Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Nếu muốn trở thành Mozart ở thế kỷ XXI

Nếu muốn trở thành Mozart ở thế kỷ XXI...
Theo huyền thoại còn truyền lại tới ngày nay, khi mới 3 tuổi, nhà soạn nhạc thiên bẩm Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) đã tìm cách thể hiện lại trên piano những nốt nhạc yêu thích, rồi từ đó dần học trở thành nhà soạn nhạc dưới sự dìu dắt nghiêm khắc của cha mình. Ngày nay, nếu chỉ biết ký xướng âm (solfège) không thôi thì không đủ. Để trở thành một nhà soạn nhạc ở thế kỷ XXI, ngoài phím đàn, các Mozart tương lai còn phải biết sử dụng thành thạo phím…bàn tính. Soạn nhạc với sự trợ giúp máy tính (la composition assistée par ordinateur - CAO) trở thành một trong những kỹ năng cơ bản mà họ phải làm chủ được nếu muốn thành công trên con đường của mình. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết dưới đây của nhà phê bình âm nhạc Jean-Marc Proust có nhan đề nguyên văn tiếng Pháp là Devenir Mozart au XXIe siècle (Trở thành Mozart ở thế kỷ XXI) đăng trên báo Slate.fr.
Theo học ở trường, lớp
Trong âm nhạc, người tự học mà thành tài (autodidacte) rất hiếm và quá trình sàng lọc luôn khắc nghiệt. Những người mong muốn trở thành nhà soạn nhạc thường đã có hành trang kiến thức âm nhạc khá vững chãi khi quyết định tham gia thi tuyển vào những ngôi trường danh giá như Conservatoire national supérieur de musique de Paris (Học viện âm nhạc quốc gia cấp cao Paris - Pháp - CNSMP), Haute école de musique de Genève (Trường âm nhạc cao cấp Genève - Thụy Sĩ - HEM) hay Hochschule (Đức)…
Các cuộc tuyển chọn không hề dễ dàng. Ví dụ, tại CNSMP, trên tổng số hàng trăm thí sinh, ban giám khảo chỉ chọn ra được hơn chục người, thậm chí chỉ 2-3 người nếu thí sinh không đáp ứng đủ yêu cầu. Tiếp đó là 5 năm học tập miệt mài.
Cuối mỗi năm học, sinh viên phải trình bày một tác phẩm âm nhạc mà độ phức tạp tăng dần theo từng năm. Tác phẩm ra trường sẽ dài hơn một chút, phải bao gồm 21 loại nhạc cụ, tức tương đương với một dàn nhạc thính phòng hạng khá. Nhưng nhạc viện có phải là con đường duy nhất? Không nhất thiết, song ngôi trường là nơi các nhà soạn nhạc tương lai dễ gặp gỡ nhau, có điều kiện tiếp xúc với những nhạc cụ cao cấp nhất, tạo cho mình những mối quan hệ chuyên môn… Ngoài nhạc viện, việc theo học các khóa mùa hè hay ở các cơ sở âm nhạc khác (viện nghiên cứu, dàn nhạc…) cũng giúp cho người học “cọ xát” với thực tế, học hỏi những nhà soạn nhạc có kinh nghiệm… 
Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) lúc 6 tuổi
Khi máy tính là “nhạc cụ”
Tất cả các sinh viên theo học ngành soạn nhạc đều phải học kỹ môn tin học âm nhạc (informatique musicale), “từ 8 đến 12 tiết mỗi tuần, và thời lượng môn này không ngừng tăng lên trong vòng 20 năm qua” – theo lời một giảng viên của CNSMP. Viện nghiên cứu âm thanh/âm nhạc Paris, nằm gần Trung tâm văn hóa Pompidou, có chức năng nghiên cứu về sự sáng tạo âm nhạc đương đại, với khoảng 20 sinh viên theo học.
Mới đây, chúng tôi có dịp chứng kiến tiết học môn “không gian hóa âm thanh” (hay “phát âm thanh vào không gian” - spatialisation sonore) của họ trước một màn hình máy tính rộng. Người “ngoại đạo” có lẽ chẳng hiểu mấy những gì thầy giáo nói. Ví dụ như câu “la directivité mesurée à 1.600 hertz pour trois doigtés de hautbois” (tạm dịch: “tính chủ đạo của âm thanh có tần số 1.600 héc của 3 nốt kèn ôboi”). Với hình ảnh hay âm thanh minh họa của máy tính, các sinh viên học cách “phân bổ” âm thanh trong một khán phòng, cách tạo nên những hiệu ứng âm thanh cho khán giả…
Có thể nói, tin học đóng vai trò quan trọng trong âm nhạc đương đại. Các môn học tin học là một phần cơ bản của quá trình đào tạo các nhà soạn nhạc ngày nay, là kiến thức không thể thiếu, “giúp thành hình ý tưởng âm nhạc, làm chủ chất liệu âm thanh của chính mình”. Máy tính còn giúp sáng tạo, “chia nhỏ”, “làm méo”, tổng hợp hay thử nghiệm… những âm thanh mới. Sau đào tạo, các nhà soạn nhạc phải biết sử dụng công nghệ và công cụ tin học trong quá trình sáng tác.
Nơi làm việc của một nhà soạn nhạc ngày nay chính là studio nơi anh ta có thể ghi âm, trộn âm, ráp âm…,khác xa với khung cảnh sáng tác “nên thơ” của Ludwig Van Beethoven (1770-1827) ngày xưa. Với các sinh viên thế hệ gần đây, vốn quen thuộc với máy tính, việc này không gây khó khăn gì đặc biệt. Hơn nữa, môn tin học luôn được giảng dạy gắn liền với âm nhạc, “máy tính được giảng dạy như một nhạc cụ vậy”. 
Ludwig Van Beethoven (1770-1827)
Trở thành nhà soạn nhạc
Khi tấm bằng tốt nghiệp đã nằm trong túi, những gì khó khăn nhất mới bắt đầu. Bởi chỉ học thôi không đủ. Cũng như trong mọi lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác, có người thành công, có người chuyển nghề. “Mạng lưới” quan hệ đóng vai trò quan trọng. Ở trường, nhà soạn nhạc không chỉ được gặp các “bậc tiền bối”, họ còn được làm quen với thế hệ nhà soạn nhạc “đàn em”, với các chỉ huy dàn nhạc, các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ tương lai… tất cả đều ở trình độ chuyên môn cao, trong môi trường quốc tế, là điều rất hữu ích đối với họ trong sự nghiệp sau này.
Hiếm người sống được chỉ hoàn toàn bằng nghề. Một bản nhạc dành cho 15 nhạc cụ cần tới 7-8 tháng làm việc, được trả từ 5.000 tới 10.000 euro, để được biểu diễn 5 hay 6 lần. Vì thế, hầu hết các nhà soạn nhạc đều làm thêm công việc khác, chủ yếu là giảng dạy, đôi khi biểu diễn, làm nhạc trưởng, viết nhạc cho các bộ phim… “Đây là một nghề rất ‘cô đơn’, ngoài sự dũng cảm còn đòi hỏi sự dấn thân, tự hẹn với lòng mình mạnh mẽ. Nếu mỗi sớm mai thức dậy ta đều muốn viết nên một giai điệu, ấy là ta sinh ra để làm nhà soạn nhạc. Để sống được bằng nghề, cần có thời gian. Tôi đã cần tới 12 năm, từ từ, ‘đơn đặt hàng’ sẽ tới” – một giáo sư Trường Đại học Toulouse cho biết. Ông chọn cách đi hướng tới công chúng. Các nhà soạn nhạc ngày nay muốn được công chúng nghe, muốn tác phẩm của mình đến được với lượng khán giả rộng rãi nhất có thể. Vì thế việc pha trộn các dòng nhạc diễn ra nhiều hơn. Nhạc đương đại cũng xâm nhập vào nhiều lĩnh vực văn hóa khác.
Valentin Villenave tốt nghiệp ngành piano cổ điển ở một nhạc viện nhỏ, luôn tự hỏi “làm sao người ta có thể trở thành nhà soạn nhạc?”. Anh kể: “Tôi vốn là ‘fan’ truyện tranh của Lewis Trondheim (họa sĩ, tác giả người Pháp). Ngày nọ, tôi gửi cho ông một bức thư điện tử đề nghị hợp tác. Tôi viết: ‘Năm nay tôi 20 tuổi, chưa làm nên việc gì trong cuộc đời. Ông có muốn làm một vở opéra với tôi không?’. Và ông ấy đã trả lời là: - Có!”.
Không lâu sau, cuốn sách của Trondheim giành giải thưởng lớn ở Liên hoan truyện tranh Angoulême. Thêm một bức thư điện tử khác gửi tới Nhà hát nhạc vũ kịch Montpellier. Câu trả lời là “Chúng ta làm!”. Vở opéra Affaire étrangère (Chuyện lạ lùng) đã ra đời như thế, sau 2 bức e-mail. Tác giả là một nhạc sĩ trẻ 21 tuổi, chưa từng có một tác phẩm nào ra mắt công chúng. “Có người sau khi tải về bản nhạc đã gửi thư cho tôi. Điều này làm tôi rất vui. (Bởi) tôi đã vui sướng biết bao nếu tôi có thể viết thư được cho Beethoven!”…

Ninh-Hà Nguyễn-Quốc

Theo http://honvietquochoc.com.vn/


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...