Ấn tượng của đại dương đậm
nét trong ta là không gian mênh mông với vô số sóng biển nhấp nhô. Trên thế giới
có những vùng như biển mà không phải biển. Đó là sa mạc.
Không gian của sa mạc Sahara
không kém đại dương bao nhiêu. Nó chiếm hẳn một phần ba của miền bắc châu Phi,
có một diện tích cỡ bằng toàn bộ nước Mỹ. Vùng sa mạc bao la đó không phải chỉ
là một vùng đất bằng phẳng mà có núi có trũng. Ngọn núi cao nhất của nó đo được
3415m, cao hơn cả đỉnh Phanxipang của Việt Nam. Nơi thấp nhất của Sahara nằm dưới
mặt nước biển đến 134m. Điều đó có nghĩa, nếu Sahara được trời cho đầy nước thì
đây là một vùng có núi có hồ, có lẽ không kém phần xinh đẹp so với các nơi khác
trên thế giới.
Thế nhưng, thiên nhiên xem
ra bất công với châu Phi, nơi đây quá ít mưa. Có những vùng mà suốt cả chục năm
không mưa, có nơi chiếm kỷ lục 17 năm không mưa. Thanh thiếu niên châu Phi có kẻ
cả đời chưa biết giọt nước trên trời rơi xuống là gì. Thiên nhiên cho miền đất
này quá ít sông hồ và khoảng cách vô tận giữa biển cả và trung tâm lục địa châu
Phi làm không khí nơi đây cực khô, không đủ độ ẩm để tạo mưa. Cái khô khốc của
khí trời đó có một hệ quả không mấy dễ chịu. Nó làm nhiệt độ ban ngày rất nóng,
có thể trên 50 độ C và ban đêm trời lạnh làm nước có thể đóng băng. Và sự biến
thiên của nhiệt độ tưởng chừng chỉ ảnh hưởng lên con người đó lại tác dụng lên
cả đá, nó làm đá nứt nẻ và sau nhiều trăm triệu năm, cùng với các yếu tố địa chất
khác, đá biến thành cát.
Nhiều người cho rằng, sa mạc
chỉ có cát. Không phải ! Tại Sahara chỉ khoảng 25% là cát, phần còn lại là sỏi
và đá. Nhưng một phần tư diện tích Sahara phủ đầy cát là quá đủ, quá nhiều cho
những người yêu cát. Ai mà có thể yêu cát, ngoài nhà công nghiệp luyện cát làm
thủy tinh ? Có chứ. Có những người đi cả nửa vòng trái đất, đến Sahara để ngắm
những sóng cát, đụn cát, để thấy một mặt khác rất bí hiểm và đầy duyên dáng của
thiên nhiên. Khách đến Sahara cũng để ngẫm nghĩ về một cái được gọi là sức sống,
tiếng nói thì thầm miên viễn của thiên nhiên, của người và vật luôn luôn muốn
thể hiện và bảo tồn, kể cả trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Và cũng có
nhiều kẻ, đến Sahara để khi về lại quê hương mình, biết tôn trọng một vùng
xanh tươi của sông hồ, biết tôn quí thứ báu vật của trời cho mà mình cứ tưởng
là một điều dĩ nhiên. Sahara quá lớn nên không ai tự hào mình biết hết, phần lớn
đều thăm Sahara từ phía Bắc, từ các nước Tunisie, Algerie, Marocco.
Địa hình tự nhiên sa mạc
sinh ra những vùng cát không theo một qui luật nhất định nào cả. Đến Sahara
khách sẽ ngỡ ngàng vì quá nhiều danh từ đặt tên cho cát. Cũng như người phương
Tây lấy làm lạ tại sao ta có quá nhiều từ như cháo, gạo, cơm, nếp, tẻ, tấm,
cám... chỉ để nói về rice thì chỉ một thứ cát mà tại Sahara có hàng chục từ nói
về nó. Cát có sỏi khác, cát có đá khác, đụn cát cao khác, đụn cát thấp khác, đụn
cát có hình bán nguyện khác, đụn cát có hình tròn lại khác nữa. Giữa những vùng
toàn cả những hạt cát rời đó có những khu vực cát cứng mà người ta gọi là
Gassi, trên đó xe cộ có thể lưu thông. Trên những trục lộ đó khách có thể đi
hàng trăm cây số để ngắm nhìn biển cát, một vùng đất kỳ lạ của địa cầu mà mới
nghe ta dễ tưởng gây cảm giác nhàm chán.
Nếu tại sa mạc hầu như không
bao giờ mưa thì nơi đây luôn luôn có gió. Bão cát là cơm bữa của người và vật sống
trong sa mạc. Thế nhưng cũng có những cơn bão cát đã trở thành huyền thoại vì sức
tàn phá của chúng. Có những ốc đảo và nhiều đoàn thương nhân đã bị bão cát xóa
tên vĩnh viễn. Sức gió cực mạnh thường bốc cát lên cao cả ngàn mét và đưa chúng
đi rất xa, có lúc ở châu Aâu mà xe cộ được phủ bằng một lớp cát vàng nhạt của
sa mạc Sahara. Dưới sức gió, cát thường được dồn thành từng đụn có lúc cao đến
300m và sườn của chúng được trang trí bằng những sóng cát li ti hết sức lạ
lùng. Sóng cát đều đặn tới mức mà người ta phải tự hỏi phải chăng thiên nhiên
đang chơi một bản hòa ca bằng cát mà đây là điệp khúc bất tận của nó. Có kẻ bi
quan hơn tự hỏi, phải chăng thượng đế đã tuyệt đường sáng tạo để cho nơi đây một
sự lặp lại trùng điệp của ý tưởng để sinh ra những đường nét kỷ hà mà thứ bậc
giản đơn của nó chỉ có trong cơ cấu tạo hình của pha lê.
Điều lạ lùng là sự lặp lại
đó đối với con người không hề nhàm chán. Dưới ánh sáng mặt trời biển cát hiện
lên một màu vàng óng mượt rực rỡ. Trên mặt cát đó không hề có vết chân sinh vật
nên nó cực kỳ mịn màng và tinh khiết. Buổi chiều, khi mặt trời dần lặn, các đụn
cát óng lên một màu tím than trước khi rút vào màn đêm. Và ta đừng tưởng chúng
bất động. Nếu tuần sau, khách đi ngang lại miền cát vàng tinh khiết đó thì những
gợn sóng đã đổi dạng, có thể những đụn cát đã xê dịch lại gần hơn hay xa hơn đường
xe chạy, có thể chúng đã biến mất. Và lúc đó ta mới biết thượng đế chưa cạn hết
tư tưởng, thiên nhiên vẫn còn biết sáng tạo. Ai đã xem phim Bệnh nhân người
Anh thì có thể cảm nhận một phần vẻ đẹp lạ lùng của biển cát.
Trong vùng thiên nhiên chỉ đầy
đá, sỏi và cát đó, lạ thay, sức sống vẫn thể hiện. Nơi đây cây lá dĩ nhiên
không được ưu đãi như trong rừng nhiệt đới nhưng thực vật vẫn tìm cách đâm chồi
nẩy lộc, chỉ với chút sương ẩm hay nước ngầm tối thiểu. Thế nên rải rác trong
các vùng sỏi đá có nhiều bụi cây thấp nhỏ với lá dày và thân nhiều gai để giữ
nước, cầm cự sống. Thảng hoặc chỗ nào có chút nước ngầm hào phóng thì cát đá vội
sinh ra một loại dưa hấu dại, vỏ của chúng cũng có sọc như dưa hấu của ta. Về
thú thì chỉ có một loài chồn với cặp tai rất to mang tên là Fennek mới sống nổi.
Trong họ chồn cáo thì chỉ có chúng mới chịu sống trong sa mạc. Trong loài bò
sát thì có một số rắn và cắc kè sinh tồn, da của chúng mang màu của cát. Có một
điều lạ là có một loài châu chấu cũng sống được nơi đây, dáng của chúng không hề
khác châu chấu Việt Nam. Nhưng nói đến động vật thì không ai có thể quên lạc
đà, đó là con vật vô địch trong tài nhịn khát. Chúng có thể nhịn uống vài tuần
liền, nhưng khi sẵn nước thì chúng tợp một hơi có thể đến 150 lít. Oâi, những
con lạc đà, chúng là hiện thân của những vị du tăng kham nhẫn, chậm rãi đi từ
phương trời này qua chân trời khác, không chút tham cầu, xa rời vọng tưởng.
Và con người? Trong cảnh
hoang vu này vẫn có con người. Hang động là nhà của họ vì không có lều bạt nào
chịu nổi cơn bão cát. Khách vào thăm “nhà” của họ hẳn sẽ có người ngạc nhiên vì
sự ngăn nắp sáng sủa, có nơi nấu nứơng, có nơi ngủ nghỉ. Và cũng có khách bỗng
nhớ quê hương mình vì thấy họ dệt vải, dệt thảm ra những màu nâu hay xanh có sọc
như ở xứ ta, chúng chính là vải “thổ cẩm” đặc trưng của châu Phi. Trong điều kiện
khắc nghiệt nhất của thiên nhiên này của Sahara mà các loài thực vật, động vật
và con người vẫn tiếp tục sinh tồn. Sức sống của thiên nhiên dường như chờ có chút
điều kiện thuận lợi là vội thể hiện.
Thế nên trong một vùng tưởng
chừng như bị "thượng đế bỏ rơi" này, sức sáng tạo của thiên nhiên
càng thuyết phục hơn, càng dễ làm ta động tâm hơn. Hơn thế nữa, sa mạc còn dành
nhiều cảm khái cho những ai biết yêu chúng. Khách thăm sa mạc thường được ngồi
lưng lạc đà. Một khi lạc đà chở khách có chút ngơ ngác và khi những người bản xứ
mặc áo thổ cẩm nhảy trên lưng lạc đà xuống đất, khách cần đưa mắt theo dõi họ
làm gì và sẽ khám phá ra một điều. Họ đi tìm hoa trên cát. Hoa gì mà mọc trên
cát?
Trong vài chỗ trũng của sa mạc,
ở những nơi có mạch nước ngầm thì thỉnh thoảng có nhiều khe hở tí hon mà từ
phía dưới, nước ngầm trào lên mặt cát. Dưới sức nóng và độ khô của không khí,
nước ngầm sớm bốc hơi và các khoáng sản trong nước kết tinh lại thành những lớp
đá mỏng như vỏ hến, chen chúc xếp hàng như từ địa ngục mới trồi lên, giành chỗ
dưới ánh mặt trời. Chúng xếp thành từng lọn xinh xắn như những cánh hoa mà người
Bắc Phi nói tiếng Pháp gọi là Rose de sable. Những đóa hồng trên cát này
quả nhiên có cái có dạng hình e ấp như những cánh hoa hồng. Chúng có thể nhỏ
như lòng bàn tay, cũng có thể to bằng chiếc ghế đẩu. Những tinh thể khoáng sản
trước kia chỉ là phân tử tan trong nước chảy trong lòng đất, mắt người không thấy
được, nay đã nghiễm nhiên tượng hình, trở thành một khối có dạng hình, có màu sắc,
lại được con người phong làm hoa.
Nhưng những cánh hoa bằng đá
đó cũng chịu số phận như loài hoa thực vật anh em. Đó là chúng cũng bị hủy hoại.
Dưới cơn gió sa mạc những hạt cát li ti bào mòn chúng không chút thương tiếc.
Vì do khoáng sản tan trong nước mà thành, chủ yếu là do chất sulfat tạo nên,
chúng tương đối "mềm", không sao cự lại nổi những hạt cát bén nhọn.
Thế nhưng nhìn lại ta mới thấy, những cánh hoa nằm lâu trong nắng gió thì lại đều
đặn hơn, hài hòa hơn, dường như già giặn hơn. Có lẽ chúng cũng như số phận con
người, có bị cuộc đời dày vò mới tiêu tan được cái sắc cạnh nông nỗi của tuổi
thanh niên.
Rose de sable! Cái tên ngắn
ngủi mà chứa được cái yêu kiều nẩy sinh trên một vùng cát đá khô cằn. Vì thế mà Rose
de sable là tên gọi của nhiều quán ăn, khách sạn, trung tâm du lịch, kể cả
của nhiều nàng kiều nữ da màu tự đặt biệt hiệu cho mình. Rose de sable cũng
là tên một tác phẩm của nhà văn Henry de Montherlant, viện sĩ hàn lâm viện
Pháp, nói về lịch sử của một mối tình đặc biệt. Nó như hoa trên cát, không thể
kết trái nhưng mối tình cũng không dễ gì tan.
Trên đường băng sa mạc,
khách dừng lại quán bên đường nghỉ ngơi. Theo cách của người Bắc Phi, khách uống
trà với những chiếc tách nhỏ xíu. Nếu đúng điệu với dân địa phương hơn nữa,
khách phải uống một thứ nước bạc hà màu xanh đậm và pha rất nóng. Trước cửa
quán là một kệ gỗ, trên đó người ta bày bán Rose de sable. Những chiếc hoa
trên cát này tiếc thay xem ra không được kẻ du lịch chú ý. Có lẽ chúng chỉ làm
nặng hành lý của con người, không khéo chúng có thể làm đứt tay, nằm trong nhà
chỉ tổ bám bụi.
Thật ra Rose de sable chỉ
đáng ở cùng nhà với những ai biết nhìn nó như một sáng tạo của thiên nhiên, một
tư tưởng của thượng đế, như sự hiện thân của những yếu tố trầm lắng trong bóng
tối nay được phơi mình thành sắc thể.
Nguyễn Tường
Bách
Trả lờiXóavé máy bay eva air
vé máy bay đi mỹ giá bao nhiêu
hãng hàng không korean air vietnam
book vé máy bay đi mỹ
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch