Dòng sông nhỏ trong bài thơ
Nguyễn Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê quán
làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, con thứ bảy Cụ Hoàng Giáp Xuân
Quận Công Nguyễn Nghiễm. Thân phụ Ông thi đỗ tiến sĩ và làm quan đến chức Tể
Tướng thời Lê-Trịnh.
Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 ở
phường Bích Câu, thành Thăng Long (sau này là Hà Nội), niên hiệu Cảnh Hưng thứ
26 đời nhà Lê, khi thân phụ đang làm Tể Tướng, mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ
ba, người Bắc Ninh (Nguyễn Nghiễm có 8 vợ, 21 người con) Thân phụ Nguyễn Nghiễm
qua đời lúc Nguyễn Du mới 10 tuổi (1775) và thân mẫu mất lúc Nguyễn Du 13 tuổi
nên Nguyễn Du về sống với người anh khác mẹ là Hồng Lĩnh Hầu Nguyễn Khản, trấn
thủ Sơn Tây-Hưng Hóa, làm quan Tả Tư Giảng cho thế tử Trịnh Tông. Được anh nuôi
dưỡng và cho ăn học. Nguyễn Du đỗ tam trường thi Hương khi 19 tuổi, là người
học rộng, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi họa.
Năm Gia Long nguyên niên (1802), Nguyễn Du
được triệu ra làm quan, bắt đầu là Tri Huyện Phụ Dực, Thái Bình; ít lâu sau làm
Tri Phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Đông).
Năm 1805, Nguyễn Du đã được phong tước là
Du Đức Hầu.
Sau đó Nguyễn Du cáo bệnh xin lui về quê.
Năm Gia Long thứ năm (1806), Nguyễn Du
được triệu vào kinh đô Huế giữ chức Đông Các Học Sĩ; năm 1809, làm Bố Chính
tỉnh Quảng Bình.
Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần
Chánh Điện Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính Sứ tuế cống đi Trung Hoa và năm
1815 ông trở về Kinh được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri.
Bài thơ Vọng Thiên Thai Tự, một trong số
bài thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Du có lẽ được làm vào khoảng năm 1806 - 1809
trước khi ông qua đời 1820.
VỌNG THIÊN THAI TỰ
Thiên Thai sơn tại đế thành đông
Cách nhất điều giang tự bất không.
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo
Cảnh Hưng do quải cựu thời trung
Núi Thiên Thai ở phía
Đông hoàng thành
Cách một dòng sông nhỏ dường như không đến được
Mùa Thu, chùa cổ như vùi trong lá vàng
Vị sư triều trước già trong mây trắng
Khá thương mình đầu bạc rồi vẫn phải chịu để người sai khiến
Không cùng với núi xanh giữ được niềm thủy chung.
Nhớ năm trước ta từng một lần đến đây
Còn thấy có treo quả chuông đúc thời Cảnh Hưng ngày xưa
NHỚ CHÙA THIÊN THAI
Thiên Thai chùa dựng phía thành Đông
Khó đến vì chưng cách bức sông
Thu mới lá vàng che cổ tự
Triều xưa mấy trắng lảo sư ông
Thương ta đầu bạc còn đeo nợ
Chẳng được cùng non vẹn thủy chung
Nhớ lại một lần ta đến đó
Cảnh Hưng còn thấy quả chuông đồng
Tô Kiều Ngân
Trong bài thơ Vọng Thiên Thai tự có ba điều cần được giải mã:
1. Cách nhất điều giang tự bất không
2. Tiên triều tăng lão bạch vân trung
3. Cảnh Hưng do quải cựu thời trung
CÁCH NHẤT ĐIỀU GIANG TỰ BẤT KHÔNG ĐÓ Ở ĐÂU?
Thật vô cùng thú vị khi đọc câu thơ này
của Nguyễn Du, tôi không biết dòng sông nào đã ngăn bước chân ông không vào
được ngôi chùa mà lần trước ông đã vào trong đó
Một số tác giả khi bàn luận về dòng sông
này thỉ cho đó là một ẩn dụ để Nguyễn Du nói lên tâm sự, hoàn cảnh của mình:
Khá thương mình đầu bạc rồi vẫn phải chịu để người sai khiến, Không cùng với
núi xanh giữ được niềm thủy chung.
Còn tôi thì tôi nhất định phải đi tìm cho
ra được dòng sông đó để chúng minh nó không phải là ẩn dụ.
Đọc lại bài thơ hàng ngàn lần để mình có
thể hòa nhập vào trong tâm trạng và nguồn cảm hứng của Nguyễn Du, tôi nghĩ chỉ
có cách đó mình mới mong làm sáng tỏ dòng sông trong bài Vọng Thiên Thai tự,
trong tâm trí tôi vang lên:
Dòng Sông là dòng sông có thực hay chỉ
là một ẩn dụ
Dòng sông này có giống như dòng sông của
bà Huyện Thanh Quan trong bài Qua Đèo Ngang: Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà, SÔNG ở đâu trên Đèo Ngang? mà tôi đã tìm ra hay
không.
Với sông Hương hay sông An Cựu thì thời
điểm đó không những có đò ngang mà còn cầu làm bằng cây hay tre, không lẽ
Nguyễn Du không sang sông được hay sao? Vì chỉ cần đi qua được phía hữu ngạn
sông Hương là có thể đến chùa Thiên thai, chùa này nằm gần núi Ngự Bình
Phải tham khảo các tài liệu một cách cẩn
trọng về địa lý hình thể sông suối núi non vùng Thiên Thai, Ngự Bình, Trường
Bia, Thiên An, Trúc Lâm, Ba Đồn... các chùa gần đó như Viên Thông, Tra
Am, Tây Thiên, Trúc Lâm, Hồng Ân, Diệu Viên... tượng đài Huyền Trân, khu vực
chín hầm, cơ ngơi của ông Ngô Đình Cẩn, bảo tháp của thiền sư... trên sử liệu
còn lại trước khi bắt đầu hành trình đi tìm dòng sông mà nhiều người cho nó
như là một ẩn dụ
Nguyễn Du đã viết:
Cách một dòng sông nhỏ dường như không đến được
Mùa Thu, chùa cổ như vùi trong lá vàng
Rõ ràng là Nguyễn Du đã nhìn thấy ngôi cổ tự ẩn hiện
thấp thoáng trong lá vàng của mùa thu xứ Huế khi đứng bên này sông.
Một con sông như vậy không thể là sông
Hương hay sông An Cựu được vì 2 con sông này nằm cách Thiên Thai Tự đến 7-8 km
Vậy thì đây là một con sông mà tầm nhìn từ
bên này sông sang bên kia sông không quá xa để Nguyễn Du mô tả cảnh chùa qua
bài thơ Vọng Thiên Thai tự.
Tôi quyết định đi thăm ngôi chùa mà Nguyễn
Du đã hai lần từng đến cách đây vừa đúng 200 năm và thật bất ngờ trước chùa và
chung quanh chùa không có con sông nào cả, hỏi thăm các cư dân ở trong vùng họ
bảo ở đây không có sông mà chỉ có khe và suối nhỏ.
Dòng sông trở thành một thúc bách ám ảnh
trong một thời gian khá dài. Dòng sông là một ẩn dụ. Sông, suối hay khe đây?
với 300 năm biết bao vật đổi sao dời, sông biến thành suối hay khe cũng là
chuyện thường tình. Ba trăm năm trước núi rừng Thiên thai đầy cọp dữ với những
cây cao cổ thụ với những tàng thông bạt ngàn, khu rừng rậm ở đây là phần đất
bìa của dãy Trường Sơn. Đứng trên núi Ngự Bình có thể định vị đỉnh núi Thiên
Thai và các hòn núi đá bên cạnh nó xanh ngắt nhưng bây giờ trống trơn, xói mòn
có nơi nhà cửa san sát.
Sau khi đi lang thang mất một ngày trời,
tôi trở vào chùa lúc đó hoàng hôn đã xuống và ở đâu đó trong ngôi chùa vẫn còn
âm vang những câu nói về dòng sông này.
Sách Ô Châu Cận Lục của Dương văn An năm
1555, trong bài tựa ông viết: "kể từ thời mở nước Việt ta, do hoạch định
tự sách trời, ngoài bốn thừa tuyên thì người Chấu Ái khẳng khái hiếu nghĩa tinh
thần hiếu học, Châu Hóa ta tiếp liền xứ Quảng... Xét miền Ô Lý, nước ta nối
liền với cõi Nam hoang vu... Tuy nhiên khảo cứu tận nguồn đất này thì trước đời
Lý Trần, vẫn là bờ cõi của Chiêm Thành, về đời Hồ Lê mới là quận huyện của
triều đình... "
Trong Đại Nam nhất thống chí, theo Hán Thư
thì Nhật Nam là Tượng Quận nhà Tần xưa, năm Nguyên Đỉnh thứ I đổi làm quận Nhật
Nam, Tỵ Ảnh và Chu Ngô là 2 trong 5 thành của quận Nhật Nam đến đời Hán là ứng
với châu Ô và châu Lý của Chiêm Thành thời bấy giờ
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển VI
trang 91 cho biết năm 1306, hai châu Ô, Lý được vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng
để làm lễ dẫn cưới công chúa Huyền Trân, năm sau (1307) hai châu này được đổi
tên là Thuận Châu (nửa nam tỉnh Quảng Trị hiện nay); và Hóa Châu (toàn tỉnh
Thừa Thiên - Huế hiện nay) hai châu này được vua Trần Anh Tông giao sai Hành
Khiển Đoàn Nhữ Hải đến vỗ yên dân vùng này. Thuận Hóa dần dần trở thành nơi gặp
gỡ và giao lưu hai nền văn hóa, tín ngưỡng rất khác nhau. Dân Đại Việt chịu ảnh
hưởng văn hóa và tín ngưởng của người Hoa, trong khi dân bản địa là Chiêm Thành
có một nền văn hóa Ấn - Hồi.
Vào thời các chúa Nguyễn, xứ Thuận Hóa đã
có vô số chùa chiền và thảo am.
Thiền Sư Liễu Quán, người khai sơn ngôi cổ
tự này, Người từ phủ Phú Yên đi theo thuyền buôn ra Thuận Hóa vào năm 1690,
khai sơn thảo am Viên Thông vào khoảng năm 1697 phía nam dưới chân núi Ngự
Bình, sau đó vào khai sơn một thảo am khác ở chân núi Thiên Thai năm 1708, Thảo
am sau này được gọi là Thiên Thai Tự. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 2,
trang 126 mô tả ngọn núi này như sau: Núi Thiên Thai ở phía tây bắc huyện Hương
Thủy hình thế cao vót, phía tây trông ra cánh đồng bằng, cạnh núi có chùa, gọi
là chùa Thiên Thai Nội (Thuyền tôn), ngọn núi vòng quanh ôm chầu vào chùa,
phong cảnh tuyệt đẹp...".
Một huyền thoại về Thiền Sư Liễu Quán phải
ăn rong, uống nước suối để sống, quyết chí tu hành cho đến khi đến đắc đạo.
Nhiều tác giả mỗi người nói một cách
khác nhau về câu chuyện thiền sư ăn rong để sống trong tiểu sử của ngài. Người
cho rằng ngài ăn rong khe, uống nước suối độc (Hà Xuân Liêm), kẻ thì nói thiền
sư ăn rong ở hồ (Tầm rong độ nhật.... khi thiền sàng chỉ là bông cây thảm
cỏ, rong xanh đáy hồ đã duy trì mạch mạng sắc thân... TT Tích Khế Chơn); người
thì khẳng định ngài ăn rong con sông trước mặt chùa
Hai câu đối minh chứng có một dòng sông
đã được một vị sư người Trung Quốc viếng khi ngài tạ thế ghi trên cổng tường đi
vào bảo tháp của thiền sư: "Bửu đạt trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục
thủy; Pháp thân độc lộ y nhiên tạo lý khán thanh sơn" (Tiếng linh báu ngân
dài cùng dòng nước lục trước cửa chảy hoài không dứt; Pháp thân lộng y nhiên
bất động ngắm núi xanh).
Dòng sông huyền thoại của thiền sư và
trong bài thơ của Nguyễn Du đó đã hiện ra trước mắt tôi, cho dù thiên nhiên và
con người đã làm biến dạng khuôn mặt thế gian nhưng hình ảnh vị sa di trẻ tuổi
đang trên đường đi tìm chứng quả mà phải tầm rong độ nhật để duy trì mạch mạng
sắc thân nơi dòng sông đó.
Dòng sông, dòng sông, dòng sông ở đâu?
vang lên từ một cõi mơ hồ nào đó vọng lại hay từ tiền kiếp xa xưa
Hình ảnh vị sa di trẻ tuổi hiện ra
trước mắt tôi, vị sa di mà về sau này đã trờ thành tổ sư của Thiền phái Tử
Dung Liễu Quán, dòng sông nằm trước bảo tháp của ngài về hướng tây, bên kia
sông là một ngọn núi đúng như câu "Tiếng linh báu ngân dài cùng dòng nước
lục trước cửa chảy hoài không dứt; Pháp thân lộng y nhiên bất động ngắm núi
xanh"
Từ dòng sông, chống gậy, vạch lau, đạp
cỏ, tôi cùng mấy người bạn cũ thời Quốc Học là Phan Đình Ngân, Nguyễn Văn Sa,
Lê Đình Hạnh, Trần Xuân Sĩ, Trương Công Quy leo lên một triền núi nhỏ hướng về
phía đông, rồi đi qua một cánh đồng dốc thoai thoải theo dấu chỉ dẫn cùa Hòa
Thượng Thiện Siêu là cách phía sau tháp độ 800 mét để đến một ngôi chùa nổi
tiếng ở Huế và điều này cũng đúng như nhận xét của Đại Nam Nhất Thống Chí quyển
II, trang 203 "Chùa Thiên Thai nội ở xã Dương Xuân có tên nữa là Thuyền
Tôn (Thiền Tông). Tương truyền do Liễu Quán hòa thượng dựng dựa vào núi, trông
ra đồng bằng, phong cảnh cũng đẹp...
Còn bây giờ, trước bảo tháp của Thiền Sư
Liễu Quán là một con đường đất đỏ, một khoảng đất trống chừng một mẫu và nghe
đâu chủ nhân của mảnh đất này muốn thực hiện một... và dòng sông của Nguyễn Du
thì vẫn còn đó, nhưng biến dạng đến đau đớn, xin mời bạn đến xem dòng sông mà
có người mãi đến 200 năm sau mới có dịp lên tiếng hỏi Nguyễn Du rằng: Có phải
cụ Nguyễn Du đi từ trên phía Trúc Lâm về nên không qua được sông để vào chùa và
cụ Nguyễn phải đi vòng sau lưng núi Ngự Bình về Đàn Nam Giao để rồi về lại Kinh
thành phải không? (sách Ô Châu Cận Lục của Dương văn An).
(Dòng
sông chày theo hướng Nam Bắc: H1 Mặt tiền của chùa Thuyền Tôn ờ núi Ngũ
Phong, H2 Bảo tháp của ngài Liễu Quán, H3 Cổng tường đi vào bảo tháp H4,5,6
Con sông bị cư dân cắt từng đoạn nhỏ làm ao nuôi cá, H7 bờ của dòng
sông bị thu hẹp và xi măng hóa, H8 Khu đất trước dòng sông H9 Bảo
tháp của thiền sư Liễu Quán... và trên dòng sông này người ta còn tìm
thấy Hòn Non bộ của ông Ngô đình Cẩn, khu vực chín hầm, hồ Huyền trân công
chúa…)
Tháng 1/2008Hồ
Đắc Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét