Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Phong Nẫm trên dòng lịch sử

Phong Nẫm trên dòng lịch sử

Ngược dòng lịch sử, vùng đất Phong Nẫm (Kế Sách) được khai phá muộn so với dãy cù lao "hàng xóm" như cồn Bàng, cồn Cò, cồn Mỹ Phước, cù lao Hổ Châu (nay là Cù Lao Dung), bởi do vị trí nằm cuối dãy đất cồn trên con sông Ba Thắc, số lượng phù sa được bồi đắp có phần nào ít ỏi hơn so với vùng đất thượng nguồn Cù Lao Dung, Mỹ Phước. Nên khi ở miệt Cù Lao Dung, cồn Mỹ Phước người dân vùng ven sông Hậu bắt đầu mở mang công cuộc khai phá thì Phong Nẫm vẫn còn là khu vực trũng thấp. Mãi cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mới được mở mang khai phá trên những dạt đất nổi đầu tiên.
Theo các cụ cao niên sinh sống lâu đời ở Cái Côn - Phong Nẫm thì địa danh "Phong Nẫm" được đặt theo cách sử dụng từ Hán - Việt: Phong là gió, Nẫm là thấp, dịch thoáng là vùng đất thấp đầy nắng gió (?). Nhưng cũng có người giải thích: Phong Nẫm là vùng đất thấp và nghèo (?). Bởi nơi đây sau mấy mươi năm khai phá vẫn là vùng đất nghèo so với những vùng đất "láng giềng anh em": Mỹ Phước, Cù Lao Dung.
Phong Nẫm chuyển mình với những 
vườn cây ăn trái tập trung. Ảnh: THIÊN LÝ
Truyền thuyết là vậy, nhưng địa danh Phong Nẫm được đưa vào văn bản hành chánh từ năm 1891 cùng với An Lạc Thôn, Xuân Hòa, An Lạc Tây, An Trinh, Ba Trinh, Khả Phú Mỹ... thuộc tổng Định Khánh (huyện Kế Sách ngày nay). Trước dòng biến thiên của lịch sử, nhiều địa danh hành chính có nhiều thay đổi, như: hai làng An Trinh - Ba Trinh nhập lại thành làng Ba Trinh; làng Khả Phú Mỹ được đổi thành An Mỹ... nhưng làng Phong Nẫm nhỏ bé, nghèo khó với tên gọi từ thời khởi thủy vẫn được giữ nguyên, vẫn đứng vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió trước bao đổi thay của thời cuộc.
Ngày trước, từ huyện lỵ Kế Sách muốn đến Phong Nẫm chỉ đi bằng phương tiện duy nhất là sử dụng chiếc vỏ lãi nhưng để chắc ăn, chiếc vỏ lãi phải là loại lớn và chiếc máy đuôi tôm phải là loại BS9 trở lên. Bởi nơi vàm Cái Trâm xuyên qua Phong Nẫm rộng lớn ấy luôn luôn có sóng to, gió lớn nên dễ bị tai nạn chìm vỏ bất ngờ - nếu chủ quan, coi thường. Trên khúc sông này đã xảy ra biết bao tai nạn nhưng người dân nơi đây vẫn kiên gan vượt sóng vì công cuộc mưu sinh hàng ngày. Còn muốn đi đường bộ đến Phong Nẫm phải vượt qua vài chục cây số đường bộ từ thị trấn Kế Sách xuyên qua xã Thới An Hội, rồi xã Trinh Phú, An Lạc Thôn và vượt sông Hậu bằng chiếc phà không lớn lắm. Làm việc ở Phong Nẫm chỉ có một buổi nhưng mất hơn một buổi cho việc đi - về.
Do xuất phát từ vùng đất cù lao trũng thấp và “đò ngang cách trở” nên trong tiến tình khai phá hơn trăm năm, Phong Nẫm vẫn là vùng đất nghèo. Diện tích đất trồng lúa thấp nhất huyện, cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn nhưng lại trồng phân tán nên diện tích vườn kém hiệu quả của nhiều hộ gia đình chiếm số lượng khá lớn. Những năm trước, cây màu chủ lực của Phong Nẫm là cây đậu nành. Nhưng do giá cả bấp bênh nên dù năng suất cao nhưng cũng không thể giúp bà con nơi đây thoát nghèo.
Đó là chuyện của ngày trước. Giờ đây, con đường Nam Sông Hậu đã hình thành, chạy xe bon bon theo kiểu "vừa cỡi ngựa, vừa xem hoa", đi qua 3 xã Song Phụng - Nhơn Mỹ - An Lạc Tây, mất chừng 30 phút là tới bến phà và mất chừng 5 - 10 phút là tới trung tâm xã Phong Nẫm. Có lẽ chính vì thế giúp cho Phong Nẫm thật sự chuyển mình trên nhiều phương diện. Bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ nét, trong đó, các con lộ dọc theo toàn bộ tuyến đê đã được "đal hóa" 100% và đã nối liền các con đường đi vào khu dân cư. Đặc biệt tuyến lộ nhựa nối liền trung tâm xã đến bến phà qua An Lạc Thôn với chiều dài hơn 2 cây số đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nay. Từ đó giúp bà con đi lại dễ dàng hơn, nhất là trong chuyện mua bán, làm ăn.
Dọc trên tuyến lộ này, chúng ta thấy rõ bộ mặt thay đổi của từng hộ gia đình, nhà cửa khang trang hơn, hàng rào trước sân nhà cũng được chỉnh trang bắt mắt hơn từ phong trào xây dựng nông thôn mới... Trong lĩnh vực sản xuất, tình trạng trồng cây ăn quả phân tán đã phần nào được hạn chế. Nhiều gia đình đã bắt đầu quy hoạch trồng cây theo hướng tập trung, như vườn măng cụt, vườn chanh bông tím, vườn sầu riêng, nhãn, cam, chôm chôm... với thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng trong 1 năm. Đặc biệt, Phong Nẫm còn nổi tiếng khắp nơi với cây nhãn tím đã thu hút khá đông khách thường xuyên đến tham quan. Chúng tôi làm một chuyến dạo quanh một vài ấp bằng xe hai bánh để tìm hiểu thêm những đổi thay của Phong Nẫm ra sao. Điều cảm nhận đầu tiên trên vùng đất này chuyện đi lại đã quá nhẹ nhàng. Ngày trước, cứ đến Phong Nẫm làm việc, nhiều anh em ngại "di chuyển" xuống ấp, nhất là mùa mưa. Đi trên những con đê cao nghều nghệu, trơn trợt, rồi những con đường đi tắt qua mấy liếp vườn cây rắc rối như "bát trận đồ", như "mê cung", đi qua rồi muốn quay trở lại cũng chưa chắc đi đúng con đường cũ.
Phong Nẫm còn là "thủ phủ" của vùng đất ngư nghiệp. Ở đây, cùng với vàm Đại Ngãi - quê hương của con cá cháy nức danh một thời, cũng là nơi trú ngụ lý tưởng của cá bông lau, cá ngát, cá tra bần - những loài cá đặc sản trên dòng sông Hậu. Nhiều ngư phủ nơi đây cho biết, cứ vào mùa cá ba sa, hay cá ngát, gia đình các anh cũng kiếm được bộn tiền, góp phần lớn cho việc ổn định đời sống gia đình. Khi vào mùa cá, trên dòng sông Hậu đêm đêm có hàng chục ánh đèn lung linh, nhấp nháy. Được biết, toàn xã hiện nay có trên 130 hộ chuyên nghề đánh bắt cá bông lau, cứ sau một mùa cá, hộ thu nhập thấp nhất cũng từ ba, bốn chục triệu đồng nên cứ sau vụ cá, anh em thợ câu, thợ lưới bỏ vào túi bộn tiền
Phong Nẫm, vùng đất xa xôi, nghèo khó của huyện Kế Sách ngày nào giờ đang từng bước thay da, đổi thịt. Đường sá đi lại thông thoáng dù là những tuyến đường trên mặt đê cao nghệu, quanh co, uốn lượn nhưng đã được tráng ximăng bằng phẳng nối liền đến các ấp. Và trên những tuyến đường đó từ lâu đã được che phủ bởi hàng hàng, lớp lớp màu xanh của cây ăn trái có giá trị cao. Bà con Phong Nẫm giờ đây không còn trăn trở với cây đậu nành - cây chủ lực một thời, không còn phải lo lắng chuyện đi lại học hành của con em mình. Bởi thực tế cho thấy vùng đất cù lao này đang từng ngày nhích lại gần hơn với đất liền, với trung tâm huyện nhà Kế Sách và các địa phương khác như TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh... Chính sự "nhích lại" ấy đã tạo đà cho vùng đất Phong Nẫm đứng trong tư thế vững vàng đi lên.
22/9/2020
Thiên Lý
Nguồn: Báo Sóc Trăng 
Theo http://baosoctrang.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...