Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Cảm hứng mùa Xuân trong thơ Thiền Lí Trần

Cảm hứng mùa Xuân trong thơ Thiền Lí Trần 
Mùa xuân luôn tạo cho con người nhiều cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc có tác dụng tích cực đến tình cảm và tâm hồn, khiến cho mọi người cảm thấy phấn chấn, khoan khoái, hứng khởi đón chào một năm mới sang.
Mùa xuân cũng vì vậy đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn cho bao lớp văn nhân thi sĩ từ xưa đến nay, từ văn học dân gian đến văn học thành văn, từ văn học chữ Hán đến văn học chữ Nôm và chữ Quốc ngữ về sau này. Do vậy, nhiều sáng tác ra đời đã phản ánh không khí rộn rã của mùa xuân, thể hiện niềm hân hoan trước sắc trời tươi đẹp, niềm lạc quan trước sự đổi mới của cuộc đời dù hiện tại có trăm cay ngàn đắng, niềm giao ước bạn bè kết đôi… Đó là những chủ đề thường thấy trong thơ ca nước ta viết về mùa xuân. Hiếm có tác phẩm nào thể hiện nỗi u buồn phẫn uất trong cảnh ngày xuân, nếu có đi chăng nữa thì tác phẩm đó ắt gắn liền với biến động thời cuộc, biến cố trong cuộc đời con người, mang đậm dấu ấn thân phận cá nhân.
Trong di sản văn học Việt Nam để lại ngày hôm nay có một mảng thơ viết về mùa xuân hết sức đặc biệt, đó là thơ Thiền thời Lí – Trần. Điều đặc biệt ở chỗ, một mặt mảng thơ này vẫn thể hiện cảm xúc như nhiều nhà thơ khác nói chung khi viết về mùa xuân, một mặt nó nói lên cái tâm thái rất riêng của những người tu hành khi đối diện với vòng quay vô thường của tạo hóa. Không giống các nhà thơ yếm thế hay than thở hay âu sầu cho thế sự, buồn bã bất lực trước “con tạo vần xoay”, thơ Thiền hướng đến cuộc đời bằng sự “quán chiếu” cái “sinh diệt”, cái “hư vô” để hướng tâm hồn sự an nhàn thoát tục, trở về với bản thể. Chính cái riêng đó tạo nên bản sắc rất riêng không lẫn vào đâu của thơ Thiền.
Thơ Thiền Lí – Trần thể hiện rõ nét tâm thái của con người thời đại trong những ngày đầu xây dựng nền phong kiến tự chủ Đại Việt. Đó là tinh thần phóng khoáng, hào hùng, sống nhiệt tình, vô tư và rộng mở đến hết chiều kích thời đại. Sau khi giành được độc lập tự chủ từ tay giặc xâm lược phương Bắc, các triều đại lần lượt nối tiếp nhau xây dựng vững chắc về cơ bản nền phong kiến tự chủ. Đến một lúc nào đó, sự ổn định về kinh tế và chính trị của xã hội có khả năng được đảm bảo thì con người lại nghĩ đến sự giải thoát về tinh thần. Theo lẽ thường cuộc sống, người nghèo khổ thiếu thốn thì trước mắt chỉ muốn được ăn no mặc ấm, người đầy đủ vật chất thì muốn thỏa mãn đời sống tinh thần. Trong hoàn cảnh xã hội khá ổn định và phát triển như thời đại Lí – Trần thì xu hướng đi tìm đời sống tinh thần khá rõ nét, nhất là khi Phật giáo trở thành quốc giáo thì tất yếu đây là hướng đi chủ đạo mà nhiều người lựa chọn. Điều này giải thích tại sao trong khoảng thời gian đầu người tu hành chủ yếu là các nhà sư trong chùa, thì đến hai triều đại Lí và Trần có cả một loạt quý tộc phong kiến triều đình quy y đầu Phật, thậm chí có những vị vua sớm từ bỏ ngôi vị để chuyên tâm tu hành.
Nếu thơ ca nói chung, thơ trữ tình nói riêng nặng về bày tỏ cảm xúc, tình ý trước cảnh vật hay cuộc đời thì thơ Thiền lại nghiêng về hướng diễn đạt triết lý Thiền và thể hiện trạng thái nội tâm của con người đang hướng về sự giác ngộ. Do đó, không có sự mùi mẫn ủy mị hay đớn đau mừng rỡ trong thơ Thiền, mà chỉ có sự suy nghiệm triết lý, sự trải nghiệm chứng ngộ hay những ý vị nhàn nhã an vui toát lên từ tâm hồn trong trẻo tự nhiên của thiền gia. Do đó, cảnh vật hay hành động con người trong thơ Thiền cũng không đơn thuần mang ý nghĩa đặc trưng vốn có của nó mà còn hàm chứa những ý nghĩa biểu tượng triết lý Phật giáo.
Các thiền gia sáng tác thơ Thiền ở đây có thể là các thiền sư, những vua chúa quan lại hay trí thức mộ điệu thiền và có hiểu biết về thiền. Có thể họ có địa vị và trình độ khác nhau trong xã hội nhưng dưới sự chi phối của quan niệm thiền học, hơn ai hết họ hiểu rằng tất cả đều có bản thể Phật tánh thường hằng bình đẳng không sai biệt. Do đó, trong thơ Thiền người ta không thấy bóng dáng thân phận cuộc đời, không thấy mặt cá nhân của số phận con người mà chỉ thấy những bóng dáng khá tương đồng là con người nhàn nhã trên đường về lối đạo.
Trong thơ Thiền Lí – Trần, nhiều thiền gia chấp bút viết về mùa xuân với nhiều trải nghiệm và cảm nhận hết sức tinh tế, phong phú. Ở phương diện đầu tiên, bản thân thiền gia cũng chỉ là những con người bình thường, có ăn mặc ngủ nghỉ, có nhà cửa ruộng vườn, có lượm củi trồng rau thì tất yếu họ cũng có những cảm nhận về bước đi của thời gian, nhất là khi mùa xuân về khắp nơi rộn ràng hoa bướm:
Li hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh
…Khô mục phùng xuân hoa cạnh phát
Phong xuy thiên lý phức thần hương.
(Trùng dương đến cúc vàng dưới giậu
Xuân ấm về oanh náo đầy cành
…Hoa rợp cành khô lúc tiết xuân
Gió đưa nghìn dặm nức hương thần)[1]
(Đáp đệ tử sắc không phàm thánh chi vấn – Viên Chiếu)
Bức tranh cảnh vật mùa xuân vui tươi đầy màu sắc gợi ra khiến cho lòng người vô cùng hân hoan. Cách quan sát khá tỉ mỉ từng hành động, trạng thái của chim chóc, cỏ cây, hoa lá, gió hương gợi lên một tâm thái thoải mái hướng về thiên nhiên, hướng về sự vận động của đất trời vạn vật của thiền gia. Từ đó, ta có thể cảm nhận được sự chan hòa gắn bó giữa con người với thiên nhiên, với cảnh vật chốn hoang sơ núi rừng. Cũng trong dòng mạch quan sát diễn biến của thiên nhiên vào mùa xuân, ta thấy cất lên một tiếng thơ khác:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai…
(Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười)[2]
(Cáo tật thị chúng – Mãn Giác)
Hai câu thơ của thiền sư Mãn Giác là một sự đúc kết hết sức tự nhiên về sự vận hành của mùa xuân, khi mùa xuân đến thì trăm hoa đua sắc xinh tươi, khi mùa xuân đi thì trăm hoa rơi rụng khỏi cành. Nhưng cũng không quá khó để chúng ta nhận ra đằng sau sự đúc kết ấy có chút ngậm ngùi của con người về vòng quay vô thường của lẽ sinh diệt. Xuân đi rồi xuân đến, hoa nở rồi hoa rụng, đó là quy luật vận hành của tự nhiên chi phối toàn bộ cuộc sống trên cõi đời này.
Cái nhìn mùa xuân cũng như bao mùa tiết khác là một thời điểm trong vòng xoáy vô thường mênh mông bất tận của thời gian còn chi phối tiếng thơ của nhiều thiền gia khác, trong đó có hai thiền sư Vạn Hạnh và Giác Hải:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Thân như bóng chớp có rồi không
Vạn vật xuân tươi thu não nùng
Vận đời thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy ngọn cỏ giọt sương đông) [3]
(Thị đệ tử – Vạn Hạnh)
Hay:
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kì
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
(Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kì
Hoa bướm vốn dĩ đều hư ảo
Bận tâm hoa bướm để làm chi) [4]
(Hoa điệp – Giác Hải)
Cả hai nhà thơ đều nói về mùa xuân trong sự tương tác mạnh mẽ với tự nhiên và cảnh vật, mùa xuân khiến cho cây cối tốt tươi, hoa bướm quen với nhịp sinh học của thời tiết nên luôn hội ngộ đúng mỗi độ xuân sang. Mùa xuân nằm trong chuỗi chuyển biến vô tận của trời đất. Xuân ở đây không đơn thuần chỉ mang nghĩa thời gian mà còn đại diện cho sự vô thường của cuộc đời giả hiệp. Hai bài thơ giống nhau ở chỗ một mặt nói về sự vận động của mùa xuân trong vòng chảy vô thường, một mặt cất lên tiếng nói tự đáy lòng thiền gia là khuyên nhủ người đời đừng lo lắng sợ hãi, đừng quá giữ chặt mọi ý niệm trong lòng vì tất cả đều là huyễn ảo. Từ mùa xuân tươi đẹp của đất trời, các thiền gia nhận ra sự giả tạm ngắn ngủi trong vòng biến đổi bất tận đó, xuân có đến rồi có đi, đời người cũng có thịnh có suy, hiểu như vậy sẽ không thấy âu lo buồn khổ nữa.
Nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời, người ta nên phải làm gì? Bài thơ sau của thiền sư Hiện Quang nêu lên tâm thái sống an nhàn tự tại của bản thân, đó có thể xem là cách xử sự mà những người tu thiền muốn thoát ly trần tục nên học tập:
Ná dĩ Hứa Do đức
Hà tri thế kỉ xuân
Vô vi cư khoáng dã
Tiêu dao tự tại nhân.
(Làm sao như đức Hứa Do
Để tâm chi đã mấy mùa xuân sang
Vô vi sống cảnh ruộng làng
Tiêu dao tự tại an nhàn tấm thân) [5]
(Đáp tăng vấn – Hiện Quang)
Hứa Do là nhân vật nổi tiếng không màng vinh hoa phú quý trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, ông từ chối ngỏ ý muốn truyền ngôi của vua Nghiêu để lẩn vào rừng sâu sống cảnh an nhàn. Khi vua cho đại thần vào tìm để phong làm huyện quan thì ông chạy ra suối rửa tai vì đã trót nghe những lời vinh hoa phú quý dơ bẩn. Bài thơ này đề cao cách sống an nhàn, thanh thản nơi đồng quê, quên hết mọi chuyện đời, thậm chí quên cả bao mùa xuân đã trôi, quên hết tuổi tác của bản thân mình, đồng nghĩa với việc buông xả đi cái bản ngã để sống tiêu dao tự tại với trời đất.
Đồngcảm với quan điểm trên, Tuệ Trung thượng sĩ cũng kêu gọi mọi người buông xả cái nhìn chấp trước của bản thân, sống thuận theo lẽ vận hành sinh diệt của tự nhiên, giống như mùa xuân đến trăm loài sinh sôi nảy nở, đừng để cái nhìn nhị kiến chi phối dẫn dắt, nếu thế sẽ dần đi xa khỏi bản thể tự nhiên thanh tịnh vốn có:
Khiết thảo dữ khiết nhục
Chủng sinh các sở thực
Xuân lai bách thảo sinh
Hà xứ kiến tội phúc?
(Ăn thịt và ăn cỏ
Từng loại có khác nhau
Xuân đến cỏ tươi tốt
Tội phúc thấy đâu nào)
(Trì giới kiêm nhẫn nhục – Tuệ Trung)
Mùa xuân đến làm cho vạn vật tốt tươi, trăm hoa đua nở, đó là lẽ tự nhiên tất yếu vốn hết sức bình thường của cuộc đời. Cũng có một lẽ hết sức tự nhiên khác mà thiền sư khẳng định, mỗi con người có một Phật tánh hiện hữu chân thật trong sáng và huyền diệu, siêu việt cả thời gian và không gian:
Tâm tức Phật, Phật tức tâm
Diệu chỉ minh linh đạt cổ câm
Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu
Thu đáo vô phi thu thủy thâm.
(Tâm là Phật, Phật cũng là tâm
Sáng trong linh diệu đã bao năm
Xuân đến ắt là hoa xuân nở
Thu về đâu chẳng nước thu sâu)
(Phật tâm ca – Tuệ Trung)
Nói về mùa xuân của đất trời, mỗi tác giả có một cách diễn đạt riêng nhưng tựu trung lại vẫn có nhiều điểm chung. Khung cảnh mùa xuân lặp đi lặp lại trong lời thơ của các thiền gia, mùa xuân ở đây mặc dù vẫn hết sức rộn ràng và gợi cảm với chim chóc bướm ong và hoa cỏ, nhưng mùa xuân không phải là đối tượng chính mà hầu hết các thiền sư muốn đề cập đến. Mùa xuân chỉ là một phương tiện vận dụng để nhà thơ nói lên cái nhìn về cảnh đời hư huyễn bọt bèo, về kiếp sống phù sinh trôi nổi đầy nghiệt ngã của con người, từ đó tác giả muốn hướng học trò nhận rõ chân diện của cuộc đời, không ngộ nhận cuộc đời là chân thật để quá theo đuổi nó mà chuốc thêm khổ não ưu phiền cho chính bản thân mình. Quan niệm đó về cuộc đời thoạt nhìn có vẻ bi quan yếm thế nhưng qua cách thể hiện của các thiền sư, chúng ta thấy thái độ của họ không âu sầu, chán chường, khổ não mà muốn vượt lên nó để sống tự tại và an vui với Phật tánh thường hằng:
Giới am bán gian khả dung tất
Ngột ngột đằng đằng tự độ nhật
Bách điểu bất lai xuân trí nhàn
Tiêu nhiên tứ bích chân vô vật.
(Nửa am nhà cỏ đủ đôi chân
Lặng lẽ qua ngày dạ lâng lâng
Dù chim chẳng đến xuân nhàn nhã
Trống trải bốn bên vui nẻo trần)
(Giới am ngâm – Trần Minh Tông)
Bốn câu thơ ngắn gọn gợi lên tâm thái an lạc, thanh nhàn của nhà sư trong cảnh thiếu thốn về vật chất. Nhà ở thì làm bằng cỏ đơn sơ nhỏ bé, bốn vách trống trải quạnh quẽ không có chi đáng giá, mùa xuân đến muôn chim cũng không buồn đến đây hát ca. Ấy vậy mà nhà thơ Trần Minh Tông, vị vua đã lui về làm thái thượng hoàng nhường ngôi cho con sau 15 năm chấp chính, lại cảm thấy an nhiên, vui vẻ, thích thú và hài lòng với hiện trạng cuộc sống đến kì lạ. Sự vui buồn của con người lúc này không còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan bên ngoài. Nhà thơ trút bỏ đi tất cả lo lắng ưu phiền về cuộc sống, niềm vui từ tâm hồn cứ ào ạt dâng lên như mạch nước ngầm không bao giờ cạn.
Đối với những thiền gia như vậy, mùa xuân luôn là thời gian họ luôn cảm thấy an nhàn, vui vẻ với cuộc sống tu hành, là không gian êm đềm lặng lẽ tương ứng với tâm thể giác ngộ an vui:
Địa tịch du đài cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm.
(Cảnh vắng đài cổ kính
Mùa xuân về chưa lâu
Núi xa gần mây phủ
Đường hoa nhá nhem màu
Muôn sự như nước chảy
Trăm năm nói với lòng
Dựa rào cầm ngang sáo
Ngực đầy bóng trăng thâu)
(Đăng Bảo Đài sơn – Trần Nhân Tông)
Con người gác qua một bên mọi vui buồn của sự đời, xem mọi việc như dòng nước chảy qua cầu không màng tới, phải trái cũng giống như những cánh hoa rụng trước sân nhà, lợi danh như những trận mưa đêm rồi cũng đến lúc tạnh, chỉ có cuộc sống thư thái hợp với lòng mình, tương ứng với bản thể thường hằng là quan trọng nhất. Nhiều thứ những tưởng vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người như danh lợi, đúng sai thì trong mắt các thiền gia, chúng nhỏ bé tầm thường không chút giá trị. Trong núi sâu không biết tháng ngày, thiền gia nhận ra bước đi của thời gian thông qua nhịp sống của vạn vật xung quanh mình, tiếng chim kêu vang lên khiến cho con người bất giác nhận ra mùa xuân đã tàn:
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
(Ý thị phi rụng theo hoa sớm
Lòng lợi danh như trận mưa đêm
Hoa sạch mưa ngừng núi vắng lặng
Xuân tàn thoáng vút một tiếng chim)
(Sơn Phòng mạn hứng, kỳ nhị – Trần Nhân Tông)
Nếu trong các bài thơ trên, mùa xuân được thể hiện với nét nghĩa biểu niệm vốn có của nó thì trong các bài thơ dưới đây, mùa xuân lại được vận dụng với nét nghĩa chuyển, từ đó thể hiện dụng ý nghệ thuật cá nhân của các tác giả. Đối với các thiền gia, không có gì vui bằng được giác ngộ tự tánh chân như, được trở về sống với bản thể thường hằng thanh tịnh. Ánh sáng của sự giác ngộ đó được nhà thơ so sánh với ánh sáng mùa xuân chiếu rọi vào hoa cỏ:
Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương linh đích khổ tương ma
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
(Lối đạo thênh thang biết làm sao
Ích chi ngói đỏ sát vào nhau
Cửa nhà người khác anh đừng dựa
Một ánh xuân sang hoa đón chào)
(Thị học – Tuệ Trung)
Hai câu thơ đầu dường như muốn muốn diễn tả hình ảnh một hành giả trên con đường tầm đạo thênh thang, đâu đâu cũng mênh mông nên không biết đâu mới thật là con đường tiến bước, rồi lóng ngóng, lúng túng dẫn đến sai lầm chấp trước. Chỉ khi nào biết dựa vào chính bản thân, đi đúng con đường của mình và biết hướng vào nội tâm của mình thì chắc chắn mùa xuân sẽ tới. Sự khẳng định đó cũng đồng thời cũng đã phủ định mọi ý nghĩ dựa dẫm vào bất kì ai của người tu hành. Mùa xuân ở đây chình là mùa xuân của giác ngộ, nó sẽ ở mãi giữa cuộc đời mà không chịu sự chi phối nào của bất kì quy luật thời gian hay không gian. Chỉ có ở mùa xuân như vậy mới có một nhành mai tuyệt diệu và sáng ngời như trong thơ Mãn Giác:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng sạch
Đêm qua sân trước một nhành mai)
(Cáo tật thi chúng – Mãn Giác)
Nhành mai ở đây vẫn nở hoa xinh tươi, vẫn khoe sắc trong đêm lạnh trước sân nhà mặc cho mùa xuân đã trôi qua. Nhành mai ấy đã vượt ra khỏi sự chi phối của quy luật đời thường, bất chấp mọi sự tác động nghiệt ngã của thế giới tự nhiên. Cái đẹp của nhành mai đã đi vào lòng người, trở thành một biểu tượng bất tử khiến cho con người cảm thấy lạc quan, yêu đời. Lúc này mùa xuân không còn là mùa xuân của tự nhiên, mà đã khoác lên vai nó trách nhiệm mang đến bầu không khí giác ngộ cho con người:
Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai
Hoàng sắc mi đầu đảnh đảnh khai
…Tự đắc nhất triêu phong giải đống
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.
(Nhịp bước vào đời gót trần ai
Tóc mi khóm khóm trắng từng ngày
…Sáng mai gió thổi tan bằng giá
Đài xuân hoa cũ rỡ ràng thay)
(Nhập trần – Tuệ Trung)
Cái giây phút giác ngộ này khiến cho con người nhận ra khuôn mặt chân thật của vạn sự, không có ý niệm nào về xuân xưa hay xuân nay, không còn trần ai hay giải thoát, không còn đầu bạc hay đầu xanh. Mùa xuân vốn bao đời vẫn vậy, hoa vẫn đua thắm nở rộ những khuôn mặt cũ, núi sông vẫn chính là núi sông chứ không phải cái núi sông hư huyễn giả tạm nữa. Khi ấy, theo Tuệ Trung, con người sẽ trở lại “nhập trần”, “thõng tay vào chợ” mà không còn chút phân biệt níu kéo, không nhìn đời bằng ánh mắt “nhị kiến”, nhân ngã. Và cũng chính mùa xuân chứ không phải hình ảnh nào khác phù hợp nhất để diễn đạt tâm thái đó của con người.
Đề cập đến mùa xuân, cá biệt có trường hợp trong cùng một bài nhà thơ đã gợi nên hai hình ảnh mùa xuân với hai hàm nghĩa đối lập nhau. Sự khác biệt này không làm cho bài thơ sượng sùng, mất đi cấu tứ và ý nghĩa mà ngược lại đã chỉ ra quá trình diễn biến của nhận thức và tâm thái của người tu hành đang xuôi dòng về bến bờ giác ngộ:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
(Sắc không trẻ chưa hiểu đến nơi
Xuân về hoa nở lòng rong chơi
Chúa xuân nay đà tường tận mặt
Nệm cỏ ngồi xem cánh hồng rơi)
(Xuân vãn – Trần Nhân Tông)
Nếu mùa xuân ở câu thơ thứ hai là mùa xuân tự nhiên của đất trời với cảnh sắc tươi đẹp làm say đắm lòng người thì khuôn mặt mùa xuân trong câu thơ thứ ba lại là khuôn mặt của tự tánh, là bản lai diện mục của chính mình. Nhận ra khuôn mặt “chúa xuân” này, người ta không còn để tâm vọng động theo sắc màu bên ngoài mà quan sát sự vận động của nó với một cái tâm tỉnh ngộ, không còn vọng tưởng.
Nhìn chung, nhiều thiền gia thời Lí – Trần khi sáng tác thơ kệ thường hay liên tưởng đến mùa xuân. Xuân đã trở thành đối tượng mà họ vận dụng để diễn đạt sự suy ngẫm về cuộc đời, trải nghiệm trong quá trình tu chứng của chính bản thân mình. Có ít nhất 20 bài trong tổng số 192 bài thơ Thiền [6] thời Lí – Trần trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến mùa xuân. Mặc dù con số này chưa lớn lắm nhưng cũng đủ để chứng minh mùa xuân có sức thu hút lớn đối với tâm hồn các thiền gia. Thế nhưng, trong số các bài thơ trên, số bài miêu tả không gian thật của mùa xuân không nhiều, mà chủ yếu mùa xuân được vận dụng ở đây thường mang đặc trưng tuần hoàn, biến đổi cùng với dòng chảy vô tận của thời gian, điều này dễ khiến thiền sư cảm nhận vòng quay vô thường của cuộc đời. Cũng có thể những câu thơ này được viết lên không thông qua quá trình quan sát sự biến đổi thực tế của tự nhiên, mà là sự đúc kết từ kinh điển của Phật giáo thông qua cái nhìn của nhà sư. Quan niệm vô thường về cuộc đời, về sự giả tạm “có rồi không”, “sinh diệt” của thân người là tư tưởng hết sức phổ biến và quen thuộc của Phật giáo. Do đó, cách tư duy của thiền gia khi đối diện với mùa xuân chắc chắn ít nhiều phải chịu sự chi phối cả quan niệm đó.
Mùa xuân trong thơ Thiền Lí – Trần có khi là mùa xuân tự nhiên, có khi là một thời điểm trong vòng xoáy vô thường của thời gian, có lúc được thể hiện là bối cảnh của đời sống thường nhật an lạc thanh nhàn, cũng có lúc ẩn dụ cho đời sống giác ngộ tự tánh vi diệu của con người. Thơ Thiền mang vẻ đẹp lí trí và do đó mùa xuân cũng được phủ lên lớp áo triết lí mới mẻ. Đây có thể xem là một đóng góp rất riêng của thơ Thiền Lí – Trần cho bộ phận thơ ca nói chung viết về đề tài mùa xuân.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lí- Trần – diện mạo và đặc điểm, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2002.
2. Đoàn Thị Thu Vân, Thơ thiền Lí- Trần, NXB Văn nghệ TP HCM, 1998.
[1] Ngô Tất Tố dịch thơ.
[2] Ngô Tất Tố dịch thơ.
[3] Ngô Tất Tố dịch thơ, tác giả có sửa chữa từ ngữ ở ba câu cuối.
[4] Ngô Tất Tố dịch thơ, tác giả có sửa chữa từ ngữ ở hai câu cuối.
[5] Từ bài này trở đi tác giả tự dịch thơ.
[6] Số liệu do PGS. TS Đoàn Thị Thu Vân chỉ ra trong công trình Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam thế kỉ XI đến thế kỉ XIV.
 Nguyễn Thanh Phong

1 nhận xét:

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...