Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Sông đời xuôi chảy

Sông đời xuôi chảy 
Trên cao chín tầng trời có tiếng người phán: 
- Hạt bụi trần gian kia còn lưu luyến tục luỵ ư? Kia là dòng sông đời hãy rụng xuống và trôi đi! 
Tôi bay lang thang trong cõi ta bà thế giới, bay qua phố phường chợ búa làng mạc lạc giữa chúng sinh chen chúc ngổn ngang trong cõi hồng trần. Ngọn gió định mệnh đưa đẩy hạt bụi rụng xuống đậu vào lòng một người nữ, người mà sau này tôi gọi là mẹ. Không có sự chọn lựa nào cả, ngẫu nhiên, hoàn toàn ngẫu nhiên. Hạt bụi tôi lớn dần chín vàng rụng xuống trôi chầm chậm về xuôi, nơi đây tôi gặp một nửa phần của mình, ấy là cái phần của người nam, người mà sau này tôi sẽ gọi bằng cha. Sự kết hợp nhiệm màu và sự hiện hữu của ái tình làm cho hai nửa thành một hình hài, lúc ấy mới là tôi trọn vẹn. Tôi tiếp tục lăn, tôi là chiếc trứng lăn mãi, ra cuộc đời với khai tấu bi tráng oa oa! Và tôi tròn đi theo năm tháng nhọc nhằn. Dòng sông đời đẩy tôi về một mờ mịt không ai thấy trước, cõi tương lai. Trên dòng sông bao nhiêu điều đã quên, bao nhiêu điều còn nhớ, bao nhiêu cái còn, bao nhiêu cái mất. Đời là gì? Câu hỏi vớ vẩn đó tôi chưa bao giờ đặt ra cho mình. Tôi không chịu trả lời nhưng đời cứ bắt buộc tôi làm nhân chứng cho sự mất còn trùng điệp, miên viễn hư vô. Này đây tôi ghé vào bến mười lăm, tuổi hoa niên ngào ngạt hương đời khó quên. 
Năm ấy tôi thi hỏng. Ngày hè tôi không được về quê cỡi trâu tắm sông bắn chim. Tôi phải ở lại phố thị học tại nhà thầy nhờ thầy kèm thêm môn toán. Tôi vốn nhiều mơ mộng nên dốt toán thi hỏng cũng vì cái môn học chết tiệt này. Cạnh nơi tôi trọ học là nhà Bác Thị. Thời trước bác làm công chức, không hiểu do đâu bác được cái phân hàm Nam Triều Thị Độc. Bác Thị có khu vườn trước nhà trồng toàn hoa hồng. Vợ bác mất đã lâu để lại cho bác năm cô con gái. Để an ủi, có khi tôi nói: "Ngũ nữ vô bần" (Năm cô con gái thì không nghèo). Tôi nói là nói thế song tôi biết là không ứng nghiệm. Sống gần bác tôi thấy gia cảnh bác ngày càng sa sút. Bác lên sao được khi cả gia đình sáu con người không có ai làm ra tiền chỉ sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi. 
Năm cô gái suýt soát tuổi nhau, khuôn mặt, mái tóc, dáng vóc và giọng nói cũng tương tự như nhau. Năm cô lại cũng tên là Vân: Khánh Vân, Ngọc Vân, Diệu Vân, Tường Vân, Giáng Vân. Cho nên dù tôi là hàng xóm của các cô trong một thời gian lâu tôi cũng chỉ mang máng phân biệt được cô Vân này với cô Vân kia nhưng không chắc lắm. Có lần tôi đã nói đùa: "Sao không có cô nào tên là Phù Vân?" (Mây nổi). Hình như câu nói đùa này lọt vào tai các cô, họ giận, hễ thấy bóng dáng tôi họ bỏ đi vào nhà. Nhưng cũng may họ không giận lâu. Sau này mỗi khi họ thấy bóng dáng tôi bén mảng ra sân, chỗ họ hay tụ họp, họ chui cả vào nhà bếp khép hờ cửa lại, nhìn trộm. Họ nói gì với nhau rồi cười rúc rích. Họ chơi giỡn chọc phá nhau suốt ngày. Năm cô ít khi xuất hiện ở thềm nhà trước, ở sân và ở vườn hồng. Giang sơn của họ là phía sau nhà ngang, chỗ có cây khế chua toả bóng mát che một nửa mái ngói. 
Suốt ngày tôi thấy Bác Thị bỏ công ra chăm sóc khu vườn hồng. Bác làm việc một mình. Bác không sai bảo năm cô con gái và năm cô cũng chẳng giúp bác việc gì. Có mấy việc nặng nề như chuyển mấy chậu hồng rất nặng và đầy gai cũng chỉ thấy ông già làm một mình. Ông vần cái chậu từng chút một trông tội nghiệp lắm. Thấy thế tôi qua giúp. Mấy cô gái đứng trong nhà hé cửa nhìn ra. Bác thị nói : "Không có con trai khổ rứa đó, việc nặng chẳng có người làm giúp". Tôi lại an ủi bác :" Lo gì,sau này bác có năm chàng rể lực lưỡng xốc vác tha hồ mà sai". Bác nói : "Chưa chắc đã trọn vẹn năm đứa..." Tôi cho rằng bác nghĩ tới nhan sắc năm cô con gái không lấy gì làm xuất sắc và gia cảnh bác không thu hút được đám con trai thời buổi này. Bác lại nói :"Khó lắm, thời buổi trai thiếu gái thừa". Tấm lòng người cha lo cho tình duyên năm cô con gái thực đáng thương. Tôi cầu mong cho các cô duyên may phận đắc nhưng tôi không mấy tin tưởng cả năm cô kiếm được tấm chồng xứng đáng. 
Cuối hè năm đó tôi thi đỗ. Tôi từ giã gia đình thầy lên tỉnh học. Bẵng đi một dạo khá lâu tôi mới có dịp trở về ngôi nhà cũ. Nơi đây đã có một lớp học trò mới trọ học. Tôi ra sau giếng rửa mặt. Sân sau nhà bác Thị vẫn không thấy gì thay đổi. Mấy cô gái thoắt biến thoắt hiện, hình như họ thông tin cho nhau về việc tôi trở lại. Tôi biết họ đã tới tuổi trổ mã con gái, họ có đẹp lên hay không tôi chưa kịp nhìn thì cô này biến cô kia hiện. Tôi phân vân không biết đã có năm anh chàng nào quanh quẩn bên cạnh năm áng mây này hay không? Tôi trở lại sân trước nhìn qua hàng rào ngắm khu vườn hồng. Mấy chậu hồng vẫn còn đó nhưng tất cả đều um tùm như bụi rậm vì không có người chăm sóc. Thấy quang cảnh vườn hồng tôi biết chắc lâu nay bác Thị già cả, đau ốm hoặc đã qua đời. Quả nhiên hỏi ra bác mất gần giáp năm. 
Khi tôi trở lại lần này khu vườn vừa trải qua một mùa mưa. Mưa xứ Huế rả rích hàng tháng. Chiếc sân gạch nhà bác Thị lát bằng những viên gạch vuông to bản. Tôi không biết đó có phải là gạch bát tràng hay không? Ở Huế mấy ngôi nhà cổ đều lát sân bằng thứ gạch này. Qua nhiều năm tháng có nhiều viên gạch mòn trũng xuống bởi gót sen của những nàng Tôn Nữ. Đã có lần tôi hỏi bác Thị tại sao không tráng sân bằng xi măng, bác nói nhà xây hàng trăm năm rồi thời ấy làm gì có xi măng. Mấy ngôi biệt thự của người Pháp cũng toàn bằng vôi với mật đường phủ bên ngoài bộ xương bằng tre. Gạch ngoài sân tẩm nước mưa lâu ngày hoá thành mầu thẫm và trong lên như tẩm mật. Lần này chiếc sân gạch cổ dầy lên một thứ rêu xanh non ánh như lớp tuyết trên chiếc áo nhung rất đẹp. Cỏ dại chen từ những kẻ gạch mọc tràn lên sân. Tôi chắc trong suốt mùa mưa năm cô Vân không bước ra sân mà khách khứa chẳng có ai vào nhà. Thực giống như câu Kiều:"Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày". Mấy cây hồng giờ đây chen chúc với cỏ dại, nó cố rướn mình nở ra cống hiến cho đời những bông hoa cuối cùng. Lần đó tôi ở lại vài giờ rồi đi. Tôi buồn vì người mất, cảnh vật tiêu điều. Khu vườn nhà bác Thị còn có phần của tuổi tôi niên thiếu. 
Cuối năm ấy tôi dẫn đứa em trai lên phố thi trọ học. Tôi muốn nó đi con đường mà tôi đã đi. Hình ảnh của nó làm cho tôi nhớ lại thuở tôi mới tới đây. Tôi buồn, tôi nhớ nhà, tôi sợ, tôi sợ đủ thứ, sợ ông bà chủ nhà, sợ mấy đứa học trò lớp lớn ở nơi này trước tôi, đến trờng tôi sợ thầy cô, sợ lớp học bàn ghế bảng đen phấn trắng và sợ hơn cả là buổi sáng thức dậy nghe tiếng trống trường. Ôi sau này khi đã mất những cái đáng yêu đó tôi thương tiếc biết bao nhiêu! 
Tôi ra sân trước nhìn sang nhà bác Thị nơi đây lúc này trải qua một mùa nắng kéo dài gay gắt. Chiếc sân gạch phủ rêu không còn màu xanh nõn; lớp rêu khô lại bong ra từng mảng trả lại màu gạch cũ kỹ. Mấy chậu hồng già cỗi cành lá xác xơ trơ những chiếc xương gai. Tôi nhìn khắp vườn không thấy một bông hồng nào. Tôi nhớ ngày trước lúc nào trong vườn cũng đầy hoa. Mấy cành hồng Elizabeth thân mỏng manh nhưng hoa lại rất to, cánh thật dày trông như làm bằng chất bột. Loài hoa này người ta dùng cánh của chúng để làm mứt dùng trong những ngày tết nhất. Mấy cây hồng giống Boléro có một màu rất đặc biệt, nó giống như giấy quyến nhúng phẩm hồng, chỗ đậm chỗ nhạt. Cây Mascara màu da cam khi còn hàm tiếu hoa có mùi thơm ngọt ngào. Giờ đây nhìn khắp vườn hồng không có lấy một màu hồng ấm áp như ngọn lửa nhỏ khi xưa. Buồn lắm tôi hỏi :"Hoa hồng trong vườn đâu hết cả rồi?". Một người đáp : 
- Mấy cô gái hái hoa hết rồi! 
Nghe thế tôi bỏ đi. Những cô gái bên kia hàng rào thực là ác, họ không trồng chỉ có bẻ hoa. Tôi mường tượng ra hình ảnh ngày xưa năm cô Vân nhởn nhơ vườn sau cười khúc khích nhưng vẫn sống âm thầm khép kín trong căn nhà ám khói đây mùi dưa cải muối chua chứa trong chiếc vại sành chôn ngập dưới đất một nửa để giành ăn quanh năm và bóng dáng các cô tha thướt trong vườn hồng vào lúc bác Thị ngủ trưa. Hoa của tuổi tôi niên thiếu các cô đã hái đi tất cả rồi. Tôi hết hơi hết sức làm sao chạy ngược thời gian đuổi bắt níu lại tuổi mười lăm? 
Nhiều năm sau tôi mới có dịp quay về chốn xưa. Nhà của bác Thị vẫn còn đó chỉ có điều nó mỏi mòn cũ kỹ hơn nhiều. Thời tôi ở mái ngói đỏ tươi như gò má năm cô thiếu nữ. Khi tôi đi nó ngả màu tê tái. Lúc này mùa mưa dầm dề xứ Huế phủ lên mái ngói một lớp rong rêu dày. Cây khế chua ngả bóng che một nửa mái nhà sau, lá khế và quả chín rụng trong bao nhiêu năm làm thành một lớp dày chất mùn thối rửa. Cây tầm gửi, cây bồ đề và cả những cây khế bé tí lá màu xanh non mọc lên làm thành khu vườn treo trên mái nhà. Tôi nhìn qua thấy hoa khế rụng đầy trải một lớp trên thành bể chứa nước mưa. Cái giếng vôi vữa nứt ra trơ lớp xương gạch màu hồng nhạt. Tôi không còn thấy bóng dáng năm cô Vân và nghe giọng cười của họ nữa. Căn nhà giống như đã bị bỏ hoang từ lâu. Thực ra hiện nay vẫn còn có người sống ở bên trong nhưng là ai thì tôi không biết. Dấu vết của sự sống là mái ngôi nhà bếp thở khói cơm chiều. Tôi không biết năm cô gái bỏ mái nhà này trôi dạt phương trời nào, tôi hỏi : 
- Các cô gái đi dâu? 
Có người trả lời: 
- Họ theo chồng tất cả rồi! 
Tôi chưa hề yêu ai trong năm cô, thế nhưng khi nghe họ đã đi theo chồng tôi buồn vô hạn. Cả năm, cô gái là một phần của tuổi hoa niên của tôi. Một lần nữa tôi lại bỏ đi. Tuổi thơ tôi như hàng cây đứng lại bên đường còn chiếc xe đời tôi vun vút phóng về phía trước vô định. Tôi đã mỏi mòn gần muốn đứt hơi trên những nẻo đường đi tìm một cách vô vọng thế giới hoang tưởng tốt đẹp cho mình, cho đời. Trong cuộc hành trình đó đôi khi tôi hạnh phúc, đôi khi tôi đau khổ, tôi còn rồi tôi mất. Cuộc đời thực không mấy khi dành chỗ cho sự lãng mạn về một ý tưởng nào đó. Và chiến tranh. Chiến tranh như một định mệnh khắt khe phủ cái bóng đen xuống cả một dân tộc. 
Lũ sinh viên chúng tôi lúc đầu tưởng chiến tranh là việc của người khác, không phải việc của mình. Nhưng rồi những quân trường của chế độ trước đây há cái mồm khổng lồ nuốt bao nhiêu là chàng trai ưu tú. Chúng tôi một lớp người mà định mệnh buộc phải tham gia vào trò chơi gớm ghiếc này. 
Thuở nhỏ ở nhà quê chúng tôi vẫn thường chia nhau làm hai phe chơi trò chơi chiến tranh. Chúng tôi nhặt những quả cau già màu đỏ rụng rất nhiều trong vườn giả lựu đạn ném vào nhau. Đứa nào bị ném trúng phải chết. Chết nghĩa là không được tham gia trò chơi ấy nữa, chết là đứng một bên xem những đứa khác ném vào nhau những quả cau xinh xinh. Chiều lại cả hai phe thắng và thua kể cả những đứa đã chết kéo nhau ra sông cỡi trâu lội tắm về nhà cơm chiều cùng với gia đình, sau đó mới chạng vạng đã lên giường ngủ sớm như gà. Giờ đây người ta trao cho chúng tôi súng thực đạn thực. Giờ đây không có cái chết giả đáng yêu thuở thiếu thời. Những đứa trúng mìn thân thể như thịt băm người ta lấy đũa gắp từng mảnh tống vào bao nhựa. Những chiếc túi ni lông sản xuất tận bên Hoa Kỳ. Loại túi này bền bỉ một cách tàn nhẫn.Hai mươi năm sau vẫn không chịu tan rữa, nó chứa bên trong một thứ nước lầy nhầy kinh tởm không thể tưởng tượng được. 
Và rồi cuối cùng chiến tranh cũng đến hồi chung cuộc. Trận chiến này chẳng phải của lớp người chúng tôi nhưng chúng tôi lại chịu nhiều hậu quả bi thảm nhất. Tương lai cả một thế hệ mang màu xám tro. Tôi trở về thân thể lành lặn nhưng tâm hồn mang đầy vết thương. 
Tôi lại trở về thăm mái nhà xưa. Mái ngói oằn xuống vì sức nặng của thời gian. Chỉ có một điều hoàn toàn bất ngờ. Cả năm cô Vân đã quay lại chốn này. Giờ đây họ là năm thiếu phụ già nua lặng lẽ buồn thảm giống như năm chiếc bóng. Tôi hỏi vì sao năm cô không theo chồng mà quay lại thì được biết: Chồng của họ ra mặt trận chẳng có ai trở về... 
"Người ơi hoa của tôi đâu?" 
Người trả lời: "Hoa thời mộng mơ của nhà ngươi những cô gái hàng xóm hái đi tất cả rồi". 
- Người ơi các cô gái thời trẻ trung của tôi đâu? 
Người trả lời: "Họ lấy chồng và bỏ đi tất cả rồi". 
- Chồng họ vì sao không thấy trở về? 
Người trả lời: "Chết trận cả rồi!". 
- Người ơi sông đời xuôi chảy đưa tôi về đâu? 
Người thở dài không nói đứng dậy rủ áo ra đi. 
(Phỏng theo ý thơ cổ)  
Quý Thể
Theo http://chimviet.free.fr/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...