Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Một ngày không như mọi ngày

Một ngày không như mọi ngày
Tuần này tình cờ tôi ở nhà hôm thứ sáu. Nhà tôi đi vắng cả tuần, cũng về nhà vào buổi trưa để kịp đi khai thuế vào chiều hôm đó.
Dùng bữa trưa xong, nhà tôi pha trà và cho tôi một cốc, rồi đem tờ khai thuế ra điền điền viết viết.
Tôi làm việc nơi chiếc máy PC. Nhưng màn hình máy PC của tôi bỗng tối lại, máy đã bị tắt bất ngờ ..Màn hình tivi cũng tắt từ hồi nào, tiếng gió thổi hơi ấm từ chiếc lò sưởi chạy điện đã im bặt.
Ngay sau đó tủ sách trước mặt bắt đầu rung ..
Trong tuần qua, Tokyo đã bị rung như vậy một lần rồi. Kiểu rung này rất lạ khiến mình có cảm tưởng như đang ở trên chiếc thuyền bồng bềnh, rồi như có sóng xô mỗi lúc một mạnh dần khiến thuyền chòng chành. Trái lại với các trận động đất thường xảy ra là bỗng dưng cả ngôi nhà bị giật mạnh một cái, rồi sau đó mới rung, hôm nay cũng lại kiểu rung là lạ, có cảm giác như ngồi trên chiếc thuyền bị sóng nhồi mỗi lúc một chao đảo mạnh hơn.
Chấn động mỗi lúc một mạnh khiến cả ngôi nhà bằng gỗ rung rinh và kêu lên răng rắc, bấy giờ tôi vội gọi nhà tôi xuống tầng một, vì sợ nhà bị sập bất ngờ.
Tôi vội chạy đi mở cửa như đã tập phòng chống động đất, đó là phải mở cửa sẵn kẻo chấn động làm khung cửa bị méo, sẽ không thể mở cửa để thoát ra ngoài. Mở cửa rồi, quay trở vào, nhưng thấy cả ngôi nhà vẫn rung lắc dồn dập quá, nên tôi chạy luôn ra ngoài cửa. Nhà tôi cũng ra theo. Sau mới nhớ lại là từ khi tới Nhật đến giờ, đây là lần dầu tiên mà tôi hoảng sợ đến phải chạy ra khỏi nhà, chứ lâu nay thì sợ lắm tôi cũng chỉ nấp dưới gầm bàn mà thôi.
 Tôi nhìn quanh, thấy bà hàng xóm đứng bên cửa sổ tầng hai cứ nhoài người ra đưa tay chùi mắt, có lẽ là bà đang khóc, cuống quýt không biết phải làm sao.
Cột điện và dây diện lắc lư như hoảng loạn, và có tiếng còi inh ỏi từ mấy chiếc ô tô đậu trong sân các nhà hàng xóm. Tôi lo lắng nhìn lên tầng hai nhà của mình xem có bị đổ hay không, bỗng nghe nhà tôi gọi:
- Em coi kìa, mấy chiếc xe bị mặt đất nhồi, đang nẩy tung lên kìa.
Chợt nhìn thấy hai bàn chân tôi (trong lúc hấp tấp, tôi đã đi chân đất ra đường) nhà tôi nhắc:
- Người ta bảo khi động đất phải đi giầy vào em à, kẻo nhà đổ, giẫm phải gạch ngói!
Tôi thì chợt nhớ là lẽ ra phải đem theo túi cấp cứu khi động đất. Túi này vẫn để trong tủ giầy cạnh cửa ra vào. Tôi vội mở cửa trở vào lôi hai chiếc túi đó ra, và lập cập đi giầy chạy ra đường lần nữa.
Xong bây giờ...tới lượt lại nhớ ra là trời lạnh mà mình phong phanh manh áo mỏng, lại quay vào nhà toan lấy áo khoác. Nhưng cũng vừa lúc ấy tôi nhận ra là  nhà đã hết rung, bèn ngồi thụp xuống ngay nơi cửa, lục lọi trong túi cấp cứu tìm chiếc radio nhỏ để nghe tin tức.
Bấy giờ mới biết có động đất mạnh ở ngoài khơi miền đông bắc Nhật bản. Đài phát thanh đang lo kêu gọi dân chúng tìm chạy lên nơi cao để tránh sóng thần.
Chúng tôi lên tầng hai, mới biết tủ sách trước máy PC của tôi đã hắt những cuốn từ điển và giấy tờ rơi hết xuống sàn, chén trà chưa kịp uống bị rơi đổ làm ướt những thư từ và tài liệu từ trên bàn rơi đầy dưới sàn nhà. Các kệ tủ trong phòng khách trống trơn, tất cả những gì để trên đó đều bị hắt rơi xuống ghế sofa bên dưới. Cũng may là các tủ sách đều ở dưới tầng hầm nên không hề hấn gì, tuy thế mấy tấm ảnh đặt trên mặt đàn piano ở dưới tầng hầm vậy mà cũng bị lật úp xuống!
Tôi chưa kịp lau sàn và xếp lại đồ đạc, căn nhà lại lách cách rung lần nữa...Mấy chiếc ô tô nhà hàng xóm lại kêu inh ỏi liên hồi không ngớt. Chúng tôi lại lo chạy ra bên ngoài, nhưng lần này chấn động có vẻ nhẹ hơn và ngắn hơn lần trước. Lại trở vào, đang lo xếp các thứ lên kệ chưa xong gì hết, căn nhà lại rung lần nữa. Nhưng lần này chấn động đã nhẹ hẳn, chúng tôi sinh dễ ngươi, ở lì trong nhà cho đến khi hết rung.
Điện thoại nhà tôi nối với modemn, dùng chung với đường dây internet, nay bị cúp điện không gọi được. Tôi bèn dùng điện thoại di động để gọi cho con, nhưng chỉ có tiếng máy cho biết do tình hình bấn loạn sau động đất nên không nối được, máy yêu cầu hãy nhắn tin về trung tâm tránh nạn. Thường ngày tôi quên để ý chi tiết này, nay chẳng biết gọi về trung tâm ở đâu. Nhưng thấy tình hình động đất trong khu xóm mình cũng không có đổ vỡ gì nghiêm trọng nên tôi cũng dễ ngươi.
Nhà tôi chợt nhớ là nếu mất điện thì làm sao khai thuế, vì hiện nay sở thuế dùng máy cho tờ khai vào để kiểm lại, nên anh ấy bèn đi ra sở thuế để xem xét tình hình.
Nhìn ra đường tôi thấy mấy bà mẹ ở cư xá ngân hàng trước mặt đứng chờ xe buýt của vườn trẻ đưa con họ về, đang nói cười vui vẻ như thể không có chuyện gì xẩy ra.
Tuy nhiên, đúng lúc đó các em học sinh học trường tiểu học gần nhà vừa về tới, em nào cũng trùm đầu bằng một chiếc khăn có nhồi bông dùng khi có động đất. Các em học sinh Nhật đều có chiếc khăn này, ngày thường mắc vào sau lưng ghế, hay để dưới gầm ghế, hễ có chuyện gì là liền trùm lên đầu.
Bấy giờ radio loan báo chấn độ ở miền đông bắc vào khoảng từ 7 đến hơn 8 độ Richter, ở Tokyo thì khoảng từ 5 đến 6 độ, lúc bấy giờ ước chừng đã có hơn 300 người mất tích và thiệt mạng. Tokyo xa tâm gây địa chấn mà cũng đã mạnh như thế này, huống hồ là ở ngay tại miền đông bắc, gần tâm động đất hơn thì khủng khiếp đến thế nào. (Sau đó chính phủ Nhật chính thức gọi đây là Trận Động đất lớn ở đông bộ Nhật Bản, và có chấn động mạnh ở cấp 9 độ Richter)
Đúng lúc ấy nhà tôi cũng về tới, trên mặt vẫn còn lộ vẻ ngạc nhiên, bảo tôi:
-Trời, em ra đường rầy mà xem, mấy chuyến tàu đậu lại giữa  đường, còn ngoài ga người ta đông vô kể, có lẽ là vì tàu không chạy, không có tàu về. Tiệm hớt tóc cũng đóng cửa. Ngoài sở thuế không có điện nên không làm việc. À, anh thấy ở đó người ta bảo là nhà vệ sinh không dùng được, không lẽ là do không có nước? Ngoài đầu ngõ có mấy bà đi đón con về nói với nhau "Khiếp quá! Khiếp quá !"
Nghe lời nhà tôi, tôi ra gần đường tầu điện, thấy mấy con tầu vẫn đậu lại ở giữa đường. Các hàng quán sập cửa lửng chừng, các siêu thị đóng cửa cũng vì không có điện, tối om. Chỉ có các hiệu "convenience store" (siêu thị mini mở cửa 24/24) chịu khó thắp đèn pha, lúi húi tính tiền cho khách (không dùng máy tính tiền).
 Tuy nhiên, cách bên này một con đường, khu phố bên kia quanh nhà ga bấy giờ đã có điện trở lại. Lúc đó trên không trung, vang lên tiếng loa phóng thanh từ tòa thị chính, thông báo cho dân chúng về tình hình điện nước. Tôi nghe tiếng được tiếng mất, vì lúc đó gió chiều lạnh buốt thổi vù vù bên tai.
Bóng chiều đã xuống nên tôi vội quay về, lo tìm các ngọn nến còn lại trong nhà để sửa soạn thắp lên, thì bỗng nhiên đèn phòng khách sáng bừng lên.
Chúng tôi như thể mới từ trong hang tối mù vừa chui ra, mới nhìn thấy thế giới bên ngoài.
Qua tin tức kèm theo những hình ảnh thê lương trên màn hình tivi, tôi mới biết thảm họa sóng thần hãi hùng biết chừng nào. Nhà cửa xe cộ tàu bè như những chiếc lá nhẹ hều trôi giạt trên mặt nước. Con người thật nhỏ bé, bất lực, số phận mỏng manh. Tối hôm đó, còn có tin cho thấy nhà máy ở tỉnh Chiba -ngay cạnh Tokyo- bốc cháy rừng rực và một kho hàng ở ngay trong thành phố Machida ngoại ô Tokyo, cũng rực lửa. Thủ đô Tokyo -chứ không phải nơi nào khác- dường như đã cùng chịu chung tai họa với miền đông bắc Nhật bản.
Nhà tôi mở email, thấy con nhắn từ  điện thoại di động- về nhà từ khoảng 3 giờ trưa. Anh viết email hỏi lại, thì con cho biết đang đi bộ đến ga Tokyo đón bạn vì bạn không có tầu điện để về nhà rất xa. Tôi còn thắc mắc hỏi tại sao không gọi taxi mà đi bộ, vì từ ga nhà con đến ga Tokyo có lẽ cũng mấy chục cây số. Sau nhìn lên tivi mới biết là đường phố Tokyo nghẽn xe, người ta phải đi bộ về nhà- nếu ở gần-, còn không thì phải ở lại nhà ga hay các trường học đã nhanh trí mở cửa cho mọi người vào tạm trú.
Gần 4 tiếng đồng hồ bị mất điện, tôi mới thấy rõ là cuộc sống của mình đã lệ thuộc quá nhiều vào các tiện nghi hiện đại. Gia đình tôi và bè bạn ở các nơi đã lo lắng gọi điện thoại về Nhật hỏi thăm mà không liên lạc được thì lại càng lo hơn, vì tưởng nhà tôi bị sập mất rồi !
Và tuy ở Nhật đã lâu, đã quen với kiểu rung của động đất, nhưng lần này dư chấn rất đặc biệt làm tôi thấy hoang mang. Những đợt dư chấn này rất nhẹ, có khi nhẹ đến nỗi nếu không nhìn vào chai rượu vang uống dở để trên bàn - thấy rượu trong chai sóng sánh- thì không nhận ra không chừng. Dư chấn nhẹ, nhưng ai biết khi nào thì nó sẽ giật mạnh. Và cách rung rất nhẹ nhàng của nó làm tôi liên tưởng tới sự rình rập của một thảm họa nào đó, sẽ bất ngờ đổ ập xuống.
Nào ai ngờ Tokyo hầu như không hề bị đổ nát mà hệ thống giao thông gần như tê liệt ! May đâu có các trường học nhanh chóng dùng nhà tập thể dục làm nơi tạm trú qua đêm cho những người không về nhà được, và dọc đường có nhiều nơi mở cửa cho những người cố đi bộ về nhà có thể vào đi vệ sinh.  Phần lớn họ phải đi bộ hàng chục cây số vì ai nấy đều ở xa sở làm cả giờ tàu điện.
Kể từ khi có điện trở lại, tôi mới liên lạc được với bè bạn và gia đình bằng email và điện thoại.  Bè bạn khuyên nếu có thể thì nên hoãn lại mọi dự định cho ngày hôm sau vì hệ thống giao thông chưa biết chừng nào mới khôi phục lại được. Có lẽ cần thời gian kiểm tra đường rầy trước khi cho tàu chạy trở lại. Và đường xe hơi vẫn tắc nghẽn. Quả thật, ngày hôm sau ra phố mới biết các cửa hàng tiện lợi thường bán cơm hộp, cơm nắm, thì hôm nay ở quầy này cũng không có một món hàng nào, vì không có hàng mới đưa tới. Có một số siêu thị đóng cửa cả ngày hay đóng cửa sớm để kiểm tra. Một số mở cửa thì các tủ đông lạnh và giữ lạnh - như đựng sữa, thịt cá v.v. đều hầu như trống trơn, và có giấy thông báo cho biết cửa hiệu đã phải vứt hết các mặt hàng cũ, vì đã bị mất điện mấy tiếng đồng hồ. Và họ cũng không có hàng mới để bán.
Cô bạn của tôi sắp tới sẽ lên dạy một trường trung học cấp ba ở tỉnh Fukushima - nơi vừa bị sóng thần chiều nay- bây giờ chẳng biết số phận ngôi trường đó ra sao. Nếu lỡ ...bề nào. Và rồi niên khóa tới đây- sẽ bắt đầu vào tháng 4 này- cô tìm đâu ra chỗ dạy ...Lẽ ra chúng tôi sẽ có buổi tiệc tiễn và chúc mừng cô vào ngày mai.
Đêm yên tĩnh khiến tôi cảm nhận rõ hơn các đợt dư chấn. Dư chấn ở Tokyo thì rất nhẹ, nhưng những đợt báo động tại miền đông bắc trên màn ảnh tivi - tại đó thì mạnh hơn ở Tokyo- khiến tôi lo sợ vẩn vơ. Vẫn kiểu rung nhè nhẹ nhưng chẳng biết khi nào thì sẽ nhồi thật mạnh cho mình điêu đứng. ..Một cô bạn nhắn tin nói rằng cô mất ngủ vì tiếng báo động của tivi, cứ mỗi lần như thế là cô lại chui xuống gầm bàn.
Một cô bạn khác cho biết có lẽ tối nay cô sẽ gỡ hết tranh trên tường xuống. Tôi bèn làm theo lời cô, lại đem hết những thứ trên kệ xuống mặt bàn và sàn nhà. Tường nhà trống trơn như khi mới dọn tới, và những đồ đạc tranh ảnh để nằm dưới sàn, quang cảnh như thể sắp chạy loạn..Đúng rồi, hình như cảnh tượng này không phải là cảnh dọn nhà bình thường, mà tôi thấy giống như khi cha mẹ tôi đóng đồ đạc gửi đi trước để chuẩn bị di cư, khi tôi còn bé.
Tôi biết rằng đó chỉ là tâm trạng của tôi lúc này mà thôi. Có lẽ tôi đang nhìn bằng đôi mắt hoảng loạn của ai đó - một nạn nhân trong trại tránh nạn đã lạc mất gia đình và đã nhìn thấy chính căn nhà của mình trôi theo làn sóng dữ...
 Quỳnh Chi 
Theo http://chimviet.free.fr/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...