Chopin - Phím đàn sầu rơi
Tôi chọn viết về Frederic
Francois Chopin vì ông là một nhạc sĩ dương cầm thời danh, ông đã ghi bao dấu ấn
trong lịch sử âm nhạc cổ điển. Nhạc ông như hồn thơ thẩn múa may trên phím đàn,
mẹ ông cho biết mỗi khi ông đạt xúc cảm âm nhạc ông bật khóc, rồi khi ông yêu
thương, tình yêu từ chối ông, ông nguyện sẽ khóc suốt đời, dù ông khóc trong
lòng hay khóc trong âm nhạc, Chopin có con tim tình tự nhân bản, Chopin có con
tim biết rung động trước tình yêu và Chopin có nỗi niềm sống cho yêu thương và
âm nhạc. Chính cái nét trân quý đó, Việt Hải xin ghi nhận lại cuộc đời 39 năm
ngắn ngủi của "Phím Đàn Sầu Rơi", một thiên tài âm nhạc sẽ vĩnh viễn
không bao giờ mai một.
Chopin là một nhạc sĩ dương
cầm người Ba Lan thuộc trường phái lãng mạn. Ông có tên là Fryderik Chopin,
chào đời ngày 22 tháng 2 năm 1810, sinh quán tại Zelazowa Wola gần Warsaw. Là
người con thứ nhì trong gia đình gồm 4 chị em mà Chopin là người con trai duy
nhất. Cha ông là Nicholas Chopin người Pháp dạy học tại một trường nữ trung hoc
và mẹ ông là người Ba Lan mà cả hai đều mê đàn dương cầm và họ đến với nhau
cũng vì cái sở thích chung này. Rồi từ đó nhạc sĩ Chopin được nuôi dưỡng và lớn
lên trong cái nôi dương cầm. Vì quyến luyến ngôn ngữ của cha, ông thích dùng
tên mình bằng Pháp ngữ là Frédéric Francois Chopin. Chopin là người của sự nhậy
cảm, mẹ ông kể lại rằng khi ông còn nhỏ, ông đàn những bản nhạc buồn, du đương
đưa ông vào cơn mê say đắm phím đàn thì ông đã bật khóc.
Ông bắt đầu học đàn khi 4 tuổi
dưới sự dìu dắt của người thầy Ba Lan là Adelbert Zywny, một môn đồ của nhạc sư
Bach. Mỗi khi Chopin học xong vài bài học thì ông tự chế ra những tấu khúc ngắn
vì đam mê và vì thông minh do năng khiếu bẩm sinh. Khi lên 9 tuổi Frederic
Francois Chopin đã xuất hiện trình diễn nhạc trước công chúng. Mẹ ông cho biết
ngay từ nhỏ Ông luôn để ý đến phong cách của mình khi trình diễn ngoài đám
đông, bên ngoài cung cách trau dồi chơi nhạc nghệ thuật, ông cũng trau chuốt
cách phục sức ăn mặc của mình.
Sau này để học thêm về kỹ
thuật sáng tác, cha ông gởi ông vào Học Viện Âm Nhạc Warsaw học thêm. Khi đó Viện
trưởng Joseph Elsner thấy tài năng của ông phát triển phi thường, ông Elsner
khuyên các đồng nghiệp, các cô thầy trong học viện hãy để cho Chopin tự phát
triển theo cung cách sáng tạo riêng và đừng nên ép ông vào khuôn khổ, mẫu mực
âm nhạc qui cách, theo nguyên tắc cứng nhắc của nhà trường.
Chẳng bao lâu cha ông muốn
ông sang Berlin ra mắt trình diễn ở đó. Ông gây nhiều chú ý cho giới yêu nhạc tại
Đức. Rồi tình cờ ông quen nhạc sư Mendelssohn, mà Mendelssoln vì ngưỡng mộ cậu
học trò trẻ này nên ông đặt cho Chopin cái tên dễ thương
"Chopinetto", tức cậu Chopin tí hon.
Khi khôn lớn Chopin bị tiếng
sét ái tình đầu tiên với cô học trò duyên dáng Constantia Gladowska tại Học viện
Âm nhạc Warsaw, Constantia có nhan sắc tuyệt trần kèm theo nét dịu dàng làm cho
Chopin say mê đắm đuối. Với tâm hồn nghệ sĩ tính vốn lãng mạn Chopin nhìn nhận
trong một bức thơ gởi cho một người bạn thân rằng chàng yêu nàng tha thiết,
chính bóng dáng Constantia khi đêm về làm cho hồn nhạc chàng dâng cao khi nhớ đến
nàng, cũng như buồn rơi trên phím đàn vì chuyện tình yêu mà chàng không đủ can
đảm thố lộ ra bằng lời nói, mà chỉ vẽ trên khung nhạc, phím đàn mà thôi. Trong
mối tình tương tư đó bóng hình Constantia giúp cho Chopin sáng tạo ra những tấu
khúc vang danh như Waltz (Op. 70) in D flat, Adagio in F minor concerto. Chàng
thả hồn theo âm nhạc có người yêu trong giấc mơ qua hồn nhạc dịu dàng để rồi
chàng viết lên những lời thơ chôn dấu trong suối nhạc: "Mãi mãi khi con
tim anh còn đập anh sẽ không ngừng yêu em, ngay cả khi anh rời thế gian này để
thành tro bụi, những cốt tro tàn của anh sẽ theo về dưới gót chân em". Thật
vậy, tình yêu của Constantia không được đáp ứng như chàng mong muốn. Khi
Constantia đi lấy chồng, chàng tuyệt vọng. Năm 1830 khi chàng được 20 tuổi
chàng quyết định rời bỏ quê hương Ba Lan ra đi. Khi cha chàng mất chàng chỉ gặp
một lần và khi mẹ chàng mất chàng không có về dự tang lễ. Chàng lang thang qua
các thành phố lớn từ Đức sang Áo, từ Breslau, Dresden sang Vienna và nhiều nơi
khác trước khi trở về định cư nơi đất quê cha. Chàng đến Pháp và định cư tại
Paris.
Năm 1831, khi nhân dân Ba
Lan vùng lên chống lại ách xâm lăng của người Nga, ở lứa tuổi 21 xa cố hương
nghe tin xứ sở loạn ly Chopin buồn u uẩn, lòng ái quốc khiến ông soạn thành tấu
khúc Etude in C minor (Op. 10, No. 12). Như đã nói ở trên, năm 1826 sau khi
Chopin tốt nghiệp trung học, ông vào học nhạc tại Học viện Âm nhạc, năng khiếu
thiên phú giúp ông tốt nghiệp ưu hạng, ông thường sang trình diễn tại thủ đô âm
nhạc Vienna để tạo tiếng tâm. Năm ông 26 tuổi, ông lại yêu một thiếu nữ khả ái,
16 tuổi, tên là Maria Wodzinska. Maria là một nữ dương cầm xuất sắc và hai người
hứa hôn. Nhưng khi nàng khám phá ra chàng bị chứng lao phổi, nàng vội từ hôn.
Thế là giấc mộng hôn nhân tan vở. Cuối năm 1836 Chopin gặp nữ văn sĩ George
Sand do Liszt, dương cầm gia nổi tiếng gốc Hung và là bạn của cả hai người mai
mối. George Sand là tên bút hiệu, nàng có tên thật là Aurore Dudevant, là một
phụ nữ ly thân với chồng và có hai đứa con. Sự liên hệ lúc đầu không phát triển
nhiều vì vốn dĩ hai tâm tính tương phản nhau vì Chopin bản tính vốn nhẹ nhàng,
dịu dàng, khoan thai và lãng mạn. Trong khi George Sand ăn nói lớn tiếng, nóng
nẩy, đốp chát, không mềm mỏng và nhiều nam tính. Trong sự giao tiếp rộng rải
nàng quen nhiều người tình nam phái.
Năm 1838 hai người trở nên
thân thiện hơn, Chopin bị căn bệnh lao phát triển hành hạ chàng, chàng đâm ra
chán nản, nàng cảm thấy thương hại Chopin, nên tự nguyện sống chung săn sóc cho
chàng. Chopin đem George Sand và hai con của nàng ra cư ngụ ngoài hải đảo
Majorca tĩnh dưỡng. Tại nơi đây họ sống những năm đầu rất hạnh phúc. Khi bệnh
trở nên nặng các chủ phố sợ Chopin lây bệnh cho dân cư, họ không cho chàng thuê
nhà nữa. Gia đình đành dọn về sống tá túc trong tu viện Valldermosa, trong khi
tại đây Chopin hoàn tất nốt hết 24 dạo khúc Preludes để đời này. Thời tiết tại
đảo vào mùa hè ấm áp tốt cho Chopin, nhưng khi mùa đông giá buốt khắc nghiệt
thì chàng không chịu nổi với chứng bệnh lao phổi. Chopin quay về lại Paris,
George Sand về quê cũ Nohant.
Trong 10 năm chung sống với George Sand tại Majorca, chàng sống nhờ vào nghề dạy
nhạc và sáng tác. Tài liệu ghi nhận thì càng về sau những mâu thuẩn, những bất
hòa giữa hai người càng nhiều hơn. Phần vì bệnh của Chopin càng nặng thêm và
George Sand phải vất vã hơn khi lo lắng cho chàng. Tình yêu nồng nhiệt cuối
cùng trở thành tình bạn. Khi đó cuộc cách mạng Pháp 1848 xảy ra, Chopin bỏ chạy
di cư sang Anh quốc. Sống tại Anh được một năm, dù Luân Đôn đón nhận Chopin
trong vồn vã, nồng nhiệt, nhưng nhớ khung cảnh cũ ở nước Pháp và buồn nản vì sức
khoẻ yếu dần và bệnh ở giai đoạn cuối cùng, Chopin quyết định quay về lại
Paris.
Những tháng ngày cuối đời tại
Paris không đem lại sự thành công về tài chánh cho Chopin, vì bệnh hoạn nên ông
không kiếm ra tiền cho cuộc sống. Đời sống sa cơ tuột dốc, nghèo khổ, chán chường,
băn khoăn, âu lo, mất ăn mất ngủ và bệnh tình ông trở nên trầm trọng hơn. Có những
lúc ông bi quan tâm sự trong thơ là không còn phân biệt được giữa muốn sống hay
là muốn chết. Ông nghe người ta nói về Mỹ châu vùng đất mới của cơ hội kiếm tiền.
Ông nghĩ di cư sang đó chỉ còn là giấc mơ đẹp hão huyền mà thôi. Và sau cùng
ông nhắm mắt lìa đời vào tháng 10, 1849, hưởng dương 39 tuổi.
Tình yêu đến rồi đi cho
Chopin sầu khổ tương tư từ một Constantia Gladowska duyên dáng, một Maria
Wodzinska son trẻ của tình yêu dang dở đến đoạn cuối cuộc tình buồn với nhà văn
George Sand. Chopin chưa một lần tiến đến hôn nhân có đám cưới đúng nghĩa với
người mình yêu.
Chopin mất đi để lại một gia
tài cho hậu thế gồm nhiều tác phẩm bất hủ từ tấu khúc Nocturne, Mazurka,
Ballade, Impromtu và Valse de Salon. Nhạc khúc của Chopin tiêu biểu cho sự lãng
mạn, du dương của dạ khúc Nocturne, hay vũ điệu khúc đồng quê Mazurka hoặc tấu
khúc dâng lên tình yêu nước nồng nàn Ballade. Những tác phẫm của Chopin trang
trải 39 năm ông sinh ra cho âm nhạc để yêu người, yêu quê hương, yêu âm nhạc và
cả đời dâng hiến cho nghệ thuật.
Thời gian hạnh phúc với
George Sand tại Majorca, Chopin cho
ra 24 Preludes dạo khúc dành
cho dương cầm, trong đó có bài tuyệt tác "Hạt Mưa" (Raindrop),
ông làm khi ngắm mưa rơi xuyên qua khung cửa. Nhạc mang âm hưởng xao xuyến, buồn
bã của mưa rơi trên đảo vắng, nó nhẹ nhàng nhưng trong trạng thái lạc lỏng vì bệnh
tật của Chopin, và nó cũng chơi vơi trong niềm sầu riêng sâu kín như nỗi lòng
buồn rơi trên phím đàn của Chopin.
Việt Hải
Theo http://chimviet.free.fr/
hãng eva
bán vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay korean airlines
cách mua vé máy bay đi mỹ
mua vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich