Gửi gió cho mây ngàn bay
Tấm hình chụp khi tôi đứng giữa sân trường đầy nắng. Hình xưa
cũ nên nét đã nhạt nhòa theo năm tháng. Khoảnh khắc khi tôi ngoái nhìn lại đã
không ghi được hết trong khuôn khổ nhỏ hẹp của một tấm hình trắng đen. Và người
cầm máy giờ cũng xa tắp đâu đó nơi chân trời góc biển. Lúc ấy trời đã bắt đầu
vào Hạ. Nắng lấp lánh trên từng chùm lá trên cao. Có một màu hoa sắc vàng rực
như nắng đang nở rộ trong sân trường. Một cơn gió thoảng qua, những cánh hoa
vàng bay chấp chới như nắng vỡ ra rơi rơi trên tóc, trên áo học trò, tan thành
từng mảnh sáng lấp lánh trên sân. Ngôi trường này có rất nhiều cây điệp vàng lớn
trồng thành hai hàng dài trên sân. Khi bắt đầu vào mùa, từng nụ hoa nâu chúm
chím đan vào nhau ẩn trong kẽ lá thành từng chùm nhỏ. Chỉ qua một đêm mưa, buổi
sáng đạp xe đến trường thì hai bên đường đã vàng rực lên một sắc màu của nắng.
Người ta hay nhắc về hoa phượng như là một biểu tượng của tuổi
học trò. Thực ra đối với tôi, tuổi trẻ Sài Gòn gần gũi với hoa điệp nhiều hơn
là phượng. Không tin tôi sao? Bạn cứ đi dọc theo những con đường ở quận Ba, quận
Một, quận Mười… Đó là những con đường ngày xưa của một thời áo trắng rợp bóng
điệp vàng. Tôi vẫn còn nhớ con đường trước cổng trường Đại học Khoa Học, hay đường
Ngô Thời Nhiệm gần Hội Nghệ Sĩ. Vào mùa hoa nở, sắc điệp vàng tươi như nắng
tháng Ba đẹp mê hồn, có lẽ vì thế mà điệp còn được gọi với một cái tên khác rất
đáng yêu: Hoàng Điệp.
Ngày tôi bước chân vào đại học. Con đường dài từ nhà đến trường
luôn được che chở bởi bóng mát của những hàng cây bên đường. Vào mùa hè, tiếng
ve kêu râm ran trong chùm lá vang động cả một trời trưa đầy nắng. Nhờ vậy ánh nắng
Sài Gòn cũng bớt đi phần nào nét gay gắt của mùa hè. Ngôi trường tôi học nằm im
lìm trong một con đường yên tĩnh của Sài Gòn. Vào những buổi trưa ở lại trường
chờ đến giờ học chiều, bọn con gái chúng tôi hay đi bộ dài theo con đường ấy để…
hái hoa, chọc me nhà người. Và trạm ghé cuối cùng luôn là hàng chè ở góc đường
dưới gốc cây điệp già có hoa vàng rơi đầy như thảm dệt. Chị bán hàng dịu dàng dễ
thương, vốn là cô sinh viên Khoa Học Sài Gòn. Chị nói giọng Bắc thật nhẹ hay cười
hiền lành mỗi khi chúng tôi chọc ghẹo chị chuyện chồng con. Nhờ chị, chúng tôi
mới biết được Sài Gòn có những hàng cây cao bên đường nở hoa vàng năm cánh
thành chùm trên đầu cành, lá nhỏ đan vào nhau như lá me cũng là họ hàng nhà điệp.
Đó là cây Lim xẹt mà chúng tôi hay gọi là Phượng vàng.
Chị lượm những trái
điệp già, tách vỏ rang vàng lên cho chúng tôi thử nhưng dặn dò rất kỹ lưỡng
là không được ăn nhiều. Hột điệp có vị bùi bùi, lạ lạ, chẳng ngon. Tuổi trẻ liều
lĩnh cái gì mà chẳng muốn thử. Cô bạn gái tôi còn bứt cả đuôi hoa điệp rồi
đưa lên miệng mút và khen, ngọt lắm! Điều này tôi tin, cứ nhìn lũ ong bướm vo
ve đầy trên chùm lá hoa trên cao kia thì biết. Chúng tôi thường nhặt
những cánh hoa rơi kết lại thành từng sợi chuỗi dài đeo tay, đeo cổ. Cô bạn tôi
có tài diễn xuất rất duyên dáng. Hình ảnh một Xúy Vân tóc xõa man dại, ngoe nguẩy
cành điệp trong tay, đầu đội vòng hoa vàng, đi liêu xiêu trên hàng lang vắng
người, diễn vai “yêu người điên” đã làm chúng tôi cười lăn lộn, giờ đây nhớ đến
sao lại thấy ngậm ngùi. Vì màu vàng ấy không đơn giản là màu của nắng, vì màu
vàng ấy không hoàn toàn là màu của hoa. Đó là sắc màu rực rỡ của thời thanh
xuân mà chúng tôi đã một lần đi qua và vô tình bỏ quên một thưở hồn nhiên trên
những chùm hoa điệp vàng như nắng tháng Ba ngày ấy.
Hôm nay nhìn lại tấm hình của tuổi hai mươi hồn nhiên, một
khuôn hình kỷ niệm của ký ức trở về tươi rói tôi thấy mình như đang bắt gặp lại
được những ngày hôm qua thật hạnh phúc. Bắt đầu từ mỗi loài hoa cây cỏ gặp trên
đường về, bắt đầu từ mỗi khuôn mặt người đi qua chợt vô tình chạm nhau trên phố.
Mỗi khoảnh khắc không chờ đợi rồi sẽ qua đi, chỉ còn ký ức vẫn nguyên vẹn làm
thành một nỗi nhớ cứ rối bời bời không thể viết thành câu.
Thì thôi, đành mượn đôi mắt năm xưa để tỏ cho lời hôm nay vậy.
Nhạc: Gửi gió cho mây ngàn bay
Nhạc sĩ: Đoàn Chuẩn-Từ Linh . Ca sĩ: Khánh Ly
Nguyên Tú My
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét