Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Tôi yêu tiếng nước tôi

"Tôi yêu tiếng nước tôi"  
Công ti cổ phần truyền thông Sơn Ca mua đứt mười nốt nhạc "Tôi yêu tiếng nuớc tôi, từ khi mới ra đời" mở đầu bài "Tình ca" của Phạm Duy, để làm nhạc hiệu đã gây tranh luận om sòm. Người thì qui ngay ra mỗi nốt nhạc ấy có giá đến chục triệu đồng để lo thay vỡ nợ là cái chắc. Người lại băn khoăn liệu có xâm phạm bản quyền của Công ty Văn hóa Phương Nam đã mua trọn gói những ca khúc đã được nhà nước cấp phép truyền bá của người nghệ sỹ trối già!. 
Giám đốc Nguyễn Dương Thanh vội đánh tiếng là chỉ cần xuất đuợc triệu sản phẩm, giá thành cho mỗi đơn vị ấy vị chi có trăm đồng chứ mấy! Nhưng vấn đề là hiệu dụng âm nhạc của nó kia. Chỉ dung dị một quãng tám thôi mà làm nổi lên cái thang âm ngũ cung đậm sắc Việt, không một tí lai căng nào với nhạc ngũ cung trường phái ấn tuợng Pháp của Debussy. Câu nhạc ấy lại kết đúng bằng chủ âm, tạo nên cảm xúc lai láng nơi nguời hát lẫn người nghe. Vậy dụng tâm mua mười nốt nhạc "Tôi yêu tiếng nước tôi..." là để khơi lên tình cảm nồng nàn với tiếng nói dân tộc
Hôm nay, không chỉ thế hệ tuổi 8X, 9X mà cả các bậc lớn tuổi đủ bằng cấp này nọ lắm khi đối xử với tiếng mẹ đẻ quá ư thất thố - tùm lum sai chính tả, dùng từ không đúng, câu què!
Cái bận đầu về thăm thú ấy, Phạm Duy vô cùng sửng sốt, xúc động nghe nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân thả hồn hát trọn bài Tình ca ngọt ngào, rồi tâm sự là bài ca ấy nằm lòng, thành nguồn tâm tưởng khôn nguôi về đất nước, con người. Không chừng tâm tư nồng thắm ấy của Nguyễn Đắc Xuân đã cảm hóa Phạm Duy thêm quyết định táo bạo neo cuộc đời còn lại nơi quê hương. 
Bản thân ông cũng luôn tự hào là khi viết Tình ca thành công vượt thời gian ấy mới sang tuổi ba mươi chứ mấy, đâu đã dạn dày gì những trải nghiệm thân thương với tiếng nói quê hương. Cũng là nhờ từ tấm bé đã đuợc đằm mình trong những bài ca dao, câu tục ngữ óng ả qua tiếng ru, trang sách được nghe, được đọc. Nếu có năng khiếu, chỉ cần ngâm nga theo làn điệu, tiết tấu, theo ý nghĩa, văn cảnh những câu giàu âm hưởng tiếng mẹ đẻ, bóng bảy tính dân tộc ấy là thành ngay khúc ca. Quan họ, hát chèo, các điệu lý, ca trù bác học... đại thể cũng là hát những câu vần lục bát sáu thanh âm theo điệu thức, tiết tấu nhất định thôi mà. Với nguời Việt, thơ, ca, hò, vè cùng một phạm trù! 
Từ khía cạnh này, Phạm Duy hẳn nhớ và ơn biết mấy nguời anh họ, con thứ của nguời chị cả thân mẫu mình. Buổi đầu nhận họ hàng sau nửa thế kỉ chia li, người nhạc sĩ già run rẩy ôm chằm thằng cháu họ, rưng rưng: Con anh hai Ngọc á! 
Tiếng là bậc Tây học danh giá đầu thế kỉ truớc, Nguyễn Văn Ngọc lại trọn đời dồn hết tâm sức gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Tục ngữ - phong dao, Truyện cổ nước Nam, Câu đố, Nam thi hợp tuyển... chiếm giá trị lớn trong toàn tập Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc hơn ba ngàn trang, do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2003, nhân một đuờng phố mới mở ở Hà Nội gắn biển mang tên ông. Ông cùng với nguời anh cả học giả Nguyễn Quang Oánh, đồng nghiệp giáo học Đỗ Thận đôn đáo lập Sán Nhiên Đài để chèo từ vuông chiếu sân đình dân dã bước lên sân khấu hộp chính qui để tồn tại và phát triển. Càng nhập cuộc, Nguyễn Văn Ngọc càng nhận ra "...sở dĩ tiếng ta thành đuợc văn Nôm, văn Nam, sở dĩ tiếng Việt đuợc lưu truyền, hay và đẹp như hôm nay tất cũng phải nhờ những tiếng, những nhời, những truyện sinh sản từ chốn quê mùa cục mịch, ngõ hẻm hang cùng của bọn cổ lỗ, chất phác..." 
Ông thông gia với Nguyễn Văn Ngọc là Phạm Quỳnh nâng tầm giá trị tiếng Việt. Tâm niệm "Kim Vân Kiều tinh kết từ tiếng nuớc Nam còn, nuớc Nam còn" mà Phạm Quỳnh trụ vững hơn hai chục năm trời với tờ Nam Phong. Đến hôm nay, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập một số tác phẩm của Phạm Quỳnh để tái bản đã tự thú là qua đó, học đuợc vô khối tiếng Việt. Với tư cách chủ bút tờ báo quốc ngữ bề thế bậc nhất hồi đó, Phạm Quỳnh kết bằng hữu với nhiều học giả tri thức cùng chí hướng nặng tình với tiếng Việt, văn hoá Việt mà lập nên Hội khai trí tiến đức. Trong số đó có nhà văn Phạm Duy Tốn, ông thân sinh của Phạm Duy cất lên tiếng hát" Tôi yêu tiếng nuớc tôi ... "Hôm nay, phát kiến của Trần Trọng Kim đã được trân trọng đúng với kích thước lịch sử trọng đại: Suốt ngàn năm rằng rặc Bắc thuộc tàn bạo, khắc nghiệt, dân tộc ta vẫn cứ tràn sức sống tồn tại và phát triển là nhở có tiếng Việt. Triển khai tiếp, Lê Thành Khôi khẳng định văn hóa Việt được xây dựng, bồi đắp từ và bằng chính tiếng nói ấy. Một nền văn hóa có một ngôn ngữ hoàn chỉnh, tinh anh như tiếng Việt làm nền tảng, điểm tựa, không đời nào có thể bị đồng hóa, thui chột, cho dù ngoại bang có bạo ngược, xảo trá đến đâu đi chăng nữa. 
Những nguời Nguyễn Văn Ngọc gọi là "bọn cổ lỗ, chất phác..." lại "Tôi yêu tiếng nuớc tôi" một cách chất phác, cụ thể, thiết thực và hiệu quả trông thấy. Đó là những người Đồ Sơn, Hải Phòng, đầu thế kỉ XVII phải rời bỏ làng nước sang Tàu tha phương cầu thực, định cư trên đảo Vạn Mĩ, nay thành làng dân tộc Kinh gần chục ngàn khẩu. Lớn bé già trẻ hôm nay đều mang hộ chiếu Trung Hoa, nhưng vẫn cứ làu làu tiếng Việt trong veo. Có gì đâu , ai ai trước sau gì đều vững một í thức tự giác đi học, đi làm ăn đâu đâu cứ bằng tiếng Tàu, nhưng một khi về với xóm làng, với cộng đồng nhất nhất chỉ nói và nghe tiếng Việt! Giữ đuợc tiếng mẹ đẻ như thế mà làng Vạn Mĩ này cũng đủ cả mái đình, giếng nuớc, cây đa...hội làng với các cô gái bận áo dài, hát dân ca đệm đàn bàu, trẻ con đánh cù, kéo co, đập pháo đất ...hệt một làng chài thân thương trong nuớc . 
Vậy ra tiếng Nam còn, nguời Nam còn.. Đó chính là nhờ những con người ở chốn "quê mùa, cục mịch, chất phát , quen ăn to nói lớn..." ...luôn thực sự hết lòng cất lên tiếng hát căng lồng ngực: "Tôi yêu tiếng nước tôi... "
Sang ta chừng dăm ba năm chứ mấy, anh chàng Joseph Ruelle, người Canada, chẳng những mồm miệng tiếng ta như tép nhảy, lại nói năng hóm hỉnh, tân kỳ đúng kiểu @ như các ...chàng trai thời công nghệ thông tin. Thế mới tự xưng cái tên ta nghe rất được : Dâu - Joe. Từ đó tơi tới được vời đi đóng phim, chọn đứng chung với á hậu Ngọc Oanh làm người dẫn buổi đại yến trịnh trọng hội nghi APEC , đấu hót với nghệ sỹ hài Đức Hải trong Rubic Chat 2009 trên truyền hình thực tế VTV3. Ấy thế có ai khen sao siêu thế, Dâu "ta" - Joe Canada lại  toe toét khiêm tốn, đúng tính cách Việt, đáp lại rằng nói năng thì cũng được đấy, nhưng sao siêu văn chương như chị Alienor Amisensel kia chứ. 
Chỉ có nghe mấy cái đĩa than ca trù, cô gái Pháp mới ngoài 20 ấy mê như điếu đổ cái thứ nhạc gợi tình nhất thế gian, còn lời rặt những thơ hay của các thi nhân tài hoa, thế là nằng nặc xin nhập môn. Nghe đâu nhờ cái gène lặn của ông nôi - ngoại gì đó, vốn là Tây thuộc địa, nhưng lại thuộc lòng truyện Kiều và mê tiếng hát chèo của các cô gái Thái Bình. Nhưng nhạc sĩ Trần Văn Khê không thể nhận, bởi một tiếng Việt bẻ đôi cũng còn chẳng biết nữa là. Vậy mà chỉ mấy năm sau, khi chấm luận văn thạc sĩ của A. Amisensel, bậc thày âm nhạc học Trần Văn Khê bật khóc, vì cô gái Pháp này đã thật trôi trảy tiếng ta. Có thế cô mới sinh hoạt như một thành viên thực thụ ở câu lạc bộ ca trù Thái Hà, mới sang Lỗ Khê học hát bà Nguyễn Thi Thao , học đàn đáy ông Nguyễn Văn Phúc, được ban xiêm y ca nương chớ. Rồi lại đến Sài Gòn làm tiếp luận văn tiến sĩ về ca trù - hát ả đào - hát cô đầu, nhưng lần này , đã vớị sự hướng dẫn tận tình uyên bác của người cha đỡ đầu Trần Văn Khê!
Anh chàng Dâu - Joe còn kháo ở Pháp bây giờ cũng đã khối em nhỏ biết tiếng Việt rồi đấy. 
Mười mấy năm qua, trường Jean de La Fontaine ở Pháp dạy tiếng Việt như một sinh ngữ bắt buộc, từ lớp đầu đến năm thi tú tài tốt nghiệp. Đương nhiên ông hiệu trưởng Yves Lanchelin phải thuyết lý một cách thuyết phục quyết định táo bạo ấy .. Nhưng nói gi thi nói, cứ phải được phụ huynh thật sự tán đồng và bản thân học sinh thích thú học cái đã. Bằng không, họ nhân danh dân chủ phản ứng chống lại, có mà... Không học chay, học sinh trường Jean de Lafontain tham gia các hoạt động kết nghĩa với trường Amsterdam ở Hà Nội ,  trường Marie Curie ở Saigon, không ngoài mục đích để dễ bề tấn tới, sử dụng mà hơn nữa, biết đâu lại chẳng tạo ra nguồn tài năng tiếp tục tìm hiểu, khám phá cái hay, cái đẹp của tiếng nói hoa mĩ phương Đông này. 
Đầu thế kỉ trước, nhà ngôn ngữ học người Pháp A.G. Haudricourt đã bóc tách cái vỏ ngôn ngữ để thấy cốt cách tiếng ta hệt  tính cách dân tộc Việt mang nó. Là tiếng bản địa văn minh lúa nuớc lưu vực sông Hồng, sông Mã, nhưng không bảo thủ co mình lại mà trải rộng lòng giao lưu, tiếp nhận những yếu tố ngoại lai để phát triển, ngày một hoàn thiện hơn. Sơ khai ban đầu, đâu đã có thanh điệu gì. Dần dà đến thế kỉ thứ VI mới hình thành được ba, mãi tận thời Lý thế kỉ XII mới đủ sáu thanh điệu như ngày nay. Trong khi đó, tiếng Tàu mãi mãi dừng lại ở 4 thanh nhạt nhoà. Đặc sắc nữa là luôn du nhập, nhưng giữ vững bản sắc dân tộc, dứt khoát không chịu lai căng để tiến triển một cách độc lập, hài hòa, uyển chuyển, ngày một khoa học hơn, một phong phú hơn, một hay, một đẹp thêm lên . Đồng hóa các yếu tố Hán bằng cách đổi âm - thiên trời địa đất, đảo vị trí - nhiệt náo thành náo nhiệt, thích phóng thành phóng thích, thay hẳn ngữ nghĩa : phương phi là béo tốt thay vì hoa cỏ thơm tiếng Hán, bồi hồi là bồn chồn thay cho đi đi lại lại trong tiếng Tàu hiện đại; thậm chí tạo hẳn từ mới tiếng Hán không hề có : phi công, sĩ diện...Giờ đây chấp nhận vô thanh đầu âm tiết - đèn pin, kháng sinh pê ni xi lin, pê đan, chứ ba, bốn chục thập niên trước cứ buộc phải chuyển sang hữu thanh cho chuẩn ngữ âm - bánh mì ba tê (pâté), cái bơm (pompe) thậm chí một thời ở ngoài bắc - vải bô bơ lin (popeline), trong nam - trái bom (pomme - táo )...
Trưởng khoa tiếng Việt Bae Yang Soo đưa sinh viên trường đại học Hàn quốc Busan sang ta giao lưu, thực tập, tiện thể mang con trai sang ăn tết nguyên đán. Trong không khí vui xuân với chút hơi men quốc lủi làng Vân, Bae Yang Soo khoe đã lập Hội những người yêu tiếng VIệt, và hùng hồ đe rằng hội của ông sẽ "uýnh" bằng võ Taekwondo nội công sâm Cao Ly bất kì kẻ nào dám hỗn hào với tiếng Việt!
Dân ta sinh sống trên đất nước Việt, nói tiếng Việt mẹ đẻ cứ như một lẽ tự nhiên ấy. Đúng ra, phải tự hào biết mấy, hạnh phúc biết mấy. 
Chẳng phải đâu xa, ngay bên nuớc láng giềng phương bắc khổng lồ, Tần Thủy Hoàng, sau khi chinh phạt, thống nhất được đất nước, vẫn theo nhà Chu lập xã tắc nhà Tần. Sau này, phiên quốc Mông Cổ chính phục Nam Tống, người Mãn Châu tràn xuống diệt nhà Minh, cũng rập khuôn lập nên nhà Nguyên, nhà Thanh Chứ cái quốc hiệu mang tên Trung Hoa hay Trung Quốc (!?) phải đến đầu thế kỉ XX, khi nhà Thanh tan rã, các sĩ phu theo xu thế học mót văn minh phương Tây mới khai sinh để cho có quốc hiệu chính thống. Nhưng phương tây vẫn cứ gọi theo âm gốc nhà Tần: Qin Chao - Ch'in Ch'ao thành La Chine, China. Đã không có "nước" nên cũng không có "tiếng". Tiếng nói chính thức phải hợp pháp hóa bằng săc lệnh hợp hiến là tiếng Quan thoại, tiếng Bắc Kinh - Bắc phương thoại. Còn người dân ở bên này sông Dương Tử, cứ và chỉ nói tiếng nói phổ biến riêng địa phương mình: tiếng Quảng Đông Hương Cảng, tiếng Phúc Kiến Đài Loan, tiếng Triêu Châu Teochow dialect,
Bên Âu, quốc hiệu nước Anh England - Angleterre chẳng còn lí do để tồn tại, một khi đã cùng với Scotland, xứ Wales, Bắc Ireland liên hiệp thành United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland , gọi tắt là UK. Và không có quốc ca, chỉ có bài hát hoàng gia God save the queen. Cầu chúa phù hộ nữ hoàng. Người Pháp bên này biển Manche gọi theo nguyên văn là Royaume-Uni. Dân ta phải dịch thành Liên hiệp vương quốc Anh để cho rõ là nước Anh. 
Cũng từ cái cá tính quá trớn ngạo mạn đó mà con cháu người Anh vượt đại dương lập quốc gia riêng bên kia bán cầu chỉ thân thiết với quốc hiệu cụt lủn The United States - Liên bang, cắt bỏ luôn cái đuôi  "of America ở châu Mỹ" - cứ như sợ tai tiếng chung một lục địa với các nước nghèo hèn Trung Mi, Nam Mĩ. Từ đấy bịa ra cái tên lóng tếu táo: Chú Sam Uncle Sam, Cái quốc hiệu viết tắt US phổ biến khắp thế giới, từ US dollar lưu hành cả nơi hang cùng ngõ hẻm sặc mùi ma túy đến US air force Không lực Hoa Kỳ kí danh lịch sử thế giới ném hai trái bom nguyên tử đầu tiên và duy nhất cho đến đầu thế kỉ XXI này. Bảng hiệu US Air Force 1 kẻ nghênh ngang trên thân máy bay chuyên chở tổng thống Hoa Kỳ đi khắp thế giới . Trong khi đó, hai nước chung đường biên ở phía bắc và phía nam lại có quốc hiệu đàng hoàng : Canada và Mexico.
Giờ , những phát hiện liên tiếp làm dậy lên vấn đề quốc hiệu Việt Nam có tự bao giờ. Bách khoa toàn thư Anh Encyclopedia Britanica khẳng định năm 1802, vua Gia Khánh nhà Mãn Thanh tự tiện  đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam cho Gia Long. Chính sử nước ta là Đại Nam Thực Lục Chính Biên chép năm 1804, Gia Long ban chiếu lập quốc hiệu Việt Nam. Sở dĩ thời gian bị vênh như thế là vì Mãn Thanh phải bàn đi tính lại hết nuớc hết cái để khỏi thất thố, nhưng lại sĩ diện đổ tại quan san cách trở. Hai năm sau cống nạp, nhà Nguyễn mới lãnh được chiếu phê chuẩn quốc hiệu Việt Nam từ Bắc Kinh đưa đến kinh đô Huế. Trước đó hơn trăm năm, trên bia đá Thuỷ Môn Đình dựng năm 1670 ở Lạng Sơn đã khắc "Đây là yết hầu Viêt Nam, là cửa ải trấn phương bắc... "định vị Ải Chi Lăng lẫy lừng chiến công hiển hách chống ngoại xâm - đánh tan quân Tống năm 1077, triệt phá quân Nguyên Mông năm 1285, chém tại trận An viễn hầu Liễu Thăng thống lĩnh 100 nghìn quân Minh xâm lăng tháo chạy về nước năm 1427 ... Sách Hoàn Vũ Ký bên Tàu gọi đây là Quỉ Môn Quan - Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn Mười tên qua đây chi còn độc một tên sống sót trở về. Trên bia chùa Bảo Lâm, cổ hơn hẳn một thế kỉ - 1559,  khắc: "Danh lam nổi tiếng ở Việt Nam nhiều vô kể" . Và một số bia cổ khác nữa. Vậy là sao ta?
Bách khoa toàn thư Anh còn chú thêm là Gia Long đề nghị nhà Mãn Thanh công nhận mình là vua nước "Nam Việt" - nước Việt ở phuơng nam. Với cấu trúc tiếng Hán - định ngữ (thành tố phụ) trước, còn chủ ngữ (thành tố chính) sau, như thế đúng là Việt Nam theo cấu trúc tiếng Việt ngược lại với tiếng Tàu - chủ ngữ chính trước, định ngữ phụ sau. Các văn bản của triều chính phong kiến nước ta thời xưa cứ câu nệ cấu trúc chữ Hán cho trang trọng triều đình . Nhưng dân ta trong cuộc sống hằng ngày cứ nôm na theo cấu trúc tiếng Việt, nên nước Việt ở phương nam là nước Việt Nam. Nhà Thanh đảo ngược thành Việt Nam, với lí do quốc hiệu Nam Việt do Gia Long đề xuất từng đã có thời Triệu Đà, nhưng dã tâm , theo cấu trúc chữ Hán, công nhận một quốc gia ở phuơng nam (!?) có người Việt, nhằm đánh đồng với dân tộc thiểu số Việt bên Tàu. 
Ngày nay, cấu trúc tiếng Việt đuợc khẳng định trong văn bản quốc gia, quốc hiệu Việt Nam đơn giản như một lẽ đuơng nhiên là thế . Sau năm 1975, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay cho quốc hiệu ngày đầu ba mươi năm trước: Việt Nam dân chủ cộng hòa.
"Tôi yêu tiếng nước tôi..." như thế không đơn giản chỉ từ tình cảm người Việt Nam ta với Tổ quốc mình hát lên mà còn căn cơ từ cái lý - khởi nguồn từ cuộc sống diệu kỳ, từ khoa học ngôn ngữ, từ lịch sử ... cùng sự tiến triển văn minh thời đại. 
Box. Cùng ở Đông Á, với ta, chỉ có một quốc hiệu Nhật Bản. Nhưng trong từ điển Larousse của Pháp, người Nhật Bản lại có đến hai quốc hiệu: Le Japon và Le Nippon. Trong khi đó, có đến hai quốc hiệu: Hàn quốc, CHDCND Triều Tiên, nhưng lại sâm Cao Li. Còn trong Larousse lại thống nhất một cái tên duy nhất: La Corée.   
Lê Lành
 Theo http://chimviet.free.fr/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...