Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Hồn xuân Việt trong một số bài Thơ mới

Hồn xuân Việt 
trong một số bài Thơ mới
Người ta cứ yêu và ca ngợi mùa thu với điệu buồn man mác, mơ màng, lãng mạn trong Thơ mới. Riêng tôi, đọc Thơ mới, tôi thấy mùa xuân mới thực đẹp, mang đậm hồn dân tộc.
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, trong lòng tôi lại man mác những vấn vương hoài cổ, và tôi tìm về với đôi vần Thơ mới cũng là để thỏa niềm nhớ thương không gian mùa xuân của những miền thăm thẳm xa xưa… Có rất nhiều nhà thơ mới viết về mùa xuân với một cảm thức đặc biệt. Có thể nói, cùng với mùa thu, mùa xuân thường xuyên xuất hiện làm nên một kiểu thời gian nghệ thuật đặc trưng, một phạm trù có tính biểu trưng trong tư duy, mỹ cảm của thi sĩ Thơ mới.
Ở đây, thoát khỏi cái nhìn có phần lý tính nhằm mô tả, đánh giá, lý giải biểu trưng mùa xuân trong Thơ mới, tôi đến với mùa xuân trong đôi vần thơ chỉ qua những đồng điệu và rung động tự tâm hồn. Từ đó, tôi thấy khác với mùa thu, mùa xuân mới thực là thời khắc của không gian đậm màu dân tộc. Thiết tưởng, để hiểu được một phần tinh thần dân tộc, hồn cốt giống nòi trong Thơ mới, cũng không nên bỏ qua cách mà một số nhà thơ mới cảm nhận và miêu tả mùa xuân.
Trong các nhà Thơ mới, có lẽ không ai cảm hết cái vẻ xuân đặc trưng của miền Bắc đến như Nguyễn Bính. Nét “chân quê” thể hiện trong những bức tranh xuân của Nguyễn Bính thật tinh tế. Tôi không muốn nhắc đến vẻ gợi cảm xuân tình kiểu: “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”. Những câu trên tân kỳ quá, đây mới đúng thực là Nguyễn Bính:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay.
(Xuân về - Nguyễn Bính)
Nguyễn Bính không chỉ tả mùa xuân mà dường như đã đưa được cả cái hồn, cái khí riêng của đất trời, con người xứ Bắc vào thơ. Mưa xuân trong thơ Nguyễn Bính đúng là mưa bụi của trời Bắc, lúc thì “giăng tơ trắng ngần”, lúc lại “phơi phới bay” tựa những rung cảm dịu êm của một tấm lòng son trẻ, có lúc nó “lửng lơ mù sương phảng phất” như nỗi niềm vương vấn, bâng khuâng. Quả thật, “mùa xuân tỏa ra từ thơ Nguyễn Bính cái dịu nhẹ của hương cam, cái thanh khiết xuân tình của lúa non đang đến thì con gái, cái tím biếc hoa xoan, cái hanh hao của nắng…” (Phạm Văn Học).
Theo cùng với những sắc màu, sự vật, mùi hương rất đỗi bình dị của làng quê ấy là những phong tục ngày Tết đã in sâu vào tâm linh người Việt: đêm hội chèo giữa đình làng, hội chùa… Tất cả tạo nên một không gian thiên nhiên và văn hóa mang đậm linh hồn xứ sở. Giữa thị thành náo nhiệt của thời hiện đại, tôi lấy làm thú vị và thấm thía biết bao khi đọc lại mấy câu thơ:
Xuân đã sang rồi em có hay
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kì bụi quá xuân không đến
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?
(Sao chẳng về đây - Nguyễn Bính)
Có lẽ, con người ta chỉ có thể cảm hết “mùa xuân xanh” khi ở giữa chốn làng quê này:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
(Mùa xuân xanh - Nguyễn Bính)
Cũng vẫn không gian thân thuộc ấy, cũng vẫn một hồn thơ mộc mạc, Anh Thơ mang đến một bức tranh quê có phần khách quan hơn. Khác với cái nhìn say mê, da diết của Nguyễn Bính, Anh Thơ nhìn và cảm nhận sự vật vào mùa xuân một cách điềm đạm, nhẹ nhàng. Sinh ra từ làng quê, ai mà không nhớ, không thương, không cảm thấy gần gũi quen thân vô cùng với một “chiều xuân” như thế này:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
(Chiều xuân - Anh Thơ)
Ta tưởng mình đang được ngắm một bức tranh thi vị quá. Ta tưởng nhìn thấy trong bài thơ cả mấy câu thơ của Ức Trai thuở xưa: “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi/ Lại thấy mưa xuân nước vỗ trời/ Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách/ Con đò gối bãi suốt ngày ngơi” (Bến đò xuân đầu trại - Nguyễn Trãi), hay “Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan” (Cuối xuân tức sự -  Nguyễn Trãi)…
Ta tưởng như mùa xuân của đất này muôn đời vẫn vậy, hay đúng hơn, nhà thơ đang họa trong thơ mình cái mùa xuân của muôn thuở trước bằng điệu hồn mới mẻ, giọng thơ trong veo. Riêng tôi, những câu thơ của Anh Thơ là cả nguồn xúc động khôn vơi được gợi nên từ nỗi nhớ cồn cào những bờ đê bãi cỏ, những bến đò quán chợ của quê hương ấu thơ.
Giống Anh Thơ ở lối tả chân, Đoàn Văn Cừ không hẳn là nhà thơ tiêu biểu của Thơ mới, nhưng nói như Hồng Diệu: “Nếu thơ ta thiếu vắng những bài thơ xuân của Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính (hai phong cách thơ xuân độc đáo) thì phong vị Xuân, Tết trong văn chương sẽ nhạt đi bao nhiêu!”. Đọc “Chợ Tết” của ông, chúng ta như được sống lại không khí xuân tết của một thời quá vãng với “đầy rẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui” (Hoài Thanh, Hoài Chân):
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết
Con gà trống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem…
(Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ)
Những câu thơ với lối nhìn và miêu tả hóm hỉnh, sinh động quá. Cả một phiên chợ được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ từ lúc “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết” cho đến khi “Những người quê lũ lượt trở ra về/ Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Thế mà cảnh nào cũng có những nét bất ngờ thú vị. Ông kể việc mà không khô khan, với hai mươi ba câu thơ, ông tả được không những cái đông đúc, ồn ào của khu chợ mà còn cho thấy rõ hình ảnh từng loại người, từng loại tâm lý tính cách, đến cả phong tục tập quán, lối sống của một thời. Cảnh trong “Chợ Tết”, đã từng khiến cho một đứa trẻ 8X không thấy quen thuộc nhưng lại gần gũi, thân thương, và vẫn khiến cho một người lớn 8X không nguôi yêu mến.
Phía trên, với Anh Thơ, Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ, dường như nhắc đến mùa xuân đất Việt thì phải là mùa xuân ở thôn quê. Có phải chăng “Giữa nơi thành thị gió mưa phai/ Chết dần từng nấc rồi mai mốt/ Chết cả mùa xuân chết cả đời” (Nguyễn Bính). Phải chăng hình ảnh thành thị lúc bấy giờ trở thành chốn bụi bặm, nhốn nháo, lai căng mà mất dần phong hóa, để trong thơ mới, thôn quê trở thành chốn nương náu và thể hiện của hồn dân tộc?
Thảng hoặc, ta cũng thấy một mùa xuân rất thành thị trong thơ Vũ Đình Liên với hình ảnh “Ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Bài thơ mở đầu thật tươi vui, ông đồ trở thành trung tâm giữa không gian phố xuân nhộn nhịp. Kết thúc bài thơ, mùa xuân vẫn là mùa xuân có hoa đào rực rỡ, nhưng ông đồ thì đã trở thành người của “muôn năm cũ”. Ngày nay, dẫu người ta có cố gắng khôi phục lại nét văn hóa viết chữ, cho chữ, xin chữ ngày tết thì cũng chỉ là phục dựng phần xác mà thôi. “Hồn  ở đâu bây giờ?” vẫn là câu hỏi ám ảnh vang mãi đến hôm nay… Đọc bài thơ “Ông đồ”, không hiểu sao trong tâm trí tôi lại hiện ra những mái phố cổ xô nghiêng rêu phong trong tranh Bùi Xuân Phái.
Mùa thu hẳn là mùa được các nhà thơ mới ưu ái nhất trong bốn mùa. Có lẽ bởi phong vị của mùa thu hợp với điệu hồn buồn lãng mạn của các nhà thơ mới. Người ta có thể đưa ra biết bao nhiêu bài thơ, những câu thơ về mùa thu đặc sắc, có thể liệt vào hàng kiệt tác của Thơ mới:  “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, rồi thì “Sầu thu lên vút song song/ Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu” của Huy Cận, “Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông” của Bích Khê… Nhưng đọc những bài thơ thu của Thơ mới, dẫu thích, ta vẫn thấy xa lạ quá, đôi khi nó nhuốm đậm sắc màu và ý vị Đường thi, có khi lại như mùa thu nào ở trời Tây xa xôi. Ta ít thấy lại cái sắc thu, khí thu, tình thu đậm hồn Việt như của Nguyễn Khuyến ngày trước.
Nhưng mùa xuân thì khác. Ta đọc và thấy đó đúng là mùa xuân của xứ ta. Đúng là đất trời ấy của ta, mưa nắng ấy của ta, hoa cỏ ấy của ta, con người ấy của ta. Dẫu đôi lúc con người cá nhân tư sản trong đô thị Tây hóa đã nhìn xuân bằng đôi mắt của riêng mình, cảm xuân bằng trái tim, bằng hơi thở của riêng mình, thì cái sự mới mẻ ấy chỉ làm đẹp hơn cho mùa xuân, mà không làm mất đi hồn Việt. Những ngày sắp Tết, đọc thơ xuân của Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… càng thấy yêu hơn mùa xuân đất Việt.
22/2/2018
Nguyễn Mỹ Hương
Theo https://aschool.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...