Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Thơ Hàn Mặc Tử

Thơ Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Lệ Mỹ, phía Bắc của Huế, trong một gia đình Công Giáo lâu đời. Cha ông làm sở thuế và sống ở trong một thành phố ven biển. Vào năm 1931 Hàn Mặc Tử  trao 3 bài thơ đầu tay của ông cho cụ Phan Sào Nam, một người trí thức có đầu óc cách mạng. Sau khi đọc mấy bài thơ này, cụ Phan đã cho xuất bản ngay. 
Vào năm 1934 Hàn Mặc Tử vào Saigon để trở thành một ký giả văn học. Chừng một năm sau, ông bỏ lại mọi sự và trở về sống với gia đình. Vào năm 1936 khi tuyển tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản  thì cũng xuất hiện những triệu chứng của bệnh cùi trên người ông. Chính người yêu của ông đã nhận ra triệu chứng của căn bệnh quái ác này, nên đã yêu cầu làm đám cưới sớm hơn. Đối với Hàn Mạc Tử, tất cả đều đổ vỡ! Căn bệnh mỗi ngày một trầm trọng  thêm. Sự thất vọng vì bệnh tật đã làm nẩy sinh một công lực sáng tạo thơ văn vô cùng mãnh liệt. Một  tuyển tập văn chương khác của Hàn Mặc Tử đã được trình làng vào năm 1938.
Để sống riêng với thế giới của mình, Hàn Mặc Tử đã ẩn náu trong một căn phòng nhỏ ở ngoại thành, luôn cải trang trốn tránh sở vệ sinh của Pháp để khỏi phải vào nhà thương. Những câu kinh và Sách Thánh đã nuôi dưỡng sự mạc khải của Hàn Mặc Tử: Chính trong thời gian này, những vần thơ vĩ đại của Hàn Mạc Tử được chào đời. Cuối cùng, đầu năm 1940 Hàn Mặc Tử quyết định vào bệnh viện. Đến tháng 9 năm đó, nhà thơ họ Hàn được chuyển đến trại phong cùi Qui Hoà, nằm trên ngọn đồi phía Nam thành phố Qui Nhơn, ngay ven biển .
Hàn MặcTử đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong tiếng cầu kinh của các nữ tu dòng Phanxicô, là người mà ông đã tặng bài thơ cuối đời của ông bằng tiếng Pháp với những câu như:
 Anges du Ciel,
 Anges de Dieu,
 Anges de Paix et de Gaîté,
 Apportez-moi une couronne.
 Je veux me baigner
 dans l'Océan de Lumière et d'Amour divin .
Hàn Mặc Tử qua đời ngày 11 tháng 11 năm 1940 ở tuổi còn xanh, mới tròn 28 tuổi. 
(MC sưu tầm)


  Bạn có biết thôn Vỹ Dạ ở Huế không? Quê cha của tôi đấy. Tôi chưa bao giờ "về thăm thôn Vỹ", nên chẳng có ấn tượng gì về Vỹ Dạ cả. Nhưng qua một bài thơ chỉ dính có hai chữ "thôn Vỹ", tôi biết quê tôi rất đẹp. Ðây bài... "Về thăm thôn Vỹ" (có nơi chép là "Về chơi thôn Vỹ," nghe có vẻ "ít thơ", nhưng có lẽ là đúng nguyên lời của tác giả) của Hàn Mặc Tử:
Sao anh không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cao nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió mây đường mây
Giọt nước buồn hiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà!
Ô, lại áo trắng nữa! Trắng sao mà đến nỗi nhìn không ra? Nhìn không ra cái gì? Không ra em? Không ra màu da cũng trắng quá? Hay nhìn không ra đâu là màu áo trắng với màu sương khói? Chắc là bóng em áo trắng chìm trong màu sương khói bên kia bờ sông. Và dù vậy, vẫn nhìn ra em như thường. Nói chi mà lạ rứa! Nói là nhìn không ra, vậy sao biết người ta mặc áo trắng! Hay là đứng đầu ngõ ngóng cô nàng nữ sinh áo dài trắng đội nón bài thơ sáng đi qua, chiều đi lại? Cậu thi nhân này hình như rảnh rỗi ở không dữ há! Chờ ngóng người ta từ sáng đến chiều chẳng thấy mệt! Rõ ràng như vậy mà. Ðầu bài thì "nắng mới lên", giữa bài thì đã "có chở trăng về kịp tối nay?" Vậy không phải là đứng trông từ sáng đến chiều tối sao? Ðứng bờ sông này ngóng bờ sông kia, mong người ta về thăm thôn Vỹ của mình. Mơ sao người đẹp một lúc nào đó sẽ đón thuyền sang bờ bên này để mình được chiêm ngưỡng một lần cho thỏa dạ... (vì chưa chắc thi nhân biết mặt người đẹp) mà lại nói một cách bóng bẩy tài tình đến nỗi chẳng ai trước mà cũng chẳng ai sau Hàn Mặc Tử có thể nói được hai câu diễn tả nỗi mong chờ tha thiết của chàng trai si tình một cách nên thơ như vầy:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mà cũng chẳng ai tả cái màu trắng đẹp huyền ảo như màu trắng của Hàn Mặc Tử:
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh...
Màu áo trắng chìm trong bóng sương mù buổi sớm. Hình như màu trắng và màu trăng là nỗi ám ảnh, hay là  những dấu ấn trong cuộc đời, và trong thơ Hàn Mặc Tử. Mà cũng không riêng gì  Hàn Mặc Tử. Các thi nhân khác cũng thế. Họ thích màu trắng và màu trăng. 
Áo trắng của em nữ sinh. Áo trắng của em y tá và em bác sĩ. Màu trắng làm điên đảo bao nhà  thơ như thế mà khi rời trường lớp, rời nhà thương là em vội thay xiêm đổi áo, chọn màu xanh, màu lục, màu đỏ, màu vàng liền lập tức. Em sợ màu trắng trơn quá sẽ làm nhàm chán những đôi mắt tình si chăng? Không đâu. Không tin thì cứ đọc lại bốn câu chót của Hàn Mặc Tử. Ðọc rồi thì vẫn cứ cần phải đọc lại:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà!

                     Thủ bút HMT
Nếu một ngày nào trong tủ áo không còn áo màu để ra đường, em đừng ngần  ngại mặc áo màu trắng. Nếu không chàng trai nào thấy bắt mắt với màu trắng thì cũng chả sao cả. Sẽ có những văn thi nhân nhìn ngắm em và đưa em vào trang huyền sử của thi ca diễm tình. Hãy đọc thêm một số bài thật hay của Hàn Mặc Tử:
Phan Thiết! Phan Thiết!
Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất...
Bay từ Ðao Lị đến trời Ðâu Suất
Và lùa theo không biết mấy là hương...
Lúc đằng vân gặp ánh sáng chặn đường
Chạm tiếng nhạc, va nhằm thơ thiên cổ...
Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ:
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ
Ở ngôi cao, ngước mắt ra ngoài bể
Phong lưu ghê, sang trọng chẳng vừa chi.
Ta mê man như tới chốn Phụng Trì
Ở mãi đấy không về thiên cung nữa.
Nhưng phép lạ! Có một vì tiên nữ
Hao hao như nường nguyệt cõi Ðào Nguyên
Ta đắm mê trong ánh sáng trần duyên
Và van lạy xin cô nường kết ngãi;
Mỉa mai thay cho phượng hoàng si dại
Là ta đây đương ở kiếp muôn chim...
Trở lại Trời tu luyện với muôn đêm
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả
Ta trở nên như ngọc đàng kim mã
Rất hào hoa rất phong vận: Người Thơ...
Ta là trai khí huyết ước ao mơ
Người thục nữ sanh giữa thời vô thượng,
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trang
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết.
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi
Ta đến nơi. Nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỉ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng,
Thơ phép tắc bỗng kêu lên thống thiết
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu,
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư...
Ngủ với trăng
Ta không nhấp rượu
Mà lòng ta say...
Vì lòng nao nức muốn
Ghì lấy đám mây bay...
Té ra ta vốn làm thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay!
Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy
Trên sóng cành, -- sóng áo cô gì má đỏ hây hây...
Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lảng
Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây
Gió nâng khúc hát lên cao vút
Vần thơ uốn éo lách từng mây
Ta hiểu ta rồi, trong một phút
Lời tình chới với giữa sương bay.
Tiếng vàng rơi xuống giếng,
Trăng vàng ôm bờ ao...
Gió vàng đang xao xuyến
Áo vàng hỡi chị chưa chồng đã mặc đi đêm!
Theo tôi đến suối xa miền,
Cổi thơ, cổi mộng, cổi niềm yêu đương...
Mây trôi lơ lửng trên dòng nước,
Ðôi tay vốc uống quên lạnh lùng
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ,
Ðây mình lốm đốm những hào quang...
Tiêu sầu
Ô! Ðêm nay trời trong như gương
Không làn mây vương, không hơi sương
Tơ trăng buông rèm trên muôn cành
Tơ trăng vàng rung như âm thanh.
Từ đâu tiêu sầu reo vi vu
Buồn như làn mây hiền mùa thu
Êm như dòng tơ trên vai nường
Mong manh như là lời yêu đương.
Tiêu đưa tôi bay lên cung trăng
Tôi phiêu diêu cùng ngàn sao băng
A ha, lòng tôi trăng là trăng!
A ha, trăng tràn đầy châu thân!
Cung thiềm đây rồi hương ngây ngây
Ô, bằng trân châu hay quỳnh dao?
Và mớm cho tôi bao tình say
Mà tôi mút bao dòng ngọt ngào.
Nghê thường lên khơi nường Hằng ra
Hương trầm bâng khuâng quyện mình hoa
Nhịp nhàng nường đi theo nhịp đàn
Âm thanh lên cao nhạc lừng ran.
Tôi lại gần bên: Ồ lạ thường!
Nường Trăng, ô, chính là Thương Thương!
Người tôi rung động như âm thanh
Môi không ngừng dưới đôi tay xinh.
Hoảng hốt, tôi ôm chầm lấy nường
Than ôi, nường đã biến ra sương
Tôi ôm chầm phải tiếng tiêu sầu
Vi vu reo buồn trong đêm thâu.
Trăng vàng trăng ngọc
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng Trăng, Trăng!
Ai mua Trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng
Tôi giả đò chơi anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá!
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang?
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi,
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng Trăng, Trăng!
Bẽn lẽn
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Ðợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!
Trong khóm vi lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.
Say trăng
Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi
Ở trên kia, có một người
Ngồi bến sông Ngân giặt lụa chơi
Nước hóa thành trăng, trăng ra nước
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm!
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hườm.
Ta hẵng đưa tay choàng trăng đã
Mơ trăng ta lượm tơ trăng rơi
Trăng vướng lên cành - lên mái tóc cô ơi
Hãy đứng yên tôi gỡ cho rồi cô đi!
Thong thả cô đi...
Trăng tan ra bọt lấy gì tôi thương?
Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu qui
Say! Say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.
Ghen
Ta ném mình đi theo gió trắng
Lòng ta tản khắp bốn phương trời
Cửu trùng là chốn xa xôi lạ
Chim én làm sao bay đến nơi?
Chiếc tàu chở cả một đêm trăng
Muôn ánh sao ngời chói thẳng băng
Muôn sợi hương trầm say bối rối
Muôn vàn thần thánh sống cao sang.
Giây phút, ôi chao! Nguồn cực lạc
Tình tôi ghen hết thú vô biên
Ai cho châu báu, cho thinh sắc
Miệng lưỡi khô khan hết cả thèm.
Lòng anh
Một lời hứa, anh chỉ mong có thế
Ðể cho lòng tin tưởng ở ngày mai
Một lời hứa ban cho người góc bể
Là một nguồn sống mãi, tiếc chi ai?
Anh chỉ thẹn không còn son trẻ nữa
Ðể cho tình âu yếm mặn nồng hơn
Và chỉ sợ đời em còn măng sữa
Một ngày kia trĩu nặng nuốt căm hờn.
Nhưng tội nghiệp, trên trời đôi nhạn lạc
Cứ yêu nhau đừng tưởng đến ngày mai.
Dẫu có lúc em mơ vui thú khác
Anh cũng mừng đã được yêu em rồi. 
Trút linh hồn
Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ!
Từ nay trong gió - trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.
Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một trời
Ðầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng
Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi!
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
- Còn em, sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày!
Siêu thoát
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao.
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi dường bao!
Ai tới đó chẳng mê man thần trí?
Tòa châu báu kết bằng hương kì dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang
Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang
Sẽ qui tụ thâu về trong một mối,
Và tư tưởng không bao giờ chắp nối
Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng.
Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên
Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí.
Trời bát ngát không cần phô triết lí,
Thơ láng lai chấp chóa những hàng châu.
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu
Những hạt lệ của trích tiên đầy đọa?
A ha ha! Say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta?
Có gì đâu cả thể với cao xa
Như cội rễ của trăm nguồn đạo hạnh
Hớp rượu mạnh, máu càng hăng sức mạnh
Ôi điên rồ! Khoái lạc đến ngất ngư
Thương là thương lòng mình giận chưa nư
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ.





Thời gian
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình .
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh.
Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm.
Hồn xưa tự ấy không về nữa:
Ở cõi hư vô dấu đã chìm.
Chỉ có trăng sao là bất diệt,
Cái gì khác nữa thảy đi qua.
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi?
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?
Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé,
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi, cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ mầu tươi một mỹ nhân...

Một Nửa Trăng
Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tổi buổi chia phôi!
Tình Quê
Trước sân anh thơ thẩn,
Đăm đăm trông nhạn về;
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang thên đồi quê;
Gió chiều quên ngừng lại;
Giòng nước luôn trôi đi...
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh đường đê mê.
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề.
Dầu ai không mong đợi,
Dầu ai không lắng nghe.
Tiếng buồn trong sương đục,
Tiếng hờn trong luỹ tre.
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê.
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê...
Với ngày xanh hờ hững
Cố Quên tình phu-thê,
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não-nề...
Đà Lạt trăng mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu:
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ. 
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
để nghe dưới đáy nước hồ reo;
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu...
Hàng thông lấp loáng đứng trong im,
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được!
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
Cả trời say nhuộm một mầu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng,
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...
 Huyền Ảo 
 Hàn Mặc Tử
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ.
Đang khi màu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im.
-- Rơi từ thượng tầng không khí xuống --
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim.
Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh
Ngấm ngầm trao đổi những ân tình
Để thêm ấm áp nguồn tơ tưởng
Để bóng trời khuya bớt giật mình.
Từ đầu canh một đến canh tư,
Tôi thấy trăng mơ biến hóa như
Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ.
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ;
Những lời năn nỉ của hư vô.
Không gian dầy đặc toàn trăng cả:
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa tôi quá ! nói nghe chăng?
AVE MARIA
Như sóng lộc triều nguyên:ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng.
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy MẸ,
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa,
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
MARIA! Linh hồn tôi ớn lạnh.
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn tríu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn,
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy,
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua;
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một nạm hào quang...
Tôi no rồi, ơn võ lộ hòa chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ,
Ngọc Như ý vô tri còn biết cả,
Huống chi tôi là Thánh Thể kết tinh.
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen.
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Ngườiø có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời,
Để ca tụng, - bằng hoa hương sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh.
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý.
Trượng phu lời và tông đồ triết lý,
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh.
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập,
Cả hàn giang, cả mầu sắc thiên không,
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng,
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước...
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm,
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu;
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ,
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ SẦU BI.
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! (*)
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu,
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang? 

(Xuân Như Ý)
RA ĐỜI 
Một chiều xanh, - một chiều xanh huyền hoặc,
Sáng bao la vây lút cõi thiên không:
Xuất thế gian (1) chưa có tại trong lòng,
Muôn ý tứ say chìm nơi Bất Giác,
Hương cám dỗ mê người trong khoái lạc.
A! a! a! ...
Thiên địa đắm hoang mang:
- Là đương khi thờ lạy cả Thiên Đàng,
Bay những tiếng: tung hô Thánh đức:
Muôn thần phẩm trong lâng lâng chầu chực,
Áùnh hào quang chan chói ngất lưu ly:
Ôi, cao sang khôn ví trọng ai bì,
Trên nước cả có muôn vàn châu báu.
Trí rất ngớp, bởi chưng xuân hồn hậu,
Đã ra đời, theo lịnh của Ngôi Hai.
Ôi thánh tai (2), thánh tai, và thánh tai!
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc,
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,
Rất phương phi (3) trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời!
Điềm ngọc ấm như ngà,
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích,
Và tâm tư có một điều rất thích,
Không nói ra vì sợ bớt say sua!...
Chàng ơi (4) ! Chàng ơi: sự lạ đêm qua!
"Mùa xuân tới mà không ai biết cả..."
Chú thích:
(1) Phật giáo chia thế gian làm hai cõi: thế gian và xuất thế gian tức là thế giới hữu hình và thế giới vô vi, đây sánh xuất thế gian với cõi thanh tịnh của lòng.
(2) Danh từ biểu lộ sự hoan hỉ và cung kính đối với Thiên Chúa.
(3) Tiếng nhạc trên Trời rất mầu nhiệm, hình dung được cả sự phương phi.
(4) Chàng đây là thi sĩ, không phải "chàng của thiếp":
Chú thích của người sưu tầm:
Bài thơ này phổ biến lần đầu tiên trên "Trong Khuê Phòng" số 88 - đặc biệt mùa xuân - (30. 1. 38 - 20. 2. 39, trang 9, ở đây chép theo một bản chụp "Trong Khuê Phòng", thuộc phần phụ lục: "hàn mặc tử anh tôi" của Thiện Nam Nguyễn bá Tín, Paris: Tin, 1990.
 Theo http://www.trankieubac.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...