Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Hoa rơi hữu ý nước chảy vô tình

Hoa rơi hữu ý nước chảy vô tình
Nhân gian tự hữu hoa như vũ
Thiếp thị hoa trung đệ kỷ nhân
      (Công Tôn Lục Ngạn)
     Cuộc đời vô tình, tạo hóa khéo trêu ngươi, có chăng trách hữu duyên mà vô phận. Bởi lẽ tình yêu và thân phận mãi là câu hỏi trên cõi nhân gian. Phần nhiều là xót xa, vô vọng, như cánh hoa rơi nổi trôi trong dòng nước vô tình.
Đâu có nhiều mối duyên nợ kỳ lạ như "thiên ý" trong cuộc đời.
Tích xưa kể rằng: Đời nhà Đường có chàng thư sinh tên Vô Hựu một hôm lang thang thơ thẩn bên dòng nước Bích Câu. Chợt chàng bắt gặp một chiếc lá đỏ dập dềnh trôi xuôi như vương vấn, chờ đợi chàng lãng tử. Chàng vớt chiếc lá lên xem thì thấy trong lá có đề thơ: 
"Lưu thuỷ hà thái cấp
Cung trung tân nhiệt nhân
Ân cần tạ hồng diệp
Hảo khư đảo nhân gian"
             Tạm dịch:
 Nước chảy sao mà vội
Cung sâu cả buổi nhàn
Ân cần khuyên lá thắm
Đi mãi tới nhân gian…
    Những lời thơ như tiếng lòng thổn thức của một cung nữ sống trong cô đơn, buồn tẻ khiến tâm hồn chàng thi sĩ rung lên nỗi đồng cảm. Chàng mang chiếc lá đỏ về cất giữ như một người bạn tri âm.
    Nguyên dòng nước đó chảy ra từ cung vua, Vô Hựu cảm khái cũng lấy một chiếc lá đỏ đề thơ họa lại rồi lên thượng nguồn dòng nước thả xuống. Như một lời cảm thông, như một sự khắc khoải, vừa chờ đợi, vừa hy vọng... 
Tằng văn diệp thượng đề hồng oán,
Diệp thượng đề thi ký dữ kỳ?
                                 Tạm dịch:
Đã nghe lá thắm đề thơ oán
Trên lá đề thơ định gởi ai?
  Kỳ lạ thay, hay hữu duyên thay, cung nhân tên Hàn Thuý Tần là người thả chiếc lá đó lại bắt được chiếc lá đề thơ của Vu Hựu. Nàng như được sưởi ấm cõi lòng với người bạn tri kỷ không biết mặt biết tên.
   Vài năm sau, nhà vua thải ra 3000 cung nữ, trong đó có Hàn Thúy Tần (Hàn Thị). Hàn Thị là bà con cùng họ với Hàn Vinh đứng làm mối mai cho nàng kết duyên với Vu Hựu. Hai người nên duyên mà cũng không hề biết chuyện lá đỏ đề thơ. Một hôm vô tình Vô Hựu tìm thấy chiếc lá đề thơ của mình cất trong rương của vợ và mới biết được nỗi lòng của người cung nữ đa tình, tài hoa khi xưa.   
Hàn Thị cảm súc tâm tư làm bài thi:
Nhứt liên giai cú tùy lưu thủy,
Thập tải ưu tư mãn tố hoài.
Kim nhựt khước thành lom phụng hữu,
Phương tri hồng diệp thị lương môi.
 Tạm dịch:
Một đôi thi cú theo dòng nước,
Mười mấy xuân thu nhớ dẫy đầy.
Mừng bấy ngày nay loan sánh phụng,
Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai.
   Mối tình "lá thắm đề thơ" đã trở thành điển tích văn học diễn tả mối nhân duyên trời định.
  Nhưng cuộc đời đâu hữu ý, tình người đâu luôn gặp nhân duyên?
Lạc hoa hữu ý, lưu thủy vô tình  
    Cánh hoa rơi in bóng xuống dòng nước nhưng nước đâu có lưu tâm ghi lại bóng hình. Nước thật vô tình cuốn hoa theo dòng trôi, trôi đi, xa mãi. Cuộc đời cũng vậy, mọi chuyện rồi cũng như cánh hoa trôi theo dòng nước, rồi cũng trôi xa. Cái tình của cánh hoa sao lưu luyến, cái vô tình của dòng nước sao thờ ơ.
    Có những thứ ta chẳng mong đợi thì lại đến. Có những thứ thì với mãi mà vẫn xa tầm tay. Mới hay tình cảm không bao giờ được cho là đủ, thân phận không bao giờ được xem là tròn.
Hữu tâm tài hoa hoa bất khai,
Vô tâm tháp liễu liễu thành âm 
                                 Tạm dịch:
Có ý trồng hoa, hoa chẳng nở
Vô tình gieo liễu, liễu xanh um.
     Chẳng phải thuyết giáo nhà Phật đã dạy sung sướng hay khổ đau đều do chúng sinh tự nhận thấy đó sao. Cho là đủ thì là đủ, cảm thấy khuyết thì là khuyết. Và nhân duyên, người ta vẫn cho là trời định hết nhưng phần lớn đều do lòng người cả. Có tình yêu, có đam mê, con người vẫn tự tạo cho mình những gặp gỡ mà nên duyên nên phận đó thôi.
Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy
Lưu thủy vô tình luyến lạc hoa...
                               Tạm dịch:
Hoa rơi có ý theo nước chảy
Nước chảy vô tình cuốn hoa trôi.
Chú thích: 
Hình ảnh hoa rơi nói chung trôi theo dòng nước chảy là một hình ảnh rất trữ tình, có tính cách ước lệ, rất phổ biến trong văn chương bác học cổ điển Trung Hoa.
   Thí dụ như hình ảnh "hoa trôi theo dòng nước" theo ý câu mở đầu (Phá đề) của bài Xuân Tịch Lữ Hoài (Tình lữ thứ đêm xuân) của Thôi Đồ: "Thủy hoa lưu tạ lưỡng vô tình" (nước chảy, hoa tàn, cả hai cùng vô tình). 
   Còn theo sách “Thành ngữ Điển cố đại toàn" thì xuất xứ hình ảnh này là "Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy. Lưu thủy vô tình luyến lạc hoa" (Hoa rơi có ý theo nước chảy. Nước chảy vô tình cuốn hoa trôi) do Sỹ Khuê thiền sư ở Trường Túc am tại Ôn Châu (Trung Quốc) viết, chép trong Tục Truyền Đăng Lục.
  Trần Tuấn Cường
Theo http://muaxuanhanoi.blogspot.com/

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...