Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Mùa hoa Lục bình

Mùa hoa Lục bình
Có lẽ khắp vùng sông nước Nam bộ là xứ sở của hoa lục bình. Hầu như lục bình nở hoa suốt bốn mùa. Kể cả mùa lũ, nước dâng tràn đồng đất, phù sa đục ngầu, lục bình vẫn vươn xanh và nở hoa. Nhưng vào kỳ cuối đông và mùa xuân là mùa hoa lục bình nở rộ. Nhìn hoa nở, bỗng gợi trong tâm tưởng du khách câu ca: Lục bình hoa tím lung linh/ Đời theo con nước lênh đênh sớm chiều...
Mấy năm gần đây, mỗi khi thấy hoa lục bình rộ nở, người dân vùng sông nước Nam bộ lại khấp khởi mừng, vì thiên nhiên lại ban tặng cho họ nguồn nguyên liệu để làm ăn. Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không còn coi lục bình là cây hoang dại nữa, mà đã trở thành nguồn nguyên liệu cho sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cọng lục bình. Nghề này đang "phất", vừa tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm khi nông nhàn, vừa góp phần giải quyết vấn nạn môi trường ở vùng sông nước.
Từ lâu, dù cây lục bình dễ sinh sôi, phát triển, ở đâu cũng có, hoa đẹp đến thế, nhưng vẫn bị coi là thứ "bèo dạt mây trôi", ít được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Nhiều nơi còn coi lục bình là "họa môi trường", gây tắc vướng cho giao thông đường thủy, cản trở dòng chảy trên kênh rạch, vớt lên chất thành đống chẳng biết làm gì, thêm ô nhiễm môi trường. Ấy vậy mà từ năm 2000 đến nay, đã 7 năm rồi, các sản phẩm được đan lát từ cọng lục bình lại trở thành hàng xuất khẩu có giá trị, được thị trường nhiều nước ưa chuộng. Một tài liệu của ngành nghiên cứu thực vật tại trường Đại học Cần Thơ chỉ ra rằng: Lục bình, tên khoa học là Eichlornia crasspes (Ponterediaceae). Loại này ở miền Bắc và miền Trung gọi là bèo tây, bèo Nhật Bản, nhưng không tươi tốt, cọng không dài và cứng bằng lục bình vùng sông nước Nam bộ. Loài cỏ thủy sinh tưởng như chỉ là thứ bỏ đi ấy, nay trở thành "cây xóa đói giảm nghèo" ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người, lại thu nhiều lợi nhuận qua xuất khẩu. Các thứ phẩm như gốc, rễ, lá cây lục bình đem lại nhiều lợi nhuận, có chất lượng và hiệu quả kinh tế khá cao cho nghề sản xuất nấm rơm và làm phân bón hữu cơ.
Người đầu tiên bỏ công nghiên cứu biến cây lục bình từ loài cỏ dại trên sông nước thành các sản phẩm xuất khẩu chính là ông Triệu Vĩnh Thịnh, ngụ tại đường Tết Mậu Thân, phường 4, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông Thịnh là chủ cơ sở sản xuất tiểu- thủ công nghiệp Vĩnh Thịnh, chuyên đan, bện các sản phẩm gia dụng từ bẹ chuối, lác, cói để xuất khẩu. Đầu năm 2000, ông Thịnh gửi một số sản phẩm tí hon được bện từ cây lục bình ra thị trường nước ngoài để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài. Do tính hơn hẳn của cây lục bình, khách hàng nước ngoài bắt đầu biết đến cơ sở Vĩnh Thịnh, họ đặt ông làm ra nhiều chủng loại hàng thủ công mỹ nghệ. Đến nay, cơ sở Vĩnh Thịnh đã sản xuất ra các sản phẩm như chụp đèn ngủ, đệm lót ghế ngồi, chiếu, thảm, giỏ xách, tủ nhà bếp, dép dành mang trong phòng ngủ. Nếu đôi dép bện bằng bẹ chuối khô trước đây đã có nhiều ưu điểm so với các loại dép khác, thì đôi dép làm bằng cọng lục bình càng làm cho khách hàng nước ngoài thích thú hơn tác dụng của nó mang lại. Đó là người mang dép lục bình cảm thấy mềm mại, nhẹ tênh. Đối với quý bà thì đôi dép lục bình còn có ý nghĩa bảo vệ bàn chân đẹp trong lúc sinh hoạt trong nhà... Các sản phẩm được đan, bện từ cọng lục bình ngày càng tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Đức, Nga. Giá các sản phẩm mới này từ 6 đến 18 đô-la một cái. Hiện cơ sở Vĩnh Thịnh thu hút hơn 2.300 lao động, phần lớn là nữ, con em của các gia đình nghèo khó. Doanh số xuất khẩu mỗi năm khoảng 1,2 triệu USD. Chỉ từ những chiếc chiếu, chiếc đèn ngủ, tủ bếp, dép đi trong nhà, tấm thảm... làm từ lục bình, bẹ chuối, mỗi năm đã đem về cho cơ sở thủ công mỹ nghệ "Vĩnh Thịnh" của ông Triệu Vĩnh Thịnh cả triệu đô la.
Ông Thịnh kể:
-- Có lẽ tôi có duyên với những loại cây dân dã này. Trước khi đến với lục bình, tôi đã "kết bạn" với cây chuối. Nhìn những bẹ chuối bị vứt bỏ, tôi thấy tiếc lắm. Phải làm gì đó để khỏi phí hoài "mỏ bẹ chuối" trời cho. Rồi tôi thử lấy sợi của bẹ chuối để làm giỏ xách. Sau chiếc giỏ xách, hàng loạt sản phẩm bằng bẹ chuối khác như: võng, giày dép, ghế ngồi... lần lượt ra đời...Bây giờ cơ sở thủ công mỹ nghệ của tôi lại chủ yếu làm ra những mặt hàng xuất khẩu từ cọng lục bình. Sản phẩm thủ công muốn cạnh tranh và xuất khẩu được không chỉ đẹp về hình thức mà chất lượng phải tốt. Chẳng hạn những đôi giày làm bằng nguyên liệu lục bình vừa nhẹ, vừa mát mà còn có tác dụng về mặt y học nên khách hàng rất ưa chuộng. Hay như chiếc võng làm từ bẹ chuối và cọng lục bình có tác dụng hút nhiệt nên người nằm áo không bị dính mồ hôi... Để có được những sản phẩm này, công đoạn xử lý nguyên liệu là quan trọng nhất. Lục bình vớt từ dưới sông lên hoặc trồng phải có độ dài tối thiểu 50cm, gốc phải trắng, không dính phèn. Trước khi đem phơi khô phải cắt bỏ toàn bộ rễ, lá sau đó mới sơ chế. Nhu cầu về mặt hàng thủ công từ bẹ chuối, lục bình còn rất lớn...
Ở Tiền Giang còn có một số hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ đã giàu lên nhờ sản xuất hàng hóa từ cọng lục bình. Như HTX Quang Minh làm ăn cũng không kém cơ sở Vĩnh Thịnh. Ông Cao Dũng Khanh, Chủ nhiệm HTX Quang Minh, cho biết: HTX sớm thành công là nhờ sản phẩm lục bình đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Bên cạnh đó, HTX đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài thông qua các kỳ hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước như hội chợ Giảng Võ (Hà Nội), hội chợ Megashow (Hongkong), hội chợ Nam Ninh (Trung Quốc), hội chợ Paris (Pháp), hội chợ Frankfurt (Đức)...
Bà Huỳnh Ngọc Bích, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích (Sóc Trăng), kể lại rằng tiền thân của HTX chỉ là cơ sở sản xuất các loại giỏ nhựa để cung ứng cho các chợ khu vực ĐBSCL đựng cá, tôm. Rồi trong một chuyến đi tham quan, khảo sát thị trường hàng thủ công mỹ nghệ TP HCM, bà Bích phát hiện ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối đang thu hút khách hàng, trong khi đó địa phương có nguồn nguyên liệu này rất nhiều. Từ đó, bà quyết định thành lập HTX, tập hợp lao động đào tạo nghề đan đát lục bình. Với đội ngũ lao động cần cù, khéo léo và cùng với hỗ trợ vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư mua nguyên liệu sản xuất, HTX Ngọc Bích nhanh chóng phất lên. Sản lượng sản phẩm của HTX đều được bao tiêu. Hiện nay, ngoài tỉnh Sóc Trăng, HTX Ngọc Bích còn phát triển các vệ tinh nghề đan đát lục bình, bẹ chuối ra những tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang... Số lao động từ khoảng 200 người ban đầu, nay đã tăng lên trên 4.000 lao động. Bà Huỳnh Ngọc Bích nói: "Nhờ nghề đan đát lục bình, bẹ chuối mà nhiều hộ giảm được nghèo và có vốn tích lũy từ ít lên nhiều. Hy vọng, trong tương lai HTX Ngọc Bích sẽ phát triển hơn nữa để giải quyết việc làm cho người lao động nhiều hơn".
Mấy năm gần đây, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu được làm bằng nguyên liệu lục bình, bẹ chuối ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển rất mạnh. Hiện nay, hầu như tỉnh, thành nào trong khu vực cũng đều có sản phẩm này. Bởi không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của thiên nhiên, mà còn đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể và góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Trước đây, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở ĐBSCL chủ yếu là từ mây, tre, trúc nhưng nay đã nhường chỗ cho mặt hàng được làm bằng lục bình, bẹ chuối... Từ các nguyên liệu này, qua bàn tay khéo léo của người thợ trở thành các sản phẩm đẹp mắt như giỏ xách, giỏ đựng rượu, thảm, các kệ, tủ, bàn ghế... Hiện nay, các "sản phẩm thân thiện với môi trường" này đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.
Năm rồi, doanh nghiệp tư nhân Dạ Lý Hương ở quận 2 (thành phố Hồ Chí Minh), khách hàng của một số cơ sở thủ công mỹ nghệ vùng Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp đã xuất ủy thác qua Công ty Haprosimex Saigon sang châu Âu lô hàng hơn 4.500 giỏ xách đan bằng cọng lục bình và bẹ chuối trị giá gần 16.000 USD. Lô hàng gồm ba mẫu giỏ mới do Dạ Lý Hương thiết kế kết hợp giữa cọng lục bình và chuối, thêm các nguyên liệu như da, vải, vỏ ốc cho quai xách, trang trí hoa văn, lớp lót giỏ đã được khách hàng nhiều nước đặt mua với số lượng lớn. Thông qua Haprosimex Saigon, mỗi tháng Dạ Lý Hương xuất các mặt hàng giỏ xách cọng lục bình, bẹ chuối sang châu Âu trị giá 15.000 - 40.000 USD.
Ngoài việc sử dụng nguyên liệu chọn lọc từ những cọng lục bình bảo đảm chất lượng để làm nên những mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu có giá trị, toàn bộ gốc, thân, rễ, lá của cây lục bình còn được sử dụng để làm vật liệu trồng nấm, làm phân bón hữu cơ rất tốt. Người có công khám phá ra công dụng mới này của lục bình là ông Hai Thuỷ, ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An. Gặp ông Hai Thủy đang vun những đống lục bình vừa vớt từ sông Vàm Cỏ Đông lên bờ, chúng tôi hỏi:
- Lục bình nhiều vậy, vớt hoài cũng hết, rồi lấy đâu để dùng?
Ông Hai cười:
- Cái gì nhiều đến mấy, người khôn của khó, riết rồi cũng hết. Nhưng cây lục bình sinh sôi, phát triển nhanh lắm, ven sông này như cánh rừng nổi. Hiện nay mới khai thác thì thấy còn nhiều, nhưng nhiều người, nhiều nơi khai thác, rồi sẽ trở nên khan hiếm.
Ông Hai Thủy kể rằng, khi cấy nấm rơm trên vật rơm rạ, bã mía, ông làm vương mấy phôi mầm ( meo nấm) trên đám lục bình ven bờ kênh, thấy nấm rơm mọc nhanh, ông mừng lắm. Nhìn những đám lục bình trôi dề dề trên sông, ông Hai Thuỷ nảy ra sáng kiến dùng loại vật liệu sẵn có này để trồng nấm. Sau một thời gian loay hoay thử nghiệm, cuối cùng ông đã thành công trong việc trồng nấm rơm trên cọng lục bình khô. Do đặc tính của cây lục bình mọc dưới nước rất mềm, xốp, lại rất dẻo dai khi đem lên bờ phơi khô và giữ độ ẩm được lâu, rất phù hợp với tính ưa nước của nấm rơm. Nấm rơm trồng trên lục bình khô giảm được lượng nước tưới và số lượng meo nấm. Tính ra, năng suất nấm thu được tăng gấp bốn lần so với cách trồng nấm truyền thống trên rơm rạ. Chất lượng của nấm rơm được ủ bằng lục bình vượt trội hơn, loại nấm rơm này xem ra ngon hơn hẳn loại ủ bằng rơm rạ, nhất là về độ giòn và được xác định là rất giàu dinh dưỡng và không có độc tố. Theo ông Hai Thuỷ, từ 01kg lục bình khô có thể ủ được meo để cho ra 20.000 đồng tiền nấm rơm. Sau khi thu hoạch xong nấm rơm, xác lục bình sẽ tiếp tục được ủ để tạo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, cây phát triển rất tốt, được nhiều nhà vườn tìm đến mua loại phân này để bón cho cây. Vậy là từ loại cỏ thủy sinh hoang dại, thậm chí tưởng như có hại chomôi trường sinh thái, cây lục bình đã trở nên có ích, đem lại lợi nhuận kinh tế cho nhà nông.. Một công ty thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh đã cho ông biết: Nấm rơm trồng trên cây lục bình cho cây to, thơm giòn, giàu chất dinh dưỡng, không độc tố. Ông Hai Thủy còn bật mí thêm:
-- Nấm rơm làm từ cây lục bình ít tốn kém hơn làm bằng rơm rạ. Thời gian giữ độ ẩm kéo dài, ít phải tưới nước, đỡ tốn meo. Nhưng việc tìm nguyên liệu ngày càng khó khăn hơn bởi cây lục bình ngày càng có giá trị về mặt kinh tế.
Cuối mùa nước nổi cũng là mùa cắt lục bình phơi khô đan thảm của bà con nông dân xã Bình Phước, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) và các xã lân cận. Tại đây có hơn 50 gia đình sống bằng nghề đan thảm từ lục bình khô. Ngoài việc làm lúa thì đây là công việc tạo thêm thu nhập lúc nông nhàn. Một ký lục bình phơi khô bán được từ 7.000đ đến 9.000đồng. Một người có thể kiếm được cả chục ký lục bình nguyên liệu, thu nhập bình quân trên 70.000đ. Hiện nay, các địa phương khác ở Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Long An cũng rộ lên phong trào khai thác cây lục bình cắt cọng đem bán làm nguyên liệu hàng thủ công mỹ nghệ, làm nấm rơm và ủ phân bón hữu cơ thay phân hóa học, năng suất cây trồng được nâng cao, môi trường ít bị ô nhiễm, chi phí đầu vào lại thấp, hạ giá thành sản phẩm, có thêm nhiều nguồn rau sạch, trái cây sạch.
Cây lục bình được coi là nguyên liệu quý và có giá trị cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và cả trong nông nghiệp, được coi là "khám phá mới của thế kỷ 21", vì nó được khai thác, sử dụng từ đầu mùa lũ năm 2000. Nếu chỉ dựa vào khai thác tự nhiên thì nguồn nguyên liệu này sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. Ngành nghiên cứu thực vật, các cơ quan khuyến công, khuyến nông và các cơ quan hữu quan khác cần đầu tư nghiên cứu để có loại lục bình cọng dài, nhiều cọng, tăng độ dai, dẻo, bền, nâng cao sản lượng khai thác. Nên phổ biến việc trồng cây lục bình thành những vùng nguyên liệu bền vững, đồng thời bảo vệ, khai thác có kế hoạch, quản lý có hiệu quả nguồn cây lục bình trong thiên nhiên ở vùng sông nước Nam bộ.
Bùi Văn Bổng
Theo http://chimviet.free.fr/



1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...