Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Văn học miền Nam Việt Nam 1954-1975: những khuynh hướng chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa

Văn học miền Nam Việt Nam 
1954-1975: những khuynh hướng 
chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa

MỞ ĐẦU
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) và việc ký kết Hiệp định Genève (20-7-1954), đất nước Việt Nam vẫn chưa được thống nhất như ước nguyện của người dân. Hiệp định này quy định lực lượng kháng chiến của Việt Minh và lực lượng của Pháp, vốn ở thế đan cài giữa nông thôn, rừng núi, đô thị, phải đình chiến và tập kết ở hai miền, lấy ranh giới là vĩ tuyến 17, trong khi chờ hai năm sẽ hiệp thương bầu cử để thống nhất đất nước.
Điều đó gây ra những biến động xã hội to lớn và tâm trạng bất an trong dân chúng, nhất là những người từng liên quan mật thiết đến một phía tham gia chiến tranh, trong đó có trí thức, văn nghệ sĩ. Tác động trực tiếp của việc này là 14 vạn người miền Nam và miền Trung từng tham gia kháng chiến chống Pháp đi tập kết ra miền Bắc để bảo toàn lực lượng; đồng thời khoảng một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam để “tị nạn cộng sản”.
Cuộc sống người dân từ vĩ tuyến 17 trở vào chứng kiến những xáo trộn và biến động to lớn, từ cơ cấu dân cư, các thành phần kinh tế, chế độ chính trị, đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
Giai đoạn 1954 - 1975, trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc vĩ tuyến 17 đời sống tinh thần chịu sự chi phối của ý thức hệ Marx-Lenin và văn hóa xã hội chủ nghĩa; trái lại trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam, các luồng tư tưởng đến từ phương Tây tranh chấp nhau ảnh hưởng và gây ra những tác động đa chiều và đa dạng đến đời sống người dân.
Tiến trình lịch sử đầy biến động những năm tháng đó tạo ra cho miền Nam một cấu trúc đa dạng và phức tạp trên mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng và văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn đó, miền Nam là hợp thể của những đối cực về văn hóa mà những giá trị thực sự muốn giành vị trí để được thừa nhận rộng rãi phải trải qua thời gian dài tranh cãi, thuyết phục.
Trong quãng thời gian gần 21 năm đó, trừ vài năm đầu tương đối ổn định, xã hội và con người miền Nam không lúc nào bình yên để lo nghĩ và đầu tư cho những dự án văn hóa dài hơi. Về mặt Nhà nước, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, Viện Đại học Sài Gòn và nhiều trường đại học ở các thành phố lớn, Trung tâm Văn bút (Pen Club), Thư viện Quốc gia,… Về mặt dân sự, nhiều hội đoàn văn hóa văn nghệ, nhà xuất bản và báo chí tư nhân được thành lập. Tất cả góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần, nhưng những nỗ lực canh tân cũng bị chiến tranh và sự phân hóa về tư tưởng làm cho ngưng trệ hoặc bị biến dạng. Trong hoàn cảnh đó, miền Nam đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của một đời sống văn hóa đặc biệt mang trong lòng nó nhiều mâu thuẫn phức tạp trong điều kiện chiến tranh liên tục và một xã hội tiêu thụ trên cơ sở kinh tế thị trường.
Những năm 1954-1975, trên miền đất từ vĩ tuyến 17 trở vào, có hai nền văn học cùng tồn tại, đan xen và tranh chấp với nhau. Một là văn học giải phóng hay văn học cách mạng tập hợp các nhà văn kháng chiến, chủ yếu hoạt động ở nông thôn, rừng núi, nhưng vẫn có tác giả và tác phẩm xuất hiện ở đô thị. Đây là nền văn học nối dài của văn học cách mạng hình thành trên miền Bắc, với đường hướng sáng tác, đội ngũ được xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Hai là văn học trên vùng lãnh thổ do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, chủ yếu ở đô thị, nhưng vẫn có tác giả, tác phẩm hiện diện ở nông thôn. Nền văn học này lại phân hóa thành nhiều xu hướng, trào lưu, quan niệm khác nhau rất phức tạp, vừa quan hệ thuận chiều hay nghịch chiều với văn học cách mạng, vừa chịu ảnh hưởng của văn học hiện đại phương Tây, vừa nỗ lực tìm một lối đi riêng để khẳng định sự sáng tạo của chính mình.
1. Những khuynh hướng văn học chủ yếu
Tính chất phức tạp về ý thức hệ nơi lực lượng sáng tác dẫn đến tính chất phức tạp của các khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật trong vùng văn học thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Căn cứ trên thực tiễn văn học, có thể khái quát thành năm khuynh hướng sau đây.
1.1. Khuynh hướng văn học đề cao chủ nghĩa quốc gia
Chủ nghĩa quốc gia là thuật ngữ quen dùng ở miền Nam để dịch từ “nationalism”, gắn với sự xuất hiện của chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng kiêm thủ tướng năm 1949. Chủ nghĩa quốc gia vừa bao hàm khái niệm chủ nghĩa dân tộc, vừa nhấn mạnh sự đối lập với chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc tế. Khuynh hướng này đáp ứng mục tiêu của Mỹ và các chính quyền thân Mỹ từ Ngô Đình Diệm (Đệ nhất Cộng hòa) đến Nguyễn Văn Thiệu (Đệ nhị Cộng hòa) là xây dựng miền Nam thành “một tiền đồn của thế giới tự do”, lấy chủ nghĩa quốc gia đối lập và ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Những nhà văn sáng tác và nghiên cứu theo khuynh hướng này chủ yếu là những người bất đồng với các chính sách của cách mạng. Một mặt họ vẽ ra hình ảnh những người cộng sản không có đời sống tình cảm bình thường của nhân loại. Mặt khác, họ mở ra viễn cảnh một miền Nam tự do, đề cao những giá trị gia đình, coi trọng chủ nghĩa nhân vị (personnalisme), kế thừa những truyền thống tâm linh của dân tộc.
Những tiếng nói bất bình từ miền Bắc trước hậu quả của những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất và việc trừng phạt những văn nghệ sĩ tham gia các báo Nhân văn – Giai phẩm, Trăm hoa và Văn vọng vào miền Nam, được khai thác để chứng minh cho chọn lựa của những người chống Cộng. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới: cuộc nổi dậy của Hungary và Tiệp Khắc bị Liên Xô đưa quân đàn áp, cuộc khủng hoảng Vịnh Con Heo ở Cuba suýt biến thành chiến tranh thế giới lần thứ ba, phản ứng của André Gide đối với chủ nghĩa xã hội sau khi từ Liên Xô trở về,… đã tiếp thêm lý lẽ cho những người quốc gia. Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn (Đem tâm tình viết lịch sử, Mối tình màu hoa đào), Doãn Quốc Sỹ (Khu rừng lau, Dòng sông định mệnh), Võ Phiến (Người tù, Mưa đêm cuối năm, Thác đổ sau nhà), Nghiêm Xuân Hồng (Người viễn khách thứ mười) có thể xem là thuộc khuynh hướng này.
Giữa những diễn ngôn chính trị và diễn ngôn nghệ thuật trong sáng tác của một số nhà văn theo chủ nghĩa quốc gia thường có mâu thuẫn: chính trị thì gay gắt, bạo liệt, nhưng nghệ thuật thì khiên cưỡng, gò ép và có tính chất minh họa. Trong những tác phẩm nhằm xiển dương chủ nghĩa quốc gia, ít có những nhân vật gây ấn tượng và được lưu giữ lâu dài trong lòng bạn đọc. Lẩn khuất trong thế giới hình tượng đó là mặc cảm của những người đồng hành với đội quân chiếm đóng, thể hiện qua sự phân trần lắm lúc vụng về trong ngôn ngữ người kể chuyện hay ngôn ngữ nhân vật.
Văn học biện minh cho chủ nghĩa quốc gia tất nhiên không ngừng tìm cách khai thác những cuộc thảm sát trong chiến tranh mà những chứng lý từ hai phía, trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng lúc đó, thật ra đều không hoàn toàn thuyết phục: chiến cuộc Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, mùa hè đỏ lửa (1972) ở Quảng Trị,… Tuy nhiên, điều đập vào mắt người dân hàng ngày lại là sự tàn bạo của lính Mỹ, lính Đại Hàn đối với thường dân, là “hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng” (Đại bác ru đêm, ca khúc của Trịnh Công Sơn), là chất độc khai quang phủ đầy rừng núi.
Chính vì vậy mà đến thời Đệ nhị Cộng hòa nhiều nhà văn chống Cộng thuộc thế hệ lớn lên sau 1954 không còn lên tiếng gay gắt như trước nữa. Họ nghĩ đến một viễn cảnh hòa bình chắc chắn rồi sẽ đến, tuy không hình dung ra cụ thể thế nào, nhưng phải tìm những cách ứng xử mới. Một số nhà văn trẻ chống Cộng từ những kinh nghiệm chiến trường máu lửa của họ, nhưng không phải là số đông so với những nhà văn phản chiến. Và điều quan trọng nữa là, so với các nhà văn lớp trước, các nhà văn trẻ không còn quan tâm đến một chủ thuyết nào nữa, dù là chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa nhân vị. Những danh xưng đó dần dần trở thành xa lạ trong đời sống tinh thần của người Việt miền Nam, có chăng chỉ còn sử dụng trong nội bộ một số đảng phái mà vai trò ngày càng mờ nhạt.
1.2. Khuynh hướng văn học thể hiện tinh thần phản kháng
Ngỡ ngàng và hụt hẫng trước sự chia đôi đất nước theo Hiệp định Genève 1954 mà hai năm sau vẫn chưa thấy triển vọng thống nhất, những người Việt miền Nam dần dần chấp nhận thực tế đau lòng đó và tìm cách ứng phó với nó. Một số nhà văn từ chiến khu trở về theo sự sắp xếp của tổ chức cách mạng, sau những lúng túng lúc đầu, đã tìm được nơi để gửi gắm tiếng nói của mình. Những tờ báo và cơ sở xuất bản có lập trường dân tộc là nơi kết nối các nhà văn Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy), Ngọc Linh, Tô Nguyệt Đình (Tô Kim Thủy, Nguyễn Bảo Hóa), Dương Trữ La, Chinh Ba, Truy Phong, Lê Văn (Vĩnh Điền),… Nét độc đáo là tiếng nói phê phán của họ đối với thực tại lúc này không bộc lộ qua một bút pháp hiện thực nghiêm nhặt như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao,… trước kia mà qua bút pháp ẩn dụ, bóng gió. Mượn những câu chuyện lịch sử và dã sử, văn học cảnh báo về những nguy cơ của đất nước từ dã tâm của các thế lực xâm lăng. Lý Văn Sâm có Chuông rung trên tháp đổ, Viễn Phương có Tình Yên Triệu, Lê Vĩnh Hòa có Trăng lu,…
Chính quyền Ngô Đình Diệm không thể để yên cho tinh thần phản kháng đó được lan truyền, nên chỉ vài năm sau, một số nhà văn bị bắt giam, rồi tìm đường thoát ra chiến khu, trở thành những nhà văn cách mạng sáng tác trong vùng lãnh thổ do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát.
Nửa đầu những năm 1960, tinh thần phản kháng được dấy lên theo một khuynh hướng khác. Đó là văn thơ tranh đấu theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo và chủ trương “cách mạng xã hội không cộng sản” của một bộ phận trí thức Công giáo. Thơ Nhất Hạnh, Trụ Vũ, tiểu thuyết Võ Đình Cường,… mang triết lý Phật giáo, không phê phán trực diện xã hội nhưng gợi lên tình cảm bất bình với thực tại chiến tranh phi nhân. Những nhà văn trong ban biên tập tạp chí Hành trình và tạp chí Thái độ không chấp nhận cả chủ nghĩa cộng sản toàn trị theo mô hình Stalin lẫn chủ nghĩa thực dân mới đang giơ nanh vuốt đến các thuộc địa cũ. Họ chủ trương làm cách mạng cơ cấu để thay đổi xã hội miền Nam tuy họ cũng không hình dung được cụ thể phải thay đổi như thế nào.
Khoảng mười năm cuối của cuộc chiến tranh, tinh thần phản kháng trong văn học ngày càng lên cao. Sáng tác và phê bình trên tạp chí Tin văn và những truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận của Vũ Hạnh, Lưu Nghi, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Nguyễn Nguyên, Lữ Phương, Lê Nguyên Trung (Vương Quế Lâm, tức Nguyễn Văn Bổng), Lương Sơn (Hoàng Hà),… phơi bày một xã hội rối ren về chính trị, suy đồi về đạo đức. Khi tạp chí Hành trình đình bản, những cây bút khuynh tả như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thế Nguyên, Diễm Châu,… tập hợp quanh các tạp chí Đất nước, Trình bầy, Đối diện,… càng dứt khoát hơn trong lập trường chống Mỹ, phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Với hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh đổ vào các thành phố và làng mạc miền Nam, hình ảnh thế giới tự do có thực tế để đối chứng. Tâm lý thực dụng và lối sống hưởng thụ bắt đầu xuất hiện. Từ giữa những năm 1960, các thành phố Sài Gòn, Cam Ranh, Chu Lai, Đà Nẵng,… như lên cơn sốt: người từ nông thôn đổ về, vật giá leo thang, lính Mỹ nghênh ngang ngoài đường, phụ nữ bị làm nhục, thanh niên bị bắt lính,… Điều đó cung cấp chất liệu cho văn học hiện thực phê phán, đặc biệt trong sáng tác của những nhà văn trẻ có ý thức xã hội. Nói theo Thế Nguyên, “thực tế xã hội đó đã quất vào mặt người làm văn nghệ những lằn roi rướm máu” (1).
Chú thích:
(1). Thế Nguyên (1972), Cho một ngày mai mơ ước, NXB Trình Bày, Sài Gòn, tr.151.
Trên nền của phong trào văn nghệ sinh viên, học sinh, đã hình thành một lớp nhà văn trẻ mang tinh thần phản kháng, tập hợp quanh các tạp chí Việt, Ý thức, Văn mới,… Về văn xuôi, đó là Ngụy Ngữ, Thế Vũ, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Sơn, Võ Trường Chinh,… Về thơ, đó là Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Nguyễn Quốc Thái, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Chinh Văn, Đông Trình, Đỗ Nghê, Tần Hoài Dạ Vũ, Võ Quê, Lê Ký Thương, Hữu Đạo, Trần Đình Sơn Cước, Lê Gành, Nguyễn Đông Nhật, Triệu Từ Truyền, Trần Vạn Giã, Cao Quảng Văn, Lê Nhược Thủy, Trần Phá Nhạc,… Về tiểu luận phê bình, đó là Thế Nguyên (Trần Trọng Phủ), Nguyễn Trọng Văn, Trần Triệu Luật, Hồng Hữu (Trần Hồng Quang và Trần Hữu Lục),…
Văn học phản chiến còn thu hút tiếng nói của những cây bút tài năng đang phục vụ ngay trong quân đội Việt Nam Cộng hòa như Thái Lãng, Chu Vương Miện, Nguyễn Quang Tuyến, Thái Luân, Phan Trước Viên, Trần Hoài Thư, Ngô Thế Vinh, Luân Hoán, Nguyễn Bắc Sơn, Mường Mán, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Lệ Uyên,… và cả những nhà văn lớp trước như Nguyên Sa, Thế Phong,…
Có thể nói tinh thần phản chiến và phản kháng trong văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 ngày càng tăng theo chiều rộng và chiều sâu. Tinh thần đó thể hiện trước hết trên báo chí, rồi lan sang các xuất bản phẩm, trong văn chính luận cũng như trong thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Từ những lời kết án theo quan điểm chính trị hay đạo đức, văn học đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật theo tinh thần của chủ nghĩa hiện thực phê phán.
Trong khi một bộ phận nông dân bị đốt cháy nhà cửa, mất ruộng mất vườn phải trôi dạt sống tạm bợ ở phố thị để bảo toàn mạng sống, thì chính ở thành thị những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống thực dụng kiểu Mỹ đã bào mòn và làm suy thoái từng bước nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Văn học ở đô thị đã làm chứng cho sự khủng hoảng của xã hội, đặc biệt là sự khủng hoảng và nỗi băn khoăn của tuổi trẻ miền Nam. Chỉ cần đọc nhan đề một số tác phẩm cũng có thể nhận ra điều ấy: Nghĩ trong một xã hội tan rã của Thế Uyên, Quê hương rã rời của Nguyễn Quang Tuyến, Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang của Trần Hoài Thư, Con thú tật nguyền của Ngụy Ngữ, Sống thảm của Võ Trường Chinh,…
1.3. Khuynh hướng văn học tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc
Trong tình cảnh đó, văn học cố gắng đi tìm một chỗ dựa tinh thần khả dĩ giúp con người vượt qua hay ít ra, đứng vững trước cơn khủng hoảng. Một trong những chỗ dựa đó là văn hóa dân tộc.
Về khảo cứu, tinh hoa triết lý Nho, Phật, Đạo hình thành cội nguồn tư tưởng của văn hóa dân tộc đã tạo nên một làn sóng học thuật cho đời sống tinh thần trong lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa trước ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Thành tựu này gắn với những tên tuổi có uy tín: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Thích Minh Châu, Nhất Hạnh, Bửu Cầm, Kim Định, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Trần Trọng San, Tuệ Sỹ,… Không loại trừ có một ít học giả hướng việc nghiên cứu đó nhằm hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng nhìn chung đó là một nhu cầu tìm hiểu, học hỏi và quảng bá bình thường trong xã hội.
Việc thành lập các phân khoa Phật học, triết học Đông phương trong các trường đại học càng làm tăng lên nhu cầu đưa việc nghiên cứu này đi vào chiều sâu.
Ở một mức độ phổ biến hơn, việc khảo cứu và công bố những công trình về dân tộc học, sử học, ngôn ngữ học, văn học truyền thống, phong tục, tập quán của các tộc người trên mảnh đất Việt Nam cũng được quần chúng đón nhận tích cực. Đó là những tác phẩm của Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Lê Văn Siêu, Toan Ánh, Quách Tấn, Thiếu Sơn, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân, Lê Ngọc Trụ, Thanh Lãng, Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Nghiêm Toản, Phạm Đình Khiêm, Phạm Việt Tuyền, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Khuê, Nguyễn Văn Hầu, Nghiêm Thẩm, Bửu Lịch, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương, Lê Văn Hảo, Thái Văn Kiểm, Bùi Đức Tịnh, Trần Ngọc Ninh, Bằng Giang, Thẩm Thệ Hà, Hoàng Sỹ Quý, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Sâm, Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Đình Tư, Huỳnh Minh, Phạm Trung Việt,…
Đỉnh cao của hoạt động xiển dương văn hóa Việt Nam là việc thành lập Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc ở Sài Gòn vào ngày 07-8-1966, do giáo sư Lê Văn Giáp làm chủ tịch. Lời tuyên bố trong cuộc hội thảo về phê bình văn học do Hội Bạn trẻ em Việt Nam, Hiệp hội Văn học nghệ thuật, Hội đồng Bảo vệ Tinh thần Thanh thiếu nhi, tạp chí Bách khoa, tạp chí Tin văn đồng phối hợp tổ chức ngày 15-01-1967 có đoạn viết: “Chúng tôi hoan nghênh và hậu thuẫn trong mọi hoàn cảnh cho tất cả tác giả các bài phê bình đã qua, hiện nay và sắp tới, không phân biệt quan điểm và trường phái nghệ thuật, nhằm phát huy nền văn học hùng mạnh và tiến bộ, chống đối mọi biểu hiện dâm ô và đồi trụy, trong ý hướng bảo tồn và phát triển dân tộc”.
Lập trường đó thể hiện rõ nét trong những bài tiểu luận phê bình của Nguyễn Ngọc Lương (Nguyễn Nguyên), Vũ Hạnh trên tạp chí Tin văn và những cuốn sách của Lữ Phương (Mấy vấn đề văn nghệ), cô Thanh Ngôn (Đường lối văn nghệ dân tộc), Lương Sơn (Công việc viết văn),… Hai cuốn sách của Lý Chánh Trung cũng có tác dụng tích cực trong việc phục hưng văn hóa, hoà giải và hòa hợp dân tộc là Tìm về dân tộc, Tôn giáo và dân tộc.
Vẻ đẹp của văn hóa dân tộc không chỉ là đề tài bàn luận của những cây bút chính luận mà đã đi vào hình tượng nghệ thuật. Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Mặc Khải, Phương Đài, Bàng Bá Lân, Trần Thị Tuệ Mai, Phạm Thiên Thư, Trụ Vũ, Tường Linh, Thi Vũ,… còn giữ tiếng gọi hồn của thơ ca truyền thống, nồng nàn tình người, tình nhà, tình quê, tình nước.
Văn xuôi giai đoạn này vừa thể hiện tình cảm thống nhất đất nước, vừa phản ánh phong tục, tập quán, sinh hoạt của một vùng đất mà nhà văn thông thuộc: miền Bắc (Vũ Bằng, Mai Thảo, Nhật Tiến, Thế Nguyên, Phan Văn Tạo,…), miền Trung (Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Phan Du, Trần Huiền Ân, Nguyễn Mộng Giác,…), miền Nam (Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Thị Thụy Vũ,…). Những đặc điểm thiên nhiên, con người, lối sống ở nông thôn chưa bị đô thị hóa được lưu dấu trong hình ảnh những làng mạc hẻo lánh miền Trung hay những vùng quê sông nước miền Nam. Văn xuôi không chỉ phản ánh nếp sống bên ngoài mà cả sức mạnh tinh thần qua hình tượng những người nông dân trọng nghĩa, giàu lòng hy sinh, có ý thức kháng cự sức mạnh tha hóa của đồng tiền. Các nhà văn không chỉ làm chứng cho sự băng hoại của xã hội mà còn làm chứng cho sự hồi sinh của văn hóa và con người.
Viết về những gương anh hùng liệt nữ trong lịch sử, những truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân trong Bão rừng, Hương máu và Dịch cát muốn truyền thêm sức mạnh từ truyền thống cho con người Việt Nam hiện đại. Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp một cách chân thực, tiểu thuyết Hoa bươm bướm và Như cánh chim bay của Võ Hồng cho thấy cuộc kháng chiến đó là một vận hội lớn của sự đoàn kết dân tộc lẽ ra không nên bỏ lỡ. Viết về thiên nhiên và con người đất Mũi qua các truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam cho thấy sức sống bền bỉ và sáng tạo của dân tộc trên con đường khai phá những miền đất mới. Truyện ngắn Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc ví những thế hệ tiền bối như những cây mắm mọc lên để giữ phù sa đắp bồi cho đất: “Tổ tiên ta từ ngày xưa từ miền Trung tràn vào đây đều chịu số phận làm cây mắm cả, từ xứ Đồng Nai nước ngọt tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả. Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc này để lót đường cho con cháu họ đi tới…”.
Bảo vệ vẻ đẹp truyền thống, nhưng nhạy cảm với những biến đổi của thời thế ở một địa bàn luôn giao lưu và tiếp biến văn hóa, văn học dần dần khắc phục tư tưởng bảo thủ, khép kín qua sự lý tưởng hóa nông thôn gia trưởng hay thi vị hóa thị hiếu dùng hàng nội hóa như đã từng thể hiện trong văn xuôi cuối những năm 1950. Điều đó có nghĩa là ý thức dân tộc cũng luôn vận động và phát triển.
1.4. Khuynh hướng văn học tái hiện thân phận con người
Hai mươi năm chiến tranh đã tàn phá bao làng mạc, ruộng vườn, phố thị trên đất nước, giết hại hàng triệu người Việt Nam ở cả hai miền, để lại những bi kịch sâu sắc trong lòng dân tộc, gây chia rẽ trong nhiều gia đình và nỗi đau trong lòng người. Cuộc biến thiên xã hội trong cơn tao loạn kéo theo những giằng xé trong tâm hồn và chỗ rung động nhất của văn chương vẫn là tiếng kêu, tiếng khóc về thân phận con người trong chiến tranh. Đằng sau những sự kiện chiến tranh và sự phân hóa trong xã hội là những đau khổ chất chồng của dân tộc Việt Nam, là những vết thương khó lành trong từng gia đình, từng tâm hồn người Việt. Chiến tranh là chủ đề tập trung và xuyên suốt trên báo chí và văn học miền Nam những năm tháng đó.
Nếu những nhà văn miền Nam đi tập kết “ban ngày ở miền Bắc/ ở miền Nam ban đêm” (Tế Hanh), thì nỗi nhớ thương đất Bắc xa vời cũng là một cảm hứng khôn nguôi của những nhà văn di cư, tạo ra những trang viết đẹp về tình cảm và ngôn ngữ: Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, Chuyến tàu trên sông Hồng của Mai Thảo, Căn nhà của mẹ của Thế Uyên, Cái bong bóng lợn của Phan Văn Tạo, Mây mùa thu và Con sáo của em tôi của Duyên Anh,…
Trong lò lửa chiến tranh, thân phận con người như con sâu cái kiến, bị đưa đẩy, trôi dạt trong guồng máy bạo lực, dẫn đến cái chết thảm khốc với tất cả sự phi lý. Trong cuốn tiểu thuyết mang yếu tố ký sự Vài ngày làm việc ở Chung sự vụ, Nguyên Sa miêu tả tấn thảm kịch của người lính và gia đình của họ qua những cái chết oan uổng và những nhầm lẫn tai hại. Bi kịch cá nhân là hệ quả của bi kịch xã hội.
Ở nông thôn, những người nông dân mất đất mất làng, chỉ còn hai bàn tay trắng phải tha phương cầu thực, tiếng kêu thấu trời xanh. Trong Bên đập Đồng Cháy của Võ Hồng, số phận bà Lụa cũng là số phận của biết bao người đàn bà nhà quê trong chiến tranh. Trong khi hàng xóm bỏ làng ra đi, bà ngồi một mình trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má. Bà nhớ lại hình ảnh cô Lụa thời con gái, phải lòng anh Năm Xự nhưng số phận bắt phải góa chồng từ ngày còn rất trẻ, sống dựa vào đứa con trai nhưng rồi người con lại bị bắt lính và chết trận. Hình tượng ám ảnh trong Tiếng chim vườn cũ của Nguyễn Mộng Giác, Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp của Thảo Trường,… cũng là những số phận bi kịch ở thôn quê thời ấy.
Nơi thành phố, những con người bất hạnh cũng tìm thấy hình ảnh mình trong văn học. Đọc Thềm hoang và Ánh sáng công viên của Nhật Tiến, ta gặp người mù hát rong, cô gái điếm hết thời, người đàn bà góa bụa, đứa bé mồ côi,… Đêm dài một đời của Lê Tất Điều gợi lên niềm cảm thương vô hạn đối với những đứa trẻ khiếm thị trước tương lai mù mịt. Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền (Khuôn mặt, Bếp lửa, Ung thư,…), Dương Nghiễm Mậu (Con sâu, Đêm tóc rối,…), Phan Nhật Nam (Dấu binh lửa, Ải trần gian,…); truyện ngắn của Y Uyên (Bão khô, Tượng đá sườn non, Chiếc xương lá mục), Nguyễn Đức Sơn (Cái chuồng khỉ, Cát bụi mệt mỏi),… biểu hiện những dằn vặt, âu lo của con người trước cái chết và sự hủy diệt.
Tình yêu trong chiến tranh không còn là tình yêu trắc trở vì môn đăng hộ đối, vì hiểu lầm với những giận hờn vô cớ như văn học thời Tự lực văn đoàn mà là tình yêu tương tranh với từng phút giây của cuộc sống, với cái chết khắc nghiệt. Tiểu thuyết đô thị miền Nam không chỉ miêu tả tình yêu mà còn tra vấn về chính bản thể và sự hiện hữu của tình yêu, khi tình yêu bị hoài nghi trước nỗi cô đơn bất tuyệt của con người và những yêu sách của tính dục.
Thế giới nhân vật nữ bây giờ không đặc trưng bằng những người phụ nữ đoan chính như Mai (Nửa chừng xuân, Khái Hưng) hay xung đột với đại gia đình như Loan (Đoạn tuyệt, Nhất Linh) mà là những người đàn bà nổi loạn với chính kiếp người, hờn tủi với số phận và lắm khi để mình buông xuôi theo dòng đời. Một hiện tượng đáng chú ý là sự xuất hiện của các nhà văn nữ để nói lên tiếng nói của “giới thứ hai”: Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Bà Tùng Long, Minh Đức Hoài Trinh, về sau có thêm Lệ Hằng, Trần Thị NgH,… Đọc các nhà văn này, có thể cảm nhận bi kịch và khát vọng của người nữ trong chiến tranh. Mặc dù chất lượng tác phẩm không đều, những tác giả này đã đặt ra điều mà ngày nay gọi là ý thức nữ quyền trong văn học.
1.5. Khuynh hướng văn học thương mại hóa
Trong giai đoạn 1954-1975 những yếu tố tư bản chủ nghĩa xuất hiện ở miền Nam qua hoạt động của các nhà tư sản dân tộc làm cho sản xuất bước đầu phát triển, hàng công nghệ phẩm được cung cấp tương đối đầy đủ cho dân chúng. Biệt thự, chung cư, cao ốc, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, quán nước mọc lên ngày càng nhiều ở các đô thị. Ngoài Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, các ngân hàng thương mại được thành lập và có chi nhánh ở những thành phố lớn.
Dù chỉ phục vụ một bộ phận thị dân, xã hội tiêu thụ đã hình thành bước đầu ở miền Nam. Trước hết, đó là nhờ các khoản viện trợ của Mỹ. Ngoài hàng tỉ đô-la viện trợ quân sự mỗi năm, Mỹ còn đổ vào miền Nam những khoản viện trợ về kinh tế. Có thể nói, chủ yếu nhờ ngoại viện mà mức sống của cư dân các đô thị, đặc biệt là những nơi có quan hệ mật thiết với người Mỹ, được nâng cao. Đồng thời, chính sách kinh tế của chính phủ cho phép nhập khẩu những mặt hàng xa xí phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của giới trung lưu mới xuất hiện.
Vào cuối những năm 1960 - đầu những năm 1970, ở miền Nam, trên các phương tiện truyền thông đại chúng như nhật báo, báo định kỳ, đài phát thanh, đài truyền hình, phim ảnh, bích chương…, thị phần quảng cáo ngày càng mở rộng để kích thích sự tiêu dùng của quần chúng, thỏa mãn tâm lý hưởng thụ, thậm chí tạo ra và làm lây lan những nhu cầu mới cho người tiêu dùng. Các loại máy thu hình, xe gắn máy, xe hơi, hàng điện lạnh, các kiểu áo quần, giày dép, các nhãn hiệu thuốc lá, bia rượu, mỹ phẩm,… luôn được cập nhật trên thị trường và được đông đảo thị dân ưa chuộng.
Mặc dù chưa có một nền công nghiệp phát triển và sản xuất có lúc bị đình đốn vì chiến tranh leo thang, nhưng nhờ đồng lương và các khoản thu nhập khác, nên một bộ phận công chức và giới trung lưu có thể chi tiêu những khoản tiền vào việc mua sắm theo ý muốn, ngoài các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Chính đây là tiền đề dẫn đến sự hình thành một thị trường văn nghệ ở miền Nam những năm 1954-1975.
Có thể ghi nhận dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, đại đa số cơ sở báo chí và xuất bản văn học là của tư nhân. Số lượng báo chí và nhà xuất bản trên lĩnh vực này do các cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp không nhiều và cũng không có ảnh hưởng đáng kể. Chính quyền can thiệp vào đời sống báo chí và xuất bản chủ yếu bằng việc tài trợ cho một số cơ sở có lợi cho Nhà nước, bằng chính sách trợ giá đối với giấy in và nhất là bằng chế độ kiểm duyệt với các sắc lệnh đi ngược lại quyền tự do xuất bản và báo chí đã ghi trong Hiến pháp, mà căn cứ vào đó chính quyền có thể tịch thu, truy tố tờ báo hay nhà xuất bản ra tòa.
Khuynh hướng văn học thương mại hóa thể hiện trong những sáng tác trên báo chí chủ yếu thỏa mãn nhu cầu giải trí của công chúng. Hầu hết các nhật báo đều dành một trang để đăng khoảng 5-6 tiểu thuyết nhiều kỳ, trong đó có một vài tiểu thuyết kiếm hiệp dịch từ tiếng Hoa, còn lại chủ yếu là tiểu thuyết tình cảm của An Khê, Dương Hà, Nguyễn Thụy Long, Lê Xuyên, Hoài Điệp Tử,… Đó còn là sản phẩm của những nhà xuất bản chuyên ấn hành tiểu thuyết kiếm hiệp, truyện kinh dị, siêu nhân,…
Khuynh hướng thương mại hóa của báo chí và xuất bản đã gây ra hậu quả tầm thường hóa văn học như hiện tượng đổ xô viết tiểu thuyết feuilleton, đua tranh dịch sách về tính dục, đề cao quá đáng Kim Dung, Quỳnh Dao; nhưng đặt trong bối cảnh thị trường, thì điều đó cũng dễ hiểu khi văn học trở thành hàng hóa tiêu thụ đáp ứng bữa ăn tinh thần đa dạng của độc giả.
Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, sinh hoạt văn học đi xuống đến mức Nguyễn Mộng Giác than phiền: “Hỗ trợ cho loại sách cung cấp tình yêu đủ màu đủ vẻ là hoạt động ấn loát chú trọng đến thương mãi, và hầu như đó là ưu tư duy nhất của các nhà xuất bản […]. Thương mãi đã tràn lan lấn át phần nghệ thuật, đẩy nghệ thuật vào phần đất hẹp khiêm nhượng và lẻ loi”2. Vì vậy, khuynh hướng văn học thương mại hóa ít tác phẩm có giá trị lâu dài; một số tác giả viết tiểu thuyết feuilleton cũng không muốn in tác phẩm của mình thành sách.
Năm khuynh hướng văn học trên đây không tồn tại và phát triển biệt lập mà đan xen, tương tác và giao thoa lẫn nhau. Trên cùng một tờ báo hay trong cùng một nhà xuất bản từng xuất hiện những tác phẩm thể hiện các khuynh hướng trái nghịch nhau. Yếu tố nhân đạo và dân chủ, khát vọng hòa bình và thống nhất, lúc đậm lúc nhạt, có thể tìm thấy trong tác phẩm của những nhà văn khác nhau về lập trường chính trị và nghệ thuật. Bản thân từng khuynh hướng cũng như từng nhà văn thuộc về một khuynh hướng nhất định cũng có những thay đổi và chuyển biến dưới tác động của lịch sử và thời cuộc.
2. Thành tựu hiện đại hóa
Trong khoảng thời gian 20 năm biến đổi về chính trị, xã hội và trong một bối cảnh nghẹt thở vì chiến tranh, văn học miền Nam có một số đóng góp đáng kể trên con đường hiện đại hóa văn học. Về vấn đề này, so với văn học giai đoạn 1932-1945, sáng tác văn học miền Nam cũng có những đổi mới đáng ghi nhận trên các thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút.
Về thơ, trên địa bàn văn học miền Nam diễn ra đồng thời hai thực tế này: trong nhà trường và trong một bộ phận lớn công chúng và văn nghệ sĩ, Thơ Mới lãng mạn vẫn được vinh danh và ưa chuộng; nhưng trong giới sáng tác văn học bắt đầu hình thành những xu hướng cách tân tìm cách kháng cự lại ảnh hưởng của Thơ Mới. Họ giảm bớt sự hào hứng với các thể thơ bảy chữ, tám chữ vốn là sở trường của Thơ Mới, để thể nghiệm điệu tâm hồn thời đại trong thơ tự do và thơ văn xuôi.
Có thể nói, sau 1954, thơ tự do và thơ văn xuôi tìm được môi trường phát triển thuận lợi ở miền Nam với Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nhất Hạnh, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Nh. Tay Ngàn,… và cả những nhà thơ khuynh tả như Diễm Châu, Ngô Kha, Nguyễn Quốc Thái, Trần Vàng Sao, Lê Văn Ngăn,… Điều thú vị là thơ tranh đấu ở miền Nam giai đoạn ấy gần với thơ cách mạng về cảm hứng, tình điệu, nhưng lại gặp gỡ với thơ tự do trên các báo Nhân văn - Giai phẩm ở miền Bắc và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Nghệ thuật,… ở miền Nam về hình thức hơn là Thơ Mới lãng mạn mà các tác giả từng thuộc lòng trong nhà trường.
Như vậy, thơ tự do ở miền Nam cho thấy ảnh hưởng của Thơ Mới không bao trùm thơ Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20. Sự liên kết giữa các câu thơ trong một khổ thơ, giữa các khổ thơ trong một bài thơ mới lãng mạn bao giờ cũng làm hiển lộ tính chất lô-gích nào đó. Nhưng sự liên kết đó trong thơ tự do hiện đại chủ nghĩa nhiều khi gây cho ta cảm giác phi logic, hay đúng hơn là logic của cái phi lý. Sự tuyển chọn của nhà thơ không dễ đoán định và nó nổi bật ấn tượng về sự lạ hóa trong kết hợp.
Nói như vậy không có nghĩa là các nhà thơ không còn làm thơ lục bát hay thơ luật Đường. Nhưng những thể thơ này cũng gắn liền với ngôn ngữ thời đại. Chính Nguyên Sa, nhà thơ trữ tình với những vần thơ tình yêu tuyệt đẹp (Tuổi mười ba, Áo lụa Hà Đông, Tháng sáu trời mưa,…), đến một lúc đã viết những câu thơ lục bát đầy chất bụi bặm của cuộc đời thường nhật (Sân bắn, Tu, Thư cho bạn,…). Còn thơ lục bát của Bùi Giáng thì hóa kiếp cho cả những cánh bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hoang cỏ dại qua ngôn ngữ tân thời. Ngôn ngữ thơ hiện đại vẫn có thể kết hợp với những thể thơ truyền thống trong tác phẩm của Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Minh Đức Hoài Trinh, Hoài Khanh, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Đức Sơn, Viên Linh, Phạm Nhuận, Kim Tuấn, Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Hoàng Lộc, Phan Nhự Thức,… Bên cạnh đó là những nhà thơ trẻ góp phần làm sinh sắc đời sống thi ca: Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Cao Thoại Châu, Mường Mán, Từ Hoài Tấn, Võ Chân Cửu, Trần Dzạ Lữ, Joseph Huỳnh Văn,…
Về văn xuôi, sự đổi mới nghệ thuật có thể ghi nhận trên hai phương diện sau đây:
Một là sự vận dụng phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, kỹ thuật dòng ý thức để miêu tả thế giới và con người trong truyện ngắn, tiểu thuyết. Tuy chưa thành công trọn vẹn, nhưng có một số kết quả bước đầu đáng chú ý như Hồi chuông tắt lửa của Thế Nguyên, Đêm ngủ ở tỉnh của Hoàng Ngọc Biên, Đêm xóm Lách mịt mùng của Thanh Tâm Tuyền,…
Hai là sự hình thành một số hiện tượng mới như văn xuôi triết lý (Nẻo về của Ý của Nhất Hạnh, Mặt trời không bao giờ có thực của Phạm Công Thiện), tiểu thuyết ký sự (Trong một ngày của một người của Thái Lãng, Vòng đai xanh của Ngô Thế Vinh,…) và sự phát triển của thể tùy bút (Đất nước quê hương của Võ Phiến, Căn nhà vùng nước mặn của Mai Thảo, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng,…).
Ngôn ngữ văn chương thời này cũng có những thay đổi: ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế của văn xuôi miền Bắc tồn tại song song và trong sự tác động qua lại với ngôn ngữ bộc trực, sống động của văn xuôi miền Nam. Những phong cách nghệ thuật đa dạng, từ bác học đến bình dân, từ văn chương hoa mỹ đến khẩu ngữ, từ hiện đại đến truyền thống,… cùng hiện diện trong một địa bàn văn học luôn sôi nổi với những hiện tượng mới. Ảnh hưởng của báo chí đối với văn học cũng làm cho ngôn ngữ trong tác phẩm linh hoạt hơn, đồng thời dễ dãi hơn. Những câu văn đối thoại ngắn, những liên tưởng với hình ảnh dân dã đặc trưng cho lối nói của người miền Nam đi vào tiểu thuyết và được độc giả bình dân ưa chuộng. Trong khi đó, hướng đến thành phần công chúng chọn lọc, một số nhà văn nỗ lực sáng tạo ngôn ngữ trong thơ và văn xuôi, qua việc tiếp nhận các trào lưu văn học hiện đại như chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh, dòng ý thức, tiểu thuyết mới,… Xét riêng về mặt hình thức, có thể nhận thấy sự khác biệt này qua tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Ngô Kha, Diễm Châu, Du Tử Lê, Nguyễn Quốc Thái, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Thế Nguyên, Thế Uyên, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Đức Sơn, Cung Tích Biền, Nguyễn Xuân Hoàng, Túy Hồng, Hoàng Ngọc Biên, Trần Thị NgH,…
Ở miền Nam, so với thơ và văn xuôi, kịch bản văn học ít có thành tựu bằng. Những vở kịch đặc sắc không nhiều, lại càng ít được dàn dựng trên sân khấu. Những kịch tác gia như Vũ Khắc Khoan, Trần Lê Nguyễn, Dương Kiền, Vũ Lang (Nguyễn Khắc Ngữ), Lữ Kiều (Thân Trọng Minh),… không chuyên tâm dài lâu cho sáng tác kịch bản. Trong khi đó, những đoàn kịch ăn khách thường đầu tư dàn dựng những vở kịch đại chúng để chia sẻ thị phần với loại hình cải lương là đặc sản yêu thích của người miền Nam. Đoàn kịch Thụ Nhân của Viện Đại học Đà Lạt là một trường hợp thử nghiệm nghệ thuật hiếm hoi nhưng sức lan tỏa còn hạn chế.
Trong nhà trường đại học và trên sách báo, những trào lưu sáng tác, những trường phái triết học, mỹ học, nghiên cứu và phê bình văn học được giới thiệu khá phong phú và cập nhật. Điều đó một phần do nhu cầu của công chúng, phần khác do ý thức xây dựng một nền văn học và giáo dục khai phóng, theo tinh thần mở rộng về giao lưu văn hóa. Sách về phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, chủ nghĩa cấu trúc, tiểu thuyết mới,… được dịch thuật và bước đầu vận dụng vào nghiên cứu, sáng tác. Xuất hiện nhiều công trình khảo cứu, với cả những ưu điểm và hạn chế có tính lịch sử, về triết học và văn học phương Tây của các tác giả: Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn, Trần Văn Hiến Minh, Lê Thành Trị, Bùi Xuân Bào, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Vũ Đình Lưu, Bửu Ý, Thạch Chương, Thế Phong, Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân,… Nhờ tiếp thu những lý thuyết mới mà phê bình văn học ở miền Nam, tuy không phát triển tương xứng với sáng tác, nhưng cũng đã có những tìm tòi, phát hiện với Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Lê Huy Oanh, Huỳnh Phan Anh, Cao Huy Khanh, Trần Văn Nam,…
Tư tưởng văn nghệ hiện đại phương Tây được phân tích và giới thiệu cặn kẽ trên các trang tạp chí trước khi được tập hợp để xuất bản thành sách đã có ảnh hưởng nhất định đến các nhà văn. Cùng với điều đó là việc dịch thuật và quảng bá các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại nước ngoài. Sự tiếp thu của các nhà văn có thể tinh, có thể thô, nhưng chắc chắn đã làm thay đổi cái nhìn về thế giới và cách thể hiện thân phận con người, kỹ thuật miêu tả cũng như bút pháp. Báo chí thời kỳ này thực sự là bà đỡ cho các nhà văn trẻ, những người thường được vinh danh là “những cây bút sẽ đi xa trong tương lai”. Hầu như các cây bút làm thơ, viết truyện ngắn thành danh đều đi qua cánh cửa của báo chí, đặc biệt là các tạp chí văn nghệ (Văn, Bách khoa, Văn nghệ, Văn học, Vấn đề, Khởi hành, Thời tập,…), nơi những tài năng trẻ trong sáng tác văn học được khẳng định.
Dịch thuật là hoạt động có đóng góp lớn vào việc hiện đại hóa văn học và là lĩnh vực mà những cây bút ở miền Nam trước đây có thành tựu rõ nhất. Không kể những nền văn học có truyền thống giao lưu lâu đời với nước ta như văn học Trung Quốc, văn học Pháp; một số nền văn học khác cũng được giới thiệu. Nhiều tác phẩm văn học phương Tây và phương Đông của các tác gia H. de Balzac, A. France, A. Gide, J.P. Sartre, A. Camus, Saint-Exupéry, A. Malraux, A. Maurois, N. Kazantzaki, E. Hemingway, W. Faulkner, P. Buck, J. Steinbeck, S. Beckett, J. Baldwin, E. M. Remarque, T. Mann, H. Boll, F. Duerrenmatt, M. West, H. Hesse, S. Mrozek, Ch. Y. Agnon, E. Ionesco, I. Andritch, A. Paton, Ch. Achebe, J. Amado, S. Maugham, E. Caldwell, R. Tagore, K. Gibran, Y. Kawabata, Oe Kenzaburo, Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường,… đã được chuyển ngữ và xuất bản khá sớm. Điều thú vị là ở Sài Gòn lúc đó có lẽ không mấy người biết tiếng Nga, nhưng qua trung gian tiếng Anh, tiếng Pháp, nhiều tác phẩm văn học Nga được dịch thuật và xuất bản: văn học cổ điển Nga với L. Tolstoi, F. Dostoievski, I. Turghenev, A. Tshekhov,…; văn học Nga Xô-viết với M. Gorki, V. Maiakovski, M. Sholokhov, E. Evtushenko,…; văn học phản kháng với B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, A. Tertz, V. Dudintsev,…
Tuy nhiên, những biến động liên tục của xã hội miền Nam đã làm phân tán sự tập trung nỗ lực hiện đại hóa văn học. Nhiều tài năng trẻ đứng ở ranh giới sống chết, không đi đến cùng sự nghiệp văn học. Các tạp chí và nhà xuất bản chuyên về văn học phải rất vất vả mới duy trì sự tồn tại của mình.
Chú thích:
2. Nguyễn Mộng Giác (1975), “Nghĩ về thơ, truyện 1974”, Tạp chí Bách Khoa, số đặc biệt Xuân Ất Mão 1975, tr.30.
KẾT LUẬN
Có thể khẳng định rằng trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang phẩm cách dân tộc, tinh thần nhân đạo, dân chủ và giá trị nghệ thuật theo hướng cách tân và hiện đại. Những tác phẩm này xuất hiện trên cái nền của một hoạt động sáng tác và xuất bản rất phong phú, đa dạng và phức tạp của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng cũng như về nghệ thuật.
Giới trí thức thời nào cũng có những đại biểu cho tinh thần nhân bản, cho tinh hoa văn hóa và ngôn ngữ dân tộc mà cội rễ luôn ăn sâu vào mọi tâm hồn Việt Nam. Tài năng sáng tạo gắn liền với tình yêu đất nước, tình yêu con người, tình yêu đối với văn hóa dân tộc, đối với tiếng Việt đã góp phần tạo nên những giá trị nghệ thuật trong văn học miền Nam giai đoạn này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Lữ Phương (1981). Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa.
2. Nguyễn Công Khanh (2006). Lịch sử báo chí Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh 1865-1995. TP Hồ Chí Minh: Tổng hợp.
3. Nguyễn Vy Khanh (2016). Văn học miền Nam 1954-1975: nhận định, biên khảo và thư tịch. Toronto: Nguyễn Publishings.
4. Thế Nguyên (1979). “Báo chí và xuất bản miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy”, trong Văn hóa, văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy. Tập II. Hà Nội: Văn hóa.
5. Trần Hữu Tá (2000). Nhìn lại một chặng đường văn học. TP Hồ Chí Minh: Tổng hợp.
6. Trần Trọng Đăng Đàn (2000). Văn hóa văn nghệ … Nam Việt Nam 1954-1975. Hà Nội: Văn hóa - Thông tin.
7. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (chủ biên, 1988). Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Tập 2. TP Hồ Chí Minh: NXB TP Hồ Chí Minh.
8. Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan (2007). Báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh: Tổng hợp và Văn hóa Sài Gòn.
9. Võ Phiến (2000). Văn học Miền Nam - tổng quan. California: Văn nghệ.
10. Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Phan (2008). Văn học thời kỳ 1945-1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh: Tổng hợp và Văn hóa Sài Gòn.
4/2/2020
Huỳnh Như Phương
Theo https://thanhdiavietnamhoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...