Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Mỗi năm hoa đào nở

Mỗi năm hoa đào nở...
Cũng bày ra một hiên nhàn 

Dăm ba chậu kiểng, một bàn cờ vuông 
Án thư vài tập cảo thơm 
Bức tranh thủy mạc đông phương an hòa 
Một bình rượu, một khay trà 
Một đôi bạch lạp, giấy hoa bút vàng 
Nghe hơi gió chuyển mùa sang 
Tuổi già cám cảnh đôi hàng rụng rơi 
(Cung Vĩnh Viễn)

Gớm nhẩy! Bác khủng khỉnh rằng lại bày vẽ cho ăn gan giời trứng trâu nữa đây phỏng? Ơ hay, bác nói hay chửa, tháng ba ngày tám ăn đong ăn vay, năm cùng tháng tận chả nhẽ cười nhăn một mình, buồn tình khề khà thơ lão bạn thâm căn cố cựu. Chưa kịp nghe hơi gió chuyển mùa sang, chợt nhớ ra trong nhà có một khay trà đâu đó. Số là nhăm thu trước sắm nắm được bộ ấm cổ giả Giang Tô gan gà. Mới quá mất vui, thế là loay hoay chôn dưới gốc cây mai, và nhủ thầm: Mai này bộ ấm trà lạc tinh cũ rích, nào có thua gì bộ ấm Mạnh Thần của cụ Nguyễn Tuân trongVang bóng một thời.
Thế đấy, giả với thật! Ai biết đó là đâu.
Dạ, xin thưa với bác là làm như bị chữ nghĩa lão bạn ám quẻ hay sao ấy, em cũng muốn sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữđể dối già ấy thôi. Bèn ngồi bên án thư múa bút khai xuân với bộ ấm nhất qúy hồ tinh bất qúy hồ đa. Sờ đến đôi ngọn bạch lạp với giấy hoa vàng thì trời cao đất dầy ơi, đào đâu ra những của nợ đó vào thời buổi này, chả nhẽ ngồi đồng như thằng mù dở. Hay cứ theo lão ta bày hàng dăm ba chậu kiểng trước hiên nhà. Tiếp, thửa bức tranh thủy mặc ngòai phố chợ để...vẽ chuyện thêm.
Vậy đó, hiểu theo nghĩa là em vừa thêu dệt xong cái cốt truyện đấy, thưa bác.  
Ấy thế mà cái sẩy nẩy cái ung là sàng lúa ra thóc, lại sẩy thóc ra trấu, nên trăm sự nhờ bác trăm hay không bằng tay quen trông giỏ bỏ thóc dùm. Chẳng gì quan bác cũng thông thiên bác cổ, chạy trời không nắng ắt hẳn quan bác đây dầy chữ. Vì vậy trộm phép bác, với chuyện tranh Tàu thuổng ở chợ có chịn cái triện đỏ chét, lại phất phơ dăm hàng thơ nét thư pháp chấm phá sổ ngang nét dọc. Nếu như em có ngộ chữ để chữ tác đánh chữ tộ, hay tống táng thêm ông Thôi Hiệu, ông Lý Bạch cùng Đường thi, đường mòn vào chuyện. Thì chả vì em hợm chữ với bác đâu, chẳng qua ở cái thế chẳng đặng đừng của chuyện trên trời dưới đất, và chuyện sau này là thế đó, thưa bác.
Riêng khoản một bình rượu, một khay trà mà lão hủ nho, hủ nút vừa vẽ vời, em đành ngậm tăm với một bàn cờ vuông vì lão ấy chảnh chọe chấp em hẳn một con xe, con pháo. Nhưng khỏan kia, chẳng phải nói trạng, nói tướng gì nhà em xin vô phép vô tắc với quan bác, chẳng gì sáng dăm ba chén, chiều làm một vài chung. Tỉnh giâc mơ trần, em lại trở về trần ai một cõi cùng ba khóm tùng, bụi trúc. Để rồi thẫn thờ cùng những ngày tháng cũ với ai ra bến nước trông về Bắc, chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng, hoặc giả học thói nho gia với bản lai vô xứ sở, xứ sở thị chân không. Mặc dù chả biết quê nhà mịt mùng nằm ở cái đầu thôn cuối xóm nào, chỉ bàng bạc u hòai đến cành đào đất Bắc năm xưa, qua ngày này tháng nọ, cứ đeo đẳng với em không thôi, thưa bác.
Và muốn thôi cũng không xong, chả là nom ròm cành đào nghiêng ngả ở báo Tết, bụng dạ lại chộn rộn tợn, mặc dù chả biết hoa đào năm ấy nó...cười nhăn nhở gió đông ở cái khổ nào. Cuối năm ôn cố tri tân, ngả nghiêng qua chuyện ông thầy tu để tóc dài, mặc áo nâu sòng. Một ngày ông ngồi bó gối ngòai vườn ngắm cái gò mối nổi u, ông bật ra câu thơđộng nam hoa có thiền sư, đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn, tiếp thành câu hát con chim chết dưới...cội hoa, tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao.
Vậy chứ...chứ thông thiên địa nhân viết nho như quan bác, trăm sự nhờ quan bác kiến ngã dùm phải chăng Nam Hoa đây là Nam Hoa kinh của người Trang Tử. Nếu vậy Trang Tử đâu phải là thiền sư mà là...đạo sĩ nhiều bùa phép. Em lại nghĩ quẩn thêm, thêm ông thầy tu chả phải là đạo sĩ lại khơi khơi mang con chim gì gì ấy vào thơ thẩn?
Dám là...con hạc lắm ạ! Còn cội hoa là...mai hay đào đây, thưa bác?
Hơ! Chả thấy bác vén môi len chân vào chuyện cho, trộm thấy bác mặt ngầy ngật như say thuốc lào! Mà thuốc lào ba số 8 của trại "ri cư" Cái Săn ngày nào thì bu nó với thói tích cơ phòng hàn nên ối ra cả đấy, để em bảo trẻ thông điếu mời bác sơi. Nhắc đến hai chữ "ri cư", em lại rọ rạy tới 75 qua đây, là người di tản buồn, mỗi năm hết tết đến ngồi ngòai vườn nhìn cây cảnh thiếu vắng mầu hoa xưa cũ, em lại bất giác bồi hồi không thấy hoa nở chẳng biết xuân về hay chưa. Nhưng vạn sự giai không ấy là thơ của cụ Nghè Hải Dương Trình Quốc Công mà người sau thuổng đỡ làm nhạc tân thời ấy mà. Ấy là hai câu "Thấy nguyệt tròn thì kế tháng, nhìn hoa nở mới hay xuân" trong bài Thú tiêu dao của cụ Trạng. Và rồi mấy trăm năm sau, cụ Trạng mang dây ba-trạc, đầu đội mũ sắt, đeo ba lô vào rừng, gác súng M16 bên vai, chằm bằm ngắm hoa mai nở mà chính mình cũng chả hay. Nhẽ này Sấm Trạng Trình chả luận bàn tới. Bậy thật.
Tiết xuân năm nay điểm tí nắng hanh, thế là em ghé vựa cây thửa cây mai, cây đào về cho đời nở hoa xuân. Đang lụi đụi đào hố bỗng nghe tiếng chim cu đất gù gù "..cúc..cù..cu.." trên hàng dây điện như...cuốc gọi hồn, để lây lất qua "con quốc quốc" của bà Huyện Thanh Quan với "cái gia gia". Mà cái gia gia là...cái quái quỷ gì thưa bác? Chung quy tại em tối ngày vất vưởng với cái đĩa Mai Hạc của cụ Nguyễn Du có câu thơ "Nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen". Với mây tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt tận thì hai câu thơ ấy trong bài Thú Yên Hàvà cũng của Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm khi cụ cáo lão về hưu. Lại bậy nữa, phải chăng thưa bác?.
(Đĩa tìm thấy trên mạng lưới, và được
cho là đĩa Mai Hạc của Nguyễn Du?!) 

Đang ngồi hổng người ra, và lờ đờ...say như cóc ngậm thuốc lào, quan bác khẽ đánh mắt một cái ra nhẽ rằng cứ theo Việt Nam Văn Học Sử của Dương Quảng Hàm chép truyện cụ Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Tàu, gặp lúc công chúa Tàu chết ngắc. Cụ đọc bài văn tế trong đó có câu: Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt tận!...Xin kính hưởngđược cụ vua Tàu khen ngợi và đi vào văn học sử nước nhà. Tuy nhiên theo Kiến Văn Tiểu Lục của cụ Quế Đường Lê Quý Đông thì của bài thơ trên trong sách Thuyết Phu kể chuyện Dương Ức, đời Tống khi làm văn tế hòang hậu vua Tống Chân Tông là: Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!...Phụng duy thượng hưởng.
Dạ thưa vâng, quan bác dậy sao nhà em hanh thông vậy! Bởi chuyện hoa tàn nguyệt tận là chuyện của văn học, có ba mươi cái răng đóng trăng cái lưỡi em chả dại đúng đến. Chả là lúc này nhà em đang càm ràm với cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Nguyễn Du...Hơ! Bồng khi không quan bác gật gù ra ý mà rằng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ dịch lý qua dịch học để có Mai Hoa dịch số, đỏng đảnh tới cụ Nguyễn Du với người tình ba năm tên Hồ Phi Mai ngẫm ngợi thế mà hay: Vì có trùng một tên...hoa mai. Ấy mà hay thật cũng nên, vì đang em đậm đà với cả hai cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Duđều có cái thú ăn thịt...con cầy như em. Sống trên đời gần chót đời, để rồi bây giờ bỗng dưng em ôm rơm rặm bụng với...con hạc chết tiệt của ông thiền sư ăn mặn vừa rồi.
Cũng báo Xuân năm nay, em vã người với một nhà bác vật thành danh, mà trong bài lai cảo ông có ý đồ gán ghép bà chúa thơ Nôm với cụ Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu. Ông (Nguyễn Ngọc Ninh?) hiệu đính thơ cụ Nguyễn Du thế này đây:
"...Ghi thành ba dòng cọc cạch nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen, tôi nghĩ rằng thơ của Nguyễn Du không thể ngớ ngẩn như thế. Vì theo tôi, Nguyễn Du đã viết:Mailàngười cũ hạc là bạn xưa...".
Nhà bác vật sửa thơ, em chả dám lạm bàn. Ông còn cắc ca cắc củm thêm:
"...Về phần Nguyễn Du khi đặt mua 6 cái đĩa Mai Hạc ở Giang Tây, lò Cảnh Đức Trấn, ông đề với một liên thơ lục-bát chữ nôm. Người thợ lò sứ Cảnh-Đức tô đúng những gì ông viết, vì họ không đọc được chữ Nôm...".
Cú rằng có vọ rằng không, em chả hiểu nhà bác vật...vật đâu ra tới sáu cái đĩa Mai Hạc. Mà theo em dám cụ Nguyễn Du không biết...chữ Tàu để dặn dò thợ lò sứ lắm ạ! Quan bác gật đầu tắp lự làm như với dĩ thiển kiến đa, là lấy ít hiểu nhiều của nhà bác vật này với "Mai là người cũ hạc là bạn xưa" thì bác cũng chẳng hiểu gì luôn.  
Có thế chứ, được cởi như mở tấm lòng, nhà em mạn phép quan bác nhai văn nhá chữ với "Mai thê, hạc tử", và "Hạc nhi". Để rồi nỗi buồn chạm mặt ấy là điển tích điển cố và hình tượng chim hạc đã lững thững đi vào văn học Trung Hoa từ 3000 năm qua Mai hạc kinh miêu tả chim hạc nơi thảo dã. Chương hạc minh với tích hạc có thể sống hơn sáu mươi năm, thọ nhất trong các lòai điểu thú, cũng dài hơn tuổi ngũ thập tri thiên mệnh của người Tàu thời ấy. Nên hạc được biểu tượng cho chữ thọ, để có tuổi hạc, tuổi vàng. Nếu Nam Tào Bắc Đẩu có sổ tọet thì thôi cũng đành "hạc nội mây ngàn" để...cưỡi hạc về quê. Bằng vào nhiễu sự ấy, các danh họa Trung Hoa thường kết hợp hạc đậu trên cây tùng, với nỗi niềm là có thêm cây tùng thì sống...dai dẳng hơn. Nhưng khổ nỗi đó là bố cục chéo cẳng ngỗng, vì giống hạc lẩn thẩn ở đầm lầy, không sống ở trong rừng và cũng không đậu được trên cây vì móng chân của hạc quá ngắn.
Quan bác ngúc ngắc đầu ra cái điều chuyện chẳng ra chuyện với con hạc ở bên Tàu, nhưng bác nào có mục sở con hạc Tàu bay lạc qua nước ta thì khác. Số là nay ở Cố cung bảo tàng viện tại Bắc Kinh có tượng Liên hạc từ thời Xuân Thu, khắc con chim hạc thanh cao, đứng ngay đơ giữa đài hoa sen thanh khiết. Ngẫu sự là con hạc Tàu bay qua ải Nam Quan sang nước ta, hạc rời bỏ tòa sen và nhẩy tót lên lưng con rùa, chỉ vì "hai chữ thọ" gặp nhau. Vì vậy ca dao ta có câu "Thương thay thân phận con rùa, lên đình đội hạc xuống chùa đội bia" như ở Văn Miếu với người Khổng Khâu.
Cùng thời với con hạc, theo sử xanh của Tàu: "Người phương Nam mang triều cống chim trĩ, sừng tê giác, ngà voi, ăn nói ngô nghê, phải có người thông dịch...". Giống chim trĩ này thuộc vùng Thanh Hóa và "ăn nói ngô nghê" là người Chàm. Để rồi của người phúc ta, con chim phượng trong truyền thuyết Tàu, được nghệ nhân thiên triều vẽ lông, vẽ cánh từ những giống chim trĩ ở dẫy Trường Sơn như bích trĩ lông vàng đỏ, sơn trĩ lông vằn, tỵ châu trĩ thì cổ có vòng đỏ. Qua tới thời Minh-Thanh, hạc trắng biểu tượng cho giới nho sĩ, hạc là quan văn, còn kỳ lân miệng rộng, mũi to là quan võ và rồng năm ngón là vua...Xuống đến dân gian nhiễu sự hơn, ngoài miếu đền có rồng ba ngón nằm cheo queo, tức trong...thờ Ông và kỳ lân phủ phục ngáp dài ngáp ngắn tức trong...thờ Bà. Ở chùa, hạc là quan văn nên hạc nhẩy tót lên bàn thờ lo việc nhang đèn cùng hương tàn khói lạnh. Trong khi ấy với trường thi và quan trường, cử nhân là "cử" người ra làm quan, tú tài là người có "tài" ra giúp nước. Thời nhà Nguyễn, Minh Mạng thứ 9, nếu thi hương không đỗ để làm Hương cống hay cử nhân, mà chỉ đội sổ là tú tài làm Lại viên ở huyện, ở phủ. Tên được yết ở bảng vẽ cành mai là...Mai bảng.
Chuyện chẳng ra chuyện như chó nhai giẻ rách là thế đấy, thưa bác.
Nói về hạc mà em không phang ngang bửa củi đến Hòang Lạc Lầu trong thi ca của văn học Trung Hoa là...có tội với thi nhân đời Đường: Kiến trúc này nằm trên mỏm đá Hòang Hạc ở nam Trường Giang. Chủ nhân họ Tân giao du rộng, nên các văn nhân mặc khách thường lui tới đây uống rượu ngắm cảnh...hạc nội mây ngàn. Vì có một họa sĩ nào đó để lại trên tường bức tranhVũ hạc, vẽ hạc múa sống động...như thật. Người Thôi Hiệu nghe tiếng, bèn tìm đến đề thơHòang Hạc Lầu trong đó có câu "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản – Bạch vân thiên tải không du du".
Thơ thẩn như vậy là nhất với chiếu hoa một cõi, nhưng nghe óc ách làm sao ấy. Phải đợi đến cụ Tản Đà chỉ cần vẩy mực nhẹ hai câu cái hạc bay lên vút tận trời, trời đất từ nay xa cách mãi. Thế là hạc bay cái vù, lại bay đẹp nữa mới tuyệt bút. Nhưng chả phải đợi đến cụ Tản Đà sau này, năm nắm thấy vậy, trước đó người Lý Bạch mon men tới uống rượu ngắm hoa và cũng bon chen thơ thẩn"Hòang Hạc Lâu trung xuy ngọc địch - Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa"...Xin thưa với quan bác là thi hào, thi bá Trung Hoa có giật gỵa hạc vàng, hạc trắng gì gì chăng nữa thì câu: Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa và hiểu lơ mơ lỗ mỗ là ngắm mai rụng vào tháng năm. Với em quanh quẩn nơi xó vườn, nên đóan chừng người Lý Bạch ực rượu, ngất ngư làm thơ ngắm...mai hoang, mai dại nở vào giữa năm đấy thôi.
Đang luận về Đường thi, khi không bác mắt đảo tít như lạc rang và đậu trên bức Thạch Đào của Vương Du vẽ đào với chim. Thế là em được thể "vãi thì lại nói vơ" chuyện chim với đào, theo tích cũ vùng Lào Kai có lòai chim ngói ăn đào từ bên Tàu, chúng tha hột về và đánh rơi trên miền núi biên thùy. Hạt đâm chồi, mọc cây, có cây cổ thụ sống cả trăm năm. Các cụ ta chặt cành đào đặt góc bếp trong đêm ba mươi để trừ ma quỷ. Sau thấy hoa đào mầu hồng rực rỡ, tượng trưng cho hỉ tín, nên được trưng trong ngày Tết. Đó là giống bích đào hồng thắm, đuợc dân làng Nhật Tân ở Hồ Tây mang về gây giống. Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét Nàng Bân, mùa đông càng rét mướt, hoa đào càng càng rộ hoa thắm thịt. Mỗi năm thời tiết mỗi đổi thay, đang đông lại chứa thu, trong đông lại ẩn xuân. Chính sự nghịch lý của đất trời đã làm hỏng đi sự tuần hòan của những cánh đào, hoa không thắm mà lại hồng hồng. Nên được gọi là...đào mơ. Còn đào phai là đào ăn quả, cánh hoa thưa, mầu hồng nhạt.
Ừ thì ăn mắm ngắm về sau, cũng đến lúc bác và em nên dãi nắng dầm mưa qua chuyện cây mai của miền Nam mưa nắng hai mùa với tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Số là họ hàng hang hốc nhà mai nhiễu sự gì đâu với tên cũ xưa là Lạp Mai, xuất xứ mãi tận bên...ChânLạp. Nặng nợ với sử thi thì chúa Nguyễn Hòang rong ruổi theo chân người Chiêm Thành xuôi nam. Nhà Chúa mang mai vàng từ núi Cổ Mông tức núi Hòang Mai thuộc đất Bình Định, theo cuộc Nam tiến lưu lạc vào đến tận Hà Tiên. Riêng ở Hà Tiên, vùng này có giống mai trắng bốn cánh là một lọai mai hiếm và quý, vỏ cây hơi đỏ, đuợc tìm thấy ở núi Bình San, khu lăng tẩm họ Mạc. Thông thường mai năm cánh mọc ở trên núi được gọi là lãnh mai, trong rừng sâu là giả mai.
Ngòai Bắc có giang mai mọc ở bờ sông, nhưng thực ra cốc mò cò sơi vì ấy là biến thái của cây mơ, cây mận, hoa mầu trắng. Có người vẩn vơ "Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ – Đêm về thắp nến làm thơ "và đề thơ "Giang mai, mai ở đầu sông - Trong thơ Đỗ Phủ, ngàn năm vẫn buồn - Tàn rồi mấy độ hoa xuân - Thiền sư ngửa mặt tần ngần với mai". Trong Nam, một trong những đặc thù của mai là trên núi thân cao, cành sần sùi, trong rừng thì thấp, mảnh mai, càng nóng, mai càng nở vàng đậm. Ngoài ra còn có mai hoang, mai dại năm nở hai lần, hoa đỏ hồng nạt như hoa đào mà tên Nhật là Toyo Nishiky. Nhưng với tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt, nên em cũng muốn trồng cây nào rào cây nấy với hoa mai miền Nam mưa nắng hai mùa mầu sắc đậm đà hơn hoa xứ lạnh ở miếc Bắc. Đặc thù cây mai của miền Nam là mai chiếu thủy thường mọc bên bờ suối, cuống hoa dài xụ xuống như soi bóng nước nên mới có cái tên chiếu lên, chiếu xuống. Mai tứ quý hay mai kép, tức hoa có hai lớp cánh, lớp mềm lớp cứng, trổ hoa đỏ cả tháng. Ở Biên Hòa, xưa kia là Cù Lao Phố, do cụ Đào Tấn mang từ Bình Định vào, loại lãnh mai thân gầy vì cành mảnh mai, hoa và lá đều nhỏ. Riêng bạch mai rất hiếm, thời cụ Vương Hồng Sển ở Sài Gòn chỉ có ba cây, một ở chùa Tầu, một ở Phú Nhuận và cây còn lại cũng rất qúy và hiếm thì lại ở trong...trại tù Cây Mai.
Bác như lạc vào bến mê, nhìn vào chân không và ngụ ý rằng em giắt gíu bác từ vườn nhà đến...Cù Lao Phố là cặp ngay...bến ngộ. Ấy đấy chưa đâu, chẳng thiền tính thiền quán giống thiền sư họ Phạm với đánh rơihạt mận bên đường, xuân sau mọc giữa chân thườngcội hoatiếp nối với khổ nạncon chim chết dưới cội hoa ở khúc trên. Tiếp, em vấn bác cội hoa là...mai hay đào? Nhưng nay em chắc mẩm là...cây mận!
Bởi rõ ra là hạt mận bên đường, theo em với chữ nghĩa dùi đục chấm mắm cáy thì hoa mận mầu trắng chứ chả vàng khè trong bài Đưa nhà em tìm động hoa vàng của gã từ quan. Và thơ thẩn lụi đụi một cõi là vậy, bởi nhẽ em đã thưa gửi với bác là thiền sư ngồi ở vườn nhà, nhìn cái ụ mối mà hoang tưởng, hư cấu đấy thôi. Bác nhíu mày ngẫn ngẫn vậy chứ con chim chết dưới cội hoa là giống giuộc gì? Dạ xin thưa nhà em cũng không tường nên chả vạ miệng với con sâu hoàng khuyển của Vương An Thạch khi không hóa thân thành con chó vàng nằm trong hoa của Tô Đông Pha. Và cũng như bác, nhà em vặn óc nghĩ không ra khi không gã từ quan lên non tìm động hoa vàng lớ quớ gặp con chim chết dưới cội hoa là ẩn dụ, ngoa ngữ gì đây chả biết nữa, thưa bác.
Ngỡ con chim chết dưới cội hoa đã mồ yên mả đẹp, bác lại lẫn đẫn với bến ngộ đâu không thấy chỉ thấy bờ mê...bến lú để họach họe em: Thế con cu đất "cúc..cù..cu.." trên hàng dây điện ở Thạch trúc gia trang như...cuốc gọi hồn là lý sự gì. Úi chà gay đây, vì chuyện là có người Ngộ Không đã viết thành văn bài với tựa đề Bà Huyện Thanh Quan tân biên cố sự thì cố sự theo tác giả góp nhặt sỏi đá: Một là bài thơ Qua Đèo Ngang, bà Huyện truớc tác qua người Chàm vong quốc có tên Đèo Ngang. Hai là chim cuốc sống ở ruộng nước, đầm ao... chứ ở đèo Ngang núi rừng khô không khốc với đá sỏi thì đào, cuốc đâu ra...chim cuốc. Thế nên với mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây theo người Ngộ Không vì không có chim cuốc nên chả có bài Qua Đèo Ngang: Vì bà Huyện có đi ngang qua đèo Ngang hồi nào đâu! Nào ai hay biết?
Em vừa gọt cốt vừa giầy xong, bác thẫn thờ như gà rù giữa buổi đồng vắng với hột mận bên đường, với chữ nghĩa dùi đục chấm mắm cáy hồi nãy. Giờ quan bác mới nắng nỏ là "bồ dục" chứ chả phải là...dùi đục. Hơ! Dạ thì bồ dục chấm mắm cáy. Nhân có hột mận, em xin rọ mồm vào chuyện thơ thẩn...cây mận, cây mơ qua "Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ, đêm về thắp nến làm thơ". Nói cho ngay, nhà em chả rành đề thơ tác phú cho mấy, nên mạn phép bác...cóc cáy về mấy cái tên rằng ngòai cái ngữ danh đi với địa danh như..."Giang mai" và..."Xiêm-la", xin bác đừng bốc nhằng là..."tiêm la" ấy nha. Tội chết, thưa bác. Bởi tên gọi cỏ cây...lệ thuộc vào một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, sen kẽ là năm trăm năm chữ Nôm. Bởi em đồng bái quê mùa nên cứ nhà quê, nhà quéo với cây trái giống cái vú bò, được gọi là cây vú bò. Quả giống dái dê, nên được kêu cà giựt là cà dái dê. Mai, đào, mận, mơ cùng một giuộc, nên mới có câu cành mai, gốc đào, chồi mận, lá mơ. Mai là tên dân dã, chữ Hán gọi là lý. Mơ là chữ Nôm, chữ Nho là đào. Các cụ đặt tên con gái bằng tên các lòai hoa Đào, Mai, Lan, Lý, rồi gật gù...mặn mà cả tư. Tết nhất nhà nào cứ trưng cây quất, cây quít mà sai quả thì có...quý nhân phù trợ là nhiều...nô bộc. Vì vậy cây quất, cây qúyt còn được gọi là...mộc nô. Thới Tây học, nói như chó ngậm cám thì mộc nô "cái" là...cái Sen. Mộc nô "đực" là...thằng Đực. Ăn khoai môn ngứa miệng là thế đấy, vậy đó, thưa bác.
Tây, Tàu về...một cái tên thì nhà em xin phép bác vẽ rắn thêm chân...Quan bác cười thủng thỉnh mà rằng "rết" chứ chả là...rắn. Hơ! Dạ thì rết. Thì cũng bừa phứa đi ấy mà, nào khác gì người Tàu dậy khôn người Việt mình qua sách vở với chữ nghĩa cường điệu như Hồ mã tề Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi. Nôm na với tha hóa vong thân với con ngựa rợ Hồ gặp gió bắc là hí hí lên dăm tiếng vì nhớ cái chuồng. Con chim Việt ở nuớc Việt Câu Tiễn bên Tàu nhớ tổ ấm nên mới làm tổ ở cành nam. Thế nên cụ Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam. Thêm tích mai đầu mùa, cành đầu tiên luôn luôn mọc hướng về phía nam. Bác ậm lúc nào hưỡn bác ngó chừng xem mùa tới: Cành mai đầu mùa có chĩa về phía nam chăng? Và bác mặn chuyện là bác chỉ biết cụ Phan bị Pháp bắt an trí ở xóm Bến ngự, giữa cân nhà nhỏ với con thuyền đậu bến nhà vua xưa, núp bóng cây sung già cỗi. Bên kia sông Bến Ngự là chùa Linh Quang, có nhà sư gõ mõ sớm chiều đem lại sự lắng dịu trong lòng người..."ẩn sĩ" cho đến lúc lìa đời. Vì cây sung tượng trưng cho ẩn sĩ, vì hoa..."ẩn núp" bên trong trái, cho nên gọi là ẩn hoa.
Dạ bác dậy sao em nghe vậy, bởi em cao không tới, thấp không thông nên chả hiểu cây sung ẩn dụ, ẩn tàng ở khổ nào vì thân cây sung sù sì, quả xanh non dầy như rận bám dái trâu. Hơ! Từ nãy đến giờ em chỉ...dái dê đến dái trâu, và lại sắp sửa sù sì tới...sần sùi. Vì vậy quan bác cho nhà em múa bút chuyện...mỹ thuật văn học một chút qua hội họa Trung Hoa. Rằng họ vẽ tranh...vân cẩu khiến người thưởng ngoạn nhức nhối không phải là ít. Như danh họa Phí Mễ vẽ một lão ông đội nón mê, tay nắm gậy lom khom tìm kiếm...cái gì đấy giữa cơn bão tuyết rơi lả tả?! Nom ròm góc bức tranh có tên: Đạp tuyết tầm mai. Như Ngô Tuấn Khanh vẽ chim sẻ nhởn nhơ đậu trên cành mai mặt mày tươi rói. Lại giống con hạc đậu trên cây tùng, vì thợ vẽ Tàu phóng bút chim chóc ngự trên cành mai là hỏng bét. Vì theo nhà nông ta thì...chim chóc không đậu trên cành mai...mảnh mai. Lớ quớ lỡ té cái bịch thì sao, chim cò nào có dại. Dại như anh cò đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao thì các cụ ta xưa...sáo măng ngay. Ăn vạ chữ nghĩa các cụ, nếu như nhà nông ta lỡ có lộn thừng lộn chão, xin bác xá cho. Vì với triết lý củ khoai thì biên giới của đúng hay sai, chỉ cách nhau...một cành cây, thưa bác.
Đủng đoảng thế nào chả biết nữa, bác ngó em bằng nửa con mắt rùa mà rằng:
Rằng một lần Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đến thăm phủ thừa tướng nhà Nguyên, trên tường bên cạnh cửa sổ nhìn ra vườn có treo một bức họa vẽ con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất thật. Cụ Trạng ngỡ là chim thật đậu ngoài cửa sổ nên bước tới chụp... mới biết đó là bức họa. Thừa tướng và các quan phá ra cười. Cụ vội xé bức họa làm nhiều mảnh. Mọi người đều kinh ngạc, khi ấy cụ Trạng mới dẫn giải: Bỉ nhân nghe người quý quốc vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa bao giờ thấy vẽ chim sẻ đậu trên cành trúc. Vì trúc là quân tử. Chim sẻ là tiểu nhân. Tể tướng cho treo bức tranh như vậy là tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng tiểu nhân sẽ mạnh chăng, để rồi đạo của quân tử sẽ yếu đi. Bỉ nhân vì thánh triều mà trừ khử bọn tiểu nhân đó thôi.
Bác cười lủng lẳng ra ý tại ngôn ngoại với thật giả là thế: Nào khác gì chuyện giả với thật như bộ ấm cổ Giang Tô gan gà! Ai biết đó là đâu! Hơ! Bác nói gì vẩy? Xin bác tha cho! Thề đứa nào nói láo ông táo đội nồi cơm, em chả dám bạo gan lộng thiên hí địa, nhưng bác hãy cho em mượn gió bẻ măng qua bài Trẩn thủ lưu đồn với miệng ăn măng trúc măng mai, những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng.Ăn măng đã mẻ bát thiên hạ, em xin khua môi múa mép rằng mai đây là chả phải là...cây mai. Vì rằng ấy là một lọai tre lớn mọc ở trong rừng còn được gọi là cây bương được dùng để làm nhà. Cây tre bương có hoa giống như bông lau, dùng để bó chổi quét nhà với cái tên rất hoa văn là: Chổi...bông mai, chẳng qua chỉ là chuyện chổi cùn rế rách cho...rách chuyện ấy thôi.
Rách chuyện hơn nữa là cành mai còn lụi đụi đi vào văn học sử qua thi tứ lưu danh thiên cổ với giai thọai Nhất chi mai của nhà sư Tuệ Kỷ đời Đường qua câu "Tiền thôn thâm tuyết lý - Tạc dạ sổ chi khai", là ngòai đầu thôn, trong tuyết dầy, đêm qua có mấy cành mai nở. Sau Trịnh Cốc hiệu đính thay chữ "sổ" bằng chữ "nhất", từ nhất tự thiên kim Tuệ Kỷ cúi đầu nhận Trịnh Cốc là...nhất tự sư.
Cũng là sư, thiền sư Mẫn Giác, tôn sư của vua Lý Nhân Tông, có bài Cáo tật thị chung thâm viễn hơn và cũng thiền quán hơn"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền lạc dạ nhất chi mai", diễn nôm là đừng ngỡ xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước lạc một cành mai. Ở đây "xuân tàn" là trầm luân, "hoa lạc tận" là hư vô, giữa mê và ngộ, phân ra hữu và vô, có và không. "Nhất chi mai" chính là giác ngộ với trong sinh có diệt, trong diệt có sinh. Các cụ nhà Nho ta xưa ...thiền sư mả thế đấy, thưa bác.
Thế nhưng vào đời Trần "Nhất chi mai" lại lạc đường lịch sử vào sử thi mới rõ khổ:
Chuyện rằng lúc còn trai trẻ Hồ Qúy Ly đi buôn, trên thuyền đọc truyện Quảng hàn cung lý nhất chi mai của Tàu, giống chuyện cổ tích của Ta trên cung trăng có chú cuội với cây đa. Hồ Qúy Ly làm quan nhỏ trong triều, ngày nọ vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử, nhân đó vua ra câu đối cho các quan: Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế, với nghĩa trước địên Thanh Thử có cả ngàn cây quế. Hồ Qúy Ly nhớ lại chuyện cũ liền đối ngay: Quảng Hàn cung lý nhất chi mai. Vua nghe giật mình hỏi sao biết chuyện vua đang sửa sọan dựng cung...Quảng Hàn cho công chúa tên...Nhất Chi Mai. Họ Hồ tình thực trả lời, vua Trần cho là số trời nên gả công chúa cho, sau Hồ Qúy Ly sóan ngôi nhà Trần.
Vô hình chung sử nhà lật sang một chương khác: Vì...một cành mai.
Mà khổ thật, hốt nhiên bác miệng giật giật như muốn nói. Nhà em hiểu rồi, bởi bác mà không nói chuyện mồm miệng nó mốc đi và tâm viên ý mã của quan bác là với Nhất Chi Mai là thuật sử, còn cây bạch mai của cụ Vương Hồng Sển ở trên là dật sử.
Chuyện là vào thời Tự Đức, Tôn Thọ Tường vì mặc cảm theo Pháp nên nghe nói ở đồn Cây Mai (tức nhà tù Cây Mai bây giờ) có cây bạch mai thuộc loại mai quý lạc loài giữa hoàng mai trong Nam. Ông làm bài Vịnh Cây Mai để bày tỏ sự lạc lõng cô lẻ về sự lầm lỡ của mình. Sau này có một nhà vạn vật học và sử gia Phạm Văn Sơn tìm ra đấy không phải là bạch mai. Tội nghiệp ông Tôn Thọ Tường, tưởng là cây mai, ai ngờ thêm một lần lại lầm lạc nữa, vì đem tâm sự gửi gấm vào đúng ngay...cây mù u
Cứ lêu bêu theo em thì cây mù u là tên gọi ở trong Nam. Ra tới miền Trung, cây có họ hàng hang hốc với cây sầu đông, sầu đâu. Ở...đâu không thấy nhưng ngoài bắc họ ới là cây xoan hoa tím. Cây mù u, cái tên tự nó đã u ám, mù mịt kể gì, vì hoa nở như...mếu. Có lẽ vì cây mù u ở trại tù Cây Mai bị chột nên không có hoa, vì vậy từ ông Tôn Thọ Tường, đến cụ Vương Hồng Sển đều bị lầm là cây bạch mai nữa là, thưa bác.
Hơ! Chuyện của quan bác rối rắm thế nào, chuyện của nhà em dưới đây rối ren thế ấy. Bởi năm mới nói chuyện cũ, em muốn eo sèo với người về từ trăm năm đã nặng nợ với mai. Như đã thưa với bác vừa rồi qua cụ Đào Tấn mang mai vào Cù Lao Phố.
Chuyện là vào thời Tự Đức, nhân quy kỳ hà nhật thị, lão tận cố hương mai, trên đường hồi cố quận, cụ Cao Bá Quát ghé thăm bạn đồng liêu là cụ Đào Tấn ở Đào mai viên, thuộc Bình Đinh. Cụ Đào Tấn làm quan đến chức Thượng thư bộ Công, là người chuộng mai cụ để lại bộ Mộng mai từ lục, bút hiệu Mai Tăng. Trong đó cụ đề cao cái thanh nhã của mai với Tứ đức: Cao, tú, nhã và đạm. Mai cũng biểu tượng tình bằng hữu qua câu Tuế hàn tam hữu: Mai, tùng và trúc. Mấy lần trước, đã bao thu nơi chốn này, cụ Cao Chu Thần lưu lại câu thơ "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm - Nhất sinh đê thủ bái mai hoa".Thế nhưng lần này ghé thăm, cụ lão bạn đã tận cố, hương mai đâu chẳng thấy.
Đột nhiên quan bác đờ đẫn cười với tâm ý là "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" mà bấy lâu nay ta gán cho Cao Chu Thần và hết lời ca ngợi khí phách của họ Cao trong câu cổ thi này. Thực ra, đó là thơ của phủ quan Hán Dương tỉnh Hồ Bắc tên là Ngải Tuấn Mỹ, nguyên văn "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm - Nhất sinh đê thủ bái mai hoa", dịch nghĩa là mười năm vất vả tìm cổ kiếm,một đời chỉ cúi lạy hoa mai. Hai câu ấy, phủ quan viết tặng phó sứ nhà Nguyễn là Nguyễn Tư Giản năm 1868 thời Tự Đức, khi sứ bộ Đại Nam sang triều cống nhà Thanh đi sứ qua đó. Chính Nguyễn Tư Giản đã ghi lại hành trình chuyến đi, với hai câu thơ trên trong cuốn Yên thiều bút lực năm 1868. Được biết văn bản hiện vẫn còn ở dạng chép tay của phó sứ Nguyễn Tư Giản. Thêm nữa, ta đều biết Cao Bá Quát đã mất năm 1854, nghĩa là trước đó đến 14 năm.
Quan bác dậy sao nhà em cũng chỉ hay biết thế thôi, bởi khi rày nhà em đang vật vã với cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân, cũng như Khổng Minh nghĩ đến thân phận còm cõi của mình trong cái tuổi bóng xế về chiều. Khi Gia Cát Lượng hồi thảo am với "Kỵ lư hóa tiểu kiều - Độc thán hoa mai sấu", nôm na là cưỡi lừa qua cầu nhỏ, chỉ thấy xót xa khóm mai gầy. Cũng vậy với Cao Bá Quát, về lại chốn cũ, cụ Cao cố viên hồi thủ bất tăng bi, bạn xưa chẳng còn nữa, ngoài nồi buồn hiu quạnh cùng những gửi gấm niên nào của cụ Đào Tấn với "Mai mốt non mai ta gửi xác, để cho mai dỗ giấc mai tăng". Cụ Cao tìm đến chân núi Hòang Mai viếng mộ chí của cụ bạn già đã quá vãng có câu di cảo: "Mai sơn tha nhật tàng mai cốt – Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn".
Từ nấm mộ cụ Mai Tăng u lên dưới chân núi Hòang Mai, tiếp là em cập rập tới cái gò mối của thiền sư mặc áo nầu sòng, đầu để tóc dài đã đẩy đưa em đến với bác: "Hạc buồn dỗ giấc mù sa, âm nao lãng đãng tơ vàng sương bay".Sau đó lặng lờ với những dấu ấn ngày nào năm ấy:"Chân chim nào đậu bên cồn, ngược xuôi có kẻ lại buồn dấu chim". Khúc cuối bài văn khảo này, em thêm chữ, bớt câu lặn lội theo những bước chim di của một người di tản buồn qua truyện ngắn vắng gió đìu hiu dưới đây, thưa bác...
(...) Truyện viết về một cụ ông Bắc Kỳ 54 qua đây xin chọn nơi này làm quê hương đã lâu, cuối đời nhờ con cái để lại cho căn nhà cũ che mưa che nắng. Ngay ngày đầu cụ bắt gặp một đàn kiến lũ lượt từ ngòai vườn bò vào nhà. Cụ tẩn mẩn ngắm chúng hàng giờ và bâng khuâng vì thấy chúng nhang nhác giống như cụ chạy lọan trên đất Bắc hồi nào. Lát sau, chúng lếch thếch vác mì gói vụn, khuân cơm nguội rơi rớt của cụ ra ngòai. Cụ hình dung đến cuộc di cư vào Nam tay gánh tay gồng như mới đâu đây.
Đồng cảm như cùng đi chung một chuyến đò nên duyên, thế là cụ lẩn thẩn theo chúng ra tận ngòai vườn. Nhìn thấy cái tổ kiến u lên một đống, cụ chẳng hoang tưởng như lên non tìm động hoa vàng...ngủ quên. Cụ ngồi bệt xuống mấy cọng cỏ, tỉ tê với chúng những chuyện gần xa của quê cha đất tổ. Cụ lan man với chúng qua khóm tre bụi chuối, nhà ngang nhà chái bàng bạc là ao vườn này kia, kia nọ.
Cụ thì thầm với đàn kiến về quãng đời bèo dạt mây trôi của cụ: Số là vào đến Cái Săn, chưa rít hết điếu thuốc lào ba sô 8 thì đụng đầu cái chát năm Ất Mão 1975, lại tay xách nách mang xuống thuyền nước mắt như mưa khăn gói gió đưa lếch thếch qua đây và cụ cầy như...vạc. Và cụ thở ra, bây giờ sắp bước qua năm Ất Mùi. (...)
Hơ! Già rồi nên lẫn hay sao ấy, đùm đậu thế nào chả biết nữa, chuyện cũ thì nhớ, chuyện mới thì quên. Trời chưa tối đất, còn sớm chán mà, hượm hãy về thưa bác. Chết chửa! Em quên tuốt bảo bu nó sai trẻ thông ống điếu mời bác sơi thuốc cái đã...
Cái đã...với năm Ất Mùi tới đây, vậy là đã 40 năm chẵn, bất chợt em chợt dạ quan hòai đến một vũng tang thương nước lộn trời vào cái năm 75. Thế nên em vay mượn hình bóng cụ ông trong những ngày chập chọang nắng quái chiều hôm, suốt ngày quanh quẩn trong vườn nhà. Thêm đất trời buồn rười rượi như cơm nguội chiều đông, với ba điều bốn chuyện của cụ ông, em lạihiu hắt đến Nguyễn Bính qua Hành phương Nam với quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng vương. Bởi mấy năm sau, người thơ từ Nam trở về Bắc, mất ở bờ ao quê nhà trong một chiều 30 Tết. Khác với cụ ông, it nhất người thơ còn có một nơi chốn để gửi gấm nắm xương tàn...
Thế nên qua đồng chiều cuống rạ, em mang con cu đất vào bài văn khảo. Từ như cánh hạc bay trong cái đĩa Mai Hạc của cụ Nguyễn Du qua mấy cành mai thuộc thành Đồ Bàn xa xưa. Rồi chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi về phương nam: Cây mai đi đến đâu, dân tộc Chàm mất đất đến đó. Chơ vơ còn lại chỉ là những tháp Chàm, qua những lớp sóng phế hưng, văng vẳng cùng tiếng chim cuốc khắc khỏai cùng một cõi đi về với bà Huyện Thanh Quan. Với lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, là những người viễn xứ u hòai vọng cố hương trong những ngày cuối năm mà hình ảnh ngày nào còn đang ẩn khuất. 54 xuôi Nam theo những bước chim di của chúa Tiên, bác và em chỉ mang theo hoa đào năm ấy còn cười gió đông qua tâm tưởng. 75 khăn gói gió đưa qua đây, cả hai bỗng khi không hóa thân vong quốc như người Chàm lúc nào không hay.
Bác và em, khác gì đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, tương phùng hà tất tằng tương thức, là cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau. Nay nhân giải cầu vong niên cửu trùng tri ngộ, lại cùng nhau hoài cố quận qua cành mai, nhánh đào.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại nhớ cánh mai vàng 

(Khuyết danh)
Bác làm như trầm luân trong bể phù sinh và thở hắt ra rằng sẵn cái mạch quê hương bản quái vạn kiếp tha phương nghìn đời thêm thảm ấy, thì...Ừ thôi thì một ngày nào đó không nắng thì mưa, em và bác hãy hồi bản trạch để dối già một lần cho nhẹ mình nhẹ mẩy: "Tưởng tượng ta về nơi bản trạch - Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn". Hoặc giả như "Ta về tắm lại dòng sông cũ – Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên". (Tô Thuỳ Yên). Thế nhưng chẳng dấu gì bác, em đã hơn một lần, thì em cũng đã...
Thì về với bến sông xưa
Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò
Nhìn theo ngọn khói vu vơ
Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không 

(Xuân Sách)
Thạch trúc gia trang 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 
(Vân tán, Đinh Hợi 2007 
Nguyệt tận, Ất Mùi 2015)
Theo http://chimviet.free.fr/

1 nhận xét:

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...