Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Tâm hồn của một vị tướng tài đời Trần

Tâm hồn của một vị tướng tài đời Trần
Trong nền nghệ thuật thơ ca và múa dân gian dân tộc Việt Nam, những bài thơ, điệu múa của Thượng tướng Chiêu Minh Vương - Thái sư Trần Quang Khải đời Trần (1241 - 1294), con vua Trần Thái Tông (1225 - 1400) đã được ghi vào lịch sử, bởi ở đó toát lên tâm hồn cao đẹp, giàu tính nhân văn của một vị tướng tài đời Trần.  
Ông không những là một tướng tài (đứng thứ hai sau Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), đã tham gia chỉ huy quân đội trong suốt 30 năm (1258 - 1288), đánh tan ba lần những đạo quân khét tiếng của đế quốc Mông Cổ, một đội quân xâm lược tàn bạo đã lôi kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh tàn khốc và lập thành một đế quốc rộng lớn nằm vắt ngang từ bờ biển Thái Bình Dương đến bờ biển Hắc Hải. Cả châu Á và châu Âu bị chiếm đóng vì họa xâm lăng. Biết bao quốc gia dân tộc phải chịu cảnh nô lệ hoặc bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Nhưng sau khi chúng tiến đánh phía Nam, thôn tính xong triều Nam Tống (Trung Quốc), tiếp tục mở cuộc xâm lược tiến đánh nước ta, thì cả ba lần (1258, 1285, 1287-1288) đều bị tiêu diệt hàng chục vạn quân và dân ta ở Đông - bộ - đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết...
Những chiến công ấy đã làm rung động tâm hồn Thượng tướng Chiêu Minh Vương - Thái sư Trần Quang Khải, ông đã sáng tác những bài thơ, điệu múa có vị trí không nhỏ trong văn học sử - nghệ thuật Việt Nam.
Ngay từ cuối tháng 6 năm 1285 (kháng chiến lần thứ hai), sau gần hai tháng phản công mãnh liệt, quân dân ta đã tiêu diệt khoảng nửa triệu quân xâm lược Mông Cổ, đã quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Ông đã ghi vào lịch sử những cảm xúc của những chiến công chói lọi mãi mãi làm nức lòng nhân dân ta:
"Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù,
Thái bình nên gắng sức,
Non nước cũ ngàn thu!"
Ông còn là tác giả của tập thơ "Lạc Đạo" (ngày nay đã thất truyền) nhưng theo nhà sử học Phan Huy Chú, thơ ông "thanh thoát, nhàn nhã, sâu xa, lý thú". Bài thơ "Vườn Phúc Hưng" của ông thấy rõ hơn tâm hồn thanh thản nhường nào:
Phúc Hưng một khoanh nước bao quanh
Vài mẫu ruộng quê đất rộng thênh
Hết tuyết chòm mai hoa trắng xóa
Quanh mây đỉnh trúc sắc tươi xanh
Nắng lên mời khách pha trà nhấp
Mưa tạnh sai đồng giở thuốc nhanh
Báo giặc ải nam không khói lửa
Bên giường một giấc ngủ ngon lành"
Thượng tướng Chiêu Minh Vương - Thái sư Trần Quang Khải còn là một nhà sáng tác nghệ thuật. Trong đại lễ mừng chiến thắng quân Mông ngay tại kinh thành Thăng Long, ông đã sáng tác điệu múa "Bài Bông" (Dâng hoa). Điệu múa được biểu diễn tại hành cung Tức Mạc và đã được lưu truyền trong nhân dân. Tuy đã trải qua 7 thế kỷ, đến nay múa "Bài Bông" vẫn được lưu truyền vào các dịp lễ hội ở một số khu vực quanh thủ đô Hà Nội. Đặc biệt tại vùng Thiên Trường Nam Định, nơi đất tổ nhà Trần. Riêng lễ hội ở đình làng Phương Bông (nay là xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) - nơi thờ Chiêu Minh Vương (tước hiệu của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải) - trước đây cứ 4 năm thì có 1 năm làm đại lễ (Tý - Mão - Ngọ - Dậu) và có múa "Bài Bông", cả làng nghỉ việc đồng áng để tham gia lễ hội.
Theo thần phả và tục lệ của dân làng, qua các cụ cao niên nhiều thế hệ ở vùng đất Tổ nhà Trần truyền lại, thì làng Phương Bông ngày đó được ủy thác cha truyền con nối múa điệu múa "Bài Bông" từ khi còn sinh thời danh tướng Trần Quang Khải. Những ngày đó, nhân dân trong làng thường được trực tiếp lên kinh đô Thăng Long phục vụ cung đình, nên đã tổ chức một đội múa chuyên nghiệp để thường xuyên đi biểu diễn. Đội múa này được giao nhiệm vụ truyền bá múa "Bài Bông" cho khắp các vùng quê xung quanh kinh thành. Thời kỳ này làng Phương Bông như một khu nghệ thuật, đêm ngày nhộn nhịp đón tiếp các nghệ nhân dân gian từ khắp vùng Kinh Bắc, Xã Đoài... đến học múa Bài Bông.
Múa Bài Bông là một điệu múa vừa có hát, vừa có múa. Mỗi một khổ hát lại thay đổi một kiểu múa khác nhau phù hợp với ý nghĩa nội dung trình diễn. Tham gia múa hát Bài Bông phải là các cô gái được tuyển lựa chọn trong các làng, có hình dáng thon thả, vừa trẻ đẹp, vừa lao động giỏi (ngày nay nhiều nơi có cả nam giới múa hoặc đóng giả nữ múa).
Điệu múa xếp đội hình theo hàng ô vuông như xếp quân trong bàn cờ tướng. Tùy số lượng người tham gia mà xếp ít hàng hay nhiều hàng (có nhà nghiên cứu ví như đội hình dàn trận trong chiến đấu). Múa lớn xếp 64 người (8 hàng 8) gọi là "Bát giật". Múa vừa xếp 36 người (6 hàng 6) gọi là "Lục giật". Sau này cứ theo nguyên tắc nhân đôi hàng mà gọi.
Người múa mặc quần đen chít ống. Đầu đội mũ kiểu cánh sen thêu kim tuyến. Áo mặc gồm nhiều lớp, màu sắc sặc sỡ, có 8 giải lụa vắt quanh người, chia đều hai bên phải, trái. Chân đi hài thêu, mũi uốn cong như con thuyền. Trên vai mỗi người gánh 2 giỏ xếp đầy hoa hoặc 2 cây đèn giấy, trong thắp nến. Động tác múa mềm dẻo, nhịp nhàng diễn tả theo nội dung lời hát:
"Giương cung chập súng bắn cò
Bùng, con cá lặn, con le nó lội, con cò nó bay"...
Mỗi lần diễn tả lại tung những dải lụa phấp phới xòe ra xung quanh như những cánh hoa tươi bay bổng quyện quanh người. Điệu múa khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng và tình cảm tươi đẹp của con người gắn bó với cảnh vật thiên nhiên của quê hương, đất nước đã giành lại sau những tháng năm chiến tranh tàn khốc.
Đình làng thờ Thượng tướng Chiêu Minh Vương - Thái sư Trần Quang Khải còn giữ lại hai câu đối được lưu truyền lại từ thời đó:
"Phương địa ức nên lư pháp khúc
Vịnh giang thiên cổ dục linh quyền"
  Dịch nghĩa:            Muôn thủa đất thiêng còn lưu truyền khúc hát
                             Ngàn năm dòng vĩnh vẫn mãi mãi nguồn thiêng.
Trong đợt liên hoan múa cổ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/2010), điệu múa "Bài Bông" của hơn 7 thế kỷ trước, đã được các nghệ nhân thuộc huyện Phú Xuân (Hà Tây) nay thuộc Hà Nội, trình diễn trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hồ Gươm. Điệu múa đã khơi lại một thời kỳ lịch sử đầy oanh liệt trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước của ông cha xưa trên mảnh đất "ngàn năm văn hiến" và tưởng nhớ đến Thượng tướng Chiêu Minh Vương - Thái sư Trần Quang Khải, Người đã để lại những vần thơ bất hủ, những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn vinh quang của kinh đô xưa.
Múa "Bài Bông" vẫn sống trong lòng nhân dân qua nhiều thời đại, và đã được nhân dân ở nhiều vùng quê gìn giữ, gắn với lễ hội truyền thống của địa phương mình. Cũng từ đó mà ngày nay có nhiều những dị bản khác nhau, chưa thể khẳng định nguyên mẫu khi nó ra đời, kể cả phần âm nhạc, lời ca. Nhưng một số động tác múa cơ bản với những đội hình sắp xếp hàng ngang hàng dọc và kiểu cách trang phục thì vẫn mang dáng dấp của phong cách múa cung đình thời trước. Tuy thế, múa Bài Bông cho đến nay vẫn được coi như một thành tố hiển nhiên trong kho tàng múa dân gian dân tộc Việt Nam.
NSƯT Hoàng Hà
Theo http://www.vnq.edu.vn/



1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...