Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Cây tre trăm đốt

Cây tre trăm đốt
Hồi nhỏ, tôi là thằng bé hạnh phúc nhất trần đời. Bà ngoại ngày nào cũng kể mà không khi nào cạn kho tàng truyện cổ tích nước Nam. Còn tôi, cứ nài kể hoài không chán một truyện "Cây tre trăm đốt", nhất là câu thần chú diệu kỳ ấy.
Khắc xuất - tức thì cả trăm đốt tre đều tăm tắp rời ra để anh tá điền hớn hở bó gọn mà tung tảy gánh về. Lão phú hào ré cười, vừa được vô khối tre dùng cho trăm công nghìn việc cần kíp ngoài đồng cũng như trong nhà, lại được dịp nhạo báng thỏa thuê kẻ mắc lỡm mưu cao của mình. Khắc nhập - lập tức cả trăm đốt tre liền ngay lại thành cây cao vút, dính chặt lão phú hào gian ngoan lên tít đầu ngọn. Sợ vãi linh hồn, tên phú hào xuống nước cầu khẩn thảm thiết xin tha mạng sống và thề bồi đủ điều cam đoan giữ đúng lời hứa gả con gái rượu…
Lanh trí, anh lực điền điềm tĩnh bảo "trí thông minh tao cất ở nhà" mà trói nghiến mãnh hổ vào đòn tre, buộc phải ngoan ngoãn thay trâu kéo cày! Hay sứ giả nhà ta thông minh không chỉ chữa thẹn mà còn mắng nhiếc quan tể tướng thiên triều láo xược vẽ chim sẻ tiểu nhân đất bắc đậu trên ngọn tre quân tử phương nam.
Nói vậy. chứ tôi đâu có hiểu hàm ý sâu sắc về sự đắc dụng thân thiết của cây tre với dân ta gói trong khẩu lệnh thần thông " khắc xuất khắc nhập " ấy.
Cây cỏ nhiệt đới xứ ta phong phú, đa dạng. Trong đó, tre là đầu bảng. Tre gộc thì dựng nhà che mưa tránh nắng, vót nhỏ thành đôi đũa cho bữa ăn mỗi ngày, vạt đi làm vai bừa, cán cuốc làm đất cấy trồng, chẻ ra đan thành cái giần cái sàng trau chuốt hạt gạo ngọc ngà. Tinh xảo là đàn là sáo rộn rã đình đám .Tới khi giặc đến nhà, tre cũng thành vũ khí chống trường trận – cây chông tre
Tre trên thế giới đâu chẳng có , lại nhiều vô kể, cả về số lượng lẫn chủng loại. Nhưng cái diều sáo quê ta đi dự liên hoan quốc tế bên trời Tây cứ được tôn là thú chơi nghệ thuật dân dã, tinh tế độc nhất vô nhị.
Tôi là đứa trẻ hạnh phúc thêm một bậc. Ông ngoại tôi là người làm và thả diều sáo nhất làng. Ông lụi hụi cả tháng tìm chọn đủ năm cây tre đực làm con diều bự sải cánh vài mét. Giấy làm diều cũng phải là thứ giấy ta làm thủ công truyền thống bằng bột tre và dán bằng nhựa cây để chịu đuợc gió lộng. Ngay dây diều cũng phải làm bằng tre cật đập dập, se lại và ngâm nước muối mặn đúng một ngày một đêm cho thật dẻo dai. Kỳ tình nhất là bộ ba cái sáo dài ngắn, kích cỡ và khoét lỗ hoàn toàn khác nhau để có những âm sắc riêng. Nhưng lại phải đúng niêm luật để các thanh âm ấy hòa quyện khi cao vút, lúc trầm lắng theo độ lên cao xuống thấp con diều, khi khoan lúc nhặt theo gió thổi. Chiều chiều ông ngoại mang diều ra thả ngoài bãi đê cho thằng cháu tha hồ chạy nhảy theo con diều lượn lờ theo nhịp điệu, tiết tấu ngẫu hứng âm thanh tự nhiên. Đến khi tắt hẳn nắng, ông ngoại lại dìu con diều sáo về cột vào búi tre đầu ngõ. Tới lúc này, tiếng sáo diều lại khoan thai như tiếng ru ngọt ngào đưa con trẻ bọn tôi vào giấc ngủ thần tiên, như tiếng thủ thỉ gọi trai gái hẹn hò.
Khác với quốc thụ cây phong người Canada, hay anh đào quốc thụ của Nhật, tre của ta không ru rú làm biểu trưng làng quê ta mà dấn thân vô cách mạng kỹ thuật. Tre đốt thành than, ép thành dầu… đã thành vật liệu cho công nghệ mũi nhọn nano hiện nay. Không chừng nay mai, nhưng đồ kỹ thuật số máy tính, điện thoại di động đời mới nhất lại chẳng đuợc trang bị lõi nhớ từ thành phần than tre quê ta ấy . Còn tre được dùng để bảo vệ môi trường đã thành hiện thực. Bản thân tre hấp thụ kim loại nặng gây ô nhiễm đất để phát triển sinh khối mà tạo nên tốc độ phát triển khó có loài thực vật nào sánh bằng. Bộ rễ của nó sục bùn tạo môi truờng giàu ô xy cho các chủng vi sinh sinh sôi mà xử lý nước thải diệu kỳ như không. Cứu cánh tạo dựng làng tre sinh thái ở Bình Dương của tiến sỹ Diệp Thị Mỹ Hạnh là đó. Cũng chính vì tre đầy những đặc trưng như con nguời Việt mà vùng Rhones Alpes bên Pháp đã sẵn sàng tài trợ tài chính, các cô gái Pháp nhiệt thành Julie, Pauline… tình nguyện bốn năm góp phần biến 10 ha triền đất Phú An hoang vu toàn cỏ nác thành một thảm xanh tre ngút ngàn - hơn trăm giống với ba trăm loài, nào là tre mây Bắc Cạn, tre vuông Phú Thọ, tre ngà Thái Nguyên, tre hóp Hà Tĩnh… đủ cả. Bởi vậy ngày khai truơng chính thức Làng tre sinh thái An Phú được đưa ngay vào chuơng trình hoạt động của Tuần văn hóa Pháp tháng tư ở ta.
Cây tre trong tâm trí tôi giờ đã là trăm lẻ một đốt rồi.
Lê Lành
Theo http://chimviet.free.fr/

1 nhận xét:

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...