Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Giữ cho dòng chảy không ngừng

Giữ cho dòng chảy không ngừng
Trong thời gian khá dài nằm trong cái vòng lẳn quẩn của cơ chế nhập tỉnh, tách tỉnh liên tục: Từ Nam Định  đến Nam Hà, rồi Hà Nam Ninh, Nam Hà, cuối cùng lại trở về với cái tên cúng cơm các cụ đã chọn: Tỉnh Nam Định.
  Tỉnh đổi tên thì đương nhiên Tạp chí Văn nghệ địa phương cũng phải đổi tên theo. Mãi đến tách tỉnh lần cuối (năm 1992) Tạp chí Văn nghệ Nam Đinh mới có được cái tên chính thức và đang được sử dụng đến ngày nay. Đó là Tạp chí Văn Nhân. Văn Nhân không phải là tên sông, tên núi hay một địa danh nổi tiếng nào đó của địa phương, nhưng Văn Nhân mang nhiều ý nghĩa, phản ánh được chính xác, rõ nét nhất bản sắc văn hóa của người Nam Định, vùng đất có "địa linh” có "nhân kiệt”. Đời xưa, đời nay, đời nào Nam Định cũng có những bậc anh hùng, tao nhân mặc khách đóng góp cho đất nước. Khởi thủy của dòng chảy Văn học Việt Nam từ kinh kệ Phật giáo, phát triển rực rỡ vao thời Lý - Trần với những áng thơ thiền gọn gàng, súc tích và uyên bác. Ngay từ thời khởi thủy này Nam  Định đã có nhiều đóng góp quan trọng của các vua Trần mà tiêu biểu là nhà thơ - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
   Xuôi theo dòng lịch sử là Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích, Tam nguyên Trần Bích San, Nhà thơ Trần Kế Xương (tức Tú Xương).vv... Và nay thời đương đại số nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người quê gốc Nam Định ước tính chiếm tới gần 1/10 tổng số hội viên Hội nhà văn Việt Nam (hội viên Hội nhà văn Việt Nam hiện nay khoảng 950 người). Nói như nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch là “đáng kể và đáng nể" so với mặt bằng văn học chung của cả nước. Con số khô khan ấy không chỉ là sự đo lường, là tỷ lệ phần trăm mà nó còn phản ánh sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ văn nghệ sỹ Nam Định với nhiều người thành danh được ghi nhận bằng sự đóng góp ít nhiều sự nghiệp của họ cho nền Văn học nước nhà.
     Thật vinh dự trong số các nhà văn đương đại không ít nhà văn đã trưởng thành từ Tạp chi Văn Nhân, hoặc được Tạp chí Văn Nhân phát hiện, bồi dưỡng, nâng đỡ mà trưởng thành. Ngoài nhiệm vụ tuyên  truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Tạp chí Văn Nhân còn làm tốt chức năng là "bà đỡ văn chương” của quê hương mình.
    Với đội ngũ văn nghệ sỹ hùng hậu ấy nhưng các nhà văn trụ lại với quê hương Nam Định với Tạp chi Văn Nhân rất ít đếm chưa đủ các ngón trên một bàn tay, số nhiều đến với các cơ quan  văn nghệ Trung ương và đến với các tỉnh bạn trải dài từ Bắc vào Nam.

    Một thực tế không thể phủ định đó là dù đi đâu,ở đâu các nhà văn quê gốc Nam Định đều mang theo mình bản sắc văn hóa Nam Định, tố chất người vùng châu thổ Sông Hồng, cái nôi của nền văn minh lúa nước. Tố chất ấy đã hòa quyện cùng bản sắc các nền văn hóa vùng miền khác nhau tạo nên một diện mạo mới đa sắc màu, hòa cùng dòng chảy văn học chung của cả nước.
     Dòng sông lớn bởi tích góp nước từ sông suối nhỏ mà thành. Dòng chảy văn học nước nhà cũng thế, nó được khơi nguồn từ những trầm tích văn hóa lâu đời của dân tộc, hình thành và phát triển nhờ vào sự bổ sung, hòa quyện từ bản sắc văn hóa riêng biệt và đa dạng của mỗi vùng miền,trong đó con người là chủ thể.
    Sẽ là thiếu sót khi đề cập đến sự đóng góp của Tạp chí Văn nghệ địa phương trong dòng chảy văn học Việt Nam khi chúng ta chỉ nói đến những kết quả đã đạt được của ngày hôm qua, của hôm nay mà không tính đến ngày mai, ngày kia, vì ngày mai ngày kia là cái đích là mục tiêu mà chúng ta hướng đến với nhiều kỳ vọng của sự phát triển không ngừng.
     Phải khẳng định rằng Tạp chí Văn Nhân sống được là nhờ vào lực lượng cộng tác viên thuộc các chuyên ngành,trong đó chuyên ngành văn học là nội dung cơ bản. Hội viên là lực lượng sáng tác chủ lực. Ở Tạp chí Văn Nhân hiện nay số hội viên còn sáng tác được đều đặn không nhiều, tuổi đời trung bình đã ngoai lục tuần, cái tuổi đang chầm chậm đến với ráng đỏ hoàng hôn, không còn dồi dào sức sáng tạo. Nhìn lại vài chục Câu lạc bộ văn thơ trên địa bàn toàn tỉnh với lực lượng sáng tác khỏe, thơ văn được "sản xuất” ra đều đều, nhưng chọn được tác phẩm đạt chất lượng tương đối để đưa lên mặt báo thì chẳng được bao nhiêu. Vậy là tình trạng bài vở nhiều, nhưng thiếu cái in được.In để phủ kín số trang của tạp chí thì làm sao nghĩ đến chất lượng, đó là điều đương nhiên.
      Tính đến lực lượng kế cận, năm, vài năm Tạp chi Văn Nhân mới tổ chức được một trại sáng tac văn học cho thiếu nhi nhằm phát hiện, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Đối tượng được chọn về dự trại là các em học sinh giỏi văn thuộc các trường THPT trong tỉnh. Năm nay trai sáng tác văn học cho thiếu nhi đổi tên thành trại sáng tác văn học cho nhà trường,đối tượng dự trại mở rộng đến cả các thày cô giáo có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật. Đó là một cách làm mới. Hỏi các em đến dự trai về ước mơ sau này, đa số các em đều muốn trở thành nhà thơ, nhà văn, ấy vậy mà quay đi, quay lại đến kỳ thi đại học, có đến 99,99% các em nộp đơn xin thi vào các trường đại học: Tài chính, Ngân hàng, Ngoại giao, Ngoai thương, Bưu điện..vv... Ước mơ xưa của cac em đâu rồi? Các em không muốn là lực lượng kế cận cho sự nghiệp văn chương của quê hương nữa hay sao? Phải chăng vì sự hấp dẫn của kinh tế thị trường? Phải chăng vì cái nghề văn khó quá. Ấy là chua kể những tai nạn, rủi ro nghề nghiệp. Yêu thich văn học chưa đủ, nó còn đòi hỏi năng khiếu, đòi hỏi sự dấn thân của mỗi con người.
  Thiếu lực lượng trẻ để bổ sung cho đội ngũ văn nghệ sĩ già nua là thực trạng của Văn học nghệ thuật Nam Định hiện nay mà Tạp chí Văn Nhân là đại diện, chắc chắn thực trạng này không chỉ riêng Nam Định mà là thực trạng chung đối với các tỉnh trong cả nước.
   Thực trạng đó là hồi chuông cảnh báo chung về sự suy cạn nguồn lực văn chương để cấp cho dòng chảy văn học cả nước, khiến chúng ta không thể không suy ngẫm, trăn trở.
   Làm gì để góp phần giữ cho dòng chảy văn học Nam Định góp cùng dòng chay văn học chung của cả nước luôn được bồi đắp, dâng trào là trách nhiệm không của riêng ai.
 Phạm Trường Thi
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trong gia đình 3

Trong gia đình 3 - 2 - Sau bữa ăn chiều, Perin lại được nghe Phabry và Môngblơ hỏi: “Ở Xanh Pipô, Guydôm đã làm chuyện gì thế?”. Thật ra t...