Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Với "Lòng người mênh mang"

Với "Lòng người mênh mang"
Phố sách Đinh Lễ trưa cuối năm vắng vẻ đối lập với cảnh chen chúc bán mua chật chội của những phố chợ Tết Hà Nội, tôi cũng chỉ tạt vội để mua cho được cuốn “Lòng người mênh mang” như lời hứa với người bạn mới quen. Cầm cuốn sách của tác giả Hoàng Hồng Minh trên tay, tôi khấp khởi mở xem bìa 2, mong tìm thấy chút ít thông tin về người bạn mới. Lạ lùng, trong những dòng lẽ ra phải rõ ràng thân thế nhất, tác giả lại lánh mình trong một diễn đạt giàu hình tượng nhưng rất kiệm thông tin. Đọc sang bìa 4, thấy cái lưu ý: “đọc sách là một cuộc phiêu lưu. Nên mang theo rất ít hành trang vốn có của mình khi ra đi…”, mới vỡ lẽ ra rằng anh muốn tối giản bản thân để giảm tải hành trang cho độc giả khi đọc sách. Một người viết nghĩ nhiều về người đọc, đó là điều đầu tiên tôi nghĩ về tác giả HOÀNG Hồng-Minh, ngay khi đọc vội mấy trang bìa cuốn sách giữa phố Đinh Lễ vắng người trưa cuối năm hôm đó.
“Lòng người mênh mang” là cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong năm mới, giữa tiết xuân thì của trời đất. Nghĩ đến lời người viết dặn, tôi chỉ mang túi ba gang rỗng và cái đức khát chữ đã sẵn có từ thuở mới học i tờ. Thơ thới đọc, thơ thới vui, thơ thới học và thơ thới mang về ắp đẫy túi ba gang. 
Người viết có cái khéo buộc người đọc phải rũ bỏ nợ đời để đọc sách của mình một cách thật nhẩn nha, kiên nhẫn. Mỗi chữ là một chú tâm, mỗi câu là một tâm tình. Cả cuốn sách mấy trăm trang cứ thế thành ra một tay nải nặng trĩu của nả. 
Dù cuốn sách kết cấu theo kiểu nhiều mẩu nhỏ nối móc với nhau, mà như tác giả có 
giới thiệu rằng nó có nhiều “cánh cửa”, nhưng độc giả không vì thế mà muốn gập sách lại cứ mỗi lần “khép cửa”, bởi cả cuốn sách là một dòng sông suy tưởng liền mạch. Người ưa tìm tòi, thích phiêu lưu thì không nỡ nào mà lỡ nhịp với con sông bình yên mà dào dạt ấy, dẫu chỉ bởi một cơn buồn ngủ tự nhiên đến giữa trưa xuân. 
Người viết dẫn tôi đi một mạch từ thượng nguồn cho đến hạ lưu, qua từng cánh cửa.
bằng một lối viết gãy gọn, chăm chú vào cả ý tứ và ngôn từ. Những mẩu viết ngắn được gợi lên từ những chi tiết đời thường, từ những tiểu tiết dễ bị bỏ qua lại trĩu nặng ngẫm ngợi. Tôi cho rằng anh cố tình biến điệu ngôn ngữ, khúc khuỷu hoá cách diễn đạt để níu chân độc giả, buộc họ phải vấp, phải dừng lại mà ngẫm ngợi cùng anh. Giấu trong những “biến sắc” ngôn từ, những chuyển điệu biểu đạt ấy, lại là một cái cười tủm rất duyên, khó cưỡng mắt tìm chữ mà đọc tiếp. 
Trên tất cả mọi ý nhị, duyên dáng ấy là một tinh thần sống lành mạnh. Người viết không chủ viết cho riêng mình mà luôn bộc bạch cái mỏi mong được sẻ chia, tâm tình với bạn đọc. Câu chữ nào cũng như có mắt có môi, khi thì trầm ngâm thinh lặng, khi thì mơ ước xa xăm. Đoạn văn nào cũng có nhịp điệu, tiết tấu, khi thì hối giục cấp kì, khi thì nhẩn nha thủng thỉnh. Cái quý nhất là tác giả tự bộc lộ là một người ưa hiện thực hoá các giấc mơ, bắt đầu từ giấc mơ viết lại họ tên sao cho khoa học, dễ quản lí. “Lòng người mênh mang” là một tập hợp những giấc mơ mà bằng những nỗ lực cá nhân của người viết, dường như giấc mơ nào cũng có cửa để thành hiện thực. 
Một hiện thực rờ rỡ như chính cái tên tác giả được viết theo phương cách do chính tác giả đề xuất: Hoàng Hồng Minh.
Thế rồi, dù tác giả đã cố tình giấu nhẹm mình đi trong mấy lời tự giới thiệu ở bìa 2 thì người đọc vẫn cứ mường tượng ra một người không trẻ cũng không già, cứ vừa đi vừa mỉm cười dẫn chuyện.
Gập cuốn sách lại rồi, tôi chợt hiểu vì sao cánh cửa đầu tiên của cuốn sách lại mang tên “Mỉm cười”. Không cần soi gương, tôi tự biết tôi đang cười mỉm. Cũng như không cần giáp mặt, tôi biết người viết đang cười mỉm với tôi qua từng trang sách.
Nguyễn Thị Thanh Lưu


1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...