Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Trần Dần trong mắt người đương thời: Một cuộc đời cho thử nghiệm thơ

Trần Dần trong mắt người đương thời: 
Một cuộc đời cho thử nghiệm thơ
Cuộc tọa đàm về thơ Trần Dần do Ðại sứ quán Pháp tại VN và Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam tổ chức (tối 1-3-2010 tại L’Espace) có sự điềm đạm và sâu lắng của một cuộc tưởng niệm.
Một minh họa của Trần Dần cho bài thơ Ngã tư xưa: Anh muốn rao lên cho làng nước biết/ Hôm nay em bạc đãi một người/ Nhưng em ơi! Anh chỉ đến ngã tư xưa/ Anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ.
Nhưng khi đã bàn sâu vào thơ và những vấn đề cách tân thơ, Trần Dần hiện lên không phải chỉ với tư cách một nhân vật để tưởng niệm. Ông và thơ ông đang sống như một nhà thơ cách tân, như một người thơ yêu nước (cũng là tên của buổi tọa đàm).
Nhà thơ Trần Dần (1926-1997) được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Tuyển tập Thơ Trần Dần (Nhã Nam và NXB Đà Nẵng) được trao giải thành tựu trọn đời về thơ của Hội Nhà văn Hà Nội 2008, và là tác phẩm duy nhất giành giải thưởng văn học nghệ thuật thủ đô năm 2008 dành cho văn học.
Vẫn còn một chút dè dặt và ngại ngùng sau bao nhiêu biến cố đã qua, sau nhiều điều từng chứng kiến, biết, đọc và nghe nói về Trần Dần và thơ của ông, nhưng những diễn giả trong cuộc tọa đàm thơ Trần Dần: dịch giả, nhà thơ và là người bạn thân Dương Tường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hữu Việt, thạc sĩ vừa bảo vệ luận văn về thơ Trần Dần Hà Thị Hạnh, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà thơ Nguyễn Duy… đều nồng nhiệt và quả quyết khẳng định vai trò”nhà cách tân số 1″của thi ca VN của Trần Dần.
Người bạn từng chia sẻ những tháng ngày lận đận của ông, nhà thơ Dương Tường nói:”Trần Dần từng viết trong Nhật ký thơ :”Phải có gan bỏ rẻ một cuộc đời cho một thử nghiệm thơ”. Và cuộc đời ông là minh chứng thực tế nhất cho quan niệm ấy.
Trong hoạn nạn, trong bóng tối, trong im lặng, ông âm thầm, kiên quyết và đau đớn theo đuổi những giấc mơ cách tân thơ của mình. Thoát khỏi ảnh hưởng thơ bậc thang của Maiakovski, ông lầm lụi độc hành tìm ra những Mùa sạch, Jờ Joạcx, 177 cảnh…
Sau giai đoạn làm thơ bí hiểm với nhóm”Dạ đài”thời trai trẻ, từ 1946-1954, Trần Dần nhập ngũ, trở thành một người lính làm thơ, ông đi suốt cuộc kháng chiến chống Pháp với những trận chiến và những tác phẩm đầy tinh thần xung trận: Người người lớp lớp; Ði, đây Việt Bắc …Khác với hình dung lâu nay của số đông về những điều chỉ”nghe nói”quanh số phận và thơ Trần Dần, bè bạn, các nhà nghiên cứu, gia đình…đều khẳng định ông là một nhà thơ chiến sĩ với tất cả ý nghĩa tốt đẹp của nó.
Sự quyết liệt trong cá tính của ông theo ông mãi đến ngày cuối cùng của cuộc đời, trong những câu thơ cuối cùng, nhưng không còn với tính chất đơn thuần là ý nghĩa của câu chữ, mà là sự quyết liệt trong việc tìm kiếm những hình thức thể hiện mới, đẩy tiếng Việt đến chân tường để nó bật ra những nghĩa mới.
Có lẽ với số đông, Trần Dần và thơ ông vẫn còn là một cái gì đó mơ hồ, bí ẩn, khó hiểu. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng rất thẳng thắn và chân tình chỉ ra những sai sót của ban tổ chức khi giới thiệu ”Trần Dần là nhà thơ có ảnh hưởng nhiều nhất trong thơ ca VN hiện đại” - không ai, dù yêu Trần Dần đến đâu, có thể nói thơ ông được nhiều người biết, nhiều người đọc đến độ trở nên phổ biến, có ảnh hưởng xã hội.
Nhưng như cách tiếp cận rất chân thành và gần gũi của nhà thơ Hữu Việt: ”Bên cạnh những thử nghiệm, có cả thành công và chưa thành công, bên cạnh những câu thơ tuyệt bút, bên cạnh những nỗi đau đời, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy mình trong những câu thơ bình thường của ông, sự bình thường, giản dị của một bậc ”đại cao thủ” chữ nghĩa: Bài thơ hôm nay tôi viết/ Ðã giống lưỡi lê: đâm/ giống viên đạn: xé/ giống bão mưa: gào/ giống tình yêu: thắm.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều người đã nhắc lại câu thơ bất hủ của Trần Dần: ”Tôi yêu đất mẹ đây/ có cỏ hoa làm chứng/ Tôi yêu chủ nghĩa này/ cờ đỏ cãi cho tôi“ để cùng lặng người vì cảm phục và thương nhớ Trần Dần.
Thu Hà 
Theo http://xunauvn.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đấu...