Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Bốn ca khúc mới của nhạc sĩ Phạm Duy

Bốn ca khúc mới của nhạc sĩ Phạm Duy

Bốn ca khúc Hương ca của nhạc sĩ Phạm Duy vừa được cấp phép biểu diễn, là hình bóng của quê hương trong lòng kẻ viễn xứ vừa được trở về.
Ở những ca khúc này, ca từ, giai điệu đều hết sức đơn giản. Nó gần như một câu chuyện được kể lại bằng âm nhạc. Thế nhưng, điều ấy càng làm cho tình hoài hương của nhạc sĩ Phạm Duy thêm tha thiết. Thêm bốn ca khúc được phổ biến rộng rãi trên sân khấu ca nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy không giấu sự xúc động: “Tôi mừng quá vì chẳng nghệ sĩ nào lại không muốn tác phẩm của mình được phổ biến. Hơn nữa, với bốn ca khúc này, khán giả sẽ biết và nhớ đến hình ảnh của một Phạm Duy mới chứ không phải ông Phạm Duy với những tình ca của những năm 50 thế kỷ trước”. Xúc động và hào hứng, ông kể lại quá trình hình thành và tình cảm của mình khi sáng tác bốn ca khúc: Trăm năm bến cũ, Quê hương vô thường, Chiếc cặp tóc thơm tho, Hương rừng: Hương ca khởi sự bởi một bài thơ của nhà thơ Lưu Trọng Văn, con trai người bạn cũ của tôi là Lưu Trọng Lư, đăng trên Báo Lao Động ở TP.HCM vào năm 1994, với nhan đề Về thôi, tặng người tình già. Về thôi! Người tình già ơi Thôn nữ chị đã qua cầu, thóc lép Thôn nữ em, trăng đầy, tuột khỏi chồi tay Thôn nữ Út, lên đòng, nào biết Khúc tình xưa, xưa ấy, xưa rồi... Về thôi! Làm gì có trăm năm mà đợi Làm gì có kiếp sau mà chờ Đất Mẹ, đất Nàng Con sáo sang sông tha cọng rơm vàng Lót ổ Mười chín năm bến cũ Người tình già ơi, nhớ không? Sau khi nhận bài thơ gởi từ TP.HCM, thi phẩm này gợi cho tôi câu ca dao cũ “Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò. Cây đa bến cũ con đò khác đưa”. Câu ca dao này từng là kỷ niệm cho nhiều cuộc tình xa xưa của tôi trên những con đò, trên dòng Hương Giang. Kể từ ngày xuất ngoại xấp xỉ 20 năm rồi, tôi xa quê hương, xa Huế, rất nhiều khi tôi có ý nghĩ trở về thăm quê cũ, trở về Huế, Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng tôi cứ băn khoăn, ngại ngùng, lưỡng lự. Giờ đây, tức vào năm 1994, Lưu Trọng Văn đã dùng những câu thơ “Làm gì có trăm năm mà đợi. Làm gì có kiếp sau mà chờ” đi kèm với những câu thơ gợi lại tuổi thơ ấu “Con chuồn chuồn không lùng nhùng trong mạng nhện. Con bướm vàng nằm xoài dưới chân anh” để gọi một người trong bài thơ tình thì dù tôi không còn cái thú soạn ca khúc nữa, tôi đã muốn phổ nhạc nó ngay. Bài thơ của Lưu Trọng Văn còn nhắc tôi rằng, đã nhiều năm rồi, tôi cứ ngồi khoanh tay, chờ đợi một cái gì đó giống như nhân vật trong một vở kịch nổi danh của Pháp. Hơn nữa, theo tinh thần của câu ca dao, tôi còn thấy nếu như cứ ngồi chờ đợi một con đò xa xưa thì sau 3 thế hệ làm nghề đưa đò, chắc chắn o đò nào cũng đi mô mất rồi. Thế là tôi không ngần ngại gì nữa, đầu năm 2000, tôi đón máy bay về lại quê nhà. Có lẽ cũng chỉ vì có tiếng gọi tha thiết của một thi sĩ, tiếng gọi mơ màng của một o đò, tiếng gọi nồng nàn của tình yêu. Và sau dăm bảy lần về thăm quê hương, tôi quyết định sáng tác một xêri 10 ca khúc gọi là 10 bài Hương ca. Tôi đem bài thơ Về thôi! phổ thành Hương ca số 1 với nhan đề Trăm năm bến cũ. Khi quyết định thực hiện ca khúc Hương ca của năm 2000, tôi thấy ngay rằng Hương ca của năm 2000 phải khác Quê hương ca của năm 1950. Nó sẽ không nhắc lại quê hương “Có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn”. Không còn là hình ảnh quê hương của một thời, quê hương trong trí nhớ, trong hạnh phúc hay khổ đau của những năm xa xưa. Quê hương của năm 2000, đối với một người 80 tuổi như tôi có thể cũng đã như hoa tàn hoa nở, trăng khuyết trăng tròn, khi tốt khi xấu, khi buồn khi vui, nghĩa là trở thành vô thường cả rồi, như ngàn năm mây trôi. Chính vì vậy, ca khúc khúc Hương ca số 2 với nhan đề Quê hương vô thường rất bình dị, rất giản đơn. Trăng to tròn rồi khi không còn trăng nữa Trăng già nua, rồi trăng tái hồn trăng non Có gì đâu mà em tủi em buồn? Xin lặng chờ cho trăng ngàn sẽ tới... Trăng to tròn vằng vặc suốt đêm Em tươi ròn ngả xuống, xuống vai mềm Ôm người em ấm êm Hôn vào đôi mắt ngoan Cho đời thêm sắc, cho tình sáng thêm... (Quê hương vô thường, Phạm Duy 2004) Trong một lần xuống Hậu Giang, trên chiếc xe đang đợi qua phà. Một em bé nhỏ nhắn đến mời tôi mua vé số. Nhìn đôi mắt ngây thơ, trong sáng của em, với tâm hồn của một gã nghệ sĩ, hình ảnh của cô bé càng khiến cho tình cảm quê hương của tôi càng thêm thôi thúc, xúc động. Điều càng khiến tôi bất ngờ hơn là khi tôi quyết định giúp đỡ cô bé một số tiền không nhỏ, cô bé đã từ chối, chỉ cần “Ông mua vé số cho cháu thôi”. Tôi quyết định mua tất cả số vé số còn lại trên tay cô bé. Khi mua xong, tôi bỏ đi, cô bé lại chạy theo níu áo. Ngỡ rằng tôi trả tiền thiếu chăng, nhưng không, cô bé từ tốn gỡ chiếc cặp tóc trên đầu xuống và rằng “Tặng ông cái này để làm kỷ niệm”. Dù đã ở tuổi 85 nhưng một lần nữa, tâm hồn nghệ sĩ của tôi đã bị hình ảnh của em bé bán vé số khuấy động. Tôi quyết định viết lại câu chuyện này để bày tỏ tình cảm của mình với sự đổi mới của quê hương. Quê hương tôi bây giờ giàu lắm, giàu tình, giàu nghĩa và giàu nhân cách... Thế rồi tôi xuống Hậu Giang Tôi qua bến phà sông lớn.
Đang nhìn những cánh bèo trôi Bỗng nghe rộn rã câu mời “Xổ số ông ơi ông ơi ông mua xổ số ông ơi” Tôi nhìn em bé thật xinh Guốc mộc, áo lành không rách Mắt tròn, trong sáng và to Đôi má em và môi em đỏ Mái tóc dày, mùi tóc thơm tho, với cặp tóc đơn sơ,... Thế rồi tôi móc túi ra Tặng em chút quà không nhỏ Lắc đầu em cứ nhìn tôi Em không muốn xin tiền người... (Chiếc cặp tóc thơm tho, Phạm Duy, 2004) Quê hương là núi là rừng, là sông là biển, quê hương còn là những văn nhân thi sĩ dù ở suốt đời trong nước hay lưu lạc khắp năm châu bốn bể. Họ đều là những người dành trọn đời mình xưng tụng quê hương. Nhà văn Sơn Nam có cuốn Hương rừng Cà Mau, trong đó có một bài thơ mà tôi đã phóng tác thành bài Hương ca số 6 nhan đề Hương rừng. Trong sương khói mong manh (ư) Có bóng người vô danh Từ bên này sông Tiền (ư) Qua bên kia sông Hậu... Mang theo chiếc độc huyền Và điệu thơ Lục Vân Tiên Tới Cà Mau, Rạch Giá (á) Cất chòi giữa rừng thiêng (ha ha) Đắp bồi nước Việt Nam (ha ha) Muỗi, vắt nhiều hơn cò (cò ơi) Chướng khí mù như sương (mù sương) Thân không là lính thú (u ú) Sao không về cố hương (ha)”
(Hương rừng, Phạm Duy, 2004 - Thơ Sơn Nam)
31-12-2006 
Trần Anh 
(Ghi theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Duy)
Theo https://nld.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...