Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Khúc hát sông quê và cảm nhận

Khúc hát sông quê và cảm nhận
Quá nửa đời phiêu dạt
Con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn.
Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy
Từng vị heo may trên má em hồng.
Ơi con sông quê con sông quê (2)
Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng
Ơi con sông quê con sông quê
Ơi con sông quê con sông quê
Con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…
Cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng…
  Cảm nhận từ “KHÚC HÁT SÔNG QUÊ”
  Ai sinh ra và lớn lên từ một vùng quê hẳn không lúc nào có thể vơi được nỗi nhớ quê hương, nó cứ luôn da diết, canh cánh thường trực trong lòng. Đó là nơi ta đã sinh ra, gắn bó, nơi đã nuôi dưỡng ta lớn lên, vượt qua những tháng ngày gian khó và là nơi có một dòng sông tuổi thơ để ta thỏa sức vẫy vùng…Ta yêu quê hương và dành cho nó một tình cảm trọn vẹn!
   Với người xa xứ, “trở lại dòng sông tuổi thơ” như trở lại với những gì thân thương nhất để được chở che, vỗ về và an ủi. Dòng sông tuổi thơ như lòng mẹ bao dung, dạt dào sóng vỗ (Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào) khiến ta muốn được trở về nằn trọn trong vòng tay yêu thương ấy. “Khúc hát sông quê” đưa ta trở về với quê hương nguồn cội, trở về với những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm hòa cùng thiên nhiên và để được thấy lại mình trong đó.

“Quá nửa đời phiêu dạt
Con lại trở về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”
              (Chế Lan Viên)
“Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng” cũng như tâm hồn và nỗi nhớ quê của người xa xứ không bao giờ vơi cạn, không thể nào có thể đo đếm hết được, để “người đi” mãi luôn đau đáu và hoài niệm về nó, nơi đã cho ta  được sống, được tự do, dưỡng nuôi tâm hồn ta và giữ lưu giùm ta bao kỷ niệm.
  “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi; Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” (Đỗ Trung Quân). Quê hương – tiếng gọi thiết tha và trìu mến ấy luôn hối thúc trong tim, khiến ta luôn muốn được tìm về để được dịu xoa tâm hồn, để được thư thái và thanh thản và để làm cho lòng ta trong sáng hơn.
   Quê hương như tiếp thêm cho ta nguồn sức mạnh để ta thêm động lực, vững bước vượt qua những bão giông của cuộc đời (Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn). Sự trở về như một điều tất yếu và hành động “úp mặt vào sông quê” chẳng khác chi “đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa” được sà vào lòng mẹ để được bú mớm, dỗ dành và cưng nựng. Thế mới biết quê hương quý giá và có ý nghĩa đến nhường nào! Con sông quê hương, con sông tuổi thơ đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho quê hương nguồn cội, để ta được trở về gột rửa và gội mát tâm hồn…Con sông quê hương “dạt dào như lòng mẹ” mà lòng mẹ thì bao la lắm, ta luôn tìm được nơi trú ngụ , chở che và dù cho có phiêu bạt đến nơi đâu thì lòng mẹ vẫn dõi theo ta:
  ”Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông”? Dường như trên khắp núi sông này, quê hương ai cũng có một dòng sông, một dòng sông thực chảy của phù sa tháng bảy tháng ba và của vị heo may trên đôi má em hồng:
“Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy
Từng vị heo may trên má em hồng”
Và dường như còn đó luôn có một dòng sông trong tâm tưởng cuộn chảy mãi không thôi – Dòng sông quê hương!
“Ơi con sông quê con sông quê (2)
Sông có nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng
Ơi con sông quê con sông quê (2)
Con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”
   Hình ảnh con sông quê hương đã được nhân cách hóa như một con người, vì thế người trở về cất tiếng gọi như một người bạn thân thiết: “Ơi con sông quê con sông quê, sông có nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ, vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” Một hình ảnh dễ bắt gặp của tuổi thơ, rất đỗi thân quen, trong tim ai cũng có và luôn hằng lưu giữ: Đứa trẻ thơ ngồi bậc thềm vắng ngóng ra đầu ngõ mong mẹ về mua cho đồng quà tấm bánh chợ phiên(đã hứa ở nhà chơi ngoan rồi mà!) Chao ôi! thân thương lắm!
“Ơi con sông quê con sông quê
con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”
   Con sông quê chảy mãi muôn đời, “chuyện bao đời sông biết cả”(Phó Đức Phương - Chảy đi sông ơi) và nó hằng lưu giữ dấu ấn cuộc đời ta, vì thế ta mới hỏi: “Sông có nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ?” để biết rằng con sông quê gắn bó máu thịt với tâm hồn ta, như một phần của cuộc đời ta, ta càng không thể quên.
   Nhưng sao thoáng một chút ngỡ ngàng, bối rối, tự hỏi và reo vui như thể ta đã khám phá ra điều gì hay ho lắm?:
   Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi, lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm là những cảnh và vật hiện hữu như vốn có phải thế, vậy mà cớ sao còn như thảng thốt? Bởi lòng xa quê, trở về, ký ức như ùa lại, vây lấy, những cảnh vật thân quen như trỗi dậy, sống lại và có linh hồn, mỗi thứ đều đã mang đậm hồn riêng của nó. Phải chăng “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Thêm một lần nữa để những hình ảnh bình dị của quê hương được nhắc nhở in sâu.
“Cùng một bến sông
Con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”

   Hình ảnh thơ như một bức tranh sống động về sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, cảnh vật. Ở nơi đó cuộc sống nảy nở sinh sôi; sông mang phù sa bồi đắp cho đồng bãi, sông mang nước cho cánh đồng lúa bao la, sông là nơi tắm mát những trưa hè, sông mang lại cá tôm cho cuộc sống… Một dòng chảy bất tận muôn đời và sự sống hai bên bờ cũng cứ nảy nở sinh sôi từ chốn ấy!
   Con sông quê hương không biết tự bao giờ đã có sự gắn bó mật thiết hữu cơ với cuộc sống con người, là hình ảnh in sâu và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bao thế hệ. Và muôn đời sau vẫn thế! (Ơi con sông trôi suốt muôn đời…Sông hiến mình tất cả, đời sông không thể biết vơi đầy – Chảy đi sông ơi!):
“Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”
   “Khúc hát sông quê” đã đưa ta trở về với dòng sông  kỷ niệm, gặp lại mình và để thức tỉnh những ai đã rời xa quê hương bản xứ. Lắng nghe trong sự mượt mà của ca từ trên chất liệu của ngôn ngữ âm nhạc dân tộc cùng làn điệu dân ca đằm thắm để thấy tâm hồn đồng điệu và lòng trào dâng tình quê da diết. Với “Khúc hát sông quê” mỗi người đều tự tìm thấy tuổi thơ mình trong đó, vì thế nó đã là bài ca của mọi người ”ngỡ như người đã hát, ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát, tuổi thơ tôi” (Lê Huy Mậu). Ngày mai ai đi xa, rồi trong hành lý mang theo sẽ luôn có một khúc hát sông quê - Khúc hát của người xa xứ!!.
Theo http://dinhdoan.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...