Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Nhân nghĩa ở đời qua một bài ca dao

Nhân nghĩa ở đời qua một bài ca dao

Ca dao là tiếng nói tình cảm của người lao động; là “phần tinh túy nhất của thơ ca dân gian và thơ ca dân tộc”. Bởi ca dao là nhưng viên ngọc dân gian quý giá được chắt lọc, sàng lọc và gọt giũa từ đời này qua đời khác. Từ “viên ngọc” ca dao, chúng ta thấy nó tỏa ra muôn vàn màu sắc phản chiếu cuộc sống.
Mảnh đất ca dao hiền hòa muôn đời là nơi những hạt tình cảm đôi lứa nảy mầm, đơm hoa và kết trái. Từ trong lao động, trong cuộc sống; trong sinh hoạt hàng ngày; ca dao đã cất lên tiếng nói tình cảm của người bình dân. Tự ngàn xưa cho đến mai sau, ca dao vẫn là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam, nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Việt Nam.
Sẽ thiếu thốn, trông vắng vô cùng nếu trong cuộc sống vắng bóng sắc màu ca dao. Cánh có ca dao vẫn luôn tươi rói, vẫn bay hoài không nghỉ trên cánh đồng văn học và cánh đồng cuộc sống mênh mông. Một lời ru “âu ơ” của bà, của Mẹ không dễ gì ta thấu hiểu trong một sớm một chiều. Phải trải qua chiêm nghiệm, qua va vấp giữa cuộc đời thì chúng ta mới thấm từng câu. Ta mãi còn mắc nợ ca dao; mắc nợ lời ru hời của Bà, của Mẹ (Ta đi trọn kiếp con người/ Vẫn chưa đi hết những lời Mẹ ru - Nguyễn Duy).
Nói đến ca dao là nói đến tấm lòng của người lao động “một nắng hai sương”, đội mưa đội nắng trên đồng. Trong tình yêu đôi lứa, ca dao đã nói thay bao điều ý nhị, sâu thẳm và chan chứa bao ý bao tình qua hai câu lục bát với mười bốn chữ ngỡ rằng giản đơn!
Cây đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ.
Cây đa tình quê đã rủ bóng mát xuống những trưa hè oi ả và bến đò vẫn còn đây như mong ngóng “người nghĩa” trở về.
Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, cầu ao là motif rất gần gũi, quen thuộc trong ca dao, dân ca. Bởi không gian sinh hoạt văn hóa ngày xưa không thể tách rời không gian diễn xướng. Nó chính là điểm tựa, là nguồn nội lực kỳ diệu cho ca dao - tiếng nói tình cảm thăng hoa. Hầu như mỗi làng quê Việt Nam đều gắn với con sông hiền hòa, gắn với bến đò, với cây đa, với cầu ao đượm màu cổ tích.
Cây đa rủ bóng xuống bến đò, rủ bóng mát xuống những tâm tình đôi lứa:
- Cây đa trốc gốc trôi rồi
Đò đưa bến khác, anh ngồi đợi ai ?
Cây đa trốc gốc, cái miễu còn ngồi
Người thương đâu mất, chỗ ngồi còn đây?
Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa, bến cũ, con đò khác đưa.
Khách “bộ hành” là người dưng nước lã, là người có việc đi qua bến đò. Họ có dịp ngồi nghỉ dưới bóng cây đa trong lúc đợi đò bên sông vắng. Qua trò chuyện, tâm tình; khi biết được đó là con người “trọng nghĩa khinh tài” thì người con gái vẫn thầm gởi gắm lòng mình dù phải chờ phải đợi. Bài ca dao sử dụng hình ảnh gợi tả, gợi cảm (cây đa, bến đò, bộ hành, nắng mưa) và biện pháp tiểu đối (cây đa, bến đò, cũ - xưa) nhắm nêu bật không gian giao tiếp. Tình yêu thầm lặng đó có cây đa, con đò làm chứng buổi ban đầu.
“Bộ hành có nghĩa” là con nghĩa giàu nghĩa giàu tình; con người chung thủy, có trước có sau. Dẫu là khách qua đò nhưng nếu đó là con người “có nghĩa” thì em vẫn chờ vẫn đợi! Mới biết người xưa quý trọng nhân nghĩa biết chừng nào! Bởi chỉ có nhân nghĩa mới sống bền lâu với đời, mới sống đẹp với đời.
Nhân vật trữ tình ở đây là cô gái thôn quê bởi người chờ, người đợi trong tình yêu thông thường là cô gái. Hơn nữa, hình ảnh “bến” là biếu tượng cho người ở lại; một motif thường thấy trong ca dao (Thuyền ơi, thuyền nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền).
Hình ảnh “nắng mưa cũng chờ” cho ta thấy tấm lòng son sắt, thuỷ chung - dù năm tháng qua đi, dù vật đổi sao dời nhưng tấm lòng vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. “Nắng mưa cũng chờ” là lời khắng định lòng mình; khắng định tình yêu mãnh liệt, sâu sắc. “Bộ hành” như bao người khách qua đò, có điều gì mà phải ngưỡng vọng, chờ mong? Có phải chăng điều quý nhất của khách “bộ hành” là tấm lòng nhân nghĩa? Người xưa không nói “người dưng, người xa” mà gọi ngay “bộ hành”. Dấu nặng trong “bộ hành” như nhấn mạnh, như nén chặt nỗi niềm chờ đợi khắc khoải tháng năm.
Mặt khác, tại sao tác giả dân gian sử dụng cụm tữ “cũng chờ” mà không là “sẽ chờ, vẫn chờ”? Phải chăng, cụm từ “cũng chờ” tỏ thái độ dứt khoát, chủ động, tự tin ở mình và tin ở con người có nghĩa! “Bộ hành” là người khách thoáng qua, chốc lát, đi về nơi “bóng chim tăm cá” nhưng cô gái “cũng chờ” chứng tỏ trong thắm sâu nỗi lòng ẩn chứa một niềm tin mãnh liệt, sâu sắc vào con người nhân nghĩa.
Đó là con người sống biết đối nhân xử thế ở đời, chan hòa với cộng đồng, làng xóm. Trong gia đình, đó là con người hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Với đạo nghĩa vợ chồng, họ là tấm gương thủy chung, son sắt. Trong xã hội, họ là con người “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Con người “có nghĩa” đồng nghĩa với con người có phẩm chất đạo đức tốt. Con người “có nghĩa” chính là sản phẩm đích thực của nền giáo dục nhân dân.
Ngược lại, người xưa lên án, phê phán gay gắt những kẻ sống thiếu nhân nghĩa. Bởi sống thiếu nhân nghĩa là sống thiếu cái tình, cái nghĩa ở đời. Những kẻ này thời nào cũng có. Họ coi trọng vật chất, tiền bạc hơn cà nghĩa tình con người:
Con chim nho nhỏ
Cái lông nó đỏ
Cái mỏ nó vàng
Nó kêu người ở trong làng
Đừng ham lãnh lụa mà phụ phàng vải bô.
“Lãnh lụa” chỉ nhà giàu, “vải bô” để chỉ thân phận nhà nghèo trong xã hội xưa. Nếu tham phú phụ bần thì khó tránh khỏi sự chê bai của nhân dân. Những kẻ giàu có chưa hắn đã giàu nhân nghĩa và những người nghèo, chưa hắn đã nghèo nghĩa nhân!
Vẫn còn đó những câu ca dao phê phán thói tham lam vật chất mà đánh rơi nhân nghĩa của con người:
Tham vàng bỏ ngãi ai ơi
Vàng thời ăn hết, ngãi tôi vẫn còn.
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.
Anh đừng ham chữ phú, phụ bạc chữ bần
Bạc trăm xài hết, ngãi duyên trần còn đây!
Phụ bạc, bội bạc là những điều bất nghĩa. Có gì đau đớn hơn khi con người phụ bạc, sống quên tình nghĩa với nhau! Vàng bạc thật quý nhưng nhân nghĩa ở đời còn quý vạn lần hơn! Vàng bạc có thể ăn hết nhưng nhân nghĩa ở đời không bao giờ vơi cạn…
Khi chẳng may gặp hoạn nạn, người xưa vẫn phơi phới lạc quan, có niềm tin sâu sắc vào cuộc sống, vào nhân nghĩa:
Người còn thì của hãy còn
Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi.
Cuộc sống hiện đại hôm nay bộn bề bao nhiêu thứ nhung cái nhân, cái nghĩa ở đời vẫn luôn có giá trị thực tế. Bởi nhân nghĩa ở đời chính là đạo lý sống của con người Việt Nam. Dù cuộc sống đủ đầy tiện nghi đến mấy, dù xã hội đổi thay đến mấy nhưng cái gốc nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam thì không có gì đánh đổi được!.
Nhân nghĩa là bản sắc, là máu thịt của dân tộc; là hồn cha ông giành lại cho muôn đời sau mà mỗi thế hệ có trách nhiệm vun bồi. Phải chăng, nhân nghĩa ở đời đã tạo nên sức sống mãnh liệt, sức sống bền bỉ của dân tộc ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước?.
Tài liệu tham khảo:
- Lý luận văn học, NXB Văn học, 2006
- Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Văn học, 2007
- Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế Giới, 2004.
8/1/2014
Lê Đức Đồng
Theo https://chuyenminhkhaist.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...