Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Đêm nghiêng về sáng nghe tiếng hoạ mi

Đêm nghiêng về sáng nghe tiếng hoạ mi
Tuổi thơ của tôi trôi qua trong chiến tranh. Thủa ấy miền Bắc chưa có nhiều phương tiện nghe nhìn. Chúng tôi chưa trông thấy cái ti vi bao giờ. Chiếu bóng thì xem ở ngoài bãi cỏ, sân đình, mà cả năm cũng chỉ vài ba lần. Cả cái làng Nam Phú của tôi chỉ có hai cái đài bán dẫn: một của gia đình người từ Tân-thế-giới mới về nước, một của ông chủ tịch xã.
Âm thanh thường xuyên dội vào thính giác của tôi là ba thứ rất đối nghịch nhau: tiếng bom, tiếng chuông nhà thờ Thiên Chúa và tiếng hót của các loài chim. Có thứ giọng hót của loài chim đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của tôi, nó ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ, đó là tiếng hót của chim hoạ mi.
Hồi ấy, máy bay Mỹ đánh phá rất dữ, chúng tôi thường phải đi học sớm ở nơi sơ tán. Kẻ báo thức cho tôi dậy đi học là con chim hoạ mi. Nói cho đúng hơn: bắt đầu là tiếng chuông từ ngọn tháp ngôi nhà thờ Thiên Chúa ngoài đầu xóm ngân nga báo lễ, sau tiếng chuông dứt một lát thì tiếng con hoạ mi bắt đầu cất lên ngay trên khóm cây sau nhà. Thoạt đầu tiếng chim còn dè dặt, như thăm dò; càng về sau nó càng ngân nga, thánh thót, khoan nhặt, lên bổng xuống trầm , thao thiết. Nghe tinh thì có cảm giác trong tiếng hót ấy có cả tiếng tí tách của mưa, tiếng thầm thào gió, tiếng róc rách của nước suối rừng. Đến lúc ấy thì không thể nằm nán lại thêm nữa, tôi bừng thức dậy trong niềm xao xuyến hân hoan. Khi tôi cắp sách chạy ra đến đầu ngõ, tiếng chim hoạ mi vẫn vang vọng sau lưng một khúc nhạc lưu luyến như nhằm  tiễn chân tôi đến trường.
Có những thắc mắc của ngày ấy mà không ai có thể giải thích giùm tôi rằng: tại sao chim hoạ mi lại hay hót vào lúc đêm nghiêng về sáng và thường  hót vào những đêm giá lạnh?
Sau này trưởng thành, tìm hiểu tôi mới biết, hoạ mi là loài chim của xứ lạnh. Quê hương của nó ở hầu hết các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...Tôi có đọc một số tác phẩm văn học mà trong đó nhắc đến con chim hoạ mi. Nhà văn nổi tiếng người đông Đức Ecvin Stritmattơ, tác giả tiểu thuyết Ôlê Biên kốp từng viết một truyện ngắn cũng khá nổi tiếng có tên là Hoạ mi xanh. Trong truyện, nhà văn hoá thân vào nhân vật "tôi" và giải thích rằng thực ra trong cuộc sống không hề có con chim hoạ mi nào màu xanh, nhưng vì tiếng hót của nó nâng giấc, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của "tôi" từ cái đêm người mẹ hoài thai ra "tôi"nên trong mắt "tôi"hoạ mi mang màu xanh, là màu của trí tưởng tượng, của hy vọng.
Ecvin Strimattơ viết:
"...Theo những lời lãng mạn hoá của mẹ tôi thì một chú chim trên hàng rào hoàng dương mé đồi Ghê-oóc là lời khích lệ cho tôi được tạo ra trong căn gác xép một ngôi nhà nhỏ sát mép con sông lượn quanh thành phố..."

"...Khi cuộc đời nhỏ của tôi bắt đầu thì ở đó chỉ có hoạ mi trong một mùa xuân: người ta nghe thấy nó hót trong lùm đỗ tùng phía sau nghĩa địa khi những cây đỗ tùng thích rung rinh đóng giả người khổng lồ hoặc ma quỷ..."
Trong kho tàng văn chương sáng giá của Anđecxen cũng có một tác phẩm nhắc đến con chim hoạ mi rất hay. E bài viết sẽ dài, tôi xin không trích dẫn.
Ơ nước ta, hoạ mi sống chủ yếu trên các tỉnh miền núi phía Bắc, giáp với Trung Quốc. Đây là những vùng đất mà thời tiết một nửa năm lạnh giá, một nửa năm thì mát mẻ, kể cả mùa hè. Những tháng mát mẻ vừa độ thì hoạ mi sống chủ yếu ở những nơi "bản xứ" đó. Chỉ những dịp thật giá lạnh, hoạ mi mới bay xuống đồng bằng, trong đó có vùng châu thổ sông Hồng quê tôi, để sinh tồn. Từ đó tôi mới ngộ ra rằng, những buổi sáng lạnh giá, khi những loài chim khác còn im lìm ngủ trong hang hốc, bờ bụi thì hoạ mi đã thức dậy vừa nhanh nhẹn chuyền trên cành cây vừa thao thiết hót.
Nhiều buổi sáng chủ nhật, không phải đến trường, tôi đã dậy từ sớm đứng nấp vào hồi nhà rình xem con chim hoạ mi nó mang hình dáng mỹ miều đến nhường nào mà lại có giọng hót diệu huyền đến thế. Nhưng thật đen đủi cho tôi, ngày nào cũng như ngày nào, con chim hoạ mi ở bụi cây sau nhà tôi cứ hót từ sau lúc chuông nhà thờ báo lễ cho đến lúc tang tảng sáng là chúng lại bay đi đâu mất. Tuy nhiên, cũng có ít nhất một lần tôi nhìn thấy nó, nhìn thấy cả đôi vợ chồng nó. Đấy là cái buổi sáng chủ nhật không hiểu sao đôi hoạ mi sau khi cống hiến những giai phẩm trác việt của âm thanh còn nán lại ở bụi cây sau nhà tôi đến tận lúc trời sáng hẳn chúng mới bay đi. Khi nhìn thấy chúng, tôi đã hơi buồn và thất vọng: hình dáng hoạ mi không diêm dúa, mỹ miều như tôi vẫn tưởng tượng. Nó giống như con chim sáo đá. Lưng và đuôi màu đen phơn phớt nâu. Bụng nó màu nâu tươi hơi ong óng vàng. Mỏ và chân thì vàng sậm. Xung quanh mắt có vành lông màu trắng. Cảm giác của tôi là chim hoạ mi trông cũng "quê một cục"như những con chích choè, sáo đen, chào mào... tôi vẫn thường nhìn thấy trên những cánh đồng và trong những khu vườn quê tôi mà thôi. Hoá ra không phải bao giờ y phục cũng xứng với kỳ đức! Hoá ra trời phú cho hoạ mi một tài năng trác việt về âm thanh thì trời lại không thể cho nó thêm một bộ cánh thật đẹp. Tôi mang nỗi băn khoăn đó nói với cha tôi thì cha tôi nói, đại khái, con hoạ mi phải có bề ngoài tầm thường, giản dị như thế mới là thuận ý trời, thuận lẽ âm dương như trong Kinh Dịch; như thế hoạ mi mới thoát khỏi những những dòm dỏ, đố kỵ, thị phi của những giống loài khác để tồn sinh và tồn tại được cho đến ngày nay? Ví thử hoạ mi có một bộ cánh diêm dúa như con chim long cơ hay con chim bảy màu thì rất có thể chúng đã bị tuyệt diệt vì các loài chim ác!
Từ hôm nhìn thấy đôi chim hoạ mi, tôi còn vỡ nhẽ ra thêm một điều nữa: hoạ mi thường sống có đôi, một trống một mái; nhưng chỉ có hoạ mi trống là biết hót. Còn hoạ mi mái, khi nghe hoạ mi trống hót, nó chỉ há mỏ cho phát ra những âm thanh thù thì như tiếng gió như một thứ "bè trầm" để phụ hoạ theo tiếng hoạ mi trống mà thôi.
Khi tan mùa giá lạnh, hầu hết hoạ mi lại bay ngược trở lại với núi rừng phương Bắc. Tuy nhiên, ở đồng bằng quê tôi mà làng quê nào có địa hình, phong thuỷ phù hợp như nhiều gò đống, vườn hoang, cây cối xanh tốt um tùm, con người hiền hoà... thì hoạ mi sẽ ở lại.
Những năm gần đây đời sống con người có khá giả hơn, nhưng mối quan hệ giữa người với người nghiêng về lợi ích hơn là tình nghĩa. Vì thế mà con người luôn bị rơi vào tâm thế bơ vơ, đơn độc. Bơ vơ ngay giữa cõi đời đông đúc. Đơn độc ngay trong chính ngôi nhà của mình.Tâm thế ấy khiến người ta thèm khát thiên nhiên, muốn tìm một sự cộng hưởng từ thiên nhiên. Người ta tìm đến với vườn hoa, cây cảnh, chim muông. Người chơi chim ngày càng nhiều. Và không mấy ai chơi chim tinh tường, sành điệu mà bỏ qua tiếng hót của con chim hoạ mi. Có người còn khẳng định rằng, ai chơi chim mà chưa chơi hoạ mi thì xem như chưa biết gì về chim. Kể cũng không ngoa!
Người ta đã thuần phục chim hoạ mi chịu được cả khí hậu nhiệt đới. Những nhà buôn chim đã mang hoạ mi từ Bắc bộ vào tận Sài Gòn, sang tận đảo quốc Singapore thuần dưỡng rồi bán. Ơ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... bây giờ không ít người có lồng chim hoạ mi. Vì hoạ mi hót quá hay nên có người còn nuôi con hoạ mi giữa những con chích choè, chào mào, bạc má, yến... để những con này tập hót theo giọng hoạ mi.
Thức ăn tự nhiên của hoạ mi là côn trùng, nhưng khi thuần hoá người ta có thể nuôi hoạ mi bằng hạt kê tẩm lòng đỏ trứng gà.
Hoạ mi có "máu nghệ sĩ" nên không chỉ hót hay mà đá nhau cũng rất dũng mãnh. Những người có tính hiếu thắng hay chọn nuôi những con hoạ mi to khoẻ, trông ra dáng "võ biền"và huấn luyện cho nó những ngón đá rất hóc hiểm. Tôi đã chứng kiến hai người cho hai con hoạ mi đá nhau. Chúng dùng móng vuốt móc vào cổ họng, vào ức đối phương, khiến cuộc đấu kết thúc thì cả hai con máu me bê bết, có con mắt lồi hẳn ra. Một số người xem cảnh đó thì vỗ tay reo hò thích thú. Riêng tôi, tôi không sao chịu được. Vì trong tôi cứ bộn lên một câu hỏi: trời sinh ra hoạ mi để hót chứ đâu phải để đá nhau?
 Lê Hoài Nam
Theo http://chimviet.free.fr/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...