Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Tiếng lóng

 Tiếng lóng

1. Khái quát
Tiếng lóng là một loại cấu trúc ngôn ngữ công cụ - có mặt trong đời sống cộng đồng nhân loại. Tùy theo nhận thức của từng dân tộc - từng quốc gia - tiếng lóng được định nghĩa theo cảm quan riêng - phần đông - là của những nhà Ngôn ngữ học, văn hóa học, nhà văn, nhà báo… Đặc biệt là những nhà Từ điển học - có thể hình thành một tập Từ vựng tiếng lóng. Trong trường hợp Việt Nam - “tiếng lóng” chỉ có mặt một phần trong nhiều loại từ điển phổ thông đầu tiên của Việt Nam - kể từ thời Pháp thuộc và trải qua nhiều phân khúc lịch sử - ít ra từ ngày ấn hành quyển Tự vị của Pierre Pigneau de Béhaine không kể đến các loại từ vựng Hán Nôm - trong đó có Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - thế kỷ 16 -17 khó tiếp cận đến đại bộ phận công chúng - Các loại từ điển này được ký âm bằng chữ La tinh để tập hợp nhiều mục từ cơ bản được sắp xếp theo thứ tự an pha bê truyền thống của bảng chữ cái của nền văn minh La Hy.
Cho đến nay theo những nguồn tư liệu sưu tập được (qua sách báo, thông tin điện tử) chúng ta tạm thời ghi nhận được khái quát như sau:
1.1 Tiếng lóng theo nhiều nhà văn hóa học
“Tiếng lóng” từng được nhận diện trước hết theo cách nhìn của những nhà văn hóa chịu ảnh hưởng của nền giáo dục truyền thống Hán học. Sau này, một bộ phận lớn những nhà Văn hóa Tân học với tinh thần lãng mạn phương Tây cũng đã mở rộng thêm tầm nhìn để đặt lại vai trò của tiếng lóng. Từ đây! Chúng ta có thể liệt kê qua: công việc tìm hiểu tiếng lóng để có thể xác lập được bộ hồ sơ đặc thù trong hệ thống ngôn ngữ Việt Nam.
– Theo Pierre Pigneau de Béhaine - Dictionarium Anamitico Latinum 1772 - 1773 qua bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên - NXB trẻ 1999 - Sài Gòn.
Từ “lóng“ không được cho ra nét nghĩa riêng - nhưng được ghép từ để làm nổi bật giá trị ngữ nghĩa - Lóng tai: chú ý nghe - Hỏi lóng: kín đáo dò xét.
Theo Huỳnh Tịnh Của hay Huình Tịnh Của (còn gọi là Paulus Của) -Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - ấn hành tại Sài Gòn 1895. Tác giả đã không định nghĩa từ lóng với tư cách một từ độc lập mà lồng ghép thành 2 từ: 1. Nghe lóng: Nghe qua vậy, nghe lóm, nghe không chắc - 2. Hỏi lóng: hỏi lén, hỏi đon ren (?), hỏi dọ trước,
- Theo Génibrel - Dictionnaire Annamite FranÇais - Sài Gòn - 1898.
Tác giả cũng đã không định nghĩa từ “lóng” với nét nghĩa độc lập như Paulus Của (SĐD) - Tác giả ghép thành từ: Lóng tai (raisonner à l’oreille), nghĩa như lắng tai (prêter l’oreille, être attentif), lắng nghe (écouter avec attention).
Từ nửa đầu thế kỷ 20 về sau: Từ “lóng” được xác lập thành một nét nghĩa độc lập.
– Theo Đào Văn Tập - Từ điển Việt Nam phổ thông - Nhà sách Vĩnh Bảo Sài Gòn 1951.
Lóng được hiểu là chỉ lối nói riêng của một bọn người, cốt ý cho người ngoài không hiểu tiếng lóng, nói lóng…
– Theo Lê Ngọc Trụ - Ban Tu Thư Khai Trí Tiến Đức Sài Gòn 1971 - Từ lóng được mở rộng thêm đối tượng sử dụng như Lóng: thứ tiếng dùng riêng với nhau trong một bọn, một hạng người cùng nghề.
– Theo Hoàng Phê Hà Nội 1992  Lóng: Cách nói một ngôn ngữ riêng trong một tầng lớp, một nhóm người nào đó nhằm chỉ để cho trong nội bộ hiểu được với nhau mà thôi.
– Theo Ban Văn học  Hội Khai Trí Tiến Đức  Việt Nam Tự điển - Nhà in Trung Bắc Tân Văn Hà Nội 1931.
Lóng được phân tích theo một số nét ngữ nghĩa:
1. Thứ tiếng của một bọn dùng riêng với nhau để cho người ngoài không hiểu: tiếng lóng của cô đào, tiếng lóng của lái lợn.
2. Nghĩa rộng - Nghe được câu chuyện người ta nói riêng với nhau gọi là nghe lóng: nghe lóng được câu chuyện.
3. Lóng = xem lắng (xem như đồng nghĩa với lắng)
1.2 Theo nhiều nhà ngôn ngữ học
Bên cạnh đó, nhiều học giả trong ngoài nước - đặc biệt những nhà ngôn ngữ học cũng đã đóng góp ý kiến khảo cứu riêng về tiếng lóng qua sách báo được in ấn, qua các tham luận, hay qua những tập luận văn của một số sinh viên ngành Xã hội học, Ngữ văn… hoặc trên diễn đàn ngôn ngữ mà chúng ta có thể tập họp được như sau ([1]) - đặc biệt là những nhà ngôn ngữ học thuộc trường phái Hà Nội mới là đáng chú ý hơn cả.
– Theo Đỗ Hữu Châu - Giáo trình Việt ngữ - tập II - NXB Giáo dục Hà Nội (1962) - Tiếng lóng (argot des déclassés) bao gồm một số từ bí hiểm, để che giấu tư tưởng người nói, không cho nhiều người ngoài tập đoàn xã hội mình biết. Ngoài ra với tư cách là nhà ngôn ngữ học - Tác giả bổ sung thêm ý nghĩa thuộc lĩnh vực chuyên môn: tiếng lóng bao gồm các đơn vị từ vựng thuộc loại thứ hai trong biệt ngữ - tức là những tên gọi chồng lên trên những tên gọi chính thức (Đỗ Hữu Châu - Giáo trình từ vựng - Ngữ nghĩa tiếng Việt - NXB Giáo dục Hà Nội 1981).
– Một số ý kiến khác của Lưu Văn Lăng, Hoàng Thị Châu - Những nhà ngôn ngữ học thuộc trường Đại học Hà Nội đã mô tả: Tiếng lóng được liệt kê vào loại không tốt đẹp vì phạm vi lưu hành là trong đám người làm nghề bất lương, bị xã hội ngăn cấm như bọn cờ bạc bịp, bọn ăn cắp, bọn buôn lậu. Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ khác cũng nhận định: tiếng lóng khác với biệt ngữ vì có nghĩa xấu.
– Gần đây Nguyễn Văn Khang đã cho ấn hành “tiếng lóng Việt Nam” dưới dạng một tác phẩm “Từ điển từ ngữ lóng tiếng Việt” - NXB Khoa học Xã hội 2001 - đã đặt cho ta nhiều vấn đề đáng quan tâm trong cách nhận định và cách biên soạn một tập Tự điển tiếng lóng.
1.3 Theo nhiều nhà Đông Phương học Pháp
Tiếng lóng Việt Nam cũng đã được nhiều nhà Đông phương học (Orientaliste) từ những năm đầu thế kỷ 20 quan tâm nghiên cứu một cách thận trọng. Trong số đó có mặt Jean Nicolas Arthur Cheon (1856-1928) với tác phẩm L’argot Annamite (tiếng lóng An Nam) đã đăng tải trên tạp chí Viễn Đông Bác Cổ BEFEO (Bulletin de l’École franÇaise d’ Extrême - Orient) 1905. Bên cạnh đó Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) cũng ấn hành L’argot Annamite (tiếng lóng An Nam) - Hà Nội 1925.
Nhận định chung Tiếng lóng được xác lập hạn hẹp trong bộ hồ sơ ngôn ngữ Việt Nam theo những quan điểm có khi tương đồng nhau - khi đối nghịch nhau - khi đứng ở vị trí nhà xã hội học, đạo đức học, văn hóa học… hay đứng ở vị trí nhà ngôn ngữ học, tu từ học (Rhetoric), phong cách học (Stylistics). Hơn nữa với sự tham gia tích cực của những nhà văn, nhà báo… là những người sống cùng với ngôn ngữ lóng trong quá trình trải nghiệm cuộc sống đã cung cấp thêm nguồn tư liệu dồi dào. Cuối cùng, tùy vào quan điểm lập trường duy tâm, duy vật, hay duy lý mà thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận riêng… đã nhận định tiếng lóng mà chúng ta thử ghi chép lại như sau:
– Tiếng lóng ([2]) là một loại ngôn ngữ đặc thù thiếu lành mạnh! chỉ tồn tại trong xã hội có giai cấp. Từ đó, quan điểm này đã loại trừ tiếng lóng ra khỏi các mục từ của ngôn ngữ Việt Nam - nghĩa là không cho phép có mặt trong công chúng văn học truyền thống của dân tộc do “không có tác dụng tích cực, không làm giàu thêm ngôn ngữ toàn dân”.
– Một cách nhìn khác - được chọn lọc từ trong nhóm nhà ngôn ngữ có óc lãng mạn biết tuyển chọn những nét nghĩa gọi là tích cực để bổ sung vào vốn ngôn ngữ toàn dân ([3]).
– Một số khác chỉ lên án những tiếng lóng thô tục còn loại tiếng lóng không thô tục là tên gọi có hình ảnh của sự vật hoặc hiện tượng nào đó thì đủ khả năng phổ biến và thâm nhập dần vào ngôn ngữ toàn dân ([4]).
– Ngoài ra - quan điểm trên đây còn được bổ sung thêm ý riêng độc đáo: Tiếng lóng là một phương tiện dùng để khắc họa tính cách và miêu tả hoàn cảnh sống của nhân vật trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.
– Tuy nhiên! một cách nhận định khác cho rằng - tiếng lóng chỉ sống trong một giới riêng - phần lớn chỉ định giới lưu manh, trộm cướp hay giới làm gái - Tuy nhiên, nhiều tiếng lóng phát sinh từ trong giới này - có lúc đã được tôn vinh lên hàng ngôn ngữ văn học. Như vậy, thử nhìn lại chúng ta có thể cảm nhận được thế giới tiếng lóng này qua một số tác phẩm văn thơ Việt Nam từ thế kỷ 19 đến nay dù từng hấp thụ nền tảng giáo dục Hán học (văn chương Hán Nôm), hay nền tảng tân học (thuộc thế hệ văn chương chữ La tinh) để phục vụ công chúng văn học thuộc trào lưu lãng mạn - mà chúng ta có thể dẫn chứng điển hình như sau:
– Bắt đầu từ tác phẩm “Kim Vân Kiều” của Nguyễn Du - giá trị của tiếng lóng ở chốn lầu xanh đã được vinh danh. Nói cách khác Nguyễn Du đã “đỡ đầu” cho loại ngôn ngữ tưởng chừng như chỉ sống ngoài vòng pháp luật hay ngoài luồng giao lưu văn hóa - được sống “chung chăn chung chiếu” với hệ thống ngôn ngữ văn hóa truyền thống để phục vụ công chúng văn học chữ Nôm.
– Không thể nào mô tả một nàng Kiều bằng những lời “sơn son thiếp vàng” mà phải bằng những lời lẽ phát ngôn từ “cửa miệng” của một “mụ tú bà” bằng một chuỗi tiếng mà giới sống bên lề xã hội Phong Kiến thời ấy - mới thấy được giá trị của một cuộc đời của cô gái lầu xanh đang sống trong động buôn người ([5]).
Con kia đã bán cho ta
Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây
Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe
Cớ sao chịu tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề lắm sao!
– Tiếng lóng được nhận dạng trong giới làng chơi này thật đa dạng. Riêng đối với cách gọi tên cho các cô gái trong giới này cũng thật nhiều phong cách “khác nhau”!. Do đó, tùy theo hoàn cảnh, tùy thành phần xã hội mà có nhiều “danh hiệu” khác nhau. Giới bình dân gọi là “gái điếm, gái đứng đường” mà các nhà văn hào đặt tên là “làm vợ khắp người ta”. Tùy theo từng thời đại cách gọi cực đoan này cũng thay đổi trong quá trình tương tác “văn hóa” qua nhiều thời kỳ: gái bán hoa, chị em ta, tắc xi gơn (taxi girl), gái gọi, gái bán trôn, gái đèn mờ, gái lầu xanh, gái đèn đỏ… Tùy theo hoàn cảnh, xã hội, tình hình thời thế mà phát triển các nét đặc thù khác nhau để từ đó có thể giúp ích cho những nhà nghiên cứu sử học, chính trị học… suy luận thêm về đặc điểm của xã hội thời ấy.
Chú thích:
([1]) Theo Phanxipan - Tài hoa trẻ số 172 (15/6/2001); số 175 (5/9/2001). Thế giới mới 869 (18/1/2010); 870 (25/1/2010).
([2]) Theo Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Kim Thản - Qua tác phẩm “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” - NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Hà Nội - 1976. Tiếng Việt trên đường phát triển - NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1982.
([3]) Theo Trịnh Liễn - Trần Viết Chánh - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ - Hà Nội 1979.
([4]) Theo Nguyễn Thiện Giáp - Từ vựng học tiếng Việt - NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Hà Nội - 1985.
([5]) Theo Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) - Trích dẫn thơ văn truyện Kiều của Nguyễn Du.
2. Tiếng lóng - Loại hình phương ngữ - Nơi chỉ dấu địa văn hóa
2.1 Tiếng lóng theo nhận định chung còn được hiểu là thứ tiếng dùng tại địa phương nên được gọi là phương ngữ - Phương ngữ là một hay nhiều đơn vị phát âm tự nhiên thành lời nói mà người trong địa phương có thể nhận biết được phương ngữ, được kết cấu bằng những vốn từ như một tập từ vựng phát ra bằng âm thanh đặc thù đã được mã hóa thành chữ viết có ý nghĩa mà những nhà ngôn ngữ học gọi là có chức năng ngữ pháp.
Phương ngữ là một hệ thống các ký hiệu chịu đựng chung một nguyên tắc bảo toàn nguồn gốc lịch sử phát triển chung của hệ thống ngôn ngữ dân tộc.
Tuy phương ngữ - hay còn gọi là phương ngôn - có thể phát âm khác nhau theo từng vùng địa lý và tùy vào hoàn cảnh lịch sử, chế độ, xã hội, tình huống giao tiếp… mà phát triển vốn từ đặc thù có thể phân tách được qua hệ thống âm vị và ý nghĩa riêng biệt - ngày nay - tiếng lóng có thể được chỉ dấu địa văn hóa của một quốc gia đa sắc tộc.
Phương ngữ có thể được phân biệt qua từng vùng lãnh thổ ([6]) - gọi là phương ngữ lãnh thổ phản ánh sự phân cách các lãnh địa thời kỳ phong kiến và theo từng môi trường xã hội gọi là phương ngữ xã hội.
2.2 Đối với ngôn ngữ Việt Nam - phương ngữ lãnh thổ đã phát sinh ra thứ ngôn ngữ gọi là tiếng lóng đã biến dạng trong từng lãnh địa nhỏ trong quá trình xây dựng làng, xã, ấp, xóm… co cụm trong từng vùng lãnh thổ có lũy tre bao bọc tại miền Bắc hay rải đều dọc theo chiều dài sông rạch tại miền Nam.
Từ đó, phương ngữ phát triển trong từng ranh giới hành chánh (tỉnh, huyện, quận…), còn được bóc tách ra thành những thổ ngữ - một dạng nhỏ hẹp hơn tùy vào khu vực địa lý được phân chia theo từng chế độ chính trị trong quá trình biến động của lịch sử.
Do đó, yếu tố chính trị trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam đã tác động đến sự phát triển tiếng lóng trong nhiều tầng lớp xã hội có chung một số phận. Tuy nhiên, ngoài số phận chung của xã hội mà các tầng lớp có sản sinh ra hệ thống tiếng lóng riêng, mang sắc thái riêng về ngữ âm, ngữ nghĩa để trao đổi giao dịch hạn chế trong từng hội đoàn, từng phe, nhóm, băng, đảng phái…
Ở đây! sự phân hóa thành những tổ chức nhỏ hẹp, công khai, bán công khai hay bí mật… đã sinh sôi nẩy nở loại ngôn ngữ lóng (từ lóng, tiếng lóng, nói lóng…) như loại ngôn ngữ được nói như một “mật ngữ” hay được viết bằng “mật thư”… hay bằng những “ám hiệu”, “dấu hiệu”, “tín hiệu”.
– Trong các tổ chức xã hội mang tính tôn giáo (như hội kín An Nam, hay mang tính chính trị (các tổ chức đảng phái), hay mang tính tôn giáo (đoàn thể giáo phái), hay mang tính xã hội sống ngoài vòng pháp luật (các băng đảng xã hội đen), mang tính thuần phong mỹ tục (các lầu xanh, các xóm bình khang, các ổ chứa gái).
– Trong tất cả các tổ chức nói trên thì những tổ chức chính trị, tôn giáo… xã hội đã phát triển tiếng lóng vượt trội hơn cả. Đây là một nền tảng hết sức quan trọng trong những giai đoạn bất ổn lịch sử, chính trị của Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ.
2.3 Tuy nhiên, phương ngữ Việt Nam không bị cô lập trong các vùng lãnh thổ hay trong hoàn cảnh xã hội… mà chịu chung một số phận. Do đó, các “phương ngữ” không thể hiện đường ranh biên giới như đường ranh chính trị - mà thành những chùm kết dính để giao thông chung trong chiều hướng mở rộng quy mô ra toàn cõi. Nhiều nhà ngôn ngữ học vịn vào câu nói của F.DE. Saussure ([7]) đã cho rằng: “chỉ có những đặc điểm phương ngữ tự nhiên mà không có phương ngữ tự nhiên” - hay nói cách khác có bao nhiêu địa phương thì có bấy nhiêu phương ngữ.!
Nếu lời nói này đáng tin cậy - chúng ta thử nghe lại một câu nhận xét của một nhà Đông phương học Pháp khi đặt chân đến vùng đất Việt Nam đã nhanh chóng tuyên bố: dân An Nam gồm hơn 2.000 tiểu vương quốc nghĩa là dân An Nam có hơn 2.000 làng xã mang tính tự trị - dù có luật vua cai trị nhưng vẫn còn lệ làng chi phối (luật vua thua lệ làng).
Tính chất đó đã thúc đẩy dân tộc Việt Nam biết chọn lựa thứ ngôn ngữ địa phương nào vượt trội về văn hóa, xã hội, chính trị… để xây dựng ngôn ngữ chung của dân tộc. Từ đó hệ thống văn chương Hán Nôm trước đây cách nay hàng nghìn năm và nay đã hình thành nên văn chương chữ La tinh (cách nay hàng trăm năm).
2.4 Hệ thống ngôn ngữ địa phương, hay nói nôm na hệ thống ngôn ngữ làng xã Việt Nam đã hòa nhập vào ngôn ngữ chung của dân tộc mà thời gian đã xóa nhòa nhiều dấu vết đặc thù - cũng như làm mờ nhạt hay che lấp hẳn nhiều nét nghĩa cổ điển xưa mà những nhà làm từ điển chưa kịp sưu tập và xuất bản.
Từ đó công việc nghiên cứu tiếng lóng gặp nhiều trở ngại khi phục hồi giá trị vốn có của nó mà tránh đi những giá trị xa lạ gán ghép để phục vụ cho những trường phái nghiên cứu khác nhau, tư duy khác nhau, lập trường chính trị khác nhau…
3. Tiếng lóng - Một biệt ngữ
3.1 Tiếng lóng đã được đối xử như thế nào trong phương ngữ nói chung theo nhà ngôn ngữ học Nga Stepanov Ju.S như đã dẫn chứng - đã nhìn ngôn ngữ Nga để phân biệt ra các phương ngữ, thành phương ngữ lãnh thổ (từ sự phân chia cũ của thời kỳ phong kiến) và phương ngữ xã hội là một biệt ngữ.
3.2 Biệt ngữ mang nét nghĩa như thể hiện sự phân biệt giai cấp, thành phần xã hội - Biệt ngữ ([8]) trong phần giới thiệu phương ngữ hoặc còn gọi là “ngôn ngữ quy ước”. Tập thể sử dụng nó có thể là một giai cấp (như triều đình phong kiến v.v…), hoặc một giới xã hội (như học sinh, thương nhân…)
Cách đặt tên là biệt ngữ đã tạo cho các thế hệ ngày nay một cảm giác như phân biệt ra một loại ngôn ngữ đã được phân chia giai cấp, phân chia ra các thành phần xã hội… như trong hoàn cảnh xã hội Liên Bang Xô Viết, mà đặt tên như trên thay vì ta gọi là “đặc ngữ”.
3.3 Tiếng lóng - nếu được xem như loại ngôn ngữ địa phương - tuy nhiên - từng địa phương lại có nhiều tầng lớp xã hội, mỗi tầng lớp lại có chung một môi trường như cùng sống bên bờ sông, cùng bờ suối hay cùng sống ven đồi núi - cùng một điều kiện sinh hoạt chung như cùng ngành nghề thủ công - một trình độ văn hóa chung như các nhà Nho cùng chung nền tảng Hán học hay ông bồi Tây cùng chung ngôn ngữ pha trộn Tây Ta. Thậm chí họ có cùng chung một số phận như cùng cảnh lấy chồng chung mà Hồ Xuân Hương than vãn: chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Hay cùng một nghề sinh sống mà kết thành nhóm (nhóm lái trâu, lái lợn, nhóm cu ly…), hay nhóm lính tráng (làm việc cho Tây, lính mã tà, hay cho triều đình phong kiến).
3.4 Tiếng lóng phát sinh trong băng nhóm, từng tập đoàn như trên đã tạo nên nhiều lớp từ song song để thay thế hầu vừa tránh lặp lại lớp từ phổ thông đã được sử dụng trong quần chúng vừa mang tính chất ám thị để thể hiện sắc thái biểu cảm, châm biếm, cợt nhã… mà chúng ta có thể ghép thêm vào từ lóng để bổ sung những nét nghĩa, lóng lẩy, lóng láy, lóng lái, lóng lếu… Có khi tiếng lóng còn che dấu bộ mặt “điếm đàng” của nó trong lối nói điếm, nói lái.
Tiếng lóng mà Cheon đã nêu trong tiểu phẩm “Tiếng lóng An Nam” của Ông (tài liệu đã dẫn). Sắc thái biểu cảm của lối nói lóng:
– Nhóm trộm cắp - đắp thêm lên một lớp từ vơ (ăn cắp), chôm chỉa (ăn trộm), chà đồ nhôm là chôm đồ nhà (nói lái).
– Làm nghề hai ngón (nghề móc túi) - xin đểu (xin tiền bằng cách đe dọa) - xà xẻo (ăn cắp từng phần sản phẩm).
– Nhóm hoạt động bí mật: Cớm (mật vụ), lính kín (mật thám), xịa (C.I.A), Vẹm (Việt Minh), Vi-xi (Việt Cộng), dzi-ai (G.I - lính Mỹ), Dzăng-ki (yankee – người Mỹ), Bê ba xu (B.B.C).
– Bị rồi (bị bắt, bị theo dõi).
– Tầng lớp lái lợn: sáng cọn (con), sáng nái (cái), sáng bẹ (bé)
– Hàng cá: Nếch (nhỏ), hẹo (tươi), vỏ (ươn).
– Tầng lớp học sinh dùng dùng tiếng lóng để tạo sắc thái bông đùa gợi cảm: Gậy (1 điểm).
Chú thích:
([6]) Theo Stepanov Ju.S - Cơ sở của ngôn ngữ học đại cương (bản dịch) - NXB Đại học và TPHCM - Hà Nội 1984.
([7]) F.De. Saussure - Giáo trình ngôn ngữ đại cương (bản dịch) - NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1973.
([8]) Theo Đái Xuân Ninh - Nguyễn Đức Dân - Nguyễn Quang - Vương Toản - Ngôn ngữ học - Khuynh hướng - Lĩnh vực - Khái niệm - NXB Khoa học Xã hội Hà Nội - Tập II - 1986 - Trang 275~277.
4. Tiếng lóng xét về mặt đồng đại
4.1 Từ đây, chúng ta hãy xem xét lại nếu tiếng lóng về mặt “đồng đại” nghĩa là những diễn biến đang diễn ra trong xã hội như một mặt cắt lát của thớt gỗ lịch sử mà chưa bổ dọc cây cổ thụ lịch sử để xem xét cả chiều dài của sự cấu tạo nên hệ ngôn ngữ chính thống dân tộc.
Nhiều cách quan sát tiếng lóng - hay ngôn ngữ lóng chúng ta chỉ bố trí cho loại ngôn ngữ này một vai trò thứ cấp, một loại phế phẩm, tàn dư, rác rưỡi, hay gán cho loại ngôn ngữ những giá trị bừa bãi, thô lỗ phản ánh đời sống trên đường phố, trong chợ búa, trong lớp thợ thuyền ít học, trong một bộ phận xã hội sống ngoài vòng pháp luật. Nói chung, một bộ phận công luận cho là “bát nháo”. Chúng ta chưa thể hiện tinh thần thư thái để cố gắng tìm hiểu về quá trình lịch sử phát triển ngôn ngữ lóng khi Việt Nam chưa có chữ viết chính thống (thời tiền sử), hay mặc dù đã có chữ viết chính thống - chữ Hán - sau này lại có chữ Nôm kể cả gần đây (có thể từ thế kỷ 17) bắt đầu có chữ La tinh. Ngôn ngữ lóng vẫn chưa được ghi chép đấy đủ trong công việc của những ngôn ngữ học dân gian. Chính trong thời kỳ có chữ La tinh ra đời một bộ phận công chúng văn học chữ Quốc ngữ (tức là chữ La tinh) được một số nhà văn khởi nghiệp tại Nam kỳ Lục tỉnh đã tập viết văn, viết báo… Lúc ấy một tầng lớp công chúng văn học mới ra đời - được nghe nhiều tiếng lóng từ 3 miền Nam - Trung - Bắc.
4.2 Tiếng lóng là một nhu cầu trao đổi giao tiếp bằng ngôn ngữ thật sự trong cộng đồng xã hội.
Trong quá trình đó, các nhóm nhỏ tụ hội lại cùng trao đổi thông tin để cùng thừa hưởng chung các loại ngôn ngữ riêng vì lợi ích chung… Và từ đó phát triển rộng ra trong quá trình hình thành thôn, xóm, làng xã, hay các đô thị, chợ búa…
Hơn nữa ngôn ngữ Việt Nam hay tiếng lóng Việt Nam không chỉ phát triển tại các địa phương một loại tiếng nói riêng, mà còn tồn tại trong các dân tộc Việt Nam có nhiều nguồn gốc khác nhau mà Nguyễn Bạt Tụy ([9]) trước đây đã từng phân chia thành 6 nhóm lớn (Giao Thái, Mon - Khơme, Nê, Mán Mèo, Miến, Tạng, Hoa)
Qua đó, khi giao lưu văn hóa trong cộng đồng xã hội Việt Nam - nhiều nhà nghiên cứu cho rằng họ đã nói tiếng lóng - thực chất họ truyền đạt bằng ngôn ngữ của chính dân tộc họ như nhiều dân tộc khác trên thế giới - như Úc, Tân Tây Lan, Mỹ… trong quá trình hình thành đất nước họ.
4.3 Do đó những nhà Việt Nam tương lai học cần tỏ ra hào hiệp, rộng mở để nhìn nhận tiếng lóng như là một loại ngôn ngữ được hình thành trước hết một lớp vỏ âm truyền tải một thông điệp mang một ngôn ngữ hạn hẹp, có khi trừu tượng, bí ẩn… để hạn chế sự truyền bá thông tin rộng rãi bên ngoài - những tầng lớp xã hội khác không cùng mục đích, một lợi ích, một truyền thống… Do đó chúng ta thử đặt lại vấn đề tiếng lóng - có phải là một loại hình ngôn ngữ công cụ!
– Chúng ta tạm thời định nghĩa ngôn ngữ công cụ  mà chúng ta đã đề cập là ngôn ngữ dùng trong giao tiếp hàng ngày theo quan niệm của Valéry, Breton, Sartre hay ngay cả trong nhóm Xuân Thu nhã tập (theo Lược khảo Văn học  tập 2  Văn vần và Văn xuôi  trang 12 - 41)
Như vậy, ngôn ngữ công cụ - là một lợi ích, một sự cần thiết nhằm thực hiện một mục đích như diễn tả một sự kiện, một ý tưởng, một mênh lệnh, một chỉ thị, một thông tin, một sự bộc lộ tình cảm, ân oán… Người nói (người truyền thông tin) và người nghe (người nhận thông tin) sau khi mục đích thông tin được truyền đạt đã thỏa mãn - Cả hai đối tượng đều có thể quên đi tiếng nói vừa được truyền đạt.
– Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra một ví dụ như người “qua đò ngang”. Cả hai chỉ chú ý đến mục tiêu được cập bến mà khi được cập bến đã vội quên ngay con đò. Hay như một người đang đi chỉ mong đi được đến nơi mà không hề chú ý đến chính bước chân của mình trên đường. Người đi không phải là một vũ công nên không quan tâm đến vũ điệu của mình đang uốn éo theo dòng nhạc.
– Ngôn ngữ công cụ Heidegger theo là một lối “chào đời” - để “vào đời” và sau cùng là một sự bày tỏ những “thể cách ở đời”.
Nếu cho tiếng lóng là một loại ngôn ngữ công cụ - như các loại hình ngôn ngữ khác giao lưu trong cộng đồng xã hội - thì tiếng lóng cần được đối xử bình đẳng hay ít ra không liệt nó vào danh sách ngôn ngữ hạ đẳng, thấp hèn như những nhà ngôn ngữ học của thế kỷ 19 khi xem xét nhiều thổ ngữ của các dân tộc còn sống trong tình trạng bộ lạc đã kết luận - đó là những ngôn ngữ lạc hậu, không có ngữ pháp, cú pháp… gần như ngôn ngữ động vật.
Tiếng lóng là ngôn ngữ - như ngôn ngữ của người mới lớn cần giao tiếp - hòa đồng với mọi sự vật, cảnh vật chung quanh với cộng đồng xã hội - dù là một cộng đồng nhỏ trong cùng thôn xóm, trong cùng vùng miền, trong cùng tộc người với nhau, trong cùng nghề nghiệp, cùng sở thích, cùng một lợi ích, cùng một tín ngưỡng, hay cũng chỉ cùng một bờ đê, con sông, bến nước, cái ao, cái giếng, cái hàng rào, hay cùng trò chơi chung, cùng nghịch ngợm, hay hơn nữa cùng dòng tộc cùng truyền thống họ hàng, cùng thổ âm, hay cùng tình yêu, thù hận, ganh tỵ.
Tiếng lóng có lúc thể hiện như là loại ngôn ngữ chào đời, bày tỏ cách thế ở đời, cùng phản ánh một kinh nghiệm nguyên cũng tiếp xúc với cuộc đời con người, tiếp xúc bằng toàn thân và trên mọi phương diện. Do đó, tiếng lóng ở buổi sơ khai cũng chứa chan tình tự, hình ảnh rung động quan niệm sống.
– Khi xâm chiếm Việt Nam, Pháp vội đưa ngay vào Việt Nam một loại đồng bạc Mexicana, có in hình con ó biển (eagle) để chi dụng (trả lương, trả bổng lộc, mua chuộc…).
Con ó biển - ngay ngày đầu - dân Nam kỳ đã đặt tên cho nó bằng tiếng lóng là “con cò” - và gọi đó là đồng bạc con cò. Ngôn ngữ này loan rộng và trở thành một công cụ giao tiếp ngôn ngữ. Từ đó một nền văn hóa đi theo nó để phát triển - trong đó phát triển tư tưởng mới tích cực và tiêu cực trong giai đoạn đầu giao tiếp với thực dân Pháp.
Chú thích:
([9]) Nguyễn Bạt Tụy - Các ngữ ở Việt Nam - Tạp chí nghiên cứu Việt Nam số 2 - Hè 1966.
20/9/2019
Nguyễn Mạnh Hùng
Theo https://thanhdiavietnamhoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...