên là một Mã phài (người giữ ngựa) trong dinh thự “Vua Mèo”  ở Sà Phìn nhưng đã sớm giác ngộ và đi theo Cách mạng!
Huyền thoại trên cao nguyên đá: Bạt núi ngăn phỉ
Trong chuyến công tác về Đồng Văn đầu năm 2011 chúng tôi đã được ông Mã Văn Phứ cung cấp nhiều tư liệu và giới thiệu, hướng dẫn đi gặp khá nhiều nhân vật từng tham gia trừ phỉ giai đoạn 1959-1960. Ông Phứ, ở Phố Bảng, SN 1947, là con trai ông Mã Chính Minh, gọi “Nho tướng” Mã Học Văn bằng ông nội.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Vương Chí Sình rời Phố Bảng dọn về sống trong dinh Sà Phìn. Trên danh nghĩa, gia đình họ Vương vẫn nắm quyền lãnh đạo toàn miền Đồng Văn, nhưng quyền lực thực tế thì đã bị thu hẹp đi nhiều.
Yên bình một thời gian, sau năm 1949, Cao nguyên đá lại nổi cơn ba đào. Bên kia biên giới, Giải phóng quân Trung Quốc đã đánh bại tập đoàn quân phiệt Tưởng Giới Thạch. Một bộ phận quân Quốc dân đảng theo Tưởng bỏ chạy ra đảo Đài Loan. Vùng Vân Nam, Quý Châu, nhiều tướng lĩnh quân phiệt Quốc dân đảng không quy thuận Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã dựa lưng vào núi rừng hiểm trở của các miền biên giới giáp với Việt Nam, Lào, Myanmar thu thập tàn quân đánh trả các đợt truy quét của Giải phóng quân Trung Quốc, mong tìm đất cát cứ giang sơn nhất khoảnh. Hầu hết các đơn vị quân đội lớn của Tưởng thuộc Quân đoàn Vân Nam, gồm các sư đoàn 93, 28 và 26 do các tướng Lý Mật, Lý Văn Huấn, Mã Thắng Quốc, Lý Thời Văn chỉ huy đều chọn cát cứ làm giải pháp. Tàn quân thu thập đông tới 12.000 người.
Sau nhiều chiến dịch truy quét quy mô, đến cuối năm 1950, đám quân cát cứ này đều bị Giải phóng quân Trung Quốc đánh bại, đa phần bị đẩy bật sang bên kia sông Saluen, trốn vào vùng rừng rậm núi cao của vùng Mong Hxat của Burma (nay là Myanmar). Các toán bại binh mất chủ nhỏ lẻ tản ra khắp nơi, trong đó có nhiều kẻ mưu đồ tiến chiếm Cao nguyên đá Đồng Văn lập căn cứ.
Cho đến trước kỳ bầu cử HĐND năm 1959, tuy các địa phương ở Đồng Văn đều đã có chính quyền dân cử, nhưng các vị trí lãnh đạo chủ chốt vẫn nằm trong tay những người xuất thân quý tộc lớp trên, quyền lực hành chính vẫn gắn chặt với quyền lợi của dòng tộc, gia tộc. Lợi dụng tình hình này, các nhóm tàn quân Tưởng đã đẩy mạnh tuyên truyền, móc  nối, câu kết... với các thành phần quý tộc cũ của Đồng Văn, kích động nổi loạn, chiếm đất nhằm tiến tới thành lập cái gọi là "Vương quốc Mèo độc lập”. Chúng phao lên, "Vua Mèo" Mèo Vạc Dương Trung Nhân  được Mỹ và quốc tế giúp sức sắp trở về cai trị Đồng Văn. Những toán tàn quân Quốc dân đảng  bên kia biên giới được tô vẽ thành "các đạo quân quốc tế" về nước giúp "Vua Mèo" khôi phục lãnh thổ thành lập vương quốc.
Không ít người Mông đã bị phân tâm, mê hoặc bởi luận điệu này, tham gia vào các đội quân mới thành lập vội vã để "đón tiếp vua Mèo". Do tập quán, bất kỳ một thanh niên trai tráng người Mông nào cũng sở hữu ít nhất 1 khẩu súng kíp. Tuy thô sơ, nhưng khi tập hợp lại, những kẻ cầm đầu bạo loạn cũng đã có trong tay nhiều toán quân đông đảo. Đầu năm 1959, chúng tổ chức đốt phá trụ sở Ủy ban hành chính xã Phố Cáo, bắt cán bộ và đốt phá nhà cửa của nhân dân ở xã Bạch Đích, cướp chính quyền tại xã Thắng Mố... khởi đầu cho hàng loạt cuộc bạo loạn ở nhiều địa phương khác.
Đứng trước tình hình dầu sôi lửa bỏng ấy, thái độ của Vương Chí Sình lại rất nước đôi. Khư khư bám lấy quyền lợi thống trị của gia tộc làm mục đích tối thượng, Vương cho rằng, dù Cách mạng hay phỉ nắm được Đồng Văn thì cũng cần đến vai trò của ông ta trong việc tập hợp quần chúng. Tình hình càng lắm tao loạn, vai trò của họ Vương càng có ý nghĩa. Do đó, tháng 5-1959, Vương Chí Sình đã về Sà Phìn họp bàn với một loạt thuộc hạ chủ chốt gồm Vàng Chúng Dình, Giàng Vạn Sùng, Vàng Chỉn Cáo, Lý Nhè Lùng, Giàng San Sấn, Vàng Vạn Ly... đồng ý cho những kẻ cầm đầu này tụ họp binh mã, mua sắm vũ khí, chiếm các vị trí quan trọng, sẵn sàng chờ thời để nổi dậy thâu tóm chính quyền.
Lực lượng quân sự Mông này đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Vàng Chúng Dình. Mã Học Văn và Giàng Vạn Sùng được quyền thay mặt Vương Chí Sình lãnh đạo, khi tình hình có biến. Còn bản thân, Vương Chí Sình đưa hết gia đình về Hà Nội sống, nhằm tỏ ra vô can không dính dáng gì đến bạo loạn.
Trong số những tay chân họp bàn tại Sà Phìn, Vương Chí Sình đã không chú ý đến vai trò  của Vàng Chúng Dình. Tên này người Trung Quốc, có quan hệ thông gia với Vàng Vạn Ly, Giàng Vạn Sùng. Ngoài mặt, hắn tỏ ra quy phục họ Vương, nhưng thực chất  hắn là cựu sĩ quan Quốc dân đảng đang tìm đường để đưa các nhóm tàn quân Tưởng từ bên kia biên giới về Đồng Văn chiếm đất hoạt động lâu dài. Vương Chí Sình vừa về Hà Nội, Vàng Chúng Dình đã nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động vũ trang vượt ra ngoài ý muốn và tầm kiểm soát của cựu "Vua Mèo". Các đầu lĩnh phỉ khác, vì quyền lợi thiển cận, cũng bỏ ngoài tai những dự định mà Vương Chí Sình  chỉ đạo, răm rắp nghe theo sự chỉ huy của tên đặc vụ Tưởng.
Ngày 30/11/1959, một trung đội phỉ 40 tên do Vàng Chỉn Cáo chỉ huy đã khóa chặt cổng trời Cắn Tỷ, cắt đứt đường giao thông từ Hà Giang lên Đồng Văn. Một ngày sau, bạo loạn "phỉ Đồng Văn" chính thức nổ ra. Hôm sau nữa, toán phỉ chặn cổng trời đã tấn công bắt  giữ hai  đoàn ngựa thồ hàng của tỉnh lên Đồng Văn, đuổi cán bộ quay trở lại. Một tuần sau đó, hàng loạt địa bàn các xã trên toàn Đồng Văn  bị các toán phỉ cướp phá, lùng bắt cán bộ, đốt nhà cướp của.
Nhằm tránh nổ ra xung đột vũ trang, ngày 9/12/1959, Khu và Tỉnh ủy Hà Giang đã cử ba cha con Vương Chí Sình, Vương Quỳnh Sơn, Vương Quỳnh Anh dẫn đầu đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc lên Đồng Văn thuyết phục các đầu lĩnh phỉ buông vũ khí, giải tán các toán vũ trang. Lá mặt lá trái, Vương Chí Sình lại bí mật chỉ đạo bọn phỉ: “Đánh thật mạnh để mau chóng giành thắng lợi" (Dẫn theo Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Văn 1944-1975, tập I, trang 117).
Hậu quả là cuộc thương thuyết thất bại hoàn toàn. Từ ngày 12 đến ngày 28/12/1959, hàng loạt cuộc tấn công của phỉ nhằm vào bộ máy chính quyền đã nổ ra và bị trừng trị đích  đáng. Vàng Chúng Dình dẫn 200 quân đánh vào thị trấn Đồng Văn. Vàng Dúng Mỷ tàn phá  Mèo Vạc, cướp cửa hàng mậu dịch. Ngày 20/12, đầu lĩnh Phàn Chỉn Sài đưa một toán phỉ đánh vào Na Khê, sau đó tiến vào Bạch Đích, bắt cán bộ huyện treo lên cây làm bia cho lính tập bắn. Ngày 28/12, Giàng Quáng Ly chiếm xã Yên Minh, Vàng Chỉn Cáo, Phàn Dền chiếm Cắn Tỷ và Đông Hà, lùa dân đi làm bia đỡ đạn. Dân phản đối bị chúng giết, quăng xác xuống sông.
Bà Vừ Thị Mỹ và ông Mã Văn Phứ đang ôn lại chuyện bắt phỉ.
Trước tình hình đó, Trung ương và tỉnh Hà Giang đã phải điều động một số đơn vị bộ đội, công an, công an vũ trang phối hợp với dân quân tự vệ địa phương lập nên Đoàn công tác tiễu phỉ. Tội ác và mưu đồ cát cứ Đồng Văn của đám phản loạn cũng bị nhân dân nhận rõ chân tướng. Sự phân hóa đã nổ ra sâu sắc. Ngay trong gia đình họ Vương, trong khi Vương Chí Sình lá mặt lá trái nhằm “ngư ông đắc  lợi” thì hai con trai Vương Quỳnh Sơn, Vương Quỳnh Anh lại rất tích cực đóng góp vào việc vận động tuyên truyền chống âm mưu chia rẽ, cát cứ  và đóng góp nhiều cho công cuộc tiễu phỉ.
Nho tướng Mã Học Văn, người được Vương Chí Sình bí mật giao trách nhiệm thay  mình chỉ đạo tình hình Đồng Văn cũng đã ly khai ý nguyện của chủ cũ để phục vụ lợi ích chung, sát cánh và giúp sức nhiều cho những cán bộ do cấp trên cử về trong công tác vận động quần chúng và tiễu phỉ. Họ Mã đã một mình tay không vào tận sào huyệt của Vàng Vạn Ly thuyết phục tên này đầu hàng. Vàng không nghe, Mã Học Văn đã lập kế hoạch giúp đoàn công tác tiễu phỉ bắt sống tên này.
Hai con trai của cụ Mã Học Văn là Mã Chính Minh và Mã Chính Lâm cũng là những người có công lớn trong cuộc tiễu phỉ. Năm 1957, khi phong trào thổ phỉ mới manh nha, Mã Chính Minh bị rủ rê đã tham gia từ đầu. Sau đó, anh nhanh chóng nhận mưu đồ đen tối, bị giật dây từ bên ngoài nên đã ly khai, đưa cán bộ, dân quân luồn rừng, bạt núi lần theo dấu phỉ. Người em trai Mã Chính Lâm thì ngay từ đầu đã tỏ ra là một tay hảo hán, chống phỉ quyết liệt, chỉ huy bộ đội, dân quân địa phương đánh nhau với phỉ nhiều trận ác liệt.
Sau nhiều đợt truy quét, lực lượng vũ trang đã đẩy lùi các toán quân phỉ ra khỏi các khu dân cư, nhất là khu vực Đồng Văn, Phố Bảng, Phố Là, Sủng Là, cổng trời Cắn Tỷ... Những tên bị bắt, ta đưa về Yên Minh giáo dục, sau đó cho về quê quán, chỉ giữ lại bọn đầu sỏ, ngoan cố để tiếp tục đấu tranh.
Hàng loạt huyền thoại mới lại xuất hiện trên Cao nguyên đá. Xã đội trưởng Vần Chải Sùng Dúng Lù đã chỉ huy dân quân, du kích đẩy lui hàng chục đợt tấn công của phỉ, bảo vệ dân (đồng chí Sùng Dúng Lù được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1967). Vào cuối chiến dịch tiễu phỉ, chính ông là người đã vào tận hang ổ bắt sống Vàng Vạn Ly, sau đó tay không một mình đi khắp vùng Vận Chải thuyết phục được hàng chục kẻ lầm đường buông súng. Hoàng Văn Bách, Chủ tịch thị trấn Đồng Văn, dù nắm trong tay chỉ một trung đội dân quân tự vệ cũng ngoan cường vật lộn suốt 12 giờ đánh bật nhiều đợt tấn công vào thị trấn của 200 tay súng do cựu sĩ quan Quốc dân đảng Vàng Chúng Dình chỉ huy.
Sau thất bại này, tên cầm đầu bạo loạn Vàng Chúng Dình đã cay cú điều thêm 300 quân tấn công Đồng Văn lần nữa, quyết tâm không chiếm được cũng phải phá sạch, đốt sạch. Nhưng, với sự tăng cường của một đại đội vũ trang hỗn hợp gồm cả công an và công an vũ trang, Đồng Văn vẫn đứng vững, cuối cùng đuổi được Vàng Chúng Dình và khoảng 400 tay súng chạy dài về  khu vực Ma Lé, Mã Sồ sát biên giới.
Không để cho chúng kịp trở tay, các lực lượng vũ trang lại tiếp tục truy kích, Chiến dịch mở ngày 29/1/1960 (29 tết) đến hết ngày 31/1/1960 (mùng 1 tết) thì thắng lợi hoàn toàn. Gần 400 tên phỉ bị đánh tan tác, phần lớn đều phải buông súng đầu hàng. Vàng Chúng Dình phải tháo chạy về vùng Thập Vạn Đại Sơn thuộc Vân Nam (Trung Quốc) để lẩn trốn.
Chưa bắt hoặc diệt được tên đầu sỏ, mầm bạo loạn sẽ vẫn còn chưa dứt, Ban chỉ huy chiến dịch quyết tâm lập kế điệu hổ ly sơn. Từ chỗ phao tin "Vua Mèo sắp trở lại, Mỹ và quốc tế can thiệp giúp Đồng Văn thành lập Vương quốc Mèo" nhằm lừa bịp nhân dân, sau nhiều cuộc tấn công, quấy rối nhưng đều thảm bại, Vàng Chúng Dình bị cô lập, mù thông tin, đâm ra ảo tưởng, bị lừa bởi luận điệu lừa bịp do chính mình tung ra.
Khi Vàng Chúng Dình đã quá mệt mỏi và tuyệt vọng thì có hai vị  cứu tinh là Vừ Sảo Cờ và Mùa Chứ Dính xuất hiện. Cả hai người này đều có quan hệ họ tộc hoặc thông gia với gia đình Vàng Chúng Dính. Họ cho biết, một phái viên cao cấp do chính quyền Ngô Đình Diệm cử ra  đã bí mật có mặt tại Đồng Văn, sẵn sàng gặp Vàng Chúng Dình để mưu bàn đại sự hoặc đón tên này vào Sài Gòn, từ đó đi Đài Loan.
Bà Vừ Thị Mỹ đang giới thiệu vị trí núi Tỉa Cẩu Chùa - nơi Vàng Chúng Dình ẩn náu.
Sau nhiều lần kiểm tra, Vàng tin răm rắp, đồng ý rời đất Tàu theo "hai người anh em cứu tinh"  về rúc trong hang đá biệt lập ở núi Tia Cẩu Chùa (góc Vách Đá), xã Phố Là. Đưa đường cho gã là Thào Giống Lùng, người trong xã. Tại hang này, gã đã được gặp "đặc phái viên" Vũ Âu Lạc và một kẻ đưa đường khác, từng tham gia quân phỉ từ thời manh nha là... Mã Chính Minh, hàng ngày cùng Vàng bàn bạc "quốc sự”.
Hang đá treo lưng chừng núi dựng đứng, muốn trèo lên  phải dùng dây thừng, sau đó gọi cho người trong hang bắc thang xuống. Hang cách biên giới, khu Tổng Cản, huyện Phú Lình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc không xa, khoảng 4km.
Mỗi ngày ba bữa, cô Vừ Thị Mỹ, vợ của Thào Giống Lùng đều từ Phố Là lên núi, đu dây lên hang cung cấp thức ăn, củi sưởi cho Vàng. Mỗi lần đều có một con gà, một lạng hạt tiêu và một ít thuốc phiện. Khi có ông “đặc phái viên” và hai người nữa cùng lên hang thì số gà mỗi bữa tăng lên 3 con.
Tên trùm phỉ không hay biết rằng tất cả chỉ  là một cái bẫy. Ông Vũ Âu Lạc là một cán bộ an ninh đóng giả vai “đặc phái viên”. Những người khác liên quan cũng đều  là thành viên đoàn tiễu phỉ.
Một tuần sau khi tay "đặc phái viên” xuất hiện, Vàng đồng ý rời hang. Cả nhóm vừa đi được một đoạn thì bất ngờ có thêm một người tướng to cao, chắc khỏe xuất hiện. Vừa kịp nhận ra người đó là Mã Chính Lâm, Huyện đội trưởng Đồng Văn mà mình đã cố công giết cho bằng được trong hai đợt tấn công vào thị trấn, Vàng đã bị Mã quật ngã và bắt sống.
Rắn bị đánh giập đầu, loạn thổ phỉ lắng dần, đến năm 1962  thì tan rã hoàn toàn. Phiên tòa xét xử những tên trùm thổ phỉ diễn ra vào năm 1963. Người ngồi ghế chánh án là ông Vừ Mí Kẻ, người Mã Phài từng được Vương Chí Sình tin cậy giao áp tải 22 vạn đồng bạc trắng và 9kg vàng về Hà Nội ủng hộ “Tuần lễ vàng” năm 1945. Với phiên tòa này, quyền lực phong kiến cát cứ đã thực sự chấm dứt hoàn toàn trên Cao nguyên đá, trả lại cho Đồng Văn sự thanh bình để bắt đầu vào mùa xây dựng đi dần lên no ấm
Huyền thoại trên cao nguyên đá:
Khúc hoan ca phía những cổng trời
Loạn phỉ được dập tắt, thời kỳ khống chế kinh tế, chi phối quyền lực của các thổ ty, chúa đất phong kiến đối với vùng đất Đồng Văn cũng vào hồi cáo chung. Nhưng núi cao hiểm trở, đi lại khó khăn; đất canh tác rất hiếm, lổn nhổn toàn đá tai mèo, lại không có nước, toàn miền Đồng Văn vẫn chìm trong đói nghèo lạc hậu.
Lúa nước hầu như không có. Ngô, cây lương thực chính của người Mông Đồng Văn trồng trong các hốc đất nằm kẹt giữa trập trùng đá núi cho năng suất chỉ khoảng 0,8tấn/ha. Sản xuất nông nghiệp không cung cấp đủ lương thực nuôi sống gia đình, hầu hết người Mông Đồng Văn những năm sau hòa bình (1954) vẫn chỉ trông chờ vào một cứu cánh: thuốc phiện từ cây anh túc.
Thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu thích hợp, trồng cây anh túc ở cao nguyên đá không khó. Bất kỳ hốc đá, kẹt núi nào thả hạt cây anh túc xuống đến mùa cũng có được ít nhựa thuốc phiện để thu hoạch. Trung bình mỗi ha đồi núi cũng thu được 1,5-2kg thuốc phiện, bán sang Trung Quốc cũng đủ tiền đong ngô làm mèn mén cho cả gia đình nhỏ sống suốt một nửa năm. Đọt non của cây anh túc, đồng bào Mông hái về luộc hoặc xào ăn thay rau. Khi những cây thuốc phiện còn nhỏ, đồng bào thường cấy rau cải bẹ xen kẽ. Rau cải trồng lẫn cây anh túc cho hương vị đậm đà khác hẳn, nấu canh với thịt chuột núi, ăn với mèn mén, người Mông xem là tuyệt hảo, không kém gì cao lương mỹ vị.
Ông Mã Văn Phứ ở Phố Bảng bảo: "Chỉ ở Đồng Văn  cách đây hơn nửa thế kỷ mới có thứ đặc sản kẹo... thuốc phiện. Bây giờ thì tiệt rồi. Hơn 1/4 thế kỷ nay, tôi cũng không còn nhìn thấy  món này nữa".
Bóp vỡ quả anh túc khô, phía bên trong tuôn ra một ít hạt  li ti  như hạt cải. Đem rang lên, hạt anh túc thơm lừng. Thắng đường đổ vào, ngào cho đến lúc khô, đổ thành thỏi như thỏi kẹo mè (vừng) là có món kẹo thuốc phiện, ăn thơm ngậy và rất bùi. Một thời, hạt thuốc phiện được các gia đình quyền quý ở Đồng Văn mang về Hà Giang, về xuôi làm quà như một thứ đặc sản đầu bảng. Nguồn lợi cao và quen thuộc như vậy nên công cuộc xóa bỏ thứ "thần dược chết người" này ở Đồng Văn vì thế đã trở thành một cuộc chiến gay go, nan giải và dai dẳng.
Từ năm 1959, Đảng và Chính phủ đã quyết tâm mở đường ôtô từ Hà Giang lên Đồng Văn rồi vòng sang Mèo Vạc, nhằm xóa thế bị cô lập của miền đá Đồng Văn, đưa ánh sáng văn minh xóa dần đêm đen đói nghèo lạc hậu, giúp hàng hóa  hai  miền xuôi ngược có điều kiện thông thương. Ngày 10/9/1959, tuyến đường chính thức khởi công. Bác Hồ đã đặt cho con đường này là đường Hạnh Phúc - Quản Bạ - Đồng Văn - Mèo Vạc. Quyền tổng chỉ huy công trường thi công tuyến đường được giao cho ông Vừ Mí Kẻ, lúc đó đang là Chủ tịch huyện Đồng Văn (cũ).
Ông Kẻ sinh năm 1929. Mồ côi nhưng khỏe mạnh, có bản lĩnh, 15 tuổi ông Vừ Mí Kẻ được "Vua Mèo" Vương Chí Sình đưa về dinh Sà Phìn làm chân giữ ngựa. Tuy không họ hàng thân thích, nhưng do bản tính cương trực, chí khí, ông được họ Vương rất coi trọng. Con ngựa quý của Vương Chí Sình cưỡi do đích thân ông chăm sóc. Năm 1946, khi Vương Chí Sình thay  mặt cha (Vương Chính Đức) về Hà Nội diện kiến Hồ Chủ tịch, cậu thanh niên 17 tuổi Vừ Mí  Kẻ cũng được tháp tùng, được vào tận Phủ Chủ tịch trong buổi Hồ Chủ tịch tiếp và kết nghĩa anh em với họ Vương.Sau đó không lâu, khi trở lại Sà Phìn, chính người thanh niên này đã thuyết phục Vương Chí Sình đem gần như toàn bộ tài sản, gồm 22 vạn đồng bạc trắng và 9kg vàng ủng hộ "Tuần lễ vàng" do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động. Vương Chí Sình đã giao cho Vừ Mí Kẻ áp tải số ngân lượng lớn này về Hà Nội.
Ở tuổi 82, ông Kẻ vẫn tráng kiện và minh mẫn để thuật lại chi tiết thử thách lớn đầu tiên của đời mình. Suốt 70 năm đô hộ Đồng Văn, dù muốn, người Pháp vẫn không làm nổi một con đường lên xứ này. Ông và đoàn áp tiêu phải dùng ngựa thồ men lối mòn, nhiều đoạn quá dốc và hẹp phải xuống nắm đuôi ngựa bò lên, đi ròng rã 3 ngày mới tới thị xã Hà Giang. Vương Chí Sình đã bố trí sẵn ôtô đón họ về Phú Thọ, từ đó theo tàu về Hà Nội. Gian khổ, nhưng tiền ủng hộ Chính phủ, ông vẫn đem nộp đầy đủ, không suy suyển một đồng.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã được giác ngộ và đi theo Cách mạng. Năm 1950, mới 21 tuổi, ông đã được giao trọng trách Chủ tịch xã Sà Phìn. Bảy năm sau, Vương Chí Sình  lúc này vào tuổi 72 tuổi, viết thư cho Hồ Chủ tịch nại lý do tuổi cao sức yếu đề nghị Chính phủ cử người lên để ông trao lại chức Chủ tịch huyện Đồng Văn (gồm cả Yên Minh, Mèo Vạc và một phần Quản Bạ ngày nay). Cao nguyên đá đang bị đặt trước một giai đoạn cực kỳ khó khăn, bạo loạn đang manh nha bùng nổ, cần có người đủ tài đức và uy tín với đồng bào các dân tộc để đứng mũi chịu sào. Trung ương, Khu ủy Việt Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang đã nhất trí chọn ông Vừ Mí Kẻ làm người tiếp nhận.
Ba năm sau, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960, ông và Vương Chí Sình, hai con người với hai xuất thân hoàn toàn trái ngược cùng nhau trở thành đại biểu của nhân dân Hà Giang tham gia Quốc hội. Với riêng ông, vị trí đại biểu này, ông còn được nhân dân tín nhiệm bầu liên tục 5 khóa liền!
Ở vị trí hành chính, từ cương vị Chủ tịch Đồng Văn, ông Vừ Mí Kẻ sau đó đã nắm giữ trọng trách Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên, rồi Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh. Ông sống giản dị, thanh bạch. Tài sản có giá trị nhất của ông cho đến khi nghỉ hưu chỉ là một chiếc xe đạp Thống Nhất. Ngày nghỉ, ông cũng tự tay cuốc đất, làm vườn trồng rau, chăn nuôi để cải thiện đời sống.
Có lần, vườn cải bẹ của ông đang lên xanh mơn mởn thì có mấy anh lính biên phòng đi ngang. Ngó quanh ngó quất không thấy ai, tiện tay mấy anh lính trẻ bèn bẻ đại một nắm. Ông trông thấy, ra mắng cho một trận. Lính trẻ không biết đó là ông Phó Chủ tịch tỉnh, hoảng quá xô ông qua một bên bỏ chạy. Ngày hôm sau, anh chỉ huy đồn biết chuyện, lật đật đưa lính đến xin lỗi ông rối rít. Ông Kẻ nghe xong, mắng ầm lên. Mắng vậy thôi, nhưng sau đó, tự tay ông ra vườn cắt một ôm cải to cho các anh lính mang về.
Là người đã đi bộ mòn vẹt núi, ông Kẻ bảo mình rất sung sướng và tự hào khi được Đảng giao làm Tổng Chỉ huy công trường mở đường Hạnh Phúc. Vừa khởi công, loạn phỉ nổi lên, đốt phá công trường, ông đã chỉ huy quân và dân Đồng Văn chống lại, vừa ngăn phỉ, tiễu phỉ, vừa tiếp tục tay choòng, tay búa đẽo đá mở đường. Sau 7 năm ròng rã, hơn 2 triệu ngày công của công nhân, dân công 18 dân tộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên và 2 tỉnh Hải Hưng, Nam Định đã hoàn thành tuyến đường ôtô dài 164km, xuyên cao nguyên đá, nối miền cổng trời Mèo Vạc, Đồng Văn với miền hạ Hà Giang. Ngày 15/6/1965, tuyến đường hoàn tất.
Từ sau năm 1964, khi thi công đoạn đường từ Đồng Văn qua Mèo Vạc, huyền thoại chinh phục cổng trời Mã Pí Lèng lại ghi nhận thêm một cái tên khác: Sùng Tài Dùng. Là Bí thư Đoàn thanh niên của công trường, ông Sùng Tài Dùng đã cùng đồng đội treo mình 11 tháng ròng rã trên vực sâu núi thẳm, đẽo đá gọt núi hoàn toàn bằng những phương tiện thủ công để nối thông Mèo Vạc với Đồng Văn. Tận mắt, ông Dùng đã phải chứng kiến 13 đồng đội của mình hy sinh khi bạt núi, có người rơi thẳng từ cổng trời trên ngàn mét xuống sông Nho Quế sâu hun hút phía dưới.
Sau công tác làm đường, ông Sùng Tài Dùng trở thành Bí thư huyện ủy Mèo Vạc,  Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Giang. Ông có biệt tài diễn đạt những khái niệm trừu tượng bằng ngôn ngữ hình tượng mộc mạc, dễ hiểu, dễ chinh phục bà con các dân tộc. Có lần, về Trung ương dự hội nghị, được mời lên phát biểu, ông đã nói: "Chính sách của Đảng và Chính phủ với bà con các dân tộc như biển rộng trời cao thì đúng rồi. Nhưng Hà Giang ở cao lắm, sông biển chảy ngược đến nơi khó lắm. Chỉ mong là chính sách của Đảng và Chính phủ đến Hà Giang, nếu không được cuồn cuộn như nước sông Đà thì cũng phải chảy tràn đầy như nước sông Nho Quế, chứ đừng chảy ri rỉ như mó nước mùa khô, cho bà con các dân tộc chúng tôi còn được nhờ...".
Ông nói vừa dứt câu, cả hội nghị đã đứng dậy vỗ tay rào rào!
Cách  nói mộc mạc nhưng thuyết phục, ông Sùng Tài Dùng là người đã góp công lớn trong việc xóa cây anh túc, thay bằng cây cải dầu trên đất Hà Giang. Ông nói với đồng bào mình: "Trồng thuốc phiện không tốt đâu, Nhà nước cấm rồi. Mình cũng là người Mông, mình không  nói dối đâu. Bà con phải tin mình chứ". Đồng bào tin ông. Đến năm 1987, hai màu trắng - tím của hoa anh túc đã thật sự biến mất vĩnh viễn trên toàn cao nguyên đá.
Hậu duệ của họ Vương Đồng Văn cũng để lại cho cao nguyên một huyền thoại đẹp. Ngay từ khi còn là một thanh niên, ông Vương Quỳnh Sơn, cháu gọi Vương Chí Sình bằng chú ruột đã có nhiều đóng góp trong việc vận động các toán phỉ Đồng Văn, Mèo Vạc buông súng quay về. Đối với đồng bào Mông, ông rất có uy tín. Khi trở thành cố vấn của Ủy ban Dân tộc Trung ương, ông thường được gọi trân trọng bằng danh xưng Vương lão đồng chí. Chính ông đã chủ động liên hệ, thư từ trao đổi với những hậu duệ của "Vua Mèo" Mèo Vạc Dương Trung Nhân - dòng họ đối địch một thời nhằm mục tiêu xóa bỏ hiềm khích, hòa hợp dân tộc. Khi ông Dương Trung Nhân mất, ông đã gửi điện chia buồn, phúng viếng, cử chỉ đầy những ân tình. Đáp lại, ông Dương Đạo, một hậu duệ của "Vua Mèo" Mèo Vạc xưa đã trả lời ông bằng một  bức tâm thư đẫm  lệ:
"Mineapolis ngày 18/3/1995.
Kính gửi ông Vương Quỳnh Sơn, Ban Dân tộc Trung ương, 80 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội.
Kính thưa anh. Em là Dương Đạo con trai thứ hai của ông Dương Trung Nhân. Em rất cảm động sau gần nửa thế kỷ em được đọc thư anh viết cho anh trai của chúng em.
Trước hết em và tất cả gia đình bên này xin thành thật cảm tạ anh đã gửi lời chia buồn khi cha chúng em Dương Trung Nhân tạ thế. Cha em mất lúc 82 tuổi, tháng 8/1994 ở tiểu bang Minnesota. Cha chúng em để lại Mỹ quốc hai vợ (vợ hai và vợ ba, vợ cả mất năm 1989), 12 con (6 trai, 6 gái), 40 cháu và 27 chắt.
... Em và mọi người trong gia đình em rất lấy làm sung sướng nghe lời của anh là chúng ta nên thương nhau. Chúng em cũng luôn nghĩ như anh. Những chuyện mà đã xảy ra giữa hai gia đình họ Vương và họ Dương chúng ta cách đây 50 năm dù sao cũng là một chuyện buồn.
Trước khi mất, cha em cũng nói rằng hai họ Vương và Dương là như một gia đình. Chúng ta nên xóa những sự buồn của quá khứ để yêu thương giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới văn minh.
Cha em cũng muốn trở về thăm quê hương một lần cuối trước khi nhắm mắt nhưng già yếu quá rồi sợ đi về không đến được quê. Chúng em người thì ở Mỹ, người ở Pháp, ai cũng đều mong rằng một ngày gần đây gia đình anh và gia đình chúng em sẽ có điều kiện gặp gỡ hội ngộ, giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới mở mang cho con cháu sau này.
Em luôn chống lại sự chiến tranh chỉ có phá hoại cho loài người mà ủng hộ sự phát triển giữa các dân tộc...
Cuối cùng em xin anh hãy thông cảm cho em vì không rành lắm tiếng Việt. Xin chúc đại gia đình ta may mắn.
Mr. Yang Dao (Dương Đạo)".
Một quá khứ đau buồn, đầy những xung đột, hiềm khích đã  vĩnh viễn khép lại, nhường chỗ cho một tương lai tốt đẹp trên cao nguyên đá Đồng Văn. Di sản con người hàng trăm năm cần được nhắc lại, bảo tồn để di sản thiên nhiên hàng trăm triệu năm càng thêm giá trị. Đó là lợi thế tương lai, là vẻ đẹp lấp lánh, không kém phần huyền hoặc của Đồng Văn mà không một công viên địa chất toàn cầu nào khác có được.
Di sản con người ấy sẽ không bao giờ bị lãng quên...
21/3/2011
Nguyễn Hồng Lam
Nguồn: Bài đã đăng An ninh Thế giới 
5 kỳ, tháng 3-2011
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...