Bức tường quanh điện ở Nhà Thờ Đức Bà Paris
Trước kia, trong nhà thờ thường
có một bức hành lang bằng gỗ hay bằng đá chắn ngang giữa điện thờ nghi lễ
(choeur) dành cho các linh mục và gian giữa chính (nef) là chỗ của tín đồ,
tương tự như bức ambon trong các nhà thờ Hy Lạp và La Tinh. Trước kia
cũng chỉ có một xà ngang mang một cái thánh giá giữa hai tượng đức Mẹ Đồng
Trinh và Thánh Jean (hiện còn thấy ở vùng Savoie, ở nhà thờ Aussois chẳng
hạn). Qua giữa thế kỷ XII hành lang lắm lúc chạm trổ công phu mới được
thêm vào. Dưới hành lang, trước những bàn thờ nhỏ, qùy hay ngồi những tín đồ dự
lễ mà không thấy được ở bên trong ; như vậy ở bên trong thầm kín những vị linh
mục yên tĩnh làm lễ vì như tuồng ở thời Trung cổ, tín đồ tuy ít hơn bây giờ
nhưng rất ồn ào. Bên trên hành lang là một diễn đàn để đọc tuyên cáo, thuyết
giáo hay đọc thánh kinh. Trước khi đọc thánh kinh người trợ tế thường xin phép
vị chủ lễ với mấy chữ La Tinh : Jube, Domine, Benedicere (ra lệnh, đức
Chúa, ban ơn) có thể hiểu là Lạy Chúa ban ơn cho chúng con. Chính chữ Jube (jubé)
được dùng ngày nay để chỉ định cái hành lang kia. Bắt đầu từ các thế kỷ
XVII-XVIII, nhất là sau Hội nghị các giám mục Trente, hành lang nầy dần được
phá đổ vìbị cho là che mất điện thờ và cũng để cho tín đồ gần gũi hơn với
giới tăng lữ. Ngày nay rất ít nhà thờ còn giữ hành lang nầy trừ ở vùng
Bretagne, những nhà thờ Nga và những nhà thờ chính giáo. Trong Paris còn thấy ở
nhà thờ Saint-Etienne du Mont, quận 5, còn khắp nước Pháp chỉ còn vài cái ở các
nhà thờ Albi, Faouet, Rodez, Troyes, Chartres, .... Có nhiều nơi, jubé cũ được
lượm lặt sắp lại sau điện thờ như ở Bourget-du-Lac cạnh Aix-les-Bains. Jubé ở
nhà thờ Đức Bà Paris cũng phải chịu cùng số phận, nay chỉ còn lại hai bức
tường quanh điện thờ (clôture du choeur).
Chưa hiểu biết nhiều, tín đồ
Trung cổ sống trong viễn tượng ám ảnh cái chết của mình và trong nỗi băng
khoăng trước sự hy sinh của Chúa cứu thế. Ở Pháp, dưới thời Philippe le Bel
(1268-1314), cuộc viễn chinh chữ thập đã chấm dứt, nhà vua triệt hạ tận gốc
quyền lực dòng Đền, trực tiếp đương đầu với đức Giáo hoàng Boniface VIII. Vua
cho triệu tập năm 1302, ngay ở nhà thờ Đức Bà Paris, một "Quốc hội"
(Etats-Généraux) đầu tiên trong quốc vương nhắm chuẩn y chính trị độc lập
của nhà vua đối với Giáo hội. Giữa thế kỷ XIV, bệnh dịch hạch hoành hành khắp
nước, nghe đâu giết hại đến một nửa dân số Pháp, khoảng 10 triệu người. Công
trình điêu khắc nghệ thuật jubé nhà thờ Đức Bà Paris tiến hành trong một bầu
không khí sôi nổi và bi thảm, chi phí một phần nhờ linh mục Pierre de Fayel
trang trải. Ngày nay trên hai tường còn lại, một bên cuộc đời mê hồn của chúa
Giêsu, bên kia những hoạt cảnh trình bày đấng Christ phục sinh được trình bày
sát theo bốn Phúc âm. Màu sắc lúc đầu có Caudron tìm lại, Maillol sang sửa, đến
thế kỷ XIX mới được Viollet-le-Duc cho sơn mới, sặc sỡ như thường thấy ở thời
Trung cổ. Phong cách hai tường khác nhau. Những bức chạm tường bắc xưa và đẹp
hơn : bố cục sáng sủa rõ ràng hơn, cử chỉ điệu bộ các nhân vật bình thản
trong y phục có phần lụng thụng,.... tiếp nối truyền thống nghệ thuật kiến trúc
các nhà thờ lớn thế kỷ XIII. Trong bức tuờng nam, trừ hai hoạt cảnh đầu, bố cục
ít hài hòa hơn, điệu bộ cứng cỏi, mặc dầu nhiều chi tiết ý nhị áo quần ít mềm mại
nên tổng thể ít mỹ lệ. Hai tường không được thực hiện cùng lúc : tường bắc
thuật lại đời sống của Giêsu từ 1300 đến 1318 dưới quyền điều khiển của Pierre
de Chelles ; tường nam lược kể những lần tái hiện của đấng Christ là tác phẩm của
Jean Ravy từ 1318 đến 1344 và của Jean de Bouteiller từ 1344 đến 1351.
Bắt đầu từ trái, bức tường phía
bắc trình bày cảnh tượng thời niên thiếu của đấng Christ cùng những màn sống
động đánh nhịp cuộc sống khổ đau của Ngài, lặp lại bức chạm trổ ô trán cửa tu
viện thực hiện thế kỷ trước với những chi tiết rầt linh hoạt : lễ Thăm, lễ
Báo tin, lễ Giáng sinh. Lễ Thăm(Visitation), trong sách Phúc âm của Thánh
Luc, kể chuyện Marie có mang Giêsu lại viếng Elisabeth có bầu Jean Baptiste là
người sau nầy sẽ rửa tội cho Giêsu. Khi nghe tiếng Marie chào, đứa con trong bụng
Elisabeth cựa mình và Elisabeth thốt ra : "Bà được ban phúc lành giữa tất
cả các bà, và đứa con trong lòng bà cũng đuợc ban phúc lành !" Marie trả lời
bằng một bài tụng ca Chúa (Magnificat). Có nhiều lễ Báo tin (Annonciation)
phép mầu, nhưng ở đây thiên thần Gabriel được Chúa gởi lại Nazareth :
"Chào bà, người được Chúa ban ơn." Marie hoảng hốt hỏi sao có cách
chào lạ, thiên thần gỉải thích bà đã được Chúa gia ơn và bà sẽ có một đứa con.
Càng ngạc nhiên hơn, Marie lại hỏi : "Làm sao được khi tôi còn trinh
?" Thiên thần trả lời : "Thánh thần sẽ lại đến với bà và đấng Tối cao
sẽ chăm lo cho bà. Bà đặt tên con là Giêsu, khi lớn lên bà gọi nó là Con đấng Tối
cao, Chúa sẽ ban cho nó ngôi David và triều đại của nó sẽ tồn tại đời đời."
Trong bức Giáng sinh (Nativité), Marie nằm dài ngẫm nghĩ trước nôi
Giêsu có hai con bò thổi hơi sưởi nóng. Bên cạnh, Joseph với bộ râu dài, tay đặt
trên gậy, có vẻ đăm chiêu như đang tự hỏi vai trò của mình trong gia đình
thần thánh nầy. Bức tranh giản dị với những nhân vật trầm ngâm về bí truyền mầu
nhiệm đang xảy ra, trong một tư thế nhập định sâu kín và cảm động, được đánh
giá là một trong những bức có ý nghĩa nhất trong tường.
Lễ thăm - Báo tin - Giáng sinh
Cảnh tôn thờ của các pháp
sư
|
Hoạt cảnh tiếp theo là Cảnh
tôn thờ của các pháp sư (Adoration des mages) thể hiện ba người đàn ông đến
dâng quà cho Marie và Giêsu. Theo Phúc âm Thánh Matthieu, ba pháp sư nầy
đã được một ngôi sao báo cho biết một tân vương giáng sinh và dẫn đường cho họ
đến Judée. Họ là những đạo sĩ, tiếng La Tinh gọi magus, tiếng Hy Lạp magos,
những nhà bác học uyên thâm về thiên văn, khoa học huyền bí. Lúc đầu không biết
họ là bao nhiêu người, chỉ biết họ từ phương Đông lại. Truyền thống dân
gian xếp họ giữa hai con số 2 và 12. Bức tranh ở nghĩa địa Saint-Pierre và
Marcellin ở Roma chỉ vẽ hai người. Sau đó, những hình trang trí ghép mảnh ở
Sainte-Marie-Majeure, Roma, cũng như ở Saint-Apollinaire Nuovo, Ravenne, trình
bày ba vị mặc áo quần giáo sĩ Mithra, đội mũ Phrygie. Mãi đến thế kỷ VI mới thấy
phân biệt ba người mang biểu biệu nhà vua mang ba tên : Gaspard thường
hình dung là một chàng trẻ không râu, Balthazar một ông đứng tuổi và Melchior một
cụ già sói tóc, râu xồm. Truyền thống còn gán ba vua pháp nầy biểu hiện
cho ba lứa tuổi trong đời hay đại diện cho ba châu Âu, Phi, Á, dòng dõi con
cháu Noé. Trong bình bằng kim loại qu›, Gaspard và Balthazar dâng tặng nhựa
hương tiêu biểu quyền lực tôn giáo, một dược quyền lực tiên tri. Melchior quỳ
xuống trước dâng bình đựng vàng thay mặt quyền lực thế tục. Marie và Giêsu ngồi
trên ngai vàng, mặc áo quần ông hoàng, bà chúa, mặt mày nghiêm nghị.
Cuộc đời đau khổ của Giêsu bắt
đầu từ hai cảnh tượng sau: Cuộc tàn sát kẻ vô tội và Trốn tránh qua Ai Cập
theo Phúc âm của Thánh Matthieu. Sự tích trong Cuộc tàn sát kẻ vô tội (Massacre
des Innnocents) là khi nghe tin các vua pháp lại dâng quà cho Marie và Giêsu,
vua Hérode sợ Giêsu sẽ dành ngôi của mình, nổi giận ra lệnh giết chết mọi con
trai dưới hai tuổi trong vùng Bethléem. Tác giả Augustin d’Hippone đã tả cảnh
tuợng: Các bà mẹ nhổ tóc mình; các bà muốn dấu các con nhưng bọn nó chưa học
sợ nên không biết ngồi im và vô tình tự tố giác. Thế là một cuộc xâu xé giữa bà
mẹ và tên đao phủ ; người dành cho được con mồi, người kia cố níu lại đứa con
thân thích. Một bà bảo: "Hoặc mày tha cho con tao, hoặc mày giết
luôn cả tao." Một bà khác phân trần: "Các ông giết một số đông con
trẻ để loại bỏ một đứa thôi mà đứa ấy đã chạy xa rồi!" Cuộc hy sinh
những con trẻ được Trời chuẩn y trong tiếng kêu than khóc lóc của các bà, trước
mặt Hérode ngồi trên ngai vàng nghiễm nhiên nhìn hai tên đao phủ đang đâm chết
hai đứa con trong tay hai bà mẹ. Những nghệ nhân đã tỏ ra nhiều nhiệt huyết
và cảm giác hiếm có trong nghệ thuật thế kỷ XIV. Không có khả năng chống đở,
Marie vâng lời thiên thần chạy trốn. Trong cảnh tượng Trốn tránh qua Ai Cập (Fuite
en Egypte), Marie ngồi bồng Giêsu trên lưng con lừa, trước có Joseph dẫn đường,
khăn gói trên vai. Trong lúc Marie âu yếm nhìn con, tay quàng qua cổ như để bảo
vệ con, Joseph rảo bước, mặt luôn ngoảnh lại chăm chú trông nom cuộc hành trình
đầy gian nan nguy hiểm.
Cuộc tàn sát kẻ vô tội
Trốn tránh qua Ai Cập
|
Khi cơn hoạn nạn đã qua, đến
lúc Marie và Joseph phải làm lễ cho Giêsu theo giới luật Do Thái "Mọi
con trai đầu lòng sẽ phải dângChúa" trình bày trong hai hoạt cảnh gọi là
Buổi trình bày vào đền (Présentation au temple), kể lại trong Phúc âm của Thánh
Luc, và Giêsu giữa các nhà thần học (Jésus au milieu des docteurs). Trong Buổi
trình bày vào đền, theo tục truyền, cha mẹ đứa con đầu, xem làcủa Chúa, phải
làm tròn lễ nghi tôn giáo Do thái hiến sinh súc vật (hai con bồ câu) để chuộc
tội khi nó đạt một tháng. Trong nghi lễ Giáo hội Jérusalem, truyền thống
cho đây là cuộc gặp gỡ với Siméon và Anne. Siméon là một người công bằng
và sùng đạo, được Thần linh báo cho biết sẽ gặp Chúa cứu thế trước khi từ trần.
Khi Giêsu được tám ngày, nhân ngày lễ cắt bao quy đầu (circoncision)
ở Đền Jérusalem, ông lại bồng Giêsu trong tay : Bây giờ Chúa có thể cho con ra
đi như đã nói vì con đã thấy vị cứu tinh, một ngọn đèn tỏa sáng khắp các
nước tà giáo và vinh dự thay dân tộc Do Thái của Chúa. Bên cạnh ông có bà tiên
tri Anne, bộ lạc Aser. 84 tuổi, luôn sống cạnh Đền, phục vụ Chúa qua nhịn ăn và cầu
nguyện, không ngớt ca ngợi Chúa, kể chuyện Giêsu cho những ai chờ đợi cuộc giải
phóng thành Jérusalem. Giêsu sẽ lớn lên tràn đầy đạo lý, chan hòa ân huệ của
Chúa. Như mọi tín đồ Do Thái, Marie và Joseph ngày lễ Pâque thường đem
Giêsu đến Đền Jérusalem. Năm lên 12 tuổi, tuổi có trách nhiệm, Giêsu không theo
cha mẹ về nhà mà ở lại Đền đàm đạo với các vị thần học Do Thái theo Phúc âm
Thánh Luc: Giêsu giữa các nhà thần học. Tuy còn quá trẻ để
ngồi cùng bàn, Giêsu tỏ ra thông minh trong cuộc bàn cải cũng như trong các câu
hỏi, làm ngạc nhiên cử tọa trước một vị thiếu niên uyuên bác và tò mò.
Buổi trình bày vào Đền - Giêsu giữa các
nhà thần học - Rửa tội Giêsu
Đám cưới ở Cana
|
Rửa tội là một nghi lễ
hay một thánh lễ tượng trưng một cuộc sống mới cho người theo đạo Cơ đốc. Chết
đầy tội lỗi trong cuộc sống cũ, người công giáo sống lại trong một cuộc đời mới
và vĩnh viễn với đấng Christ. Lắm khi nghi lễ nầy là một bằng chứng
công khai sự quy theo đạo mới. Đối với người công giáo, quy chế là cuộc Rửa
tội Giêsu (Baptême de Jésus) trong dòng sông Jourdain theo Phúc âm của
Thánh Matthieu. Nơi nầy có một ý nghĩa đặc biệt: trong kinh Cựu ước, sông
Jourdain là giới hạn miền Đất Hứa Chanaan cho dân Hébreux mà Moise
không có quyền đặt chân vào, buộc phải dừng chân ở bờ sông. Thường lệ,
Jean-Baptiste dìm người Hébreux xuống nước rửa tội để họ ăn năn xá tội trước
khi vượt sông Jourdan.Vậy Giêsu cũng lại sông Jourdan xin Jean rửa tội cho
mình. Jean không chịu, bảo trái lại chính Giêsu phải rửa tội cho mình. Jean đã
từng nói : "Tôi chỉ rửa tội bằng nước, Giêsu cao siêu hơn tôi rửa tội
trong lửa nóng và thần linh." Nhưng Giêsu bảo là phải thực hành theo công
bằng và Jean chịu rửa tội cho Giêsu. Ra khỏi nước Giêsu nhận thần linh qua một
con bồ câu và Jean kêu gọi đồ đệ của mình theo Giêsu.
Ngày chủ nhật lễ Cành (Dimanche
des Rameaux) một tuần trước lễ Pâque Do Thái, Giêsu quyết định vào thành
Jérusalem một cách long trọng. Giêsu sai hai đệ tử đi Bethphagé kiếm một con lừa
con (theo Phúc âm Thánh Marc, Giêsu chỉ định một con lừa con đang đứng với con
lừa mẹ) để cưỡi vìNgài muốn biểu lộ công khai ngài là Chúa cứu thế mà dân Do
Thái đang chờ đợi. Giêsu chọn con lừa là một vật cưỡi khiêm tốn như nhà tiên
tri đã báo trước để chỉ rõ tính cách khiêm nhường và thanh bình thời ngự trị của
mình. Một số đông dân chúng lại dự lễ, phấn khởi ca hát vang lừng, quay qua rải
áo quần lên đường, phất các cành cây cọ và cây ô liu chào đón Ngài. Ngày nay
ngày chủ nhật Cành đồng thời với chuyến vào thành Jerusalem của Giêsu, kỷ niệm nỗi
khổ hình của đấng Christ (la Passion du Christ), nằm đúng trong Tuần
lễ Thánh (Semaine Sainte). Giêsu còn biết làm phép lạ. Sự tích nầy chỉ thấy
trong Phúc âm của Thánh Jean. Đây là tín hiệu đầu tiên Giêsu
dành cho những đệ tử đã tin ở đấng Christ. Một hôm Giêsu và mẹ được mời dự một Đám
cưới ở Cana (Noces de Cana) vùng Galilée. Giữa buổi thiếu rượu, Marie bảo
những người giúp việc hỏi Giêsu. Giêsu khiến họ đổ đầy nước sáu chum đá thường
dùng trong lễ tẩy uế và khiêng vào. Mọi người khám phá ra chum đầy rượu. Tín
hiệu nầy được xem như là một phép lạ mang nặng tầm quan trọng
tượng trưng và mức tinh thần, đánh dấu bước tiến của Giêsu vào đời sống công
khai. Qua phép lạ nầy Giêsu tỏ ra đã hiến thân để cứu nhân loại, để lộ
ra tính hào hiệp của Chúa, chỉ rõ tín điều liên minh giữa Chúa và con người. Cuộc
biến đổi nước thành rượu báo hiệu bước chuyển từ Cổ Luật người Hébreux tẩy uế với
nước trong Đền, qua Tân Luật theo tình thương và hi sinh với máu của đấng
Christ khi bị đóng đinh trên thánh giá.
Ngày chủ nhật lễ Cành
Bữa ăn Cena
|
Tất cả các Phúc âm đều có
nói đến bửa ăn biệt ly giữa Giêsu và 12 tông đồ (tiếng La Tinh Cena có
nghĩa bửa ăn tối) tối thứ năm trước lễ Pâque Do Thái (Pâsakh) là ngày
Giêsu bị bắt. Người Do Thái giữ tục kỷ niệm ngày giải phóng ra khỏi Ai Cập qua
lễ Pâque ở gia đình. Họ thường ăn một con cừu non mà máu trước kia đã được dùng
bôi cửa để đuổi xa những quân binh gởi đi giết mọi con trưởng ở mỗi gia đình Ai
Cập. Trong kinh Tân Ước, đấng Christ được nhận dạng như con cừu non kia: nhờ
máu của Chúa cứu thế mà tránh khỏi chết, nhân dân bước vào một cuộc sống mới.
Họ ăn bánh không bột men (azyme) như hồi phải hấp tấp nấu ăn trước khi chạy, hiến
sinh súc vật thực hiện trong Đền, Hầu hết các Phúc âm đều kể lại: Trong khi mọi
người ăn, Giêsu cầm bánh, ban phép lành rồi bẻ ra chia cho các tông đồ : Ăn
đi, đây là cơ thể của tôi. Xong Giêsu cầm bình ruợu, tạ ơn rồi rót
cho các tông đồ: Uống đi, đây là máu của tôi, máu của liên minh, rải
tỏa để xá vô số tội lỗi (Phúc âm của Thánh Matthieu). Chuyện Juda phản bội
được bàn tán rộng rãi nhưng những lời kể lại có phần khác nhau. Theo Phúc âm của
Thánh Jean sau, nầy được lặp lại là Giêsu có tuyên bố: Hẳn là có một người sẽ
nộp tôi ! Pierre thúc Simon ngồi cạnh Giêsu hỏi người ấy là ai. Giêsu trả lời:
Tôi sẽ nhúng một miếng bánh và trao cho người ấy. Người ấy là Juda, con của
Simon Iscariot. Trong đạo công giáo, Bửa ăn Cena có ý nghĩa tượng
trưng sự thiết lập thánh lễ ban thánh thể Eucharistie (nguồn gốc Hy Lạp, có
nghĩa cử chỉ ban ơn). Từ thời Trung cổ, trên tường phòng ăn ở tu viện thường có
treo tranh Cena để các tu sĩ luôn có trước mắt hình ảnh người đã chia sẻ bửa
ăn cuối cùng. Ngày nay, nhờ những bức tranh, ta biết được những tông đồ trong Cena là
từ trái sang mặt: Barthélemy, Jacques le Mineur, André, Judas, Pierre, Jean,
Giêsu, Thomas, Jacques le Majeur, Philippe, Matthieu, Thaddée và Simon.
Lễ Rửa chân trong vườn cây ô liu
Một hoạt cảnh quan trọng và
khó hiểu là Lễ Rửa chân (Lavement du Pied) trước bửa ăn cuối cùng Cena:
Giêsu rửa chân cho những tông đồ. Bắt đầu từ thời Giáo hội cổ sơ (thời ấy gọi
là mandatum), lễ truyền thống nầy tiếp tục đến kỳ đạo Cơ đốc, trừ một
vài phái Tin lành. Sách chép là Giêsu rất ý thức số phận của mình, biết mình là
người Chúa gởi đến, nay sắp trở về lại với Chúa, bèn đứng dậy, cổi áo quần, thắt
một khăn ngang lưng, đổ nước vào một cái thau, đi rửa chân cho mỗi tông đồ rồi
lau với chiếc khăn. Thường công việc nầy là của những người nô lệ. Giêsu đứng
vào thân phận một người nô lệ trước khi lên chết trên thánh giá để chuôc tội cho
con người. Giêsu chỉ hiến một mẫu gương nhún nhường, tự hạ mình như đã thường dạy.
Giêsu quỳ xuống trước những con người trở thành anh em, bạn bè chứ không còn là
người phục vụ và Giêsu trở thành người phục vụ đau khổ: mặc dầu ở địa
vị Chúa, Giêsu không hám tự cho ngang hàng với Chúa mà tự triệt hạ mình vào
thân phận người nô lệ, giống như con người ... Lễ rửa chân là một cử chỉ đầy tượng
trưng rất khó hiếu, khó chấp nhận nên khó thi hành như Giêsu đã dạy. Tuy nhiên
lễ nầy long trọng đưa vào sách đặt trong khung tình thương, tăng cường ý nghĩa
sự nghiệp của Giêsu, đặc biệt vào nổi khổ hình.
Trước ngày chết, Giêsu sống
một đêm kinh khủng trong vườn cây ô liu (Au jardin des oliviers)
Gecthsémani ở Jérusalem với ba tông đồ thân thích nhất : Pierre, Jean và Jacques.
Giêsu cảm thấy cô đơn, tưởng như mọi người đều bỏ quên mình, có thể ngay cả đức
Cha. Quỳ trên đất, hai tay chắp lại với nhau, Giêsu nhìn một vị thiên thần đang
đưa một binh rượu lễ calice tượng trưng đau khổ màGiêsu cảm thấy phải
uống cho hết mà uống bình rượu nầy tức là chấp nhận số phận. (Sau nầy Pháp có
câu : boire le calice jusqu’à la lie, chịu đắng cay cho đến cùng). Trong lúc
Giêsu đau khổ trong lương tâm, ba tông đồ nằm ngủ, nói lên sự đối lập giữa giấc
ngủ yên lành và nỗi đau đớn triền miên. Trong vườn cây ô liu, còn được gọi Hấp
hối trong vườn (Agonie dans le jardin) là một hoạt cảnh được biết nhiều
trong các kinh thánh, bắt đầu cho nỗi khổ hình của Giêsu. Ngày nay, cảnh tượng
nầy là một đề tài hấp dẩn cho những nhà triết lý, thi sĩ, nghệ sĩ đễ ngẫm nghĩ
về thái độ của con người trước cái chết cũng như về sự chấp nhận số phận. Còn
những người theo đạo Cơ đốc, trong suốt Tuần lễ thánh, đồng thời đau khổ với
chúa Giêsu, có dịp suy nghĩ về sự cô độc cùng sự hy sinh của đấng Christ.
Đấng Christ tái hiện trước
Marie-Madeleine và các Bà Thánh
Bức tường nam là một
loạt 9 bức hoạt cảnh thể hiện những cuộc Tái hiện của đấng Christ:
(Apparitons du Christ ressuscité) hiếm có đầy đủ trong khoa tranh ảnh thời
Trung cổ. Trái với tường bắc các màn dính nhau, trong tường nam mỗi hoạt cảnh nằm
trong một khung riêng biệt. Các cuộc tái hiện nầy đuơc biểu dương trong những
buổi lễ tuần Pâques, ngày chủ nhật Pâques. Những hoạt cảnh rút từ bốn Phúc âm,
thêm vào những màn trong các Phúc âm không được công nhận (apocryphe), đặc
biệt Phúc âm của Nicodème, một thân hào Do Thái đã theo dõi và bênh vực Giêsu.
Bức thứ nhất trình bày đấng Christ tái hiện trước Marie-Madeleine,
người phụ nữ đã tháp tùng Giêsu từ Galilée, có mặt dưới thánh giá khi
Giêsu bị đóng đinh và theo về đến hầm mộ. Tay chống lên một cái mai, lần đầu
tiên Giêsu được trình bày như vậy, làm cho Marie-Madeleine lầm là một người làm
vườn, mãi khi Giêsu gọi tên bà mới nhận ra. Có phải Marie-Madeleine đã thật lầm
không vì trong sử đấng Christ đãtừng trồng cây cực lạc? Marie-Madeleine chỉ là
một trong những phụ nữ luôn có mặt cạnh Giêsu những giờ phút cuối cùng. Trong
hoạt cảnh đấng Christ tái hiện trước các Bà Thánh (Saintes
Femmes) chỉ thấy có trình bày ba bà, có thể là Marie-Madeleine, Marie Salomé,
Marie de Magdala, một bà đứng, hai bà quỳ, hai tay chấp lại trước Giêsu cầm cờ
có thánh giá tượng trưng cho chiến thắng và tập hợp.
Đấng Christ tái hiện trước
Pierre, Jean và các tông đồ Emmaüs
Hoạt cảnh tiếp theo trình
bày đấng Christ tái hiện trước Pierre và Jean. Hoạt cảnh thấy có
hai phần, bê trái hai người, bên mặt cũng có hai người, một người đứng sau
lưng, một người quỳ trước mặt Giêsu. Theo Phúc âm của Thánh Luc, khi Pierre và
Jean đến mộ thì mộ trống rỗng. Như tuồng sau đó, Giêsu chỉ hiện ra trước
Pierre, người tối hôm qua, thứ Năm Thánh, đã từ Giêsu ba lần trước khi gà
gáy như Giêsu đã tiên đoán. Hoạt cảnh đấng Christ tái hiện trước các
tông đồ Emmaüs cũng gồm có hai phần: bên mặt là khi Giêsu theo kịp hai
tông đồ chạy trốn trên đường Emmaüs, bên trái Giêsu ngồi với họ trong quán.
Giêsu không mang dày, không mang cờ, giải thích cho hai tông đồ biết mình là ai
vì thấy họ còn nghi hoặc và thất vọng. Họ không nhìn thẳng nhưng Giêsu biết họ
đang tìm mình mà không biết. Ở trong quán, hai tông đồ nhận ra Giêsu khi thấy bẻ
bánh chia sẻ như trong màn Cenahôm thứ năm. Trong buổi lễ, Lời nói trở
thành thức ăn, chiếc bánh bẻ gảy hội tụ những người chia sẻ. Trên bàn, con
cá nhắc nhở Giêsu hy sinh để giải hòa con người. Cho đến thế kỷ XIV, con cá thế
bình rượu lễ calice vì trong tiếng Hy Lạp chữ cái con cá có nghĩa là
Giêsu con Chúa Cứu khổ. Thánh Augustin giải thích lối chơi chữ nầy so sánh cơ
thể đấng Christ hiến thân với con cá làm thức ăn.
Đấng Christ tái hiện ở
Cénacle và trước Thánh Thomas
Đến lúc đấng Christ tái
hiện ở Cénacle (nơi họp Cena) để chỉ rõcho các tông đồ thấy rõ sự
phục sinh của mình Phòng Cenacle là nơi các tông đồ trốn, giữa hai lễ Thăng
thiên (Ascension) và Hạ trần(Pentecôte), thời gian chờ đợi và nhập định,
cũng là nơi hội họp đầu tiên của Giáo hội đang chớm nở. Không có gì hơn là
cùng nhau ăn vì Giêsu đã có nói: "Tôi là Bánh từ trên Trời xuống."
Thật ra trong tay Giêsu không phải Bánh mà là một cuốn Sách vì con ngưòi không
chỉ sống với bánh mà còn với những lời từ miệng Chúa. Các tông đồ ngồi ăn với đấng
Christ chứng minh Giêsu không phải là một bóng ma. Tối hôm đó thiếu mặt Thánh
Thomas. Ông không chịu tin Giêsu đã sống lại khi các tông đồ kể cho ông nghe đấng
Christ tái hiện trước Thánh Thomas. Trong hoạt cảnh nầy, nhà điêu khắc thể
hiện sự kiện một cách chính xác: Thánh Thomas sờ vào vết thương trên ngực do một
mũi giáo của tên lính La Mã đâm vào để biết chắc là cơ thể Giêsu. Cử chỉ nầy
cũng còn có nghĩa ân huệ tha lỗi là từ vết thương mà ra. Thánh Thomas kẻ hoài
nghi đuợc tha lỗi trên ngón tay qua mấy giọt và nước vết thương. Ngày nay tiếng
Pháp có câu: Tôi giống Thánh Thomas, có nghĩa là tôi chỉ tin cái gì tôi thấy.
Đấng Christ tái hiện ở
Galilée và trên bờ hồ Tibériade
Giêsu còn có dịp tái hiện
trên bờ hồ Tibériade trước Thánh Pierre và nhiều tông đồ khác. Pierre và
nhóm bạn bè của ông trở nên những vị linh mục mang Tin Lành khắp thế gian nhưng
nhiệm vụ rất nặng nề nên Giêsu luôn ở cạnh họ: Ta sẽ ở với các ngươi cho đến
cuối các thế kỷ (Matthieu). Pierre làm nghề đánh cá, hôm thả lưới với các bạn ở
hồ Thibériade, Giêsu hiện lên và bổng nhiên lưới đầy cá, tượng trưng cho những
tín đồ sau nầy. Trong bửa ăn Pierre, đã từng từ Giêsu trong buổi Cena,
bây giờ thú nhận luôn yêu thưong Giêsu. Giêsu phó thác Giáo hội cho Pierre, nhắn
nhủ Pierre chăm sóc những con cừu nên sau nầy danh từ con chiên được dùng
để chỉ những tín dồ. Đây là lần thứ ba Giêsu tái hiện trước các tông đồ
nhưng không phải lần chót. Trong tường quanh điện thờ Giêsu còn hai lần nữa: đấng
Christ tái hiện ở Galilée và đấng Christ tái hiện ngày lễ
Thăng thiên. Giêsu gặp gỡ các tông đồ ở Galilée trong vườn ô liu để phái họ đi
truyền giáo. Như trong mấy hoạt cảnh trước, Giêsu cùng đứng với họ, tay cầm cuốn
sách vi chính Giêsu là Lời nói tức là Thánh kinh. Những tông đồ đều mặt mặt mày
hớn hở của kẻ sắp lên đường làm việc lớn. Hoạt cảnh sau rất quan trọng không những
là vì là lần tái hiện cuối cùng của Giêsu mà còn là bửa ăn các tông đồ thông cảm
với Giêsu khai trương các thánh lễ. Một số các tông đồ đã đứng sẵn trên đường
nhiệm vụ.
Đấng
Christ tái hiện lần cuối cùng ngày lễ Thăng thiên
Cuôc sống của Giêsu chạm trổ
quanh tường điện ở nhà thờ Đức Bà Paris từ ngày mới được thực hiện cho đến ngày
nay luôn được nổi tiếng và ham chuộng. Sự tích ảnh hưởng sâu đậm vào nghệ thuật
sân khấu nên ngay năm 1420, một vở kịch được dựng lên trên một sân khán đài 100
bước ở đường Calende. Đến nay, nhiều cuốn phim đã trình bày đời sống của
Chúa cứu thế nhưng xem phim dù rất linh động trên màn ảnh cũng không làm rung động
như khi đứng trầm ngâm trước những bức chạm trổ điêu luyện, màu sắc rực rỡ.
Không khó hiểu khi thấy vào giờ nào cũng có đông khách trước các tường điện ở
nhà thờ Đức Bà Paris.
đại lý vé máy bay eva tại tphcm
vé máy bay từ mỹ đi việt nam
số điện thoại hãng korean air
săn vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay đi canada giá rẻ
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch