Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Sông xưa thao thức

Sông xưa thao thức

Dòng sông, bến cũ, con đò… Năm tháng trôi qua người đi kẻ ở, vật đổi sao dời nhưng sông xưa vẫn vậy, thủy chung đợi chờ. Có lẽ đó là tâm trạng, nỗi khắc khoải của người xa quê. Mỗi lần trở về bên dòng sông quê, tôi nghe như sông đang thao thức, nỗi niềm.

Dòng sông, bến cũ, con đò… Năm tháng trôi qua người đi kẻ ở, vật đổi sao dời nhưng sông xưa vẫn vậy, thủy chung đợi chờ. Có lẽ đó là tâm trạng, nỗi khắc khoải của người xa quê. Mỗi lần trở về bên dòng sông quê, tôi nghe như sông đang thao thức, nỗi niềm.
Chờ nước lớn
Bước qua tháng 7 đã thấy dòng nước đỏ ngầu phù sa, nước chảy mạnh từ thượng nguồn đổ về. Lúc đầu mấy trưởng lão ở ngoài vàm sông Ô Môn (một nhánh sông nhỏ của sông Hậu) đoán già, đoán non: Lũ về. Tôi vẫn chưa tin, tới khi đài dự báo khí tượng thủy văn cho biết ở đầu nguồn sông Cửu Long mưa nhiều, những hồ chứa no nước, lũ tràn về vùng hạ lưu. Có nước, có cá, có đồng vô đồng ra... dân sông nước theo nghề hạ bạc (đánh bắt cá) nghe thấy nước mới lên ngấp nghé mé bờ, ai cũng mừng. Nghề đăng, đó, dệt lưới, làm lưỡi câu động đậy để bắt đầu một cuộc hồi sinh. Sinh cảnh nối dài từ chân cầu Thơm Rơm (Thốt Nốt - Cần Thơ) tới những xóm nhỏ đèn dầu hiu hắt.
Lũ về đón mùa cá linh

Năm ngoái mùa nước đổ về muộn, dân xóm lưới bày hàng ra vệ đường, mặt buồn hiu. Họ chờ cơ hội từ ngoài sông, họ trông mong điều gì đó từ con nước. Một thứ nước đỏ ngầu phù sa. Vậy đó, có năm dòng nước lững lờ, cạn queo. Cá tôm không thấy. Mấy gọng lưới gió vớt cá linh cả mùa thất thu chẳng được một nồi canh. Loài cá một thời như cơn sóng bạc, lóe sáng trong những đêm nước sông Mê Kông cuộn chảy về vùng hạ lưu. Năm nay, người ta bán cá linh non đầu mùa với giá 12.000 đồng/100 gr, tức 120.000 đồng/kg, hơn cả một ký thịt heo.
Cái bến sông quê tôi, hồi mùa hè đỏ lửa có xóm nhà tản cư, bà con mình chạy giặc, lánh bên bờ sông Ô Môn. Cách vàm sông Hậu chừng vài ba cây số, xóm nhà tôi hồi đó nổi tiếng có hai nghề: hàng xáo và chài lưới. Thời cuộc đẩy đưa, lớp hàng xáo già không người nối nghiệp. Còn dân chài năm xưa, theo đuổi kiếp hạ bạc một thời, nay cũng đã bỏ nghề. Ngoài sông, mỗi khi con nước dâng cao trong mùa nước nổi, bắt cá lớn, tôm càng xanh to kềnh càng là câu chuyện của ký ức.
Những trưởng lão có nghề chài rê, lặn sông sâu tài tình như ông Bảy Phuông, ông Tư Hòa, anh Bé Hai... từ từ như tre trổ bông. Lớp hậu bối theo sau dù là dân thiện nghệ sát cá như các anh Bi, Nhanh, Tàn... chuyển sang chài lưới mặt dày, lây lất bắt cá, tép cỡ nhỏ tới lòng tong, cá thiểu... nhưng chẳng kéo dài được bao lâu, rồi tự động cắm sào, bỏ sông đi làm nghề khác. Anh Minh, một "thổ địa", từng là dân chài ngày nào, cười buồn: "Cá, tôm dưới sông còn đâu nữa. Lưới mùng, cào điện quét sạch rồi”.
Dòng nước vẫn trôi miên man cuốn theo bao kỷ niệm êm đềm của tôi, của Bi, Nhanh, Tàn... Một năm hai mùa mưa nắng đi về, mùa cá theo sông tràn lên mặt ruộng tha hồ sinh sôi. Nhưng dân xóm tôi nói bây giờ có mấy khi ăn được cá sông, vì tìm đâu ra cá nhiều nữa để mà ăn. Đã vậy lòng sông như một cái túi chứa chất thải, không ai dám xuống sông tắm gội.
Dòng sông của tôi ơi, ai sẽ gội rửa cho dòng sông tinh tươm như ngày nào khi nguồn nước đã nhiễm bẩn từng ngày?
Cua đồng đắt hơn cá da trơn
Đến cuối tháng 7, dòng sông Cái chảy dài qua 6 quốc gia với hệ thống chi lưu rộng lớn là dòng sữa nuôi dưỡng, bồi đắp nên vùng đất đồng bằng Cửu Long trù phú. Nhưng cũng từ dòng sông này đang cất lên nhiều lời cảnh báo về thảm họa môi trường. Mai mốt người ta tính xây 12 con đập như bậc thang trên vùng thượng lưu. Chưa thể hình dung hết điều gì sẽ xảy ra với 60 triệu dân chịu ảnh hưởng quanh lưu vực Mê Kông, trong đó có 18 triệu người đang sinh sống ở vùng hạ nguồn Cửu Long.
Sông quê đón mùa cá

Người ta vẫn lạc quan khi nhìn ngọn đèn đường bật sáng. Tiếng cưa gỗ rè rè và những đập nước nghều nghệu. Ở đó, người ta tích nước. Ông bà thường nói "Thượng điền tích thủy hạ điền khan”, cuộc làm ăn nhà nông sẽ còn đầy gian nan, ẩn họa thật khó lường.
Hồi cuối tháng 7, tại diễn đàn đối thoại “Thách thức của việc phát triển đập trên dòng chính sông Mê Kông đến sinh thái ĐBSCL” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Đại học Cần Thơ tổ chức, TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An - Đại học Cần Thơ nói, sáng sớm ra chợ Cần Thơ, giá cua đồng 40.000 đồng/kg, cá bống trứng 200.000 đồng/kg. Tôi chợt nhớ tới em bé giăng câu ở Đồng Tháp hôm nào kể: Dân nhà nghèo có bắt được cá bống trứng, vì giá đắt nên không dám ăn, chỉ dành để bán. Ở đồng bằng châu thổ này cua đồng và cá bống trứng là hai loài từng nhiều vô kể, vậy mà nay đỏ mắt đi tìm.
Vì sao 1 ký cua đồng lại cao giá hơn 1 ký cá da trơn? TS Ni cho rằng: Nguồn cung cầu đang mất cân đối, tình trạng một số loài thủy sản càng trở nên cạn kiệt, đắt đỏ là những ví dụ cho thấy rõ tác động của các hoạt động trên sông Mê Kông đến ĐBSCL. Dòng chảy tự nhiên của sông về đồng bằng bị thay đổi khiến cho lúc cần nước thì lại thiếu, khi không cần thì lại thừa.

Sông Mê Kông là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, dài hơn 4.800 km, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) với tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3. Lưu vực sông rộng 795.000 km2, là nơi sinh sống của trên 60 triệu người. Với nguồn tài nguyên nước dồi dào, sông có nhiều tiềm năng thủy điện, thủy sản, thảm thực vật và đa dạng sinh học rất cao.

Đây là vựa lúa gạo đủ nuôi sống 300 triệu người mỗi năm và có trên 1.300 loài cá cung cấp cho hàng chục triệu cư dân trong lưu vực và nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long.

Tôi mường tượng tác động kép, cộng hưởng từ biến đổi khí hậu gây ra cùng với việc xây đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Mai mốt nguồn nước ăn, làm lúa, nuôi cá, đi lại trên sông nước miền Tây rồi sẽ không bình thường? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Nhóm tư vấn quốc gia nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính sông Mê Kông, lý giải: Nếu các dự án xây đập hình thành, mỗi năm ĐBSCL sẽ bị tổn thất 240.000 - 480.000 tấn cá trắng, thiệt hại tới 1 tỉ USD. Khi lượng cá trắng suy giảm thì cá đen cũng cạn kiệt. Cả triệu dân nghèo từng mưu sinh nhờ nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ven sông sẽ điêu đứng.
Nói tới lớp nghèo, tôi lại nghĩ đến lớp nhà lánh cư, chạy giặc. Con cá dưới sông quẫy đuôi, con cua đồng giơ càng trốn chạy làm tôi nhớ sao cái thời tôm cá đầy sông. Những năm lũ lớn nhất là năm 2000, dòng nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, dâng cao tràn bờ, làm ngập lụt đường sá, nhà cửa hư hao và có trẻ em chết đuối, những xóm nhà lều bều..., dân miền Tây khó quên. Nhưng rồi lũ đi qua, nước rút, cá tôm bù đắp cho nhà nghèo. Dọc theo dòng sông Ô Môn dài mấy cây số, xuồng lưới giăng đầy mặt sông. Nhà nghèo đỡ lo tiền cá lại được thêm mùa lúa cuối năm nhờ phù sa vun xén cho lúa trúng.
Nhưng mấy năm nay, lũ không về. Thi thoảng một đợt xả đập vì no nước, nước tràn về không theo dòng mà tuôn chảy, lan tràn từ những cánh rừng thưa khô cằn rồi sũng nước mà không cách gì ngăn lại. Dòng chảy đã khác thường và giận dữ, hung hăng hơn cả những trận càn, hơn cả hình ảnh chạy giặc năm nào.
3/1/2021
Hữu Đức
Theo https://nongnghiep.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...