Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần VII

Chiến tranh và hòa bình - Phần VII
Phần VII 
Chương 1 
Truyền thuyết Thánh kinh nói rằng cảnh sống nhàn hạ, không lao động, là điều kiện hạnh phúc của con người đầu tiên trước khi sa ngã. Sau khi đã sa ngã rồi, con người vẫn thích nhàn hạ, nhưng sự nguyền rủa của Thượng đế vẫn đè nặng trên con người, cho nên không những nó phải đổ mồ hôi trán mới kiếm được miếng ăn, mà hơn nữa những bản tính về đạo đức của ta cũng không cho phép ta an tâm mà nhàn hạ được. Một tiếng nói thầm kín nhắc nhở ta rằng sống nhàn hạ là có tội. Nếu có thể tìm được một cảnh sống trong đồ con người vẫn nhàn hạ mà lại cảm thấy mình hữu ích và đang làm tròn nhiệm vụ, thì như vậy là con người đã tìm thấy một mặt của hạnh phúc nguyên thuỷ. Và cảnh nhàn hạ bắt buộc không ai chê trách được ấy chính là cái cảnh mà cả một tầng lớp người được hưởng: tầng lớp quân nhân. Điều thú vị nhất của nghề nghiệp nhà binh chính là cảnh sống nhàn hạ vì nghĩa vụ và không ai chê trách được đó. Nikolai Roxtov từ năm 1807 đến nay vẫn được hưởng cái lạc thú ấy một cách trọn vẹn, trong khi tiếp tục phục vụ ở trung đoàn Pavlograd: bây giờ chàng chỉ huy đại đội kỵ binh của Denixov trước đây. Roxtov đã trở thành một anh chàng lỗ mãng và đôn hậu mà có lẽ những người quen biết ở Moskva cho là kiểu người không tốt nhưng được các bạn đồng ngũ kẻ dưới người trên đều mến trọng, và chàng rất hài lòng với cách sống của mình. Gần đây, trong những bức thư mà chàng nhận được trong năm 1809, mẹ chàng thường phàn nàn về nỗi cảnh nhà càng ngày càng sa sút, và nói rằng đã đến lúc chàng phải về để cha mẹ chàng được vui vẻ và yên lòng. Đọc những bức thư ấy, Nikolai lo sợ rằng người ta muốn hất chàng ra khỏi cái môi trường trong đó chàng đang sống yên tĩnh phẳng lặng, cách biệt tất cả những phiền nhiễu của cuộc đời. Chàng cảm thấy sớm hay muộn gì chàng cũng phải lao mình vào luồng nước xoáy của cuộc đời, phải cứu vãn những tình thế khó khăn của gia đình, phải kiểm tra những tính toán và sổ sách của viên quản lý, phải tham dự những cuộc tranh chấp, những mưu mô, những quan hệ xã giao, phải giải quyết vấn đề tình yêu với Sonya và lời chàng đã hứa với nàng. Tất cả những điều đó thật là khó khăn, phiền phức ghê gớm, và chàng trả lời mẹ bằng những bức thư rập khuôn lạnh lùng, bắt đầu bằng “mẹ thân yêu” và kết thúc bằng “con trai hiếu kính của mẹ”, mà không hề nói rõ mình định đến bao giờ thì sẽ về. Năm 1810, một bức thư nhà báo cho chàng biết là Natasa đã đính hôn với Bolkonxki và lễ cưới phải hoãn lại trong thời hạn là một nằm, vì lão công tước không thuận. Bức thư khiến chàng vừa buồn vừa giận. Trước hết, chàng buồn vì thấy Natasa, em gái cưng của chàng, sắp rời khỏi nhà. Sau nữa, theo quan điểm sĩ quan phiêu kỵ của chàng, chàng tiếc rằng đã không có mặt ở nhà để tỏ rõ cho Bolkonxki thấy rằng làm thông gia với nhà hắn ta tuyệt nhiên không phải là một vinh dự gì lớn lắm, và nếu quả thật hắn ta yêu Natasa, thì hắn có thể bất chấp cả sự phản đối của ông bố gàn dở của hắn. Có một lúc, chàng đã phân vân tự hỏi nên xin nghỉ để về thăm Natasa sau khi nàng đã đính hôn hay không, nhưng chính lúc ấy những cuộc tập trận lại diễn ra, chàng lại nghĩ đến Sonya, đến những nỗi phiên toái mà chàng sẽ gặp, và chàng lại trì hoãn. Nhưng đến mùa xuân năm ấy mẹ chàng lại viết thư cho chàng mà không cho lão bá tước biết, bức thư đó đã khiến chàng quyết định về nhà. Bà bảo nếu chàng không về để nắm lấy mọi việc thì bao nhiêu tài sản sẽ bị phát mại hết và cả nhà sẽ phải đi hành khất. Bá tước quá nhu nhược, hiền lành, hoàn toàn tin cậy Mityenka, lại bị mọi người lừa phỉnh, cho nên công việc càng ngày càng hỏng thêm. “Mẹ van xin con hãy vì Chúa mà về ngay nếu con không muốn làm cho mẹ và cho cả nhà phải khốn đốn” - bá tước phu nhân viết như vậy. Bức thư ấy đã có tác dụng với Nikolai. Chàng vốn có cái trí xét đoán lành mạnh của những người tầm thường, là cái vẫn vạch cho họ thấy rõ nhiệm vụ phải làm. Bây giờ thì chàng nhất định phải về, nếu không phải là xin giải ngũ, thì cũng phải xin nghỉ phép. Tại sao chàng lại phải về, chàng cũng không biết nữa, nhưng sau một giấc ngủ trưa, chàng bảo thắng con ngựa Marx, một con ngựa đực màu xám, tính rất dữ, đã lâu không ai cưỡi; và khi trở về phòng, trên con ngựa ướt đẫm bọt mồ hôi, chàng báo tin cho Larutska (người cần vụ của Denixov nay chuyển sang hầu hạ Roxtov) và cho các bạn bè đến chơi buổi tối ở nhà chàng biết rằng xin nghỉ phép để về thăm nhà. Mặc dù chàng thấy khó tin và lấy làm kỳ lạ khi nghĩ rằng mình ra đi trong khi Bộ tham mưu chưa cho biết (chàng đặc biệt quan tâm đến việc ấy) qua cuộc tập trận vừa rồi chàng có được thăng chức đại uý hoặc ít nhất có được thưởng huân chương Anna hay không; Mặc dù chàng lấy làm lạ rằng mình bỏ ra đi trong khi chưa bán lại xong xuôi cho bá tước Golukhovxki ba con ngựa lang mà ông ta đang mặc cả với chàng (chàng đã đánh cuộc với anh em là sẽ bán được hai ngàn rúp) mặc dù chàng thấy rõ rằng nếu mình không đến dự cuộc khiêu vũ mà bọn phiêu kỵ tổ chức mừng tiểu thư Ba Lan Psadexka đề chọc tức bọn kỵ binh U-lan cũng đang tổ chức một cuộc khiêu vũ cho tiểu thư Bôjodovxka của họ thì đó sẽ là một điều cực kỳ vô lý, nhưng chàng vẫn biết rằng thế nào mình cũng phải rời khỏi thế giới êm đềm dễ chịu này để đến một nơi ở đấy tất cả đều hỗn độn be bét. Một tuần sau chàng nhận được giấy phép. Bè bạn của chàng là những sĩ quan trong trung đoàn và cả trong lữ đoàn nữa, tổ chức một bữa tiệc tiễn chàng mỗi người góp mười lăm rúp, có hai dàn nhạc, hai đội hợp ca; Roxtov nhảy bài trepak với thiếu tá Baxov; mấy viên sĩ quan say rượu công kênh chàng, hôn chàng và thả cho chàng rơi phịch xuống đất; Binh sĩ của đại đội ba lại công kênh chàng một lần nữa và hô: ura! Rồi họ đặt chàng lên xe trượt tuyết và hộ tống chàng đến trạm đường thứ nhất. Trong phần thứ nhất của hành trình, từ Krementsng đến Kiev bao nhiêu tâm trí của Roxtov, như xưa nay vẫn thế, đều gửi lại nơi mình vừa từ giã, gửi lại kỵ đội của chàng; nhưng khi đã đi được quá nửa đường, chàng bắt đầu quên ba con ngựa lang, quên cả viên tào trưởng của kỵ đội là Dozoiveyka, và bắt đấu băn khoăn tự hỏi khi về đến Otradnoye mình sẽ thấy tình hình ra sao. Chàng càng gần về đến nhà thì những ý nghĩ của chàng về gia đình càng mạnh hơn trước nhiều (dường như tình cảm, cũng như trọng lực, phục tùng cái quy luật hấp dẫn theo tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách); đến trạm cuối cùng trước trang viên Otradnoye, chàng cho người đánh xe trạm ba rúp tiền uống rượu và thở hổn hển nhảy lên thềm từng bốn bậc một, như một đứa trẻ. Sau những phút mừng rỡ của buổi mới về, và sau cái cảm giác thất vọng lạ lùng khi so sánh hiện thực với những điều trước đây chàng vẫn chờ đợi - chả có gi thay đổi cả, thế mà cũng hối hả làm gì Nikolai lại quen dần với cuộc sống gia đình. Ông cụ bà cụ vẫn như trước, chỉ có già đi ít nhiều. Điều mới ở hai ông bà là một nỗi lo lắng và đôi khi là sự bất đồng ý kiến trước kia không hề có, mà nguyên nhân như Nikolai ít lâu sau nhận thấy, chính là tình hình tài chính rối ren của gia đình. Sonya thì sắp đến tuổi hai mươi. Nàng không thể đẹp thêm nữa, nhan sắc của nàng không hứa hẹn gì hơn nữa, song dù cứ thế này thôi cũng là đủ lắm rồi. Từ khi Nikolai về, cả con người nàng phơi phới hạnh phúc và tình yêu, và lòng chung thuỷ keo sơn của người thiếu nữ ấy khiến chàng vô cùng vui sướng. Petya và Natasa làm cho chàng kinh ngạc hơn cả Petya thì bây giờ là một cậu thiếu niên mười ba tuổi, cao lớn và đẹp trai, hóm hỉnh, vui tươi, tinh nghịch, tiếng nói đã vỡ. Còn Natasa thì trong một thời gian khá lâu chàng cũng lấy làm lạ và hễ nhìn cô em chàng lại bật cười. - Không giống trước tí nào cả. - Thế em xấu đi à? - Trái lại, nhưng trông trang trọng thế nào ấy. Đúng là một công tước phu nhân! - Chàng nói thì thào. - Phải, phải đấy, phải đấy. - Natasa vui vẻ đáp. Natasa kể lại cho chàng nghe câu chuyện diễm tình của nàng với công tước Andrey, việc công tước đến thăm Otradnoye, rồi đưa cho chàng xem bức thư mới nhận được của công tước. - Thế anh có thích không? - Nàng hỏi - Bây giờ em thấy thanh thản và sung sướng quá. - Thích lắm - Nikolai nói - Anh chàng ấy rất khá. Em yêu anh ta lắm à? - Biết nói thế nào cho anh hiểu bây giờ nhỉ. - Natasa đáp - Trước kia, em đã từng cảm Boris, cảm ông thầy học của em, cảm Denixov, nhưng lần này thì không giống thế một tí nào. Em tự thấy bình tĩnh, vững vàng lắm. Em biết không ai tốt hơn anh ấy được, em thấy trong lòng bây giờ thanh thản, sung sướng quá. Thật không giống trước kia một tí nào… Nikolai ngỏ cho Natasa biết rằng chàng không hài lòng về việc hoãn lễ cưới lại một năm; nhưng Natasa kịch liệt cãi lại chàng và chứng minh rằng không thể làm cách nào khác, rằng về nhà chồng mà không được ông bố chồng thuận tình thì không tốt, rằng chính nàng đã muốn làm như vậy. - Anh chả hiểu gì cả, chả hiểu tí gì, - nàng nói. Nikolai im lặng và cho là nàng nói phải. Chàng thường thấy làm lạ môi khi nhìn em. Nàng hoàn toàn không có vẻ là một người vợ chưa cưới chung tình đang phải xa cách người chồng chưa cưới. Nàng bình thản, vui vẻ chẳng khác gì trước. Nikolai lấy điều đó làm lạ, thậm chí còn nảy ra ý nghi ngờ chủ ý của Bolkonxki trong việc cầu hôn này. Chàng không tin rằng số phận Natasa đã được định đoạt; hơn nữa là vì chàng chưa hề thấy nàng và Andrey bên cạnh nhau bao giờ. Chàng vẫn thấy có cái gì không ổn trong cuộc hôn nhân tự định này. “Tại sao lại hoãn? Tại sao không làm lễ đính hôn?” - chàng băn khoăn tự hỏi. Một hôm, trong khi nói chuyện với mẹ về Natasa, chàng lấy làm lạ, nhưng cũng có phần thích thú nhận thấy rằng mẹ chàng trong thâm tâm cũng có lúc nhìn cuộc hôn nhân ấy với con mắt hoài nghi như chàng. - Đây thư của anh ấy viết đây - bà cụ vừa nói vừa đưa cho con trai bức thư của công tước Andrey, với cái ác cảm thầm kín của tất cả các bà mẹ đối với hạnh phúc vợ chồng tương lai của con gái mình - anh ta nói là không về được trước tháng Chạp. Chả biết bận công việc gì? Có lẽ là ốm! Sức khỏe anh ta rất kém. Con đừng nói với Natasa nhé. Không nên thấy nó vui vẻ thế mà tưởng nhầm; nó đang sống những ngày cuối cùng trong quãng đời con gái của nó, ấy thế mà mẹ biết rõ trong lòng nó như thế nào mỗi khi nó nhận được thư anh ta. Vả chăng, nếu Chúa ban ơn, thì mọi việc có lẽ rồi sẽ tốt đẹp - và cũng như mọi lần khác, bà lại kết luận - Anh ấy rất tốt. Chương 2 Những ngày mới về nhà, Nikolai có vẻ nghiêm nghị, thậm chí còn cau có nữa. Chàng rất khổ tâm vì sắp phải bắt tay vào những công việc quản lý ngu xuẩn mà mẹ chàng đã gọi chàng về để lo liệu, để trút cho mau cái gánh nặng ấy. Ngày thứ ba sau khi về nhà, sắc mặt hằm hằm, không nói cho ai biết là mình đi đâu, chàng bước thẳng đến phòng Mityenka ở dãy nhà dọc, và đòi xem tất cả mọi khoản kế toán. “Mọi khoản kế toán ấy là gì”, Nikolai còn biết ít hơn cả Mityenka, bấy giờ đang hoảng hốt và ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng. Những lời giải thích và tính toán của Mityenka không kéo dài được bao lâu. Mấy người thôn trưởng đang chờ ở phòng ngoài vừa sợ hãi vừa thích thú khi nghe tiếng quát mắng ầm ầm hình như mỗi lúc một to thêm của tiểu bá tước, rồi tuôn ra tới tấp thành một trận chửi rủa thậm tệ. - Đồ kẻ cướp! Đồ súc sinh bạc nghĩa! Tao sẽ băm thây mày ra như một con chó… Ta không phải như ông cụ đâu… đồ ăn cắp, v.v… Rồi những người ấy lại không kém phần thích thú nhưng sợ hãi khi thấy tiểu bá tước mắt đỏ gay, hai mắt nổi tia máu, nắm cổ áo Mityenka mà lôi và khéo chọn lúc thuận tiện giữa hai tiếng chửi mà đạp cho y một cái và thúc đầu gối vào phía dưới lưng y, quát lên: - Cút! Đừng hòng đặt chân vào nhà này nữa, đồ chó! Mityenka ba chân bốn cẳng lao xuống sáu bậc thềm rồi cắm cổ chạy vào một cái lùm cây. (Lùm cây này là nơi ẩn nấp có tiếng của những dân ở Otradnoye khi có lỗi. Chính Mityenka cũng lẩn quất ở đó mỗi khi ra thành phố uống rượu say rồi về, và có nhiều người dân Otradnoye, cần phải trốn tránh, Mityenka cũng biết rõ cái công dụng che chở của nó). Vợ Mityenka và mấy cô em gái của mụ, vẻ mặt hốt hoảng, ló cổ ra ngoài cửa buồng, nơi đặt một chiếc xamova bóng nhoáng và cái giường cao của viên quản lý phủ một tấm chăn lát chả khâu bằng nhiều mảnh ghép lại. Không để ý đến họ, tiểu bá tước vừa thở hồng hộc vừa nện gót đi qua mặt họ, trở về tòa nhà chính. Bá tước phu nhân, được thị tỳ bẩm báo về việc mới xảy ra bên nhà dọc, một mặt thấy an tâm vì cho rằng như thế chắc từ nay công việc nhà sẽ khá hơn, nhưng một mặt khác lại thấy lo lăng không biết con mình liệu có chịu đựng nổi những chuyện phiền toái ấy không. Có nhiều lần bà bước rón rén đến cửa phòng chàng lắng tai nghe chàng hút hết tẩu thuốc này sang tẩu thuốc khác. Ngày hôm sau lão bá tước gọi con trai ra một chỗ và mỉm cười lúng túng bảo chàng: - Con ạ, con nóng nảy như vậy cũng không phải! Mityenka đã nói hết cho ba biết. “Mình đã biết mà - Nikolai thầm nghĩ - Mình sẽ không hiểu được cái gì trong cái thế giới ngu xuẩn này”. - Con nổi giận vì nó không ghi bảy trăm rúp [146] ấy vào trong sổ. - Thật ra số tiền ấy có viết ở chỗ sang trang nhưng con không xem trang sau. - Thưa cha, nó là đồ chó má, đồ ăn cắp, con biết chắc như vậy Dù sao thì con cũng đã trót làm như thế rồi. Nhưng nếu cha không muốn, thì thôi, con sẽ không nói gì với nó nữa. - Không, anh bạn ạ (Chính bá tước cũng thấy ngượng. Ông cũng thừa biết mình quản lý tài sản của vợ đến nỗi hư hỏng như thế này là có lỗi đối với con cái nhưng không biết nên làm thế nào để cứu vãn tình thế). Không, cha xin con cứ nắm lấy việc nhà, cha già rồi cha… - Không, cha ạ, cha tha thứ cho con nếu đã làm cha phiển lòng; con ít hiểu biết về công việc hơn cha nhiều. “Cho về nhà ma hết, nào nông dân, nào tiền bạc, nào những món chuyển sang trang sau! Đặt cửa gấp sáu lần, cái đó thì trước kia đã có lúc ta hiểu được, nhưng chuyển sang trang sau thì chịu không hiểu gì hết”. Chàng tự nhủ và từ đó không nhúng tay vào việc gì nữa. Nhưng có một lần, lão bá tước phu nhân cho gọi chàng và nói rằng bà còn giữ một cái phiếu nợ hai ngàn rúp của bà Anna Mikhailovna và hỏi xem bây giờ chàng định xử lý cái phiếu ấy như thế nào. - Thế này nhé - Nikolai đáp - Mẹ nói rằng con có quyền quyết định. Con chẳng ưa gì bà Anna Mikhailovna, mà con cũng chẳng ưa gì Boris, nhưng họ là chỗ quen thân với nhà tạ, và họ lại nghèo. Thì đây nên xử lý như thế này đây - nói đoạn chàng xé ngay tờ phiếu ra từng mảnh: điều đó khiến bà cụ khóc nấc lên vì sung sướng. Sau đó, chàng thanh niên Roxtov không nhúng tay vào việc gì nữa mà chỉ chuyên tâm miệt mài vào những cuộc đi săn đuổi [147] một thú tiêu khiền hãy còn mới mẻ đối với chàng, và vẫn được bá tước tiến hành theo quy mô lớn. Chương 3 Trời đã chớm sang đông, những cơn gió ban mai làm cho mặt đất ướt sũng vì những trận mưa thu đông cứng lại. Lúa mì mùa đông đã trổ đòng, một màu xanh tươi nổi bật trên những lớp rạ màu nâu sẫm của vụ lúa mì mùa thu bị đàn gia súc giẫm nát và những đám lúa mì màu vàng tươi, xen kẽ với những dải lúa kiều mạch màu đỏ Những ngọn cây và những khóm rừng, về cuối tháng tám còn là những hòn đảo xanh rờn nổi giữa những cánh đồng lúa mì và những ruộng rạ đen thì nay đã trở thành những cù lao vàng óng và đỏ rực giữa những đám lúa mì mùa đông xanh ngắt. Giống thỏ xám thay lông đã gần xong; những lứa chồn mới dẻ trong mùa bắt đầu chạy ra ngoài, và sói con đã lớn vóc hơn chó nhà. Đó là thời tiết thuận lợi nhất để đi săn. Roxtov vốn là một thanh niên rất ham mê săn bắn. Bầy chó của chàng không những dùng sức nhiều trong cái buổi đi săn mà còn mệt mỏi đến nỗi một buổi họp những người săn bắn đã quyết định cho chó nghỉ ba ngày và đến ngày 16 tháng chín thì sẽ lùa chó đi săn, bắt đầu từ cánh rừng sồi nơi mới phát giác một lứa sói non còn nguyên. Tình hình ngày mười bốn tháng Chín là như vậy. Cả ngày hôm ấy, đội săn không ra khỏi nhà; khí trời giá rét buốt đến tận xương, nhưng về chiều thì sương mù bắt đầu buông xuống, và khí trời có chiều dịu lại. Sáng ngày mười lăm tháng Chín. Roxtov mặc áo ngủ nhìn ra cửa sổ thấy rằng không thể nào ước ao một buổi sáng đẹp trời hơn nữa để đi săn: vòm trời tựa hồ như tan rữa và sa xuống sát đất. Không có lấy một hơi gió thoảng. Trong không khí chỉ có một sự vận động duy nhất là một thứ sương mù nhỏ li ti như bụi đang từ từ buông xuống. Những giọt sương trong suốt treo trên các cành cây trơ trụi trong vườn rồi rơi xuống lớp lá vàng mới rụng. Mặt đất trong vườn rau ướt sũng và đen nhánh như hạt phù dung và cách đó không xa hòa lẫn vào màn sương sẫm đục và ẩm thấp. Nikolai bước ra bậc thềm ướt át, đầy những dấu chân bùn lầy; không khí nồng nặc mùi lá ải và mùi chó săn. Mika, một con chó cái đen có đốm, mông rộng, hai mắt đen to và lồi, thấy chủ ra thì nhổm dậy, vươn dài mình dạp xuống như một con thỏ rồi bỗng nhẩy chồm lên liếm mũi, liếm ria mép chàng. Một con chó Borzoy [148] khác đang đứng bên bồn hoa, thoạt trông thấy chủ liền cong lưng chạy nhào đến bậc thềm dựng lông đuôi lên rồi đến cọ mình vào chân Nikolai. Vừa lúc ấy vang lên tiếng hú ra hiệu của người đi săn, một thứ tiếng không thể bắt chước được, trong đó có một giọng trầm sâu thấp nhất hòa lẫn với giọng kim sắc nhọn nhất. - O hô - Ô - Ôi! O hô - Ô - Ôi? Và Danilo, người quản cẩu thứ nhất, từ góc nhà bước ra, tóc cắt theo kiểu Ukrain, da mặt nhăn nheo tay cầm một cái roi da tết [149] dài cuốn lại; hắn có cái dáng điệu độc lập tự chủ và xem khinh mọi sự ở dời, mà chỉ những người đi săn mới có. Thấy chủ, hắn giơ tay cất cái mũ bịt kiểu Tserkex và nhìn chàng một cách khinh miệt. Vẻ khinh miệt ấy không làm Nikolai mếch lòng: chàng biết rằng tuy Danilo coi khinh tất cả và tự đặt mình cho lên trên mọi người nhưng hắn vẫn là người nhà và là người phu săn của chàng. trong một thời tiết lý tưởng để đi săn như vậy, trước bầy chó săn và người quản cẩu thứ nhất, chàng thấy mình bị lôi cuốn theo niềm say mê không sao cưỡng lại được. Khiến cho người đi săn quên hết mọi điều dự định từ trước, như một kẻ si tình trước mặt người yêu. - Danilo! - Nikolai gọi. - Cậu truyền lệnh như thế nào ạ? - Danilo hỏi, giọng trầm trầm như giọng của một ông thầy dòng giúp lễ, cái giọng khàn, rè rè vì phải luôn mồm gào thét lũ chó, và hai con mắt đen sáng quắc của hắn liếc nhìn ông chủ đang im lặng, như muốn nói: “Thế nào? Hay là không cầm lòng được nữa?” - Hôm nay tốt trời đấy nhỉ? Đi săn cũng tốt, mà phi ngựa cũng tốt nhỉ? - Nikolai vừa nói vừa gãi gãi phía sau tai con Milka. Danilo không đáp, chỉ nháy mắt mấy cái. - Tôi đã cho thằng Uvarka đi nghe ngóng từ lúc tảng sáng - sau một lát im lặng, hắn mới nói, vẫn với cái giọng trầm trầm ấy - Uvarka bảo là nó đã dời ổ sang cấm địa Otradnyoe, hắn đã nghe tiếng tru ở đó. (Thế nghĩa là con chó sói cái mà họ dò được đã đưa bầy con sang khu rừng cấm của điền trang Otradnyoe, một khoảng đất săn nhỏ, cách nhà hai dặm Nga). - Thế thì phải đi chứ? - Nikolai nói - Anh gọi cả thằng Uvarka đến ta bảo. - Xin tuỳ cậu. - Thế thì hẵng khoan cho chó ăn đã nhé.
- Vâng ạ. Năm phút sau. Danilo đã đứng trong gian phòng làm việc rộng rãi của Nikolai. Danilo không to lớn mấy, nhưng ai thấy hắn đứng trong một gian phòng cũng có ấn tượng như khi nhìn thấy một con ngựa hay một con gấu đứng trên sàn gỗ đánh xi. Ở giữa những bộ bàn ghế, trong khung cảnh sinh hoạt của con người. Chính hắn cũng cảm thấy thế, và cũng như thường lệ, hắn đứng ở cửa, cố gắng nói thật nhỏ, không cựa quậy, sợ nhỡ làm đổ vỡ cái gì trong nhà ông chủ chăng, hối hả nói cho xong những điều cần nói đến chóng được ra ngoài trời. Khi chàng đã tra hỏi xong xuôi và đã đòi cho kỳ được Danilo công nhận rằng bầy chó vẫn khỏe (chính Danilo cũng thèm đi lắm). Nikolai ra lệnh đóng yên cương. Nhưng khi Danilo sắp lui ra thì Natasa tóc chưa vấn, áo chưa mặc xong, bước nhanh vào phòng, mình quấn cái khăn choàng lớn của u già, Petya cũng chạy theo sau. - Anh đi đấy à? - nàng hỏi - Em biết mà! Sonya cứ bảo là các anh không đi. Nhưng em biết, trời như thế này thì không đi không được. - Phải - Nikolai miễn cưỡng đáp; hôm nay chàng muốn đi săn một chuyến cho thật ra trò nên không muốn đem Natasa và Petya đi Phải bọn ta đi đây, chỉ săn chó sói, em mà đi thì sẽ phát chán. - Nhưng anh cũng biết là em thích nhất món đó - Natasa nói - Thế là không tốt. Đi săn, sai đóng yên, mà chẳng nói gì với chúng em cả. - Đối với người Nga, mọi trở ngại đều vô nghĩa, chúng ta đi thôi! - Petya reo lên. - Nhưng em không đi với bọn anh được, mẹ đã bảo là em không được đi. - Nikolai bảo Natasa. - Không, em cứ đi, thế nào em cũng đi. - Natasa nói, giọng cương quyết. - Danilo, bảo đóng yên cho chúng tôi và bảo Mikhailo dắt mấy con chó Bordo của tôi ra nhé - nàng nói với người quản cẩu. Chỉ đứng trong một gian phòng thôi Danilo cũng đã cảm thấy bất tiện và khó chịu, đã thế lại còn giao thiệp với một cô tiểu thư, bất cứ về việc gì, hắn càng không cho là một việc không sao làm nổi. Hắn nhìn xuống đất và vội vàng lui ra, tuồng như những lời nói ấy không liên quan gì tới hắn, và bước cẩn thận, tưởng chừng chỉ sợ nhỡ ra làm tổn thương gì đến cô chủ chăng. Chương 4 Trước đây, bao giờ lão bá tước cũng nuôi trong nhà một phường săn lớn, nhưng bây giờ ông đã giao hẳn cho con quản lý, hôm ấy ngày mười lăm tháng Chín, thấy tinh thần sảng khoái, ông quyết định nhập bọn với đám người đi săn. Một giờ sau, tất cả đội săn đều tập hợp trước thềm. Gương mặt Nikolai nghiêm nghị và trang trọng, tỏ ra rằng bây giờ không còn là lúc lo đến những việc không đâu nữa; Natasa và Petya đang muốn kể một chuyện gì với chàng, nhưng chàng cứ bỏ mặc không thèm nghe. Chàng thân hành đi kiểm tra mọi việc, phái một bầy chó và tốp người lùa [150] đi trước rồi nhảy lên yên con ngựa tía sông Đông, huýt bầy chó của mình và qua sân đập lúa đi ra cánh đồng dẫn đến rừng cấm Otradnoye. Người mã phu của lão bá tước dắt con ngựa thiến nhỏ sắc tía của ông, tên là Viflianka; bản thân bá tước thì ngồi xe đi thẳng đến địa điểm đã dành cho ông ta. Có tất cả năm mươi tư con chó săn đuổi giống Borzoy do sáu người quản cẩu và gia đình nuôi chó trông nom. Số gia đình nuôi chó Borzoy là tám người với bốn mươi con chó; thế là, những bầy chó của các chủ nhân trên dưới một trăm ba mươi con và hai chục người đi săn cưỡi ngựa đã tham dự. Mỗi con chó đều biết chủ của mình và tên mình. Mỗi người đi săn đều biết nhiệm vụ và địa điểm của mình. Ra khỏi cổng trang viên, cả đoàn không một tiếng ồn, không một lời nói, yên lặng kéo thành hàng dài, cách quãng đều đặn, trên con đường và trên cánh đồng dẫn đến rừng Otradnoye. Ngựa bước trên cánh đồng như trên một tấm thảm êm ái, thỉnh thoảng lại lội lõm bõm trong những vũng lầy khi vượt qua đường cái Vòm trời phủ hơi sương dần dần hạ thấp xuống đất; không khí yên lặng, ấm áp, tĩnh mịch. Thỉnh thoảng lại nghe còi của một người đi săn, tiếng thở phì phì của một con ngựa, tiếng roi quất đen đét hay tiếng kêu ăng ẳng của một con chó bị đánh vì đi không đúng vị trí. Đi được gần một dặm thì thấy từ trong sương mù hiện ra năm người cưỡi ngựa có chó theo sau, đi thẳng về phía đội săn của nhà Roxtov. Dẫn đầu là một ông già quắc thước, nhanh nhẹn, với bộ ria mép bạc rậm xum xuê. - Chào chú! - Nikolai nói khi ông già đến gần. - Khá đấy!… Chú đã biết mà - Ông già nói (ông ta là một người có họ xa với nhà Roxtov, không giàu lắm, nhà cũng ở gần đấy) Chú biết là thế nào anh cũng không nhịn được đâu, mà như thế là phải. Khá đấy! (Đó là một cầu đầu miệng mà ông chú rất thích nói). Anh hãy chiếm lĩnh ngay khu rừng cấm, thằng Ghirtrik nhà tôi vừa báo là bọn Ilaghin đã đem đội săn đến đóng ở Korniki; họ sẽ phỗng mất lứa sói của anh đấy. Khá đấy! - Chính tôi muốn đi đến đây. Sao, bây giờ ta cho chó nhập bầy với nhau chứ? - Nikolai hỏi, - ta gộp lại… Họ họp chó thành một bầy; Nikolai và ông chú sánh vai nhau cùng đi. Natasa, trùm kín trong mấy cái khăn choàng chỉ để lộ một khuôn mặt phấn khởi với hai con mắt sáng quắc, thúc ngựa chạy nước kiệu theo kịp hai người. Đi cạnh nàng có Petyat Mikhailo và một mã phu được u già phái theo hộ nàng; cả ba người hộ vệ này không rời khỏi nàng một bước. Petya vừa cười bâng quơ vừa thúc ngựa và giật dây cương. Natasa ngồi ung dung và chững chạc trên con ngựa ô Araptsik của nàng, ghìm ngựa lại với một bàn tay thành thạo, không cần ra sức chút nào. Ông chú nhìn Petya và Natasa có ý không vừa lòng. Ông ta không thích kết hợp lẫn lộn việc chơi đùa với một việc trang nghiêm như việc đi săn. - Chào chú ạ, chúng cháu cũng đi đấy - Petya reo to. - Ô chào các cháu, chào cháu, nhưng đừng giẫm chết chó đấy ông chú nói, vẻ nghiêm khắc. - Anh Nikolai ạ, Trunila thật là một con chó đáng yêu. Nó đã nhận được ra em đấy. Natasa nói, ý muốn chỉ có con chó săn đuổi được nàng yêu quý nhất. “Trước hết, Trunila không phải là chó, nó là một con Vyzletx” [151] - Nikolai tự nhủ và đưa mắt nhìn em gái một cách nghiêm khắc để cho nàng hiểu rằng lúc này có một sự cách biệt giữa hai người, nàng hiểu ý. - Chú ạ, chú đừng sợ chúng cháu làm vướng. Chúng cháu sẽ đứng yên ở địa điểm chỉ định không nhúc nhích. - Càng tốt, càng tốt, bá tước tiểu thư ạ - Ông chú nói - nhưng đừng ngã ngựa đấy nhé - Ông ta nói thêm - Khá đấy! Nếu không chẳng còn biết lấy gì mà cưỡi nữa đấy. Khu rừng cấm Otradnoye đã hiện ra, trông như một hòn cù lao nhỏ chỉ còn cách hai trăm thước nữa, và chẳng bao lâu những người quản cẩu đã đến đó. Roxtov, sau khi bàn bạc với chú, đã chọn được nơi tốt nhất để thả chó. Chàng chỉ định cho Natasa một chỗ đứng không thể có con thú nào chạy được, rồi cho ngựa đi lên phía trên một cái rãnh. - Này, cháu ạ, cháu sẽ gặp một con sói to đấy - Ông chú nói - Cẩn thận đừng để nó chuồn mất. - Được xem nó chuồn đi đằng nào, - Nikolai đáp - Karai, lại đây! Chàng gọi to, như để trả lời câu nói của ông chú - Karai là một con chó nâu sẫm già và xấu, nhưng đã nổi tiếng vì nó dám một mình chọi nhau với một con sói lớn. Ai nấy đều đi về chỗ chỉ định. Lão bá tước vốn biết con trai mình rất mê săn bắn nên cố gắng không đến chậm, vì vậy những người đi săn chưa bố trí xong đã thấy Ilya Andreyevich, vui vẻ, hồng hào, hai má rung rung, ngồi trên cỗ xe thắng mấy con ngựa ô chạy nước kiệu băng qua những ruộng lúa mạch mới lên, tiến đến vị trí đã dành cho mình. Sau khi đã xóc lại cái áo lông và đeo các đồ dùng đi săn vào người, ông nhảy lên lưng con Vifhanka, một con ngựa cái hiền lành, béo tốt, lông bóng mượt và cũng hoa râm như âu. Cỗ xe ngựa thì cho về. Tuy không phải là người ham mê săn bắn, bá tước cũng rất am hiểu những quy tắc của nghề săn; ông đến chỗ đứng của mình ở ven rừng, gộp yên ngựa vào một tay, ngồi lại cho thẳng người trên yên, và khi đã sẵn sàng rồi, ông mỉm cười đưa mắt nhìn quanh. Đứng cạnh bá tước là người hầu phòng Xemion Tsekmar, một tay cưỡi ngựa lão luyện. Nhưng bây giờ đã thành ra chậm chạp nặng nề. Tsekmar nắm dây ba con chó cộc rất hăng, nhưng cũng đã phát phì như con ngựa và ông chủ. Hai con chó rất khôn không buộc, đang nằm giữa đất. Cách đấy chừng một trăm bước, ở ven rừng là chỗ đứng của Mitka, một người mã phu khác của bá tước, cưỡi ngựa rất táo gan và rất mê săn bắn. Theo một thói quen cũ của bá tước, trước khi ra đi bá tước đã có uống một ít rượu vodka ngâm hương liệu của người đi săn, rót trong một cái chén bằng bạc, và ăn điểm tâm với một nửa chai Bordo thứ rượu bá tước thích nhất. Mặt Ilya Andreyevich hơi đỏ vì vừa uống rượu và ruổi xe, đôi mắt ươn ướt của ông sáng lên, và ngồi chễm chệ trên yên ngựa, người quấn kín trong chiếc áo bông, ông có vẻ như một đứa trẻ sắp được dắt đi chơi. Khi đã chuẩn bị xong xuôi đâu đấy, lão Tsekmar gầy gò; má hóp, chốc chốc lại đưa mắt nhìn ông chủ mà lão đã hầu hạ suốt ba mươi năm ròng, thầy trò rất tương đắc, thấy ông chủ đang lúc vui tính, hắn chờ đợi thế nào cũng sẽ được một buổi nói chuyện thú vị với ông. Một nhân vật thứ ba từ phía rừng thận trọng lại gần (có thể thấy rõ rằng hắn rất am hiểu công việc) và ra đứng ở phía sau bá tước. Đó là một lão già râu bạc, mặc áo choàng rộng của đàn bà và đội mũ vai cao. Đó là lão hề [152] , được người ta đặt cho một cái tên đàn bà là Naxtaxya Ivanova. - Xem nào, Naxtaxya Ivanova - bá tước nháy mắt nói nhỏ với hắn - Chớ có làm thú rừng hoảng lên đấy, mày liệu hồn với thằng Danilo. - Sợ gì, tôi cũng có râu chứ [153]… - Naxtaxya Ivanova nói. - S...s... suỵt! bá tước ra hiệu bảo im, rồi ngoảnh mặt về phía Xemion hỏi: - Mày có trông thấy cô Natasa Ilymsna không? Cô ấy ở đâu? - Cô ấy đứng cùng với Piotr Ilyts gần đám bụi rậm - Zarov Xemion mỉm cười đáp - Tuy là phụ nữ nhưng tiểu thư cũng ham lắm. - Mày cho cô ấy cưỡi ngựa được như thế là lạ lắm, phải không Xemion? - Bá tước nói - Thật chẳng kém gì đàn ông! - Không lấy làm lạ sao được? Bạo dạn và khéo lắm. - Còn Nikolai thì ở đâu? Ở phía trên cái rãnh Lyadov thì phải? - bá tước hỏi khẽ. - Bẩm đúng đấy ạ. Cậu ấy biết rõ phải đứng chỗ nào. Mà cậu ấy cưỡi ngựa giỏi đến nỗi thằng Danilo với tôi nhiều khi phải trợn mắt há mồm ra - Xemion nói, hắn vốn biết cách lấy lòng ông chủ. - Nikolai cưỡi ngựa khá lắm, phải không nào? Còn khi nó ngồi trên yên thì đẹp thật! - Đẹp đến nỗi phải vào tranh ấy chứ! Hôm nọ, cậu ấy đuổi một con chồn ra khỏi những bụi rậm ở Zavarzino, cậu ấy cho ngựa lao mới ghê chứ! Ngựa đáng giá một ngàn rúp, nhưng người cưỡi ngựa thì vô giá. Vâng, một người như thế, chẳng mấy ai sánh kịp. - Chẳng mấy ai… - bá tước nhắc lại, hẳn là còn lấy làm tiếc rằng Xemion không nói gì thêm nữa. - Chẳng mấy ai - ông lại nói, tay phanh hai vạt áo lông để móc túi lấy hộp thuốc lá. - Hôm nọ, khi cậu ấy đi xem lễ ở nhà thờ ra, mặc bộ đại quân phục Mikhail Xidoryts đã… - Xemion chưa nói hết câu vì trong bầu không khí yên tĩnh đã nghe rõ mồn một tiếng chân chạy rầm rập của hai hay ba con chó, không hơn, vừa chạy vừa sủa. Nghiêng đầu về một bên, hắn chăm chú nghe, lặng lẽ ra hiệu cho chủ đừng làm ồn. - Họ đã tìm ra lứa sói rồi - hắn nói nhỏ - họ đang lùa nó chạy thẳng về phía khe Lyađov… Bá tước, nụ cười vẫn ngưng đọng ở trên mặt, mắt đưa nhìn thẳng về phía xa, tay vẫn cầm hộp thuốc lá mà không đưa lên mũi hít. Sau những tiếng sủa, lại nghe tiếng tù và trầm trầm của Danilo báo hiệu có sói; bầy chó nhập bọn với ba con chó đầu, và đâ có thể nghe tiếng hú kéo dài như tiếng khóc của những con chó săn đuổi, với cái giọng ngân đặc biệt thường báo hiệu là đang rượt một con sói. Nhưng nhưng người quản cẩu không cần phải hò hét để kích thích lũ chó nữa mà chỉ hú: “U - lyu - lyu - lyu”, và rõ hơn cả là tiếng Danilo dường như vang dội khắp rừng, vượt ra khỏi khu rừng và vọng đi rất xa trên cánh đồng. Sau khi im lặng, lắng nghe một lát, bá tước và người mã phu của ông có thể thấy rằng chó đã chia làm hai tốp: một tốp đông hơn và sủa rất hăng, thì đang đi xa dần; một tốp thì chạy qua rất nhanh phía trước mặt bá tước, dọc theo rừng và chính trong tốp ấy vang lên những tiếng “U - lyu - lyu” của Danilo. Tiếng ồn ào của hai đội săn hòa lẫn vào nhau, đáp lại nhau, nhưng cả hai đều đi xa mãi. Xemion thở dài và cúi xuống để gỡ một con chó choai đang bị mắc trong dây tròng; bá tước cũng thở dài và sực nhớ là mình đang cầm hộp thuốc lá bột trong tay, bèn mở ra lấy một dúm đưa lên mũi. - Louis? - Xemion quát một con chó đang chạy lên ven rừng. Bá tước giật mình đánh rơi hộp thuốc lá. Naxtaxya Ivanovna liền xuống ngựa nhặt lên. Bá tước và Xemion nhìn hắn nhặt. Đột nhiên, như ta vẫn thường thấy, trong chốc lát tiếng săn đuổi rầm rập gần hẳn lại, tưởng chừng như mõm những con chó đang sủa và tiếng hú của Danilo đã ở ngay trước mặt. Bá tước ngoảnh sang bên phải thì thấy Mitka đang trợn ngược hai mắt nhìn ông, và cất mũ chỉ cho ông xem một vật gì ở đằng trước, phía bên phải kia. - Coi chừng! - hắn quát to, va ai nghe cũng hiểu rằng tiếng quát đó nãy giờ đã chực bật ra từ lâu. Rồi hắn lập tức thả chó và cho ngựa phi về phía bá tước. Bá tước và Xemion thúc ngựa rời khỏi ven rừng, và chênh chếch về phía trái, họ thấy con chó sói đang mềm mại đung đưa thân hình nhảy từng đợt ngắn về phía ven rừng nơi họ mới rời khỏi được một lát Bầy chó sủa rất dữ, rồi giật dây chạy qua chân ngựa lao vun vút về phía con chó sói. Con chó đang chạy bỗng dừng lại, vụng về, quay cái đầu rộng trán về phía đàn chó như một người bị bệnh viêm họng, rồi, vẫn với những bước nhảy chồm mềm mại, nó lao mình một cái, rồi một cái nữa và ngoắt đuôi vào rừng. Ngay lúc ấy, từ ven rừng bên kia, một rồi hai, rồi ba con chó săn vừa lao ra vừa tru lên như khóc và cả bầy phóng nhanh qua cánh đồng rượt theo con sói. Rồi lùm cây dẻ rẽ ra và con ngựa tía của Danilo vụt lao tới, lông đã ngả sang màu đen nhánh vì mồ hôi. Đầu để trần, mớ tóc hoa râm lòa xòa trên khuôn mặt đỏ gay và ướt đâm, Danilo chồm ra phía trước, mình cuộn tròn như quả lăn trên cái lưng dài của con ngựa. - U lyu lyu u lyu lyu! - Hắn rú lên. Trông thấy bá tước, mắt hắn ánh lên như một luồng chớp. - Con khỉ... - hắn vừa thét vừa giơ roi dọa bá tước - Sẩy mất con chó sói rơi… thế mà cũng đòi đi săn!… - Và, dường như không thèm nói gì thêm với bá tước lúc bấy giờ đang sượng sùng và sợ hãi, với tất cả lòng căm giận dành cho ông chủ, hắn thúc vào hai bên hông lõm sâu và ướt đẫm mồ hôi của con ngựa tía rồi rượt theo bầy chó. Bá tước như một người mới bị quở phạt, vừa nhìn quanh vừa mỉm cười mong làm cho Xemion động lòng thương hại. Nhưng Xemion không còn ở đấy nữa: hắn đã đi vòng ra phía sau lùm cây để chắn dường con sói; bầy chó Borzoy cũng đuổi đánh con vật từ hai phía. Nhưng con sói đã đâm sâu vào các bụi rậm và không một người đi săn nào chặn được nó.
Chương 5 Trong khi đó Nikolai Roxtov vẫn đứng ở vị trí của mình đợi con thú. Căn cứ theo tiếng săn đuổi khi gần khi xa, tiếng sủa của những con chó mà chàng quen thuộc, tiếng hú xa hay gần, mạnh hay yếu của những người đi lùa, chàng hình dung được những sự việc đang xảy ra trong rừng cấm. Chàng biết rằng trong khu rừng có sói con và sói lớn, chàng biết rằng chó đã chia làm hai tốp; rằng ở một nơi nào đó, người ta đã phát hiện ra con thú, và một việc không may đã xảy ra. Chàng cứ phỏng đoán đủ cách xem nó sẽ xuất hiện chỗ nào và chàng sẽ làm thế nào để chặn nó. Chàng cứ lần lượt hy vọng rồi lại thất vọng. Nhiều khi chàng cầu xin Thượng đế cho con chó sói chạy đến chỗ mình; chàng cầu nguyện nhiệt thành và có đôi chút thẹn thùng, như người ta vẫn thường cầu nguyện những khi xúc động mãnh liệt vì những nguyên nhân rất nhỏ mọn. Chàng cầu khẩn: “Ban cho tôi cái ơn ấy thì Chúa có mất gì! Tôi biết rằng Chúa cao xa vô cùng và xin Chúa cái ơn ấy là một tội lỗi, nhưng tôi van lạy Chúa, xin Chúa làm sao cho con sói đâm sầm vào chỗ tôi và con Karai nhảy lên cắn cổ nó, ngay trước mặt ông chú đang đứng nhìn ở đằng kia”. Đã một ngàn lần trong khoảng nửa giờ đồng hồ ấy, Roxtov đưa đôi mắt đăm chiêu lo lắng nhìn mãi về phía ven rừng, với hai cây sồi xơ xác nhô cao lên khóm thuỳ dương, với cái rãnh đã mòn bờ và chiếc mũ chụp của ông chú thấp thoáng sau đám bụi rậm bên tay phải. “Không, ta sẽ không được may mắn thế đâu! - chàng tự nhủ - Nhưng cho ta cái diễm phúc ấy thì có mất gì! Ta sẽ không được may đâu! Đến đâu cũng gặp vận đen cả, đánh bạc hay ra trận cũng đều thế”. Austerlix và Dolokhov thay nhau hiện ra rất rõ nhưng rất nhanh trong trí tưởng tượng của chàng. “Trong đời tôi chỉ mong có một lần đánh được một con sói lớn, chứ không cầu mong gì hơn nữa!” - chàng vểnh tai, giương mắt hết nhìn bên trái lại sang bên phải và nghe ngóng những tiếng săn đuổi, cố phân tích từng âm sắc biến đổi nhỏ nhặt nhất. Chàng lại nhìn về bên phải một lần nữa và thấy trên cánh đồng trống trải có cái gì đang chạy về phía chàng. “Không đâu, có lẽ nào! “ - Chàng vừa nghĩ vừa thở dài như người được thấy điều mình chờ đợi từ lâu nay đang trở thành sự thật. Cái hạnh phúc lớn nhất của chàng đang được thực hiện, mà thực hiện sao mà đơn giản quá, không ầm ĩ, không chói lọi, không có dấu hiệu báo trước, Roxtov không dám tin ở mắt mình nữa, và tâm trạng ngờ vực ấy kéo dài hơn một giây. Con chó sói đang đâm đầu chạy thẳng trước mặt chàng, nó nặng nề nhảy qua một vũng lầy chắn ngang đường. Con vật đã già rồi, bụng đã to, lông ở trên lưng đã lốm đốm bạc. Nó chạy ung dung, hình như yên trí là chẳng có ai nhìn thấy mình. Roxtov nín thở đưa mắt nhìn bầy chó. Con thì nằm, con thì đứng, chúng chưa nhìn thấy con sói và chẳng hay biết gì cả. Con Karai già, đầu ngoảnh ra phía sau, đang nhè bộ răng đã vàng khè giận dữ tìm bắt một con bọ chét, cắn lốp cốp trên mông. - U lyu lyu! Roxtov chúm môi lại hú nho nhỏ. Bầy chó giật mạnh dây buộc và chồm lên, tai vểnh ngược. Con Karai không tìm bọ chét nữa. Nó đứng dậy, vểnh tai lên rồi ngoắt nhè nhẹ cái đuôi có những chùm lông lòng thòng. “Nên thả nó ra, hay chưa nên thả?” - Nikolai tự hỏi trong khi con sói tiến lên phía chàng, mỗi lúc một cách xa khóm rừng. Bỗng dáng điệu con sói thay đổi hẳn: nó đã trông thấy hai con mắt người, mà có lẽ chưa trông thấy bao giờ, đang nhìn thẳng vào nó; nó hơi quay đầu vè phía người đi săn và dừng lại như để tự hỏi nên tiến hay nên lùi. “Ô, mặc kệ, cứ tiến!…”. Hình như nó tự nhủ như vậy, và xông thẳng lên, không ngoảnh lại nữa, lao mình nhảy từng đợt mềm mại, cách quãng, ung dung, nhưng quả quyết. - U lyu lyu! Roxtov hú một tiếng không còn ai nhận ra là tiếng chàng được nữa, và tự nó, con tuấn mã của chàng lao mình xuống dốc, nhảy ngang qua các vũng nước để chặn đường con sói, và còn nhanh qua hơn nữa đến lượt bầy chó cũng đâm bổ xuống và vượt qua con ngựa. Nikolai không nghe tiếng mình hú, không cảm thấy mình đang phi ngựa, cũng không trông thấy mặt đất mình đang băng qua; chàng chỉ thấy con sói cứ dấn bước chạy nhanh theo hướng cũ, dọc cái rãnh. Đầu tiên, Milka, con chó cái có đốm, to mông xuất hiện ở một chỗ không xa con thú mấy. Nó đến gần, đến gần hơn nữa… kìa, nó đã kịp theo sát con sói. Nhưng khi con sói lườm nó một cái thì Milka không dấn lên như nó vẫn thường làm, mà lại đột nhiên ngồi xuống, hai chân trước chống thẳng đuôi vểnh lên. - U lyu lyu! - Nikolai hú vang. Con chó già Lyubim từ đằng sau con Milka lao tới, nhảy chồm lên con sói và bám lấy mông nó, nhưng lại hoảng sợ nhảy ra một bên. Con sói co mình lại đớp, răng bập vào nhau đánh cốp một tiếng, rồi nhổm dậy, lao về phía trước; cả bầy chó đều theo sau nó cách một ác-sin không đuổi gần hơn nữa. “Nó chạy thoát mất! Không, không thể như thế được!” Nikolai tự nhủ trong khi vẫn tiếp tục hú bằng cái giọng đã khản đặc. - Karai… U - lyu - lyu… - Chàng vừa hú vừa đưa mắt tìm con chó già, niềm hy vọng duy nhất của chàng. Thân hình vươn thẳng đến cực độ hai mắt không rời con sói, Karai dốc hết cái sức già nua của nó ra, nặng nề chạy chếch sang một bên để chặn con thú. Nhưng cứ trông vẻ nhanh nhẹn của con sói và vẻ chậm chạp của con chó cũng có thể thấy rằng con Karai đã tính sai. Nikolai đã nhìn thấy khu rừng ngay trước mặt: nếu con sói chạy được đến đấy thì chắc chắn nó sẽ thoát. Một lốp chó và một người đi săn cưỡi ngựa xuất hiện ở phía trước mặt chàng. May ra còn có hy vọng. Một con chó lạ màu nâu, mình dài tuổi còn non, thuộc về một bầy khác mà Nikolai không quen, đâm sầm vào con sói và suýt làm cho nó ngã ngửa ra. Con sói trỗi dậy mau lẹ không ngờ, rồi lao mình vào con chó nâu và đớp nghe đánh cốp một cái - con chó, mình đẫm máu, hông rách toác ra, đâm đầu xuống đất kêu inh ỏi. - Kìa Karaiuska! Bố già ơi! - Nikolai kêu lên gần như rền rĩ. Con chó già có những chùm lông dài thòng lòng trên vế bấy giờ đang tìm cách chắn đường con sói, đã thừa cơ đuổi gần kịp nó, chỉ còn cách năm bước nữa. Dường như đã thấy rõ nguy cơ, con sói liếc nhìn về phía Karai quặt chặt đuôi vào chân và cổ phóng nhanh hơn nữa. Nhưng vừa lúc ấy - bao nhiêu tâm trí của Nikolai chỉ đổ dồn vào Karai - loáng một cái con chó già đã nhảy xổ lên con sói, rồi cả hai cùng lăn lông lốc xuống một cái khe ở phía trước. Cái giây phút mà Nikolai thấy bầy chó săn chen nhau xung quanh con sói ở dưới khe nước, thấy bộ lông xam xám của con thú, cái chân sau của nó dướn thẳng ra, và cái đầu sợ hãi thở hổn hển, hai tai cụp xuống (con Karai đã ngoạm lấy cổ nó), giây phút ấy thật là giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời chàng. Chàng đã nắm lấy đầu yên nhảy xuống đất định đến hóa kiếp cho con sói thì bỗng nhiên đầu con vật lại ngóc lên trên bầy chó rồi hai chân bước trước của nó bấu vào bờ khe. Con sói nghiến răng (bấy giờ Karai không còn ngoạm cổ nó nữa), dùng hai chân sau nhảy khỏi khe và lại cúp đuôi cắm cổ chạy về phía trước, bỏ xa bầy chó. Con Karai, lông lá lởm chởm, có lẽ bị bầm hay bị thương, mệt nhọc leo lên bờ khe nước. Nikolai tuyệt vọng gào lên: - Trời ơi! Tôi có tội tình gì? Người quản cẩu của ông chú phi ngựa từ một phía khác chạy lại để cản đường con sói, và bầy chó của hắn lại bắt con sói phải dừng lại một lần nữa. Con sói lại bị vây hãm. Nikolai, người mã phu của chàng. Ông chú của người quán cẩu của ông ta loay hoay xung quanh con thú, luôn mồm gào và hú, sẵn sàng xuống ngựa mỗi lần thấy con sói ngồi xuống, nhưng lại thúc ngựa lao về phía trước mỗi khi thấy nó rứt ra được và tiến về phía rừng cấm, hòng thoát nạn. Ngay từ đầu cuộc săn đuổi, Danilo nghe tiếng hú đã phi ngựa ra ven rừng. Hắn đã trông thấy Karai chộp lấy con sói và đã dừng ngựa lại, tưởng công việc đã xong xuôi. Nhưng khi thấy bọn đi săn chưa nhẩy xuống đất và con sói lại bứt ra được và chạy trốn, hắn liền thúc con ngựa tía phi lên nhưng không phải về phía con vật, mà lại tiến thành một đường thẳng về phía rừng cấm để cản đường nó như con Karai đã làm. Nhờ cách di chuyển đó, hắn đuổi kịp con sói vừa đúng lúc bầy chó của ông chú bắt nó phải dừng lại lần thứ hai. Danilo lặng lẽ phi ngựa, tay trái cầm một con dao găm tuốt trần và lấy roi nện vào hai hông lép kẹp của con ngựa tía, nom như nện bằng đòn đập lúa. Nikolai không hề trông thấy mà cũng không hề nghe thấy Danilo đến nơi, mãi cho đến lúc con ngựa tía chạy qua trước chàng, hơi thở dồn dập, và chàng nghe tiếng một vật nặng rơi xuống; chàng thấy Danilo nằm sấp giữa đàn chó, người đè lên mông con sói cố nắm lấy hai tai nó. Đến đây thì bầy chó, những người đi săn cũng như con sói đều thấy rõ là mọi việc đã xong xuôi. Con vật kinh hãi cúp tai và kiếm cách trỗi dậy nhưng bọn chó đã bíu chặt lấy nó. Danilo nhổm lên, bước một bước, và với tất cả sức nặng như khi ngả lưng xuống giường, hắn gieo mình lên trên con sói và nắm lấy hai tai. Nikolai toan đến đâm chết con vật, nhưng Danilo nói khẽ: “Đừng, để trói nó lại”, và chuyển mình một cái, hắn đặt chân lên cổ họng con sói. Họ cho một cái gậy vào trong mõm nó, lấy dây tròng chó buộc một vòng quanh mõm, trói chân nó lại và Danilo lật nó hai ba lần từ bên này sang bên kia. Những người đi săn, mặt mày hả hê nhưng phờ phạc, đặt con sói lên lưng ngựa khiến con ngựa sợ hãi lồng lên thở phì phì - và người đi trước, chó theo sau, họ đưa con sói đến chỗ tập hợp. Lũ chó săn đuổi đã bắt được hai con sói non, chó Borzoy bắt được ba con. Những người đi săn đem những con đã săn được đến tập hợp, kể cho nhau nghe những việc đã xảy ra và mọi người đều đến gần để xem con sói lớn với cái trán to treo lủng lẳng đang gặm cái cây trong mõm và đang mở hai con mắt bạc trắng nhìn đám người đang bao quanh nó. Khi có người sờ vào nó, bốn chân bị trói nó rung lên: nó trừng mắt nhìn mọi người một cách vừa hung dữ vừa ngây thơ. Bá tước Ilya Andreyevich cũng lại gần và sờ sờ vào con vật. - Ồ con sói to thật. - Ông hỏi Danilo bấy giờ đang đứng bên cạnh. - Thưa đại nhân sói lớn đấy ạ! - Hắn vừa đáp vừa vội vàng cất mũ. Bá tước nhớ đến việc ông ta đánh sẩy con sói và cuộc chạm trán với Danilo. Ông nói: - À này, chú mày ạ, chú mày bẳn tính thật đấy. Danilo không nói gì, chỉ bẽn lẽn mỉm cười, một nụ cười hiền lành và dễ mến như trẻ con. Chương 6 Lão bá tước lên xe về nhà, Natasa và Petya cũng hứa sẽ về ngay. Cuộc đi săn vẫn tiếp tục vì trời hãy còn sớm. Vào khoảng giữa trưa, họ thả chó vào trong lòng một cái rãnh che lấp dưới lùm cây non rậm rạp. Đứng ở địa điểm của mình trong ruộng rạ, Nikolai nhìn thấy được tất cả bọn thợ săn của chàng. Trước mặt chàng, có một vạt lúa mạch non, mà người quản cẩu của chàng đang đứng trông một mình, trong một cái hố, sau một cây dẻ. Ngay sau khi thả chó, Nikolai nghe thấy những tiếng sủa cắt quãng của một con chó săn mà chàng biết rõ tên là Voltoru; những con khác cũng cất tiếng theo, lúc thì im, lúc thì sủa dồn. Một lát sau, từ rừng cấm phát ra một tiếng hú báo hiệu có chồn, và cả bầy chó bỏ Nikolai đua nhau chạy về phía ruộng lúa mạch mới lên. Chàng trông thấy những người quản cẩu đội mũ vải đỏ phi ngựa hai bên bờ rãnh, chàng trông thấy cả chó nữa và chắc mầm thế nào cũng sắp có một con chồn xuất hiện ở bờ bên kia trong đám lúa mạch. Người thợ săn đứng trong cái hố đã đi và thả chó, và Nikolai trông thấy một con chồn kỳ dị lông đỏ, chân thấp, đang dựng đuôi lủi nhanh trong đám lúa non. Đàn chó dần dần theo kịp nó. Kìa chúng đã đến gần, con chó bắt đầu chạy giữa đám chó thành những vòng tròn mỗi lúc một thu hẹp lại, vừa chạy vừa ngoe nguẩy cái đuôi rậm lông, và một con chó trắng của ai không rõ, rồi lại một con đen, chạy xổ đến chỗ con chồn: quang cảnh hỗn loạn hẳn lên; bầy chó chụm đầu xúm xít vây quanh con chồn, hầu như không cở động, đuôi trở ra ngoài thành hình ngôi sao. Hai người đi săn phi ngựa đến, một người đội mũ vải đỏ, một người nữa thì lạ mặt, mặc áo kaftan màu lục. - Cái gì thế - Nikolai tự hỏi - Người thợ săn này ở đâu ra? - Không phải người của ông chứ. Hai người thợ săn giật con chồn ra khỏi bầy chó và vẫn cứ đứng đấy hồi lâu, không trở lên con ngựa và cũng không buộc con vật. Cạnh họ, mấy con ngựa thắng những bộ yên đôi mỏ đứng đợi và mấy con chó nằm nghỉ dưới đất. Hai người thợ săn đang hoa tay múa chân hình như tranh nhau con chồn. Một tiếng tù vang lên: đó là tín hiệu ước định để báo tin một cuộc tranh cãi. - Đó là người thợ săn của nhà Ilaghin đang cãi nhau với Ivan nhà ta - người mã phu của Nikolai nói. Nikolai cho người đi gọi em gái và Petya lại và cho ngựa đi bước một về phía những quản cẩu đang tập hợp bầy chó. Mấy người thợ săn đã đến chỗ cãi nhau. Nikolai xuống ngựa, cùng đi với Natasa và Petya bấy giờ vừa mới đến, và dừng lại ở chỗ gần bầy chó để chờ xem sự việc ngã ngũ ra sao. Một trong hai người thợ săn đã dự vào cuộc gây gổ xuất hiện ở ven rừng với con chồn buộc vào yên ngựa và đi thẳng đến hai vị chủ trẻ. Hắn cất mũ từ đằng xa và cố gắng thưa bẩm cho có lễ độ; nhưng mặt hắn tái mét, hắn thở hồn hển và có lẽ vô cùng căm giận. Một trong hai mắt của hắn sưng bầm, nhưng hình như hắn không biết. - Hai người có việc gì thế? Nikolai hỏi. - Có đời thuở nào nó muốn cướp mồi ăn của chó nhà mình có tức không chứ? Chính con chó cái màu chuột chù của tôi đã bắt được nó! Cậu thử nghĩ xem! Nó muốn cuỗm con chồn. Tôi mới vớ lấy con chồn giáng vào mặt nó. Kia kìa, treo ở yên tôi đấy. Còn cái này, mày có muốn không? - người quản chó vừa nói vừa chỉ con dao găm, chắn hắn tưởng tượng mình đang nói với đối thủ. Nikolai không đáp, bảo em gái và Petya đứng chờ, rồi đi đến chỗ phường săn đối thủ, phường của Ilaghin. Người thợ săn đắc thắng nhập bọn với những người thợ săn khác kể lại công trạng của mình giữa một đám thính giả ham nghe chuyện và đầy thiện cảm. Số là Ilaghin, một người đang có việc xích mích mới và kiện tụng với nhà Roxtov, đi săn trên một địa hạt mà theo tục lệ vốn được xem như là thuộc về nhà Roxtov. Giờ đây, như thể cố ý, hắn ta chuyển gần đến rừng cấm, chỗ phường săn của nhà Roxtov đang hoạt động, và để cho người thợ săn của mình đuổi bắt con vật do bầy chó của họ phát hiện. Nikolai trước kia chưa hề gặp Ilaghin, nhưng tính chàng vốn cực đoan trong cách phán đoán cũng như trong lòng yêu ghét, cho nên chỉ nghe những tiếng đồn về tính ngỗ ngược và võ đoán của hắn ta chàng cũng đã ghét cay ghét đắng và xem hắn như là kẻ thù, hung ác nhất của mình rồi. Giờ đây, chàng đi thẳng về phía hắn, lòng xốn xang và căm giận, tay nắm chặt cây roi da, sẵn sàng đối phó với kẻ thù bằng những hành vi quyết liệt và liều lính nhất. Chàng mới đi đến chỗ góc rừng đã thấy một ông trang chủ già, to béo. đội mũ lưỡi trai bằng da rái cá, cưỡi một con ngựa ô rất đẹp. Có hai người mã phu theo sau, đang tiến về phía chàng. Tưởng đâu sẽ gặp một kẻ thù, hóa ra Nikolai lại thấy Ilaghin là một người thượng lưu tư thế đĩnh đạc và phong nhã, rất nóng lòng làm quen với bá tước trẻ tuổi. Khi đến gần, ông ta giơ cao chiếc mũ lưỡi trai bằng da rái cá và nói rằng sẽ trừng phạt anh thợ săn đã dám tự tiện chạy theo dấu chân của một đội săn khác, và sẽ lấy làm sung sướng được làm quen với tiểu bá tước, rồi ông ta mời chàng từ nay cứ đi săn trên địa phận của mình. Natasa sợ anh mình sẽ quá nóng mà làm một việc gì khủng khiếp chăng; nên đã đi theo sát anh, lòng rất hồi hộp. Nhưng thấy hai đối thủ trao nhau những cử chỉ lịch sự và hữu nghị, nàng liền đến tận nơi. Ilaghin lại càng lễ phép cất chiếc mũ lưỡi trai bằng da rái cá chào nàng và mỉm cười một nụ cười hòa nhã nói rằng bá tước tiểu thư thật là hình ảnh của Diana [154] , cả về mặt nhiệt tình săn bắn lẫn về mặt nhan sắc tuyệt vời, mà ông ta đã được nghe tán dương rất nhiều. Để chuộc lỗi cho người quản cẩu của mình, Ilaghin khẩn khoản yêu cầu Roxtov đi theo ông ta đến một khoảng đất cấm cách đó một dặm, dành riêng cho mình làm nơi săn bắn: ông ta bảo ở đấy có rất nhiều thỏ. Nikolai nhận lời, và đội săn lại khởi hành, bây giờ đã đông lên gấp đôi. Muốn đến khoảng đất ấy phải tạt qua cánh đồng. Bọn đi săn phân tán ra nhiều ngả. Các gia chủ đi riêng với nhau. Ông chú Roxtov và Ilaghin liếc mắt nhìn trộm bầy chó của người cùng đi và lo lắng tìm xem trong bầy đó có con nào có thể kình địch với chó mình không. Trong bầy của Ilaghin có một con rất đẹp khiến Roxtov đặc biệt chú ý; đó là một con chó cái, thuần giống, không to lắm, lông có dốm đỏ, mõm thon, mắt đen và lồi, mình hơi thon nhưng bắp thịt rắn như thép. Chàng đã nghe đồn rằng những con khác trong bầy của Ilaghin rất linh lợi, và thấy con vật đẹp đẽ ấy là một kình địch đáng sợ cho con Milka của mình. Giữa chừng câu chuyện do Ilaghin mở đầu về mùa gặt năm nay. Nikolai chỉ con chó đốm đỏ, lấy một giọng hững hờ nói: - Ông có con chó đẹp nhỉ? Có nhanh không? - Con kia ấy à? Phải, con ấy cũng khá, săn được - Ilaghin đáp với một giọng thờ ơ, mặc dù trước một năm ông ta đã phải đổi cho một thằng bạn láng giềng ba gia đình nông nô để lấy con Erza đốm đỏ ấy - Thế là ở bên bá tước cũng không được hài lòng về hiệu suất thóc phải không ạ? - Ông ta nói tiếp, và không muốn thua kém tiểu bá tước về phép lịch sự, ông ta cũng đưa mắt nhìn qua bầy chó của chàng một lượt và chú ý đến ngay con Milka, vì cái mông rộng của nó có sức hấp dẫn mạnh đối với ông ta. - Con chó cái đen đốm lông của ông cũng đẹp lắm; phải, có dáng lắm - Ông ta nói. - Vâng, cũng khá, chạy được - Nikolai đáp. “Nếu có một con thỏ to chạy tạt ngang cánh đồng này thì ngươi sẽ thấy nó là loại chó gì!” chàng thầm nghĩ và ngoảnh mặt về phía người mã phu, chàng hẹn thưởng một rúp cho người nào tìm đuổi được một con thỏ ra khỏi hang. - Tôi không hiểu - Ilaghin nói tiếp - Làm sao người đi săn lại có thể ghen tỵ với thú mồi và chó săn của người khác. Còn như tôi, thì xin thú thực với bá tước, chỉ thích nhất là được đi dạo cảnh, và nếu lại được gặp những người quen như thế này… thì còn gì hơn (ông ta lại giơ cao chiếc mũ da rái cá trước mặt Natasa) còn như tính xem được mấy bộ da đem về với tôi chẳng có nghĩa lý gì. - Cố nhiên. - Hay là bực tức vì con chó bắt được mồi săn là chó của người khác chứ không phải chó của mình cũng thế, thật đấy, miễn là tôi được thưởng thức cảnh đi săn, phải không bá tước? - Vả lại tôi cho rằng… Vừa lúc ấy, người ta nghe một tiếng hú kéo dài của một trong những người quản cẩu vừa dừng lại: - Atunu! Đứng trên một cái cồn giữa cánh đồng, tay giơ cao chiếc roi da, hắn lại cất tiếng hú kéo dài: Atunu! (tiếng hú này và cái roi giơ lên tỏ ra rằng hắn vừa trông thấy ở trước mặt một con thỏ đang nấp). - A, dò ra được một con thì phải - Ilaghin nói, vẻ thờ ơ. - Thế nào, chúng ta săn đuổi nó chứ, bá tước nhỉ? - Vâng, cũng nên đi… thế chúng ta cùng đi chứ? - Nikolai vừa đáp vừa nhìn con Erza và con Rugai (con chó màu hung của ông chú), hai đối thủ mà chàng chưa hề có cơ hội thử sức với bầy chó của mình. “Ngộ nhỡ nó thắng được con Milka của mình thì sao?” - chàng tự hỏi trong khi cho ngựa đi về phía có thỏ, bên cạnh ông chú và Ilaghin. - Có to không? - Ilaghin hỏi khi đến gần người đi săn đã dò ra con thỏ, và ông ta không khỏi hồi hộp khi ngoảnh lại huýt con Erza. - Ông Mikhail Nikanorovich, còn ông thì sao? - Ilaghin hỏi ông chú. Ông chú cau mày. - Tôi chen vào làm gì! Vì chó của ông khá thật! - Là thứ chó mua bằng cả một làng, chó ông là chó bạc nghìn kia mà. Để cho chó của hai người thử sức với nhau, tôi chỉ đứng xem… - Rugai! Chạy ra, chạy ra, chạy ra! - Ông ta gọi - Rugaiuska con ơi! - Ông ta nói thêm và gửi vào trong mấy tiếng ấy tất cả niềm âu yếm và hy vọng của mình đối với con chó. Natasa đoán biết nỗi xúc động thầm kín của hai ông già và của anh mình, và chính nàng cũng thấy xúc động. Người thợ săn vẫn đứng trên cồn, tay giơ cao chiếc roi da. Các ông chủ ngựa đi bước một lại gần; ở tận chân trời bầy chó đang đi xa chỗ có con thỏ; những người đi săn cũng lảng ra xa. Mọi người đều bước đi chậm rãi và đĩnh đạc. - Đầu nó hướng về phía nào? - Nikolai vừa hỏi vừa lại gần chỗ người đã phát hiện ra con thỏ, chỉ cách một trăm bước. Nhưng hắn chưa kịp đáp thì con thỏ đã nhảy ra khỏi chỗ ẩn nấp, đánh hơi biết được tiết trời băng giá ngày mai. Bầy chó buộc dây vừa sủa vừa chạy xuống dốc đuổi theo nó; từ bốn phía, những con chó Borzoy không buộc dây rượt theo gót chúng để đuổi bắt con thỏ. Tất cả những người đi săn lúc bấy giờ đang tiến bước chậm rãi, những người quản cẩu đang quát “Đứng lại” để cho bầy chó bót hung hăng, những người gia đinh đang kêu “Atu!” để suỵt chó Borzoy đi tìm, bỗng tất cả đâm bổ chạy băng qua cánh đồng. Ilaghin, con người điềm tĩnh, cùng Nikolai, Natasa và ông chú đều phi ngựa tứ tung, chẳng theo phép tắc gì, chỉ trông thấy có bầy chó và con thỏ, và chỉ sợ không được mục kích một giai đoạn nào đó của cuộc săn. Con thỏ rất lớn và nhanh nhẹn. Khi ra khỏi chỗ nấp, nó không chạy đi ngay, mà còn vẫy hai tai nghe tiếng người kêu, tiếng chân ngựa bước, cứ để cho lũ chó đến gần. Nhưng rồi cuối cùng, sau khi đã chọn hướng và biết rõ nguy cơ, nó cụp hai tai xuống và duỗi thẳng bốn chân lao như tên bắn. Nãy giờ nó nấp trong đám rạ, nhưng bây giờ trước mắt nó có những đám lúa mạch non mọc trên một vạt đất bùn lầy. Hai con chó của người quản cẩu đã phát hiện ra con thỏ đi gần nó nhất, chúng đánh hơi được nó trước tiên và chạy theo dấu chân nó, nhưng còn cách nó khá xa, thì đã thấy Erza, con chó cái đỏ của Ilaghin, từ đằng sau hai con kia hiện ra, chạy gần sát nó chỉ còn cách chiều dài của một con chó, nhanh như chớp, nó nhằm vào đuôi con thỏ chồm tới và đã tưởng vồ được thỏ, nó lộn nhào đi mấy vòng. Con thỏ cong lưng chạy nhanh thâm. Từ sau lưng con Erza, con Milka to mông nhảy lên và chỉ một lúc đã bám sát con thỏ. - Milka, con ơi? - Nikolai reo lên, giọng đắc thắng. Có thể tưởng đâu Milka sắp theo kịp và tóm ngay được con thỏ, nhưng khi nó đuổi được đến nơi thì lại quá đà để con thỏ tránh mất. Lại một lần nữa, con Erza xinh đẹp theo sát gót con vật, như dính trết vào đuôi nó, và có vẻ như đang đo khoảng cách cho thật chính xác để chộp lấy chân sau của nó. - Erzinka, em ơi! - Ilaghin thốt lên, giọng lạc hẳn đi, như muốn khóc. Nhưng con Erza chẳng đếm xỉa gì đến những lời van xin của ông ta. Đúng vào lúc người ta tưởng sắp tóm được con thỏ, thì con này né sang một bên, rồi lao đến chỗ đám lúa non và đám rạ giáp nhau. Lại một lần nữa, con Erza và con Milka, như hai con ngựa cùng được thắng vào một càng xe, chạy song song và đuổi riết con thỏ; trên chỗ đất giáp giới thỏ được ung dung hơn, vì lũ chỗ chưa dễ gì theo kịp được nó. - Rugai, Rugai con ơi! Khá thật! - Lại một giọng nói khác chen vào. Và Rugai, con chó màu hung gù lưng của ông chú, vươn mình, uốn lưng chạy theo kịp hai con chó trước, vượt qua rồi say sưa lao nhanh theo con thỏ, lùa nó từ chỗ giáp vào đám lúa rồi lại tăng tốc dữ dội hơn nữa trong những đám lúa lầy lội, lún đến tận khuỷu chân, và người ta chỉ thấy nó cùng lăn nhào vào một vòng với con thỏ, cái lưng lấm bết những bùn. Bầy chó tụ tập thành hình ngôi sao ở xung quanh nó. Một phút sau mọi người đã đến chỗ đàn chó đang quây quần. Chỉ có một mình ông chú sung sướng xuống ngựa cắt chân con thỏ. Trong khi xóc con vật cho máu chảy hết, ông ta lo lắng đưa mắt nhìn quanh, hết nhìn người này lại nhìn người khác, tay chân không biết giấu vào đâu cho đỡ ngượng, mồm thì nói mà không biết nói với ai và nói cái gì: “Thế mới rõ… Khá thật!… Thế mới gọi là chó săn… nó bỏ rơi tuốt tuột, những con nghìn rúp cũng như một rúp, thật là khá thật! “ - Ông ta vừa nói vừa thở hổn hển và giận dữ đưa mắt nhìn quanh, vẻ như đang chửi mắng người nào tưởng chừng xung quanh mình bị sỉ nhục mà nay mới có dịp thanh minh. “Kìa đấy, những con chó một nghìn rúp của các ông đấy, rõ khá thật!”. - Rugai, lĩnh đầu đây! - Ông chú vừa nói vừa ném một cái chân thỏ lấm bùn vừa xẻ ra - nó được lĩnh phần là đúng lắm, rõ khá thật! - Nó lả rồi, một mình nó mà đuổi đến ba chuyến - Nikolai nói chàng cũng không để ý nghe người ta nói gì và cũng không cần biết người ta có nghe chàng nói hay không nữa. - Thế mà cũng nhắng lên, nó đã bắt ngang hông và ở đằng sau! - người mã phu của Ilaghin nói. Bắt như thế, thì bất cứ một con chó nhà nào cũng bắt được! - Ilaghin nói cùng một lúc với người mã phu mặt đỏ gay, hơi thở hổn hển vì xúc động và vì cuộc ruổi ngựa vừa qua. Trong lúc đó thì Natasa chưa kịp lấy lại hơi thở đã vui mừng và nô nức hét lên một tiếng inh ỏi nghe đến thủng màng tai. Tiếng hét của nàng biểu lộ hết những điều mà những người kia đã để lộ ra trong khi cùng một lúc nói. Và tiếng hét ấy kỳ dị đến nỗi giá vào một lúc khác thì nàng đã phải lấy làm hổ thẹn và mọi người cũng phải lấy làm kinh ngạc. Ông chú tự tay buộc con thỏ vào yên, vắt mạnh nó qua mông con ngựa, tưởng như muốn dùng cái động tác gọn và nhanh ấy để trách móc mọi người, rồi như vẻ không thèm nói với ai cả, cưỡi lên lưng con ngựa tía nhạt và cứ thế bỏ đi. Những người khác, buồn bã và bẽ bàng, phân tán ra nhiều ngả và mãi hồi lâu mới lấy lại được một vẻ mặt bàng quan giả tạo. Họ còn đưa mắt nhìn mãi con Rugai màu hung với cái lưng gù lấm bùn, với cái dáng bình tĩnh của một kẻ chiến thắng đang chạy theo sau chân con ngựa của ông chú, chiếc vòng buộc cổ kêu leng keng.
Nikolai có cảm tưởng như dáng điệu của con chó muốn nói: “Ừ, phải đấy, hễ chưa nói đến chuyện đi săn, thì ta đây cũng như kẻ khác thôi. Nhưng đã đi săn thì phải biết!”. Sau đó một hồi lâu, khi ông chú đến gần Nikolai để nói chuyện, chàng lấy làm hân hạnh rằng sau những việc vừa xảy ra mà ông ta, còn hạ cố đến trò chuyện cùng chàng. Chương 7 Đến chiều, khi ông Ilaghin từ giã Nikolai, chàng thấy đường về nhà còn xa quá nên nhận lời ghé lại nhà ông chú ở làng Mikhailovka nghỉ lại. - Nếu các cháu về nhà chú thì thật là khá thực! - Ông chú nói - Về nhà chú hơn chứ. Đấy các cháu thấy không, thời tiết thì ẩm ướt, các cháu có thể nghỉ ngơi một tí, rồi sẽ cho xe Droiki đưa bá tước tiểu thư về. Họ nhận lời ông chú, cho một người thợ săn về Otradnoye lấy xe; còn Nikolai, Natasa, và Petya thì về nhà ông chú. Năm sáu người đầy tớ trai gái vừa nhớn vừa bé chạy ra thềm đón chủ. Mấy chục người đầy tớ trai gái, già có, trẻ có, nhớn có, bé có, từ thềm sau ùa ra xem tốp người đi săn đang tiến vào nhà. Thấy Natasa, một người con gái, một cô tiểu thư mà lại cưỡi ngựa, bụng tò mò của các gia nhân nhà ông chú lên đến cực độ, đến nỗi nhiều người không ngần ngại gì đến gần Natasa, nhìn chăm chăm vào mặt nàng và tha hồ bình phẩm ngay trước mặt nàng, như bình phẩm một vật lạ được trưng bày, tưởng như đồ vật đỗ chẳng phải là người cho nên không thể nghe hiểu những điều người ta bàn tán về mình được. - Arinka, xem kìa, cô ấy ngồi vắt hai chân sang một bên nhỉ! - Xem cái váy vẫn buông thõng xuống kìa… Mày thấy không, có cả cái sừng [155] nữa kìa! - Ông bà ông vải ơi! Lại có cả một con dao nữa! - Trông thật như một mụ Tatar ấy nhỉ! - Cô làm thế nào mà không lộn tùng phèo xuống hả? - Người dạn dĩ nhất hỏi thẳng Natasa. Ông chú xuống ngựa bên thềm ngôi nhà nhỏ bằng gỗ có vườn bao bọc, rồi đưa mắt nhìn các gia nhân một lượt, ông lên giọng hách dịch quát những người không có việc gì lui ra và sai làm những việc cần thiết để tiếp đón các tân khách và phường săn. Mọi người đều chạy đi sửa soạn. Ông chú đỡ Natasa xuống ngựa và cầm tay nàng dắt lên mấy bậc thềm bằng ván ọp ẹp. Trong nhà không trét thạch cao, tường làm bằng những súc gỗ lớn, trông không lấy gì làm sạch lắm, - có thể thấy rằng những người ở nhà này cũng chẳng cố ý chăm chút cho ngôi nhà khỏi có vết bẩn, nhưng cũng không thấy vẻ bừa bộn cẩu thả. Trong phòng mặc áo phảng phất mùi táo tươi, trên tường treo ta liệt những tấm da sói và da chồn. Ông chủ dẫn khách qua phòng ngoài, sang một gian phòng nhỏ có đặt chiếc bàn xếp và mấy chiếc ghế gỗ đỏ, rồi vào gian phòng khách bày một cái bàn tròn bằng gỗ bạch dương và một cái đi-văng, rồi lại dẫn họ vào gian phòng làm việc có chiếc ghế sofa thủng mặt, một tấm thảm đã sờn và mấy bức chân dung của Xuvorov, của hai cụ cố thân sinh của chủ nhân và bản thân chủ nhân mặc quân phục. Phòng làm việc sặc mùi thuốc lá và mùi chó săn. Trong phòng làm việc ông chủ mời khách ngồi và xin họ cứ tự nhiên như ở nhà, rồi ông bỏ ra ngoài. Con Rugai, lưng hãy còn lấm bùn, chạy vào phòng, leo lên đi-văng, thè lưỡi hếm mình và lấy răng chuốt lông cho sạch. Từ phòng làm việc đi ra là một dãy hành lang, trong đó thấy có một tấm bình phong mặt vải đã rách. Từ phía sau tấm bình phong đưa ra những giọng phụ nữ cười khúc khích và nói thì thầm. Natasa, Nikolai và Petya cởi áo ngoài và ngồi xuống đi văng. Petya gối đầu lên khuỷu tay và lập tức ngủ thiếp đi; Natasa và Nikolai ngồi yên lặng. Mặt họ nóng bừng, bụng họ rất đói và lòng họ rất vui. Hai anh em nhìn nhau (sau buổi săn, ngồi trong phòng, Nikolai thấy không cần phải tỏ rõ ưu thế của đấng nam nhi trước mặt em gái nữa). Natasa đưa mắt nháy anh, và cả hai đều không nhịn được, phá lên cười giòn giã, tuy chưa kịp nghĩ ra một cớ gì để cười như vậy cả. Một lát sau ông chú bước vào, mình mặc áo kazakin quần xanh, chân đi ủng ngắn. Dạo trước: khi ông ta mặc bộ quần áo này đến Otradnoye. Natasa rất ngạc nhiên và buồn cười, nhưng bây giờ nàng lại thấy đó là một bộ y phục chỉnh tề chẳng kém gì các thứ áo lễ phục. Ông chú lúc bấy giờ đang vui; nghe tiếng cười của hai anh em, không những ông không giận (ông không hề có ý nghĩ rằng hai cháu lại có thể cười cảnh sinh hoạt của mình), mà lại còn cất tiếng cười theo tiếng cười vô cớ của họ nữa. - Chà cô bé bá tước tiểu thư này, thật khá thật! Chú chưa hề thấy cô nào như cô đấy! - Ông vừa nói vừa đưa cho Roxtov một cái tẩu thuốc dài ngoẵng, còn mình thì cầm một cái tẩu ngắn có trạm trổ giữa ba ngón tay với một cử chỉ quen thuộc. - Cưỡi ngựa suốt một ngày, đàn ông như vậy cũng là giỏi rồi, thế mà cứ như không ấy. Ông chú vào được một lát thì người hầu gái - nghe tiếng bước chân ở bên ngoài có thể nhận ra là chị ta đi đất - mở cửa phòng và một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, béo đẹp, hồng hào, có hai lớp cằm và đôi môi mọng đỏ chót, hiện ra ở khung cửa, tay bưng một chiếc mâm lớn bầy đầy những thức ăn. Với một vẻ ân cần mến khách lộ rõ trong đôi mắt và trong từng cử chỉ, bà ta đưa mắt nhìn các tân khách và lễ phép cúi đầu chào, môi nở nụ cười trìu mến. Tuy thân hình to béo quá cỡ, đến nỗi phải ưỡn ngực và bụng ra phía trước và hất đầu về phía sau, người đàn bà ấy (đó là bà quản gia của ông chủ) vẫn đi đứng hết sức nhẹ nhàng. Bà đến cạnh bàn, ghé chiếc mâm xuống và đôi bàn tay trắng trẻo, múp míp của bà nhanh nhẹn bày lên mặt bàn các chai đĩa và thức ăn thết khách. Bày xong, bà lui ra đứng ở cạnh cửa, vẻ mặt tươi cười. Cả dáng người của bà như muốn nói với Roxtov: “Đấy, tôi như thế đấy! Bây giờ cậu đã hiểu ông chú cậu chưa?”. Làm sao lại không hiểu kia chứ! Không những Roxtov mà cả Natasa nữa cững đã hiểu ông chú - hiểu cả ý nghĩa của đôi mày chau lại và nụ cười sung sướng, tự mãn thoáng hiện trên môi ông ta khi bà Anixya Fiodorovna bước vào. Trên mâm bày nào là rượu cỏ, rượu anh dào, nào là nấm, bánh đa bằng bột mì đem tẩm nước bơ, nào là mật ong tươi, mật ong ngào sủi bọt, táo hạnh nhân tươi, hạnh nhân rang và hạnh nhân ngào mật. Sau đó Amxya Fiodorovna lại bưng thêm mứt mật ong và mứt đường, một súc giăm-bông và một con gà mới quay xong. Tất cả những món đó đều do bàn tay đảm đang của bà Anixya Fiodorovna làm ra. Tất cả những món đó đều đượm hương thơm và phong vị của Amxya Fiodorovna. Tất cả những món đó đều phảng phất cái tươi mát, sạch sẽ, cái nước da trắng trẻo và nụ cười niềm nở của bà. - Cô ăn đi, bá tước tiểu thư ạ, - Anixya Fiodorovna vừa nói vừa tiếp cho Natasa hết món ăn này đến món ăn khác. Natasa ăn tất và tưởng chừng như xưa nay nàng chưa bao giờ thấy ở đâu những chiếc bánh da tẩm nước bơ, những món mứt, những hạt hạnh nhân ngào mật và những miếng thịt gà quay thơm ngon như thế này. Amxya Fiodorovna lui ra. Roxtov và ông chú vừa ăn vừa uống rượu anh đào, chuyện trò về cuộc đi săn vừa qua và cuộc đi săn sắp tới, về con Rugai và đàn chó săn của Ilaghin. Natasa, đôi mắt sáng ngời, ngồi thẳng người trên đi-văng lắng tai nghe hai người nói chuyện. Đã mấy lần nàng cố lay chú Petya dậy ăn dăm ba miếng, nhưng chú bé chỉ làu nhàu mấy tiếng gì trong miệng rồi lại ngủ say. Natasa thấy lòng vui phơi phới, nàng thấy thích thú cái khung cảnh mới này đến nôi nàng chỉ sợ xe đến đón nàng về sớm quá. Sau một lát im lặng ngẫu nhiên, như những phút im lặng thường thấy khi người ta tiếp chuyện người quen ở trong gia đình lần đầu, ông chú nói, như để đáp lại những ý nghĩ trong trí óc anh em Roxtov. - Đấy tôi an hưởng tuổi già như thế đấy… Đến khi người ta chết đi thì - khá lắm! - chẳng có gì sất. Thế thì việc gì phải chịu thiếu thốn? Gương mặt của ông chú có vẻ ngụ nhiều ý nghĩa, mà lại có vẻ đẹp lên nữa trong khi nói câu này. Roxtov bất giác nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp mà cha chàng và những người láng giềng thường nói về ông. Trong khắp tỉnh này ông chú nổi tiếng là một người gàn dở nhưng hết sức trung thực và vô tư. Người ta thường mời ông phân xử hộ những chuyện gia đình, giao cho ông làm người thừa hành di chúc, thổ lộ với ông những chuyện bí mật, bầu ông làm quan tòa và mời ông giữ nhiều chức vụ khác, nhưng ra làm việc nhà nước thì ông cứ một mực khăng khăng không chịu, mùa thu và mùa xuân ông cưỡi con ngựa thiến màu hung nhạt đi chơi trên cánh đồng, mùa đông thì ngồi nhà, mùa hạ thì nằm trong khu vườn rậm rạp. - Sao chú không ra làm việc nhà nước hả chú? - Có ra làm, nhưng rồi lại thôi. Tôi mà làm việc nhà nước thì có ra gì, khá thật! - Tôi chẳng hiểu gì sất. Đó là việc của anh, chứ tôi thì chẳng đủ tài. Còn như săn bắn thì lại là chuyện khác, - - Cái này thì khác luật! Ê, mở cửa ra chứ, - Ông quát - Sao lại đóng cửa thế hả? Cái cửa ở cuối hành lang (ông chú gọi là “hành nang”) dẫn vào phòng săn - tức là phòng gia nhân dành cho phường săn. Lại nghe tiếng chân đi đất bước nhanh, và một bàn tay vô hình mở cánh cửa vào phòng săn. Từ hành lang vẳng lên những âm thanh nghe rất rõ của một cây đàn balalaika. Người đánh đàn chắc phải là một tay lão luyện nghề này. Từ nãy Natasa cố lắng tai nghe tiếng đàn; bây giờ nàng ra hẳn hành lang để nghe cho rõ. Ông chú nói: - Ấy chú đánh xe Mitka nhà tôi đấy… Tôi mua cho chú một cây đàn thật tốt, tôi thích nghe lắm. Ở ông chú có cái lệ là hễ khi nào ông đi săn về thì Mitka phải ngồi trong phòng săn đánh đàn Balalaika. Ông chú rất thích nghe thứ nhạc này. - Hay thật! Quả là rất hay, - Nikolai nói, chàng bất giác nói một giọng ít nhiều có vẻ khinh thường, tưởng chừng như chàng lấy làm ngượng khi phải thừa nhận rằng tiếng đàn này khiến chàng thích thú. - Rất hay là thế nào? - Natasa nói, giọng đầy trách móc vì nàng đã cảm thấy vẻ khinh thường của anh, - Không phải là hay, mà là tuyệt diệu ấy chứ! - Cũng như món nấm, món mật ongvà rượu anh đào của ông chú mà Natasa thấy là ngon nhất thế gian, điệu đàn này đối với nàng dường như cũng là tuyệt đỉnh của nghệ thuật âm nhạc. - Nữa đi, làm ơn đánh nữa đi, - Natasa nói vọng về phía cửa khi tiếng Balalaika vừa dứt. Mitka lên lại đây đàn và lại chơi điệu “Phu nhân” một cách phóng túng, có nhiều biến tấu và nhiều nét láy lại ông chú ngồi nghe, đầu nghiêng một bên, miệng hơi mỉm cười. Nhạc đề bài “Phu nhân” được chơi đi chơi lại hàng trăm lần. Đã mấy lần người đánh đàn phải lên dây lại, rồi cũng lại điệu đàn ấy nổi lên, nhưng những người nghe không hề thấy chán tai, cứ muốn nghe mãi. Anixya Fiodorovna bước vào và tựa cái thân hình to béo vào khung cửa. Bà mỉm cười một nụ cười giống hệt nụ cười của ông chú hồi nãy, nói với Natasa: - Tiểu thư cũng thích nghe à? Chú Mitka nhà chúng tôi đàn hay lắm đấy. Bỗng ông chú hoa mạnh tay một cái rồi nói: - Thôi đoạn này hắn chơi hỏng rồi. Chỗ này phải láy chứ, khá thật! Phải lấy mới được! - Thế chú cũng biết chơi sao? - Natasa hỏi. Ông chú mỉm cười không đáp. - Này Amxyuska, bà thử vào xem cây đàn có còn đủ dây không nào, cây đàn ghi-ta ấy mà! Đã lâu không mó tới đàn, khá thật! Bỏ lâu rồi. Anixya Fiodorovna vui vẻ bước nhẹ nhàng tuân lệnh ông chú vào lấy cây đàn ghi-ta đem ra. Ông chú chẳng nhìn ai, ghé miệng thổi bụi, đưa mấy ngón tay xương xấu gõ gõ lên mặt đàn, lên đây và ngồi lại cho ngay ngắn trên ghế bành. Ông cầm lấy đàn (với một tư thế hơi tuồng, khuỷu tay phải trải khuỳnh rộng ra) ở phía trên chiếc cần một chút đưa mắt nháy Amxya Fiodorovna một cái, rồi không chơi diệu “Phu nhân” mà lại đánh một hợp âm trong trẻo ngân vang, rồi vẻ điềm tĩnh nhưng quả quyết, với một nhịp điệu rất khoan thai, ông bắt đầu chơi diệu ca khúc nổi tiếng “Dọc dường phố lát đá”. Và dần dần, theo nhịp đàn, với niềm vui thanh thoát điềm đạm như niềm vui toát ra từ toàn thân Anixya Fiodorovna, điệu hát vui tươi vang dội trong tâm hồn Nikolai và Natasa. Anixya Fiodorovna đỏ mặt, lấy khăn che miệng cười khúc khích và bỏ ra ngoài. Ông chú tiếp tục đánh đàn một cách mạnh dạn và thận trọng, tiếng đàn rất thanh khiết đôi mắt long lanh sáng lên vì cảm hứng nhìn vào chỗ Anixya Fiodorovna vừa đi ra. Bóng dáng một nụ cười phảng phất một bên khuôn mặt ông, dưới bộ râu mép hoa râm, nhất là những khi điệu nhạc dồn dập rồi đột ngột ngừng lại ở những chỗ chuyển điệu. - Tuyệt quá, tuyệt quá chú ạ! Nữa đi, đánh nữa đi! - Natasa reo lên khi thấy tiếng đàn vừa dứt. Nàng nhảy lên chạy lại ôm choàng lấy ông chú mà hôn. Rồi nàng ngoái lại nhìn anh nói: - Nikolenka, Nikolenka! - vẻ như muốn hỏi chàng: làm sao thế nhỉ? Nikolai cũng rất thích tiếng đàn của ông chú. Ông chú chơi lại bài hát một lần nữa. Gương mặt tươi cười của Anixya Fiodorovna lại hiện ra trong khung cửa, và phía sau lại có thêm nhiều khuôn mặt khác… “Sau dòng suối mát lạnh, cô gái kêu lên: Hãy khoan, đợi em với!” tiếng đàn của ông chú lại vang lên; rồi sau một đoạn biến tấu rất khéo, ông ngừng đàn và rùng vai một cái. - Kìa, chú ơi, chú yêu quý của cháu, - Natasa rên rỉ, giọng khẩn khoản van lơn, như thể cả cuộc đời của nàng đều lệ thuộc vào đấy ông chú đứng dậy, và tựa hồ như trong ông ta có hai con người - một người nghiên trang mỉm cười chế nhạo anh chàng vui tính kia, còn anh chàng vui tính đang làm một động tác ngây ngô cẩn thận để mở đầu cho điệu nhảy. - Nào, cháu! - Ông chú gọi to, bàn tay vừa đánh hợp âm cuối cùng trên đàn đưa lên vẫy Natasa. Natasa cởi chiếc khăn quàng trên vai, chạy đến trước mặt ông chú, chống tay cạnh sườn và nhích hai vai lên rồi lấy điệu đứng đợi. Không biết cái cô bá tước tiểu thư kia, vốn được một người đàn bà Pháp lưu vong dạy dỗ, làm thế nào mà hấp thụ được cái phong vị Nga ấy, không biết nàng lấy đâu ra những dáng điệu ấy, những dáng điệu mà những bước khăn san đáng lẽ lấn át từ đâu? Dù sao phong cách của nàng đúng là phong cách mà ông chú mong đợi, cái phong cách không sao bắt chước được, không sao phân tích nổi, cái phong cách thuần tuý của dân tộc Nga. Khi nàng vừa đứng dậy, miệng mở một nụ cười trang trọng và kiêu cãng, vui tươi và ranh mãnh, thì mối lo sợ lúc đầu của Nikolai và của cả cử tọa, sợ rằng nàng sẽ có những động tác không đúng kiểu, vút biết mất, và họ bắt đầu say mê ngắm nàng. Động tác, cử chỉ của nàng đúng quá, đúng hoàn toàn đến nỗi Anixya Fiodorovna, lúc bấy giờ đã trao ngay cho nàng chiếc khăn vuông cần cho điệu nhảy, phải vừa cười vừa ứa nước mắt trong khi cô bá tước tiểu thư mảnh dẻ, yêu kiều, lớn lên trong nhung lụa và xa lạ đối với bà, nhưng lại hiểu được tất cả những gì trong tâm hồn Anixya, trong tâm hồn của ông bố Anixya của bà dì và của mẹ bà ta, trong tâm hồn của mọi người Nga. - Chà bá tước tiểu thư, tuyệt thật! - Ông chú vui sướng cười ha hả khi điệu nhảy kết thúc. - Chà, cô cháu tôi cừ quá! Chỉ cần chọn cho cô một anh chồng ra trò nữa thôi, khá thật. Nikolai cười tủm tỉm nói: - Chọn rồi đấy. - Thế à? Ông chú ngạc nhiên nói, đưa mắt nhìn Natasa có ý hỏi. Natasa mỉm cười vui sướng và gật đầu: - Mà chồng cháu thì tuyệt lắm… - nàng vừa nói đến đây thì lại nghĩ sang chuyện khác. Cái nụ cười của Nikolai khi anh ấy nói: “Chọn rồi đấy” có ý nghĩa gì? Anh ấy bằng lòng hay không bằng lòng? Hình như anh ta nghĩ rằng giá có Bolkonxki của ta ở đây thì chàng sẽ không tán đồng và không hiểu được nỗi vui sướng của chúng ta thì phải. Không phải đâu chàng vẽ hiểu hết. “Bây giờ chàng đang ở đâu?” - Natasa nghĩ thầm, và gương mặt nàng bỗng nghiêm trang hẳn lại. Nhưng có vẻ đó chỉ thoáng qua trong một giây. “Đừng nghĩ, không nên nghĩ đến điều đó” - nàng tự nhủ và mỉm cười để ngồi cạnh ông chú như cũ, yêu cầu chú chơi thêm một bài gì nữa. Ông chú chơi một vài ca khúc và một diệu valse nữa; sau đó ông ta im lặng một lúc, đằng hẵng mấy cái rồi cất tiếng hát bài hát đi săn yêu thích của ông ta: Đẹp thay, những bông tuyết đần mùa, Trong bóng chiều nhẹ buông… Ông chú hát đúng như nhân dân hát, với một lòng tin trọn vẹn và ngây thơ rằng bao nhiêu ý nghĩa của bài hát đều nằm cả trong lời ca, rằng điệu nhạc tự nó toát ra từ lời ca và không thể tồn tại riêng được: điệu nhạc chẳng qua là để hát cho có nhịp thôi. Chính vì vậy mà điệu hát không có ý thức như tiếng chim hót, nghe hay lạ lùng. Natasa say sưa nghe ông chú hát. Nàng quyết định sẽ thôi học đàn thụ cầm. Mà chỉ chơi ghi-ta thôi. Nàng mượn cây đàn của ông chú và tìm ngay được những hợp âm đệm theo bài hát. Khoảng gần mười giờ một chiếc xe ngựa, một chiếc droiki và ba người đầy tớ cưỡi ngựa đi tìm Natasa và Petya đã đến. Bá tước và phu nhân hiện không biết hai chị em ở đâu, và theo lời mấy người đầy tớ thì hai ông bà đang lo lắm. Họ mang Petya đặt lên xe ngựa như đặt một cái xác chết; Natasa và Nikolai ngồi lên xe droiki. Ông chú khoác áo cẩn thận cho Natasa và từ biệt nàng một cách trìu mến hơn hẳn khi trước. Ông đi bộ tiễn họ ta cái cầu mà họ đi vòng để lội qua ngòi, và sai bọn thợ săn cầm đèn đi trước. Giọng nói của ông chú vang lên trong bóng tối. - Cháu thân yêu của chú, cháu về nhé! - đó không phải là giọng nói Natasa đã từng biết trước kia, mà là cái giọng lúc nãy vừa hát: “Chiều về, những bông tuyết đầu mùa”. Cái làng họ đi qua có nhiều dốm lửa đỏ và phảng phất một mùi khói gợi lên những ý nghĩ vui vui. Khi họ đã ra đường cái lớn Natasa nói: - Chú ấy đáng yêu quá nhỉ? - Ừ - Nikolai nói - Em có rét không? - Không, em thấy dễ chịu lắm. Em thấy rất dễ chịu, - Natasa nói giọng hầu như ngạc nhiên. Hai người im lặng hồi lâu. Đêm hôm ấy trời tối và ẩm. Nhìn ra phía trước không trông thấy ngựa, chỉ nghe tiếng chân ngựa giẫm lép bép trong bùn. Những gì đang diễn ra trong cái tâm hồn ngây thơ và nhạy cảm ấy một tâm hồn khao khát đón tiếp và hấp thụ tất cả những ấn tượng muôn màu muôn vẻ của cuộc đời? Làm sao tâm hồn nàng có thể chứa đựng tất cả những thứ đó? Dù sao nàng cũng rất vui sướng. Khi xe đã sắp về đến nhà, nàng bỗng cất tiếng hát nhạc đề của bài “Đẹp thay, những bông tuyết đầu mùa”, mà suốt đoạn đường nàng cứ cố nhớ lại mà mãi bây giờ mới nhớ ra. - Tìm ra được rồi đấy ạ? - Nikolai nói. - Vừa rồi anh nghĩ gì thế hả anh Nikolai? - Natasa hỏi. Hai anh em thường vẫn thích hỏi nhau câu đó. - Anh ấy à? - Nikolai vừa nghĩ vừa nói - Này nhé, lúc đầu anh nghĩ rằng Rugai, con chó hung ấy mà, trông nó giống như chú ấy, và giả thử nó là người thì nó sẽ nuôi mãi chú ấy trong nhà, nếu không phải để đi săn, thì cũng để cho vui vì chú ấy với nó hợp nhau lắm: Chà, chú ấy vui tính thật đấy! Đúng không nào? Thôi, thế còn em thì em nghĩ gì? - Em ấy à? Yên nào, yên nào. À phải, lúc đầu em nghĩ rằng chúng ta cứ yên trí mình đang về nhà, nhưng thật ra chúng ta đi trong bóng tối thế này, có trời biết đi đâu, rồi bỗng nhiên chúng ta đến một nơi nào đấy không phải Otradnoye mà là một vương quốc thần kỳ. Sau đó, em còn nghĩ đến… Không, chả nghĩ gì nữa cả. - Biết rồi, nghĩ đến anh ấy chứ gì. - Nikolai nói và nghe giọng nói của chàng trong bóng tối. Natasa cũng biết là chàng đang mỉm cười. - Không. - Natasa đáp, mặc dầu quả thật nàng có nghĩ đến công tước Andrey và thử đoán xem chàng có thích ông chú của nàng không. - Thế rồi suốt đường em cứ nghĩ đi nghĩ lại: Anixyuska đi đứng đẹp thật đẹp thật… - Natasa nói.
Và Nikolai nghe thấy tiếng cười giòn giã hồn nhiên, vui tươi của nàng. Rồi bỗng Natasa lại nói: - Này, anh ạ, em biết rằng sau này chẳng bao giờ nữa em sung sướng, thanh thản được như bây giờ đâu. - Chỉ nói dại vớ vẩn, - Nikolai nói rồi nghĩ thầm: “Cái con bé Natasa của mình đáng yêu quá! Mình không thể có một người bạn nào hơn thế, mà sau này cũng chẳng tìm đâu ra. Nó đi lấy chồng làm gì? Nếu không có phải cứ được đi chơi với nhau mãi không!” “Cái anh Nikolai ấy đáng yêu quá! “ - Natasa thầm nghĩ. - À! Trong phòng khách hãy còn đèn - nàng nói, tay chỉ vào mấy ô cửa sổ của ngôi nhà, đang lấp lánh trong đêm tối ấm ướt và dịu như nhung. Chương 8 Bá tước Ilya Andreyevich đã từ chức đô thống quý tộc vì chức vụ này đòi hỏi những khoản chi tiêu quá lớn. Nhưng sau đó tình hình kinh tế của ông vẫn không khả quan hơn. Nhiều lần Natasa và Nikolai bắt gặp cha mẹ đang bàn tán có vẻ bí mật lo lắng, và nghe nói chuyện bán tòa nhà sang trọng của họ Roxtov và bán trang viên ở ngoại thành Moskva. Vì không giữ chức đại biểu quý tộc nên bá tước không phải tổ chức những cuộc tiếp tân linh đình như trước và cuộc sống ở Otradnoye trôi qua yên tĩnh hơn những năm trước; nhưng tòa nhà chính đồ sộ cũng như các dãy nhà dọc vẫn cứ đầy người, và đến bữa ăn vẫn có hơn hai mười người ngồi vào bàn. Đó đều là những người quen thân đã ở mãi trong nhà và đã gần thành những người trong gia đình, hoặc giả là những người có vẻ như thân thiết cần phải ở nhà bá tước. Trong số những người như thế có vợ chồng ông Dimler - nhạc sĩ, và gia đình ông Foghel - giáo sư khiêu vũ bà già độc thân Bêlova và còn nhiều người khác nữa: ông thầy giáo của Petya, bà cựu gia sư của các tiểu thư, hoặc chẳng qua là những người thấy rằng sống ở nhà bá tước thì thú hơn và có lợi hơn ở nhà mình, thế thôi. Khách khứa không còn tấp nập như trước, nhưng cách sinh hoạt vẫn thế, vì bá tước và phu nhân không thể hình dung một cách sinh hoạt nào khác. Cũng vẫn những phường săn như trước, nay có Nikolai lại càng tăng thêm người, trong tàu vẫn có năm mươi con ngựa và mười lăm người đánh xe, cũng vẫn những món quà tặng đắt tiền nhân ngày lễ thánh, và những bữa tiệc lính đình mời khắp cả huyện, vẫn những ván bài “whist” và “boston”, trong đó bá tước cầm bài hết sức hớ hênh ai cũng nhìn thấy mặt bài, đến nỗi mỗi ngày cứ mất hàng trăm rúp cho các ông bạn láng giềng vốn xem việc đánh bài với bá tước Ilya Andreyevich là nguồn thu nhập béo bở nhất của họ. Bá tước bị vướng mắc trong công việc, tiền nong như trong một cái lưới khổng lồ, cố gắng không tin rằng mình đang sa lầy, nhưng cứ càng bước tới lại càng sa lầy thêm, và cảm thấy không đủ sức xé rách những mảng lưới đang vây bọc lấy mình mà cũng không thể thận trọng kiên nhẫn gỡ lần từng mối được. Bá tước phu nhân xót xa cảm thấy rằng con cái mình đang dần dần khánh kiệt, rằng chồng mình cũng chẳng có lỗi gì, ông không thể tránh khỏi lâm vào tình trạng như bây giờ, rằng chính ông cũng khổ tâm (mặc dầu ông cố giấu) vì biết rõ mình và con mình đang đi đến chỗ phá sản; và phu nhân cố nghĩ cách cứu giúp chồng. Theo quan điểm phụ nữ của bà thì còn một cách là thu xếp cho Nikolai lấy một bà vợ giàu. Bà cảm thấy rằng đó là hy vọng cuối cùng, và nếu Nikolai lại không thích cái đám mà bà tìm cho chàng, thì đành phải chịu bó tay không mong gì cứu vãn tình thế được nữa. Đám ấy là Juyly Karaghina, là người con nhà rất tử tế, cha mẹ phúc hậu, từ hồi nhỏ đã quen gia đình Roxtov, và hiện nay vì người anh cuối cùng vừa chết nên đã trở thành một cô gái thừa kế rất giàu có. Bá tước phu nhân viết thư thẳng cho bà Karaghina ở Moskva, bàn chuyện xin con gái bà ta cho Nikolai và đã nhận được một bức thư phúc đáp có ý thuận tình. Bà Karaghina trả lời rằng về phía bà thì bà ưng thuận, nhưng mọi việc đều tuỳ ở chỗ con gái nó có ưng hay không. Bà Karaghina mời Nikolai lên Moskva chơi. Đã mấy lần, mắt rớm lệ, bá tước phu nhân nói với Nikolai là hiện nay hai đứa con gái của bà đều đã có nơi có chốn, bà chỉ còn một ước nguyện duy nhất nữa là thấy chàng lập gia đình. Bà nói rằng được như vậy thì có nằm xuống mồ bà cũng yên tâm. Rồi bà lại nói thêm là bà đã nhằm một đám rất khá, và dò hỏi ý kiến chàng về việc hôn nhân. Vào những dịp khác bà lại khen ngợi Juyly và khuyên Nikolai đi Moskva dự các buổi hội hè để giải trí. Nikolai đã đoán ra ý mẹ qua những câu chuyện ấy và nhân một lần nói chuyện chàng xin mẹ cứ nói thẳng ra. Phu nhân bèn bảo chàng là chỉ còn cách chàng lấy cô Juyly Karaghina thì mới hy vọng cứu vãn được tình cảnh gia đình. - Thế nếu con yêu một người con gái không có tiền của, mẹ sẽ bắt con phải hy sinh tình cảm và danh dự của con vì tiền hay sao? - chàng hỏi mẹ; lúc bấy giờ chàng không hiểu hết cái tàn nhẫn trong câu hỏi của mình và chỉ muốn tỏ rõ lòng mình cao thượng mà thôi. - Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ. - phu nhân nói, trong bụng không biết làm thế nào để thanh minh cho mình. - Con chưa hiểu ý mẹ, Nikolai ạ. Mẹ chỉ mong cho con được sung sướng, - phu nhân nói thêm, nhưng lại cảm thấy mình đang dối con và đâm ra lúng túng. Bà khóc òa. - Mẹ ơi, mẹ đừng khóc, chỉ xin mẹ nói cho con biết mẹ muốn thế nào, mẹ cũng biết rằng con sẵn sàng hiến dâng đời con, hiến dâng tất cả để mẹ được yên lòng - Nikolai nói - Con sẽ hy sỉnh tất cả vì mẹ, dù là tình cảm của con cũng vậy. Nhưng bá tước phu nhân không có ý muốn đặt vấn đề như vậy; bà không muốn con phải hy sinh vì mình, chính bà muốn hy sinh cho con thì có. Bá tước phu nhân lau nước mắt, nói: - Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ, thôi ta đừng nói chuyện ấy nữa con ạ. “Phải, có thể là ta yêu một người con gái nghèo - Nikolai tự nhủ - Vậy ta phải hy sinh tình yêu và danh dự vì tiền tài chăng? Cũng lạ, không hiểu sao mẹ lại có thể nói với mình như vậy. Vì Sonya nghèo, phải chăng ta không thể yêu nàng được, không thể đển đáp được mối tình chung thuỷ tận tuỵ của nàng? Chắc hẳn là lấy nàng ta còn sung sướng hơn lấy bất kỳ một con búp bê nào kiểu như Juyly. Ta không thể ra lệnh cho tình cảm của ta được. Ta đã yêu Sonya, thì đối với ta tình yêu này mãnh liệt và cao quý hơn tất cả”. Nikolai không đi Moskva, bá tước phu nhân không nói chuyện hôn nhân với chàng nữa, và lòng buồn rầu, đôi khi căm giận nữa, phu nhân nhận thấy rằng con trai mình ngày càng thêm gắn bó với con Sonya, mắng mỏ nàng, và nhiều lần gọi nàng là “cô”, là “cô bạn thân mến”, mặc dầu sau đó bà vẫn thường tự trách mình. Bá tước phu nhân vốn tốt bụng, nhưng bà vẫn căm giận Sonya, mà căm giận hơn cả là vì cái cô cháu gái mắt đen nghèo hèn ấy dịu hiền trung hậu, đầy lòng tận tuỵ biết ơn đối với các ân nhân, lại yêu Nikolai một cách trung thành, chung thuỷ quên mình đến nỗi không còn chỗ nào có thể chê trách nàng được. Nikolai đã hết hạn nghỉ phép ở nhà. Gia đình Roxtov nhận được bức thư thứ tư của công tước Andrey từ La mã gửi về, trong thư viết rằng đáng lẽ chàng đã về Nga từ lâu, nhưng ở nơi khí hậu ấm áp vết thương chàng lại tái phát, cho nên phải hoãn đến đầu năm sau mới về được, Natasa vẫn say mê người chồng chưa cưới như trước vẫn được tình yêu làm cho thanh thản và vẫn dễ cảm xúc trước tất cả những niềm vui sướng của cuộc đời; nhưng xa cách người yêu được gần bốn tháng thì nàng hắt đầu có những lúc sầu não mà nàng không sao nén nổi. Nàng thấy thương hại mình, tiếc rằng đã để trôi qua một cách phí hoài, không có lợi gì cho ai, tất cả quãng thời gian ấy, mặc dầu trong những ngày tháng ấy lẽ ra nàng có thể yêu và được yêu không biết đến nhường nào. Cảnh gia đình Roxtov thật là buồn tẻ. Chương 9 Tiết Noël đã đến, và ngoài buổi xem lễ trọng thể, ngoài những lời chúc tụng long trọng và nhàm tai của những người láng giềng và của các gia nhân, ngoài những thứ đó ra không có gì đặc biệt đánh dấu ngày lễ Giáng sinh cả. Nhưng trong bầu không khí băng giá im phăng phắc, lạnh đến hai mươi độ dưới không, trong ánh nắng rực rỡ lúc ban ngày và trong ánh trăng lạnh lẽo lúc ban đêm, người ta lại cứ cảm thấy cần phải có một cái gì đánh dấu tiết Giáng sinh này. Sang ngày lễ thứ ba, sau bữa ăn chiều, trong nhà ai nấy giải tán về phòng mình. Suốt ngày chỉ có lúc này là buồn tẻ nhất. Nikolai hồi sáng cưỡi ngựa đi thăm các nhà láng giềng, bây giờ đã nằm trong phòng đi-văng đánh một giấc. Lão bá tước thì nghỉ trong phòng làm việc. Trong phòng khách, Sonya ngồi trước bàn tròn, đồ lại một hình mẫu thêu. Bá tước phu nhân chơi bói bài. Naxraxya Ivanovna - lão hề, đang ngồi bên cửa sổ với hai bà già. Natasa bước vào phòng, lại gần Sonya nhìn xem nàng làm gì, rồi lặng lẽ đến đứng bên cạnh mẹ. - Sao con cứ đi lại vật vờ như một oan hồn thế con? - bá tước phu nhân nói - Con cần gì nào? - Con cần anh ấy… ngay bây giờ, ngay phút này này, - Natasa nói, mắt sáng long lanh và không mỉm cười. Bá tước phu nhân ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn con không chớp mắt. - Đừng nhìn con, mẹ ạ, mẹ đừng nhìn con, không con khóc ngay bây giờ cho mà xem. - Con ngồi xuống đây với mẹ một lát đi con - phu nhân nói. - Mẹ ạ, con cần anh ấy! Tại sao con lại phải chờ đợi héo hon thế này hở mẹ? - Giọng nàng nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng trên khóe mắt, và để mẹ khỏi thấy, nàng quay mặt đi và bước ra khỏi phòng, nàng ra phòng đi-văng, dừng lại, suy nghĩ một lát rồi đi sang phòng các chị đầy tớ gái. Ở đây, một bà hầu phòng già đang mắng nhiếc một cô hầu gái vừa mới ngoài rét chạy vào thở hổn hển. - Đừng chơi nữa, - bà già nói - Cái gì cũng phải có lúc chứ. - Thôi để mặc cô ấy, bà Kondratyena ạ - Natasa nói - Đi đi, Mavrusa, đi đi. Sau khi cho Mavrusa đi ra, Natasa đi qua gian phòng lớn và bước vào gian phòng ngoài. Một ông già với hai người đầy tớ trẻ tuổi đang đánh bài. Họ ngừng chơi và đứng dậy khi thấy bá tước tiểu thư vào. “Sai họ làm gì bây giờ nhỉ?” - Natasa nghĩ thầm. “À phải, Nikita, anh chịu khó đi… - “Bảo anh ta đi đâu bây giờ nhỉ?” - À, phải, anh đi ra ngoài sân mang vào cho tôi một con gà trống; phải, còn anh, Misa lấy cho tôi ít thóc. - Lấy một ít thóc thôi cô nhé? - Misa vui vẻ đáp. - Thôi đi đi, nhanh lên, - Ông già giục thêm. - Còn bác Fiodor kiếm cho tôi mấy viên phấn nhé. - Rồi đi ngang qua phòng hầu trà, nàng lại sai bưng ấm lò lên, tuy lúc bấy giờ chẳng phải là lúc dùng trà. Bác hầu trà Foka là người cục tính nhất trong nhà. Natasa thường thích dùng bác ta để thử quyền lực của mình xem sao. Nghe Natasa bảo mang ấm lò lên, bác ta không tin, liền lên nhà hỏi lại xem có thật không. - Chà cái cô này! - Foka nói, mặt vờ làm ra vẻ cáu với Natasa. Trong nhà không có ai sai phái nhiều người và bảo làm nhiều việc như Natasa. Hễ nàng trong thấy một người đầy tớ là thế nào cũng muốn sai họ đi làm việc này việc nọ. Nàng có vẻ như muốn xem họ có phát cáu lên với nàng hay không, nhưng không có ai sai bảo gì mà họ lại vui lòng làm cho bằng Natasa. “Biết làm gì bây giờ nhỉ? Biết đi đâu bây giờ?” Natasa thầm nghĩ trong khi lững thững trong dãy hành lang. - Naxraxya Ivanovna này, tôi sẽ đẻ ra được cái gì? - nàng hỏi lão hề mặc áo thụng bây giờ đang đi ngược lại phía nàng. - Cô thì đẻ ra bọ chó, chuồn chuồn, dế - lão hề đáp. Trời ơi, trời ơi, vẫn chỉ có thế! Ôi, biết đi đâu bây giờ? Biết làm gì bây giờ”. Và nàng nện gót chạy nhanh lên cầu thang đến phòng hai vợ chồng Foghel ở trên gác. Ở phòng Foghel đang có hai bà gia sư ngồi chơi, trên bàn có đặt mấy đĩa nho khô, hạnh nhân và hạt dẻ. Hai bà gia sư đang nói chuyện gẫu, bàn xem ở nơi nào sinh hoạt rẻ hơn ở Moskva hay ở Odessa. Natasa đến ngồi bên cạnh lắng nghe họ nói chuyện, vẻ mặt nghiêm trang và đăm chiêu, rồi đứng dậy. - Đảo Madagasca, - nàng nói, - Ma - da - ga - sca, - nàng nhắc lại tách rời từng tiếng một, rồi không đáp lại câu hỏi của bà Schoss hỏi nàng đang nói gì, Natasa ra khỏi phòng. Petya lúc ấy cũng đang ở trên gác, đang ngồi làm pháo hoa với ông Diadke [156] định đến tối sẽ đem đốt. - Petya ơi? Petya ơi - Nàng gọi em - Cõng chị xuống nhà tí nào. Petya chạy lại giơ lưng ra. Nàng nhảy lên lưng em, hai tay quàng lấy cổ cậu bé. Petya nhảy tâng tâng cõng chị chạy. - Thôi bỏ xuống… đảo Madagascar, - nàng nói đoạn nhảy xuống đất và bỏ xuống nhà. Dường như sau khi đã đi quanh một lượt khắp vương quốc của mình và đã yên trí rằng mọi người đều răm rắp phục tùng mình, nhưng vẫn cứ thấy chán như thường, Natasa đi vào phòng lớn, lấy cây đàn ghi-ta đến ngồi ở góc tối sau chiếc tủ con và bắt đầu bấm các dây trầm, mò mẫm một câu nhạc nàng nhớ được trong một vở ca kịch mà nàng đã cùng đi nghe với công tước Andrey ở Petersburg. Nếu có ai nghe tiếng đàn ấy, thì chẳng qua cũng chỉ là những âm thanh mơ hồ chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng trong trí tưởng tượng của nàng thì nó làm sống lại cả một chuỗi kỷ niệm. Nàng ngồi sau chiếc tủ, mắt nhìn trừng trừng vào cái vệt sáng từ khe cưa phòng hầu trà hắt ra. Lắng nghe tiếng đàn của mình và hồi nhớ lại những ngày qua. Sonya cầm một cái cốc đi qua phòng lớn và vào phòng hầu trà. Natasa nhìn Sonya, nhìn cái khe hở trên cánh cửa vào phòng hầu trà, và nàng có cảm tưởng như đã có lần trông thấy cái vệt sáng từ cửa phòng hầu trà chiếu ra, và lần ấy Sonya cũng cầm chiếc cốc đi ngang phòng như thế này. “Thật đúng y như thế này”. Natasa nghĩ. Natasa gẩy mấy tiếng ở sợi dây to và cất tiếng gọi: - Sonya, nghe xem cái gì đây? - A, Natasa đấy à! - Sonya giật mình nói. Nàng lại gần và lắng nghe tiếng đàn. - Mình không biết. Bài “Cơn bão”, có phải không nào? - nàng nói, giọng rụt rè, vì sợ mình nhầm. “Đấy lần ấy Sonya cũng giật mình đúng như thế, cũng lại gần lắng nghe và mỉm cười rụt rè như thế - Natasa thầm nghĩ, và cũng đúng như bây giờ, lần ấy mình nghĩ rằng ở Sonya còn thiếu một cái gì ấy”. - Không phải, đó là điệu hợp xướng trong vở “Người xách nước”, chị nghe thấy không? - và Natasa hát hết điệu hợp xướng để cho Sonya hiểu. - Chị đang đi đâu thế - Natasa hỏi. - Đi thay nước trong cốc. Mình sắp vẽ xong mẫu thêu. - Chị bao giờ cũng có việc làm. Còn em thì chẳng biết tìm việc gì mà làm. - Natasa nói. - Thế anh Nikolai đâu. - Hình như đang ngủ. - Sonya ạ, chị vào đánh thức anh ấy dậy đi - Natasa nói - Chị bảo là em gọi anh ấy ra đây hát nhé. Nàng ngồi, nghĩ vơ nghĩ vẩn không hiểu tại sao, cả những điều đó đã xảy ra và tất cả những cái đó, nghĩa là thế nào. Nàng nghĩ mãi vẫn không ra, nhưng không hề mảy may phiền lòng về việc đó, và trí tưởng tượng lại đưa nàng trở lại hồi nào chàng còn ở bên nàng và nhìn nàng với đôi mắt đắm đuối. “Ôi chỉ mong sao cho chàng sớm về. Mình sợ quá, nhỡ chàng không về thì sao! Và cái chính là mình sẽ già đi, thế mới chết chứ! Lúc ấy e mình sẽ không còn như bây giờ nữa. Nhưng có lẽ chàng sẽ về ngay hôm nay, ngay bây giờ. Cũng có thể chàng đã về từ tối hôm qua, nhưng ta quên mất”. Nàng đứng dậy, đặt cây đàn xuống và đi ra phòng khách. Mọi người trong gia đình các nam nữ gia sư và khách khứa đều ngồi quanh chiếc bàn trà. Các gia nhân thì đứng quanh bàn, - nhưng không thấy công tước Andrey đâu cả, thế mà cuộc sống vẫn cứ như trước. - A, nó đây rồi, - Ông Ilya Andreyevich nói khi thấy Natasa vào. - Nào ngồi đây với cha, - Nhưng Natasa đến đứng bên cạnh mẹ, mắt nhìn quanh như tìm kiếm một cái gì. - Mẹ ơi! - nàng nói. Mẹ đưa anh ấy lại đây cho con đi, kìa nhanh lên, nhanh lên, - nàng chật vật lắm mới nén được tiếng nấc. Nàng lại ngồi cạnh bàn trà và lắng tai nghe tiếng nói chuyện của những người lớn và Nikolai bấy giờ đã ra bàn trà. “Trời ơi, trời ơi vẫn những khuôn mặt ấy, vẫn những câu chuyện ấy, ba vẫn cầm chén trà như thế, vẫn thổi thổi đúng như thế!” - Natasa nghĩ thầm, và kinh hãi thấy trong lòng mình bỗng nổi dậy một cảm giác chán ghét đối với mọi người ở trong nhà vì họ vẫn như cũ. Sau bữa trà, Nikolai, Sonya và Natasa vào phòng đi-văng ngồi ở cái góc yêu thích của họ, nơi họ vẫn bắt đầu những câu chuyện tâm tình sâu kín nhất. Chương 10 - Anh có bao giờ thấy thế này không nhé, - Natasa nói với anh khi ba người đã ngồi vào chỗ quen thuộc trong phòng đi-văng - Anh có bao giờ cảm thấy rằng rồi đây sẽ chẳng còn gì nữa, chẳng có gì hết nữa, và tất cả nhưng gì tốt đẹp đều không còn nữa không. Những lúc ấy thì không thể nói là chán, mà quả là buồn anh nhỉ? - Sao lại không? - Nikolai nói - Nhiều khi mọi người đang vui anh bỗng có ý nghĩ rằng tất cả đều tẻ ngắt và mọi người rồi cũng phải chết. Ở trung đoàn có một lần anh không đi chơi, mặc dầu ở đấy có âm nhạc… và bỗng dưng anh thấy chán quá… - Ô cái ấy thì em biết. Em biết lắm, - Natasa phụ họa theo, - Hồi còn bé, em cũng đã có lần thấy như thế đấy. Anh nhớ không, lần em bị phạt vì chuyện mấy quả mận, trong lúc các anh các chị nhảy múa thì em phải ngồi trong phòng học khóc nức nở; chuyện ấy em không bao giờ quên được: em vừa buồn, vừa thấy thương hại hết mọi người, thương hại cả mình và tất cả mọi người. Và cái chính là em bị phạt oan, anh nhớ không nào? - Nhớ chứ, - Nikolai nói - Anh nhớ là sau đó vào tìm em, anh muốn dỗ em, thế mà, em ạ, anh lại ngượng. Dạo ấy chúng mình thật đến buồn cười. Hồi đó anh có một con lật đật, anh muốn đem cho em. Em có nhớ không? - Thế anh có nhớ - Natasa nói, miệng nở một nụ cười mơ mộng, - Có một dạo, đã lâu lắm, lâu lắm rồi, chúng mình hãy còn bé tí, chú gọi chúng mình vào phòng làm việc - trong ngôi nhà cũ hồi xưa ấy mà - lúc bấy giờ trời tối, chúng mình vào và bỗng nhiên thấy trong ấy có… - Một chú da đen, - Nikolai nói tiếp với một nụ cười vui sướng, - Sao lại không nhớ? Cho đến bây giờ anh vẫn không biết có phải là một chú da đen thật không, hay đó chính là vì chúng mình nằm mê thấy thế, hay là nghe ai kể chuyện lại. Chú ta xám xịt, anh có nhớ không, mà răng thì trắng nhởn ra, cứ đứng nhìn chúng mình… - Cô có nhớ không, Sonya? - Nikolai hỏi… - Có có em cũng có nhớ đôi chút, - Sonya bẽn lẽn đáp. - Em có hỏi ba mẹ về chú da đen kia - Natasa nói. - Ba mẹ đều nói là chẳng có chú da đen nào cả. Thế nhưng anh cũng nhớ là có kia mà! - Sao thế nhỉ, anh còn nhớ rõ mồn một hàm răng của chú ta. Lạ thật, cứ như trong giấc mơ ấy. Điều đó làm em rất thích. - Thế em còn nhớ hồi chúng ta lăn mấy quả trứng trong gian phòng lớn, bỗng nhiên có hai bà già hiện ra và bắt đầu quay tít trên tấm thảm không? Cái đó có thật hay không? Em nhớ chứ, dạo ấy thích quá nhỉ! - Ừ, thích thật. Thế anh có nhớ hôm ba mặc chiếc áo da lông màu xanh đứng trên thềm bắn súng không? Họ mỉm cười sung sướng tranh nhau nhắc lại những chuyện xưa không phải với nỗi tiếc nhớ rầu rĩ của những người đã già, mà với cái thú ngọt ngào của một hồi ức trẻ trung và đầy thi vị; họ nhắc lại những ấn tượng của thời dĩ vãng xa xăm nhất, trong đó cõi mộng pha lẫn với thực tế, và họ vui thú cười rúc rích với nhau. Như thường lệ, Sonya không tham dự vào câu chuyện mặc dù cả ba người đều có những kỷ niệm chung. Trong số những kỷ niệm mà họ cùng nhắc nhở, có nhiều điều Sonya không nhớ được, và những điều mà nhớ cũng không gợi cho nàng những cảm giác nên thơ như họ. Nàng sung sướng chỉ vì thấy họ vui, và nàng cố gắng hòa mình vào niềm vui của họ. Nàng chỉ góp chuyện khi họ nhắc lại cái dạo Sonya mới đến. Sonya kể lại rằng hồi ấy nàng rất sợ Nikolai vì áo anh ta có những sợi dây và bà vú em nói với nàng là người ta sẽ khâu nàng vào mấy sợi dây đó. - Em còn nhớ: họ bảo là Sonya sinh ra dưới một cây bắp cải, - Natasa nói - Và em cũng nhớ rằng hồi ấy em không dám không tin, nhưng biết rằng không phải thế, thành thử cứ thấy ngượng nghịu thế nào ấy. Họ đang nói chuyện thì từ sau cánh cửa phía sau của phòng đi-văng một cô đầy tớ gái ló đầu ra. Chị ta nói nhỏ: - Thưa tiểu thư, con gà trống đã đem đến rồi đấy ạ. - Thôi Polya ạ, bảo mang nó đi. - Natasa nói. Đang giữa chừng câu chuyện thì Dimler vào phòng đi-văng đến cạnh cây thụ cầm đặt ở góc phòng. Ông ta lật vải bọc, và dây đàn bị chạm phát ra một âm thanh ngang tai. Có tiếng của bá tước phu nhân từ bên phòng khách nói vọng sang: - Eduard Karlyts, ông làm ơn chơi bài “Dạ khúc” của ông Phin cho tôi nghe với, tôi thích bài ấy lắm đấy. Dimler dạo một hợp âm và ngoảnh về phía Natasa, Nikolai và Sonya nói: - Thanh niên ngồi chơi hiền lành quá nhỉ! - Thì chúng tôi đang triết lý mà lại, - Natasa ngoảnh lại nói, rồi câu chuyện lại tiếp tục. Bây giờ họ nói chuyện về những giấc chiêm bao. Dimler bắt đầu đánh đàn. Natasa rón rén bước đến chiếc bàn lấy cây nến đem ra ngoài phòng, chân bước không tiếng động, rồi lẳng lặng về chỗ ngồi. Gian phòng tối om, nhất là trên chiếc đi-văng mà họ ngồi, nhưng từ những khung cửa sổ lớn ánh trăng rằm hắt xuống nền nhà một vùng ánh sáng màu bạc. Dimler đã đánh xong bản đàn và đang dạo khẽ mấy tiếng bâng quơ hình như lưỡng lự không biết có nên thôi hay bắt đầu chơi một bài khác. Natasa nhích lại gần Nikolai và Sonya, thì thầm:
- Này, em đang nghĩ rằng nếu cứ nhớ lại, cố nhớ lại, nhớ thật nhiều thì sẽ nhớ ra được những việc thời xưa từ khi mình chưa sinh ra. - Thuyết luân hồi đấy, - Sonya nói; nàng vốn là một cô học trò giỏi, học gì cũng nhớ - Người Ai Cập cổ đại tin rằng trước kia hồn của ta ở trong loài vật và sau này trở về nhập vào xác loài vật. - Không phải chị ạ, em không tin rằng chúng ta xưa kia là loài vật - Natasa vẫn nói thì thầm như trước, mặc dầu bây giờ tiếng đàn đã dứt, - Em biết chắc rằng chúng ta trước kia là những thiên thần sống ở một nơi nào trên đời và đã từng ở đây rồi, vì thế cho nên chúng ta mới nhớ được hết như vậy. - Cho tôi góp chuyện với có được không? - Dimler rón rén lại gần nói đoạn ngồi xuống cạnh họ. Nikolai nói: - Nếu quả trước kia chúng ta là những vị thiên thần, thế tại sao chúng ta lại sa xuống thấp như thế này? Không, không thể như thế được. - Thấp đâu, ai bảo là thấp… Nếu thế thì tại sao em lại biết được trước kia em là gì, - Natasa cãi lại giọng quả quyết, - Linh hồn ta bất diệt… thế nghĩa là nếu ta phải sống mãi mãi, thì trước kia ta cũng đã sống rồi, sống từ đời nảo đời nào, qua tất cả cái thời vĩnh cửu. - Đúng, nhưng chúng ta khó mà hình dung được cái vĩnh cửu. - Dimler nói. Lúc nãy ông ta đến ngồi cạnh bọn trẻ với một nụ cười hiền hậu và có vẻ như hạ cố, nhưng bây giờ ông cũng nói khẽ, giọng trang nghiêm như họ. - Sao lại khó, - Natasa nói, - Hôm nay này, rồi đến ngày mai, ngày kia, rồi cứ thế mãi; hôm qua này, rồi hôm kia, rồi cứ thế… Có tiếng nói của bá tước phu nhân ở phòng bên: - Natasa! Bây giờ đến lượt con, con hát một bài gì cho mẹ nghe đi. Sao cả bọn cứ ngồi n rầm như một hội kín thế? - Mẹ ạ! Con chả muốn hát đâu, - Natasa nói, nhưng đồng thời vẫn đứng dậy. Cả bọn, kể cả ông Dimler là người đã có tuổi, đều không muốn cắt đứt câu chuyện và rời cái phòng đi-văng ấy, nhưng Natasa đã đứng dậy, và Nikolai ngồi vào đàn dương cầm. Vẫn như thường lệ, Natasa ra đứng ở chính giữa phòng và chọn chỗ nào âm hưởng thuận lợi hơn cả, rồi bắt đầu hát bài hát mẹ nàng thích nhất. Nàng bảo là không muốn hát, nhưng đã lâu nàng chưa bao giờ hát như tối hôm nay, và về sau cũng còn lâu nàng mới lại hát được như vậy. Bá tước Ilya Andrevich đang ngồi nói chuyện với Mityenka trong phòng làm việc chợt nghe tiếng nàng hát, và như cậu học trò sốt ruột muốn làm bài xong cho nhanh đề còn đi chơi, ông lúng túng nói lầm lẫn trong khi dặn dò viên quản lý, và cuối cùng lặng im; Mityenka cũng im lặng đứng trước mặt bá tước mỉm cười lắng nghe, Nikolai không rời mắt nhìn em gái và thở cùng một nhịp với nàng. Trong khi nghe, Sonya nghĩ đến sự khác nhau to lớn giữa nàng với bạn nàng: quả mình không thể nào có được một cái phần duyên dáng dầy sức quyến rũ của Natasa. Lão bá tước phu nhân ngồi nghe, mỉm cười buồn rầu và sung sướng, nước mắt rơm rớm trên mi, thỉnh thoảng lại khẽ lắc đầu. Phu nhân nghĩ đến Natasa, đến tuổi trẻ đã qua, đến cuộc hôn nhân sắp tới của Natasa với công tước Andrey và cảm thấy hình như có một cái gì không tự nhiên, một cái gì đáng sợ trong cuộc hôn nhân này. Dimler đến ngồi cạnh bá tước phu nhân và nhắm mắt lại nghe tiếng hát. Được một lúc ông ta nói: - Bá tước phu nhân ạ, quả là một tài nghệ của toàn châu Âu; tiểu thư chẳng còn gì phải học nữa, giọng hát thật là mềm mại, dịu dàng, có sức mạnh… - Chao ôi! Tôi sợ cho nó quá, - bá tước phu nhân nói, quên bẵng mình đang nói với ai. Cái trực giác của một người mẹ mách bảo phu nhân rằng trong Natasa có một cái gì thái quá, và vì cái đó Natasa sẽ khổ. Natasa hát chưa xong thì cậu bé Petya mười bốn tuổi mừng rỡ chạy vào phòng báo tin là các nhân vật cải trang đã đến. Natasa ngừng bặt. - Đồ ngốc! - nàng quát em, rồi chạy lại ngồi thụp xuống ghế và khóc nức nở, đến nỗi hồi lâu vẫn không sao nín được. - Không sao cả mẹ ạ, thật mà: em Petya chạy vào làm con sợ, thế thôi, - Natasa nói và cố mỉm cười, nhưng nước mắt nàng vẫn chảy và những tiếng nấc vẫn nghẹn ngào ở cổ. Một đám gia nhân cải trang thành những con gấu, những người Thổ Nhĩ Kỳ, những lão chủ quán rượu, những cô tiểu thư, trông vừa dễ sợ vừa ngộ nghĩnh, mang theo một luồng gió lạnh và một không khí vui vẻ tưng bừng, lúc đầu còn rụt rè lấp ló ở phòng ngoài, rồi người này nấp sau người kia, họ đẩy nhau tiến vào phòng lớn, và bắt đầu ca hát, nhảy múa, chơi những trò chơi Noel, thoạt tiên còn e dè, nhưng về sau mỗi lúc một thêm vui vẻ hồn nhiên. Bá tước phu nhân nhìn những người cải trang, nhận ra các gia nhân và cười vì cách cải trang của họ, rồi bỏ ra phòng khách. Bá tước Ilya Andreyevich ngồi trong phòng lớn mỉm cười vui vẻ khích lệ những người biểu diễn. Bọn trẻ đã lẻn đi đâu mất. Nửa giờ sau có thêm một tốp người cải trang xuất hiện: một bà phu nhân già mặc váy xòe có khung - đó là Nikolai, một cô gái Thổ Nhĩ Kỳ đó là Petya, Dmiler thì cải trang thành chú hề rơm, Natasa thì lại là một gã phiêu kỵ, và Sonya là một chàng trai Tserkex [157] có ria mép và lông mày vẽ bằng than nút chai. - Thôi thì những người không cải trang tha hồ giả vờ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, không nhận ra ai vào với ai, trầm trồ khen ngợi. Bọn trẻ cho rằng cải trang như thế này hay lắm cho nên thế nào cũng phải đi khoe mới được. Nikolai rất muốn cho cả bọn lên xe tam mã vì thấy đường đi rất tốt, liền bàn lấy thêm mươi người gia đình cải trang và đánh xe đến nhà ông chú. - Không được đâu, ai lại đến phá quấy một ông già! - bá tước phu nhân nói. - Mà ở nhà chú ấy thì có chỗ đâu mà cựa mình. Có đi thì đi đến nhà bà Melyukova ấy. Bà Melyukova là một quả phụ sống với lũ con, nhớn có bé có, và mấy người nam nữ gia sư, cách nhà Roxtov bốn dặm. Lão bá tước bấy giờ đã cao hứng lên, liền phụ họa theo: - Phải đấy, ý ấy hay lắm bà nó ạ, nào, để tôi hóa trang ngay bây giờ và cùng đi với các cô các cậu. Tôi sẽ làm cho bà Paset trố mắt ra cho mà xem. Nhưng bá tước phu nhân không chịu cho bá tước đi: suốt mấy ngày nay chân ông ta lại đau nhức. Họ quyết định là ông Ilya Andreyevich không nên đi, và nếu có bà Luyza Ivanovna (tức bà Schoss) cùng đi thì hai cô tiểu thư cũng có thể đến nhà bà Melyukova. Sonya vẫn rụt rè e lệ là thế mà bây giờ lại nằng nặc khẩn khoản bà Luyza Ivanovna đừng từ chối, nàng có vẻ hăng hái hơn ai hết. Cách phục sức cải trang của Sonya trội hơn cả. Bộ ria mép và đôi lông mày đen hợp với nàng một cách lạ lùng. Mọi người đều bảo là trông nàng rất xinh, cho nên Sonya có một tâm trạng phấn chấn rất ít khi thấy ở nàng. Một giọng nói đâu ở bên trong nói với nàng rằng số phận nàng có định đoạt được hay không chính là trong ngày hôm nay, và trong bộ trang phục đàn ông nàng như có vẻ như đã thành một người khác hẳn. Bà Luyza Ivanovna ưng thuận, và nửa giờ sau bốn cỗ xe tam mã, trong tiếng chuông và tiếng nhạc ngựa, lướt kin kít trên lớp tuyết đóng băng, đến đỗ trước thềm. Natasa là người đầu tiên tạo nên cái không khí vui tươi của ngày lễ Giáng sinh, và niềm vui của nàng lan từ người này sang người khác, mỗi lúc một tăng thêm và lên đến cực điểm khi mọi người đã ra ngoài không khí giá lạnh, cười nói rộn rã, gọi nhau ơi ới ngồi lên xe trượt tuyết. Trong số xe tam mã có hai cỗ thường dùng để chạy những việc cần, cỗ thứ ba là cỗ của lão bá tước thắng một con ngựa tế giống Oriol ở giữa, cỗ thứ tư là xe riêng của Nikolai, ở giữa thắng một con ngựa ô lông xù dáng lùn thấp. Nikolai mặc bộ áo bà già, bên người khoác chiếc áo khoác dài của sĩ quan phiêu kỵ có thắt lưng, đứng cầm cương ở giữa xe tam mã. Trời sáng đến nỗi chàng thấy lấp lánh dưới ánh trăng những miếng kim loại trên các dây thắng và mắt mấy con ngựa đang sợ hãi quay lại nhìn đám người huyên náo đứng dười mái hiên tối xẫm ở bậc thềm. Natasa, bà Schoss và hai người đầy tớ gái ngồi lên cỗ xe của Nikolai. Hai vợ chồng ông Dimler và Petya thì ngồi lên cỗ xe của lão bá tước, hai cỗ còn lại thì các gia nhân cải trang ngồi. - Đi lên trước đi Zakhar! - Nikolai quát to bảo bác xà ích của bá tước, để dọc đường sẽ có dịp vượt qua xe bác ta. Cỗ xe tam mã của lão bá tước chở Dimler và mấy người cải trang khác, kêu rin rít trên giá trượt tuyết như đã bị dính chặt xuống mặt đường rồi lao về phía trước, tiếng nhạc ngựa kêu lanh tanh, hai con ngựa thắng hai bên ép mình vào càng xe giẫm lên lớp tuyết cứng và sáng lấp lánh như đường kính. Nikolai giục ngựa phóng theo cỗ xe đi trước; ở phía sau, các cỗ xe còn lại cũng bắt đầu kêu kin kít phóng đi trong tiếng nhạc ngựa. Lúc đầu họ phóng nước kiệu trên con đường hẹp. Trong khi xe đi ngang khu vườn, thỉnh thoảng bóng những cây trụi lá vắt ngang qua đường và che lấp ánh trăng sáng tỏ, nhưng vừa ra khỏi trang viên, thì cánh đồng phủ tuyết im lìm tràn ngập ánh trăng, sáng óng ánh như kim cương và lấp lánh những tia phản chiếu xanh biếc, đã mở ra bát ngát mênh mông. Chiếc xe đi đầu nẩy lên y như thế, rồi táo bạo phá tan bầu không khí tĩnh mịch, bốn chiếc xe trượt tuyết nối đuôi kéo thành hàng dài trên đường cái. - Có vết thỏ, nhiều vết lắm! - giọng Nikolai vang lên trong không khí giá lạnh. - Trăng sáng quá Nikolan nhỉ - có tiếng Sonya nói, Nikolai ngoảnh lại cúi xuống nhìn tận mặt Sonya. Một khuôn mặt đáng yêu hoàn toàn mới mẻ, có bộ ria mép và đôi lông mày đen, nhô lên trên chiếc áo khoác lông chồn bạc, đang nhìn chàng dưới ánh trăng huyền ảo, trông chẳng rõ gần hay xa. “Nàng Sonya trước kia ở đâu?” - Nikolai nghĩ thầm… Chàng nhìn nàng sát mặt và mỉm cười. - Gì thế anh Nikolai. - Không, - chàng nói, rồi lại quay về phía mấy con ngựa. Trên đường cái chằng chịt những vết xe trượt tuyết và vết móng ngựa trông rõ mồn một dưới ánh trăng, mấy con ngựa tự ý kéo căng dây cương và chạy nhanh thêm. Con ngựa thắng bên trái cúi đầu sang một bên, nhảy lên từng đợt, giật giật mấy sợi dây thắng; con ngựa thắng ở chính giữa nhún mình chạy, vểnh tai lên như có ý hỏi: “Đã nên bắt đầu chưa, hay là hãy còn sớm?” ở phía trước có thể thấy nổi bật lên trên nền tuyết trắng bóng cỗ xe tam mã đen của Zakhar bây giờ đã cách khá xa, và nghe tiếng rung trầm trầm của chiếc chuông xe xa dần, tiếng hò reo và tiếng nói cười của những người cải trang. - Nào, các chú! - Nikolai quát ngựa, một tay giật cương, tay kia cầm roi giơ cao lên. Thế là hai con ngựa thắng hai bên kéo căng dây cương và ngày càng đưa chân dồn dập hơn, luồng gió thổi ngược lại như mạnh hẳn lên, đủ biết xe đang lao nhanh đến nhường nào. Nikolai ngoảnh lại nhìn. Hai người đánh xe đi sau cùng đã hoa roi lên, hò hét giục ngựa phi nhanh theo. Con ngựa của Nikolai phi rất vững vàng dưới thanh gỗ vòng cung [158] , không hề có ý giảm tốc độ và hứa hẹn khi cần sẽ còn phi nhanh hơn nữa. Nikolai đã đuổi kịp chiếc xe tam mã đi đầu. Họ xuống một cái đốc và đi vào một con đường rộng chạy qua một cánh đồng cỏ ở ven sông. “Chỗ này là chỗ nào nhỉ? - Nikolai nghĩ thầm, - Chắc là bãi cỏ Koxey. Nhưng không phải, trông lạ lắm, chỗ này ta chưa bao giờ đi qua. Chẳng phải là bãi cỏ Koxey mà cũng chẳng phải là đồi Diomkina, có trời biết là chỗ nào! Đây là một cảnh nào mới lạ và thần kỳ. Thôi cũng được cần gì” - Và chàng quát ngựa, bắt đầu cho xe vượt cỗ xe đi trước. Zakhar kìm ngựa lại và ngoảnh khuôn mặt phủ đầy sương giá đến tận mày về phía Nikolai. Nikolai cho ngựa phóng lên. Zakhar giang tay ra phía trước, tặc lưỡi một cái và cũng giục ngựa phóng lên. - Nào, cậu giữ vững nhé! - lão nói. Hai cỗ xe chạy sóng đôi càng phóng nhanh hơn nữa, chân ngựa phi càng thêm dồn dập. Nikolai bắt đấu dấn lên trước. Zakhar, hai tay vẫn đưa thẳng ra phía trước, giơ cao tay cầm cương lên. - Cậu đừng hòng, cậu ạ. - Zakhar quát to về phía Nikolai. Nikolai cho cả ba con ngựa phóng nước đại và vượt qua xe Zakhar. Vó ngựa làm những hạt tuyết khô và mịn bắn tung tóa lên mặt mấy người đi xe. Bên cạnh họ, tiếng vó ngựa nện tuyết rầm rập, bóng chân ngựa phi nhanh và bóng cỗ xe họ đang vượt hòa lẫn vào nhau. Tiếng kin kít của giá trượt tuyết và tiếng reo của mấy cô con gái vang lên tứ phía. Nikolai lại dừng ngựa và đưa mắt nhìn quanh. Chung quanh vẫn là cánh đồng thần kỳ tràn ngập ánh trăng và óng ánh như giát đầy sao. “Zakhar bảo ra rẽ sang trái, sao lại rẽ sang bên trái nhỉ? - Nikolai tự nhủ. - Thế ra ta đang đi về phía nhà bà Melyukova, và đây là địa phận bà Melyukova sao? Thật ra nào có ai biết ta đang đi đâu và cái gì đang diễn ra thế này - nhưng chắc cái đó thật ngộ nghĩnh và thú vị”. - Chàng ngoảnh lại nhìn. Trong xe mấy người lạ mặt trong rất kỳ dị mà xinh xắn, có những bộ ria mép và những đôi mày thanh tú. Một người trong bọn họ nói: - Xem kìa, râu và lông mi của anh ấy trắng cả ra. Đó hình như là Natasa thì phải, - Nikolai nghĩ thầm, - còn kia là bà Schoss; mà cũng có thể là không phải cũng nên, còn anh chàng Tserkex có ria mép kia thì chẳng rõ là ai, nhưng mình yêu người đó lắm: - Có rét không - Chàng hỏi. Họ không đáp chỉ cái tiếng cười khanh khách. Dimler ngồi ở xe sau quát to lên một câu gì đấy, chắc là buồn cười lắm, nhưng chẳng nghe rõ. - Phải rồi, phải rồi, - có tiếng ai vừa đáp, nhưng đây, họ đã đến một khu rừng thần tiên nào với những bóng đen chập chờn, với những ánh kim cương lóng lánh, và một dãy bậc thềm cẩm thạch, những mái nhà thần tiên bằng bạc, những tiếng rú the thé của một loài thú nào không rõ. “Nếu quả thật đây là trang viên Melyukova, thì lại càng lạ hơn nữa: chúng ta đi chẳng hiểu đi đến đâu thế này, mà rốt cục lại đến Melyukova!” Nikolai thầm nghĩ. Quả nhiên đây là trang viên Melyukova. Các nam nữ gia nhân ở trong nhà cầm nến chạy ra thềm, vẻ mặt mừng rỡ. Trên thềm có tiếng hỏi: - Ai thế? Có tiếng đáp: - Người bên nhà bá tước cải trang sang chơi, trông ngựa cũng đủ biết. Chương 11 Bà Pelagheya Danilovna Melyukova, một người đàn bà vạm vỡ linh hoạt, mắt đeo kính, mình mặc áo choàng rộng, đang ngồi trong phòng khách giữa mấy cô gái, và đang cố gắng bày trò giải trí cho họ. Mấy mẹ con đang im lặng đốt sáp cho chảy ra rồi xem hình các vũng sáp thì bỗng ở phòng áo có tiếng chân bước rầm rập và tiếng người huyên náo. Những chàng phiêu kỵ, những cô tiểu thư, những mụ phù thuỷ, những chú hề rơm, những con gấu, vừa ho húng hắng vừa lau lớp sương giá đọng trên mặt, từ phòng ngoài kéo vào phòng lớn. Người nhà thắp nến. Anh hề rơm Dimler và bà mệnh phụ Nikolai mở đầu cuộc khiêu vũ. Giữa đám trẻ con đang xúm quanh hò hét ầm ỹ, bọn người cải trang, cố che mặt và đôi giọng cho khác đi đến cúi chào nữ chủ nhân rồi tản ra khắp phòng. - Chà, không sao nhận ra được! Xem Natasa kìa! xem cô ấy giống ai thế kia. Đúng, trông giống ai ấy. Còn Eduard Karlyts nữa kìa, trông hay quá! Tôi không nhận ra được đấy. Mà nhảy giỏi quá! - Cha mẹ ơi, lại có một chú Tserkex nữa kia kìa; thật hợp với Xônyauska. Lại còn ai nữa thế kia! Thật các cậu làm cho tôi vui quá! Nikolai, Vanya dẹp bàn đi nào. Thế mà lúc nãy chúng tôi cứ ngồi ru rú một chỗ! Bốn bề có tiếng nói lao xao: - Ha - ha - ha… Trông chàng phiêu kỵ kìa! Đúng như một cậu con giai, lại đôi chân kia nữa!… Tôi không thấy được… Natasa, bạn quý của chị em nhà Melyuko, cùng đi với họ biến vào phòng trong. Họ đòi nào nút chai, nào áo choàng, áo khoác, nào quần áo đàn ông để cải trang, và từ cánh cửa hé mở, những cánh tay con gái để trần thò ra đón lấy những thứ đó, do một người nô bộc mang lại. Mười phút sau cả bọn thanh niên nhà Melyuko đều nhập bọn với đám người cải trang. Pelagheya Danilovna sai người đẹp chỗ cho khách vui chơi và sai dọn thức ăn để thết họ, bà đi đi lại lại giữa đám người cải trang, rồi với nụ cười kín đáo, nhìn sát mặt từng người qua đôi kính trắng, nhưng chẳng nhận ra ai cả. Không những bà không nhận ra anh em nhà Roxtov và ông Dimler mà ngay cả mấy cô con gái của bà và những chiếc áo dài, những bộ quân phục của chồng bà mà họ mang ra mặc, bà cũng không nhận ra nốt. Bà nhìn tận mắt cô gát của bà bấy giờ cải trang thành một người Tatar miền Kazan rồi quay sang hỏi bà gia sư: - Thế cô này con cái nhà ai nhỉ? Hình như cô nào ở bên nhà bá tước Roxtov thì phải. Thế còn ngài thưa ngài phiêu kỵ, ngài tòng ngũ ở trung đoàn nào ạ? - bà hỏi Natasa. - Còn cái ông Thổ Nhĩ Kỳ kia nữa, cho ông ấy ăn mứt với - bà nói với người hầu trà đang bưng kẹo bánh đi mời khách - Món này luật của đạo Hồi không cấm ăn đâu. Đôi khi ngắm những bước nhảy kỳ quặc và ngộ nghĩnh của đám người khiêu vũ bấy giờ yên trí rằng mình đã cải trang như thế này thì chẳng còn ai nhận ra được nữa nên không chút thẹn thùng, bà Pelagheya Danilovna lấy khăn tay che mặt và cái thân hình đẫy đà của bà rung lên từng đợt một trận cười hồn hậu không sao nhịn được mà những người già cả thường có. - Xem con Xasinet nhà tôi kìa! - bà nói. Sau các điệu múa và các điệu nhảy vòng tròn của dân tộc Nga, Pelagheya Danilovna tập hợp mọi người lại, không phân biệt chủ tớ, thành một vòng tròn lớn họ đem ra một chiếc nhẫn, một sợi dây và một đồng rúp. Những trò chơi chung kết bắt đầu. Một giờ sau bao nhiêu trang phục đều đã nhàu nát và xơ xác cả ra. Những bộ ria mép và những đôi lông mày kẻ bằng than nút chai đều chảy nhoe nhoét trên những khuôn mặt nóng bừng và vui vẻ, ướt đẫm mồ hôi. Bà Pelagheya Danilovna bắt đầu nhận được mặt những người hóa trang, trầm trồ khen ngợi các bộ trang phục sao mà khéo sắm thế, nhất là rất hợp với các tiểu thư, và cảm ơn mọi người đã làm cho bà vui như thế này. Các tân khách được mời ra phòng khách ăn bữa khuya, còn các gia nhân thì được thết đãi trong phòng lớn. Trong bữa ăn khuya, một cô gái già ở nhà bà Melyukova nói: - Chà, vào bói trong phòng tắm thì sợ lắm! - Sao lại sợ? - Cô con gái nhớn của bà Melyukova hỏi. - Thì các cô chả dám đi đâu mà, phải là người can đảm… - Tôi đi cho mà xem, - Sonya nói. - Cô thử kể đầu đuôi chuyện cô tiểu thư ấy ra sao nào? - cô con gái thứ hai của bà Melyukova nói. - Thế này nhé, trước đây có một cô tiểu thư, đem một con gà trống và hai bộ đĩa ăn vào buồng tắm ngồi, - cô gái già nói, - Cô ta ngồi được một lúc thì chợt nghe có tiếng xe trượt tuyết đến, có cả tiếng chuông xe, tiếng nhạc ngựa, nó đến thật, hiện hình thành một người y như người thật, mặc quân phục sĩ quan đến ngồi với cô ta trước bộ đĩa ăn. - Eo ôi! Eo ôi… - Natasa kêu lên, mắt hoáng sợ đảo tứ phía. - Thế rồi sao, nó nói à? - Ừ nói như người thật ấy, mọi việc đều đúng như thường lệ. Nó bắt đầu tán tỉnh cô gái ấy, và lẽ ra cô tiểu thư kia phải tiếp chuyện nó cho đến khi gà gáy, nhưng cô ta đâm hoảng, lấy tay che mặt. Thế là nó nắm lấy cô ta. May mà có mấy cô hầu gái chạy lại… - Chà, kể làm gì cho chúng nó sợ! - bà Pelagheya Danilovna nói. - Mẹ ơi, thế nhưng chính mẹ cũng có bói kia mà… - một cô con gái nói. - Thế còn bói trong nhà kho thì sao nhỉ? - Sonya hỏi. - Nào có gì đâu, bây giờ cũng bói được thôi; này nhé, cứ ra ngoài nhà kho rồi lắng nghe. Nếu có tiếng gõ như người đóng đinh là điềm xấu, còn nếu nghe tiếng thóc đổ xuống rào rào thì lại là điềm tốt; lại có nhiều khi… - Mẹ ơi, mẹ vào nhà kho thì thế nào hở mẹ? Bà Pelagheya Danilovna mỉm cười: - À mẹ quên mất rồi… Các cô chắc không có ai đi chứ? - Có chứ, cháu sẽ đi, bác Pelagheya Danilovna cho cháu đi nhé, - Sonya nói. - Đấy không sợ thì cứ đi. - Luyza Ivanovna, cho em đi nhé? - Sonya xin phép bà gia sư. Từ nãy đến giờ, dù là khi chơi trò nhẫn, trò sợi dây hay đồng rúp, hay khi đang nói chuyện như thế này, Nikolai luôn luôn ở sát cạnh Sonya và nhìn nàng với đôi mắt khác hẳn trước. Chàng có cảm tưởng là bây giờ chàng mới thực sự biết nàng, nhờ bộ ria kẻ bằng than nút chai kia. Quả Nikolai chưa bao giờ thấy Sonya vui vẻ linh hoạt, và xinh đẹp như tối hôm nay. “Đấy nàng như thế đấy, còn ta thì thật là một thằng ngốc!” - chàng nghĩ thầm trong khi nhìn đôi mắt sáng long lanh và nụ cười má lúm đồng tiền của nàng dưới bộ ria vẽ, nụ cười mà chàng chưa lần nào trông thấy. - Tôi chả sợ gì hết. - Sonya nói. - Đi ngay bây giờ có được không? - Nói đoạn nàng đứng dậy. Họ bảo cho Sonya biết nhà kho ở đâu, dặn nàng phải im lặng đứng nghe như thế nào, và đưa cho nàng một chiếc áo da lông. Nàng trùm chiếc áo da lông lên đầu và đưa mắt nhìn Nikolai. “Em tôi dễ thương quá! - Nikolai nghĩ thầm - Thế mà trước nay mình cứ nghĩ gì ở đâu đâu không biết!” Sonya ra hành lang để đi ra nhà kho. Nikolai cũng hối hả đi ra cổng trước, kêu là trong phòng bức quá. Quả thật trong nhà nhiều người quá, rất ngột ngạt. Bên ngoài vẫn bầu không khí giá băng và im lìm ấy, vẫn vầng trăng ấy, nhưng trời còn sáng hơn lúc nãy nhiều. ánh trăng chiếu sáng ngời, và trên mặt tuyết lấp lánh muôn nghìn ngôi sao, nhiều đến nỗi người ta chẳng buồn nhìn lên trời nữa, còn những ngôi sao thật thì chỉ thấy mờ mờ. Trên trời tối đen và tẻ nhạt, còn dưới đất thì lại rất tưng bừng. “Ngốc thật! Mình ngốc thật! Trước nay mình chờ đợi cái gì thế không biết?” - Nikolai nghĩ thầm. Sau khi chạy xuống thềm, chàng đi vòng góc nhà theo con đường nhỏ dẫn ra cửa sau. Chàng biết là Sonya sẽ đi qua chỗ ấy. Ở giữa đường có một đống củi xếp cao phủ đầy tuyết hắt bóng xuống đất, bóng những cây bồ đề trụi lá mọc bên cạnh đan chéo vào nhau hắt qua đống củi in xuống mặt đường tuyết phủ. Con đường nhỏ dẫn tới nhà kho. Tường và mái nhà kho phủ tuyết lấp lánh dưới ánh trăng như đẽo bằng ngọc quý. Một cành cây trong vườn gãy đánh rắc một cái, lồi mọi vật trở lại im lặng như tờ Có cảm tưởng như lồng ngực không thở không khí nữa, mà thở một niềm vui và một sức mạnh ngàn đời trẻ mãi. Từ thềm sau có tiếng giày bước xuống các bậc gỗ. Đến bậc cuối phủ tuyết có tiếng cót két rất to, loi tiếng cô gái già nói: - Cứ thẳng con đường nhỏ này mà đi cô nhé. Nhưng không được quay lại nhìn phía sau đấy! - Tôi chả sợ, - tiếng Sonya đáp lại, rồi đôi giày nhỏ nhắn của nàng bước lạo xạo trên mặt đường phủ đầy tuyết đi về phía Nikolai. Sonya bước đi, mình trùm chiếc áo khoác. Chỉ còn cách Nikolai có hai bước nàng mới trông thấy chàng; nàng thấy không giống như mọi khi. Chàng bây giờ không phải là người như trước đây nàng vẫn sờ sợ. Bây giờ chàng mặc chiếc áo dài phụ nữ, tóc rối xù lên môi nở một nụ cười vui sướng mới lạ đối với Sonya. Sonya chạy nhanh về phía Nikolai.
“Nàng khác hẳn đi, nhưng vẫn là nàng” - Nikolai nghĩ, mắt đăm đăm nhìn khuôn mặt chan hòa ánh trăng của Sonya. Chàng luồn tay vào trong chiếc áo khoác trùm trên đầu nàng, ôm chặt nàng vào lòng và hôn lên môi nàng, đôi môi có vẽ sâu thoang thoảng mùi nút chai đốt cháy. Sonya hôn chàng ở chính giữa môi rồi đang hai cánh tay nhỏ nhắn áp vào má chàng. Sonya!… Nikolai!… Họ chỉ nói có thế. Họ chạy đến nhà kho rồi trở vào nhà lớn, mỗi người vào theo lối mình vừa đi ra lúc nãy.
Chương 12 Khi mọi người rời ngôi nhà của Pelagheya Danilovna lên xe ra về, Natasa, xưa nay vốn rất tinh ý, xếp đặt cho bà Luyza và nàng cùng ngồi với Dimler, còn Sonya thì ngồi cùng xe với Nikolai và các nữ gia nhân. Nikolai bây giờ không muốn ganh đua với các xe khác nữa. Chàng cho xe chạy đều đều trên dường về, chốc chốc lại đưa mắt nhìn Sonya trong ánh trăng kỳ ảo đêm ấy. Chàng cố tìm trong làn ánh sáng luôn luôn biến đổi kia, dưới đôi lông mày và bộ ria ấy, nàng Sonya trước kia và nàng Sonya ngày nay của chàng, người mà chàng đã nhất quyết không bao giờ xa lìa nữa. Chàng nhìn nàng, và khi nhận ra con người vừa quen thuộc và vừa mới mẻ ấy và nhớ lại cái mùi nút chai đốt cháy pha lẫn với hương vị của chiếc hôn. Chàng lại hít thở không khí giá lạnh cho căng lồng ngực, và nhìn mặt đất đang vùn vụt lùi lại phía sau và bầu trời chan hòa ánh sáng, chàng lại cảm thấy mình đang trong một xứ sở thần tiên nào. - Sonya, em có thấy dễ chịu không? - thỉnh thoảng chàng lại hỏi. - Có, - Sonya đáp. - Thế còn anh? Giữa đường Nikolai giao cương cho người xà ích cầm, chạy sang xe Natasa và nhảy lên đứng trên giá trượt tuyết. - Natasa, - chàng nói thầm với em bằng tiếng Pháp. - Em biết không anh đã quyết định về việc Sonya rồi đấy. - Anh nói với chị ấy rồi à? - Natasa hỏi, gương mặt bừng sáng lên vì vui mừng. - Chà, em có đôi lông mày và bộ ria trong lạ quá, Natasa ạ; em bằng lòng chứ? - Em mừng lắm, mừng lắm anh ạ. Trước đây em đã giận anh đấy. Em không nói với anh nhưng em cho là anh đối xử với chị ấy tệ quá. Chị ấy tốt lắm Nikolai ạ, em mừng quá! Nhiều khi em cũng tệ nhưng nếu như em sung sướng một mình, không có Sonya thì em ngượng lắm, - Natasa nói tiếp - Bây giờ thì em mừng lắm rồi, thôi, anh sang với chị ấy đi. - Khoan đã nào, chà, em trông ngộ nghĩnh quá! - Nikolai nói, mắt vẫn chăm chú nhìn Natasa và cũng tìm thấy ở nàng một cái gì mới mẻ, khác thường đầy tình trìu mến và đầy sức quyến rũ, mà trước đây chàng chưa bao giờ thấy ở em. - Natasa này, có cái gì thần tiên quá nhỉ? - Ừ! - nàng đáp - anh làm như vậy là rất tốt. “Giá trước đây ta cũng thấy nó như bây giờ, Nikolai thầm nghĩ, Thì ta đã hỏi nó từ lâu xem nên làm gì, và nó bảo gì ta cũng làm theo, như thế mọi việc chẳng phải tốt đẹp cả rồi không”. - Thế mà em cũng bằng lòng, và anh làm như vậy là tốt à? - Ô tốt quá đi ấy chứ! Cách đây ít lâu em có cãi nhau với mẹ về việc này. Mẹ bảo là chị ấy ve vãn anh. Sao lại có thể nói như thế được nhỉ! Suýt nữa em cự mẹ đấy. Và không đời nào em cho phép ai được nói hay nghĩ một điều gì xấu về chị ấy, vì chị ấy chỉ có những mặt tốt mà thôi. - Vậy anh làm thế là tốt à? - Nikolai nhìn lại vẻ mặt em một lần nữa, xem có thật đúng như thế không, và nhảy xuống mặt tuyết, làm đôi ủng kêu cót két, rồi chạy về xe mình. Vẫn anh chàng Tsekex có râu tươi cười, vui sướng ấy ngồi trong xe, hai mắt long lanh nhìn chàng dưới cái mũ áo khoác lông chồn bạc, và anh chàng Tsekex ấy chính là Sonya và nàng Sonya ấy chắc chắn sẽ là người vợ tương lai dịu dàng sẽ yêu chàng đằm thắm và sẽ sống hạnh phúc bên chàng. Về đến nhà, hai cô thiếu nữ kể lại cho bá tước phu nhân nghe tối vui ở nhà Melyukova rồi trở về phòng riêng. Sau khi đã cởi áo, nhưng vẫn chưa chùi bộ râu kẻ bằng than nút chai, họ ngồi lâu nói chuyện về hạnh phúc của mình. Họ bàn chuyện sau này họ sẽ sống với chồng ra sao, chồng họ sẽ ăn ở hòa thuận với nhau và họ sẽ sung sướng như thế nào. Trên bàn Natasa hãy còn đặt mấy tấm gương mà Dunyasa đã sắp sẵn ở đó từ chặp tối. - Chỉ có điều là không biết bao giờ sẽ được như thế? Em sợ là chẳng bao giờ… Vì nếu được như thế thì sung sướng quá! - Natasa vừa nói vừa đứng dậy đi về mấy tấm gương. - Ngồi xuống Natasa ạ, có lẽ cậu sẽ thấy anh ấy cho mà xem - Sonya nói, Natasa thắp mấy ngọn nến và ngồi xuống. - Tôi thấy một người nào có râu mép ấy. - Natasa nói khi trông thấy mặt mình trong gương. - Đừng đùa, tiểu thư ạ. - Dunyasa nói. Natasa, với sự giúp đỡ của Sonya và chị hầu phòng, sắp lại mấy tấm gương cho đúng chỗ, mặt nàng trở lên nghiêm trang, nàng lặng im. Nàng ngồi hồi lâu nhìn vào dãy nến xa dần trong tấm gương và tưởng tượng là nàng sẽ thấy (như trong những câu chuyện mà nàng đâ nghe kể) khi thì một cỗ quan tài, khi thì lại là chàng, công tước Andrey trong cái ô vuông ở tận cùng, mờ mịt và chập chờn kia. Nhưng mặc dù cái vết nhỏ nào nàng cũng sẵn sàng nhìn thành một hình người hay một chiếc quan tài, nàng vẫn chẳng nhìn thấy gì cả. Nàng bắt đầu chớp mắt lia lịa và bỏ tấm gương ra nơi khác. - Tại sao người khác thấy mà tôi thì lại chẳng thấy gì cả? nàng nói. - Nào, chị thử ngồi xem, Sonya; hôm nay thế nào chị cũng phải nhìn. Chị hãy thử nhìn hộ em… Hôm nay em thấy sợ quá! Sonya ngồi xuống, sửa lại vị trí mấy tấm gương và bắt đầu nhìn. - Đấy, Sonya Alekxandrovna thế nào cũng thấy cho mà xem - Dunyasa thì thầm, còn cô thì lúc nào cũng đùa. Sonya nghe rõ mấy lời này, và nghe Natasa nói thầm: - Tôi cũng biết là chị ấy sẽ thấy; năm ngoái chị ấy đã có lần thấy rồi đấy. Cả ba im lặng vài phút. “Thế nào cũng thấy! “ - Natasa thì thầm và không nói hết câu… Chợt Sonya ẩy tấm gương đang cầm ra và lấy tay bưng mặt. - Ô, Natasa! Natasa đưa tay ra đỡ tấm gương hỏi dồn. - Thấy rồi à? Thấy rồi à? Chị thấy cái gì thế? Sonya chẳng thấy cái gì cả, nàng đang muốn chớp mắt và đứng dậy thì vừa nghe tiếng Natasa nói “Thế nào cũng thấy”. Nàng không muốn lừa dối Dunyasa và Natasa, và ngồi như vậy nàng thấy khó chịu quá. Chính nàng cũng không biết tại sao và làm thế nào mà nàng lại thốt ra tiếng kêu khi lấy tay bưng mặt. Natasa nắm lấy tay Sonya hỏi: - Thấy anh ấy à? - Ừ. Khoan đã nào… mình… thấy anh ấy, - Sonya buột mồm nói; lúc bấy giờ nàng cũng chưa biết Natasa nói anh ấy ý là muốn chỉ ai: Nikolai hay là Andrey Nhưng việc gì lại không nói là ta có thấy? Thì những người họ thấy cả đấy thôi! Mà ai có thể kiểm tra xem mình có thấy hay không thấy?” - ý nghĩ đó thoáng qua trí óc Sonya. Nàng nói: - Ừ mình thấy anh ấy. - Thế nào, thế nào? Đứng hay là nằm? - Không, mình thấy… Thoạt tiên chẳng có gì cả, rồi bỗng nhiên thấy anh ấy nằm. - Andrey nằm à? Anh ấy ốm à? - Natasa hoảng hốt hỏi dồn, mắt nhìn trừng trừng vào bạn. - Không, không phải đâu, không phải thế đâu, mặt anh ấy rất vui vẻ anh ấy ngoảnh mặt về phía mình, - và trong khi nói thế, chính nàng cũng có cảm tưởng là mình có thấy như vậy thật. - Thế rồi sao nữa hả chị Sonya? - Đến đây mình nhìn chẳng rõ nữa, cái gì xanh xanh đỏ đỏ ấy. - Sonya! Bao giờ anh ấy sẽ về? Bao giờ em mới thấy lại anh ấy! Trời ơi! Em sợ cho anh ấy và sợ cho em quá, cái gì em cũng làm em sợ… - Natasa nói, rồi không đáp lại những lời an ủi của Sonya nàng ngả mình xuống giường và sau khi nến tắt một hồi lâu, nàng vẫn còn mở mắt thao láo nằm im trên giường nhìn ánh trăng giá lạnh qua khung cửa sổ phủ đầy băng. Chương 13 Sau lễ Giáng sinh khá lâu, Nikolai thưa với mẹ là chàng yêu Sonya và đã nhất quyết lấy nàng. Bá tước phu nhân đã từ lâu nhận thấy tình hình giữa Sonya và Nikolai và chờ đợi lời thú nhận này. Phu nhân yên lặng nghe con nói, rồi bảo Nikolai rằng chàng muốn lấy ai thì cứ việc lấy, nhưng phu nhân cũng như bá tước không đời nào nào chấp nhận một cuộc hôn nhân như vậy. Lần đầu tiên, Nikolai cảm thấy mẹ chàng không bằng lòng chàng, và mặc dù rất thương con, bà sẽ không nhượng bộ. Bá tước phu nhân, vẻ lãnh đạm, chẳng buồn nhìn Nikolai, cho người đi mời chồng, khi bá tước đến, phu nhân muốn trình bày trước mặt Nikolai cho ông rõ sự việc một cách vắn tắt và thản nhiên, nhưng không cầm lòng nổi, bà bật lên tiếng khóc uất ức và ra khỏi phòng. Lão bá tước liền bắt đầu ấp úng khuyên răn Nikolai, yêu cầu chàng từ bỏ ý định ấy. Nikolai đáp rằng chàng không thể phản bội lời đã hứa; bá tước thở dài và có vẻ luống cuống, nói được mấy câu thì im bặt và bỏ vào phòng bá tước phu nhân. Cứ mỗi lần xung đột với con trai, ông lại không sao xua đuổi được ý nghĩ là mình có lỗi với con vì đã làm cho cảnh nhà sa sút vì vậy ông không thể giận con vì nó không chịu lấy một người vợ giàu mà lại đi chọn Sonya, cô gái nghèo không có chút của hồi môn. Lần này ông lại càng thấy rõ hơn nữa, rằng giá cảnh nhà không đến nỗi sa sút như thế này, thì không thể mong ước Nikolai có được một người vợ nào tốt hơn Sonya, mà sở dĩ gia cảnh suy sụp như thế này cũng chỉ tại mình ông với cái thằng Mityenka của ông và những thói quen mà ông không sao sửa đổi được. Hai vợ chồng bá tước không nói tới việc này với Nikolai nữa, nhưng mấy hôm sau bá tước phu nhân cho gọi Sonya đến, và với một thái độ tàn nhẫn mà cả bà lẫn Sonya đều không ngờ, bà trách móc nàng đã quyến rũ con bà và đã vong ân bội nghĩa đối với bà. Sonya nhìn xuống đất lẳng lặng nghe những lời lẽ cay nghiệt của bá tước phu nhân và không hiểu người ta đang đòi hỏi mình phải làm gì. Nàng vốn sẵn sàng hy sinh tất cả cho các ân nhân của nàng. Ý nghĩ hy sinh là ý nghĩ nàng yêu thích nhất; nhưng trong trường hợp này nàng không thể hiểu nàng phải hy sinh vì ai và hy sinh vì cái gì. Nàng không thể không yêu bá tước phu nhân và gia đình Roxtov, nhưng nàng cũng không thể không yêu Nikolai và không thể không biết rằng hạnh phúc của chàng lệ thuộc vào tình yêu đó. Nàng buồn rầu và trầm ngâm đứng yên không đáp. Nikolai thấy không thể nào chịu được tình trạng này nữa, liền đến gặp mẹ để giãi bày. Lúc thì chàng van xin mẹ tha thứ cho chàng và Sonya và ưng thuận cho hai người lấy nhau: lúc thì chàng hăm dọa là nếu người ta còn làm tình làm tội Sonya thì chàng sẽ lập tức bí mật làm lễ cưới với nàng. Với một vẻ lãnh đạm mà Nikolai chưa bao giờ thấy ở mẹ, bá tước phu nhân đáp lại rằng chàng nay đã thành niên, rằng công tước Andrey cũng lấy vợ mà không cần thỏa thuận của cha, và chàng cũng có thể làm như vậy, nhưng riêng phu nhân thì sẽ không bao giờ công nhận con người “thủ đoạn” kia làm con dâu mình. Nghe chữ “thủ đoạn”, Nikolai giận điên lên, chàng to tiếng nói với mẹ rằng chàng không ngờ mẹ chàng lại bắt chàng phải đem bán tình cảm của mình, và đã đến nước này thì chàng xin nói một lần cuối cùng rằng… Nhưng chàng chưa kịp nói ra câu quyết liệt mà cứ trông vẻ mặt của chàng phu nhân cũng đã đủ sợ hãi đợi chờ, cái câu mà nếu chàng nói ra có lẽ sẽ vĩnh viễn để lại một kỷ niệm đau xót giữa hai mẹ con, chàng chưa kịp nói thì vừa lúc ấy Natasa, nãy giờ đứng nghe ngoài cửa, đã bước vào phòng, gương mặt nhợt nhạt và nghiêm nghị. - Nikolai, anh chỉ nói dại, anh im đi, anh im đi! Em van anh, anh im đi!… - Nàng nói to như thét lên để át giọng chàng. Mẹ à. Mẹ yêu dấu của con, không phải thế đâu… mẹ của con, tội nghiệp quá, - Nàng quay sang nói với mẹ. Bấy giờ bá tước phu nhân cảm thấy chỉ còn một sợi tóc nữa là mẹ con đoạn tuyệt với nhau, và kinh hoàng nhìn Nikolai, nhưng vì tính cố chấp và vì cuộc tranh cãi đang gay go cho nên bà không thể nhượng bộ được. - Nikolenka, em sẽ nói với anh sau, bây giờ anh đi ra đi… Mẹ ạ mẹ yêu dấu của con, xin mẹ nghe con… Những lời nàng nói chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng nó vẫn đạt được kết quả mà nàng mong muốn. Bá tước phu nhân khóc nấc lên từng cơn, gục đầu vào ngực con gái, còn Nikolai thì đứng dậy, hai tay ôm đầu, và bước ra khỏi phòng. Natasa bắt tay vào công việc hòa giải và kết quả là bá tước phu nhân hứa với Nikolai sẽ không làm khổ Sonya nữa, còn chàng thì hứa sẽ không làm việc gì vụng trộm không cho cha mẹ biết. Với ý định nhất quyết sẽ thu xếp công việc ở trung đoàn, xin giải ngũ và trở về cưới Sonya, vào đầu tháng Giêng, Nikolai buồn rầu và trầm ngâm lên đường về đơn vị. Chàng đã bất hòa với cha mẹ, nhưng chàng có cảm tưởng là mình chưa bao giờ yêu tha thiết như thế này. Sau khi Nikolai ra đi, gia đình Roxtov lại buồn tẻ hơn bao giờ hết. Bá tước phu nhân vì quá ưu phiền nên sinh bệnh. Sonya đã buồn vì phải xa Nikolai, lại càng buồn hơn vì cái giọng đầy ác cảm mà bá tước phu nhân không thể nén mỗi khi nói với nàng. Bá tước thì lại càng lo âu hơn bao giờ hết trước cảnh nhà điêu đứng, bây giờ đang dòi hỏi những biện pháp bổ cứu quyết liệt. Nhất thiết phải bán ngôi nhà ở Moskva và trang viên ở ngoại thành, mà muốn bán nhà thì phải lên Moskva mới xong. Nhưng bệnh tình của phu nhân buộc ông phải hoãn chuyến đi hết ngày này sang ngày khác. Natasa trong thời gian đầu đã chịu đựng nỗi chia ly với người yếu một cách dễ dàng và thậm chí còn vui vẻ nữa, nhưng bây giờ mỗi ngày nàng thêm sốt ruột và bứt rứt. Nàng cứ nghĩ rằng quãng đời tốt đẹp nhất của nàng đang trôi qua một cách phí hoài, trống rỗng, quãng đời mà lẽ ra nàng có thể sống để yêu chàng, và ý nghĩ đó luôn luôn giày vò nàng. Những bức thư của chàng phần lớn làm cho nàng tức giận. Nàng thấy tủi nhục mỗi khi nghĩ rằng trong khi nàng chỉ sống với hình ảnh chàng, thì chàng lại sống một cuộc sống thật sự, được thấy những quang cảnh mới, với con người mới và thích thú với những thứ đó. Còn những bức thư nàng viết cho chàng thì không những không an ủi được nàng, mà lại có ẻ như một nhiệm vụ buồn tẻ và giả dối. Nàng không biết viết thư, vì nàng không thể quan niệm rằng người ta có thể diễn đạt trong thư một cách trung thực dù chỉ là một phân nghĩa những điều mà nàng vốn quen diễn đạt băng tiếng nói, nụ cười và khóe mắt. Nàng viết thư cho chàng những bức thư rập khuôn khô khan và đơn điệu mà nàng cũng chẳng để tâm gì đến, và mỗi lẫn nháp xong, bá tước phu nhân lại chữa hộ những lỗi chính tả cho nàng. Tình trạng sức khỏe của bá tước phu nhân vẫn không có gì khác trước. Nhưng đến lúc này không thể nào trì hoãn việc đi Moskva được nữa. Cần phải sắm đồ cưới cho Natasa, cần phải bán nhà; vả chăng công tước Andrey cũng sẽ về Moskva trước, vì lão công tước Nikolai Andreyevich đang qua mùa đông ở đấy, và Natasa tin chắc rằng chàng đã về đến nơi rồi. Bá tước phu nhân ở lại vùng quê, còn bá tước thì đến cuối tháng Giêng đem Sonya và Natasa cùng lên Moskva.
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...