Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Nghề chèo đò dọc sông Mã - Vang bóng một thời

Nghề chèo đò dọc sông Mã
Vang bóng một thời

Bẵng đi một thời gian dài, nay tôi trở lại thăm bến chùa Gia (xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa). Bến chùa Gia cùng với chợ Chùa trước đây từng một thời bán buôn sầm uất, trên bến dưới thuyền, nay chỉ còn trơ trọi góc chờ đò hiu hắt, buồn tênh.
Con đò ngang của gia đình bác Nguyễn Quốc Thành
con trai cụ Đương vẫn ngày ngày đưa khách 
từ bến đò Phùng sang bến chùa Gia và ngược lại.
Định bụng bắc loa tay, cất giọng ới đò cho quá giang sang bên kia sông Mã, đi tìm lại bến đò Phùng nổi danh khi xưa với những tay “hốp đò” cự phách. Chưa kịp cất lời, liếc mắt thấy tấm biển bằng bìa các-tông treo xộc xệch trên cái cọc gỗ ghi số điện thoại gọi đò, bỗng thấy lòng hụt hẫng mãi không thôi...
Bến chùa Gia, bến đò Phùng xưa là một trong những bến đò trứ danh nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch dọc sông Mã, nối liền một dải giữa miền ngược với miền xuôi. Khung cảnh bến đò khi ấy được nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ miêu tả sinh động trong cuốn Núi Rồng sông Mã: “Bè mảng ngày đêm nườm nượp xuôi dòng mang theo hương sắc của bạt ngàn sơn dã đến với mọi người, mọi nhà. Và bốn mùa, thuyền đò đưa hương vị mặn mà, ngon ngọt của ruộng đồng bát ngát, biển khơi bao la, lên tận khe sâu núi thẳm”. Chủ thể hoạt động trên những bến đò dọc ấy là những trai đò hoặc “hốp đò” với sức lực cường tráng, dẻo dai, dày dạn kinh nghiệm sông nước. Trong quá trình di chuyển dọc sông Mã, phần vì công việc nặng nhọc, khó khăn vất vả, phần vì tự sâu thẳm mỗi tâm hồn con người đã dạt dào cái tình, cái thú tiêu diêu, tự tại mà hình thành nên những điệu hò vọng mãi ngàn năm. Phải nói ngay rằng, không phải chỉ có sông Mã của xứ Thanh mới có bến đò dọc và phát triển nghề đò dọc nhưng ít có vùng đất nào xây dựng được kho tàng hò sông nước như ở nơi đây. Đã từng có giai đoạn phát triển hoàng kim như thế, nhưng đến nay, những bến đò xưa cái còn, cái mất. Những người làm nghề cũng đã về thiên cổ. Ký ức về những bến đò dọc và những người chèo đò dọc sông Mã chỉ còn tồn tại như dấu ấn của một thời vang bóng, trong câu chuyện kể của thế hệ con cháu hôm nay.
Bến đò Phùng thường ngày vẫn có khách đợi sang sông.
Lần theo triền đê ven làng Phùng, làng Nhuệ (xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa), nơi được biết là vùng từng có nhiều “hốp đò” sinh sống với mong mỏi tìm lại một chút gì gợi về bến cũ nghề xưa. Được người dân trong làng giới thiệu, tôi ghé thăm gia đình bác Nguyễn Quốc Thành (làng Phùng, xã Thiệu Thịnh), con trai cụ Nguyễn Quốc Đương xưa là chủ đò dọc có tiếng trong làng. Câu chuyện về cụ Đương khi còn đi đò dọc sông Mã cứ thế hiển hiện một cách chân thực, sống động theo những hồi ức thấm đẫm niềm tự hào, chan chứa tình yêu thương của một người con dành cho cha mình. Bác Thành cho biết: Cụ Đương bắt đầu làm nghề chèo đò dọc từ những năm 1956, khi đã ở vào tuổi 30 - cái độ tuổi vừa chín để có thể đáp ứng được những đòi hỏi về sức khỏe, kinh nghiệm, bản lĩnh khi dấn thân vào công việc này. Cụ mải miết với nghề suốt bảy năm, đến năm 1964, cụ thôi không đi đò dọc nữa. Cụ Đương đến và gắn bó cùng nghề chèo đò dọc sông Mã giống như một cái duyên, cái nghiệp ăn vận vào đời. Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống chèo đò dọc, ngay từ những ngày niên thiếu, cụ Đương đã được tiếp cận công việc thông qua những lần phụ cha chuẩn bị cho các chuyến đi đò. Có khi, cụ cũng hăng hái theo hành trình của đò mà ngược dòng sông Mã, băng qua bao thác ghềnh, doi cát ngầm hay những lần vượt cạn. Chính những chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhưng lắm điều kỳ thú, bất ngờ ấy đã nhen nhóm trong lòng cụ niềm hứng khởi với nghề chèo đò dọc. Càng đi nhiều, cụ càng thấy yêu thích công việc ấy. Niềm yêu thích theo năm tháng cứ ngấm dần vào máu rồi trở thành niềm say mê, gắn bó tự lúc nào không hay.
“Cái thời cụ nhà tôi bắt đầu đi đò dọc sông Mã thì tôi chỉ mới là đứa trẻ lên 4, lên 5 tuổi. Cả tuổi thơ coi như lớn theo nghề của cha” bác Thành mường tượng lại. Nghề chèo đò dọc sông Mã hoạt động cũng tương tự như hoạt động của xe khách bây giờ. Trước kia đường sá đi lại khó khăn, cách trở, đặc biệt là hành trình từ miền xuôi lên miền núi, nên phương thức đi lại chủ yếu theo tuyến sông Mã. Hành trình của đò dọc thường theo nhật trình “ngày lên ngày xuống”, bắt đầu xuất phát từ bến Hàm Rồng - Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) mà lên đến Kiểu (huyện Yên Định) hoặc xa hơn là Kim Tân (Thạch Thành). Đò đi dọc sông Mã phải là đò đóng bằng gỗ, dài khoảng 17 - 18m, mui đò lợp tấm phên được làm từ nứa và lá kè. Sức chứa của đò dọc có thể lên tới hàng chục tấn. Công việc vất vả là vậy nhưng đồ dùng trang bị cho mỗi chuyến đi đò dọc chỉ gói gọn trong vài nhu, yếu phẩm như: Buồm, mái chèo, sào, dây kéo và lương thực, thực phẩm. Đồ bảo hộ an toàn cũng chẳng có gì nhiều ngoài mấy ống phao dài khoảng 1,5m, chế từ ống luồng nhưng nhất thiết phải cạo sạch lớp vỏ cật bên ngoài để phao đỡ bị nứt và trọng lượng phao nhẹ, có thể nổi được trên mặt nước. Để có thể vận hành êm xuôi, đảm bảo an toàn với một con đò có trọng lượng cùng với khối lượng người, hàng hóa lớn, di chuyển chủ yếu bằng sức người trên bề mặt của một con sông tiềm ẩn vô vàn “cái bẫy” nguy hiểm như con sông Mã mới thấy hết được sức chịu đựng, độ dẻo dai, kinh nghiệm và bản lĩnh của cụ Đương và những “hốp đò” dọc xưa kia. Bác Thành kể lại: Để có thể duy trì và phát triển được nghề, ngoài cụ Đương là chủ đò, cụ phải thuê thêm người hỗ trợ. Mỗi chuyến đò rời bến Phùng đều sắp xếp ít nhất từ 7-11 người hò nhau hợp sức. Đò có một người lái chính, 1 người làm công tác hậu cần còn lại là những người nắm chân sào. Nếu đi xuôi thì chèo, đi ngược thì chống. Sào dùng để chống đò phải được làm từ cây song lấy trên rừng mới đủ sức chịu đựng, đầu sào cắm xuống sông đem bịt sắt. Khi phải chống đò, những người lái đò sẽ đẩy ghì cây sào vào người, dựa vào sức ghì ấy để di chuyển đò. Khi có gió thì chạy buồm còn những khi trời lặng gió đều phải chống sào hoặc kéo dây. Công việc kéo dây cũng đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp nhịp nhàng. Dây cái dài khoảng 25m sẽ được buộc vào mũi đò, các dây kéo phụ sẽ được buộc vào dây cái, một đầu do các đò viên còn lại khoác lên vai kéo theo nhịp “dô ta dô huầy” của người cầm dây cái.
Bên cạnh việc chở hàng hóa, đò dọc chuyên chở người. Mỗi chuyến ngược dòng như thế ước chừng có khoảng 45 – 50 khách lên đò với đủ loại nhu cầu khác nhau. Người đi vãn cảnh, đi thăm hỏi bà con... Nhưng chủ yếu là khách đi buôn. Những người lên đò với mục đích đi buôn thường mang kèm theo hàng hóa, sản vật từ miền xuôi. Đò nghỉ ở bến nào sẽ ghé vào chợ ở đó bán buôn các sản vật đem từ dưới xuôi này và sau đó mua vào hàng hóa, sản vật của vùng miền đó mang về xuôi tiếp tục công việc mua đi – bán lại như thế. Chính bởi nhu cầu giao thương, buôn bán giữa các vùng đã góp phần làm nên sự phát triển của nghề chèo đò dọc lúc bấy giờ. Mặc dù công việc khó khăn, vất vả nhưng cũng vì lẽ đó, thu nhập mà nghề chèo đò dọc mang lại cho gia đình cụ Đương có cuộc sống sung túc, khá giả hơn so với những hộ thuần nông trong làng. Tuy nhiên, từ năm 1964 - 1965, khi phương tiện giao thông đường bộ phát triển, nhu cầu đi đò dọc sông Mã của người dân ngày càng ít dần. Cùng với đó, nhận thấy sức khỏe mình không còn được như trước nên sau 7 năm gắn bó, cụ Đương quyết định thôi không làm nghề nữa. Quyết định là thế nhưng bác Thành chia sẻ: “Mối giao tình, gắn kết với nghề sông nước đã trở thành cái nghiệp trong đời của cụ Đương và cả gia đình”. Bởi vậy, khi không còn đủ sức đi đò dọc, cụ Đương về bến Phùng chèo đò ngang, tiếp tục nghiệp sông nước. Và cho đến thời điểm hiện tại, gia đình bác Thành vẫn nối nghiệp cha ông, chạy đò ngang trên bến đò Phùng ấy...
Nghề chèo đò dọc sông Mã sôi động một thời nay chỉ còn vang bóng. Nhưng những điệu hò sông Mã - sản phẩm tinh thần được hun đúc nên từ chính thực tiễn lao động hăng say, vất vả của nghề sẽ còn vang vọng mãi, trở thành nét đẹp trong mạch nguồn văn hóa xứ Thanh. Để mỗi lần vẳng nghe đâu đó cất cao giọng hò, lại khắc khoải nhớ về hình ảnh con đò dọc ngạo nghễ ngược dòng giữa sông nước mênh mông.
19/4/2019
Hương Thảo
Theo https://baothanhhoa.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...