Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Nhớ bến đò xưa

Nhớ bến đò xưa

Tự lâu lắm rồi, những áng thơ văn bất hủ của cố nhà thơ Tế Hanh làm tôi nhớ làu làu và hằn sâu trong ký ức. Thật kỳ lạ, vẫn cứ xốn xang rung cảm mỗi khi nghe câu thơ quen thuộc ấy ngân lên. Có lẽ vì thế mà hình ảnh cây đa, bến nước, con đò là đề tài muôn thuở, không bao giờ vơi cạn của các thi nhân và đã chắp cánh, nâng hồn thơ bay đến mọi miền Tổ quốc.
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre, tâm hồn tôi là một buổi trưa hè, tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng”…
Tự lâu lắm rồi, những áng thơ văn bất hủ của cố nhà thơ Tế Hanh làm tôi nhớ làu làu và hằn sâu trong ký ức. Thật kỳ lạ, vẫn cứ xốn xang rung cảm mỗi khi nghe câu thơ quen thuộc ấy ngân lên. Có lẽ vì thế mà hình ảnh cây đa, bến nước, con đò là đề tài muôn thuở, không bao giờ vơi cạn của các thi nhân và đã chắp cánh, nâng hồn thơ bay đến mọi miền Tổ quốc.
Trời tờ mờ sáng, những giọt sương li ti đậu trên phiến lá non xanh. Đoán rằng giọt sương đã lắng đọng ở đó suốt đêm qua. Mấy chùm dây tơ hồng bọng nước phủ sắc màu vàng óng, lấp lánh bám chặt trên hàng chè tàu hệt như đứa trẻ đang víu lấy bầu sữa mẹ. Văng vẳng đâu đây tiếng í ới gọi đò, tiếng lép bép của những đôi chân bước vội. Ông mặt trời vẫn chưa chịu ngoi lên sau một đêm dài xả hơi yên tĩnh. Thoáng chốc, ngoài bến đò đông nghịt hẳn lên. Các bà, các chị tất tưởi đi chợ; cô chú công chức đứng đắn trong trang phục phẳng phiu; các cô cậu học trò tay ôm cặp sách; và các em nữ sinh e ấp thẹn thùng sở hữu tà áo dài tinh khiết thanh tao lất phất bay nhẹ trong gió. Ai cũng muốn nhanh chân lên đò để mau cập bến. Ông Tám “thủy thủ” không còn trẻ nữa nhưng với dáng người quắc thước, đôi mắt tinh anh, bàn tay sần sùi, đầy sẹo dạn dày kinh nghiệm, đã khua dòng nước đưa bao thế hệ tiếp nối sang sông.
Qua lời kể chậm rãi của nội, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Tám tham gia chiến đấu nhận nhiệm vụ chèo đò để đưa bộ đội vượt suối băng rừng. Có lần bị địch phát hiện, ông lặn cả giờ đồng hồ dưới nước để đánh lạc hướng đối phương. Vượt qua muôn trùng hy sinh, gian khổ, cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối. Nghe câu chuyện của nội mà nước mắt tôi rưng rưng, nhưng vô cùng tự hào về quá khứ oai hùng của dân tộc đã sinh ra bao người con đanh thép kiên trung, huyền thoại. Khi tiếng bom đạn đã êm, thời chiến cũng đã lùi xa, nhưng cái nghề khua nước ven sông đã bám riết lấy ông như một duyên phận trời định và ông đã chọn cho mình cái nghề mưu sinh như thế đó. Người dân quê tôi gọi ông là “lão bối” chèo đò.
Vào những buổi trưa hè yên ả, ánh nắng rọi chiếu trên dòng sông lấp lánh, những đứa trẻ thương hồ như tôi thường hay xúm lại an tọa trên mái nhà thứ hai của ông để nghe kể chuyện. Hồi đó, ông có chiếc ra đi ô của Nhật Bổn là vật bất ly thân để nghe ngóng tin tức, thích nhất là những vở cải lương, hát tuồng. Lần đầu tiên tôi sung sướng đến nhảy cẫng lên vì được ông cho cầm chiếc máy và tự nhiên nghe tiếng người phát ra trong đó làm tôi sững sờ. Tối ấy về khoe với mẹ, cảm giác đó nhớ tới tận bây giờ.
Tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên quê hương có dòng sông xanh biếc - dòng sông Thu Bồn đã ôm ấp tuổi thơ tôi, vỗ về ru tôi miên man từng giấc ngủ, những buổi chiều tà khi mặt trời chậm rãi về nơi phố núi, dòng sông lặng lờ một khoảng trời thơ mộng, rải dài ven sông là những lũy tre xanh rì rào cong vuốt, khẽ uốn lượn nghiêng mình khi có gió thoảng qua.
Thời gian thấm thoát trôi đưa, con đò cũng đã đi xa mà thay vào đó là nhịp cầu treo lắt lẻo nối liền hai bờ sông nước lung linh. Giờ thì mọi người vô tư qua lại bất cứ lúc nào ngay cả nắng mưa, khuya sớm. Những em bé có thể tự đi học mà không cần bố mẹ, anh chị đón đưa hay dìu dắt. Tiếng động cơ xe máy mặc sức nhả khói đi lại pha lẫn vào không trung. Cảnh nhộn nhịp nơi bến đò chỉ còn trong trí tưởng tượng và qua câu chuyện kể truyền miệng của những người đi trước.
Chiều buông, những áng mây lững lờ trên bầu trời quang đãng, tôi thong dong bách bộ đi dọc trên triền cát dài thăm thẳm mà cõi lòng man mác nỗi buồn thương. Bãi dâu xanh in dài trên cát, những nương ngô trải màu vàng úa khoe những bắp ngô đang chờ người đến hái. Vẫn còn đó dòng sông hiền hòa, vẫn còn đó những mái nhà rêu phong cổ kính. Hình ảnh ông lái đò đã lùi vào dĩ vãng, không còn tiếng mái dầm khua sông, chỉ mênh mang bến nước ngọt ngào…
10/11/2020
Hạ Đăng
Theo http://nongson.quangnam.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...