Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Cây đa lối cũ, gọi hồn người xưa

Cây đa lối cũ, gọi hồn người xưa

Lời mở đầu:
Tôi rất do dự trước khi viết bài này vì tính cách riêng tư không những cho tôi mà còn liên quan tới nhiều người thân khác trong gia đình. Một số thân hữu sau khi đã được nghe tôi kể chuyện về vụ Gọi Hồn tại Việt Nam đã khuyến khích tôi "tới đi, bác tài!" Tôi vẫn đợi một thời gian nữa "để xem sao!" Cuối cùng thì một động lực nội tâm đã "bật đèn xanh" và cho tôi cái hứng thú để viết bài này. 
Có vài phần trong bài viết: Phần Một là "Cây đa lối cũ", Phần Hai là "Gọi hồn người xưa", Phần Ba là "Cảm xúc và những tín hiệu kỳ lạ", Phần Bốn là "Xuôi Nam". Những phần này liên quan tới nhau và trong Phần Ba, tôi đối chiếu những sự việc mà những nhân vật bên Cõi Âm trả lời những câu hỏi của người bên Cõi Dương qua lời nói của cô đồng.
Phần "Gọi hồn người xưa" do chính tôi ghi chép lại từ trong 3 đĩa VCD mà cũng chính tôi quay camcorder lấy. Tôi đã bỏ nhiều thì giờ để ghi chép từng chi tiết trong phần Gọi Hồn. Vì lý do trung thực của phần ký sự (reporting), tôi chỉ ghi lại những gì mà tôi đã "thấy" (as is). Những tên người trong phần này, tôi chỉ viết tắt (dùng mẫu tự đầu) nhưng những nhân vật này tôi không hề bịa đặt.
Trong Phần Ba, tôi cũng ghi lại những cảm xúc riêng tư và nhất là những giấc mơ, những tín hiệu lạ lùng mà tôi từng nhận được trong những lúc nửa đêm về sáng. Phải chăng, chúng ta không thể nào phủ nhận được sự hiện hữu của "thế giới bên kia"?
Xin mời quý vị đọc.
Phần 1: CÂY ĐA LỐI CŨ
Hồi tôi còn nhỏ, sau khi mẹ tôi qua đời, tôi thường có những giấc mơ lạ kỳ: tôi thường thấy mẹ tôi ngồi trên giường ngay bên cạnh tôi - vừa vui, vừa buồn vì tôi đã "cầu được, ước thấy". Trong nhiều năm sau đó, tôi vẫn thường được gặp mẹ tôi trong những giấc mơ và những câu chuyện trao đổi giữa mẹ con chúng tôi cũng thay đổi theo thời gian. Sau tuổi 50 thì tôi không còn mơ thấy mẹ tôi nữa nhưng trong thời gian này thì lâu lâu tôi gặp được thân phụ tôi trong những giấc mơ đầy thương yêu.
Anh lớn tôi khi phải đi cải tạo cũng đã từng được gặp mẹ trong những giấc mơ và mẹ thường báo mộng cho anh ấy biết những diễn biến sắp xảy ra. Nhờ những lần báo mộng này mà đã có lần anh ấy thoát chết vì đạn nổ khi những người tù cải tạo phải "đi làm rẫy". Chính thân mẫu của chúng tôi  cũng đã báo mộng cho anh ấy biết khi nào anh ấy được thả tù cải tạo và khi nào anh ấy được xuất ngoại. Sau khi anh ấy đã định cư tại Hoa Kỳ thì mẹ chúng tôi không còn báo mộng cho anh ấy nữa.
Cũng vì những giấc mơ này mà vợ chồng chúng tôi muốn tìm hiểu về thế giới bên kia. Chúng tôi may mắn có cái duyên được người bà con cho xem cuốn "phim" DVD thâu lại buổi gọi hồn tại Hà Nội khi họ về thăm quê hương. Tôi chăm chú ngồi xem những cuộc đối thoại giữa người bên Cõi Âm và người bên Cõi Dương nhất là những gì đã xảy ra. Chỉ những người trong cuộc mới biết tường tận các chi tiết mà thôi và tôi đã được người bà con giải thích những chi tiết riêng tư này. Người bà con của chúng tôi rất tin về vụ gọi hồn này vì những chi tiết rất là xác thực liên quan giữa người Cõi Âm và người Cõi Dương. Điều đặc biệt là cả hai anh chị đều là hai chuyên gia và đã đi làm nhiều năm tại ngoại quốc trước khi về hưu nên khó có thể mà họ mê tín dị đoan một cách mù quáng được. Xem xong, bà xã tôi - BN- cũng rất háo hức muốn "gọi hồn" để được gặp bố mẹ và những người đã khuất khi chúng tôi về thăm Việt Nam. (Xin đón xem Phần Hai: "Gọi hồn người xưa").
Đầu thập niên 90, một người coi tử vi và tướng số đã cho tôi biết là tôi được vong linh của một bà tổ cô đang phù hộ cho tôi rất nhiều. Ông ta khuyên tôi nên lập bàn thờ để tưởng nhớ đến bà. Tôi rất cảm động nhưng vẫn bán tín bán nghi, chả là vì rằng tôi được đào tạo trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật tại Tây Phương; tôi phải cần có được những chứng minh cụ thể là linh hồn bà tổ cô có luôn luôn theo dõi và phù hộ cho tôi hay không. Tuy nhiên tôi cũng không phủ nhận vì rằng tôi cũng có những giấc mơ kỳ lạ, nhẹ nhàng và thật tĩnh lặng trong những năm tôi sống một mình hay hai mình. Cũng nhờ những giấc mơ này mà tôi đỡ thấy lẻ loi trong những lần bất chợt tôi tỉnh giấc trong đêm khuya. Tôi không biết là có phải do mẹ tôi, bố tôi hay bà tổ cô đã về thăm hỏi và an ủi tôi? Tôi chỉ mơ hồ cảm nhận được một sự êm đềm, nhẹ nhàng trong tâm hồn mà thôi sau mỗi lần "gặp gõ" nàỵ
Anh chị P. (anh ruột tôi) và vợ chồng chúng tôi hẹn gặp nhau tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 12, năm 2005. Vợ chồng chúng tôi tới Hà Nội trước đó một ngày. Tôi đã sống tại hải ngoại từ hơn 40 năm trước đó cho nên tôi lại càng náo nức muốn đi kiếm lại những hình ảnh của Hà Nội và đất Bắc sau khi gia đình chúng tôi di cư vào Nam năm 1954.
 Người ra đón chúng tôi tại phi trường Nội Bài là chú H., em con chú con bác với BN. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chú H. nhưng anh em chúng tôi rất hợp tính nhau nên tôi không cần phải "rào trước, đón sau" và chú H. bắt đầu "chạy việc" giúp chúng tôi ngay. Sau khi chúng tôi đã vào khách sạn là BN gọi điện thoại ngay cho cô đồng M. để hẹn ngày mời cô ấy từ Hải Phòng lên Hà Nội để tổ chức vụ gọi hồn cho các gia đình nội ngoại của BN, tôi, chú H., thím L.(vợ chú H.) vài ngày sau đó.
Sau khi tắm rửa xong, tôi bắt đầu đi kiếm căn nhà của bố mẹ tôi tại phố Kim Liên ngày xưa nhưng chẳng thấy nó đâu. Tôi vẫn thấy cái đường rầy xe lửa chạy trước nhà ngày xưa nhưng hỏi thăm thì chẳng ai biết tông tích được cái nhà đó. Tôi đi thăm Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Ba Mẫu gần nhà bố mẹ tôi hồi đó. Cảnh vật đã đều thay đổi rất nhiều. Tôi thấy lâng lâng buồn, nhưng chắc là buồn hơn Bà Huyện Thanh Quan khi bà "bước xuống Đèo Ngang bóng xế tà ..."
Ngày 14 tháng 12, 2005 "phái đoàn" chúng tôi trèo lên xe bus về thăm làng quê chúng tôi tại Bắc Ninh. Chuyến về thăm làng quê này chúng tôi đã tổ chức qua email từ cả hơn một, hai tháng trước đó. Chú H. là người lo thuê xe và vụ ăn trưa cho "phái đoàn". Cháu G. (gọi tôi bằng cậu), cháu Q. (gọi tôi bằng chú) bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để làm hướng dẩn viên cho chúng tôi từ Hà Nội về thăm quê cũ tại làng Me tại Phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
 Xe bus đi qua Gia Lâm, đi qua làng Đồng Kỵ (nổi tiếng về đồ gổ) trước khi tới làng Me. Đường đi rất chật hẹp với những con phố nhỏ bụi bậm, ồn ào và cây cối khẳng khiu vì bị mạt cưa bám đầy và khô ráo.
Xe đậu trước đình làng Me. Cái đình trông rất khang trang và mới mẻ. Tôi không nhận ra được phương hướng nữa. Cháu G. là hướng dẫn viên của chúng tôi đi từ đầu đình tới cái ngõ mà hơn 50 năm về trước, anh em tôi thường bị chó rượt trước căn nhà ở đầu ngõ.
 Làng tôi bây giờ khác hẳn với cái làng trong trí nhớ của tôi với những ao bèo, cây bàng nhiều lá và vườn rau tươi mát. Bây giờ chỗ nào cũng có nhà, ồn ào và cây cối bị mạt cưa bám đầy vì phần lớn dân làng đều làm nghề thợ mộc. Những cái ao trông bây giờ thật nhỏ và chứa nước ao tù đen ngòm. Tôi thấy thất vọng nhưng đồng thời tôi cũng thấy rất vui vì đây là những hình ảnh mà tôi hằng đi lùng kiếm trong nửa thế kỷ vừa qua.
Tới đầu ngõ, chúng tôi ghé thăm nhà cụ đồ D. mà ngày xưa anh P.và tôi rất sợ con chó dữ hay rượt anh em chúng tôi mỗi khi đi qua. Anh Q. - cháu gọi cụ đồ D. bằng ông - trở thành người hướng dẫn cho chúng tôi đi thăm những nơi khác trong làng. 
Anh P. và tôi đứng sững sờ trước cái cổng của gia trang mà ngày xưa chính cha mẹ chúng tôi thuê người xây cất trước khi anh em chúng tôi sinh ra đời. Cái cổng gỗ chắc nịch ngày xưa nay đã bị thay bằng cái cửa "trông chẳng ra cái cửa!" Căn nhà này ngày nay đã bị chia làm ba "hộ" cho ba gia đình cư ngụ. Họ đã lấp đất mất cái ao sau vườn để có thêm đất đai. Bụi tre sau vườn bây giờ nhỏ xíu, trông rất tội nghiệp so với cái bụi tre trong tâm thức của tôi cao vót với các tổ cò và các con cò trắng đậu trên đỉnh ngọn tre ngày xưa khi gia đình chúng tôi còn sống rất là hạnh phúc trong gia trang đó!
Hai anh em tôi đứng chụp hình trước cái cây hương đầy rêu xanh và rêu đen mà ngày xưa mẹ chúng tôi thường ra cúng vào những ngày mùng một, ngày rằm và Tết Nguyên Ðán. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi đã nối lại được cái "mạch điện" của hiện tại và dĩ vãng. "Mạch điện" này đã từng làm tôi khắc khoải. Cây hương, căn nhà còn đó nhưng chủ nhân của nó đã bỏ nhà cửa, bỏ ruộng đất, bỏ cuộc đời mà vĩnh viễn ra đi mất rồi! Tôi nghẹn ngào trong nước mắt: "Mẹ ơi, con đang về thăm nhà, thăm Bố, Mẹ đây!"
Chúng tôi đi thăm đền thờ cụ Quốc Sư Ðàm Công Hiệu (ngày xưa đã từng dạy chúa Trịnh Cương học), và đền thờ cụ Tiết Nghĩa Ðàm Thận Huy (ngày xưa đã từng là một thành viên của Tao Ðàn Nhị Thập Bát Tú đời vua Lê Thánh Tôn). Tôi cảm thấy rất gần gũi, rộn rã một niềm vui được trở về thăm quê cha đất tổ; vừa kính trọng, vừa hãnh diện về tổ tiên. 
Chúng tôi vào thăm từ đường, khói hương nghi ngút. Tôi thấy hình thờ của các bác họ và nhiều người thân khác. Từ đường này là một căn nhà đã được di chuyển từ cái ngõ của đại gia đình chúng tôi. Căn nhà này nay được dùng dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của chi họ Ðàm Duy - Ðàm Trung. Anh P. và tôi thay mặt các anh chị em và con cháu tại Bắc Mỹ tặng cho từ đường một số tiền để lo cho việc cúng giỗ và tu bổ. 
Ngay bên cạnh từ đường là nghĩa trang của họ nội chúng tôi. Bước vào nghĩa trang, tôi thấy lòng thanh thản lạ thường, và tôi tự nhủ: "Bôn ba chi lắm rồi cũng nằm xuống. Nhưng khi nằm xuống, hồn mình phải cảm thấy được thảnh thơi. Cái thảnh thơi này, tôi đang cảm nhận đuợc ngay tại nơi này!" Tôi đang mải chụp hình lia lịa thì nhận ngay ra được ngôi mộ lớn của Bà Tổ Cô ĐTK của tôi. Tôi gọi BN và hai vợ chồng chúng tôi thắp hương, khấn vái bà. Tôi thấy thật vui, thật nhẹ nhàng và mừng rỡ trong nội tâm. Tôi thực sự được thấy mộ bà tổ cô trong cái nghĩa địa yên tĩnh này, một điều rất bất ngờ, bất ngờ đến ngỡ ngàng! Bây giờ tôi đang có BN luôn luôn bên cạnh tôi để bù lại những ngày trống vắng của nhiều năm tháng ngày xưa. Các con của chúng tôi và của anh chị P. đã khôn lớn và bây giờ chúng đã có gia đình. Chúng tôi không còn phải quá bận tâm về con cái nữa. Hai anh em tôi được sống lại trong cái cảnh "ngày xưa thân thương"ấy mà chỉ mình hai anh em tôi mới cảm nhận được mà thôi! Chúng tôi đã thực sự về thăm được quê cha đất tổ và viếng thăm mồ mả tổ tiên, một điều mà hai anh em chúng tôi đều mong mỏi trong rất nhiều năm, thật là vui mừng biết chừng nào!
Chúng tôi vào chùa lễ Phật. Chùa này đã hơn nửa thế kỷ trước, mẹ tôi thường ra lễ chùa vào những ngày mùng một, ngày rằm hay ngày Tết. Ngôi chùa khang trang, toạ lạc trong một mảnh đất yên tĩnh. Chúng tôi tặng chùa một số tiền và ngồi ăn trưa ngay tại sân chùa. Lên xe bus về Hà Nội để buổi tối đại gia đình chúng tôi đi ăn bún ốc Hà Nội.
Quốc Tử Giám tại Hà Nội đã mang lại cho tôi một hình ảnh rất đẹp, đầy tính cách lịch sử và văn hoá cội nguồn Việt Nam. Tự nhiên tôi có cảm tưởng như hồi tôi mới 10,11 tuổi khi tôi vào thăm Văn Miếu lần đầu tiên. Tôi thích nhất là các bia đá trên đó có khắc tên các vị Tiến Sĩ tiền nhân, tôi cảm thấy hãnh diện về lòng trọng sự học hành của người Việt. Tôi ghé xem buổi trình diễn hát quan họ. Bài hát "Người ơi, người ở đừng về" làm tôi liên tưởng ngay tới mẹ tôi, cũng đã từng là một thiếu nữ Nội Duệ Cầu Lim với áo Tứ Thân và khăn mỏ quạ.
Tôi đứng lặng người nhìn cầu Thế Húc mà tôi thường lui tới trong những đêm giao thừa trước hồi 1954. Chúng tôi vào thăm đền Ngọc Sơn và cây đa trong đền là cây đa mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy lại sau nhiều năm sống xa nhà; tôi chụp hình lia lịa. "Cây đa bến cũ …" âm hưởng đó thường vang trong đầu tôi và hình ảnh đó tôi vẫn thường đi tìm kiếm, nhất là mỗi lần đi du lịch trong những nơi vùng nhiệt đới. Ở Hà Nội, tôi chỉ dám ăn bánh cuốn nóng và giò chả, ngon tuyệt nhưng tôi không dám ăn phở vì sợ bị... quan Tào rượt đuổi.
Tới chùa Trầm tại Hà Ðông, tôi "kiếm ra" được cây sấu, cây nhãn, tượng Phật và cái thanh tịnh của Cửa Phật. Tôi thấy êm đềm, vui vẻ đến độ mừng rỡ vì tôi đã kiếm lại được những hình ảnh, những cây cối, nhất là cảnh chùa và tượng Phật, những cảm xúc mà tôi những tưởng đã bị đánh mất từ lâu.
 Sapa có một cái gì rất lạ lùng nhưng lại rất là quyến rũ. Chúng tôi đích thân đi "book tour" ở Hà Nội để tìm hiểu các chuyến đi du lịch ở Việt Nam. Hãng du lịch "ruớc" chúng tôi bằng 2 cái "xe ôm" từ nhà chú H. đến nhà ga xe lửa, chính là "Ga hàng cỏ" ngày xưa gần nhà của bố mẹ tôi tại phố Kim Liên. Trong xe lửa, chúng tôi được hai cái giường ngủ và tôi chọn giường trên, BN giường dưới. Chúng tôi ở cùng toa với một cặp vợ chồng trẻ người Pháp. Tôi nằm giật giờ, chẳng ngủ được, phần vì mùi dầu nồng nặc thổi qua hệ thống thông hơi trong toa xe lửa, phần vì náo nức muốn được tới Lào Cai ngay. Ngủ không được, tôi ngó qua cửa kính để ngắm phong cảnh. Trời tối mịt, lâu lâu mới thấy le lói ánh đèn điện yếu ớt. Ðôi khi, tôi thấy một ngọn đuốc dẫn đường đi cho vài người đang cùng đi bộ, ngoài ra chỉ thấy ánh đêm mà đối với riêng tôi, tôi thấy rất quý vì đó là ánh đêm Việt Nam của riêng tôi! Tôi mơ hồ cảm thấy tôi đang "mò mẫm trong bóng đêm" đi tìm kiếm những gì mà tôi đã bỏ lại trong một thời gian dài đằng đẵng, những gì mà tôi đang muốn "kiếm cho ra".
Chúng tôi tới ga xe lửa Lào Cai vào sáng sớm và lấy xe bus về Sapa. Tuy rất mệt nhưng tôi ngồi ngay bên cạnh cửa kính xe và sẳn sàng chụp hình để ghi lại những hình ảnh có một không hai này. Cuối tháng 12, Sapa có một cái lạnh thật là lạ kỳ, chẳng giống Canada, Mỹ, Úc hay Âu Châu, nhưng tôi thấy cái lạnh này rất là quyến rũ. Các khách sạn trải cho khách một cái chăn điện trong giường để sưởi ấm thay vì cả căn phòng được sưởi ấm như tại Bắc Mỹ.
Tôi bị thu hút mê mẩn bởi phong cảnh và khí hậu Sapa trong lúc chúng tôi bắt đầu cuốc bộ khi đi "tua". Tuy tôi thiếu ngủ nhưng tôi được đi bộ trên cao độ của đồi núi, với không khí thật trong lành, không ngột ngạt như ở Hà Nội, nên tôi cảm thấy rất khoan khoái và không hề cảm thấy buồn ngủ. Cái thú đam mê chụp hình của tôi đã được thoả mãn và trước khi trở về khách sạn, chúng tôi mua bánh chưng trong chợ Sapa. Bánh chưng ngon chưa từng thấy mà lại còn rẻ nữa. Chẳng lẻ vì tôi quá đói, quá vui hay thực sự là bánh chưng ngon? Rau cải xanh tại khách sạn ăn hoài mà chẳng thấy chán! Đã hơn một năm rồi mà tôi vẫn còn thấy vui vui, là lạ mỗi lần nghĩ tới Sapa. Tôi vẫn khẳng định là Sapa mình chỉ đến thăm hai, ba ngày rồi từ giã vì ở lâu sẽ mất cái thú của nó. Một ngày nào đó, tôi sẽ về thăm lại Sapa để xem cái cảm xúc đó nó còn như vậy không.
Xin mời quý vị xem các hình ảnh Sapa qua website dưới đây:
http://www.pbase.com/bac_ninh/sapa
Qua Internet, tôi đã được xem rất nhiều các hình ảnh của Vịnh Hạ Long từ mấy năm trước nên tôi "biết" là Hạ Long rất đẹp. Chú H. thuê riêng một cái xe nhỏ để chở BN, chú và tôi đi thăm Hạ Long. Ngồi trên xe từ Hà Nội ra Hạ Long, tôi chẳng thấy vui thú gì hết mà còn thấy sợ hãi nữa. Chả là vì đường đi đầy ổ gà mà bác tài nhà ta cứ lạng xe sang bên trái mà đi để tránh ổ gà. Tôi thấy hú hồn mỗi lần thấy các xe bus, xe vận tải lù lù tiến tới từ đằng xa! Tôi được đền bù khi vào xem các hang động và khi chèo lên thuyền đi trong Vịnh Hạ Long. Trời hơi âm u, nhưng không lạnh. Chúng tôi thuê riêng một chiếc thuyền có 24 chỗ ngồi nhưng chỉ để dành riêng cho 3 anh em chúng tôi mà thôi. Tôi ra ngồi "hóng gió" trước thuyền để chụp hình cho rõ ràng trong khi BN và chú H. ngồi bên trong nói chuyện với nhau. Khí trời lành lạnh, nhưng rất dể chịu làm tôi nhớ tới nhiều  bãi biển bên Úc vào những tháng mùa đông. Tôi cũng nhớ đến những bải biển tại Âu Châu, Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ mà tôi đã thăm viếng. Nhiều cảnh biển trên thế giới rất là đẹp, nhưng tôi thấy dửng dưng và tôi cảm thấy một khoảng cách giữa cảnh và tôi: tôi tới rồi tôi đi, chẳng có gì để mà lưu luyến! Tuy nhiên, trên mui thuyền tại Vịnh Hạ Long, tự nhiên tôi cảm nhận thấy rất xúc động được trở về với quê hương thực sự của tôi và nơi này rất là gần gũi với tôi. Tôi cảm thấy phần hồn tôi cũng thuộc về nơi này, thuộc về quê hương Việt Nam của tôi đã từ lâu rồi mặc dù tôi biết chắc chắn rằng tôi sẽ trở về Canada để sống hết quãng đời còn lại của tôi với các con, các cháu.
Tôi đã từng đi vào nhiều nghĩa trang tại Bắc Mỹ và những lần này tôi thấy rất yên tĩnh, yên tĩnh đến độ dửng dưng. Khi tôi vào thăm nghĩa địa gia đình bên nội của chúng tôi tại Bắc Ninh, tôi thấy rộn lên một niềm vui, những xúc cảm của một "ngày về" và của một cuộc hội ngộ đột ngột với những người thân thương nay đã quá vãng. Tôi cũng cảm thấy gần gũi với tổ tiên, với chính tôi và tôi thấy thanh thản vô cùng. Khi tôi vào thăm nghĩa địa Yên Kỳ tại Sơn Tây, tôi cảm thấy rất xa lạ, ma quái, trống vắng và có một cảm giác trong tôi thôi thúc tôi phải ra khỏi vùng đất bất ổn đó càng sớm càng tốt. Tôi cảm thấy đây không phải là "vùng đất của tôi" và tôi không hề có một ràng buộc gì với vùng đất này.
Trên đường về Nam Định thăm từ đường của dòng họ Phạm Ngọc, "phái đoàn" của chúng tôi đã viếng thăm nghĩa trang của họ Phạm. Giữa mùi hương tại một cánh đồng hoang và làn khói của nhang cắm trên các mộ thờ, tôi cảm thấy nhẹ nhàng và bình an vô cùng. Tôi cảm thấy như tôi đang được trở về thăm lại những người thân, họ hàng sau khi tôi đã sống lưu vong trong rất nhiều năm. Tôi ước ao được ở lại nơi này lâu hơn để tôi được "hưởng" thêm những giây phút "giao cảm" này. Tôi bước lên xe bus với cảm giác thơ thới và cảm thấy rất mãn nguyện, giống như mỗi lần tôi kiếm ra được một thứ gì mà tôi đã đánh mất vậy.
Tôi sẽ mang về lại Canada những hình ảnh, những xúc cảm của tôi với Sapa, với Vịnh Hạ Long, với những nơi tôi đã đi thăm tại Việt Nam. Cái bức tường vô hình ngăn cách giữa tôi và quê hương cội nguồn Việt Nam của tôi đã không còn tồn tại nữa. Tôi cũng sẽ chẳng luyến tiếc và u sầu nữa vì thực ra quê hương tôi vẫn còn sống trong tôi. Tôi vẫn sẽ tiếp tục đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Đi để mà tôi có thể "móc nối lại được mạch điện nội tâm" mà đã nhiều lần bị đứt đoạn tại nhiều chỗ.
Trong vòng một tuần về thăm lại quê hương tại xứ Bắc trước vụ Gọi Hồn, tôi cảm nhận thấy tôi được trở về với quê cha, đất tổ và với chính bản thân tôi. Tôi thấy tôi bị thu hút, lôi cuốn rất nhẹ nhàng, rất thân thương bởi nhiều địa danh. Tuy nhiên, tôi thấy ngẩn ngơ thương nhớ cha mẹ tôi đã phải bỏ quê hương mà vào Nam để rồi thân mẫu của tôi đã mất tại Sài Gòn vào năm 1955 và thân phụ của tôi đã mất tại Montreal, Canada vào năm 1988. Tôi ao ước có được một cuộc du lịch tâm linh để hy vọng chúng tôi có thể đối thoại được với cha mẹ, họ hàng đang sống ở "thế giới bên kia" và nhất là để tôi tự thuyết phục chính tôi rằng linh hồn con người vẫn còn tồn tại sau khi chết...
Phần 2: Gọi hồn người xưa
Trước khi viết bài này tôi đã phải tốn mất nhiều thì giờ để ngồi xuống xem và ghi chép lại những diễn biến chính trong phần đối thoại. Tôi xin nhắc lại, trong phần tường trình (reporting) này, tôi chỉ ghi lại những gì mà BN và tôi mắt thấy, tai nghe được trong 3 cái VCD này mà thôi. Vì tính cách riêng tư của gia đình, tôi không có thể tường trình tất cả các chi tiết của những vị đã về trong chuyến Gọi Hồn này. Tin hay không tin về đề tài "Gọi Hồn" là tùy vào cá nhân người đọc và tôi không muốn bàn cãi, tranh luận về phần này. 
Phần nhận xét và cảm nhận, tôi sẽ trình bày trong Phần Ba: "Cảm xúc và những tín hiệu kỳ lạ".
Theo lời chỉ dẫn của cô đồng, ba hôm trước đó, chúng tôi đã xin phép thổ thần tại nhà chú H để cho họ nội, họ ngoại của mỗi người trong đám chúng tôi (chú H, thím L, BN và tôi) được phép "vào nhà" và nói chuyện với chúng tôi.
Như đã thỏa thuận trên điện thoại từ tuần trước, khoảng 9 giờ sáng ngày 21, tháng 12, 2005, cô đồng đến gặp chúng tôi tại nhà của vợ chồng chú H. Ngoài 4 người chúng tôi dự buổi lễ Gọi Hồn này còn có cô H và cô T (hai cô em gái ruột của thím L).
Trên bàn thờ chúng tôi bầy cháo, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã. Ngay trước mặt bàn thờ, chúng tôi đặt một cái bàn thấp trên đó chúng tôi cũng đặt đồ cúng, 3 ly nước trà, thuốc lá. Chúng tôi trải chiếu và ngồi trên chiếu trước bàn thờ.
Chú H. thắp nến và cô đồng thắp hương rồi ngồi xếp vòng tròn trong tư thế tọa thiền (lotus position). Cô đồng ngồi khấn vái, đọc họ và tên của 4 người chúng tôi để chúng tôi được đón tiếp cha mẹ, họ hàng của chúng tôi bên cõi Âm. Sau khi khấn họ nội, họ ngoại (last names) bên phía BN, tôi, chú H, thím L; cô đồng đổ 2 đồng xu trên đĩa để "xin âm dương", nghĩa là đã được người khuất mặt chấp nhận. Cô đồng "xin âm dương" 3 lần cả thẩy.
Tôi ngồi phía bên trái của cô, bên cạnh bàn thờ và dùng cái Handy camcorder để ghi lại hình ảnh và tiếng nói. Tôi đã được người nhà cho biết trước là phần gọi hồn này sẽ kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ cho nên tôi đã để sẵn 3 cuộn băng thu hình cộng thêm một cái battery phòng hờ nữa, miễn làm sao là tôi thâu hình được tất cả các diễn biến vì đây là "cơ hội ngàn vàng" cho tất cả mọi người hiện diện ngày hôm đó.
Có tất cả 19 nhân vật hiện về trong 3 cuốn băng thâu trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ, không kể 2 nhân vật mà chúng tôi không nhận ra "lý lịch" và 1 nhân vật mà tôi quay không kịp trong lúc đổi battery. Mỗi nhân vật bên cõi Âm về đối thoại với chúng tôi khoảng từ 3 phút tới 9 phút nhưng cha mẹ chúng tôi thì nói lâu hơn. Tôi xin mạn phép trình bầy ngắn gọn phần đối thoại của nhiều nhân vật.
Cô đồng ngồi theo lối tọa thiền, nhắm mắt, tay để ngửa trên đầu gối và các ngón tay gấp lại. Bổng thấy cô ngáp rồi nói:
- Ph về đây!
Ðây là nhân vật đầu tiên xuất hiện và là cụ tổ 5 đời của BN và chú H. Cụ mất khoảng gần 100 năm rồi.
Nhân vật thứ 2 là cụ tổ 4 đời của BN và H sau khi chúng tôi và người bên Cõi Âm đã đối thoại và xác nhận  được vai vế của mình. Chú H rót trà mời cụ; cô đồng uống trà và nói truyện. Cụ cho biết mộ của cụ đã bị thất lạc và vì Cụ thương con cháu nên mới về thăm.
Cô đồng lại vuốt mặt, ngồi một lúc và nhân vật thứ 3 xuất hiện. Đây là ông nội của BN và H. Cụ cho BN biết nên mang tro cốt của thân phụ BN từ Canada về lại VN nếu không vong linh của thân phụ của BN sẽ không được yên ổn. Tro cốt để ở trong chùa không tồt bằng đem ra nghĩa địa mà chôn cất! Cụ rất thương chú H và vẫn thường về thăm chú H. (Mộ của cụ ở nghĩa trang Yên Kỳ, tuần trước đó chúng tôi đã lên thăm, thắp hương và cúng các cụ).
Nhân vật thứ 4 là cụ bà NTN, vợ của cụ tổ 4 đời của BN và H. (BN và tôi đã thắp hương khấn cụ khi chúng tôi viếng mộ của cụ tại nghĩa trang Yên Kỳ tại Sơn Tây tuần trước đó). Mọi người và tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nghe cụ nói:
- Phán đâu?
(Cụ mất đã lâu năm và trên thực tế Cụ chưa hề gặp mặt tôi).
Cụ cho biết ngày giỗ của cụ là vào ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch.
Nhân vật thứ 5 là cháu D. Cháu là con trai đầu lòng của chú H, thím L và qua đời khi mới 14 tuồi. Hồn chào 2 dì và cô đồng rồi quay qua BN mà hỏi:
- Thế quà của cháu đâu, bác Nga?
Thím L đứng lên lấy gói kẹo của bác BN đưa cho cô đồng. Cô đồng xem gói kẹo rồi nói thím L đặt gói kẹo lên bàn thờ cho cháu D.
Nhân vật thứ 6 xuất hiện rất đột ngột. Chỉ nghe cô đồng nói rất khẽ:
- Nh về!
- Nga đâu?
- Phán đâu?
- Thế chú B không về hả?
Cả Nga và tôi đều bồi hồi xúc động vì "Nh" chính là quý danh của thân phụ của BN. Cách xưng hô và gọi tên những người trong cõi Dương rất là đúng.
Cụ cho biết là ông nội của BN và H muốn tro cốt của cụ được mang từ Canada về chôn cất tại nghĩa địa Yên Kỳ. Cụ hỏi thăm anh chị em của BN. Cụ cũng cho tôi biết là bố mẹ tôi "cũng về đấy"! Theo lời cụ thì năm 2005, chú H không sang Mỹ thăm gia đình được nhưng năm 2006, chú ấy mới qua Mỹ được.
Nhân vật thứ 7 là bác X (bác của BN và H -Tuần trước đó, chúng tôi đã thắp hương khấn Bác khi chúng tôi viếng mộ của Bác tại nghĩa trang Yên Kỳ ở Sơn Tây). Bác hỏi vì lý do gì mà mời Bác về? Bác còn cho biết nhiều chi tiết liên quan tới gia đình chú H.(Các chi tiết này rất đúng sự thật).
Nhân vật thứ 8 là Ng (em họ của BN và H. Ng là con trai; chết trẻ trong chuyến vượt biên). Cuộc đối thoại không lâu và chú chào từ biệt.
Nhân vật thứ 9 "đến" rất bất ngờ. Cô đồng nói rất sẽ:
- Thu đây!
Chúng tôi không biết cụ là ai nên lên tiếng:
- Thưa cụ, cụ bên họ Đàm, họ Dương hay họ Nguyễn ạ?
- Họ Đàm!
Tôi lắp bắp:
- Thưa có phải là bà tổ cô của Ðàm Trung Phán không ạ?
- Thế không nhận ra được hả?
Tôi phải xin lỗi Bà vì tôi chỉ biết tên bên cõi Dương của bà là ĐTK trong khi bà xưng tên bên cõi Âm là Thu nên tôi không nhận ra ngay được!
(Ðây là lần  đầu tiên tôi mới được thực sự "gặp" Bà -close encounter- sau gần 20 năm khi tôi  đã đặt bàn thờ để tưởng nhớ đến Bà tại nhà tôi ở Canada).
Cô đồng quay qua phía BN và nói:
- Các con đã vào nhà thờ và thăm mộ Bà, hôm nay bà về thăm các con!
Bà cho biết bà vẫn thường về thăm căn nhà của bố mẹ tôi tại Bắc Ninh và thăm viếng những người "ở thuê" trong căn nhà đó.
Cô đồng quay qua tôi và nói:
- Bà luôn luôn theo và che chở cho con! Thế con đã tìm ra mộ ông nội của con chưa? 
(Bà là em gái của ông nội tôi và Bà mất khi còn khá trẻ).
Bà cho biết mộ ông nội tôi vẫn còn nhưng nay đã bị thất lạc và bà sẽ giúp tôi trong việc tìm kiếm mộ của ông nội tôi.
- Ngang vai con có một người đã mất. Sao con không cúng anh ấy?
Tôi nghĩ ngay đến anh Hán của tôi, mất năm 1945 khi anh ấy còn rất trẻ. Vì Bà trách tôi sao tôi không cúng nên tôi lắp bắp xin lỗi và xin bà cho biết ngày giỗ của anh ấy.
- Lát nữa anh ấy sẽ về. Cả hai bố mẹ con nữa đấy! Bà luôn luôn về thăm con! Có việc gì bà sẽ về báo mộng cho con biết. Thôi bà đi nhé!
Tôi hỏi vội:
- Có phải sau khi thăm mộ Bà ở làng Me về, tối hôm đó, Bà đã "tặng" cho con một giấc mộng với rất nhiều hình ảnh hoa Lan đẹp rực rỡ trong một cái nhà kính, phải không ạ?
Bà không trả lời, tôi chỉ thấy cô đồng gật đầu, rồi bà thăng.
Nhân vật thứ 10 là mẹ của H và H nhận ra ngay được thân mẫu (thím của BN). Quay qua BN, hồn nói:
-  Mẹ cháu cũng về đó. 
Nhân vật thứ 11 là anh P. Anh là con trai của bác X và là con chú con bác ruột với BN và H. 
Nhân vật thứ 12 xuất hiện với tên Ng và sau một hồi hỏi tên họ, chúng tôi mới biết là họ Nguyễn và là em gái của L (vợ chú Hùng). Cô Ng chết trẻ nên mãi một lúc sau cả thím L và hai cô em gái của thím L (có mặt trong buổi gọi hồn này) mới nhận ra được cô.
Nhân vật thứ 13 xuất hiện, nói tên rất nhẹ như trong làn gíó vậy. 
Tôi ngồi quay phim ở phía xa nên nghe không rõ nhưng BN đã trả lời ngay:
- Mợ về!
 Ðây là thân mẫu của BN. Cụ hỏi thăm BN tất cả các anh chị em của BN và nói tên rành rọt từng người một, ngay cả tên cô con gái nuôi (tên H) của cụ nữa. Cụ muốn BN mang tro cốt của cụ từ Saigon ra chôn cất tại nghĩa địa Yên Kỳ (Bất Bạt tại Sơn Tây) để cụ  được "đoàn tụ" với thân phụ của BN!
Cô đồng quay qua tôi và nói:
- Ông bà sui cũng về nữa đấy!
Cụ nói truyện với BN một hồi rồi thăng.
Cô đồng lắc lư đầu, ngáp một cái và nhân vật thứ 14 khai tên:
- Tr. về!
Tôi đoán đó là người anh họ nội của tôi nên tôi chào hỏi ngay:
- Em là Ðàm Trung Phán đây, có phải là anh Ðàm Trung Tr. không?
Hồn trả lời:
- Anh về thăm chú đấy! 
Rồi quay qua BN, hồn hỏi: 
- Con Cún nó đâu?
BN và tôi ngẩn ngơ, chưa biết trả lời ra sao thì chú H đã lên tiếng: 
- Cún là con gái của chị đấy!
Hồn hỏi:
- Nó không về à?
Tôi hỏi anh có nhắn gì con cháu của anh không, anh lắc đầu:
- Anh chỉ về thăm chú thôi! Anh đi nhé!
Nhân vật thứ 15 nói tên rất nhanh:
- Hán đây!
Tôi trào nước mắt vì đây là anh ruột của tôi, anh mất năm lụt Ất Dậu 1945, lúc đó anh mới 5, 6 tuổi gì đó. Tôi chỉ kịp nói:
- Anh!
Hồn nói: 
- Chú ra ngồi đây với anh!
Tôi trao máy quay phim cho BN để quay giùm tôi.
Hồn hỏi:
- Hôm nay có việc gì mà chú mời anh về?
- Em mời họ hàng về để em hỏi thăm xem có cần gì không?
- Chú thăm mộ anh chưa?
- Em không biết mộ anh ở đâu!
- Sao chú chẳng cúng giỗ anh gì cả?
Tôi lắp bắp:
- Lúc anh mất, em còn bé quá rồi em lại đi xa nhà quá lâu nên em không biết ngày giỗ của anh!
- Nhớ giỗ anh vào ngày 27 tháng 4 âm lịch. Chú phải cúng giỗ anh, anh vẫn về thăm chú đấy!
Anh còn hỏi thêm: 
- Hai con trai của chú đâu? Chú có trách nhiệm phải mang chúng nó về với dòng họ nội nhà mình đấy! Mà tại sao chú và BN lại không có một đứa con trai với nhau để nó mang máu mủ họ nhà mình?
(Mặt mũi cô đồng lúc đó cười nói rất hóm hỉnh).
Tôi lại phải ấp úng giải thích. Anh còn cho biết:
-  Khi chú về làng thắp hương cúng các cụ, anh cũng theo về đấy! 
Bố mẹ nhà mình không muốn mang mộ phần về Việt Nam đâu, phần mộ của bố ở Canada đẹp lắm. 
Anh còn cho biết lát nữa mẹ tôi cũng về nữa. Tôi hỏi anh cuộc đời về sau của tôi ra sao, anh chỉ trả lời: 
- Anh luôn luôn che chở cho chú!
Sau đó anh nói: 
- Anh đi đây!
Cô đồng ngồi vuốt mặt và ngồi im một lúc. Xin mời quý vị nghe cuộc đối thoại với nhân vật thứ 16 dưới đây.
Tôi đang quay phim bỗng nghe tiếng cô đồng:
- Phán đâu? Bố đây!
Hồn hỏi ngay:
- Pháp có về không?
Tôi thật xúc động vì đây là lần đầu tiên tôi được "nói chuyện" với thân phụ tôi sau khi cụ qua đời vào năm 1988 tại Montreal, Canada. Cụ cho biết là cụ thường ở bên cạnh các anh chị em chúng tôi. Cụ hỏi:
- Thế con đã về thăm đất làng Me chưa? Có biếu tiền cho người ta trông nom phần mồ mả cho các cụ nhà mình không?
Cụ hỏi thăm hai thằng cháu nội M. và S. (con trai tôi) và cả thằng chắt nội của Cụ (con trai đầu lòng của M. và là cháu nội đích tôn của tôi). Cụ cho biết Cụ vẫn thường "về thăm" các cháu, chắt này.
Cụ nói tiếp: 
- Phần mộ của Bố ở Montreal đẹp lắm, không phải chuyển đi đâu hết. Bố muốn các con sống hạnh phúc và các cháu thành đạt. Người vợ cũ của con đối xử với bố, với con như thế nào, con là người trong cuộc, con biết rõ; Bố càng thương con bấy nhiêu. Mà mẹ con cũng về cùng về đấy!
(Vẻ mặt cô đồng rất đăm chiêu).
Cụ còn kể cho tôi biết nhiều chuyện riêng tư trong gia đình và cuộc đời mà chỉ hai bố con chúng tôi biết mà thôi. Tôi nghẹn ngào vì thương Bố. Tôi chỉ biết cầu mong để cụ quên đi những chuyện không vui ngày xưa. (Những chuyện này đều đúng sự thật mà cô đồng, ngay cả BN cũng chẳng hề biết được).
- Thôi Bố đi đây!
Rồi cụ thăng.
Cô đồng ngồi xoa tay lên mặt và ngồi im lặng khá lâu, bỗng tôi nghe thấy tiếng nói rất khẽ của nhân vật thứ 17:
- Th đâu? (Th đúng là tên của chú em trai út của tôi).
Tôi vội gọi:
- Mẹ!
Tiếng cô đồng hỏi rất nhẹ:
- Cháu Steve đâu? 
(Steve là tên con trai út của tôi, nghe như cụ gọi nó là "Ti" vậy). 
- Sao nó không về gặp bà?
Tôi trả lời:
- Cháu sẽ về Saigon tháng sau, đi cùng với mẹ của nó ạ.
Tiếng mẹ tôi qua cô đồng:
- Việc vợ con của con ngày trước, con vất vả lắm. Con phải cố gắng mà mang thằng "Ti" về lại với dòng họ nội nhà mình nhé!
Mẹ tôi hỏi thăm tất cả các anh chị em tôi, không gọi sai một tên nào hết!
Cụ nói:
- Mẹ thương các con lắm, mẹ luôn luôn theo và che chở cho các con. 
Rồi quay qua BN, mẹ tôi nói tiếp:
- Mẹ cám ơn BN đã mang lại hạnh phúc cuối đời cho Phán. Các con sống hạnh phúc thì mẹ mới vui. Khi nào "Ti" nó lấy vợ thì nhớ cho Bà biết với nhé!
Tôi hỏi:
- Ở bên đó đời sống của mẹ ra sao, mẹ có cần gì không? 
Mẹ tôi trả lời:
- Mẹ ngày nào cũng vào chùa, cuộc sống của Mẹ bây giờ an nhàn lắm. Con không cần phải cúng gì thêm cho mẹ cả. Mẹ ở với anh T, mẹ hài lòng lắm (tro cốt của mẹ tôi đang để ở nhà anh T của tôi tại Texas; chị dâu tôi đã mang tro cốt của Cụ từ Việt Nam sang Mỹ khi chị sang đoàn tụ với anh tôi).
Cụ tiếp lời: 
- Các con thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, con cháu thành đạt là mẹ mãn nguyện lắm rồi.
Trước khi từ giã, mẹ tôi nói:
- Con có hiếu lắm, nghe tin con về, âm phần ai cũng vui. Sang năm con về nhớ đi tìm mộ ông nội để báo hiếu. Anh Hán cũng đã về ở với mẹ rồi. Thôi Mẹ đi nhé!
Cô đồng lại xoa mặt và nhân vật thứ 18 nói rất khẽ:
- Bé về!
Chúng tôi hỏi cô là ai. Sau đó mới biết đây là cô em gái chót út của BN và mất khi còn rất nhỏ tuổi. Cô cho biết là phần mộ của cô đã bị san bằng, và muốn BN cúng cô vào ngày 16 tháng 4 âm lịch. Cô nói:
- Em luôn luôn ở cạnh chị và phù hộ cho chị. 
Bỗng cô đồng cười to:
- Sao chị không cúng ông "Trưởng giả" à? Mà chị có biết ông Trưởng giả là ai không? 
(Vẻ mặt cô đồng rất là tinh nghịch).
Chúng tôi ngồi im vì chưa biết ông "Trưởng giả" là ai thì cô lại cười và nói tiếp: 
- Lát nữa, ông "Trưởng giả" về thì chị sẽ biết là ai!
 Cô đồng cười tinh nghịch. Sau đó hồn thăng.
Nhân vật thứ 19 kế tiếp là anh Ph (anh ruột của BN). Anh quay qua hỏi thăm BN tất cả các anh em của BN, nói đúng tên từng người một. Anh hỏi thăm cháu H (con gái của BN) vì ngày xưa anh ấy hay đưa cháu đi học. Anh cho biết cháu H sẽ sinh con vào tháng 8 Âm lịch năm tới (năm 2006).
Anh cho biết là anh vẫn gặp bố mẹ BN. Trước khi thăng, anh cho biết là không còn ai về nữa đâu. 
Hóa ra anh Ph chỉ "đóng vai" con trai "Trưởng giả" của bố mẹ BN ở bên cõi Âm, vì thực ra anh là con trai thứ chứ không phải là con trai "Trưởng thật"!
Cô đồng ngồi một lúc, sau đó vuốt mặt vài cái rồi đứng lên lễ tạ.
Trong khi mọi người lo đốt vàng và chia phần trái cây, BN và tôi tiếp chuyện cô đồng. Cô chừng 36 tuổi và đang có bầu được ba tháng, vẻ mặt hiền từ của một thôn nữ trông khác hẳn vẻ mặt khi cô tiếp xúc với các nhân vật bên cõi Âm. Cô đồng cho biết khi cô khoảng 13 tuổi cô bị ốm nặng đến độ hôn mê tưởng chết, sau đó thỉnh thoảng cô nghe được tiếng người bên cõi Âm nói chuyện và nhìn thấy được một nửa người của họ. 
Chúng tôi đang nói chuyện thì có một bà đến nhà chú H. Bà khẩn khoản mời cô đồng đến nhà bà để nhờ cô gọi hồn chồng bà về nhưng cô đồng khước từ.
Sau khi bà kia đã ra về, cô đồng nói:
- Cháu phải về lại Hải Phòng để làm lễ tạ ơn. Cô chú hôm nay may mắn lắm nên các cụ mới về nhiều như thế.
Tiễn cô đồng ra về, tôi cảm thấy thật là vui vì tôi đã được "nói chuyện" với những người rất thân thương của tôi nhất là các chi tiết của gia đình tôi không có chỗ nào là "trái cựa" cả. Tôi đã tưởng rằng tôi đã "mất bố mẹ tôi" nhưng thật ra hồn của hai cụ vẫn còn quan tâm và về thăm chúng tôi nữa. Thật là huyền bí nhưng tôi đang cảm nhận được niềm an vui và thấy thanh thản y như là hai cụ "vẫn còn sống" vậy! Mai này, khi tôi chết, tôi sẽ không cảm thấy sợ hãi vì tôi đã có những người thương yêu tôi đang chờ đón tôi tại "một cõi khác" và chính hồn tôi cũng sẽ về thăm và giúp các con cháu của tôi. Hai chữ "linh hồn" trong tôi, tôi cảm nhận thấy được rõ ràng hơn trước khi chúng tôi Gọi Hồn. Hóa ra "sống" và "chết" là như vậy sao?
Phần 3: "Cảm xúc và những tín hiệu kỳ lạ"
Tôi xin mạn phép nhắc lại rằng trong Phần 2: "Gọi hồn", cuộc đối thoại với 20 nhân vật bên Cõi Âm (không kể hai nhân vật mà chúng tôi không nhận biết được liên hệ gia tộc và một nhân vật mà tôi không thâu kịp trong lúc thay battery) kéo dài trong khoảng 3 tiếng đồng hồ. Tôi đã trình bầy cho ngắn gọn trong Phần 2 và bây giờ tôi xin góp thêm ý kiến về các nhận xét và về phần cảm nhận riêng tư của tôi.
Các thành viên gia đình trong Cõi Âm của 4 người ngồi Gọi Hồn "xuất hiện" theo hệ thống ngôi thứ (rank and file) qua lời nói của cô đồng. Các cụ bên gia đình BN và H "về" theo thứ tự rất là quy củ: Cụ tổ 5 đời về trước tiên, sau đó là cụ tổ 4 đời rồi 3 đời. Các cụ tự xưng tên và các cụ cho biết sự liên hệ giữa đời nọ với đời kia. Riêng cụ tổ 5 đời của BN và H, vì cả BN và H không biết đích danh của Cụ lúc ban đầu, Cụ cho biết cụ là thân sinh của cụ tổ 4 đời và cụ cũng cho biết họ và tên của cụ tổ 4 đời nữa, vì vậy mà BN, H mới biết Cụ là ai.
Còn bên gia đình tôi, bà Tổ Cô của tôi (Cụ cho biết Cụ là Bà Cô Trẻ của họ Ðàm) "về" trước tiên trong dòng họ nội của tôi. Vì Bà tự giới thiệu tên bên Cõi Âm là Thu nên tôi lúng túng nhận không ra ngay được. Cô đồng quay qua phía BN:
- Họ Ðàm ấy mà! Thế không nhận ra sao?
Nhờ vậy tôi mới "đoán" được là Bà Tổ Cô của tôi. Lời nói của Bà qua cô đồng rất là ôn tồn và vẻ mặt cô đồng trông thật là an nhiên tự tại. Về phần tôi, tôi cảm thấy rất vui mừng vì đây thực sự là tôi đang được đối thoại với Bà Tổ Cô của tôi. BN và tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe Bà nói:
- Các con đã về thăm nhà thờ (từ đường) và thăm mộ Bà, hôm nay Bà về thăm các con đây!
Lời nói này làm tôi nhớ lại những gì đã xẩy ra: tuần trước đó, chúng tôi đã về thăm làng quê tại Bắc Ninh. Chúng tôi đã vào từ đường thắp hương khấn vái các vị đã khuất bóng. Khi vào thăm mộ của gia tộc, tôi đang mải chụp hình, bỗng nhiên tôi nhìn thấy ngay ngôi mộ của Bà Tổ Cô và vợ chồng chúng tôi thắp hương khấn vái Bà. Chuyện về thăm mộ bà, tôi chưa nghĩ đến mà lúc đó - qua lời cô đồng - Bà nhắc lại, các chi tiết rất đúng sự thật, thật là không thể tưởng tượng được! Một điều hết sức ngạc nhiên nữa là Bà cho biết một người anh trai tôi cũng "về" nữa. Anh trai tôi (anh Hán) mất hồi anh ấy còn nhỏ, khi đó tôi mới lên 3 cho nên tôi đâu có biết nhiều, huống chi là còn nhớ. Ðây là lần đầu tiên tôi "có chứng cớ" là vong linh Bà đang thực sự hiển linh và chính Bà đã cho tôi biết "Bà luôn luôn che chở cho tôi" qua lời nói của cô đồng. Cái "tin vui" về người anh khuất bóng của tôi là một tin thật bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của tôi; ngay cả BN cũng chưa chắc biết chuyện về anh tôi nữa vì tôi chưa kể cho BN nghe nhiều về anh tôi, có lẽ vì tôi đã quên rất nhiều những việc xẩy ra hơn 60 năm về trước!
Tôi nhận xét thấy những nhân vật chết trẻ như anh tôi, cháu D. con chú H. và cô Bé (em gái của BN), khi họ về, nét mặt của cô đồng lộ vẻ rất tinh nghịch, cười đùa hồn nhiên và cách ăn nói qua cô đồng lại "lau tau" đúng như trẻ con, khác hẳn với vẻ mặt và cách ăn nói của người chết khi đã lớn tuổi.
Một số chi tiết của những điều các Cụ nói ra rất "ăn khớp" với nhau khi chúng tôi ngồi kiểm chứng lại sau vụ Gọi Hồn này. Tôi xin lấy vài thí dụ dưới đây.
Cụ tổ 4 đời của BN và H (nhân vật thứ 2) cho biết một chắt trai của cụ (ngang vai vế với BN và H) mấy năm về trước đã bị bệnh hiểm nghèo may nhờ Cụ phù hộ cho nên mới tai qua, nạn khỏi. Ðiều này, thân phụ của BN (nhân vật thứ 6) cũng cho biết:
- May nhờ Ông Nội (của thân phụ BN) che chở cho nó, chứ không thì nó không qua khỏi!
Trên thực tế, câu chuyện hoàn toàn đúng sự thực: chắt trai của cụ (chúng tôi biết rõ tên tuổi của người đó) đã phải trải qua hai kỳ giải phẫu hiểm nghèo nhưng sau đó thực sự khỏi bệnh. Các chi tiết mà Cụ tổ 4 đời và thân phụ BN cho chúng tôi biết về người chắt trai này không hề "trái cựa" với nhau!
Các Cụ bên gia đình BN và H còn cho chúng tôi biết ngày giỗ của các Cụ nữa. Khi tra gia phả, những ngày giỗ này đúng y như đã ghi trong gia phả. Một điều ngạc nhiên ly kỳ khác: cụ bà NTN (vợ của Cụ tổ 4 đời của BN và chú H) không những đã cho biết ngày giỗ của Cụ vào mùng Hai, tháng Giêng âm lịch mà còn gọi đúng tên tôi nữa (Cụ chưa hề gặp tôi bao giờ)! Tôi nhớ rõ là hôm lên thăm nghĩa địa Yên Kỳ tại Sơn Tây với vợ chồng Chú H, BN và tôi đã thắp hương và khấn vái trước mộ Cụ. Tôi còn chụp hình phần mộ của Cụ Bà và trong hình, tôi thấy ghi rõ trên mộ bia ngày Cụ mất: mùng Hai, tháng Giêng âm lịch! Phải chăng vì tôi đã thắp hương và khấn vái Cụ mà Cụ biết tên tôi rành mạch? (Ðiều này rất giống câu chuyện giữa Bà Tổ Cô và vợ chồng chúng tôi khi chúng tôi viếng mộ Bà).
Thân phụ BN cho biết chú H. không thể qua Mỹ thăm gia đình vào năm 2005 được nhưng "sang năm" (tức là năm 2006) thì chú H sẽ qua Mỹ thăm gia đình được. Sau khi Gọi Hồn xong, chú H cho chúng tôi biết ngay từ đầu năm 2005, chú ấy đã nộp đơn xin giấy tờ đi Mỹ nhưng giấy tờ bị trục trặc và rốt cuộc không sang Mỹ được. Quả nhiên trong năm sau (năm 2006), việc xin giấy tờ sang Mỹ rất dễ dàng và vào Mùa Thu năm 2006, chú H đã qua thăm thân phụ và gia đình bên nội của chú ấy tại Hoa Kỳ. Xem ra 10 tháng sau khi Gọi Hồn, lời nói của thân phụ của BN đúng với sự thực.
Ngày giỗ mà các Cụ bên gia đình Bích Nga nói đều giống hệt như đã ghi trong gia phả. Tuy nhiên, anh tôi dặn chúng tôi cúng anh ấy vào ngày 27 tháng Tư âm lịch. Khi về tới Canada, tôi coi trong gia phả gia đình họ nội, tôi thấy gia phả ghi anh ấy mất vào ngày 24 tháng Bảỵ, âm lịch. Chẳng lẽ anh ấy đã nói lộn cho tôi biết ngày và tháng? 
Theo lời mẹ tôi (nhân vật thứ 17) thì anh ấy đã về ở với mẹ tôi. Trước khi vợ chồng chúng về thăm Việt Nam, chúng tôi thường hay thắp hương khấn vái Bà Tổ Cô và Bố Mẹ tôi để báo tin cho các Cụ biết rằng chúng tôi sắp về Việt Nam thăm làng quê và họ hàng, chẳng lẽ vì vậy mà anh tôi đã nói:
- Khi chú về làng thắp hương cúng vái các Cụ, anh cũng về theo!
Rồi: 
- Anh luôn luôn che chở cho chú.
Và mẹ tôi cũng cho biết:
- Nghe tin con về, Âm phần ai cũng vui!
Qua những mẩu chuyện này, tôi có cảm tưởng rằng người bên Cõi Âm đang hiện diện ở một nơi rất gần với chúng ta nhưng họ "sống" ở trong một môi trường khác (medium, frequency) với môi trường sinh sống của chúng ta cho nên chúng ta không thể nhìn thấy họ và cũng không nghe được tiếng họ nói.
Tôi để ý thấy khi các Cụ tổ bên phía BN và  chú H "về thăm" chúng tôi, nét mặt của cô đồng lộ vẻ bình tĩnh và lời nói không tỏ vẻ vui hay buồn. Tuy nhiên, khi cha mẹ của vợ chồng chúng tôi nói chuyện với chúng tôi, nét mặt của cô đồng trông khá đăm chiêu (tense). Dường như các Cụ vẫn còn nhiều vương vấn với Cõi Trần, nhất là còn chưa quên được những liên hệ mật thiết với các con, các cháu?
Tôi chưa bao giờ được gặp mặt hai đấng thân sinh của BN nhưng theo lời BN, thân mẫu của BN có những điệu bộ chẳng khác gì như lúc Cụ còn sống nhất là cách cụ gõ các ngón tay trên sàn chiếu khi Cụ nói chuyện. Cách xưng hô của bố mẹ đôi bên đều chẳng có gì khác khi còn sinh thời. Các Cụ còn nói rõ tên và hỏi thăm từng người con một. Bố mẹ tôi kể cho tôi nghe những chuyện riêng tư trong gia đình mà chỉ một mình tôi mới biết được mà thôi. Thân mẫu của tôi đã mất 50 năm trước đó và cô đồng mới có 36 tuổi thì không tài nào cô đồng "nghe lóm" được những gì đã xẩy ra trong gia đình nhà tôi trước khi cô sinh ra đời được. Cô đồng cũng không thể "dựa hơi" mà nói tên rành rọt từng người trong gia đình của chúng tôi vì chúng tôi không nói tên của tất cả các anh chị em chúng tôi!
Thân phụ của tôi đã phải di tản đến 2 lần: năm 1954 và 1975. Khi còn sở Sài Gòn cũng như khi Cụ sống với chúng tôi tại Mỹ và Canada, Cụ thường kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện làng quê tại Bắc Ninh, nhất là cái gia trang của hai Cụ. Cụ hay nói tới đồng lúa, lũy tre, cái cầu ao, đền thờ Cụ Tiết Nghĩa, đề thờ Cụ Quốc Sư, họ hàng… Vì vậy mà tôi không hề ngạc nhiên khi nghe Cụ hỏi tôi qua lời cô đồng:
- Thế con đã về thăm làng Me chưa? Có biếu tiền cho người ta trông nom phần mồ mả cho các Cụ nhà mình không?
Trong lúc Gọi Hồn, tôi cứ ngỡ như là tôi đang ngồi nói chuyện với những người bên Cõi Dương vậy. Một số thân hữu đã hỏi tôi:
- Thế anh không sợ "gặp ma" trong lúc Gọi Hồn ả ?
Ðối với tôi, trong lúc hay sau khi Gọi Hồn, tôi thấy rất vui vì tôi đã "gặp" được nhiều người thân thương của tôi trong Thế Giới Bên Kia. Có lẽ tôi "ớn ma sống" trên Cõi Dương còn hơn là "sợ ma chết" trong Cõi Âm nữa!
Tôi có thói quen hay thức khuya từ lúc còn đi học cho tới khi đi dậy học và kéo dài cho tới bây giờ. Tôi thích đêm khuya vì trong những lúc đó, tôi thấy được yên tĩnh và làm việc bằng đầu óc thấy dễ dàng hơn. Tôi còn nhớ sau khi thân mẫu tôi qua đời lúc tôi mới 13 tuổi, tôi thường mơ ngủ thấy Cụ . Khi thì Cụ chui vào mùng trong lúc tôi đang nằm ngủ, khi thì Cụ vỗ về tôi trong những lúc tôi buồn hiu hắt. Khi còn nhỏ, tôi thường tự trách mình là tôi hay "mơ mộng" vì bị ám ảnh bởi cái cảnh bà mẹ Cúc Hoa từ Cõi Âm về lại Cõi Dương để vỗ về, âu yếm hai đứa con thơ. Sau khi anh chị em chúng tôi đã có gia thất và nhất là sau khi tôi nghe anh lớn tôi kể truyện Mẹ về báo mộng cho anh ấy trong Tù Cải Tạo, tôi linh cảm có một cái gì kỳ lạ, huyền bí trong những giấc mơ của tôi.
Những năm đầu khi tôi đi học tại Úc Ðại Lợi, tôi chỉ có biết học để mà ra trường. Sau khi đã ra trường, như nhiều các sinh viên khác, ban ngày tôi đi làm với chức vụ Kỹ Sư, ban đêm tôi đi học Cao Học. Sống một mình ở nơi xứ lạ quê người, tôi cảm thấy buồn và cô đơn. Tôi nghĩ tới chuyện lấy vợ. Mà lấy ai bây giờ nhỉ? Ban ngày tôi bận rộn với công việc, ban đêm bận bịu với việc học hành. Chỉ những đêm khuya trong căn nhà trọ một mình, tôi thường hay ngồi suy nghĩ về việc lấy vợ và tạo dựng tương lai gia đinh, nghề nghiệp về sau. Một đêm tôi nằm mơ ngủ gặp một linh mục mặt mũi rất phúc hậu (tôi là người gốc Phật Giáo). Cha nói tiếng Anh với tôi và tôi nghe loáng thoáng như:
- You will meet your wife in coma. (Con sẽ gặp vợ của con trong trạng thái hôn mê).
Khi thức dậy, nghĩ lại về giấc mơ, tôi thấy nó "không có ăn nhậu gì hết" như nhiều các giấc mơ khác. Tuy nhiên, tuần sau đó, tôi đi trượt tuyết cùng với một số bạn bè tại địa danh Kooma (địa danh này do thổ dân Úc đặt ra và phát âm giống như chữ "Coma"). NT cùng đi trượt tuyết với cả bọn chúng tôi để rồi hai đứa chúng tôi bắt đầu đi chơi riêng với nhau và hai năm sau đó, chúng tôi lấy nhau. Hóa ra tôi đã thực sự "gặp" NT, vợ tương lai của tôi tại địa danh Kooma, giống như lời nói của vị linh mục trong giấc mơ vậy!
Sau khi đã lập gia đình, chúng tôi rất muốn biết sẽ lập nghiệp tại quốc gia nào. Một đêm, cũng trong một giấc mơ khác, tôi lại thấy một vị linh mục người da trắng rất hiền từ và linh mục đã nói với tôi bằng tiếng Anh:
- You will be there alright but keep trying! (Con sẽ tới được nơi đó nhưng phải cố gắng).
Quả nhiên, vài tháng sau, đôi vợ chồng trẻ chúng tôi đã tới lập nghiệp tại Canada rất thuận buồm suôi gió. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa đoán được hai vị linh mục đó là ai và tại sao lại có sự "trùng hợp" thật đúng với sự thật như vậy? 
Năm 1992, hai ngày trước khi bà ngoại của hai con trai tôi mất tại tư gia của chúng tôi, tôi nằm mơ nhìn thấy một bóng ma của một người đàn bà mặc đồ tang trắng đang ngồi vắt vẻo trên một cành cây ở ngoài vườn. Bóng người mặc tang trắng này đang ngó vào trong nhà chúng tôi. Tôi sợ toát mồ hôi và thức giấc. Lúc này thì gia đình bên ngoại của các cháu đã từ Hoa Kỳ và Âu Châu về tề tựu đầy đủ tại tư gia chúng tôi để cầu nguyện cho Cụ. Và Cụ đã thanh thản ra đi trong lúc nhà vắng người nhất.
Năm 1991, Cụ bị ngã trước cái chân cầu thang khi Cụ trèo lên gác. Cụ bị nứt xương tay bên phải và chỉ khi về đến nhà, chúng tôi mới biết điều đó. Kết quả là Cụ đã phải vào nhà thương bó bột. Cụ đã kể lại cho chúng tôi biết là sau khi Cụ đã ngã, tuy quá đau tay nhưng Cụ đã "nghe thấy" giọng một người đàn bà Việt Nam nói với Cụ:
- Tôi biết là Bà đã ngã và Bà đau lắm. Thôi để tôi giúp đưa bà trèo lên gác mà vào phòng nằm nghỉ!
Mùa Thu năm 1992, sau khi Cụ mất được ít lâu, một đêm tôi nằm mơ. Thoạt đầu trong giấc mơ, tôi "nghe" thấy tiếng động như một vật gì nặng mới rớt xuống đất. Sau đó, tôi "thấy" Cụ nằm sóng soãi trên sàn nhà ngay trước bậc cầu thang đầu tiên từ phòng khách lên gác. Cụ mặc cả quần lẫn áo cà sa. Phải chăng là là hồn của Cụ đã về báo mộng cho tôi biết Cụ đã ngã tại chỗ nào (điều mà Cụ chưa kịp nói rõ cho tôi trước khi Cụ mất) và bây giờ Cụ đã được siêu thoát ở Thế Giới Bên Kia (người Tây Phương gọi là The Beyond).
Sau khi bà ngoại của các cháu qua đời, đời tôi bắt đầu rất "vất vả" và kết quả là tôi đã phải dọn ra sống một mình trong một thời gian khá lâu. Tôi đã đi vào Thiền định để cố gắng lấy lại sự bình an trong tâm hồn. Trong lúc ngồi thiền, tôi đã "nhìn thấy trong đầu" nhiều hình ảnh như những khi tôi đang đi du lịch vậy, đặc biệt là từ trên cao nhìn xuống. Một đêm khuya thanh vắng như thường lệ, trong lúc ngồi thiền trong một căn phòng cao ốc một mình, tôi cảm-nhận-thấy rõ hình bóng mẹ của bạn tôi. Cụ đã qua đời được 1, 2 hôm trước đó và tôi cũng đã ngồi tụng niệm cho Cụ với mọi người trong gia đình của bạn tôi. Tôi "thấy" Cụ đang tiến lại phía tôi, tôi không hề sợ hãi mà còn thấy "vui" là đằng khác nữa rồi tôi cảm thấy Cụ "nhập" vào người tôi. Tôi vẫn ngồi nhắm mắt niệm Phật và không hề sợ hãi. Tự nhiên tôi cảm-nhận-thấy một luồng sinh lực (energy source) chạy xung quanh thân thể. Tôi cảm thấy khỏe khoắn và an vui lạ thường. Tôi cũng có cảm tưởng là tôi không còn ngồi trên sàn đất nữa mà thân thể tôi đang lơ lửng chừng 30, 40 cm cao hơn mặt sàn nhà. Tôi vẫn tiếp tục niệm Phật và tôi "nói trong đầu":
- Con xin cám ơn Bác đã đến "thăm" con!
Vài ba phút sau, tôi không còn cảm-nhận-thấy luồng sinh khí đó nữa và tôi "thấy" tôi trở về lại với vị trí của tôi trên sàn nhà.
Tháng Hai, năm 1992, trong lúc tôi đang rất bận rộn với công việc nhà trường và sinh hoạt thiện nguyện. Sáng sớm một hôm Chủ Nhật, tôi mơ ngủ thấy bạn tôi đến "thăm tôi". Anh ta tươi cười và ăn mặc rất chỉnh tề như khi đi ăn cưới vậy. Anh ta nói với tôi:
- Tôi đến chào ông đây!
Nói xong, anh ta vui vẻ vẫy tay chào tôi rồi bỏ đi. Tôi bàng hoàng tỉnh giấc và chẳng có thể ngủ tiếp được nữa. Ðến trưa hôm đó, tôi được biết bạn tôi đã qua đời tối hôm Thứ Bảy, hưởng dương 44 tuổi! Ðặc biệt là ngoài tôi ra còn có 2 người khác bạn của chúng tôi cũng đã được anh đến "chào" như vậy! Anh và tôi đã từng sinh hoạt cộng đồng với nhau trong nhiều năm và thân nhau như hai anh em ruột vậy. Những khi nào anh em chúng tôi gặp những việc "khó nuốt" trong lúc sinh hoạt mà chẳng biết nói cùng ai, chúng tôi thường hay nhìn nhau rồi nói:
- Thôi thì tôi với ông mỗi đứa ngậm một quả bồ hòn vậy!
Nói xong, hai đứa phá ra mà cười với nhau. Sau khi bạn tôi đã vĩnh viễn ra đi, một mình tôi ngậm hai quả bồ hòn: một cho một kẻ Cõi Âm và một cho một kẻ Cõi Dương! Lâu lâu, tôi "gặp" lại anh trong giấc mơ; trông anh già hẳn đi nhưng có vẻ an nhiên tự tại và ít nói, ít tươi cười như ngày xưa!
Năm 1995, khi đời tôi đang đi vào một khúc quanh một chiều, cũng trong một buổi sáng sớm tinh sương, tôi mơ ngủ thấy một một chị bạn đồng trang lứa với tôi. Chúng tôi đã đi du học cùng năm với nhau rồi cùng trở thành hai nhà giáo. Bạn tôi rất tươi cười, mặc áo đầm dài và chị  nói với tôi trong giấc mơ:
- Tôi đến chào P. đây! Ở lại bình an nghe!
Tôi toát mồ hôi hột, giật mình thức giấc và tôi không tài nào nhắm mắt mà ngủ được nữa vì tôi nhớ đến giấc mơ với anh bạn kia của tôi.
Buổi trưa hôm đó, tôi được biết là bạn tôi đang hôn mê ở trong nhà thương và đang thoi thóp sống nhờ "hệ thống trợ sống" (life support) và qua đời sau đó một ngày. Tôi được nhà thương cho biết là bạn tôi đã bị "brain dead" (phần óc đã chết) ban đêm, trước khi chị "về chào từ biệt" tôi lúc buổi sáng sớm! Bạn tôi mất lúc 53 tuổi và để lại bốn đứa con thơ trong sự thương tiếc của bạn bè. Tuyệt nhiên, tôi chưa hề "gặp lại" bạn tôi trong một giấc mơ nào cả.
Qua những giấc mơ lạ lùng này (hay thực sự ra là những tín hiệu kỳ lạ?), tôi thường tự đặt câu hỏi cho chính tôi:
- Thế nào là ‘sống’, thế nào là ‘chết’? Sau khi ‘chết’, ‘linh hồn’ sẽ đi về đâu? Mà làm sao chứng minh được là con người có ‘linh hồn’ nhỉ? 
Tôi đã đi vào Thiền Ðịnh và rất muốn tìm hiểu về Thế Giới Tâm Linh.
Nhờ Thiền Ðịnh, nhờ những câu hỏi mà tôi tự đặt ra trong đầu óc, nhờ những kinh nghiệm sống ngoài đời và những giấc mơ lạ lùng mà tôi đã có hứng để viết bài "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" liên quan tới những điều mà tôi hằng nghĩ tới:
http://www.khoahoc.net/baivo/damtrungphan/chutam.htm
Trong bài này, tôi đề cập đến phần thông minh về Trí Óc (Intelligence Quotient), phần thông minh về Cảm Xúc (Emotional Intelligence Quotient) và phần thông minh về Tâm Linh (Spiritual Intelligence Quotient). Qua Internet, tôi đi kiếm các tài liệu về Tâm Linh và Gọi Hồn và tôi mới kiếm ra website dưới đây của một nhóm khoa học gia Tây Phương viết về phần linh hồn của những người đã chết (body dead):
http://www.worlditc.org/c_01_lohf_part1.htm
Quý Vị tin hay không tin là "chết là hết" và cái "chết" của con người mà các khoa học gia Tây Phương trong ngành Tâm Lý Dị Biệt/ Tâm Lý Nửa Vời (Parapsychologists) cho rằng đó chỉ là "cái chết của xác thân" mà  thôi (body death) nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại, xin mời Quý Vị vào đọc website này. Quý Vị sẽ thấy họ đã viết về những tín hiệu kỳ lạ (paranormal signals) của nhiều "người" ở Thế Giới Bên Kia" (The Beyond) về báo mộng cho những người thân của họ đang sống trên Cõi Dương này.
Sau phần Gọi Hồn tại Hà Nội, tôi cảm thấy đầu óc rất thảnh thơi vì tôi đã cảm-nhận-thấy những câu hỏi về "sống, chết, linh hồn" mà tôi tự đặt ra cho tôi trong nhiều năm đã hầu như có câu trả lời tuy chưa thật là thỏa đáng nhưng cũng đã có một số chứng cớ khá rõ ràng mà chính tôi đã được dự kiến.
Tôi thấy phấn khởi và vui vẻ muốn đi thăm nhiều nơi trên quê hương, đất nước Việt Nam của tôi. Chỉ ở ngay tại Việt Nam, tôi mới bắt đầu cảm - nhận  được thế nào là "Hồn Sông Núi" và vì vậy mà hai vợ chồng chúng tôi tiếp tục chuyến đi thăm quê hương cội nguồn từ Bắc xuống Nam.
Phần 4A: Xuôi Nam (Huế, Ðèo Hải Vân, Hội An)
Sau khi cô đồng ra về, chúng tôi ăn cơm trưa và tôi ăn vội để còn xem lại 3 cuộn phim Gọi Hồn mà tôi vừa quay xong. Tôi ngồi chăm chú nghe đoạn Bà Tổ Cô, bố mẹ tôi và anh tôi đối thoại với vợ chồng chúng tôi. Tôi đã được người thân kể cho nghe những chuyện rất riêng tư của gia đình chúng tôi mà các chi tiết lại rất là chính xác. Bao nhiêu năm trước dây, tôi đã từng thắc mắc: "Liệu thực sự vong linh Bà Tổ Cô có theo và phù hộ tôi không hay là người coi Tử Vi cho tôi chỉ nói mò mà thôi". Ngày hôm đó, quả thực là vong linh của Bà đã về và Bà đã trả lời chúng tôi: "Hai con đã thăm mộ Bà, hôm nay Bà về thăm hai con đây!" Câu trả lời của Bà thật là bất ngờ và rất đúng sự thật vì tuần trước đó, anh em chúng tôi đã vào từ đường và khấn vái trước mộ Bà khi chúng tôi về thăm quê bên nội tại Bắc Ninh. Các câu trả lời của Bà, của bố mẹ tôi, của anh tôi đã là một bằng chứng hùng hồn là con người có linh hồn và khi một người trên Cõi Dương "chết" thì chỉ có thân xác họ bị hủy diệt nhưng phần hồn của họ vẫn còn tồn tại.
Tôi nở một nụ cười và trong đầu, tôi tự nói với tôi: "Tuyệt vời! Chẳng còn nghi ngờ gì nữa"! Chẳng lẽ những người Vô Thần còn phủ nhận sự hiện hữu của phần linh hồn hay họ vẫn còn ngụy biện như thường lệ? Mà tôi còn rất muốn biết thêm những người không tôn trọng Luật Trời sẽ bị quả báo ra sao, nhất là những kẻ giết người không tanh tay sẽ phải đối diện ra sao với linh hồn của những người đã bị chúng giết hại sau khi những kẻ độc ác này đã chết? Tôi sẽ đi tìm trong những tài liệu của Tây Phương và Ðông Phương về điều này!
Tôi và chú H. mang ngay 3 cuộn phim này ra hiệu nhờ họ chuyển sang VCD hay DVD để anh em chúng tôi mỗi người có một bộ đĩa, phòng khi cuốn phim bị thất lạc hay bị hỏng.
Buổi tối hôm đó tại nhà chú H, tôi ngồi ngay ở trong phòng bàn thờ. Tôi ngồi trên ghế, vừa Thiền thở vừa suy nghĩ về cuộc đời. Tôi thấy đời sống trên Cõi Trần này rất hữu hạn, đầy tranh chấp, tham, sân, si và tôi liên tưởng đến cái vô hạn khi tự mình thoát ra khỏi cái "tục lệ hữu hạn của Cõi Trần" này. Tuy là đang đêm tại Hà Nội nhưng tiếng xe cộ, tiếng còi xe vẫn không ngừng ồn ào. Chính trong cái "động" này của Hà Nội mà tôi lại thấy cái "tĩnh" nội tâm của tôi. Tôi chợt ngủ thiếp đi trong lúc đang ngồi và khi tôi trở về phòng ngủ, cả nhà ai nấy đều đã đi ngủ hết.
Ngày hôm sau, vợ chồng chúng tôi lấy xe ôm để tới một văn phòng du lịch đón xe đi thăm phong cảnh Tam Cốc, Ninh Bình. Tôi chụp vài tấm hình của Ô Quan Chưởng tại Hà Nội mà âm hưởng còn vang trong đầu tôi sau 50 năm xa cách.
Ðền thờ các vị vua nhà Lê, nhà Ðinh thật trang nghiêm trong cái tĩnh mịch, đơn giản và an bình của đồng quê miền Bắc. Ðiều này làm tôi thấy vui mừng vì tôi rất hãi cái không khí xô bồ đầy tiếng còi inh ỏi và đầy ô nhiễm của Hà Nội. Nhìn những lá cờ xí đang tung bay trong gió, tôi bỗng liên tưởng đến những chiến trận đã được mô tả trong văn chương Việt Nam. Tôi có cảm giác là trong một tiền kiếp nào đó, tôi cũng đã từng ra chiến trận để lại sau lưng một bà mẹ già, vợ trẻ và con thơ. Tôi cũng hình dung ra được hình ảnh oai phong của các ông tướng và các đoàn quân khi đang xông ra chiến trận. Tôi đã sống trên 40 năm trong thế giới Tây Phương và giờ đây không những tôi đang được trở về với khung cảnh Việt Nam mà tôi còn đang đưọc trở về với văn hóa và lịch sử Việt Nam nữa. Những cảm nghĩ này, tôi thấy rất khó có thể mô tả trên giấy bút. Tôi thấy lịm người trong cái cảm nhận riếng tư này:
"Chàng từ khi vào nơi gió cát,
Ðêm trăng này nghỉ mát nơi nao!"
Chúng tôi bước lên thuyền để đi thăm Tam Cốc. Cũng có cảnh cây đa bến cũ nhưng "bến đò" đã được xây bằng bê tông nên trông có vẻ "gồ ghề" (commercial) một phần nào như các nơi du lịch khác trên thế giới. Cảnh vật thật bao la và yên tĩnh. Tôi lắng nghe tiếng mái chèo khua nước và thấy khoan khoái hít thở không khí trong lành. Thật là quý hóa biết bao so với không khí ô nhiễm đầy khói xe và bụi bậm của Hà Nội. Vợ chồng chúng tôi ngồi chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên, không quên chỉ cho nhau những chỗ nào đẹp và thơ mộng. Tôi chụp hình và BN ngồi quay phim, thật là thoải mái!
Xin mời quý vị vào xem hình ảnh:
http://www.pbase.com/bac_ninh/tam_coc
Trong chuyến về thăm Việt Nam, tôi có thói quen mỗi ngày ghé vào Internet Cafe để đọc Email của bạn bè, nhất là một số bạn cũ của tôi đang có mặt ở Việt Nam nhưng tôi không thấy thoải mái mỗi lần vào Internet Cafe tại Hà Nội. Lý do chính là vì thời gian đó đang mùa đông nên họ đóng cửa kính kín mít cho đỡ lạnh. Tôi đã bị đau họng tại Hà Nội vì cái không khí ô nhiễm của khói xe. Trong Internet Cafe đầy khói thuốc lá, họng tôi lại càng thấy đau hơn và tôi ho sù sụ. Tôi cũng không chịu nổi khi nghe tiếng chửi thề của nhiều người xung quanh cho nên tôi chỉ đọc Email và trả lời rất ngắn gọn rồi tôi bỏ đi ngay.
Sáng sớm hôm Giáng Sinh 2005, chúng tôi lấy xe taxi lên một khách sạn gần hồ Hoàn Kiếm để cùng "phái đoàn" lấy xe bus ra phi trường Nội Bài rồi cùng bay vào Huế, bắt đầu chuyến xuôi Nam. Chuyến bay không mệt nhọc gì mà lại còn vui nữa vì tôi thấy các khuôn mặt Việt Nam trong phi hành đoàn. Chỉ khổ mỗi tội là chúng tôi phải chia nhau sắp lại hành lý cho đúng 25 kí lô cho mỗi người! Cũng may là BN và tôi đã để lại Hà Nội cả một valise hành lý không còn dùng tới nữa.
Huế đón chúng tôi bằng không khí trong lành sau một cơn mưa. Vào đến Huế, tôi thấy cái tĩnh của một thành phố khác xa với Hà Nội: Huế không ồn ào, ít xe cộ và không khí mát lạnh sau cơn mưa. Tôi cũng không thấy những biểu ngữ "dao to búa lớn" như ở Hà Nội nữa. Tôi rất dị ứng thấy những sáo ngữ "trăm voi không được một bát nước sáo", nói tốt mà không làm tốt, làm bậy thì lại dấu! Tôi thấy gần gũi với cái không khí an lành, bàng bạc và những cây cối với mầu xanh tươi mát vì nhiều mưa của Huế hơn.
Chúng tôi viếng thăm Thành Nội, lăng Tự Ðức, lăng Minh Mạng, lăng Khải Ðịnh ... Tuy tôi không biết gì về Phong Thủy nhưng tôi cảm nhận được sự an tĩnh, cái "phần hồn thăm thẳm" của các địa danh mà tôi đã ghé thăm. Tôi cảm nhận được cái "hồn sông núi" của nhiều địa danh tại đất Bắc nhưng ở Huế, tôi cảm nhận được niềm thân thương như tôi đang được trở về lại với một cõi xa xôi nào đó trong Tiền Kiếp nhất là khi tôi nhìn những bức tượng, những bức tường xanh rêu, những cây xanh rờn, những cái hồ tĩnh lặng trong các lăng tẩm.
"Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo!"
http://www.pbase.com/bac_ninh/hue
 Tôi sẽ lại ra đi và mang theo những cảm xúc nhẹ nhàng, bàng bạc mà tôi đang có. Tôi sẽ ngồi trong cái không khí tĩnh lặng nơi trời Tây Phương để nhớ về quê cha đất tổ đang vô hình chung đi vào cái động, còn động hơn ở Phương Tây, thật là ngậm ngùi, xót xa!
"Phái đoàn" chúng tôi lên thuyền đi dọc theo sông Hương. BN và tôi bắt đầu công việc của hai phó nhòm. Chùa Thiên Mụ quả là đẹp. Tôi thích nhất cảnh đứng trong chùa Thiên Mụ nhìn ra sông Hương lúc chiều tà.
Chúng tôi được một người quen dẫn đi thăm các cháu nhỏ tại 2 trung tâm giữ trẻ và Hội Những Người Mù. Nhìn các cháu đứng hát ngoài sân rồi vào ngồi ăn trưa mà lòng tôi thấy chùng xuống với niềm thương cảm. Tội nhất cho những người mù: họ làm chổi quét nhà rồi tự đem đi bán để lấy tiền sinh sống. Mỗi nơi chúng tôi đều tặng một số tiền mà bạn bè, họ hàng và cá nhân chúng tôi đã đóng góp cho công việc từ thiện trước khi chúng tôi rời Canada để về thăm quê hương Việt Nam.
Chúng tôi đã dự trù cái lộ trình tại Việt Nam cả mấy tháng trước khi rời Hoa Kỳ và Canada: thuê nguyên cả một cái xe bus lớn đi từ Huế vào Hội An. Ghé Hội An vài ngày để tham quan rồi ghé thăm Nha Trang vài ngày. Sau đó vợ chồng chúng tôi sẽ ghé thăm Mũi Né trong khi "phái đơàn" sẽ đi thẳng về Saigon. Từ Mũi Né, cặp vợ chồng già sẽ ở lại Thung Lũng Tình Yêu tại Ðà Lạt hơn một tuần "trăng mật" và sau đó, chúng tôi sẽ đón xe bus về Saigon "tiễn đưa phái đoàn" về lại Mỹ và Canada. BN và tôi sẽ cứ tà tà sống ở Saigon một ít lâu: nếu thích thì đi chơi tiếp, không thích thì ở lỳ tại Saigon để cho tôi có thì giờ kiếm lại những hình ảnh, những con đường cũ của ngày xa xưa.
Trong chuyến đi xe bus từ Hà Nội về thăm Nam Ðịnh, tôi đã rút tỉa được thêm kinh nghiệm chụp hình trên xe bus. Ba ngưòi phó nhòm chúng tôi chia nhau công việc: một người ngồi trước xe bus chụp thẳng, và một người ngồi bên trái và một người ngồi bên phải để chúng tôi cố gắng thu được nhiều góc cạnh trong chuyến đi này. Phía nào mà phong cảnh ngoạn mục là dân phó nhòm chúng tôi đổ xô ra mà chụp hình lia lịa. Tôi luôn luôn ngồi ngay bên cạnh cửa kính xe bus, tì máy hình cho chắc vào kính xe và sẵn sàng chụp hình cho thật đúng lúc, đúng góc cạnh mà tôi dự đoán. Tôi tắt flash để tránh việc hình ảnh bị lóe sáng. Tuy hình ảnh không hoàn toàn đẹp được như ý muốn nhưng tôi cũng biết cái thân phận "ăn mày chớ đòi xôi gấc" trong hoàn cảnh chúng tôi lúc bấy giờ. Miễn sao là tôi ghi lại được nhiều tấm hình của quê hương trong những lúc di chuyển - "có còn hơn không" này!-
Trời đang mưa khi chúng tôi rời Huế. Ðối với tôi, đây là một cơ hội may mắn vì tôi rất muốn nhìn thấy cảnh đồng ruộng Miền Trung trong cơn mưa và tôi cảm thấy "mát dạ" được ngắm nhìn thảo mộc xanh tươi.
Chúng tôi ghé thăm một trung tâm du lịch (resort) tại Lăng Cô để ăn trưa. Trung tâm này nằm ngay trên bờ biển, phong cảnh khá đẹp nhưng khi tôi thấy một số phòng ốc đang được xây cất, tôi không muốn để ý tới vì tôi được đào tạo trong ngành công chánh tại Tây Phương luôn luôn phải quan tâm tới sự an toàn cho người thợ, người dân nhưng mà hầu như đây là một thứ xa xỉ phẩm tại nhiều nơi ở Việt Nam! Chúng tôi ra bãi biển để hít thở không khí trong lành và nghe tiếng sóng biển vỗ vào bờ. Bãi biển vùng Lăng Cô tuy không đẹp bằng các bãi biển vùng Caribbean nhưng tôi cảm thấy nó "mặn mà" hơn đối với tôi, chắc có lẽ tại vì nó thuộc về quê hương của tôi?
Trời lại bắt đầu mưa tiếp. Trong xe bus, chúng tôi trò chuyện nổ như pháo rang và tôi cảm thấy rất vui vì trên xe tất cả mọi người, trừ bác tài, đều là những người thân của tôi. Mọi người trở nên im lặng khi xe bắt đầu đi vào đường đèo Hải Vân.
http://www.pbase.com/bac_ninh/hai_van_and_hoi_an
Mọi người trong xe đổ xô về hướng bờ biển và 3 anh chàng phó nhòm chúng tôi bấm nút máy hình mệt nghỉ luôn. Thoạt đầu cái nút bấm hình máy ảnh của tôi nóng lên rồi bung ra và rớt xuống sàn xe. May mắn thay là tôi kiếm được nó. Tôi lắp lại nhưng rồi nó lại bung ra, chung quy chỉ tại vì tôi đã bắt nó làm việc "overtime" quá độ  trong những chuyến đi Sapa, Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Ðịnh và Huế. Tôi phải lấy băng keo "masking tape" ra "băng bó" cho nó và cầu trời cho máy hình "tai qua nạn khỏi" cho tới khi chúng về lại Canada, nếu không tôi sẽ bỏ lỡ mất quá nhiều cơ hội chụp hình trên những chặng đường xuôi nam sắp tới!
Xe lên đèo, xuống đèo, đi vòng vèo theo con đường đồi núi của đèo Hải Vân. Thật là ngoạn mục nhưng cũng có đôi lúc rất hồi hộp nhất là khi xe đổ dốc quanh đèo dưới cơn mưa. Cảnh vật mờ mờ, ảo ảo dưới thung lũng trong cơn mưa trông giống hệt như trong những bức tranh thủy mạc. Lâu lâu tôi thấy đó đây những cột cây số và nhất là những cái miếu bên đường. Tôi chợt nhớ lại con đường đèo tại Venezuela mà gia đình chúng tôi đã đi qua trong cuối thập niên 80. Xe bus đi men theo sườn núi, lâu lâu tôi cũng thấy mấy cái nhà nhỏ bằng gỗ được đặt tại ven đường trông chẳng khác gì những cái miếu ở ven đường bên Việt Nam mình vậy. Tôi thấy họ để hoa trên những cái nhà nhỏ này. Tôi gạn hỏi cô hướng dẫn viên trong xe bus về lai lịch những "căn nhà" này và được cô cho biết rằng tại những nơi này đã có tai nạn xe hơi chết người. Dân địa phương và khách qua đường thường đặt hoa tại đây để tưởng nhớ đến những người đã tử nạn giao thông. Hóa ra phong tục tại Việt Nam và Venezuela tuy hai nước cách xa nhau hàng ngàn dặm mà lại rất giống nhau ở điểm này!
Chúng tôi ghé vào thăm Bảo Tàng Viện tại Ðà Nẵng để xem di tích của nền văn minh người Chàm. Xe lại chuyển bánh và chúng tôi ghé thăm một trung tâm làm đồ gốm và đồ bằng đá. Ðồ gốm Việt Nam rất đẹp và giá cả phải chăng so với thị trường Bắc Mỹ.
Tới Ngũ Hành Sơn khi trời bắt đầu tối. Nhìn cảnh vật và những ngôi chùa trong Ngũ Hành Sơn lúc chiều tà, tôi cảm thấy rất thoải mái và quen quen. Tôi linh cảm thấy trong một tiền kiếp nào đó, tôi đã từng sống dưới cửa Phật và tôi cảm thấy một niềm an vui, xa lánh các stress và đời sống "vật lộn" hàng ngày của những năm tôi còn phải đi dậy tại Canada.
Chúng tôi tới Hội An vào ban đêm. Khách sạn tương đối sạch sẽ nhưng tất cả mọi người trong "phái đoàn" đều bị váng đầu vì mùi nước cống nồng nặc xông vào phòng ốc của khách sạn. Lý do là vì khách sạn không có các ống dẫn mùi sình ra thẳng bên ngoài khách sạn. Nói chung, rất nhiều các khách sạn ở Việt Nam chưa được xây cất theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trên phương diện khám xét cách xây cất (building inspection). 
Khu Phố Cổ Hội An ban đêm với các đèn lồng trông thật là ấm cúng và lạ mắt. Trong suốt 2 ngày dừng chân tại Hội An, tôi chỉ thích đi bộ thăm các phố xá, cửa hiệu và các ngôi nhà cổ tại Khu Phố Cổ mà thôi. Tại đây, rất nhiều cửa hiệu có thể may quần áo cho du khách trong vòng nửa ngày hay một ngày. Nhưng theo tôi, quần áo tôi may tại Hội An không đẹp bằng quần áo tôi may tại Saigon, nhất là cái "coupe" (kiểu và lối may). Tôi vui thú và rất mê đứng xem nhiều loại đèn lồng đủ mọi cỡ, mọi kiểu, mọi mầu sắc nên tôi đã "khuân lén" về Canada 2 cái đèn lồng mà quên mất không xin phép "chính phủ tại gia" (spousal government). Về tới Canada, tôi không kiếm thấy chúng đâu và tôi gạn hỏi "chính phủ" thì "hỏi ai, ai cứ hững hờ không thưa"! 
Một hôm tôi đi săn hình và shopping tại khu Phố Cổ. Ðang lúc đói bụng, tôi nhìn thấy một bà đang bán chuối chiên trên hè phố. Nhìn thấy miếng chuối chiên vàng còn đang bốc khói, tôi mua 1 miếng và ăn ngay tại chỗ! Trời đất, ngon ơi là ngon và tôi mua 10 miếng chuối chiên đem về ... "nuôi vợ"! BN và tôi ăn hết ngay, vừa ăn, vừa tấm tắc khen ngon.
Tôi nhận thấy Sapa và Hội An là hai nơi tại Việt Nam mà du khách Tây phưong tới thăm rất nhiều. Nhìn thấy họ, tôi có cảm giác khá lạ lùng: họ là những người Tây Phưong mà tôi đã từng gặp tại nhiều nơi bên trời Âu Mỹ nhưng họ lại đang viếng thăm quê hương tôi. Sapa và Hội An thuộc về quê hương cội nguồn VN của tôi mà tôi có cảm tưởng như là tôi đang sống ở trong một thành phố Tây Phương vậy vì sự có mặt của rất nhiều du khách Tây Phương! Gặp các du khách người Úc, đôi khi tôi hứng chí nói tiếng Anh theo kiểu người người Úc (Aussie's English) cho nó ..." đã" vì tôi cũng đang nhớ lại thời sinh viên của tôi tại đất Úc! Tôi thấy vui vui vì tôi "ngộ ra" rằng đất nước tôi đang "lột xác" để hòa mình với thế giới bên ngoài, nhất là thế giới tự do những mong người dân lành Việt Nam thoát ra khỏi cảnh nghèo với  hy vọng bắt kịp với đà tiến của thế giới bên ngoài.
Phần 4B:  Xuôi Nam (Nha Trang, Mũi Né, Ðà Lạt, Saigon)
Chặng đường từ Hội An vào Nha Trang có nhiều phong cảnh khác nhau và rất ngoạn mục. Tôi ngồi trong xe bus chụp hình lia lịa để làm kỷ niệm và giữ trong Hồ Sơ Hình Ảnh của tôi. Nhìn cảnh đồng quê Việt Nam, tôi cảm thấy thanh thản vô cùng. Tôi có cảm giác như tôi đang được trở về một cõi xa xôi, vui mừng nào đó. Những cảm nhận này thật là khó mà có thể diễn tả bằng giấy trắng, mực đen được. Xe cứ chạy, tôi cứ ngồi yên mà chụp hình và đón nhận những cảm nghĩ nội tâm. Tôi mừng rỡ cảm nhận thấy cái "mạch điện" trong người đang chạy ngon trớn như một cái computer vừa mới mua.
Lâu lâu, bác tài ghé vào một trạm xăng cho chúng tôi "ghé bến". Nhà vệ sinh công cộng trên nhiều quốc lộ ở Việt Nam có tiêu chuẩn quá thấp so với các nơi khác trên thế giới. Tôi đã có dịp được nghe mấy bà đầm da trắng nói với nhau:
- Trong nhà vệ sinh này, mình phải "làm như thế nào" nhỉ?
Thật ra lần đầu tiên tôi cũng thấy ngỡ ngàng như họ nhưng tôi đã có dịp "học làm" trên chuyến xe lửa từ Hà Nội đi Lao Cai khi chúng tôi thăm viếng Sapa.
Chúng tôi bị kẹt xe gần 2 tiếng đồng hồ vì vụ đá lở trên đoạn đường đèo trước khi đến Nha Trang. Tới Nha Trang đã khuya, chúng tôi tạm trú 3 đêm tại một khách sạn gần bờ biển.
"Nha Trang là miền quê hương cát trắng..."
Bãi biển Nha Trang tương đối không quá đẹp so với những bãi biển khác trên thế giới nhưng đối với người Việt hải ngoại như tôi, tôi thấy nó rất đẹp vì tình cảm riêng biệt của tôi với quê hương cội nguồn. Chúng tôi lên thuyền để đi xem san hô. Tôi sẵn sàng dùng Camcorder để quay phim nhưng tôi thấy thất vọng vì san hô đã bị mất đi rất nhiều. Số san hô còn lại không đẹp như tôi kỳ vọng. Chúng tôi ghé Hòn Mun để tắm biển và ăn trưa. 
Bãi tắm đẹp, không quá đông người và đặc biệt còn giữ được vẻ thiên nhiên. Tắm biển xong, nằm trên ghế dưới bóng cây, tôi liên tưởng đến một bãi biển tại vùng hẻo lánh tại Venezuela mà cuối thập niên 80 gia đình chúng tôi đã ghé thăm. Lần đi chơi đó, đoàn xe jeep đã đi xuyên qua rừng, qua núi và chúng tôi đã đứng ngay trong xe mà hái được vài quả xoài xanh trong lúc xe di chuyển. Bãi biển thật là hoang vu và rất thơ mộng. Ban trưa, họ cho chúng tôi ăn món cá nướng bọc trong lá chuối, ngon tuyệt trần đời. Trong lúc lim dim ngủ, tôi nghe thấy tiếng gà gáy ban trưa. Tại miền Châu Mỹ La Tinh xa xôi, hẻo lánh này, cả một thời nhỏ dại của tôi đã trở về làm cho tôi nhớ đến vần thơ của Lưu Trọng Lư:
"Mỗi lần nắng mới hắt ven song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng.
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không"
 
http://www.pbase.com/bac_ninh/nha_trang
Hai mươi năm về trước, tôi đã có những cơn buồn vời vợi, buồn vu vơ. Giờ đây, "mạch điện" của tôi đã "chạy" được rồi, tôi cảm thấy an vui hơn nhiều. Hy vọng rằng 30, 40 năm sau này, tôi sẽ được "sống thảnh thơi" hơn ở một cõi trời mới nào đó, một đi không trở lại!
BN đã sống ở Nha Trang khi gia đình mới di cư vào Nam nên BN hăm hở đưa tôi đi thăm thành phố này. Chúng tôi về thăm căn nhà cũ của gia đình BN tại đường Phan Ðình Phùng mà trước khi sang Canada định cư năm 1990, BN đã về thăm một lần. BN gặp hai người hàng xóm nay đã già và họ nhận ngay ra:
- Cô Nga, phải không?
Tôi chụp một số hình làm kỷ niệm cho BN sau một thời gian dài xa cách.
Ðồ biển Nha Trang ăn rất ngon. Theo lời đề nghị của BN, vợ chồng chúng tôi ăn đồ biển ở cái quán trên hè phố gần khách sạn. Ngồi uống bia và hóng gió biển mà lại được ăn tôm hùm nướng trên lò than hồng, tôi thấy thật là ... ấm bụng và ngon miệng lạ thường. Hạnh phúc biết bao!
Chúng tôi rời Nha Trang vào một buổi sáng sớm để trực chỉ Saigon. Tôi lại có dịp ngắm cảnh đồng ruộng, núi đồi Việt Nam và chụp hình lia lịa. Trên đường đi đến Mũi Né, chúng tôi ghé thăm Ðồi Cát Ðỏ. Ðồi Cát không cao lắm nhưng cũng đủ cao để làm cho chúng tôi thở hổn hển khi lên tới đỉnh đồi. Ở đây, du khách có thể đi trượt cát từ đỉnh đồi - giống như dân Bắc Mỹ đi tobogganing ngồi trên 1 miếng plastic trượt tuyết từ đỉnh đồi xuống vậy -. Vài cháu nhỏ đi theo chúng tôi:
- Chú ơi, chú ngồi lên miếng plastic này, cháu đẩy chú xuống!
Mục đích là để các cháu kiếm tiền để phụ giúp gia đình của các cháu. Tôi 
liên tưởng ngay tới cảnh con nít bên Canada khi đi "tobogganing" (trượt tuyết) trên các đồi tuyết băng trong mùa đông. Mặt mũi chúng đỏ hồng, khỏe mạnh trong bộ quần áo ấm mùa đông và được cha mẹ cho đi học tại nhà trường, học nhạc, học võ ... Vẻ mặt chúng không lộ một chút ưu tư nào trong khi đó tại Việt Nam, rất nhiều cháu và cha mẹ chúng phải sống quá chật vật. Tôi đã thấy nhiều khẩu hiệu dao to búa lớn, trăm voi không được một bát nước sáo. Tôi chợt "ngộ" ra thế nào là Thiên Ðường Ma trong cái thế giới mà người Tây Phương mệnh danh là "Virtual World"! "Thiên đường" này đang "ngự trị" ngay tại quê hương của tôi!
Xe buýt đậu ngay trước khu du lịch Mũi Né. BN và tôi lấy hành lý để ở lại đây trong 2 ngày. "Phái đoàn" chúng tôi ăn bữa cơm trưa cuối cùng với nhau trước khi chúng tôi rẽ hướng.
Khu du lịch rất khang trang và có tiêu chuẩn quốc tế. Tôi có cảm giác như là tôi đang du lịch vùng Caribbean vậy vì phong cảnh, nhà cửa, thời tiết và nhiều du khách Âu Mỹ. Tôi thích nhất là được rửa chân bằng cái gáo dừa dùng để múc nước từ cái chum đặt ngay trước cửa của căn phòng. Bỗng dưng tôi nhớ đến cái bể nước trong căn nhà của bố mẹ tôi tại Bắc Ninh hồi tôi còn nhỏ dại.
BN và tôi đi thuyền thúng, phần vì không nỡ từ chối lời mời của "ông lái đò", phần vì muốn "nếm mùi" đi thuyền thúng xem nó ra sao. "Ông lái đò" khoảng 40 tuổi, trông rất khỏe mạnh đưa cho chúng tôi hai cái áo phao để mặc cho an toàn. Tôi lại có dịp chụp hình các thuyền thúng, thuyền đánh cá và các hàng dừa chụp từ ngoài khơi Mũi Né nhìn vào bờ.
http://www.pbase.com/bac_ninh/da_lat_nam_cat_tien
Người lái đò kể cho chúng tôi biết về đời sống vất vả và nguy hiểm của những người đi đánh cá ngoài biển khơi:
- Bây gờ cháu chở các du khách như cô chú trên thuyền thúng để kiếm ăn. Ðời sống dễ chịu và đỡ nguy hiểm hơn. Lát nữa, nếu cô chú có thì giờ, cháu mời cô chú ghé thăm gia đình cháu.
Chúng tôi cũng đang muốn biết dân chúng vùng này sinh sống ra sao nên sau khi "thuyền ghé bến", chúng tôi theo anh chàng lái đò vào xóm.
Chúng tôi ghé vào một quán nước và uống nước dừa do chính "ông lái đò chưa già" trèo lên cây dừa hái xuống cho chúng tôi. Chúng tôi men theo con đường nhỏ xung quanh có bụi tre, hoa dâm bụt, hàng dừa và tới nhà bà già vợ của anh ta. Quả như lời anh chàng mô tả, bà cụ bị một cái bướu trên mặt, che gần hết một con mắt bên phải, trông rất tội nghiệp. Hai cháu bé thấy chúng tôi đến, "e lệ" ra khoanh tay chào, một cử chỉ rất đặc biệt và rất Việt Nam. Tôi nhờ các cháu dẫn tôi ra đằng sau để thăm vườn dừa và vườn đu đủ. Tôi ngửi thấy một mùi thơm nhẹ nhàng, là lạ nhưng lại rất là quen thuộc. Hoá ra đó là mùi hoa dừa, giống như mùi hoa cau tại Bắc Việt mà sau hơn 50 năm tôi mới tìm lại được!
Trước khi từ giã, chúng tôi tặng bà cụ, các cháu nhỏ và mọi người trong gia đình một số tiền "làm quà". Người cảm thấy vui sướng nhất, có lẽ là vợ chồng chúng tôi nhưng tiếc rằng những cảm xúc này tôi không thể diễn tả trên giấy bút được! Kỷ niệm Mũi Né thật là khó quên và nhẹ nhàng!
Chúng tôi lấy xe đò từ Mũi Né đi Ðà Lạt. Trên xe, chúng tôi gặp HT cùng chồng người Na Uy và 2 con nhỏ về thăm Việt Nam. HT đã truyền "bí kíp" cho BN:
- Cô ơi, tới Ðà Lạt là cháu để ông xã và hai cháu nhỏ trong hiệu ăn để mình cháu đi kiếm khách sạn. Dễ lắm, chẳng cần phải "book" trước làm gì cho tốn tiền!
Quả nhiên là khi đến Ðà Lạt, HT kiếm ngay được khách sạn giá rẻ, ưng ý và cũng ở gần khách sạn của chúng tôi mà BN đã đặt cọc khi chúng tôi còn ở Mũi Né.
BN và tôi rất ớn cái vụ đì ăn ngoài vì cứ nghĩ đến vụ Quan Tào rượt đuổi là tôi muốn ... đào tẩu liền! BN và HT kiếm được một khách sạn khác tại Ðà Lạt có bếp cho du khách sử dụng. Thế là hai cặp chúng tôi và hai cháu nhỏ được ăn ốc luộc, rau cần xào, cá rán, canh rau đay, cà pháo và dưa cải muối. Toàn là món ăn gia đình do hai nội tướng trổ tài, ăn vào rất là ... hả dạ! Ðặc biệt là chồng của HT tuy là người Na Uy nhưng đồ ăn Việt Nam thì anh chàng không chê món nào hết.
Thung Lũng Tình Yêu rất là thơ mộng và an bình. Ngồi bên bờ hồ, trong cái không khí lành lạnh của Ðà Lạt, tôi ước mong được ở lại Ðà Lạt trong một thời gian dài để thỏa mãn cái thú đam mê trồng lan của tôi. Chúng tôi đi xem vài nơi triển lãm lan: Ðà Lạt có khí hậu lý tưởng để trồng một số Phong Lan và Ðịa Lan, quá tốt so với cái khí hậu lạnh khắc nghiệt tại Canada - nơi tôi cư ngụ!
Buổi sáng sớm, tôi chỉ thích đi mua xôi lạc (xôi đậu phụng), gói lớn giá 3000 đồng Việt Nam (chừng 20 xu Canada). Tôi mang về phòng khách sạn, pha một ly nước a tê sô, xôi ăn vừa bùi, vừa no bụng lại vừa đỡ bị đau bụng như khi tôi ăn phở tại Việt Nam. Một hôm trong lúc mua xôi, tôi thấy mấy cô nữ sinh mặc đồng phục: áo dài trắng, quần trắng, áo len mầu xanh đậm. Các cô với đôi má đỏ hồng đã làm tôi nhớ lại những tà áo dài đồng phục của các nữ sinh Trưng Vương, Gia Long của thuở tôi còn đi học Trung Học tại Sài Gòn. Tôi được biết các cháu là nữ sinh của Trường Bùi Thị Xuân và tôi hỏi các cháu đường đi đến trường Bùi Thị Xuân.
Sáng hôm sau, trong khi BN ra chợ Ðà Lạt, tôi mang máy hình và đi bộ tới trường Bùi Thị Xuân. Trường này và tôi có một quan hệ rất là đặc biệt: tôi có một bà chị (chị TND, chị là dì ruột của hai con trai tôi) đã từng dậy học tại đó trước năm 1975. Trước khi chị TND mất tại Canada vào năm 2004, chị đã từng say mê kể cho tôi nghe những năm chị đi dậy tại Ðà Lạt. Ðịnh mệnh cuộc đời đã chia rẽ hai chị em chúng tôi sau khi tôi lặng lẽ ra sống riêng một mình và tôi chỉ "gặp lại chị" trong lúc tang lễ của chị. Ngày chị mất, tôi không khóc mà chỉ thấy một nỗi buồn lê thê, dài đằng đẵng. Tôi chụp hình hôm đám ma của chị và tôi đã làm 4 câu thơ viết tặng chị khi tiễn đưa chị lần cuối cùng:
Tiễn chị về lại Cõi Trời,
Còn em ở lại với đời Trần Gian.
Cầu mong chị sống an nhàn,
Ở nơi Vĩnh Cửu, thênh thang tiếng cười.
Chắc là Tâm Thức của tôi đã thúc dục tôi thả bộ đến trường Bùi Thị Xuân như để tôi thăm viếng chị hay là để thăm viếng ngôi trường dùm cho chị vậy. Tôi hỏi thăm người gác cửa và vài người giáo sư trẻ nhưng họ không biết chị là ai hết. Một vị giáo sư trẻ nói với tôi:
- Chú vào hỏi thẳng bà Hiệu Trưởng họa may bà ấy biết cô TND là ai!
Bà Hiệu Trưởng cho tôi biết ngày xưa chị TND của tôi đã từng là giáo sư hướng dẫn của lớp bà khi bà học lớp 9 tại trường Bùi Thị Xuân! Bà hỏi thăm chị tôi bây giờ ra sao, ở đâu ... Sau khi tôi báo tin cho bà biết chị tôi đã mất vào năm 2004, tôi xin phép được đi thăm trường và chụp vài tấm hình trường cũ của chị, coi như là một món quà tinh thần mà tôi muốn tặng riêng cho chị, một một kỷ niệm đặc biệt của hai chị em chúng tôi.
Tối hôm đó, tôi mơ ngủ thấy chị đang tươi cười ngồi trong 1 cái xe "van". Ðặc biệt là chị ngồi ngay bên cạnh mẹ tôi. Cả chị và mẹ tôi cùng đang tươi cười vẫy tay chào tôi - Trên thực tế, chị và mẹ tôi chưa hề bao giờ quen biết nhau. Mẹ tôi đã mất 26 năm trước khi tôi gặp chị lần đầu tiên vào năm 1981 khi chị tới định cư tại Canada - Tôi bàng hoàng thức giấc. Sau khi tôi uống một ly nước, đi toilet, tôi ngủ tiếp. Trong giấc mơ lần thứ hai, tôi lại tiếp tục nhìn thấy chị và mẹ tôi vẫn đang tưoi cười vẫy chào tôi từ trong cái xe "van", giống hệt như hình ảnh của giấc mơ đầu tiên. Tôi cảm thấy vui vẻ và tôi lại thức giấc. Tôi đi rửa mặt cho "tỉnh ngủ" để biết chắc là tôi thực sự đã mơ lần thứ hai trước khi tôi vào giường để ngủ tiếp. Thế rồi tôi lại mơ ngủ và trong giấc mơ này, tôi cũng lại nhìn thấy chị và mẹ tôi vẫn tươi cười vẫy tay như để gọi tôi hay vẫy tay chào tôi trước khi xe đi. Tôi chẳng hề sợ hãi hay buồn bã mà trái lại, tôi cảm thấy an vui vô cùng vì tôi đã "gặp" được hai người đàn bà mà tôi thương mến vô cùng.
Tôi đã có nhiều giấc mơ lạ lùng trong nhiều năm trước đó nhưng chưa bao giờ trong một đêm tôi mà tôi lại có cùng một giấc mơ trong 3 lần mơ ngủ liên tiếp! Chẳng lẽ chị tôi đã thực sự về báo mộng cho tôi biết rằng chị rất vui mừng khi thấy tôi về thăm trường cũ dùm chị? Mà tại sao lại có mẹ tôi đi cùng xe "van" với chị? Phải chăng là mẹ tôi hiện về trong giấc mơ này như là một người "bảo chứng" (collateral) báo mộng cho tôi biết đây không phải là một giấc mơ mà thực sự là một tín hiệu tâm linh? Chẳng lẽ mẹ tôi và chị đã có liên hệ với nhau trong tiền kiếp và đang vui vẻ "đoàn tụ" với nhau? Giá lúc đó mà tôi được theo mẹ tôi và theo chị "cùng đi du lịch", chắc là tôi sẽ đi theo ngay lập tức vì tôi cảm thấy rất vui và chẳng hề sợ ma hay sợ Cõi Âm gì hết!
BN, HT và tôi đi thăm một Cô Nhi Viện tại một ngôi chùa ở Ðà Lạt. BN đã mua mì gói, kẹo bánh, sữa hộp và thuê một chiếc xe mang đến tặng cho các cháu mồ côi. Trong khi tôi mải chụp hình các cháu mồ côi và ngôi chùa, BN và HT thi nhau bồng bế các cháu bé. Tại đây tôi cũng được chiêm ngưỡng hàng trăm chậu Lan Ðất đang ra hoa mà nhà chùa sẽ đem bán để lấy tiền trang trải cho các khoản chi tiêu. Buổi tối hôm đó, HT ghé thăm chúng tôi tại khách sạn và tặng vợ chồng chúng tôi vài tấm hình. Ðặc biệt là sau mỗi tấm hình, HT đã ghi vội vài vần thơ mà HT reo vần chớp nhoáng. Xin đơn cử một bài thơ của HT (một cô gái thuyền nhân rời Việt Nam lúc 9 tuổi!)
Số phận của bé gái đội nón
Ai đã bỏ em dưới gốc xoài
Mới được hai ngày, tuổi lạc loài 
Thơ ngây dương mắt nhìn nhân thế
Một thoáng tia buồn, dương mắt nai.
HT
Chúng tôi đón xe đò về Saigon sau 9 ngày sống êm ả tại Ðà Lạt. Tôi không cảm thấy nao nức cho lắm nhưng khi xe đã vào đến đường Nguyễn Huệ và tôi bắt đầu nhận ra những con đường chính của Saigon, tôi thấy rất nôn nao và náo nức muốn được gặp bà con và bạn bè. Tôi cũng muốn thấy "con đường Duy Tân cây dài bóng mát" của BN trong những năm BN học Luật ... Nhưng Saigon cũng như Hà Nội đã "gây ấn tượng" khó quên cho tôi: xe cộ quá đông và không tôn trọng luật lệ giao thông, thành phố quá đông người, dầy ô nhiễm về cả âm thanh lẫn không khí! Tôi đã được bạn bè dặn dò chớ nên đi lêu bêu chụp hình tại Saigon để tránh vụ bị cướp giật. Tôi không còn cảm thấy được yên ổn như khi còn ở Sapa, Hạ Long, Tam Cốc, Ðà Lạt, Mũi Né, Nha Trang, Hội An hay Huế nữa. Chúng tôi ăn mặc rất giản dị khi ra khỏi nhà.
Một hôm cháu tôi đến đón tôi bằng xe Honda và đưa tôi về thăm căn nhà cũ của thân phụ tôi ngày xưa tại đường Yên Ðổ. Sau khi rẽ vào hai đường hẻm, cháu nói:
- Nhà cũ của ông đây rồi, cậu ơi!
Tôi ngỡ ngàng, ngờ vực lời cháu tôi nói vì cảnh vật đã quá thay đổi.
- Cậu nhìn số nhà thì cậu sẽ thấy là đúng nhà của ông ngày xưa!
Ðúng là số nhà rồi nhưng mà tôi vẫn chẳng tin được. Phải chăng là tôi đã không tìm được những hình ảnh xa xưa của căn nhà 44 năm về trước? Tôi nói cháu tôi chở tôi đi nơi khác ngay lập tức vì tôi đang bị "shocked". Vài hôm sau, tôi đi xe ôm và mang theo máy hình để mà "muốn gì thì muốn, ta phải chụp hình cái đã"! Kỳ này tôi đỡ bị "shocked" hơn. Tôi đi bộ vào cái hẻm bên hông căn nhà để nhìn lên cái balcon mà ngày xưa, vào buổi chiều, tôi thường ra ngồi hóng gió. Tôi thấy cửa sau của căn nhà đang mở và tôi ghé mắt nhìn vào bên trong. Thật là tối tăm và bừa bộn. Tôi chạy vội ra phía trước nhà để nhìn vào trong căn nhà. Mặt tiền đã hoàn toàn được sửa lại. Tôi lặng người nghĩ tới tấm bảng đen ở trong phòng khách mà cha tôi đã thuê người đóng cho ba anh em chúng tôi giải các bài toán hình học. Ngày xưa, một người bạn đã viết thư sang Úc báo tin cho tôi biết rằng vài tháng sau khi tôi đã đi du học, cha tôi vẫn không cho ai xóa những dòng chữ tôi viết trên bảng, chỉ vì lòng thương nhớ con trai nay đã xa nhà! Ôi tấm bảng đen, đâu ngờ là anh Pháp và tôi cũng đã nối gót tổ tiên và thân phụ chúng tôi để trở thành các nhà giáo, suốt đời gắn bó với phấn trắng, bảng đen, sách vở và học trò!
Tôi gặp lại mấy người cháu họ. Trong đám này, khi tôi rời Việt Nam 44 năm về trước, cô chị lớn mới học lớp vỡ lòng và có nhiều lần tôi đã đi đón cháu khi tan trường. Gặp các cháu, tôi vừa mừng, vừa thương. Mừng vì đã quá lâu, chú cháu chúng tôi mới gặp lại nhau. Thương là vì các cháu không được đi học Ðại Học vì cha chúng được "mệnh danh" là "ngụy" và đã chết trong trại cải tạo tại nơi rừng thiêng nước độc ở ngoài Bắc. Tôi thấy nghẹn ngào cho các cháu vì một số các anh chị của chúng đã khá thành công tại Bắc Mỹ: ở hải ngoại, các cháu tôi đã được tự do đi học đại học để rồi có công ăn, việc làm chắc chắn như người dân Bắc Mỹ vậy. Thế nào là ""Ðộc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc" nhỉ? Tôi chợt nhớ đến cuốn truyện "Trại Súc Vật" (Animal Farm) của George Orwell với câu viết bất hủ: "Các con vật đều được bình đẳng nhưng có một số con vật được bình đẳng nhiều hơn"!
Tại Saigon, tôi thấy vui mừng khi gặp lại được một số bạn bè đang làm việc tại Việt Nam và một số khác cũng đang về thăm Việt Nam như tôi. Họ đã từng đi du học trong chương trình Colombo Plan ở Úc với tôi. Bốn mưoi năm về trước, chúng tôi đã từng tham dự những sinh hoạt tập thể: tổ chức tết, ra Ðặc San, tổ chức triển lãm, đi picnic, ra thư viện học thi cùng với nhau ... Giờ đây chúng tôi đã trở thành những chuyên gia trong rất nhiều ngành nghề tại Việt Nam, Úc, Hoa Kỳ, Canada. Sau 37 năm tôi mới gặp lại một số bạn bè nên tôi tham dự luôn cả 3 lần họp mặt để tha hồ mà hàn huyên tâm sự cho thỏa chí.
Về đến Saigon, BN và tôi cảm thấy "mỏi gối" nên muốn ở lỳ tại Saigon trong ít lâu để cho tôi có cơ hội kiếm lại những hình ảnh, những con đường, những cảm xúc của tuổi mới lớn sau khi gia đình chúng tôi di cư từ Hà Nội vào Saigon.
Khi bước chân vào sở thú với BN và khi đi bộ dưới hàng cây, tôi thấy vui buồn lẫn lộn: cô bạn gái đầu đời của tôi đã từ giã Cõi Tạm này rồi và người bạn cuối đời của tôi là BN đã biết hầu hết các cuộc tình trong đời tôi. Giá không có BN đi cùng với tôi, chắc tôi không dám về thăm "con đường ngày xưa em đi" này đâu vì nó sẽ gợi lại cho tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm đầu đời rất là khó quên.
Tôi thấy vui nhẹ nhàng khi bước vào các hiệu sách tại Saigon vì tôi nhớ lại hiệu sách Khai Trí ngày xưa. Thân phụ chúng tôi đã không tiếc tiền khi anh em chúng tôi mua sách nhưng cụ không muốn chúng tôi đi coi Ciné!
Hơn 40 năm qua, tôi đã từng vào các hiệu sách bên trời Tây Phương, chỉ thấy toàn là sách tiếng Anh, tiếng Pháp làm cho tôi thấy hụt hẫng, nhớ nhung những cuốn sách tiếng Việt. Rất tiếc là là tôi không có đủ chỗ, đủ ký lô trong valise để "tha về" các sách Việt Nam mà tôi thích đọc trong những đêm vắng lặng. 
Tôi thích đi bộ vào những con đường hẻm để nhận xét đời sống của Saigon ngày nay để rồi tôi hồi tưởng lại quãng đời Trung Học của tôi ngày xưa. Cũng vì vậy mà vợ chồng chúng tôi tạm trú tại nhà bà con thay vì ở khách sạn. Nếu chúng tôi ở khách sạn, tôi sẽ cảm thấy thành phố này rất xa lạ và sẽ có một khoảng cách giữa Saigon và tôi trong tình huống của một du khách. Vợ chồng chúng tôi thích đi xe bus lên Chợ Bến Thành đi xem hàng hóa, mua quà kỷ niệm cho con cháu rồi ngồi ăn hàng. Cũng may là bao tử của tôi đã bắt đầu "có tiến bộ" và tôi không còn quá hãi hùng với hình ảnh của Quan Tào nữa. BN và tôi mê nhất việc mua quà sáng từ các hàng gánh rong. Không gì sướng bằng được uống một ly nước mía vừa mới được ép mà không còn bị đau bụng nữa. Chỉ tội là tôi thấy vòng bụng của tôi "có vẻ" càng ngày càng phát triển tỉ lệ thuận theo cái đà "phát tướng" của tôi mà thôi!
Hôm nay khi ngồi viết tiếp phần cuối của bài viết dưới bóng cây bên bờ hồ Lake Ontario trong buổi trưa hè oi ả, tôi nhớ lại đoạn chót của chuyến về thăm quê hương. Cơn gió mát thổi từ ngoài hồ vào dường như đã mang cái tươi mát, cái tĩnh nội tâm lại cho tôi. Tôi đã được đi thăm nhiều nơi tại Việt Nam mà trong vòng bao nhiêu năm tôi vẫn hằng nhớ đến. Tôi đã được toại nguyện với điều đó. Tôi đã được "đối thoại" với nhiều người thân thương trong gia đình qua vụ Gọi Hồn. Tôi đã được đi từ ngạc nhiên  này qua nhiều ngạc nhiên tâm linh khác. Giờ đây, tôi không còn phải băn khoăn và bận tâm với các câu hỏi về phần hồn, phần xác, thế nào thực sự là quê hương và thế nào là  "sống" với "chết" nữa. Tôi đang an nhàn đi kiếm và đọc thêm những tài liệu về tâm linh qua cái nhìn của người Tây Phương và người Ðông Phương. Tôi hoàn toàn tin vào thuyết Nhân Quả. Tôi tin rằng người đời có thể may mắn tránh được cái sơ hở của luật pháp trong Cõi Trần nhưng lưới trời lồng lộng, những điều sai quấy và những hành động dã man, độc ác, tham nhũng...sẽ chẳng thể nào qua được Luật Trời Ðất. Nhân nào, quả ấy; ở hiền, gặp lành; có vay và có trả!
Cơn gió mát đang thổi từ mặt hồ vào và nghe đâu đây có tiếng chim hót. Tôi ngồi duỗi chân và tiếp tục viết cho xong đoạn kết này. Tôi sẽ nhắm mắt để đánh một giấc ngủ trưa hè bên bờ hồ "cho nó đả". Sau khi thức giấc, tôi sẽ gập chiếc ghế vải này, bỏ vào bao rồi đeo trên vai. Tôi sẽ thong thả đi bộ ra xe và lái về nhà bạn tôi để ăn cơm chiều với bạn bè và BN. Ngày mai, tôi sẽ đi tản bộ vào buổi sáng, về nhà đọc sách và buổi chiều tối tôi sẽ dậy kèm cho mấy cháu học sinh gốc Việt Nam. Thì cứ coi như là cái Cõi Tạm này cũng có cái an nhàn của nó cho tới khi tôi thay hình, đổi dạng và bước sang một "cõi trời mới". Thì cứ coi như là ngoài những chuyến du lịch trên Cõi Trần này, tôi còn có nhiều chuyến du lịch tâm linh khác nữa, có gì là khác lạ đâu cơ chứ?
Xin tạ ơn Trời Ðất. Cũng xin cám ơn nhiều quý vị đã ủng hộ tinh thần cho tôi và kiên nhẫn chờ tôi trong những lúc tôi ngồi viết và đánh máy mổ cò cho loạt bài viết này.
Một lần nữa, xin đa tạ.
15/9/2007
Ðàm Trung Phán
Theo https://www.rongmotamhon.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...