Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Những phận đò không bến đậu

Những phận đò không bến đậu

Bến đò Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) vắng tanh không bóng người. Bên kia sông, bến đò Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cũng đìu hiu. Ở đó, những phận người cũng buồn hiu như bến đò cô quạnh. Cầu Cửa Đại đã nối những bờ vui, bến sông nay vắng xa tiếng gọi đò.
Những chuyến đò ký ức
Cầu Cửa Đại tuy chưa hoàn thành, nhưng nhịp cầu nghìn tỷ đã giúp người dân Duy Xuyên và Hội An qua lại dễ dàng. Dân làng mở tiệc ăn mừng vì từ nay không còn cảnh lụy đò, cũng là lúc những ông lái đò ngậm ngùi đưa con đò mấy chục năm gắn bó với đời người, với dòng sông Thu Bồn lên bờ, để chờ ngày định đoạt số phận. Cuộc đời họ cũng như những con đò rẽ hướng, nhưng chưa biết về đâu...
Cả tuần qua, ông Đặng Công Tấn (57 tuổi) như người mất hồn, ngồi thẫn thờ bên bến đò Cẩm Thanh nay đã vắng bóng những con đò và khách qua sông. Bến đò nhộn nhịp ngày nào giờ đây vắng lặng đến nao lòng. Nhớ bến, nhớ thuyền, nhớ nghề, nhớ khách ông ra đây ngồi một mình ưu tư, trầm ngâm hướng về cầu Cửa Đại đã thành hình vắt qua sông Thu Bồn. Những chuyến đò sớm trưa đầy khách, mới hôm nào giờ đã lùi vào dĩ vãng. Vài khách đường xa, khách du lịch ghé bến cất tiếng gọi đò, làm ông thêm buồn, thêm tủi. Nén nỗi niềm, ông ra cười tươi với khách: “Cầu Cửa Đại đi qua được rồi đó. Đò và lái đò giờ đã thất nghiệp rồi”. Ông tận tình chỉ đường cho khách lên cầu Cửa Đại để qua bên kia sông. Khách quay đi, còn mình ông thui thủi.
Gặp ông ở bến, toan hỏi chuyện, ông kéo tay bảo: “Về nhà đi. Ở đây, tôi không cầm được lòng, dễ khóc lắm”. Hơn 20 năm gắn bó với bến đò Cẩm Thanh - Duy Nghĩa, ông bảo, cơ ngơi của vợ chồng ông có được nhờ tích góp từ những chuyến đò. Ba đứa con, hai đã ăn học trưởng thành cũng nhờ những chuyến đò ngang sớm hôm của ba mẹ mà nên.
Trong căn nhà khang trang của gia đình ông Tấn ở thôn Thanh Tam Tây (Cẩm Thanh), vị trí trang trọng nhất ông dành treo tấm ảnh con đò đưa khách qua sông ông mới nhờ người chụp tuần trước, như để nhắc nhớ một đời hai vợ chồng ông gắn bó với sông nước Cửa Đại. Bức ảnh là chuyến đò cuối cùng, trên đò chỉ chở duy nhất một khách qua sông trong buổi chiều buồn vắng, nhưng với vợ chồng ông đó là một kỷ niệm, một chút níu kéo cho khoảng đời người gắn bó với sóng gió, sông nước mênh mông.
Ông Tấn bùi ngùi: “Những chuyến đò giờ chỉ còn trong ký ức mà thôi. Giờ muốn đưa đò cũng chẳng có ai qua. Quen với sông nước rồi, giờ lên bờ ngồi không, tay chân khó chịu, đứng ngồi không yên”. Vợ ông, bà Đoàn Thị Vân, ngồi bên không giấu được nước mắt: “Nhớ lắm chứ. Hơn 20 năm đâu ngắn ngủi gì, nửa thời gian đó, hai vợ chồng sống ở trên đò, buồn vui có hết. Giờ về nghỉ, đêm nào cũng nằm mơ thấy những gương mặt khách quen, những chuyến đò đầy khách, đầy tiếng cười nói, bao kỷ niệm với dân làng cứ ùa về. Nhiều đêm thức giấc, thẫn thờ ngồi nhớ bến, nhớ đò, nước mắt rơi lúc nào không hay”.
Quen và yêu nhau cũng trên bến đò Cẩm Thanh. Lấy nhau, hai vợ chồng ông dìu nhau ra bến, sắm đò đưa khách qua sông. Từ con đò nhỏ, hai vợ chồng tích góp sắm được đò máy, rồi đầu tư lên thành 4 con đò lớn. Hơn 20 năm, vợ chồng ông không nhớ có bao nhiêu chuyến đò vượt mưa lũ nguy hiểm để đưa dân làng chạy lũ, cứu người. Những chuyến đò cũng đầy ắp tình nghĩa với dân nghèo, bà con hai bên sông là vì thế.
Ông Tấn bên bến đò Cẩm Thanh nay vắng bóng 
những con đò và khách sang sông
“Thứ tình cảm đó thiêng liêng, không gì đong đếm được. Hôm rồi, bà con trong vùng góp nhau mở tiệc liên hoan mừng cầu mới và chia tay anh em lái đò. Có cầu đáng nhẽ phải mừng, nhưng dân làng lại ôm nhau khóc vì nhớ và thương anh em lái đò, làm ai cũng xúc động. Dân nghèo cả, mấy chục năm gắn bó với nhau bao nghĩa tình chân chất. Giờ xa bến, xa đò không còn cảnh nói cười, không còn được sớm hôm giúp nhau khiêng từng mớ rau, bó hàng, chiếc xe để qua sông kịp chợ sớm. Sẽ không còn những chuyến đò trong đêm mưa bão đưa mẹ bầu đi đẻ, ông chồng nổi cáu, oang oang chửi lái đò sao đi lâu, đi chậm thế? Để rồi, khi mẹ tròn con vuông, lại tất tả mang bó rau mớ cá, qua tạ ơn, xin lỗi rối rít. Nghĩa tình là thế! Dân làng nhớ một, mình nhớ mười” - bà Vân tâm sự.
Ông Tấn cho biết, trong số 4 con đò gắn bó mấy chục năm qua, một con nay đã được tháo rời bán máy, 3 con còn lại đã lên đà ở xưởng bên kia sông chờ người đến mua và định đoạt số phận. Bốn con đò không chỉ là phương tiện mưu sinh của gia đình ông mà còn của 6 hộ gia đình khác. Họ đều là bạn bè, anh em thân thích, được vợ chồng ông thuê lái và phụ đò trả tiền công theo tháng, gắn bó, đồng cam chịu khổ mấy chục năm qua. Nhờ 4 con đò mà các gia đình có thêm nguồn thu, sống đỡ khổ và con cái được đến trường ăn học. Nhưng nay, đò đã lên bờ...
“Nhìn con đò bị rã tung, anh em ai cũng buồn lắm. Nhưng đành vậy biết làm sao. Niềm vui có cầu, dân làng và mình không còn cảnh trên sóng dưới gió là niềm vui chung, là quy luật của sự phát triển. Mình thế nào cũng được, nhưng thương mấy anh em sống chết gắn bó với mình qua bao hoạn nạn, giờ không nghề ngỗng. Mai này gia đình họ không biết bấu víu vào đâu”, ông Tấn nói.
Vợ chồng ông Tấn nghỉ nghiệp đưa đò, mở cửa hàng vật liệu xây dựng buôn bán kiếm đồng ra đồng vào, riêng 6 anh em công nhân, lái đò giờ không việc làm, gia đình túng thiếu. Họ kể, hồi mới động thổ làm cầu Cửa Đại nghe nói sẽ có hỗ trợ lái đò chuyển đổi nghề, anh em ai cũng mừng. Nay cầu sắp xong chẳng thấy ai đả động gì. Anh em mang đơn lên xã, lên huyện, rồi lên tận phòng tiếp dân của UBND tỉnh khẩn cầu nhưng đến nay chưa ai phúc đáp. Họ chỉ mong sao nhà nước quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để chuyển đổi nghề, nuôi sống gia đình bởi ai cũng nghèo khó cả.
“Nghe bảo tiền xây cầu Cửa Đại lên cả nghìn tỷ. Anh em không đòi hỏi gì. Mấy năm nay, năm nào chúng tôi cũng đóng thuế cho nhà nước không thiếu một xu. Chả nhẽ, giờ có cầu, anh em phải bỏ nghề, nhà nước không có đồng hỗ trợ hay sao?”, ông Tấn băn khoăn. 
Đời không bến đậu…
Bên kia sông, bến đò Duy Nghĩa cũng vắng tanh. Quán nước tạm bợ là bến chờ đò và cũng chính là chốn nương thân của vợ chồng anh Kiều Minh Tha và chị Nguyễn Thị Nga. Bến không còn đò, khách không ghé quán, chỉ mình chị Nga và đứa con trai 10 tuổi vào ra nhìn nhau. Chị Nga buồn thẫn thờ…
Anh Tha là lái đò cho chủ đò ở bến Duy Nghĩa, nay không việc làm, đang cùng 5 anh em lái đò khác mang theo rượu, chạy đò ra dưới chân cầu Cửa Đại thả neo câu cá, hóng mát. Chị Nga buồn rầu: Không biết làm gì, mấy ông suốt ngày câu cá. Cá đâu không thấy, chỉ thấy chiều về mấy ông là ngà, rồi kéo nhau ra bến cũ, ôm nhau cà kê nói chuyện xưa, có hôm đến gần sáng mới về. Mấy ông giờ lên bờ cũng chẳng biết làm gì. Nghĩ mà thương, mà lo quá!.
Vợ chồng ông Tấn bên tấm ảnh chụp 
chuyến đò đưa khách qua sông lần cuối
Chị Nga và anh Tha sinh ra và lớn lên bên dòng Thu Bồn. Hơn 10 năm trước, cả 2 vào Sài Gòn làm công nhân. Cùng phận tha hương, cả hai yêu thương rồi nên nghĩa vợ chồng. Cuộc sống đất khách chật vật, cả hai quyết định về quê lập nghiệp. Anh Tha đi học lái đò rồi xin làm công nhân cho chủ đò bến Duy Nghĩa. Chị Tha ra đây, xin mở quán nước ngay bến đò làm chỗ nghỉ chân cho khách chờ đò, chắt góp mưu sinh. Quán nước trở thành nhà của hai vợ chồng lúc nào không hay. Hai đứa con, một trai, một gái lần chào đời nơi bến đò này. Chồng lái đò, vợ bán quán, tích góp nuôi con ăn học và mong ngày có mảnh đất cắm dùi. Chị bảo, ở nơi cửa biển hơn chục năm qua, cứ mùa mưa bão chỉ cần gió nổi cả nhà ôm nhau tháo chạy vào dân làng xin ở ké, trú bão. Nay, bến vắng đò, đò vắng khách, gia đình chị chưa biết rồi đây sẽ sống ra sao?
Đưa mắt buồn nhìn về phía cầu Cửa Đại, chị Nga bùi ngùi: “Xong cầu, chỗ này người ta chắc cũng phá bỏ, đuổi đi. Vợ chồng bàn tính, nếu không có việc gì làm, chắc phải gửi con rồi lại kéo nhau vào Nam làm công nhân, kiếm tiền nuôi con ăn học. Nghĩ đến cảnh chen chúc nơi đất khách quê người, lại thấy sợ. Rồi biết đậu bến nào đây?”. Tiếng thở dài của chị theo dòng Thu Bồn chảy ra biển, buồn tênh… 
23/10/2015
Nguyễn Thành 
Nguồn: tienphong.vn
Theo http://hoian.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...