Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Hình ảnh người thầy trong thơ ca qua các thời kỳ

Hình ảnh người thầy 
trong thơ ca qua các thời kỳ

Những cơn gió se se lạnh luồn về, cây bàng trên sân trường bắt đầu bứt lá theo những cơn gió của mùa thu... thì cũng đến dịp học sinh vui mừng, háo hức đón chào ngày Nhà Giáo Việt Nam với những việc làm thật ý nghĩa. Đó là nếp truyền thống “Tôn sư trọng đạo” mà ai đã làm người đi học cũng từng trải qua cảm xúc đó.

Có thể hiểu rằng “tôn sư” là lòng tôn kính, yêu thương của người học trò đối với thầy cô. Còn “trọng đạo” là đề cao, coi trọng đạo lý. Không chỉ “tôn sư”, người học còn phải “trọng đạo”. Một trong những biểu hiện của “trọng đạo” là xem trọng, biết ơn người thầy. Ngày xưa, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở cháu con “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Trong không khí bận rộn đón mừng năm mới, mọi người vẫn dành những lời chúc tốt đẹp, những sự quan tâm đầy kính trọng, tình nghĩa với thầy dạy mình. Đó là đạo nghĩa thầy - trò. Và tinh thần “Tôn sư trọng đạo” đó đã có từ rất lâu, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta..
Và hôm nay, trong không khí ấm áp của ngày lễ tôn vinh sự nghiệp trồng người, chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian để cùng nhìn lại hình ảnh của người thầy qua năm tháng.
Không phải ngẫu nhiên, sinh thời Hồ Chủ Tịch từng khẳng định: "Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý - vì đó là những kỹ sư tâm hồn". Bởi ngay từ xa xưa, trong suy tư, tâm thức văn học dân gian đã luôn đề cao vai trò của người thầy. Có ai không nhớ, không biết đến câu tục ngữ dưới đây:
"Không thầy đố mày làm nên"
Vâng! Đối với mỗi người học trò - trên con đường tiếp cận kho tri thức khổng lồ của dân gian, của nhân loại, dù là đạt nhiều mục đích khác nhau; song đều gặp nhau ở chỗ là họ luôn cần đến sự định hướng, dắt dìu của người thầy trong quá trình tiến gần đến chân lí. Do vậy, bên cạnh tục ngữ, thì ca dao cũng cất lên lời ca khẳng định:
"Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên"
Và theo như chúng ta đều biết, mỗi con người - từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, luôn được chăm sóc, dạy dỗ bởi bàn tay, khối óc, tấm lòng cao cả, bao la của nhiều người theo bước đi của thời gian. Khi còn nhỏ, ta chịu ơn nuôi dưỡng "cao như núi Thái Sơn" của cha, chịu cái nghĩa sinh thành "như nước đầu nguồn" không ngừng tuôn chảy của mẹ. Rồi khi lớn lên, cắp sách tới trường - thì chính thầy giáo là người nâng niu, uốn nắn cho ta:
"Mẹ cha công sức sinh thành
Ra trường thầy dạy học hành cho hay"
Phải! Thầy giáo dạy học trò trên nhiều phương diện, lĩnh vực theo mỗi bước đi của thời gian và sự hình thành nhân cách của trẻ. Nhưng trước hết là dạy để chúng biết được cái chữ:
"Công cha, áo mẹ, chữ thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh"
Rồi không chỉ có "chữ", tiếp đó là thầy truyền đạt cho trò nguồn kiến thức gắn liền, phù hợp với tư duy lứa tuổi. Người học trò lớn khôn, trưởng thành hơn qua mỗi bài giảng của thầy. Đến một ngày kia, nếu có ai trong số họ thành đạt, vẫn nghĩ rằng "một chữ hay nửa chữ" là thuộc về công lao của thầy:
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"
(Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)
Chỉ ngần ấy thôi, cũng đủ để chúng ta hiểu: Nhân dân rất coi trọng nghề thầy giáo. Họ đúc kết lại trong những câu ca dao, tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc. Cũng bởi xuất phát từ chỗ nhận thức rõ vị trí của người thầy, mà dân gian đã không quên nhắc nhở học trò lòng yêu kính, biết ơn thầy. Có một câu ca dao rất hay viết rằng:
"Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy"
Lòng yêu kính ấy, được biển hiện qua nét ứng xử bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có phong tục lễ, tết. Nghĩa là mỗi năm khi Tết đến, xuân về, như đã trở thành đạo lý ngàn đời, mỗi người chúng ta, ngoài sống có hiếu với cha, với mẹ, còn phải sống có nghĩa đối với thầy. Quan niệm thầy - trò theo nếp này, một cách tự nhiên đã trở thành thứ tình nghĩa cao cả, thiêng liêng trải dải suốt bao đời nay, kết nối thành một sợi dây, tạo nên truyền thống đẹp đẽ của dân tộc: Truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhân dân ta quan niệm:
"Nhất nhật vi sư"
(Một ngày cũng là thầy)
Vậy nên, trong ca dao, thường cất lên lời hứa hẹn của nhân vật trữ tình về sự "đền ơn đáp nghĩa" nếu ngày kia họ thành đạt:
"Bao giờ anh chiếm bảng vàng
Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong"
Cao dao đi vào sâu trong tâm khảm ta là thế, hình ảnh người Thầy giáo khắc ghi trong ta là thế. Đơn giản, mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng!
Dưới thời phong kiến, trong bậc thang giá trị, vua là trên hết rồi đến thầy sau đó mới đến cha mẹ. Chúng ta thường nghe nói “Quân- Sư- Phụ” là thế. Người thầy tuy không phải là cha, mẹ sinh ra ta, cho ta cơm ăn... Nhưng lại dìu dắt ta lớn dần lên về trí tuệ, tâm hồn, sự hiểu biết, giúp ta có được những hành trang quan trọng để vào đời, làm người. Việc đó người cha, người mẹ không dễ gì làm thay được. Con người ta, từ vĩ nhân, quan chức, tướng lĩnh đến những người dân nơi thôn quê ít nhiều đều qua tay người ấy. Người thầy có vai trò rất quan trọng đối với sự thành đạt của mỗi người. Người thầy là người biết yêu thương, chăm lo, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho từng người học trò của mình học hành tiến bộ, trở nên người tốt.
Từ xưa, trong lịch sử giáo dục của dân tộc ta đã có những người thầy đức độ và tài năng, được nhân dân mãi mãi tôn vinh, gương sáng còn lan tỏa đến ngày nay như thầy Đỗ Năng Tế (thầy dạy cả văn lẫn võ cho hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị), thầy Chu Văn An (tương truyền cảm hóa được cả quỷ thần), thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Đình Chiểu và gần đây, có thầy Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ kính yêu của chúng ta). Và biết bao nhà nho người thầy vô danh khác sống khắp trên các miền quê. Những người thầy đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng dạy dỗ, đào tạo nên bao thế hệ học trò và nhiều người đã trưởng thành ra đời phò dân giúp nước, làm rạng rỡ vẻ vang cho dân tộc.
Lịch sử nước nhà cũng có không ít những thế hệ học trò vừa siêng năng đạo học, lại nhất mực cung kính với thầy. Một trong số những tấm gương tiêu biểu như:
Lê Văn Thịnh - người học trò nghèo vùng Gia Lương, Hà Bắc, nổi tiếng thông minh, ham học, ông đã đọc không dưới một vạn cuốn sách, uyên thâm các lĩnh vực, có tiếng là học sâu, biết rộng hiếm ai sánh bằng. Ông đã đỗ đầu Kỳ thi năm 1075 do nhà Lý tổ chức tại Văn Miếu và làm đến quan Tư đồ ở Quốc Tử giám, sau đó được thăng đến chức Thái sư trong triều. Tuy đỗ đạt thành tài làm đến chức Thái sư nhưng khi về thăm thầy học ông vẫn rất mực cung kính khoanh tay, quỳ gối xưng con với thầy.
Lê Quát - quan đại thần của triều Trần, là học trò của Chu Văn An, sau khi đỗ đạt thành tài, Lê Quát đã làm quan ở Viện Hàn lâm, năm 1359 ông được thăng chức Phụng chỉ. Làm việc giỏi, nhanh nhẹn, lại thanh liêm nên Ông được thăng chức rất nhanh làm đến chức Nhập nội Hành khiển, Thượng thư Hữu bật, rồi làm đến chức Hữu bộc xạ… Tuy đã trở thành quan đại thần trong triều, bận trăm công nghìn việc nhưng năm nào ông cũng về thăm thầy học và bao giờ cũng vậy đều cung kính quỳ gối, khoanh tay và vẫn xưng con với thầy.
Đó chính là những hình ảnh tiêu biểu về người Thầy trong thời phong kiến.
Tiếp bước năm tháng, ta tìm về với hình ảnh người Thầy, người chiến sĩ cách mạng qua hai thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Ngoài việc biết đến là vị lãnh tụ vĩ đại, một con người kiệt xuất của dân tộc ta thì đó còn là một người Thầy giáo đúng nghĩa, thầy giáo Nguyễn Tất Thành. “Đó là một người thầy giáo trẻ, không phải người địa phương, vui vẻ đón nhận đủ mọi lứa tuổi, mọi trình độ của đám học trò nghèo”.         
“Những em thơ da rám nắng
Nắm tay thầy đòi kể chuyện, đi chơi
Kể điều gì cho đôi mắt biển khơi
Ôi đôi mắt các em
Đang khao khát được nên người”
Trong những giờ giảng bài về địa lý, lịch sử Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã xót xa kể lại cho các em nghe và nhớ rằng, đất nước ta đang bị giặc Pháp xâm lăng, nhân dân ta đang sống cảnh lầm than, nô lệ.          
“Thương những dải đất khô bài địa lý
Sách thầy cầm hạn hán cháy từng trang
Thân ngựa đá lấm bùn in sử ký
Vẫn bồn chồn gõ móng hý trong sương”
Thầy thường dạy học trò những bài thơ yêu nước, những bài như Hồn Quốc Ca do Phan Châu Trinh viết, Á tế á ca, Bài ca hớt tóc... thầy kiêm luôn việc hướng dẫn thể dục buổi sáng của toàn trường. Một trong những công việc quan tâm của thầy ngoài giờ đứng lớp là chăm lo xây dựng tủ sách nhà trường và đưa học sinh đi tham quan học tập ngoại khóa.
Trên bục giảng, thầy giáo Nguyễn Tất Thành hết lòng truyền đạt tri thức và tư tưởng tiến bộ, gieo vào tâm trí thế hệ tương lai một nỗi niềm trăn trở về vận mệnh đất nước. Thầy dạy: "Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước”.    
Bước tiếp thế hệ của Người, dân tộc Việt Nam ta cũng vô cùng tự hào khi có một cái tên trở thành bất tử, một con người đi vào huyền thoại, đấy chính là Đại tướng- thầy giáo Võ Nguyên Giáp. Ông cũng là một người Thầy, một thầy giáo dạy lịch Sử xuất sắc.
Khi còn là giáo viên, những bài giảng của Đại tướng về lịch sử dân tộc, lịch sử các nước... đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học trò. Những bài giảng ấy bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc... Sau này, nhà văn Hoàng Công Khanh từng chứng kiến cảnh, một lần vào viện thăm Tướng Giáp, một vị giáo sư, tiến sĩ đã ở tuổi gần 80 vẫn khoanh tay lễ phép chào người thầy gần 90 tuổi.
Giáo sư Trần Văn Trà, người không trực tiếp ngồi lớp học thầy Giáp, vẫn nhớ mãi những tập giáo trình lịch sử do Đại tướng viết nên và được học trò truyền tay nhau một thời. Những bài học được cấu trúc rất dễ thuộc, dễ nhớ... đã nung nấu trong lòng nhiều thế hệ thanh niên về lý tưởng sống sao cho xứng đáng với quê hương, xứ sở.
Tâm niệm cho "dân giàu, nước mạnh" là tâm niệm trọn đời của một người thầy hiểu rõ chân lý của lịch sử. Bởi mọi cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do chung quy lại đều thành công từ sức mạnh của nhân dân, vì nhân dân. Cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong một cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hỏi: "Sau này khi chiến tranh kết thúc, liệu anh Văn có về dạy học nữa không?". "Nghề dạy học là nghề tôi yêu thích, song làm kinh tế để dân giàu nước mạnh là điều tôi hằng mong" - Đại Tướng trả lời.
Ngày nay, cùng với sự hưng thịnh của đất nước, việc  học đã trở thành nhu cầu bức thiết của mỗi người, mỗi nhà, nghề dạy học luôn được cả xã hội tôn vinh. Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” mà trong đó người thầy là một trong những nhân tố quyết định tới chất lượng và sự phát triển của giáo dục nước nhà. Thế hệ nhà giáo hôm nay tiếp nối truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, những người thầy vĩ đại trong lịch sử, và vẫn miệt mài làm nhiệm vụ của “Người chèo đò” đưa thế hệ trẻ cập bến bờ vinh quang của tri thức. Có những người thầy đã làm nên những điều kì diệu cho dân tộc và nhân loại. Thầy giáo  Ngô Bảo Châu là người giành giải thưởng cao quý nhất về toán học - giải Fields năm 2010 - khiến cả thế giới phải khâm phục, đã mang hình ảnh người thầy giáo Việt Nam đi ra với bạn bè quốc tế không thể đẹp và thuyết phục hơn.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, ta thử đi một vòng qua vườn hoa khá nhiều hương sắc của các thầy cô giáo trường THCS Vinh Hưng - Trường THCS Vinh Hưng được thành lập từ năm 2001 trải qua bao năm tháng các thế hệ thầy cô tiếp nối sự nghiệp trồng người đến nay đã có người nghỉ hưu có người vẫn đang đảm trách sự nghiệp trồng người. Trong suốt thời gian ấy, dù nhiều lúc cũng gặp phải những khó khăn vất vã của cuộc sống nhưng quý thầy giáo, cô giáo đã vượt qua và làm tốt nhiệm vụ của mình. Vẫn còn nhớ mãi những cái tên thân quen của các thầy cô giáo: như sự công tâm tận tình của thầy giáo Phan Văn Nhơn; nét trầm lắng mẫu mực của thầy giáo Hoàng Đoàn; sự ưu tư lo lắng và nghiêm khắc của thầy giáo Nguyễn Vy; nét nhẹ nhàng, duyên dáng và sự mẫu mực của cô nguyễn Thị Sẻ, cô Phan Thị Gái, cô Trương Thị Cầm... và nhiều nhiều nữa những cái tên chưa kể hết vẫn đọng lại trong lòng mỗi thế hệ học sinh nỗi vương vấn chưa nên lời.
Đến  nay, có thế hệ thầy cô đã vượt qua những giai đoạn đầy khó khăn và thử thách, có những nhà giáo cùng thế hệ đã không thể tiếp tục gắn bó với “các mái đầu xanh”, nhưng bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ họ vẫn tiếp tục gắn bó, công tâm vun xới cho sự nghiệp trồng người của xã nhà, những  thầy cô  đáng kính và thân quen vẫn hàng ngày đồng hành với học sinh trường THCS Vinh Hưng: Thầy giáo Nguyễn Thanh, thầy giáo Phan Tỷ, thầy giáo Hồ Cơ, thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn, thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Dung, cô giáo Trần Thị Mộng... Bên cạnh đó, cùng với đội ngũ giáo viên trẻ, có tay nghề vững vàng, nhiệt huyết, công tâm với nghề có có nhiều đóng góp trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục qua mỗi năm học và không ít lần đạt những thành tích cao trong các cuộc thi giáo viên giỏi toàn huyện và toàn tỉnh.
Nhà giáo xứng đáng được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, nghề giáo xứng đáng được vinh danh là “Nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý.” 
Kính chúc quý thầy cô sức khỏe, hạnh phúc, luôn vững tay lái trên những chuyến đò giáo dục, tiếp tục sự nghiệp “vì lợi ích trăm năm trồng người”.
TẢN MẠN VỀ HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY TRONG THƠ CA HIỆN ĐẠI
Người Thầy - đề tài muôn thuở của thi ca. Trong nền thơ ca các thời kì nói chung và thơ ca hiện đại nói riêng, ngoài những hình ảnh về người mẹ, người lính thì hình ảnh về người Thầy cũng được đề cập nhiều. Điều này không lạ đối với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Nếu lập được thống kê, chắc sẽ đến hàng nghìn bài thơ như thế. Chỉ riêng mùa nhớ ơn thầy cô 20/11 hằng năm, trên những trang báo học trò, đã thấy bao lời hay ý đẹp viết về “người gặp hàng ngày ”trên bục giảng này.
Hình ảnh người Thầy là thế!
Người thầy thầm lặng, âm thầm theo suốt hành trình tôi luyện con người. Có ai nói hết công ơn người thầy? Bởi thế, không trực thể hiện tình cảm, con người bèn mượn thơ ca để nói hộ lòng mình những điều khó nói, chưa dám nói.
Có lẽ, ai trong mỗi chúng ta cũng một thời “mẹ dắt tay đến trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương”. Đó là những tháng ngày ta học mẫu giáo, và người thầy đầu tiên trong cuộc đời ta là những cô giáo mầm non. Đi cùng với sự hồn nhiên của trẻ thơ, là sự hồn nhiên, trong sáng của mảng thơ viết về những giáo viên bậc học này.
Khánh Chi trong tập “Gửi gió về cho nội”, có hai bài thơ viết về cô giáo. “Cô giáo em” là bài thơ viết theo thể tự do với nhiều so sánh lạ. Cô học trò nhỏ làm thơ này đã lấy các thời khắc của một ngày: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, để qua đó, nói lên những suy nghĩ đẹp đẽ về cô. Cô là buổi sáng khi ánh mai chưa lên, nhìn vào mắt cô, em thấy em, thấy các bạn. Buổi chiều, đó là bàn tay phấn trắng như người gieo hạt. Và, trong buổi tối, trong giấc mơ, em thấy cô đi ra trong chiếc bông sen đẹp, cô hiền như lá lúa tháng ba. Bài thơ Khánh Chi viết năm lên 9 tuổi. Ý tứ tinh tươm, mới mẻ.
Ở một góc độ khác, cũng viết về cô mẫu giáo, Vũ Quần Phương thiên trọng về phía công ơn dạy dỗ. Cô hát, cô dạy, cô thức, cô ru … Trong bài “Trường con”, nhà thơ như hóa thân vào thế giới trẻ con để viết. Nơi thế giới ấy, có bàn ghế bé lại như con, có chữ C: trăng khuyết, chữ O: tròn, có mái trường trong phố như nôi nhỏ, có làn môi chóp chép, nét mi thưa. Thông qua những hình ảnh thân quen đó, nhà thơ thổi vào ước vọng và tình yêu rộng lớn về quê hương, đất nước. Từ đỉnh núi, dòng sông, khúc hát, đêm trăng đến Tổ quốc, cuộc đời, như không còn khoảng cách nữa, cả đến những suy nghĩ lớn lao, cao cả:
Cô dắt con đi giữa phố đông
Tưởng như dắt mãi đến không cùng
Mai sau bay giữa vòm tinh tú
Cô vẫn cầm tay, con biết không?
Trần Quốc Toàn lại nghĩ và thương cô mẫu giáo, người luôn muốn tạo niềm vui cho học trò, nên gấp giấy thành chim, thành thuyền, nhặt những quả thông, quả chò, về làm con nhím, con thỏ, để dạy bao người lớn lên.
Lớn lên một chút, con người ta trưởng thành hơn trong nhận thức của mình, những hình ảnh về người Thầy cũng theo đó mà lớn lên.
Thường thơ viết về người thầy là những hồi ức trong trẻo, sáng đẹp. Điều này cũng dễ hiểu. Tuổi trẻ gắn bó với trường lớp, thầy bạn, chưa hoen lấm cát bụi đời thường, tâm hồn còn trong trắng; vì thế, khi nhớ về ngày xưa, kỷ niệm bao giờ cũng lung linh, kỳ diệu. Ngô Văn Phú quay trở lại Tuổi học trò, nhớ về ngôi trường ở thị xã trung du. Nơi ấy, một thời, dăm cậu học trò nghèo, ăn cơm độn, canh rau, mơ làm thi sĩ:
Tuổi học trò của thị xã trung du
Hàng long não ủ hương vào trang vở
Sông Thao chảy như tâm hồn tuổi trẻ
Cứ đi hoài, không tính phút dừng chân
Sông Thao, những quả đồi Phú Thọ, gió Bến Đoan, trăng Trù Mật đã nuôi dưỡng tâm hồn một thế hệ. Và, nơi ấy, có người thầy giáo già, mái tóc bạc bao năm rồi, chưa hết lo toan, vẫn cứ nhớ hoài.
Có người đã ví người thầy giáo như kẻ đưa đò, hết chuyến này đến chuyến khác. Đành vậy. Có điều trên con đò - tri thức đó, khi cập bến, kẻ ở người đi khó quên nhau. Trong hoài niệm của mỗi người, nơi góc trái tim, chúng ta nhớ về thầy, cô cũ với bao tình cảm đậm đà, sâu nặng. Lớn lên, ta hiểu ra bao điều lớn lao từ lời giảng ngày xưa :
Thầy đã giảng cho con về đất nước, nhân dân
Để lúc mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay người trồng khoai, dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một thời …
(Phạm Khoa Văn - Thăm thầy giáo cũ)
Trong những năm đạn lửa Trường Sơn, mùa thu - khai trường, vẫn nôn nao nhớ về tiếng trống, nhớ về người thầy, người cô. Trong bài thơ Chẳng thế nào nói hết được đâu, người học trò làm thơ Nguyễn Văn Thắng của vùng chiêm trũng Nam Hà, cứ thương nhớ mãi bóng hình người cô giáo năm xưa, giã từ miền quê quan họ: Nơi con sông Cầu bên bồi bên lở - Con sông Thương nghe tiếng hát giao duyên đến với vùng chiêm lầy lội, rồi những ngày sơ tán, những bữa cơm sắn độn khoai. Chiến tranh, người học trò lên đường. Trong cái ác liệt của đạn bom, vẫn nhớ, vẫn ghi:
Chúng em đi đánh giặc ở Trường Sơn
Mang lời cô thắp sáng rừng lá đỏ…
Em nghĩ về cô như nghĩ về quê hương thân thuộc
Chẳng thế nào nói hết được đâu
Một khía cạnh khác, Nguyễn Đình Ảnh ghi lại những xúc cảm khi nhận được thư thầy cũ. Ba mươi năm là quãng thời gian không ngắn trong đời mỗi người. Vậy mà, suốt chiều dài đằng đẳng ấy, thầy giáo ngày nào vẫn dõi theo từng bước đường của người học trò. Bài thơ có những dòng trĩu nặng yêu thương:
Ba mươi hai năm chưa gặp lại lần nào
Bỗng hôm nay nhận được thư thầy gửi…
Đọc xong rồi cứ cầm mãi trong tay
Phong thư nhỏ của người thầy giáo cũ
Ngỡ còn ấm trên từng nét chữ
Tấm lòng thầy qua bao tháng, năm
(Đọc thư thầy)
Sẽ thiếu sót, nếu không nhìn thấy một mảng thơ do chính những người cầm phấn sáng tạo. Và, tưởng như có điều nghịch lý chăng, khi người thầy quay về với bao học trò của mình, cũng sâu nặng, ấm áp nghĩa tình. Qua nhiều năm giảng dạy, tiếp xúc với bao lứa học trò, gặp những cảnh đời éo le, bất hạnh, người thầy sẻ chia vui buồn, mất mát như chính những người thân mình vậy. Một người cha ra đi, không về. Một người mẹ bao năm cách mặt. Nỗi đời hiu quạnh như cứ dào lên trong lòng thầy những thương cảm khôn nguôi:
Đã bao lần thầy lau kính
Mà mắt vẫn cứ nhòa đi
Các em viết về nỗi đau tử biệt
Các em kể về nỗi khổ sinh ly…
(Đặng Hiển - Đọc hồi ức tuổi thơ học trò)
Đặng Hiển là nhà giáo, làm thơ, quê Nam Định, sống và công tác tại Hà Tây (cũ). Bài Viếng thầy nói lên tình cảm, tấm lòng của người học trò, kính trọng thầy:
Bài thơ con mới viết
Chưa kịp dâng thầy xem
Vậy mà, thầy đã ra đi, bùi ngùi thương tiếc, với Hương khói trào nước mắt
Lệ nến giọt vắn dài, mong Cúi xin thầy tha tội/ Sự đời lệ chảy xuôi.
Lê Huy Hòa cho ta nhận diện chân dung một người học trò. Người học trò ấy giã từ tán bàng xanh, sân trường nắng ngập, tiếng ve mùa hè, theo tiếng gọi của Rẻo đất biên cương trầm mặc cánh rừng già. Trở lại trường xưa với cánh tay gửi lại chiến trường: Lặng lẽ ở dãy bàn cuối lớp, áo quân nhân, một tay áo buông chùng. Nhưng từ nay, lớp học ấm cúng hơn, em hóa thành tấm gương soi cả lớp. Và, đối với người thầy cũng thế:
Lời tôi giảng thật hơn khi tôi nói đến ước mơ
Khi mắt tôi dừng lại ở tay áo buông chùng của em
người học trò ấy
Niềm tin yêu lớn dậy
Những chân trời sau nét phấn xôn xao
(Người học trò ấy)
Trần Đăng Khoa có một bài thơ viết về người thầy giáo thương binh rất cảm động. Năm ấy, chiến tranh đến. Một buổi sáng bom dội, cây phượng già đổ ngổn ngang, ngôi trường thân yêu tốc mái, chiếc bảng đen lỗ chỗ dấu bom, người thầy cầm súng ra đi. Năm sau, thầy trở về, một bàn chân không còn nữa. Bàn chân thầy gửi lại nơi đâu, Khe Sanh, Tây Ninh, Đồng Tháp, học trò thơ trẻ không biết. Nhưng điều rõ ràng, sâu xa nhất, những chiều giá buốt, những đêm mưa dầm, dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo:
Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
Như nhận ra cái gì chưa hoàn hảo
Của cả cuộc đời mình…
Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
Vẫn dắt chúng em đi trọn vẹn cuộc đời
(Bàn chân thầy giáo)
Hữu Thỉnh có một bài thơ khá hay viết về người thầy, có tên Thưa thầy. Hình tượng chiếc thước kẻ, vật quen thuộc của người đi dạy như vẽ ra con đường cho người học trò vin vào đấy, bước qua cay đắng cuộc đời, đứng lên trước mọi vấp ngã, đi tới tương lai, vững tin:
Đã vấp ngã
thưa thầy
nhiều vấp ngã
Chẳng đâu xa, ở ngay giữa con người
Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy
Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ
Trong nghĩ suy của người học trò, với thầy, đó là nơi gửi gắm của niềm tin, chốn đi về sau bao thất bại, là bông hoa cho thơm mát bình yên, là ngọn suối tan đi nhọc nhằn. Bao giờ cũng vậy, ngồi bên thầy, chúng ta trở thành bé bỏng, như đứa con bên cạnh mẹ hiền. Thương thầy, qua thời gian, tóc bạc dần. Trang giáo án mỏng manh không chịu nổi những bão giật của đời thường:
Cây trước cửa, gió ở ngoài trang vở
Thầy một mình vật vã với văn chương
Đang mưa bão đường về sông nước ngập
Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau.
Thầy giáo, như có người so sánh, là cành hoa đào ngày xuân, tự cháy đỏ đời mình để cho mùa xuân rực rỡ. Bao thế hệ qua đi, trên bến sông xưa, người thầy kính yêu của chúng ta vẫn còn đứng đó, cần mẫn dìu dắt bao lớp học trò:
Con tằm rút ruột mang tơ óng
Cây được vun trồng nở rộ hoa
(Bài xướng - Doãn Mậu Côn)
Thời gian rồi sẽ qua đi, con người rồi cũng sẽ trưởng thành nhưng những gì gọi là kỉ niệm thì sẽ còn mãi. Nỗi nhớ bao trùm kỷ niệm:
Thưa thầy, bài học chiều nay
Con bỏ quên ngoài cửa lớp
Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót
Con hóa mình thành bướm và hoa 
Thưa thầy bài tập hôm qua
Con bỏ vào ngăn khóa kín
Mải lượn lờ theo từng vòng sóng
Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin
Để rồi khi lớn lên:
Thưa thầy, bên ly cà phê đen
Con đốt thời gian bằng khói thuốc
Sống cho mình và không bao giờ mơ ước
Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai?
Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy khuya nay
Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng
Thầy ngồi bên bàn phẳng lặng
Soạn bài trong tiếng ho khan
Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn
Sao con học hoài không thuộc
Để bây giờ khi con hiểu được
Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy 
(Tạ Nghi Lễ)
Nỗi nhớ cứ thế theo ta đi suốt cuộc đời này, trải dài theo con đường ta bước là bóng thầy dài đổ xuống con đường kia. Biết bao thổn thức biết nói cùng ai cho hết công ơn trời biển của những Thầy giáo, cô giáo, thế nên phải lấy hạnh phúc của mình làm quà dâng tặng Thầy cô, bởi Thầy cô cho đi có bao giờ mong ngày nhận lại?
Cái hẹn 20.11 lại về, biết bao cảm xúc dâng tràn trong trái tim của cả Thầy lẫn trò cho ngày lễ trọng đại này. Hãy dành những giây phút quý giá, ấm áp để tri ân thầy cô giáo, những người lái đò cho sự nghiệp giáo dục...
Nhân ngày 20.11, em kính chúc quý thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, vui vẻ, trẻ trung, yêu đời. Tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

22/11/2013
Theo http://thcs-vhung.phuloc.thuathienhue.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...