Sài Gòn nhớ nhớ thương thương
Kỳ 1. Nhớ lắm Trường Nguyễn
Thượng Hiền
Sao lại gọi là Bà Quẹo? Tại sao tháp nước bên đường Điện
Biên Phủ lại có hình phi thuyền Apollo? Con đường có lá me bay là đường nào?…
Sài Gòn vừa lạ vừa quen, đi xa thì nhớ, mà ở gần càng thương…Trường Nguyễn Thượng Hiền niên học 1972-1973 - Ảnh: BÙI HỌA Không có lịch sử lâu đời như Trường Nữ sinh Áo Tím, Gia Long
- Nguyễn Thị Minh Khai, cũng không quá danh tiếng như Trường Pétrus Ký - Lê Hồng
Phong, nhưng trường Nguyễn Thượng Hiền vẫn là sự ngưỡng vọng của nhiều thế hệ học
sinh Sài Gòn.
Trường 3 lần đổi tên
Ít ai biết rằng ngôi trường cấp III ở ngã tư Bảy Hiền (Q. Tân
Bình) này khởi phát từ một trường trung học đệ nhất cấp. Năm 1969, niên khóa đầu
tiên của Trường trung học Tân Bình được khai giảng tạm tại Trường tư thục Nhân
Văn (nay là Trường tiểu học Bành Văn Trân).
Năm sau, khi chính thức có "nhà" tại số 544 đường
Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8, Q. Tân Bình), thầy trò Trường trung học
Tân Bình đã dọn về ngôi trường có một dãy lầu 2 tầng, gồm 12 phòng, kể cả khu
hành chính.
Đến năm học 1972-1973, sau khi xây thêm dãy lầu bên phải, trường
mở thêm các lớp đệ nhị cấp (cấp III), rồi chính thức đổi tên thành Trường Nguyễn
Thượng Hiền vào năm học sau đó. Đến năm 1987, theo dòng chảy lịch sử, trường được
đổi tên thành Nguyễn Văn Trỗi, nhưng sang năm 1990 lại trở về với tên Nguyễn
Thượng Hiền như xưa.
Trong ký ức của những cựu học sinh hiện đã U70, trường ban đầu
chỉ có khu A (phần diện tích đất phía cổng Cách Mạng Tháng 8 hiện nay), phần đất
của trường ngay góc đường Lê Văn Duyệt trước là một Cuộc Cảnh sát, phía sau trường
là khu trại lính Đại Hàn.
Vào năm 1973, sau Hiệp định Paris, lính Đại Hàn rút quân, trường
được giao cho sử dụng phần đất khu B (phần diện tích đất ở cổng đường Võ Tánh
(Hoàng Văn Thụ ngày nay) với dãy nhà vòm mái tôn mà mùa nóng học sinh muốn chảy
mỡ, mùa mưa học sinh mừng vì được nghỉ học do mưa lớn, không… nghe được tiếng
thầy cô giảng.
Đất trống phía sau trường là một đồng cỏ, vũng nước và những
cây bạch đàn được các thầy cô sống trong khu B của trường tận dụng nuôi bò,
nuôi heo, cải thiện đời sống khi đất nước còn khó khăn. Sau 1975, trường dần cải
tạo khu đất này bằng những giờ cho học sinh đi lao động trồng cây.
Do là trường công nên ngay từ năm học đầu tiên, học sinh muốn
vào trường phải qua thi tuyển. "Điểm tuyển thi đầu vào của trường rất cao,
phải là học sinh giỏi mới đậu vô trường nên đến khi thi tốt nghiệp tỉ lệ đậu
cũng đạt khoảng 100%. Nhờ đó mà về sau trường có danh tiếng trong đào tạo học
sinh" - bà Trần Thị Tuyết Oanh, một học sinh khóa đầu tiên của trường, nhớ
lại.
Không chỉ "siết" đầu vào, trường cũng có quy chế kỷ
luật nghiêm với học trò bao đời nay được xếp hạng chỉ sau… "quỷ và
ma". Nữ sinh mặc áo dài không được xẻ cao quá eo và phải mặc áo lá; nam
sinh không được mặc áo hở nút, giày sandal phải mang quai hậu…
Cứ vài tháng trường lại có đợt kiểm tra tập sách học sinh. Ai
là cựu học sinh của trường hẳn sẽ nhớ những buổi giám thị đi kiểm tra tập sách
của lớp.
"Hồi xưa đi học ngoan lắm, kính sợ thầy cô, nhưng học
trò thời nào mà không quậy phá nên cũng bị phạt chứ. Chép phạt, rồi bị phạt đứng
dưới cột cờ và có cả cấm túc luôn... Nhưng bị phạt xong học trò vẫn yêu quý thầy
cô, chứ không ghét hay ấm ức trong bụng" - ông Bùi Họa, cựu học sinh Nguyễn
Thượng Hiền, niên khóa 1978, kể lại những năm học tại trường.Giờ sinh hoạt dưới cờ của học sinh Nguyễn Thượng Hiền, bên
kia đường là Bệnh viện Vì Dân (Bệnh viện Thống Nhất) - Ảnh: BÙI HỌA Những thầy cô in dấu
Nhắc đến thầy cô của mình, những cựu học sinh Trường Nguyễn
Thượng Hiền thuở ban đầu vẫn không giấu vẻ tự hào. Hình ảnh và phong cách của
các giáo sư đại thụ ngành giáo dục như Nguyễn Đình Chung Song, Đinh Văn Lô, Văn
Đức Kim, Đinh Công Hoạt, Bùi Mỹ Dương, Lê Thị Túy Đại (vợ giáo sư Chung
Song)... vẫn còn đậm nét trong lòng những cô cậu học trò dù đã 50 năm
qua.
"Các giáo sư ngày xưa mẫu mực, nghiêm lắm và dạy học trò
rất có tâm nên dù không có ngày 20-11 nhưng đến ngày lễ tết học trò vẫn đến nhà
thầy cô chơi, còn được thầy cô nấu cơm cho ăn nữa" - bà Tuyết Oanh xúc động
kể lại.
Đến giờ, học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền khóa 1982-1985 vẫn
nhớ mãi câu chuyện đứa học trò mặc áo xanh suốt 3 năm. Đó là cái thời cả nước
khó khăn, thầy cô nhiều người còn đi xe đạp mòn bánh. Sau giờ dạy, nhiều thầy
cô phải làm bánh, may gia công, chăn nuôi, thậm chí ngồi vá xe đạp ở vỉa hè...
để cải thiện thu nhập.
Trường quy định học sinh chỉ cần mặc áo trắng vào buổi sáng
thứ hai để chào cờ. Tất cả đều cố gắng thực hiện, riêng chỉ có trò Lê Minh Tuấn
(A11) thì mặc áo xanh như bộ đội vào ngày đó. Thấy đứa học trò thường xuyên
"kháng lệnh" trường, thầy chủ nhiệm cho học trò lên "uống nước
trà" cùng thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Nghi.
Lên gặp thầy hiệu trưởng, trò Tuấn lúng túng giải thích do ba
mình là bộ đội, mẹ là thương binh, sức khỏe yếu nhưng vẫn nhận may gia công đồ
bộ đội. Do không có tiền mua áo trắng mà dư áo từ đồ may gia công nên người mẹ
tận dụng cho con mặc đi học. Nghe trò kể hoàn cảnh, thầy hiệu trưởng "đặc
cách" cho học sinh này được mặc áo xanh vào ngày đầu tuần kể từ đó.
Ba năm học cấp III ở Trường Nguyễn Thượng Hiền 1990-1993 đã
in dấu mãi đời tôi. Quên sao được bài làm văn được chấm 9,75 điểm và cô giáo thực
tập đã xin giữ bài làm kỷ niệm.
Cựu học sinh N.Q.V.
Xa trường mà lòng lưu luyến nhớ
Rất nhiều học trò của trường ngày nay thành nhân, thành tài
nhờ sự giáo dục, giúp đỡ của thầy cô, dù các thầy cô đó không trực tiếp dạy
mình. Vào đầu thập niên 1990, tôi cũng là một đứa học trò được "đặc
cách".
Vì gia cảnh nghèo, mẹ tôi làm đơn xin trường cho con mình được
miễn giảm tiền học phí. Kết quả là suốt 3 năm đi học tại trường, tôi được miễn
học phí, dù học phí hệ B lúc đó nhiều hơn hệ A. Mà nói là hệ B nhưng chương
trình học của hệ B không khác gì hệ A, thậm chí các thầy cô giám thị còn quan
tâm "đặc biệt" đến đám hệ B nhiều hơn vì nghĩ chúng quậy phá hơn.
Để được vào Trường Nguyễn Thượng Hiền không phải là dễ nên đứa
nào trong lớp cũng phải cố gắng học hành đàng hoàng, không để bị ghi sổ đầu
bài, bị mời phụ huynh. Giờ ra chơi "quậy lắm" thì đám con gái cột áo
dài lên, chơi rượt bắt trong lớp mà mắt vẫn phải liếc ra cửa canh thầy Thịnh,
cô Hà vì lớp cách phòng giám thị chỉ 10 bước chân.
Thỉnh thoảng lớp nổi hứng rủ nhau đi chơi xa, dù ngày đó là
ngày 20-11, cả trường tổ chức lễ. Để rồi hôm sau cả lớp bị phạt đứng phơi nắng
dưới sân trường, mà đến giờ nhắc lại cô giáo Xuân vẫn còn giận "đám quỷ"
A13 năm nào.
Nửa thế kỷ đã trôi qua. Trường Nguyễn Thượng Hiền như vẫn mới
với cánh cổng đã khác xưa. Khu B giờ đã được mở rộng, nâng cấp, với nhà thi đấu
thể thao, sân bóng đá, hồ bơi có mái che... hiện đại hàng đầu trong các trường ở
thành phố. Bao lứa học trò đã rời xa trường lớp nhưng lòng vẫn lưu luyến nhớ kỷ
niệm năm nào dù chỉ một thoáng đi qua ngã tư Bảy Hiền.
Đầu đã bạc vẫn như cậu học trò xưa
Thầy cô năm nào giờ đã nghỉ hưu, nhớ nhớ quên quên chuyện cũ,
nhưng mắt vẫn rưng rưng khi nghe nhắc đến ngôi trường và học trò thân yêu. Tuổi
trường đã nửa thế kỷ rồi, nhưng vẫn như mới đây khi lứa học trò thuở đầu, tóc bạc
phơ, vẫn nhộn nhạo "mày mày, tao tao" như ngày xưa đi học và những
mùa hoa phượng về…
Bao người Sài Gòn quá rành rẽ địa danh Bà Quẹo, nhưng mấy ai
biết Bà Quẹo là… Bà Quẹo nào?
Kỳ 2: Bà Quẹo là... Bà Quẹo
nào?
Thuộc đất Gia Định xưa, Bà Quẹo được nhiều bậc cao niên
nhớ đến với cái chợ ngay ngã ba đường và một vùng đất đồng ruộng.Dấu xưa Bà Quẹo còn lại chốn này - Ảnh: THỦY TIÊN Là dân Sài Gòn đi kinh tế mới Long An, tôi thường xuyên qua lại
ngã Bà Quẹo. Đó là những buổi sáng mặt trời chưa lên, rau quả đầy ắp chợ và mùi
rau thơm bốc lên lừng cả đoạn đường.
Nguyễn Quốc Minh (một cựu dân ở ngã tư Bảy Hiền, gần Bà Quẹo)
Thế hệ dân Sài Gòn gần tuổi 50 như tôi cũng không biết bao lần
đã ngược xuôi qua Bà Quẹo, nhưng vẫn như khách lạ khi tìm hiểu nơi chốn này...
Bà Quẹo hay bàu Quẹo?
Nhắc đến Bà Quẹo, người ta thường chỉ nhớ và khuôn biệt ở chợ
Bà Quẹo (nay là chợ Võ Thành Trang, phường 14, Tân Bình, TP.HCM) mà không biết
rằng ngày xưa nó là trung tâm của làng Tân Sơn Nhì, tổng Dương Hòa Thượng.
Ông Lý Thiếu Lương, 83 tuổi, nhà ở phường Tân Kỳ, quận Tân
Phú, sống ở đây từ năm 1960, kể chợ Bà Quẹo khi xưa (chợ cũ) nằm ở gần ngã tư
Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (vị trí nhà sách Nhân Văn hiện nay). Khu chợ mới
(chợ Võ Thành Trang ngày nay) lúc đó chỉ là chợ tạm, chưa có tên, ít người buôn
bán.
Sau năm 1975, do dân ngày càng đông, chợ cũ không đáp ứng nhu
cầu nên được di dời, sáp nhập với khu chợ mới và được đổi tên thành chợ Võ
Thành Trang. Chợ chủ yếu mua nông sản từ vùng Hóc Môn, Củ Chi, Long An, Tây
Ninh để bán lại cho các chợ ở Sài Gòn, Chợ Lớn.
Không cách nhà tôi bao xa, trục đường chính qua Bà Quẹo ngày
xưa là đường Thiên Lý (sau đổi thành Cách Mạng Tháng 8 và phân đoạn thành Trường
Chinh hiện nay). Cả khu vực này ngày ấy chỉ có duy nhất chợ Bà Quẹo (ấp Tân Kỳ,
xã Tân Sơn Nhì) nên người ở ấp Tân Quý muốn đi chợ thì phải đi tuyến độc đạo bằng
xe ngựa xuống chợ.
Con đường đó được người dân quen gọi Tân Kỳ Tân Quý do nối liền
hai làng cùng tên. Bến xe ngựa ngày trước nằm tại vị trí ngã ba Tân Kỳ Tân Quý
và Lê Trọng Tấn. Đây cũng là nơi họp chợ đêm của chợ Bà Quẹo, chợ bán sỉ hàng
bông lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.
Nhà báo - nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, một cựu dân Bà Quẹo, sống
ở khu ngã ba này (khi xưa gọi là ngã ba Trong) cho biết do chợ đêm hoạt động nhộn
nhịp, đèn đuốc sáng trưng, ngựa hí và người dập dìu trước chợ, ngay cạnh hội đồng
xã Tân Sơn Nhì, đối diện đồn cảnh sát xã, nên để bảo đảm an ninh, chính quyền
ra lịnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng.
Để "lách luật", ban đêm tiểu thương vào trong khu
ngã ba Trong nhóm họp chợ đến tận sáng.
Ngày tôi còn nhỏ thường nghe người lớn kể rằng tên Bà Quẹo được
đặt theo tên bà chủ chợ. Nhưng nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển cho rằng tên này bị
đọc chệch của bờ Quẹo hay bàu Quẹo vì ở khu này có một khúc quẹo rất rõ, ngay
đây ngày xưa là một cái bàu nên gọi theo đặc điểm như thế cho dễ nhớ. Chính vì
vậy, từ "quẹo" ngày xưa được đặt cho nhiều nơi như ở xã Phạm Văn Hai,
huyện Bình Chánh có cống Quẹo, huyện Cần Giờ có lộ Quẹo.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cũng bác
giả thuyết cho rằng Bà Quẹo là một trong năm người vợ của ông lãnh binh Thăng,
được chồng cho cai quản chợ để các bà chuyên tâm làm ăn, khỏi ghen tuông, cãi
nhau, nhức đầu (!).
Trong khi đó, theo lời kể truyền miệng của một số người sống
lâu năm tại khu này, tên Bà Quẹo đã có hơn 100 năm qua. Bà Quẹo là một người phụ
nữ vẹo tay (người miền Nam gọi là quẹo), bán trà, chuối ở ngã ba, gần chợ (ngày
nay thuộc mũi tàu Trường Chinh - Âu Cơ). Đây là điểm hẹn của những xe thổ mộ chở
hàng rau củ "buôn có bạn, bán có phường" từ Hóc Môn, Củ Chi, Long An
lên miệt Sài Gòn, Chợ Lớn dừng chân uống nước, nghỉ ngơi mỗi khi đi, về.
"Ngày xưa, hồi tui còn nhỏ xíu đã nghe má tui nói bà Quẹo
là người đàn bà có tật ở tay, bán gì không rõ, ở khu vực chợ này. Nghe nói vậy,
chứ có ai biết mặt mũi bà ấy ra sao đâu" - bà Nguyễn Thị A (73 tuổi, nhà ở
hẻm 985 Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), một người đã có nhiều thế hệ
sống tại khu Bà Quẹo, kể.Chợ Bà Quẹo xưa nay đã thành chợ Võ Thành Trang - Ảnh: QUANG
ĐỊNH Vùng đất của lúa và hầm
Do Bà Quẹo là vùng đất xưa, từ thời chúa Nguyễn vào Nam khẩn
hoang, mang theo di dân miền Trung vào lập nghiệp nên sau nhiều thế hệ dần dần
con cháu bị "Nam hóa", chẳng ai còn nhớ gốc gác của mình là người ở
đâu. Chỉ đến thập niên 1960, Bà Quẹo mới tiếp đón thêm làn sóng người mới nhập
cư từ miền Trung vào sống tại khu vực chợ Bà Hoa, ngã tư Bảy Hiền. Rồi đến sau
1975, dân tứ xứ ở nhiều nơi mới tìm đến vùng đất ruộng và lắm sình lầy này của
Sài Gòn.
"Hồi xưa, khu này toàn hầm là hầm. Nhiều nhà có một, hai
cái hầm nuôi "Việt cộng" và cũng để người nhà trốn đi lính. Như nhà
tui cũng có hai cái hầm, một để nuôi anh chồng làm cách mạng, một để cho chồng
tui trốn quân dịch" - bà A nhớ lại. Theo bà A, vùng đất này ngày trước nhiều
ruộng, mỗi nhà được bao quanh bởi một lũy tre. Nhà bà cách nhà hàng xóm hơn cả
mẫu đất.
Khu dân ở đông nhất là gần chợ Bà Quẹo, còn xa hơn chỉ là ruộng
lúa. Sau năm 1975, người dân chặt bớt tre để đỡ hoang hóa và cũng để bán bớt đất.
Đất rộng, người thưa, chỉ toàn là ruộng với ruộng, lại đường nhỏ hẹp, có nơi chỉ
lối mòn nhỏ, nên đất khu này lúc đó bán rẻ như cho. Chỉ đến đầu thập niên 1990,
cơn sốt đất bùng lên, giá nhà đất mới dần tăng chóng mặt.
"Ngày xưa có điện nhưng tù mù lắm, đâu có mà sáng trưng
và xài thoải mái như giờ. Đèn đường cũng đâu có. Sáng sớm gánh rau ra chợ nếu
có chị em nào hẹn đi cùng thì vui. Còn không thì cũng phải gánh một mình trong
đêm tối thui. Nhưng tui là dân ở đây lâu nên quen rồi, không có sợ gì hết"
- bà A tâm sự về cái thời vất vả lúc xưa.
Đến cuối thập niên 1980, nếu ai đến khu này vẫn thấy còn hơi
"quê quê" như mỗi khi tôi về nhà dì mình ở phường 15, quận Tân Bình.
Từ mũi tàu đường Cách Mạng Tháng 8 - Âu Cơ đi xuống phía Khu công nghiệp Tân
Bình ngày nay, ven con đường nhỏ chỉ là những ngôi nhà nhỏ, nếu có lầu cũng chỉ
nho nhỏ.
Thế nhưng khi vào những con hẻm thì khung cảnh giống như về
miền Tây. Nhà người dân trong hẻm lại rộng rãi, thoáng mát, xung quanh nhà trồng
cây trái, nhất là những nhà ở cố cựu. Gần đó là những khu đất trống trồng rau
xà lách, cải và cả hoa vạn thọ.
Tôi còn nhớ vào dịp tết, khi đó dì tôi mới "tình trong
như đã", dượng đã đem "sản vật" do nhà mình trồng là những bông
vạn thọ thơm ngai ngái xuống biếu nhà ngoại tôi. Người dân Bà Quẹo xưa cũng mộc
mạc, chân chất. Đến tìm nhà cũng không cần hỏi kỹ địa chỉ, mà chỉ đi đến đúng hẻm,
hỏi tên người là được chỉ đến tận nơi.
Nhà này biết rõ từng "nhân khẩu" nhà kia thông qua
những "nickname" đậm chất quê xưa như Hai Cư, Ba Lé, Tám Dịu... Cũng
chính vì chân chất, thật thà nên dù nhà không khá giả gì, dượng vẫn lọt qua được
các vòng sơ tuyển, chung kết của mấy dì lẫn ông bà ngoại tôi để làm rể, và được
ông bà tôi thương như con ruột của mình cho đến ngày dượng mất.
Cảnh xưa hiện đã thay đổi nhiều. Mỗi khi đi ngang, tôi chỉ
còn định vị được và nhìn ra cái chợ xưa, cái bưu điện Bà Quẹo thuở nào. Giờ địa
danh Bà Quẹo chỉ còn được nhắc đến qua những câu chuyện của người lớn tuổi. Rồi
các thế hệ sau sẽ lướt qua đây với tốc độ metro và chắc chẳng mấy quan tâm đến
cái địa danh Bà Quẹo nghe lạ lạ tai, một thời từng là thôn dã ven Sài Gòn...
Kỳ 3: Bảy Hiền thân thương
"Nhớ ngã tư Bảy Hiền nghen. Cho tui xuống đó nha
bác tài". Suốt tuổi thơ từ Sài Gòn về vùng kinh tế mới bưng biền Long An,
tôi đều đi qua ngã tư thân thương này.Ngã tư Bảy Hiền nay đã khang trang hơn với Bệnh viện Thống Nhất
và Trường Nguyễn Thượng Hiền đều đã được nâng cấp, xây thêm - Ảnh: TỰ TRUNG Đi về quê thì ra bãi xe lam gần ngã tư Bảy Hiền, lên Sài Gòn
thì cũng dặn bác tài dừng xe, cho xuống đây. Cái câu "nhớ ngã tư Bảy Hiền
nghen" lẫn tiếng máy xe lam nổ phành phạch đã đi vào ký ức thời khó khăn hậu
chiến...
Bảy Hiền, chứng nhân lịch sử
Nếu ai đó từng ngược xuôi qua ngã tư Bảy Hiền 40 năm trước, rồi
đi xa đến giờ mới trở lại, chắc chắn sẽ ngạc nhiên. Cảnh cũ, người xưa đổi thay
quá nhiều. Nhà cửa khang trang hơn, điện đuốc sáng trưng, nhất là tuyến metro
đang mở rộng trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh khiến những
ngôi nhà xưa cũ còn sót lại cũng phải dỡ bỏ mặt tiền.
Tuy nhiên, những người từng nhiều năm ở khu Bảy Hiền như tôi
thì dù thời gian có làm đổi thay nhiều thứ nhưng vẫn còn đó những nơi chốn để
có thể nhận ra ngay ngã tư thân quen. Đó là Bệnh viện Thống Nhất từng mang tên Vì
Dân vẫn ngay góc đường dù đã được nâng cấp. Và Trường Nguyễn Thượng Hiền dù được
xây dựng rộng lớn hơn hẳn vẫn không thể lẫn vào đâu...
Sau bước ngoặt lịch sử tháng 4-1975, bốn con đường tạo nên
ngã tư Bảy Hiền đã mang tên mới. Trục đường chính từ Sài Gòn - Gia Định về Long
An, Tây Ninh xuyên qua ngã tư Bảy Hiền được đổi hai tên Lê Văn Duyệt và Phạm Hồng
Thái thành Cách Mạng Tháng Tám.
Con đường cắt ngang với trục này từng mang tên Võ Tánh (về hướng
sân bay Tân Sơn Nhất) - Nguyễn Văn Thoại (về hướng đường Hồng Bàng) được đổi
thành Hoàng Văn Thụ và Lý Thường Kiệt.
Tuy nhiên, dù thay đổi "danh phận" theo biến thiên
lịch sử thế nào thì ngã tư Bảy Hiền vẫn trong tâm thức người dân. Mẹ tôi, cô
gái ở quận 10, về làm dâu ở Tân Bình liền bên ngã tư này kể: "Trước năm
1970, ở đây còn mênh mông đất trống và... mồ mả. Bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất)
chưa có, Trường Nguyễn Thượng Hiền cũng chưa thành hình, chỉ là đồn cảnh sát,
quân đội và những bãi đất trống lùm xùm cây cỏ, lầy lội vào mùa mưa.
Góc bên kia ngã tư về hướng Tân Sơn Nhất vẫn còn là nghĩa
trang quân đội Pháp được chia hàng, chia ô thẳng tắp. Tết Mậu Thân 1968, chính
nghĩa địa lại trở thành nơi giao tranh ác liệt, khói lửa mịt trời".
Là cửa ngõ Tây Bắc của Sài Gòn - Gia Định, ngã tư Bảy Hiền từng
là chứng nhân của bao dâu bể ly loạn, thăng trầm thời cuộc. Nhiều đợt tấn công
của quân cách mạng vào nội đô đều qua cửa ngõ này, mà thế hệ gần 50 tuổi chúng
tôi lớn lên vào thời hậu chiến vẫn tìm thấy vô số vỏ đạn, đầu đạn trong các buổi
mò ốc, bắt cá ngay bãi cỏ phía sau Trường Nguyễn Thượng Hiền hay dưới lòng kênh
Nhiêu Lộc.
Đầu những năm 1970, ngã tư Bảy Hiền cũng từng in đậm dấu chân
nhiều đoàn Việt kiều chạy nạn thảm sát từ Campuchia về nước.
Những năm sau 1975, cả nước quay quắt tìm miếng ăn với nồi
cơm độn khoai, với nồi bo bo mà lứa nhỏ chúng tôi nhầm lẫn là bắp nhưng ăn vào
có thể chảy máu răng vì quá cứng. Bảy Hiền tiếp tục là chứng nhân của những
dòng người đi kinh tế mới.
Cửa ngõ Tây Bắc thành phố này chính là ngả đi các khu kinh tế
mới Đồng Ban, Tây Ninh; Đức Hòa, Đức Huệ, Long An... Nhà tôi chính là một trong
những gia đình rời khu dân cư Hiệp Nhất ở khu Bảy Hiền để về miệt bưng biền
biên giới. Nhiều đợt dân đi vào buổi sáng sớm, những đoàn xe tải đậu dài bên
các con đường ngã tư Bảy Hiền rực băngrôn, cờ đỏ trong cảnh đưa tiễn
nhau.
Nhưng chỉ một thời gian sau, Bảy Hiền lại tiếp tục soi bóng
các đồng bào đi kinh tế mới gặp khó khăn phải quay lại thành phố kiếm sống. Một
lần nữa, quanh ngã tư này lại xuất hiện những xóm nghèo tự phát, những ngôi nhà
tạm bợ chẳng khác gì cái chòi rách và đôi bờ kênh Nhiêu Lộc ngày càng dày đặc
nhà sàn tả tơi...Bảy Hiền trước năm 1975 vẫn còn ít nhà cửa và khu triển lãm Tân Bình hiện nay còn là nghĩa trang quân đội Pháp - Ảnh tư liệu Đường sáng, người đông vui hơn
Tuy nhiên, qua thời khó khăn hậu chiến, cửa ngõ này đã bắt đầu
là chứng nhân cho đổi thay, phát triển. Những đứa trẻ đã ở tuổi ngót nghét 15
như chúng tôi chưa đủ hiểu chuyện đời, nhưng thấy rõ Bảy Hiền ngày một sáng sủa
hơn, nhất là đèn đường về đêm không còn thường xuyên tối om vì cúp điện nữa.
Người qua lại ngã tư ngày trước toàn là xe đạp, giờ đã thấy
xuất hiện nhiều xe máy dù vẫn chỉ là những chiếc xe máy "nghĩa địa",
đồ xài rồi được mua về từ biên giới.
Sang cuối thập niên 1980 đầu 1990, người dân Bảy Hiền còn nhiều
thứ để cảm nhận đất nước dần qua thời kỳ thiếu hụt miếng ăn và bước sang giai
đoạn phát triển. Cuối tuần, lứa nhỏ chúng tôi hay băng qua ngã tư Bảy Hiền, đi
men theo đường Lý Thường Kiệt để vào chơi chợ Tân Bình.
Ngôi chợ này ngày ấy đã được xây kiên cố, có tầng lầu, chủ yếu
là bán quần áo, đồ điện tử và gia dụng. Mấy thằng bé đứng ngẩn ngơ với những
cái máy cassette nhấp nháy đèn xanh đỏ, những tủ kính đầy đồng hồ điện tử bằng
nhựa.
Từ khu Bảy Hiền, nếu không đi chơi chợ Tân Bình, chúng tôi
cũng còn nhiều thú chơi "thời thượng" khác như dành tiền đi xem phim ở
rạp Đại Lợi trên đường Phạm Văn Hai hay rạp Thanh Vân ở đường Cách Mạng Tháng
Tám. Đó là những ngày không gì có thể vui sướng hơn với chúng tôi khi các phim
"tư liệu" Hong Kong bắt đầu được cho chiếu lại với đầy rẫy cảnh đấm
đá, bay nhảy, phát chưởng đùng đùng.
Hàng xóm tôi là chú cựu binh có chiếc xe "lam đầu
bò" (lambretta) cũ nát nhưng vẫn còn phành phạch chạy được. Đám nhỏ chúng
tôi được chất lên xe ngược xuôi qua ngã tư Bảy Hiền để đi chơi. Từ đêm đêm phải
lang thang ra các nhà bán tivi trắng đen (sau là tivi màu) ở đầu đường Hoàng
Văn Thụ để xem ké, chúng tôi đã được ngồi ghế bành rộng trong rạp phim, được
mút kem lạnh. Biểu hiện của cuộc sống dần khá hơn.
Tôi còn nhớ về nửa cuối những năm 1980, quanh ngã tư Bảy Hiền
ngày càng xuất hiện nhiều tiệm bán đồ sản xuất như máy nông ngư cơ trên đường Lạc
Long Quân, đặc biệt là các loại máy may, máy vắt sổ trên đường Hoàng Văn Thụ và
Cách Mạng Tháng Tám.
Nhiều nhà đã ra đây mua máy may về sản xuất đồ gia công cho
xí nghiệp hay các chợ đầu mối Tân Bình, An Đông, Bình Tây và có đồng ra đồng
vào để dần sắm sửa cái cassette, cái tivi, xe máy và sửa sang nhà cửa. Nhiều
người đã lên được cơ sở sản xuất với dăm thợ may quanh xóm. Mẹ tôi chính là một
trong những cơ sở đó.
Ngã tư Bảy Hiền qua thời chứng kiến những người chạy loạn chiến
tranh rồi đi kinh tế mới nghèo khó, đã xuất hiện những chiếc xe máy, xe xích lô
(về sau là xe tải nhỏ) đi giao hàng, lấy hàng ở các chợ đầu mối. Cuộc sống đổi
thay và phát triển qua cửa ngõ trăm năm...
Hai đầu ngã tư Bảy Hiền là xóm dệt Quảng Nam với những người
thợ lành nghề, và khu Ông Tạ của người Bắc di cư thạo việc buôn bán. Vào đây đã
lâu, nhưng cả hai cộng đồng dân cư này vẫn còn lưu giữ đậm nét nguồn gốc quê
hương miền Trung, miền Bắc với giọng nói, lối sống và sinh hoạt hằng ngày...
Gọi tên ngã tư Bảy Hiền để tri ân người tử tế
Có nhiều ghi chép về nguồn gốc tên ngã tư Bảy Hiền như nhà
văn Sơn Nam cho rằng đó là tên của một người chuyên bán cỏ cho ngựa kéo xe qua
ngả này. Nhưng gần đây các thông tin đã xác thực rõ ràng rằng Bảy Hiền chính là
tên điền chủ Trần Văn Hiền sống bên ngã tư này.
Ông là người giàu có, thương người, hay giúp đỡ kẻ khó khăn
nên được kính trọng và người dân gọi tên ngã tư Bảy Hiền để ghi ân giống như
nhiều địa danh mang tên nhân vật ở miền Nam. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 3, thứ 4
của ông Trần Văn Hiền vẫn còn sống ở quận Tân Bình và quận 1. Phần hài cốt của
ông vẫn đang được thờ phụng tại một ngôi chùa ở quận 1...
Kỳ 4: An Phú Đông, vườn xưa
bên phố
Nghe nói An Phú Đông, nhiều người cứ tưởng ở đâu xa lắc,
nhưng chỉ cách nội đô Sài Gòn một con sông.Một vườn bưởi đường đặc sản vẫn còn xanh mát ở An Phú Đông - Ảnh:
NHẬT THỊNH Và một ngày đặt chân sang doi đất này, người ta lại càng bất
ngờ hơn với màu xanh mát mắt tương phản hẳn các khối bêtông cứng lạnh ở bên kia
bờ…
Làng quê bên phố
Những chuyến phà cuối cùng ở bến đò An
Phú Đông vẫn lặng lẽ chở khách chờ ngày cầu dựng xong. Cách đó không
xa, cây cầu sắt đã thành hình và không lâu nữa sẽ chấm dứt những buổi "lụy
đò" của người dân qua lại đôi bờ.
Bến đò An Phú Đông bao năm qua sẽ trở thành một phần trong ký
ức của "làng An Phú Đông xưa", hay còn được gọi là bán đảo "vàng
trắng" đất Sài Gòn - Gia Định một thuở.
Chiều muộn một ngày cuối tháng 10, những chuyến phà nối nhau
vội vã quay đầu rời bến An Phú Đông, quận 12, TP.HCM. Cô Nguyễn Thị Hương vội
vã tấp vào bến đò để mua vé, đợi chuyến phà sau qua Gò Vấp.
Cô Hương (62 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã đi qua bến
đò An Phú Đông này gần nửa đời người. Những chuyến phà không chỉ giúp cô đưa
đón con cái đi học, đi làm thuận tiện, rút ngắn quãng đường, mà với cô đó còn
là bao hồi ức khó quên.
Một thời, An Phú Đông nức tiếng với những vườn lài, vườn
ngâu, huệ trắng, mía, bưởi đường. Những đặc sản mà người địa phương cho rằng chỉ
cần rời vùng đất này đi nơi khác là không còn mùi vị đặc trưng. Và những người
An Phú Đông sinh ra ở vùng đất này đi đâu cũng truyền nhau bài hát mang dấu ấn
đặc biệt của quê hương mình:
Bên hàng dừa cao dòng sông mờ soi bóng
Nhớ những chiến binh trồng cây trên má hồng…
Con đò thường đưa quân qua muôn sóng
Hôm nay bến xưa vẫn còn ghi chiến công…
(Lời bài hát An Phú Đông, nhạc sĩ Lê Bình)
Chỉ cách trung tâm TP.HCM gần 10km nhưng đường tới cù lao An
Phú Đông xưa từng tuy gần mà xa bởi giao thông cách trở.
"Bán đảo vàng trắng" là tên gọi thân quen trong hồi
ức của ông Bảy Minh về làng An Phú Đông ngày xưa. Ông Bảy Minh và vợ đều là cựu
chiến binh đã ngoài 80 tuổi. Năm Mậu Thân 1968, ông được điều động qua lực lượng
biệt động thành và hoạt động ở chiến khu An Phú Đông.
Trong ký ức của mình, người lính năm xưa hồi tưởng:
"Làng An Phú Đông là cái nôi của cách mạng. Hiếm có chiến khu nào nằm gần
sát đối phương như vậy. Khi bị dồn vây, tụi tui bơi qua khu đồng lầy Bình Phước
hoặc khu An Nhơn hay sông Bình Lợi rồi lại quay về giữ vững chiến khu".
Ký ức về những ngày bám trụ An Phú Đông của ông Bảy Minh vẫn
còn nguyên vẹn: "Mỗi lần lội sông, lội rạch để tránh càn, anh em phải uống
nước mắm cho đỡ lạnh. An Phú Đông xưa tuy đi lại cách trở vì nhiều kênh rạch
nhưng lại là lợi thế của lực lượng bám trụ. Kênh rạch cứ thế bao bọc chiến khu
này từ những năm 1945 đến ngày đất nước thống nhất".
An Phú Đông hôm nay của người lính già có khác xưa nhiều
không? Ông Bảy Minh trải lòng: "Mừng vì kinh tế phát triển nhưng tiếc là
không bảo tồn được những đặc sản của mình. Như cháu nội tôi giờ nói cây mía,
cây lài, cây ngâu nó đâu có biết là cây gì?
Hồi trước, Công ty Cầu Tre vào làng này ký hợp đồng mua 1,5
đô/kg hoa lài. Mỗi ngày dân An Phú Đông bán được vài chục ký hoa lài. Tính ra mỗi
ngày mua được cả chỉ vàng. Vì vậy hồi đó người ta kêu An phú Đông là làng vàng
trắng".
Tâm sự chuyện xưa, người lính già bồi hồi: "Thấy cầu An
Phú Đông sắp xong thì mừng lắm. Dân vùng này xưa giờ mong mỗi vậy. Hồi xưa có
ông lái heo từ làng này lùa heo đi bán, phải đi bộ, chèo ghe dọc kênh, rạch rồi
qua đò, qua sông. Ra tới chợ thì ổng kêu heo nhà ổng hụt đi mấy ký. Chuyện vui
nhưng là thiệt".Cầu sắt nối đôi bờ An Phú Đông sẽ đưa bến phà vào ký ức - Ảnh:
NHẬT THỊNH Người đưa đò đầu tiên ở sông Vàm Thuật
Một buổi chiều, đến đường Vườn Lài, An Phú Đông, tôi hỏi thăm
ông giáo Nguyễn Thanh Hòa, thường được gọi là ông Tám Hòa thì ai cũng biết. Đó
chính là người đã xây bến đò An Phú Đông.
Ký ức của ông giáo già về những ngày đầu đặt chân đến vùng đất
này đầy hoài niệm: "Vùng này xưa kênh rạch chi chít. Nhà thì toàn mái lá,
vách đất, điện không có, nhà cửa thưa thớt, đất rẫy không à. Dân sống bằng nghề
trồng rau má, ngâu, mía, lài… Từ Đồng Nai về đây, tôi không tin được sát bên
trung tâm Sài Gòn hoa lệ lại có cái làng như ở vùng nông thôn heo hút nào
đó".
Nhìn thấy cảnh học trò, người dân An Phú Đông đi học bằng hai
cây gỗ bám đầy rong rêu qua sông Vàm Thuật, ông Tám Hòa quyết tâm ra đấu đò dù
trong nhà chỉ còn vài trăm ngàn dằn túi. Cũng may nhờ thanh danh làm giáo viên
lâu năm, ông được nhiều người hùn hạp để làm bến đò An Phú Đông.
"Bến chính thức hoạt động vào khoảng năm 1996, tới giờ
có hơn 20 người phục vụ các chuyến phà, chia làm hai ca. Từ hồi làm bến đò tới
giờ chúng tôi vẫn miễn phí vé cho học sinh, những người nghèo buôn thúng bán
bưng" - ông Tám Hòa hiện đã hơn 80 tuổi, nhớ lại.
Anh Minh, chủ quán ăn ven sông Vàm Thuật vốn là dân Bình Định
di cư vào Sài Gòn sinh sống vài chục năm nay, kể: "Bến đò này mở từ 3h30
sáng tới 11h30 khuya mỗi ngày. Nhưng nếu có người dân đau ốm lúc nửa đêm thì
phà vẫn chạy, đưa người dân qua sông đi cấp cứu.
Tôi ở quán này ròng cả chục năm rồi thấy cũng có chút tiếc nuối
khi bến phà ngưng hoạt động. Nhưng biết làm sao, có cầu An Phú Đông thì người
dân thuận tiện hơn rất nhiều".
Trải dài suốt con đường Vườn Lài bây giờ vẫn còn thấp thoáng
những ngôi nhà xen lẫn giữa các kênh rạch nhỏ - nét đẹp xưa nay của An Phú
Đông. Những vườn tược, ao cá vẫn nằm im trong các ngõ hẻm, dọc các kênh nhỏ đi
vào khu dân cư như vùng thôn quê yên bình giữa Sài Gòn hiện đại.
Tuy nhiên, những vườn bưởi, vườn lài xưa nay đã ít dần, thay
vào đó là những vườn mai bạc tỉ mang lại sự đổi đời cho không ít người An Phú
Đông.
Chị Châu Thị Mai, 58 tuổi, người làm vườn thế hệ thứ 3 trong
gia đình có truyền thống trồng bưởi đường - giống bưởi đặc trưng của An Phú
Đông, chia sẻ: "Vườn nhà mình giờ chỉ còn chừng hơn 70 cây. Trồng để
giữ vườn là chính, chứ bán buôn thì theo năm, vào các dịp trung thu hay tết
nguyên đán. Có nhiêu bán nhiêu chứ kinh doanh thì không thể vì năng suất thấp.
Bưởi này là đặc trưng vùng An Phú Đông. Có thương lái mua giống
về Đồng Nai trồng thử nhưng trái thu được lại không ngon như ở đất làng này trồng.
Chúng tôi chỉ xịt nước vôi chống sâu bọ chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật
gì".
Những người như chị Mai vẫn tâm huyết với nghề vườn truyền đời
ở An Phú Đông, nhưng chẳng ai dám chắc khi cầu nối liền đôi bờ thì vườn xưa có
còn không…
An Phú Đông thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia
Định xưa. Năm 1947, Pháp đã sáp nhập các làng ở đây thành xã An Phú Đông. Sau mấy
lần thay đổi, đến năm 1997 xã An Phú Đông, huyện Hóc Môn chuyển thành phường của
quận 12.
Được bao bọc bởi sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật, suốt nhiều
năm qua An Phú Đông như một làng quê biệt lập với người dân chọn nghề vườn làm
sinh kế…
Đất quê lên phố
Dọc đường Vườn Lài hôm nay là những tấm bảng rao bán đất dày
đặc. Cô Lê Thị Ngọc Liên, 65 tuổi, mới thuê mảnh đất nằm trong vùng quy hoạch
cây xanh để trồng lài trở lại. Nhưng nghề chính của cô Liên gần 20 năm nay là…
môi giới đất.
"Hồi xưa đất vùng này bán có 200.000 đồng/m, hai năm trở
lại đây lên 2 triệu đồng, giờ thì ngay khu quy hoạch cây xanh này cũng lên 5-7
triệu đồng/m rồi. Nhiều người trúng đất lắm. Tôi dẫn khách đi mua lúc đó chỉ
1-2 tỉ đồng/nền chừng hơn 100m2, nay có người trả 6-7 tỉ mà chủ đất chưa
bán" - cô Liên kể.
Bao người Sài Gòn ngày ngày qua lại đường Điện Biên Phủ đều
nhìn thấy cái tháp cũ kỹ có hình dáng như phi thuyền Apollo, nhưng mấy ai biết
nó có gì bên trong…
Kỳ 5: Bí mật 'phi thuyền
Apollo' giữa Sài Gòn
Giữa thập niên 1960, tháp bêtông như phi thuyền Apollo
cao vút đã xuất hiện ngay cửa ngõ phía đông Sài Gòn bên đường Phan Thanh Giản
(nay là đường Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh) và trở thành hình ảnh thân quen suốt
hơn nửa thế kỷ.“Phi thuyền Apollo” vẫn sừng sững ngay cầu Điện Biên Phủ hơn
50 năm qua - Ảnh: DIỆU QUÝ Nhiều thế hệ trẻ thơ qua đường đã ngạc nhiên, chỉ trỏ hỏi cha
mẹ "đó là cái gì?", nhưng không mấy người biết để trả lời con...
Hồi trước 1975, tụi tui coi tivi thấy Mỹ phóng phi thuyền
Apollo thành công, rồi Sài Gòn xây tháp y chang nên cứ tưởng để kỷ niệm hay quảng
cáo gì đó. Đâu ai biết nó là một phần của nhà máy nước.
Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG (73 tuổi, ở đường Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh)
Lên đỉnh "Apollo"
Một chiều tháng 10, tôi đã lân la, hỏi thử mấy vị cao niên sống
quanh tháp này nhưng thông tin cũng mờ mịt. Người trả lời đó là "tháp quảng
cáo", người nói là "radar bí mật của quân đội Mỹ" để lại, thậm
chí có người còn đoan chắc nó mới được xây dựng sau năm 1975.
Thực tế rất ít người tận tường cột tháp như chiếc phi thuyền Apollo cao vút này chính là
"chứng nhân" trải cùng bao dâu bể của Sài Gòn từ những năm tháng còn
khói lửa chiến tranh và gắn liền với nguồn nước sạch thành phố.
Ngày nay, đường Phan Thanh Giản đã mang tên mới là Điện Biên
Phủ. Cánh đồng ao trống trải bên đường ngày nào cũng đã san sát nhà cao tầng
sang trọng, nhưng tháp "phi thuyền Apollo" thì vẫn còn đó.
Nếu đi từ ngã tư Hàng Xanh đến vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm
(Q.1), rất dễ nhìn thấy công trình độc đáo hình phi thuyền Apollo này nằm bên
tay phải, sát chân cầu Điện Biên Phủ.
Thật ra, "phi thuyền Apollo" có vẻ rất bí ẩn này
chính là trụ điều chỉnh áp lực nước (hay còn gọi là tháp
cắt áp) được Mỹ xây dựng vào năm 1963 và đưa vào sử dụng năm 1966 cùng thời
điểm với Nhà máy nước Thủ Đức - nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Tổng kinh phí dự trù khi đó hơn 18 triệu đôla Mỹ với nguồn nước
được lấy từ làng Hóa An, cách TP Biên Hòa (Đồng Nai) 1,5km.
Trước đó, người Pháp đã làm nước máy ở Sài Gòn, nhưng chỉ có ở
khu vực trung tâm, mặt tiền. Chỉ đến khi Nhà máy nước Thủ Đức ra đời thì nước
máy mới được "phổ cập" đến 90% người dân ở thành phố.
Cũng từ thời điểm đó, tháp điều áp trên đường Phan Thanh Giản
(nay là Điện Biên Phủ) trở thành một hình ảnh thân thuộc với người Sài Gòn. Nó
chính là 1 trong 2 tháp cắt áp của Nhà máy nước Thủ Đức, trụ còn lại ở ngay nhà
máy nước này, gần ngã tư Thủ Đức.
Để "mục sở thị" công trình độc đáo mà nhiều người lầm
tưởng là... nơi dán quảng cáo, tôi được anh Vũ Trung - nhân viên kỹ thuật của Tổng
công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) - dẫn vào tham quan tháp nằm trong
khuôn viên Nhà máy nước Thủ Đức.
Trụ tháp bằng bêtông đã hơn nửa thế kỷ, trông cũ kỹ nhưng còn
bền chắc, bên trong có hai ống bơm Service (phục vụ - PV) nối thông với một ống
bêtông cấp nước lớn bên dưới. Một ống dùng để bơm nước vào bể chứa trên tháp cắt
áp, ống còn lại có nhiệm vụ thu nước về khi nước tràn vào đường ống bêtông lớn
truyền tải nước sạch bên dưới.
Hai ống bơm này hoạt động luân phiên và không liên tục, trung
bình mỗi ống bơm hoạt động khoảng 5-6 giờ/ngày.
Cạnh đó, một chiếc cầu thang bằng nhôm gắn chắc vào thành
tháp để leo lên từng tầng. Tháp có 5 tầng, càng lên cao, tháp càng hẹp, tối và
khó đi. Từ lúc bước vào, tôi được yêu cầu đeo đèn pin đội đầu để nhìn thấy lối
đi.
Nấc thang thẳng đứng, hệt như leo núi nhân tạo, anh Trung dặn
tôi phải cố bám chặt, bước thật chậm bởi nếu sơ sẩy trượt chân sẽ rất dễ bị tai
nạn nghiêm trọng.
"Tháp này khó leo. Leo lên hay xuống gì cũng rất mất sức.
Có người làm ở đây hơn chục năm chưa leo tới đỉnh bao giờ, nữ lại càng hiếm.
Người thì tưởng tháp xây kín bên trong, không vào được. Cô mệt thì xuống chứ đừng
cố leo lên, nhất là tầng 5" - anh Trung vừa leo vừa nhắc tôi.
Đúng như lời anh Trung, các bậc thang di chuyển từ tầng 4 lên
tầng 5 phải độ hơn 20m, thẳng đứng hơn các tầng còn lại, chỉ cần đứng nhìn cũng
dễ khiến người ta bỏ cuộc, huống hồ là leo, mà nhất là với cô gái quê đồng bằng
chưa bao giờ tập leo cao như tôi.
Miệng tháp tối và hẹp. Trong quá trình leo, tôi mang balô nhỏ,
mấy lần phải khựng lại để lách vì vướng các cạnh sàn, bụi bám đầy. Mất khá nhiều
thời gian và sức lực, chúng tôi mới leo tới đỉnh tháp và... ngồi thở và ngắm
thành phố từ góc nhìn hoàn toàn độc quyền.Bên trong “phi thuyền Apollo” - Ảnh: DIỆU QUÝ "Ống thở" của đường cấp nước
Ái ngại nhìn cô nhà báo đầu tiên đặt chân lên được đỉnh tháp,
anh Vũ Trung kể trụ tháp Nhà máy nước Thủ Đức và ở đường Điện Biên Phủ có sự gắn
kết với nhau. Tháp ở Điện Biên Phủ cao 46m (theo giấy tờ ghi), đường kính 2m,
công suất 1.500 mã lực, thấp hơn so với công suất 2.000 mã lực của tháp nằm
ngay nhà máy nước.
Theo anh Trung, cả hai tháp đều có tác dụng cắt áp, chống va
đập nước, điều hòa khi áp lực nước tăng đột ngột, bảo vệ đường ống và phòng ngừa
sự cố. Tôi đứng trên tầng cao nhất của tháp, nhìn từ các ô cửa nhỏ có thể trông
thấy các công đoạn xử lý nước của nhà máy nhằm cung cấp nước sạch cho người dân
thành phố, và cả sự sầm uất của Q.Thủ Đức.
Bên trong tầng 5, bể chứa Service với dung tích 62m3 đang có
tiếng "rào rào" do nước từ ống bơm bên dưới đẩy lên.
"Nói cho dễ hiểu là khi nước từ nhà máy bơm ra với áp lực
quá cao, vượt thiết kế của đường ống thì đến tháp cắt áp, nước dâng lên cao rồi
chảy ra ngoài, nhằm giảm áp lực nước. Nếu không, nước sẽ "chạy" vào
tuyến ống nhỏ hơn dẫn đến tình trạng xì, bể đường ống" - anh Trung giải
thích.
Ngoài ra còn một đường ống đi tắt có van phi 48 được điều khiển
mở cho nước tự chảy về mạng lưới khi trạm bơm bị mất điện, nhưng nhà máy hiếm
khi mất điện.
"Tôi làm ở đây đã 15 năm nhưng chỉ gặp hai, ba lần cúp
điện dẫn đến sự cố nước trào trên đỉnh tháp. Ngoài ra không có sự cố gì
thêm" - anh cho biết.
Theo thiết kế, mỗi trụ điều áp có tuổi thọ trung bình 100
năm. 54 năm trôi qua kể từ lúc chính thức đưa vào vận hành, ngoài việc trông bề
ngoài cũ kỹ thì trụ tháp vẫn hoạt động ổn, nếu không nói là rất bền bỉ, chắc chắn.
"Tháp chống va được bảo trì theo định kỳ, cả bên trong lẫn
bên ngoài. Phía ngoài xây bêtông chắc chắn lắm, chỉ sơn phết bình thường. Còn ở
trong thì sơn các ống bơm chống ăn mòn để đảm bảo an toàn cho trụ" - anh
Trung nói.
Trời chuyển mưa, tôi leo xuống tháp, lại khó nhọc chẳng khác
gì leo lên nhưng lòng lại vui vui kỳ lạ. Với tôi, chiếc "phi thuyền
Apollo" từ giờ đã trở nên thân quen, dễ hiểu hơn rồi, nhất là mỗi ngày mở
vòi nước sạch...
"Lỗ mũi" của đường ống nước
Trần Tuấn Anh (24 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh) cho biết anh sống ở
Sài Gòn từ nhỏ, thấy tháp nước như cơm bữa.
"Tôi thấy trụ này từ lúc nhỏ, cũng tò mò không biết nó
là cái gì. Nhiều năm tôi tưởng người ta xây lên để dán quảng cáo vì nó nằm ngay
trung tâm, rất dễ gây chú ý. Bạn tôi còn nghĩ đó là cột thu lôi, vì hỏi người lớn
thì nhiều người cũng bó tay, chỉ biết nó được xây trước năm 1975" - anh Tuấn
Anh nói.
Trong khi đó, một người dân hiếm hoi bên đường Điện Biên Phủ
cho biết rõ hơn một chút: "Tôi không nhớ chính xác, nhưng biết nó được xây
vào đầu thập niên 1960. Trụ tháp này ngày xưa được gọi là "lỗ mũi"
hay "ống thở" của đường cấp nước bởi nó giúp giải tỏa áp lực nước.
Nhưng giờ không biết còn hoạt động hay không vì thấy nó cũ rồi".
Kỳ 6: Nhớ làng đại học Thủ Đức
Bên trong căn biệt thự giản dị, xanh mát, yên tĩnh của
cố giáo sư Lý Chánh Trung ở làng đại học Thủ Đức là cả một trời kỷ niệm, từ gốc
cây ngoài vườn đến những cuốn sách xếp nặng trong tủ, những tấm ảnh trắng đen
trên tường.Phương pháp học thiên về thực nghiệm, kỹ năng của Trường
trung học Kiểu mẫu - Ảnh tư liệu Khu biệt thự vườn mấy trăm căn được quy hoạch làm làng giáo
sư khi xưa nay đã đổi chủ gần hết, đã thay đổi công năng thành những quán cà
phê, karaoke sân vườn, nhưng bên trong căn biệt thự này vẫn là những câu chuyện
của ngày xưa.
Trường xưa thân ái
Ông Lý Chánh Dũng, con trai cả của giáo sư Lý Chánh Trung, đã
theo cha mẹ chuyển đến làng đại học Thủ Đức từ năm 1963, khi căn nhà vừa được
xây xong, lúc ông chỉ mới 7 tuổi. "Tôi là đứa duy nhất trong mấy anh em đã
theo học trọn vẹn 7 năm trung học ở Trường trung học Kiểu mẫu Thủ Đức…".
Ngôi trường được xây dựng để làm mẫu đúng như cái tên Kiểu mẫu.
Vậy nên dù không dày rộng lịch sử - hiện tại trăm năm như những ngôi trường tiếng
tăm Chasseloup Laubat - Jean Jacques Rousseau - Lê Quý Đôn, Petrus Ký - Lê Hồng
Phong, Marie Curie, Gia Long - Nguyễn Thị Minh Khai, Trường trung học Kiểu mẫu
Thủ Đức (THKM) chỉ tồn tại và hoạt động vẻn vẹn 10 năm (1965-1975) vẫn để lại
những ấn tượng không mờ phai.
TS Dương Thiệu Tống, hiệu trưởng đầu tiên của Trường THKM, từng
thuật lại trên Tuổi Trẻ: "Trong một môi trường xã hội không mấy thuận lợi,
chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mô hình giáo dục trung học mới tổng hợp cả
hai cấp, thu thập cái hay của giáo dục thế giới, đồng thời cố gắng tạo bản sắc
riêng cho Việt Nam. Chương trình học đặt căn bản trên triết lý, mục tiêu và điều
kiện riêng của nhà trường, phối hợp giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp,
thiết lập các ban công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, canh nông và doanh thương cho
học sinh phổ thông, áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập lấy học sinh làm
trung tâm".
TS Nguyễn Nhã, nguyên trưởng ban nghiên cứu giáo dục của Trường
THKM, đã tổng kết: "Trường THKM chú trọng rèn luyện kỹ năng hướng nghiệp
cho học sinh bắt đầu từ lớp 8, các hoạt động ngoại khóa, hiệu đoàn cũng là sinh
hoạt bắt buộc, tổ chức các câu lạc bộ, các trại huấn luyện kỹ năng sống, các
hình thức báo chí học đường rất phong phú, báo định kỳ, đặc san và giai phẩm.
Trong giảng dạy thì quan tâm thực hành hơn từ chương nên học sinh được làm quen
với các phòng thí nghiệm, thư viện rất sớm, biết tổ chức nhóm thảo luận, thuyết
trình…".
Trong mắt những học sinh như ông Lý Chánh Dũng thì: "Trường
chúng tôi được KTS Ngô Viết Thụ thiết kế rất đẹp, rộng mênh mông giữa khu quy
hoạch làng đại học, trên đồi, xung quanh là rừng chồi với hoa mua, hoa sim, ao
nước, hồ đá. Giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12, mỗi lớp chỉ có 35 học sinh, toàn
khóa thi vào chỉ lấy 140 người, nhưng trường lại có đại giảng đường rộng mênh
mông, ghế ngồi xếp bậc cấp như nhà hát, chứa được 1.200 người. Biết bao nhiêu
hoạt động tập thể lớp, hiệu đoàn đã diễn ra ở dãy hành lang dài và đại giảng đường
ấy…".
Những kỷ niệm của các anh chàng học sinh mới lớn của THKM khi
ấy không có cảnh "Anh theo Ngọ về, đường mưa nho nhỏ…" vì đây là trường
đầu tiên mà học sinh được đưa đón bằng xe buýt từ khắp nơi trong Sài Gòn đến
trường, những chiếc xe buýt màu vàng mang thương hiệu Trường Kiểu mẫu Thủ Đức.
"Cha mẹ chỉ phải đóng tiền xe buýt, nhà trường không thu học phí. Học sinh
chỉ học ở trường, không cần học thêm…".
Trực thuộc Trường đại học Sư phạm, sau sự kiện 30-4-1975, Trường
THKM vẫn tiếp tục dạy và học, tiếp tục tuyển sinh khóa 12, luyện thêm môn văn
và sử theo quan điểm mới, chương trình mới. Đến tháng 10-1975, trường được
tuyên bố giải thể để chuyển thành Trường trung học Thực hành. Trụ sở Trường
THKM được chuyển thành Đại học Thể dục thể thao TP.HCM cho tới hôm nay. Và cứ
vào tháng 10, khi tiết trời mùa thu xuất hiện, lại có một cuộc họp mặt được tổ
chức ở TP.HCM giữa những người gọi nhau là "dân Kiểu mẫu". Đã 45 năm
đi qua từ ước mơ canh tân giáo dục ấy...Làng giáo sư xưa kia được thiết kế vuông vức với những biệt
thự vườn, nay vẫn còn nguyên như những ô vuông bàn cờ màu xanh - Ảnh: TỰ TRUNG Hồn làng đại học
Ngồi cạnh con trai, bà Bùi Thị Nữ nay đã 89 tuổi, mỉm cười
nghe chuyện mà mắt cứ rưng rưng. Năm 1960, giáo sư Lý Chánh Trung và vợ là một
trong những người đầu tiên đăng ký mua đất trong khu làng đại học vừa được lên
bản vẽ. "Mua 300.000 đồng, trả góp 15 năm" - bà nhắc. Vốn là rừng cao
su, khu quy hoạch được cày xới, phân lô. Mỗi khuôn viên biệt thự dành cho giáo
sư được quy hoạch từ 900-2.200m2, xây dựng nhà thấp vuông vắn, nhà nào cũng có
vườn thật rộng trồng cây xanh mát.
Năm 1963, khi nhà đã được xây xong theo mẫu tự chọn hợp quy định
của làng, ông bà đưa năm con nhỏ dọn về. Ngày ngày, giáo sư Lý Chánh Trung lái
xe theo xa lộ đi dạy ở các đại học Sài Gòn, bà đi dạy ở Trường tiểu học Nam Thủ
Đức gần nhà, trông coi con cái. Những người con tài hoa của gia đình đã lớn lên
trong khu vườn nhà, sự dưỡng dục yêu thương và nghiêm khắc của ba má, không
gian yên ả của làng đại học.
"Cũng có nhiều lúc căng thẳng, là những năm sau này chiến
sự áp sát vùng ven đô thành, tiếng bom pháo nghe sát rạt. Rồi những lúc phong
trào đấu tranh của sinh viên lên cao, ba cũng dấn thân vào sâu hơn, viết báo
nhiều hơn, mạnh hơn, nhiều sinh viên đến nhà tìm hỏi ý kiến, và mật vụ đến đứng
trước cửa ghi chép người vào ra. Cũng lại có những lần dì Năm (tức bà mẹ Việt
Nam anh hùng Bùi Thị Mè, thứ trưởng Bộ Y tế - xã hội Chính phủ lâm thời cộng
hòa miền Nam Việt Nam, chị ruột của bà Nữ - PV) về thành đến ở nhà, ba lấy xe
chở đi liên lạc…" - ông Lý Chánh Dũng kể với sự hiểu biết của một người
con lớn.
Sau 30-4-1975, ban quân quản yêu cầu trưng thu. Ký giấy cho
mượn nhà, gia đình lại dọn về khu nhà tập thể của Bộ Đại học ở Sài Gòn.
"Nhưng rồi má nhớ ngôi nhà này, cứ khóc hoài. Ba xót ruột, một lần gặp Bí
thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, ba liền trình bày. Ông Kiệt giật mình: Vậy còn những
ai nữa, anh ghi vào cái thư cho tôi biết". Giáo sư Lý Chánh Trung đi tìm
những hàng xóm cùng làng đại học, viết một lá đơn tập thể. Chỉ một thời gian ngắn
sau, họ được trả lại nhà.
Bà Nữ lại rưng nước mắt: "Ông nhà tôi bảo: Trải qua hai
cuộc chiến tranh rồi, gia đình mình còn nguyên vẹn là may mắn lắm". Lại mấy
mươi năm nữa đi qua, căn nhà đã chứng kiến nhiều hạnh phúc và cả những đau đớn
của gia đình. Năm 2016, giáo sư Lý Chánh Trung mất, các con nay đã ở riêng muốn
đón bà về ở chung để sum họp nhưng bà không rời được ngôi nhà. "Đi đâu thấy
cũng không vừa ý, đi đâu cũng nhớ nhà cũ, bàn cũ, ghế cũ. Nó đã thành quê hương
rồi" - bà bảo vậy.
Làng đại học hôm nay đã nhiều thay đổi. Những con đường vẫn
ngăn nắp kẻ ô bàn cờ, xanh mát, mang tên của những ước vọng Công Lý, Độc Lập,
Dân Chủ, Bác Ái, Hòa Bình, Thống Nhất, nhưng nhiều khu biệt thự đã bị phân nhỏ,
nhiều quán xá mọc lên với loa nhạc phát hết cỡ khi chiều tối. "Nay mai nơi
này sắp thành TP Thủ Đức, không biết có thay đổi gì nữa không" - bà Nữ mỉm
nụ cười rưng rưng của bà. Ông Lý Chánh Dũng an ủi mẹ: "Không sao đâu, khu
này chắc vẫn sẽ được giữ như vậy thôi. Có những khu cũ kỹ thế này, một thành phố
mới có ký ức, có hồn cốt mà má".
Thập niên 1960 với Thủ Đức là thập niên của kiến tạo, xây dựng,
ấp ủ. Một “làng đại học” với ước mơ khép kín chu trình học tập - nghiên cứu -
thực nghiệm đã ra đời, một làng giáo sư với môi trường đẫm chất học thuật cũng
được xây dựng. Thời điểm ấy, trung tâm Sài Gòn hoang mang giữa những cuộc chính
biến, ngoài Sài Gòn chiến cuộc ngày một căng thẳng. Thủ Đức vùng ven, bom đạn
ngày một áp sát nhưng những giấc mơ khoa học vẫn cứ được nuôi dưỡng...
Có lẽ đường Huỳnh Tấn Phát, bắt đầu từ cầu Tân Thuận (quận 7)
đến mũi Nhà Bè vốn xưa mang tên liên tỉnh 15, là con đường có nhiều địa danh
dân dã nhất ở Sài Gòn…
Kỳ 7: Đường xưa về Nhà Bè
Có lẽ đường Huỳnh Tấn Phát từ cầu Tân Thuận (quận 7) đến
mũi Nhà Bè vốn xưa mang tên liên tỉnh 15 là con đường có nhiều địa danh dân dã
nhất Sài Gòn.Cầu Phú Xuân hiện đại nối Nhà Bè với trung tâm Sài Gòn - Ảnh
TỰ TRUNG Tuyến xe thời thơ ấu
"Khoảng năm 1958 đã có tuyến xe đò Peugeot Sài Gòn - Phú
Xuân cự ly 11km. Bến đầu là cuối đường Phó Đức Chính, giáp bến Chương
Dương" - chị dâu tôi, người từng đi lơ tuyến xe này, nhớ lại. Bến cuối là
bãi xe nhỏ, đậu chung với xe lam đi Hiệp Phước, Nhơn Đức, nay còn tháp nước.
Xe Peugeot có 3 băng ghế, chở được 18 người, nhưng sổ đăng ký
chỉ 14 chỗ. Ở đuôi xe là cái bửng bằng gỗ khá chắc, chỗ lơ xe đứng và khách
cũng đu ở đây, nên mỗi chiếc có thể chở đến 24-25 người là thường tình.
Hồi nhỏ, tôi rất ấn tượng với cách "đọc" các địa
danh của cánh lơ xe đò trên tuyến đường này. Khi xe bắt đầu từ bến chạy vài
trăm mét đến cầu Móng, thì lơ xe hô: "Ai xuống cầu Móng không?".
Rồi những trạm kế tiếp là cầu Quay, chợ Xóm Chiếu, Cầu Cống
(ngã ba Tôn Đản - Nguyễn Tất Thành ngày nay), kho 4, kho 5, kho 11 của quận 4.
Chỗ kho 11 còn dấu vết của pháo đài Hữu Bình (đồn Thảo Câu, đồn Rạch Bàng, đồn
Nam, Fort de Sud), đắp năm 1789, cùng thời điểm với đồn Bắc, thuộc tuyến phòng
thủ sông Sài Gòn. Ở bờ đối diện là đồn Bắc (Fort de Nord), nay thuộc phường An
Lợi Đông (quận 2). Hai khẩu pháo cổ nay vẫn hiện diện trong khuôn viên Công ty
Lai dắt tàu biển thuộc cảng Sài Gòn.
Qua cầu Tân Thuận khoảng 1km là kho 18, nay còn các cảng
trong đó như Bến Nghé, rồi tới Hội đồng xã (357 đường Huỳnh Tấn Phát), nay là
UBND phường Tân Thuận Đông (quận 7), phía sau còn di tích lô cốt Nhà Bè khá quy
mô trong phòng tuyến Sài Gòn, được xây dựng trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất,
án ngữ rạch Bà Bướm dẫn ra sông Sài Gòn.
Xe chạy tiếp đến Trường Dục Quang, nay là Trường trung cấp
Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh. Bờ Tua Hai (Tour 2) ở gần Trường Dục Quang
xưa, thời Pháp có đặt một tháp canh nằm trên con đường chiến lược này để kiểm
soát mạn Nam thành phố.
Chỗ ngã tư Nguyễn Thị Thập và Huỳnh Tấn Phát xưa là bờ Đắp Mới.
"Vào thập niên 1980, còn là đường đất đỏ, những ruộng lúa, sông rạch với
đám lác, dừa nước hai bên đường" - anh Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1968),
làm công tác địa chính, kể lại.
Bờ Hột Vịt ở ngã tư đường Huỳnh Tấn Phát - Phú Thuận ngày
nay, dài khoảng 180m, từ đầu đường cho đến rạch Cả Cấm, chỗ cầu Phú Thuận bắc
qua Phú Mỹ Hưng. Ông Bảy Sọ (Nguyễn Văn Lăng, sinh năm 1908) là người mở lò bán
hột vịt ở đây. Gia đình ông có chiếc ghe 12 tấn, thu mua hột vịt ở miệt Hiệp
Phước, Long Thới, Nhơn Đức (Nhà Bè), Bình Khánh (Cần Giờ)...
Gần cầu Phú Xuân 2, chỗ ngã tư, hướng vào đường Phạm Hữu Lầu
xưa cũng gọi là bờ Đắp Mới. Xưa là con đường đất đỏ, từ năm 1994 đã tráng nhựa,
giờ là con đường sầm uất với nhiều dịch vụ, quán ăn. Nhiều khu dân cư mọc lên,
chợ Phước Long xưa gần bến đò cũng dời về đường 15B. Còn hướng vào kho xăng dầu
30/4, nay là đường Chuyên Dùng, có những địa danh xưa như Giang Cảnh, kho Muối,
xóm Đáy, xóm Câu.
Khoảng những năm 1960, ngã ba Bờ Băng (ngã ba đường Nguyễn
Bình - Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân ngày nay), do đọc chệch từ Bàu Băng, còn gọi
là ngã ba Chìa Vôi, bởi nơi đây là điểm tập kết thu mua cá chìa vôi, cạnh đấy
cũng có một quán nhà sàn bán món đặc sản nổi tiếng này. Ngày ba tôi còn, ông
luôn là mối ruột của quán cá chìa vôi Tư Tào ở hãng Caltex (kho C nay).Đình thần Phú Xuân xưa - Ảnh tư liệu Phú Xuân, quận lỵ sầm uất
Mỗi khi nhắc đến địa danh Nhà Bè, người ta nghĩ ngay đến Phú
Xuân, và ngược lại, bởi đó là quận lỵ của quận Nhà Bè hồi còn thuộc tỉnh Gia Định
trước năm 1975. Làng Phú Xuân thuộc tổng Bình Trị Hạ, quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định
từ ngày 1-1-1931, do nhập 2 làng Phú Hội và Phú Xuân Đông. Sau năm 1956, gọi là
xã Phú Xuân Hội. Sau ngày 30-4-1975, là xã Phú Xuân thuộc huyện Nhà Bè. Hiện
nay gồm thị trấn Nhà Bè và xã Phú Xuân mới tách ra.
Chợ Phú Xuân (nay là chợ Thị Trấn) trước năm 1975 khá sầm uất,
có cả những cửa tiệm của người Hoa. Khu vực chợ có trường tiểu học, bệnh viện,
bến xe, bến ghe, rạp hát, nhà máy xay lúa. Đồn lính nằm cạnh cầu Phú Xuân. Hội
đồng xã thì nằm đối diện chợ, cạnh bên là lò giết mổ heo, gần nhà ông Sáu Bạch,
người có khá nhiều nhà đất ở Phú Xuân. Mặt tiền chợ hiện vẫn còn ngôi nhà cổ của
anh Hoàng. Hiệu sách Nhân Dân nằm ngay cửa ngõ vào chợ, mà hồi nhỏ mỗi khi được
sai vặt đi mua mắm muối, tôi không bao giờ quên ghé. Cứ ngắm nghía, săm soi những
quyển sách mình yêu thích, rồi đành đặt xuống, bởi có tiền đâu mà mua.
Một thời, bến xe ngựa và xe lôi nằm trước rạp hát, có khoảng
4 chiếc xe ngựa, chủ yếu đưa rước khách xuống mũi Nhà Bè. Hồi nhỏ tôi thường
theo thằng bạn ra đây rình bứt lông đuôi ngựa để "dòng" cá kèo trong
những đám ruộng gần hãng xăng dầu Essco, bằng kiểu thắt thòng lọng để bắt
chúng. Bến ghe chỗ chợ cá chở khách, hàng hóa đi Quảng Xuyên (Cần Giờ), mỗi
ngày có 2 chuyến vào sáng sớm và giữa trưa. Xóm Đáy ở gần chợ có từ thập niên
1940, đến những năm 1989-1990 mới dẹp các sở đáy này, do không còn nhiều cá
tôm.
Cầu Đình nằm cách đó không xa, lối vào đình Phú Xuân. Ngôi
đình do dòng họ Nguyễn từ miền Trung vào xây dựng năm Canh Tý (1900), cũng là
chủ nhân của chợ Phú Xuân xây vào cùng thời điểm. Đình tọa lạc trong khuôn viên
rộng rãi ở thế "tụ thủy" bên bờ rạch Đôi, được xếp hạng di tích kiến
trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Làng Phú Xuân ở Huế hiện nay vẫn còn một ngôi đình mang tên
như vậy, cho thấy gốc tích miền Trung của ngôi đình này. Đôi khi tôi cũng dùng
bút danh Phú Xuân trong những bài viết của mình. Một người bạn học thời cấp
III, nhà ở phía bên kia cầu Phú Xuân (phường Phú Mỹ ngày nay), cũng được ba mẹ
đặt họ tên là Hoàng Phú Xuân, như là một cách để ghi nhớ nơi chốn. Gần đình là
ngôi nhà thờ họ mà mỗi năm vẫn duy trì cúng kiếng, có tấm bia ghi lại sự tích
dòng họ này. Cách đó không xa là khu mộ cổ của dòng họ.
Gần mũi Nhà Bè là "miếu Bà Chúa Xứ 2", vốn ban đầu
chỉ là ngôi miếu nhỏ thờ Ngũ Hành bên sông Soài Rạp. Đất Phú Xuân cũng có nhà
thờ Công giáo, thánh thất Cao Đài, và chùa miếu thì khá nhiều.
Phú Xuân là nơi có nhiều nhà cổ, mộ cổ. Đường Dương Cát Lợi dẫn
vào kho dầu A hiện còn 2 ngôi nhà cổ của bà Năm Mẫn và bà Tư Lân, đều nằm cạnh
sông Phú Xuân, có vườn cây bao bọc xung quanh. Không thể quên được những ngày
thiếu thời, bọn chúng tôi hay lén vào hái trộm mận, ổi. Khi chủ nhà xua bầy chó
ra, thì chúng tôi chỉ có nước nhảy ùm xuống sông để thoát thân.
Ở xóm Mả, ấp 3 (xã Phú Xuân) còn có mộ ông tri huyện họ Nguyễn
Văn Trọng và bà họ Đào. Khu mộ làm bằng đá trắng Non Nước (Đà Nẵng) và đá xanh
Biên Hòa khá đẹp. Nhà ông Mười Cung ở Vườn Dừa cũng là một ngôi nhà cổ đẹp của
đất này. Ngôi nhà cổ ở xóm Bà Cả (khu phố 5, thị trấn Nhà Bè) trước đây luôn là
điểm quay của các đoàn làm phim. Ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển ở Bình Thạnh
vốn được mua từ làng Phú Xuân này.
Đường Huỳnh Tấn Phát nay là trục đường quan trọng nối huyện Cần
Giờ, Nhà Bè, quận 7 với trung tâm thành phố. Ruộng đồng xưa nay đã lên phố. Những
địa danh "bờ" trên con lộ xưa này hầu như ít người còn biết đến,
nhưng nó lại kể cho chúng ta biết bao điều về một miền quê ngoại thành.
Bờ đất, hàng bần
Bờ Bần nằm trong con hẻm 944 đường Huỳnh Tấn Phát, dài khoảng
200m, chạy dài cho đến rạch Đất Sét, giáp với khu dân cư Phú Mỹ Hưng. "Xưa
kia bờ đất này mọc đầy cây bần, trái rụng lềnh khênh, gần như không ai ăn. Người
dân trong xóm chỉ đốn cây già làm củi" - dì Nguyễn Thị Dự (sinh năm 1950),
là dân cố cựu ở đây, kể cho tôi nghe.
Một thời khu vực quận Tân Phú, TP.HCM có những vườn ngâu rộng
lớn. Sau bao vật đổi sao dời, vùng đất ngát hương này chỉ còn trong ký ức...
Kỳ 8: Lũy Bán Bích từng ngát
hương ngâu
Ngày ấy, quanh khu vực đường Trịnh Đình Thảo - Lũy Bán
Bích (quận Tân Phú, TP.HCM) là những vườn ngâu rộng lớn, tỏa ngát hương thơm.
Sau bao vật đổi sao dời, đồng ngâu này chỉ còn trong ký ức...Tán xanh vườn ngâu còn sót lại ở đường Huỳnh Thiện Lộc, quận
Tân Phú - Ảnh: THỦY TIÊN Đồng ngâu mênh mông ở vùng ven Sài Gòn
"Ba tôi hồi đó ổng cưng cây ngâu lắm. Chặt ngâu là ổng
la đó. Chỉ sau này khi ông già rồi nghễnh ngãng, con cháu muốn làm gì thì
làm..." - bà Tăng Mỹ Nga (56 tuổi), một cư dân ở hẻm 118 đường Huỳnh Thiện
Lộc (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) bắt đầu câu chuyện về nghề trồng ngâu của
gia đình 60 năm trước đầy nuối tiếc.
Nếu hỏi đến "vườn" ở Sài Gòn xưa, người ta nghĩ
ngay đến "Vườn" Tao Đàn, Vườn Chuối (quận 3), Vườn Lài (quận Tân Phú,
quận 12). Nhưng hỏi đến vườn ngâu thì nhiều người sống tại Sài Gòn xưa cũng chẳng
biết. Gu-gồ (Google) càng không.
Dù suốt một thời dài những vườn ngâu này từng cho màu xanh
mát và tỏa ngát hương thơm ở khu vực quận Tân Phú lấn sang cả địa bàn Tân Bình
hiện nay. Người sành trà ở đất Sài Gòn chắc chắn cũng quá quen thuộc với hương
hoa dịu ngọt này.
Những bậc cao niên từng trồng ngâu trước đây kể rằng vào giữa
thế kỷ trước, nhiều hộ dân là người Hoa cùng là bà con đến khu vực xã Phú Thọ
Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định thuê đất trồng lài, ngâu để cung cấp nguyên
liệu làm trà cho các cơ sở của cộng đồng người Hoa. Ban đầu, đường đi cũng chỉ
là những lối mòn tự mở trong khu vực rộng lớn này.
Địa giới vườn ngâu được xác định rộng khoảng 20 hecta này
ngày xưa nằm trong các trục đường chính Huỳnh Thiện Lộc, Huỳnh Văn Chính,
Khuông Việt, Trịnh Đình Trọng, Trịnh Đình Thảo ra đến Lũy Bán Bích hiện nay.
Nhớ về khu vườn ngâu rộng khi xưa, bà Nga cười, kể chuyện thời
xưa chính bà từng đi lạc trong vườn ngâu 1,2 hecta của nhà mình. "Hồi xưa,
tui ở nhà ngoài đường Lạc Long Quân, lâu lâu mới vô trong này phụ cha mẹ và các
anh chị trồng ngâu. Có lần tui đi lạc trong khu vườn ngâu, không tìm được đường
ra. Tui bị bà chị bả la, không biết cúi xuống nhìn lối mòn để thấy đường
ra".
Thời chiến cuộc, người trồng ngâu ở khu vực này luôn canh
cánh một nỗi lo sợ chẳng liên quan gì đến giá cả hay cướp bóc dù rất hoang vắng.
"Hồi đó, tụi tui sợ nhất là lính Cộng hòa bên ngoài nghi vùng vườn tược rậm
rạp này có Việt cộng rồi "câu" pháo vô thì chết cả đám" - ông
Văn Quang (66 tuổi, nhà ở hẻm 118 đường Huỳnh Thiện Lộc), một trong những chủ
vườn ngâu xưa, nhớ lại.
Cuộc sống của người trồng ngâu cũng đổi thay theo thời cuộc.
Sau năm 1975, Nhà nước chỉ công nhận quyền sử dụng đất cho những người nào thật
sự canh tác. Nhưng những thay đổi ở đây chỉ bắt đầu vào cuối thập niên 1980.
Trước cơn biến động về đất đai và làn sóng nhập cư, nhiều chủ vườn đã chặt hạ
ngâu để phân lô, bán nền.
Vùng đất rợp bóng ngâu, nơi đám học sinh nhỏ vẫn xin vô cắm
trại, chơi đùa giờ được bán rẻ như bèo. Chỉ một, hai chỉ vàng một nền (4m x
15m) nhưng mấy ai "dám rớ". Vào những tối mưa, cả khu tối om, vắng vẻ.
Nước ngập lấp xấp trên đất. Trong vườn ngâu, tiếng ễnh ương à uôm nghe não cả
ruột.
Nhìn cách cả trăm thước mới có một ánh đèn vàng vọt từ một
ngôi nhà hắt ra càng làm cho khách e ngại. Cảnh tượng hoang vắng cộng với việc
mua bán đất thời điểm đó toàn giấy tờ tay đã khiến vườn ngâu một thuở ngát
hương còn "thoi thóp" tồn tại kiểu "da beo" một thời gian nữa.
Nhưng cái ngặt cộng tính liều của nhiều người nghèo, chẳng có
vốn mua đất rộng, nhà cao đã dần tạo nên một xóm lao động nhỏ với vài chục căn
nhà lúp xúp trên vườn ngâu xưa. Thế nên, một nhà đánh con chửi cháu thì cả xóm
đều nghe lồng lộng. Vợ chồng nhà nào cãi nhau từ già đến trẻ trong xóm đều biết.Ông Văn Quang tưới vườn ngâu hiếm hoi mình còn giữ lại - Ảnh:
THỦY TIÊN Người cũ, vườn xưa còn thấp thoáng
Nhắc nhớ chuyện xưa, nhiều người đều có cùng nhận xét như bà
Nga về khu vườn ngâu khi mới thành xóm là vậy. Đường cũng chỉ là những con đường
mòn được mở rộng hơn. Còn cái nghèo thì cả xóm ai cũng như ai. Mái tôn có, lợp
giấy dầu có. Sang thì xây tường xung quanh. Nghèo thì tấm cót, tấm tôn quây lại
cũng thành nhà.
Trong tháng, nhà nào trúng mánh hay chơi sộp thì thuê tivi, đầu
máy về thuê phim lẻ Hong Kong, cải lương về đặt giữa hẻm để nhà mình coi cho sướng
mắt, sẵn "đãi" cả xóm đến coi chung cho vui. Đó là thuở vườn ngâu
đang dần bị thu hẹp nhưng vẫn còn thoang thoảng hương thơm...
Buổi sáng, cả xóm đều đóng cửa đi cả, trừ một vài người có
con nhỏ ở nhà chăm con. Nhưng tuyệt nhiên không có chuyện trộm cắp xảy ra. Thậm
chí, cô Hà, cô Nga... ở nhà còn chăm con, coi nhà giúp luôn cho nhà hàng xóm
như của nhà mình mà nhờ đó xóm tránh được một vụ cháy nhà do mấy đứa nhỏ nghịch
dại.
Như nhà tôi (giờ thuộc hẻm 118 Huỳnh Thiện Lộc) có nuôi một bầy
vịt, đã lớn. Bỗng một buổi sáng tôi không để ý chúng xổng chuồng, chui rào biến
mất. Sau mấy giờ đi tìm không thấy, mẹ con tôi bỏ cuộc vì còn phải đi học, đi
làm. Đến chiều tối khi đi làm về, nhà tôi đã vui mừng thấy mấy con vịt được ai
đó bắt giùm, lùa chúng vào phía bên trong hàng rào của nhà từ khi nào.
Hỏi ra mới biết, bà cụ hàng xóm nhà bên cạnh nghe nhà tôi mất
vịt nên tiếc của giùm, bỏ công sang khu đất còn là vườn ngâu bên cạnh tìm giúp!
Giờ khu vực vườn ngâu xưa đã thay đổi nhiều lắm. Nhà mặt tiền
mọc lên khang trang. Xen lẫn sau đó là những khu nhà trọ bình dân san sát, nhộn
nhạo người tứ xứ. Thành thị đó mà thôn quê cũng đây. Người đến ở nơi đây dù đã
30 năm nhưng nghe chuyện khu vườn ngâu mà cứ như nghe kể về xứ nào.
Tuy nhiên, nếu ai đó tinh tế để ý kỹ thì dấu xưa dù phai mờ vẫn
chưa phải đã mất hẳn. Vườn ngâu tưởng chỉ còn trong hoài niệm vẫn đang thoang
thoảng hương ngâu dù chỉ một vài nơi. Mỗi khi mùa mưa tới, những bông ngâu nhỏ
vàng rực vẫn còn lấp ló trong đám lá xanh um.
Chuyện ngỡ như giấc mơ xưa này là thật 100%, khi vẫn còn đó
20 cây ngâu hơn 50 năm tuổi minh chứng cho lịch sử đồng ngâu, vẫn nở hoa đều đặn
hằng năm trong khu đất hơn 5.000m2 mà ông Văn Quang vẫn giữ mấy chục năm qua ở
số 118/80 Huỳnh Thiện Lộc.
Ông chủ vườn ngâu "gàn" nhất trong các chủ vườn,
tâm sự mấy người ở phường rồi ở quận xuống gặp đều muốn ông giữ lại mấy chục
cây ngâu cuối cùng này, để giữ lại một mảng xanh cho phường.
Người ta sợ sớm muộn gì ông sẽ chặt đi vì ông già rồi, giá
ngâu lại rẻ, hái chỉ tốn công. Rồi thời buổi tấc đất tấc vàng, lỡ nay mai ông
thấy đất mà 20 cây ngâu "ở" đẻ ra vàng nhiều hơn những bông ngâu vàng
còn ngậm sương trong nắng sớm...
Ông Quang không nói gì nhiều, cũng chẳng hứa hẹn gì. Nhưng
lòng ông biết là mình sẽ giữ chúng cho đến cuối đời để nhớ về cái nghề của cha
ông ngày xưa và được ngửi mùi thơm có vị ngọt của ngâu trong gió.
Với ông, ngâu thơm không chỉ vào ban ngày mà nó thơm cả ngày
lẫn đêm, nó thơm không chỉ ở nhà ông mà còn thơm cả xóm. Cái mùi hương của làng
xóm, của tình thương thấm đượm suốt hàng chục năm qua mà ông vẫn cảm nhận nó hằng
ngày trong từng hơi thở của mình....
"Khoảng năm 1989, tôi còn sang khu vườn ngâu này chơi. Cảnh
y như ở quê khi vẫn thấy nhiều vườn ngâu có gốc xù xì, to lớn như bắp đùi người
lớn, tán rậm rạp che mất cả người ở bên trong. Hương hoa thơm ngát có thể cảm
nhận được từ cách xa hàng trăm mét. Ban ngày có đám trẻ chơi dưới các tán ngâu
xanh mát, nhưng ban đêm hầu như không có bóng người vì thuở đó còn rất thiếu
ánh đèn điện.
Nhiều người nội thành ra đây mua đất mà cứ ngỡ như về quê,
đâu ngờ sau này đã trúng đậm vì vườn ngâu biến mất, "đất quê" đã lên
phố …" - anh Nguyễn Quốc Minh, nhà ở đường Hiệp Nhất, phường 4, Tân Bình,
kể chuyện xưa.
Kỳ 9: Bàn Cờ, giao điểm truân
chuyên
Bây giờ không ai gọi đây là "xóm lao động".
Cái từ "xóm" cũng đã biến mất lâu rồi. Nhà phố bêtông mọc lên cao
vút. Cửa tiệm nối tiếp cửa tiệm, sáng choang kính màu, bảng hiệu. Ngõ hẻm ken
dày, đông đặc nhà lầu bốn năm tầng kiên cố.Con lộ Bàn Cờ và xóm “nhà cây” ven đường mới mở năm 1958 - Ảnh
tư liệu Vậy đấy, cái chốn tôi ở gần 50 năm, đang thay da đổi thịt vùn
vụt như cả thành phố hiện giờ. Thế mà, mỗi sáng đạp xe dạo quanh phố xá mới mẻ,
từng vòng xe vẫn đưa tôi về bao nhiêu hình ảnh và ký ức thân quen. Đây rồi, Bàn
Cờ, cái xóm lam lũ một thời, cái xóm chở che bao phận người cao thấp, còn đó
hay phôi pha trong một Sài Gòn mở rộng lớn lao.
Giao điểm vàng các quận phồn hoa
Trên bản đồ Sài Gòn năm 1955, có ghi Bàn Cờ là một khu vực lớn
trải dài từ đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) đến đường Lý Thái Tổ.
Năm 1967, mẹ tôi đổi từ nhà thuê ở đường Vĩnh Viễn, quận 10, sang nhà bà ngoại
tôi trong hẻm 549 đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), đối điện với
chợ Bàn Cờ.
Cả con hẻm dài ngoằng nhưng thẳng tắp, đều là nhà cây vách
ván lụp xụp, phần lớn lợp mái tôn gỉ sét. Lác đác vẫn có nhà lợp lá dừa nước
hoe hoe bụi bặm. Từ đó về sau, cái thằng nhóc tuổi con cọp dài lưng, bắt đầu lớn
lên, la cà trong hàng chục con hẻm chạy dọc chạy ngang theo các đường Phan Đình
Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng…
Chèn đét, những con hẻm có nhà cửa giông giống, khá đều đặn
và vuông vắn, thông với nhau, qua lại dễ dàng. Chẳng trách, người lớn quen gọi
đây là Bàn Cờ, một cái tên tượng hình, rất bình dân và dễ nhớ!
Cái thằng nhóc con dần dần nhận ra từ xóm Bàn Cờ đi đâu trong
Sài Gòn cũng tiện. Này nhé, về phía quận 1, có Sở Thú là "thế giới thần
tiên" của con nít. Lâu lâu cuối tuần, cậu tôi cho bọn nhóc trong nhà đi đến
đấy bằng xe Honda. Xe từ Cao Thắng ra nhà thương Từ Dũ, cứ chạy một mạch trên
đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) là đến nơi. Quận 1 còn có nhà ga xe lửa,
có chợ Bến Thành, đường Lê Lợi và đường Tự Do (Đồng Khởi), từ Bàn Cờ ra đấy
"gần xịt"!
Có lần bọn nhóc lớp 5 chúng tôi, sau buổi học, rủ nhau chạy bộ
ra "phố Sài Gòn". Bọn tôi đi ngược đường Phan Đình Phùng đến chỗ ngã
tư ông "Sư tự thiêu" (Thích Quảng Đức). Sau đó, quẹo phải đi thẳng đường
Lê Văn Duyệt gặp "ông Phù Đổng" (tượng Phù Đổng Thiên Vương dựng ở
bùng binh ngã sáu Sài Gòn), liền thấy xa xa cái tháp đồng hồ uy nghi của chợ Bến
Thành.
Quanh chợ có cái thương xá mang tên Mỹ là Crystal Palace (tên
Việt là thương xá Tam Đa, có hai mặt phố Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Nguyễn
Trung Trực, sau tháng 4-1975 đổi thành Bách hóa tổng hợp và rồi Intershop, bị
cháy năm 2002), nơi có cầu thang cuốn lạ lẫm, luôn cuốn hút trẻ nhỏ. Trong khi
đó, Chợ Lớn cũ và Chợ Lớn mới (Chợ Lớn cũ có trước 1928, khu phố lớn Nhà bưu điện
quận 5 ngày nay, Chợ Lớn mới là phần Chợ Lớn mở rộng sau 1928, với chợ Bình Tây
là trung tâm, khu tiếp giáp quận 5 và quận 6) đều là "hàng xóm" của
Bàn Cờ! Thỉnh thoảng, mẹ tôi vào chợ Bình Tây cất hàng, thường cho tôi đi cùng
xích lô máy. Xe chạy từ ngã bảy theo đường Minh Mạng (Ngô Gia Tự) chỉ mươi phút
là đến cái chợ khổng lồ ấy.
Về phía quận 10, từ Bàn Cờ có thể đi bộ ra bến xe Đà Lạt (bến
xe Petrus Ký, đường Lê Hồng Phong bây giờ), đi thêm một đoạn là đến Việt Nam Quốc
Tự. Thêm chút nữa là Bệnh viện Nhi đồng và phở Tàu Bay nổi tiếng!.Cổng chào tam quan đường vào cư xá Đô Thành ngày nay, đây là
dấu tích quy hoạch xóm thợ Bàn Cờ đầu những năm 1940 - Ảnh: PHÚC TIẾN 60 năm từ đồng lên phố
Thuở nhỏ, tôi chưa bao giờ tự hỏi xóm nhà mình nguyên thủy từ
đâu đến. Mãi sau này, hỏi chuyện người già và sách sử, tôi mới hay Bàn Cờ đầu
thế kỷ 20 chỉ là rìa đất trống vòng ngoài của đô thị Sài Gòn thời Pháp. Ngày ấy,
phố xá Sài Gòn chỉ từ bến Nhà Rồng kéo vào khu Chợ Đũi (quanh khách sạn New
World hiện tại) là hết. Chung quanh "nội ô" Sài Gòn vẫn còn bàu, đìa,
đồng, vườn, dân cư thưa thớt. Từ khu Chợ Đũi có một con lộ độc đạo chạy lên Tây
Ninh, mang tên Verdun (sau này là đường Lê Văn Duyệt), hai bên là đồng đất mênh
mông, đầy mồ mả.
Trong đó, khu vực Đồng Mả Ngụy, tương truyền là nơi hàng ngàn
binh lính và dân đen tham gia nổi loạn Lê Văn Khôi bị triều đình Minh Mạng xử
chém và vùi xác. Sử gia Nguyễn Đình Đầu cho rằng Đồng Mả Ngụy nằm ở khoảng Công
trường Dân Chủ kéo xuống quanh khu vực Bệnh viện Bình Dân bây giờ. Tôi nghĩ
thuyết này đúng, bởi ngày xưa đi đâu trong các hẻm Bàn Cờ cũng thấy rải rác một
hai gò mộ vô chủ, giống như gò mối đùn lên, xen lẫn nhà cửa.
Mãi đến thập niên 1930-1940, người Pháp bắt đầu có kế hoạch mở
rộng đô thị Sài Gòn về hướng Chợ Lớn. Thông tin trên tạp chí Indochine và Nam Kỳ
Tuần Báo 1943 -1944, cho biết cả vùng đất trống từ đường Verdun đổ xuống đại lộ
Hui Bon Hua (Lý Thái Tổ) được quy hoạch là khu lao động của đô thành Sài Gòn -
Chợ Lớn.
Có lẽ vì thế, tại đây mới hình thành việc chia ô, phân lô và
lên "họa đồ" những ô nhà 3mx10m và những con hẻm ngang dọc, đầy đặn
như Bàn Cờ. Chính cái cổng tam quan nguy nga ở đầu cư xá Đô Thành hiện tại (gần
Bệnh viện Bình Dân) được xây từ dạo đó, là cột mốc và dấu tích về sự ra đời của
"xóm thợ Bàn Cờ".
Tuy nhiên, cuộc chiến Việt Pháp 1945-1954 đã làm dân các vùng
quê "chạy loạn", tràn về Sài Gòn như nước lũ. Do vậy, kế hoạch xây dựng
"xóm thợ" quy củ tan vỡ, chính quyền chuyển khu vực Bàn Cờ trống trải
thành đất cho các "trại tạm cư".
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt kiều ở Mỹ, kể với tôi rằng nhà
ông từ Tiền Giang phiêu dạt về đây vào những năm đó. Ông còn nhớ cả khu Bàn Cờ
những năm 1950 chỉ toàn nhà lá và đường đất nhỏ hẹp. Cao ốc duy nhất trong vùng
là khu cư xá 5 tầng của Pháp, chỉ mới xây, những năm 1953-1954, nằm ở đầu đường
Cao Thắng (bây giờ vẫn còn nhưng tàn tạ!)
Sau khi Sài Gòn yên hàn, con lộ mang tên Bàn Cờ được mở thì
khu đất này mới biến đổi lớn. Trong các tập báo xưa còn lưu ở thư viện thành phố,
tôi tìm thấy phóng sự và ảnh chụp Tổng thống Ngô Đình Diệm đi thị sát xóm Bàn Cờ
vào năm 1958. Trong ảnh, hai bên con lộ chính đều là "nhà cây" (nhà gỗ)
một, hai tầng mới mọc, trông tinh tươm, ngay hàng thẳng lối. Trường tiểu học
Phan Đình Phùng - ngôi trường đầu đời của tôi - cũng vừa được khánh thành lúc ấy,
chỉ là nhà gạch một tầng lợp ngói nâu.
Cùng năm tháng đó, nằm kế bên Bệnh viện Bình Dân trên đường
Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ ngày nay), cư xá Đô Thành ra đời theo một quy hoạch
mới dành riêng cho công chức bậc thấp và bậc trung. Gần Bàn Cờ, khu Trường
Petrus Ký (Lê Hồng Phong) rộng lớn được chia lại, dành đất cho "Khoa học Đại
học đường" (nay là Đại học Khoa học tự nhiên), Đại học Sư phạm, Trường Sư
phạm Sài Gòn. Do vậy, bỗng chốc công chức, y tá, nhà giáo, sinh viên, dân
nghèo… ở khắp nơi đổ đến chọn Bàn Cờ làm chỗ ở, chỗ trọ và chốn sinh nhai càng
nhiều, hòa trộn với "dân tạm cư" cũ!
Nếu lấy cái mốc 1957 làm thời điểm chính thức chuyển từ đất
trống, đất tạm cư lên phố thị tân tiến, thì Bàn Cờ của chúng tôi đến nay ngoài
"60 năm cuộc đời"! Chừng ấy năm tháng, tạo ra nhiều "văn vật"
và phận người đa dạng, không thể nào quên...
Lớn lên, tôi nghiệm ra đích thị Bàn Cờ nằm ở vị trí “giao điểm
vàng” giữa quận 1, quận 3, quận 5, quận 10 - những khu phồn hoa trung tâm lâu
năm của Sài Gòn. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Bàn Cờ trong 20 năm trở
lại đây ngày càng sầm uất, ngày càng chen chúc nhà lớn, nhà nhỏ đắt giá.
Ai biết Bàn Cờ hẳn nhớ đầu tiên là chợ, nơi tập trung và lan
tỏa nhộn nhịp cho cả vùng. Và đây cũng là "cái túi" hội đủ phận người
giàu, nghèo, trí thức, lao động…
Kỳ cuối: Bàn Cờ, phố chợ thân
quen
Thời kỳ phát triển thứ hai của Bàn Cờ diễn ra từ năm
1969. Vốn dĩ, vào những ngày binh lửa, nhiều khu nhà lá bị cháy, nhất là khu Vườn
Bà Lớn (nay là phường 1, quận 3). Khu lụp xụp ấy được tái thiết nhanh chóng.Khu Bàn Cờ trên bản đồ Sài Gòn 1955 (chưa có đường Bàn Cờ) - Ảnh
tư liệu của tác giả Lần đầu tiên, Sài Gòn có các chung cư bình dân (nay gọi nhà ở
xã hội), trong số này có chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Dân nhà lá Bàn Cờ được
"lên lầu", cách sống thay đổi hẳn.
Và rồi, các nhà mặt tiền dọc các con phố từ "nhà
cây" lẹ làng "biến hình" thành nhà gạch nhiều tầng, buôn bán tấp
nập.
Chợ của dân tứ xứ
Bàn Cờ từ cuối những năm 1960 giống như một khu phố lớn
"kiểu mẫu" với nhiều tiện nghi: chợ, siêu thị mini, nhà hàng, cửa tiệm
đủ loại và rồi trường học, đền chùa, nhà thờ, nhà bảo sanh, bệnh viện, bót cảnh
sát...
Nơi đây cũng là cái "túi người", đầy đủ ngành nghề,
đầy đủ Trung, Nam, Bắc và không thiếu người Hoa. Giàu, nghèo; trí thức và bình
dân; quan chức và dân thường đều có mặt. Bàn Cờ là xã hội thu nhỏ điển hình của
Sài Gòn qua các thời kỳ.
Ai biết Bàn Cờ, hẳn nhớ đầu tiên là chợ, nơi tập trung và lan
tỏa nhộn nhịp cho cả vùng. Nhưng chợ Bàn Cờ không phải là chợ nhà lồng như chợ
Tân Định hay chợ Phú Nhuận. Ngược lại, chợ chỉ họp trong hẻm, bắt đầu từ con hẻm
lớn số 664 đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) và rồi tỏa ra hai bên theo
nhiều con hẻm nhỏ, giống như một bộ xương cá khổng lồ.
Chợ cũng không chia thành nhiều khu chuyên bán một mặt hàng cụ
thể. Người ta có thể mua rau, mua thịt ngay bên hàng chạp phô, hàng vải. Mua
bún, mua trái cây, mua gà hay cá không xa hàng mã, hàng nón, hàng guốc
dép.
Trong chợ cũng có tiệm vàng, tiệm may, tiệm uốn tóc và quán
ăn, quán nước đủ các kiểu. Bác tôi, mẹ tôi và dì tôi đều có sạp bán hàng ở chợ,
nhờ đó đắp đổi cuộc sống qua ngày.
Thuở đầu, các sạp trong chợ đều bằng gỗ lợp tôn, có cái để trần,
có cái gắn cửa gỗ hay cửa sắt chắc chắn. Khoảng những năm cuối 1980, các sạp chợ
Bàn Cờ mới được xây kiên cố theo kiểu kiốt liền kề chật hẹp nhưng chỉ có ở con
hẻm lớn.
Còn chợ chồm hổm, lộ thiên và các nhà quanh các hẻm hóa thành
cửa tiệm vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Thậm chí có phần "bung ra"ồ
ạt, trong đó những năm gần đây hẻm 51 Cao Thắng trở nên đông đúc từ sáng đến tối
vì là nơi bán hàng giày dép, túi xách, valy "sida".
Còn hẻm 212 Nguyễn Thiện Thuật bỗng trở thành nơi bán quần
áo, đồ chơi, bánh kẹo "hàng thùng". Tất cả đều là hàng xài rồi hay
hàng xách tay, hàng "tiểu ngạch", "mại zô" (mua đi), không
cần nói thách.
Gần góc Cao Thắng, trên đường Phan Đình Phùng đầu những năm
1970 đã xuất hiện một "mini mart", có tên gọi là "siêu thị Bàn Cờ"
của tư nhân. Tại đây có hàng hóa đa dạng và bán hàng theo kiểu tự chọn, rất mới
mẻ. Sau tháng 4-1975, siêu thị hiếm hoi này đóng cửa, ngôi nhà vẫn còn nhưng chỉ
bán hàng lặt vặt.Chợ Bàn Cờ nay càng đông đúc hơn - Ảnh: TỰ TRUNG Những hàng quán nổi danh
Trong khi ấy, quanh các đường phố lớn nhỏ của Bàn Cờ, có khá
nhiều cửa tiệm và cơ sở thương mại, giải trí thuộc loại "số dách"(số
1) của Sài Gòn. Trước nhất là hàng ăn gốc Hà Nội, có đến hai tiệm phở Bắc lừng
danh ở Hà thành di cư vào Nam đều tề tựu về đây.
Đó là phở Nghi Xuân mở tiệm ở góc Cao Thắng - Phan Đình Phùng
(Nguyễn Đình Chiểu) và phở Tàu Thủy trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Thêm nữa,
bánh mì Hà Nội ở đường Nguyễn Thiện Thuật và bánh mì Hòa Mã ở đường Cao Thắng.
Trong khi ấy, cà phê "chính hiệu Sài Gòn" không đâu
qua mặt cà phê Năm Dưỡng và cà phê Cheo Leo nằm trong hai con hẻm lớn gần nhau,
thông ra cả đường Lý Thái Tổ lẫn đường Nguyễn Thiện Thuật.
Mặt khác, không thể quên cái hẻm Mỹ Hương trên đường Nguyễn
Thiện Thuật. Con hẻm này và con hẻm đối diện thông ra chợ Bàn Cờ chính là một
loại "food court" (khu ẩm thực nhiều loại) có từ rất sớm, bao gồm nhiều
nhà hàng và xe hàng ăn.
Trong đó, nổi bật ngoài các món nhậu, còn có cháo Tiều, mì, hủ
tiếu, bánh cuốn, bánh mì kẹp thịt, bột chiên, cơm tấm, chè sâm bửu lượng...Hiện
tại, hẻm Mỹ Hương và các con hẻm ăn uống gần đó vẫn hoạt động sôi nổi từ chiều
đến đêm.
Bổ sung vào danh sách "ẩm thực Bàn Cờ" còn phải kể
đến chè Hiển Khánh trên đường Phan Đình Phùng và "hẻm cocktail" -
phía sau chùa Kỳ Viên.
Một dãy hàng bán yaourt, trái cây dầm, sinh tố ra đời trong hẻm
này nhờ "ăn theo" trung tâm dạy thêm toán lý hóa của thầy Nguyễn Bác
Dụng mở ra từ những năm 1980.
Trong chợ trước năm 1978, có cái quán cà phê và mì Tàu đầy
hương vị xưa như trong truyện của Bình Nguyên Lộc, nhưng rất tiếc chủ người Hoa
sau đó phải ngưng hoạt động. Hai gian nhà lớn của quán trở thành cửa hàng hợp
tác xã!
Trường học, bệnh viện, rạp hát, đền chùa...
Đối với tôi, Bàn Cờ còn là những ngôi trường đầu đời. Trường
tiểu học công lập Phan Đình Phùng ở hẻm 491 Phan Đình Phùng là nơi tôi học từ lớp
nhất đến lớp năm. Trên sân trường có một cây phượng lớn, đã đi vào bài tập làm
văn của nhiều thế hệ học sinh. Trước cửa trường, có lớp dạy thêm luyện thi đệ
thất (lớp 6) của cô Hạnh.
Quang cảnh lớp giống như cảnh thầy đồ xưa dạy học. Cô ngồi giữa
giảng bài, chung quanh là học trò ngồi yên ghi chép. Cô rất nghiêm, khi dạy
luôn có... cây roi mây thật to để trên bàn. Trò hư, trò lười là bị cô cho
"ăn roi mây" thẳng cánh!
Trong khu Bàn Cờ, lạ thay, còn có khá nhiều trường tư, nổi tiếng
nhất là Tiểu học Rạng Đông, kế đến Mẫu giáo và tiểu học Minh Tâm, Tiểu học Trường
Sơn, Trung học Thăng Long, Trung học Trí Đức, Trung học Tiền Giang (đã giải thể).
Ngay tại Bàn Cờ có đến ba nhà bảo sanh tư: Đức Chính (đối diện
rạp Đại Đồng), Đức Huệ (cạnh rạp Thăng Long) và Cô Mười (Phan Đình Phùng).
Ngoài ra, còn có Viện Bài lao ở gần rạp Long Vân, trên đường Phan Thanh Giản
(Điện Biên Phủ).
Đặc biệt, ở chùa Phước Hòa, gần Trường Phan Đình Phùng, có một
"chẩn y viện" là phòng khám từ thiện phục vụ người lớn, trẻ nhỏ miễn
phí. Dân Bàn Cờ còn "hưởng lợi" từ bốn bệnh viện gần nhà, đó là Từ
Dũ, Bình Dân, Nhi Đồng và Saint Paul!
Tại Bàn Cờ còn có nhà thờ và nhiều đền chùa. Nổi tiếng nhất
là Tam Tông Miếu trên đường Cao Thắng và Kỳ Viên Tự trên đường Phan Đình Phùng.
Không những thế, Bàn Cờ có đến ba rạp hát là Đại Đồng, Long Vân và Việt Long (về
sau xây mới là rạp Capitol, sau 1975 đổi là Thăng Long).
Khoảng năm 1973, tại góc đường Phan Đình Phùng - Bàn Cờ, mọc
lên tòa nhà chi nhánh Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, xây cất lộng lẫy. Trên đường
Bàn Cờ ra đời nhà sách Thương Thương, nơi có thể tìm mua nhiều sách hay, không
cần phải ra đến nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi.
Những năm 1974-1975, xe buýt đời mới thanh tú, thay thế cho
"xe buýt vàng" kềnh càng xưa cũ, nhộn nhịp qua lại Bàn Cờ. Bọn nhỏ
xóm tôi bắt đầu có cái thú "nhảy tọt" lên xe buýt để đi học, đi chơi
nhanh gọn, thay vì đi bộ hay đi xe đạp.
Sau 30-4-1975, đất và người Bàn Cờ cũng như nhiều nơi khác
trên đất Sài Gòn đã trải qua một thời kỳ biến đổi khó khăn, "lọ lem"
hơn mười năm, nhớ lại càng thấy bùi ngùi.
Nhưng rồi, may mắn, thời cuộc đổi mới đã diễn ra, tất cả các
phường xóm của Sài Gòn không những hồi phục được sự phồn thịnh mà còn tiếp tục
tiến triển bất ngờ. Với tôi, Bàn Cờ không chỉ là quê nhà ruột rà mà còn là những
trang đời về lịch sử vùng đất và số phận con người vẫn chưa khám phá hết!.
Từ xưa, chợ Bàn Cờ là "đại thương xá" giá rẻ không
chỉ cho dân tại chỗ mà còn cho dân từ các quận khác tới, không kể sang hèn. Vào
những buổi sáng cuối tuần, tôi thường gặp một loạt cánh "mày râu" ngồi
gật gù trên xe Honda ở đầu các con hẻm dọc đường Bàn Cờ và Nguyễn Thiện Thuật.
Họ kiên nhẫn đợi các "bà xã" vào chợ "tảo
thanh" hàng hóa hay đi uốn tóc, làm móng chân móng tay. Đôi lúc, tôi nhận
ra có những vị giáo sư, bác sĩ khả kính vẫn không quên đảm đương vai trò
"đức lang quân" chịu khó chờ vợ đi chợ!.
26/10/2020Phúc Tiến
Trường Nguyễn Thượng Hiền niên học
1972-1973 - Ảnh: BÙI HỌA
Giờ sinh hoạt dưới cờ của học sinh Nguyễn Thượng Hiền,
bên
kia đường là Bệnh viện Vì Dân
(Bệnh viện Thống Nhất) - Ảnh: BÙI HỌA
Dấu xưa Bà Quẹo còn lại
chốn này - Ảnh: THỦY TIÊN
Chợ Bà Quẹo xưa nay đã thành chợ
Võ Thành Trang - Ảnh: QUANG
ĐỊNH
Ngã tư Bảy Hiền nay đã khang trang hơn với Bệnh viện
Thống Nhất
và Trường Nguyễn Thượng Hiền đều
đã được nâng cấp, xây thêm - Ảnh: TỰ TRUNG
Bảy Hiền trước năm 1975 vẫn còn ít nhà cửa và khu triển lãm
Tân Bình hiện nay còn là nghĩa trang quân đội Pháp - Ảnh tư liệu
Một vườn bưởi đường đặc sản vẫn còn
xanh mát ở An Phú Đông - Ảnh:
NHẬT THỊNH
Cầu sắt nối đôi bờ An Phú Đông sẽ đưa
bến phà vào ký ức - Ảnh:
NHẬT THỊNH
“Phi thuyền Apollo” vẫn sừng sững ngay
cầu Điện Biên Phủ hơn
50 năm qua - Ảnh: DIỆU QUÝ
Bên trong “phi thuyền Apollo” - Ảnh: DIỆU QUÝ
Phương pháp học thiên về thực nghiệm,
kỹ năng của Trường
trung học Kiểu mẫu - Ảnh tư liệu
Làng giáo sư xưa kia được thiết kế vuông vức với
những biệt
thự vườn, nay vẫn còn nguyên như
những ô vuông bàn cờ màu xanh - Ảnh: TỰ TRUNG
Cầu Phú Xuân hiện đại nối Nhà Bè
với trung tâm Sài Gòn - Ảnh
TỰ TRUNG
Đình thần Phú Xuân xưa - Ảnh tư liệu
Tán xanh vườn ngâu còn sót lại ở đường
Huỳnh Thiện Lộc, quận
Tân Phú - Ảnh: THỦY TIÊN
Ông Văn Quang tưới vườn ngâu hiếm hoi
mình còn giữ lại - Ảnh:
THỦY TIÊN
Con lộ Bàn Cờ và xóm “nhà cây”
ven đường mới mở năm 1958 - Ảnh
tư liệu
Cổng chào tam quan đường vào cư xá Đô Thành
ngày nay, đây là
dấu tích quy hoạch xóm thợ
Bàn Cờ đầu những năm 1940 - Ảnh: PHÚC TIẾN
Khu Bàn Cờ trên bản đồ Sài Gòn 1955
(chưa có đường Bàn Cờ) - Ảnh
tư liệu của tác giả
Chợ Bàn Cờ nay càng đông đúc hơn - Ảnh: TỰ TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét