Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Sông Thương - Cội nguồn của nhiều cảm hứng nghệ thuật

Sông Thương - Cội nguồn 
của nhiều cảm hứng nghệ thuật

Có một dòng sông xứ Bắc đã đi vào những áng thơ ca, âm nhạc bất hủ, để hôm nay mỗi khi được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đó tôi bỗng chợt nhận ra dòng sông ấy không những tuyệt đẹp, lãng mãn mà còn có nhiều điều kỳ lạ đến thế! Sông Thương chính là nguyên liệu, chất men xúc tác để nhiều tác giả cho ra đời tác phẩm nghệ thuật để đời.
Dòng sông bên đục bên trong
Bao đời nay sông Thương vẫn cứ mãi êm đềm, mềm mại và yên bình, là cội nguồn cảm hứng sáng tác vô bờ bến cho các nghệ sĩ. Một nhà thơ đã từng viết: Đã sông Thương lại bến Than/ Cội nguồn xưa chắc trái oan điều gì? Không hẳn tác giả của câu thơ trên mà với nhiều người, trong đó có giới văn nghệ sĩ đã từng “phải lòng” với con sông huyền thoại ấy, để cứ mải mê đi tìm cái hay, cái đẹp lẫn cái khó hiểu của dòng Thương.
Sông Thương nằm cạnh Phủ Lạng Thương, nó không dữ dằn, cuồn cuộn như sông Đà, sông Lô hay mênh mông như sông Hồng, trầm mặc như sông Hương nhưng lại rất nên thơ, nên nhạc và chứa đầy trầm tích lịch sử, văn hóa, cũng như thấm đẫm chất huyền thoại. Vẻ bình dị của dòng Thương đã khiến nhà thơ Lưu Quang Vũ phải thốt lên rằng: Sao tên sông lại là Thương/ Để cho lòng anh nhớ? (Qua sông Thương). Có lẽ chẳng ai lý giải được câu hỏi ấy của nhà thơ và hôm nay vẫn có những người nặng lòng, tha thiết với dòng sông “bên đục bên trong”.
Dòng sông ấy khởi nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy trong con máng trũng có tên Mai Sao rồi chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang, xuôi về đến Hải Dương, hợp vào sông Thái Bình, rồi đổ ra biển Đông. Sông Thương còn có một chi lưu lớn là sông Sỏi chảy từ huyện Yên Thế ra. Chúng hợp lưu tại nơi tiếp giáp của ba huyện: Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang. Đến gần thành phố Bắc Giang, có thêm một dòng sông đào đổ nước vào sông Thương. Nước sông Thương vốn trong xanh, nay có dòng nước đục từ sông đào hòa vào, thành ra sông có hai dòng chảy song song, một bên trong, một bên đục rất rõ. Hiện tượng này có thể quan sát được ở khu vực thành phố Bắc Giang. Trong ca dao người xưa đã viết: Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục em trông bên nào?. Lưu Quang Vũ lại viết về quãng sông này như sau: “Người xưa bảo đây đôi lòng lệ nhỏ/ Những suối buồn gửi tới mênh mang/ Đò về Nhã Nam/ Đò qua Phủ Lạng/ Mưa chiều nắng rạng/ Đã bao năm? (Qua sông Thương).
Tìm sâu về quá khứ, vào thời Lý, sông Thương còn có tên gọi là Nhật Đức "dòng sông mặt trời" cùng với sông Đuống (Thiên Đức), Nguyệt Đức (sông Cầu) và Minh Đức (sông Lục Nam), đó là bốn dòng sông lớn ở miền Bắc. Nhà sử học Lê Văn Lan trong một bài viết đã lý giải: Theo sách "Lĩnh ngoại đại đáp" của Chu Khứ Phi đời nhà Tống bên Bắc phương cho rằng, vì thấy mỗi độ xuân về, những cây đào phai lại nở hồng khắp đôi bờ nên sông Thương xa xưa mới có thêm tên nữa là sông Đào Hoa. Ngày nay người dân vùng ven sông như Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Tân Tiến, Đa Mai vẫn duy trì được nghề trồng hoa đào.
Giải thích từ dân gian lẫn các nhà nghiên cứu địa phương, trong quá khứ khi quan, quân Đại Việt trên con đường thiên lý đi xứ phương Bắc hay trấn ải biên thùy Lạng Sơn gia đình họ thường tiễn đưa đến khúc sông này. Nơi đây diễn ra cảnh người đi xa, người ở lại, những cuộc chia tay bịn rịn thật là thương cảm nên từ đó người đời gọi là sông Thương. Cạnh đó đến nay còn làng Thương và có bến Chia Ly, cũng vì khi đến đây người thân đưa tiễn phải dừng lại, phút ly biệt ngay trên bến sông. Đến thế kỷ XXI tên bến Chia Ly đã được đọc chệch là bến Chi Ly. Bến Chi Ly ngày nay vẫn ở ngay khúc sông “nước chảy đôi dòng” bên đục bên trong càng gợi nỗi thương cảm cho biết bao nhiêu thế hệ...
Sông Thương cũng gắn liền với địa danh Phủ Lạng Thương, thành Xương Giang từng ghi dấu biết bao chiến thắng oai hùng nhưng cũng là dòng sông đậm chất nhân văn trữ tình. Trong chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang lừng lẫy chống giặc Minh, sông Thương là nhân chứng vĩ đại. Bài “Xương Giang phú” Lý Tử Tấn đã viết: “Nơi đây vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên/ Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/ Mở thái bình cho đất Việt khắp miền/ Ấy Xương Giang một sông hình đẹp/ Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền...”.
Viết về sự hào hùng ở sông Thương, sau này nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết: “Sông Thương ơi, đang những ngày đánh Mỹ/ Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây/ Những cô lái đò súng khoác trên vai/ Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui”.
Dòng sông nghệ thuật
Dòng sông Thương gắn với những chiến thắng oai hùng nhưng cũng là nguồn cảm hứng nghệ thuật vô tận. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được ra đời từ con sông ấy, các tác giả đều gắn bó, trải nghiệm thực tế sâu sắc với vùng đất con người nơi đây. Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã viết về con sông như sau: Đứng bên bờ dốc ngắm sông dài/ Lặn với sao trời, ráng đỏ soi/ Sông xa bát ngát buồm trăng xế/ Tiếng giặt đâu đây não ruột ai... (Xương Giang cảm hoài). Nhà bác học Lê Quý Đôn trên con đường đi sứ qua đây có thơ đề rằng: Khói tạnh đồng xanh, nương rẫy tốt/Vườn hoang sương lạnh, lũy thành trơ... (Độ Xương Giang).
Sau này, có thể kể đến tác giả Đặng Thế Phong với nhạc phẩm “Con thuyền không bến” đầy tâm trạng, tình cảm tha thiết, lời ca, giai điệu đẹp: “Đêm nay thu sang cùng heo may/ Đêm nay sương lam mờ chân mây/ Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng/ Như nhớ thương ai trùng tơ lòng... Về hoàn cảnh ra đời ca khúc, năm 1940, Đặng Thế Phong tạm xa gia đình, người yêu để lên Bắc Giang ít ngày, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào trên sông Thương hàn huyên. Đang lúc vui thì có người đến đưa cho Đặng Thế Phong một phong thư. Đó là thư của cô Tuyết (người yêu ông) từ Nam Định gửi lên. Đọc xong thư, ông rất buồn vì biết tin cô Tuyết bị bệnh. Chính đêm hôm đó, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, ông đã sáng tác Con thuyền không bến buồn não nuột... “Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong/ Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng/ Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu? Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu”.
Tháng 6-1942 tại Nhà hát lớn Hà Nội, bài “Con thuyền không bến” được nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển trình bày đã làm xôn xao khán giả Hà Nội. Sau đó chính Đặng Thế Phong thể hiện bài hát này tại rạp Olympia ở Hà Nội. Lúc này công chúng mới thực sự hâm mộ và biết đến tài nghệ thuật của Đặng Thế Phong. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét: “Người nghệ sĩ không còn đứng trong khu vườn nhỏ của mình nữa, anh dắt ta ra trước cảnh thu về trên một dòng sông. Dường như Đặng Thế Phong đã nói lên được tâm trạng của thanh niên nam nữ trong thời đại. Họ sống dưới thời cai trị của thực dân và họ bơ vơ lạc lõng như những con thuyền không bến. Nhưng con thuyền này phải là con thuyền trôi trên một dòng sông dân tộc, dòng sông Thương (ai ơi) nước chảy đôi dòng. Quan trọng nhất là con thuyền phải trôi trong một mùa thu Việt Nam có gió heo may, có sương lam mờ chân mây, có gió van thông ngàn và có ánh trăng mờ chiếu... Nếu là con thuyền trôi trong mùa hè hay trôi trên sông Seine thì chưa chắc bài hát có thể quyến rũ và ám ảnh chúng ta từ lâu và mãi mãi được”. (Lướt theo chiều gió/ Một con thuyền theo trăng trong/ Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng).
Kể ra các sáng tác về sông Thương, cũng không thể không nhắc đến  “Chiều sông Thương” (An Thuyên, thơ Hữu Thỉnh). Ở đó con sông được khắc họa như một miền dân ca thấm đẫm tình người, tình đất khiến ta cảm thấy như được thương, được nhớ. Tiếng hát cứ ngân vang như dòng sông hiền hòa, êm dịu nâng niu, tha thiết: Đi suốt cả chiều quê, vẫn chưa về tới ngõ/ Dùng dằng câu quan họ, nở tím bờ sông Thương/ Nước vẫn chảy đôi dòng, chiều uốn cong lưỡi hái/ Những gì sông muốn nói, cánh buồm giờ hát lên”. Một tình quê chan chứa trong “Chiều sông Thương” đầy giăng mắc, vương vấn.
Và còn nhiều, nhiều nữa những tác phẩm nghệ thuật về sông Thương vang bóng một thời như: “Qua cầu sông Thương” (Trần Chung), “Tấm áo mẹ vá năm xưa” (Nguyễn Văn Tý)... Và thế, cũng không phải ngẫu nhiên mà nơi đây hình thành một vườn nghệ thuật Sông Thương nằm bên dòng sông ấy đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang với diện tích trên 6ha do nhà văn Sương Nguyệt Minh giữ vai trò sáng tạo và doanh nghiệp tư nhân Mười Duyên thực hiện. Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, Giám đốc nghệ thuật Vườn nghệ thuật Sông Thương, lưu giữ những nét đẹp văn hóa Kinh Bắc là một trong những mục tiêu của những người thực hiện đặt ra. Các buổi diễn ca trù, quan họ hay những ca khúc, vần thơ về vùng đất Kinh Bắc và sông Thương được ưu tiên trình bày tại không gian này. Vườn nghệ thuật Sông Thương có nhà trưng bày văn hóa Kinh Bắc với những bộ bàn ghế thời bao cấp, chiếc xe đạp thồ, nong nia, thúng mủng, giần sàng, cối giã gạo, cối xay lúa, bể nước mưa, giàn thiên lý, rặng cúc tần, giếng nước cổ...
Con thuyền không bến
Đặng Thế Phong - Khánh Ly

1-11-2019
Anh Khoa
Theo https://svhttdl.bacgiang.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...