Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

"Tiếng xưa" - Ai đó tri âm hững hờ

"Tiếng xưa" - Ai đó tri âm hững hờ
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên mở ca khúc Tiếng xưa được thu âm trước 1975 qua tiếng hát Thanh Thúy (băng nhạc ShotGuns), tôi và vợ đã lặng người đi một lúc vì xúc động. Cô Thanh Thúy không hát giọng Huế đặc trưng mà cái u trầm, khuê các, sầu cảm của ca khúc Tiếng xưa được đẩy lên tột cùng. Khi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nghe cô hát tại phòng trà đã bật thốt về cô trong nhạc phẩm Ướt mi: khóc trong đêm mưa, than trong câu ca. Nhưng, tôi chỉ đồng ý ở vế đầu là cô Thanh Thúy "khóc" chứ “than trong câu ca” thì không. Theo cảm nhận chủ quan của tôi, dẫu giọng vàng Thanh Thúy bi lệ đến mấy, cô cũng chưa bao giờ than trong cả cách hát lẫn cách sống. Nhưng các ông nhạc sỹ, thi nhân thì có than về cô, rất nhiều.
Nữ ca sỹ Thanh Thúy, theo lời nhận xét của ông Nguyên Sa, là nàng thơ được các nhà thơ, nhạc sỹ, nhà văn... ca ngợi nhiều nhất trong âm nhạc. Một nghệ sỹ tài sắc vẹn toàn và đầy lòng kiêu hãnh lẫn tự trọng. Nếu để ý, hầu hết những ca khúc do Thanh Thúy hát trước 1975 đều là những nhạc phẩm rất hay và đầy mỹ cảm, phần phối khí cũng được làm cẩn trọng và trau chuốt đến từng ly. Cô rất khắt khe khi chọn hát một ca khúc và phần hòa âm cho cô cũng được các nhạc sỹ cân nhắc đến từng nốt nhạc. Sự liêu trai trong giọng ca của cô đạt đến đỉnh cao nhất có lẽ là ở một số bản thu của nhạc sỹ Dương Thiệu Tước. Còn những tác phẩm của nhạc sỹ Trúc Phương, thì khỏi nói, không ai hát hay hơn Thanh Thúy. Nhạc sỹ Trúc Phương – người một thời phải lòng cô và ôm theo mối tương tư này đến tận lúc qua đời. Đến nhạc phẩm cuối, ông vẫn viết về người trong mộng thuở xưa: “Từ đó viết cung thương gọi nhau Lời đau chim sáo giọng đắng vạc sâu Cho dù sao vẫn nhớ Về hỏi đưa võng gió ca dao lồng lộng.
Gửi người bỏ ta xưa để đôi mắt lại Giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ Ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ
Khóc mình khóc người, đỏ hoe suốt đời”.
Tôi biết ca khúc Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước qua một tập nhạc, lúc đó, chưa từng nghe bất cứ ca sỹ nào hát. Ngày đó, mò mẫm tập chơi trên chiếc guitar từng nốt một rồi tập hát theo. Ca khúc không có một từ nào nhắc đến Huế nhưng vì mê ca khúc Huế nên rất rõ đây phải là ca khúc viết về Huế. Sau này lớn dần lên, dẫu nghe đủ thứ nhạc nhưng luôn dành tình cảm đặc biệt cho những âm hưởng Huế mà thích nhất là âm nhạc của ông Dương Thiệu Tước và Duy Khánh.

Bản thu Tiếng Xưa này chất âm rất trọn vẹn, post lên chia sẻ với bạn hữu yêu nhạc.

Tiếng xưa - Thùy Dương
Tiếng xưa
Dương Thiệu Tước
Hoàng hôn lá reo bên thềm
Hoàng hôn tơi bời lá thu
Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh
Bâng khuâng phím loan vương tình
Đâu bóng trăng xưa
Mơ khúc nghê thường
Phai tàn một thời liệt oanh
Xa đưa gió mây lạnh lùng
Chiều thu nhớ nhung vì đâu,
Thắm đôi giòng Châu
Tiếc thay tại sao đành lỡ làng
Man mác khói hương bay dịu dàng
Như tóc mây vương
Dáng liễu mơ màng
Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương
Ai đó tri âm biết cùng.
Hoàng hôn gió sương lạnh lùng
Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung
Thiết tha đàn rung tiếng tơ
Vấn vương trôi theo mây mờ
Đâu khúc cô liêu
Duyên dáng tiêu điều
Dư âm chìm theo giòng Châu
Tràn lan sóng vương mạch sầu.
Đàn ơi thiết tha vì đâu,
Tiếng xưa trầm ngâm
Lắng rung đường tơ bao mơ màng
Lưu luyến hương thu thêm dịu dàng
Ai có hay chăng
Say khúc ưu tư,
Gió sương chiều thu buồn mơ
Ai đó tri âm hững hờ.

Tiếng xưa Dương Thiệu Tước Hoàng hôn lá reo bên thềm Hoàng hôn tơi bời lá thu Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh Bâng khuâng phím loan vương tình…
Nguyễn Hậu
Theo https://www.facebook.com

1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...