Ngược dòng Sinh Tử
Dòng sinh tử, tử sinh được gọi
là Luân Hồi. Cái bánh xe quay vòng vòng chẳng tìm ra đâu là khởi điểm, đâu là dứt
điểm. Bao nhiêu kiếp sống đã trôi qua và bao nhiêu kiếp sống sẽ nối tiếp?
Không thể tính, không thể đếm. Làm thế nào để cái bánh xe sinh tử ngừng quay?
Ai là người có quyền năng như vậy? Và tại sao lại phải ngừng quay? Chết ở
đây, sống lại chỗ kia cũng thú vị đấy chứ! Tại sao lại sợ tái sinh? Tại sao
phải nhàm chán luân hồi?!
Phàm phu chúng ta đã trôi
lăn luân hồi sinh tử vô số kiếp nhưng không hề nhớ, không hề hay biết do đó mà
không hề tin có tái sinh luân hồi, vậy thì nói chi đến chuyện xa vời, viễn vông
là giải thoát luân hồi. Thêm vào đó, cái lòng đắm đuối với những gì được hưởng
thụ ở đời quá mãnh liệt đến nỗi chẳng còn sợ luân hồi mà sẵn sàng tiếp tục tái
sinh, mãi mãi được tái sinh ! Cho dù cũng đã từng nếm khổ đau nhưng rồi khổ đau
cũng qua đi, cũng quên đi, nên vẫn còn lưu luyến cõi trần gian, và nuôi ảo tưởng
rằng tái sinh còn hơn là để biến mất trong hư vô cái Tôi mà mình nâng niu trìu
mến, những gì mà mình đã nhọc công tạo dựng, gom góp, tích lũy, sở hữu. Vâng !
Tôi sẵn sàng tái sinh để tìm lại những gì đã mất mát, bị cướp đi, bị chiếm đoạt.
Vâng ! Tôi sẵn sàng tái sinh để đòi nợ kẻ đã quỵt tôi ! Vâng ! Tôi sẵn sàng tái
sinh để tìm lại thủ phạm đã giết tôi chết ! Vâng ! Tôi sẵn sàng tái sinh để giải
oan cho tôi, để vạch mặt kẻ phản bội tôi, để tiếp tục công trình chưa hoàn tất,
để trả ơn người đã cứu mạng tôi, để giúp đỡ kẻ cần tôi, để được gần gũi kẻ tôi
yêu và yêu tôi … !
Thôi thì hằng hà sa số lý do
để tôi bám víu vào luân hồi, không hề sợ, không hề chán!
Hãy thử tìm hiểu cái tâm bám
vào luân hồi này, chắc cũng có cái lý của nó !
Con người sinh ra đời thì có
một cái thân. Cấu tạo của cái thân vừa có phần vật chất là tứ đại, bốn yếu tố đất,
nước, lửa và gió ( hay khí ) cùng với cái phần được gọi là tinh thần hay tâm
lý. Điều này, từ đông sang tây ai cũng công nhận. Và cái thân gồm hai phần tâm
sinh lý này được xem là Tôi. Điều này không ai phủ nhận. Dù chỉ là tạm thời
công nhận, như Phật giáo, xem cái Tôi này là giả, là huyễn, không thật có nhưng
vẫn có. Cái tôi này hiện hữu trên cõi đời là do cha mẹ sinh ra. Không ai phủ nhận.
Cái tôi này lớn dần theo ngày tháng, rồi già đi, bệnh hoạn và chết. Chết là mất
đi sự sống. Nhưng chỉ là mất đi sự sống của cái thân xác vật chất, cái phần
tinh thần vẫn còn sống, sống ngoài cái thân xác đã tàn rụi, đã trở nên vô dụng,
chỉ có vứt bỏ, chôn đi. Điều này cũng không ai phủ nhận. Chỉ có điều khác biệt
nơi sự tồn tại của cái phần tinh thần này. Nó sẽ lưu lạc, trú ngụ chốn nào ? Về
với Thượng Đế, lên thiên đường để tiếp tục sống đời đời, nếu nó từng sống tốt
và đặt hết lòng tin nơi Thượng Đế. Xuống địa ngục nếu nó từng sống ác, không biết
ăn năn và van xin Thượng Đế ân xá tội lỗi. Tuy nhiên cũng sẽ có một ngày Thượng
Đế sẽ xét lại và cứu vớt nó. Một đặc ân của Thượng Đế ban cho vào cái ngày
" Phán Xét Cuối Cùng " như lời dạy trong Kinh Thánh.(1) Một số người
tin chắc như thế. Một số người không tin chắc như thế. Chết là hết. Chấm hết.
Không còn gì để bàn luận. Chẳng thưởng, chẳng phạt ai. Tội lỗi, thiện ác gì
cũng tan biến, mất hút, mất hoàn toàn. Cát bụi mịt mờ. Hư vô trống rỗng.
Còn lại một số người không
tin vào Thượng Đế nhưng cũng không tin chết là hết. Nghe nói có tái sinh thì
cũng tin có tái sinh và bằng lòng như vậy còn hơn chết là hết ! Con người rất sợ
điều này. Hay nói chính xác là cái Tôi rất sợ phải tan biến vào hư vô, không
còn gì nữa hết. Cho dù có phải khổ cách mấy nơi cõi trần thế, cái Tôi này cũng
sẽ cam chịu và sẵn sàng dấn thân, lòng dặn lòng là sẽ dùng kinh nghiệm từng trải
qua bao đời để làm cho kiếp sống tốt hơn, để đạt được hạnh phúc hơn, để được hưởng
thụ nhiều hơn, được sống sung túc hơn, được công bình hơn, được nhiều cơ hội
hơn, được thăng hoa hơn, người thiện thì nghĩ chuyện thiện, người ác thì nghĩ
chuyện ác, thí dụ vị bác học đang tìm tòi nghiên cứu một liều thuốc trị bá bịnh
hay trường sinh bất tử chẳng hạn, thì cứ thao thức muốn tìm cho ra, cứ muốn tiếp
tục suy nghĩ tìm tòi mà chỉ một kiếp người thì quá ngắn ngủi, không thể thực hiện
được, như thế thì sẽ không từ chối cái chuyện tái sinh, trở lại tiếp tục đeo đuổi
công trình dang dỡ ! Cũng hay, chẳng có gì chê trách ! Hoặc kẻ xấu ác, chuyên
mưu mô xảo quyệt mà trong hiện đời vẫn thoát được lưới pháp luật thì cũng chỉ cầu
mong tái sinh để sẽ mưu thần chước quỷ hơn nữa, trở thành đệ nhất, số một trong
hàng tướng cướp, ai cũng khiếp, ai cũng hàng phục ! Chuyện này thì không hay rồi
và phải đáng chê trách ! Lại nữa, tái sinh là hi vọng thực hiện được tất cả những
gì mình mong muốn, ước ao, ví như chưa trả được thù, chưa rửa được hận, chưa
báo được oán cũng như chưa đền được ân, như thế là cũng không từ chối tái sinh.
Còn biết bao lý do riêng tư, thầm kín ấp ủ trong lòng mỗi cái Tôi để sẵn sàng
tái sinh ? Không thể nghĩ bàn !
Như vậy là những cái Tôi này
nghiễm nhiên đi vào luân hồi. Tự nhiên như cá bơi lội trong nước. Như chim vỗ
cánh bay lên bầu trời xanh. Chắc chắn như một mũi tên bắn trúng đích. Như một
chiếc thuyền đã tới bờ. Như một chiếc máy bay đã an toàn đáp xuống phi trường.
Chỉ có một điều duy nhất mà
những cái Tôi này không thể biết chắc chắn, như một người hành khách được đổ xuống
bến mà không được biết bến đó là đâu và không thể làm chủ cuộc hành trình mới
này ! Như cá xuống nước thì lội nhưng biển cả thì mênh mông chẳng biết lội về
chốn nào, như chim phóng lên bầu trời mà bầu trời thì bao la, mũi tên bắn ra
nhưng cũng không biết là bắn trúng vào đâu, con thuyền tới bờ nhưng cũng chẳng
biết bến bờ nào, máy bay có đáp xuống đất nhưng cũng chẳng biết là đông là tây
! Chẳng biết là xa là gần mà cái hành lý mang trên vai thì vô cùng nặng ! Nặng
trĩu một nỗi lòng, một tâm tư, một khát khao, một mong ước, một hi vọng, một đợi
chờ. Cái khổ là ở đây. Không biết đi về chốn nào và có đạt được mong cầu, có được
toại nguyện những điều mình ôm ấp, thầm kín, sâu xa ? Có thể là đã mong cầu, đã
ngong ngóng, đợi chờ từ đời này sang đời khác rồi ! Những cái Tôi này đã phải
lang thang, phiêu lưu biết bao thế kỷ, bao kiếp sống rồi ? Chắc là nhiều lắm
không thể đếm và có đạt được hết những mong cầu chưa ? Chắc là chưa đâu !
Vì sao ? Vì luân hồi thì dễ
lắm nhưng đạt được những gì mong muốn thì khó lắm !
Những cái Tôi này không hề
biết điều này, chỉ biết lao đầu vào và cắm cúi đi. Đi để trả thù, để báo oán, để
báo ân, để tiếp tục công trình dỡ dang, để tìm lại người thương, người yêu…Hoặc
chỉ để tiếp tục sống chứ không chết, không tan biến như hạt bụi nhỏ bé, vô
nghĩa.
Những cái Tôi này không hề
biết rằng:
Luân hồi thì dễ. Bởi vì nó
là một định luật tự nhiên. Cũng như vô thường. Muốn hay không ta cũng phải chịu.
Muốn thì quá dễ, ta sẽ luân hồi thoải mái như cá lội trong nước. Không muốn thì
cứ chống cự với sức đẩy của nghiệp lực mà đức Phật từng dạy là không gì mạnh
hơn, không gì có thể so sánh.
Hoặc trên trời dưới biển
Hay trốn vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp.(3)
Hay trốn vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp.(3)
Ở đây, chúng ta thấy luân hồi
liên hệ chặt chẽ với nhân quả. Nhân quả là do nghiệp tạo ra. Như vậy nghiệp,
nhân quả và luân hồi dính chùm với nhau. Có tạo nghiệp là nhân, mới chịu quả
báo. Quả báo trả được là nhờ có luân hồi dẫn dắt, tạo điều kiện.
Những cái Tôi hứng thú lao đầu
vào sinh tử hay muốn cưỡng lại cũng không xong. Có nhân thì có quả. Có nghiệp
thì có nghiệp báo. Có vay thì có trả. Một định luật nghìn thu. Vào luân hồi thì
dễ, ra mới là khó !
Đức Phật Thích Ca đã từng
khuyên nhủ:
Trôi lăn luân hồi khổ
Vậy chớ sống luân hồi
Chớ chạy theo đau khổ. (4)
Vậy chớ sống luân hồi
Chớ chạy theo đau khổ. (4)
Nếu cứ còn tạo nghiệp, nhất
là nghiệp ác thì chắc chắn phải luân hồi để lãnh quả báo ác, những nạn nhân của
kẻ đã tạo ác, chưa chắc đã tha cho thủ phạm. Nếu tạo nghiệp thiện thì luân hồi
để lãnh quả báo thiện. Cho dù là như vậy, được quả báo thiện hay lãnh quả báo
ác, cả hai đều nằm trong cái khổ của sinh tử và vô thường. Hai yếu tố sinh tử
và vô thường đều gây sự chia lìa, ly biệt, đổi thay, chuyển dời, gây đau khổ.
Trong cái hành trình luân hồi đó, không có gì chắc chắn, bất di bất dịch mà chỉ
là bất trắc, bất đắc, bất như ý, bất toại nguyện, bất thành, bất đạt và hằng hà
sa số…bất ngờ mà thôi ! Nghĩa là những điều chẳng chờ chẳng đợi bỗng dưng đến
trong khi những gì có mong có đợi có chờ thì lại không đến. Điều này cho thấy
những cái Tôi này không hề làm chủ luân hồi gì cả. Bởi vì cái gì cũng phải đủ
nhân đủ duyên mới thành, do đó mà lao vào luân hồi không có nghĩa là sẽ thực hiện
được tức thì tất cả những gì mình ao ước.
Một điều khác mà những cái
Tôi này không biết là luân hồi không chỉ có nơi kiếp người mà có đến sáu cõi
khác nhau, đó là cõi trời, thần, người, súc sinh, ngạ quỉ và địa ngục. Tất cả đều
do nghiệp thiện hay ác của mình đã tạo, sẽ quyết định nơi mình tái sinh. Không
dễ dầu gì mà muốn tái sinh chỗ này thì lập tức được tái sinh chỗ đó. Như vậy
thì không có gì bảo đảm rằng sẽ thực hiện được cái điều mong cầu ao ước.
Muốn gặp lại người mình yêu
thương thì cũng phải sanh cùng nơi, cùng lúc cùng thời chớ đâu có dễ. Chỉ chừng
này thôi đã thấy khổ rồi.
Thật ra thì những cái Tôi
này đều thấy cái khổ của luân hồi sinh tử, đều công nhận là có khổ thật nhưng
không biết làm sao thoát khỏi khổ, chỉ biết hi vọng bên cạnh cái khổ đó vẫn còn
cái sướng cho nên vẫn kiên trì bám víu vào sinh tử, tử sinh.
Đức Phật ra đời cũng là để
chỉ dạy cho con người con đường thoát khổ luân hồi này. Con đường đi ngược dòng
sinh tử. Không lao vào khổ đau nữa.
Từng bước, từng bước hãy
cùng đi trên con đường ngược dòng sinh tử này, nghĩa là con đường chấm dứt luân
hồi, chấm dứt khổ đau.
Bát Chánh, đường thù thắng
Bốn đế, lý thù thắng
Ly dục, pháp thù thắng
Giác nhân, người thù thắng. (5 )
Bốn đế, lý thù thắng
Ly dục, pháp thù thắng
Giác nhân, người thù thắng. (5 )
Nơi bài pháp đầu tiên, Kinh
Chuyển Pháp Luân, đức Phật đã thuyết về con đường Trung Đạo và Tứ Thánh Đế tức
là Bốn Chân Lý mà chân lý đầu tiên là Khổ, bởi vì mọi người đều có kinh nghiệm
của khổ, đều nếm mùi của Tám cái khổ, khổ vì sự ly biệt, xa lìa người mình
thương yêu, khổ phải sống chung với người mình không ưa, khổ vì cầu mà không được,
khổ vì sanh già bệnh chết, khổ vì mang cái thân cấu tạo bởi năm thành phần : sắc,
thọ, tưởng, hành và thức.(6)
Khổ này chồng chất lên khổ
kia. Đứng trước sự hoại diệt, mất mát, đứng trước sự đổi thay, chuyển dịch,
không dừng một chỗ làm cho khổ tâm. Không có gì cầm chắc trong tay. Đau khổ qua
đi thì mừng nhưng hạnh phúc muốn giữ nó lại thì chẳng được. Bé bỏng trông mau lớn
để tự do, sống như mình muốn, hưởng thụ tuổi thanh xuân, sắc đẹp và sức khoẻ
nhưng rồi cái già nua cũng phải đến với thân xác, như thế là buồn bã, tiếc nuối,
khổ đau. Bệnh hoạn, đau đớn quá chỉ cầu cho chết đi. Ở đây, vô thường là bạn tốt,
đến đem mình đi cho hết cái khổ của thân xác, hãy cám ơn nó ! Cũng thế, nhờ Vô
Thường mà có đêm có ngày, có sáng trưa chiều tối, nếu không thì con người cứ đứng
một chỗ, làm việc gì cũng chẳng biết khi nào xong, ăn xong một bữa cơm trưa,
đói bụng lại rồi mà cũng chưa thấy tới buổi cơm chiều ! Kẻ đi làm thì ngong
ngóng giờ tan sở nhưng cái đồng hồ mãi vẫn không quay tới giờ tan sở ! Kẻ ở tù
thì bốc mãi một tờ lịch, vẫn không hề thấy cái ngày được ra tù ! Nếu không có bốn
mùa vận chuyển, chỉ có một mùa hè nóng bức, khô cằn, không mưa, cây cối sẽ chết
mà con người cũng chết. Hoặc giả chỉ có một mùa đông tuyết giá lạnh lùng thì
cũng chẳng có sinh vật nào tồn tại. Vậy thì ai cũng phải cám ơn vô thường đã
làm cho có sự đổi thay, xuân hạ thu đông vận chuyển để vạn vật chuyển động đầy
sinh khí, sinh lực. Về phần tinh thần cũng thế, không có vô thường nơi tâm thì
cũng không mong thay đổi người ác, xấu ! Nhưng ngược lại, người có tâm thiện
cũng có thể chuyển thành ác !
Thế rồi ta cũng oán trách vô
thường đã đem lại sinh lão bệnh tử, cướp đi những gì ta muốn ghì chặt trong
vòng tay, muôn giữ mãi bên ta. Vô thường quét sạch hạnh phúc lẫn khổ đau. Vô
thường cũng là cái bấp bênh của luân hồi sinh tử, không ai biết chắc sẽ rơi vào
nẻo nào, làm sao mà vui đây ?
Thực sự nhận ra khổ rồi, biết
khổ rồi và chán khổ rồi bấy giờ mới mong thoát khổ và cũng đồng nghĩa với mong
thoát luân hồi. Bằng không thì vẫn còn hi vọng, bám víu vào một cái thân, chết ở
đây thì sẽ tìm một cái thân khác thế vào.
Con đường Phật dạy để giải
thoát lần lần mở ra. Sau khi đã nhận thức được khổ rồi thì phải tìm đến nguồn gốc,
nguyên nhân của khổ. Đó là chân lý thứ hai mà đức Phật đã dạy : Tập đế. Hãy đọc
đoạn kinh sau đây trong bản Kinh Chuyển Pháp Luân:
" Chính Ái là nguyên
nhân của sự tái sanh. Ái hợp với tâm thiết tha khao khát, bám víu cái này hay
cái kia. Chính là Ái đeo níu theo nhục dục ngũ trần, Ái đeo níu theo sự sinh tồn
(vĩnh cữu, thường hằng), và Ái đeo níu theo ý tưởng không sinh tồn (hoại diệt,
hư vô) ".(7)
Gốc của khổ là Ái, mà trong
Ái có tánh Tham hay Dục vì Tham hay Dục là cái lòng muốn, khát khao, muốn được,
muốn là, muốn có. Có Ái tất có Tham, có Dục. Tính chất của Ái là dính mắc, nên
yêu thương hay ghét bỏ cũng là Ái. Tham, Dục hay Ái đều qui về một điểm, một
trung tâm là cái Tôi. Cái Tôi muốn được, muốn là, muốn có, cái Tôi yêu người
này, ghét bỏ người kia, thích thiện thì ghét ác, thích sướng thì ghét khổ.
Không thể tính đếm cho hết các đối tượng của Ái, Tham hay Dục. Khởi đầu từ năm
giác quan hay sáu giác quan theo quan điểm Phật Giáo, từ nơi hình ảnh, nơi âm
thanh, nơi cảm xúc, nơi nghĩ tưởng, nơi hành động, nơi ý thức mà khởi lòng Ái,
lòng Tham, lòng Dục, kéo theo Sân, Si và vô lượng phiền não. Như vậy gốc của khổ
là tâm Ái, bám níu, nương tựa vào một trung tâm điểm là cái Tôi, được tô bồi,
nuôi dưỡng bởi Tham Sân Si. Chính cái tâm tham ái này dẫn đến sinh tử, tử sinh.
Cái Tôi bám vào sự sống, muốn trường tồn mãi, là vì có Tham có Ái. Dứt Ái, hết
Tham, buông bỏ cái Tôi, không nuôi dưỡng nó nữa, không để cho Sân khuấy động,
và Si làm sai đường lạc lối thì sẽ không còn chạy lòng vòng nơi luân hồi nữa.
Ở đây không thấy gì khó hiểu,
khi cái tâm còn Ái, còn bám víu vào sự trường tồn thì còn luân hồi nhưng cái điều
khó hiểu là cho dù có bám vào cái sự không sinh tồn, sự hoại diệt cũng vẫn là
Ái và vẫn chịu luân hồi, tái sinh. Bởi vì cái Ái nầy xuất phát từ sự không hiểu
biết, từ vô minh, chấp đoạn, nhưng không thể có sự hoại diệt như vậy, những
nghiệp đã tạo thì vẫn còn và chủ nhân của nghiệp phải chịu lãnh quả báo, không
thể trốn tránh. Cái Ái, lòng muốn tất cả là hư vô này không đúng với chân lý và
vẫn chịu tái sinh dù muốn dù không.
Thế thì ai là người có quyền
năng chấm dứt luân hồi? Chẳng ai khác ngoài cái Tâm không nhiễm Ái và
không chấp vào cái Tôi. Cái Tâm này buông bỏ, không đeo đuổi ân oán, trả
vay, không chạy theo thú vui của nhục trần, không khát khao hạnh phúc mong
manh, không làm nô lệ cho cái Tôi nữa.
Chấm dứt Tham Ái là đạt Niết
Bàn. Là chân lý thứ ba về sự diệt khổ, là Diệt Đế mà đức Phật đã thuyết. Niết
Bàn là sự chấm dứt toàn vẹn các khổ đau. Sự chấm dứt khổ đau được đức Phật định
nghĩa trong bản kinh Chuyển Pháp Luân như sau :
" Đó là sự xa lánh trọn
vẹn và sự tận diệt chính cái Ái ấy. Đó là sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly,
và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục ".
Làm cách nào để từ bỏ, để
thoát ly, diệt tận Ái ? Đức Phật dạy tiếp về con đường giải thoát, Đạo Đế, như
sau :
" Đó là Bát Chánh Đạo.
Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn,
Chánh Niệm và Chánh Định ".(8)
Tám điều chân chánh này dựa
trên ba nền tảng căn bản là Giới Định Tuệ, đồng thời tóm gọn trong ba hoạt động
của Thân, Khẩu và Ý. Và khi ba cơ quan này hoạt động mà loại trừ được cái Tôi,
Tham và Ái thì được xem là chân chính. Chân chính mới là con đường đưa đến sự
Diệt Khổ. Sự Diệt Khổ thì hoàn toàn vắng bóng của cái Tôi, của Tham và Ái.
Chấp cái Tôi, hay chấp Ngã,
là do có một cái thân, tấm thân Ngũ Uẫn hợp thành. Muốn phá cái chấp này cũng
phải dày công tu tập và quán chiếu.
Theo bản " Bát Nhã Ba
La Mật Đa Tâm Kinh " chúng ta đọc được câu như sau :
" Bồ Tát Quán Tự Tại
khi tu chứng đại trí tuệ siêu việt, thấy rõ Ngũ Uẫn đều Không, vượt qua hết khổ
ách "(9)
Như vậy là Bồ Tát nhờ ngộ ra
tánh Không, không chấp vào cái thân này là thật có, là Ngã nữa mà thoát mọi thứ
khổ. Khổ không chỉ nơi thân, nơi tâm mà bao gồm cả sự luân chuyển trong sáu đường.
Nơi một đoạn khác, chúng ta
đọc thấy :
" Bồ Tát nương trí tuệ
siêu việt nên tâm không chướng ngại, xa lìa hết thảy điên đảo mộng tưởng, cứu
cánh đạt đến Niết Bàn. Chư Phật ba đời nương trí tuệ siêu việt nên được giác ngộ
hoàn toàn, đứng đắn và cao nhất ".(10)
Bồ Tát hay chư Phật ba đời đều
nương trí tuệ siêu việt mà đạt Niết Bàn, được giác ngộ. Trí tuệ siêu việt này
là trí Bát Nhã Ba La Mật Đa có khả năng đưa người từ bờ mê sang bờ giác, từ biển
luân hồi sang miền cực lạc, Niết Bàn. Là trí tuệ " đứng đắng và cao nhất
" phá vỡ mọi chấp trước. Không còn ngôn từ để diễn tả. Bất khả tư nghị. Bất
khả thuyết.
Nơi bản kinh Chuyển Pháp
Luân, chúng ta đọc được đoạn kinh mô tả đức Phật, sau khi đã thực hành và chứng
ngộ Bốn Chân Lý, ngài mới tuyên bố rằng :
" Và lúc ấy, Tri kiến
và Tuệ Giác phát sanh đến như Lai. Tâm của Như Lai hoàn toàn giải thoát một
cách vững chắc, không còn lay chuyển, và đây là kiếp sống cuối cùng, không còn
kiếp sinh tồn nào nữa ".
Tri kiến và Tuệ Giác của Như
Lai chắc chắn được phát sinh do thực hành Bát Chánh Đạo. Tri kiến và Tuệ Giác
này chắc chắn là không khác trí tuệ siêu việt Bát Nhã Ba La Mật Đa. Không còn
nghi ngờ gì nữa, thực hành theo Bát Chánh Đạo là con đường đi ngược dòng sinh tử,
là thoát luân hồi, thoát khổ.
Nơi bài thuyết pháp đầu
tiên, đức Phật đã chỉ rõ ràng, có thứ tự, con đường giải thoát và sự tu tập thiết
thực. Qua bài pháp thứ hai, thuyết về Vô Thường, Vô Ngã, đức Phật khai mở trí
tuệ, làm vững thêm ý chí thoát trần.
Phải về lâu về sau, nơi kinh
điển Đại Thừa chúng ta mới được gặp bàn tay tiếp độ của đức Phật A Di Đà. Phàm
phu chúng ta, không phải là hàng thượng căn, nghe Pháp bao nhiêu cũng chẳng ngộ,
trôi lăn bao nhiêu tỷ kiếp cũng chẳng học được điều gì, Ái vẫn hoàn Ái, Tham vẫn
hoàn Tham, Ngã vẫn hoàn Ngã. Tri kiến và Tuệ giác không phát sanh như Phật, Bồ
Tát, A la hán nên phải trôi lăn mãi trong luân hồi. Như vậy, với hàng hạ căn
như chúng ta, nương nhờ Tha Lực hay Phật Lực, là một điều lợi lạc không thể
nghĩ bàn. Nơi Tịnh Độ mà chim chóc một ngày sáu thời đều phát ra tiếng Pháp,
nơi các hàng cây mà khi gió thổi đến làm lay động thì phát ra âm thanh tuyệt vời,
vi diệu, nghe qua tự nhiên trong lòng chỉ biết nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng.
Pháp gì được nghe thấy từ tiếng
của chim muông ? Chính là Pháp mà đức Thích Ca đã từng thuyết nơi Đạo Đế : Ngũ
căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phận, Bát chánh đạo. Nhờ được nhắc nhở tu tập, dần dà,
phàm phu thanh tịnh hóa được tâm mình, không còn tham đắm luân hồi, rủ bỏ nghiệp
cũ.
Chỉ một lần thật sự, chân
thành tận tâm can ước ao Tịnh Độ cũng là một lần biết chán ngán luân hồi. Chưa
chán ngán luân hồi thì chẳng ao ước Tịnh Độ.
Tâm hướng về cõi Tịnh cũng
là cái Tâm đang bước vào con đường đi ngược dòng sanh tử. Cõi Tịnh không nằm
trong luân hồi. Bước vào cõi Tịnh là bước ra khỏi luân hồi. Vào cõi Tịnh không
phải với cái Tâm hưởng lạc thú cho dù đó là cõi Cực Lạc, mà chỉ vì cái Tâm mong
cầu nghe Pháp, luôn luôn được sống trong Pháp. Nhờ vậy, Tâm rủ sạch nhiễm ô của
Ái và Tham.
Trở về với câu định nghĩa của
đức Thích Ca về Diệt Đế :
" Đó là sự xa lánh trọn
vẹn và sự tận diệt chính cái Ái ấy. Đó là sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly,
và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục "
Từ đó suy luận rằng Tịnh độ,
tuy không phải là Niết Bàn nhưng phàm phu nhờ Tha Lực, nương náu Tịnh độ mà tu
tập, đạt được sự tận diệt của Ái, sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly và sự
tách rời ra khỏi tâm ái dục để rồi, bằng Tự Lực của mình, tiến đến Niết Bàn. Mầu
nhiệm thay ! Quý hoá thay Tha Lực!
Lại một câu hỏi được đặt ra
: đạt Niết Bàn hay thành Phật ? Thiết nghĩ
rằng bản thể, bản tánh của Niết Bàn hay Phật đều thanh tịnh như nhau.
rằng bản thể, bản tánh của Niết Bàn hay Phật đều thanh tịnh như nhau.
Câu hỏi này thực sự không là
một câu hỏi.
Chú Thích:
Kinh Thánh của Thiên Chúa
Giáo. Sự Phán Xét Cuối Cùng. Khải Huyền 20.11-15
Kinh Pháp Cú, Phẩm Phật Đà.
HT Thích Minh Châu dịch.
Kinh Pháp Cú, Phẩm Ác. HT
Thích Minh Châu dịch.
Kinh Pháp Cú, Phẩm Tạp. HT
Thích Minh Châu dịch.
Kinh Pháp Cú. Phẩm Đạo. HT
Thích Minh Châu dịch
Thân vật chất, cảm xúc, sự
ghi nhớ (nghĩ tưởng), sự tác ý (hành động), sự nhận biết.
Đức Phật và Phật Pháp. Kinh
Chuyển Pháp Luân. Dhammacakkapavattana. Tác giả Narada. Dịch giả Phạm Kim
Khánh.
Con đường chân chính gồm Tám
Nhánh hay Tám Phần: Sự thấy biết chân chính, sư suy nghĩ chân chính, lời nói
chân chính, hành động chân chính, sự sinh sống chân chính, sự chuyên cần chân
chính, sự ghi nhớ chân chính và sự tập trung tư tưởng chân chính.
10. Tâm Kinh Đại Trí Tuệ
Siêu Việt. Nghi thức tụng niệm chùa Trúc Lâm. Paris. Bản dịch của cố HT Thích
Thiện Châu.
Lê Khắc Thanh Hoài
Trả lờiXóaeva air của hãng nào
vé máy bay đi mỹ hãng eva
phòng vé korean air tại tphcm
vé máy bay từ sài gòn đi mỹ
giá vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich