Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Không nước, không trăng

Không nước, không trăng
Khi ni cô Chiyono học Thiền với thầy Bukko của chùa Engaku, cô không gặt được thành quả gì từ thiền định trong một thời gian dài.
Cuối cùng, trong một đêm trăng, ni cô đang xách nước trong một cái gàu cũ bọc tre. Tre bị găy và đáy gàu rớt ra, và ngay lúc đó tâm trí của Chiyono được giải phóng.
Để k‎ỷ niệm, ni cô làm một bài thơ:
Bằng cách này cách kia tôi cố giữ cái gàu cũ
Từ lúc thanh tre đã yếu và gần gãy
Cho đến khi đáy gàu rơi ra.
Không còn nước trong gàu!
Không còn trăng trong nước!
Bình:
Chùa Engaku (円覚寺) là một chùa thiền tông Lâm Tế và một trong những chùa thiền tông quan trọng nhất ở Nhật. Chùa do một vị sư Trung quốc xây dưới thời tể tướng Nhật Hōjō Tokimune sau khi ông đẩy lui được quân xâm lăng Mông Cổ từ 1274 đến 1281. Hōjō Tokimune cũng là một ví thầy về Thiền, vì vậy chùa Engaku rất nổi tiếng về Thiền.
• “Tâm trí của Chiyono được giải phóng.” Đây là điều mà các sách vở của ta gọi là “hốt nhiên đại ngộ”. Chữ “giải phóng” hàm ý tâm trí của Chiyono đã bị tù túng trước đây.
Tù túng vì cái gì?
• Chiyono viết, “Bằng cách này cách kia tôi cố giữ cái gàu cũ”. Đó cũng là một cách để nói “Tôi cứ giữ một nề nếp cũ.” Đây rất rõ là cách suy nghĩ cũ, có nước trong gàu và có trăng trong nước. Đây chính là tù túng.
Trăng là ảo ảnh
Gàu và nước là cái giữ trăng, cái giữ ảo ảnh. Gàu là cách suy tư, nước là biểu hiện cái sờ mó được. Gàu và nước cách suy tư dựa vào những gì mắt thấy tai nghe, dựa vào những gì sờ mó được mà suy luận. Cho nên tâm trí bị lẩn quẩn trong giới hạn của ngôn ngữ và lý‎ luận, bị cầm tù không thoát ra được.
Ví dụ: Suy tư “Con gà có trước hay trứng gà có trước?” Suy tư này sẽ giữ ta trong vòng lẩn quẩn không bao giờ ra, vì nó bị giới hạn bởi ngôn ngữ và luận l‎ý của con người.
Một ví dụ thường ngày hơn: “Nếu ta làm thiện, ta sẽ được phước, như vậy sẽ gia tăng cơ hội thành công trên đường đời, và được hạnh phúc. Vậy thì, tu học làm việc thiện là đường đưa đến hạnh phúc.” Đây là một chuỗi lý luận rất hợp lý theo lý luận hàng ngày, và chẳng có gì đáng trách cả.
Nhưng nếu ta đã nhận ra chính thân ta là phù du, vô thường, thì tất cả chỉ là ảo ảnh-các việc thiện, tu học, hạnh phúc-đều chỉ là phù du, hư ảo.
Cho nên mọi phương thức suy luận đều là cái gàu nước, giữ ảo ảnh là trăng.
• Vậy thì cái gì không là ảo ảnh? Cái gì là chân l‎ý vĩnh cửu?
Chân lý‎ đó là cái nền thường hằng bất biến (thường trực không thay đổi) của mọi thay đổi. Nếu mọi ngọn sóng đều hiện rồi mất, đều thay đổi liên tục, thì phải có cái gì làm nền cho tất cả mọi ngọn sóng đó. Cái nền đó là đại dương nước. Lọn sóng nào cũng phù du, hiện rồi mất ngay, nhưng đại dương nước thì luôn có đó.
Cái nền thường hằng bất biến của mọi thay đổi đó, ta gọi là Tuyệt Đối. Ta không thể diễn tả được tuyệt đối, không thể tưởng tượng được bằng ‎ý niệm, vì mọi ‎từ ngữ, mọi ý niệm-dài, ngắn, trắng, xanh, lớn, nhỏ…đều là tương đối, đều là thay đổi.
Cái nền thường hằng bất biến đó, ta gọi là Không, là Như Lai, là Phật. Đó là bản tánh thật của vũ trụ, và là bản tánh thật của chính ta, vì ta cũng từ đó mà ra rồi lại trở về đó, như sóng từ nước mà ra rồi lại tan hòa vào nước.
• Để nắm bắt được Tuyệt Đối (Không, Như Lai), ta phải vượt bỏ hẳn các khái niệm và suy nghĩ, vượt ra khỏi thế giới tương đối của mắt thấy tai nghe và của suy luận trong trí óc, để lên tầng Tuyệt Đối. Cảm nhận trực tiếp được hiện diện của Tuyệt Đối bên trong, và xuyên qua, những điều tương đối ta thấy-gần như là nhìn một người phụ nữ trước mặt và cảm nhận được tình yêu bất diệt của nàng có cho bạn. Cảm nhận này vượt lên trên lý luận và ‎ý niệm.
• Gàu vỡ, hết nước, hết trăng, tức là ngưng suy nghĩ kiểu bình thường, không lệ thuộc vào những điều mắt thấy tai nghe mà suy luận, là nhảy vọt lên đến tầng cảm nhận Tuyệt Đối đó. Cho nên ta nói là “giải phóng tâm trí” hay “hốt nhiên đại ngộ”.
• Người ta dùng chữ “ngộ”, “enlightened”, “giải phóng”, mà không nói “hiểu”, hay “đột nhiên hiểu ra”, vì cái biết này sâu thẳm hơn cái hiểu của suy luận bình thường. Đó tương tự như là cái biết cùa một người nghệ sĩ vừa nắm được một dòng nhạc hiện vào đầu và không giải thích được tại sao có dòng nhạc mới lạ thật hay hiện ra trong đầu như thế.
No Water, No Moon
When the nun Chiyono studied Zen under Bukko of Engaku she was unable to attain the fruits of meditation for a long time.
At last one moonlit night she was carrying water in an old pail bound with bamboo. The bamboo broke and the bottom fell out of the pail, and at that moment Chiyono was set free!
In commemoration, she wrote a poem:
In this way and that I tried to save the old pail
Since the bamboo strip was weakening and about to break
Until at last the bottom fell out.
No more water in the pail!
No more moon in the water!
Trần Đình Hoành dịch và bình
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...