Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Chùa Bút Tháp lừng danh Kinh Bắc

Chùa Bút Tháp lừng danh Kinh Bắc 
Mênh mong biển lúa xanh rờn 
Tháp cao sừng sững trăng vờn bóng cau 

Một vùng phong cảnh trước sau 

Bức tranh thiên cổ đượm màu nước non. 
Ca dao

Ở miền đồng bằng Bắc bộ, dân gian có câu nói  truyền tụng: "cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài", Nam là Sơn Nam (Nam Hà, Thái Bình, Hải Hưng, nơi có nhiều cầu đá), Bắc phía Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, nổi tiếng với những chùa cổ, tiếng hát quan họ), Đoài ở hướng Tây (Hà Tây, Sơn Tây, rất hãnh diện với những đình làng lớn đẹp như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến). Ninh Phúc Tự là một trong các chùa cổ ấy nằm trên bờ sông Đuống hiền hòa cách Hà Nội khoảng 25km, còn được gọi chùa Nhạn Tháp vì thỉnh thoảng có những con chim nhạn bay về đậu trên đỉnh các tháp. Chùa tọa lạc ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được vua Tự Đức đặt tên chùa Bút Tháp vì tháp Báo Nghiêm trông tựa cây bút lông. Chùa nằm trong vùng Siêu Loại (tên quê hương Nguyên phi Ỷ Lan) có thành cổ Luy Lâu, làng tranh dân dã Đông Hồ, đền thờ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ, nơi phát tích đạo Phật với những chùa Phật Tích, chùa Keo, chùa Dâu tức Cổ Châu Tự. Theo truyền thuyết, chùa Bút Tháp được xây dựng từ thế kỷ 13, dưới đời vua Trần Thánh Tông, nhưng như nhiều chùa chiền xưa ở nuớc ta, vật liệu xây dựng là tre, gỗ nên khó chịu đựng được sức tàn phá của thời gian, dễ bị hủy hoại.

Vị tu sĩ trù trì đầu tiên ở chùa là Thiền sư Huyền Quang (1254-1334), quê gốc làng Văn Ty, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Dưới đời vua Trần Thái Tông, tưong truyền có bà mẹ họ Lê nhân nằm mộng thấy một con khỉ đội mũ vuông, mặc áo vàng, phóng vào bụng bà một mặt trời đỏ, từ đó thụ thai mà sinh ra Thiền sư. Thi đỗ Trạng nguyên năm 20 tuổi, bổ làm quan Viện Hàn lâm, có tài ứng đối, thông thạo kinh nghĩa, không có ý sắc dục. Ngài xuất gia năm 51 tuổi. Ngài là vị tổ thứ ba dòng Lâm tế, có cho xây một ngôi tháp chín tầng, trang trí hoa sen, loại cối xay cầu nguyện, ngày nay là Tòa Cửu Phẩm. Qua thế kỷ 17, Hòa thượng Chuyết Công, quê gốc Phúc Kiến, có công xây dựng làm chùa nổi tiếng, sau khi viên tịch được vua Lê phong Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Kế nghiệp là vị đồ đệ xuất sắc Thiền sư Minh Hành (1644) quê gốc Giang Tây. Cuộc điều khiển xây dựng của hai vị giải thích ảnh huởng Trung Quốc trong kiến trúc chùa. Vào lúc nầy, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tức Diệu Viên và con gái Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên tức Diệu Tuệ được chúa Trịnh cho phép bỏ công sức thiết lập quy mô kiến trúc căn bản cho ngôi chùa. Qua đầu thế kỷ 18, chùa được các quan viên họ Lê như Luân Quận công, Dĩnh Quận công, Thế Thái Hầu, Ninh Lộc Hầu,...cùng với Nhu Thuận quận chúa họ Trịnh bỏ tiền mua sắm gỗ gạch tu bổ, lại thêm được dân làng mời thợ sửa sang cho khang trang hơn. Sang thế kỷ 20, Tổng đốc Ninh Thái là Hoàng Trọng Phu thấy chùa hoang vắng liền thu tập tiền của trùng tu sửa chữa. Nói chung, từ thế kỷ 17 đến nay, chùa đã được trùng tu non mười lần, lần cuối cùng những năm 1990-1993, chùa được tạo dựng hoàn toàn, hiến cho ta ngày nay một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc khá nguyên vẹn, chứa đựng một số chứng tích, di vật điêu khắc độc đáo, hiếm có niên đại nhiều thế kỷ.
Địa Tạng Vương Bồ Tát 
Thích Ca Tuyết Sơn
Kiệt tác nghệ thuật nầy được thực hiện một phần lớn, như đã thấy, là nhờ công lao của hai mẹ con Hoàng thái hậu Ngọc Trúc và Công chúa Ngọc Duyên. Năm 1619, chúa Trịnh Tùng bắt vua Lê Kính Tông tự tử rồi lập Hoàng tử Duy Kỳ lên ngôi, lấy hìệu Lê Thần Tông. Người thông minh, học rộng, nhà vua còn bị Trịnh Tùng ép lấy con gái mình là Ngọc Trúc đã có chồng là Lê Trụ bị xử trảm và bốn con. Làm vua đến 1643, Lê Thần Tông nhường ngôi lại cho con là Thái tử Duy Hữu tức Lê Chân Tông rồi đưa Ngọc Trúc về Thanh Hóa xây dựng chùa Mật, nay đã hoàn toàn bị phá. Bên phần Hoàng thái hậu, số phận long đong, cũng muốn nương nhờ cửa Phật, bèn cùng các thân nữ lại chùa Phật tích nghe Thiền sư Chuyết Chuyết giảng kinh. Từ đấy, bà xin vua cha cho phép trùng tu chùa Bút Tháp đang đổ nát để sau nầy chính thức xuất gia. Công chúa Ngọc Duyên tình nguyện cúng các ruộng lúa làm chi phí. Khi chùa hoàn thành, Thiền sư dời sang trù trì, Hoàng thái hậu cùng các con gái, các hoàng thân ở cung vua phủ chúa cũng kéo nhau về đó. Năm 1644, khi Thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch, Thiền sư Minh Hạnh đến nay trù trì chùa Phật Tích và đã nhiều lần được gởi qua Trung Quốc thỉnh kinh, sang Bút Tháp kế nhiệm.
 Văn Thù Sư Lợi
Phổ Hiền Bồ Tát
Trong số các kiểu chữ tam, chữ đinh, chữ công định nghĩa theo hình thức, kiểu nội công ngoại quốc đã được chọn: bên ngoài hình chữ khẩu hay chữ quốc bao quanh bảy tòa nối liền Tiền đường đàng trước với Hậu đường (hay Nhà Hậu, thờ Thánh Tam tòa, Tứ phủ, các sư tổ) phía sau; giữa hai tòa ầy nối tiếp nhau qua những khoảng trống lộ thiên, từ ngoài vào là Tiền đường, Thiêu Hương, Thượng đìện, Tích Thiện Am (hay Tòa Cửu Phẩm), Nhà Trung, Phủ Thờ.Nếu Tiền đường, Thiêu Hương và Thượng đìện dính với nhau, sắp thành chữ công, hai Nhà Trung và Phủ Thờ tách rời riêng biệt, còn Thượng đìện và Tích Thiện Am được nối nhau qua một cây cầu đá. Hai bên những tòa nhà nầy là hai hành lang 26 gian dài hơn 100m chạy suốt dọc chùa. Ngoài tổng thể nầy, toàn bộ hướng về phía nam, hướng của trí tuệ, bát nhã, trước chùa có Tam Quan trống rỗng, bỏ ngỏ tỏ rõ tấm lòng từ bi đức Phật luôn mở rộng đón nhận tất cả kiếp người và Gác chuông hai tầng tám mái khá cao, tầng trên lát gỗ lim đen bóng, ở giữa quả chuông đồ sộ đời Gia Long thứ 14 (1815); hai bên có hai nhà bia (1647: Xây dựng chùa Ninh Phúc; 1674: Cúng ruộng cho Tam bảo chùa Ninh Phúc); sau có các Tháp Tôn Đức, Ni Chân, Tâm Hoa; hai bên hông có Tháp Bảo Nghiêm, Nhà tổ và những Tháp mộ các thiền sư.



   Tam quan


Gác chuông



Hành lang

Hành lang


||
Tiền đường ]
||


||
Thiêu Hương]
||
Nhà bia

||
[Thượng Điện ]
||
Nhà bia

||
Cầu đá
||

Nhà tổ
||
Tích Thiện Am
||

Tháp Báo Nghiêm
||
Nhà Trung
||
 Tháp mộ
Tháp mộ
||
Phủ Thờ 
||


||
Hậu đường
||

ThápTâm Hoa Tháp Tôn Đức Tháp Ni Chân

Trong số các tượng hình trong chùa Bút Tháp, có tiếng nhất là pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn tức Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay, kiệt tác của nền điêu khắc Việt Nam. Cao 370cm, đường kính vành tay 224cm, tượng được đặt trong Thượng điện cùng với những tượng Tam Thế, các vị Bồ Tát như Thích Ca Tuyết Sơn, Văn Thù, Phổ Hiền,...và hai dãy 18 vị La Hán sát tường hai bên. Dưới bệ tượng có ghi tên người khắc là một ông họ Trương, sau mười năm nghiền ngẫm, làm xong mùa thu năm Bính Thân (1656) nghĩa là tác phẩm thuộc về loại sớm nhất trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo ở nước ta. Hóa thân Quan Âm của đức Avalokitesvara hàm nghĩa là nghe tiếng kêu than của chúng sinh để đến cứu độ. Tay tượng gồm có 42 tay lớn không cầm pháp khí (kim cương, chử, vòng, chuổi hạt, hạt châu,...) như thường lệ, 958 tay nhỏ tạo thành 7 vòng tay. Các cánh tay nhịp điệu khác nhau, trong lòng mỗi bàn tay mang một con mắt, kết thành một vần hào quang quanh đầu, trên có hình Diệu âm điểu Kalavinka tượng trưng cho Phật pháp vĩnh cữu. Tích Phật kể Ngài lo nghĩ nhiều cho đời nên đầu vỡ thành nhiều mảnh, Phật A Di Đà cảm thông đã dùng phép thuật vô biên biến hóa mỗi mảnh thành một bộ mặt để tăng thêm pháp lực cứu độ chúng sinh. Vì vậy, xếp thành 4 tầng, Ngài có 11 bộ mặt tượng trưng cho những đức tính cần thiết trước để đức Bồ Tát, sau để giúp chúng sinh đạt đến giác ngộ. Đức Quan Âm ngồi thiền định, bàn chân mặt ngửa trên đùi trái theo thế bán kiết già, trên một tòa sen Rồng đội. Con rồng nầy là hóa thân của Long Vương Upananda, thêm vào những sinh vật ngao, ốc, cua, hến,...lặn lội giữa những lớp sóng động của Thủy cung, hàm ý Phật pháp thuấn nhuần thế gian.



Trong Thượng điện, đức Quan Âm còn có mặt qua ba pho tượng Quan Âm Tọa Sơn, hai pho bằng gỗ thế kỷ 17-18, một pho bằng đất thế kỷ 19-20, cao 140cm, khuôn mặt thanh tú. Trong các pho nầy, Ngài ngồi chân mặt gập, bàn chân dẫm xuống đất, đầu gối cao ngang ngực, chân trái ngả nằm trên mặt bệ, theo kiểu Thanh nhàn đế vương Maharaja lilasana. Tượng Tuyết Sơn cao toàn bộ 222cm, còn gọi

Tây Thiên Đông đô lịch đại tổ, trình bày chân dung Thái tử Thích Đạt Đa khi đi tu ép xác ở núi tuyết, cơ thể, mặt mày rõ ràng đau khổ. Trong Phật điện Việt Nam, thường có hai thị giả được thờ hai bên đức Phật Thích Ca, hai hình tượng được xem là sớm nhất trong ngành điêu khắc Phật giáo Việt Nam là hai pho Văn Thù và Phổ Hiền. Văn Thù Sư Lợi tức Manjushri, cao 125cm, dịu hiền, sắp bên mặt, là vị Bồ Tát của trí năng, người chiến thắng bóng tối và ngu dốt. Tay cầm kiếm Kim Cương đoạn diệt mê hoặc, Ngài ngồi trên lưng sư tử mà sức mạnh là biểu tượng cuộc tồn sinh và năng lực phát sinh nên Ngài cũng là vị Bồ Tát của sự giác ngộ. Phổ Hiền Bồ Tát tức Samanthadra, cao 180cm, sắp bên trái, được xem là vị Bồ Tát hộ vệ những ai tuyên giảng đạo pháp. Ngồi trên voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan, Ngài được kê trong Phật Đài Nhật Bản, cũng là một trong bốn Đại Bồ Tát Trung Quốc. Trú xứ của Ngài là núi Nga Mi, nơi Ngài lưu trú sau khi cỡi voi trắng từ Ấn Độ sang Trung Quốc.

Chùa không quên ơn các vị đã bỏ công của ra trùng tu chùa nên trong Phủ Thờ có tượng của Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595-1660) tức Chúa bà Kim Cương, tượng hai Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (1615-1664), Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ và tượng Thái Tử Lê Đinh Tứ. Khi xây chùa Mật, vua Lê Thần Tông có cho tạc chân dung mình và sáu bà hoàng. Hiện nay tượng vua và năm hoàng phi được đặt tại Thái miếu nhà Lê ở Thanh Hóa.


Ở chùa Bút Tháp, các chân dung chịu ảnh hưởng của các tượng chùa Mật, có lẽ vì được cùng các nghệ nhân tạc khắc, tuy không sâu sắc bằng. Vẻ mặt cao quý, tượng các bà hoàng được đặt trong các khám thờ trang trọng. Ở giữa, tượng bà Hoàng Thái Hậu Ngọc Trúc, cao 95cm, không còn giữ y phục vương triều mà được khoác áo tu hành giản dị. Khuôn mặt cương nghị, đôi mắt mở to tỏ ra một người đã từng sống và đã từng trải qua những cơn đau khổ. Hai bên tượng hai Công chúa Ngọc Duyên và Quận chúa Ngọc Cơ, cao 120cm, đội mũ phượng, xiêm y có chạm hoa văn, cách tạo hình trang trọng và rực rỡ như chân dung ở chùa Mật. Còn pho tượng nam giới là Thái Tử Lê Đinh Tứ cao 170cm. TrongNhà tổ, có hai tượng Thiền sư Chuyết Chuyết (1590-1644) tức Chuyết Công, cao 95cm và Thiền sư Minh Hành (1595-1659) pháp hiệu Tại Tại, có mặt vuông vức, mũi gồ. Rải rác ở Thượng điện và Hậu đường còn có một số loạt tượng chân dung hoàng thân, sư tổ, khó xác định tên tuổi từng người. Vua Trần Nhân Tông, thuở ban đầu chùa Bút Tháp, đã có gởi lòng thủ phận trong một bài thơ thiền bằng chữ Hán. Dịch: (trích sách của Phan Cẩm Thượng)
Ai trói mà tìm phương giải thoát 
Không phàm hà tất kiếm thần tiên 

Vượn nhàn, ngựa mỏi, người già yếu 

Vẫn trước am mây với sập thiền. 
Phải trái trôi theo hoa rụng sớm 
Danh lợi lạnh lòng trận mưa đêm 
Hoa tàn, mưa lạnh, núi non lặng 
Cuối xuân sót lại một tiếng chim.

Tòa Tích Thiện Am, như tên gọi có nghĩa chứa điều lành, xây từ năm Tân Dậu 1681 đến năm Tân Mùi 1691 như thấy ghi trong tấm bia, còn được gọi Cửu phẩm liên hoa vì giữa tòa có đặt một cối kinh bát giác cao 7,8m, bằng gỗ 9 tầng, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca. Tháp mang ý nghĩa cửu phẩm vãng sinh về thế giới cực lạc của đức Phật A Di Đà. Theo nghi thức Phật pháp Mật tông nguồn gốc Tây Tạng, tháp quay có mục đích nhân lời tụng lên nhiều lần (3.542.400 lần khi quay một vòng tháp!), từ đó con người càng chóng chứng quả Phật pháp hơn. Bên cạnh nhiều pho tượng Phật và các vị Bồ Tát, tám mặt của tháp có chạm những bức phù điêu liên quan đến tích nhà Phật, khuyến thiện trừ ác, hành trang các vị tổ, đại sư. 
Tầng một: Hoa tàng thế giới, Sa bà thế giới. 
Tầng hai: Anan kết tập, Di Đà thuyết pháp. 
Tầng ba: Tín thụ tác lễ, Cực lạc thế giới. 
Tầng bốn: Thiền sư, Lục tổ. 
Tầng năm - tầng tám: 8 vị Phật, tổng cộng 32 vị. 
Tầng chín: 4 tượng Di Đà và hai hàng chữ: Cửu phẩm liên hoa, A Di Dà Phật. Đục chạm tinh xảo, sắp xếp hoàn hảo người vật, cây Cửu phẩm chùa Bút Tháp là một trong ba cây ở Việt Nam, đều nằm trong địa bàn phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Tòa Tích Thiện Am nối liền với Thượng điện qua một cầu vồng đá cong bắc ngang qua hai hồ sen mang tên Bích Da. Được hai con sư tử bảo vệ ở phía đầu, cầu dài 4m, gồm 3 nhịp uống cong, mặt cầu lát đá xanh, trên lan can có 12 bức chạm khắc đá, nối tiếp 26 bức trên lan can tòa Thượng điện. Cao 14cm, rộng 130cm, những bức nầy được phân bố cân đối, hợp lý, chạm khắc công phu, tinh xảo, trang trí nhiều đề tài giới hạn trong lĩnh vực chim (cò, phượng, hạc, vẹt), thú (ngựa, thỏ, dê, hươu, cá, khỉ, rồng, kỳ lân, tê giác, sư tử), cây (tùng, mai), hoa (cúc, sen, lan, hướng dương, phù dung, loa kèn) và thiên nhiên (mặt trăng, mặt trời) trong những hoạt cảnh truyền thống (phượng múa kỳ lân, đôi cá vờn trăng, sư tử vờn cầu, đôi lân quyết đấu, năm rồng gặp biển, năm ngựa cùng phi,...). Trong một nơi nghiêm chỉnh, những bức chạm khắc đá nầy là những hình ảnh vui tươi, sống động quen thuộc trong dân gian. Những cây hoa được chọn trong số những loài tượng trưng cho tính cách tốt đẹp của con người : mai (sự trong trắng), lan (sự cao quý), tùng (khí phách người quân tử),...Những con vật huyền thoại được trình bày trong một trạng thái hư thực nhưng phản ảnh đời sống : rồng chầu mặt trời (thăng hoa tột đĩnh), phượng múa bên hoa phù dung (tài tử giai nhân trong thiên hạ),... Những bức chạm khắc đá nầy lẫn lộn khô khan, giáo điều với ngẫu nhiên, hứng thú, khi rõ ràng, khi khó hiểu, nhưng thực hiện khéo léo, tinh vi, vừa làm vừa lòng những bậc tôn giả, vừa gây vui thích đám dân quê mộc mạc. 
 Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Tú
Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên
Sau cùng, bàn đến chùa Bút Tháp không thể quên tháp Báo Nghiêm. Đây là nơi thờ Thiền sư Chuyết Chuyết, người có công lớn xây dựng chùa. Tháp đá cao 13m, năm tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh ; ngoài tầng đáy rộng hơn, bốn tầng trên gần giống nhau, rộng 2m. Năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,30m. Hai vòng tường cột và lan can bao quanh phần bệ tượng. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc. Tháp có 23 bức chạm đá lấy các cây hoa và chim thú làm đề tài chủ yếu như những bức ở Thượng điện vàCầu đá : 8 bức ở chân lan can, 8 bức ở tầng một chân tháp, 7 bức ở tầng hai tháp. Ta gặp lại những chim (cò, hạc, phượng), thú (hổ, rồng, hươu, ngựa, dê, cua, cá, kỳ lân, sư tử), hoa (sen, hướng dương, phù dung). Ở đây, ngoài vài hoạt cảnh đã thấy ở trên (hạc múa kỳ lân, sư tử vờn cầu,...) có vài màn mới (dê núi dưới trăng), đặc biệt có mặt con người (người quỳ nâng tháp, vị quan và con hạc). Nói chung tất cả các bức chạm khẳc đá đều thống nhất với nhau về mặt chất liệu, phong cách, từ đấy niên đại. Hình ảnh sống động, chan hòa tính chất nghệ thuật thiên nhiên, giúp thêm ý nghĩa đạo Phật.

Được bộ Văn hoá xếp hạng Di tích Quốc gia từ tháng tư 1962, Bút Tháp là một ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn của đồng bằng Bắc bộ còn đuợc bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay. Chùa có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa với môi trường thiên nhiên. Những pho tượng chân dung hoàn chỉnh nhất được xem là khuôn mẫu tạo hình cho những giai đoạn sau. Có vài yếu tố mang đậm dấu ấn Trung Quốc trong kiến trúc đã được kết hợp một cách hài hòa với các yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam. Cho đến ngày nay, chùa Bút Tháp vẫn giữ trong mình những giá trị đặc sắc được tích tụ trong mỗi quá trình tồn tại của mình. Hằng năm, mỗi dịp xuân về, hội chùa Bút Tháp lại được diễn ra trong niềm vui náo nức và lòng sùng kính của khách hành hương. Đến với lễ hội, tăng ni phật tử cùng du khách thập phương không chỉ được chiêm ngưỡng những pho tượng cổ nổi tiếng mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của lễ hội vùng quê bên bờ nam sông Đuống với trò chơi đánh đu, đấu vật, chọi gả, thả chim, ca hát quan họ, diễn chèo... Không chỉ vào dịp lễ hội, chốn danh lam cổ tự Bút Tháp còn là điểm đến thường xuyên của đông đảo du khách gần xa. Đồng thời đang trở nên một trung tâm du lịch, chùa còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử văn hóa của vùng quê văn hiến Kinh Bắc - Bắc Ninh.
Đọc thêm
- L.Bezacier, La Pagode bouddhique de Ninh Phuc à But-Thap, L'art vietnamien, Ed.de l'Union Française, Paris 1955
- Nguyễn Hồng Kiên, Chùa Bút Tháp, Trung tâm Tu bổ Di tích Trung ương, Hà Nội 1993
- Phan Cẩm Thượng, Bút Tháp, nxb Mỹ Thuật, Hà Nội 1996
- Hoàng Giá, Phan Cẩm Thượng, Phạm Thuận Thành, Huyền tích chùa Bút Tháp, nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 2005
- Hải Đường, Du ngoạn chùa Bút Tháp, Tin Mới 12.03.2010
- Duy Cảnh, Đặc sắc danh lam cổ tự Bút Tháp, Du Lịch 25.05.2011
- Lê Hương Giang, Thăm chùa Bút Tháp, Giác Ngộ Online 11.07.2011.
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Theo http://chimviet.free.fr/


1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...