Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám 
Văn Miếu môn (Tam quan)
Mô hình Văn Miếu- QTG năm 1484
Khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám tại Hà Nội (tức kinh đô Thăng Long ngày trước) được thành lập có lẽ từ trước triều đại nhà Lý, nhưng đã được vua Lý Thánh Tông nhà Lý (1054-1072) xây dựng lại để thờ Chu Công, Khổng Tử cùng tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử và các hiền nho. (1)
Qua đến thời vua Lý Nhân Tông (1072-1128) thì vua cho xây cất thêm phòng ốc Quốc Tử Giám (1072) dành đặc biệt để dậy giỗ con cháu Hoàng gia và các bậc quyền quý.(2)
Gần 2 thế kỷ sau đó, sang đến đời Trần, vua Trần Thái Tông (1253) cho mở rộng Quốc Tử Giám và cho phép con nhà thường dân học lực xuất sắc được vào học. Qua đời Trần Minh Tông, nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (Hiệu trưởng) và khi ông qua đời (1370) thì được vua Trần thời đó cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng tử.
Thời Lý và thời Trần có rất nhiều chùa, đền được xây cất tuy nặng về đạo Khổng. Sang đến thời Hậu Lê thì Nho giáo trở nên rất thịnh hành. Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ vào năm 1484, gồm cả trăm bia nhưng hiện nay chỉ còn 82 bia ghi lại công danh sự nghiệp những người đỗ Tiến sĩ từ khóa năm 1442 đến thời điểm đó (1484).
Đầu thế kỷ thứ 19, Văn Khuê Các được xây thêm. Qua thời kỳ chiến tranh Văn Miếu Quốc Tử Giám bị hư hại và chỉ được trùng tu dần dần kể từ cuối thế kỷ thứ 20. Coi như hầu hết phần sau của Văn Miếu Quốc Tử Giám như nhà Thái Học, nhà chuông, nhà trống đều được xây cất thêm vào sau này.
Vào đầu năm 2003, thành phố Hà Nội đã cho đúc tượng đồng Vua Lý Thánh Tông, Vua Lý Nhân Tông, Vua Lê Thánh Tông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An để thờ tự trong nhà Thái Học như ta thấy hiện nay.
Kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Tài liệu cho biết toàn thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây cất từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng theo khu Văn Miếu thờ Khổng Tử của Trung Hoa; tuy nhiên, kiến trúc ở đây đơn giản hơn. Tổng thể kiến trúc Văn Miếu-Quốc Tử Giám từ cửa Văn Miếu đi vào là cổng Văn Miếu, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, Đại thành, và cổng Thái Học.
Từ cổng chính Văn Miếu môn, vào khu Nhập đạo, theo đường thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang với Đại Trung môn bên trái có Thành Đức môn, bên phải có Đạt Tài môn. Bức tường ngang nối ba cửa vươn dài ra hai bên tới tận tường vây dọc bên ngoài. Hai bên tả hữu của cả khu Văn Miếu, cùng với tường ngang nơi Văn Miếu môn tạo thành một khu hình gần vuông có tường vây khép kín ra vào bằng cửa Văn Miếu. Trong khu vực này trồng cây bóng mát gần kín mặt bằng. Hai chiếc hồ chữ nhật nằm dài sát theo chiều dọc bên ngoài. Cửa Đại Trung môn làm kiểu 3 gian, xây trên nền gạch cao, có mái lợp ngói mũi hài, có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then Đại Trung môn 

Mô hình VM-QTG năm 1805

Khuê Văn Các
Con đường thẳng từ Văn Miếu môn tới Đại Trung môn lại nối tiếp thẳng tới Khuê Văn Các. Từ hai cửa Đạt Tài và Thành Đức ở hai bên cửa Đại Trung, hai con đường nhỏ hơn song song chạy thẳng với con đường trục giữa, chia khu vực thứ hai này thành 4 dải. Hai hồ nước được đào ở vị trí tương tự như hai hồ nước ở khu vực thứ nhất.
Nối tiếp, Khuê Văn Các (gác Sao Khuê) là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước, xây dựng vào năm 1805, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng. Hai bên phải trái Khuê Văn các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào hai khu nhà bia Tiến sĩ. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng. Có ba bậc thang đá bước lên nền vuông này để qua cửa Khuê Văn các. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ sơn trắng đều có chạm trổ các hoa văn. Tầng trên làm bằng gỗ sơn màu đỏ có chút thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái.
Trong Khuê Văn các là sàn gỗ có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi. Bốn góc sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ Khuê văn các. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng. Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội.
Khu tiếp theo là bia Tiến sĩ và hồ nước vuông Thiên Quang Tỉnh (giếng soi ánh mặt trời).
Ý nghĩa của Văn khuê các và hồ vuông Thiền Quang. Theo Kinh dịch những con số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) thuộc về dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển, Khuê văn các có 8 mái là bát quái, có thêm 1 nóc ở trên là 9, số cửu trù, số cực dương. Theo quan niệm của người xưa, giếng Thiên quang hình vuông tượng trưng cho mặt đất, cửa sổ hình tròn của gác Khuê văn tượng trưng cho bầu trời, có ý nói nơi đây là nơi tập trung mọi tinh hoa của trời đất, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hoá Nho học Việt Nam.
Hình chụp 2012
Hình chụp 2006
 Hai bên phải trái hồ Thiên Quang là khu nhà bia tiến sĩ, mỗi bên là 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng rùa đá. Hiện còn 82 tấm bia về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779.
Cả hai bên, giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Đây là hai tòa đình thờ bia. Xưa kia hàng năm xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu làm lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà danh tính còn khắc trên bia đá. (Năm 2006 thì bia Tiến sĩ còn được phép bước lại gần quan sát, năm 2012 người viết trở lại thì hai hàng bia đều được trang hoàng, có thảm lót và cấm lại gần, có lẽ vì là sau tết Âm lịch).
Tòa đình vuông thờ bia
Bia Tiến sĩ
Bia tại Tòa đình
Qua cửa Đại Thành là vào khu vực chính của di tích Quốc Tử Giám - Văn Miếu. Cũng như cửa Đại Trung, cửa Đại Thành là một kiến trúc 3 gian. Chính giữa, trên giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ Đại thành môn . Bên phải hai hàng chữ nhỏ khắc Lý Thánh Tông, Thần Vũ nhị niên, Canh Tuất thu, bát nguyệt phụng kiến có nghĩa là: "Tháng 8 mùa thu năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ năm thứ 2 đời Lý Thánh Tông vâng sắc xây dựng". Cửa Đại Thành, mở đầu cho khu vực của những kiến trúc thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, Thất thập nhị hiền v.v... và cũng là nơi giảng dạy của trường giám thời xưa.(3)
Bước qua cửa Đại Thành là tới một sân rộng mênh mang lát gạch Bát tràng. Hai bên phải trái của sân là 2 dãy Hữu Vu và Tả Vu. Chính trước mặt là tòa Đại Bái Đường rộng rãi, to lớn trải suốt chiều rộng của sân nối giáp với đầu hồi của Tả Vu, Hữu Vu 2 bên, tạo thành cụm kiến trúc hình chữ U . Phía sau và song song với Đại Bái Đường là tòa Thượng Điện, có quy mô tương tự cả về chiều cao lẫn bề rộng. Đại Bái Đường nối với Thượng Điện bằng một Tiểu Đình hình vuông.
Sân trước Đại Bái Đường Thượng điện
và khu Khải thánh phía sau cùng
Thượng Điện ở phía sau gồm 9 gian, tường xây 3 phía, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian giữa, 4 gian đầu hồi có cửa chấn song cố định. Gian chính giữa có cái khám và ngai lớn để trên một bệ xây, trong có bài vị Chí thánh tiên sư Khổng Tử. Cách 2 gian 2 bên tới những gian khác cũng có bệ xây và cũng có khám, trong khám có ngai và bài vị. Bên trái có 2 ngai thờ Tăng tử và Mạnh tử; bên phải có 2 ngai thờ Nhan tử và Tử tư, Chu công không còn đuợc thờ nữa. Bốn vị được thờ trên đây tức là Tứ phối được quy định thờ từ ngày mới xây dựng Văn Miếu. Ngoài bài vị ra cả 4 vị đều có tượng gỗ sơn thiếp.
Khu Khải Thánh là khu sau cùng của di tích. Từ Văn Miếu sang đến Khải Thánh người ta có thể đi theo 2 con đường lát gạch phía sau Tả Vu và Hữu Vu, hoặc cũng có thể từ sau lưng Thượng Điện qua cửa tam quan. Cửa này là cửa chính cũng xây 3 gian, có mái lợp và cánh cửa đóng mở. Từ bên ngoài vào đền Khải Thánh cũng có thể qua một cổng nhỏ có cánh mở ở góc Đông Nam nơi tiếp giáp với bức tường ngăn 2 khu Văn Miếu và Khải Thánh.
Kiến trúc đền Khải Thánh sơ sài hơn song cũng có Tả Vu, Hữu Vu 2 bên và đền thờ ở giữa. Đền Khải Thánh xưa vốn là Quốc Tử Giám, nơi rèn đúc nhân tài cho nhiều triều đại. Năm 1946 quân Pháp đã bắn đại bác phá hủy cả. Kiến trúc ngày nay là hoàn toàn mới. Toàn bộ mái đều được lợp hai lớp ngói lót, trên là một lớp chì dày 1,5mm rồi đến một lớp ngói lót nữa, và trên cùng là ngói mũi hài. Phần giữa các cột nhà với chân đá tảng cũng đặt một tấm chì dày 1,5mm để chống ẩm từ dưới lên. Nền sân đều được lát gạch bát tràng.
Phần sau cùng là khu Tiền đường và Hậu đường: đây là công trình hoàn toàn mới do thành phố Hà Nội xây dựng lại vào năm 1999.
Nhà Tiền đường 9 gian với 40 cột gỗ lim chống mái, đầu hồi xây tường bằng gạch, mặt ngoài để trần không trát. Gian đầu hồi và gian thứ ba mặt trước, mặt sau đều có cửa bức bàn chấn song con tiện dẫn sang nhà Hậu đường.
Hậu đường là kiến trúc gỗ hai tầng. Tầng 1 gồm 9 gian, 2 chái. Tầng một là nơi tôn vinh Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An và là nơi trưng bày về Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long và nền giáo dụ Nho học Việt Nam giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng giá trị của truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, đề cao nhân tài, thừa kế và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Tầng 2 có 5 gian.Tầng 2 là nơi tôn thờ các danh nhân đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Nho học Việt Nam. Đó là vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Khổng Tử
Chu Văn An
Lý Thánh Tông
Nhà Trống và nhà Chuông chụp từ lầu 2 Hậu đường
Ghi chú
* Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697).Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992). NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993). Chi tiết về các vua đuợc viết trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như dưới đây.
(1) Lý Thánh Tông (Thánh Tông Hoàng Đế)
Tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông. Mẹ là Kim Thiên Thái Hậu họ Mai, khi trước chiêm bao thấy mặt trăng vào bụng rồi có mang, ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi, Thuận Thiên thứ 14 [1023], sinh vua ở cung Long Đức. Năm Thiên Thành thứ 1 [1028], được sách phong làm Đông Cung Thái Tử. Thái Tông băng, bèn lên ngôi báu, ở ngôi 17 năm [1054- 1072], thọ 50 tuổi [1023-1072], băng ở điện Hội Tiên.
Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070],
Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.
(2) Lý Nhân Tông (Nhân Tông Hoàng Đế)
Húy Càn Đức, con trưởng của Thánh Tông, mẹ đẻ là thái hậu Linh Nhân, sinh vua ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ, Long Chương Thiên Tự thứ 1 [1066], ngày hôm sau lập hoàng thái tử. Thánh Tông băng, vua lên ngôi hoàng đế, ở ngôi 56 năm [1072 - 1127], thọ 63 tuổi [1066 - 1127], băng ở điện Vĩnh Quang. Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý.
Lý Thánh Tông sinh năm 1023, lên năm tuổi được vua phong Đông Cung Thái tử (1028). Vua qua đời, lên ngôi vua khi 31 tuổi (năm 1054); trị vì 17 năm rồi mất (1072). Con trai trưởng của Lý Thánh Tông là Lý Nhân Tông sinh năm 1066. Vì vua bố (Lý Thánh Tông) có con trai đầu lòng rất trễ (43 tuổi) nên sinh mới được một ngày đã đuợc vua phong làm Hoàng Thái tử. Và chỉ vừa mới bốn tuổi (1070), Hoàng Thái tử đã được cho đến học ở Vãn Miếu như Đại Việt Sử ký toàn thư ghi chép ở trên. Như thế Quốc Tử Giám đã có từ trước năm 1070 và được vua Lý Thánh Tông cho trùng tu, xây cất thêm để cho Hoàng Thái tử đến học. Khi đuợc 6 tuổi (1072) thì vua Thánh Tông qua đời và Lý Nhân Tông lên làm vua khi mới 6 tuổi. Lý Nhân Tông là con của Nguyên phi Ỷ Lan, tức Hoàng Thái hậu Linh Nhân. Vì lên ngôi khi quá nhỏ tuổi, quyền điều hành chính sự do sinh mẫu Ỷ Lan, và Thái uý Lý Thường Kiệt cùng Thái phó Lý Đạo Hành quán xuyến. Ông trị vì được 56 năm(ghi chú của SVĐG).
(3) Lê Thánh Tông
Giáp Thìn, [Hồng Đức] năm thứ 15 [1484],
Làm điện Đại Thành ở Văn Miếu cùng nhà đông vu, tây vu, điện Canh phục, kho chứa ván in và đồ tế lễ, [44a] nhà Minh luân, giảng đường đông tây, nhà bia đông tây, phòng học của sinh viên ba xá, và các cửa, xung quanh xây tường bao. Link đọc Đại Việt Sử ký toàn thư:
 Sóng Việt Đàm Giang
*Tài liệu tham khảo từ Wikipedia và 
một số trang nhà liên quan đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
*Bộ ảnh của tác giả bài viết.
Theo http://chimviet.free.fr/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...