Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Khám phá chín cửa sông của hệ thống sông Cửu Long Việt Nam

Khám phá chín cửa sông của 
hệ thống sông Cửu Long Việt Nam

Vốn dĩ từ lâu mình đã có một sự yêu mến dành cho con người và vùng đất đồng bằng sông Cửu Long này. Trước đó mình cũng đã có chuyến đi xe máy qua 13 tỉnh ĐBSCL và vài lần đi công tác ở đây. Mình cũng đã nhiều lần thắc mắc về sông Cửu Long, liệu có phải là chín con sông cùng chảy ra biển hay không? Qua tìm hiểu Google, mình quyết định làm một chuyến khám phá chín cửa sông thuộc hệ thống sông này.
1. Giới thiệu sông Cửu Long
Sông Cửu Long thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, đây được mệnh danh là vựa lúa của cả nước. Sông Cửu Long (hay còn gọi là sông MêKông) là một trong những con sông dài nhất trên thế giới. Sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua bốn nước là Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia trước khi chảy vào Việt Nam rồi đổ ra biển Đông theo chín cửa sông. Cũng chính vì vậy mà nó có tên là sông Cửu Long, tức là chín con rồng cùng đổ ra biển.
Sông Cửu Long đoạn chảy vào Việt Nam chia làm hai sông chính là sông Tiền (Mê Kông) và sông Hậu (Bassac)
2. Sông Tiền (sông Mekong)
Bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thị xã Tân Châu, An Giang và huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Sông Tiền chảy tới đoạn cù lao An Bình, Vĩnh Long thì chia làm hai nhánh là: sông Tiền (Mekong) và sông Cổ Chiên
2.1. Sông Tiền
Tiếp tục chảy và chia đôi hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thành bốn nhánh sông nhỏ hơn là sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Ba Lai và sông Hàm Luông. Tương ứng với bốn cửa sông bên dưới:
Cửa Tiểu: thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Cửa Đại: gần Cù lao Thới Trung, thuộc hai huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Cửa Ba Lai: cửa sông này thuộc nhánh sông Ba Lai, nằm giữa xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri và xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đây là cửa nhỏ nhất trong chín cửa sông.
Cửa Hàm Luông: cửa sông này thuộc sông Hàm Luông, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
2.2. Sông Cổ Chiên
Sông này chảy qua hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Đến khúc vào địa phận tỉnh Trà Vinh và gần ra biển thì bị cù lao Long Trị, Long Hòa chia thành hai cửa:
Cửa Cổ Chiên
Cửa Cung Hầu
Cả hai cửa này đều thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
3. Sông Hậu (sông Bassac)
Bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sau đó chảy qua một loạt tỉnh, cuối cùng đổ ra biển ngay chỗ cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), chia làm hai nhánh đổ ra ba cửa là:
Cửa Định An: thuộc thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Cửa Trần Đề: thuộc thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
Cửa Ba Thắc (Bassac): cửa này đã bị bồi lấp từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hiện chỉ còn một con sông nhỏ là sông Cồn Tròn chảy từ trung tâm cù lao Dung ra hòa vào cửa Trần Đề đổ ra biển Đông.
4. Bắt đầu hành trình tìm đến 9 cửa sông Cửu Long
4.1. Cửa Tiểu
Từ trung tâm Sài Gòn đi theo quốc lộ 50, lần lượt qua các huyện Cần Giuộc, Cần Đước thuộc tỉnh Long An rồi đến cầu Mỹ Lợi. Đây là cây cầu nối liền hai tỉnh Long An và Tiền Giang về hướng Gò Công, bắc qua sông Vàm Cỏ. Cầu Mỹ Lợi chỉ mới được xây dựng vài năm gần đây, thay thế cho phà Mỹ Lợi lúc trước.
Cầu Mỹ Lợi mới hoàn thành để thay thế phà 
Mỹ Lợi xưa, cầu còn rất mới và khá vắng người qua lại.
Sau khi qua cầu Mỹ Lợi, tiếp tục theo quốc lộ 50 hướng về thị xã Gò Công. Theo như kế hoạch thì mình sẽ tới bến đò Đèn Đỏ nhưng do đi sớm nên mình quyết định rẽ vào biển Tân Thành để tham quan một chút.
Bãi biển buổi sáng hầu như không có người, và mình là người đầu tiên đến đây. Ở đây người ta chủ yếu nuôi nghêu nhưng gần đây đã phát triển du lịch. Nhưng mình nghĩ chắc cũng không tắm được, do cả bãi nuôi nghêu toàn là sình và bùn thôi. Mọi người tới đây để đi bộ tham quan cầu cảng hoặc ăn nhậu ở các nhà hàng xung quanh thôi, vì biển có view khá đẹp.

Ở đây có cái cầu tàu chạy dài ra biển chụp hình rất đẹp. 
Lúc mình đến là nước đang rút để lại bãi bùn nghêu 
trải dài tít tắp với những chòi canh đứng trơ trọi.
Sau khi tham quan một vòng cầu cảng Tân Thành, mình tiếp tục rẽ trái theo đường ven đê để đến bến đò Đèn Đỏ (khoảng chừng 4km). Khi tới nơi thì một điều làm mình khá bất ngờ là bến này đã ngừng hoạt động. Sau một hồi hỏi thăm người dân xung quanh thì họ chỉ đi bến Chùa cách đó khoảng 6km, tức là mình phải chạy lùi vào phía trong cửa Tiểu khoảng 6km nữa.
Con đường từ bến Đèn Đỏ qua bến Chùa đang làm đường trải sỏi nên khá xấu, ổ gà, ổ voi, ổ đà điều gì có đủ cả. Bạn nào đi đoạn này nhớ cẩn thận nhé!
Đường nhiều ổ gà và sình lầy
Bến Chùa nằm lùi sâu vô trong, 
thay thế cho bên Đèn Đỏ đã ngưng hoạt động.
Bến Chùa thuộc xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đứng trên chuyến đò đầu tiên băng ngang cửa Tiểu mới thấy cửa sông thật bao la rộng lớn. Những gì mình nhìn thấy ở cửa sông chỉ là đường chân trời xa tít với hai dải đất nhô ra ở hai bên. Và hầu như tám cửa sông còn lại cũng đều như vậy.
Lúc đò vừa xuất bến, cửa Tiểu 
còn bị dải đất ven bờ che khuất
Khi đò ra giữa sông thì cửa Tiểu đã hiện ra 
trước mắt. Cửa sông đầu tiên mình đến: Cửa Tiểu
Cửa Tiểu là cửa đầu tiên trong hành trình 9 cửa sông mà mình tới. Sau khi sang đến bờ bên kia thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, mình tiếp tục men theo đường đê đến bến phà Bình Tân Cửa Đại, thuộc huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang để qua cửa Đại.
4.2. Cửa Đại
Cửa Đại nằm giữa hai huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Con đường đến bến phà này cũng đang làm nên khá gồ ghề, sỏi đá lởm chởm.
Có hai bến nằm gần nhau cùng băng qua cửa Đại là bến đò Bà Từ - bến đò Bình Thắng và phà Bình Tân Cửa Đại. Bến đò Bà Từ thì băng ngang sông sát cửa Đại hơn nhưng đò nhỏ và đi đường dài hơn cũng khá nguy hiểm cho nên mình chọn phà Bình Tân Cửa Đại cho lành. Chỗ này phà lớn và còn mới nên chạy khá an toàn nhưng nằm lùi vô trong khoảng 3km. Như vậy cũng ổn vì mình vẫn có thể ngắm Cửa Đại được
Bến phà Bình Tân Cửa Đại còn khá mới
Dải đất nhỏ nhô lên trài dài này thuộc một phần cù lao 
Thới Trung, có khá nhiều chim cò đậu trên dải đất này khá thú vị.
Phà ra giữa sông cũng là lúc cửa Đại hiện ra trước mắt mình.
Cửa Đại hiện ra trước mắt giữa mênh mông 
trời - nước, hai bên là dải đất chạy dài ra tới biển
Phà chuẩn bị cập bến phía bên kia bờ 
là huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre
4.3. Cửa Ba Lai
Sau khi phà cập bến phía Bến Tre, theo kế hoạch mình sẽ đi bến đò Thủ (Bình Đai) để qua cửa Ba Lai rồi cập bến Thủ (Ba Tri). Nhưng thấy còn sớm nên mình quyết định chạy thẳng xuống xã Thới Thuận để tìm điểm xa nhất và gần biển nhất ở cửa Ba Lai. Đi theo đường ĐT883 xuống chợ Thới Thuận, vừa qua chợ sẽ có ngã tư nhỏ, quẹo tay phải và chạy một mạch đến chỗ có ngã ba nhỏ rồi rẽ trái. Khúc này mình không để ý nên chạy sai đường một mạch đến đường cùng đành quay trở lại, không tìm được đường lội bộ ra cửa sông.
Chạy tới cuối đường hết chạy 
được nữa mình đành phải quay lui.
Mình chạy sai đường khúc này, nhưng vô tình lại gặp được đoạn đường có cỏ lau hai bên khá đẹp. Đường rất nhỏ, chỉ vừa một bánh xe, nếu có hai xe ngược chiều là một xe phải leo lên cỏ. Đoạn này cũng có một cây cầu gỗ thô sơ, chạy qua nó rung rung thấy ớn.
Con đường nhỏ vừa một xe chạy có cỏ lau 
cao ngang hông mọc hai bên đường rất đẹp
Cây cầu gỗ nhỏ bắc ngang con rạch nhỏ 
bên đường. Cầu khá sơ sài nên khi có xe chạy 
qua thì nó rung rung ớn lạnh
Sau khi vào tới điểm cuối cùng và quay ra, mình quay trở lại đường ĐT883 để đến bến đò Thủ (Bình Đại)
Trên đò nhìn xuống bến là một 
ngôi nhà lợp bằng lá thô sơ
Người và xe máy trên đò, mình đến sau 
nên không quay đầu xe được.
Đò xuất bến từ con rạch nhỏ đi ra sông Ba Lai
Cửa Ba Lại hiện ra khi đò ra đến giữa sông. 
Do sông Ba Lai khá nhỏ nên đây cũng là 
cửa nhỏ nhất trong 9 cửa sông Cửu Long
4.4. Cửa Hàm Luông
Sau khi đò ngang cập bến Thủ (Ba Tri) thì trời cũng gần trưa. Mình theo đường HL16 hướng về cảng cá Ba Tri, ấp An Thuận để tìm bến đò Tiệm Tôm. Trên đường đi thì mình tranh thủ ăn trưa dọc đường và ghé quán nước mía nghỉ ngơi một chút.
Nghỉ ngơi làm một ly nước mía ở 
quán nước ven đường dưới gốc cây mát rượi.
Sau khi nghỉ ngơi, tầm khoảng 1h mình tiếp tục lên đường. Theo như bản đồ Google Map thì ở gần cảng cá Ba Tri có bến phà Ấp An Thuận. Nhưng khi đến đây thì bến phà này đã đóng, mình phải qua bến đò Tiệm Tôm gần đó, nằm ngay sau chợ Tiệm Tôm hướng ra mặt sông. Bến đò này rất nhỏ, nằm trong một con hẻm khá vắng, bạn nào đi phải hỏi đường chứ rất khó tìm.
Bến đò Tiệm Tôm lúc mình đến thì đò 
vừa chạy nên phải ngồi đợi, cách 1h đò chạy một lần.
Bảng giờ tàu chạy của bến đò Tiệm Tôm
Có một chuyện thú vị, là trong lúc chờ đò Tiệm Tôm thì có một thanh niên địa phương tới cũng chờ đò như mình, nhưng thấy thời gian còn lâu nên quyết định đi qua bến đò khác cho nhanh. Thế là mình hỏi thăm rồi chạy theo, ai ngờ qua tới bến kia thì đò cũng vừa chạy nên quyết định quay về bến đò Tiệm Tôm lại. Trên đường quay về thì thanh niên đó lạc đường, mình chạy theo kêu lại nhưng không kịp nên đành quay về một mình. Khi mình vừa quay về đến thì cũng vừa lên đò và đò di chuyển ra sông lớn. Thế là thanh niên kia lại trễ đò thêm một tiếng nữa: Thật là nhọ!.
Bến đò An Hòa Tây, cách bến đò Tiệm Tôm khoảng 3-4km.
Bến này là thanh niên kia dẫn mình tới. Nhưng vừa tới 
thì đò cũng vừa chạy nên đành quay lại bến Tiệm Tôm
Đang lúc trên đò Tiệm Tôm nhìn xuống, bến đò chỉ là 
một con hẻm nhỏ sau chợ Tiệm Tôm. Lúc mình vừa 
phóng xe lên thì đò cũng vừa rời bến. Đò hiện đã 
được thay bằng chiếc phà lớn và an toàn hơn
Đò bắt đầu tiến ra sông lớn, 
băng ngang cửa Hàm Luông
Cửa Hàm Luông hiện ra trước 
mắt mình với mênh mông trời - nước
4.5. Cửa Cổ Chiên
Sau khi băng ngang cửa Hàm Luông và cập bến phà An Điền (thuộc xã An Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre), mình tiếp tục theo đường chợ An Điền xuống QL57 để đến bến đò Bến Trại - Long Hòa. Tại đây mình sẽ đi ngang cửa Cổ Chiên rồi cập bến đò ngang (không tên) thuộc tỉnh Trà Vinh.
Bến đò Bến Trại - Long Hòa. Bến đò này khá đông, 
hai bên có hàng quán người ta bán nước cũng nhiều.
Khi đò ra gần giữa sông là mình tranh thủ 
chụp ngay cửa Cổ Chiên đằng xa xa.
4.6. Cửa Cung Hầu
Đò cập bến tại cù lao Long Hòa (hay còn gọi cù lao Cổ Chiên) thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh. Mình tiếp tục ven theo đường đan ven sông để đến bến đò qua Mỹ Long. Nếu bạn nào có đi thì nhớ hỏi người dân ở đây kỹ nhé! Vì có khá nhiều bến đò ngang dọc đi qua các xã lân cận, nên nếu lên lộn đò là phải quay lại đó.
Hầu hết các con đường mình đi qua đều lót 
tấm dan này. Đường chạy tốt, hai xe tránh nhau thoải mái.
Mình chạy một đoạn trên cù lao này rồi hỏi người dân ở đây đò đi qua xã Mỹ Long cho nhanh. Xã Mỹ Long thuộc huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Bến đò này nằm đối diện một đồn biên phòng khá lớn nên rất dễ thấy.
Trước ngõ quẹo vào bến đò qua 
xã Mỹ Long có biển chỉ dẫn
Lúc mình tới bến đò thì chỉ có hai người phụ nữ đi làm về. Đứng nói chuyện thì biết là hai chị này ở bên xã Mỹ Long đón đò ngang qua đây từ sáng, rồi đi bộ thêm khoảng 30p nữa ra sát biển đề bắt vẹm (con giống con hến) về đem ra chợ bán.
Bến đò chiều heo hút hắt nắng 
có hai người phụ nữ đang chờ đò
Trên chuyến đò chiều qua xã Mỹ Long
Đò ra giữa sông là mình lại tranh thủ lôi 
điện thoại ra chụp hướng cửa sông đổ ra biển. 
Cửa Cung Hầu đã trong tầm mắt
Đò cập bến Mỹ Long. Đây là bến đặc biệt nhất trong những bến đò mình đi qua. Bến đò này nằm khuất sau những rặng cây rừng xâm xấp trên mặt nước, cùng với một cầu tàu nối dài vô phía trong vừa đủ cho hai xe máy tránh nhau.
Bến đò ngang Mỹ Long - Long Hòa nằm 
khuất sau những tán cây rừng sát biển
Một cầu dẫn nối dài từ 
bến đò vào bên trong thị trấn
Mình tới thị trấn Mỹ Long thì cũng đã chiều tàn nên định sẽ nghỉ lại đêm ở thị trấn này. Đây là thị trấn duy nhất nằm sát biển, khuất sau những rặng cây mà mình có dịp đi qua. Tuy nhiên sau ba vòng chạy lui chạy tới trung tâm thị trấn, chợ Mỹ Long thì mình không kiếm được nhà nghỉ, khách sạn nào cả. Thế là mình quyết định chạy thêm khoảng 10km qua thị trấn Cầu Ngang để nghỉ ngơi. Kết thúc ngày đầu tiên với sáu cửa sông của dòng sông Tiền (Mê Kông)
Ngày hôm sau mình sẽ đi tiếp ba cửa còn lại của dòng sông Hậu (Bassac), tuy nhiên chỉ có hai cửa chính là cửa Định An và cửa Trần Đề.
4.7. Cửa Định An
Mình khởi hành sớm từ trung tâm thị trấn Cầu Ngang hướng về thị trấn Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh. Đi theo QL53 khoảng 35km là tới. Đường QL53 nối giữa hai thị trấn này đi qua khá nhiều xã, đường khá tốt và thưa người. Nắng nhẹ buổi sáng làm cho những con đường làng trở nên đẹp hơn.
Một con đường làng sáng sớm với
những tia nắng chiếu qua hàng cây
 

Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những ngôi 
chùa Khmer được trang trí rất đẹp và rộng 
với những bờ tường như thế này

Bến đò Định An khá nhỏ nhưng lượng người đi đông nên thường phải chờ khá lâu. Mỗi lần xe lên xuống đò là phải có khoảng 2,3 người nhấc lên cho vào khoang. Do đò nhỏ nên việc khiêng xe lên xuống đò cũng khá nguy hiểm. Mình thấy một chiếc đò ngang như vậy chở chắc cũng phải 20 chiếc xe máy
Bến đò ngang Định An vào sáng sớm.
Mình phải để xe cho mấy anh lơ đò chuyên dắt xe 
xuống khoang mới được. Dưới khoang cũng có 
1,2 người chờ sẵn để đỡ xe từ trên xuống.
Do đò khá đông và chật chội, người ngồi chen chúc trong khoang cùng với xe máy nên mình chỉ tranh thủ chụp cửa Định An khi đò vừa xuất bến ít phút.
Cửa Định An xa tít ngoài kia, lúc mình chụp 
đã bị che khuất bởi nhiều tàu cẩu
Qua đến bờ bên kia là mình đặt chân lên Cù Lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng. Công đoạn lấy xe từ khoang đò ra cũng cần 2,3 người thành thạo mới làm được. Cứ thể từng xe, từng xe lần lượt được đưa ra ngoài
Theo lịch trình thì mình sẽ tới bến đò Nông Trường hoặc bến Vàm Hồ Lớn để qua cửa Trần Đề. Nhưng do chạy lộn đường và hỏi người dân họ chỉ nhiệt tình quá nên mình chạy theo họ dẫn đường luôn. Họ chỉ mình cách đi nhanh hơn để qua cảng Trần Đề. Thay vì phải chạy vòng vèo xuống bến Nông Trường thì họ dẫn mình tới một bến đò ngang qua sông Cồn Tròn (và đây cũng là cửa thứ 8 - Ba Thắc), rồi từ đó qua một bến đò nữa để cập bến Kênh hai. Từ bến Kênh hai này chạy ngược lại khoảng 3km đường đan nữa để tới cảng Trần Đề.
4.8. Cửa Ba Thắc (Bassac)
Cửa Ba Thắc hiện nay đã bị bồi lấp và chỉ còn là nhánh sông Cồn Tròn đổ ra sông Hậu để hòa vào biển lớn.
Đò ngang qua sông 
Cồn Tròn, cũng là cửa Ba Thắc
4.9. Cửa Trần Đề
Mình đi ngang qua sông Cồn Tròn kiểu này sẽ nhanh hơn nhưng sẽ không ngắm được trọn cửa Trần Đề vì các bến đò này nằm lùi vô trong khoảng 3km. Do đó khi tới Trần Đề, mình đi đò ngược lại qua bên cù lao Dung rồi quay lại lần nữa.
Cái chòi lá này là nhà chờ đò của một 
bến đò ngang không tên trên Cù Lao Dung
Chờ đò heo hút mình lên
Cửa Trần Đề hiện ra. Đây là cửa cuối cùng 
trong hệ thống chín cửa sông mà mình ghé!.
Cảng Trần Đề nhìn toàn cảnh từ cầu Kênh ba.
5. Lời kết
Sau khi hoàn thành chuyến đi qua chín cửa sông và kết thúc tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thì trời đã trưa. Mình ghé quán nước nghỉ ngơi một chút rồi lên đường về Sài Gòn trong ngày. Nếu bạn nào có nhiều thời gian thì có thể ghé Sóc Trăng thăm các ngôi chùa nổi tiếng. Hoặc ghé xuống Bạc Liêu chơi một ngày rồi hôm sau về cũng được.
19/12/2020
Theo https://chauvn.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt ...