Sài Gòn năm xưa 1
Tựa
KÍNH
DÂNG BA
Tập
biên khảo thường đàm này để tưởng niệm những phút êm đềm đã qua:
Năm
1919, Ba đưa con lên Sài Gòn vô trường lớn.
Con
bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn,
nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh
không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu.
Năm
1927, Ba lên thăm, con mua bánh Catinat, lòng mừng dâng Ba món lạ. Ba không
dùng, hỏi con: "Chữ Hiếu" sao có đắt tiền? Năm nay 1960, đầu con bạc
mà túi vẫn nhẹ, muốn mua bánh, Ba không lên: xe giằn, đường xa, hai con đò Cái
Vồn và Mỹ Thuận vẫn có tiếng không lịch sự đối với hành khách "bát thập
lão ông" như Ba vậy!.
Những
ký ức bấy lâu, con viết gởi về:
"Vương
Trạch Nhựt, cháu hãy đọc lớn cho Nội nghe".
Gia
Định, đường Rừng Sác, số 5,
Ngày
26 tháng 5 năm 1960
SẾN
TỰA
Bởi
thấy tôi là người trong Nam, đầu pha hai thứ tóc, làm việc trong một cơ quan
chuyên môn, thêm có tánh ham chơi cổ ngoạn, tom góp giấy má cũ đầy nhà, rồi
tiếng đồn truyền ra: tôi sành sỏi chuyện xưa, tôi giỏi kê cứu điển cổ, báo hại
phần đông văn hữu Bắc và Trung, ông nào quen một đôi lần, gặp nhau, hết năm ba
câu lấy lệ, làm gì cũng hỏi vặn tôi về:
"Gốc
tích hai chữ "SÀI GÒN".Nói ư? - Chỉ bày cái dốt của mình ra!
Nín ư? - Người cười, càng thêm khó chịu!
Thôi
thì còn một cách: ôm mớ tài liệu thâu thập bấy lâu - dù hay dù dở, dù chưa bằng
bụng, mình biết lấy mình - bày hết, trình hết ra đây - mặc tình các vị xa gần
tùy thích lựa chọn: "tóc tơ cặn kẽ đuôi đầu," dù chẳng làm nên cái
bánh ngon, cũng được tiếng là không xấu bụng!
Đối
với các bạn nhỏ hiếu học, tôi xin nói lớn: 1) -
Chỗ nào các bạn thấy mới, đừng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng:
"coi vậy mà xài được!"
2) -
Chỗ nào chưa "êm", nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng
tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cở bậy, hay gì?
Đối
với các học giả, các bậc lão thành, các vị cố cựu đất Sài Gòn, tôi xin
"nghiêng tai nghe dạy, chắp tay đứng hầu".
Học
giả tiền bối trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, trong "Excursions et
Reconnaissances" (tạp chí về du lãm và thám hiểm), tập số 23. tháng Năm và
Sáu năm 1885, có viết một bài khảo cứu Pháp Văn "Souvenirs historiques sur
Saigon et ses environs" (ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ
cân). Bài này viết hai mươi lăm năm sau năm Nam Kỳ thất thủ (1859-1885).
Nay
tôi dựa theo bài ấy làm nồng cốt mà kể tiếp, nhắc lại những sự biến đổi từ thuở
đó cho đến ngày Sài Gòn trở về với dân Việt, ngót một trăm năm.
Bắt
tay vào việc, cốt ý của tôi là muốn cống hiến ra đây mớ hiểu biết lụn vụn và mớ
nghe thấy vặt vãnh về Sài Gòn. Cũng nghĩ nếu mãi sụt sè, đến ngày xuống lỗ,
chắc gì ôm theo được? (mà chừng đó ôm theo ích gì cho ai?) - Ở đây, tôi chú
trọng nhiều nhứt là những đoạn sử buổi giao thời: Pháp - Nam - Chà - Chệc chung
đụng, những chuyện "Tây đến Tây đi", những việc chưa ai nói rõ ràng,
may tôi được nghe tận tai, hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng,
lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại. Tôi không dám chắc đúng cả, nhưng "ăn
trầu gẫm mà nghe" bây giờ chưa nói còn đợi lúc nào? Có nói có cãi, lần hồi
mới phăng ra sự thật.
Tôi
không quên cám ơn anh bạn thân Lê Ngọc Trụ, người nhau rún Chợ Lớn, đã dày công
giúp tôi xây dựng tập nhỏ này.
Cũng
như tôi không dám quên ơn tất cả các bạn xa gần đã góp sức cùng tôi, trong số,
điển hình nhứt, có anh Mười Minh Tải Đặng Văn Ký, người đồng cảnh ngộ với cụ
Trần Trọng Kim Tân Gia Ba thuở nọ. Nay Anh Mười nằm khoảnh làm ẩn sĩ, ấp Đông
Nhì, Gò Vấp. Anh không làm gì hết, nhưng anh dày công ủng hộ tôi về mặt tinh
thần, giúp thêm ý kiến, và đã đổ nhiều bọt oáp trong khi cùng tôi tìm hiểu địa
điểm "Mả Ngụy" ngày nay nằm nơi đâu!
Còn
một người nữa, bạn già với nhau, ông Hoàng Xuân Lợi, họa sĩ Viện Bảo Tàng. Mấy
ảnh chụp khéo, mấy bức địa đồ công phu không có, làm sao tập nhỏ này thành
hình?
-
Bác Lợi, cảm tình chất chứa tận đáy lòng, tôi vội gói làm một gói "tri ân
nồng hậu", xin Bác vui nhận.
Xuân
Mậu Tuất (1958) Xuân Canh Tý (1960)
Vương Hồng Sển
Phần 1
Nhắc lại cuộc Nam tiến vĩ đại của dân Việt
Nối dõi tổ tiên, trong cuộc Nam tiến vĩ đại
Đến
bây giờ, còn phân phân bất nhứt: các học giả vẫn bàn cãi không thôi chung quanh
hai tiếng "Sài" "Gòn", chẳng biết từ đâu, bởi đâu mà có. Kẻ
nói vầy, người nói khác, không ai chịu ai. Tranh luận mãi càng thêm rối trí,
không bổ ích vào đâu. Một điều an ủi chung cho hạng gàn như tôi là chính trong
tập khảo cứu năm 1885, nhà bác học uyên thâm trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, cũng
tỏ ra bối rối như ai!
Để
dọn đường tìm hiểu thêm về nguồn gốc "Sài Gòn" của người Việt, chúng
tôi trước tiên, xin tóm tắt cuộc Nam tiến như sau:
Căn cứ theo tài liệu lịch sử để lại, đại cương cuộc
Nam tiến không ngừng của dân tộc Việt Nam gồm có những năm này, quan trọng
nhứt: - 939, tổ tiên Việt còn ở vùng Thanh Hóa, và nhờ có ông Ngô Quyền, cởi
được ách Bắc thuộc, mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, về sau được tự chủ ở cõi
Nam. - 1069, xuống đến Quảng Bình, Quảng Trị; - 1307, nhà Trần gả Huyền Trân
Công Chúa cho vua Chàm, mở rộng cõi bờ thêm hai châu Ô Lý (Thừa Thiên); - 1425,
đến Thuận Hóa; - 1471, đến Quy Nhơn; - 1611, đến Phú Yên; - 1653, đến Nha
Trang; - 1658, Cao Miên xin thần phục chúa Nguyễn, nhìn nhận quyền của triều
đình Huế; - 1680, Nguyễn chúa cho bọn tàn binh nhà Minh khai khẩn hoang địa
vùng Đồng Nai; - 1693, đến Phan Thiết; - 1698, đến Biên Hòa và Gia
Định (Sài Gòn); - 1708, MẠC CỬU dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn,
Mạc được phong làm tổng binh đời đời vĩnh trấn Hà Tiên; - 1755, Cao Miên quốc
vương nhượng đất Tân Bôn và Lôi Lạp cho Võ Vương. Trong Nam, ông Nguyễn Cư
Trinh với những kế hoạch khẩn hoang, dinh điền ở miền Nam. Vào cuối thế kỷ
XVIII, tại Gia Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định, ba người
cùng lập thị xã nâng cao đuốc văn hiến một thời: - 1780, MẠC THIÊN TỨ (con MẠC
CỬU) mất, không con nối hậu. Từ đây, đất Hà Tiên sát nhập cơ đồ Nguyễn chúa:
cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, đến đây đã hoàn thành. Bản đại lược tóm tắt
như trên, gọn thì có gọn, nhưng quá vắn tắt nên khó tránh sự tối nghĩa, và kém
sáng suốt, nhứt là đối với những người không nằm lòng lịch sử nước nhà. Về tổ
chức đồn điền, xét ra đã có từ đời Hồng Đức (Lê Thánh Tôn), từ ngày vua Lê Lợi
đuổi được quân Tàu, thế nước rất mạnh, hiềm vì đất đai chật hẹp không đủ cho
dân cày cấy, nên Lê Thánh Tôn thi hành chánh sách bành trướng vào Nam, lập kế
đồn điền. Tổ chức này có hai phương lợi: một là trấn an biên thùy, hai là mở
rộng bờ cõi một cách hòa bình. Nhơn thế, một chức quan được đặt ra, gọi quan
Thu ngự kinh lược sứ, với nhiệm vụ chiêu tập những lưu dân (gồm những dân tình
nguyện, những người phải tội lưu trú ngoài biên cương, hoặc những người bỏ làng
để trốn lính và tránh sưu thuế…). Những người ấy được đưa đi khai khẩn đất
hoang, và được quan kinh lược giúp đỡ và ủng hộ. Họ lấn sang đất Chiêm Thành
rồi sau này đất Thủy Chân Lạp và vẫn yên tâm mở rộng khu vực vì sẵn bên có quân
đội bảo vệ an ninh. Sau một hai đời, thì những hạt mới được sung nhập lãnh thổ
Việt. Lần lần, những lưu dân miền Bắc, miền Trung, dùng phương pháp "tàm
thực" ấy mà mở rộng đất đai bờ cõi Việt từ sông Cả đến tận mũi Cà Mau. Sự
bành trướng này đến ngày chạm súng với Lang Sa mới ngưng. Nhơn đây là bài khảo
cứu về căn cội đất Sài Gòn, và muốn cho đầy đủ, chúng tôi không sợ lẩn thẩn, mà
thuật lại có đầu có đuôi "công cuộc mở mang bờ cõi" của tổ tiên ta
trong cuộc Nam tiến, tính ra kéo dài trên tám trăm năm (từ năm 939 đến năm
1780) mới hoàn thành. Có một khoảng trên dưới một trăm năm, cần phải nhấn mạnh
nhứt là khoảng từ năm 1658 đến năm 1759, tức đoạn tổ tiên ta chung đụng với
người Cam Bốt, trên cõi Nam này. Ngày nay nước Cao Miên và nước Việt Nam là hai
người bạn thân, lẽ đáng không nên khơi lại chuyện cũ. Nhưng nghĩ vì đây là lịch
sử nên chúng tôi xin hết sức thận trọng, vô tư và khách quan, thuật lại như sau
để đánh tan những hiểu lầm.
1.
Cõi Nam từ năm 1658 đến năm 1753 Lúc ấy đã có người Cam Bốt ở trên đất Nam này
rồi. Nói chính đáng mà nghe, từ Huế, Chúa Hiền Vương đã từng cắt quân đi chinh
phục miền Nam. Quân ta cả thắng Chàm và sau những chiến công rực rỡ, dân Việt
đã có dịp chen vai thích cánh với người Khơ me, nơi những vùng biên giới cũ
Chàm, kể từ năm 1658. Một điều nên nhớ kỹ, là vào thời buổi ấy, DÂN THƯA ĐẤT
RỘNG, DÂN LÀM ĂN KHÔNG HẾT, việc đi khai khẩn đất hoang là thường sự và không
hề sanh ra việc gì rắc rối. Tục thường ví "CHIM TRỜI CÁ NƯỚC", ai bắt
được nấy nhờ. Một điều khác cần nói rõ thêm là đất miền Nam của bán đảo Ấn Độ -
Chi Na cũng không phải thiệt thọ "phần đất phụ ấm" của Khơ me. Sự
thật thì dòng thổ dân tiên chiếm vùng này là giống Phù Nam đã bị tiêu diệt từ
thế kỷ thứ VII, và có thể người Khơ Me chiếm thay người Phù Nam từ thế kỷ thứ
VII, lại mấy có sự đòi hỏi tranh tụng gì? Tha hồ lúc ấy ai khai phá được khoảnh
nào thì nấy làm chủ ăn hoa lợi. Và như đã nói "đất ở không hết", tội
gì tranh giành cho nhọc lòng lo, cho mệt xác. Sợ nhứt là làm như vậy, chỉ sanh
oán thù, ích gì? Gương xưa tích cũ còn trước mắt sờ sờ: - Pháp quốc đã giàu
mạnh, nhưng còn nhà đất Gia Nã Đại, chẳng qua lúc ấy vừa chê xa xôi, vừa chê ít
hoa lợi… - Trung quốc là nước lớn, thế mà cắt đất Mã Cao để làm nhượng địa cho
Bồ Đào Nha, rồi cũng cắt đứt Hương Cảng làm nhượng địa cho Anh Quốc, chung quy
cũng vì thời buổi ấy hai chỗ này chỉ núi đá trơ trơ, toàn đất hoang vu không
sanh hoa lợi, "mất" hay "bỏ" vẫn không tiếc… Nhắc lại, sau
khi nhà Minh bên Trung Quốc bị nhà Mãn Châu thay thế, thì năm 1680, bọn di thần
Minh triều như Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thắng Tài, v.v… tự xưng người
"Trường Phát" (tóc dài) không khứng đầu hàng Thanh triều, vì họ ghét
tục dân Mãn Châu cạo đầu gióc bín (để đuôi sam như đuôi lừa). Bởi rứa, theo sử
chép lại, các tướng ấy dìu dắt độ ba ngàn tinh binh trung thành với cựu trào,
lướt sóng trên năm mươi, sáu mươi chiến thuyền vượt trùng dương tìm xuống miền
Nam, xin đầu hàng chúa Nguyễn, vì dân Nam cũng để tóc dài và trung thành với
đạo Khổng Mạnh như họ. Đứng trước tình trạng khó xử này, chúa Hiền Vương trong
lòng bối rối không vừa, vì kỳ trung chúa chẳng muốn gần gụi đám vong thần bất
trị ấy; nhưng với trí tinh khôn có thừa, ngoài mặt chúa giả cách niềm nở tận
tình. Chúa bày tiệc khoản đãi quân sĩ nhà Minh rồi "tống khứ" họ
xuống miền Đông Phố, cho họ được phép chiếm cứ vùng Đồng Nai thuở đó tuy thuộc
lãnh thổ Khơ Me, nhưng Miên Vương tỏ ra không bận tâm nhiều đến vùng hoang địa
ranh mức tầm ruồng này. Như thế, nhơn một mũi tên, chúa Nguyễn bắn được hai
chim; một đàng, được lòng người Tàu vì làm cho họ có chỗ dung thân, đàng khác
nhơn cơ hội, mượn tay tha nhơn, mở rộng bờ cõi một cách hòa bình, không tốn hao
binh sĩ; thật là ngón ngoại giao sắc cạnh khôn bì. Nhắc lại, được lịnh Chúa
Nguyễn, tướng Dương Ngạn Địch kéo quân xuống chiếm đóng vùng Mỹ Tho trên sông
Tiền Giang (Mékong); còn Trần Thắng Tài, Huỳnh Tấn, và Trần An Bình thì đem bổn
bộ binh mã đến chiếm cứ vùng Biên Hòa, trên con sông Đồng Nai. Vì không nói
được chữ "đ" nên họ vẫn gọi "Đồng Nai" ra "Nồng
Nại". Khi người Khơ Me đụng độ với người Tàu thì đã lấy làm bực mình vì
phong tục khác xa, không dè đến khi ăn chung ở lộn với dân "duồng",
họ lại càng thêm khó chịu. Họ ngầm ghét đám dân "Đồn điền" mới. Lần
hồi, không cử động binh đao, mà người Cam Bốt (Campuchia) tự rút lui về miền
thượng Lục Chân Lạp (Haut Cambodge) bỏ đất hoang Thủy Chân Lạp (Basse
Cochinchine) cho mặc tình người Trung Quốc và Việt Nam tha hồ khai phá. (Cái
nghiệp "hay hờn mát" và "ưa giận quàng xiên" của người Miên
đến nay vẫn chưa bỏ. Tỷ dụ như lối năm 1920, dân Miên và dân Việt đua nhau khai
thác xin khẩn đất hoang dọc theo kinh xáng mới đào vùng Phước Long và Vĩnh Qưới
(Rạch Giá) để làm ruộng. Mỗi khi đôi bên không thuận nhau về quyền tiên chủ sở
đất nào, thì người Miên thường thách đố người Việt hãy đồng lòng đem sở đất
tranh chấp "hiến nạp" ngon lành cho viên chức sở tại, như vậy thì họ
sẽ hết giận, báo hại quan thinh không phát tài ngang! Nhưng người Việt đâu chịu
làm vậy và thường có cách khéo giải hòa với bạn Miên khỏi "làm giàu vô
cớ" cho quan! Duy ngày nay, còn giận ai nữa mà Miên vẫn cất nhà xây mặt
tiền vào vườn, ít chịu xây mặt ra đường cái hay ngó ra con sông tấp nập? Nhắc
lại năm Giáp Dần (1674), Chúa Hiền đã tầng sai binh xuống can thiệp vào việc
nội bộ nước Miên do Nặc Ông Non cầu cứu dẹp hộ binh Xiêm. Đến khi vua Miên thấy
cảnh ở Sài Gòn bị kẹp giữa hai gọng kềm "Chệc", bèn cầu cứu với triều
Huế, Chúa Hiền nhân cơ hội ấy để sai nha trảo xuống dàn xếp… Thêm một cơ hội
may mắn đến cho triều Huế là vào năm 1688 giữa người Tàu Mỹ Tho và người Tàu Cù
Lao Phố sanh ra sự bất hòa lớn. Chúa Hiền khi ấy đã mất, nhưng Ngãi vương nối
ngôi không kém sự trí mưu. Huỳnh Tấn giết Dương Ngạn Địch, binh chưa lại nghỉn
thì kế bị Chúa Ngãi ra tay trước, giết Huỳnh Tấn, dẹp tan đám giặc khách sót
lại ở Mỹ Tho mà làm chủ tình thế hai thị trấn tân tạo Mỹ Tho và Cù Lao Phố
(Biên Hòa). Chúa thừa thắng cho binh tướng kéo rốc lên Cam Bốt tới trước thành
Gò Bích, Miên Vương một mặt dẫn phi tần về thành U Đông, mặt khác sai sứ nạp
biểu. Chúa Ngãi cho dân, quân về an dinh lập trại Bến Nghé. Công việc ấy gọi là
"đồn dinh”. Thuở đó, xứ Cam Bốt có đến hai vua: - Vua Nhứt, Chánh Vương,
ngự tại thành Lo Vek (sách sử Việt âm là "La Bích" hoặc "Gò
Bích" (Trương Vĩnh Ký); (trong Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, trang
329, ghi "thành Long Öc", phải Lo Vek này chăng?!) - Vua Nhì, tức Phó
Vương, đóng đo tại Prei Norkor, sau này Sài Gòn. Một nước hai vua, một xứ hai
mặt trời, đây là một tình thế lưỡng lập vạn bất đắc dĩ, không bao giờ tồn tại
được lâu. Về sau, nếu có xảy ra sự di dân Khmer tự mình bỏ Thủy Chân Lạp rút
lui về Lục Chân Lạp, âu cũng vì một lẽ Chánh Vương ngầm muốn để còn một vua
đặng dứt hậu hoạn về sau, một lẽ nữa, cũng tại lòng dân Miên mà cũng có tay
Trời già ở trong! Prei Norkor vào thời bấy giờ, là một thôn nhỏ trong rừng già
dựa kề một đồn kiên cố, dân cư thưa thớt, nhà cửa lèo tèo, cột cây nóc lá, tập
trung trên các gò nổng cao ráo, chung quanh là ao sình nước đọng quanh năm, sâu
vô trong nữa thì toàn là rừng rú thiên nhiên đã có từ tạo thiên lập địa, không
ai khai phá, đầy rẫy muỗi mòng, đỉa vắt và thú dữ: tây, tượng, hùm beo, khỉ,
sấu… Prei Norkor dùng làm nơi đồn trú của Phó Vương Cao Miên (một cái gai trong
mắt Chánh Vương). Việt Sử Trần Trọng Kim nói: "Năm Mậu Tuất (1658), vua
nước Chân Lạp mất, chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn, chúa
Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem ba ngàn quân sang đánh ở Mỗi Xuy (nay
thuộc Phúc Chánh, Biên Hòa) bắt được vua là Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng
Bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và phải bênh vực người An
Nam sang làm ăn ở bên ấy. "Năm Giáp Dần (1674), nước Chân Lạp có người Nặc
Ông Đài đi cầu viện nước Xiêm La để đánh Nặc Ông Nộn. "Nặc Ông Nộn bỏ chạy
sang cầu cứu ở dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa). Chúa Hiền bèn sai cai cơ đạo
Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Đình Phái làm tham mưu đem binh
chia ra làm hai đạo sang đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn rồi tiến quân
lên vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài phải bỏ thành chạy vào chết ở trong rừng.
Nặc Ông Thu ra hàng. Nặc Ông Thu chính là dòng con trưởng nên lại lập làm chánh
quốc vương đóng ở Long Ốc, để Nặc Ông Nộn đóng ở Sài Gòn, bắt hàng năm phải
triều cống. "Năm Mậu Thìn (1688), Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch, rồi đem
chúng đóng đồn ở Nam Khê, làm tàu, đúc súng để chống nhau với người Chân Lạp.
Vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu cũng đào hào đắp lũy làm kế cố thủ và bỏ không chịu
thần phục chúa Nguyễn nữa. "Bấy giờ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn sai
quan đem quân đi đánh dẹp, dùng mưu giết được Hoàng Tiến và bắt vua Chân Lạp
phải theo lệ triều cống. Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai
ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố (Giản Phố) ra
làm dinh, làm huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long và xứ Sài Gòn làm
huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (tức Gia
Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào
để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn Biên
(Biên Hòa) thì lập làm xã Thanh Hà: những người ở đất Phiên Trấn (Gia Định) thì
lập làm xã Minh Hương. Những người ấy đều thuộc về sổ bộ nước ta”. (Việt Nam Sử
lược, Trần Trọng Kim, trương 329-330) Phần 1 - 2
Từ năm 1753 đến năm 1780
Xin
kể lại những năm oanh liệt nhất để đánh dấu những kỳ công của tổ tiên ta: Năm
1753, vua Chân Lạp Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man ở trong Nam, triều
đình Huế bèn cử ông Nguyễn Cư Trinh làm quan tham mưu lo việc đánh dẹp. Ba phen
thắng giặc, Cư Trinh bèn hiến kế "tàm thực" làm cho mười năm sau hoàn
thành cuộc mở mang: Thủy Chân Lạp hoàn toàn về tay chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Bấy giờ miền rừng sác hoang vu, cực nam là vùng Lòi Lạp (Gò Công), Tầm Bôn (Tân
An) và vùng các cửa sông Cửu Long (Ba Thắc tức vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Trà
Vang (Trà Vinh, Bến Tre), còn thuộc Chân Lạp. Đồng thời với việc thôn tính nước
Chiêm (1611-1692), chúa Nguyễn đã tiến lần xuống miền Đồng Nai phì nhiêu. Hơn
một thế kỷ (1623-1739), do việc giành ngôi lẫn nhau của các vua Miên mà chúa Nguyễn
lần hồi thâu phục dân Việt dần dần mở mang các đất đai: Mô Xoài (Bà Rịa, Biên
Hòa) (1658), Sài Gòn (Gia Định) (1698), Định Tường (Mỹ Tho) và Long Hồ (Vĩnh
Long) (1731). Phía vịnh Xiêm La, MẠC CỬU dâng đất Hà Tiên và hòn Phú Quốc cho
chúa Nguyễn từ năm 1741, sau đó con là MẠC THIÊN TỨ mở thêm bốn huyện (1739):
Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và
Trấn Di (miền bắc Bạc Liêu). Đến triều Võ Vương, vua Chân Lạp Nặc Ông Thu
(Sthea) nhờ chúa Nguyễn mà giữ ngôi báu ở La Bích (Lovek) (1736 - 1748). Sau
Nặc Ông Thâm (Thomae), chú của Tha, thua chạy trốn bên Xiêm từ năm 1715, lại
trở về đánh đuổi Nặc Ông Tha và cướp ngôi (1748) song chẳng bao lâu thì mất.
Mấy người con của Thâm tranh ngôi. Võ Vương sai Nguyễn Hữu Doãn làm thống suất
đánh dẹp và lập Nặc Ông Tha làm vua trở lại. Được vài tháng, Tha bị con của
Thâm là Nặc Nguyên (Ang Snguôn) đen quân Xiêm đánh đuổi (1750). Tha thua, chạy
sang Gia Định cầu cứu nhưng chết ở đấy. Nặc Nguyên tranh được ngôi vua lại
thường đem binh lấn hiếp người Côn Man là tàn tích dân Chiêm sang trú ngụ từ
năm 1693. Về phía Bắc, Nặc Nguyên lại thông sứ với Chúa Trịnh Doanh (1740-1767)
để lập mưu đánh Chúa Nguyễn quyết giành lại Thủy Chân Lạp. Mùa đông năm Quý Dậu
(1753), Võ Vương sai ông Thiện Chính (khuyết tên) làm thống suất và ông Nguyễn
Cư Trinh, ký lục Bố Chánh Dinh làm quan tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh
đi đánh giặc Nguyên. Quân tiến đến Ngưu Chử (Bến Nghé), lập dinh trại, kén sĩ
tốt, trừ bị thêm nhiều, để làm kế khai thác. Mùa hạ năm Giáp Tuất (1754), ông
Cư Trinh với ông Thống suất chia quân tiến lên. Ông Cư Trinh đi đến đâu, giặc
quy phục đến đó; đi qua đất Tần Lê (?) ra đến Sông Lớn cùng hội quân với ông
Thiện Chính ở đồn Lôi Lạp (Soi Rạp: Gò Công), phủ Tầm Bôn (Tân An), phủ Cầu Nam
(Ba Nam), phủ Nam Vinh (Nam Vang: Phnôm Pênh), bốn phủ hàng cả. Rồi chiêu phục
người Côn Man để làm thanh thế. Nặc Nguyên chạy trốn gần Vĩnh Long; gặp mùa
nước nổi, phải ngưng đánh phá. Mùa xuân năm Ất Hợi (1755), ông Thống suất về
đồn Mỹ Tho, dẫn theo hơn vạn người Côn Man mới chiêu phục. Đến đất Vô Tà Ân (có
lẽ là vùng Đồng Tháp Mười) bị quân của Nặc Nguyên đổ ra đánh úp. Quân của thống
suất đi tập hậu bị mắc bụi rậm vũng lầy, không thể đến cứu viện. Ông Nguyễn Cư
Trinh mới đem quân của ông đến cứu thoát hơn năm người Côn Man, vừa trai vừa
gái, rồi đem về trú ở núi Bà Dinh (Bà Đen). Nhân ông Cư Trinh hạch tấu ông
Thiện Chính về tội để mất cơ nghi mà bỏ dân mới phục hàng, vua giáng ông ấy
xuống chức cai đội, cho ông Trương Phúc Du thay thế. Ông Cư Trinh với ông Phúc
Du và người Côn Man đi tiên phong đến đánh hai phủ Cầu Nam và Nam Vinh. Nặc
Nguyên thua, chạy trốn sang Hà Tiên nương theo Mạc Thiên Tứ, nhờ Tứ xin hộ với
Chúa Nguyễn, hiến hai phủ Tân Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội, và bổ vào lệ triều
cống đã bỏ ba năm về trước, cùng để xin cho về nước. Vua không cho. Ông Cư
Trinh mới dâng sớ tâu rằng: "Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là
muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết
nộp đất hiến của. Nếu không cho y hàng, thì y chạy trốn; mà từ Gia Định đến La
Bích, đường sá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng
hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên).
Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phúc (Biên Hòa), rồi mới mở
đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi mới mở đất Sài Côn. Đó là
cái kế "tằm ăn dâu" đó. Nay từ Hưng Phúc đến Sài Côn đường đi chỉ hai
ngày, mà dân cư còn chưa yên tập, quân giữ cũng có đứa chưa khỏe; phương chi từ
Sài Côn đến Tầm Bôn, đường đi trong sáu ngày, thú binh trụ phòng, thực sợ chưa
đủ. Thần thấy rợ Côn Man đánh đường bộ rất tài, quân Chân Lạp cũng đã chột dạ.
Nếu cho rợ Côn Man ở đấy, sai nó ngăn chống, lấy mọi đánh rợ, cũng là kế hay.
Vậy nên xin cho nước Chân Lạp chuộc tội, lấy hai phủ ấy, cho thần xem xét tình
thế, đặt lũy đóng quân, cấp điền sản cho quân dân, chia địa giới, lấy châu Định
Viễn để thâu cả toàn bức". (Rút trong quyển "Nguyễn Cư Trinh với
quyển Sãi Vãi" của hai ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật). Vua theo lời
tâu, nhận lấy hai phủ (1756) và cho Nặc Nguyên về nước. Năm Đinh Sửu (1757),
Nặc Nguyên chết, chú họ là Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuan) làm gián đốc, xin hiến
đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để cầu được
chúa Võ Vương phong làm Vua. Song không lâu, Nhuận bị rể là Nặc Hinh nổi loạn
giết chết cướp ngôi (1758). Cháu của Nặc Nhuận là Nặc Tôn, con của Nặc Nguyên,
chạy sang Hà Tiên cầu cứu với Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ dâng sớ tâu qua các việc
và xin phong Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Võ Vương thuận cho, sai tướng Ngũ dinh
tại Gia Định hợp với Thiên Tứ lo việc ấy. Trương Phúc Du đem binh đánh dẹp, Nặc
Hinh thua chạy, bị kẻ thuộc hạ giết. Hoàng tử Nặc Non cùng hoàng gia chạy trốn
bên Xiêm. Nặc Tôn được Mạc Thiên Tứ đưa về nước lập làm vua, và được Võ Vương
sắc phong chức Phiên Vương. Để tạ ơn Võ Vương, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long
(Châu Đốc và Sa Đéc) (1759). Rồi cắt năm phủ: Hương Öc (Kompong Som), Cần Bột
(Kampot), Sài Mạt (Cheal Meas), Chƣng Rừm, Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ Sré Ambel
đến Peam) để riêng tạ ơn Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ đều dâng cả cho chúa Nguyễn. Võ
Vương bèn dạy sát nhập vào trấn Hà Tiên. Thế là vừa trọn một thế kỷ (1658 -
1759), Thủy Chân Lạp hoàn toàn thuộc về Việt Nam. (Tài liệu mượn trong quyển
"Nguyễn Cư Trinh" với quyển "Sãi Vãi" của hai ông Lê Ngọc
Trụ và Phạm Văn Luật, trang 45-49). Đoạn trên kể lại công nghiệp khai mở bờ cõi
của một vị tướng văn võ toàn tài là ông Nguyễn Cư Trinh. Cư Trinh lại rất có
công về cuộc phòng thủ lâu dài. Ông giỏi phương pháp "dĩ địch chế địch”
nên đặt người Côn Man thủ Tây Ninh và Hồng Ngự (Châu Đốc), nay hai chỗ này còn
di tích người Chàm. Chính ông Cư Trinh xin dời dinh Long Hồ lên xứ Tầm Bào,
cũng thuộc tỉnh lỵ Vĩnh Long. Về mặt thủy đạo, ông sai lập đồn hai bên sông Cửu
Long gần biên giới: - Tân Châu đạo (Cù Lao Giêng) ở Tiền Giang. - Châu Đốc đạo
ở Hậu Giang. - Thêm lập Đông Khẩu đạo, ở xứ Sa Đéc, để làm hậu thuẫn. Các đạo
ấy dùng binh ở Long Hồ dinh để trấn áp, giữ mặt vịnh Xiêm La, phòng Xiêm làm
hỗn, Cư Trinh và Thiên Tứ đặt ra Kiên Giang đạo ở Rạch Giá và Long Xuyên đạo ở
vùng Cà Mau. Ông Cư Trinh lại rất giàu sáng kiến. Ông lo tổ chức sự an ninh
vùng đất mới, đảm bảo sự thông thương buôn bán trên vùng rạch hồ. Như thuở ấy,
khúc sông Gia Định còn nhiều chỗ xưng bá, thuyền cướp tụ tập phá khuấy ghe
thương hồ (ngày trước còn để lại tàn tích "bối Ba Cụm" thuộc vùng
Bình Điền, Tân Bửu, v.v…), Cư Trinh bày ra lệ bắt thuyền các Hạt, bất luận lớn
nhỏ, trước mũi phải khắc tên họ, quê quán, chủ thuyền và ghi bộ quan sở tại để tiện
tra xét. Nguyễn Cư Trinh còn là một văn nhơn tài tử, ông thường ngâm vịnh, sang
Phương Thành (Hà Tiên) nhập Chiêu Anh Các xướng họa cùng Mạc Thiên Tứ. Hai
người rất là tương đắc, Thiên Tứ có ra mười bài "Hà Tiên thập cảnh
vịnh" (nay còn truyền tụng). Cư Trinh có họa đủ mười bài. Kể lại trong
Nam, đời ấy công nghiệp lớn nhất có hai ông: Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ.
Ông trước cầm binh ra trận, thi phú tài tình; Ông sau giỏi ngón ngoại giao và
văn chương tao nhã. Cả hai mở rộng bờ cõi Miền Nam cho chúng ta được hưởng ngày
rày. Đồng thời tại Gia Định, trong nhóm người Minh Hương, có ba ông: Trịnh Hoài
Đức, Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định đều là những bực công thần có công xây dựng
cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt và tận tâm giúp chúa Nguyễn thâu
lại cơ nghiệp tổ tiên thống nhất giang san. Hà Tiên có Chiêu Anh Các, Gia Định
có Thi hữu tam gia không kém. Năm 1780, Mạc Thiên Tứ từ trần, không con nối
hậu. Đất Hà Tiên từ đây sát nhập cơ đồ Nguyễn Chúa: CUỘC MỞ MANG BỜ CÕI CỦA DÂN
TỘC VIỆT NAM ĐẾN ĐÂY, KỂ NHƯ ĐÃ HOÀN THÀNH.
Phần
2
Thử tìm hiểu bởi đâu mà có danh từ Sài gòn
Cuộc mở mang bờ cõi giải quyết
xong, nay bắt qua tìm hiểu về lai lịch đất Sài Gòn. Về danh từ "SÀI
GÒN" Đại Nam Quốc Âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của viết: -: Sài tức là củi
thổi. -: Gòn tên loại cây có bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay
dùng để dồn gối, dồn nệm, ngoài Bắc gọi là cây bông gạo (kapok, kapokier). Điều
nên nhớ là thuở cựu trào, mỗi lần chạy sớ tấu ra kinh, mỗi moxi lấy Hán tự làm
gốc. Các quan trong Nam thuở ấy, để gọi thành "Sài Gòn" đều viết hai
chữ nôm như vầy. Viết làm vậy, nhưng đến khi đọc thì luôn luôn đọc là "Sài
Gòn". Về sau, có nhiều người, đọc "Sài Côn", tưởng rằng đúng.
Ngờ đâu, đọc như thế là phản ý người xưa, tôi muốn nói những người cố cựu miền
Nam của đất Gia Định cũ. Cũng như có một ông tướng tên là Võ Tánh, vốn người Gò
Công, nay rất nhiều người đọc tên ông là Vũ Tính. Lại như tên một trái núi trên
Biên Hòa, thuở nào đến nay, quen gọi là "núi Châu Thới". Nay thường
nghe nhiều học giả đọc và viết "núi Chu Thái", chúng tôi không dám
nói gì, nhưng thiết tưởng đến ông Trời cũng phải chịu! Còn đến như nguyên do
làm sao cổ nhân khi trước ghép chữ Hán "Sài" với một chữ Nôm
"Gòn" làm vậy thì thú thật tôi xin chịu bí! Nói nhỏ mà nghe, dốt nát
như tôi, tôi hiểu rằng khi ông bà ta thiếu chữ "gòn" không biết phải
viết làm sao, thì ông bà cứ mượn chữ "côn" thế tạm, có hại gì đâu,
hại chăng là ngày nay con cháu không muốn đọc y như ông bà lại dám chê xưa kia
ông bà ta quá dốt! Cũng trong Tự Vị ông Huỳnh Tịnh Của, còn thấy ghi hai chỗ
khác nhau về danh từ Sài Gòn: Sài Gòn: tên riêng đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu
là đất Bến Nghé (trang 280 quyển II). Sài Gòn: tên xứ ở về tỉnh Gia Định (trang
390 quyển I). Tôi xin hẹn sau sẽ giải nghĩa việc này. Điều nên chú ý liền đây
là bộ Tự vị Huỳnh Tịnh Của in vào năm 1895-1896 cho ta thấy rõ đời ấy đã có sự
lẫn lộn về danh từ "Sài Gòn" rồi. Để tìm hiểu sâu rộng và muốn biết
rành rẽ về nguồn gốc tích "SÀI GÒN", phải dày công phăng từ ngọn
ngành, căn cội và chịu khó tra cứu từng các dân tộc một, đã sống qua các thời
đại trải không biết mấy ngàn năm và thay nhau khai thác cõi Nam này:
2) Người Cam Bốt,
3) Người Tàu,
4) Người Việt.
Phần 2 - 1
Trước
hết, từ giống người Phù Nam
Thời cổ đại, theo sử Trung Quốc ghi lại, thì có
giống người Phù Nam chiếm cứ sơ khởi vùng gọi Phù Nam. Đất Phù Nam sau đổi lại
là "Thủy Chân Lạp" (le Chan-la des eaux ou Basse Cochinchine) để phân
biệt với đất Lục Chân Lạp (le Chan-la des montagnes ou Cambodge). THỜI ĐẠI NÀY,
ĐẤT THỦY CHÂN LẠP CÕN LÀ RỪNG RẬM SÌNH LẦY, THÀNH SÀI GÕN CHƯA CÓ. Khoảng năm
1943 - 1944, nhà học giả Pháp, ông Louis Malleret nhân danh là hội viên trường
Viễn Đông Bác cổ và Giám đốc viện Bảo tàng Sài Gòn có thân hành đến chặng giữa
đường Long Xuyên đi Rạch Giá, noi dấu bọn thổ dân đã đến chỗ này nhiều tháng
trước để bòn vàng… Nơi đây, ông tìm ra di tích một nền cổ Phù Nam bị chôn vùi
dưới đất từ ngàn xưa. Ông có đem về Viện Bảo tàng rất nhiều món đồ nữ trang, cổ
vật, trang sức phẩm và rất nhiều tài liệu cổ có chơn giá trị về lịch sử (đồ đất
nung, dót nấu kim khí, miểng bát chén, phao lưới, trái trì lưới (poids de
filet), cục đá căng nặng xe chỉ sợi (fusaiolus), v.v…), hiện các vật này trưng
bày làm một gian phòng riêng biệt trong Viện Bảo tàng Sài Gòn. Nhờ đó, ta biết
được cội đất nước ta và biết tại đây xưa kia vào thế kỷ thứ hai, người dân La
Mã đã tìm theo con đường biển thả tàu buồm đến đây và đã từng đặt chân trên đất
này cũng như họ đã từng giao thiệp chặt chẽ cùng thổ dân bản xứ. Họ (người La
Mã, Ấn Độ di cư, Mã Lai, Phù Nam, v.v…) qua lại đổi chác với nhau, tỷ như vàng
khối xứ Chiêm Thành (l’or du Cathay), lụa Trung Quốc (soie de Chine), hoặc
hương liệu (épices): sa nhân, đậu khấu vùng Khmer (núi Cardamomes rất gần). Đặc
biệt nhất là có một đồng vàng tìm được tại chỗ và đó là một tài liệu quý hóa
nhất chứng minh cho thuyết nói trên. Đồng vàng ấy mang dấu hiệu của vua Antonin
le Pieux, sinh năm 86 và trị vì tại La Mã từ năm 138 đến năm 161 Tây lịch kỷ
nguyên. Hiện thời, các nhà thông thái tạm lấy chỗ tìm được cổ vật mà đặt tên
cho các vật tìm thấy, gọi đồ thuộc văn minh Óc-Eo. (theo chính tả Việt Ngữ. Nếu
viết theo Phạn tự và theo giọng Khmer thì là ÂK EV). Nay Óc-Eo thuộc về làng Mỹ
Lâm, tổng Kiên Hảo, giáp ranh hai tỉnh Long xuyên và Rạch Giá. Từ năm 1945 có
chiến tranh, sự giao thông bất tiện, thêm thiếu điều kiện bảo thủ canh gác nên
người tại chỗ đã đào đã hôi rất nhiều… Khó mà tiếp tục sưu tầm, tiếc thay!
2.
Nối chân Phù Nam trên vùng Thủy Chân Lạp là ngƣời Cam Bốt.
Không nói đâu xa, từ
đầu thế kỷ thứ XVII, người Cam Bốt đã có mặt tại vùng Sài Gòn lâu rồi. Nhưng họ
không khai thác chi cả. Họ chỉ ăn hoa lợi tự nhiên: thú rừng, lâm sản; lá lợp
nhà, cây làm củi, v.v… Bằng cớ hiển hiện là khi lọt về tay người Việt, Sài Gòn
vẫn là một thôn quê rừng, ruộng, vô danh. Nghiệm ra rằng người Khmer sanh đẻ
tại Nam Việt, phát âm không giống y giọng Khmer trên Nam Vang. Tình trạng này
có thể so sánh lại với tình trạng người Việt vùng Cà Mau Bạc Liêu giọng nói vẫn
khác giọng Sài Gòn hoặc giọng Hà Nộị Đối với tiếng Khmer, trên Nam Vang, dùng
nhiều chữ "r" có thể nói mỗi tiếng nói, gần như mỗi có đánh lưỡi.
Trái lại miền Nam Lục Tỉnh, dân Khmer nuốt gần mất chữ “r”. Tỷ dụ trên kia nói
"Préam riet" (là 5 đồng bạc) thì dưới này họ nói "Péam
yiel", v.v… chưa quen tai, không hiểu họ muốn nói gì. Bởi rứa, về danh từ
"Sài Gòn" đối với người Cam Bốt, khi họ gọi:
a) Prei Kor (nếu họ là
người Nam Vang)
b) Prei Nokor
Hoặc:c) Pẹi - ừ - Ko (nếu họ là ngƣời Khmer Lục Tỉnh)
d)
Pẹi - ằng - ko Khiến người Việt ta điếc con ráy và… khó phân biệt được. Vả trong
bốn cách phát âm trên, tưởng cần ghi lại hai cách Nam Vang, có phần khoa học,
đáng tin cậy hơn, nhưng trong hai cách ấy cũng chưa phân biệt cách nào đúng
nghĩa của người xưa. Prei, prey: rừng, không còn ai chối cãi. Kor: Kô, Ku: có
hai nghĩa khác hẳn nhau: Khi "kor" là gòn, Prei-kor là "Rừng
gòn". Khi khác thì "Kor": "Kũ": boeuf, Prei-Kor tức là
"Rừng bò"? Có một tỷ dụ: Bockor: bâuk kũ: boeuf à bosse: bò u. Cố
Tandart, sành về Miên ngữ, lại cắt nghĩa: Nokor do "Nagaram" tiếng
Nam Phạn (Pâli), đồng nghĩa với chữ “thành" Việt Hán tự trong các danh từ:
thành thị, đô thị (cité); thành phố (ville). Một tự vị Miên Pháp nữa dịch:
Nokor: royaume: quốc. Vậy thì: Prei-Nokor là lâm quốc. Các thuyết trên cho phép
ta định chừng “Nokor” là giọng kinh chợ, giọng các nhà hay chữ thông thái trên
Nam Vang, chớ ngƣời Khmer… miền lục tỉnh, nước phèn cứng lưỡi, quen nói trại
bẹ, thuở nay, để ám chỉ Sài Gòn, họ dùng một danh từ lơ lớ nghe tương tự
"Pei-ừ-ko" hay "Pẹằng-ko" không rõ chắc được. Bằng như có
ai hỏi họ sát đề quá, để tránh cái khó, họ dùng một danh từ khác, rõ rệt không
còn chối cãi và lầm lộn nữa, ấy là danh từ "srock yuong" ta âm ra
"Sốc Duồng" để chỉ xứ Sài Gòn. Lấy theo điểm này và căn cứ hai chữ
nên thơ "Srock yuong", thì người Cam Bốt tự ngàn xưa đã ngấm ngầm nhìn
nhận đất Sài Gòn là lãnh thổ Việt Nam không chối được. Dân Khmer Lục Tỉnh là
người trí óc mộc mạc chất phác, người củi lục làm ăn, không biết nói láo và
không biết ngụy biện! Do các thuyết Lang sa kể trên, ta có thể kết luận: Dưới
thời đại cam-bốt-diên, Sài Gòn là nước, xứ ở giữa rừng (Prei Mokor). Vịn theo
thuyết này danh từ "Sài Gòn", trước định do “Prei Nokor” là
"rừng gòn" không vững. Nay nên dịch "lâm quốc" đúng hơn.
Tóm lại. danh từ “Sài Gòn" không ắt do điển “Prei Nokor” mà có.
3.
Theo dấu người Tàu, năm 1680 đến miền Nam, năm 1778 lập Đề Ngạn.
Từ 1680, đã có
dấu chân Hán tử trên dãy đất miền Nam nhưng họ lui tới đông đảo trên vùng Sài
Gòn nhất là từ năm 1778. Tài liệu này thấy rõ ràng trong bộ sách "Annuaire
de la Cochinchine Francaise pour l’année 1866". Nơi trang 83 và 84 của
quyển sách hiếm có này, mục nói về thành phố "CHỢ LỚN", tác giả là
hải quân Trung úy Francis GARNIER, thanh tra chính trị bản xứ, viết nguyên văn
bằng tiếng Pháp, tôi xin sao lục ra đầy đủ sau: "CHOLEN. Vers la fin du
XVIIe siècle, plusuieurs milliers dr Chinois préférant l’exil à la domination
tartare, partirent de Canton, pour demander des terres à l’empereur d’Annam.
Celui-ci leur désigna la Basse Cochinchine: il se débarassait de la sorte d’une
multitude trop hardie pour ne pas devenir bientôt dangereuse, et en faisait, en
même temps, l’avantcoureur de ses projets de conquête sur le Cambodge. Les
émegrés se dirigèrent donc vers le pays de Gia Dinh, et s’établirent à Mitho et
à Bien Hoa. Ce dernier point se développa rapidement sous leur influence, et
l’ile Coulao-pho devint le pôint fréquenté où chaque année de nombreuses
jonques vỉnent entreposer leurs marchandises. "A partir de ce moment, on
voit les Chinois jouer un grand rôle dans toutes les guerres qui eurent une
partie de l’Indochine pur théâtre, et, aussi redoutés comme adversaires,
imposer parfois des conditions aux diverses parties belligérantes. Ce fut ainsi
que, à peu près à la même époque, le Chinois MAC CUU s’empara de Hatien, sur le
Cambodge, pour le compte de la cour de Húe, et recut de celle-ci, pour lui et
ses descendants, l’investiture de la province dont cette ville est la capitale.
Hatien devint bientôt peuplée et florissante et garde encore, aux yeux des
Annamites, cette réputation d’élégance et de civilisation dont la colonisation
chinoise a toujours eu le prestige pour eux. "Un siècle plus tard (1773),
la révolte des TÁYON qui’ectala tout, d’abord dans les montagnes de la province
de Quy-Nhon, et s’étendit repidement dans le sud, chassa de Bien-Hoa le mouvement
commercial qu’y avaient attiré les Chinois. Ceux-ci abandonnèrent Cou-lao-pho,
remontèrent de fleuve de Tan-Binh, et vinrent choisir la position actuele de
CHOLEN. Cette création date d’envinron 1778. Ils appelèrent leur nouvelle
résidence TAI-NGON ou TIN-GAN. Le nom transformé par les Annamites en celui de
SAIGON fut depuis appliqué à tort, par l’expédition francaise, au SAIGON actuel
dont la dénomination locale est BEN-NGHE ou BEN-THANH. "Mais la rébellion
ne s’arrêta pas à la conquête de la province de Bien-Hoa: le chef des TAY-SON
Nguyen Van Nhac pénétra peu après dans la province de PHAN-YEN (Gia-Dinh),
battit les troupes impériales, et passa au fil de l’épée tous les Chinois
établis à Saigon (1782). "Il en périt plus de dix mille, dit l’auteur du
"Gia Dinh Thanh thung chi", à qui nous empruntons tous ces détails;
la terre fut couverte de cadavres depuis Ben-Nghe jusqu’à Saigon, et comme on
les jetait dans la rivière, elle en fut réellement arrêtée dans son cours;
personne ne voulut manger du poisson pendant un escape de temps qui ne dura pas
moins de trois mois. Les marchandises de toutes sortes appartenant aux Chinois
telles que thé, étoffes de soie, remèdes, parfums, parpiers, joinchèrent la
route pendant longtemps, sans que personne osât y toucher. L’année d’après
(année Qui-Meo - 1873), le prix du thé s’élevait jusqu’à 8 ligatures la livre,
une aiguille coutait jusqu’à 1 tayen; toutes les marchandises augmentèrent de
prix à proportion (Traduction AUBARET). "On peut juger par ces lignes de
l"historien officiel de Gia-Dinh, de l’importance qu’avait déjà à cette
époque a colonie chinoise de CHOLEN, et dans quelle dépendance du commerce
chinois était tombée la contrée entirère. "Quand GIA-LONG, maitre enfin de
ces états, eut rétabli la paix dans les provinces de la Basse Cochinchine,
Cholen recouvra bientôt toute son activité et toute sa richesse, et la
persévérance chinoise, triomphant des restrictions commerciales et des
vexations de tout genre, en fit bientôt la marché le plus important des six provinces.
La défense d’exportation étendue à presque toutes les denrées autres que le
riz, l’édit qui limitait le nombre des Chinois, les lois somptuaires qui leur
étaient appliquées, ne lassèrent ni leur habileté, ni leur génie commercial.
Toutes mesures qui n’etaient, d’ailleur, pour les mandarins que des occasions
de corruption de plus, n’empêchèrent pas les Chinois de construire à leurs
frais à Cholen des quais en pierre sur une étendue de plusieurs kilomètres, et
de contribuer pour une part considérable au creusement de canal destiné à
relier le Binh-Duong ou Vam-Ben-Nghe (arroyo Chinois) au Ruot-Ngua qui aboutit
au Rach-Cat (1819). LeRuot-Ngua avait été lui même canalisé en 1772. En même
temps, on acheva les travaux de l’arroyo de la Poste, dont le creusement avait
été ébauché des 1755. En 1820, la route commerciale du Cambogde à Saigon par
Mitho se trouva complètement terminée, et à partir de ce moment, Cholen
redevint l’entrepôt nécessaire de toutes les denrées de cette riche zone"
(Annuaire de la cochinchine Francaise pour l’année 1886, pages 83-84).
Cứ
theo thuyết này, người Tàu dùng thuyền buồm chuyên chở hàng hóa, tơ lụa, trái
cây khô và tươi v.v… của xứ họ qua dự trữ tại Cù lao Phố (Biên Hòa). Vào thời ấy, người Tàu vẫn là những tay lợi hại và
đắc lực ám trợ mọi cách và cả hai bên vào các cuộc nội loạn miền Nam. Có thể
nói hễ họ dựa vào bên nào là bên ấy có phần chắc thắng địch thủ dễ dàng. Dân
chúng nể uy danh họ và kiêng sợ võ lực bạo tàn của họ, thậm chí các tay lãnh tụ
đương thời: Nhạc, Huệ, Nguyễn Ánh cũng lợi dụng họ để mượn thế “lấy giáo Tàu
đâm Chệc” cho họ sát hại lẫn nhau bớt. Xét ra đời nào cũng có họ ám trợ ta
chống lại Trung Quốc với danh nghĩa "di thần Minh Mạt", họ là người
gốc Hán tộc lại "tả" rất sướng tay lính để đuôi sam Mãn Thanh và biết
đâu chừng, trong trận Đống Đa, há chẳng có quân sĩ Tàu hươi mã tấu ám trợ vua
Quang Trung đánh giặc Chệc! Cũng như dưới danh từ hội kín, như gần đây có
“Thiên Địa Hội”, nào "Nghĩa Hòa Đoàn", nào "Nghĩa Hưng
Đoàn", từ ngàn xưa họ đã từng làm mưa làm gió một thời và đánh
giặc mướn cho cả hai phe, khi theo chúa Nguyễn Ánh, khi theo Tây Sơn Nhạc
Huệ và về sau cùng, thì có họ núp dưới bóng cờ Đen, trợ giúp triều đình Huế
chống quân đội Pháp thời Tự Đức, và núp dưới hiệu lịnh "Tư Mắt,
Phan Xích Long" phá khám cũ Sài Gòn và làm phản chống chánh phủ Đô hộ Pháp
lối 1914-1915. Anh hùng bất đắc chí, sẵn tánh phiêu lưu, họ cư xử không khác
các nhân vật, các "đại ca” trong truyện Tàu bất hủ, khi làm tướng cướp khi
lại tế khổn phò nguy! Nhưng cũng bởi tánh ăn ở không minh bạch, nên khi Tây Sơn
nổi dậy (1773), kéo cờ bách thắng vào Nam, thuận tay, họ bèn quét đuổi quân Tàu
ra khỏi Cù lao Phố (Biên Hòa) là nơi tàn quân Minh đến lập cơ sở từ năm 1680.
Khi ấy, những khách thương Tàu mất chỗ bèn rút lui theo con sông Tân Bình (Bến
Nghé), họ nhắm xem địa thế, cân nhắc kỹ càng thiên thời địa lợi và sau rốt họ
lựa vùng đất ở giữa chẹn đường Mỹ Tho đi Cù lao Phố mà xây dựng tân sở, tân sở
này sau trở nên thành phố Chợ Lớn ngày nay vậy. Tác giả Grancis Garnier, quả
quyết: thị trấn Chợ Lớn do người Tàu tạo lập vào năm 1778 đây thôi. Thị trấn
này vừa phát đạt chưa được bốn năm năm đến 1782, thì ngộ nạn lớn: năm ấy, chúa
Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đánh lấy được thành Phan Yên (Gia Định), thừa cơ làm cỏ
sạch người Tàu một phen nữa (Sở dĩ Tây Sơn giận dai như thế, theo một giả
thuyết tôi được nghe gia nghiêm kể lại, có lẽ một phần do hậu quả những cờ gian
bạc lận giữa các tay tổ Tàu và Biện Nhạc năm xưa, một phần khác quan trọng hơn,
là lại đã không tiếp tay chống Nguyễn Ánh mà còn tiếp tế lương phạn, v.v…). Sau
trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, thì hàng hóa các tiệm buôn Tàu
như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu, giấy má đủ loại bị tuôn ra bỏ bừa bãi
lềnh khềnh ngập đường sá, hèn lâu như vậy mà không ai dám rớ dám mót lượm về
xài. Qua năm 1783, giá hàng hóa vụt lên mà ngợp: kim may mỗi cây một lượng bạc,
trà Tàu tám quan tiền một cân,… Còn nói chi số binh sĩ và thường dân Tàu bị
chết đâm chết lụi kể trên số muôn, thậm chí thây ma lớp nằm chật đất, ngổn
ngang từ vàm Bến Nghé đến tận kinh Chợ Lớn, lớp khác bị chuồi xuống nước, xác
ma da, thằng chổng kẹo lềnh một khúc sông, làm cho ngót ba bốn tháng trường,
dân nghe nhắc mà ớn xương sống không dám rớ đến miếng thịt xương thịt cá! Nhưng
người Tàu quả là giống dân giàu tính nhẫn nại nhất thế giới: tính coi họ thất
bại to tát làm vậy mà họ không bỏ cơ sở làm ăn. Ít lâu sau họ gầy dựng lại cơ
sở Chợ Lớn, có mòi sung túc thịnh vượng hơn trước bá bội. Họ lấy đất đắp thêm
bờ kinh chỗ mới tạo lập, cẩn đá thêm cao ráo và kiên cố. Và có lẽ để ghi nhớ
công trạng này họ đặt tên chỗ mới là "Tai Ngon", hoặc
"Tin-Gan", mà phát âm theo giọng Quảng Đông thì nghe ra "Thầy
Ngồnn" hay "Thì Ngòn". Xét theo mặt chữ, thì
"Tai-Ngon", "Tin-Gan", "Thầy Ngồnn", "Thì
Ngòn" đọc theo giọng Việt là "Đề Ngạn”: Đề, Đê: là cái bờ, cái đê
ngăn nước. Đề: cũng có nghĩa là nắm lấy (Đề cương khiết lãnh là nắm lấy cái dây
lớn của cái lưới, tức nhiên cả cái lưới sẽ trương ra; kéo cái cổ áo thì cả
chiếc áo nhấc lên. Nghĩa bóng: nắm lấy chỗ chủ yếu. Kể ra khi đi lựa địa thế, đã
là đặt cả một hy vọng lớn rồi). Ngạn: bờ sông cao dốc. Đề Ngạn là vùng Chợ Lớn
cũ ngày nay vậy (truy ra là xóm Quảng Đông Nhai chỗ miếu Quan Đế, miếu Tam
Hội). Còn khi khác nữa, họ dùng danh từ "Tây Cống" mà họ phát âm nghe
"Xi-cóon" hoặc "Xây-cóon" (theo giọng Quảng). Theo ý tôi
đây là cách phát âm giữa người Tàu với nhau để ám chỉ vùng đất mà người Pháp
hiểu là "Sài Gòn" ngày nay, vùng ghi theo tiếng "Sài Gòn"
do giọng Tàu, vùng của người Việt ăn và ở, vùng ấy tức là vùng chợ cũ Sài Gòn,
ngót trăm năm về trước, xưa kia thuở Nam Triều gọi là "Chợ Vải",
thuộc khu phố lầu chung quanh Tổng Ngân khố ngày nay: đường Nguyễn Huệ, Ngô Đức
Kế, Võ Di Nguy, Phủ Kiệt, ăn lan ra phố Kinh lấp (Hàm Nghi), v.v… và đây là
cách nhái giọng nói, nhại tiếng "Sài Gòn" của ta, chớ không đúng theo
chữ viết sẵn. “Xi-cóon” giọng Quảng viết ra Hán tự thành "Tây Cống"
như vậy là chắc chắn rồi! Xin đừng hiểu theo một văn sĩ trẻ, giàu óc tưởng
tượng nhưng túng đề, ghi trên tạp chí "Phổ thông" độ nọ cắt nghĩa “Tây
Cống” là thành trì của vua Tự Đức ngày xưa cống hiến cho Tây!. Tôi không theo
phái bảo hoàng nhưng tưởng viết làm vậy, nhơ ngòi bút, nhục quốc thể, người
nước ngoài cười; thêm đắc tội với tiền nhân. Tóm lại: Tây Cống, Xi-cóon, là xóm
Việt, Sài Gòn của người Nam, không phải xóm Tàu trong Chợ Lớn, tức Thầy-Ngồnn,
chữ viết đọc là Đề Ngạn. Có ý nghe người Tàu khi nói chuyện với nhau, khi rủ đi
chơi vùng "Sài Gòn"; họ nói gọn lỏn "hui Cái Xị", mà
"Cái Xị" ở dây là "nhai thị" tức "chợ", hoặc giả
họ nói "xánh cái xị" là "tân nhai thị", tức là "chợ
mới" (chợ Việt mới). Khi nào muốn ám chỉ Chợ Lớn Tàu, họ lại dùng danh từ
"Thầy Ngồnn", là Đề Ngạn vậy. Việt - ta nói: SÀI GÒN. Tàu - họ nói:
THẦY NGỒỒN, XÌ CỤN. Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu! Gần đây hơn hết, khi hai đô
thị sát nhập làm một "Tây Cống dồn với Đề Ngạn làm một khối duy
nhất", Tàu họ dùng một danh từ hết sức gọn và sáng, ấy là Tây Đề. Trở lại
dấu vết tổ tiên Việt. Cái lộn xộn rắc rối làm cho ngày nay chúng ta điên đầu
khó biết địa điểm đâu là Sài Gòn chính thức, truy ra, cũng tại Lang sa mà có!
1.
Thành Sài Gòn do Minh Mạng dạy xây năm 1836, vị trí ở gần Ba Son.
2.
Chợ Bến Thành (ở gần bến và thành) phân ra hai chợ:
a.
Chợ Cũ ở chỗ Tổng Ngân Khố ngày nay, do Chợ Vải ngày xưa Tây cất lại bằng gạch
và sườn kèo sắt, phá bỏ năm 1913.
b.
Chợ Mới là chợ ngày nay quen gọi Chợ Mới Bến Thành, Tàu gọi "Tân Nhai
thị" hay vỏn vẹn "Cái Xị", khởi công năm 1912, đến tháng 3 năm
1941, chợ cất rồi, ăn lễ lạc thành, tiếng đồn rùm beng có cộ đèn, chưng cộ bảy
bang, xe bông, hát ngoài trời v.v…; các bài báo viết mừng bài "mừng lễ
khai tân thị" xướng họa không dứt.
3.
Hai vùng này gộp lại có tên là Bến Nghé. Trong lúc ấy thì người Tàu dùng danh
từ "Thầy Ngồnn" (Đề Ngạn) để gọi vùng buôn bán "Chợ Lớn" và
danh từ "Xi-Cóon" (Tây Cống) để ám chỉ xóm Việt tức chợ Bến Thành (từ
xưa đến 1919 sự buôn bán vẫn nằm trong tay Hoa kiều, người Việt bắt đầu qua
nghề thương mãi chỉ từ 1920 về sau). Kịp đến buổi Tây qua, đứng trước danh từ
“Bến Nghé” và "Sài Gòn" thì hai chữ "Bến Nghé" đối với Tây
líu lưỡi khó nói quá, nên chỉ sẵn uy lực kẻ chiến thắng trong tay, Tây bèn ép
các sắc dân Nam, Chà, Chệc đều phải bỏ danh từ “Bến Nghé”, và để thay vào đó,
Tây ép dùng hai tiếng "Sài Gòn", vừa kêu giòn, vừa dễ đọc (cũng như
họ đã đọc và nói "Cholen" thay vì "Chợ Lớn", rồi đọc và nói
"Da Kao" thay vì "Đất Hộ”. Dân ta bắt chước theo mà còn ăn nói
mạnh dạn hơn nữa, cho đến ngày nay họ đi rồi mà các danh từ ngoại lai này chưa
hết hẳn). Một lúc, để chọn tên dặt cho kinh đô Nam Việt, Tây đã nghĩ đến danh
từ “Gia Định” nhưng họ lại chê là di tích cựu trào, khêu gợi chuyện xưa nên họ
không dùng. Kế đó, họ muốn chọn danh từ “Bà Chiểu", nhưng họ cũng không
thâu nhận vì "Bà Chiểu" như "Gia Định” là tên cũ của trào xưa,
họ cố tránh, lại nữa "khi viết lại viết tháu, hoặc dùng gởi điện tín, sợ e
có khi đọc hiểu lầm là "Bạc Liêu" thì khốn". Tóm lại, danh từ
"Sài Gòn" trở nên bất tử vì người Việt, người Tàu trong lúc đàm thoại
với Lang sa hoặc viết thơ hay ký giao kèo với họ; một nửa chiều ý người mới,
một nửa "nịnh Tây", bèn dùng luôn danh từ "Sài Gòn" thay
thế danh từ "Bến Nghé", lâu ngày quen tai quen mắt và càng phổ biến
rộng thêm mãi, khiến nên "Sài Gòn" đã soán ngôi "Bến Nghé"
và "Bến Nghé" thỉnh thoảng chỉ còn nghe nói trong giới người cố cựu
đất Gia Định chính cống mà thôi.
Phần
3 - 1Thật
ra, khó mà tóm tắt trong vài câu ngắn gọn và đầy đủ về điển tích chung quanh
thành và đất Sài Gòn. Muốn hiểu vấn đề này, phải chịu khó tìm dấu gót vua Gia
Long trong những năm người bôn tẩu trong Nam, từ năm 1774, và theo dõi các vì
vua chúa nhà Nguyễn đến năm khia chiến cùng binh Pháp là năm 1859. Phần này
chia ra:
1. Thời đại Nguyễn Ánh (từ năm 1774 đến năm 1820). (Nguyễn Phúc Ánh
xưng chúa từ 1774-1802, tức là vị hoàng đế lấy đế hiệu Gia Long từ 1802-1820).
(Xem một đoạn tả về vài nét ăn thói ở dưới triều hai vua Gia Long và Minh Mạng
lúc quan Tả quân còn làm Tổng trấn tại Gia Định);
2.
Sau năm biến cố 1859;3. Tây đến Tây đi (dứt trước năm ký hiệp định Genève 1954).
1.
Sài Gòn dưới trào Nguyễn Ánh (1774-1820)
Thử nhắc lại vài nét ăn thói ở thời
Quan lớn Thượng Cõi Nam, đến năm 1772, Chúa Nguyễn đóng đô ở Huế. Lâm cảnh
lưỡng đầu thọ địch, trên thì Chúa Trịnh Sâm sai tướng binh đánh xuống, dưới lại
bị quân Tây Sơn nổi dậy, giết lên. Qua năm 1774, Nguyễn Duệ Tông cùng hai cháu
là Mục Vương và Nguyễn Ánh phải rời Huế đào tỵ vào Đồng Nai. Từ năm 1774 đến
năm 1789, ngót 15 năm, Chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh đuổi, chạy gần khắp nơi,
khi thì về nương náu vùng Sài Gòn, mà về như vậy ở cũng không được lâu, khi lê
gót lưu vong khắp miền Cà Mau (lúc bấy giờ gọi là Đông Xuyên), khi lại chạy ẩn
trốn ngoài hòn Phú Quốc (1782- 1786). Mỗi năm cứ đến mùa gió thuận thì binh Tây
Sơn trẩy thuyền vào Nam ruồng kiếm, quyết tận diệt dòng Nguyễn Phúc. Chúa
Nguyễn Ánh ẩn núp miền Nam còn để lại nhiều cảm tình trong dân chúng. Cho đến
ngày nay, người lục tỉnh còn cữ đặt tên con đứa đầu lòng luôn luôn là "thứ
hai" rồi "thứ ba", "thứ tư", v.v… vì kiêng chữ
"cả" riêng dành tưởng niệm ông Hoàng Cả là Đông cung Cảnh. Trong thú
chơi ấm chén, di tích "Gia Long tẩu quốc" còn ghi lại ở vài bộ chén
trà cổ, tôi biết có đến ba kiểu vẽ khác nhau. Cả ba kiểu đều vẽ hình một khách
lữ hành đứng độc thân bờ sông bên kia, tựa hồ đang chờ một chiếc thuyền con
lững lờ giữa vời ra rước khác nhau chăng là tại hai câu thi: Một bộ chén thì:
"Bình kiều nhơn hoán độ, Chuyển lực tiểu thuyền lai". (Cầu vững,
người kêu đò, ra sức, thuyền lại gần). Một bộ chén khác nữa thì: "Ngư gia
độ hoàng gia, Âm tinh ngộ đế tinh". (Ông chài độ ông vua, sao âm gặp sao
đế). Bộ thứ ba vẽ y hai bộ trước duy không có đề thi. Nghiệm ra bộ "Bình
kiều…" có lẽ cổ hơn bộ "Ngư gia", nhưng cũng không có gì dám quả
quyết. Trái lại bộ "Ngư gia…" nói sát đề hơn, tuy phải giọng cao kỳ
đế vương khó chịu! Còn bộ ba, khỏi nói, khi hai bộ trước thông dụng rồi, ai ai
đều thuộc điển tích nằm lòng, cắt nghĩa nữa là thừa nên chi thợ vẽ bỏ không đề
thi, vô ích. Tôi gặp cả thảy có trên vài chục bộ rã rời, còn trơ trọi cái đĩa
bàn lẻ loi, không thấy bộ nào men già dặn cổ kính, có lẽ toàn mới ký kiểu vào
thời Tự Đức hoặc gần đây: một dĩa đẹp tuyệt, rạn da rắn, nét vẽ thần tình, thì
hiện chủ nó, ông bác sĩ H. mua được tại Huế, đã mang luôn về Pháp, mất dạng
biệt tích cho mỹ thuật xứ sở. Nay Viện Bảo Tàng Sài Gòn có đủ hai kiểu dĩa vẽ
tích này, bày tại phòng triển lãm mỹ thuật Việt. Tháng Ba dương lịch 1960, tình
cờ tôi mua được một chén tống và hai chén quân vẽ tích này (thiếu một chén quân
và một dĩa bàn). Hiện dưới đáy đề “Tân Sửu” (1841). Theo tôi, đây là bộ chén cổ
nhứt kiểu "Gia Long tẩu quốc" do sứ bộ năm đầu Thiệu Trị sang Tàu
mang về. Năm 1789, Nguyễn Ánh cả thắng Tây Sơn, thâu được Sài Gòn và ra lịnh
xây đắp thành trì thêm kiên cố. Tính ra thành này xây năm Canh Tuất (1790) đến
năm Minh Mạng thứ 16 (1835) thì bị hạ, vỏn vẹn dùng chỉ bốn mươi lăm năm, uổng
quá! Về sau sử sách gọi đây là "Gia Định phế thành". Năm 1784, linh
mục Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp quốc định cầu cứu viện, chuyển về năm
1789 (14-07-1789) Bá Đa Lộc dẫn đường cho một số võ quan và quân nhơn Pháp,
nhơn tránh nạn Cách mạng đảo chánh đột khởi một ngày nào đó bên xứ họ, nên tình
nguyện đàu quân dưới cờ Nguyễn Chúạ Thành Sài Gòn do Gia Long ra lịnh xây cất
là do quan Oliver de Puymanuel (cũng có sách viết de Puymanel) - ông này Việt
danh là "Ông Tín", xây theo kiểu Vauban: thành xây tám góc theo Bát
Quái, chữ gọi "Quy Thành". Vách cao mười lăm thước mộc, tính ra lối
bốn thước tây lẻ tám tấc (4m80), toàn bằng đá ong Biên Hòa kiểu "lục
lăng”. Năm 1926, khi thợ đào móng cất nhà chọc trời góc đường Tự Do và Gia Long
(building Catinat), thì gặp dưới đất cát lối năm thước sáu tấc tây bề sâu
(5m60) một mớ đá ong lục lăng, định chắc đó là chưn cũ vách Thành Sài Gòn đời
Gia Long xây năm 1790. (Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, N.
Octobre - Decembre 1934, trương 48). Một di tích khác cũng của "Quy
Thành" lại đào thấy năm 1935 tại nhà thương Đồn Đất, góc đường Lagrandière
(Gia Long) và LaFont (Chu Mạnh Trinh). Theo ông Charles Lemire thì đường
Lagrandière cũ là con đường đắp trên hào thành xưa. Hiện mớ đá lục lăng tìm
được năm 1926 còn lưu trữ tại kho của Viện Bảo Tàng trong vườn Bách Thảo để làm
dấu tích. Theo ông Trương Vĩnh Ký kể lại thì trung tâm thành 1790 ở đúng trung
tâm nhà thờ lớn Đức Bà hiện nay, nơi đây thuở xưa có dựng một cây cờ lịnh to
lớn. Theo ông L.Malleret đã nghiên cứu kỹ càng thì cờ lịnh này phải đặt lối trên
con đường Hai Bà Trưng mới trúng chỗ, vì thuở đó đường này là trung tâm đạo
chia thành Gia Long làm hai phía bằng nhau (B.S.E.I năm 1935, trang 45). Cũng
trong tập B.S.E.I năm 1935 này, nơi trang 53, tác giả kể khi xưa lúc đào nền
móng để xây nhà thờ Đức Bà có gặp một lớp tro, cây, gạch và đá cháy lụn vụn dày
trên ba tấc tây (0m30), định chừng đó là di tích kho lương mễ của giặc KHÔI bị
binh lính Minh Mạng đốt năm 1835 khi phá Quy Thành. Trong đống tro này, thợ đào
đất đã gặp lềnh kềnh ngổn ngang nào xác tiền điếu, tiền kẽm bị lửa cháy ra khối
kẹo quánh lại, nào đạn súng to bằng gang sắt, bằng đá khối, nào hài cốt trẻ con
còn đựng trong hũ trong vò. Cứ theo tài liệu Trương Vĩnh Ký thì bốn vách Quy
Thành, ám theo bốn hướng, có thể nói ở lọt vào:
1.
Đông: đường Lê Thánh Tôn (d Espagne cũ). 2.
Tây: đường Phan Đình Phùng (Richaud cũ). Cách nay gần bốn chục năm, thuở nhỏ,
tôi nhớ lại góc Phan Đình Phùng chạy qua đại lộ Đinh Tiên Hoàng (Albert ler
cũ), có một hào thành sâu hóm, trên khoảng Albert ler có đặt hai cây cầu bắc
qua hai hào cạn (hào trong và hào ngoài), anh bạn nào xưa từng học trường
Chasseloup lối 1920 - 1925, đi la mát nơi đây hồi đó ắt còn nhớ rõ; thêm thuở
ấy có một chiếc xe hỏa cà xịch cà xạc (le tortillard) chạy ngang đây phun khói
phun lửa uốn mình vòng quanh bờ thành cũ coi như con rắn dài, oai nghi khá đại!
Về sau hào thành bị lấp dần mất dạng, chỗ thì trồng dâu rồi biến thành Sở Canh
Nông và Trại Gia đình Binh Sĩ Hồng Thập Tự, chỗ mới bồi đây dựng lên Viện Quốc
Gia khảo về vi trùng và bịnh lý gia súc, chỗ cất dinh thự các nhân viên hãng
Hàng Không. Một di tích hào thành khác nữa còn sót lại là lối đường Mạc Đĩnh
Chi và Trần Cao Vân (Massiges và Larclauze cũ); ở góc này khoảng năm 1924-1925
là nơi đất trống, tụ tập đến nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết và dự tiệc đãi Bùi
Quang Chiêu đi Tây trở về, góc nầy sầm uất, trước đây bốn mươi năm là chỗ đất
thấp lài lài có cất ba căn nhà ngói trệt, thầy tôi là giáo sư Bernard Bourotte
hằng nói thuở ông còn ở đây đêm đêm thƣờng nghe nhiều tiếng hú lạ lùng, ai
không tin thử hỏi anh bạn thân ái Đốc phủ P.V.V. đã từng ở đó lì gan chịu ốm
rét, chịu bỏ một đứa con vì đau bệnh và từng rởn ốc những đêm mưa dai gió rít,
nặng nề những oan hồn ma lạnh hào thành xưa. Cũng xóm này, thuở ấy có những
trạm xe lửa đặt tên rất kêu: gare Larclause là ga Hàng sao; gare "la
Citadelle" là ga Hào thành, nay tên "hào thành" đã nhường lại
cho sân cỏ đá banh và dãy nhà nhiều từng mới cất.
3.
Bắc: đường Đinh Tiên Hoàng (Albert ler cũ) nối dài qua Cường Để (Luro cũ).4.
Nam: đường Công Lý (Mac Mahon sau gọi là Général de Gaulle). Hiện nay, ở giữa
khoảng nhà dòng (Presbytère) nguyên vị trí góc thành xưa, còn nhiều dấu vết Quy
Thành, nhìn kỹ còn nhận được. Nhắc lại, con đường Hai Bà Trưng (đời Napoléon
III tên Route Impériale, sau năm 1870 đổi lại Nationale, từ năm 1902 lấy tên
Paul Blanchy, rồi đổi từ năm 1952 là Trưng Nữ Vương, đến năm 1955 mới thiệt thọ
là đường Hai Bà Trưng) thì vào đời Đàng Cựu, vẫn cắt xẻ Quy Thành ra hai phần
bằng nhau và ăn xuyên thấu bên này qua bên kia thành. Tám cửa Phan Yên Thành
này còn ghi tên để lại rành rẽ. Đây là tài liệu theo ông Trương Vĩnh Ký: Đông
môn, cũng gọi là Cửa Tiền gồm hai cửa: - Gia Định môn, day mặt ra hướng chợ cũ
Sài Gòn; - Phan Yên môn, trên con đường bọc theo kinh Cây Cám (nay con kinh này
đã bị lấp mất dạng, nhưng dọ biết trước kia nó ở gần Kho Đạn cũ). Tây môn, cũng
gọi là Cửa Hậu, gồm hai cửa: - Vọng Khuyết môn (ở lối cầu Bông); - Cung Thìn
môn (ở lối Cầu Kiệu) theo P. Ký) Bắc môn, cũng gọi là Cửa Tả, gồm có: - Hoài Lai
môn (trổ về rạch Thị Nghè); - Phục Viễn môn (cũng trổ về rạch Thị Nghè); Nam
môn, cũng gọi là Cửa Hậu, gồm có: - Định Biên môn (lối ngã tư Công Lý và Hồng
Thập Tự); - Tuyên Hóa môn (đường Công Lý, gần đường Fères Louis cũ, nay là
đường Võ Tánh). Theo Đại Nam Nhứt Thống chí, thì "Quy Thành" có tên
khác là Gia Định kinh (sau vì phá bỏ nên lại gọi "Gia Định phế
thành") ở về địa phận làng Tân Khai, huyện Bình Dương và xây năm Canh Tuất
(1790), vừa giống Bát Quái vừa giống hình hoa sen. Theo bộ này thì, tám cửa
thành là: - Trấn Hanh (Chấn Hanh) Đông: - Cấn Chỉ - Tốn Thuận Tây: - Đoài Duyệt
- Khôn Hậu Bắc: - Khảm Hiểm - Kiền Nguyên (Càn Nguyên) Nam - Ly Minh Trong
thành đếm được ngang dọc tám con đường cái. Thành, chu vi đo được: - Từ Đông
qua Tây: 130 trượng 2 xích - Từ Bắc qua Nam: cũng y như thế. Thành xây hướng về
Đông Bắc và cao độ 1 trượng 3 xích có ba bậc. Bề ngang của chân tường dầy bảy
trượng năm xích. Trong thành đặt nhà Thái miếu và kho về bên tả, bên hữu là
xưởng trại, ở giữa là hành cung. Trại lính thì bố liệt chung quanh; trong để
quân túc vệ ở, trước sân có trụ cờ ba tầng, cao 12 trượng 5 thước, trên có Vọng
đẩu bát giác tọa (tháp canh) ở bên treo thang dây, trên đẩu có quân thủ vọng
ngồi gác, có việc gì quan ngại thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn
hiệu, quân đội tuân theo đó làm hiệu lệnh điều khiển. Hào thành sâu 14 xích; bề
ngang 10 trượng 5 xích; chu vi 794 trượng. Có xây điếu kiều, ngoài kiều có đắp
thạch trại. Năm Tân Dậu (1801), đại binh Nguyễn Ánh thâu được thành Phú Xuân
(Huế). Vương sai tháo gỡ sườn nhà Thái miếu ở Sài Gòn chở ra Huế dựng lại. Từ
đây thành Sài Gòn lọt xuống hàng ải trấn thủ miền Nam, không còn là kinh đô
Nguyễn triều nữa. Nhưng đến năm Quý Dậu (1813), Gia Long sai Nguyễn Văn Nhân và
Trịnh Hoài Đức lập hành cung tại Sài Gòn, có xây gác chuông và gác trống hai
bên tả hữu, định chừng chưa bỏ ý trở vào Nam và vẫn có lòng thiết lập triều
đình tạm trong này ngộ khi hữu sự. Sau tòa hành cung, có dinh quan tướng súy.
Tại cửa Ly Minh có xây gác cao đặt tên gác Thân Minh. Nơi ba cửa Kiền Nguyên, Ly
Minh và Tốn Thuận có đặt trại lính lợp ngói vách sơn đỏ. Qua đời Minh Mạng, có
lịnh đổi tám cửa thành: Trấn Hanh đổi làm Phục Viễn, Cấn Chỉ "Hoài Lai Tốn
Thuận" Tĩnh Biên, Đoài Duyệt "Tuyên Hóa, Khôn Hậu" Củng Thần,
Khảm Hiểm "Vọng Khuyết, Kiền Nguyên" Gia Định, Ly Minh" Phiên
An. Trong quyển "Souvenirs historiques", ông Trương Vĩnh Ký theo lời
truyền khẩu của các cụ già từng biết thành năm 1790, đã ghi tên các cửa thành,
nhưng địa điểm lại ghi khác (có lẽ vì không dọ lại với địa đồ). Nay tôi xin tóm
tắt các tài liệu làm một bảng như sau: Như đã thấy, trên bản phương hướng không
y và tên cửa thành cũng có đổi thay, tôi xin giữ đúng để các nhà khảo cứu tự so
sánh và tìm hiểu lấy. Đời quan Thượng (Lê Văn Duyệt) sai nối vách thành lên cao
1 thước 5 tấc dùng toàn đá ong kiên cố vì vậy sau này bị khép vào tội tự chuyên
và có ngoại tâm. Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) vua sai đổi tên là Phiên An Thành
(Phan Yên). Năm 1833, Lê Văn Khôi làm phản, chiếm thành được ba năm. Năm 1835
(Minh Mạng thứ 16), binh triều hạ thành Phiên An. (Tài liệu trong B.S.E.I. năm
1935, trương 56-57. Những chi tiết thuộc Đại Nam Nhứt Thống Chí là do bản dịch
Pháp văn của ông Gaspardone). Theo tài liệu của tập san Hội Cổ Học Ấn Hoa
(Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, năm 1942, tập số 2), thì vào
năm 1819, có một khách Hoa Kỳ mỹ danh là John White, từng châu lưu khắp thiên
hạ, năm ấy có để chân đến đất Sài Gòn này. Trong quyển sổ tay của J. White,
thấy có ghi rằng: "Thành lũy Sài Gòn xây bằng đá ong; ở kế bên một cơ thủy
trại, gần đó là xóm nhà của dân cư gồm những lều lúp xúp thấp hẹp. Xóm buôn bán
ở mém về hướng Đông. Khi đức Gia Long dẹp yên Tây Sơn thì dân chúng tựu về
thành rất đông. Họ sửa sang nhà cửa lại mới, một phần lớn các gia đình này dồn
về hướng Tây của thành lũy nhà vua. John White có ghi thêm rằng: "Thời
buổi ấy dọc hai bên bờ sông và bờ kinh rạch, có vài chỗ đã được cẩn đá hay xây
gạch kỹ càng, chạy nối dài non ngàn thước tây. Về công lộ có đường đã lát đá
nguyên miếng lớn dễ coi, nhưng phần nhiều vẫn quanh co uốn khúc và không được
săn sóc tu bổ nên không được sạch. "Về nhơn số thì Sài Gòn phỏng độ lối: -
Một trăm tám chục ngàn (180.000) người dân bổn thổ; - Và mười ngàn (10.000)
người Trung Quốc. (Đây là nói về Quy Thành 1790 và vùng phụ cận dưới thời Gia
Long)". Sau đó ít lâu, năm 1822, lại có một bác sĩ thú y quý danh là ông
Finlayson, tháp tùng phái đoàn Crawfurd, cũng có đến viếng Sài Gòn. Finlayson
viết: "Sài Gòn gồm hai thành phố, mỗi cái đều rộng lớn bằng hai nước Xiêm
La. Ấy là:
1) -
Sài Gòn (xin hiểu đây tác giả muốn nói về Đề Ngạn (Thầy Ngồồn) hay Chợ Lớn);
2)
- Và Pingeh (có lẽ đây là Bến Nghé viết theo tác giả phát âm). (Tập san Cổ Học
Ấn Hoa nói trên). Dựa theo Finlayson, chúng ta có thể hiểu được vì sao xưa ông
Huỳnh Tịnh Của đã ghi trong bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của người rằng: "Sài
Gòn là tên riêng đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé". (Đ.N.Q.A.T.V., trương 280). (Rõ ràng trước kia danh từ "Sài Gòn" dùng để
gọi thành phố Chợ Lớn, về sau mới áp dụng qua đất Bến Nghé). Một đoạn khác,
cũng trong tập san Cổ Học Ấn Hoa kể trên, John Crawfurd viết năm 1828:
"Sài Gòn gồm có Pingeh là khu vực của chánh phủ, gồm luôn thành trì bao
bọc chung quanh khu vực ấy với một xóm buôn bán của người Tàu.
Tóm lại, nếu
chiếu theo tài liệu của hai người thấy tận mắt thành phố Sài Gòn - Finlayson và
Crawfurd - thì vào cuối thế kỷ 18 bước đầu thế kỷ 19, danh từ
"Saigon" đích thị dùng để gọi Chợ Lớn hiện nay. Trong bộ "Gia
Định thông chí" của Trịnh Hoài Đức, bản dịch Aubaret năm 1863 vẫn ghi: "Sài
Gòn là danh từ để gọi thành phố của người Trung Quốc ăn ở, phát âm giọng Tàu là
"Tai ngòn" hoặc "Tingan". Trước năm 1790, khi trong Nam
chưa có thành trì kiên cố thì đại binh chúa Nguyễn "đồn" dinh trại
nơi xóm Tân Mỹ, sau đi về "Chợ Điều Khiển" ở xóm Tân Thuận. Năm Gia
Long thứ 10 (1811) lại đi về "Đồn Dinh" nền cũ. Gia Long năm thứ 16
(1817) lại dời về Mỹ Hòa, cũng gọi là Nghĩa Hòa. Qua Minh Mạng năm thứ 13
(1832) vua ra lịnh dạy dẹp dinh trại này. Vua Minh Mạng vì giận giặc Khôi chiếm
cứ mấy năm nên dạy phá bỏ Quy Thành của Gia Long xây cất năm 1790. Qua năm thứ
17 (1836), Minh Mạng ra lệnh xây thành khác ở về hướng Đông Bắc Quy Thành.
Chiếu theo bản dịch Gaspardone của bộ Gia Định thông chí Trịnh Hoài Đức thì
thành 1836 có bốn cửa, chu vi 429 trượng, cao 10 trượng 3 thốn, hào thành sâu 7
xích, bề ngang hào 11 trượng 4 xích. Thành 1836 tại làng Nghĩa Hòa - Bình
Dương. Chính thành 1836, đến năm 1859 thì bị binh Pháp lấy được; Pháp gọi thành
1836 là "Citadelle de Saigon". Đến năm 1859 thành bị hạ bình địa,
tính ra xây năm 1836, hạ năm 1859, thành thử chỉ đúng vỏn vẹn hai mươi ba năm,
còn vắn số thua Quy Thành của vua Gia Long nữa: - Quy Thành, xây năm 1790, phá
năm 1835: 45 năm. - Thành Sài Gòn do Minh Mạng dạy xây năm 1836, bị phá năm
1859, dùng được 23 năm. Nghĩ ra Minh Mạng phòng ngừa hậu hoạn, sợ một trận giặc
Khôi tái diễn, nên phá Quy Thành còn có chỗ chế. Tuy vậy, người còn biết mót
vật liệu thành cũ dùng vào việc tân tạo thành mới 1836. Đến như binh Tây, đoạt
được thành "Citadelle de Saigon" kiên cố, mới ràng ràng, nếu họ có
chút óc "tồn cổ" và "thẩm mỹ", họ nên dành cho hậu thế biết
lối kiến trúc xưa này mói phải. Té ra họ cũng sợ vu vơ, e cho một ngày kia
người bản xứ sẽ dùng thành này chống lại nên họ sai châm lửa đốt tiêu. Ngày 8
tháng 3 dương lịch năm 1859, quân sĩ Pháp đặt 35 ổ cốt mìn phá tan tành Thành
1836 chỉ còn mấy đống gạch đá vụn; đối với lịch sử thật là một lỗi lầm không
nhỏ. Quân đội Pháp làm thống kê để lại chỉ cho ta biết trận hỏa thiêu này đã
tiêu hủy một cách đáng tiếc: - Hai mươi ngàn (20.000) cây súng tay đủ cỡ, và
một số binh khí như gươm giáo v.v… nhiều không thể đếm. - Tám mươi lăm (85)
thùng thuốc súng và vô số kể nào bì súng, hỏa pháo, diêm sanh, tiêu thạch
(salpêtre), chì v.v… - Một số lúa trữ trong kho đủ sức nuôi từ sáu đến tám ngàn
(6.000 - 8.000) nhân khẩu trong vòng một năm. - Lại với một số tiền bản xứ
(điếu và kẽm) để trong kho ước định và trị giá bằng 130.000 quan tiền lang sa
thời đó. Về lúa đốt bỏ, có sách đã trị giá trên ba triệu quan Pháp (3.000.000
francs) và thuật lại rằng có nhóm Hoa kiều trong Chợ Lớn đưa đè nghị xin mua mà
tướng Rigault de Genouilly không chấp nhận sợ rằng số lúa này không may lại lọt
vào tay binh lính Việt thì khác nào giúp giáo cho giặc. Thà cho họ đốt bỏ số
lúa mà bọn Hoa kiều trả giá đến tám triệu quan (8.000.000 francs). Ba năm sau,
đến 1862, trận lửa đốt lúa còn ngún ngấm ngầm… Ông Charles Lemire thuật lại
rằng: ngày 27 tháng Giêng năm 1862, ông có thí nghiệm, thử thọc cây gậy cầm tay
vào đống tro tàn, khi rút gậy ra thì đã cháy thành than (Bulletin de la Société
des Etudes Indochinnoises, năm 1935, trang 8). Charles Lemire thuật tiếp rằng
về sau chính bên phe Pháp có người tỏ ra hối tiếc hành động hủy hoại vô ích của
Thủy sư Đề đốc Rigault de Genouilly nhưng đã muộn (B.S.E.I. 1935 kể trên, trang
96-97). Cho hay làm tướng đi chinh phục nước khác, có hạng còn chút lương tâm,
hạng khác chỉ biết giết chóc, tàn phá, sát hại. Sau khi triệt hạ thành
"Citadelle de Saigon", binh lính Pháp dùng sắt và vôi gạch xây thành
lính "Sơn đá” của họ, tục danh “Thành 11è R.I.C" (Caserne du Onzième
Régiment de l’Infanterie Coloniale - Trại Bộ Binh Thuộc địa đội thứ 11; trại
này nằm gần đúng vị trí Citadelle Việt xƣa). Theo sử sách để lại, thành
"citadelle" Việt bắt đầu từ khu Lê Thánh Tôn chạy đến mé sông là dứt,
gồm có khu Dưỡng Đường Đồn Đất (Hôpital Grall trƣớc gọi Hôpital Militaire), nay
là Bệnh Viện Nhi Đồng I, thành cũ 11 è R.I.C. và một khu vực thương mãi phồn
thịnh ở gần thành xưa. Nếu xem địa đồ, ta có thể đóng khung
"citadelle" trong bốn con đường hiện tại: - Đường Phan Đình Phùng
(Richaud cũ) - nay là Nguyễn Đình Chiểu. - Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Rousseau
cũ) - Đường Mạc Đĩnh Chi (Massiges cũ) - Đƣờng Nguyễn Du (Mossard cũ) Năm 1859
binh Pháp đổ bộ, do ngả Luro (Cường Để, nay là Đinh Tiên Hoàng) kéo lên công
hãm thành Việt. Ngày nay, đi trên khúc đường này, trông thấy cửa thành trƣớc
mắt, độ chừng xưa cũng day mặt hướng này. Dọc theo vách rào các dinh thự của võ
quan cao cấp bộ Thủy quân Việt (đường Cường Để) thấy cẩn nhiều đá to và gạch
thức cỡ lớn, trong vƣờn, còn nhiều gốc cổ thụ cao ngất trời, hỏi ra di tích cố
đô còn lại bao nhiêu đó. Lúc đổ bộ, tàu chiến Pháp thả neo tại công trường Mê
Linh. Trào Pháp đặt tên là Place Rigault de Ginouilly, có dựng tượng đồng to
lớn để ghi chiến công Thủy sư Đề đốc này. Cũng vì thế, chỗ này xưa gọi
"Một Hình". Tương truyền những đêm mưa bão có bóng lão hình đồng hiện
hình gọi đò qua sông. Trời đánh nhiều lần, lão không hầy hấn, tưởng vậy mà
"bền gan cùng tuế nguyệt", không ngờ kịp năm đảo chính 1945-1946,
thanh niên lôi lão, hạ bệ lão xuống, nấu chảy ra bì súng bắn trả hận năm xưa.
Theo Gia Định thông chí thì năm 1777 (Đinh Dậu) Gia Long thâu phục được Sài
Gòn, năm 1779 (Kỷ Hợi) sai tu định địa đồ lập địa giới dinh Phiên Trấn. Năm
1790 (Canh Tuất) đắp thành bát quái trên gò cao thôn Tân Khai, tổng Bình Dương
gọi đó là Gia Định kinh. Niên hiệu Gia Long nguyên niên (1802), cải tên Phủ Gia
Định làm Trấn Gia Định, đặt Trấn quan thống trị. Qua năm thứ 7, cải làm Gia
Định Thành do một Phó Tổng Trấn thống trị, gọi trấn Phiên An gồm luôn Biên Hòa,
Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên lại kiêm lãnh luôn trấn Bình Thuận. Năm Minh
Mạng thứ 13 (1832), đổi Gia Định Thành làm Phiên An Tỉnh Thành, đặt chức An
Biên Tổng đốc thống trị hai tỉnh Phiên An và Biên Hòa. Năm Minh Mạng thứ 15
(1834), mang danh Nam Kỳ Lục Tỉnh. Năm thứ 17 (1836), xây thành mới đổi danh là
Gia Định Tỉnh. Đổi An Biên Tổng đốc làm Định Biên Tổng đốc. Địa thế Sài Gòn
Nhìn trên địa đồ, ta thấy rõ địa thế Sài Gòn khá gọi là hiểm trở:
a)
Thuở xưa khi chiến tranh còn "hiền", đánh bộ thì lính đi chân không,
binh khí thì dùng dao mác, mã tấu, chà gạc, đánh thủy thì trông cậy nơi thuyền
buồm, cung tên… Súng đồng nếu có thì bắn không xa, đạn đá đạn sắt làm sợ nhiều
hơn giết chết. Vì thế, vị trí Sài Gòn đúng là hiểm yếu, kiên cố nhờ ở giữa
trung tâm các ngọn "sông sâu nước chảy" và giữa các đường lộ “bủa
giăng như lưới nhện”.
b)
Nhờ ở cách biển tám mươi chín cây số ngàn (89km) nếu tàu chiến tàu ô ở ngoài
khơi kéo vào thì Sài Gòn có đủ thời gian thủ thế và nghênh chiến.
c)
Nhờ đóng ở trên gò trên nổng, cao hơn mặt biển trên mười thước có hơn, Sài Gòn
có sẵn hai hào thiên nhiên che chở là sông Thị Nghè và sông Bến Nghé. Tuy vậy,
năm 1859 rạch Thị Nghè không đủ sức ngăn tàu sắt của Đề đốc Rigault de
Ginouilly và đã để cho tàu Pháp xáp cận thành…; nhưng bình nhật nếu có phòng bị
thả chông, nhận chìm xác ghe xác thuyền chở đá chẹn ở lòng sông cho thật nhiều,
thì đủ ngăn sức giặc đường thủy một thời gian.
d)
Sài Gòn có sự ủng hộ của nhiều đồn bao bọc xung quanh. Các đồn này nối liền
nhau bởi các sông rạch bủa tứ giăng rất là thuận tiện và hiệu nghiệm. Vì bài
biên khảo này có tính cách "thường đàm", nên không sao chép tên các
đồn, đã được ghi rõ trong quyển Đại Nam nhất thống chí (Lục tỉnh Nam Việt), bản
dịch Nguyễn Tạo, do bộ Quốc gia Giáo dục, Nha Văn hóa xuất bản năm 1959.
e)
Thành Sài Gòn được tiện lợi là kề vựa lúa miền Nam, tức Chợ Lớn. Nếu chẳng may
bị địch vây khổn thì ít lo nạn đói. Vả lại, Sài Gòn có chứa rất nhiều nước lọc
thiên nhiên dưới đất sâu, hễ đào giếng là có nước ăn nước dùng rất tốt, không
sợ nạn thiếu nước. Từ Chợ Lớn xuống xa một đỗi thì có chợ Mỹ Tho là giáp mối
các con đường thủy vận về miền Nam Lục Tỉnh, và lên thẳng Nam Vang
(Phnôm-Pênh). (Ngày nào sự chuyên chở còn "ăn chịu" nhờ đường nước, thì
chợ Mỹ Tho sung túc phồn thịnh ngày ấy. Ngày nay khách bộ hành và hàng hóa xoay
qua dùng nhiều xe hơi chạy ét xăng hơn dùng tàu bè, cho nên chợ Mỹ đã
"xuống chưn". Câu thi xưa "Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho, đâu đâu
thiên hạ cũng nhường cho,…" nay không còn đúng sự thật! Trái lại, các chợ
búa không nằm trên đường nước nhưng vẫn nằm trên đường lộ cái, như chợ Cai Lậy,
bến phà Mỹ Thuận, chợ Cần Thơ, chợ Sốc Trăng, vẫn tấn phát như thường, nhờ xe
qua lại hằng bữa. Riêng bến phà Mỹ Thuận, ngày nào cầu bê tông cốt sắt xây cất
xong, xe khỏi xuống bắc, thì chợ nhóm nơi đây sẽ mất phồn thịnh. Luật tiến hóa
là vậy: cái vui mừng của khách bộ hành được đi mau về lẹ bao nhiêu, lại là nỗi
lo buồn của người buôn thúng bán mẹt đò Mỹ Thuận bấy nhiêu vậy!) Con đường
thiết lộ của Pháp đặt trước kia, định nối liền mũi Cà Mau lên Nam Vang xuyên
ngang Sài Gòn, vừa từ Sài Gòn chạy tới Mỹ Tho kế bị tháo gỡ: nhựa bánh cao su
xe ô tô đã chiến thắng con đường sắt và chiếc hỏa xa.
Tóm lại, ngày trước chiến
tranh, chiến cụ còn theo lề lối xưa, nên vị trí và địa thế Sài Gòn thật là đắc
thế. Ngày nay, tuy chiến lược đã đến thời kỳ nguyên tử, nhưng nhờ đứng giữa ổ
nhện đường lộ tứ giăng, thêm có phi cảng rộng lớn, nên sự bành trướng và phồn
thịnh của Sài Gòn càng tăng thêm mãi mãi chớ không bớt. Thử nhắc lại vài nét ăn
thói ở thời Quan Lớn Thượng Quan Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định
Thành trước sau hai kỳ:
-
Lần đầu, từ năm 1813 đến năm 1816, rồi được chỉ triệu về kinh để bàn nghị về
ngôi Thái Tử.
-
Lần sau, từ năm 1820 đến năm quy thần, tức năm 1832. Dinh của người ở sau tòa Vọng Cung (Hành Cung). Theo ông Malleret thì Hành Cung ở ném về phía trên con
đường Paul Blanchy, giáp với đại lộ Norodom, lối nhà Câu Lạc Bộ Võ Quan Pháp
(Bộ Tư Pháp hiện nay) lấn qua một phần đất sở Bưu Điện với một phần sở Địa
Chánh (B.S.E. I., Oct/ Dẹc 1935, tr. 46). Tả quân bao giờ cũng nêu cao chủ
quyền nhà vua. Mỗi năm đáo lệ, có hai lễ lớn: lễ triều kiến Vua vào đầu xuân
nhựt và lễ hành binh. Tả quân giữ đúng lệ và rất nghiêm về mặt nghi tiết. Ngoài
việc đúng năm vua Miên phải nạp lễ cống không được chậm trễ, bổn phận vua Miên
phải sang chúc thọ vua Việt tại thành Phan An mỗi dịp Nguyên đán. Cứ đêm ba
mươi Tết, vua Miên phải có mặt tại thành để kịp sáng hôm sau đúng canh năm thì
cùng Lê Tổng trấn hành lễ chúc thọ tại Vọng cung. Ông Trương Vĩnh Ký kể lại
trong ức lục "Souvenirs historiques" rằng có một năm, vua Miên xuống
dự lễ, thay vì ở trong thành Phan An, lại vào Chợ Lớn nghỉ đêm, bởi rứa, hôm
sau lúc trống canh điểm năm dùi Tả quân và tiểu triều hành lễ tại Vọng cung thì
vắng mặt vua Miên. Tả quân nhứt định không chờ, đến khi lễ tất, vua Miên mới
đem lễ vật tiến vào, Tả quân chiếu điển lệ, phạt vạ vua Miên phải nộp đủ ba
ngàn lượng bạc mới cho về nước. Ngoài ra, cứ ngày mồng sáu tháng Giêng, thì Tả
quân làm lễ "xuất binh" (muốn gọi "ra binh", "hành
binh" đều được). Dịp này, người ta ra lệnh đòi hết các cơ binh đóng ở “Lục
Tỉnh” về để Người (Tả quân) duyệt nơi Đồng Tập trận cũng gọi “Mô Súng” sau này
mới gọi là Mã Ngụy. Lễ này diễn ra để thị oai với các nước lân bang (Cao Miên,
Xiêm La…) vừa để võ an dân tâm, vì thuở ấy dân tình chất phác vẫn tin tưởng quỷ
thần và hiểu rằng đàu năm có diễn oai lực binh quân làm vậy thì trong xứ suốt
năm dân sẽ được bình an vô bịnh, bởi tà ma quỷ mị đều khiếp sợ oai võ của Tả
quân. Ngày mồng sáu tháng Giêng, Tả quân tắm gội trai kỳ, ngồi kiệu đến Hành
cung làm lễ chúc thọ vua rồi phát ba tiếng súng tiền hô hậu ủng, lên kiệu thẳng
Đồng Tập trận, khi binh gia rần rộ kéo ra do ngả Gia Định môn, khi khác lại do
cửa Phan Yên, từ đó xuống ngả Chợ Vải (tên xưa của xóm Chợ cũ Sài Gòn ngày nay)
để trở lại đường Cửa Hữu (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), và trực chỉ lên Mô Súng. Lễ diễn
binh hoàn thành, ông Lớn Thượng (tên kính trọng của dân Nam tặng Đức Tả quân)
đe liệu một vòng chung quanh Quy Thành, ghé viếng cơ xưởng Thủy quân rồi trở về
dinh là giải tán. Trong khi ra quân, thì trong thành dân cư vọng bàn hương án
đốt pháo, thắp hương, cốt mượn lễ ra quân để bày lễ tống quái trót thể. Thuở
ấy, quân lịnh của Tả quân rất nghiêm mỗi khi hành quân thì những người có tang
khó, nhứt là người đàn bà bụng mang dạ chửa, đều phải lánh xa. Đi trước đám
quân sĩ, có lịnh nạt đường và quân cầm đồ nghi trượng: hai thanh mác trường,
hai ngọn cờ tiết mao, hai trái dùi đồng, hai phủ việt (búa hoặc rìu), hai cái
biển, một khắc chữ "Tĩnh Túc" (im lặng cung kính), một đề “Hồi Tỵ”
(tránh đi) tức để cho thần dân biết trước mà đề phòng tránh mặt và sửa soạn
chuẩn bị lễ rước cho oai nghi. (Những binh khí cổ này, gọi là "đồ lỗ
bộ", hiện có chưng bày trong Viện Bảo Tàng). Một kỳ khác nữa, nhơn lễ
"Trùng ngũ" (mồng 5 tháng 5), Tả quân xuất thành để hành lễ
"tịch điền” (hạ tịch) bên Thị Nghè. Tịch điền ở vào vùng này đã mất dấu vì
gần đây dân cư đã xây cất nhà cửa lên trên. (Những chuyện về Tả quân còn nhiều
nhưng trong tập này khảo về Sài Gòn, xin miễn kể). Chúa Nguyễn Ánh đóng đô tại
Sài Gòn trước sau hai mươi năm (1779-1801), và mỗi năm, cứ mùa gió thuận thì
kéo binh từ Gia Định ra nghinh địch cùng Tây Sơn vùng Bình Định Quy Nhơn. Năm
1801, chúa Nguyễn thống nhất Bắc Nam, tức vị xưng đế hiệu Gia Long, từ khi định
đo tại Huế, mới thôi ở Sài Gòn và thành này từ đó xuống địa vị một trấn biên
thành.
Phần 3 - 2
Sài Gòn dưới trào Minh Mạng
(1820 - 1840)
Ngày nay nhắc lại thì tòa Hành cung đã không còn duy cứ theo dấu
tích để lại thì lọt giữa đường Thống Nhứt hiện tại. Địa điểm phủ tướng súy, tức
là dinh Tả quân, truy ra thì ở gần nhà linh mục Bá Đa Lộc và gần bộ Ngoại giao
hiện thời (đường Alexandre de Rhodes) chạy dài ra sau dinh Tổng thống (dinh
Thống Nhất hiện giờ) - vì thế cho nên cái hoa viên Tao Đàn xưa tách ra còn mang
tên riêng là "Vườn Ông Thượng". Còn tư dinh của Tả quân phu nhơn (tộc
danh: bà Đỗ Thị Phẫn) thì lọt trong vòng rào dinh. Về vườn Tao Đàn, danh từ
Pháp xưa gọi "vườn Bồ rô". Nội cái tên Tây này, thú thật tôi cũng
không rõ điển tích rành rẽ. Có người cắt nghĩa chỗ ấy xưa có làm một cái
"préau" (sân chơi trường học hay tu viện) hoặc "bureau"
(văn phòng) gì đó, cho nên dân ta dựa theo bèn chế ra danh từ "Bờ Rô"
để gọi làm vậy. Thiết tưởng thà tôi chịu dốt, mặc người cười, còn hơn lòe các
học hữu và nhóm thanh niên bằng một cách giải nghĩa gượng ép và không căn cứ.
Tiếc cho một di tích vừa hơn trăm năm mà đã phai mờ trong trí nhớ của người
trong nước. Riêng theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường, do ông Lê Ngọc Trụ
thuật lại, thì "Bờ Rô" có lẽ do "Moreau" ta đọc trại đi, và
cứ theo ông Xường "Moreau" là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên
được cắt chăm nom vườn này. Dẫu thế nào, theo tôi danh từ "Bờ Rô" chưa
được diễn giải một cách ổn thỏa. Nhưng dầu chi đi nữa, ta không nên cắt nghĩa
càn bừa. Tiện đây tôi yêu cầu các học giả nên thận trọng lời diễn luận chẳng
khá làm tàng bịa đặt tên "nhà thương Đầm Đất” (như trong một tờ tạp chí
kia), trong lúc dưỡng đường Grall được cất xây trên một đồn đất thật sự, ai ai
cũng rõ biết, và cũng không nên vì thấy gần Sài Gòn có những chợ: "Ông
Lãnh", "Bà Chiểu", "Bà Điểm”, “Bà Hom", "Bà
Rịa", "Bà Đen” rồi đề quyết Năm Bà vốn là thê thiếp của ông Lãnh binh
nọ. Tội chết đa! Tuy người mất rồi không nói được, chớ còn người cố cựu nữa
chi? Bạn thân tôi, ông Sơn Nam có kể cho tôi nghe gần Cái Bè, trên con đường đi
về Hậu Giang, có một khúc quanh gọi “Khúc quanh ông Cọp”. Nhiều học giả chưa gì
vội nói hớt, cắt nghĩa: "Xưa ở vùng ấy, cọp rất nhiều, nên dân bản xứ lấy
đó đặt tên". Theo ông Sơn Nam chịu khó điều tra kỹ càng; rõ lại mấy chục
năm về trước hãng bán tủ sắt hiệu "BAUCHE" có quảng cáo cho thứ tủ
này bằng một bảng lớn dựng tại khúc quanh đó; trên bảng vẽ hình một con hổ to
ngồi chồm hổm trên đầu tủ, một tay thò xuống cố cạy nắm tủ "BAUCHE"
(nhãn hiệu "con cọp") cạy hoài mà không sao cạy được, đủ biết tủ sắt
kiên cố bực nào. Dân quê trong vùng qua lại tháy bảng vẽ cọp nhan nhãn tại khúc
quanh, trong khi nói chuyện bèn gọi tắt chỗ ấy là "khúc quanh ông
Cọp". Chuyện chỉ có bấy nhiêu, không nên lắm sự!
Phần
4 - 1TRỞ LẠI VẤN ĐỀ TÌM HIỂU THÊM VỀ VỊ TRÍ SÀI GÒN
Có
cả thảy mấy vị trí mang tên "Sài Gòn" và tùy thời đại xoay hướng đổi
chỗ như thế nào?
1.
Prei Nokor, Sài Gòn của Cổ Cao Miên, trước năm 1680.2. Đề Ngạn, nơi tụ tập của người Tàu, từ năm 1778.
3. Bến Nghé, nơi tụ tập của người Việt, từ năm 1790.
Đoạn
này, theo tôi rất là quan trọng. Tôi xin mở một dấu ngoặc, vừa để ôn lại những
tài liệu đã biết rồi, vừa để nhơn đó, nhận định và tìm hiểu vị trí Sài Gòn, đã
tùy thời, đổi chỗ như thế nào. Có cả thảy ba vị trí đáng để chú ý nhứt:
1.
Chỗ nào là "Cổ Sài Gòn" thành lũy mà người Cam Bốt gọi là "Prei
Nokor"? Đời xưa, trước năm 1680, người Cam Bốt vùng Thủy Chân Lạp có một
thành lũy giữa rừng già, gọi "Prei Nokor". Nhờ những cuộc đào đất tìm
cổ vật trước đây, khoảng năm 1940-1944, nghiệm ra Prei Nokor có lẽ ở vùng đồn
Cây Mai (Phú Lâm) chạy dài tới vùng Chợ Quán, lối nhà cũ Hội quán Hội Đức Trí
Thể Dục (S.A.M.I.P.I.C - Société pour l’Amélioration Morale, Intellectuelle,
Physique des Indigènes de Cochinchine) (nay là trụ sở cơ quan cố vấn quân sự Mỹ
quốc, đường Trần Hưng Đạo), ăn luồn lên Gò Vấp và Bà Điểm. Hội quán Đức Trí Thể
Dục xây trên một nền chùa Thổ, nền này còn to hơn đường lộ rất nhiều; mấy mươi
năm về trước, đào gặp tại đây đồ cổ đồng, tảng đá lớn, ngạch cửa bằng đá, đặc
biệt nhứt là một cây đèn đồng ten xanh rất cổ tạc hình một hình nhân Thổ đầu
đội mũ, chưn quỳ, hai tay dang một bồn để đựng dầu thắp, các vật này hiện có
trưng bày nơi trung đường Viện Bảo tàng trong vườn Bách thảo. Sách sử cổ lại
cho biết người Cam Bốt có ở vùng Thị Nghè, vùng Cầu Bông (cổ danh gọi "Cầu
Cao Miên"). Nơi đây, đã đào gặp một món đồ đất nung đặc sắc của người Cao
Miên dùng. Từ Thị Nghè, người Miên ở giáp liên tiếp đến Gò Vấp, chạy dọc thẳng
lên Biên Hòa, những nơi đất gò lên cao hoặc có giồng cát khô ráo. Kinh nghiệm
cho ta biết phong tục người Khmer thích làm nhà trên chỗ cao ráo đất giồng, đã
vậy còn thêm cất nhà sàn, cao cẳng; rất khác người Việt, tánh ưa tìm chỗ có sơn
thủy: dòng nước, khúc quanh bóng mát, nhà nền đát, không nối cột làm cẳng cao
như nhà Miên (B.S.E.I., năm 1942, trang 26). Prei Nokor, định chừng ắt giữa khu
đất giáp vòng có: Đông: Gò Vấp qua Thị Nghè. Tây: Phú Lâm. Nam: Vàm Bến Nghé
Bắc: Bà Điểm. Lõm giữa này, đất tư mùa khô ráo, tức nhiên đúng với sở thích
người Cao Miên. Những chỗ nào có người Miên ở khi xưa, nay ta có thể đoán được
không sai nhờ hai việc sau này: thứ nhứt, khi ta gặp một nền đát to lớn cao hơn
vùng chung quanh (tỷ như vùng nhà Hội Đức Trí Thể Dục cũ trên đường Trần Hưng
Đạo hoặc vùng Đồn Phú Lâm Chùa Gò, còn gọi là Phụng Sơn Tự); thứ nhì khi ta gặp
gần nền cao thêm có cây "bồ đề” (còn gọi cây "đa”, cây “lâm vồ” vì
bao giờ người Thổ cũng thích trồng cây thứ ấy để nhắc tích xưa Đức Phật Thích Ca
đắc đạo. ngộ đạo dưới gốc cổ thụ loại này. Theo bài Pháp văn “Souvernirs
historiques” của cụ Trương Vĩnh Ký thì "chùa Cây Mai ngày xƣa là ngôi chùa
Chân Lạp, có ao hồ bao bọc chung quanh và dùng làm nơi đua thuyền trải những
khi lễ Phật”. Vịn theo bấy nhiêu tài liệu vắn tắt nhưng hết sức quan trọng này,
và nghiệm cho kỹ, ta biết vùng Cây Mai quả là một yếu điểm của người Miên xưa.
Muốn đua thuyền (ghe ngo) thì nước bọc chung quanh Đồn Cây Mai chưa đủ dùng.
Khúc đua phải dài trên năm ba cây số ngàn ghe ngo mới đủ sức lấy trớn thi tài.
Như vậy khúc đua phải dài ra tới vùng nước Chùa Gò (Phụng Sơn Tự) hoặc xa hơn
nữa thì càng đắc thế; vả lại dọc theo đường Sài Gòn Mỹ Tho, tôi nhớ có một
người Thổ nói với tôi đó là "Sre pren" (ruộng khô cạn nước). Theo tôi
trước khi thành ruộng gò, có phải đây là di tích chỗ đua thuyền ghe ngo của
người Chân Lạp chăng? Khảo ra đường nước Chùa Cây Mai ăn thông với con rạch
trước đây gọi rạch Lò Gốm, rạch này bị lấp đi một phần khi xây xất khu Chợ Lớn
mới. Cho đến ngày nay, điển “Prei Nokor” đẻ ra Việt danh “Sài Gòn" chưa
lấy làm ổn thỏa. Muốn nói "Prei Nokor" là "rừng gòn" hoặc
"rừng bò" hoặc "xứ ở giữa rừng" đều được. Điển đã "lạc
Ông Bổn", mất căn rồi, thì ai muốn nói sao cũng được. Cắt nghĩa “Sài
Gòn" do "Thầy Ngồnn" của Tàu cũng thông và nghe lọt tai hơn!
Phần 4
- 2 2.Sài
Gòn, nơi tụ tập buôn bán của người Tàu
(Tai Ngon hay là Tingan) tạo lập từ năm
1778 (Đề Ngạn) "Sài Gòn" do người Tàu lập ra nay biến thành Chợ Lớn.
Vị trí của cái chợ này sở dĩ có là vì: Ngoài duyên do đã nói ở trang 44 (tài
liệu Francis Garnier rút trong Gia Định Thông chí), còn
có những nguyên do sau đây:
a. Duyên do chính trị: Khu vực người Tàu lựa may
thay lại trúng ngay giữa khu vực Miên (vùng Phú Lâm) và khu vực Việt (Vàm Bến
Nghé chợ Bến Thành); bất ngờ đây là vị trí "trái độn” giữa hai khu Miên -
Việt. Ngày sau, đức Cao Hoàng xây thành 1790 cũng lựa chỗ cách xa xóm Miên cố ý
để xóm Tàu ở giữa làm trung gian.
b. Duyên do kinh tài: Đây là duyên do quan
trọng nhất. Chợ Lớn ở đầu những mối đường thủy, một xuống Lục Tỉnh, một lên Nam
Vang, một mối là ngả lên Cù lao Phố (Biên Hòa) và một mối theo biển trực chỉ ra
Huế. Duyên do kinh tế nhồi thêm duyên do địa lợi. Danh từ “Đề Ngạn” (đọc giọng
Tàu là Tai Ngòn, Tin Gan). Thầy Ngồnn rất có thể là đầu mối đẻ ra hai chữ “Sài
Gòn". Trước năm 1914, trên con đường Trần Hưng Đạo còn nhiều ruộng nước ao
lầy. Sài Gòn và Chợ Lớn là hai khu riêng biệt, ở giữa là một cái bưng nước đọng
khởi đầu từ nhà ga đại lộ Lê Lợi và đại lộ Nguyễn Huệ, đầu kia phía Chợ Lớn
chót bưng là đầu đường Đồng Khánh (Thủy Binh cũ, rue de Marins). Năm 1916, Pháp
lấp bưng, đổ đất bồi làm đường “Ba Mươi” (tức Galliéni cũ, nay là Trần Hưng
Đạo). Năm 1928, đường Galliéni vừa trải đá xanh lên trên lớp đá đỏ và bắt đầu được
tráng nhựa. Hai bên đường còn nhiều thửa ruộng hoang vu, chiều chiều trời gần
mưa, tiếng dế, tiếng ễnh ương ri rít huềnh hoang, khó biết đây là trung tâm đô
thành hoa lệ. Nhà lụp xụp không hàng lối, mái lá mái tôn (tôle), dân lao động
chen chúc, gái ăn sương đủ hạng. Đầu 1929 có đèn điện giăng giữa chia con đường
làm hai chiều lên xuống. Đường xe điện đặt trung tâm đại lộ, đến năm 1953 mãn
hạn giao kèo khai thác mới chịu dẹp. Năm 1954, gỡ đường rầy và lấp nhựa san
bằng. Phía sau đình Tân Kiểng, gần trụ sở cố vấn quân sự Mỹ đóng (SAMIPIC cũ)
và chỗ nhà ga Pétrus Ký đầu đại lộ Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ) còn gò cao
nghều nghệu: đây là nền cũ xóm Khmer, nếu đào bới ắt gặp đồ cổ tích Miên chắc
hẳn. Một di tích chót, xóm Galliéni cũ vừa mới lấp gần đây. Ấy là khúc Rạch Bà
Đô đụng với đại lộ Trần Hưng Đạo và đại lộ Cộng Hòa (NVC). Chỗ này trước đây
còn là một đường sình lầy nước hôi thúi bỏ hoang. Nay lấp đi, đường sá thêm vẻ
đẹp và hợp vệ sinh, nhưng tránh không khỏi động lòng hoài cổ.
Sài
Gòn của Việt Thuở "đàng cựu" vùng Sài Gòn chánh danh gọi "Bến
Nghé".
Đó mới là xóm Việt Nam. Bến Nghé, tên gọi "Ngưu Chử" tên
khác nữa là Tân Bình Giang; xóm Bến Nghé chạy dài từ khu Chợ Quán tới Hiển
Trung Tự (Pháp dịch "temple de la Fidélité") và chạy đến Thủy xưởng
(Arsenal). Miếu Hiển Trung do đức Cao Hoàng dựng lên để thờ các công thần khai
cơ dựng nghiệp, trong có bài vị mấy trăm cái, gồm có một bài vị thờ người thủy
binh Pháp Matelot Manuel, miễu Hiển Trung vốn ở trong thành Ô Ma (Camp des
mares, có lúc là trụ sở trung ương Cảnh sát). Sau năm đảo chính 1945, binh Pháp
trở lại chiếm cứ thành Ô Ma, và dỡ bỏ miếu Hiển Trung, về sau này không còn
nhìn được xưa ở chỗ nào. Cả ba vùng: vùng Miên (Phú Lâm), vùng Tàu (Đề Ngạn) và
vùng Việt (Bến Nghé) nối liền nhau nhờ rạch, kinh, sông ngòi nhiều hơn bằng đường
lộ đất. Nay dân cư ngày một thêm đông, nhà cửa ngày một thêm nhiều, các đường
thủy đạo bị lấp lần hồi, không dễ gì truy tầm ra manh mối. Cách nay một trăm
năm xe cộ rất ít, đường sá không nhiều như bây giờ. Muốn xê dịch chỗ này qua
chỗ nọ, đường xa dùng võng, cáng, sang nữa thì chạy ngựa thêm mau lẹ, nhưng vẫn
tốn kém khổ cực (ngựa phải đúng giờ cho ăn cho nghỉ dưỡng sức) đã phiền phức
lại nhiều bất tiện. Đường gần, gọn nhứt và rẻ tiền là đi thuyền, ghe lồng, ghe
giàn, tam bản bốn chèo hoặc hai chèo, bình dân hơn nữa là chiếc xuồng ba lá
(chỉ ba tấm ván ghép lại). Khắp Sài Gòn (Bến Nghé) và Đề Ngạn (Chợ Lớn), lối
1860, có rất nhiều con kinh đào tay, tuy bẩn thỉu nhưng thuở đó rất cần ích. Về
sau, lần lần các kinh bị lấp mất dạng hình, nhường chỗ cho Sài Gòn tân thời,
xứng danh hòn "Bửu ngọc Viễn Đông” (La Perle de l’Extrême Orient). Trong
thành nội, xin kể đại lược những cơ quan sau này:
a.
Hành chánh: - Dinh Ông Thượng, vùng cao ráo. - Trường Thi. - Trường tiền (chỗ
đúc tiền). - Hoàng cung. - Pháp trường.
b.
Quân sự: - Cơ xưởng, vùng phụ cận. - Thủy trại (arsenal). - Trường Diêm (kho
đạn, có phải là dinh Tân Xá cũ chăng?). - Cơ dinh. - Mô súng (đồng Tập trận). -
Khu lương thực (Cầu Kho).
c.
Phố xá: nhà cửa dân cư ở vùng thấp có các rạch con nối liền nhau.
d.
Phía xa vô lần trong Chợ Lớn: Phố Hoa kiều (trong bản đồ Pháp đề “Bazar
chinois”), có phải Đề Ngạn đây chăng? Theo cuốn "Annuaire de la
Cochinchine" in năm 1865, hồi Tây mới qua, vùng Sài Gòn đếm được bốn chục
làng ở dài theo sông Bến Nghé và chung quanh Quy Thành. Trong bài khảo cứu của
cụ Trương Vĩnh Ký "Souvenirs historiques", cụ thể đại lược chung
quanh Sài Gòn xưa có những làng như Hoa Mỹ, Tân Khai, Long Điền, Mỹ Hội, Nam
Chơn, Long Hưng, Cầu Kho, Chợ Quán, Tân Kiểng, An Bình, Hòa Nghĩa, (Trƣờng Thi)
v.v… Nay ta thử dạo một vòng thành phố Sài Gòn xưa, lối sinh thời cụ Trương
Vĩnh Ký, và bắt đầu từ cơ xưởng thủy quân kể lần hồi vô trong Chợ Lớn, thì: Từ
mé Rạch Thị Nghè (Avlanche) tên chữ "Bình Trị Giang" kể lần hồi vô
kinh Bến Nghé (Arroyo chinois), tên chữ "Ngưu Chử hay Tân Bình
Giang", có cả thảy bốn ấp:
1.
Xóm Hòa Mỹ, tức xóm Thủy trại (Arsenal).2. Xóm Tân Khai.
3. Xóm Long Điền.
4. Xóm Trường Hòa, giáp với đường Công Lý (NKKN).
Thành
phố Sài Gòn thuộc vùng đất thôn Mỹ Hội, bắt từ mé kinh cây Cám chạy đụng ranh
làng Tân Khai. Tân Khai, tục danh là Chợ Sỏi, hoặc Vàm Bến Nghé, ranh đất ăn
giáp đường Trường Tiền (đường mé sông lối Cầu Mống). Hồi đàng cựu, đường mé
sông nhà cửa đông đúc lớp trên bờ, lớp dưới mé nước, chạy dài chen khúc khít
nhau. Khúc sông Bến Nghé ngay lối rạch Ông Bé sấp vô trong Chợ Lớn, có xóm tên
gọi "Lò Vôi". Đời xưa, ông xã trưởng làng Mỹ Hội, nhờ trong vùng đất
có xây thành trì, cũng như ngày nay chức đô trưởng (1960), nên oai vệ không xã
trưởng nào bì kịp. Xã trưởng làng Mỹ Hội, chức tuy nhỏ nhưng đặc cách ngang
hàng Cai tổng đương thời ấy, và được đặc ân đội mão trái bí (Souvenirs
historiques). Mỗi khi làng Mỹ Hội chạy sớ xin xây cất đình chùa hoặc làm lại
hay tu bổ công sở, khi sớ tâu đến kinh, bận về vua phái một khâm sai đại thần
mang vào năm quan tiền kẽm và vài món tặng phẩm khác đựng trên một mâm sơn son thếp
vàng "vật khinh hình trọng "ơn vua lộc nước", bấy nhiêu đó đủ
phình mũi dân đen! "Đông đảo thay phường Mỹ Hội, Sum nghiêm bấy làng Tân
Khai. Ngói liễn đuôi lân, phố thương khánh tòa ngang tòa dọc. Hiên sè cánh én,
nhà quan dân hàng vắn hàng dài. Gái nha nhuốc tay vòng tay niểng, Trai xênh
xang chơn hớn chơn hài…" (Cổ Gia Định vịnh, tương truyền do ông Ngô Nhơn
Tịnh soạn, bản in Trương Vĩnh Ký, 1882, trang 5). Xóm Hàng Đinh (bán đinh) ở
lối vườn chơi trên con đường Tự Do, đường này đã có từ thuở cựu trào, nhưng nhỏ
bé và quê mùa lắm. Từ mé sông đến dinh Thượng thơ (Direction de l’Intérieur) có
mấy chòm cây cau suôn đuột chen chúc gần xóm nhà lá lụp sụp; lối năm 1860, gần
đường Nguyễn Văn Thinh (d Ormay cũ) người ta còn thấy một ngôi chùa cổ, mái uốn
cong quớt như cặp sừng, cạnh bên có một quán rượu tây của bọn lính Pháp, ban
ngày che màn trắng phếu. Trước Tòa Đô chánh hiện nay (1960) thì thuở ấy có con
kinh nhỏ, trên có xây một cái cống, gọi "Cống Cầu Dầu" vì tại xóm
chuyên môn bán dầu phộng để ăn và để thắp đèn. Con kinh này, Tây đến thì lấp
đi, thay vào con đường Charner cũ, hồi đó cũng gọi là "Đường Kinh Lấp”.
Ngã tư Kinh Lấp đụng với con kinh về sau biến thành Đại lộ Bonard (nay là Lê
Lợi) hồi mồ ma thời Pháp, vẫn là xóm sang trọng nhất. Tại chỗ bồn nước ngay ngã
tư này, hồi đó có xây một cái bệ cao hình bát giác, vào khoảng 1920 tôi lên học
Sài Gòn còn thấy tận mắt. Mỗi chiều thứ bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá
trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức. Ngày nay, nhạc Pháp, nhạc Mỹ nghe
nhàm tai, các rạp chớp bóng, máy hát và máy radiô "dọn ăn” đến chán bứ ê
chề, chớ thuở ấy, làm gì mà được nghe nhạc ngoại quốc cho đã con ráy. Họa chăng
tụi nào dám lết lại gần nhà hàng "Continental" dành cho "khách
Tây" ăn (đường Đồng Khởi), nhà hàng Pancrazi trên đường Bonard (Lê Lợi),
và chỗ ngã tư Bồn Kèn này mới được thưởng thức. Tương truyền ông Huỳnh Mẫn Đạt
đã gặp ông Tôn Thọ Tường và hai đàng đối đáp nhau bằng hai bài thơ bất hủ cũng
tại chỗ này tục danh "Bồn Kèn". Ông Huỳnh Mẫn Đạt, là người Rạch Giá,
thi đỗ cử nhân, làm quan trào Tự Đức, chức đến tuần phủ thì xin hưu trí vì
không khứng ở lại giúp Pháp. Một buổi chiều kia, ông lên Sài Gòn chơi, ông đội
nón ngựa - thứ nón như nón lá nhưng kết bằng lông chim, dùng khi cưỡi ngựa -
ông đứng coi lính Lang sa thổi kèn, xảy gặp ông Tôn Thọ Tường ngồi xe song mã
chạy trờ tới, ông lật đật núp gốc cây không cho ông Tường thấy nhưng ông Tường
đã lanh mắt nhảy xuống xe mừng rỡ. Hai người ứng khẩu như vầy: Huỳnh Mẫn Đạt xướng:
Cửu mã năm ba đáo cặp kè, Duyên sao (duyên đâu) giải cấu khéo đè ne. Đã cam bít
mặt cùng trời đất, Đâu dám nghiêng mình với ngựa xe. Hớn hở trẻ dung dường dặm
liễu, Lơ thơ già núp cội cây hòe. Sự đời thấy vậy thời hay vậy, Thà ẩn non cao
chẳng biết nghe. Tôn Thọ Tường biết ý, ngâm trả lại một bài thơ như sau: Tình
cờ xảy gặp (gặp gỡ) bạn tiền liêu, Thi phú ngâm nga hứng gió chiều, Thế cuộc
đổi đời càng lắm lắm, Thiên cơ mầu nhiệm hãy nhiều nhiều, Nước non nhường ấy
tình dường ấy, Xe ngựa bao nhiêu bụi bấy nhiêu. Hăm hở nhạc Tây hơi trỗi mạnh,
Nghe qua ngùi nhớ giọng tiêu thiều. Tài liệu theo "Điếu Cổ hạ kim” Nguyễn
Liên Phong soạn, bản 1925, trang 40-41 "Bồn Kèn" cũng còn là một danh
từ để gọi bọn du côn ở xóm này, phần nhiều là tay dọn bàn, nấu ăn cho các quan
Lang sa, thường hay cậy thế thần của chủ, hống hách hung hăng, tự xưng là
"Anh chị Bồn Kèn" và hay gây ăn thua đánh lộn hoặc đâm chém với du
côn xóm khác như “Xóm Dọn Bàn" (Paul Bert cũ), "Xóm Khánh Hội"
(Anh chị Bến Tàu), hoặc du côn "Mặt Má Hồng" (đường Mac Mahon) hay
“Lăng Xi Bê" (đường Blanscubé). Thuở ấy dân anh chị chưa có "chó
lửa" (súng lục, súng sáu) như bây giờ. Họ nói chuyện với nhau chỉ bằng tay
sắt, củ chì, roi gân bò, hoặc dao tu, miễn là đủ ăn thẹo trên mặt là cùng… nhưng
họ có thói ưa xăm mình và tâng bốc nhau bằng danh từ "đại ca” như trong truyện
“Thủy Hử” hay trong các truyện Tàu khác. Có người xăm tích “Võ Tòng đả hổ”, người
xăm câu thơ răn đời: “Hoạn nạn bất ly chơn quân tử, Lâm nguy bất cứu mạc yên
hùng". Có kẻ xăm bùa chú, bùa "gồng", người xăm hình ý trung
nhơn hoặc con "đầm” lõa thể, thậm chí có người vào khám đền tội hung hăng,
khi ra đem về kỷ niệm một vài câu chữ Pháp như: "La richesse attire les
amis" xăm trên vế hữu. "La paivreté les éloigne" xăm trên vế tả
(định chừng anh chàng này đã bị một vế bạn bè phũ phàng chi đây). Có một anh,
tôi được gặp, xăm khắp thân thể không chừa một da non: hai bắp tay những câu
chữ nho: "Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc Hậu lâm nguy bất kiến đệ
huynh”. Giữa ngực xăm một con rồng đoanh… đặc biệt nhứt là sau lưng, trên đề:
“République francaise” dưới thêm câu: "Viva la France" và mấy con số
"1914 - 1918", hỏi ra anh là một lính "chào mào" từng dự
trận châu Âu đại chiến. Danh từ "du côn" có lẽ do tích bọn này,
nguyên là bọn du thủ du thực, tay thường cầm một "đoản côn” (côn vắn) bằng
sắt, đồng hay gỗ trắc để hộ thân, về sau vì có lệnh cò bót cho bắt những kẻ tay
cầm gậy hèo nên họ đổi lại, để dễ chạy án, cầm một ống tiêu bằng đồng để khi
hữu sự dùng làm binh khí hoặc khi nào cao hứng chè chén no say thì mượn đó thổi
hơi phù trầm, kể "thơ Sáu Trọng", "thơ thầy Thông Chánh bắn Biện
Lý Tây ở Trà Vinh", hoặc "thơ Cậu Hai Miêng" con của Lãnh binh
Tấn. Về danh từ "Bồn Kèn", thuở nhỏ tôi có được nghe đám con nít chợ
Sóc Trăng hát như sau: "Ác-táp lách Sô-cu-la Canh-ti-na Bồn Kèn",
hoặc thông thường nhứt và vỏn vẹn nhứt là hai chữ sau "Bồn Kèn" hay
"Bồ Kề" để chế nhạo lẫn nhau. Xét ra người Triều Châu có một danh từ
"Bồ Ền" (bất an) để nói với nhau khi gặp một việc gì không may? Hai
tiếng này nghe tựa tựa như hai tiếng "Bồ Kề". Câu trên có thể nói là
"đồng diêu" được chăng? Một điều tôi biết chắc là nó có trước năm Âu
chiến 1914 - 1918. Lúc nhỏ tôi cũng bắt chước anh em la hát theo như vậy nhưng
kỳ thật không hiểu đó là nghĩa gì. Về sau khi lên học trường Sài Gòn, tôi được
nếm mùi tấm tablette de chocolat bán tại góc đường Catinat và Bonard gần
"Bồn Kèn" tôi mới thấy có lẽ câu này thuở ấy; à một món quà sang
trọng hiếm có được đem về xứ quê, chợ Sóc Trăng yêu mến của tôi, nhưng bởi phát
âm không rành nên nghe trại bẹ như vậy chăng? (“Ác-táp lách Sô-cu-la Canh-ti-na
Bồn Kền” phải chăng là "la tablette de Chocolat… Catinat… Bồn Kèn")
"Bồ Kề" dưới xứ Sóc Trăng của tôi, thường được dùng đồng nghĩa với
danh từ “lêu lêu mắc cỡ". Tháng 8 năm 1962 tôi gặp lại bạn cũ ở Sóc Trăng
là anh Từ Ngươn Đông, anh mách tôi rằng câu: “Canh-ti-na Bồ Kề” do điển
“Candidat bồ-ền” là tích anh Long em của Quách Xên, đi thi sơ học năm 1928 rớt
nên đó là "sĩ tử bất an" ("bồ ền" tiếng Triều Châu là
"không tốt"). Tôi cũng nhớ gần năm mươi năm về trước, tại châu thành
Sóc Trăng có một ông già người Huê kiều đầu giát tóc bím, ông người cao lớn
dềnh dàng, bình nhựt hiền như Phật, nhưng khi có một đứa trẻ con nào dám nói trước
mặt bốn tiếng vô nghĩa lý: "Bổ cu ông già", thì ông giận dữ, đỏ mặt
tía tai, chạy theo lấy ống điếu tre bổ “tưới hột sen” trên đầu, vừa khỏ vừa
chửi “L… má mầy! Thằng Xích câm xa”. Ấy đó: “bổ cu ông già" là
"beaucop ông già". "Xích câm xa" chỉ là "c’est comme
cà". Những danh từ vô tội mà đã khiến nhiều bạn đã bị ông già này rượt
nhiều lần như tôi, ai đó xin lên tiếng, chúng ta sẽ hiệp hội ăn mừng và
"bồ kề" một bữa! a) - Dinh Thự, Công sở… Kinh Rạch Từ Cột Cờ Thủ Ngữ…
Dài theo bờ sông Bến Nghé, nhà phố dân cư đều cất bằng gỗ tạp, tre nứa và lợp
bằng lá "cần đóp” (lá lợp nhà chằm theo kiểu Cao Miên) hoặc lợp bằng
tranh. Nhà thì làm theo kiểu nhà sàn, nửa phần ở trên đất liền day mặt ra lộ,
nửa phần de ra mặt nước, tắm rửa giặt giũ rất tiện, thêm được cái vừa rẻ tiền
vừa hạp vệ sinh. Cuối đường Tự Do, tại bến đò qua chợ Thủ Thiêm thì có "Thủy
các" và "Lương tạ" là nhà tắm của vua, cất trên bè tre. Chỗ này
đời xưa gọi là "Bến ngự" và. Gần bên nhau có con đò chèo tay đưa rước
bộ hành qua lại Thủ Thiêm. Nay bến vẫn còn, duy cô lái đò ngây thơ đẹp đẽ đã
thay vào bằng một động cơ ráp trên một chiếc phà chậm chạp, xục xịch tối ngày
trên dòng sông bạc. Cô lái đò mỹ miều đã đi đầu thai qua nhiều kiếp khác, có
còn chăng là câu hát truyền tụng đời đời: "Bắp non mà nướng lửa lò, Đố ai
ve được con đò Thủ Thiêm!" Xưởng đóng tàu chiến cũng ở Thủ Thiêm, đối diện
với cơ xưởng Thủy quân. Bởi thường có tàu chiến đậu tại đây, nên xóm này cũng
gọi là "Xóm Thủy trại" nhưng bởi dân ta quen nói tắt nên ưa gọi là
"Xóm thủy" lâu ngày cũng quen tai. Xóm này cũng gọi "Xóm Tàu
Ô" vì đây là trụ sở của bọn Tàu thường trương buồm đen. Chữ là "Tuần
hải đô dinh” nghe oai vệ nhưng toán quân này, tiếng là quy thuận chúa Nguyễn,
có phận sự tuần tiễu ngoài biển cả sông ngòi và tu tạo chiến thuyền nhà vua nhưng
tính cũ khó chừa, rõ là quân cướp biển gặp dịp sơ hở là ra tay, bất luận đối
với quân Tây Sơn hay phe Nguyễn chúa. Dân gian đều gớm mặt, đêm đêm trẻ nhỏ
nghe gọi hai tiếng "Tàu Ô" là nín khóc. (Tại hãng Denis Frères đầu đường
Tự Do, khi bước vô cửa lớn, lên một từng nấc thang, khách sẽ thấy gắn trên tường
vài cây súng đồng cỡ nhỏ nạp đạn đàng miệng và châm ngòi hỏa mai phía sau đuôi,
súng đồng này tiếng nổ dữ hơn tai hại gây ra, nhưng thuở ấy nghe đủ bay hồn, đủ
làm bọn Tầu Ô kiêng oai lánh mặt). Ngang Thủ Thiêm, bên này bờ sông là cơ xưởng
thủy quân, trước kia quen gọi với danh từ ngoại lai "Ba Son". Nguồn
gốc hai chữ "Ba Son" cũng ở trong vòng định chừng. Một thuyết cho
rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Mare aux poissons” gọi tắt lại; đành rằng thuở
trước kia giữa Arsenal (tên gọi vào những năm 1960 của cơ xưởng Thủy quân) có
một con kinh đào tay, nhỏ nhưng rất nhiều cá tôm, thuở ấy người Pháp thích câu
cá tại đây, về sau xẻo nhỏ lấp đi nhưng danh vẫn còn, cho nên sự Việt Nam hóa
tiếng Pháp "mare aux poissons" ra tiếng Việt "Ba Son" có
phần đứng vững. Theo thuyết khác lại đổ thừa hồi xưa (đời Bà cổ Hỷ nào đó) đã
có một anh thợ nguội tên "Son" là con thứ ba, vô làm sở này, rồi lấy
đó đặt tên cho sở nọ, thuyết này vô căn cứ, theo tôi, phần chắc là do mấy bác
túng đề cắt nghĩa gượng và xin chừa cho cô hồn phóng sự giải quyết. Thuyết thứ
ba thì cho rằng "Ba Son" do danh từ Pháp "Bassin de radoub"
mà có. "Bassin" "Ba Son", theo tôi cũng có phần đứng vững
như thuyết thứ nhất “mare aux poissons”. Theo quyển “Promenades dans Saigon”,
tác giả, bà Hilda Arnold ghi, rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên bảy
triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái ụ tàu "bassin de radoub"
này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến tàu buôn tại đây khỏi đem về Pháp
quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy, nên cái "bassin de
radoub" giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay. Về danh từ "Dinh Thượng
thơ" gọi thay danh từ "dinh Đổng lý nội vụ” (Direction de
l’Intérieur) truy ra dinh này cất xong năm 1864, tôi đã có nói trong đoạn trước.
Từ năm 1946, trở nên "Dinh Thủ hiến Nam Việt" rồi "Tòa Đại biểu
Nam Phần”, sau đó là "Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa". "Dinh Thống
đốc Nam Kỳ” buổi trước quen gọi là "Dinh Phó Soái" vì chức Thống đốc
hồi Tây mới qua vẫn nằm trong tay võ quan chức phong
"Lieutenant-Governeur". Đến năm 1878 mới có nghị định bãi chức
"Phó Soái võ" và giao quyền cai trị cho Thống đốc (văn quan). Thống
đốc đầu tiên Le Myre de Vilers. Nay Le Myre de Vilers đã chết ba mươi đời vương,
duy còn lại một đầu xe lửa trước chạy đường Sài Gòn - Mỹ Tho, mà mới đây đã
giải bản cho về chở củi! Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Vilers vừa ho vừa
khạc ra khói vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu
Bến Lức, trèo lên tuột xuống, lên dốc không nổi… trối kệ, xe cặp bến cũng còi
cũng "xả hơi" ồn ào oai vệ khiếp? Năm 1864, người Pháp lập vườn Bách
thảo. Giám đốc, ông Pierre là một nhà thực vật học kỳ tài. Ông sanh năm 1833,
mất năm 1905, làm giám đốc vườn Bách thảo từ 1865-1877. Năm 1865, kiểm tra dân
số Pháp kiều tại Sài Gòn, đếm được vỏn vẹn năm trăm bảy mươi bảy (577) trự
trong số đó có tám mươi (80) thuộc phái đẹp. Vì thế cho nên mỗi lần gánh hát
Lang sa qua diễn, vừa hay tin thì các tay có máu mặt lật đật xin giấy phép đua
nhau đáp tàu qua Tân Gia Ba (Singapore) để lựa mỹ nhơn và kén chọn ý
trung nhơn. Còn lại những bọn kém xu không làm như vậy được hoặc vì phải làm
việc trong thâm sơn cùng cốc như Tây đoan, Tây kiểm lâm thì đành lòng tạm gá
duyên cùng "chị hai", "chị ba", "thị mẹt" mà mới
cũ gì cũng đều khép dưới danh từ thơm tho “con gái”! Quên nói rằng từ năm 1863
đã có gánh hát Tây qua diễn tại Sài Gòn đây rồi để giải sầu cho khách viễn
chinh. Ban sơ họ hát tại nhà cây của Thủy sư Đề đốc tại nơi gọi “Công trường
Đồng hồ” (Place de l’Horloge) góc Tự Do và Nguyễn Du ngày nay và lúc ấy thì nhà
thờ lớn (nhà thờ Đức Bà) chưa có. Kế đó nhà hát Tây được dời về xây tạm ở
building Caravelle hiện nay. Còn rạp lớn thì bắt đầu xây dựng lối năm 1898, đến
ngày 1 tháng Giêng năm 1900 ăn lễ lạc thành lớn lắm. Giữa hai trận giặc
1914-1918 và 1939, việc đem gánh hát từ Pháp qua đây diễn có trợ cấp khổng lồ
của Đô thành, bị nhiều người phản đối và có ý muốn sửa làm nhà hòa nhạc (salle
de concert). Về sau nhà hát Tây mất khách ủng hộ vì các tay ăn chơi đều bị các
hộp đêm, các quán cơm có nhạc và có khiêu vũ giúp vui thu hút gần hết, còn một
mớ khác thì lại thích ciné, chớp bóng nói, vừa lạ vừa hấp dẫn hơn. Tháng Tư năm
1888, có vua Cao Miên, đức Hoàng Lân (Norodon) ngự du Sài Gòn. Chánh phủ Pháp thiết
lễ tiếp nghinh trọng thể. Ngài ngự y phục đại lễ Pháp, áo nỉ kết nút kim cương,
nón dưa gang (chapeau melon) có gắn hột xoàn thật lớn, nhưng ngài vẫn giữ chăn
tơ chân mang giầy da láng kiểu escarpin có gắn hột xoàn. Hai Pháp kiều Vandelet
và Farault đấu giá mua “hoa chi” cho cờ bạc hốt me công khai trên Nam Vang từ
1885 đến 1889, vì nhựt trình (báo chí) la quá mới thôi. Bởi muốn không tốn tiền
phụ cấp bạc mặt mà Chánh phủ Pháp nhắm mắt cho làm như vậy, để vua Miên lấy
tiền xâu. Một phụ cấp lạ lùng khác trên Nam Vang là mỗi tháng "Nhà nước"
phát cho vua và các hoàng thân quý tộc một số á phiện của nhà Đoan, không hút
thì bán ra mà xài, hai mối tệ ấy ảnh hưởng rất nhiều đến cách ăn thói ở xứ Sài
Gòn thời đó.
Sông
Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé, chỗ giáp nước là một cái thoi loi gie ra ngoài
sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp thổi vào tư mùa. Người Pháp dựng tại
đây một cột cờ có tên gọi "cờ Thủ Ngữ" (mât des signaux). Sau đây vì
có quán rượu trứ danh chiêu mộ anh hùng mặc khách rất đông, nên bợm rượu đặt
tên rất khôi hài là "Mũi đất bọn tán dóc” (Pointe des Blagueurs) truy ra dưới
thời Nam triều, chỗ này gọi là "trạm Gia Tân": "Gia Tân nền tạm
thuở xưa, Ngày nay có dựng cột cờ gần bên". (Kim Gia Định phong cảnh vịnh,
bản in Trương Vĩnh Ký, trang 7). Trên chót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban
ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen, ban đêm thì treo một ánh
đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh
lổ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn. Nghĩ cho
hồi đời xưa, lúc chưa có xe ô tô lộng lẫy thì đi đó đi đây toàn là "cuốc
bộ", sang lắm mới được xe kiếng, xe song mã v.v… Bởi các cớ ấy nên khúc đường
từ “Dinh Thượng thơ” đổ qua “Dinh Phó soái” rồi ăn xuống tới “Cột cờ Thủ Ngữ”
đã kể cho là xa mút tí tè. Ngày nay còn lại câu hát và tích sau đây: Tiền nhựt,
hồi trước có một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là tay "dọn bàn" tứ chiếng
làm cho Tây, chồng là tụi "nấu ăn” “ba rọi” của Pháp - hai người đụng nhau
chung lưng làm nghề bán đồ lâm vố (do Pháp ngữ “rabiot” tức đồ dư; xưa Thống
chế Joffre ưa dùng danh từ này nhứt). Ngày ngày đôi vợ chồng thay phiên nhau
gánh gồng và đêm đêm mặc dầu mưa gió, anh và chị cũng phải quảy trên vai gánh
"đồ Tây” bán như vậy từ đầu đường Tự Do ngang dinh Thượng thơ (Catinat)
cho đến tận mé sông chỗ cột cờ Thủ Ngữ (Pointe des Blanguers) đợi khi nào nồi,
soong sạch bách thức ăn mới đề huề cùng nhau gánh gánh không về nghỉ. Dè đâu,
cuộc làm ăn vừa khá thì anh chồng biến chứng sanh sứa chuyện nọ kia, mèo mỡ bê
tha, bỏ gánh lại một mình chị vợ đảm đương, cui cút. Tức quá, chị nghĩ ra câu
hát như vầy để tỏ tình: "Thượng thơ, Phó Soái Thủ Ngữ treo cờ, hò, hơ,
Bu-don (bouillon), ỏm lết (omelette), bí tết (beaf steak), xạc xây ờ (sacré),
Mũ ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ! Hớ hơ" Thân làm một mụ già
trầu, một chị bếp dốt nát, ngờ đâu khi tâm hồn bị kích thích quá độ, lại sản
xuất mấy câu bất hủ làm vầy, vừa lâm ly thống thiết, vừa tế nhị, bình dân. Đố
ai sửa chữa hoặc thêm bớt được chữ nào. Ban đầu chị kể đường dài thậm thượt từ
trước dinh Thượng thơ trải qua dinh Phó Soái, đoạn đến bờ sông… kể các thức ăn
gồm hầm bà lằng xạc xây (sacré) và hổ lốn: nào nước xúp bù don, nào hột gà chiên
ỏm lết, nào thịt bít tết, v.v… và v.v… Vừa kể chị vừa nhắc ngày thường chồng vợ
nhỏ to thủ thỉ luận câu đạo đức, té ra mấy câu “đánh đạo khuyên đời” này mới rõ
dẫu chép ra ắt không đầy tờ giấy lộn ra món ăn (menu): khổ ơi là khổ! Nào khi
cực nhọc thức khuya dậy sớm có nhau, bây giờ mới vừa kha khá, ông chồng tôi
đành coi nhẹ tình tấm mẵn với tôi, Trời ơi là Trời! Buổi sơ khởi, hồi Tây mới
qua, đời Đề đốc Thủy sư Jauréguiberry, người Pháp họ xây được một nhà tạm làm
dinh quan Đề đốc, một dưỡng đường để trị bịnh cho các binh lính, một Thánh
đường (1860) để lo về phần hồn, thêm một cái ấn quán để in thông cáo và một số
ít sách vở cần thiết của chính phủ. Bao nhiêu cơ sở ấy đều dựng lên trong vùng
gần nhà thương Đồn Đất. Đến lượt Đề đốc Bonard qua thay thế cho Jauréguiberry,
khi tàu ghé Tân Gia Ba, Bonard đặt thợ làm và chở qua Sài Gòn một sườn nhà toàn
bằng gỗ, về đây dựng tại nền trường Taberd bây giờ. (Bản đồ tòa nhà này còn giữ
kỹ tại Viện Bảo Tàng Sài Gòn). Trước dinh có xây một tòa nhà lầu cũng toàn bằng
gỗ, trên đỉnh lầu có gắn một đồng hồ rất lớn để báo giờ: nhơn đó đặt tên là
"Tour de l’Horloge", nghe được đến. Vị trí cái đồng hồ này ở vùng gần
nhà thờ lớn và đường Gia Long nay là Lý Tự Trọng. Chỗ Thư Viện Quốc Gia bây giờ
thì có Sở Ngân Khố và nhà Bưu Điện. Còn một trại binh sĩ nữa thì tạm nơi gọi là
thí trường, tức Trường Thi hồi đàng cựu (Camp des lettrés), nơi đây ngày nay
còn di tích mấy gốc điệp tây to lớn, do người Lang Sa trồng để che nắng cho
nhóm đánh quần lăn "cổ loa" (boules gauloises). Cạnh bên là đường
Blancsubé và các anh chị xóm này thường vỗ ngực xưng "Anh hùng
Lăng-Xì-Bề". Ngang Thủ Thiêm, gần xóm Thủy trại, có một cầu tàu, tục danh
"Cầu Gọ", cũng gọi "Cầu Quan", vì ở trong xóm có nhiều quan
viên. Trước khi đi đến kho đạn cũ, bọc theo bờ thành gần cửa Đông “Phan Yên
Môn", có một con kinh nhỏ chạy dài ấy là "Kinh Cây Cám" chạy tới
đường Lê Thánh Tôn đi ngang Sở Pháo thủ (Pyrotechnie) qua Sở Công binh thuật
(Génie) là dứt. Con kinh này, khúc nối dài tới Chợ Cũ thì gọi "Kinh Chợ
Vải" vì vải sồ hàng giẻ đều bán tại đây. Chỗ hãng xe ngang nhà hàng lớn
Charner thuở ấy có một cái giếng ngọt, tên gọi "Giếng Chợ Vải". Kinh
Chợ Vải chạy tới mặt tiền tòa đô chính thì dứt. Còn ở giữa khoảng Sở Thương
chánh (Port de Commerce - Sở này có từ 1860) có một con rạch, tục danh
"Rạch Cầu Sấu" vì nơi đây có một cái hầm nuôi cá sấu để xẻ thịt bán
như ta thấy bán thịt bê thịt nai hiện thời. Rạch Cầu Sấu nối liền kinh Chợ Vải
tới một con rạch nhỏ nữa do quan võ Coffyn đào, về sau cả ba con kinh này đều
lấp bằng trở nên đại lộ “Đường Kinh Lấp” chạy từ dinh Đô trưởng tới giáp đường
Công Lý và đại lộ Hàm Nghi (Boulevard de la Somme cũ). Ngay chỗ sở Thương Chánh
(Direction du Port de Commerce) có một cái đồn (fort) và một hành dinh để dành
cho quan đại thần từ Huế vào Sài Gòn có chỗ ăn nghỉ. Tương truyền nơi đây có
một vài ngôi nhà trước kia là chỗ trú ngụ của Thái Thượng Vương, Tân Chinh Vương
và Nguyễn Ánh. (Còn ngay chỗ Viện Bảo Tàng trong vườn Bách Thảo, đời Chúa
Nguyễn Ánh có cất một ngôi nhà riêng cho Ông Bá Đa Lộc ở để dạy Hoàng Tử Cảnh,
gọi là Dinh Tân Xá. Dường như sườn nhà này được dời về cất lại dựa tòa nhà của
Ông Linh Mục ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) như nay còn
thấy. (Sau này hội Cổ Học Ấn Hoa "Société des Etudes Indonchinoises"
có xây một bia đá kỷ niệm ngay tại nền cũ "Dinh Tân Xá", bia ấy ngày
nay vẫn còn, ở về phía tả Viện Bảo Tàng, day mặt ngó ra Rạch Thị Nghè. Tương
truyền đám táng Ông Bá Đa Lộc khởi hành tại nơi đây). Vào năm 1860, chánh phủ
Pháp sửa sang đường sá mở ra rộng lớn và cao ráo, chỗ trải đá ong chỗ trải dá
xanh, nhưng dân gian còn giữ lòng trung thành với triều đại cựu, còn lánh nạn
có ý chống Pháp, nên dầu ở rải rác lơ thơ, cùng chẳng đã, và quang cảnh Sài Gòn
thời ấy có thể nói gần giống một bãi tha ma chen kinh rạch chằng chịt chớ không
hoa lệ như ngày nay chút nào. Các nhà dinh Lang sa lúc ban sơ đều dùng toàn cây
gỗ và xúm xít chung quanh chỗ Ngân Hàng Quốc Gia ngày nay (Banque de l
Indochine cũ). Những con đường như Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), de la
Somme (Hàm Nghi), Pellerin xưa kia đều là kinh rạch sau này lấp đi, tức nhiên
buổi đó đi đến đâu cũng gặp toàn nước và nước. Ngay chỗ Chợ Mới Sài Gòn là một
ao sình lầy, Pháp gọi "Marais Boresse", chính ngay chỗ Khám Lớn đã
dẹp bỏ, bọc theo đường Lê Thánh Tôn, ta còn thấy cuộc đất thấp hơn đường Gia
Long (Lý Tự Trọng) chẳng hạn và hễ đào xuống vài thước sâu là gặp sình non đen
nhầy, muốn xây cất nhà phố vững bền phải nhiều tiền và nhiều công xây nền móng
kiên cố. Ngay tại chỗ Tòa Tạp tụng và Phá án (1960), gần Chợ Cũ hiện nay, trước
kia có một ngôi Thánh đường, gọi “Sainte Marie Immaculée” ăn lễ lạc thành tháng
5 năm 1863, sau phá đi nhường chỗ cho Tòa Phá án. Cũng nơi đây xưa là pháp trường,
lúc ấy tả đao còn sử dụng đại đao chém tay chớ chưa dùng gươm máy. Hai cây đại
đao này mấy chục năm trước còn thấy treo trên vách phía sau chỗ ngồi của viên
chúa ngục Pháp Agostini, tại Khám Lớn cũ Sài Gòn. Dinh Tổng thống, dinh cựu Phó
Soái, Tóa Pháp đình đường Công Lý đều do nhân công nhà binh Lang sa xây cất,
thợ Tây xây gạch và làm đồ mộc, phu gánh đất đều là san đá, phu người Việt cũng
có nhưng rất ít. Trong bộ ký ức lục (Souvenirs) của ông Doumer kể lại thì giá
tiền xây dinh Toàn Quyền (Phủ Tổng Thống) là bốn triệu quan tiền Tây, tức một
số tiền to tát vào thời ấy (Souvenirs d’Indochine, Doumer, trang 70). Cái nhà
ba tầng lầu ở góc Tự Do - Gia Long (Đồng Khởi - Lý Tự Trọng) bấy giờ cũng là Sở
Trước Bạ, vào đời mới xây, có danh tiếng cao nhất, cho đến nay người Trung Hoa
còn gọi tòa nhà aasy là "Xám xừng lầu" (lầu ba tầng). Ngoại trừ những
dinh thự của Chánh phủ tu tạo, những nhà kiên cố nhất thời ấy kể ra thì có: -
Nhà thờ Đức Bà. - Nhà Dòng tu sĩ (Presbytère). - Nhà Phước Sainte Enfrance. -
Nhà Dòng Saint Paul de Chartres, nhà này tương truyền do ông Nguyễn Trường Tộ
ra kiểu và coi xây dựng. Còn trường dạy các quan cai trị (tham biện) danh gọi
"collège de Interprètes" thì xưa ở chỗ gọi nhà trường Sở Cọp, sau này
xây thêm rộng lớn trở nên trường Sư Phạm, tục danh trường Nọt Manh (Ecole
Normale Des Institueurs) rồi là Dưỡng đường Chi Lăng, kế nay là Tổng Giám Đốc
học vụ và trường trung học Võ Trường Toản. Trường Collège des Stagiaires
(Collège des administrateurs stagiaires) dùng để đào tạo quan cai trị thuộc
địa. Giáo sư gồm nhiều nhà thông thái như Luro, Chéon, Trương Vĩnh Ký (Sĩ Tải),
Trương Minh Ký (Thế Tải), v.v… Kể về nhà tư gia và tiệm buôn bán lớn thì năm
1863, có hãng Denis Frèrs, nay còn thấy y như chầu xưa từ mé sông chạy theo đường
Tự Do đến đường Ngô Đức Kế mới dứt. Các nhà buôn khác thì nay đã không còn nên
không kể làm chi choán giấy. Sau Nhà Thờ Nhà Nước, đường Duy Tân, chỗ Công trường
Kỷ niệm Chiến sĩ Trận vong, vào năm 1778 có xây một lầu chứa nước rất kiên cố
và cao nghều nghệu, có thang khu ốc lên tận đỉnh chót. Thời ấy đã gọi là kỳ
công kiến trúc, in hình bưu thiếp đề là "Château d’eau de Saigon". Về
sau, dân cư ngày một thêm nhiều, hồ cung cấp nước không đủ, nên đã bị phá bỏ
vào năm 1921. Những kiến trúc khác như Sở nấu nha phiến đường Hai Bà Trưng, Cầu
Mống qua Khánh Hội, Cầu Quây qua bến Nhà Rồng, xưa lập năm nào tôi truy không
ra.
b) Từ lộ mé sông vào
Chợ Lớn. Con đường dài theo mé sông chạy thẳng vô Chợ Lớn, người Pháp đặt là
"Route Basse" (ta đồng thời cũng gọi là Đường Dưới) để đối chiếu với
đường “Route Haute” (ta gọi Đường Trên). Đường Trên trở nên con đường Võ Tánh
(nay là Nguyễn Trãi). Con rạch dài theo Route Basse, chính là rạch Bến Nghé. Từ
ngày Pháp sang đây, đố kỵ danh từ Bến Nghé là một, hai là thấy dọc theo rạch có
nhiều nhà cửa người Tàu, di tích sót lại của xóm dân Minh triều sợ Tây Sơn về đây
lập vùng Đề Ngạn (địa đồ cũ của Pháp ghi Bazar Chinois), nên đặt tên rạch lại
là "Arroyo chinois". Theo Gia Định thông chí, Trịnh Hoài Đức kể lại,
thời đại Miên triều, xửa xưa, chỗ này vốn cây cối rậm rạp. Một bầy trâu rừng từ
đâu kéo đến tụ hội nơi dây, nửa đêm trâu mẹ lạc mất nghé con; canh khuya lặng
lẽ rống kêu con mấy tiếng vang rền: "Nghé ọ! Nghé ọ" nghe trả lời
văng vẳng đâu đây, nghe vậy mà tìm hoài không thấy bóng thấy tăm, trâu mẹ nóng
tình mẫu tử, hiệp sức với đoàn trâu cổ, ruồng phá suốt canh thâu. Rạng đông,
con rạch đã khai thông, lấy tích ấy đặt tên "Kompong Krabei", sau này
ta dịch "Vàm Bến Nghé" chữ viết là "Ngưu Chử". Còn danh từ
"Nhà Rồng" là do tích trên nóc nhà hãng tàu chạy biển (Pháp gọi Messageries
Maritimes) có gắn đôi rồng bằng đất nung tráng men xanh, ngày nay còn sừng
sựng. Nhà này tạo lập hồi Pháp vừa qua đây, nay gần đúng trăm tuổi, nhưng nghe
đâu sẽ phá nhường chỗ cho một dẫy lầu chọc trời. Thuở ấy, hai bên rạch Arroyo
Chinois nhà sàn cất san sát, dân cư trù mật, nhưng khúc chợ sung túc hơn cả thì
ở vào khoảng từ cột cờ Thủ Ngữ chạy đến cầu Mống mút đường Công Lý, xóm này có
tên riêng là "Dãy Thầy Bói" cũng gọi là "Đường Thợ Tiện”.
Đây là dãy nhà đẹp nhứt thuở “cựu trào" phong lưu nhứt đời đó, vừa giàu
vừa sang. Mà có chi đâu cho đáng danh từ vừa đẹp vừa sang: thay vì cột tạp cột
tràm là được bộ cột gỗ danh mọc gõ, cẩm lai, mây núi; thay vì lợp lá lợp tranh thì được nóc lợp ngói; thay vì vách ván vách đất, được vách có phong tô
hẳn hoi, chỉ được bấy nhiêu ấy mà đã gọi giàu sang tột bực, mấy chú nhà quê
buổi đó đi ngang dừng chân hít hà: "Hứ! Nhà gì cột bóng ngó thấy mặt, vách
rờ mát tay!"; không bì như bây giờ, nhà cao chọc trời còn muốn cao thêm,
sẵn thang máy rút, phòng có máy lạnh còn chê chưa vừa ý muốn! Xưa người thưa
đất rộng, xây nhà đếm căn, nay đất ít đông người, xây nhà kể từng, xưa một cắc
một thước vuông đất chợ, mà dân không có tiền mua, nay đất ngoại ô mấy trăm mấy
ngàn một thước cũng có người tậu để dành làm giá, ngày sau khi bán dễ siết
họng. Từ Cầu Mống chạy giáp chợ Cầu Ông Lãnh là địa phận làng Long Hưng Môn,
nhà cất tấp nập chen chúc theo mé sông. Trong tập khảo về Tôn Thọ Tường, ông
Khuông Việt có ghi rằng nhà Tôn Thọ Tường ở làng Nhơn Hòa Xã, ranh giới làng
này chạy từ Rạch Cầu Kho đến đại lộ Kitchener và căn cứ theo Tôn Thọ Võ, con
nuôi thứ hai của Tôn Thọ Tường thì ngôi nhà này tọa lạc tại ngã ba dưới Cầu Ông
Lãnh phía Chợ Lớn gần dinh Lãnh sự Việt Nam Nguyễn Thành Ý, và gần nhà ông Trần
Ngươn Vị. Tôn vay ba trăm đồng bạc “con ó" (piastres mexicaines) của trạng
sƣ Blanscubé, tờ vay bạc có thông ngôn Janneau chứng kiến để xây cất nhà này.
Về sau Tôn mất, con là Thọ Võ bán nhà một ngàn quan tiền Lang sa (trang 54-55,
Tôn Thọ Tường, Khuông Việt). Nhà Tôn có treo đôi liễn "Anh hùng hà xứ bất,
Quân tử kiến cơ nhi". Con đường Boresse cũ (nay là đường Yersin) thời đó
là một con đường kỳ lạ nhứt. Hai bên đường chòi lá lụp xụp, ẩm thấp, bầy hầy.
Đây là xóm Mọi Lào, trong số Chàm, Miên, Lào đều có, đời đàng cựu bị bắt bán
mọi, nay người Pháp đánh đòn tâm lý, ra lịnh phóng thích và cho phép tụ họp nơi
con đường này. Họ sanh nhai bằng nghề ít vốn là lên rừng đốn lá dừa nước đem về
đương gàu lá để múc nước giếng. Sau này bọn Mọi Lào đều chết già hoặc chết lần
mòn hoặc giả di cư theo con cháu đi làm ăn xứ khác. Đường Borresse cũng như
đường Lefèbvre, đổi lại một nghề mới không thua sự quái gở là gái mãi dâm làm
ăn công khai ngoài đường từ chạng vạng nhá nhem cho đến khuya lơ khuya lắc, tụ
tập ngoài phố lả lơi níu kéo, bày trò khả ố, má trét phấn chì môi bết giấy khói
nhang, đem đổi rẻ một hai hào bạc. Cô nào tốt số gặp khách sộp cho năm cắc một
đồng bạc, còn coi quý hơn tờ giấy bạc một trăm hai trăm bây giờ; qua ngày sau,
tiếng đồn rùm, tặng đó là "huê khôi" phở lở! Danh từ "đ… Bồ Rệt”
có thua gì danh từ "Anh chị Bồn Kèn". Năm 1913, xã trưởng Cuniac sai
lấp ao lầy "Marais de Boresse" và xây cất tòa Chợ Mới. Bọn gái mãi
dâm châu Âu, gồm gái tứ chiếng: Hy Lạp, Lỗ Mã Ni (Rumanie), Ba Nhĩ Cán (Balkan)
không ưa gần gụi gái "Bồ Rệt", lập riêng xóm Bình Khang đường
Fillippini, d’Espagne và Mac Mahon. Chiều chiều lính sơn đá cười giỡn
trêu đùa ngoài đường, đánh ma ní tay tư (Mannille à quatre) thua phải trả bốn
cốc khai vị (consomation), vừa đúng 8 cắc bạc (0$80) đã là sạch túi! (Bạc quan
thời ấy tính một đồng bạc Đông Dương ăn 2,15franc đến 2,20franc). Góc Bồn Kèn
tứ diện có bốn nhà hàng rượu tây, ăn khách từ sáu giờ chiều đến hai giờ khuya,
sau dẹp dần chỉ còn lại quán Pancrazi là giỏi chịu đựng nhứt. Quán Café de la
musique ở góc đường Tự Do và Lê Lợi ngang Nhà Hát Tây, năm 1905 sang cho lão
quán Pancrazi, kế biến thành nhà thuốc tây Solirène, rốt lại là nhà bán kem Givral.
Cái Cầu Quan đã nói nơi đoạn trước, chính ở gần con đường Bồ Rệt, đúng ra đường
Kitchener, chỗ ấy nay còn một ngôi đình, một rạp hát bội còn giữ tên xưa
"Đình Cầu Quan" và "Rạp Hát Cầu Quan" như lúc cựu thời. Còn
gái Nhật Bổn thì tụ tập khỏi Bót Nhì (Commissariat du 2è Arrondissement) Cầu
Ông Lãnh, đóng đô trên dãy lầu ngó mặt xéo qua Bót Nhì. Năm 1914, trước ngày có
tin xảy ra trận châu Âu đại chiến, gái Nhật được mật lịnh bên xứ tự rút lui về
đảo Hoa Đào, từ ấy không trở qua Sài Gòn nữa. Rạch Cầu Quan chạy tới Xóm Lò Heo
là rạch Cầu Ông Lãnh. Gọi làm vậy vì đây có cái cầu bằng cây danh mộc do ông
Lãnh binh xuất tiền ra làm, cũng như trên rạch Thị Nghè, gần vườn Bách thảo, có
cầu Thị Nghè, con gái ông Vân Trường Hầu, xuất tiền ra cất. Tích này nhiều người
biết. Chồng bà là một ông Nghè chính cống; làm lại mục trong dinh Tả quân. Bà
thương chồng, không muốn chồng sang đò cực thân nên tu kiều, âm đức lưu truyền
đến ngày nay, cũng là một gương sáng soi chung thiên cổ. Xóm Lò Heo đi vô một
đỗi là đến “Cầu Rạch Bần”. Nơi đây, năm xưa lối 1920, tôi có quen một vọng tộc
họ Võ. Chủ gia có kể lại cho tôi nghe một chuyện nay. Nơi đây, năm xưa lối
1920, tôi có quen một vọng tộc họ Võ. Chủ gia có kể lại cho tôi nghe một chuyện
nay nhắc lại với cả sự dè dặt là chuyện Võ Phi Loan trong chuyện Lục Vân Tiên,
Ông Đồ Chiểu là "rể hụt" của gia đình này. Bởi mất vợ vì "mù lòa
người ta không gả con" nên ông Đồ không quên ghi lên tờ giấy trắng họ danh
của con người đen bạc. Khỏi chợ Cầu Ông Lãnh một đỗi thì gặp "Cầu
Muối", vì thuở xưa, những thuyền đi biển (ghe cửa) chở muối lại đổi chác
với người Sài Gòn đều đổ bến tại đây. Trong xóm có những kho bằng lá của đàng
cựu dùng chứa muối. Ngày Sài Gòn bị Tây chiếm, binh ta rút lui, bỏ lại đây trơ
trọi mấy dãy nhà xơ xác, mặc tình mưa sa gió táp. Chốn này cũng còn giữ được
một rạp hát bội và một ngôi đình xưa để y tên cũ: Rạp hát và đình Cầu Muối.
Khỏi Cầu Muối thì đến Cầu Kho, rồi đến Xóm Bà Tiệm. Gọi Cầu Kho vì xưa đây là
"Kho Cẩm Thảo" của nhà vua xây để tích trữ lương mễ từ Lục Tỉnh tải
lên cống nạp. Tên chữ khác gọi là "Tân Triêm Phường". Từ Cầu Bà Tiệm
vô xa chút nữa là tới Cầu Bà Đô. Đây là địa phận làng Hòa Thạnh và làng Tân
Thạnh, tục danh "Xóm Lá" (bán lá lợp nhà) và "Xóm Cốm" (bán
cốm, cốm chùi). Bờ sông đối diện cũng trữ và bán lá nên cũng gọi luôn là
"Xóm Lá". Từ Cầu Bà Đô vô xa chút nữa thì đến Cầu Hộc là địa phận
làng Bình Yên. Dân cư tại đây sinh sống bằng nghề đổi chác với ghe cửa và
thuyền buồm từ Huế trẩy vô Nam. Gọi Cầu Hộc làm vậy vì tại đây xưa có một cái
giếng xây miệng vuông vức như cái hộc đong lúa (giếng hộc). Cụ Trương Vĩnh Ký
thuở sanh tiền thường khen giếng này nước ngọt nấu trà thơm ngon không nước
giếng nào bì. Từ Cầu Hộc vô xa chút nữa, thì đến một cái đập gần dưỡng đường
Chợ Quán. Đó là làng Tân Kiểng, tục danh "Xóm Lò Rèn Thợ Vắp". Nhà
thương Chợ Quán cất trên đất thuộc làng xưa "Phú Hội Thôn". Tại đây
có một lò hầm vôi. Khỏi dưỡng đường Chợ Quán một đỗi có một cây cầu dùng làm
ranh giới làng Đức Lập và tiếp theo đó là làng Tân Châu, tục danh "Xóm
Câu" vì dân cư chuyên nghề hạ bạc. Xa thêm một đỗi nữa là làng An Bình
Thôn tục danh "Xóm Dầu", chữ gọi "Phụng Du Thôn" (bán dầu
phộng). Từ Xóm Dầu chạy vô nhà máy xay cũng còn là làng An Bình. Đối diện bên
kia rạch là làng "An Hòa" của phường Vạn Đò. Tại đây có con rạch có
tên "Rạch Bà Tịnh" cầu tại đây cũng gọi là "Cầu Bà Tịnh".
Rạch Bà Tịnh chạy từ nhà máy xay trở ra đường Võ Tánh, đến một cây me đại thọ
thì dứt. Gốc me này lối năm 1952 tôi còn thấy nhánh gốc cằn còi có vẻ cổ thụ
lắm; năm 1957, có việc đi trở lại xóm này thì gốc me xưa đã mất hay là do búa
đô thành đã đi trước tôi rồi? Trước đây, lối năm 1955, “Cháo trắng Cây Me”
tiếng đồn ngon nhất, khuya nào cũng kéo nhóm phong lưu xa mã về cười giỡn nơi
đây! Xa vô trong một đỗi nữa thì tới Vịnh Bà Thuông, rạch này do Phó Tổng trấn
thành Gia Định Huỳnh Công Lý đứng xem đào, hồi năm 1819, rạch chạy từ đây ra
ngã tư. Xóm này là xóm xay lúa giã gạo. Tại đây có một cái giếng nước ngọt hữu
danh, mang tên Pháp là "puits d’Ardan". Cũng lạ: puits d’Ardan trước
kia ở bên kia bờ sông. Sau nước Vịnh Bà Thuông xoáy mạnh và chảy dộng vô giếng
thét lâu ngày ăn đứt mất khuỷnh đất ấy rồi giếng lọt vào giữa vịnh, kế biệt
tích luôn. Bà Thuông chữ gọi Thị Thông. Xưa nơi đây có cầu Thị Thông và An
Thông Hà. Từ Cầu Bà Thuông chạy vô tới Cầu Sắt là làng An Điềm. Nơi đây đột
khởi một đồi đất chỉ vừa bộng giếng, bốn phía nước sông bao vây, tư mùa đục,
mặn, chỉ duy nước giếng tràn lên là ngọt, mát; xét ra mạch nước ở sâu và xa
ngầm đến, tên chữ Tấn Tỉnh. Đời ấy ghe thuyền múc nước chở đi bán xa gần là múc
nước giếng này (Đại Nam Nhất thống chí, Nguyễn Tạo dịch, trang 65). Xóm An
Điềm, mé rạch có tên riêng là "Xóm Chỉ" (xưa bán kim chỉ) nay còn
thông dụng. Cầu Xóm Chỉ bắc qua Xóm Đầm ở bên kia mé rạch.
c)
Bên kia rạch Bến Nghé Kể dài theo bờ rạch là làng: Khánh Hội, Tân Vĩnh, Vĩnh
Khánh, Bình Xuyên và Tứ Xuân (Làng Vĩnh Hội sau này là do các làng Khánh Hội,
Tân Vĩnh và Vĩnh Khánh gộp chung lại). Ranh làng Tứ Xuân đụng rạch Ông Bé, tục
danh là Xóm Te (Te lá giủi dùng để đánh cá. Giủi trong Nam gọi là "nhủi"). Kế đến làng An Thành (sau đổi thành Tuy Thành), làng Bình
Hòa (Thạnh Bình), tục danh Xóm Rớ (Rớ là một thứ lưới có thể cất lên cất xuống
được). Kế đến An Hòa Đông, Hưng Phú (Xóm Than). Trước khi vô đến Chợ Lớn, ngang
Xóm Than, có một giếng gần mé sông, tên gọi "Giếng Hàng Xáo", vì dân
đổi nước đem về nấu ăn vẫn đồn đãi và đua nhau đến giếng này giành giựt đổi
chác: "Giếng Hàng Xáo múc lao xao, Kẻ chở thuyền người chuyên bộ…"
(Gia Định vịnh, trương 9) Xét ra, khi chưa đặt ống nước và dựng nhà máy lọc và
dẫn nước xa về Sài Gòn, thì vấn đề giếng ăn là lợi hại nhứt trong đời sống
người dân thuở ấy. Thậm chí các quan Tây, nhà nào không có hầm chứa nước mưa thì
cũng ăn nước giếng, và giếng nào nước tốt thì nổi danh khắp vùng. Từ Xóm Than
vô Chợ Lớn, hai bên bờ sông, nhà sàn san sát. Chỗ nầày ghe thuyền miền Lục Tỉnh
lên đậu kẹo lền, nào ghe lườn đánh rỗi, bán bánh, kẹo, cháo, v.v… bán đến khuya
lơ khuya lắc, vẫn còn nghe tiếng gái rao hàng lanh lảnh dưới sông, hò, hát,
nghêu ngao, tục gọi: "bán vàm", "bán rổi".
d) Cầu và Kinh
Rạch Vùng Chợ Lớn… Dọc theo kinh Chợ Lớn có nhiều cầu cao cẳng, đặc biệt của xứ
Chợ Lớn, vì cầu rất cao có bực thang bộ hành lên xuống dễ dàng, xe đạp dắt tay
hoặc khiêng vai qua lại không khó, nhưng bất tiện là xe cộ chạy qua không được,
cầu này cốt ý làm ra để giúp người hai bên cầu qua lại bằng chơn khỏi đi đò đi
ghe lâu lắc, duy xe cộ phải chạy vòng ngã khác, còn đường nước vẫn lưu thông,
ghe chài và tàu có thể chun qua lòn lại không trở ngại lắm. Kể sơ là:
1. Cầu
Xóm Chỉ, ngay con đường Tản Đà;
2. Cầu Chợ Lớn, trở vô Chợ Lớn cũ;
3. Cầu Chà
Và, gọi làm vậy vì xưa đây là Phố Chà bán vải;
4. Cầu Xóm Củi;
5. Cầu Ông Lớn
(vì xưa dân không dám gọi tên Đỗ Hữu Phương; 6. Cầu Bót Bình Tây qua Bình Đông;
7. Cầu Ba Cẳng trổ ra đường Cambodge và Yunnan;
8. Cầu có bực thang trổ ra
đường xuống đường Gò Công;
9. Cầu Palikao, (gần đây có nhà giàu bực thứ tư là
Hộ Định); nhưng kể hoài không dứt, chỉ thêm bực trí.
Vậy xin để tạm đó, tạm
thời nhắc lại Chợ Lớn thuở xưa có hai đường thủy thông thương với Mỹ Tho và
miền Hậu Giang, có thể nói là hai đường sanh mạng giúp sự chuyên chở thổ sản và
mễ cốc miền Tây được mau chóng và rẻ tiền.
Phần 4 - 4 1.
Thứ nhứt là Rạch Chợ Lớn nối liền Rạch Cát (Sa Giang) với Rạch
Bến Nghé, do Kinh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) đào năm 1772, và Rạch Lò Gốm.
Tại
ngã ba Rạch Chợ Lớn và Rạch Lò Gốm, có Kinh Vòng Thành (Canal de Ceinture) ăn
thông đến phía sau Đồn Cây Mai. Gọi Kinh Vòng Thành, vì khi người Pháp chiếm
Sài Gòn vào tháng mười một năm 1862, theo dự án Coffyn, thì Đô Đốc Bonard
truyền đào kinh nối liền Rạch Chợ Lớn đến Rạch Cầu Kiệu, để làm cho có một
đường nước bao bọc vùng Sài Gòn Chợ Lớn trở thành như một cù lao. Có cả thảy
bốn chục ngàn nhơn công ra đào kinh ấy, định bề ngang hai mươi thước, bề sâu
sáu thước, băng qua Đồng Tập Trận, dài lối sáu cây số (6km). Nhưng công việc dở
dang thất bại, và Đô Đốc Bonard đành bỏ nửa chừng công tác ấy. Đoạn Rạch Chợ
Lớn, từ Cầu Sắt tới Rạch Lò Gốm, trước kia có Rạch Phố Xếp đào năm 1778, gần
đây đã lấp thành Đại lộ Tổng Đốc Phương. Khúc rạch chạy từ đường Vân Nam
(Yun-nan) đến Cầu Ba Cẳng, (trước hãng xà bông Trương Văn Bền) xưa đào năm
1782. Trên đoạn này có Cầu Sắt, Cầu Đường, Cầu Vân Nam (bắc ngang Rạch đường
Vân Nam), Cầu Khâm Sai (sau cất lại đổi tên là "Cầu Ba Miệng"), và
cầu Phước Lâm, tại đường Xóm Vôi. Cầu Phước Lâm là cầu từ Cầu Sắt đến Rạch Lò
Gốm sau lấp đi trở nên đường Khổng Tử (Gaudot cũ và Bonhoure cũ) thêm một khúc
là đường Trang Tử (quai de Fou-kien) và Bến Xe Đò. Khi lấp rạch thì các cầu
cũng bị triệt hạ. Đoạn từ Rạch Lò Gốm vô Rạch Cát, tại đường Danel (nay Phạm
Đình Hổ) ngay Đồn Cây Mai, có cầu có bực thang, tiếng Pháp là Pont Danel, ta
đặt tên Cầu Công Xi Heo. Kế bên có lò heo Đô Thành, từ ngày lò làm heo được dời
về Chánh Hưng thì trụ sở lò heo sửa lại làm trường học chi nhánh Trường Cây Gõ.
Dọc theo rạch, phía tay trái có con gạch nhỏ của Lò Siêu trên có bắc cầu gọi
"Cầu Khum". Đoạn đường Minh Phụng, bắc ngang qua Rạch Lò Gốm, có Cầu
Cây Gõ. Cầu này khi xưa làm bằng sắt trên lót ván, nhưng hai bên dốc cầu quẹo
xuống đường Lò Gốm và Phú Lâm, cao và gắt, nên thường xảy ra nạn xe kiếng lật
đổ nơi đây. Từ năm 1924, cầu này được đúc lại bằng đá sạn và đã bớt nạn xe ngã.
Nới vô trong gần Lò Lu, thì có Cầu Bà Kế, vì ăn thông với đường Bà Kế, nay là
đường Phú Lâm, và có "Cầu Xây", loại cầu này làm bằng cây lót hai tấm
ván có tay vịn, nhưng từ khi mở con đường Renault và cầu đúc Renault, (nay là
đường và cầu Hậu Giang) thì Cầu Xây đã dẹp. Dọc theo Rạch Lò Gốm, về phía tay
mặt có con rạch nhỏ của lò làm gạch hiệu Quảng Di Thành, đào để tiện chở
chuyên đất hầm gạch từ Phú Định, (nay là phía tay trái đường Hậu Giang), trên
con rạch nhỏ nà có "Cầu Chú Bon", cột bằng sắt. Tại Cầu Bà Kế trở
bên tay mặt, có Rạch Ông Buông, chảy một nhánh tới làng Tân Hóa, một nhánh tới
làng Tân Khai. Trên nhánh đi Tân Khai có cầu sắt gọi "Cầu Đồn", vì ở
trên đường trô" ngay trước Đồn Phú Lâm. Trên nhánh đi Tân Hóa có "Cầu
Tre", Cầu Xe Lửa (xe chạy đường Sài Gòn - Mỹ Tho) và Cầu Ông Buông tại bót
Phú Lâm là trên đường đi về Lục Tỉnh. Còn khoảng rạch từ bót Phú Lâm tới ngã ba
Rạch Lò Gốm thì có cầu cây của tư nhơn bắc để đi qua chùa Giải Bịnh (nay gọi
Thiên Trước Tự). Rạch Chợ Lớn, ngày xưa là đường giao thông thạnh vượng. Tại
chỗ bến xe, ngày trước ghe chài đậu tấp nập để vô ụ ghe sửa chữa. Ụ ghe ngày
nay trở nên Chợ Bình Tây do ông Thông Hiệp hiến đất để xây cất. Dọc hai bên
Rạch Lò Gốm, xưa có lò gạch: lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng; thêm có
lò siêu và lò làm lu. Lò gạch Tín Di Hưng, tại ngã ba Kinh Vòng Thành nay đã
dẹp, trên khu đất này nay phố xá cất đông đúc. Lò siêu Bửu Nguyên nay cũng nghỉ
việc, trở nên lò làm ve chai và làm giấy súc. Lò gạch Quảng Di Thành, tại Cầu
Chú Bon, cũng dẹp, nơi đây nay có nhà chuyên làm giấy súc. Còn lò lu thì sau đổi
thành lò chén, nhưng cũng không phát đạt cho lắm. Lò siêu ở sau Đồn Cây Mai
cũng dùng Kinh Vòng Thành để ra Rạch Chợ Lớn. Nay rạch Kinh Vòng Thành đã cạn
và lò siêu cũng thôi hoạt động. Đối diện lò siêu Bửu Nguyên, bên tay mặt Rạch
Lò Gốm, khi xưa có giếng Hộ Tùng, giếng xây hộc vuông, nước thật ngọt và trong
mát, mùa hạn nắng, ghe đổi nước từ Chợ Đệm, Bến Lức, Cầu Ông Thìn, Cần Giuộc,
Cần Đước… đều đua nhau chen chúc đến nơi đây, gây cảnh tấp nập ồn ào. Từ khi
lấp Rạch Chợ Lớn, thì Rạch Lò Gốm, Kinh Vòng Thành không thông thương và cạn
lần. Các lò gạch, lò lu, lò gốm, lò siêu, sinh kế đã mất, cũng dẹp lần. Ngày
nay xóm Lò Gốm chỉ còn sót lại cái tên trơn, mà không sản xuất đồ gốm nữa. Trở
lại vấn đề tìm hiểu thêm về vị trí Sài gòn 2. Con đường thủy thứ nhì là Kinh
Chợ Lớn cũng gọi là Kinh Tàu Hũ (Arroyo Chinois). Vùng Chợ Lớn thuở nay buôn
bán thạnh vượng một phần lớn là nhờ Kinh Tàu Hũ này. Đây là đường thủy vận nối
liền Sài Gòn với các sông ngòi chảy xuống miệt Hậu Giang. Con đường thủy này
tiện lợi vô cùng vì đã thâu ngắn đường ghe thuyền tránh được nguy hiểm khỏi trổ
ra đường biển để vào Cửa Cần Giờ. Tàu nhỏ, ghe thương hồ, các ghe chài "ăn
lúa" từ Bạc Liêu, Bãi Xàu, Sốc Trăng, kéo lên, hoặc thuyền "cá
đen" Biển Hồ (Nam Vang) đổ xuống, đều noi theo Kinh Tàu Hũ này mà "ăn
hàng", "ăn gạo", hoặc đợi "cất lúa" lên cho các nhà
"tầu khậu" và nhà máy xay Chợ Lớn, cũng như nhờ con Kinh Tàu
Hũ này để giao dịch với thương cảng và các tàu hàng buôn xuất ngoại. Con kinh
này, ngoài việc lợi ích giao thông về kinh tế còn là con đường chiến lược, thuở
xưa tàu binh Pháp đã mượn nó mà đến vây Đồn Cây Mai và thuận đường đánh úp chợ
Mỹ Tho. Con Kinh Tàu Hũ đã từng chứng kiến những biến cố lịch sử đau thương của
ta và lịch sử nó đã được ghi rành trong cận sử Việt. Khảo ra vì Rạch Chợ Lớn
cạn hẹp, (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) nên để có một con kinh rộng lớn hơn,
năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), Vua hạ lịnh cho đào Kinh Tàu Hũ. Phó Tổng Trấn
Gia Định Thành là Huỳnh Công Lý, (cha vợ Vua Minh Mạng), được phong làm Khâm
Sai, hiệp với ông Tổng Thanh Tra Gia Định, điều khiển mười một ngàn bốn trăm
sáu chục nhơn công (11.460), chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền
và một khẩu phần, khởi công ngày 23 tháng giêng, đến ngày 23 tháng tư năm Kỷ
Mão (1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ Cầu Đề Thông
(nôm gọi là Cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói kinh dài
2.129 tầm và 1 bộ, bằng chín dặm rưỡi, (mỗi dặm 576 thước tây = 576 x 9,5 =
5.472 m). Bề ngang rộng mười lăm tầm (mỗi tầm 8 xích, tính ra 0,32 x 8 x 15 =
36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích = 0,32 x 6 x 9 = 17m28). Mỗi bên kinh
có chừa một bờ đất rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng sáu tầm.
Đào rồi, Vua Gia Long đặt tên khúc kinh ấy là An Thông Hạ. Nay ráp với đoạn Chợ
Quán và Cầu Ông Lãnh, gọi chung là Kinh Tàu Hũ (Tài liệu rút trong Phổ Thông số
15 ngày 15-7-1959, bài của ông Lê Ngọc Trụ viết). Theo bộ Gia Định Thông Chí của
ông Trịnh Hoài Đức, thì vốn là lạch nhỏ cũ đào rộng ra, nhưng xét qua địa đồ
xưa của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định trước năm 1815 thì không thấy có
con rạch nhỏ ấy. Theo sử, Rạch Chợ Lớn chứng kiến hai trận chiến tranh:
1-
Thời Nguyễn Ánh, binh Tây Sơn tàn sát người Hoa Kiều nơi chỗ gọi "Thầy
Ngôồn" (Đề Ngạn), trong ba tháng "không ai dám rớ tới miếng cá miếng
tôm" (1782).
2- Thời Pháp chiếm Sài Gòn, thủy quân Pháp dùng khinh pháo
hạm Jaccaréo án ngữ trên Kinh Chợ Lớn, đậu tại đầu đường Tản Đà (vì thế họ đặt
tên đường ấy trước kia là đường Jaccaréo), còn một chiếc khác họ đậu tại sông
Rạch Cát để bao vây Đồn Cây Mai của Nguyễn Tri Phương.
Con Kinh Chợ Lớn thường
nổi cồn cát cản trở sự thông thương và phải được vét hoài mới dùng thuận tiện.
Dọc hai bên bờ kinh, có nhiều nhà máy xay gạo như hiệu Nam Long, hiệu Kiến
Phong, là danh tiếng nhứt, đều của Hoa Kiều và nhiều chành lúa gạo dựng san sát
kế liền nhau từ Bình Tây đến Bình Đông. Hãng rượu Bình Tây cũng ở về hữu ngạn
Kinh Chợ Lớn này. Những cầu bắc ngang Kinh Chợ Lớn kể từ Chợ Lớn Cũ trở vô Bình
Đông thì có Cầu Chà Và dùng để đi qua Xóm Củi, Cầu Bót Bình Tây và Cầu
Hãng Rượu. Cầu Bót Bình Tây và Cầu Hãng Rượu là loại cầu có mang cá, xe cộ muốn
qua phải theo hai mang cá tả hữu leo lên. Hai dãy nhà máy này được một thời
thạnh vượng. Qua đời Nhựt Bổn chiếm Sài Gòn các nhà máy này bị Nhựt trưng dụng
về quân sự, trở nên những đích cho máy bay Đồng Minh dội bom. Năm 1945, có một trận
bom dội xuống trúng nhằm nhà máy Nam Long, khiến thường dân vô tội chết rất
nhiều. Còn giữa khoảng Rạch Lò Gốm và Kinh Chợ Lớn, có kinh gọi Kinh Hàng Bàng
nối liền hai đường thủy này do khúc kinh đường Vân Nam hiệp thành một ngã ba và
nơi đây có cây Cầu Ba Ngã. Cầu này nguyên khi xưa làm bằng sắt lót ván, vì một
cuộc hỏa hoạn xảy ra ở đường Gia Long (nay là đường Trịnh Hoài Đức), thiên hạ
bu đông trên cầu để đứng xem, dồn dập quá sức chịu đựng, nên cầu sập. Sau này
xây lại cầu đúc sạn cốt sắt và đặt tên là Cầu Ba Cẳng. Dọc kinh đường Vân Nam
đến Cầu Ba Cẳng, trước mặt hãng xà bông Trương Văn Bền, nay đã lấp bằng. Chỉ
còn khoảng từ Cầu chạy ra tới Kinh Chợ Lớn là có nước chảy. Bắc ngang khoảng
kinh này, dọc theo Kinh Chợ Lớn thì có Cầu Ông Lớn (Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương).
Còn từ ngã ba Cầu Ba Cẳng đến Rạch Lò Gốm, có cả thảy năm cây cầu:
- Cầu nấc
đường Gò Công, xe đi không được, đã kể rồi!
- Cầu Palikao.
- Cầu nấc đường Minh
Phụng.
- Cầu Kinh.
Hai cầu nấc kể sau đây nay đã thay bằng cầu đúc: cái thứ
nhứt là Cầu Bình Tây mấy năm về trước, còn chở chiếc xe điện Bình Tây qua Chợ
Lớn Mới, cái thứ nhì là cầu đúc Bình Tiên. Kinh chỗ này gọi Kinh Hàng Bàng, vì
khi xưa dọc hai bên bờ kinh có trồng cây bàng bóng to mát mẻ, thường có ghe
chài đậu tại kinh này nhiều vì có ụ sửa ghe (sau lấp bằng trở nên Chợ Lớn Mới).
Hai dãy nhà hai bờ kinh phần nhiều là của người Tàu, nhà cất khít sát nhau chen
chúc. Bản tính người đàn bà Tàu hay tiện tặn, đụng gì cũng cất để dành, xác
mía, dăm bào không món nào bỏ, nhưng đàn bà Tàu cũng có tánh rất lơ đễnh khinh
thường, thêm trẻ con của người Tàu có tánh ưa chơi lửa, nên hỏa hoạn xảy ra rất
thường. Khoảng đầu năm 1923, lối tháng Giêng âm lịch, một cuộc hỏa tai tàn khốc
chưa từng thấy, xảy ra. Hai dãy nhà lá và ngói từ khoảng Cầu Bình Tây chạy suốt
đến Cầu Đúc Bình Tiên đều làm mồi cho lửa. Lửa gặp gió chiều càng mạnh dữ thêm,
nên dân cư phần lo dọn đồ đạc, lớp lo cõng con dắt mẹ, la khóc rùm trời. Sức
lửa mau lẹ cứu cấp không xuể, lửa dồn người ra giữa đường và từng cơn gió, lửa
táp vào người một cách rùng rợn không tả xiết. Túng thế nạn nhơn nhảy xuống
kinh, nhưng than ôi, nước dưới kinh lại nóng như sôi, nạn nhân chết quay, còn
chết luộc! Sáng ngày sau, đi ngang đây còn bay mùi khét, nào lợn gà, bò nguyên
con nằm chình ình chỏng cẳng, nào dưa hấu nguyên vựa, khô cá gộc cháy
nguyên kho, bày ra không ma trơi nào lượm! Sau trận hỏa tai dữ tợn năm đó, có
một dạo hèn lâu, không ai dám nhắc đến chuyện trở về lập cơ chỉ nơi chốn cũ:
Kinh Hàng Bàng. Chánh phủ Pháp thừa dịp làm ra con đường ở vùng đó để xe miệt
Hậu Giang bận lên chạy một chiều vô Chợ Lớn, nên gọi đường Hậu Giang. Nhờ dấu
vết cũ không còn, nên dân dạn lần mà trở về, đến nay mới có mòi phồn thịnh. Ngờ
đâu năm 1945, quân đội Nhựt đến đây, thiếu cây dùng, nên bọn chúng hạ lịnh đốn
cây bàng cây me ở hai bên bờ Kinh Hàng Bàng và Rạch Lò Gốm để làm hầm núp nơi
Cầu Bình Điền, báo hại dân cư hai xóm, kẻ nào ra đường, bất luận mặc y phục
Lang sa hay y phục Việt đều bị chúng lùa bắt đi kéo gỗ, khiến nhiều người phải
chuồi mình xuống Rạch Lò Gốm, kết gỗ thành bè thả trôi ra xa, mới thoát khỏi
tay bọn quân lùn. Kể về kinh rạch còn có Kinh Lò Gốm (Canal Des Poteries) ở
vùng Rạch Cát và Kinh Đôi (Canal de Doublement), đào sau Kinh An Thông Hạ, cũng
là một con đường thủy giúp ích rất nhiều cho sự thịnh vượng hai đô thị Sài Gòn
và Chợ Lớn.
e)- Nhà Xóm trong Chợ Lớn Những xóm trong Chợ Lớn còn giữ được tên
theo xưa, là:
- Xóm Than
- Xóm Củi
- Xóm Dầu (chuyên bán dầu phông).
- Xóm Bàu
Sen, gần Đồn Cây Mai. Thật ra là bàu lũ loạn, đầy cỏ rác, cỏ lục bình; sen
không còn mọc nữa. Đừng lộn với Bàu Sen đường Võ Tánh nay là Nguyễn Trãi, miệt
Chợ Quán.
- Xóm Giá, làm giá đậu xanh ở gần Cầu Cây Gõ. Làm nghề này phải thức
khuya dậy sớm. Từ hai giờ khuya đến năm giờ sáng phải xuống sông đãi giá, làm
cho sạch vỏ đậu xanh còn đeo theo, để kịp tang tảng sáng có bán tại chợ. Mỗi
người đãi đậu có đem theo một ngọn đèn, nên quang cảnh khúc sông giữa đêm khuya
thật là rộn rịp và vui mắt. Gặp chầu chợ Tết thì cảnh càng tưng bừng, náo nhiệt
suốt đêm.
- Xóm Lò Bún, gần giếng Hộ Tùng.
- Xóm Phú Giáo, khi xưa giáo mắm,
(gần Đồn Cây Mai).
- Xóm Rẫy Cải của người Tiều (Triều Châu), ở hai bên lộ đi
về Lục Tỉnh, (người Tiều trước kia có sắm xe hai ngựa để chở cải ra các chợ Sài
Gòn, Chợ Lớn, Bình Đông, Bình Tây, thứ xe này nay không thấy họ dùng nữa, đổi
lại còn thấy ta dùng chở cá, chở đồ khi dọn nhà. Ta nay gọi đó là "xe
cá", (xe cá chiếc, thắng một ngựa, xe cá đôi, hai ngựa), và quên rằng sơ
khởi đó là xe cải của Tiều bày ra.
- Xóm U Ghe (Chợ Lớn Mới)
- Xóm Cây Cui
(Bình Đông)
Khi xe lửa điện đường mé sông còn chạy, trong các xóm có xe chạy
ngang, công ty Pháp lựa tên cũ đặt cho các trạm xe đỗ, tên Việt kèm tên
Pháp, và hình dung bằng một ám hiệu tượng trưng, vừa treo trên nhà ga vừa in
trên vé tàu, như gare Jaccaréo là "trạm Xóm Củi", ám hiệu "cây
bò cào sắt" v.v…
f) Con Đường Sài Gòn vô Chợ Lớn tục danh Đường Trên (Route
Haute) Đường trên (Rout Haute), xưa do ông Olivier de Puymanuel phóng hoa tiêu,
để nối liền Sài Gòn vô Chợ Lớn, đối chiếu với Đường Dưới (Route Basse) ngả Mé
Sông. Xưa có hai đường xe lửa nối liền Sài Gòn vô Chợ Lớn.
A. - Một đường Mé
Sông: xe chạy bằng than củi, tải vận hàng hóa; và trái cây miệt Lái Thiêu, trạm
chánh trước Chợ Bến Thành, nay làm Bót Cảnh Sát. Xe chạy hai ngả:
1. Trước chạy
từ Chợ Bến Thành, bọc đại lộ De la Somme (nay là Hàm Nghi), dọc theo mé sông
tới đường Luro (Cường Để), lên trạm Hàng Sao (đường Mạc Đĩnh Chi), quẹo Phan
Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Đinh Tiên Hoàng, ghé qua Đất Hộ, thẳng
vô Gia Định, trạm chót là Lái Thiêu.
Phần 4 - 5
2.
Xe đỗ ga chánh chợ Bến Thành, rồi chạy vô Chợ Lớn, trạm chót là ga Bình Tây.
B. Một đường gọi xe lửa giữa, trước chạy than củi, sau chạy điện. Xe chở bộ hành
nhiều hơn hàng hóa, bắt đầu từ ga Chợ Cũ Sài Gòn, đổ ra Chợ Mới Bến Thành, rồi
chạy cặp với đường tàu hỏa Sài Gòn - Mỹ Tho dài theo đường Phạm Viết Chánh,
Nguyễn Hoàng, thẳng đến ga An Bình, chạy dọc đường Thủy Bình (nay Đồng Khánh),
bọc theo đường Tổng Đốc Phương trổ ra ga chót là ga Chợ Cũ - Chợ Lớn (ga
Rodier, nổi danh xưa điếm móc túi nhiều và tài nhứt). Đi xe đường này xưa đã là
sang: Vé hạng nhứt Sài Gòn vô Chợ Lớn là một hào bạc (0$10) được ngồi băng dài
có trải nệm bố trắng. Hạng nhì: sáu chiêm tây (0$06). Đường chỉ non sáu cây số
ngàn (6km) mà chạy hơn ba mươi phút mới đến nơi, có đủ hỷ, nộ, ai, lạc; vui vì
xe chạy một đỗi, thấy di tích Đồng Tập Trận mênh mông (nay là đại lộ Lý Thái
Tổ) và nếu là buổi trưa, sẽ được ngắm cảnh người Tàu ngủ gà ngủ gật trên xe,
buồn là có khi nội khúc đường ấy đã bị điếm giựt tiền nhảy xe hay anh chị móc
túi. Sách nói khi xưa, làm con đường này gặp nhiều mả mồ, (ắt chốn Đồng Tập
Trận cũ), Lang sa có lệ phát ba quan tiền và một xấp vải cho mỗi ngôi mộ và mả
bị cải táng. Sau bỏ con đường này và xe chạy củi. Thay vào bằng xe điện và đường
xe chạy từ chợ Bến Thành dài theo khoảng giữa con đường Trần Hưng Đạo,
đến đường Đồng Khánh, Tổng Đốc Phương, và trạm chót là ga Rodier. Đường sắt này
đã bãi bỏ hồi năm 1953 và qua năm 1954 được khỏa lấp nhựa. Ba bốn mươi năm về
trước, hai bên đường xe lửa giữa có trồng xoài và mít chen lộn nhau, tàn lá xum
xuê bóng rợp, đến nay vì lần hồi mở mang đường ra rộng lớn đủ phương tiện lưu
thông nên không còn gốc đại thọ nào sót lại, có còn chăng là những danh từ khêu
gợi: Xóm Vườn Xoài Bà Lớn (mộ phần của gia tộc Đỗ Hữu Phương) trên đường Phan
Thanh Giản. Xóm Vườn Mít (xưa dân nghèo lấy hột mít xay ra bột, bán: xóm này
truy ra ở lối Taberd-Mac-Mahon cũ, và đừng lộn với một xóm mít ở trên Phú
Nhuận, đường Võ Di Nguy nối dài. Gần Ngã Sáu đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi) còn
thấy ngày nay ngôi mộ Lê Văn Gẫm tử đạo thời Thiệu Trị, bị hành hình lối năm
1847. Mộ này nay nhà phố xung quanh che gần bít mất và mộ ở lún sụt xuống thấp
hơn mặt đường lộ có một thước sâu, suy ra đường và phố mãi đắp lên cho khỏi
ngập lụt nay mới cao làm vậy, còn đất xóm này khi xưa lấy mực mộ Lái Gẫm là đủ
biết thấp và nước thế nào. Học giả Trương Vĩnh Ký chép lại rằng xưa tại chỗ
Khám Lớn cũ (nay Đại Học Văn Khoa), gần bên Tòa Pháp Đình, thuở đó có một cái
chợ tục danh "Chợ Da Còm", tức là chợ nhóm dưới gốc một cây da nhánh
còm lá gie khòm xuống mặt đất. Xưa đây là xóm bán trống, bán lọng, yên ngựa, và
mão Tú Tài. Nhắc đến cây da, còn thấy gần Tòa Pháp Đình, phía góc đường Nguyễn
Du và Nguyễn Trung Trực, còn mấy gốc đã lâu đời, có dính líu gì với "cây da
còm" xưa chăng? Tiếp theo Chợ Da Còm, có Chợ Đũi (bán đũi, bán lụa, v.v…)
Thuở cụ Trương Vĩnh Ký còn sanh tiền, thì Chợ Đũi ăn dài từ xóm Boresse giáp
qua đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Khỏi Chợ Đũi là Xóm Đệm Buồm rồi tới Xóm
Thuận Kiều đóng dọc theo đường Thuận Kiều. Còn nói gì vùng Chợ Mới như ngày nay
ta đã thấy, xưa kia lại là một ao sình lầy nước đong. Như đã nói rồi, năm 1913
người Pháp lấp ao vũng xây nhà chợ có làm lễ lạc thành trọng thể gọi lễ
"khai tân thị". Chợ này ở gần chỗ bến nước của thành xưa nên gọi
"Chợ Bến Thành" cho đến nay vẫn còn gọi như thế. Ngày khai mạc có
chưng "cộ bảy bang" có cộ bông hình "Quan Âm Tay Xách Giỏ
Cá", hình "Hồng Hài Cầm Quạt Ba Tiêu Chấp Tay Bái Phật Bà" toàn
do đồng nam đồng nữ tình nguyện chịu cho các thợ mã bong hình thế nộm giấy, cả
ngày đứng trên một cốt sắt nhỏ có hoa lá che kín, chân tay tê liệt vì không cử
động được. Lại có múa lân, thí võ, hát Triều Châu, hát Quảng Đông và hát bội
diễn ngoài trời, cộ đèn, cộ bông, nhạc ngũ âm, và nhạc "mũ dích"
Pháp. Sánh với ngày nay, thì cuộc lễ rất tầm thường, nhưng vào thời ấy tiếng
đồn khắp Lục Tỉnh, đâu đâu cũng nô nức kéo nhau về Sài Gòn. Có câu: "Xem
được lễ Tết Tân Thị một lần chết cũng sướng thân!". Mà đi thì chỉ có đường
thủy là tiện. Nhắc lại thuở đó, có tàu "Lục Tỉnh" chạy từ Sài Gòn lên
Nam Vang trải qua các chợ như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc, v.v… Tầu nhỏ hơn
chạy miệt Hậu Giang thì có tầu Pélican, Sarcelle, Cormoran của hãng Messageries
Fluviales tục gọi Hãng Tàu Nam Vang, chạy khởi hành từ Mỹ Tho xuống Bạc Liêu đi
qua các chợ như Chợ Gạo, Tam Bình, Trà Ôn, Cần Thơ, Phụng Hiệp, Sốc Trăng, Bãi
Xàu, Cổ Cò v.v… và tàu khác đường Mỹ Tho - Rạch Giá. Hãng tàu các chú cũng chạy
kình một đường với tàu Tây. Về sau mới có ông Phán Nuôi ở Vĩnh Long sắm tàu
chạy, nhưng không tranh đua cùng hai hãng Tây, Tàu. Đường bộ thời ấy (trước
1913) chưa được thông thương, vì chưa có cầu bắc qua sông lớn. Bởi đó cho nên,
như đã nói rồi, nhờ vị trí trên bờ có xe lửa nối liền với thủ đô, dưới sông có
tàu thuyền chạy Lục Tỉnh, Mỹ Tho thời ấy chỉ nhượng có một Sài Gòn. Nhắc lại lễ
khai tân thị Chợ Bến Thành năm đó (mars 1914) đã phá kỷ lục về hội hè vui vẻ.
Ông già bà cả từng mục kích lễ này đến nay còn nhắc, và tự hào chứng kiến một
"Tần vương hội" (danh từ của các báo thời ấy dùng). Tục lệ thành Sài
Gòn và Chợ Lớn, cho đến về sau lâu lắm mới dẹp là dân trong thành phố hễ quá
mười giờ đêm muốn ra đường phải xách theo một lồng đèn, lại nữa riêng Chợ Lớn,
xóm của gái điếm cũng gọi "Xóm Lồng Đèn", đã là xóm huê nương tức
nhiên phải về khuya, khách làng chơi cơm nước phủ phê rồi mới xách lồng đèn đến
thăm, sự ấy cũng dễ hiểu.
g) Nay xin trở lại đường Thuận Kiều Từ đây đến “Sở
Nuôi Ngựa” cũ của nhà binh Pháp tức là trong trại "Ô Ma" đường Võ
Tánh (Nguyễn Trãi) thì là chợ "Điều Khiển” do một ông Điều Khiển tạo lập.
Khỏi Chợ Điều Khiển là đến “Chợ Cây Da Thằng Mọi”. Gọi làm vậy nhưng khoan vội
tưởng rằng đây là một nhà chợ do một người Mọi nào đó đứng ra xây cất. Sự thật
là tại chợ này thường thấy bày một món hàng không đâu có bán: ấy là một thứ đèn
thắp dầu phộng hay dầu dừa làm bằng đất nung, nắn hình một người Chàm (ông
Phỗng): hai chân quỳ, hai tay chắp lại, trên đầu đội một thếp dầu. Trong tập
“Cổ Gia Định vịnh” có câu: "Cây Da thằng mọi, coi bán đủ thuốc xiêm cau
mứt. Cái cầu Cao Mên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai". (Đây là thuốc lá
xắt và ướp kiểu người Xiêm dùng. Cau mứt là cau trái để già, nấu kẹo như mứt,
người Thổ rất thích ăn. Hai món là gia vị đặc biệt trong miếng trầu thời xưa,
nay đã ít được thấy, không khác “cây đèn thằng Mọi")... Khỏi Chợ Cây Da
Thằng Mọi, có một cánh đồng rộng lớn trống trải và cây cỏ mọc tùm lum nhiều
chỗ. Ngày nay nhà cửa cất lấp bít bùng không còn nhìn được nơi nào, chớ xưa kia
đây là "Đồng Tập Trận”, cung gọi “Mả Ngụy” hay “Mả Biền Tru. Nơi đây vua
Minh Mạng đã sai chặt đầu ném thây chôn chung một huyệt mả (đến nay mặc dầu đào
móng cất nhà vẫn chưa tìm gặp) cả thảy đến 1.137 người già trẻ bé lớn, đàn ông
đàn bà lộn lạo, khép vào tội phản nghịch, theo giặc Khôi ở lại trong thành,
chống binh lính triều đình ba năm (1832 - 1835). Như đã nói rồi nơi mục chú
thích về Sở Nuôi ngựa, sở này cất trên một ngôi chùa cũ tên gọi "Kim Chương Tự" (hay Kim Chung Tự). Chùa này lại xây trên một nền chùa Thổ đã
có trước đời Gia Long. Theo cụ Trương Vĩnh Ký thì chúa Duệ Tông bị Tây Sơn bắt
tại vùng Ba Thắc (thuộc Cà Mau) và chúa Mục Vương bị bắt tại Ba Vác (thuộc Bến
Tre, gần Mỏ Cày) đều bị hành quyết gần Kim Chương Tự, lối năm 1776. Còn tại
thành lính tập Ô Ma (Camp des Mares) thì còn có miếu thờ các công thần nhà
Nguyễn, lập năm 1804, chữ gọi “Hiển Trung Từ”. Nơi đây khi xưa có các bài vị
thờ tất cả 1015 sĩ tử liều mình vì nước trong các trận chống Tây Sơn, trong số
đó có một võ tướng quốc tịch Pháp tử trận Thị Nại, ta gọi ông Mạnh Hòe (Manuel). Miễu này đã ghi vào bộ các cổ tích trường Viễn Đông Bác Cổ; năm 1927
chùa này được trường Bác Cổ xuất tiền trùng tu lại tử tế; qua năm 1939 triều
đình Huế có biệt phái một đại thần vào đây tế tự (ngày 10 tháng 11 dương lịch).
Tang thương biến đổi, đến thời binh Nhật hoành hành một lúc… Chùa đã hư tệ sẵn,
thêm các lính tập đạo binh Lang sa phá phách, hầu hết những bài vị đều xiêu lạc.
Vợ con binh lính đến ăn ở nơi đây không lòng bảo tồn, nên chùa mau điêu tàn.
Đến lượt đạo binh viễn chinh Pháp trở lại chiếm thành Ô Ma sau khi Nhật đầu
hàng, thì họ triệt hạ Hiển Trung Từ lúc nào không rõ ắt, bất chấp đó là di tích
hiếm có trong Nam. Kịp đến khi Pháp trả thành Ô Ma cho Việt Nam Cộng Hòa, thì
đền Trung Hiển chỉ còn một danh từ hão trong trí nhớ của những người hiếu cổ.
Lại nữa, trong tập ký ức của cụ Trương Vĩnh Ký, còn nhắc một cổ miếu của thành
Ô Ma này, danh gọi "Miễu Hội Đồng” (thờ đủ chư vị), cũng gọi là "Miễu
Thánh", có trƣớc đời Gia Long. Tập ký ức cho ta biết thêm rằng vị trí miếu
này ở giữa hai hào sen lớn. Nhưng năm 1885 võ quan Pháp chiếm cứ miếu này làm
nơi ăn ở thành thử lâu ngày miếu xưa mất tích, nay không còn biết rõ chắc xưa ở
nơi nào. Cụ Trương Vĩnh Ký nhắc lại chính trước Hiển Trung Từ và Miễu Hội Đồng
ngoài Lộ cái, thuở cựu trào có xây hai cột gạch và đá, một đề “Khuynh Cái”
(nghiêng lọng nghiêng dù), một đề “Hạ Mã" (xuống ngựa), nay di tích ở đâu?
Lại còn một ngôi chùa khác nữa gọi "Chùa Ông Phúc", cũng gọi
"Chùa Phật Lớn", trong tập ký ức ghi ở bọc theo một con lộ nhỏ dài
theo bờ ao sen lớn thành Ô Ma, thì cụ Trương Vĩnh Ký đã nhìn nhận mất tích từ
năm 1885 vậy. Khỏi một cống nước ăn thông với ngọn “Rạch Cầu Bà Đô”, thì xưa
kia có hai ngôi mộ khá to, tương truyền là mộ phần của hai hoàng tử con của
Nguyễn Văn Nhạc tục gọi là "Mộ Hoàng Thùy" và "Mộ Hoàng
Trớt", nay đã không còn vì có lẽ bị phá bỏ từ lâu để xây cất nhà phố, đâu
còn cháu con dòng họ để nhìn nhận? Thậm chí tiếng đồn trƣớc kia tại Rạch Bà Đô
có một cái chợ, vì nhóm họp buổi sáng nên danh gọi là "Chợ Mai" nay
cũng không biết khi xưa tọa lạc chốn nào? Rạch Bà Đô, di tích tồn tại đến năm
1959, còn dấu cũ con rạch nước dơ, nay đã lấp đi, nhường chỗ cho một trạm bán
xăng, đường Trần Hưng Đạo, ngó xéo qua đại lộ Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ). Con
đường ngang Nhà Thờ Chợ Quán có hai ngôi chùa, một gọi "Kim Tiên Tự",
sau đổi lại là "Nhân Sơn Tự", một cái khác nữa gọi là "Chùa Gia
Điền”. Hai chùa này đã không còn từ năm 1885. Từ Chợ Quán trở vô Chợ Lớn
thì đầu tiên gặp "Xóm Bột", ngày ngày phơi trắng dã tận lề đường
những bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai v.v… Đi tới nữa thì gặp "Chợ Hôm",
nhóm chiều tối để đối với “Chợ Mai” đã nói trên. Sau Chợ Hôm, có một ngôi chùa
thờ một vị tướng lãnh của Cao Hoàng, bị Tây Sơn giết, không biết tên, chỉ ghi
họ Trần. Chùa "Trần Tướng" ở đâu cũng không ai biết. Trên một con
rạch nhỏ, gần mộ nghĩa địa người Tàu có một cái cầu, gọi "Cầu Linh
Yển". Yển là một quân sĩ trung thành của Nguyễn Chúa, một hôm cõng vua
trên vai, chạy đến đây thì ngộ nạn. Chúa được một lực sĩ thay vai cõng chạy
vuột, Yển bị Tây Sơn giết. Chúa Nguyễn thương tiếc lắm, sau tức vị sai dân lập
miếu thờ Yển. Trong sách ghi miếu thuộc xóm Tân Thuận, cũng có tên khác là
"Hàm Luông". Gần nơi đây, thuở xa xưa có một gốc me thật lớn, dưới
bóng râm có lập một quán chuyên bán bánh nghệ tục danh là "Quán Bánh
Nghệ". Cũng vì cây me ấy, nên xóm này gọi "Xóm Cây Me Mát".
Đường Đồng Khánh (Marins cũ) có hai xóm là "Xóm Cốm" và "Xóm
Chỉ". Mặc dầu nay đã có tên Việt (Đồng Khánh), đường Marins xưa vẫn có một
tên riêng rất thơ là "Hàng Cháo Muối", cho đến nay người cố cựu đất
Chợ Lớn vẫn quen dùng chưa bỏ. Truy ra ở đây lúc trƣớc có một người Triều Châu
khuya khuya gánh "cháo muối" (thứ cháo trắng nấu thật nhừ với tấm xay
nhỏ, trong cháo lỏng bỏng có vài trái bạch quả, cũng gọi "bạch quả
chúc". Người Quảng Đông thích ăn cháo muối sau một đêm thức trắng, vì nhẹ
tiêu mau khỏe con người). bán dài theo con đường này. Món hàng rẻ tiền, vừa
nóng vừa ngon, đã giúp ông "danh lưu hậu đại”. Cũng như đường Tản Đà, thuở
trước mì cháo đều ngon, có thứ tép lăn bột chiên nguyên con và cháo "bào
ngư" thật ngọt. Ngày nay đã cấm bán rong ngoài đường, những thức ăn khuya
đặc biệt này mất, và mất luôn "những thú phong lưu" cựu thời của bợm
sành ăn! Trong kẹt đường Đồng Khánh, gần đầu cầu Chà Và vài ba mươi năm trước,
có một lão Tiều gánh gánh bán cháo khô cá hường ăn với cải “tằng ô”. Đèn nhá
nhem, người bu đông đến độ cháo không kịp bán, thêm tuổi vừa đôi mươi “ăn sắt
cũng tiêu", bàn ghế không có, mỗi người tự tiện lấy húp ngon lành, ngó mặt
nhau vẫn quen quen: Cô Ba Trà, ông Cò mi Kính và tớ đây, kẻ còn, người mất, đứa
bạc đầu!
h) Cầu Đường, Cầu Khâm Sai, Chùa Cây Mai Nay thử bắt đầu từ trong Chợ
Lớn kể ra. Về phía bên kia "Đường Trên" (Route Haute), lần lượt ta
gặp: Nghe nói lại, lối năm 1885, thì chợ cũ ở vào xóm nhà Dưỡng đường Chợ Rẫy,
nay chỉ còn trơ lại một danh trơn và đây có lẽ là một chợ hồi đời trước, đến
trào Pháp lại dẹp đi. Trước Dưỡng đường Chợ Rẫy, xưa kia có một ngôi mộ cổ bằng
vôi, kiểu chạm trổ rất khéo, tương truyền là của một ông hầu tước họ Đỗ
(Tombeau du marquis de Đỗ). Trường Viễn Đông Bác cổ đã xin liệt kê làm cổ tích, nhưng chủ đất là người có thế lực, một hai xin phá để cất phố xá
và viên Toàn quyền Decoux ưng lời, thiệt là rất tiếc cho một cổ tích không có
người ủng hộ. Mộ phần họ Đỗ này có dính líu chăng với Tả quân phu nhơn, tên tộc
là Đỗ Thị Phẫn. Tương truyền khi Lê Tả quân bị tội, phu nhơn về ngụ nơi xóm Chợ
Rẫy, trong một ngôi chùa Phật, do bà mẹ năm xưa đứng tạo lập tục danh là Chùa
Bà Dội. Từ con đường Cháo Muối (Đồng Khánh) xuống một con kinh, sau lấp đi biến
thành đại lộ Tổng Đốc Phương, thì có xóm người "Minh Hương", ngày nay
còn sót lại một di tích nguy nga tráng lệ là chùa "Minh Hương Gia
Thạnh", tạo lập năm 1788, về sau có tu bổ lại nhiều lần. Chùa này nằm trên
đường Đồng Khánh, day mặt ngó qua Bót Cái Quận Tư (nay đổi làm Quận Năm), trong
chùa còn giữ được đạo sắc thần của vua phong, cùng bài vị sơn son thếp vàng của
các ông Trần Thắng Tài, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Vương Hữu Quang và bút
tích liễn đối do tay Trịnh Hoài Đức viết. Đây là một xóm kỳ cựu nhất và hiệp
với xóm Chùa Quan Võ, đường Triệu Quang Phục (Quảng Tống Cái cũ), là trung tâm
buôn bán của cựu Chợ Lớn ngày xưa. Ông Trương Vĩnh Ký nhắc năm 1885 tại đây có
nhiều nhà buôn giàu có, vách xây gạch hai mươi, nóc có phong tô, lợp ngói lăn
ống y một kiểu kiến trúc như bên Trung Quốc, nay xem lại nhiều nhà vẫn y như cũ. Các nhà buôn lớn người Tàu xưng "Tầu Khậu", do danh từ (đây là từ
tiếng Hoa, đọc âm Hán Việt là "Thổ khố", nghĩa là nhà chứa hàng hóa)
phát âm giọng Triều Châu Phúc Kiến. Cũng có khi họ dùng danh từ "Đại Khố”
(đồng một nghĩa với từ trên). Khi khác họ tâng nhau, xưng là "Tàu kê"
(Đại Gia), tỷ dụ như Chà Đen cho vay bạc, tức Chà chetty cũng xưng "Tàu kê
mập", "Tàu kê ốm", Chà bán vải cũng xưng "Tàu kê bán
vải", thậm chí mụ tú bà cũng bắt gọi mình là "Mụ Tàu kê" và oái
ăm thay, “hạng lãnh giấy số ở nhà má" hẳn đòi để treo giá ngọc, cũng xưng
mình là "con gái nhà đại gia”, “gái Tàu kê" chính cống! Mỗi năm cứ
đến mùa gió thuận, thì thuyền buôn miệt Sơn Đầu (Swa-tow) chở hàng từ Trung Hoa
sang đất Việt đổi chác lăng xăng: cam Quảng (Quảng Đông), cam Tiều (Triều
Châu), hồng khô, kim quýt kiểng, hàng lụa Bắc Thảo… Ở gần vùng này, trong sách
còn ghi một cái cầu danh gọi Cầu Đường, vì ở xóm bán đường phèn, đường thẻ,
đường hạ, đường cát, đường phổi đủ thứ. Cầu Đường này nối liền hai cái chợ:
-
Một chợ nhà lồng hình tam giác, trong chợ bán đủ món, dọc ba bên có tiệm chạp
phô Hoa kiều tấp nập (nay nhà chợ đã nhường chỗ cho nhà Bưu điện Chợ Lớn).
- Một
chợ hình chữ nhật, từ Cầu Đường đến đường Thủy Binh, nay trở nên một đoạn của
đại lộ Tổng đốc Phương. Và ngày nay Rạch Chợ Lớn cũng gọi Rạch Cầu Đường biến
thành đại lộ Gaudot, và nhà "Thông Hiệp" của Quách Đàm chính ở đây
day mặt tiền ra Rạch Cầu Đường (Rạch Chợ Lớn) với cái mộng “phong thủy đầu
Rồng”. Từ Cầu Đường vô Cầu Khâm Sai, trên đường Gò Công, cũng gọi Cầu Khâm Sai
hay Cầu Ba Miệng, nhà cửa nối liền san sát xem rất ngoạn mục. Xóm Lò Gốm ở ném
về làng Phú Lâm, trên một con kinh thông ra Ngã Tư, đầu kia chạy tới Cầu
Khâm Sai, dân trong xóm sanh nhai bằng nghề làm đồ gốm, ngói gạch, chậu kiểng,
lu mái, đôn sành để chậu kiểng v.v… Tại ngã tư, đầu đường Cây Mai cũ (nay Nguyễn
Trãi) xưa có một cái cầu, danh gọi "Cầu Phố" vì bắc trong con đường
“Phố Xếp”, là đường Tổng Đốc Phương hiện nay, nơi đây có kinh và nhà Đỗ Hữu
Phương, nay kinh đã lấp, nhà họ Đỗ đã bán cho người Tàu dỡ mất và thế vào là
nhà phố lầu cao ngất, tửu quán, ciné. Kinh Cầu Phố hồi đó gọi là "Kinh và
Đường Phố Xếp”. Thân trên Chùa Bà (thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu), dọc đường lên
Cầu Phố, xưa có một cái giếng, tục gọi nôm na "Giếng Chùa Bà" hoặc
"Giếng Bộng". Có danh là nước tốt và ngọt hiền nên các nhà văn nhân
thuở ấy đặt là "Giếng Cam Tuyền". Dài theo bờ kinh từ Cầu Đường trở
ra đến Cầu Kinh Phố Xếp, là địa phận làng Quới Đức. Chợ nơi đây cũng gọi là
"Chợ Kinh". Chỗ Nhà Thờ Cha Tam hiện nay xưa là "Chợ Lò
Rèn", đây là xóm của thợ rèn và thợ kéo chỉ sắt. Vì họ chuyên môn giỏi
giắn nên thời ấy đã gọi họ là quân Mậu Tài. Chợ Lò Rèn ở bên kia đầu Cầu Phố.
Ngày nay vẫn còn vài tiệm chuyên nghề kéo chỉ sắt và cán kim ngân ra lá, trước
cửa tiệm có trưng bày một hay vài cái máy cán, quen gọi là "bàn cán"
(laminoir). Lối Đồn Cây Mai có một cái cầu gọi “Cầu Ông Tiều”. Theo tôi, “Tiều”
đây là "Triều Châu" đọc trại đi, vì xóm có nhiều người làm rẫy dân
Tiều, chớ không có người tiều phu nào. cùng bài vị sơn son thếp vàng của các
ông Trần Thắng Tài, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Vương Hữu Quang và bút tích
liễn đối do tay Trịnh Hoài Đức viết. Đây là một xóm kỳ cựu nhất và hiệp với xóm
Chùa Quan Võ, đường Triệu Quang Phục (Quảng Tống Cái cũ), là trung tâm buôn bán
của cựu Chợ Lớn ngày xưa. Ông Trương Vĩnh Ký nhắc năm 1885 tại đây có nhiều nhà
buôn giàu có, vách xây gạch hai mươi, nóc có phong tô, lợp ngói lăn ống y một
kiểu kiến trúc như bên Trung Quốc, nay xem lại nhiều nhà vẫn y như cũ. Các nhà
buôn lớn người Tàu xưng "Tầu Khậu", do danh từ (đây là từ tiếng Hoa, đọc
âm Hán Việt là "Thổ khố", nghĩa là nhà chứa hàng hóa) phát âm giọng
Triều Châu Phúc Kiến. Cũng có khi họ dùng danh từ "Đại Khố” (đồng một
nghĩa với từ trên). Khi khác họ tâng nhau, xưng là "Tàu kê" (Đại
Gia), tỷ dụ như Chà Đen cho vay bạc, tức Chà chetty cũng xưng "Tàu kê
mập", "Tàu kê ốm", Chà bán vải cũng xưng "Tàu kê bán
vải", thậm chí mụ tú bà cũng bắt gọi mình là "Mụ Tàu kê" và oái
ăm thay, “hạng lãnh giấy số ở nhà má" hẳn đòi để treo giá ngọc, cũng xưng
mình là "con gái nhà đại gia”, “gái Tàu kê" chính cống! Mỗi năm cứ
đến mùa gió thuận, thì thuyền buôn miệt Sơn Đầu (Swa-tow) chở hàng từ Trung Hoa
sang đất Việt đổi chác lăng xăng: cam Quảng (Quảng Đông), cam Tiều (Triều
Châu), hồng khô, kim quýt kiểng, hàng lụa Bắc Thảo… Ở gần vùng này, trong sách
còn ghi một cái cầu danh gọi Cầu Đường, vì ở xóm bán đường phèn, đường
thẻ, đường hạ, đường cát, đường phổi đủ thứ. Cầu Đường này nối liền hai cái
chợ:
- Một chợ nhà lồng hình tam giác, trong chợ bán đủ món, dọc ba bên có tiệm
chạp phô Hoa kiều tấp nập (nay nhà chợ đã nhường chỗ cho nhà Bưu điện Chợ Lớn).
- Một chợ hình chữ nhật, từ Cầu Đường đến đường Thủy Binh, nay trở nên một đoạn
của đại lộ Tổng đốc Phương.
Và ngày nay Rạch Chợ Lớn cũng gọi Rạch Cầu Đường
biến thành đại lộ Gaudot, và nhà "Thông Hiệp" của Quách Đàm chính ở
đây day mặt tiền ra Rạch Cầu Đường (Rạch Chợ Lớn) với cái mộng “phong thủy đầu
Rồng”. Từ Cầu Đường vô Cầu Khâm Sai, trên đường Gò Công, cũng gọi Cầu Khâm Sai
hay Cầu Ba Miệng, nhà cửa nối liền san sát xem rất ngoạn mục. Xóm Lò Gốm ở ném
về làng Phú Lâm, trên một con kinh thông ra Ngã Tư, đầu kia chạy tới Cầu Khâm
Sai, dân trong xóm sanh nhai bằng nghề làm đồ gốm, ngói gạch, chậu kiểng, lu
mái, đôn sành để chậu kiểng v.v… Tại ngã tư, đầu đường Cây Mai cũ (nay Nguyễn
Trãi) xưa có một cái cầu, danh gọi "Cầu Phố" vì bắc trong con đường
“Phố Xếp”, là đường Tổng Đốc Phương hiện nay, nơi đây có kinh và nhà Đỗ Hữu
Phương, nay kinh đã lấp, nhà họ Đỗ đã bán cho người Tàu dỡ mất và thế vào là
nhà phố lầu cao ngất, tửu quán, ciné. Kinh Cầu Phố hồi đó gọi là "Kinh và
Đường Phố Xếp”. Thân trên Chùa Bà (thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu), dọc đường lên
Cầu Phố, xưa có một cái giếng, tục gọi nôm na "Giếng Chùa Bà" hoặc "Giếng
Bộng". Có danh là nước tốt và ngọt hiền nên các nhà văn nhân thuở ấy đặt
là "Giếng Cam Tuyền". Dài theo bờ kinh từ Cầu Đường trở ra đến Cầu
Kinh Phố Xếp, là địa phận làng Quới Đức. Chợ nơi đây cũng gọi là "Chợ
Kinh". Chỗ Nhà Thờ Cha Tam hiện nay xưa là "Chợ Lò Rèn", đây là
xóm của thợ rèn và thợ kéo chỉ sắt. Vì họ chuyên môn giỏi giắn nên thời ấy đã
gọi họ là quân Mậu Tài. Chợ Lò Rèn ở bên kia đầu Cầu Phố. Ngày nay vẫn còn vài
tiệm chuyên nghề kéo chỉ sắt và cán kim ngân ra lá, trước cửa tiệm có trưng bày
một hay vài cái máy cán, quen gọi là "bàn cán" (laminoir). Lối Đồn
Cây Mai có một cái cầu gọi “Cầu Ông Tiều”. Theo tôi, “Tiều” đây là "Triều
Châu" đọc trại đi, vì xóm có nhiều người làm rẫy dân Tiều, chớ không có
người tiều phu nào. Theo ông Trịnh Hoài Đức, Chùa Cây Mai, tên chữ là Thứu Lãnh
Tự, nguyên cất trên một nền chùa cổ Cao Miên, xung quanh có đào ao rộng và sâu,
hồi xưa mỗi năm tại đây có tổ chức lễ đua “ghe ngo” (ghe ngo là "túk
nguâ" của người Miên dùng để thi đua các làng có chùa Miên) tức là lễ "đưa”
nước khi cuối mùa làm lúa và "lễ rước nước" đầu mùa làm ruộng. Dưới
đời vua Minh Mạng, chùa được tu bổ lại, tương truyền hai ông Nguyễn Tri Phương
và Phan Thanh Giản có lập tại đây một thủy tạ trên có gác cao. Bấy lâu nghe đồn
tại chùa có một gốc mai già bông trắng, từng trải mấy phen biến cố, và đã làm
đầu đề bài thơ bất hủ sau: Vịnh Mai Sơn Tự (Chùa Cây Mai) Phú Lâm "Đau đớn thay cho Mai cách dưới đèo. Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Sương in tuyết đóng cành thưa thớt. Xuân đến thu về, sãi quạnh hiu. Lặng lẽ
chuông quen con bóng xế. Tò le kèn lạ mặt trời chiều. Những tay rượu thánh thi
thần cũ. Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu". (Tôn Thọ Tường, bản Khuông
Việt, tr. 88) Đầu xuân năm Canh Tý (1960), thi sĩ Đông Hồ đã đến thưởng bạch mai
tận gốc, bận về viết bài "Tìm dấu bạch mai" đăng trong Bách Khoa số
76 ngày 1/3/1960 trang 23-32. Kế đó ông bạn Thái Văn Kiểm có đưa tôi đến ngắm
Cây mai “cổ tích” và viết tiếp bài ông Đông Hồ “Tìm dấu bạch mai" cũng
trong Bách Khoa số 78 ngày 1/4/1960 trang 51-58. Như vậy cũng đã cạn tàu ráo
máng. Sách Gia Định thông chí chép rằng năm 1816, sư tăng tu bổ chùa, nhân đào
đất, có gặp dưới nền chùa nhiều thức gạch cũ và ngói cũ kiểu cổ Cao Miên, nhưng
tiếc thay thời ấy chưa biết giá trị của những vật ấy nên không để lại dành làm
tài liệu khảo cổ. Gần Chùa Cây Mai (chữ gọi Mai Sơn Tự, khi gọi Thứu Lãnh Tự)
còn một ngôi chùa khác gọi Phụng Sơn Tự, cũng thuộc lịch sử cận kim thời đại.
Chùa này gọi tục danh là "Chùa Gò" vì cất trên một gò nổi cao, chung
quanh nước bao bọc, quả là di tích của một nền chùa cổ Cao Miên. Hỏi thăm, một
ông đạo trong chùa nói xưa có đào được một đại hồng chung của người Miên; tôi
lấy làm ngờ vì người Cao Miên tu đạo Phật không dùng chuông như ta. Có chăng
thì sách ghi lại rằng tại một nền Chùa Gò có đào gặp một khúc tay Phật đá, kiểu
Miên, nhưng cũng không biết để dành khảo cứu. Vùng Cây Mai và Chùa Gò đáng được
các nhà khảo cổ chú ý nhiều nếu muốn sưu tầm gối Prei Nokor. Còn chỗ tòa Hành
chánh Chợ Lớn, xưa thuộc huyện Tân Long. Ngoài vòng rào tòa Hành chánh có con
đường rải đá chạy bọc theo hông Chùa Chà Và đạo Hồi, mấy năm trước còn mang tên
"rue des Clochetons". Đó là con đường xẻ chạy thẳng vô Chùa
"Kiểng Phước" cổ tự. Năm 1860 binh ta lấy chùa Kiểng Phước làm ổ
kháng chiến chống giặc Pháp. Năm 1866 chùa đã điêu tàn vì bị dỡ phá, chỉ còn
chút phương danh trong lịch sử kháng chiến mà thôi. Truy ra vị trí chùa này nằm
lọt giữa con đường Maréchal Foch (nay là đường Nguyễn Văn Thoại), còn một phần
lớn lại ở về lô đất bông đồ mới số 20 và 23 ngang ngang lại với trường học con
gái (bông đồ 21) thường gọi “Trường Bà Đầm”.
i) Trở về Chợ Quán Tân Kiểng, Nhơn
Giang (trước 1885 mang tên Nhơn Ngãi), Bình Yên là tên ba làng xưa, sau sáp nhập làm một là vùng Chợ Quán. Trước kia, nơi đây có làng Thợ Đúc, trong một
bản đồ đính theo tập nhỏ này gọi "ancien village des fondeurs" - dân
trong làng chuyên nghề trau lư đồng có tiếng, nổi danh một thuở, không kém lư Chợ Gạo (Phú Lâm). Gọi là "Chợ Quán" vì thuở trước chợ nhóm họp dưới
gốc những cây me đại thọ lối nhà thương Chợ Quán hiện nay. Chung quanh chợ có
nhiều quán xá lốc cốc tựu một chỗ nên đặt tên làm vậy. Mấy mươi năm về trước,
có một phú ông, sanh trưởng tại Chợ Quán di cư xuống miệt Sóc Trăng khai phá,
làm ruộng lớn, lập nên sự nghiệp đồ sộ, về già thâu tóm của cải và tạo lập tại
đường Trần Hưng Đạo một ngôi nhà hùng vĩ lấy tên là "Villa Nhơn
Giang", để nhắc lại tên xưa làng cũ. Tôi còn nhỏ không biết, mỗi lần đi
ngang đều cười thầm hai chữ “Nhơn Giang”. Sau này, chủ nhân mãn phần, gặp năm
kinh tế khủng hoảng, hội “Đức Trí Thể Dục” đấu giá mua lại rất rẻ, nhưng không
biết vì sao lại lọt vào tay quân đội Nhật đến ở, rồi chuyển lần sang quân đội
Pháp đến chiếm, mãi đến khi trở nên trụ sở cơ quan cố vấn quân sự Mỹ. Đến đây
là dứt hay còn thay đổi chủ nữa? Phải chăng vì nhà choán chỗ nền cũ Chùa Miên
nên không ai cầm giữ được lâu bền? Hỏi thì ló mòi dị đoan, nhưng không hỏi
không được! Ngôi nhà này tọa lạc trên một cuộc đất cao ráo, trong sách ông
Trương Vĩnh Ký viết năm 1885 đã bày rõ vẻ cổ tích của vùng đất này, sau Viện
Bảo Tàng đến đào và tìm gặp nhiều tảng đá to kiểu Cao Miên, hiện đem về đặt
ngoài hành lang Việt, xem lại hình như đó là táng cửa, táng cột phướn Khmer và
định chừng nếu có dịp đào đất chỗ này, may ra còn gặp cổ tích Prei Nokor nữa.
Ngang tòa nhà cũ "Đức Trí Thể Dục”, có một ngôi nhà lầu không kém vĩ đại
và có liên quan đến cổ tích Cổ Sài Gòn. Nhà xây cất trên nền nhà xưa của học
giả Trương Vĩnh Ký tiên sinh, ngoài cửa, chục năm về trước, còn thấy gắn một
bảng đá biên rành mạch sự tích này, nhưng nay không rõ vì sao đã dẹp không còn
treo nữa? Chủ nhà này (quý danh là H.M.Ph). là một người đàn bà có chí lớn
và có sự nghiệp ruộng đất mênh mông vùng Sóc Trăng quê tôi. Hôm nay tôi tưởng
niệm bà là người mua sắm đồ sứ cổ trước nhất trong Nam và bà quả là người có
ngọc nhỡn trong khoa chơi cổ ngoạn. Năm 1940, Nhật đổ bộ vào đây, trước tiên
đến chiếm cứ ngôi nhà này, đặt làm trụ sở và trục xuất bà. Nhật bại binh, ngôi
nhà này sang tay quân đội Pháp, mãi đến nay tang thương biến đổi, gia chủ đã
lìa trần, ngôi nhà thay chủ, trở nên một xưởng dạy đóng giày và may quân phục…
Bây giờ là trại Yên Thế. Cố chủ đã mất, không rõ những đồ xưa quý giá dời giấu
lúc loạn ly nay còn gìn giữ nguyên vẹn hay chăng? Nhắc đến bà, khiến tôi nhớ
lại một buổi sáng năm 1939. Lúc ấy bà còn sõi lắm, tuổi tác trên 80 mà nhanh
nhẹn như người cỡ lục tuần. Sáng hôm ấy, tôi đến gõ cửa nhờ báo tin có khách
muốn xem đồ cổ ngoạn. Đến khi tôi trình diện, bà thấy tôi còn nhỏ tuổi, bà hơi
ngại dạ, nhưng đã hứa lỡ, bà cũng chẳng đã ừ hữ có chừng. Sẵn bà ngồi rửa mặt,
bà đưa tay chỉ sơ những món chưng bày gần chỗ bà ngồi cho tôi xem, tức những
món để nhà bếp! Tôi rảo một vòng, thấy nào chóe lớn, tô xưa đủ cỡ, cái nào
cũng khá, cũng coi được. Xem rồi, tôi định kiếu từ, nhưng nãy giờ tôi không dè
chừng bà để ý từng cử chỉ, từng lời bình phẩm. Độ chừng không chướng tai bà lắm
nên bà sai trẻ mở rộng cửa nhà trên lúc nào tôi không hay biết, khi tôi cáo
thoái bà không cho, mời tôi bước thẳng lên thưởng thức đồ sưu tập chính thức.
Đây mới quả là một bộ môn có giá trị, gồm đủ các loại: be, bầu, ngõng, hũ,
chóe, nai, nậm, nhạo, vò, chum v.v… cái nào cái ấy toàn hảo xinh tốt thật cổ,
thật quý, đáng gọi đồ sưu tập danh bất hư truyền. Tôi xem mãi không biết chán,
day lại thấy mắt bà lóng lánh vui vui. Nhưng ngày giờ có hạn, tôi không dám lợi
dụng lòng tốt của bà nên xin kiếu một phen nữa. Phu nhân không nghe, mời lên
lầu xem nốt những đặc phẩm thuở nay ít cho mắt người lạ ngó vào. Ban đầu, tôi
cũng tưởng vị lòng phu nhân lên xem lấy lệ, nhưng khi vào được “tháp ngà chứa
toàn bảo vật" này, tôi mới hiểu tôi tốt phước bậc nào! Làm sao tả được
những cái khéo cái lạ chứa trên lầu của phu nhân? Hạt hổ phách lớn bằng trái mù
u chưa lột vỏ! Ngọc mã não tiện tròn làm hạt chuỗi Bồ đề, nhưng khoét bộng ruột
để chứa thuốc độc (nghe đâu đó là chuỗi thánh trị gia đời Tự Đức thường đeo hộ
thân, phòng khi ngộ biến lấy đó hủy mình, khỏi lậu cơ mưu, và cũng không cho
tục nhân xâm phạm quý thể). Còn đây là bộ chén trà bằng ngọc lưu ly, nếu rót
nước vào thì vun chùn như miệng chén lên be thêm; còn kia là bầu thủy tinh
trong suốt, lóng lánh chói như hạt sương gặp nắng; này là đấu rượu bằng sừng tê
giác (nôm gọi u tây) chạm rõ khéo, tuyệt đẹp. Mà đẹp nhất, quý nhất có lẽ là
hai tấm cửa bật để che gió: khuôn vành bằng trắc "hổ bì" vân mun vằn
vện rất lạ mắt; mặt khảm ngọc thạch nguyên miếng và cẩm thạch màu xanh lục
"phỉ thúy", một bên thì chạm "kỳ sơn dị thảo", một mặt khắc
bài thi, toàn "thi ngự chế, ngự bút" vua Càn Long, nội mấy tấm ngọc
này, giá thử lấy ra làm trang sức phẩm thì không biết bao nhiêu tiền. Nơi giữa
nhà, dựa theo hai cột cái, chưng hai lộc bình to tướng, men lam chấm "sơn
thủy", cái nào cái nấy sức tôi ôm không giáp và cao còn chút xíu nữa đụng
trần nhà, cả hai không tì không vết, không sờn cũng không mẻ, mới đáng gọi là
của vua của chúa gì đây! Nhưng theo ý tôi, những món này tuy quý lạ, vẫn không
làm cho tôi say mê bằng mấy bộ chén trà và tô uống trà, có thơ nôm hoặc hiệu đề
đúng vào những năm đi sứ của sứ bộ Nguyễn triều, hoặc những bình tích
"Mạnh Thần", "Thế Đức”, thật cổ thật xinh, thuở nay tôi chưa
từng thấy ở đâu có nhiều và có đẹp như ở nhà này. Xem không mãn nhãn, nhưng phu
nhân bản thân hướng dẫn, sớm giờ đã quý lắm rồi, tôi kiếu từ, bà dặn với bảo
tôi khi nào rảnh trở lại tiếp xúc với các công tử và ráng giùm giảng giải nghĩa
các cậu nghe rằng mua sắm đồ cổ không phải là đem tiền vứt sông vứt biển! Lúc
từ giã, tôi có cảm giác sống cảnh "Cao Thiên Tứ viếng nhà Lưu Dung"
tả trong truyện Tàu "Càn Long hạ Giang Nam". Cao Thiên Tứ là tên giả
của vua Càn Long, xưng tạm trong khi đi chơi miền Nam, viếng nhà Lưu Dung, thấy
biển đề năm chữ “THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GIA”, vua không bằng lòng nên tự tìm hiểu
trước khi phán đoán. Nhà năm ngăn bảy nắp có vòng tường bao bọc không khác cung
điện của nhà vua. Vào nhà trước gặp cháu nội Lưu Dung, còn học sinh, chưa biết
gì. Vô nhà tầng nhì gặp con trai họ Lưu, cũng ú ớ không trả lời được. Nhập vào
tầng thứ ba gặp em Lưu Dung và tầng thứ tư gặp cha của Lưu Dung, đều
ấp úng cắt nghĩa không gãy gọn năm chữ vàng nọ. Duy khi đến đại thính đường gặp
một lão trượng đầu râu bạc phếu, dáng điệu thanh kỳ, đây chính là ông nội của
thừa tướng Lưu Dung. Ông giải rằng ông được tám mươi mốt tuổi, ăn lễ bát tuần
thượng thọ, anh em trong xóm thấy nhà ông năm đời khoa giáp nối tiếp không dứt,
phú quý vinh hoa tột phẩm, thêm trường thọ sum vầy, nên đi tặng ông tấm biển
sơn son thếp vàng "THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GIA" ấy. Cao Thiên Tứ nghe rõ tự sự,
gật đầu nhận thầm rằng năm chữ vàng rất xứng và không có chi là phạm thượng.
Tôi đứng lại kể sự tích này cho phu nhân nghe, không dám tự ví mình với Cao
Thiên Tứ hoặc với ông hoàng đế phong lưu nhà Mãn Thanh, nhưng nhấn mạnh nơi chỗ
nhà phu nhân kể từ nhà bếp, nhà dưới lầu trên không khác mấy đời thế phiệt, câu
"THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GIA" sánh với chỗ này không chi là ép gượng. Phu nhân không
trả lời, đứng trước thềm nhà tiễn tôi, hai hột kim cương nơi trái tai rung rinh
lóng lánh. Dè đâu đó là buổi chót! Nay bảo ngọc trân châu quý đến mấy phu nhân
cũng chẳng màng bao, mấy hàng tưởng niệm thành kính này phu nhân cũng không bao
giờ đọc! Trở lại câu chuyện làng Chợ Quán, từ đường Nhà Thương đi đến một cái
ao lớn, chỗ này mới đúng là làng Thợ Đúc năm xưa. Gần ngôi nhà lầu Đức Trí Thể
Dục, còn dấu tích một xóm cổ người Miên, hiện nay trong xóm còn một gò đất cao
hơn mặt đường cái, khách đi trên đường Trần Hưng Đạo dòm vào thấy cao ngùn
ngụt, đây là nền chùa và xóm Thổ đời trước. Thỉnh thoảng dân cư còn đào gặp
gạch cũ kiểu Cao Miên, và cách nay mấy chục năm Viện Bảo tàng có sưu tầm tại
chỗ, nào Phật đá nhỏ, Phật đồng đủ cỡ, đồ từ khí lụn vụn, đặc biệt là một đèn
đồng xưa hình hoa sen, trổ tượng một nô bộc chân quỳ, hai tay bưng thiếp dầu;
thêm có ba tảng đá lớn mòn lì, độ chừng đây là ngạch cửa chùa Thổ đời xưa. Các
vật này hiện đem về lưu trữ tại Viện Bảo tàng để làm dấu tích "Cổ Sài
Gòn", một mớ thu xếp theo hành lang, một mớ để trong tủ kiếng Trung đường.
Từ làng Nhơn Ngãi (sau đổi Nhơn Giang) tới giáp đường Cầu Kho, xưa kia nhà phố
đông đúc lắm, mỗi nhà chung quanh đều có vườn tược cây trái xum xuê. Gần đây có
một xóm nguyên là của những người ăn mày khi trước. Thuở Nguyễn Ánh tỵ nạn
trong Nam, bọn này có công cứu giá. Theo khẩu truyền, bữa đó binh Tây Sơn truy
nã ngặt lắm. Tưởng vua khó thoát chết. May sao chạy đến đây, bọn ăn mày ra tay
ủng hộ. Một mặt họ chỉ đường cho vua ăn nấp. Một mặt họ xúm lại người đánh
trống kẻ đập thùng… làm phở lỡ thế nào, binh tướng Tây Sơn ngộ tưởng binh mã
Chúa Nguyễn tụ tập nơi đây đông lắm, e quả bất địch chúng, nên họ rút lui,
Nguyễn Ánh thoát nạn. Về sau nhớ ơn xưa, Gia Long cho phép lập xóm này ban cho
ba chữ "Tân Lộc Phường". Chỗ này, truy ra trước kia là ruộng lúa của
người Miên trồng trọt, đủ biết hồi đời đó, dân thưa đất rộng đến bậc nào. Qua
tay Nam trào, dân ta bồi ruộng thành đất nền và đào một con kinh để lấy đất lấp
nền, dân trong xóm làm một cây cầu lấy tên "Cầu Gạo", vì trong xóm
chuyên bán gạo. Cách đó không xa có một xóm bán lá lợp nhà, tục danh
"Xóm Lá Buông". Xóm Lá Buông ăn thông qua đường Boresse cũ, giáp lại
với Xóm Cầu Quan đã có nói rồi. Xóm Lá Buông nay biết được vị trí của nó nhờ
trong sách có ghi rằng nơi đây có một khúc đường danh gọi “Đường Nước Nhỉ”.
Đường này xét ra ở giữa đường đi Chợ Lớn đầu này trở ra Bến Thành, mé ngoài là
chợ Kim Chung (Kim Chương), mé trong là "Xóm Cây Da Thằng Mọi". Tài
liệu này tôi gặp trong chú thích ghi dưới bài "Gia Định vịnh” bản in
Trương Vĩnh Ký 1882. Theo một chỗ khác trong diễn văn đọc tại trường Hậu Bổ
1885, “Souvenirs historiques”, chính cụ Trương Vĩnh Ký cắt nghĩa thêm rằng:
"Đường Nước Nhỉ” có cái tên làm vậy vì thường thường đường này bị ngập
lụt, tứ mùa ẩm ướt. Nếu ai còn giữ bức địa đồ xưa nào, xin tìm hộ con đường
Nước Nhỉ, theo cụ Vĩnh Ký thì ở vào lối khoảng đất đi chưa tới Sở Nuôi Ngựa
(Haras) của nhà binh và Đồng Tập Trận (Plaine des tombeaux), từ vườn Bà Lớn
(Phan Thanh Giản) ngó qua Trường Đua cũ, cánh Đồng Tập Trận ăn thông đến Xóm
Lách, trên đường Yên Đỗ, chạy ra sau nhà cũ Blancsubé, vì nhà này thường được
nhắc đi nhắc lại trong bài khảo cứu của cụ Trương Vĩnh Ký. Nay định chừng thì
nhà Blancsubé vốn ở lối đường Lê Văn Duyệt (Verdun cũ) giữa chặng thành Ô Ma
(trụ sở Công an và Cảnh sát) chạy lên Chợ Đũi. Con Đường Nước Nhỉ phải chăng nay
là con đường Cống Quỳnh ăn qua đường Phạm Ngũ Lão? Đường Cống Quỳnh trước kia
là con đường Blancsubé sau đổi làm rue d’Arras. Để nhắc lại đây là một danh từ
"là lạ" xưa thường dùng mà không nghe nay nói nữa, danh từ này thoạt
nghe như có tính cách tục tĩu đó là hai tiếng "Cầu Khấc". Theo cụ
Trương Vĩnh Ký xưa có đến hai cái cầu trùng tên như vậy: ấy là "Cầu Bà
Châu" (phải chăng Bà Lệ Châu thờ làm tổ của những người thợ bạc thợ vàng
Chợ Lớn?) và một cầu khác nữa là "Cầu Khấc" ngoài chợ Cầu Kho đi lên
Đường Nước Nhỉ nói trên. Trong "Gia Định vịnh” có câu: "Trên cây Da
Còm, nỡ để ông Già gùi đội; Dưới đường Cầu Khấc, chỉ cho trẻ con lạc loài"
Hai câu này dạy ta hai việc:
- Một là người xưa tánh tình chất phác thấy sao
nói vậy, không hiểu nghĩa đôi ba, thanh ý tục, không kỵ cữ tiếng trùng âm như bây giờ;
- Hai là bởi quá say mê văn biền ngẫu, mỗi câu đều muốn đối chọi, chơi
chữ, thành thử tối nghĩa.
Đại ý như hai câu trên là: Câu thứ nhất nhắc "Cây
Da Còm" nảy ý nhớ đến cảnh “Ông Già" gùi đội trong đèn dầu "Thằng
Mọi chân quỳ", hoặc văn vật, nhớ câu “Lão giả bất phụ đái ư đạo lộ” (lời
Thầy Mạnh), ý muốn nói hễ nước nhà thịnh trị thì "ông già không gùi đội”…
(gùi đội là mang đội). Câu nhì nói "Cầu Khấc" thị tứ, trẻ con có thể
lạc đường… (câu này theo tôi không có cũng được).
j) Gần Dinh Độc Lập
Tòa án hiện nay và trường Pháp Chasseloup cũ, đều ở ngoài thành lũy. Dinh Tả
quân phu nhân ở vòng rào dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập - 1960) ngày nay. Xa một
độ thì có "Nhà Hoa", tức là chốn dành cho Tả quân đến thưởng hoa giải
muộn. Nhà hát bội, trường bắn ná cũng của Tả quân, nền Xã tắc đều ở vùng này.
Xóm Lụa (dệt và bán lụa) cũng ở gần đây. Còn con đường Hồng Thập Tự chạy đến Sở
Nuôi Ngựa cũ thì có "Xóm Thuẫn", "Xóm Chậu", "Xóm Củ
Cải". "Chợ Cây Vông" thì ở lối nghĩa địa đô thành ngày nay ăn
giáp tới Cầu Bông. Theo ông Trần Văn Học là ông quan đàng cựu đời Gia Long có
công vẽ ra bản đồ thành Sài Gòn thời ấy (1815) thì Cầu Bông, trước kia gọi là
"Cầu Cao Miên" sau đổi là "Cầu Hoa" rồi vì húy tên một bà
phi tần của đức Minh Mạng nên gọi "Cầu Bông" cho đến ngày nay. Còn
trên đường Trưng Vương, có một cái cầu gọi là "Cầu Xóm Kiệu" sau gọi
tắt "Cầu Kiệu", nay còn giữ tên y như trước. Qua khỏi "Cầu Kiệu"
thì tới chợ Phú Nhuận, tục danh xưa là "Chợ Xã Tài", (mả ở đường Công
Lý nay đã cải táng). Làng Phú Nhuận, theo cụ Trương Vĩnh Ký, xưa sung túc lắm,
trong làng đếm đến bảy mươi hai kiểng chùa, nay đâu còn?) Qua bên Thị Nghè
Thì gặp hai cầu: "Cầu Sơn" ở vùng đình Cầu Sơn và "Cầu
Lầu". Cũng tại Thị Nghè, trước nhà thương Dưỡng lão, có một khoảng ruộng
công điền, xưa gọi là "Tịch Điền”, mỗi năm Lê Tả quân đều có đến khai “lễ
hạ canh” làm gương cho nông phu bắt đầu mùa năm mới, kế bên sở "Tịch Điền”
có cái đền “Thần Nông”, nay nhà cửa dân cư đã xâm nhập mất dấu. Theo cụ Trương
Vĩnh Ký, lối năm 1885, gần rạch Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn, có một miếu thờ
Đức Thánh Khổng Phu Tử, nay cũng không truy đúng ra ở nơi nào (trong phần chú
thích "Gia Định vịnh” có ghi Văn Thánh Miếu, xưa ở đường Cầu Thị Nghè qua
Cầu Sơn, Cầu Lầu, khúc vòng nông, thân trên Rạch Bà Nghè). Theo nguyên văn câu
này đó ai biết Miếu Văn Thánh nay ở vào đâu?.
Xuân
Mậu Tuất (1958) - Xuân Canh Tý (1960)
Vương
Hồng Sển
Nguồn:
http://vnthuquan.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét