Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Một mẫu xiếc mới: Làng tôi

Một mẫu xiếc mới: Làng tôi 
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh 
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam...
Chung Quân
Trong khuôn khổ chương trình biểu diễn sinh động bắt đầu từ ngày khai trương, viện Bảo tàng Đường bờ sông Branly ở Paris tiếp đón ở nhà hát Claude Lévy-Strauss đoàn xiếc Việt Nam Làng tôi trong một loạt 9 buổi trình diễn đặc biệt (buổi chiều và buổi tối) từ 18 đến 27 tháng sáu 2009. Dựng lên theo đề nghị của Hội đoàn Sân khấu Địa cầu Pháp và yêu cầu của viện Bảo tàng để trình diễn ở đây, Làng tôi đã được báo chí Pháp đánh giá là một đoàn biểu lộ tính thường xuyên và tính độc đáo của nền văn hóa Việt Nam qua một lối biểu diễn ít thấy đến nay : môn xiếc mới. Phản ánh hình ảnh tuồng và múa, đoàn đã tiếp tục truyền thống Việt Nam, cảm hứng theo đời sống để dựng lên những màn phục hồi không khí xác thực đồng quê. Trên một thảm đất màu nâu nhắc nhở đất sông Hồng, đất nông thôn, những thân cây tre đủ kích thước làm rường cột cho những giàn giáo ráp dựng ngay tại chỗ, trong thời gian biểu diễn, cũng như khi được sử dụng bay lượn trên dưới quanh mình trong những điệu múa là yếu tố chính trên sân khấu luôn nhắc nhở nguồn gốc Việt Nam của đoàn, kể cả những vùng sắc tộc mà khán giả luôn nghĩ tới khi xem trình diễn. Thừa hưởng truyền thống lâu dài của đất nước chuyển từ đời nầy qua đời khác, đoàn không ngần ngại tiếp nhận những mới lạ của những đoàn ngoại quốc thường xuyên tiếp xúc : Tàu, Pháp và gần đây những đoàn các nước Tây phương. Có những nhà báo tiếc là nhà hát quá nhỏ cho 14 nghệ nhân để các động tác phát triển được toàn diện, lối diễn xuất ánh sáng cũng cần có chiều sâu mới tỏa ra được toàn biên độ. Tích cực là phòng nhỏ thì khán giả rất gần với diễn viên, mỗi một lúc tưởng như họ vượt ra khỏi sân khấu, từ đấy dễ chia sẻ với họ nỗi vui thích luôn chan hòa mặt mày khi biểu diễn...
Đoàn đã thực hành một kịch bản hoàn toàn mới, không tuần tự biểu diễn từng tiết mục riêng biệt như mọi khi mà nối liền liên tục một số màn trình bày thành nhiều hồi những hoạt cảnh, đưa khán giả vào nền văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam qua những kỹ thuật xiếc cơ bản như nhào lộn, tung hứng, uốn dẻo, đu dây hay giữ thăng bằng. Bắt đầu buổi sáng là khi gà gáy, chim hót, những tia mặt trời đầu tiên chiếu sáng dân làng đứng im: trẻ con chơi đùa, người lớn làm việc, câu cá, chỉ cử động khi tiếng sáo vang dội khởi sự một ngày ở thôn quê. Trong hồi "Nghệ thuật thượng võ", dân làng sử dụng kỹ thuật nhào lộn như trong một cuộc tập luyện quân sự, qua nhịp lốp đốp của những tiếng cành tre. Cây tre là đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam, được làm nổi bật trong mọi tiết mục (mành tre làm nền), động tác (đi lại, nhào lộn trên ống tre, tung hứng các rổ tre), ngay đàn môi cũng làm bằng tre. "Lửa tre" là một hồi trình bày một nghệ nhân biểu diễn thăng bằng trên những cột tre ghép lại với nhau dưới có hai người mang. Quanh hai người nầy là dân làng nhảy múa trong một điệu "Lửa thiêng" quanh ngọn lửa hồng. Trong hồi "Ngôi chợ" trai trẻ gặp nhau, hàng hóa được trao đổi qua kỹ thuật tung hứng những trái cây, những thúng mủng cũng như những mảnh tre. Màn "Lao động sản xuất" trình bày cuộc sống đồng áng ở làng quê, xen lẫn với những sinh hoạt văn nghệ, những điệu hò, hát đối, hát ví, những lời ca của các cô gái sắc tộc. Đến hồi "Lễ hội ở làng", có màn kéo co, khán giả được mục kích một "Lễ đính hôn" với cặp trai gái trên những cà kheo cao cẳng, một "Lễ kết hôn" với cặp uyên ương cố giữ thăng bằng trên mái nhà. Khi trời hạn hán, "Lễ cầu mưa" cần thiết đã hiến khán giả một hồi vui nhộn với hai chú tiểu gõ trộm mõ nhà sư và cùng nhau tung hứng trước khi chuông khua, mõ gõ, xoong nồi đập nát luôn trong mục đích khiêu khích mây trời. Và trời bỗng trở nên đen tối, trong "Cơn phong ba" sấm sét rầm trời, những cây tre cọ xát nhau, trước khi làng xã bước vào "Đêm tối", sao sáng bầu trời, một cô gái lấy nước trong hũ để tắm dưới ánh trăng và sau đó không ngủ được, cô trằn trọc trong mùng qua ánh đèn dầu leo lét. Nếu tiếng sáo, nhạc gõ, trống, chiêng, các loại đàn đủ thứ, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn môi... làm nền cho những hoạt cảnh, một bản đàn bầu êm dịu não nùng đệm màn cuối cùng nầy để kết thúc một ngày và cũng là buổi trình diễn. Toàn bộ phần âm nhạc được khai thác từ chất liệu dân gian, những giai điệu mới lạ lại xuất phát từ những tiết tấu thường biết : dân ca, đồng ca, ca trù, vở chèo,... Dàn nhạc truyền thống gồm có năm nhạc công thay đổi nhau sử dụng các nhạc cụ. Màn nghệ nhân độc tấu đàn đáy trước những nắm tay cầm chặt mấy thân tre biểu hiện một nghệ thuật phối hợp cảnh nhạc lên cao cùng bậc, một cuộc biểu diễn hoàn toàn thành công.
Theo báo chí đọc ởPháp, được biết đoàn xiếc biểu diễn lần đầu tiên ở Hà Nội năm 2005 với 80 diễn viên. Khởi đầu có ba nghệ nhân công tác ở nước ngoài : nhà đạo diễn Lê Ngọc Tuấn Anh (người Âu gọi Tuan Le) bên Đức, hai anh em nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý và nhà giáo Nguyễn Maurice Lân, nhân viên trường xiếc Chambéry ở Pháp, cùng nhau dựng lên một dự án giao lưu văn hóa Pháp Việt. Quê gốc người Nam, Anh theo cha mẹ qua Đức hồi 13 tuổi, luôn còn giữ quốc tịch Việt Nam, đã từng là nghệ sĩ ở Trung tâm Văn hóa Ufa-Fabrik và đã thường đi biểu diễn nhiều nơi với đoàn Xiếc Mặt Trời. Năm 2003, anh về Việt Nam với bốn nhạc sĩ Hoa Kỳ để dựng một đoàn trở lại biểu diễn ở Đức. Hai năm sau anh qua làm việc với đoàn Làng tôi. Khởi xướng và là nồng cốt của dự án, Lý bắt đầu xem xét những học sinh trường xiếc để chọn lựa những diễn viên nam nữ xuất sắc nhất. Anh giải thích cách làm xiếc mới : lối nhảy múa trên một đề tài, theo một điệu nhạc quan trọng không kém gì kỳ công biểu diễn. Nhà đạo diễn Anh bảo đã khai thác tối đa năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ : anh chỉ đưa ra chiều hướng biểu diễn rồi để cho nghệ nhân tự ý thực hiện những động tác theo trí tưởng tượng và cảm xúc của mình. Kết quả mỹ mãn khuyến khích họ tiến lên bước nữa, nhắm mục đích đi ra biểu diễn trên thế giới. Số diễn viên rút lại còn 14 người, toàn thuộc trường xiếc Việt Nam, chỉ cần xem lại y phục, hoàn hảo phụ tùng như xử lý cành tre để cho bền bỉ và lâu hư, hiện đại hóa những hệ thống âm thanh, ánh sáng,...Họ thành công kết hợp được nhiều đoàn thể như Xiếc Việt Nam, Sân khấu Việt mà Lý là người thành lập, Liên Nghệ thuật và Sân khấu Địa cầu (Interarts et Scènes de la Terre), những Sân khấu Quốc gia (Scène Nationale) Chambéry, Sénart, La Rochelle, Brest, Caen, Trung tâm Nghệ thuật Xiếc Chambéry (Centre des Arts du Cirque de Chambéry) và nhận đuợc sự ủng hộ của Sứ Quán Pháp cùng Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội. Trước khi lên đường qua Pháp, đoàn Làng Tôi đã tập dược từ cuối năm 2008 ở Trường Xiếc Quốc gia Hà Nội, một trường rất có tiếng được thành lập từ năm 1970. Chương trình được ra mắt ngày 05 tháng năm 2009 ở Hà Nội. Sau viện Bảo tàng Đường bờ sông Branly cuối tháng sáu 2009, đoàn sẽ đi biểu diễn ở Festival d'Anvers bên Bỉ (2-12 tháng bảy) rồi một vòng quanh Pháp : Chambéry, Draguignan, Drôle (thánh mười một), Brest, La Rochelle, Senart, Bordeaux, Caen (tháng mười hai) và Bayonne, Caen (Pháp), Viennes (Áo), London (tháng giêng 2010) trước khi qua Áo, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha. Đoàn cũng đã được Đài Loan, Hongkong, Singapore đặt hàng cho sau đó. Giữa những chuyến xuất dương nầy, đoàn sẽ trở vể biểu diễn ba hôm 9,10 và 11 tháng 10 tại Rạp xiếc Trung ương ở Hà Nội nhân dịp ngày giải phóng Thủ đô và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm thành lập Thăng Long và mong có dịp ra mắt khán giả đất Thần Kinh ở Festival Huế 2010.
Sự tích hấp dẫn đoàn xiếc bắt đầu từ những năm 20. Người ông nội đi học ở Nancy bên Pháp, đỗ kỹ sư nông học, về lại làm việc ở Việt Nam, có hai con : Long Robert và Khánh. Năm 1946, khi chiến tranh bùng nổ, với tánh tình bộc trực, dễ bề dấn thân, Long được cha gởi qua Pháp du học còn Khánh thì xung vào quân kháng chiến. Bị bắt, chàng trai phải chọn lựa giữa nhà tù và quân đội. Không ngần ngừ, Khánh xin ghi tên vào trường quân sự Đập Đá rồi tiếp theo học ở trường võ bị Saint Cyr ở Pháp. Năm 1957, lần lượt Khánh trở thành viên chỉ huy đầu tiên quân đội Việt Nam Cộng hòa rồi thăng chức tướng quân đội miền Nam. Bên kia chân trời, Long thiếu tiền ăn học, xin làm thợ ở hãng Renault, ghi tên vào Đảng cộng sản Pháp và bỏ tâm đóng góp vào sự nghiệp độc lập dân tộc. Rất dễ hiểu, năm 1962, cùng với bà vợ Pháp và ba đứa con, hai trai Nhất Lý và Maurice Lân, 4 và 6 tuổi, một gái 3 tuổi, ông hân hoan đáp xe lửa xuyên Xibêri và Trung Quốc về Hà Nội. Từ giã chức cố vấn ông giám đốc một xưởng cơ khí, ông trở thành một người thợ tiện vào lúc người anh, tướng Khánh, đang tung hoành ở miền Nam : một nguồn gốc, hai định mệnh ! Lý vào học nhạc viện, Lân được nhận vào một trường xiếc và sau đó cô em gái cũng đi tiếp con đường của anh. Năm 1972, vào lúc bom Mỹ tàn phá dữ dội, nhạc viện và học sinh phải di tản, Lý trở thành nhạc công trompet và làm hề trong một gánh xiếc quốc gia. Lân nuôi mộng qua Pháp học kịch câm với Marceau, nhưng thời cuộc chỉ cho anh đi biễu diễn ở các nước anh em xã hội và thành lập một đoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1980, với một nỗi luyến tiếc không bờ rời bỏ nghề làm hề, Lân cùng anh theo cha mẹ qua Pháp, quốc gia của mẹ, tổ quốc thứ hai...Bắt đầu từ đây, một cuộc sống mới bắt đầu. Tiếng Pháp rời bỏ từ thuở ấu thơ bây giờ phải học lại. Một căn hộ F3 ở Bagneux, miền nam Paris, cho cả gia đình không phải là một biệt thự rộng rãi. Cả cha mẹ lẫn con cái đều từ chối xin làm tị nạn chính trị. Lân mau tìm ra đoàn xiếc Plume và cộng tác xây dựng trường xiếc ở Besançon. Bên phần Lý thì khó khăn hơn : rửa chén, taxi, chạy giấy, nhạc bar,.. đủ nghề lặt vặt để có miếng ăn. Sau những năm làm người Pháp ở Việt Nam, bây giờ họ là người Việt trên đất Pháp. Và ông Long tự hào: Bây giờ chúng ta mới xứng là con dân Việt. Sau cùng, Lý được nhận làm giám đốc Nhạc viện thanh niên ở Aubervilliers cạnh Paris. Những cuộc gặp gỡ nhiều giới đã giúp anh thành lập hội Nghệ thuật Cùng nhau (Art Ensemble) ở Cergy-Pointoise với mục đích để cho con trẻ Việt Nam và Á Đông luôn còn được tiếp nhận nền nhạc đất nước. Sau một thời gian mằn mò tìm kiếm, dần dần đoàn xiếc Làng tôi thành hình.
Báo chí trong nước từ nhiều năm nay thường phản ánh nghệ thuật xiếc bên ta không còn hấp dẫn khán giả, các nhà hoạt động, quản lý, chủ nhân xiếc cần phải thay đổi hình thức để thuyết phục họ, chẳng hạn đa dạng hóa nghệ thuật xiếc, làm giàu ngôn ngữ xiếc bằng cách biến thể nó thành xiếc kịch, xiếc nhạc, xiếc múa,...trong một đại gia đình các loại xiếc mới. Trong mục tiêu đó, mọi khán giả đều đồng ý Làng tôi đã là một cuộc trình diễn đầy thơ mộng, nay mai ắt sẽ xây dựng thương hiệu xiếc Việt trong làng xiếc mới thế giới. Những động tác tuần tự thao diễn như một điệu múa, vẻ tươi tắn cùng kỳ công của những diễn viên góp phần vào sự thành công. Đặc biệt những màn diễn đã dựa lên những cảnh quan thường thấy, những động tác lặp lại những cử chỉ quen thuộc của người nông dân trong công việc đồng án, làm ruộng, tát nước, cũng như khi xây nhà dựng cửa. Đằng khác, những điệu nhạc chọn lọc đúng mức chỉ có thể làm hoàn hảo cuộc biểu diễn. Kết quả mỹ mãn xây dựng một không gian văn hóa làng Việt nầy qua một chương trình đương đại mang đậm bản sắc dân tộc là công lao của một tập thể mà những vai chính là Nguyễn Nhất Lý (dự án, phối hợp, soạn nhạc), Lê Tuấn Anh (đạo diễn), Nguyễn Maurice Lân (mỹ thuật), Nguyễn Tấn Lộc (điệu múa), Lê Viết Tuấn (âm thanh), Nguyễn Văn Dũng (trưởng đoàn). Thêm vào đó phải kể tám nam và sáu nữ diễn viên, năm nhạc công. Ngoài ra còn phải ghi tên những người Pháp đã giúp việc đắc lực : Jean-Luc Larguier (Interarts), Chantal Larguier (Scènes de la Terre), Aylana Irgit (phụ tá), Dominique Bonval (kỹ thuật và ánh sáng), Emmanuel Journoud (quản lý) và những Scènes nationales nhiều tỉnh đã hết lòng đóng góp. Hai ông bà Larguier chịu trách nhiệm về sản xuất thực hiện và phối hợp, đặc biệt là những người đã giới thiệu và xúc tiến cuộc biểu diễn của đoàn Múa rối nước ở Pháp và trên thế giới cách đây hai mươi năm.





Bài và ảnh 
Võ Quang Yến
Theo http://chimviet.free.fr/


1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...