Hơn nửa thế kỷ trước, trong Thi nhân Việt Nam viết
về Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã mô tả: “Khi nhà thơ
Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân dõng dạc bước ra trận để kết án lối
thơ cũ, thì lập tức nhờ có tờ Phụ nữ tân văn, lời nói của ông được
truyền bá khắp nơi...”. Và tín hiệu ủng hộ ông đầu tiên là một bài thơ viết
theo lối mới của một phụ nữ kí tên Nguyễn Thị Manh Manh (tức Nguyễn Thị
Kiêm). Sau khi điểm qua những diễn biến của phong trào thơ mới buổi đầu, ông
viết tiếp “Thơ mới đã bắt đầu có cơ sở. Trong làng Thơ mới, người ta đã sốt sắng
thêm. Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet (tháng 7) 1933, một nữ sĩ có tài và
có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn hội Khuyến học Sài Gòn hết sức
tán dương thơ mới. Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bây giờ đã 25 năm. Lần
thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được
đông người nghe như thế”. Buổi diễn thuyết đã có một tiếng vang lớn. Bà Nguyễn
Đức Nhuận, chủ bút tờ Phụ nữ tân văn nhận xét: “Trong hơn một giờ,
người nữ sĩ chỉ ứng khẩu, nói như nói chuyện thường, cắt nghĩa rõ ràng về chức
vụ của thơ, về niêm luật cũ và mới, về mối quan hệ giữa hiện tình xã hội và sự
cải cách trong thế giới”. Hồi đó, Thơ mới như một đứa trẻ mới lọt lòng mẹ cất
tiếng khóc chào đời nên còn non nớt và èo uột. Lâu nay, người ta vẫn quen
nghe một lối thơ Đường luật có vần, có điệu rõ ràng. Thế nhưng trước hàng
ngàn khán giả, Manh Manh vẫn tự tin khi tuyên bố “Thơ Đường luật không dùng
được nữa” ừ “khuôn khổ, luật phép phiền phức” và “lời văn không thích hợp với
sự đời bây giờ”. Nhà thơ cũng khẳng định Thơ mới sẽ “có thể trở nên một lối
thơ thông dụng để tả một cách rõ ràng, thiết thực những thể cảm của một thi
sĩ hiện thời”. Và để tiếp tục đấu tranh đến cùng cho sự thắng lợi của Thơ mới,
lần lượt cùng với Lưu Trọng Lư, Đỗ Đức Vượng, Vũ Đình Liên, Trương Tửu, tháng
1 năm 1935, nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm lại đăng đàn diễn thuyết tại Hội Khuyến học
Sài Gòn, để tranh luận với Nguyễn Văn Hanh về Thơ mới. Và bà đã có cả một bức
thư viết bằng thơ “gửi tất cả những ai ưa hay ghét bỏ lối thơ mới”
Bây
giờ tôi thử khuyên khách làm thơ
Đổi lại,
ai ưa thơ mới lo tìm chỗ dở
Ai
ghét, rán kiếm cái hay của thơ
Vậy,
chê, khen, có giá trị hoa mới sẽ nở
(Bức
thư gởi tất cả những ai ưa hay là
ghét bỏ lối thơ mới - Nguyễn thị Manh Manh)
Viết lại những dòng trên đây để chúng ta thấy rõ: ngay từ buổi sơ khai của
phong trào Thơ mới, những nữ sĩ đã có mặt trên thi đàn trong vai trò của người
tiên phong với tất cả tài năng và lòng nhiệt thành của mình. Và những cố gắng
của người phụ nữ có tài và có “gan” này đã không uổng phí. Lời dự báo của
Manh Manh chẳng bao lâu đã thành hiện thực. Một thời gian ngắn sau đó, Thơ mới
đã không chỉ “chiếm hết báo chí và sách vở, len vào đến học đường” mà nó còn
có sự hồi âm xứng đáng ở tương lai: 10 năm tiếp theo, Thơ mới đã phát triển rực
rỡ và trở thành một hiện tượng thơ độc đáo của văn học Việt Nam, góp một phần
không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của nền thơ dân tộc.
2. Tâm hồn thơ Phương Đông
Ghi nhận những đóng góp của những gương mặt thơ ca nữ trong phong trào Thơ mới,
có thể ta không nhắc đến họ như những cây đại thụ, như những phong cách nghệ
thuật mang đậm dấu ấn cá tính. Nhưng họ đã hiện diện trong làng Thơ mới bằng
dấu ấn của một hồn thơ mang đậm phong vị Á Đông ngọt ngào, êm dịu, với những
tình cảm nồng ấm về tình yêu gia đình, con người và làng quê đất Việt.
Nói đến Thơ mới, chúng ta thường hay nói đến tâm trạng buồn cô đơn. Nỗi buồn
- cô đơn đã trở thành một căn bệnh, một tâm thế chung của cả một thế hệ. Những
hồn thơ nữ cũng không thoát khỏi cái hằng số đó. Giữa cuộc đời ồn ào, náo nhiệt
và đông đúc đến thế mà nhà thơ Mộng Sơn vẫn đau đớn thốt lên “Mênh mang nước
biển mây giời! Càng đi càng thấy cõi đời vắng tanh” (Tóc sương). Nhà thơ
Ngân Giang âm thầm tự nhủ “Tiếng vẳng sông xa trời bát ngát. Âm thầm tôi
lại sống trong tim” (Hiu quạnh). Còn Mộng Tuyết ngậm ngùi chấp nhận sự
cô đơn, như chấp nhận một qui luật “Năm canh lạnh lẽo kinh sương gió. Ngùi ngẫm
tan xuân, hoa rụng đầy” (Dương liễu tân thanh). Với những đấng nam nhi, họ có
bao nhiêu cách để giải thoát nỗi sầu cô đơn, nỗi buồn vạn kiếp. Họ có thể
làm một “người bộ hành phiêu lãng - đường trần gian xuôi ngược để vui chơi” hay
say sưa trong những nẻo “đào nguyên lạc lối”. Với thân phận của mình, các thi
sĩ nữ không thể bỏ lại vườn cau, bỏ mái gianh - tôi đi dan díu với kinh
thành”. Cô đơn trong cuộc đời, họ chỉ còn biết tìm đến tình yêu như một
điểm tựa, một cứu cánh. Nhưng dù sống rất nhiều với tình yêu, mơ mộng rất nhiều
với tình yêu, họ vẫn không gặp may. Chỉ có những nỗi đợi chờ vô vọng “Mây chờ
ngừng bến xa xôi. Nhớ thương đọng lại muôn đời quản không” (Thuyền đi - Vân
Đài) và những nỗi lòng năm canh “Phòng khuya, bóng chiếc, đèn chong, canh
tàn” (Trông giăng - Mộng Sơn) của những mối tình dang dở “Nuối
hận từ đây duyên bẽ bàng” (Khách ngàn phương - Cẩm Lai). Dù vậy, tấm
lòng vẫn cứ thuỷ chung, cái thuỷ chung chỉ có được ở những người phụ nữ
phương Đông “Bến xanh, xanh vẫn ngóng trông tháng ngày” (Thuyền đi - Vân
Đài).
Viết về Thơ mới, giáo sư Hà Minh Đức đã có một nhận xét khá chính xác khi ông
cho rằng “Thương người và tự cảm thương mình - đó là hai bình diện tạo nên
giá trị nhân bản của phong trào Thơ mới”. Và điều đó được thể hiện khá rõ ở
những cây bút thơ nữ. Không chỉ biết tự cảm thương mình, họ còn biết hướng
tâm hồn ra cõi nhân gian rộng lớn để xẻ chia ấm áp: “Tôi thương anh vì tôi
cũng đi tìm những cảnh mênh mông. Tôi cũng muốn sống cuộc đời phiêu linh như
mây gió. Để nghe tiếng khóc thì thầm của cõi lòng đau khổ” (Viếng mồ lữ khách
- Mộng Sơn).
Những số phận nghèo bất hạnh là đề tài và nguồn cảm xúc của nhà thơ. Một tiếng
đàn của người hành khất bên đường, có bao kẻ đi qua vô tình, nhà thơ đã chia
xẻ với họ bằng niềm đồng cảm:
Xin cứ
đàn, cứ ca và cứ hát
Cho
lòng ai chốc lát được vui khuây
Cho hồn
ai tươi tỉnh được vài giây
Quên
đi những nỗi lầm than bằng nước mắt
(Khúc
nhạc bên đường - Hằng Phương)
Có thể nói, tình cảm lớn bao trùm lên tâm hồn thơ nữ là tình yêu sâu nặng với
con người và cuộc đời.
Ai về
cố quốc cho ta nhắn
Gởi
chút lòng thương nhớ núi sông
(Tiễn
biệt - Hằng Phương)
Với mỗi người Việt chúng ta, quê hương là cội nguồn của yêu thương và hạnh
phúc. Lời nhắn gửi của nữ sĩ Hằng Phương cũng là lời nhắn gửi chung của những
tấm lòng luôn nhớ thương da diết mảnh đất chôn nhau cắt rốn với “Lòng son mưa
gió gột nào phai” (Vân Đài).
Nhớ về quê hương là nhớ về những gì cụ thể
“Nhớ nơi làng xóm con con. Nhớ hương cây quế chon von trên đồi” (Làng quê - Hằng
Phương); là nhớ đến những “Con đường làng” với hình ảnh những cô
thôn nữ “Tảo tần khuya sớm quên sương gió. Quên cả đời riêng một tuổi
xuân (Cẩm Lai); nhớ đến “Bến đò ngày mưa”; nhớ những đêm “Ba
mươi tết” với khung cảnh quen thuộc gần gũi: “Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi
đen nhức. Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm” (Anh Thơ).Những tình cảm
sâu đậm đó không chỉ là chất liệu cho thi tứ và cảm xúc mà còn là cầu nối cho
sự đồng cảm vĩnh hằng của bạn đọc ngày hôm nay với những hồn thơ cách đây hơn
nửa thế kỷ.
3. Những nhà thơ tiêu biểu
Nhắc đến Thơ mới, bên cạnh một Lưu Trọng Lư, một Xuân Diệu, một Huy Cận, một
Thế Lữ..., ta không thể không nhắc đến một gương mặt thơ nữ: Anh Thơ. Anh Thơ
đã trình diện làng thơ mới bằng một sự khởi đầu tốt đẹp. “ẵm” ngay một tấm
huy chương của Tự lực văn đoàn, giải khuyến khích dành cho tập thơ Bức
tranh quê.Những ý tưởng đầu tiên viết Bức tranh quê của Anh Thơ là
để dự thi. Nhà thơ đã từng tâm sự trong cuốn hồi kí Về bến sông Thương rằng
khi có ý định dự thi thơ của Tự lực văn đoàn, nhà thơ đã tự nhủ: “Làm về cái
gì bây giờ. Về tình yêu như Xuân Diệu”? Nhưng nhà thơ lại chưa được yêu và
chưa biết yêu! “Làm thơ Bạch Nga như Nguyễn Vỹ? Cũng không được!” Nhà thơ quyết
định: “Làm thơ về phong cảnh xóm làng vậy. Xưa nay tôi chỉ biết xóm làng!
Nghĩ đến đâu, viết đến đấy, thấy cảnh gì, làm một bài thơ tả cảnh ấy”! Với một
năng khiếu thơ bẩm sinh, chỉ trong vòng hơn một tháng, nhà thơ đã có cả một Bức
tranh quê gồm 45 bài. Bức tranh quê là toàn cảnh bức tranh của một
vùng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với tất cả những thời khắc của thời gian. (Ngày
xuân, Chiều xuân, Đêm xuân, Đêm rằm tháng giêng, Rằm tháng 7, Rằm tháng 8.
Sáng hè, Trưa hè, Sang thu, Chiều thu, Đêm thu, Đêm đông, Chiều 30 Tết, Đêm
30 Tết, Ngày Tết...) và không gian (Bến đò ngày mưa, Bến đò đêm trắng, Chợ
ngày xuân, Chợ ngày thu...) và sự đỏng đảnh của thời tiết (Mưa, Lụt
Đại hạn, Cơn giông, Trở rét, Nắng hanh...), trong đó, con người sống với
những buồn vui thường ngày trong những âm thanh của tiếng “đàn bầu” của
đám “hát xẩm” và không khí của những “Đám cưới”, Đám ma”! Rõ
ràng cảm xúc thơ của Anh Thơ không phải là những gì cao xa mà là những gì gần
gũi thân thuộc. Nhà thơ đã từng tâm sự “thấy gì ghi nấy”. Quả thực, Bức
tranh quê có cái chỉ là “bức ảnh”, nó thiếu đi một sự gọt giũa công phu
của cảm xúc và kỹ thuật. 45 bài thơ hầu như đều có một lối kết cấu giống nhau
với ba khổ thơ cho mỗi bài. Nhưng nếu chỉ có như vậy thì chắc chắn Tự lực văn
đoàn không thể trao giải thưởng cho Bức tranh quê được. Đọc kĩ, ta
thấy nhiều bài thơ trong tập Bức tranh quê có thể được xếp vào hàng
những bài thơ hay nhất viết về nông thôn từ trước đến nay.
Bến đò ngày mưa - một khung cảnh buồn tẻ và ảm đạm, có gì đáng nói?
Nhưng với Anh Thơ, vẫn có một cái gì đó không thể vô tình, bởi dường như cảnh
vật đang sống cuộc sống của con người:
Tre
rũ rượi bên bờ chen ướt át
Chuối
bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa
Và dầm
mưa dòng sông trôi dào dạt
Một
con thuyền cắm lại đậu trơ vơ
Một đêm trăng không sáng mà lại mờ. Anh Thơ đã phát hiện ra ở nó một vẻ đẹp
huyền bí với không gian tĩnh lặng mơ hồ của sương, ánh sáng lung linh của
sao, âm điệu nhẹ nhàng của gió và cả vẻ buồn bã, đáng yêu của trăng:
Sương
man mác buông lơi trong lặng lẽ
Mây mờ
mờ trôi đến giữa trời sao
Gió
nhẹ thở từng hơi dài rất nhẹ
Và
trăng buồn không biết náu nơi nào.
(Đêm
trăng mờ)
Và đây nữa, một bức tranh của một Đêm trăng xuân, sẽ cho người đọc
cảm nhận hết được cái âm hưởng thi vị của đồng quê:
Đồng
lặng lẽ sương mù buông bát ngát
Ao âm
thầm mây tối ngập mênh mang
Gió
im ắng tự từng không man mác
Mưa
bay trăng nhè nhẹ dệt tơ vàng.
Cái cảnh sắc của một buổi Chiều xuân, với ba khoảng không gian:
Mưa đổ
bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng
lười nằm mặc nước sông trôi
...
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn
sáo đen sà xuống mổ vu vơ
...
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò
con chốc chốc vụt bay ra...
dứt khoát không thể tìm thấy ở một thành phố ồn ào náo nhiệt. Muốn thưởng thức
nó, ta phải trở về những vùng quê của đồng bằng Bắc Bộ, cùng với nhà thơ thả
tâm hồn mình hoà vào nhịp sống thanh bình và yên ả của đồng quê.
Trong Bức tranh quê của Anh Thơ, dường như bao giờ cũng có hai mảng
màu. Một bên là những đường nét với tất cả cái thi vị nên thơ:
Trời
trong biếc không qua mây gợn trắng
Gió nồm
nam lộng thổi cánh diều xa
Hoa lựu
nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm
vàng lơ đãng lướt bay qua
(Trưa
hè)
Một bên là cuộc sống thực, có chút gì ngột ngạt tù túng của một vùng quê nghèo:
Trang
thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy
...
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên
đàn ruồi rạc nắng hết ơi kêu
(Trưa
hè)
...
Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng
Lợn
troi nằm hồng hộc thở căng dây
(Chợ
mùa hè)
Hai mảng màu này đối lập mà lại bổ sung, hoà quyện với nhau để tạo nên một Bức
tranh quê hiện thực lãng mạn.
Đã có khá nhiều “thi sĩ của đồng quê”, nhưng với Bức tranh quê của
Anh Thơ, ta vẫn thấy có một cái gì đó rất riêng. Cảm nhận về sự giao mùa của
thời tiết “Sang thu”,nhà thơ không tả một những nét chung chung với biểu tượng
cổ điển của mùa thu là sự phôi pha của lá úa, cành khô. Chỉ bằng một vài nét
chấm phá:
Hoa
mướp rụng, từng đoá vàng rải rác
Lũ
chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay
Nhà thơ đã cho thấy cả một “không khí thu” đang hiện hữu.
Ta về một đám cưới ở thôn quê, Đoàn Văn Cừ quan tâm đến những đổi thay ở sắc
màu choáng ngợp qua trang phục bên ngoài của cô dâu trong ngày cưới:
Người
cô dâu hôm nay coi choáng lộn
Vành
khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao
(Đám
cưới mùa xuân)
Còn Anh Thơ không vậy. Bà chú ý đến những diễn biến trong tâm hồn cô dâu và
chú rể trong ngày vu qui:
Chú rể
thẹn ngập ngừng đưa bước chậm
Quần
chúc bâu sột soạt chửa phai hồ
Áo
nâu thắm cô dâu nghiêng nón thấm
Đội
má đào trào lệ nhớ nhà cô
(Đám
cưới)
Có lẽ phải có một sự quan sát tinh tế và một sự đồng cảm sâu sắc mới viết được
những câu thơ như thế.
Một nhà phê bình nào đó đã có những nhận xét xác đáng khi cho rằng: Thật khó
tưởng tượng, bức tranh về nông thôn Việt Nam sẽ ra sao nếu bên cạnh một Đoàn
Văn Cừ, một Bàng Bá Lân, thiếu đi một Anh Thơ?
Người nữ sĩ thứ hai của phong trào Thơ mới được nhiều bạn đọc biết đến là Mộng
Tuyết. Mộng Tuyết là một trong những học trò xuất sắc của Trí đức học
xã. Mặc dù viết nhiều thể loại khác nhau (khảo cứu văn học, truyện, thơ,
bút ký) nhưng bà được mọi người biết đến nhiều hơn với tư cách là một trong
những người có tiếng của phong trào Thơ mới. Tập thơ Phấn hương rừng của
mộng Tuyết in năm 1934, đã trúng giải khen tặng của Tự lực văn đoàn và bà
cũng được mọi người chú ý từ tập thơ này. Mộng Tuyết đã có thơ đăng trên các
báo Sống, Tiểu thuyết thứ 5, Tiểu thuyết thứ 7, Hà Nội báo, Đông Tây,
Trung bắc, Chủ nhật, Tri tân, Nhân loại, Phụ nữ tân văn dưới các bút
danh khác như Hà Tiên Cô, Bạch Thảo Sương, Thất Tiểu Muội...
Thơ Mộng Tuyết trước hết là tiếng lòng hồn nhiên, trong trẻo của một người
con gái. Người con gái ấy nhiều khi còn thẹn thùng, e ấp trước cả vẻ đẹp của
chính bản thân mình:
Nhớ
chuyện đêm qua còn thẹn thùng
Mặt hồ
phẳng lặng ánh trăng trong
Trễ
tràng xiêm áo em đang tắm
Làn
nước vờn da em lạnh lùng
(Em
xấu hổ)
Nếu nói Thơ mới là tiếng nói của những cá nhân, của những tâm hồn với khát vọng
thành thực muốn “nói rõ những điều kín nhiệm” thì tâm hồn thơ Mộng Tuyết cũng
không nằm ngoài cái biên độ đó. Người con gái thẹn thùng, e ấp trên kia cũng
là người con gái không muốn dấu diếm những khát vọng trẻ trung mãnh liệt của
mình: yêu và được yêu:
Nguồn
trong nước sạch mơn man
Để em
xuống tắm gội làn tóc xanh
Cho
anh đặt chiếc lược tình
Món
hương trinh bạch để dành từ xưa
Tâm
tình mơn mởn đào tơ
Tặng
anh giữa cảnh nên thơ suối rừng
(Hương
rừng)
Vẻ đẹp của thơ Mộng Tuyết, không phải là vẻ đẹp của cấu tứ và kỹ thuật, mà nó
có sức lay động ở sự trong trẻo trong cảm xúc và những hình ảnh có sức gợi:
Trăng
chảy ngập đường đi - Thuở ấy
Đôi
người soi bóng bước song song
Rồi
trăng từ đó tương tư bóng
Chảy
ngập đường đi khắp nẻo lòng
(Bóng
trăng tương tư)
Và cao hơn còn là vẻ đẹp của một tâm hồn không chỉ quẩn quanh trong những
tình cảm riêng tây mà còn biết hướng tâm hồn đến những bến bờ của một tình
yêu rộng lớn. Giá gạo Tràng An” và “10 khúc đoạn trường” là
những bài thơ thể hiện những tình cảm đó. Người ta ngạc nhiên thấy một người
con gái tưởng như chỉ biết “Chiều xuân khép cánh khuê phòng. Soi gương sửa lại
má hồng vui vui” lại cũng là một thi sĩ có trái tim không vô tình khi
nghe tin:
Nghe
nói Tràng An giá gạo cao
Đói
cơm cửu hạn khát mưa rào
Chia xẻ với những khó khăn của đồng loại, nhà thơ băn khoăn: “Chị nghèo biết
giúp gì em nhỉ” Trước nạn đói năm 1945, trước những thống khổ của đồng bào
mình, cô gái sống trong lầu son gác tía đã đau đớn thốt lên: “Ai làm non nước
chuyển chia ba?” và nhà thơ kêu gọi mọi người hãy vì “tình máu mủ” mà
“nhường cơm xẻ áo”.Tiếng thơ ấy, cất lên từ một trái tìm nhân hậu đã là đáng
quí. Nhưng nó còn giá trị hơn khi đặt bên cạnh những tiếng thở dài não nùng bởi
sự “chán nản với toàn thế giới” của Thơ mới lúc này đang đi đến bờ vực của sự
thoái trào, bế tắc. Những tình cảm đó sẽ là điểm tựa để sau này nhà thơ nhập
cuộc với cuộc sống mới. Sau cách mạng với các bài thơ Dưới cờ (1945) và Chiếc
lá thị thành (1947) viết về niềm hân hoan chào đón cách mạng và những chiến
sĩ ở “Chiến khu xanh”.
Bên cạnh Anh Thơ, Mộng Tuyết, Hằng Phương cũng là một nữ sĩ có nhiều đóng góp
cho phong trào Thơ mới. Hằng Phương nhập cuộc làng thơ bằng bài thơ đầu tayNhớ
con nhỏ Bội Trinh (1929) đăng trên tờ Phụ nữ tân văn. Từ đó, Hằng
Phương cũng có nhiều thơ đăng trên các báo Đàn bà, Tri tân, Ngày nay, Hà
Nội tân văn, Phụ nữ tân văn và in chung với Anh Thơ, Mộng Tuyết, Vân Đài
tập thơ Hương Xuân(1943).
Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu đã từng cho rằng chữ “Tâm” là mạch cảm xúc
chính trong thơ Hằng Phương. Nét nổi bật trong thơ bà là tâm hồn đầy ắp yêu
thương, là niềm khắc khoải khôn nguôi của một người con luôn gắn bó với cội
nguồn:
Mòn mỏi
ngày đêm trông lại trông
Cố
hương xa cách mấy nghìn trùng
(Tự
cố hương)
Nếu Mộng Tuyết thường lấy nguồn xúc cảm của tâm hồn mình để phủ lên mọi vật
thì Hằng Phương dường như ngược lại. Cảnh vật bình dị xung quanh luôn là những
đề tài mang lại cho bà nguồn cảm hứng, tứ thơ. Mỗi ban mai thức dậy, nhà thơ
phát hiện ra:
Sương
đêm còn đọng trên cành
Rưng
rưng hạt ngọc long lanh nhìn trời
(Bình
minh)
Nếu Anh Thơ có “Bức tranh quê” thì Hằng Phương lại có “Lòng quê” Anh Thơ lấy
phong cảnh quê hương làm đối tượng thẩm mỹ, còn Hằng Phương lại lấy “tình
quê” của mình làm đối tượng để giải bày nguồn thi hứng. Những bài thơ viết về
quê hương của Hằng Phương như Lòng quê, Tự cố hương, Tiễn biệt là
những bài thơ hay được bạn đọc chú ý:
Anh
đưa em đến vườn đào
Màu
tươi sắc thắm em nào dám chê
Nhưng
em luống nặng lòng quê
Nhớ
thương cảnh cũ bốn bề núi non
Nhớ
nơi làng xóm con con
Nhớ
hương cây quế chon von trên đồi
(Lòng
quê)
Cái hay của bài thơ không phải là âm sắc, giọng điệu mà là cái tình chân chất,
chan chứa trong tâm hồn thi nhân.
Âm điệu chính trong thơ Hằng Phương là “êm dịu ngọt ngào”. Nhưng đôi khi
trong thơ bà ta thấy ánh lên những nét triết lý của một tâm hồn đầy trải nghiệm,
suy tư. Trong bài thơ Tết xưa nhà thơ dường như đã thấy trong cái hiện tại,
những qui luật của sự sống:
Những
ngày vui sao chẳng được bao lăm
Vừa mới
đó, cuộc đời đã khác trước.
Hoài Thanh cho rằng thơ Hằng Phương “ít dấu tích của thơ Đường” nhưng ta thấy
ngôn ngữ trong thơ bà vẫn còn hơi hướng của ngôn ngữ thơ cổ với những từ như
“nhung y”, “trâm anh thế phiệt”, “phỉ chí tang bồng”, lớp ngôn ngữ đó
sau này đã được nhà thơ khắc phục dần ở những bài thơ viết ở giai đoạn sau.
Với 80 thi nhân của phong trào Thơ mới (1), những cây bút nữ chỉ chiếm hơn
10% với 9 gương mặt Nguyễn Thị Manh Manh, Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Tuyết, Mộng
Sơn, Ngân Giang, Thu Hồng, Cẩm Lai, Hằng Phương. Trong vườn hoa muôn sắc màu
của Thơ mới, những cây bút thơ nữ chưa phải là những bông đại đoá, hướng
dương, ngạt ngào hương sắc. Họ chỉ là những bông hoa đồng nội sắc màu êm dịu
với mùi hương thâm trầm kín đáo, nhưng thiếu nó, vườn hoa Thơ mới sẽ kém màu
rực rỡ và thiếu đi sự ấm áp tròn đầy. Và khi nhắc đến Thơ mới, ta cũng không
thể không nhắc đến họ với vị trí của người trong cuộc, với những đóng góp
không thể phủ nhận.
Lê Dục Tú
Nguồn: TCSH số 149/2001
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét