Văn học hiện đại, hậu hiện đại được xem là văn học của các ẩn
dụ, biểu tượng, huyền thoại. Những tác giả lừng danh của văn học thế giới thế kỉ
XX như Kafka, Hemingway, L.Borges,…đồng thời cũng là những bậc thầy về nghệ
thuật ám dụ. Dĩ nhiên, biểu tượng không phải là đặc sản duy nhất chỉ có ở văn học
hiện đại, hậu hiện đại, nó “cổ xưa như ý thức của nhân loại vậy”, bởi vì, nói
như Guy Schoeller “sẽ là quá ít, nếu nói rằng chúng ta sống trong một thế giới
biểu tượng, một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta”(1).
Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên sức hấp dẫn
của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (NHT) cũng chính là dòng chảy sâu kín của ngôn
ngữ biểu tượng. Tác phẩm của ông chứa đầy những ẩn ngữ. Đồng quê, cái chết, muối
của rừng, dòng sông, con gái thuỷ thần, biển, mưa,…tất cả đều là biểu tượng.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khai thác một biểu tượng trở đi trở
lại trong nhiều sáng tác của NHT- biểu tượng nước, với mục đích giải mã những
thông điệp thẩm mĩ được gửi gắm trong đó, đồng thời thấy được vai trò của nhân
tố chủ thể trong việc điều chỉnh, tái tạo, bổ sung những ý nghĩa mới cho mẫu gốc.
1. Khái niệm biểu tượng, con đường sản sinh biểu tượng ngôn từ
Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm biểu tượng. Bài viết
này tiếp thu cách hiểu của TS Nguyễn Thị Ngân Hoa trong Tìm hiểu những nhân tố
tác động tới ý nghĩa của biểu tượng (TCNN số 10/ 2006): “Theo nghĩa rộng nhất,
biểu tượng (symbol) là một loại tín hiệu mà mặt hình thức cảm tính (tồn tại
trong hiện thực khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con người: cái biểu trưng)
và mặt ý nghĩa (cái được biểu trưng) mang tính có lí do, tính tất yếu”(2).
Mối quan hệ mang tính có lí do, tính tất yếu giữa hai mặt của
biểu tượng, chính là điểm chủ yếu để phân biệt biểu tượng với dấu hiệu, kí hiệu.
Các tác giả “Từ điển biểu tương văn hoá thế giới” đã chỉ ra rất đúng rằng: “Biểu
tượng cơ bản khác với dấu hiệu là một qui ước tuỳ tiện trong đó cái biểu đạt và
cái được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau, trong khi biểu tượng
giả định có sự đồng chất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một
lực năng động tổ chức”(3). Gilbert Durand cũng khẳng định: “biểu tượng rộng lớn
hơn cái ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu
và tự sinh”(4) . Mặt khác, cần nhấn mạnh rằng dung lượng của cái biểu trưng và
cái được biểu trưng trong biểu tượng không phải là quan hệ 1-1, hay nói cách
khác, biểu tượng luôn mang tính đa trị, “chỉ một cái biểu đạt giúp ta nhận thức
ra nhiều cái được biểu đạt, hoặc giản đơn hơn…cái được biểu đạt dồi dào hơn cái
biểu đạt”(5), hay nói cách khác, ở đây có sự “không thích hợp giữa tồn tại và
hình thức…sự ứ tràn của nội dụng ra ngoài hình thức biểu đạt của nó”(6)(Tevezan
Todorov). Cấp độ đầu tiên của biểu tượng là mẫu gốc, “bản tổng kết đã được công
thức hoá của khối kinh nghiệm to lớn của các thế hệ tổ tiên”, “vết tích tâm lí
của vô số cảm xúc cùng một kiểu”(7) (Jung, , 70).
Khi đi vào đời sống văn hoá, mỗi mẫu gốc có thể sản sinh những biểu tượng văn hoá khác nhau, dấu vết của nó có thể được tìm thấy trong các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục. Khi đi vào nghệ thuật, từ một mẫu gốc, một biểu tượng gốc sẽ sản sinh các biến thể loại hình. Trong loại hình nghệ thuật ngôn từ (văn học), biểu tượng bắt buộc phải xa rời đời sống nguyên khởi của nó để khoác lấy cái vỏ âm thanh ngôn ngữ. Vì vậy, con đường giải mã biểu tượng trong tác phẩm văn học sẽ phải đi từ chính ngôn từ, kết cấu, các thủ pháp,… để tìm ra cái ẩn chìm đằng sau những hình tượng có nguồn gốc từ biểu tượng.
Khi đi vào đời sống văn hoá, mỗi mẫu gốc có thể sản sinh những biểu tượng văn hoá khác nhau, dấu vết của nó có thể được tìm thấy trong các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục. Khi đi vào nghệ thuật, từ một mẫu gốc, một biểu tượng gốc sẽ sản sinh các biến thể loại hình. Trong loại hình nghệ thuật ngôn từ (văn học), biểu tượng bắt buộc phải xa rời đời sống nguyên khởi của nó để khoác lấy cái vỏ âm thanh ngôn ngữ. Vì vậy, con đường giải mã biểu tượng trong tác phẩm văn học sẽ phải đi từ chính ngôn từ, kết cấu, các thủ pháp,… để tìm ra cái ẩn chìm đằng sau những hình tượng có nguồn gốc từ biểu tượng.
2. Biểu tượng nước trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.1. Những biến thể tiêu biểu của biểu tượng nước trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Trong truyện ngắn NHT, biểu tượng nước phân hoá thành một số biến thể khác nhau. Chúng tôi tạm chia làm ba nhóm lớn: các không gian chứa nước, các trạng thái của nước, các hành động liên quan đến nước.
Trong truyện ngắn NHT, biểu tượng nước phân hoá thành một số biến thể khác nhau. Chúng tôi tạm chia làm ba nhóm lớn: các không gian chứa nước, các trạng thái của nước, các hành động liên quan đến nước.
2.1.1. Các không gian chứa nước
Các không gian chứa nước gồm biển, sông, suối.
– Sông: biểu tượng sông hiện diện trong nhiều truyện ngắn NHT
như Chảy đi sông ơi, Trương Chi, Con gái thuỷ thần, Đưa sáo sang sông, Sang
sông, Thương nhớ đồng quê, Thiên văn, Chút thoáng Xuân Hương (truyện thứ ba).
– Biển: Biểu tượng biển chỉ xuất hiện trong 3 truyện Con gái
thuỷ thần, nhưng có ý nghĩa như một ám ảnh qua đoạn kết được láy lại ở cả ba
truyện như điệp khúc và qua biến thể từ vựng: đại dương trong truyện Thiên văn.
– Suối: biểu tượng suối xuất hiện thấp thoáng trong 3 truyện
ngắn: Những người thợ xẻ, Con gái thuỷ thần và Nguyễn Thị Lộ. Trong Những người
thợ xẻ, Con gái thuỷ thần, suối là suối cạn, trong Nguyễn Thị Lộ, suối được chi
tiết hoá qua biến thể nước suối trong vắt khi Nguyễn Trãi nghĩ về vẻ đẹp của
Nguyễn Thị Lộ.
2.1.2. Các trạng thái của nước
Các biến thể trạng thái chủ yếu của Nước trong truyện ngắn
NHT là mưa, sương, sự khô hạn.
Mưa: Các trang văn của NHT tràn ngập mưa. Trong phần lớn các
truyện, đó là thứ mưa cuồng bạo, mãnh liệt của miền nhiệt đới, thứ mưa luôn kèm
theo sấm rền, sét nổ, thứ mưa ào ạt trút xuống khi con người đang một mình đối
mặt với tự nhiên. Loại mưa này chiếm 10/16 truyện có biểu tượng mưa: Nguyễn Thị
Lộ, Mưa Nhã Nam, Thương nhớ đồng quê, Thiên văn, Truyện tình kể trong đêm mưa,
Đất quên, Những bài học nông thôn, Những người muôn năm cũ, Mưa, Giọt máu
Một thứ mưa khác cũng xuất hiện trong truyện ngắn NHT nhưng với
tần số ít hơn là mưa xuân: 6/16 truyện (Lòng mẹ, Muối của rừng, Đưa sáo sang
sông, Đời thế mà vui, Bài học tiếng Việt, Kiếm sắc)
Sương: sương được phân hoá thành hai dạng chủ yếu: sương và sương
mù. Sương xuất hiện trong 2 truyện: Thổ cẩm, Trương Chi, sương mù xuất hiện
trong truyện Muối của rừng, Con gái thuỷ thần (truyện thứ hai).
– Sự khô cạn: sự khô cạn xuất hiện như một biến thể tương phản
của biểu tượng nước. Trong truyện NHT, bên cạnh những không gian đầy ắp nước là
những không gian khô cạn: cánh đồng khô nẻ, đất đai khô cằn (Con gái thuỷ thần),
dòng suối cạn khô (Những người thợ xẻ), “Trong mơ tôi thấy tôi đi lạc vào một
lòng suối khô cạn” (Con gái thuỷ thần)
2.1.3. Các hành động liên quan đến nước
Các hành động liên quan đến nước trong truyện NHT có ý nghĩa
như những biểu tượng là hành động tắm, đánh lưới, qua sông.
Hành động tắm với ý nghĩa như một biểu tượng xuất hiện trong
Con gái thuỷ thần.
Đánh lưới với ý nghĩa biểu tượng có trong các truyện: Chảy đi
sông ơi, Thiên văn qua các biến thể chủ yếu: kẻ đánh lưới người (Chảy đi sông ơi),
mẻ lưới người, lưới tình,…(Thiên văn)
Hành động qua sông với ý nghĩa biểu tượng xuất hiện trong các
truyện: Sang sông, Thiên văn, Đưa sáo sang sông
2.2. Giải mã các hướng nghĩa biểu trưng cơ bản của một số biến
thể tiêu biểu thuộc biểu tượng nước trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Giải mã các hướng nghĩa biểu trưng của tất cả các biến thể thuộc biểu tương nước trong truyện ngắn NHT trong một bài viết nhỏ là không thể. Vì vậy, ở đây chúng tôi tạm giải mã 3 biến thể tiêu biểu là dòng sông, biển và mưa. Đây là những biểu tượng có sức ám ảnh lớn trong truyện ngắn NHT, có vai trò quan trọng trong kết cấu tác phẩm và trong việc chuyển tải các thông điệp thẩm mĩ của nhà văn. Trong quá trình tìm hiểu các biểu tượng này, một số biểu tượng liên quan cũng thuộc hệ biểu tương nước có thể được kết hợp giải quyết, ví dụ biểu tượng hành động tắm, biểu tương sự khô hạn.
Giải mã các hướng nghĩa biểu trưng của tất cả các biến thể thuộc biểu tương nước trong truyện ngắn NHT trong một bài viết nhỏ là không thể. Vì vậy, ở đây chúng tôi tạm giải mã 3 biến thể tiêu biểu là dòng sông, biển và mưa. Đây là những biểu tượng có sức ám ảnh lớn trong truyện ngắn NHT, có vai trò quan trọng trong kết cấu tác phẩm và trong việc chuyển tải các thông điệp thẩm mĩ của nhà văn. Trong quá trình tìm hiểu các biểu tượng này, một số biểu tượng liên quan cũng thuộc hệ biểu tương nước có thể được kết hợp giải quyết, ví dụ biểu tượng hành động tắm, biểu tương sự khô hạn.
Dòng sông có thể coi là một trong những cổ mẫu của văn hoá
nhân loại. Là một biến thể của mẫu gốc nước, sông một mặt mang những ý nghĩa biểu
trưng chung của nước, một mặt có những hướng nghĩa biểu trưng riêng gắn liền với
những đặc điểm bản thể của nó.
Dòng sông trong truyện ngắn NHT vừa thấm đẫm những cảm quan
chung của vô thức cộng đồng, vừa mang đậm dấu ấn riêng của phong cách tác giả,
thể hiện sự biến đổi, điều chỉnh ý nghĩa của biểu tượng, tính năng động của biểu
tượng. Qua khảo sát, chúng tôi thấy dòng sông trong truyện ngắn NHT có các hướng
nghĩa biểu trưng chủ yếu sau đây:
2.2.1.1. Dòng sông- dòng chảy vô thường của đời sống
NHT có 10 truyện ngắn viết về dòng sông. Trong mỗi truyện ngắn
đó, dòng sông gắn với một câu chuyện khác nhau nhưng chúng có một điểm chung về
ý nghĩa: dòng sông tượng trưng cho dòng chảy vô thường của đời sống với vô vàn
những đổi thay và thăng trầm.
Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, trong văn hoá nhân
loại, với đặc điểm bản thể là một dòng chảy không ngừng nghỉ, chảy xuống từ
trên núi cao, quanh co qua những thung lũng, biến mất trong những hồ và biển,
dòng sông tượng trưng cho đời người với chuỗi liên tiếp những mong ước, những
tình cảm, những ý định và thiên hình vạn trạng những bước ngoặt của chúng(8). Ý
nghĩa biểu trưng này đã được lưu giữ lại trong truyện ngắn NHT nhưng được đẩy
lên một mức độ cao hơn, trở thành triết lí về cái vô thường.
Đạo Phật quan niệm về cái vô thường để đối lập lại với cái hằng
thường, không biến đổi. Muôn vật đều trải qua sinh- trụ – dị – diệt, “có có”,
“không không”, cái còn thì chẳng còn mãi, cái mất cũng không mất vĩnh viễn.
Dòng sông trong truyện ngắn NHT thấm đẫm cảm quan Phật giáo về
lẽ vô thường.
Lẽ vô thường trước hết thể hiện trong sự biến dịch của tự
nhiên. Đằng sau sự êm ả, bình yên của sông là sự chuyển vần, biến dịch không ngừng.
Con sông thay đổi theo mùa và hơn nữa, theo từng khoảnh khắc. “Mùa hoa gạo,
trên bến, cây hoa gạo nở đỏ xao xuyến lạ lùng. Đông về, những con sáo lông đen
chân vàng nghiêng đầu hót líu ra líu ríu”…Một ngày trên sông cũng biến đổi.
“Chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô
tận”. Đêm, “Ở trên mặt sông ánh sao mờ hắt xuống những vệt lăn tăn bàng bạc đẹp
đến lạ lùng”. “Về sáng, một dải sương mù buông toả trên sông, không thể phân biệt
ranh giới giữa bến với bờ, giữa đường mặt sông với nền trời”.
Cũng chính cảnh vật trên sông là cái khiến nhân vật tôi trong
Con gái thuỷ thần lần đầu tiên thấm thía cảm giác về lẽ vô thường: “Sương mù
giăng giăng trên mặt sông. Khi nắng lên, sương tan ra, sương tan ra rồi bay đi
như khói, như mây…Sóng vỗ bờ, đẩy xác những con phù du, những con vờ chết đến tận
sát chân tôi. Ấy là cảm giác về lẽ thường, lẽ vô thường lần đầu tìm đến rón rén
thăm dò tâm hồn tôi”.
Trong truyện Thiên văn, lẽ vô thường cũng thể hiện trong
chính sự biến dịch khôn lường của tự nhiên, hay nói theo đúng ngôn ngữ của nhân
vật, sự trở mặt của tự nhiên
Hơn tất cả, dòng sông gợi sự chảy trôi mải miết của dòng đời.
Trên bến Cốc, bao mùa cá đã đi qua, bao đời người đã đi qua. Biết bao chuyện đã
xảy ra: chuyện giết người ăn cướp, chuyện ngoại tình, cờ bạc, chuyện con trâu
đen huyền thoại, cái chết của chị Thắm…
Trong Thiên văn, NHT cũng nhiều lần lặp lại ý nghĩa tượng trưng
này:
“Này nhé: này là dòng sông
Định mệnh cứ cuồn cuộn chảy
Bồi và lở
Được và mất”
Hay như trong Đưa sáo sang sông, dòng sông cũng là hình ảnh của
dòng đời chảy trôi bất tận: “Bao nhiêu nước sông đã chảy, bao nhiêu người đã
qua đây… Ngoài sông gió xuân thổi. Kìa gió xuân thổi trên mặt sông bơ phờ xanh ơi
là xanh”. Trong văn hoá nhân loại, “xanh là màu sâu nhất trong các màu: Mắt
nhìn sâu vào đấy không hề bị vướng cản và mất hút vô tận trong đó, như trước sự
chạy trốn vĩnh cửu của màu. Xanh là phi vật chất nhất trong các màu: thông thường
thiên nhiên chỉ biểu hiện nó bằng sự trong suốt, nghĩa là bằng cái rỗng không
tích tụ lại…Xanh là màu lạnh nhất trong các màu, và trong giá trị tuyệt đối của
nó là màu tinh khiêt nhất, ngoài cái rỗng không trọn vẹn của màu trắng trung
tính”(9). Màu xanh, cũng như màu trắng, vì vậy, có thể trở thành biểu trưng cho
sự vĩnh cửu. Ở đây biến thể kết hợp mặt sông xanh ơi là xanh trở thành biểu trưng
cho sự bất tận, sự vĩnh cửu của dòng đời.
Với NHT, sự chảy trôi vĩnh cửu của dòng đời đi liền với nỗi
ám ảnh về sự nhỏ nhoi, hữu hạn của kiếp người, hơn thế nữa, nỗi ám ảnh về sự hư
ảo, phù du của tất cả, kể cả cái đẹp, cái xấu, cho đến những giá trị của văn
minh. “Chảy đi sông ơi / Băn khoăn làm gì/ Rồi sông đãi hết/Anh hùng còn chi?”
Đứng trước thời gian, anh hùng hay tiểu nhân đều bình đẳng. Tất
cả đều không tránh khỏi cú xoá vĩ đại của thời gian. Trong khi “cây gạo vẫn đứng
cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn” thì chị Thắm, người lái đò cứu
được bao người ở khúc sông ấy lại đột ngột bị cuốn trôi khỏi cõi đời này, chị
chết đuối mà không ai cứu. Và xót xa hơn, như bao người khác, chị cũng rơi vào
vực thẳm của sự lãng quên: “Bao nhiêu năm nay chẳng hề có ai hỏi thăm nhà Thắm…Nhà
Thắm chết đuối hai chục năm rồi!”.
Nghĩ về sự nhỏ nhoi của đôi chút giá trị của văn minh, sự hữu
hạn của con người trước sự bất tận của dòng đời, trong Con gái thuỷ thần NHT
dùng hình ảnh những con phù du, những con vờ chết, các biến thể chi tiết hoá của
biểu tượng dòng sông: “Tôi hình dung ra xác những con phù du, những con vờ chết
bị sóng đánh tạt vào bờ. Tôi chợt nhận ra con người phải lùi rất xa mới gạn lọc
ra đôi chút giá trị của văn minh…Hàng tỉ những con phù du, những con vờ chết đi
không để lại một dấu vết gì”.
Nhận ra sự biến dịch vô cùng của cuộc đời cũng như sự hữu hạn
của kiếp người nhưng NHT không sa vào hư vô chủ nghĩa. Chấp nhận đời sống là vô
thường, con người bỗng trở nên bình thản trước thời gian. Và triết lí sống lớn
nhất với ông chính là thuận theo tự nhiên, “vô sự với tạo hoá”. Con sông lúc
này lại hiện lên như một triết nhân, một người từng trải và am hiểu lẽ đời, có
đủ tĩnh tâm trước những thăng trầm của cuộc đời: “Con sông tựa như giật mình
phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng
đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn
những gì”.
Thêm một lần nữa, các biến thể chi tiết hoá của dòng sông: những
cành củi mục, những xoáy nước hút, những con cung quăng, những đàn phù du, những
con vờ chết trở thành biểu tượng cho cái vô sự của tự nhiên trong Con gái thuỷ
thần: “Dòng sông đỏ quạch phù sa. Những cành củi mục trôi phăng phăng. Những
xoáy nước hút chóng mặt. Những con cung quăng chạy nhảy điên cuồng, vô số xác
những đàn phù du, xác những đàn vờ chết rấ thản nhiên, trắng xoá trên bờ. Chúng
không băn khoăn gì về đạo đức. Chúng không hùng biện.”
Trong triết lí vô thường của NHT chúng ta thấy có âm hưởng của
Phật giáo nhưng không hoàn toàn chỉ là Phật giáo. Có lẽ, ông gần với quan niệm
về Đạo và Vô vi của Lão tử hơn. Đạo chỉ sự biến đổi không ngừng của vạn vật.
Còn Vô vi không phải là buông xuôi không làm gì cả, trái lại, vô vi có nghĩa là
không làm gì trái với Đạo, không làm gì trái với tự nhiên. Chính vì thế, từ triết
lí vô thường, nhà văn đi đến một thái độ sống tích cực. Tiếng gọi đò ráo riết
bên sông cuối tác phẩm Chảy đi sông ơi “Đò ơi,… ơi đò! Đò ơi! Ơi đò” phải chăng
chính là lời hối thúc con người, đòi hỏi con người phải hoà nhập vào dòng chảy
mải miết, bất tận của đời sống? Và có lẽ, cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà câu hát
Chảy đi sông ơi được láy đi láy lại 2 lần trong truyện và 1 lần ở tiêu đề. Hay
trong truyện Con gái thuỷ thần, điệp khúc “Trước mặt tôi là dòng sông” được NHT
nhiều lần lặp lại, khiến cho dòng sông với nhịp trôi chảy trở thành biểu tượng
cho sự vẫy gọi của cuộc sống, của thời gian.
2.2.1.2. Dòng sông- nguồn sống và nguồn chết, huyền thoại và
sự giải thiêng huyền thoại
Di truyền đặc tính của mẫu gốc nước, sông vừa là nguồn sống,
vừa là nguồn chết. Như mọi quyền năng đem lại màu mỡ, với những quyết định huyền
bí, các dòng sông có thể nuốt chửng tất cả, tưới nước hoặc gây lụt lội, chở
thuyền đi hay nhận chìm nó. Vì thế, dòng sông trở thành đối tượng của sự thờ
cúng, vừa do lòng tôn kính, vừa do sự sợ hãi. Ở Việt Nam, nơi có nền tảng là nền
nông nghiệp lúa nước, ngay từ thuở hồng hoang, Rồng- vị thần thiêng liêng của nước,
đã được xem là đối tượng được tôn kính số 1- Rồng là Cha của tất cả, hay nói
cách khác, từ nước mà có con người. Trong tín ngưỡng dân gian cũng có tục thờ Mẫu
Thoải- người mẹ của các nguồn nước. Trong cổ tích, nước thiêng ở suối tiên có
thể khiến con người trở nên xinh đẹp (Ai mua hành tôi)… Tuy nhiên, với người Việt
Nam, nước cũng là đối tượng của sự sợ hãi. Nước có thể là một vị thần phá hoại
mùa màng (qua hình ảnh Thuỷ Tinh), nước cũng có thể làm chết người (qua biến thể
nước sôi trong Tấm Cám). Nỗi sợ hãi nước đi đôi với niềm tôn kính ăn sâu vào
tâm thức cộng đồng, tạo nên những vị thần sông mà con người hàng năm phải thờ
cúng, gọi là thần Hà Bá.
Trong truyện ngắn NHT, dòng sông cũng mang tính hai mặt. Sông
với ý nghĩa nguồn sống thể hiện ở việc sông mang lại tôm cá, mang lại sự sống
cho những người dân chài nghèo đói, tội nghiệp. Các biến thể chi tiết hoá: tiếng
gõ đuổi cá lanh canh trên mặt sông, tiếng sóng vỗ oàm oạp bên mạn thuyền, những
con cá mòi màu trắng bàng bạc đầy trong lòng thuyền, mùi khói thơm nồng, mùi cá
nướng thơm ngậy lan trong không khí ban mai trong sạch, huyền thoại về con trâu
đen, bát cháo cá của chị Thắm (Chảy đi sông ơi) chính là sự cụ thể hoá hướng
nghĩa biểu trưng này.
Sông với ý nghĩa nguồn chết bí ẩn thể hiện ở chỗ bến sông
cũng là không gian chứa đựng những hiểm hoạ mà con người không ngờ tới. Ám ảnh
về sông với nhân vật tôi trong Chảy đi sông ơi chính là Hà Bá, đầu lâu người chết
đuối, tình huống nhân vật tôi chết đuối “hụt”, cái chết của chị Thắm. Trong Con
gái thuỷ thần, nhân vật Chương bị đánh cũng chính ở bến sông.
Tính chất lưỡng phân của hai hướng nghĩa đối lập dòng sông-
nguồn sống và dòng sông- nguồn chết được thể hiện rất rõ trong tình huống cậu
bé trong Chảy đi sông ơi bị ngã xuống sông. Cậu suýt phải làm mồi cho Hà Bá
chính là vì trùm Thịnh và những người đánh cá khác đang lao vào cuộc chiến
giành giật đàn cá mòi, nguồn ân phúc của sông. Như vậy, có phải ngay trong sự sống
mà sông ban tặng đã chất chứa trong lòng nó những hiểm hoạ của cuộc cạnh tranh
sinh tồn?
Trong sự nối tiếp ý nghĩa nguồn chết của dòng sông, NHT đã thực
hiện sự giải thiêng huyền thoại. Trong huyền thoại, Nước trừng trị những kẻ có
tội nhưng không thể làm hại những người chính trực. Những dòng nước dìm chết chỉ
nhằm vào những kẻ có tội, đối với những người chính trực, dòng nước trở thành nước
của sự sống. Nhưng trong Chảy đi sông ơi, chị Thắm, một con người chính trực,
người cứu vớt bao người khác, cuối cùng lại chết đuối mà không ai cứu, hơn thế
nữa, chị còn chết thêm một lần nữa trong sự quên lãng của người đời. Điều này
phải chăng chính là minh chứng cho một triết lí mà nhân vật của NHT đã nêu
trong Chút thoáng Xuân Hương: mọi cái thanh cao vẫn chết trong cõi dung tục như
thường.
2.2.1.3. Dòng sông- sức mạnh thanh tẩy và khả năng cứu sinh,
vẻ đẹp của thiên tính nữ
Dòng sông, với tính năng làm sạch, trở thành biểu trưng cho sức
mạnh thanh tẩy. Theo truyền thuyết Ấn Độ, dòng sông trên cao chính là biểu tượng
của nước thượng giới, nó tẩy uế tất cả, nó cũng là biểu tượng của công cụ giải
thoát.
Trong truyện ngắn NHT, hướng nghĩa biểu trưng sức mạnh thanh tẩy-
tái sinh của dòng sông gắn liền với hành động con người dìm mình xuống nước (tự
dìm: tắm hoặc bị dìm: ngã xuống sông).
Trong Chảy đi sông ơi, sau khi ngã xuống sông và được chị Thắm
vớt lên, nhân vật tôi thấy lòng mình trào dâng “một cảm giác dễ chịu lạ lùng,
như vừa tắm xong, như vừa gột rửa được điều u ám”. Đây không phải là sự sao
chép ý nghĩa của mẫu gốc một cách thô lậu. Nước sông trở thành sức mạnh thanh tẩy,
tái sinh khi nó hoà thấm với suối nguồn của tình thương yêu mà chị Thắm truyền
cho cậu bé. Chính tình yêu thương ấy đã khiến cậu có được giây phút mặc khải về
đời sống, để cậu nghe thấy được “ở bên kia sông có tiếng ai hát một bài hát rất
lạ, tiếng hát thật buồn: Chảy đi sông ơi…”
Trong ý nghĩa tinh thần của nó, tự nguyện nhấn chìm bản thân,
hành động tự chôn mình là một hành động nhằm quên lãng, dứt khỏi mọi ràng buộc
để siêu thoát, hưởng trạng thái hư không. Vì thế, trong Con gái thuỷ thần,
chính sau nửa tiếng đồng hồ bơi trên sông, cố bắt cho được đứa con gái cầm đầu
lũ trẻ ăn trộm mía, đối mặt với Mẹ Cả, Chương đã ngộ ra sự vô nghĩa của tất cả
những công việc mình làm.“Tôi thấy ngượng ngùng. Nửa đêm, tự dưng lại đi trần
truồng bơi ở trên sông, khua khoắng rầm lên, mà vì cái gì cơ chứ! Dăm cây mía
có đáng là bao? …”
Sự mặc khải mà sông mang lại cũng khiến Chương nhận ra sự vô
nghĩa lí, sự tù đọng của toàn bộ đời sống quanh mình: “Chẳng có khuôn mặt nào
đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối
trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”.
Dòng sông mang sức mạnh cứu sinh và vẻ đẹp của thiên tính nữ
thể hiện qua 2 biến thể: chị Thắm và Mẹ Cả. Chị Thắm, người phụ nữ dịu dàng
nhân hậu suốt đời gắn bó với chiếc đò ngang, đã cứu sống bao người trên bến Cốc,
trong đó có nhân vật “tôi”. Chị đã giành lại quyền sống cho những con người mà
thuỷ thần muốn cướp đi. Chị cũng đã đưa linh hồn nhân vật tôi thoát ra khỏi sự
oán hận với những người dân chài ngu muội. Hình ảnh Chị Thắm phần nào được láy
lại trong huyền thoại về Mẹ Cả trong Con gái thuỷ thần. Mẹ Cả đã cứu cha con
ông Hội, đã giúp làm nguôi cơn giận của thần sông với những người muốn mang chiếc
trống thiêng đi. Mẹ Cả trở thành biểu tượng cho sự phù hộ bất ngờ, là biểu tượng
của người mẹ- trinh nữ, hiện thân của sự trong sáng vô tư đến cứu giải con người
đang bị nước đe doạ.
Cũng như chị Thắm, Mẹ Cả không chỉ cứu vớt sinh mạng con người.
Nàng còn là sức mạnh nâng đỡ linh hồn con người, giúp nó khỏi sa ngã giữa chốn
nhân gian lầm bụi. “Tôi đã sống qua rất nhiều lẽ thường…ánh mắt vô hình vẫn dõi
theo tôi hoài hoài. Nàng vẫn thủ thỉ trong đêm. Nàng nói: Này Chương, vẫn không
phải đường ra biển”.
Giọng thủ thỉ của Nàng, giọng nói ngân nga như hát của chị Thắm,
nhịp trôi chảy chậm giãi, dịu êm với giai điệu trầm lắng, dáng vẻ “mơ màng và
buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi” của dòng sông khiến sông hiện
lên với tất cả vẻ đẹp dịu dàng, trữ tình của thiên tính nữ. Đấy cũng chính là vẻ
đẹp phong phú bao la của đời sống, đưa chúng ta thoát khỏi không gian hiện thực
tù đọng, nghiệt ngã và nhận ra: “Cuộc sống thật buồn. Nhưng nó giản dị và đẹp”.
(Chút thoáng Xuân Hương).
2.2.2. Biểu tượng Biển
2.2..2.1. Biển trong văn hoá nhân loại
Trong văn hoá nhân loại, biển được coi là một biểu tượng của
động thái sự sống. Là nước trong sự chuyển động, biển tượng trưng cho một trạng
thái quá độ giữa những khả năng còn phi hình và các thực tại đã hiện hình…Từ chỗ
đó, biển là hình tượng vừa của sự sống vừa của sự chết. Đối với người thần hiệp,
biển tượng trưng cho thế gian và trái tim con người, là nơi trú ngụ của nỗi đam
mê. Nhưng những con quái vật cũng nổi lên từ chốn sâu thẳm của biển nên biển
cũng là hình ảnh của tiềm thức, bản thân tiềm thức cũng là nguồn của những dòng
chảy có thể làm chết hoặc đem lại sự sống. Biển-đại dương vừa là arvana, biển
vô hình và tối tăm, là nước hạ giới, vừa là biểu tượng của Nirvana (Niết Bàn),
của Bản thể thánh thần, nước thượng giới. Biển vừa là Đại dương hoan hỉ của các
nữ tu vừa là Đại dương của niềm cô đơn thần thánh, Đại dương của quang vinh thần
thánh. (10)
2.2.2.2. Biển trong truyện ngắn NHT
Trong truyện ngắn NHT, biển không mang tính chất quá độ của
trạng thái lưỡng phân giữa sự sống và cái chết, của tính vô định khởi nguyên.
Biển trong khúc tam tấu Con gái thuỷ thần và đại dương trong Thiên văn đều là
biểu tượng của cái tuyệt đích mà con người tìm kiếm, ngưỡng vọng.
Như đã nói ở trên, biểu tượng biển xuất hiện trong truyện ngắn
NHT với tần số không lớn, chỉ thấp thoáng trong Con gái thuỷ thần và Thiên văn,
như một biểu tượng bổ sung cho biểu tượng chủ đạo: sông. Tuy vậy, biển vẫn trở
thành một ám ảnh với người đọc và ý nghĩa biểu trưng của nó thực sự được phát lộ
khi đặt trong mối quan hệ với một số biểu tượng khác.
Các hướng nghĩa biểu trưng của biển trong tác phẩm của NHT bắt
nguồn từ chính những đặc điểm bản thể của biển được ông xác định, đó là các tính
chất rộng, xa vời, thế giới mênh mông của nước và thế giới của ánh sáng
2.2.2.2.1. Với đặc tính rộng, Biển trước hết là một không
gian tự do để con người có thể sống trọn vẹn với toàn bộ những đam mê, khao
khát
Tình yêu của Chương đối với Mẹ Cả, giấc mơ về biển, thực chất cũng là tình yêu đối với tự do. Hình dung về biển đối với Chương luôn luôn là hình dung về một không gian phía trước, “những chân trời, chân trời và măt biển rộng xa vời”.
Tình yêu của Chương đối với Mẹ Cả, giấc mơ về biển, thực chất cũng là tình yêu đối với tự do. Hình dung về biển đối với Chương luôn luôn là hình dung về một không gian phía trước, “những chân trời, chân trời và măt biển rộng xa vời”.
Ý nghĩa biểu trưng này trở nên sáng tỏ khi đặt biển trong tương
quan đối lập với biểu tượng không gian tù đọng của làng quê, không gian trong
nhà mà Chương luôn muốn chạy trốn: “Không khí u uất, tù đọng của làng quê làm
tôi tê tái cảm giác chua xót. Mọi người cuống cuồng rối rít để kiếm miếng ăn.
Những định kiến tập tục thật nặng nề” “tinh thần gia trưởng” “những ngộ nhận giới
tính về đạo đức” “thứ gông cùm vô hình”, “địa ngục” của “văn hoá, pháp luật,
gia đình, trường học”. Ý nghĩa biểu trưng này cũng được làm bật lên bởi bên cạnh
biển tồn tại một số biểu tượng đẳng cấu về ý nghĩa , đó là các biểu tượng: cánh
đồng, bầu trời, ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng, cánh rừng và bãi cỏ xanh, không
gian mơ ước của Chương: “Tôi không thích nhận việc trong nhà. Ở ngoài đồng
không khí thoáng đãng hơn, trên đầu tôi là bầu trời tự do, tôi không vướng những
mối liên hệ nào đấy đối với con người”
2.2.2.2.2. Là một không gian xa vời, biển là biểu tượng cho
khát vọng kiếm tìm cuộc sống, khát vọng vượt thoát ra khỏi cái đời thường nhàm
tẻ, cũ mòn.
Các biến thể kết hợp của biển trong Con gái thuỷ thần luôn có một hằng số không thay đổi, đó là sự xa vời “Không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng nàng ở đấy, ở ngoài xa kia, ở biển” “Tôi đứng trên vai bức tượng mắt nhìn về xa. Mặt biển dâng trước mắt tôi” “mặt biển rộng xa vời” “tôi nghe như có tiếng khóc từ nơi xa xăm vọng lại”. Đối lập với đại dương- một biến thể của biển trong Thiên văn cũng là “Những bến quen ê chề”.
Các biến thể kết hợp của biển trong Con gái thuỷ thần luôn có một hằng số không thay đổi, đó là sự xa vời “Không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng nàng ở đấy, ở ngoài xa kia, ở biển” “Tôi đứng trên vai bức tượng mắt nhìn về xa. Mặt biển dâng trước mắt tôi” “mặt biển rộng xa vời” “tôi nghe như có tiếng khóc từ nơi xa xăm vọng lại”. Đối lập với đại dương- một biến thể của biển trong Thiên văn cũng là “Những bến quen ê chề”.
Với Chương, hành trình tìm đến với biển thực chất chính là
hành trình chạy trốn khỏi kiếp sống mòn mỏi, vô vọng đã đè nặng lên bao thế hệ
những người dân quê hiền lành, lam lũ. “Tôi vụt ra ngõ như chạy. Tôi biết, nếu
tôi dừng lại lúc này thì tôi sẽ không bao giờ đi nữa. Tôi sẽ quay lại công việc
của mười năm trước, tôi sẽ cứ thế cho đến rốt đời…Tôi sẽ kéo mòn kiếp sống của
tôi như thế”. Chính nỗi sợ hãi cái tẻ nhàm, cũ mòn, nỗi sợ hãi những hệ luỵ nhỏ
nhoi của đời sống khiến Chương không thể gắn bó đời mình với bất kể một người
con gái nào, kể cả Phượng, cô con gái dịu dàng của ông trùm xứ đạo: “Tôi không
có quyền gắn sinh mạng mình với họ, bởi như thế, rốt cuộc tôi cũng lại sống như
ông Nhiêu, Ông Hai Thìn hoặc những người dân hiền lành lam lũ ở quê hương tôi
hay là ở xứ đạo này”.
Xa vời, Biển, Mẹ Cả đối với Chương luôn luôn là một ảnh hình,
một khát khao ngoài tầm tay với “Mẹ Cả của tôi, ảnh hình của điều gì đó hơn cả
người con gái, hơn cả người đàn bà…ảnh hình của một nửa thế giới bên trên hoặc
bên dưới tôi, của thượng giới và trần gian”.
Như vậy, khao khát đi ra biển thực chất là khao khát sự thay
đổi, khao khát dấn thân vào đời sống đầy bí ẩn để kiếm tìm cái tuyệt đích.
Biển đối với Chương có sức mời gọi vô tận còn bởi Biển luôn
luôn là một không gian ánh sáng, đối lập với không gian tăm tối của làng quê.
Ra đi tìm con gái thuỷ thần, Chương nhằm hướng mặt trời mọc mà đi. Hai lần gặp
tín sứ của Mẹ Cả, Chương đều thấy tấm lưng trần loáng nước loang loáng dưới
trăng hoặc được ánh sáng trắng bên ngoài chiếu vào, trông kinh dị nhưng đẹp lắm.
Khi mơ thấy con gái thuỷ thần, Chương cũng thấy nàng hiện ra trong ánh sáng mờ
mờ huyền ảo. Biển trong mắt Chương là những tia hào quang lấp loáng.
Có thể nói, biển trong truyện ngắn NHT là một không gian xa
xăm nhưng không phải là một không gian xa lạ gợi những lo sợ về những bất trắc
tiềm ẩn mà là một vùng ánh sáng kì diệu, mời gọi con người đi tới. Hành trình
đi tới biển cũng là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của đời sống, hành trình ấy bắt
đầu từ sự nhổ toẹt vào trật tự của đời sống tẻ nhàm.
2.2.2.2.3. Với đặc tính là nơi hội tụ của nước, Biển còn là
biểu tượng cho sự phong nhiêu của đời sống tinh thần
Trong Con gái thuỷ thần, đối lập với biểu tượng biển, ngoài
những không gian tù đọng, những bến quen ê chề còn có biểu tượng sự khô cạn. Sự
khô cạn được thể hiện trong các biến thể phân hoá: những cánh đồng cằn, đất khô
nẻ, lòng suối khô cạn, trái tim khô héo và cằn cỗi. Nếu như sự khô cạn là biểu
tượng cho trạng thái suy kiệt, nghèo nàn của tâm hồn thì biển chính là biểu tượng
cho sức mạnh cứu rỗi những tâm hồn ấy. Hay nói cách khác, biển là biểu trưng
cho sự phong nhiêu của đời sống tinh thần.
Thật vậy, nếu sự thưa vắng bóng hình Mẹ Cả trong giấc mơ của
nhân vật tôi biểu hiện cái chết mòn của tâm hồn thì khao khát đi tìm Mẹ Cả,
khao khát hướng về biển lại thể hiện sự hồi sinh của tâm hồn, khiến cho từ chỗ
chỉ biết mơ đến “toàn những việc làm hàng ngày, chẳng ra gì cả”, Chương đã dám
nghĩ đến những thứ xa hơn “Tôi đã khao khát tình yêu đến như thế nào, như thể
người đi trong sa mạc khao khát nước.ở đó lẫn lộn nhiều mơ ước xen vào: đấy là
hạnh phúc, giọt nước mắt, sự ấm êm, những chân trời, chân trời và mặt biển rộng
xa vời” “Những khao khát của tôi nhấc tôi lên khỏi mặt đất”
Hơn thế nữa, hướng về Nàng, hướng về cái tuyệt đối, Chương
dám chấp nhận “kiếp sống của kẻ khổ sai lưu đầy, buộc phải vắt kiệt tôi đến chết”,
bởi cái nàng đòi hỏi là “từng miếng sống tươi rói của cuộc đời tôi”. Như thế,
giấc mơ biển thực chất cũng là khát vọng được cháy hết mình cho cuộc sống. Biển
vì thế cũng là biển của đam mê và khát vọng, biểu tượng của sự phong nhiêu
trong đời sống tinh thần. Có lẽ vì vậy mà với Chương, Biển cũng trở thành chỗ dựa
cuối cùng cho nỗi cô đơn hoang vắng của tâm hồn cậu.
2.2.3. Biểu tượng Mưa
2.2.3.1. Mưa trong văn hoá nhân loại
Ở khắp mọi nơi, mưa đều được coi là biểu tượng của những tác
động của trời mà mặt đất tiếp nhận được. Mưa là tác nhân làm cho đất sinh sản,
nhờ mưa mà đất được phì nhiêu, màu mỡ. Từ đó, những cái từ trên trời đi xuống mặt
đất còn là sự phong nhiêu của tinh thần, ánh sáng và các tác động tâm linh. Mưa
là ơn trời, cũng là đức hiền minh. Đặc biệt, khi mưa và sương kết hợp với nhau,
nó trở thành biểu tượng cho sự hài hoà của vũ trụ
2.2.3.2. Mưa trong truyện ngắn NHT
Mưa là biểu tượng xuất hiện nhiều hơn cả trong truyện ngắn
NHT: 16 truyện. Các hướng nghĩa biểu trưng của nó cũng đặc biệt phong phú,
không chỉ là sự tiếp nhận những ý nghĩa vốn có trong mẫu gốc mà nghiêng về sự
sáng tạo, bổ sung các hướng nghĩa mới cho mẫu gốc. Tựu trung lại có một số hướng
nghĩa chủ yếu sau đây:
2.2.3.2.1. Mưa – nguồn thiên ân tạo sự phong nhiêu trong đời
sống vật chất, sự mặc khải trong đời sống tinh thần
Mưa với ý nghĩa là nguồn thiên ân tạo ra sự sống vật chất xuất hiện trong truyện Những bài học nông thôn qua chi tiết cơn mưa mang đến cá tôm, mang đến niềm vui cho con người và trong truyện Kiếm sắc, khi mưa được coi như một thứ sữa trời nuôi sống cỏ cây và sinh ra cái đẹp.
Mưa với ý nghĩa là nguồn thiên ân tạo ra sự sống vật chất xuất hiện trong truyện Những bài học nông thôn qua chi tiết cơn mưa mang đến cá tôm, mang đến niềm vui cho con người và trong truyện Kiếm sắc, khi mưa được coi như một thứ sữa trời nuôi sống cỏ cây và sinh ra cái đẹp.
Mưa với tư cách nguồn ân phúc tạo sự mặc khải trong đời sống
tinh thần được thể hiện đậm nét trong các truyện: Thương nhớ đồng quê, Những
bài học nông thôn, Mưa Nhã Nam, Chăn trâu cắt cỏ. Điều đáng chú ý là mưa trong
ý nghĩa này luôn là thứ mưa nhiệt đới dữ dội có kèm theo sấm rền, sét nổ, chớp
hoặc một thứ ánh sáng kì lạ nào đó.
Vì vậy, ý nghĩa của mưa trong những trường hợp này được bổ trợ bởi ý nghĩa biểu trưng của dông và chớp. Với đặc trưng bản thể là một luồng sáng đột hiện giữa bầu trời, chớp được coi là lửa của trời, có sức mạnh vô biên và tác động nhanh đáng sợ. Chớp tượng trưng cho sự thông hiểu bằng trực giác, bằng lí trí hoặc nhờ sự khải ngộ đột nhiên. Mưa đi đôi với chớp, do đó, giống như một thứ sức mạnh thần khải soi sáng đầu óc con người để các nhân vật ngộ ra những chân lí mà bấy lâu nay họ chưa từng biết. Một ví dụ, mưa trong Mưa Nhã Nam: “Nhoằng một ánh chớp, một làn gió thoảng qua là mưa liền…Bắt đầu tưởng là cơn mưa bóng mây không phải ngại gì, bỗng thoắt là mưa đá, sấm rền, sét nổ”. “mưa như những thác nước trên cao đổ xuống ào ào. Con ngựa không thể đi được vào trong hẻm núi”. Mưa biểu trưng cho những trở lực mà con người không thể vượt qua nhưng chính mưa cũng đã khiến Đề Thám thức nhận về sự hữu hạn của kiếp người, sự hữu hạn trước thời gian và sự hữu hạn vì những trói buộc của bổn phận, nghĩa vụ, đạo đức, danh dự. Vì nó mà những đam mê của con người bị giết chết “Đề Thám phóng ngựa vào rừng. Mưa quất vào mặt ông bỏng rát. Ông bỗng òa khóc”.. Mưa trong kết hợp ngữ đoạn với quất, bỏng rát trở thành biểu trưng cho ngọn roi của số phận vừa làm con người đau khổ, vừa khiến họ thức tỉnh. “Ông òa khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người… Ông khóc như một người nhu nhược nhất đời, một người suốt đời thỏa hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh bổn phận, nghĩa vụ,cương tỏa”.
Vì vậy, ý nghĩa của mưa trong những trường hợp này được bổ trợ bởi ý nghĩa biểu trưng của dông và chớp. Với đặc trưng bản thể là một luồng sáng đột hiện giữa bầu trời, chớp được coi là lửa của trời, có sức mạnh vô biên và tác động nhanh đáng sợ. Chớp tượng trưng cho sự thông hiểu bằng trực giác, bằng lí trí hoặc nhờ sự khải ngộ đột nhiên. Mưa đi đôi với chớp, do đó, giống như một thứ sức mạnh thần khải soi sáng đầu óc con người để các nhân vật ngộ ra những chân lí mà bấy lâu nay họ chưa từng biết. Một ví dụ, mưa trong Mưa Nhã Nam: “Nhoằng một ánh chớp, một làn gió thoảng qua là mưa liền…Bắt đầu tưởng là cơn mưa bóng mây không phải ngại gì, bỗng thoắt là mưa đá, sấm rền, sét nổ”. “mưa như những thác nước trên cao đổ xuống ào ào. Con ngựa không thể đi được vào trong hẻm núi”. Mưa biểu trưng cho những trở lực mà con người không thể vượt qua nhưng chính mưa cũng đã khiến Đề Thám thức nhận về sự hữu hạn của kiếp người, sự hữu hạn trước thời gian và sự hữu hạn vì những trói buộc của bổn phận, nghĩa vụ, đạo đức, danh dự. Vì nó mà những đam mê của con người bị giết chết “Đề Thám phóng ngựa vào rừng. Mưa quất vào mặt ông bỏng rát. Ông bỗng òa khóc”.. Mưa trong kết hợp ngữ đoạn với quất, bỏng rát trở thành biểu trưng cho ngọn roi của số phận vừa làm con người đau khổ, vừa khiến họ thức tỉnh. “Ông òa khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người… Ông khóc như một người nhu nhược nhất đời, một người suốt đời thỏa hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh bổn phận, nghĩa vụ,cương tỏa”.
Trong Thương nhớ đồng quê, mưa (cùng với nó là gió, sấm chớp)
là tình huống dẫn đến hành động đi bắt ếch của Nhâm, tình huống để nhân vật
liên thông với đất trời. Mưa như sự cứu rỗi tâm linh nên thấy mưa, Tôi không sợ
sấm sét mà cười: “cười như một gã nặc nô, cười như một tên quỷ sứ cười móng
chân móng tay mình sao lại dài như thế”, cười vì biết mình hoang dã như tự
nhiên. Trong ánh sáng của chớp và mưa, Tôi được liên thông với vũ trụ: “Chớp
lóe sáng. Vũ trụ mở ra vô cùng vô tận. Gió ào ào, nghe như có muôn vàn cánh
chim đang bay vỗ trên đầu. Một cảm giác kinh dị xâm chiếm toàn thân khiến tôi bủn
rủn. Tôi rõ rang thấy có một bong hình vĩ đạ iđang lướt nhanh qua, chuyển vận
mãnh liệt trên đầu. Tôi nằm áp xuống bờ rạ, bàng hoàng, thổn thức.
Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi kia, đang chuyển vận rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, có khả năng bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đén từng số phận”. Cám hứng huyền thoại ám gợi đến một ý nghĩa: con người sẽ được an ủi, được bảo vệ và sẽ phát lộ những những năng lượng vô tận để có thể thấu nhập cõi bí ẩn của vũ trụ nếu “áp tai vào bờ rạ”, áp mình vào đất, trở về với đời sống nguyên sơ để đón nhận mưa xuống, tràn trề như một nguồn ân.
Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi kia, đang chuyển vận rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, có khả năng bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đén từng số phận”. Cám hứng huyền thoại ám gợi đến một ý nghĩa: con người sẽ được an ủi, được bảo vệ và sẽ phát lộ những những năng lượng vô tận để có thể thấu nhập cõi bí ẩn của vũ trụ nếu “áp tai vào bờ rạ”, áp mình vào đất, trở về với đời sống nguyên sơ để đón nhận mưa xuống, tràn trề như một nguồn ân.
Trong Những bài học nông thôn, ý nghĩa biểu trưng của mưa phần
nào đó gần với ý nghĩa của dông. Mưa mang đến cho bầu trời cái sáng lòa của một
sắc mỡ gà đẹp lạ lùng khiến Tôi chợt nhận ra sự nhợt nhạt, tội nghiệp của thế
giới xung quanh. Mưa, vì thế, biểu trưng cho sự thức dậy trong con người nhu cầu
trốn tránh sự vô vị, tầm thường, hướng đến một cuộc sống sôi nổi sóng gió và
nóng bỏng đam mê.
2.2.3.2. Mưa – sức mạnh thanh tẩy, tái sinh
Mưa với ý nghĩa là sức mạnh thanh tẩy, tái sinh thể hiện
trong Muối của rừng. Mưa xuất hiện sau khi ông Diểu quyết định tha cho con khỉ:
“Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất
mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau,
bóng ông nhòa vào màn mưa”. Hình ảnh này gợi liên tưởng đến hình ảnh một bào
thai nằm trong bụng mẹ. Cánh đồng, một biến thể cuả biểu tượng đất, biểu trưng
cho tử cung của người mẹ, mưa (chú ý: ở đây là mưa xuân, dịu dàng, ấm áp, không
phải thứ mưa dữ dội như trong các trường hợp trên) là nước ối, sự trần truồng của
ông Diểu ám gợi một bào thai vừa được tái sinh. Ở đây, ta gặp một triết lí thường
vẫn trở đi trở lại trong nhiều truyện ngắn NHT: triết lí về lẽ sống vô sự với tạo
hóa, bảo tồn thiên tính. Tha cho con khỉ, thức nhận về tính thiện nguyên sơ
trong tự nhiên, lúc đó ông Diểu mới thực sự trở thành một con người, thực sự được
sinh ra.
2.2.3.3. Mưa – những hiểm họa, bất trắc tiềm ẩn trong đời sống
Mưa trong văn hóa phương Tây và Trung Hoa thường luôn được
xem như một nguồn ân phúc. Trong truyện ngắn NHT không phải như vậy. Mưa có thể
là nguồn ân phúc, cũng có thể tượng trưng cho những hiểm họa, bất trắc tiềm ẩn
trong đời sống, đe dọa sự bình an của con người. Đây là hướng nghĩa biểu trưng
cơ bản của mưa trong Truyện tình kể trong đêm mưa và Đất quên. Trong trường hợp
này, mưa là mưa đá (Đất quên) hoặc mưa đi đôi với gió lạnh, với tiếng hổ gầm,
tiếng chó sói hú, những con rắn, con trăn tìm mồi, bọn cáo chồn hôi hám rình
mò. Ý nghĩa biểu trưng này không xạ lạ với tâm thức người Việt. Thành ngữ Việt
Nam vẫn lấy mưa sa. gió táp để chỉ những khó khăn, thử thách. Cái mới của NHT
là mưa gió cuộc đời được sử dụng để làm bật lên nỗi lo âu khắc khoải về sự sống
mong manh, về nỗi cô đơn định mệnh cuả kiếp người.
Con người sinh ra là đã cô đơn, sinh ra là đã phải đối mặt với
bao hiểm họa: “Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi!/Pò mệ sinh con ra từ hang núi/ Nơi ấy có nhiều
gió lạnh lắm/ Đêm mưa có nhiều gió lạnh lắm…Con mình trần thân trụi run rẩy…”
Trong Giọt máu, mưa và sét (nguyên nhân cái chết của thằng
Phúc, con trai Phong) cũng mang hướng nghĩa này nhưng có thêm sắc thái bổ sung:
mưa là hiểm họa bất ngờ nhưng cũng chính là sự báo oán, sự trừng phạt của đấng
tối cao đối với tội ác của con người theo quy luật đời cha ăn mặn đời con khát
nước.
2.2.3.4. Mưa – nỗi thống khổ của kiếp người hay những bi kịch
tình yêu muôn thuở
Mưa không chỉ biểu trưng cho niềm vui, mưa còn tượng trưng
cho nỗi thống khổ của kiếp người. Đây cũng là hướng nghĩa ít thấy trong văn hóa
phương Tây nhưng lại bắt rễ rất sâu trong tâm hồn người Việt, kết đọng trong
cách giải thích nguồn gốc của mưa ngâu tháng 7 (câu chuỵện Ngưu Lang- Chức Nữ)
và trong quan niệm coi mưa như nước mắt của trời khóc cho những mất mát của cõi
người. Hướng nghĩa này được hiện thực hóa trong Mưa, Truyện tình kể trong đêm mưa,
Mưa Nhã Nam và Không khóc ở California. Trong tất cả các truyện này, mưa đều gắn
với bi kịch tình yêu tan vỡ.
Trong Truyện tình kể trong đêm mưa, mưa xuất hiện gắn với những
khoảnh khắc chất chứa tâm sự của con người: Tiếng mưa rơi và tiếng côn trùng ùa
vào nhà riết róng khi bài hát của Bạc Kì Sinh, bài hát về nỗi cô đơn định mệnh
của con người, chấm dứt, tiếng mưa rơi cũng được nhân vật Tôi thao thức nằm
nghe khi trong giấc mơ tôi cứ chập chờn về hình ảnh trái tim mềm mại, ướt át,
phập phồng rơi trên đất lạnh. Mưa biểu trưng cho nỗi cô đơn khủng khiếp của con
người, mưa cũng là nước mắt khóc cho bi kịch tình yêu của Bạc Kì Sinh. Khi quyết
định rời xa Bạc Kì Sinh, Muôn ôm mặt chạy ra ngoài trời mưa. Câu chuyện tình
yêu của Bạc Kì Sinh cũng được y kể trong âm thanh của mưa. Kết thúc tác phẩm,
cuộc hội ngộ giữa Tôi và Bạc Kì Sinh cũng diễn ra trong một đêm mưa, “Một thứ mưa
nhiệt đới dai dẳng, tưởng như không dứt, tưởng như không thôi, tưởng như không
bao giờ ngớt được”. Mưa ở đây vừa biểu trưng cho tình yêu vừa biểu trưng cho nỗi
đau không dứt của con người.
Trong Mưa Nhã Nam, mưa mang vị mặn chát như nứớc đại dương,
biểu trưng cho nỗi khổ tâm “Đề Thám lắc đầu. Những giọt nước mưa mặn chát ướt đầm
trên khuôn mặt ông”.
3. Nhận xét
– Qua khảo sát các hướng nghĩa biểu trưng cơ bản của 3 biểu tượng
tiêu biểu trong hệ biểu tượng nước, chúng tôi thấy các biểu tượng này đều mang
tính đa nghĩa, thậm chí, ngay trong một tác phẩm, mỗi biểu tượng đều thể hiện
tính chất đa trị.
– Trong mỗi truyện ngắn NHT không phải chỉ có một biểu tương
duy nhất mà thường là sự đan cài của một số biểu tượng, chúng có thể có quan hệ
đẳng cấu, bổ sung hoặc tương phản với nhau, làm bật lên một biểu tượng trung
tâm
– Các hướng nghĩa biểu trưng phong phú của biểu tượng trong
truyện ngắn NHT vừa là sự tiếp thu ý nghĩa nguyên khởi của mẫu gốc, vừa là sự
điều chỉnh, sáng tạo cúa cá nhân, thấm đẫm cảm quan phương Đông với dấu ấn của
các quan niệm Phật giáo, Lão giáo.
Tài liệu tham khảo
(1), (3), (4), (5), (6), (8), (9), (10), Jean Chevailier
& Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng &
Trường viết văn Nguyễn Du, 1997, tr bìa, tr. XXVII,tr.829, 1015, 80.
(2). Nguyễn Thị Ngân Hoa, Tạp chí ngôn ngữ số 10, 2006.
(7). Phân tâm học và văn học nghệ thuật, NXB Văn hóa thông
tin, H. 2004, tr.70
Lê Thị Hồng Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét