Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Thanh xuân tươi đẹp

Thanh xuân tươi đẹp

Nhìn trang mạng xã hội của cô bạn bên xứ sở Bạch Dương đưa clip về những bông tuyết đầu mùa, lòng tôi chợt dâng lên những cảm xúc khó tả. Vậy là bốn năm rồi tôi không được nhìn thấy những điều tưởng như đã theo mình suốt cả quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp.

Tôi ấp ủ nhiều lắm, nghĩ ngợi nhiều lắm để nói ra được hết tình cảm của mình với mảnh đất xa xôi kia bằng câu bằng chữ mà chao ôi, những kỷ niệm cứ kéo về làm tôi choáng ngợp. Thế là tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi mà không biết nên viết cái gì. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ đi theo cảm xúc, cảm xúc mách bảo điều gì tôi sẽ viết điều ấy.
Bốn năm là khoảng thời gian không quá lâu, đủ để tôi vẫn còn nhớ được những ngóc ngách của thành phố, chuyến xe bus nào dẫn đến trung tâm hay góc ngồi công viên nào yên tĩnh, thư thả… Tôi sống ở Tula, quê hương của đại thi hào Lev Tolstoy. Tula mà tôi yêu rất đỗi giản dị; không quá nhộn nhịp, sầm uất như Moskva; không có nét cổ kính châu Âu như Saint Peterburg; càng không giao hòa nhiều màu sắc văn hóa như Kazan... Tula cứ thế nhẹ nhàng, sâu lắng và yên bình. Dù rất thích khám phá nhiều nơi, nhưng Tula luôn là nơi tôi muốn nhanh chóng trở về sau những buồn vui, mệt mỏi. Không xa trường tôi học cho lắm là điền trang Yasnaya Poliana của Lev Tolstoy. Chúng tôi đã đến nơi đây không biết bao nhiêu lần, bốn mùa đủ cả; điều thích thú nhất là dạo quanh nhà Lev một hồi, rồi chạy đến cánh đồng rộng lớn xa xa sau vườn táo để hòa vào khung cảnh bao la ấy. Thời gian tuyệt vời để ghé thăm nơi đây là mùa hè và mùa thu. Mùa hè vườn ngập hoa táo trắng, cánh đồng ngập cúc họa mi, cải vàng. Còn mùa thu lại mơ màng, mang đầy tiếc nuối vì ngay sau đó sẽ là một mùa đông dài giá lạnh. Nếu như Lev Tolstoy có thể viết nên “Chiến tranh và hòa bình” tại nơi đây, thì tôi cũng có thể hoàn thiện bức tranh đồng quê được nhuộm một màu vàng óng ả của trời thu cùng ánh nắng chan hòa trong tâm trí.

Cộng đồng sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Tula chụp ảnh cùng những người bạn Nga (năm 2016). Ảnh nhân vật cung cấp.

Thời gian mà tôi yêu thích nhất trong năm là mùa hè, mùa mà tôi có thể khoác ba lô và rong ruổi trên khắp nẻo đường nước Nga. Tôi háo hức đặt vé tàu, xếp hành lý và lên đường. Mùa hè nước Nga đẹp quá, bầu trời xanh cao, những cánh đồng hướng dương trải dài, những khung cảnh ngút ngàn, non nước mây trời… làm tôi quên đi những mệt nhọc sau hàng giờ gật gù trên ô tô hay tàu điện. Đó là lý do tôi vẫn thích đi du lịch bụi cho đến tận bây giờ, cảm giác tự mình mày mò và tìm hiểu thú vị hơn nhiều so với việc đi theo đoàn cùng một lịch trình lên sẵn. Có người hỏi tôi về chuyến du lịch trên đất nước Nga mà tôi nhớ nhất, hẳn tôi không ngần ngại mà nói rằng đó là chuyến đi đến Irkutsk và hồ Baikal. Dự định ban đầu của tôi chỉ đi trong hai tuần mà nó đã kéo dài đến một tháng rưỡi với biết bao kỷ niệm. Tôi vẫn giữ cuốn lưu bút viết trên tàu với những nét chữ nguệch ngoạc vừa viết vừa rung theo nhịp chuyển động không ngừng. Ước gì tôi có thể được ngắm Baikal ngay bây giờ, sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Tôi nhớ làn nước xanh trong ngỡ như đại dương bao la của hồ nước ngọt lớn nhất thế giới này. Cảnh sắc nước Nga thật khiến cho con người ta mê đắm, gợi nhớ lời bài hát của Vitas tôi vẫn hay nghe Ты мой дом, ты мой берег, Россия моя... Năm tháng dần trôi nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã dốc sạch hầu bao và sức trẻ để thỏa sức khám phá khi đang ở những tháng ngày tràn trề sức sống của cuộc đời. Như những gì mà chị bạn tôi đã nói: “Đó là những năm vàng tuổi trẻ”.
Cuộc sống du học giúp tôi từ một đứa ở nhà được mẹ chiều chuộng, nấu ăn vụng về cũng thành người biết xoay xở, tự lo cho cuộc sống cá nhân khá ổn. Bằng chứng là ngần ấy thời gian du học tôi cũng ít ốm đau, luôn vui vẻ và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Tôi chỉ luôn mong sao mùa hè hoặc mùa thu dài hơn một chút, thế chỗ cho cái lạnh giá của mùa đông và cái ẩm ướt khi xuân đến tuyết tan. Bạn bè ở nhà khi nói chuyện thường trầm trồ về những cảnh băng tuyết đẹp như cổ tích, ao ước nhìn thấy tuyết dù chỉ một lần. Tôi cũng từng thế, háo hức nhìn những bông tuyết đầu tiên nhưng giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ đôi chút. Tuyết thì đẹp thật đấy, nhưng khi tuyết đóng thành băng - thủ phạm của những vụ gây trơn trượt thì chắc ta không còn thích tuyết như vậy nữa. Nhiều lần tôi ê ẩm cả mình mẩy vì những cú trượt chân giữa phố; cộng thêm việc tôi tự thấy mình cũng không có duyên với các môn thể thao liên quan đến tuyết sau những lần thử chơi đầy khốn khổ. Môn tôi thích nhất chắc là trượt phao mùa đông, môn thể thao thật trẻ con nhưng với tôi nó thật an toàn. Lại nhớ có những ngày bão tuyết nhưng vẫn phải đi chợ mua đồ ăn, tôi lao đi, tuyết táp vào mặt lạnh rát, mù mịt không thấy đường, chỉ mong nhanh về với căn phòng nhỏ ấm áp yêu thương. Điều khiến tôi có cảm tình nhất với mùa đông là thời gian nghỉ lễ Năm mới. Tầm tháng12 tôi hay lên Moskva để thăm bạn bè hoặc các em, tranh thủ thưởng thức và ngắm nhìn không khí năm mới đang ngập tràn. Bỗng chốc thủ đô khoác lên mình những bộ cánh thật rực rỡ, lung linh và đầy ắp sắc màu. Quảng trường Đỏ, Gum là nơi rực rỡ nhất. Nói đến đây mà tôi đã tưởng tượng ra mình đứng ngay giữa Quảng trường Đỏ, hòa vào dòng người, cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng tất cả các giác quan. Mỗi lần đến đây là một lần tôi có cảm giác hoàn toàn khác, vừa mới mẻ lại vừa thân thuộc biết bao.

Tác giả bài viết chụp tại khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Tula (năm 2014). Ảnh nhân vật cung cấp.

Cuộc đời du học sinh tại Nga cũng cho tôi cơ hội đến nhiều nơi, được giao lưu học hỏi nhiều điều. Quan trọng nhất là được đồng hành cùng những người bạn thân thiết; cả cô bạn thân từ thời cấp ba, lên đại học không gặp nhau nhưng rồi vẫn may mắn được cùng du học tại Tula. Bên bạn bè, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương Việt Nam như được san sẻ. Năm đầu tôi đón Tết xa nhà, mồng Một Tết vẫn phải đi học, Giao thừa chẳng có không khí như ở nhà, bố mẹ người thân gọi điện hỏi han suốt làm tôi tủi thân và bật khóc. Những năm sau đã viết bày biện nấu nướng, đón Giao thừa, xếp mâm ngũ quả cùng bạn bè. Thời khắc Giao thừa cùng nhau đắp người tuyết, đi khắp ký túc xá chúc Tết, lì xì lũ em nhỏ những phong bao đỏ tự làm, có khi còn karaoke thâu đêm suốt sáng… Năm cuối tôi học Thạc sĩ là năm đầu tiên chúng tôi được nhà trường cho phép tổ chức Tết Nguyên đán. Phải nói chúng tôi háo hức như thế nào, gói bánh chưng, mở chợ Tết, trang trí cành đào… Tết Việt Nam xa mà cũng thật gần. Càng ở trong những hoàn cảnh thiếu thốn, ta mới thêm trân trọng những gì mình có, biết tự vươn lên và làm cuộc sống có ý nghĩa mỗi ngày. Những ngày đầu đi học nhớ gia đình biết bao, thì những ngày cuối chuẩn bị rời xa đất nước Nga lại càng lưu luyến bấy nhiêu. Mỗi khi có dịp được nhấm nháp chút bánh mì đen, đĩa súp Borsch tự nấu hay vài chiếc bánh Blin phết mứt hoa quả; hương vị nơi xa xôi lại ùa về trong tôi. Đôi mắt hơi nhòe đi và lòng miên man theo cảm xúc. Tôi để mình trôi theo cảm xúc ấy để nhớ hoài không quên hồn Nga đã thấm sâu vào hơi thở, tâm thức mình như thế nào.
Đất nước Nga, con người Nga thật khiến người ta nhớ mãi. Tôi nói với bạn bè mình rằng Nga là quê hương thứ hai của tôi và ước mơ được quay lại miền đất ấy khiến tôi luôn thổn thức. Bao lần tôi mơ mình đang được thả tung làn tóc qua khung cửa sổ xe bus, đi qua những lối nhỏ vào khu chợ nhỏ bên đường, len lỏi vào khu chợ Việt để tìm mua hương vị thân quen… Trong những năm tháng xa gia đình, chính những con người Nga hiền hòa đã sưởi ấm trái tim tôi. Tôi nhớ như in hình ảnh cô giáo Marina dạy dự bị tiếng Nga năm nào, cô như người mẹ, người cô che chở cho chúng tôi, dạy chúng tôi biết bao điều; không quên tự tay làm bánh hay những món ăn tặng chúng tôi mỗi dịp. Cô có thể thuộc được hết những cái tên Việt Nam dài ngoằng, hao hao tựa tựa nhau của lũ trò nhỏ. Tôi còn nhớ lần gặp bà bán bánh ngọt ở chợ gần trường tôi. Đó là ngày mùa đông lạnh giá, tuyết và gió lạnh làm cay xè đôi mắt. Ngày mai là ngày tôi lên máy bay về Việt Nam ăn Tết, mặc gió tuyết tôi ra chợ mua bánh về làm quà. Dừng chân ở quầy bánh, tôi mua ít đồ và gặp bà bán hàng rất hiền lành. Bà ân cần hỏi tôi, thông cảm cho những sinh viên xa nhà như tôi. Bà tặng tôi một phong sôcôla để đem về làm quà cho gia đình. Có lẽ đó là phong sôcôla ý nghĩa nhất tôi từng được tặng. Trong suốt quãng thời gian ở nơi đây, không thể đếm được biết bao lần tôi đã gặp những con người Nga tốt bụng như vậy: Là người phụ trách thư viện tận tâm; hay chỉ là bà lao công nghèo; người phụ nữ trung tuổi gặp trên đường bảo vệ chúng tôi khỏi sự trêu trọc của một gã say rượu... Sau này, khi có dịp được dạy các em sinh viên người nước ngoài, tôi như nhìn được hình ảnh mình trong các em. Tôi tâm niệm mình cũng sẽ giúp đỡ các em như những con người Nga đã giúp đỡ tôi năm nào. Các em sinh viên chính là nguồn động lực, cổ vũ tôi vững tay lái đò dù còn nhiều khó khăn phía trước.
Quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp quá nên tôi thường hay tiếc nuối, vì chẳng bao giờ ta có thể quay lại được một lần nữa. Hành trình sống và học tập tại nước Nga - quê hương thứ hai của tôi là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Chắc chắn tôi sẽ quay lại nơi ấy để thăm lại thanh xuân tươi đẹp của mình. Thanh xuân ấy, vì có nước Nga bên tôi mà trở nên tươi đẹp.
30/11/2020
Lưu Thu Trang
Theo https://www.qdnd.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...